Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Cái tôi và hình tượng trữ tình

Cái tôi và hình tượng trữ tình

Ai cũng biết thơ trữ tình luôn luôn gắn liền với cái tôi, song cho đến nay, vấn đề cái tôi trữ tình vẫn ít được nghiên cứu. Nhiều từ điển văn học, sách chuyên khảo, giáo trình lý luận văn học thiếu vắng mục từ hoặc chuyên mục bàn về khái niệm này (Chẳng hạn, Từ điển văn học, H., 1986; Lý luận văn học, H., 1987,…). Trong các trường hợp có đề cập thì cách hiểu lại khác nhau.
Bắt đầu từ các nhà mỹ học thế kỷ XVIII - XIX, như Hegel, thơ trữ tình được xem như là sự biểu hiện của chủ thể và cảm thụ của chủ thể. Ông nói: “Cần phải khẳng định một chủ thể cụ thể - nhà thơ, như là điểm tập trung và là nội dung đích thực của thơ trữ tình” (1). Ở thơ trữ tình, “cá nhân là trung tâm trong quan niệm và tình cảm nội tại của nó”. Cơ sở tư liệu để Hegel xây dựng quan niệm của ông là thơ ca lãng mạn đương thời. Ông viết: “Nội dung đích thực của chủ nghĩa lãng mạn là đời sống nội tâm tuyệt đối, còn hình thức của nó là tính chủ quan tinh thần như là sự lý giải về sự tự hoạt động và tự do”. Từ tinh thần đó, ông hiểu nội dung của trữ tình là toàn bộ cái chủ quan, thế giới nội tâm, tâm hồn đang tư duy và đang cảm thấy, một tâm hồn chưa chuyển sang hành động, mà vẫn giữ nguyên tính chất của cuộc sống bên trong,…”. Khái niệm cái chủ quan ở đây thuộc về ý niệm tuyệt đối. Vì thế, nhà lý luận G. N. Pospelov nhận xét “đối với Hegel, người nghệ sĩ như là một sức mạnh tinh thần chưa có ý nghĩa gì đáng kể” (2). Từ đó, cái tôi vẫn chưa có vị trí đáng kể trong lí thuyết của ông.
Các nhà lý luận văn học Liên Xô như L.I.Timôphêév, G.N. Pospelov xác định nội dung trữ tình là tính cách xã hội được biểu hiện qua nhân vật trữ tình. Một thời gian dài người ta đồng nhất tác giả thơ và con người trong thơ. Vì thế năm 1921, Tyninov mới nêu ra thuật ngữ “nhân vật trữ tình để nhằm vạch một ranh giới giữa người trữ tình trong thơ và tác giả - nhà thơ. Đó là một bước tiến. Song trong tương quan đó, cái tôi trữ tình của nhà thơ lại được hiểu thu hẹp, chỉ như một loại trữ tình đặc biệt, khi tác giả trực tiếp miêu tả, biểu hiện yếu tố tâm trạng, tiểu sử của chính mình (3). Như vậy, cái tôi trữ tình không được xem như một yếu tố phổ quát của thơ trữ tình và nhân vật trữ tình nói chung. Cách hiểu này đã để lại dấu ấn đánh giá thấp ý nghĩa của cái tôi cá nhân và đề cao cái ta như là một sự đối lập với cái tôi cá nhân. Cái tôi cá nhân, cái mình, bao giờ cũng được hiểu như một cái gì nhỏ hẹp, hạn chế, khép kín, ít ý nghĩa. Sự đối lập siêu hình tôi và ta như thế đã dẫn đến những nhận định đại loại: thơ trữ tình trung đại là thơ của thời đại chữ “ta”, thơ trữ tình thời thơ mới xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân nên đề cao cái tôi, còn thơ trữ tình sau Cách mạng xuất phát từ chủ nghĩa tập thể lại đề cao cái ta, đem ta thay thế tôi. Ví dụ để khẳng định Huy Cận thì nói “anh đã bước ra khỏi khỏi mình”, “Thơ Vân Đài hướng tới cái chung”, “Thơ Lê Anh Xuân bao giờ cũng có sự hòa quyện giữa cái tôi và cái ta:, “Xuân Quỳnh đã cô gắng vượt lên cái tôi để đến với cái chung” “Thơ Nguyễn Đình Thi tiêu biểu cho hướng từ sách vở đến với cuộc đời”… Cái điệp khúc thơ vượt qua cái tôi, cái mình để đến với tập thể, cho thấy vị trí cái tôi đang mất dần trong các bài bình luận thi ca. Đó là các nhận định thuần túy xã hội học, chưa đi sâu vào quy luật bên trong của thơ. Cách hiểu cái tôi trữ tình hẹp hòi như vậy cũng không phù hợp với thực tế thơ ca phong phú xưa nay. Thơ Đỗ Phủ đâu chỉ nói về mình, mà còn nói cả số phận nhân dân thời ly loạn. Trong Con quỷ của Lermantov, Chiếc thuyền say của Rimbaud, Tấm lá rụng của Verlaine, thơ trữ tình của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan,… đâu chỉ có cái tôi tiểu sử nhỏ hẹp. Có ý kiến đã hiểu đúng cái tôi trữ tình trong thơ như là cái tôi đã nghệ thuật hóa, song có chỗ chưa giải quyết tốt mối quan hệ cái tôi ấy với nhân vật trữ tình. Như vậy, vấn đề lý luận về cái tôi và hình tượng trữ tình trong thơ vẫn đang cần được xem xét.
Trước hết, cần phân biệt cái tôi cá nhân, cái ta tập thể như những phạm trù xã hội học với cái tôi (ta) như những yếu tố của cấu trúc nhân cách. Vấn đề cái tôi trữ tình trước hết gắn liền với cấu trúc nhân cách, rồi trên bình diện xã hội, lịch sử mới liên quan tới phạm trù xã hội học. Cái tôi trong nhân cách là biểu hiện của chủ thể.
Phạm trù chủ thể và phạm trù cái tôi có liên quan với nhau nhưng không phải là một. Trong triết học, chủ thể là phạm trù đối lập với khách thể ở tính tích cực, thể hiện trên các mặt hoạt động có mục đích, tự giác và tự do. Cái tôi là yếu tố của chủ thể làm cho chủ thể ý thức được chính mình. Từ điển tâm lý học (M., 1983) do A.N.Lêônchép chủ biên đã xác định: cái tôi là kết quả của việc con người tách mình ra khỏi môi trường xung quanh, cho phép con người cảm thấy mình như một chủ thể. Cái tôi là quan niệm của chủ thể về chính mình, hình thành trong hoạt động và giao tiếp, mang các đặc điểm như chỉnh thể, thống nhất, có khả năng tự đánh giá, tự quan sát, tự điều chỉnh, bao gồm nhiều phương diện có mâu thuẫn nhưng thống nhất. Như vậy, cái tôi là chức năng tự nhận thức của chủ thể. Nếu chủ thể đối lập với khách thể, thì cái tôi không chỉ đối lập với khách thể, mà còn đối lập với chính mình, như một chủ thể và đối lập với các chủ thể khác, các cái tôi khác, như là cái “không phải tôi”. Tính tích cực của chủ thể là nhận thức và hoạt động cải tạo thế giới, còn tính tích cực của cái tôi là tự ý thức về mình, tự xác định giá trị của mình trong thế giới. Chủ thể, theo triết học là một khái niệm đa thức. Nó có thể là một cá nhân riêng lẻ, có thể là một nhóm người được tập hợp một cách hữu cơ, có tính hệ thống, có mục đích, ý chí, hành động, sức mạnh chung như gia đình, giai cấp, xã hội, đảng phái. Chủ thể có thể là một cộng đồng lịch sử, hoặc là toàn thể xã hội, hoặc nhân loại ([1]). Ứng với các chủ thể ấy có những cái “tôi”, “ta” tự ý thức phù hợp. Theo quan điểm này, không thể nói nền thơ ca 1945-1975 chưa phát huy tính tích cực của chủ thể. Chủ thể thơ ca giai đoạn này chủ yếu là giai cấp, dân tộc đã phát huy vai trò rất mạnh mẽ. Mỗi nhà thơ cảm nhận ý chí, mục đích của dân tộc, giai cấp, đảng như là của chính mình. Nền thơ ca ấy đã phát huy mạnh mẽ tính tích cực của chủ thể dân tộc, giai cấp và cả cá nhân, đã để lại những giá trị thơ ca độc đáo đầy sức mạnh, đậm đà tính dân tộc. Cái tôi mang tầm vóc cái ta dân tộc. Giai đoạn hiện nay, cái tôi cá nhân được ý thức và mang tầm vóc xã hội, nhân loại rộng lớn.
Sẽ giản đơn, siêu hình nếu xem cái tôi cá nhân là một cái gì nhỏ hẹp, hạn chế, khép kín. Nhà lý luận văn học Nga là M. Bakhtin cho rằng: “Lời trong thơ không hề thuần túy là lời “cá nhân”. Ở đây, uy tín của các nhà thơ là uy tín của dàn đồng ca. Sự đắm say trữ tình về căn bản là sự đắm say của dàn đồng ca. Bởi vì tôi nghe thấy bản thân mình trong người khác, với người khác và cho người khác. Một dàn đồng ca có thể có nào đó là chỗ dựa có uy tín vững chắc của tôi. Tôi tìm thấy mình trong tiếng nói của người khác. Cái tiếng nói của người khác mà tôi nghe thấy được ở ngoài tôi ấy chính là yếu tố tổ chức sự sống nội tại trong thơ trữ tình của tôi. Phần lớn người ta không phải sống bằng cái cá nhân dị biệt, mà sống bằng “cái người khác”. Tiếng nói cá nhân thuần túy là một điều dối trá và tự lừa dối”. Do vậy, cái tôi không chỉ là chức năng tự ý thức của chủ thể, mà còn là chức năng tự ý thức về bản chất xã hội của chủ thể. Chính đặc điểm này làm cho Pospelov nhận thấy ở thơ trữ tình một bản chất vô danh và theo tác giả khác (Gachép), thơ trữ tình có một tầm khái quát phổ quát nhất. Hiểu như thế, cái tôi trong thơ Mới không hề là của những cái tôi nhỏ hẹp, mà là những cái tôi nhân loại mới. Thơ cách mạng không hề là bước ra khỏi cái tôi nhỏ hẹp, mà là học chuyển từ cái tôi nhân loại sang cái tôi giai cấp.
Để hiểu rõ chức năng ý thức về chủ thể của cái tôi, cần tìm hiểu các thuộc tính của cái tôi, phạm vi của hiện tượng cái tôi. Dựa vào mô hình cái tôi của nhà tâm lý học W. Wundt trong công trình Tiểu luận tâm lý học (1877) ta có thể hình dung các thuộc tính ấy như sau:
a) Cái tôi có đặc tính là luôn luôn tự ý thức mình là một bản chất tinh thần, tự phân biệt với thể xác (Chẳng hạn : “Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao” - Hồ Chí Minh, “Thân này dẫu hóa thành tro bụi - Mà vẫn trong tim giấu một người” - Lục Du,…).
b) Cái tôi có chức năng duy trì sự đồng nhất bản chất tinh thần của mình qua bao nhiêu biến đổi, thăng trầm, ly hợp, tạo cho mình một sự thống nhất bền vững (Chẳng hạn: “Vẫn là ta đó giữa đời - Long lanh một chiếc gương soi nhân tình” - Tố Hữu; “Vẫn còn nguyên vẹn niềm yêu - Như cây tứ quý đất nghèo nở hoa” -Xuân Quỳnh,…). Sự thống nhất bền vững này của cái tôi là kết quả của sự nhất quán của nhân cách cá nhân (A.N. Lêônchép), tạo thành cái mà L. Tolstoi gọi là “thái độ đạo đức” của con người đối với đời sống.
c) Cái tôi có chức năng định hướng, xác lập chí hướng cho tính tích cực. Người xưa thường nói “chí”, thơ ngôn chí, như một thuộc tính của cái tôi. Dù cho chí được hiểu một cách thô sơ như là cái khí ở trong tim hướng về đạo thì nó vẫn là cái đích mà cái tâm hướng tới. Chí là cái đích của hành động và suy nghĩ. Chí ở non cao hay ở nước sâu, ở đồng ruộng hay ở lầu son gác tía thì cũng là yếu tố lý tưởng, sứ mệnh, nơi gửi gắm trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời, một phương diện cơ bản của cái tôi. Người xưa nói “thi ngôn chí” là vì vậy.
d) Cái tôi có chức năng nội cảm hoá toàn bộ thế giới tạo thành cái thế giới chủ quan hết sức độc đáo. Nhà triết học Ucraina V.P. Ivanov nói: “Hiện tượng chủ quan là cái nằm ngoài thế giới vật thể. Nó không có thuộc tính vật chất nào, không chiếm vị trí không gian nào, nó không thể chia cắt được. Đồng thời, cái chủ quan là yếu tố có thể xâm nhập bất cứ thuộc tính vật chất, vật thể và bất cứ không gian quảng tính nào. Cái chủ quan có thể có mặt ở khắp nơi, nhưng người ta lại không thể đo đếm nó bằng kích thước hoặc số lượng, chất lượng” (1977). Đặc điểm này làm cho cái tôi có sức dung chứa vô hạn. Cuộc đời càng phong phú, sức nội cảm của cái tôi càng bao la, siêu phàm. Năng lực nội cảm này lấy cái tôi làm trung tâm, quy thế giới về mình, làm cho mỗi người có riêng một thế giới, một trật tự thế giới. Đó là thế giới của giá trị, thế giới của cái nhìn. Thế giới ấy không thể phân biệt đâu khách quan, đâu chủ quan (Chẳng hạn: “Mây biếc về đâu bay gấp gấp - Con cò trên ruộng cánh phân vân” - Xuân Diệu; “Gió sắc tựa gươm mài đá núi - Rét như dùi nhọn chích cành cây” - Hồ Chí Minh,… ở đây cảnh là tình, là ý cảnh, tâm cảnh,…), tình là cảnh, là vật. Khó mà phân biệt hướng nội, hướng ngoại. Khả năng kiến tạo thế giới của cái tôi là vô hạn. V. Bêlinski nói: “Ở đâu có sự sống, ở đó có thơ ca” là vì vậy.
e) Cái tôi có chức năng xây dựng hình ảnh, quan niệm về chủ thể, cho chủ thể. Cái tôi luôn luôn tự xác định, hình dung về bản thân mình (Chẳng hạn: “Ngâm thơ ta vốn không ham…” - Hồ Chí Minh; “Đường về thu trước xa lăm lắm - Mà kẻ đi về có một tôi” - Chế Lan Viên; “Hồn tôi là một vườn hoa lá - Rất đậm hương và rộn tiếng chim” - Tố Hữu). Cái tôi luôn luôn nhận ra mình trong các thể nghiệm, cảm xúc của mình (“Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn - Nghe đi rời rạc trong hồn…” - Huy Cận; “Ôi, hôm nay ta đi đây lòng ta như bay”  - Tố Hữu;…). Cái tôi giữ vị trí nhận ra mình trong thế giới, trả lời câu hỏi “ta là ai”, xác nhận giá trị, ý nghĩa của mình,…
g) Cái tôi không phải là một đại lượng đơn nhất, thuần nhất. Trước đây, Hegel đã xem cái chủ quan là một sự thống nhất của nhiều mâu thuẫn đối lập. S. Freud chú ý đến xung đột của bản ngã, tự ngã, siêu ngã. Phát triển ý niệm của Hegel, nhà triết học Mỹ Josiah Royce xác nhận: con người ta không cô độc, không thể chỉ có một cái tôi thuần túy, mà phải là một thế giới do nhiều cái tôi hợp thành. Nhà tâm lý học Nga L. Rubinstein thậm chí nói cái tôi của một nhân cách phát triển là cả “một nước cộng hòa của nhiều chủ thể”. Royce nói tiếp: “Tôi muốn trở thành chính tôi thì tôi phải không ngừng phân hóa, tôi không thể là tôi thuần túy, tôi phải vứt bỏ cô lập, dấn thân vô nhân quần. Tôi chiếm lĩnh tôi có nghĩa là tôi phải vứt bỏ bản thân tôi trong một số mối liên hệ nào đó”. M. Bakhtin nói: ‘tôi muốn trở thành tôi nghĩa là tôi chiếm lĩnh một lập trường giá trị giữa đời. Sống nghĩa là chiếm lĩnh một lập trường giá trị. Thế giới cái tôi, như vậy, có bao giờ lặng im! Cái tôi là một sự lựa chọn (“Ai hay chẳng hay thì chớ - Bui một ta khen ta hữu tình” - Nguyễn Trãi; “Thế sự dầu ai hay bịn rịn - Sen kia nào có nệ chi lầm” - Nguyễn Bỉnh Khiêm; “Khôn khéo dễ hầu bưng khắp miệng - Khen chê thôi cũng gác ngoài tai” - Nguyễn Công Trứ ;…). Thế giới cái tôi dù có vẻ thanh nhàn vẫn chứa nhiều bi kịch, dông bão, giằng xé, nói chi các trạng thái lựa chọn thường gặp (“Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” - Nguyễn Du; “Thân này ví xẻ làm đôi được” - Hồ Xuân Hương).
Với hàm nghĩa như thế ta thấy, mặc dù các khái niệm nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình có những ưu điểm và cơ sở hợp lý, song nếu thiếu hạt nhân cái tôi trữ tình thì tự thân các khái niệm ấy chưa cho thấy được bản sắc trữ tình của chúng, bởi chỉ có cái tôi mới là động lực, cội nguồn của các chức năng tự ý thức, tự nhận ra và tự đánh giá chính mình trong các hình tượng ấy.
Cái tôi trữ tình lẽ dĩ nhiên là một hiện tượng nghệ thuật, nhưng hiện tượng cái tôi về mặt tâm lý, triết học nói trên là cơ sở của hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ. Thơ trữ tình là phương tiện để con người tự khẳng định bản chất tinh thần của mình so với tồn tại vật chất, là phương tiện để tự đồng nhất mình, xây dựng hình tượng về mình, xác định ý chí, chí hướng, lập trường giá trị của mình trước cuộc sống, đồng thời là phương tiện để xây dựng thế giới tinh thần phong phú cho con người. Nói tóm lại, thơ trữ tình với tư cách là sự biểu hiện của cái tôi, là phương tiện để con người cảm thấy sự tồn tại của mình. Cái tôi trong thơ nâng con người lên cao hơn tồn tại trực tiếp, hướng nó về lý tưởng, là cái cầu nối giữa vô thức với hữu thức.
Xác định bản chất thơ trữ tình ở tính chủ quan là đúng nhưng chưa đủ, vì chưa cho thấy tính mục đích, tính chức năng trong việc khẳng định cái tôi, linh hồn của thơ. Không phải đợi có xuất hiện chữ tôi thì thơ mới có cái tôi. Bản thân thơ trữ tình cổ kim đều là sự hiện diện của cái tôi. Yếu tố cá nhân lịch sử, cá tính chỉ là một yếu tố của cái tôi trong thơ, bởi cái tôi trong thơ là một hiện tượng giá trị của “dàn đồng ca” trong một cá nhân. Phân biệt trong thơ ca một thời đại “chữ ta” và thời đại “chữ tôi” chỉ có ý nghĩa trước hết về phương diện xã hội học của thơ, chứ chưa hẳn là sự phân biệt thơ của hai thời đại. Thơ trữ tình nào cũng dựa vào sự rung động của cái tôi cá nhân mang số phận, cá tính riêng tư trong các tình huống trữ tình và lý do trữ tình mang nội dung tâm lý. Mọi cái ta đều hoạt động bằng cái tôi và mọi cái tôi đều kết tinh bởi cái ta. Sự khác biệt của các thời đại thi ca suy cho cùng là ở chính quan niệm về cái tôi, ở tính chất các dàn đồng ca, ở hệ quy chiếu quy định chức năng cái tôi trữ tình, và đến lượt mình các yếu tố này quy định ngôn ngữ, màu sắc, âm điệu của thơ.
Thơ có thể được hiểu đồng nhất với âm nhạc, như các nhà lãng mạn chủ nghĩa, tượng trưng chủ nghĩa. Thơ có thể hiểu như một kiểu tổ chức lời nói, như các nhà cấu trúc chủ nghĩa. Thơ có thể hiểu như một hoạt động cảm nghĩ, một sự trầm tư, chiêm nghiệm trước cuộc đời. Dù hiểu thế nào bản chất của thơ trữ tình cũng là sự hiện diện của cái tôi.
Thơ có thể thiên về triết lý, trí tuệ, thơ có thể thiên về trữ tình công dân, trữ tình chính trị, thơ có thể nghiêng về miêu tả thiên nhiên, phong cảnh, hoặc thơ có thể chỉ là biểu hiện những ấn tượng thầm kín riêng tư, nhưng dù thế nào thì đó vẫn chỉ là những giới hạn phong phú của cái tôi nhiều mặt, đa diện, lập thể của cuộc đời. Do vậy, ý thức về cái tôi, phát triển cái tôi là tiền đề thực tế cho sự phát triển của thơ.
Chú thích:
(1) Mỹ học, Mátxcơva, 1971, tập 3, tr. 510.
(2) Lý luận văn học, Mátxcơva, 1978, tr. 49.
(3) Xem: Timôphêép, Ngôn từ trong thơ, Mátxcơva, 1987.
([1]) A. N. Lêônchép, Hoạt động và giao tiếp, những vấn đề triết học,
 3/1993
Trần Đình Sử
Nguồn: Báo Văn nghệ, số 19 ngày 8.5.1993
Theo https://trandinhsu.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...