Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Tản mạn chuyện hoa quỳnh

Tản mạn chuyện hoa quỳnh

Cuộc đời này, thế giới này không thể thiếu những loài hoa. Có rất nhiều loại hoa muôn màu rực rỡ khoe sắc giữa nắng trời với hương thơm ngào ngạt mà quyến rũ. Hoa hồng tình yêu, hoa tím thủy chung, hoa trắng tuyết trinh, hoa vàng chờ đợi, hoa xanh bình yên. Nhưng trong cuộc đời này, giữa trời đất này, cũng có một loại hoa không sắc màu rực rỡ mà chỉ một màu trắng thanh tao, không đón ánh nắng trời mà thích ánh trăng thanh, không ngào ngạt hương thơm mà hương thầm dìu dịu, mới nở đấy mà rồi tàn đấy, làm say đắm bao lòng người, xốn xang bao cặp tình nhân, bay bổng bao tâm hồn thi sĩ. Loài hoa đó có tên là quỳnh, “Nữ hoàng của bóng đêm“. Hương hoa đó là Hương Quỳnh. Đôi nét về cây quỳnh Cây quỳnh có tên khoa học là Epiphyllum oxypetalum thuộc họ Xương rồng (Cactaceae), nhóm Epiphyllumcây có nguồn gốc từ Mêxico (hoặc Monduras, Guatemala và Cuba), là một trong những loài làm cảnh đẹp nhất của họ Xương rồng. Hoa quỳnh tên tiếng Anh là Night Blooming Cactus. Ngoài quỳnh Việt Nam chỉ có sắc trắng với tên khoa học Epiphyllum oxypetallum, còn có các loại quỳnh đỏ và các sắc màu khác nhờ lai tạo. Cây quỳnh mọc vươn dài hay sống tựa. Hoa màu trắng gồm nhiều lá hình vẩy ở gốc, nở về đêm. Hoa quỳnh là một trong những loài cây chiếm lĩnh sa mạc, được mệnh danh là “Nữ hoàng của bóng đêm” - thành viên trong họ xương rồng... Cây quỳnh (Epiphyllum) nguyên gốc từ tiếng Hy Lạp, gồm chữ Epi là "trên" và phyllum là "lá"; như vậy epiphyllum là "trên lá"; hoa, trái và hạt, cành của cây quỳnh đều bắt đầu ngay ở lá. Tuy nhiên gọi là lá cũng không đúng vì quỳnh chỉ có cành, và cành biến thể trông giống như lá vậy. Cây quỳnh nguyên thủy chính là cây dại mọc bám vào các thân cây ở các khu rừng nhiệt đới tại vùng Trung và Nam Mỹ. Quỳnh sống cộng sinh. Đặc tính: Mọc hoang dã trên sa mạc và ở những lớp đất bồi giữa độ cao 600 và 1150 m, ưa bóng râm của sa mạc. Hoa quỳnh được các thủy thủ người châu Âu khám phá lần đầu tiên tại Nam Mỹ cách nay 250 năm, thế nhưng mãi đến một thế kỷ sau đó hoa Quỳnh mới được biết nhiều tại Anh rồi sau đó lan tràn sang Pháp, Đức và toàn châu Âu. Đến thập niên 1920 hoa quỳnh mới sang tới Mỹ và nơi đây trở thành nơi sản xuất hoa quỳnh lai giống (hybrid) hàng đầu thế giới. Phần lớn cây quỳnh thường thấy ngày nay là quỳnh hybrid (Quỳnh lai), tiến triển qua nhiều năm ghép phấn của các loại hoa quỳnh. Cây quỳnh trong tự nhiên mọc trên thân cây khác, sống nhờ chất đất mùn ở vỏ cây, chứ không hút nhựa của các loại cây này. Tuy sống tự nhiên trong các vùng khí hậu nóng và độ ẩm rất cao, rễ cây không hề bị thối rửa do cấu trúc rễ không bị ứ đọng nước và thân cây thường được các tàn lá cây chủ cản bớt sức nóng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời. Vì vậy khi trồng quỳnh, người ta phải đưa vào chỗ mát với ánh sáng gián tiếp cho cây có điều kiện sống như trong thiên nhiên. Hoa Quỳnh không khó tính lắm đâu. Không cần trồng hoa trong nhà kính (greenhouse), chỉ cần mái che mưa nắng, sương gió và khí lạnh với đất trong chậu phải xốp và thoát nước là đủ để cây phát triển được. Quỳnh sống dai trong môi trường tự nhiên và chịu khô hạn rất tốt. Ngay cả có bỏ bê thì quỳnh vẫn sống tuy nhiên cây không ra hoa. Do đó, quỳnh cần được chăm bón thường xuyên để cho hoa và mang lại tuổi thọ lâu dài cho cây. Lưu ý rằng quỳnh không sống được trong môi trường quá nhiều nước Hiện nay người ta ưa chuộng loại quỳnh hybrid vì màu sắc rất phong phú (ngoại trừ màu xanh dương) và hoa có thể nở được trong vòng vài ba ngày thay vì chỉ vài tiếng đồng hồ như quỳnh Việt Nam Theo hội "Hoa quỳnh Hoa Kỳ", hội quỳnh hương lớn nhất của Mỹ có trụ sở tại Monrovia gần Los Angeles, thì hiện nay có khoảng hơn 10,000 loại quỳnh hybrid có đăng ký bản quyền và có tên gọi riêng. Quỳnh lai giống (Quỳnh hybrids) thường có tên gọi là Epiphyllum ghép với một từ khác không có gốc La tinh như epiphyllum Saigon, epiphyllum Madonna... Quỳnh được trồng trong bồn, chậu để dễ di chuyển khi muốn xem hoa nở. Ta có thể trồng quỳnh bằng cách cắm cành. Hiện nay ở Đà Lạt còn có loại hoa quỳnh màu vàng, đỏ (Quỳnh Nhật) nở ban ngày rất đẹp. Bên cạnh cây hoa quỳnh, người ta thường trồng cây dao (hay giao). Cây dao là loại cây chỉ có cành mà lại không có lá. Khi cây dao trồng cạnh cây quỳnh thì cây quỳnh chóng có hoa và có nhiều hoa hơn? Trong hết thảy các loài hoa trên mặt đất, có lẽ hoa quỳnh là một trong hiếm hoi những loài hoa đặc biệt nhất. Cây hoa giản dị, ban ngày trông xoàng xĩnh tầm thường, nhưng về đêm là nữ hoàng của muôn hoa. Hoa quỳnh rất dễ trồng. Chỉ cần nửa chiếc lá cắm vào đất tơi xốp, vài tháng đã có một khóm quỳnh nhỏ. Nhiều người hay trồng hoa quỳnh trong chậu, hoặc ven hiên nhà phía ngoài cửa sổ. Thường những người đã có tuổi hoặc từng trải mới dám trồng hoa quỳnh. Có người trồng cả đời nhưng quỳnh không chịu nở hoa. Hoa quỳnh kén người trồng như kén bạn tâm giao. Hoa quỳnh chờ nở ban đêm Vào một đêm giữa mùa hè, hoa quỳnh khoe sắc trong màn đêm huyền ảo, trang nhã mà vô cùng sắc sao, làm tràn ngập hương hoa cả một khoảng không gian, để rồi sau đó khép lại mãi mãi dưới những tia nắng đầu tiên xuất hiện. Tại sao hoa Quỳnh chỉ nở một lần vào ban đêm? Hoa quỳnh nở vào cuối hè và đầu thu, thời gian thường vào khoảng 8 - 9h tối. Khi hoa nở, cánh hoa trắng như tuyết và có mùi thơm tao nhã, hương thơm lan tỏa rộng. Tuy nhiên, hoa chỉ tồn tại 3 - 4 tiếng là héo ngay. Điều này do hoa cây quỳnh có nguồn gốc từ Mexico, là loài hoa chịu khô hạn tốt nhưng lá của nó đã bị thoái hóa. Thân cây dẹt, vỏ cây tiến hành quá trình quang hợp và chế tạo chất dinh dưỡng thay cho lá cây. Ở lớp vỏ ngoài của thân cây có một lớp sáp giúp giảm bớt sự bốc hơi nước. Hoa quỳnh nở vào buổi tối là để tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời. Thời gian tồn tại ngắn ngủi do cần giảm sự bốc hơi nước. Vì vậy, chúng ta thường thấy hoa nở rồi lại tàn ngay, đó cũng là đặc tính thích nghi với điều kiện sống của chúng. Hoa có dạng hình giống kèn trompette. Hoa chỉ nở duy nhất một đêm vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7. Cánh hoa mỏng như lụa, bề mặt như phủ sáp nhưng lại rất mềm mại trong sắc trắng với nhị vàng đẹp lộng lẫy, cuống hoa được phủ lên một màu đỏ cam, với những chiếc gai nhỏ, ngắn. Đường kính hoa khoảng 10 cm và có thể đạt tối đa là 20 cm. Hoa có mùi hương thơm nhẹ nhàng thanh tao, nhưng lại không kém phần nồng nàn, quyến rũ làm thơm ngát cả một vùng không gian xung quanh. Trái hình bầu dục độ dài khoảng 8 cm. Ngồi ngắm hoa quỳnh nở, người ta có thể quan sát bằng mắt thường các cánh hoa từ từ hé nở để dần đạt đến kích thước tối đa, rồi sau đó các cánh hoa cụp dần và tàn lụi. Hoa nở vào khoảng 9 đến 10 giờ tối, và lại tàn rất nhanh vì thế hoa quỳnh càng trở nên hiếm hoi không phải vì chúng không tồn tại mà vì hiếm hoi người chiêm ngưỡng. Người chơi hoa quỳnh phải chờ đợi công phu, kiên nhẫn mới có dịp được tận mắt ngắm hoa nở. Vào những đêm trăng sáng, dưới ánh trăng huyền ảo, vừa uống trà, vừa ngâm thơ và thưởng thức nét đẹp khi hoa quỳnh nở là một thú chơi tao nhã của lớp người cao sang quyền quý ngày xưa "Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Ngắm hoa quỳnh nở là một cái thú tiêu khiển vào loại bậc nhất trên đời. Còn gì hơn dưới ánh trăng sáng mờ như lụa bóng, trải chiếc chiếu nhỏ, bày độc ấm trà và thêm một cút rượu, cùng với vài người bạn tốt uống rượu ngắm hoa. Nhân gian bảo hoa quỳnh nở vào nửa đêm nhưng không phải vậy. Hoa quỳnh nở sớm hơn rất nhiều. Từ chập tối, nụ hoa đã no tròn chúm chím. Đài hoa mở dần, những đường gân hoa trắng xanh bung ra từ từ. Cuống hoa mới buổi ngày còn rất nhỏ, vào đêm thoắt dài ra như một cánh tay con gái xanh xao. Thường vào cứ tám giờ là giờ hoa quỳnh bắt đầu nở hoa. Nhìn nụ hoa mở lòng trinh bạch, ta nghe tim mình bỗng dưng đập rộn. Gió đêm thoảng nhẹ, cuống hoa cứ vươn dài ra, những cánh hoa run run e ấp. Từ giữa lòng hoa, một bầy nhụy trắng đội mũ vàng trạng nguyên tỏa sâu vào lòng đêm mùi xạ hương ngất ngây. Hương quỳnh ôm choàng lấy chút bóng đêm còn sót lại dưới tán cây. Có lẽ không có màu trắng nào sánh được với màu trắng cánh hoa quỳnh. Một sắc trắng trinh bạch đẹp đến xuyến lòng và dự báo những tai ương khôn lường ở cuộc đời này. Cho nên không lạ khi nhiều người ngắm sắc trắng hoa quỳnh bỗng nghe trong mùi hương quỳnh nhẹ có nỗi niềm xôn xao, niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và luyến tiếc, của niềm kiêu hãnh, cô đơn và trắng xóa đêm đầy của luyến tiếc cái gì đã qua và hy vọng những gì sắp đến. Một cái đẹp ngắn ngủi như những hạt sương buổi sớm gieo thầm trên lối đi. Nó thổi vào tâm thức ngọn lửa của vô thường. Đúng nửa đêm, hoa quỳnh nở rộ, trọn vẹn nhan sắc hoa… Lúc này, cuống hoa đã to bằng ngón tay út người lớn, màu hoa chuyển sang trắng ngà và hương thơm thoang thoảng. Ẩn trong đời sống của hoa là bao nhiêu ý nghĩa thế nhân. Nở rực rỡ và lụi tàn trong một đêm… Sự tích hoa quỳnh Theo truyền thuyết, ngày xưa vào thời nhà Tùy (Dương Quảng 605 - 617) ở Dương Châu, Trung Quốc, có Tùy Dạng Đế là ông vua hôn quân vô đạo, chơi bời trác táng, xa hoa, phung phí, một đêm nằm mơ thấy một cây trổ hoa đẹp… Cùng thời điểm ấy, tại Lạc Dương thành có ngôi chùa cổ kính là Dương Ly, vào giữa canh ba, ngoài cửa chùa thình lình ánh sáng rực lên như lửa cháy, hương thơm sực nức lạ lùng, như sao trên trời sa xuống, làm dân chúng bàng hoàng đổ xô đến xem đông như kiến Gần giếng nước trong sân chùa mọc lên cây bông lạ, trên ngọn trổ một đóa ngũ sắc với 18 cánh lớn ở phía trên, 24 cánh nhỏ ở phía dưới, mùi thơm ngào ngạt bay tỏa khắp nơi nơi, lan xa ngàn dặm. Dân chúng đặt tên là Hoa Quỳnh. Chuyện tình quỳnh dao Hồi xưa trên trời có một đôi tiên yêu nhau. Nhưng phép trời thì không cho yêu nhau nên họ trốn xuống trần gian. Ngọc Hoàng sai người đi tìm và bắt được họ. Để trừng phạt họ, Ngọc Hoàng bắt họ biến thành 2 loại cây. Cô tiên nữ tên Quỳnh nên cây đó đặt tên là cây Quỳnh. Còn anh chàng tiên kia tên Dao. Người trần gian thấy thương cho tình yêu của họ nên khi trồng cây quỳnh thường đặt cạnh cây cành dao. Ý nói dù trong hoàn cảnh nào cũng không chia cắt được họ. Nếu trồng cây quỳnh mà không có cây cành dao thì coi như... chưa trọn vẹn! Quỳnh - Dao, Cả hai cây này đều thuộc họ xương rồng. Cây quỳnh thì thân cũng là lá, nên không có cành. Cây dao không có lá, chỉ có cành (thực ra lá
của nó giống như cành vậy), nên nếu trồng xen với nhau tạo nên một sự bổ sung hoàn hảo, đủ cành đủ lá... như một cặp uyên ương gắn kết bên nhau trọn đời, với màu xanh thủy chung và màu trắng tiết trinh, với tình yêu say đắm nhưng thầm lặng trong đêm, với hạnh phúc thăng hoa trong thời khắc nhưng lại vững bền. Quỳnh hoa trong văn chương Hoa quỳnh thường nở vào đêm. Những đêm trăng, hoa quỳnh càng rực rỡ. Người chơi hoa điệu nghệ, thường chờ lúc hoa nở, hương bắt đầu lan tỏa, ngồi ngắm trăng và hoa, chén trà nóng hòa quyện hương hoa, miên man thưởng ngoạn, thi hứng lại bắt nhịp, huyền ảo và say đắm. Dường như định mệnh sắp đặt cho hoa quỳnh và trăng. Hoa quỳnh không trăng như đầy hương không sắc, còn trăng thiếu hoa quỳnh như sắc không hương! Giữa cái không gian huyền ảo, mộng mơ ấy, hoa quỳnh và hương quỳnh làm ngây ngất biết bao thi nhân, là suối nguồn cho biết bao áng thơ kim cổ. Trong Truyện Kiều (của Nguyễn Du), có câu "Hài văn lần bước dặm xanh. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao", nói lên vẻ đẹp rất hài hòa trên người Kim Trọng, giữa Kim Trọng với cảnh sắc chung quanh ví như sự hài hòa giữa cây quỳnh với cành dao. Người ta nói hoa quỳnh tượng trưng cho "sắc đẹp phù du", nở đó để rồi tàn đó: “Hoa nở để mà tàn .Trăng tròn để mà khuyết . Bèo hợp để mà tan Người gần để ly biệt” (Xuân Diệu) Và thật là luyến tiếc cho thoáng hương quỳnh trong đêm, một thoáng phù du đã vội cùng cánh gió bay xa ”Nửa đêm hoa quỳnh nở, Gửi chút hương cho đời/ Nửa đêm em làm vợ, Sưởi chút ấm cho tôi/ Sáng ra hương tan mất, Sáng ra tình pha phôi/ Đời người hư hay thực, Thoáng hương em đâu rồi. (Nguyễn Đăng Trình) Thưởng thức hoa quỳnh là một thú vui tao nhã… Khi hoa nở những cánh trắng tươi nõn nà mềm mại xòe ra, tỏa hương thơm dìu dịu như quyến rũ người xem vào cõi bát ngát tận cùng của hư không... rồi từ từ khép lại giữa những đài hoa phong kín như ban đầu... "Hoa trăng với lại hồn tôi, Phút giây hư thực đất trời trôi qua./ Đến khi thức dậy nhìn ra Ánh trăng vừa tắt, sắc hoa vừa tàn". (Tế Hanh) Và còn biết bao áng văn, vần thơ, chuyện tình... viết về Quỳnh, cảm về Quỳnh. Hoa quỳnh chữa bệnh * Hoa quỳnh với bệnh về hô hấp - tim mạch Hoa quỳnh được nhân dân trồng làm cây cảnh, vừa làm thuốc chữa bệnh. Với cây quỳnh được xem như là một cây quý, hiếm, quỳnh chưa được trồng đại trà… Hoa quỳnh được xem là thuốc đặc trị các bệnh về hô hấp, các bệnh lý về phổi. Quỳnh còn có khả năng tái sinh dinh dưỡng rất tốt. Vì mỗi bộ phận của cây như một lần lá hay thân, cắt lá già làm đôi, còn nguyên tươi cắm xuống đất sau thời gian 15-20 ngày đã thấy có nảy sinh mầm. Hoa quỳnh có thể dùng chữa bệnh cả hoa và thân hoa thu hái khi nở còn tươi, cũng có thể phơi khô, có nơi ngâm rượu gạo.
Hoa quỳnh có vị ngọt, tính bình, rất tốt trong tiêu viêm (sưng đỏ đau), trong cầm máu. Thân cây quỳnh có một vị chua chua mặn mặn, tính mát. Toàn cây quỳnh có tác dụng thanh phế, loãng đờm (giống như tác dụng của Anphatrymotrysin). * Hoa quỳnh chữa sỏi thận Ngoài việc chữa trị hiệu quả chứng sỏi ở đường tiết niệu, loài hoa đẹp này còn giúp điều trị ho, viêm họng, vết bầm tím... Cách chữa sỏi thận, niệu quản, bàng quang theo kinh nghiệm dân gian: Hoa quỳnh thu hái lúc mới nở, để tươi hoặc phơi, thái nhỏ, tẩm mật, sao vàng. Hãm với nước sôi như pha trà hoặc sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống 1 lần trong ngày. Liều dùng hằng ngày: 20 - 30g, dùng liền trong vài tuần. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau: Hoa quỳnh 30g, kim tiền thảo 20g, diếp cá 20g, rễ cỏ tranh 10g, thái nhỏ, sắc lấy nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Từ năm 1966 đến 1974, dược sĩ Phan Đức Bình đã nghiên cứu và khẳng định, dịch nhầy chiết từ hoa quỳnh tươi không những làm tan sỏi mà còn trị được chứng đái tháo đường. Cách dùng và liều lượng như trên. * Các công dụng khác Thuốc bổ mát, chữa ho có đờm, ho do lao và hen: Hoa quỳnh mới nở để tươi, thái nhỏ, hấp với mật ong hoặc nấu với trứng gà ăn nóng trong ngày. Người lớn 2 - 3 hoa, trẻ em 1- 2 hoa. Chữa ho, viêm họng: Hoa quỳnh 30g, lá xương sông 10 g rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát sạch cùng với mật ong 10 ml, đun cách thủy trong 15-30 phút. Để nguội, trộn đều, uống làm 2 lần trong ngày. Chữa đau bụng, vết bầm tím sưng đau: Hoa quỳnh mới nở, cắt ngâm ngay vào rượu cho ngập trong 10-15 ngày, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 ml. Theo tài liệu nước ngoài, có thể lấy hoa quỳnh 15-30g thái nhỏ, nấu với thịt lợn nạc làm món ăn - vị thuốc chữa viêm phế quản, lao hạch, lao phổi. “Nhớ chuyện kể xưa chuyện Quỳnh Dao Tình cây có lứa tự thuở nào Tình người có nghĩa như cây vậy, Ngắm quỳnh đang nở, nhớ Quỳnh Dao“ (Phong Thơ) Vâng, quỳnh làm ta say đắm tình cây, tình người, đạo lý trong âm dương trời đất. Quỳnh hoa và hương quỳnh như vòng tay kết nối những con người, những tâm hồn, cùng sự trải nghiệm và đắm say với cuộc đời, cùng những tình bạn ấm áp lòng người. Cái tình người ấy, cái tình yêu thơ ấy, cái hơi ấm bạn bè ấy - đặc biệt trong những năm tháng xế chiều của đời người - được nhân lên vĩnh cửu Hình như quỳnh sinh ra trong đời này để đa đoan, mắc nợ với trời đất, với tình yêu và với tình người. Còn chúng ta cũng như đang mắc nợ với quỳnh.
Hà Nội, mùa xuân 2016
Trương Quốc Tùng
Theo http://hoibaovethucvat.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...