Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Đỗ Chu như một nhà văn của những vùng quê chiến sĩ

Đỗ Chu như một nhà văn 
của những vùng quê chiến sĩ

Trên những con đường giao liên, những con đường mòn đi dọc Trường Sơn, người rải khắp đường, người đi ra cụng đầu người đi vào. Rừng núi im lìm, lắm lúc thật thèm bạn trò chuyện. Nhưng hỏi nhau về đơn vị, về nhiệm vụ chiến đấu thì không tiện. Bao giờ cũng chỉ còn một câu hỏi đầu miệng:
– Đồng hương đâu đấy?
– Phú Thọ đây.
– Hải Hưng đây.
Lâu ngày, đối với người lính, đó là một lời chào, là một tình cảm.
Ở những đoạn đường đặc biệt, đi trên đường cái lớn, đối với người lính, còn có một niềm vui khác: gặp những cô thanh niên xung phong. Giữa những nơi những cô gái đi mở đường ấy âm thầm làm việc, không khí rộn rã lên khi họ gặp những người lính đi chiến đấu. Và câu đầu tiên đôi bên hỏi nhau cũng là: “Quê đâu đây?”. “Đồng hương đâu ta vậy?”
Những năm chiến tranh , bao nhiêu thanh niên trẻ tuổi của chúng ta vừa rời ghế nhà trường thì ra đi, có mặt trên mọi ngả đường chiến đấu. Đi bao nhiêu nơi, làm bao nhiêu việc, có lúc tưởng gian khổ và mệt mỏi đã làm cho họ xao lãng mọi kỷ niệm, cằn đi trong suy nghĩ. Nhưng không, chỉ một số rất nhỏ thôi, một tiếng hát, một lá thư, một người cùng quê đi qua đủ làm cho họ xao động cả lên. Bắt đầu là nỗi niềm nhớ quê rồi ít nhiều kỷ niệm tuổi trẻ cùng những mong mỏi, dự định tương lai. Những kỷ niệm đến với họ như một nhắc nhở, một chỗ dựa, nhờ đó mà họ thấy công việc có ý nghĩa thêm.
Có những người viết trẻ nhận lấy việc viết về những con người như thế. Các anh các chị tìm thấy ở họ những điều tâm sự của tuổi trẻ chính mình. Hiện lên trên trong sáng là những nhân vật xứng đáng được gọi là những người con trai con gái của đất nước, những năm đất nước gian lao.
Một trong những người viết đó là Đỗ Chu.
Với tác giả ,việc viết văn  dường như là việc nói về những người đồng đội, những người cùng tuổi với mình, trong nhiều công việc khác nhau, ở nhiều ngả đường khác nhau trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Đó là Lưu, cô con gái nghèo của một thị xã, thuở nhỏ thích không biết bao nhiêu là nghề, rồi rất ngẫu nhiên và cũng rất tất nhiên, vào đội thanh niên xung phong, mở đường, phá đá (Ghi chép trên một chặng đường). Đó là Chuyên, cô chính trị viên một đội thanh niên xung phong khác, dịu dàng, mau mắn, những khi thì chỉ huy đội bảo đảm đường cứu xe, khi thì đi làm lán, giữ kho, cuối cùng hy sinh trong một trận cứu xe rất dũng cảm (Ráng đỏ). Người yêu của Chuyên là Nam, một người lính lái xe tháo vát, trách nhiệm, đầy xúc cảm với cuộc sống và mang được những say mê đó vào công việc của mình. Còn bạn của Lưu thì là Thuyên, một cậu lính pháo ở một tác phẩm như Đám cháy trước mặt chẳng hạn. Có đến vài chục nhân vật của Đỗ Chu là những người thuộc cái đơn vị pháo, ở đủ mọi cương vị: liên lạc, thợ chữa pháo, anh nuôi, pháo thủ. Bao giờ thì đó cũng là những chàng trai mau mồm mau miệng, khéo léo, hay đùa nghịch, giữa bom đạn cũng có thể đùa tếu được, đối đáp được, nhưng chiến đấu thì dũng cảm, thông minh, tài hoa. Còn những người con gái thì cũng không kém, có người đáo để, có người hiền lành, nhưng toàn là những người biết làm ăn, chịu thương chịu khó.  Đã hình thành một thứ nhân vật riêng của Đỗ Chu, những con người của làng xóm nông thôn, của thị xã, phố huyện, có học hành, nhưng còn nguyên dáng dấp của những đứa con những gia đình nghèo, chăm chỉ lao động, yêu cuộc sống, nhanh chóng thích hợp với cuộc chiến đấu hiện nay. Họ tự nhận sự nghiệp chống Mỹ là hoàn cảnh giáo dục họ: tâm hồn thật trong trẻo, họ đi vào cuộc chiến đấu gian khổ một cách thanh thản, thoải mái. Họ bắt đầu triết lý, bắt đầu nói nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là những con người giàu xúc cảm, bằng tình cảm của mình mà hiểu hết ý nghĩa công việc mình đang làm. Họ âm thầm chịu đựng mọi khó khăn, nhưng nhờ thế, mà họ trưởng thành. Nghĩ tới họ, bao giờ ta cũng ấm lòng, tin tưởng.
Mai đây người ta sẽ nhắc đến những ngày hôm nay như thế nào nhỉ? Hẳn không ai có thể quên những người con trai con gái hôm nay đang có mặt trên khắp các nẻo đường đất nước, đã sống những ngày đầy cực nhọc nhưng cũng phơi phới một niềm tin tưởng, đã biết gắn bó cuộc đời mình với sự sống còn của Tổ quốc, với số phận của nhân dân. Những năm này là những năm chúng ta lên đường đánh giặc, những năm đi xa. Lịch sử đã mở tung cửa cho cả một thế hệ tốt đẹp và đầy kiêu hãnh bước ra cuộc đời rộng lớn. Và đó là hạnh phúc của đất nước.
Những người con trai, con gái của đất nước. Những nhân vật của Đỗ Chu có thể được gọi như thế lắm. Họ khá đông. Khó lòng nói Đỗ Chu đã hiểu biết họ đầy đủ và dựng họ thành những nhân vật độc đáo, có cuộc sống riêng… Nhưng Đỗ Chu đã  cảm thấy họ, và cảm xúc của tác giả là gần với họ, lấy họ làm nền cho những điều định nói.
Bởi vì, nhân vật chính trong truyện, ký của Đỗ Chu bao giờ cũng là chính Đỗ Chu.
Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, anh đã đi theo một đường hướng về truyện mà anh theo đuổi cho đến hiện nay. Có người gọi là truyện giàu chất thơ. Có người gọi là những truyện ngắn trữ tình, có màu sắc chủ quan. Những nhân vật của Đỗ Chu thường đơn giản và trở đi trở lại trong một dáng nào đó. Mà truyện đứng được cũng không phải là do những tính cách ấy. Đúng hơn, chưa có tính cách, chỉ có những tính nết, những cá tính nhân vật, nên chắc là không làm sao đứng được. Đỗ Chu đến với người đọc là ở những cái khác, nó là một cái chất Đỗ Chu bàng bạc khắp truyện. Mới nhìn thì cũng dễ thấy có gì đó giống nhau giữa tác giả và các nhân vật. Nhưng tính cách tác giả bao giờ cũng là một cái gì sâu sắc hơn, quán xuyến hơn, và đúng ra, đó là cái cuối cùng người ta xét đoán, khi đánh giá một tác phẩm, nhiều tác phẩm tiếp nối.
Phải chăng từ những cảm xúc bao trùm, những khung cảnh, những con người nói tới, đều có thể thâu tóm lại thành một cái nhìn cuộc sống kiểu Đỗ Chu. Như đã nói trên, cảm hứng chủ đạo trong anh thường chân tình, đầm ấm. Đó là một cái nhìn cuộc sống trong trẻo, yêu thương. Trải qua những vất vả gian khổ, sự trong trẻo đó, nỗi yêu thương đó không bao giờ mất đi trong nhân vật cũng như trong tác giả của nó. Đỗ Chu chưa chỉ rõ cho người đọc cuộc sống là như thế nào. Nếu có, anh còn dừng lại ở những phần bên ngoài. Nhưng Đỗ Chu lại muốn nói với mọi người cuộc sống còn là thế nào, còn những chỗ như thế nào. Anh muốn nói một cái gì bền vững, sâu xa trong lòng người và anh quan niệm những cái đó là những động lực cho người ta sống và làm việc. Ví dụ như tình yêu đối với quê hương, gia đình. Ví dụ như tình nghĩa đối với đồng đội, bạn bè. Và cái lớn lao nhất là lòng yêu nước, là yêu cầu và tự hào được sống, thương yêu đùm bọc giữa nhân dân. Nó là những gì phảng phất, mơ hồ, nhưng lại thiết tha, thấm thía trong lòng mỗi người. Đứng về một phía nào đó, thì cách cảm thụ cuộc sống của Đỗ Chu là còn nông cạn, cuộc sống mới vào tác phẩm với cái vẻ phong phú bên ngoài của nó. Nhưng đứng về một phía khác, lại thấy như Đỗ Chu nắm bắt được tinh chất trong con người anh gặp, cuộc sống anh trải qua, và anh biết quy nó vào đúng cái điều mà anh thường săn sóc. Và đó là tất cả những gì người đọc đã cảm thấy từ tập truyện ngắn đầu tiên, tập Phù sa. Lấy cảm hứng chủ yếu ở sự hồi sinh của cuộc sống và sự nảy nở của những cái mới trong sinh hoạt nông thôn ta trước cuộc sống và sự nẩy nở của những cái mới trong sinh hoạt nông thôn ta trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, tập truyện quả thực đã bắt vào cái mạch chính của Đỗ Chu. Những tác phẩm về sau cứ như được từ đấy mà khơi ra, nối tiếp mãi. Mọi nhân vật của anh đều từ cái quê hương đồng bằng, đất Kinh Bắc tài hoa văn vật ấy mà ra đi. Mọi tình cảm của anh có phát triển thế nào rồi cũng hay trở về với cái âm điệu chủ yếu của nó: Vui, ấm áp, duyên dáng. Những nhân vật của  Đỗ Chu đi vào kháng chiến, thăng trầm, chìm nổi, nhưng bao giờ cũng nói đến quê hương với một tình cảm chân thành, bao giờ cũng lấy đó làm chỗ dựa cho mình, trong cảnh bom rơi đạn nổ có thể kể cho bạn bè mình về những ký niệm của tuổi trẻ. Với họ, với chính Đỗ Chu, cuộc chiến đấu hiện nay như một cuộc đi xa, nhưng ở cái đầu mút bên kia, ở cái đích của chuyến đi, trong khung cảnh huy hoàng của thắng lợi mà họ hình dung, bao giờ cũng có cái quê hương của họ, những con người quen thuộc của họ.
Lần theo những trang sách, rất dễ dàng nhận ra một cách cảm cách nghĩ quen thuộc của Đỗ Chu như thế. Dù Đỗ Chu nói về cái gì hoặc là mảng rừng Trường Sơn hoặc là thủ đô Hà Nội, thì bao giờ cũng cảm thấy một không khí thị xã khiêm nhường, điềm đạm nó ăn vào nhập vào trong toàn bộ khung cảnh. Thủ đô Hà Nội sôi nổi và ồn ào thì như nép mình lại, trở nên dịu dàng và xinh nhỏ. Còn cánh rừng Trường Sơn tự nhiên lại rộn rã và có một cái gì đó bao la của đồng bằng. Chỗ mạnh và chỗ yếu của Đỗ Chu gặp nhau ở đấy. Cuộc kháng chiến chống Mỹ với tất cả quy mô của nó, với tất cả vẻ sôi nổi dữ dội, sự lay chuyển nhiều mặt của nó, chưa và vào tác phẩm Đỗ Chu một cách mãnh liệt. Không khí cuộc sống hôm nay, trên những trang viết của anh, sao vẫn có một cái gì phảng phất như trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần trước, mà đã kết tinh lại trong Làng (Kim Lân, 1948), trong Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng - 1968). Còn những nhân vật của Đỗ Chu, và tác giả của nó, sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống, vẫn có một cốt cách rất tĩnh trong cách suy nghĩ và xúc cảm. Cách thức làm việc của Đỗ Chu là bao giờ anh cũng cho các nhân vật có một quá khứ những ngày kháng chiến chống Pháp để giải thích và làm nền cho những ngày hôm nay. Nhưng cái khác nhau trong hai thời kỳ, sự đổi mới bên cạnh sự kế tục của ngày hôm nay so với ngày hôm qua thì chưa được anh cảm thấy và thể hiện một cách đầy đủ. Có lẽ sẽ không ai thỏa mãn nếu muốn tìm ở trên trang sách của Đỗ Chu cuộc sống với những vấn đề rất cấp thiết những vấn đề ở đây, hôm nay của nó. Anh chưa sống hết với các nhân vật, và để cho các nhân vật sống hết với nhau một cách kỹ càng. Tình huống thường thấy trong truyện của Đỗ Chu gần đây thường là những cuộc hội ngộ: chiến tranh đẩy các nhân vật vốn cùng gốc gác của anh đi theo những chặng đường khác nhau, rồi chiến tranh lại đưa họ về một con đường, họ lại gặp nhau và nhận ra nhau vẫn như xưa. Họ chưa kịp sống chung với nhau thì truyện đã chấm dứt. Nói Đỗ Chu lảng tránh, e có quá đáng? Nhưng một thứ cốt truyện hội ngộ như thế, để nói về cuộc chiến đấu hôm nay, thì rõ ràng là còn đơn giản lắm. Mà cái đó nghe đã kéo dài và sớm ổn định trong Đỗ Chu.
Trong  ghi chép Tiếng  vang của rừng, Đỗ Chu có nói về một nhân vật:
“Những người trong trạm giao liên nhìn Trung bằng con mắt thán phục và tin yêu ra mặt. Họ đánh giá người lính pháo đến nhà họ hôm nay là một tay không phải xoàng, đó là một tay kể chuyện rất có duyên, và rất tự nhiên, mọi người đều nghĩ bụng: “Con gái gặp sẽ say bằng chết, cái thằng này, thế mới biết lính mình cũng có lắm tay tài hoa”
Ở trong Ráng đỏ, cũng lại một đoạn đối thoại:
– Anh mới đến mà đã hỏi cặn kẽ thế, không khéo lần sau thì đã là “thổ công” nhà chúng em rồi.
– …
– Các anh lái xe anh nào ăn nói cũng gớm cả, em chịu đấy
– Tôi lại có cảm tưởng là tất cả các cô ở đây đều ăn nói được cả.
Cái sự thực ở đây là những nhân vật của Đỗ Chu bao giờ cũng mang dáng dấp của Đỗ Chu chút ít. Như cái tài ăn nói và những nhận xét bén nhạy nói trên chẳng hạn. Chính Đỗ Chu đó. Cho nên, có thể lần theo các đoạn nói về các nhân vật để hiểu Đỗ Chu.
Về cái duyên dáng trong câu chuyện của anh, là đoạn về Chi trong Tiếng vang của rừng:
“Rõ ràng hai bên đang bắt dầu vào một câu chuyện vui, loáng thoáng có tiếng đối đáp ráo riết, rồi sau đó, câu chuyện nở tung ra thành những chuỗi cười giòn giã, quấn quýt bay trong khoảng rừng thưa và sáng”
Về những tình cảm chủ đạo trong anh là cái tâm sự của Lựu trong Ghi chép trên một chặng đường:
“Thật là kỳ diệu, cô đã đến rất nhiều nơi và gặp rất nhiều người, không ai giống ai, nhưng trong nếp suy nghĩ, trong nhân cách, trong khuôn mặt tinh thần của mỗi người cô vẫn thấy nét gì giống nhau. Phải chăng đó là một vẻ đẹp thông minh, một tâm hồn đa cảm, yêu thương sâu sắc và rất khỏe khoắn”
Đỗ Chu đã có một nét mặt tinh thần riêng biệt. Đỗ Chu đã hình thành, như một phong cách, với những chỗ mạnh chỗ yếu rõ rệt. Nhưng thôi - mượn cách nói của Ráng đỏ -, điều thú vị là tiếng nói văn học của anh đã có chỗ đứng trong đời sống tâm hồn nhiều người, cả những người chiến sĩ lẫn những người không mặc áo lính. Tất cả chúng ta đều là những người cùng quê của anh.
27/1/2010
Vương Trí Nhàn
Theo https://dangbi.wordpress.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...