Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Chữ tình trong dòng nhạc Lam Phương

Chữ tình trong dòng nhạc Lam Phương

Nhạc sĩ Lam Phương là một tên tuổi lớn trong làng tân nhạc Việt Nam, hầu như người Việt khắp nơi trên thế giới ai ai cũng biết đến ông. Tin tức đó đây cho hay ông đã giả từ trần gian huyễn mộng ra đi về cõi vô cùng, nhưng những đóng góp của ông cho nền âm nhạc Việt nam sẽ còn sống mãi với thời gian vô tận. Bởi lẽ, những sáng tác này đã phản ảnh một phần trong đời sống của mỗi chúng ta.
Hình như trong suốt cuộc đời, dù sinh sống bất cứ nơi nào, người nhạc sĩ vẫn ngày đêm không ngừng sáng tác, ngay cả khi tưởng như không còn cầm đàn, viết nhạc được nữa. Suốt cuộc lữ thăng trầm, ông đã im lặng, đã nói năng, đã vui cười, đã khóc lóc, đã giận hờn, đã tha thứ, đã yêu đương, đã ghét bỏ, đã ra đi, đã trở về, đã khổ đau cùng cực, đã hạnh phúc ngập tràn đan xen nhau trong từng bước chân ông trên dương thế.
Xuyên suốt hơn 60 năm qua, những sáng tác của ông bao gồm nhiều thể loại, nhiều chủ đề, thích hợp mọi giới từ bần hàn dân giả đến sang giàu tri thức dễ dàng thưởng lãm. Nhạc của ông nhẹ nhàng bay bổng như chính bút hiệu của mình - chân trời xanh; rộng rãi bao la như đồng quê Rạch Giá - nơi ông chào đời; ngọt ngào kỳ vĩ như hải đảo Phú Quốc; phiêu du lãng mạn như biển nước Hà Tiên. Ông sáng tác nhạc trong tâm thái tự nhiên không rộn ràng dù trong quân ngũ hay những lúc sinh hoạt đời thường.
Sự ra đi của ông như khói lam chiều nhẹ bay trên núi, như ánh hoàng hôn khuất dạng sau lũy tre làng. Phải chăng chết chỉ là ngày trở về của đứa con xa xứ?
Cuộc sống thật vô cùng phong vị và đủ đầy ý nghĩa nhất khi tâm hồn người nhạc sĩ vỏn vẹn một chữ tình: Tình quê hương, tình mẫu tử, tình chiến hữu, tình đôi lứa và tình người.
1. Tình quê hương:
Những ca từ được người nhạc sĩ tài hoa khéo léo sử dụng, đặt vào các nốt nhạc đều trở thành những âm giai bay bỗng nhẹ nhàng, những thể điệu gần gũi như hơi thở, những lời ca trong sáng mộc mạc, thắm đượm tình quê hương, rực rỡ sắc màu đất Mẹ đã dễ dàng đọng lại trong tâm trí người thưởng lãm. Quang cảnh sinh hoạt đồng quê Việt nam thật tưng bừng nhộn nhịp, nhất là lúc về đêm khi vụ mùa bắt đầu: “Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời… Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế. Hát lên đi để nung lòng nhân thế. Để đồng xanh vui khúc ca ngày mùa”Khúc ca ngày mùa.

Khúc ca ngày mùa - Hương Thủy - Hà Phương

Mùi hương thơm của những bông lúa chín vàng nặng trĩu, tiếng hò hát xa đưa vọng vang từ lũy tre làng, tiếng xây lúa giả gạo nhịp nhàng trong đêm trăng thanh gió mát là bức tranh sống động của những người dân quê tay lấm chân bùn.
Đời sống dù khó khăn, những giá trị tinh thần lần lần ẩn khuất nhường chỗ đứng cho vật chất kim tiền, nhưng cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, của đất trời muôn đời vẫn không thay đổi. Ánh nắng ban mai soi chiếu trên đóa hoa chiếc lá, trên khắp cả ruộng đồng bát ngát mênh mông, luống cày hôm qua ngày nay tràn bông lúa mới, tình người dân quê chất phát luôn nồng thắm với hương đồng cỏ nội, với sông nước hữu tình: “… Tình là tình nồng thắm. Buộc lòng mình vào núi sông tình mến quê hương. Ngàn bóng đêm phai rồi. Vầng dương lên soi đời. Làng ta nay rạng ngời… Đây quê hương thân yêu miền Nam. Nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang” - Nắng đẹp miền Nam.

Nắng đẹp miền Nam - Hoàng Oanh trước 75

Đây là một trong những ca khúc diễn tả hình ảnh quê hương trọn vẹn và tài tình mà nhạc sĩ Lam Phương đã khiến cho người nghe rung cảm trái tim, thương nhớ diết da về nơi chôn nhau cắt rốn, về những con đường, những cây lá, những cánh hoa, những dòng sông, những bụi mù của ngày xưa cũ. Trái tim người thưởng thức nhạc ông dễ dàng rung động trước những tươi thắm của mùa màng, trước những sắc màu diễm lệ của thiên nhiên, trước những tình yêu da diết của con người. Linh hồn quê hương luôn bất tử cho dù con người có lưu lạc tận chân trời góc biển. Điều này được phô diễn rõ ràng trong tâm thức người nhạc sĩ qua một trời quê hương Việt nam chan chứa niềm tin tươi sáng. Do vậy, dù cuộc đời có ngả nghiêng sụp đổ, quê hương muôn thuở vẫn đẹp mãi trong lòng người con đất Việt!.
2. Tình mẫu tử:
Bao nhiêu bài hát được sáng tác suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Lam Phương vẫn không quên nói lên tình Mẹ. Bởi lẽ, tình yêu trong mọi thể thái rồi cũng dần phai theo năm tháng, chỉ có tình Mẹ là bất tử muôn đời. Ông đã sử dụng những tiếng nói bình thường, những ngôn từ đơn sơ mộc mạc như hơi thở, như khí trời, như nước uống và như cuộc đời diễm tuyệt để nói lên lòng yêu thương vô biên của đấng Mẹ hiền đối với con thơ: “… Nuôi con Mẹ quên tang trắng tơi bời. Mong sao con chóng nên người… Nuôi con quanh năm chân lấm tay bùn. Đêm đêm thao thức canh dồn. Nhìn con cho bớt đau buồn. À ơi, nào người nhà ấm quê hương, nào người tình lắm yêu thương, lòng mình ai thấu đoạn trường” - Tình mẹ.

Tình mẹ - Lam Phương - Thanh Thúy

Bài hát này đã cho ta thấy hoàn cảnh khốn khó trong gia đình người nhạc sĩ từ thuở ấu thơ. Mẹ của nhạc sĩ Lam Phương vừa đóng vai Mẹ vừa thế chỗ Cha đã tảo tầng cực khổ sớm hôm để nuôi đàn con khôn lớn. Ngày đêm chỉ một tâm nguyền nuôi con chóng lớn ‘thành nhơn chi mỹ’ cho đời. Con càng lớn Mẹ hao mòn máu thịt, con trưởng thành Mẹ mắt yếu lưng cong. Đêm đêm lặng lẽ nhìn con, ngày ngày dắt dìu từng bước chân chập chững của con, Mẹ phần nào cũng thấy an lòng.
Năm tháng đi qua, duyên số đẩy đưa, một ngày giữa nghìn trùng xa cách, người nhạc sĩ nằm nghe tiếng sóng vỗ của trùng dương vọng về, tiếng mưa rơi trong đêm tối bão bùng, nỗi thầm lặng nhớ nhung trước những tháng ngày tuyết rơi băng giá hay những lúc mõi gối chùng chân, cô đơn giữa trời Tây xa cách. Biết bao kỷ niệm hiện về, chính giây phút thiêng liêng này, ông thành tâm chấp tay khẩn cầu, đau đớn bùi ngùi dập đầu tạ ơn Mẹ: “… Đêm nay đường xa đất lạ. Gió về ôm ấp biển khơi. Quê hương ở tận phương trời. Lời nào thương nhớ cho nguôi. Những lời nồng nàn trong nôi. Sẽ theo con đến cuối đời. Ơn Mẹ ngàn kiếp chưa vơi”Tạ ơn mẹ.

Như Quỳnh - Tạ ơn mẹ - Lam Phương

Cuộc sống có lúc êm đềm thơ mộng, đôi khi hối hả dập dồn, xua đẩy con người trôi dạt tận phương trời vô định. Tiếng lòng của đứa con nhớ Mẹ vẫn cứ âm ỉ vọng về như thấp thoảng, khép nép đợi chờ. Ở một nơi xa xôi nào đó, nỗi nhớ thương trong tâm thức vọng về, chính là lúc người Mẹ già nơi quê nhà đêm ngóng ngày mong tin con đã ra đi vĩnh viễn. “… Cát bụi này Mẹ vừa yên thân. Sau bao năm nước mắt chảy xuôi. Con ra đi trong giờ Mẹ hấp hối. Để muôn đời thành kẻ vong ân” - Khóc mẹ.

Khóc mẹ - Lam Phương - Anh Khoa

Quả thật, có mất Mẹ mới thấy cõi lòng trống vắng, trong cô đơn mới thấy thấm thía nỗi đơn côi!
3. Tình chiến hữu:
Lần giở lại từng trang lịch sử hào hùng của dân tộc, hơn 70 năm trước, quê hương Việt Nam chìm trong khói lửa đao binh. Những giá trị truyền thống tưởng như bị đốt cháy trong chiến tranh. Xã hội náo loạn, tình người tả tơi trong mưa bom lửa đạn. Tiếng cười không trọn vẹn, tiếng khóc luôn nghẹn ngào, thù hận phân ly ngày càng sâu thẳm.
Như cuộc đời của bao lớp thanh niên trong thời chinh chiến, nhạc sĩ Lam Phương cũng hăng hái gia nhập quân ngũ để có dịp tắm nắng dầm sương, gió mưa tôi luyện, để có cơ may thấu hiểu tận cùng tâm tư của những người mặc chiếc áo lính.
Đời sống người linh cơ cực, nghiêm khắc, nhưng lại là nơi cần thiết cho đấng nam nhi thấm nét phong sương, dày tình bằng hữu. Ban ngày thao luyện để giữ gìn non sông, đêm về tình chiến hữu khích lại gần nhau, trút hết tâm tư cho niềm thương thêm lớn: “… Rồi ngày mai ra đi, chốn biên thùy anh sá chi gian nguy. Có bao giờ anh nhớ chăng, đêm nào nằm gần nhau, hồn xây mộng ước mai sau. Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối, đừng quê nhé những ngày bên nhau…” - Tình anh lính chiến.

Túy Hồng - Tình anh lính chiến - Lam Phương. Bản ghi âm trước năm 1975

Thời gian bên nhau trong đơn vị là cơ hội vun bồi, đắp xây tình bằng hữu. Khi nụ cười reo vui, lúc nước mắt nghẹn ngào, người lính chiến vẫn còn thời gian tâm sự, vẫn đong đầy tình chiến hữu. Cho đến một buổi chiều với vài đồng đội đi ngang qua ngôi làng cũ, ông chạnh lòng tìm lại bóng dáng người con gái đang độ xuân thì: “Một chiều hành quân qua thôn xưa, lúc nắng xuân chưa nhạt màu. Chạnh lòng tìm người em gái cũ, em tôi đã đi phương nào. Để rồi một năm nơi biên cương, dấn bước thân ra sa trường. Ngày thì tìm vui bên chiếc súng, khi đêm anh vui với đàn. Dù mộng tàn phai trong thương đau, vẫn nhớ mãi duyên ban đầu. Lời thề ngày xưa đã trót hứa, em ơi xin đừng quên” - Chiều hành quân.

CHIỀU HÀNH QUÂN - Lam Phương - Thanh Thúy

Tìm vui trong tiếng nhạc cung đàn, hiên ngang trước mưa bom biển đạn, nhạc sĩ Lam Phương vẫn lạc quan nở nụ cười với bè bạn, với người con gái năm nào. Trước dòng đời nhỏ nhoi ngắn ngủi, trong kiếp sống đầy vơi khổ lụy, đời lính thật liệt oanh, anh dũng kiêu hùng. Đây là một trong những bài hát về lính chân tình và cảm động nhất mà chúng ta có được suốt cuộc chiến tranh dài đằng đẵng trên quê Cha đất Mẹ!.
4. Tình đôi lứa:
Tình yêu đầu đời chớm nở là khi hai con tim thơ ngây khiết bạch gặp nhau. Như bao người con trai mới lớn khác, nhạc sĩ Lam Phương cũng đã từng mộng mơ, ước vọng về người yêu lý tưởng của mình. Dáng vẻ thướt tha diễm kiều, đủ đầy công dung ngôn hạnh theo truyền thống Á Đông. Có lẽ khi còn trẻ, người nhạc sĩ cứ nghĩ đơn giản là cuộc sống hạnh phúc chỉ cần hai con tim cùng nhịp đập trong một mái ấm gia đình hay duyên tình trai giá phải được an bày từ muôn kiếp trước: “… Ngày anh gặp đôi mắt long lanh. Lần đầu anh lạc trong hố mê say. Dường như ta quen nhau từ muôn kiếp. Vừa gặp lại ta đã sợ tình cao bay...” - Chỉ có em.

Chỉ có em - LAM PHƯƠNG - Phạm Quỳnh Anh
Cũng bởi tâm lý lo sợ mối duyên tình cao bay, nên khi người nhạc sĩ hay nói đúng hơn là chàng trai đang ngây ngất, say đắm men tình trong yêu đương mộng mị, lúc nào cũng lạc quan yêu đời, nhìn mọi thứ trên dương gian một cách hồn nhiên hạnh phúc: “… Tiếng đàn hòa êm ái, nhịp bước em thêm lả lơi. Cung điệu buồn chơi vơi, đôi tâm hồn riêng thế giới... Giờ mình có nhau rồi, đời đẹp vì tiếng em cười. Vượt ngàn trùng qua bể khơi, dắt dìu cùng về căn nhà mới. Ta xây vách chung tình, nhiều chông gai có tay mình. Xin cảm ơn đời còn nhau, ghi sâu phút ban đầu bằng bài tango cho em” - Bài Tango cho em.

Bài Tango cho em - Lam Phương - Mai Thiên Vân

Sau thời gian dài hơn 10 năm lội bơi trong biển ái tình, người nhạc sĩ thấm dần ý nghĩa hạnh phúc ái ân không phải là thứ mình có thể giữ gìn và níu kéo mãi được. Rồi một chiều nhìn mây trôi mênh mang, nhìn chim bay lang thang, nhìn dòng nước âm thầm tuông trôi, người nhạc sĩ bất giấc biết được sức mình không thể nắm giữ mối duyên tình mãi mãi khi không còn nhân duyên hội ngộ. Ông nhận ra lối thoát tốt nhất là: để cho tâm thái nhẹ nhàng và nguyện cầu cho người kia được trọn vẹn hạnh phúc nơi duyên tình mới: “… Biết rằng cuộc tình đầu, thường gây bao thương đau, càng yêu nhau càng xa nhau mãi mãi… Giờ thì còn lại gì hay muôn kiếp khóc cho nhau, chúc em hạnh phúc trong tình duyên mai sau” - Tình chết theo mùa đông.

Tình chết theo mùa đông - Phương Ý

Có lẽ đây là một trong những sáng tác về tình yêu đôi lứa hay nhất, tuyệt với nhất, sống động nhất, nhân bản nhất và cao thượng nhất của nhạc sĩ Lam Phương!.
5. Tình người:
Cố nhạc sĩ Lam Phương đã dâng tặng cho quê hương Việt nam, cho mỗi chúng ta một bức tranh đơn sơn mộc mạc. Trên bức tranh này, ông đã thay thế chúng ta vẽ và kể lại phần nào hình ảnh tuyệt vời của làng quê và phố chợ, của hào hùng và tang thương dân tộc, của những niềm vui và nỗi buồn nhân thế, của những giàu sang danh vọng và những ngỡ ngàng thất vọng. “… Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi cho gió sương. Đôi khi muốn nói yêu ai, nhưng ngại ngùng đành lãng phai. Đêm nay giấy trắng tâm tư, gởi về người chốn mịt mù. Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung. Trời cao có thấu, cúi xin người ban phước cho đời con. Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai…” - Kiếp Nghèo.

KIếp nghèo - Như Quỳnh - Lam Phương

Có lẽ trời thương yêu và cảm động cho tấm lòng nguyện cầu thiết tha của người nhạc sĩ, nên ông đã được ân phước ban trao trọn 10 năm với mát mẻ xuân hồng, với nụ cười hạnh phúc, nhưng rốt cuộc rồi cũng vỗ cánh bay xa, thoáng qua như một giấc mộng.”… Bây giờ mình đã xa nhau. Thương em nước mắt tuôn trào. Mười năm yêu đó như cơn mưa rào, như giấc chiêm bao”. - Như Giấc Chiêm Bao 

Như giấc chiêm bao - Lam Phương - Ngọc Lan

Ngoài những cơn mê say mộng mị, nhạc của Lam Phương ít nhiều gì cũng mang đậm đường nét dứt khoát, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Nó rõ ràng và diễm lệ như một bức tranh. Có chỗ mềm mại êm ả như một vùng thủy mạc, có chỗ chỉ là một hòn cuội, một chiếc lá, một giọt sương, một ngọn cỏ phiêu lãng muôn phương. Nó vững vàng và mạnh mẽ như một con tàu lướt sóng, dẫn đưa đoàn người hòa nhịp vào trái tim nhân ái tình người.”…Tàu đưa ta đi, tàu sẽ đón ta hồi hương. Tây Đô sẽ sống lại yêu thương” - Chiều Tây đô.

Chiều Tây đô - Hoàng Thục Linh - Lam Phương

Không phải con tàu Trường Xuân năm xưa sẽ đón đưa người nhạc sĩ hồi hương, mà tất cả những người yêu mến nhạc của ông và quê hương Việt Nam muôn đời luôn mở rộng vòng tay yêu thương đón chào ngày ông quy cố.
Gần cuối cuộc đời, bên kia bờ đại dương, người nhạc sĩ vẫn âm thầm sáng tác, vẫn dâng hiến cho đời tình yêu thương khiết bạch và trọn vẹn, cho dù tình yêu thương đó có ai lắng nghe, đồng cảm, đồng điệu hay không. “Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình. Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình. Biết lời tỏ tình, đã có người nghe…” - Một mình.

Hương Giang - Một mình - Lam Phương

Có thể nói, những tâm tình xuất phát từ trái tim thương yêu, những ca từ thoát thai nơi con tim đồng cảm, những nhạc khúc vọng vang từ tiếng nói chân thành của nhạc sĩ Lam Phương đã có người nghe, đang có người nghe và sẽ còn lắng nghe mãi - nghe bằng chính con tim tác giả!
Dù nhạc sĩ Lam Phương không còn, nhưng những sáng tác của ông vẫn tiếp tục hiện hữu trên khắp nẻo đường quê hương, nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, trên khắp cả năm châu bốn biển có người Việt đang sinh sống. Những ca khúc này, mỗi lần được cất lên, đều có sức sưởi ấm cõi lòng đã nguội lạnh, có thể làm lóng lánh giọt lệ hạnh phúc xa xưa, làm tâm thức bình an khi áp lực cuộc sống ập tới và cho thêm hương vị thương yêu ngọt ngào trước những tỵ hiềm, ghen ghét, đắng cay của kiếp người!
Nơi phương xa, tôi được may mắn ngắm nhìn buổi lễ cầu siêu cho nhạc sĩ Lam Phương thật trang nghiêm và đủ đầy nghĩa tình tại Chùa Giác ngộ. Từ Ban tổ chức đến quý quan khách tham dự, mọi người dường như chung một tấm lòng, trọn cả con tim hướng về người nhạc sĩ như sự quý kính tri ân chân thiết sau cùng. Giữa những thành phần xuất gia giải thoát và chư vị tại gia cư sĩ hiền lành có một điểm chung long lanh là trái tim độ lượng. Trước quang cảnh ấm áp thiêng liêng, tất cả ngồi gần bên nhau, cùng ôn nhắc lại cuộc đời của một nhạc sĩ tài hoa và những hình ảnh thân thương của giới văn nghệ sĩ hướng về người quá cố. Cái tôi, cái ta trần thế bây giờ đã hóa nhập thành hai ngọn nến lung linh, quyện hòa vào lời kinh tiếng kệ, vào lời ca dịu êm cao khiết của Ban hợp ca, của quý ca nghệ sĩ gần xa để ân tình trọn vẹn, cuộc sống thêm vui. Hương hồn người nhạc sĩ chắc chắn sẽ được siêu hóa, thể nhập vào thế giới bao la, nơi đó không còn buồn chán, giận hờn, hơn thua, ích kỷ hay u ám nặng nề.
Sau cùng và trên hết, hơn 200 sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Lam Phương suốt đời cống hiến, chắc chắn sẽ còn sống mãi với thời gian, với những tâm hồn yêu nhạc, với những trái tim chân chính luôn đi tìm cái hay, cái đẹp, cái cao cả của cuộc đời.
Phút giây này, tôi xin thành tâm vọng hướng về hương hồn nhạc sĩ Lam Phương, nguyện cầu chân linh Phật tử Ngộ Trí Nhân thanh thản trở về với vui với thâm ân vô lượng của mười phương chư Phật!!!.
30-12-2020
Thiện Hữu
Theo http://www.daophatngaynay.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...