Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Âm nhạc trong tôi

Âm nhạc trong tôi

Trong bài giới thiệu cuốn sách Những Bức Tranh Phù Thế của Phạm Công Luận, tác giả đã giải thích: “Phù thế là thế giới hư ảo. Ký ức đẹp cũng là hư ảo. Cái đẹp không giữ được lâu, khi ta nhớ nó đẹp, nó đã mất rồi”. Những bản nhạc của tôi cũng là “phù thế”. Ký ức đẹp của tôi là ngăn kéo cất giữ những bản nhạc rời. Đến khi đầy ngăn, ba tôi lại đem lên nhà in đóng thành từng tập, mỗi tập bao nhiêu bài tôi không nhớ, chỉ biết là bìa cứng bọc nhung, gáy mạ vàng ghi tên tôi. Tính ra cũng mười mấy tập (???), lại không nhớ, chỉ biết mầu đỏ thẫm của bìa sách đến chừ vẫn còn lộng lẫy trong tim tôi, mất đi mô được hè.
Qua tuổi thất thập, tự nhiên tôi làm biếng đọc sách, vì chỉ đọc vài ba trang, là thấy mỏi mắt, dù nội dung có hấp dẫn đến đâu. Bệnh về mắt của người già rất đáng sợ, nhiều bạn đồng trang lứa với tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật mắt, có người còn mổ đến hai, ba lần. Tôi thì chưa, nhưng không dám ép mắt làm việc nhiều. Bây giờ, chủ yếu là nghe.
Hồi mới qua Mỹ, tôi thường hay vào các tiệm sách tìm mua CD bán xôn giá 1$/ cái, toàn các bài hay và ca sĩ trứ danh. Tôi nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, đi dạo trong vườn, ngồi ăn sáng, uống cà phê, và cũng có khi đang… rửa chén. Ai nói người già thường cô đơn ở xứ người? Tôi thì hoàn toàn không. Dù một nửa của tôi đã bỏ tôi đi, nhưng âm nhạc vẫn còn bên tôi, sưởi ấm tâm hồn tôi cho đến bây giờ. Đọc tin tức, thấy nhiều ca sĩ nổi tiếng than phiền, vì ra CD ít người mua, lỗ vốn, có khi còn tán gia bại sản. Biết làm sao được khi thời đại đã đổi thay! Cũng như tôi, từ ngày xài chiếc điện thoại nối mạng, tôi quên mất chồng CD vẫn còn trong hộc tủ, vì ưu điểm của internet là muốn nghe bài hát nào cũng có, không “khó xử” như CD, thích một bài phải mua nguyên cả đĩa (giống như yêu chiếc răng khểnh mà phải cưới luôn cả con người. Tôi hình thành thêm một thói quen là nghe những bản hòa tấu nhẹ nhàng cho dễ ngủ. Rồi một đêm thật tình cờ, tôi tìm thấy các chương trình Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Thời Gian, Tiếng Nhạc Tâm Tình, Tiếng Hát Gửi Tiền Tuyến… trên Youtube, nói sao cho các bạn đồng cảm và chia sẻ nỗi mừng vui với tôi đây? Lúc này, tôi ngủ không được nữa, tâm hồn như mọc cánh bay vào một vùng trời quá khứ tràn ngập âm thanh.
Không biết âm nhạc đã thấm vào máu tôi bao giờ, chỉ biết là từ rất nhỏ, tôi đã thích nghe nhạc. Hồi đó, chỉ có đài phát thanh, nên chiếc radio là bạn thân thiết của tôi mỗi khi đến giờ có chương trình âm nhạc. Ca sĩ thuở xa xưa đó là các cô Minh Trang, Minh Diệu, Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc…, các chú Mạnh Phát, Anh Ngọc, Hoài Trung, Hoài Bắc… và tôi thường hát theo những bài tình ca dù không hiểu nội dung là gì như Trăng Mờ Bên Suối (nhạc sĩ Lê Mộng Bảo)… người hẹn cùng ta đến bên bờ suối, rừng chiều mờ sương ánh trăng vàng chiếu… hay Mộng Chiều Xuân (nhạc sĩ Ngọc Bích)… Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung, người yêu thoáng qua trong giấc mộng… Trường dòng Mai Khôi cũng tạo điều kiện cho tôi làm quen, đến gần với âm nhạc hơn, những bài hợp ca Con Đường Vui (nhạc sĩ Lê Vy)… Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió, hồn như đám mây trắng lửng lơ, giang hồ không bờ không bến, đẹp như kiếp Bô ê miên…  Quãng Đường Mai (nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba)…Sương trên cành còn thắm sắc mai, hoa đua cười chào đón gió vui, non nước bình minh uống ngàn muôn tia sáng… hay những bài múa Thiếu Nữ Việt Nam (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)… Đây hoa xuân thắm tươi trên muôn cành, lòng niên thiếu chan chứa hương xuân…
Sau hiệp định Genève, miền Nam tưng bừng một bầu không khí hoan ca. Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no… (Ly Rượu Mừng - nhạc sĩ Phạm Đình Chương). Hình như gần hết các ca sĩ, nhạc sĩ ngoài Bắc đều tìm về miền đất hứa Sài Gòn để phát huy tài năng tuổi trẻ. Những bài hát tuyệt hay ra đời, vượt thời gian sống mãi đến ngày hôm nay như Ghé Bến Sài Gòn (nhạc sĩ Văn Phụng)… Ngựa xe như nước rộn ràng, ngập muôn sức sống tiềm tàng, đèn đêm tung ánh sáng như hào quang… hay Sài Gòn (nhạc sĩ Y Vân)… Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay…
Bên cạnh đó, là những bài hát thấm đậm nỗi niềm tha hương như Hướng Về Hà Nội (nhạc sĩ Hoàng Dương)… Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi…, Hướng Về Đất Bắc (nhạc sĩ Phó Quốc Thăng)… Nơi xa vời, vọng về đất Bắc xa xôi, buồn vì đất nước chia đôi, hận sâu dâng nơi nơi… Mộng Ngày Hồi Hương (nhạc sĩ???)… Mẹ già yêu dấu, giờ này con đang ngồi đếm bao mùa thu tàn, mộng ngày hồi hương, vinh quang theo lối, thuyền nhớ đưa lòng tôi… Xuân Tha Hương (nhạc sĩ Phạm Đình Chương)… Đường đi xa lắc lê thê, thèm khát khao ngày về quê, để sống vui quê mẹ lúc xuân về… Nhạc sĩ Vũ Thành sáng tác bài Giấc Mơ Hồi Hương… nhìn em mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời, lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly… chữ “em” đây là “Hà Nội”, một ẩn dụ quá tuyệt vời. Còn nhiều bài nữa như Buồn Nhớ Quê Hương (nhạc sĩ Hoàng Trọng), Hận Ly Hương (nhạc sĩ Anh Hoa), Sau Lũy Tre Xanh (nhạc sĩ Nhật Bằng), Chuyến Đò Vỹ Tuyến (nhạc sĩ Lam Phương)…
Trăm hoa đua nở trên làn sóng phát thanh và tôi trở thành tín đồ chung thủy, không bỏ sót chương trình nào. Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Thời Gian của nhạc sĩ Mạnh Phát, Tiếng Nhạc Tâm Tình của ca sĩ Anh Ngọc, ban Dạ Hương của nhạc sĩ Khánh Băng, ban thiếu nhi Tuổi Xanh của Phạm Đình Sĩ - Kiều Hạnh… và còn nhiều nữa nhưng tôi đã quên mất.
Cho đến khi có Truyền Hình, những thần tượng ca sĩ, nhạc sĩ như bước ra từ giấc mộng, đơn ca, song ca, hợp xướng… làm nao nức biết bao tâm hồn. Về ca sĩ nữ, tôi thần tượng Thái Thanh và yêu thích Lệ Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, ban hợp ca Thăng Long, ban tam ca Kim Mộc Châu (Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà)… về nam thì thích Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc, Elvis Phương… ca sĩ trẻ hàng con cháu thì có Trần Thái Hòa và Ngọc Hạ hát quá hay. Còn về nhạc sĩ thì nhiều lắm, mỗi người một sắc thái, ai cũng thông minh, tài giỏi, giàu ý tưởng, sáng tác hăng say. Xin kể ra đây những tác phẩm đã hòa điệu với tâm hồn tôi và đồng hành cùng tôi từ sớm tinh mơ cho đến hoàng hôn cuối cuộc đời. Tôi sẽ cố nhớ và ghi lại một vài bài mình thích nhất cho mỗi nhạc sĩ thôi, vì sợ quá dài dòng sẽ làm mệt các bạn dù tôi rất muốn viết tất cả những lời hay, ý đẹp trong từng giai điệu tuyệt vời.
Phạm Duy với Dạ Lai Hương, Ngày Đó Chúng Mình, Tình Hoài Hương… Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất, lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn, lửa bếp hồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn…, Phạm Đình Chương với Hội Trùng Dương, Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng…, Văn Phụng với Yêu Và Mơ, Tiếng Hát Với Cung Đàn, Ô Mê Ly, Suối Tóc… Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi, hay đi tìm dòng suối tóc buông lơi…, Tử Phác với Tiếng Hát Lênh Đênh, Nguyễn Thiện Tơ với Nhắn Gió Chiều, Giáo Đường Im Bóng…, Hoàng Giác với Mơ Hoa, Quê Hương…, Hoàng Trọng với Một Thuở Yêu Đàn, Dừng Bước Giang Hồ, Cánh Hoa Xưa…, Văn Cao với Trương Chi, Buồn Tàn Thu…, Tô Vũ với Tạ Từ, Tiếng Chuông Chiều Thu…, Đoàn Chuẩn & Từ Linh với Thu Quyến Rũ, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay…, Nguyễn Văn Khánh với Nỗi Lòng, Chiều Vàng…, Châu Kỳ với Trở Về, Y Vân với Ngăn Cách, Tôi Sẽ Đưa Em Về…, Hoàng Thi Thơ với Tà Áo Cưới, Mùa Thu Đông Kinh…, Nguyễn Văn Đông với Chiều Mưa Biên Giới, Nhớ Một Chiều Xuân… Mạnh Phát với Qua Xóm Nhỏ, Đường Tơ Chưa Dứt… Anh về mùa đã thôi mưa ngâu, Ô thước đưa sang nhịp cầu, thẹn thùng nói chuyện trầu cau… Nguyễn Hiền với Hoa Bướm Ngày Xưa, Tìm Đâu…, Lê Trọng Nguyễn với Chiều Bên Giáo Đường, Sao Đêm…, Tuấn Khanh với Dưới Giàn Hoa Cũ, Nỗi Niềm…, Dương Thiệu Tước với Bóng Chiều Xưa, Đêm Ngắn Tình Dài…, Lâm Tuyền với Hình Ảnh Một Buổi Chiều, Khúc Nhạc Ly Hương…, Khánh Băng với Vọng Ngày Xanh, Có Nhớ Đêm Nào, Ngày Về Quê Cũ…, Trần Thiện Thanh với Ai Nói Yêu Em Đêm Nay, Xin Em đừng Hỏi…, Từ Công Phụng với Kiếp Dã Tràng, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau…, Ngô Thụy Miên với Mắt Biếc, Bản Tình Cuối, Riêng Một Góc Trời…, Cung Tiến với Thu Vàng, Hương Xưa…, Nguyễn Ánh 9 với Cô Đơn, Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm…, Lê Hựu Hà với Vào Hạ, Tôi Muốn…, Lê Uyên Phương với Cho Lần Cuối, Khi Loài Thú Xa Nhau…, Đynh Trầm Ca với Mưa Trên Thành Phượng Cũ…, Phạm Thế Mỹ với Nắng Lên Xóm Nghèo, Tóc Mây…, Nguyễn Đức Quang với Bên Kia Sông, Đức Huy với Đường Xa Ướt Mưa, Hoang Vu…, Trịnh Nam Sơn với Con Đường Màu Xanh…, Trịnh Công Sơn với Ướt Mi, Phôi Pha… Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua…
Nhiều bài hát từ thơ phổ nhạc rất hay, như Ngày Xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư - nhạc Phạm Duy), Anh Cho Em Mùa Xuân (thơ Kim Tuấn - nhạc Nguyễn Hiền), Tiễn Em (thơ Cung Trầm Tưởng - nhạc Phạm Duy), Thuở Ban Đầu (thơ Đinh Hùng -nhạc Phạm Đình Chương), Về Đây Nghe Em (thơ A Khuê - nhạc Trần Quang Lộc), Tình Khúc Thứ Nhất (thơ Nguyễn Đình Toàn -nhạc Vũ Thành An)… Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi, trầm mình trong hương đốt hơi bay, mong tìm ra phút sum vầy… Nhạc ngoại quốc có Giòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu), Khúc Hát Thanh Xuân (When We Were Young) của Johann Strauss do Phạm Duy đặt lời Việt, Sóng Nước Biếc (Les Flots du Danube) của Joseph Ivanovici do Phạm Đình Chương viết lời… Một dòng sông sâu cuồn cuộn sóng trôi về nơi đâu, gió đưa buồm nâu mang tâm hồn vào cõi u sầu… Nhạc ca ngợi các thành phố đẹp thì có Anh Việt Thu với Giòng An Giang, Y Vân với Em Gái Hà Tiên, Minh Kỳ có Nha Trang, Nhớ Nha Trang… Bây giờ nơi ấy, có còn người trai vượt sóng cười, để cô gái xuân ngây nhìn thương mến đầy vơi… Hoàng Nguyên viết cho Đà Lạt… Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa, lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương… (Ai Lên Xứ Hoa Đào). Các bài hát viết về Huế rất nhiều, Trần Đình Quân với Khúc Tình Ca Xứ Huế, Lê Mộng Nguyên với Bài Thơ Huế, Nhị Hà với Trở Về Thôn Cũ, Dương Thiệu Tước với Đêm Tàn Bến Ngự, Minh Kỳ với Thương Về Xứ Huế, Hoàng Thi Thơ với Tâm Tình Gửi Huế, Nguyễn Văn Thương với Trên Sông Hương, Hoàng Nguyên với Tà Áo Tím... Riêng tôi, thích nhất vẫn là bài Trở Về Huế của nhạc sĩ Văn Phụng dù ông không phải là người Huế… Về đây bao thiết tha, nhìn Nam Giao sau khóm dừa xanh la đà, đường về thôn Vỹ xa, lòng lâng lâng xao xuyến tình quê chan hòa…
Các bạn tôi ơi, đây không phải là một phóng sự hay sưu tầm gì cả, mà là một bức tranh âm nhạc của riêng cá nhân tôi trong suốt thời tuổi trẻ. Ai cùng gu thì chia sẻ cho vui, ai khác gu thì thử đổi khẩu vị xem sao, cũng thú vị lắm đó. Trải lòng ra, nhớ chi kể nấy, thư giãn thôi mà. Nếu có sai chi tiết nào, đừng “bắt giò” người viết mà tội nghe. Già quá rồi, đâu còn nhớ chính xác được.
Thùy An
Theo http://www.ptgdn.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...