Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Trở lại Phú Yên

Trở lại Phú Yên

Tôi xuống tàu ở ga Tuy Hòa lúc sáu giờ sáng. Nắng hồng lên, núi Chóp Chài cũng hồng lên như má con gái sớm mai ra thăm lúa. Nắng đuổi theo con tàu chạy từ Hà Nội vào đổ tràn sang đường số 1 loang loang trên thành phố biển. Vậy là tính đến hôm nay, sau bốn mươi năm một tháng tháng ngày, tôi trở lại Phú Yên. Ngày chúng tôi tiến về chiến đấu giải phóng nơi này, tôi mới hai mươi ba tuổi. Từ trên rừng Tây Nguyên, đơn vị làm một trận truy kích có một không hai trong lịch sử quân đội, cả quân đoàn lính Việt Nam Cộng hòa bị đuổi tơi bời và điểm cuối cùng tan rã hoàn toàn chính là thị xã Tuy Hòa năm ấy.
Tôi gọi xe taxi đi xuống mạn đèo Cả. Tôi đi để nhìn lại cánh đồng và cây cầu đêm ấy chúng tôi vào tiếp cận có hương lúa Tuy Hòa. Đi để đến chỗ những người bạn tôi ngã xuống trước bình minh ngày toàn thắng. Đi để đến chỗ mà đêm ấy tôi và cô du kích Tuy Hòa lội ruộng dẫn đường cho tiểu đoàn bò qua đường số 1 sang chiếm lĩnh phía núi Giục Kinh. Xe qua cầu Bàn Thạch, tôi hạ cửa kính để gió đồng ùa vào. Sớm mai những tràn ruộng đang gặt thơm mùi rơm mới và mùi bùn quen thuộc. Tôi nhớ Minh, thằng bạn đêm ấy cùng tôi trinh sát đèo Cả. Chúng tôi đi với nhau đến hết chiến tranh. Tháng năm này là ngày giỗ lần thứ năm của Minh. 
Ngày 31/3/1975. Chiều đỏ ối, gió biển Tuy Hòa mát rười rượi. Tôi và Minh cùng tiểu đội trinh sát nửa nằm nửa ngồi trên tảng đá phẳng nghiêng như mái nhà. Hành quân đến hang đá Xếp sau dãy núi Ván này từ chiều tối hôm qua. Minh bảo, đêm nay bò đường 1 đoạn cầu Bàn Thạch nhiều mìn lắm. Tôi ừ. Minh lại tiếp, mày để tao bò trước, mày bò sau. Sao lại thế? Tôi bẳn giọng. Nó ngập ngừng, rồi nói rất nhỏ, tao mới học lớp 9 còn mày đã học lớp 13, 14, mày chết thì phí hơn tao. Ô hay, nó cho sự phí phạm mạng người đơn giản thế sao. Tôi quay mặt sang nó. Minh cúi đầu, nhìn con chuồn chuồn vô tư đậu trên mép đá. Dáng điển trai lãng tử mất biến chỉ còn khuôn mặt thằng đàn ông ngây ngô trong chiều tối trước giờ sinh tử. Lúc ba giờ chiều, trinh sát nhận hai du kích Tuy Hòa đi dẫn đường. Có một nữ du kích tên chi chả biết nhưng gọi là Út. Út cười hàm răng trắng lóa, xinh lắm. Suốt đêm bám địch, lội bì bõm dưới đồng lầy. Người nhão ra, đói, khát, thèm hút thuốc. Nghe chó sủa xa xa mà bồn chồn. Mấy du kích dẫn đường, chắc ra trận hồi hộp nên cổ họng chỉ muốn ho. Ho bây giờ thì chết. Lấy tay chẹt ngang cổ mà họng mấy đứa cứ muốn tóe ra. Minh cúi xuống vê cục đất tròn như viên bi đưa cho cô du kích thì thầm, đấy là thuốc chống ho của trinh sát. Thật hiệu nghiệm, từ ấy trở đi cơn ho của cô Út tắt hẳn. Hôm giải phóng Tuy Hòa, mấy đứa con gái trong tiểu đoàn Phú Yên cứ túm lấy bọn tôi hỏi xin thuốc chống ho. Đúng lúc đội hình cả tiểu đoàn lên đường 1 thì hai khẩu pháo ở cầu Bàn Thạch bắn. Đạn rú eo éo qua đầu nổ tung tóe trên cánh ruộng lầy đầy những hoa súng và ốc nhồi. Khuya đêm ấy tiểu đoàn vào chiếm lĩnh xong. Tôi có nhiệm vụ đưa hai du kích bơi qua sông Giục Kinh để các em rút về Hòa Xuân. Trời khuya lạnh. Cô gái tên Út thở hì họp. Con sông lúc lội được lúc phải bơi lóe lên dưới trăng. Út ôm lấy tôi, miệng em thở như cá ngáp. Tôi cố đẩy em lên cao. Trong đêm chỉ thấy đôi mắt Út lấp lánh. Trống ngực em đập sang cả ngực tôi. Mùi nước sông, mùi gió biển và mùi tóc con gái Tuy Hòa mằn mặn. Thứ mùi hương sờ thấy được, ám ảnh tôi mãi. Chia tay Út, tôi quay lại trận địa lúc trăng lặn và chỉ vài tiếng sau trận đánh bắt đầu...
Tôi bảo người lái xe chạy quay về qua cầu Đà Rằng. Tôi nhìn về phía biển Đông Tác. Mặt trời lên cao ở phía cửa sông có cây cầu mới nối từ Đông Tác về thành phố. Ngày ấy quân và dân ta đuổi địch chạy nhào ra tận biển và bắt sống Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm tại bãi cát này. Những người lính làm nên kỳ tích ấy có người nằm lại đây, có người sau này hi sinh ở mặt trận Tây Nam. Họ chỉ tuổi ngoài đôi mươi còn chúng tôi đã là những ông già.
Bảy giờ rưỡi sáng tôi vào Nghĩa trang liệt sĩ Tuy Hòa. Vắng lặng. Nắng chan hòa ươm vàng trên 6000 mộ chí. Tôi nói với cậu tài xế taxi, em đi cùng anh vào nghĩa trang tìm mộ bạn anh. Thật buồn là anh chàng này không muốn. Anh ta lẩn ra gốc cây ngồi bấm máy điện thoại. Tôi xách túi vàng nhang và một chai rượu trắng mua ở chợ Phú Lâm đi tìm. Nếu không có người quản trang chạy theo hỏi thì tôi không thể nào tìm thấy đồng đội mình trong trập trùng đội ngũ đông bằng một sư đoàn nơi đây. Tôi đến trước những ngôi mộ cùng hi sinh ngày 1/4/1975 và đốt bó nhang. Đây là anh Võ Huy Liệu, đây là Bế Thanh Bình, đây là thằng Ân thằng Độ thằng Đàm…
Nước mắt tôi nhòe đi.
Ngày 1/4/1975. Sáng sớm xe địch đã chạy. Chúng bắt hàng chục xe đò của dân chạy trước rồi sau đó cứ mỗi xe lính lại chêm vào một xe dân. Chúng biết làm như vậy để quân ta không dám bắn vào dân và đội hình ấy sẽ chạy vượt lên đèo Cả thoát về Nha Trang. Mọi hỏa lực trên xe bắn rầm rầm vào trận địa ta. Lệnh nổ súng. Nhưng bộ đội ta không dám, các khẩu 12,7 li và DKZ cứ nâng nòng lên cao bắn vào vách đá. Lúc ấy, hàng trăm hàng ngàn người dân chạy tán loạn trên đường. Tôi ngồi bên phía cầu đường sắt Giục Kinh nhìn qua ống nhòm sang đường số 1 thấy Chính trị viên Võ Huy Liệu, Trung đội trưởng Bế Thanh Bình và thằng Ân công nhân Gang thép Thái Nguyên bạn tôi lao xuống đường. Tôi đoán họ đang giải thích cho nhân dân không nên chạy theo địch, sẽ bị dính đạn. Đúng lúc ấy, bọn ngụy nổ súng bắn chết cả ba anh. Tôi nhìn rõ lính địch lấy lưỡi lê đâm nát thi thể của anh Liệu, Bình và Ân. Xe dân không chạy khiến đoàn xe ùn lại, không còn cách nào, địch tràn ra đồng lúa tấn công vào trận địa chúng tôi. Cho tới chiều tối hôm ấy, hàng ngàn tên bị tiểu đoàn tôi đánh tan tác trên cánh đồng Hòa Xuân Đông và Hòa Xuân Tây. Đêm đầu tiên giải phóng Phú Yên chúng tôi được đóng quân ở một làng quê Tuy Hòa...
Dọc con đường tôi qua, đồng lúa xanh và phố phường phơi trong nắng sớm. Thị xã Tuy Hòa năm xưa nay là phố phường, nhà máy và nườm nượp cuộc sống như một thành phố lớn. Tuy Hòa vừa thân thương vừa xa lạ với tôi. Chả có ai để ý đến một ông già lạ lẫm giữa thành phố đầy gió biển và nắng vàng luôn thức dậy với bình minh sớm nhất đất nước mình. Trên mỗi khúc phố, tôi có cảm giác quen thân từ cái nón cái mũ và giọng nói tiếng cười. Tôi bỗng nhớ em giao liên đêm cùng tôi đưa bộ đội vào đèo Cả gọi tôi “nẫu ui”.
Tôi thắp nén nhang và rót rượu lên những ngôi mộ đồng đội. Tôi đứng bên mộ anh Liệu. Thấp thoáng bóng anh đeo xà cột da với khẩu súng ngắn đút vào vỏ bi đông đựng nước của Mỹ... Tôi thắp nén nhang cho Bế Thanh Bình người Cao Bằng, cho Nguyễn Quốc Ân người Quảng Thuận, Nguyễn Chí Độ người Hà Tây mà như đang trở lại những ngày cùng huấn luyện tân binh ở Thái Nguyên. Những ngày hành quân trên Trường Sơn, chúng tôi thường hát cho nhau nghe những bài hát Nga mà lính sinh viên chúng tôi yêu thích. Cứ mỗi chiều mắc võng trên Trường Sơn là nghe Độ hát. Độ thích bài Chiều hải cảng lắm. Nó đung đưa võng trong lời ca rì rầm. “Thành phố quý mến của tôi ơi, ngày mai ta đã vắng xa rồi”… Bốn mươi lăm năm qua Độ nằm nghe biển Phú Yên hát ru và không thêm một tuổi nào.
… Lúc Tiểu đoàn 8 đánh dưới chân đèo Cả thì hai Tiểu đoàn 7 và 9 đánh qua cầu Đà Rằng phát triển xuống cảng Đông Tác. Đêm qua, lúc tiếp cận, bộ đội lặng lẽ đi vào một vườn dừa tối om. Thằng Đào Hưởng bạn tôi, một cây viết của trung đoàn dính trọn quả lựu đạn US. Tiểu đoàn để “nhà văn đại đội” quê Anh Sơn, Nghệ An nằm lại trên một cái “giường” bằng năm cây chuối ghép lại trong vườn.
Hướng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 đánh thẳng vào thị xã bỗng đột nhiên hiện ra trước mắt là biển! Rất nhiều người lính lần đầu tiên trong đời nhìn thấy biển. Những người trai miền Bắc dẫm lên bãi cát Tuy Hòa. Sáng hôm ấy biển xanh lắm. Sóng nhỏ, gió vừa đủ mát. Cái gió biển hít căng lồng ngực làm lính khỏe ra, chạy băng băng dọc bờ đích là Dinh tỉnh trưởng Phú Yên. Dọc đường tiến, bộ đội dừng lại ba lần để vượt qua ba chốt chặn. Địch giăng dây thép gai bùng nhùng xen lẫn các loại thép gai khác. Oái oăm là nó quây kín ngập trong nước biển không thể vòng xuống để vọt qua được. Các loại hỏa lực của mũi tiến công nhằm vào các ụ súng chất đầy bao cát mà phát hỏa, rồi hì hục phá rào đạp đổ tường đất xuống mà băng qua. Tiến đến chốt thứ ba thì bọn địch cũng vừa bỏ chạy. Lúc này cách Dinh tỉnh trưởng vài trăm mét. Ngoài biển có một cái tàu to chình ình trông rất gần, cảm giác có thể với tới được với phía đuôi tàu rộng hoác (sau này mới biết là tàu há mồm để chở quân). Một khẩu đội DKZ bám theo đội hình giá súng ngay trên bãi cát phóng quả đầu tiên nổ cách tàu khá xa. Khẩu đội trưởng hô: hết tầm. Quả thứ hai vẫn không tới. Mấy phút sau đạn pháo 105 ly của ta bắn tới thì nó đã quay sang phía nam chạy mất. Gần 9 giờ sáng, đơn vị tiếp cận Dinh tỉnh trưởng Phú Yên. Không còn sự chống cự nào từ trong đó. Trên bàn làm việc có cái biển tên ghi: Đại tá Vũ Quốc Gia - Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Phú Yên. Từ tầng 2 có cây cẩu bắc qua đường nhựa ra bãi cát ven biển. Dưới đó có một chiếc ô tô màu trắng hai chỗ ngồi hiệu Toyota....
Cũng vào lúc này DKZ và 12,7 ly của Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 vận động ra cảng Đông Tác. Quân địch đông như kiến xen lẫn cả dân di tản bám theo những tàu chiến nhỏ nã đạn về phía ta. DKZ bắn 1 tàu bốc cháy. Hàng trăm tên lính nhào xuống nước bơi lóp ngóp ra rồi quay vào bờ đầu hàng. Có tiếng đại đội trưởng hỏa lực hét to. DKZ và 12,7 ly dừng bắn. Thuyền của dân đấy! Ngoài biển đầy những người và thuyền. Các thuyền nhỏ lần lượt quay vào bờ còn những tàu lính thì chạy ra biển. Chiều 1/4/1975. Một buổi chiều không thể nào quên. Lính trung đoàn tôi reo hò ôm nhau trên bãi cát mặn mòi mùi cá. Nước mắt chảy dài trên má, nước mắt ướt sang áo của nhau. Biển Tuy Hòa ngời ngợi xanh và mỗi mái đầu chúng tôi thì nồng nã mùi của biển. Giải phóng rồi, giải phóng rồi Phú Yên ơi! Cái tên Đông Tác in vào tôi từ đó. Chúng tôi ngước lên tháp Nhạn, nhìn lên Chóp Chài, lá cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ bay thổn thức.
Với tôi Tuy Hòa có nhiều kỉ niệm thật đặc biệt. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy biển. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ngọn tháp Nhạn mấy trăm năm tuổi. Đêm ấy tháp Nhạn lung linh sáng. Thứ ánh sáng lạ lẫm làm sao. Đời lính của tôi sau nhiều năm chiến đấu trên rừng bây giờ hít căng lồng ngực hương lúa, hương biển mà rưng rưng thương những đứa hi sinh ngang đường và những đứa nằm lại trên bờ biển xanh ngời ngợi. Đêm Tuy Hòa ấy, tôi mắc võng dưới hai cây trứng gà có những trái chín thơm nức, soi đèn pin viết vào cuốn nhật ký:
… Bao nhiêu con đường cho những phận làm trai
Đời lính chúng tôi có một con đường thật thẳng
Con đường từ rừng xanh ra biển
Mà phải đi đến mấy chục năm
Những dấu dép cao su những ngôi mộ âm thầm
Rồi một ngày cuối con đường gặp biển
Nơi kẻ thù chạy nhào bám theo tàu hoảng loạn
Nghĩ gì ư? Khi dừng lại nơi này...
Thời gian ở Phú Yên không được lâu. Ba ngày sau chúng tôi hành quân lên Tây Nguyên để đi chiến dịch. Tôi và Minh trinh sát lại đi dọc theo con sông máng đường 5 lên Phú Thứ rồi vượt sông Ba đến vị trí tập kết của sư đoàn sau đó lên xe đi về hướng Sài Gòn. Tuy Hòa lùi lại phía sau với bao nỗi nhớ thương của ngày đầu giải phóng. Sư đoàn tôi gửi lại Tuy Hòa mấy chục trai trẻ và những chiến công gắn vào lịch sử một vùng đất kiên cường đánh Mĩ. Để lại nơi của biển cho đồng bào Phú Yên lời hẹn và niềm tin giải phóng toàn vẹn miền Nam. Hai đứa chúng tôi ngoái lại phía Hòa Xuân, nơi cô gái dẫn đường đêm trước có đôi mắt thật sáng và mùi tóc khó quên. Riêng tôi, tôi nhớ trống ngực em đập sang ngực tôi, cái đêm tôi dìu em qua sông Giục Kinh gần đèo Cả…
Tôi tìm đến Hòa Xuân. Bây giờ tôi không thể hình dung ra cái ấp Hòa Xuân ngày xưa nữa. Tôi cứ miên man nhớ những dãy phố có những cái tên Hòa Xuân 1, Hòa Xuân 2... Tôi đi tìm cái xóm mà đêm 1/4/1975 tôi đã mắc võng ngủ ngoài vườn cây của một nhà. Dù biết là vô vọng nhưng tôi cứ đi tìm. Đi tìm trong một buổi sáng Tuy Hòa có màu nắng hệt bốn lăm năm trước. Chỉ đi tìm, thế thôi, là con người tôi thấy mình hạnh phúc biết bao. Chiến tranh xô bao mảnh đời mất nhau nhưng cũng lại cho bao nhiêu số phận gặp nhau, gắn bó với nhau cả khi sống và cho đến tận đời sau. Tôi ra ga Thạch Tuân. Cái ga tàu nhỏ mặt hướng ra biển có những lùm hoa giấy chói chang. Tôi nhớ cô du kích tên Út. Chả biết bây giờ bà Út ấy ở đâu?
Sáng ngày 2/4/1975. Tôi đi tìm Út. Tôi nhớ đêm hôm kia lúc bơi dưới Giục Kinh, Út nói thì thào. Nếu không chết thì về Thạch Tuân tìm em nhé. Lúc ấy trận địa cối 81 của địch bên mỏm đá đường 1 bắn sang cầu đường sắt. Út nép vào tôi. Trong đêm mà mồ hôi hai đứa mặn sang cả má nhau. Khuôn mặt em, tôi nhớ thoang thoáng. Nhưng mùi mồ hôi thì tôi không thể quên. Em đã lên bờ để lẩn vào đêm tối nhưng bỗng quay trở lại, nói rất khẽ. Anh mần em cái hun... Phía cầu Bàn Thạch có quả pháo sáng bay vụt lên. Mắt và má em long lanh những mồ hôi.
Tôi đi tìm cái áo bà ba đen có mồ hôi nồng nồng trên má mình hôm ấy. Ngày đầu tiên giải phóng ga Thạch Tuân có lá cờ giải phóng bay phần phật. Du kích đeo súng nai nịt rõ là đẹp. Tôi không thấy Út. Cô du kích nào cũng nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Chiến thắng khiến ai cũng đẹp, áo bà ba căng lẳn. Hình ảnh người nữ du kích Tuy Hòa rắn giỏi và đẹp thế. Tôi cứ nghĩ sống ở ven biển cô gái nào cũng có gò ngực căng đầy vì được hít gió biển khơi. Tự nhiên tôi nhìn lên phía núi Chóp Chài. Ngọn núi như gò ngực người con gái Phú Yên xanh mướt mát. Đêm đưa em sang sông lúc trở về, chân tôi vướng vào một mớ dây dợ nhùng nhằng. Tôi cố gỡ, kéo lên thì ra là một tấm lưới đánh cá ai đó thả. Từ những mắt lưới rơi những giọt nước li ti. Đêm Tuy Hòa với tôi có cả mùi cả vị, cả gió cả trăng. Không tìm thấy Út. Tôi cũng không dám hỏi ai nữa. Tôi quay trở về chỗ đóng quân. Tạm biệt Út từ ấy.
Tôi đi ngược về phía đường 5. Sau lưng tôi là tháp Nhạn. Ngày đầu tiên giải phóng Phú Yên những người lính Sư đoàn 320 chúng tôi tiến lên ngọn núi. Chúng tôi không hề biết về ngôi tháp kỳ vĩ này. Những người lính trẻ miền Bắc bàng hoàng trước một công trình của người xưa vạm vỡ bên bờ biển. Lính chúng tôi hỏi nhau, tại sao lại gọi là tháp Nhạn? Chiến dịch cuốn chân chúng tôi hút về phía nam. Phú Yên là điểm đến trong vòng một tuần rồi xa mãi. Những cánh đồng lúa xanh và cát trắng. Những người vừa mới quen đã lại xa.
Ngược đường 25 tôi đi về phía Tây Nguyên. Con sông Ba mùa này cát trắng phau dưới nắng. Tôi đi bên dòng nước trong xanh từ đập Đồng Cam tưới về. Trong nắng sớm, từng đoàn học trò đến trường. Bóng các em in trên mương nước lẫn những rặng dừa thanh bình. Tôi tìm đến xã Sơn Hà huyện Sơn Hòa. Ngày xưa Sơn Hòa gọi là Củng Sơn. Củng Sơn heo hút và khô hạn, dân cư thưa thớt. Tôi lội bộ ra bờ sông Ba làng Thạnh Hội, đứng bâng khuâng trên bến cầu phao mà hàng trăm xe ô tô xe quân sự của quân lực Việt Nam Cộng hòa rút chạy qua sông. Chiến tranh khuất lấp vào sông núi từ lâu nhưng ký ức người lính thì vẫn không quên được. Tấm không ảnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa rút chạy qua sông Ba cứ nhoi nhói trong tôi. Chiến trường cũ là những rừng cỏ tranh, rừng khộp bây giờ là xóm làng và một bất ngờ chính nơi này là nhà máy đường KCP nổi tiếng. Trưa nắng, tôi dừng chân uống nước ở một quán hàng ở Sơn Hà. Vợ chồng chủ quán tuổi chừng như tôi tươi cười khi biết tôi đi tìm trận địa cũ. Tình cờ làm sao trong câu chuyện vui người chủ quán bảo, tôi cũng là lính nhưng là đối phương của ông. Rồi cả hai vợ chồng cùng cười vang. Ông ấy tên là Trần Kim Cương, lính địa phương quân từng đóng ở cầu Bàn Thạch. Rồi ông nói, đơn vị của anh là Trung đoàn 64 phải không? Tôi ấn tượng với lính 64 lắm, năm ấy trong lúc bom đạn mà họ bế trẻ em vào các buôn làng gửi lại vì chúng thất lạc cha mẹ trên đường di tản. Vợ tôi đây này, bà ấy bảo bộ đội mà cũng khóc. Các ông ấy khóc vì thương trẻ con. Trong trưa nắng chúng tôi đều trầm ngâm quá khứ. Đột nhiên người lính phía bên kia rủ tôi rất chân thành. Ông ở lại đây với tôi nhậu chơi đi. Tôi mời ông món ốc đá sông Ba. Tôi nắm tay người bạn mới Củng Sơn khước từ vì còn công việc. Buổi trưa bên bờ sông Ba sau bốn lăm năm trở lại của tôi nắng giống hệt cái nắng bốn lăm năm trước.
Mỗi ngày ở lại Phú Yên đây là mỗi ngày thước phim quay chậm của tuổi trẻ chúng tôi được tái hiện. Con đường số 7 vượt qua sông Ba chỗ cầu phao Thạnh Hội trên Củng Sơn để tiến vào đường 5. Nơi ấy Sư đoàn tôi đã cùng với Tiểu đoàn 86 Phú Yên đánh một trận để đời tiêu diệt hơn ba chục xe tăng địch. Tôi không biết anh Mười Tiểu đoàn trưởng ngày ấy giờ ở đâu? Trở lại đường 5 là nhớ về Hòn Kén, nhớ những chiến sĩ Phú Yên đánh chặn quân địch rút chạy rất sớm tại đây. Chẳng bao giờ chúng tôi quên hình ảnh bãi biển Tuy Hòa và cảng Đông Tác trong ngày 1/4/1975 như một ngày hội quân của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Phú Yên trong gió biển. Chiến tranh đã lùi xa, đã vùi vào lòng đại dương nỗi buồn một thời chia cắt. Trở lại đây thấy Phú Yên thay đổi lớn lao không tưởng tượng nổi mà lòng thấy rạo rực tự hào. Muốn có thời gian đi lại suốt con đường số 25 lên Tây Nguyên và ước chi gặp lại những đứa trẻ năm xưa được bà con Sơn Hòa Tây Hòa, những người dân trên con đường 7 đường 25 cưu mạng yên ổn đâu đó.
Bốn lăm năm đã qua, núi chóp Chài vẫn xanh mướt mát…
Vâng. Phú Yên với tôi là yêu là nhớ, là kỷ niệm, là nghĩa tình.
Phú Yên, tháng 5/2020
Nguyễn Trọng Luân
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...