Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Nhìn lại 200 năm nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều ở Việt Nam

Nhìn lại 200 năm nghiên cứu
ngôn ngữ Truyện Kiều ở Việt Nam

Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du ngay từ khi ra đời đã trở thành sự kiện lớn trong văn học Việt Nam, sự kiện lớn của tiếng Việt. Mọi người nhất trí xác nhận trình độ văn chương Truyện Kiều là tuyệt tác, là bằng chứng của tiếng Việt: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh). Truyện Kiều là tuyệt đỉnh, cái phần ngang thì họa may, cái phần hơn thì không có nữa (Nguyễn Tường Tam). Sau này có người gọi Nguyễn Du là Pushkin của Việt Nam, ngụ ý rằng ông là đỉnh cao, tập đại thành của tiếng Việt. Chế Lan viết viết: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Truyện Kiều là cái mốc đánh dấu sự hình thành, chín muồi của tiếng Việt văn học. Giá trị kết tinh những tinh hoa tiếng Việt đã khiến cho Truyện Kiều trở thành một đối tượng để nghiên cứu tiếng Việt trong suốt hơn 200 năm qua.
Chúng ta biết rằng, Truyện Kiều tuy viết bằng tiếng Việt, nhưng là một áng truyện thơ, lời văn Truyện Kiều là lời thơ, do đó ngôn ngữ Truyện Kiều là ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ nghệ thuật, không phải là ngôn ngữ tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Có thể nói tiếng Việt như là lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt phần nhiều đã nằm ngoài Truyện Kiều. Tiếng Việt đã vào Truyện Kiều thì đã là tiếng Việt nghệ thuật, là tiếng thơ. Do đó đem truyện Kiều làm tài liệu dạy tiếng Việt có phần không hợp. Tôi nhớ thời tôi học ngữ pháp tiếng Việt năm đầu cấp 2, ngữ Pháp Nguyễn Lân hồi đó toàn dùng thơ Kiều làm ví dụ để phân tích ngữ pháp tiếng Việt. Các nhà ngữ học cho biết ở thời Nguyễn Du các hình thức ngữ pháp tiếng Việt chưa phát triển hoàn thiện, cách vận dụng như thế bất cập đối với dạy tiếng Việt hiện đại, sau người ta không sử dụng các ví dụ như thế nữa.
Có thể nghiên cứu tiếng Việt trong Truyện Kiều, đồng thời có thể nghiên cứu ngôn ngữ thơ Việt Nam trong Truyện Kiều. Các nhà ngữ học vẫn có cách để khai thác các phương diện tiếng Việt ở trong ấy. Chẳng hạn nhà ngữ học Đào Thản, viện ngôn ngữ học, đã thống kê tổng số từ tiếng Việt trong Truyện Kiều  là 3.412 từ, trong khi đó Quốc âm thi tập là 2.215 từ, Lục Vân Tiên là 2.499 từ, có thể nói từ ngữ Truyện Kiều phong phú hơn. Từ Hán Việt trong Truyện là 1.310 từ, chiếm 35% tổng số từ được dùng. Như vậy là thấp hơn số phần trăm từ Hán Việt trong tiếng Việt thường được nói đến là 60%. Theo thống kê của nhóm học giả Viện ngôn ngữ trong công trình mới đây thì tỷ lệ từ Hán Việt trong tiếng Việt cũng là trên 35, 15%, như vậy tỉ lệ % ở Truyện Kiều bằng với tiếng Việt hiện đại. Các nhà Việt ngữ còn có nhiều bình diện nghiên cứu như cú pháp Truyện Kiều, thành ngữ, tục ngữ, từ láy, từ cổ, các vấn đề về lịch sử tiếng Việt, so sánh tiếng Việt trong truyện và tiếng Việt hiện đại. Xem các bài nghiên cứu của Hoàng Tuệ, Phan Ngọc, Đào Thản và nhiều tác giả khác. Việc giải thích từ ngữ cũng cần sự tham gia của các nhà ngữ học, ví dụ từ trăm năm trong câu Trăm năm trong cõi người ta. Các ông Hoàng Tuệ, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn…
Một phương diện khác còn khá ngổn ngang của tiếng Việt trong Truyện Kiều là nghiên cứu chữ Nôm và cách phiên âm cũng như cách đọc và từ ngữ cổ tiếng Việt, thuộc lịch sử tiếng Việt. Phương diện này có các nhà nghiên cứu như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quảng Tuân, An Chi, Nguyễn Khắc Bảo và các vị chuyên gia khác.
Phương diện đặc thù là nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật của Truyện Kiều. Nhìn lại lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ thơ tiếng Việt trong Truyện Kiều, có thể nhận thấy có ba giai đoạn. Một là từ đầu thế kỷ XIX cho đến nửa đầu thế kỷ XX, hứng thú chủ yếu là nghiên cứu ngôn ngữ văn chương Truyện Kiều theo lối câu hay từ đắt, lời văn tả tình, tả cảnh trong truyện. Giai đoạn nửa sau thế kỷ XX, từ 1945 đến 1980 ngôn ngữ Truyện Kiều được nghiên cứu như là một thành tố của cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Giai đoạn từ 1985 đến nửa đầu thế kỷ XI, ngôn ngữ Truyện Kiều được nghiên cứu theo lý thuyết phong cách học, thi pháp học, tự sự học, tu từ học và lý thuyết biểu tượng, ký hiệu.
Trong giai đoạn thứ nhất, các nhà nghiên cứu được hấp thu các tri thức văn học cổ điển, đã nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều theo hai hướng: qua các từ hay, từ đắt, từ có thần, từ linh diệu và chú thích giải nghĩa từ khó, điển cố. Trước hết các nhà phiên âm chú giải như Trương Vĩnh Ký, Kiều Oánh Mậu, Chiêm Vân Thị, Tản Đà, Bùi Kỷ… Tiếp theo các tác giả như Nguyễn Tường Tam, Vũ Đình Long, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Lê Văn Hòe, Tản Đà, Hoài Thanh, Xuân Diệu… đã phát hiện nhiều từ ngữ hay và đắt, ví như từ cậy (Cậy em, em có chịu lời), từ thoắt (Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương), chữ tót (Ghế trên ngồi tót sỗ sàng), lờn lợt (Thoắt trong lờn lợt màu da), chữ tốc trong câu Tú Bà tốc thẳng đến nơi)… Rồi những từ tả cảnh, tả tình, từ đối thoại… Có thể nói cho đến nay hầu hết những từ ngữ được sử dụng tài tình hầu như đã được phát hiện và phân tích kỹ càng. Các từ ấy đã cho thấy trình độ bậc thầy của Nguyễn Du trong sử dụng tiếng Việt, vừa mới lạ, gây ấn tượng, vừa chính xác, vừa có sức khêu gợi trong việc miêu tả đối tượng, vừa thể hiện tâm lý, tâm trạng nhân vật hay tâm lý của người kể chuyện (và cả người đọc) khi nói đến một sự vật, con người, tình huống. Qua các ví dụ sơ lược ta cũng thấy Nguyễn Du hoàn toàn làm chủ từ ngữ trong việc sử dụng tiếng Việt. Các khúc ngâm, truyện Hoa tiên đều rất hay, tuy cũng có chữ hay nhưng ít hơn nhiều, và nói chung tiếng Việt trong các truyện Nôm khác chưa đạt đến trình độ trau chuốt, gãy gọn, súc tích như Truyện Kiều. Có thể nói giai đoạn nghiên cứu này của tiền nhân có thành tựu và ý nghĩa cực kỳ to lớn, chính nhờ các học giả mà Truyện Kiều được chú thích, giải nghĩa khá kỹ lưỡng, tường tận, giúp cho người đọc hiện đại thâm nhập được vào tác phẩm vĩ đại của thời đại trước, hiểu được cái hay cái đẹp của một kiệt tác.
Giai đoạn hai bắt đầu từ sau năm 1954 cho đến trước 1975 và kéo dài đến trước năm 1980, ở miền Bắc tiếp thu lý luận văn học mới, ở miền Nam cũng tiếp nhận lý thuyết phương Tây, cách nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều có đổi khác.
Ở miền Bắc lý thuyết phản ánh Mác xít được du nhập, ngôn ngữ thuộc về nhân dân, ngôn ngữ phản ánh đặc điểm nhân vật, địa vị xã hội, tâm lý, lập trường…Theo đó, các học giả Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc, ĐặngThanh Lê đã nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều trong các chuyên luận của mình chủ yếu trên bình diện phương pháp sáng tác. Lê Đình Kỵ nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều trong yêu cầu điển hình hóa nhân vật theo nguyên tắc điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa (377-379, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, KHXH, 1970). Ông nói đến một “chủ nghĩa hiện thực trực tiếp với các nhân vật lấy thẳng từ đời sống” (thế thì đó là chủ nghĩa tự nhiên rồi còn gì?). Ông nói đến chuyện Nguyễn Du không lùi bước trước một sự thật nào… nhưng ông vẫn nghiên cứu các ràng buộc của mĩ học phong kiến. Lê Đình Kỵ thật ra vẫn không nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ, mà thiên về phương pháp sáng tác một cách có phần cứng nhắc. Nguyễn Lộc trong giáo trình văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Nxb Đại học và THCN, Hà  Nội, 1978, nghiên cứu ngôn ngữ nhân vật của Truyện Kiều, chỉ tính chất cách điệu, ước lệ của ngôn ngữ, tức là tính kiểu cách trong nói năng, xưng gọi, dùng điển cố, trạng trọng đối với nhân vật chính diện. đồng thời có ngôn ngữ hiện thực của nhân vật phản diện, ngôn ngữ nhân vật Kiều thay đổi theo tiến trình số phận. khi mới xuất hiện thì ngôn ngữ tao nhã, khi cần đốp chát ở lầu xanh nàng cũng đốp chát không kém gì đối với Sở Khanh và với Hoạn Thư ở màn Báo oán. Ngôn ngữ nhân vật phù hợp với tính cách nhân vật. Tú Bà, Mã Giám sinh, Từ Hải, Kiều, Thúc Sinh… Nguyễn Lộc cũng phân tích quan hệ của từ thuần Việt và từ Hán Việt trong truyện. Càng là nhân vật lý tưởng, ngôn ngữ Hán Việt càng nhiều, càng gần với hiện thực ngôn ngữ nhân vật càng thuần Việt. Nguyễn Lộc cũng không thoát khỏi sự lôi cuốn về phương pháp sáng tác. Đặng Thanh Lê trong công trình Truyện Kiều và thể loại Truyện Nôm (NXB KHXH, 1979), có vẻ như lần đầu phân tích Truyện Kiều theo góc độ thể loại. Ngôn ngữ Truyện Kiều ở đây chỉ được xem xét trong phạm vi ngôn ngữ nhân vật, cụ thể là lời thoại đối thoại và độc thoại. Tác giả lưu ý đến tính cá thể hóa của ngôn ngữ, thể hiện được tính cách và nhân phẩm của nhân vật. Đặc biệt Đặng Thanh Lê nhấn mạnh đến ngôn ngữ độc thoại trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Bà khẳng định trong ngôn ngữ nhân vật có loại ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ đời sống, nhưng không phải chủ nghĩa tự nhiên. Ý này có vẻ như muốn tranh cãi với Nguyễn Lộc. Thật ra câu nói của Kiều: “Vợ chàng quỷ quái tinh ma, Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau, Kiến bò miệng chén chưa lâu, Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.” vẫn là ngôn ngữ nghệ thuật, theo một dạng khác. Bà cũng theo nhà ngữ học Đào Thản, khẳng định tính nhân dân của ngôn ngữ nhân vật của truyện, vì trong đó có ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Theo chúng tôi, phạm trù tính nhân dân nên giành để nghiên cứu toàn bộ tác phẩm hơn là nghiên cứu từng bộ phận nhỏ của tác phẩm. Truyện Kiều sử dụng ngôn ngữ độc thoại bởi ông miêu tả con người cảm nghĩ. Nhiều đoạn độc thoại có giá trị như bài thơ trữ tình hoàn chỉnh (tr. 256). Có thể nhận xét chung là các tác giả thời kỳ này bị trói buộc vào quan niệm phản ánh hiện thực, chưa có quan niệm cụ thể về nội dung của vấn đề ngôn ngữ tác phẩm, thường thu hẹp nó vào ngôn ngữ nhân vật, bỏ qua ngôn ngữ trần thuật, đồng thời nghiên cứu các vấn đề to lớn không thuộc phạm vi ngôn ngữ nhân vật. Ở miền Nam tuy có tiếp nhận lý thuyết phương Tây nhưng theo sự biết còn hữu hạn của chúng tôi cũng chưa có thành tựu đáng kể về nghiên cứu ngôn ngữ của tác phẩm này.
Giai đoạn thứ ba tính từ năm 80 đến nay, ngôn ngữ Truyện Kiều được xét từ các phương diện phong cách học, thi pháp học, ký hiệu học. Trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1965-1985, NXB KHXH). Phan Ngọc có một loạt phát hiện mới. Chỉ tính riêng 3 chương Câu thơ Truyện Kiều, Ngôn ngữ Truyện Kiều và Ngữ pháp Nguyễn Du ta có nhiều thông tin mà trước nay chưa có. Về câu thơ Truyện Kiều, Phan Ngọc chỉ ra câu thơ lục bát này khác hẳn câu thơ lục bát thế kỷ XVIII trở về trước vì mấy lý do như: vần bằng, nhịp đôi, nhiều đối xứng, chia khổ đa dạng để ca hát nội tâm, đa dạng nội tại về ngắt nhịp. Đối xứng làm cho câu thơ có tính suy nghĩ, tạo sắc thái thơ, câu thơ trang trọng, đĩnh đạc, cân đối, trọn vẹn, biện pháp lặp (tức sóng đôi), cách hiệp vần đúng quy tắc thơ Việt, không bị “lỗi”, tính âm nhạc với sự đa dạng về ngắt nhịp và hiệp vần. Về ngôn ngữ Truyện Kiều, ông trước hết nêu tính chất cân đối, tức là thủ pháp đối, gồm đối chọi, đối cân, thích dùng tiếng Việt, dịch Hán ra Việt, biết dùng chữ tục, do dùng từ thuần Việt, từ láy, ông đạt đến chủ nghĩa hiện thực khi miêu tả nội tâm. Ông dành cho từ láy âm số lượng cao và vị trí then chốt nhất. Chương Ngữ pháp Nguyễn Du tác giả Phan Ngọc theo quan niệm ngữ pháp ngữ nghĩa, theo đó “riêng hiện tượng vị ngữ bao giờ cũng có mặt trong câu thơ Nguyễn Du, trái lại chủ ngữ thường vắng mặt, nó thể hiện câu Việt Nam chỉ có một trung tâm là vị ngữ”. Câu thơ Việt không có tương hợp về hình thức mà chỉ có tương hợp về ý nghĩa. Phan Ngọc đã chỉ ra những khác biệt của tiếng Việt trong truyện và tiếng Việt hiện đại như cấp độ hóa, khu biệt hóa chưa cao, nhiều từ ngữ dùng khác từ ngữ hiện đại. Phan Ngọc chỉ ra hai mã ngữ pháp của Nguyễn Du là ngữ pháp trật tự và ngữ pháp đối xứng của câu thơ Kiều. Đặc điểm nổi bật của Phan Ngọc là đã tiến hành thống kê số lượng các hiện tượng ngôn ngữ một cách cụ thể, kỹ lưỡng để tạo sức thuyết phục. Người đi sau khó vượt ông ở điểm này. Điểm lại ba chương dành riêng nghiên cứu ngôn ngữ thơ Truyện Kiều của Phan Ngọc ta thấy ông đã huy động những hiểu biết sâu rộng về văn hóa, văn học Việt Nam, khu vực và thế giới để thực hiện các thao tác so sánh đồng đại và lịch đại, xác lập các số liệu thống kê tần xuất cao và các hiện tượng, đã khái quát hàng loạt đặc điểm quan trọng của ngôn ngữ Truyện Kiều. Nếu không phải là nhà ngữ học Phan Ngọc thì người khác khó mà đạt được các kết quả ấy. Có thể coi đây là một thành tựu đột xuất về ngôn ngữ Truyện Kiều mà người sau không dễ đạt tới. Nhiều hiện tượng nghệ thuật đã được ông nghiên cứu gần như cạn kiệt và rất hấp dẫn. Tuy nhiên do quá uyên bác, ông không phân biệt nghiên cứu ngôn ngữ và nghiên cứu ngôn ngữ thơ, ông không nghiên cứu tách bạch ngôn ngữ như đối tượng ngôn ngữ học với nghiên cứu ngôn ngữ thơ như là nghiên cứu văn học, do nội dung khác nhau, mà tiến hành nghiên cứu liên ngành cả hai thứ. Theo tôi chúng ta vẫn cần phân biệt ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều và vấn đề tiếng Việt trong truyện. Sau Phan Ngọc, Trần Đình Sử trong Thi pháp Truyện Kiều (NXB GD, 2002) đã nghiên cứu riêng về ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều. Ông có một chương về Từ chương học Truyện Kiều và chương Mô hình tự sự Truyện Kiều đề cập tới Độc thoại nội tâm trong cấu trúc tự sự của truyện, Chất thơ trữ tình trong truyện, Giọng điệu cảm thương của truyện, Màu sắc trong truyện, Đối ngẫu trong truyện, Phép sóng đôi trong truyện, Ẩn dụ trong truyện, Điển cố trong Truyện và Nguyễn Du nhà nghệ sĩ ngôn từ lỗi lạc. GS.TSKH Lý Toàn Thắng có công trình nghiên cứu về ngắt nhịp thơ lục bát trong Truyện Kiều, xây dựng một quan niệm mới về lục bát, đáng tham khảo. Ngoài ra trong các trường Đại học cũng có một số luận văn thạc sĩ đề cập đến vấn đề biểu tượng trong Truyện Kiều, như biểu tượng hoa, bèo, thân lươn… nhưng chỉ mới là thử nghiệm.
Nhìn chung, đến thời điểm này vấn đề ngôn ngữ Truyện Kiều vẫn còn nhiều khía cạnh còn bỏ ngỏ. Vẫn chưa có những công trình chuyên sâu về tiếng Việt trong Truyện Kiều xét về mặt ngôn ngữ học. Về phiên âm, chú giải ngôn ngữ Truyện Kiều vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Về ngôn ngữ thơ của Truyện Kiều vẫn còn thiếu nhưng công trình khám phá một cách đầy đủ về địa vị ngôn ngữ Truyện Kiều trong tiến trình ngôn ngữ thơ Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu ngôn ngữ của các tác phẩm Nôm trước Truyện Kiều, khái quát những hình thức ngôn ngữ thơ của truyện Kiều, vẫn cần có công trình nghiên cứu câu thơ việt Nam của Truyện Kiều, sự chuyển hóa từ các câu lục bát sang câu thơ lục bát mà khởi đầu chắc chắn là Truyện Kiều.
Nhìn lại hai trăm năm nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều, điểm lại những thành tựu đáng tự hào của biết bao học giả đã miệt mài tìm tòi trong thời gian qua, cũng nhìn nhận những điểm còn khuyết thiếu, chúng tôi mong mỏi các nhà nghiên cứu đi sau sẽ còn có nhiều đóng góp mới lạ hơn nữa để làm sáng tỏ hơn nữa mức độ dóng góp của Nguyễn Du, xứng đáng với giá trị văn hóa nghệ thuật của thi hào dân tộc, người đưa ngôn ngữ thơ việt Nam lên hàng ngôn ngữ nghệ thuật mang tầm vóc nhân loại.
Hà Nội, 15/7/2020 
Trần Đình Sử
Theo https://trandinhsu.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...