Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

"Ánh sáng và phù sa" - Tập thơ hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên

"Ánh sáng và phù sa" - Tập thơ hay nhất 
của đời thơ Chế Lan Viên

Trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, chữ trạng giành để chỉ một lớp người đặc biệt. Theo nghĩa thông thường, đó là những người giỏi giang, học vấn cao, đọc nhiều sách thánh hiền, và thường là thành công trên đường hoạn lộ (Trạng là cái cách gọi tắt của chữ trạng nguyên, danh hiệu để chỉ những người đỗ cao nhất trong các cuộc thi quốc gia do nhà vua chủ trì). Nhưng trong ý niệm dân gian, chữ trạng còn kèm theo một ý nghĩa cụ thể nữa: đó là những người lém lỉnh, ranh mãnh, ứng xử giỏi, đặc biệt thành công trong một lĩnh vực nào đó, một sự thành công đến mức siêu việt mà chỉ giải thích bằng sự nghiêm cẩn học vấn không đủ, phải cộng thêm vào đó nhiều thủ thuật dân gian nữa. Người ta dùng chữ trạng đặt trước tên ai đó: Trạng Cờ, Trạng Vật. Và ai nói giỏi, thì người ta ví: nói như trạng.
Bao nhiêu cuộc thi của các triều đình phong kiến, để lại bao nhiêu trạng nguyên, nhưng những ông trạng ấy, mấy ai được nhắc tới bây giờ. Trong khi đó, nghĩ đến trạng, là người ta liên tưởng ngay đến Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, những trí thức dân gian mà đến nay, người ta còn kể lại cho nhau nghe, hết sức thú vị và chắc chắn, nếu được phân tích kỹ, có thể cho thấy quan niệm của người Việt Nam về khuôn mặt giới trí thức có thể có.
Nhiều người sống qua những năm Cách mạng, đặc biệt những năm chống Mỹ, thường nhớ tới Chế Lan Viên như một người nói giỏi, thuyết khách giỏi, chứng minh giỏi. Không đỗ đạt cao nhưng biết sử dụng kiến thức của mình. Ranh mãnh mà lại hồn nhiên, hình như thích nói, chỉ lấy nói làm sướng, nói hay hơn mọi người làm chuyện tự hào. Trong một ý nghĩ nào đó, có thể gọi đấy là một thứ trạng của thời đại này. Dù công việc không rộng ra các vấn đề chung của quốc gia, mà chỉ thu hẹp trong giới văn nghệ, nhưng vì ở Việt Nam, trong những năm sau cách mạng, không có sự bận tâm nào của giới văn nghệ sâu sắc hơn sự bận tâm tới các vấn đề quốc gia – cho nên, Chế Lan Viên cũng được rất nhiều người biết tới.
Chế Lan Viên, quê ở Nghệ An, nhưng lại lớn lên ở Bình Định. Vùng đất này của miền Trung là quê hương của nhiều nhà thơ “tiền chiến” nổi tiếng: Bích Khê, Hàn Mặc Tử… Trong sự phát triển muộn mằn của mình, nền thơ Việt Nam hiện đại, sớm trải qua tất cả các giai đoạn phát triển tiêu biểu: từ tiếng thơ nồng nhiệt yêu đời của Xuân Diệu sang thơ điên, thơ loạn của Bích Khê, Hàn Mặc Tử, chỉ có một quãng thời gian ngắn ngủi. Chế Lan Viên không những gần gũi với mấy nhà thơ trên ở tình đồng hương, mà còn ở xu thế tìm tòi của mình. Cái tên Chế Lan Viên, gợi nhớ đến Chế Bồng Nga, vị vua Chiêm thuở nào. Nói về Chiêm Thành để nói lên cảm giác về một cái gì lớn lao giờ bị mất mát. Nhiều khi trong thơ gợi lên hình ảnh ma quái, cho nên gây ấn tượng kinh dị.
Suốt một thời gian dài, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê bị giới nghiên cứu văn học Hà Nội đẩy vào bóng tối. Nền văn học thuộc về quần chúng trong cái trong sáng, cái dễ hiểu, không thể chấp nhận được những tìm tòi siêu hình kiểu đó. Bản thân Chế Lan Viên hình như cũng muốn quên đi thơ của mình, không coi đó là niềm tự hào như Xuân Diệu. Điều này diễn ra suốt mấy chục năm trời, cho đến 1985-1986: Khi làm tuyển của mình (xêri in ở nhà xuất bản Văn Học), trong khi Xuân Diệu lấy lại gần hết Thơ thơ, Gửi hương cho gió, thì Chế Lan Viên chỉ lấy lưa thưa dăm ba bài, không đáng kể . Phải tới 1987, 1986, quan niệm này của Chế Lan Viên mới lung lay một chút. Khi làm tuyển thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê, (việc do nhà xuất bản Nghĩa Bình nhờ), Chế Lan Viên xuất hiện với những bài giới thiệu hết sức ca ngợi trường thơ gọi là điên loạn kia, và miêu tả các nhà thơ đó, như những người gần gũi với cách mạng, chỉ một chút xíu nữa trở thành cốt cán của cách mạng như chính mình.
Thoạt nhìn, thì đây là một ví dụ về tính đỏng đảnh của Chế Lan Viên một người lúc nói thì thế này, lúc nói thế khác, và lúc nào nói cũng đầy tâm huyết, cũng hết sức thuyết phục cả.
Ở một phương diện khác, lại có thể thấy cách giải thích sau này của Chế Lan Viên cũng cực kỳ sâu sắc. Cái kỳ lạ của cuộc cách mạng Việt Nam là nó mang vào mình đủ mọi tầng lớp khác nhau. Trong đó, có những người hình như chả dây dưa gì với Cách mạng cả. Mới đây thôi (1988) ở Hà Nội có cuộc thảo luận về chức năng của văn học. Nhiều người bắt đầu nói tới tính dự báo: văn học giống như một thứ tiên tri, báo trước những điều xảy ra. Giá kể trong một trường hợp khác, cần ủng hộ ý kiến ấy, thì Chế cũng tìm ngay được dẫn chứng trong văn học Đông Tây kim cổ để chứng minh cho tính đúng đắn của nó. Nhưng lần này, tình thế buộc Chế phải đứng ở phía đối lập, và ông tìm ngay ra một dẫn chứng hết sức thuyết phục. Cứ xem văn học Việt Nam thì biết. Đọc văn học Việt Nam trước 1945 ai ngờ là sẽ có cách mạng xảy ra (Đây là một câu chuyện hết sức thú vị, chúng tôi mong có dịp trở lại khi bàn về mối quan hệ giữa văn học và cách mạng). Trong một dịp khác Chế Lan Viên kể vắn tắt và cụ thể hơn: Lúc cách mạng xảy ra, ông ở bờ biển Nha Trang. Đang tắm thì thấy người ta biểu tình đi qua. Thế là nhà thơ chạy theo. Có lẽ bấy giờ chính ông cũng không ngờ là có lúc, ông trở thành một nhà thơ phát ngôn của cách mạng, ở một thời điểm quan trọng những năm chống Mỹ Vai trò mờ nhạt trong kháng chiến và đầu hòa bình.
Trung tâm của văn học kháng chiến là ở Việt Bắc, mà những năm này, Chế Lan Viên lại ở chiến trường Trị Thiên. Những sáng tác của ông bấy giờ còn rất thưa thớt, sau này tập hợp lại, trong tập Gửi các anh. Ở tập thơ có khoảng vài chục trang này người ta bắt gặp một Chế Lan Viên rất hỗn tạp, có những bài cao giọng nhưng lại có những bài tập theo lối dân gian (Bữa cơm thường trong bản nhỏ sau này thường được chọn như là một đỉnh cao trong thơ Chế Lan Viên hồi kháng chiến). Nhưng ngay lúc ấy, Chế Lan Viên đã có một cuốn tiểu luận mỏng, mang tên
Sau này, trong một cuộc tranh luận, Lại Nguyên Ân mỉa mai: thế là một bậc thày của văn học cũ, lại sớm trở thành người rao giảng lý luận của nền văn học mới.
Nhìn chung lại, cho đến trước 1958, vai trò của Chế Lan Viên chưa có gì đáng kể. Thời gian 1945-1946 - thời gian Xuân Diệu ở trong ban biên tập tạp chí Tiên Phong, trở thành đại biểu Quốc hội, đi Pháp, viết tráng ca Ngọn quốc kỳ, thì Chế Lan Viên hoàn toàn không thấy xuất đầu lộ diện. Thời gian sau, người ta cũng không thể mang một ít thành tựu chịu đựng gian khổ của Chế ra so với những hoạt động rộng rãi của Xuân Diệu, như đi bình thơ, như giữ mục Tiếng thơ trên Đài tiếng nói Việt Nam và cùng Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng làm tạp chí Văn Nghệ.
Đến đầu hòa bình, Chế Lan Viên lại bị một bệnh hiểm nghèo so với tình hình lúc ấy - bệnh lao, và phải đi Trung quốc điều trị. Sự vắng mặt ở Hà Nội khiến cho Chế Lan Viên không có vai trò gì nổi bật, trong vụ Nhân văn-Giai phẩm - không dao động chút ít, đủ để phải kiểm điểm, như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, cũng không làm việc “truy kích” những tàn dư của cánh Nhân văn, như Xuân Diệu gọi công việc của mình, những năm 1958. Chuyến đi Trung quốc chỉ tạo cho Chế Lan Viên một dịp suy nghĩ nghiền ngẫm về nghề nghiệp, và những quan hệ tốt với Trung quốc mà ông sẽ gìn giữ cho đến trước cuộc xung đột Trung - Việt (1978)
Sự sống lại trong thơ đến những bước bột phát trên đường hoạn lộ
Tập thơ hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên, Ánh sáng và phù sa, in ra năm 1960, và những bài chủ yếu trong tập, cũng chỉ được làm cách đó ít lâu, 1958, 59 gì đó. Bây giờ nhìn lại, thì thấy sau cuộc đấu tranh Nhân văn - Giai phẩm, có một hiện tượng kỳ lạ: nền văn học không những không bị tàn phá, mà lại có được sức sống mới: Nguyễn Tuân có Sông Đà, Xuân Diệu có Riêng chung, Nguyễn Khải cho in Xung đột, Bùi Đức ái bắt đầu nổi tiếng với Một truyện chép ở bệnh viện. Điều này không có nghĩa là đấu tranh chống Nhân văn hoàn toàn đúng đắn như sau này người ta giải thích, mà có lẽ nên tìm lý do ở sự hạn chế của nhu cầu dân chủ lúc ấy. Kháng chiến chống Pháp là một cuộc chiến tranh rất gian lao nhưng vẫn còn ở mức mà dân tộc này có thể chịu đựng được. Sự hồi sinh của dân tộc bắt đầu vào những năm sau 1954, sẽ lên đến đỉnh cao vào những năm 1960-61. Đấy là một ít năm tháng thịnh trị nhất trong đời sống Việt Nam sau cách mạng. Giữa con người với hoàn cảnh có một sự hòa hợp tuyệt vời, hầu như người ta có thể đạt được gần hết những điều người ta nghĩ. Do sự hạn chế của tầm nhìn, số đông còn dửng dưng trước nhu cầu dân chủ, và không hề thấy rằng ít nhiều Nhân văn - giai phẩm đấu tranh cho chính cái phần quyền lợi của mình. Vì thế, cho nên, “không khí phấn khởi” - như chữ người ta thường nói - sau vụ Nhân văn giai phẩm là có thật. Ở trường hợp của Chế Lan Viên, thì cuộc đời lúc ấy lại hai lần đáng yêu, vì nó, là cuộc sống mà hôm qua, tưởng đã mất hẳn. Giữa tết trồng cây và Tình ca ban mai… những bài thơ mang hơi thở phập phồng của sự sống ở một người khỏi bệnh, cho nên có sự quyến rũ rất chân thành. Giá kể chỉ dừng lại ở đây thôi, thì thơ Chế Lan Viên cũng đã hay lắm.
Nhưng từ sau ánh sáng và phù sa, Chế Lan Viên cũng bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời của mình. Từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui là tên một bài tiểu luận rất hay người ta đọc được trên tạp chí Văn nghệ 5-1961. Và nhiều người lập tức hiểu rằng từ nay, đây sẽ là người phát ngôn cho những đánh giá chính thức về nền thơ Việt Nam. Liên tiếp, Chế Lan Viên xuất hiện với các bài đánh giá chung về thơ Việt Nam 1945-60, về thơ Tố Hữu… Nhà thơ và nhà lý luận song hành, đó là dấu hiệu của những người chủ trì của những cốt cán như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu…
Một bậc thầy
Thông qua một người bạn là Xuân Quỳnh, tôi có dịp làm quen với lao động nghề nghiệp của Chế Lan Viên từ những năm 67-68.
Nguyên hồi ấy, Xuân Quỳnh phải vừa lo học thêm về văn, vừa học thêm tiếng Pháp. Một người mới vào nghề trước Xuân Quỳnh ít lâu là Vũ Thị Thường cũng phải học vậy. “Tốt nhất là đối chiếu những bài thơ tiếng Pháp với bản dịch tiếng Việt, một công đôi việc, thật tiện.” Người có sáng kiến này chính là Chế Lan Viên. Vũ Thị Thường thấy phải, rủ Xuân Quỳnh học cùng. Và thế là đi đâu tôi cũng thấy trong cái làn của Xuân Quỳnh có một quyển sổ rất dày chép những bài thơ tác giả Điêu tàn dịch từ tiếng Pháp sang cho Vũ Thị Thường và Xuân Quỳnh học. Ấy là những bài thơ của Apollinaire, S.Prudhomme, Brecht, Evtouchenko… Người nào đã quen với thơ dịch trên báo đều biết: do yêu cầu có vần, nhiều khi bài thơ dịch lủng củng về vần ngô nghê tầm thường về ý, đọc rất khó chịu. Còn trong những bản dịch ra văn xuôi, nhất là ở một người thông thạo cả thơ lẫn tiếng Pháp như Chế Lan Viên, chất thơ hiện ra thân tình và bất ngờ. Lại mộc mạc nữa. Nên đọc rất thích.
Chúng tôi vừa đọc vừa nghĩ đến một nền văn học Pháp xa vời mà thế thệ chúng tôi không bao giờ với tới.
Thế mà những nhà thơ đàn anh như Xuân Diệu, như Chế Lan Viên lại sinh ra từ đấy… Đáng sợ thế chứ!
Một điều nữa, cũng để lại ngạc nhiên trong tôi là sự thông thạo của Chế về thơ Đường. Trong bài giới thiệu bộ Thơ Đường hai tập in ra 1963, Nam Trân có kể là đã nhờ những người sành về thơ Đường, như Thế Lữ, như Chế Lan Viên soát lại cho lần cuối cùng bộ sách ấy. Tôi đọc mà gần như không tin ở mắt mình. Nhưng đúng là thế chứ còn sao nữa. Không thế sao trong Ánh sáng và phù sa lại có những bài tứ tuyệt cỡ cổ điển: Nhớ xuôi trông mãi mảnh tin nhà… hoặc Hết nhớ hoa thôi lại nhớ người.
Khoảng 1973, sau một lần đi công tác với Chế Lan Viên vào đường 559, Nguyễn Minh Châu trở về còn cứ ngạc nhiên mãi về “bố” Chế. Nghĩa là “bố” rất lạ. Mỗi sáng dậy, phải học thêm một bài thơ Đường. Để làm gì không biết, nhưng cứ học cái đã và học thật đều. Người ta có thể không muốn bắt chước (đúng hơn, không thể bắt chước), nhưng người ta phải bái phục!
Cũng đáng bái phục là lao động của Chế Lan Viên trên từng câu thơ. Một lần Xuân Quỳnh dẫn ra một ví dụ
– Vinh quang nhất là những người nổ súng
Vinh quang hơn là những kẻ đi đầu
(Bài Trận tuyến này cao hơn cả màu da)
Lối nói Vinh quang hơn…, tiếp sau Vinh quang nhất… cái lối nói rất tây ấy, đối với chúng tôi, là cái gì không bình thường.
Xuân Quỳnh còn kể: Chế Lan Viên có lối làm thơ sẵn, ghi vào sổ từng câu thơ hoặc vài câu thơ một. Sau đó khi có tứ, lo cả bài, thì lắp vào những chỗ cần thiết. Giống như người ta đúc sẵn những tấm pa-nen để rồi khi cần sẽ dùng cần cẩu, cẩu tới ghép nên căn nhà. Cách viết ấy, trong giới làm thơ đâu có nhiều người biết áp dụng!
Hồi đầu chống Mỹ, nhóm anh em làm thơ trẻ khá đông. ồn ào, nhốn nháo như bất cứ đám trẻ nào, những Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Trí Dũng, Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật… thường đặt ra với nhau một câu hỏi: Theo ai bây giờ, theo Xuân Diệu hay Chế Lan Viên? Người nói phải theo Xuân Diệu. Vì Xuân Diệu tự nhiên. Người nói phải theo Chế Lan Viên. Vì Chế Lan Viên hiện đại. Số người nghĩ rằng phải theo Chế Lan Viên đông hơn (nói nghĩ rằng vì có khi nghĩ một đằng làm một nẻo, có ai có tôn chỉ chặt chẽ đâu). Một bậc cao niên trong nghề, nhà thơ Khương Hữu Dụng cũng tán đồng và giải thích hiện tượng này như sau:
– Ông Xuân Diệu là một người được trời phú. Còn ông Chế Lan Viên lấy công phu làm đầu. Theo người dụng công là phải.
Ngoài giai thoại “mỗi ngày học thuộc một bài thơ Đường”, chúng tôi còn được nghe nhà văn Nguyễn Thành Long kể: trước cách mạng, có lần Chế Lan Viên ra Hà Nội chỉ dể đọc sách. Ngày nào cũng tới thư viện. Xong là về! Thật là một ý chí đáng vì nể! Cộng với lối nói lối viết như thế nào đó làm cho người ta cảm thấy lúc nào ông cũng đọc, cũng đối thoại với những vấn để rất trừu tượng (có những người đọc đọc nhiều mà lẫn đi, giấu đi, không thấy dấu vết của những điều đã đọc trên trang giấy), Chế Lan Viên thật đã có cốt cách của một nhà thơ trí thức.
– Tại sao một người có thể làm việc nhiều như thế?
Đấy là câu hỏi tôi thường nghe được từ miệng nhiều người, qua đó họ tỏ ý thán phục Chế Lan Viên.
Tuy nhiên, đây đó cũng đã bắt đầu có người nói: chẳng qua Chế Lan Viên có một lối nói lợi hại. Ấy là một người lợi khẩu, một thứ trạng của nước An Nam xưa, nay tái sinh.
Nghe Chế Lan Viên nói nhiều khi sướng tai thật!
Nhà thơ H.T bảo ”Trong các buổi họp, anh Chế Lan Viên hay dìm tôi lắm”. Lời phàn nàn đến tai Chế. Ông bác lại:
– Người ta có nổi thì tôi mới dìm được. Đằng này ông H.T. ấy có nổi bao giờ?
Một lần khác, một người cho rằng ra tờ Tác Phẩm Mới thêm làm gì, nó cũng giống hệt như tờ Văn Nghệ.
– Nhưng còn rộng chỗ đăng. Ba thằng giống nhau còn hơn một thằng tự giống mình.
Trong các buổi họp thơ, ý kiến của Xuân Diệu và Chế Lan Viên thường khi là sắc sảo nhất, nhưng cũng lại thường trái ngược nhau, và nếu không có cả hai ý kiến ấy, buổi họp mất vui. Xuân Diệu có cái tâm huyết của mình, nhưng thường nói quá lên, đôi khi rất hớ. Chỉ cần phát hiện đúng chỗ yếu rồi điểm huyệt là tác giả Thơ thơ quỵ ngay. Ngươi biết làm cái việc điểm huyệt ấy thật giỏi là Chế Lan Viên. Xuân Diệu phàn nàn:
– Anh Chế Lan Viên anh ấy tài nói lắm. Có sai đứt đuôi đi nữa, anh ấy cũng vặn vẹo để đúng hơn mình. Về nhà mới biết rằng anh ấy ngụy biện, nhưng lúc ấy, ôi thôi, mọi việc đã xong rồi.
Vâng, cái sắc sảo của Chế Lan Viên nhiều khi biến thành ngụy biện. Nghe một lần thì thú, về sau đâm nhàm. Điều này rất rõ với văn xuôi Chế Lan Viên.
Hình như nhà thơ cũng biết chỗ chỗ yếu của mình như thế. Nghe đồn là con người mang bút hiệu Chàng Văn có lần lẩy Kiều:
– Cái nghề văn xuôi từ sau xin chừa.
Riêng tôi, tôi hay tự hỏi: Một phẩm cách quan trọng của trí thức là phải biết hoài nghi. Phải dè chừng. Phải nghĩ rằng lời nói của mình có thể sai có thể đúng. Chế Lan Viên thì bao giờ cũng tuyệt đối hóa ý kiến của mình, cũng cho các ý kiến ấy mang hình thái một định lý vĩnh cửu. Cái đó là phi trí thức chăng.
Một điều khiến tôi cũng lạ là mặc dù nói năng rất đàng hoàng vậy, nhưng Chế Lan Viên ăn ở rất lúi xùi, lối sống mang nặng cốt cách nhà nho nghèo ngày trước, có vẻ như không trọng vật chất, không cần tiện nghi. ‘Trong cách cư xử hàng ngày, đôi lúc ở ông thấy đắp đổi những trạng thái trái ngược nhau, sang trọng đàng hoàng đấy, mà cũng nhếch nhác thảm hại đấy.
Câu chuyện sau đây xảy ra vào hồi 1980. Nhà xuất bản của chúng tôi nhận được tập bản thảo Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân, còn đang tính kế hoạch in thì Chế Lan Viên đến.
– Thế nào, bao giờ các anh in?
– Thưa anh để chúng tôi còn xem xem vì kế hoạch năm tới đủ rồi.
Thế là Chế Lan Viên nổi xung lên:
– Bây giờ mà đã xong kế hoạch hả? Thế thì trả tôi, để tôi về tôi chùi giầy!
Rồi nhân cơn thịnh nộ, không kìm được, ông tuyên bố:
– Tôi là một trong những sáng lập viên của nhà xuất bản. Để tôi lại đề nghị giải tán nhà xuất bản, chứ bây giờ mà đã xong kế hoạch rồi à?
Có hai việc chúng tôi đã làm sau cơn giận dỗi ấy của Chế Lan Viên. Một là đảo lại kế hoạch, đưa Từ gác Khuê văn đến quan Trung Tân in ngay trong năm 1981. Hai là, trong một đợt sinh hoạt chính trị, chúng tôi phê bình là Chế Lan Viên áp chế anh em. Điều kỳ lạ là hôm qua Chế Lan Viên chân thành bao nhiêu trong cơn giận của mình, thì hôm nay, Chế Lan Viên cũng chân thành bấy nhiêu trong sự hối hận. Rưng rưng cảm động, mắt đỏ lên vì những giọt nước mắt không sao ngăn nổi, ông nói như nói với ai khác, chứ không phải những người ông đã quát nạt hôm qua:
– Chế Lan Viên tôi mà lại còn tính chuyện áp chế ai!
Sau này, tôi mới biết rằng sở dĩ Chế Lan Viên cố ép Tác Phẩm Mới in ngày Từ gác Khuê văn… là bởi cũng năm ấy, nhà Văn Học ra cho ông tập Nghĩ cạnh dòng thơ. Nếu Nghĩ cạnh dòng thơ ra trước, thì Từ gác Khuê văn hết lý do để đến với bạn đọc. Khốn khổ! Thì nó cũng là cái bệnh thường thấy ở các nhà văn: bệnh muốn có mặt thật nhiều. Tuyển tập Xuân Diệu, 238 bài, thì Tuyển tập Chế Lan Viên phải 243 bài. Tôi nghĩ, giá đời sống được đảm bảo hơn, lý tưởng nghề nghiệp cao xa hơn, chắc các bậc đàn anh trong nghề chẳng phải khổ sở vì những chuyện vặt vãnh kiểu ấy.
Cho đến những ngày cuối đời, cuộc sống hàng ngày của Chế Lan Viên vẫn rất đạm bạc. Tên cái địa điểm, thường ký bên cạnh các bài viết của ông lúc này là: Viên Tĩnh Viên. Nghe thật sang, nhưng khốn khổ có gì đâu, một căn nhà hẹp ở ngoại ô Sài Gòn cũ!
Ở đó, Chế Lan Viên vẫn là mình. Ở đó, ông nói những chuyện cao xa của thời đại. Ở đó, ông bàn chuyện đổi mới cho văn học cả nước “Đổi mới chứ không phải là đổ máu...” “Thà phải đạo còn hơn phản đạo”. Với lối viết, lối nói sắc như dao, người này mà đứng về phía nào thì phía kia chỉ có chết! Nhưng cũng giống như bên cạnh những bài thơ câu cú thật dài, ý tưởng thật quyết liệt - những bài thơ đánh giặc, như Chế Lan Viên gọi - lại còn có những bài tứ tuyệt Hoa gạo, Tập qua hàng, Em về Dương liễu thôn… Giờ đây, bên cạnh những ham hố đấu người này trị người kia, Chế Lan Viên lại có những ý nghĩ rất hư vô về cuộc đời, mà bài thơ Từ Thế thi ca, lá thư gửi nhà văn Nguyễn Minh Châu, những lời dặn dò vợ con khi lên bàn mổ… là những chứng minh. Và trong hướng đi này, Chế Lan Viên cũng đi xa hơn ai hết!
Cái hoài nghi trí thức mà tôi mong mỏi thấy ở Chế Lan Viên lúc đang sung sức, cái hoài nghi ấy thật ra vẫn tiềm ẩn trong ông và đến lúc chết mới trình diện đầy đủ chăng? - Tôi nghĩ.
Trong đời, tôi không có may mắn được nói chuyện nhiều với ông. Sự quyết liệt thái quá của Chế làm cho một số chúng tôi ngại ngần khi đến với ông. Nhưng vượt lên trên mọi sự yêu ghét, chúng tôi hiểu ông vẫn là một bộ mặt tiêu biểu của thời đại. Nếu nói đến phê bình văn học một thời, phải nói đến Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức… thì nói đến thơ một thời phải nói đến những Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh và một người đứng ở hàng đầu, ở ngay bên Xuân Diệu, cũng giỏi viết tiểu luận như Xuân Diệu và tuy không công phu nhưng lại sắc sảo hơn Xuân Diệu nữa, người ấy là Chế Lan Viên!.
13/12/2009
Vương Trí Nhàn
Theo https://dangbi.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...