Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Nửa hồn thương đau với Phạm Đình Chương

Nửa hồn thương đau 
với Phạm Đình Chương

Đêm thức giấc bàng hoàng, gọi tên em, tên một cơn bão lửa. Gọi xong rồi bỗng nhiên anh buồn quá đỗi. Mùa xuân đến rồi em biết không?
Mùa xuân buồn như ngày nào em bỏ đi! Mặc anh một mình lang thang dưới phố, mắt ướt và môi quên cười. Mặc anh lủi thủi dưới một buổi chiều tàn đông.
Anh khẽ nhắm mắt lại để tưởng về một bóng hình, đã không chịu tàn phai:
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi 
Nửa hồn thương đau là một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ông có rất nhiều bản nhạc phổ từ thơ, những bài thơ nổi tiếng. Hay có thể nói: nhạc đã làm bài thơ được phổ nổi tiếng hơn. Đúng hay sai hãy đọc thêm lời vài đoạn nữa.
Đôi khi em muốn tin, đôi khi em muốn tin
Ôi những người khóc lẻ loi một mình
Hai câu trên là lời thơ của Thanh Tâm Tuyền, bài lệ đá xanh. Còn nguyên bài là lời của PĐC. Nỗi buồn đến như thế nào, cuộc tình dở dang ra sao? Mà đã làm một nửa hồn phải thương đau, nhắm mắt lại thì đã không còn nữa!
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao nghìn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Em ở đâu anh ở đâu.
Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Hà Nội, di cư vào Nam 1951. Ông còn là một ca sĩ, đi hát lấy tên là Hoài Bắc là linh hồn của ban hợp ca Thăng Long.
Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, ông là một nhạc sĩ có những bản nhạc; mà ta có thể gọi là để đời. Một bài hát mà đến bây giờ, dù chúng ta đi đâu, hay ở một góc nào đó trên thế giới. Mỗi độ xuân về, bản nhạc sẽ được hát lên để đón ngày Tết thiêng liêng, dù là Tết ở xứ người.
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian nan nghèo khó
Lời chúc chan hòa, chia xẻ cho mọi người, mọi giới. Nâng cao ly rượu nâng cao mùa xuân. Nhưng không quên chúc cho non sông được yên bình, để moi người được trở về vui vầy bên bếp lửa hồng đoàn tụ. 
Bạn hỡi vang lên lời nói thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đón anh về trong chén tình đầy vơi
Mà lạ thật, kẻ sĩ, nghệ sĩ và mọi người ở miền Nam Việt Nam, đầy nhân tính, không hận thù, dù đang trong chiến chinh. Văn thơ nhạc và cả những người thưởng ngoạn, đều ca tụng về tình người, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa.
Hãy nghe mộng dưới hoa, bản nhạc phổ thơ của Đinh Hùng.
Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng
Có người con gái đẹp như tranh
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng
Lạ chưa, đâu đã gặp người con gái ấy, mà biết chắc là cô ta đẹp. Cảm nhận này chỉ có ở người nghệ sĩ, thơ quyện lấy nhạc đi nhẹ vào lòng người. Còn nữa, chỉ cùng về một con đường thôi, mỗi chiều tan học. Mà  tin rằng cả hai chúng ta đã trao nhau lòng yêu thương rồi.
Nhớ ngày nào tan trường về chung lối
Mắt huyền nhung nghiêng nón ngất ngây đời
Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi
Cho ngon mầu trìu mến ướt lên môi
Cái thuở ban đầu sao đẹp thế, trăng sao vời vợi. Anh đợi em, anh đợi em nhưng em không đến; nhưng anh không buồn đâu. Chỉ có hàng cây đứng buồn cho tình yêu. Tai sao không nói anh nhớ em, nghệ sĩ mà!
Sao không thấy em lại, để cùng anh thẩn thơ
Trước sân trăng vời vợi, để rồi cùng ước mơ
Sao không thấy em lại, hàng dừa nghiêng thương nhớ.
Khi di cư vào Nam, những chiều mưa Sài Gòn, lại nhớ mưa Hà Nội, nhớ tình yêu đầu đời, thương cho đất nước, cho tháp rùa, cho năm cửa ô. Giờ đã là một quê hương tù đầy.
Mưa hoàng hôn trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em hồ Gươm về nương chiều tà
Thương mầu mắt ngà, thương mắt kiêu sa 
Người em có cặp mắt kiêu sa, giờ đã nghìn trùng xa cách. Chiều nay trời cũng mưa, và em ngoài ấy bây giờ ra sao?
Mưa ngày nay, trên phần đất quê hương tù đầy
Với 55 tác phẩm về nhiều thể loại,  chúng ta cũng nên nhắc với nhau một bài hát thật buồn, thật ai oán.
Vâng, tiếng sông Hương, hãy nghe tiếng vọng của dòng sông, hãy nghe quê hương mình nghèo.  Để yêu thương!
Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang
Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ
Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu
Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn
Khi người con trai yêu người con gái, thì họ có đủ lý do để thương để ca tụng và để tôn vinh. Ôi thương từ cách ăn mặc, xõa tóc dáng đi. Vâng thương tới mười lận.
Một thương xõa tóc mơ màng
Hai thương ăn nói dịu dàng có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương như sao hiền mùa thu
Năm thương em biết trông chờ
Chờ anh lính chiến....
Thưa rằng PĐC không có trong quân đội, nhưng nhạc sĩ vẫn sáng tác nhiều bản nhạc mà thấp thoáng có bóng người chiến sĩ. Rõ nét nhất là bài anh đi chiến dịch
Anh đi chiến dịch xa vời, lòng súng nhân đạo cứu người lầm than
Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy...
Anh đi không quên lời xưa đã ước thề
Dâng cả đời trai với sa trường
Nam nhi cổ lai chinh chiến hề...
Xã hội và đời sống ở miền Nam là thế, kẻ ở lại thành phố luôn biết ơn những chàng trai đã ra đi. Đó là tình cảm ngưỡng phục và xẻ chia.
Nhiều khi tình cảm còn bắt ta, yêu thương cả góc phố con đường. PĐC yêu thương một con hẻm nhỏ nghèo nàn, một xóm lao động vào ban đêm.
Đường về canh thâu
Đêm khuya ngõ sâu như không mầu
Qua phên vênh có bao mái đầu
Hắt hiu vàng ánh điện câu.
Đó là sắc thái riêng của những con hẻm ở Sài Gòn xưa, lời sống động và tượng hình.
Tình yêu cho quê hương, cho đời sống rồi. Người nghệ sĩ trở về với tình yêu lứa đôi, về với quán rượu, đâu đó anh sẽ có dịp làm thơ:
Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em, môi em như mật đắng
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris để anh làm thi sĩ
(Thơ Thanh Tâm Tuyền)
Nhưng rồi em cũng ra đi, để lại anh vàng xưa kỷ niệm, để lại anh những chiều buốt hồn, với mắt xưa môi hiền và ngày tháng anh không nỡ vội quên.
Ôi người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai, gió mù lên mấy trời
Người đi qua đời tôi, hồn nương miền rét mướt
Vàng xưa đầy dấu chân
Đen tối vùng lãng quên.
Phạm Đình Chương định cư tại Cali năm 1975, và mất năm 1991. Thời gian ở xứ người, ông có sáng tác một số bài như: đêm nhớ trăng Sài Gòn, thơ Du Tử Lê. Đặc biệt một bài nữa cho Sài Gòn, cho một thành phố đã ép phải mất tên. Mà niềm yêu thương tác giả cho rằng, sẽ nhớ Sài Gòn đến hơi thở cuối.
Em Sài Gòn đẹp nhất về đêm
Tiếng hoa rơi nhạt nắng mây chiều
Nét môi duyên nụ cười huyền hoặc
Nhạt nắng mây chiều trần gian lãng quên
Ta thương em tàn hơi thở cuối
Ta nhớ em trọn kiếp lưu đầy.
Chắc không ai lãng quên Sài Gòn đâu. Đã 40 năm, Sài Gòn vẫn là niềm nhớ không nguôi. Và chắc cũng ít ai quên nửa hồn thương đau của người nhạc sĩ tài hoa, mãi mãi là những kỷ niệm một thời, một đời. 
Nghe tình đang chết trong tôi
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời.

Nửa hồn thương đau
Phạm Đình Chương - Lệ Quyên
Tháng 9 năm 2015
 Nguyễn Phục Nguyễn Quang Huy 
Theo https://www.nguoivietucchauonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...