Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh và hoàn cảnh sáng tác hai ca khúc bất tử: "Nỗi lòng" và "Chiều vàng"

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh và hoàn cảnh 
sáng tác hai ca khúc bất tử: "Nỗi lòng" và "Chiều vàng"
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh thuộc thế hệ thứ hai của tân nhạc Việt Nam thời tiền chiến. Số ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Văn Khánh không nhiều, nhưng có lẽ là chỉ cần với hai ca khúc Nỗi Lòng và Chiều Vàng, tên tuổi của ông mãi mãi đi vào lịch sử khi là một những những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc tiền chiến. Cả hai ca khúc này đều được nhạc sĩ viết dành cho một mối tình đầu sâu sắc đã để lại nhiều nỗi day dứt.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh sinh năm 1922 ở Hà Nội. Trước năm 1954, ông cùng với William Chấn (thầy dạy đàn của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) là 2 nhạc sĩ chuyên chơi đàn và dạy đàn Hạ-uy-di nổi tiếng nhất ở xứ Bắc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh 
(Ảnh của Tien Ho sưu tầm)
Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh không soạn nhạc theo âm hưởng Việt Nam, mà nhạc của ông tựa như nhạc của Hạ-uy-di (Hawaiin) rất ướt át, quyến rũ. Nguyễn Văn Khánh là nhạc sĩ có nhiều bài hát ca tụng tình yêu với những câu ca rất dài, nghe như lời tâm sự của “Nỗi Lòng”.
Năm 1942, ông kết hôn với bà Đặng Thị Thuận. Tuy nhiên ngay từ năm thứ 2 bậc thành chung (tương đương với lớp 7 hiện nay), nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã để ý và thầm yêu cô bé hàng xóm cạnh bên, mối tình đầu để lại niềm đau đớn không nguôi, là cảm xúc để sau này ông viết thành hai ca khúc nổi tiếng và sống mãi cùng thời gian.
Câu chuyện tình này được nhạc sĩ Lê Hoàng Long (tác giả Gợi Giấc Mơ Xưa) kể lại trong cuốn sách Chuyện Tình Các Nhạc Sĩ Tiền Chiến xuất bản năm 1996. Tuy nhận thấy hầu hết các câu chuyện tình được kể trong cuốn sách này đều mang đậm chất “ngôn tình”, có vẻ hư nhiều hơn thực, nhưng cũng xin tóm lược lại sau đây như là một tài liệu tham khảo về hoàn cảnh sáng tác hai ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh: Nỗi Lòng và Chiều Vàng.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Long nói rằng ông được quen biết với nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh từ năm 1952 ở Hà Nội. Lúc đó tác giả của ca khúc Nỗi Lòng đang là công chức của Sở Tài Chánh thành phố Hà Nội. Lê Hoàng Long nhận xét rằng con người của Nguyễn Văn Khánh luôn tỏa ra chất nghệ sĩ, từ mái tóc, dáng dấp, lối nói chuyện. Ông ít nói, nhưng khi nói thì dí dỏm và có duyên.
Câu chuyện sau đây được tác giả Lê Hoàng Long nói rằng do chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh kể lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh là người đa sầu, đa cảm nên yêu từ rất sớm. Vì vậy ngày từ năm thứ 2 của bậc Thành chung, khoảng 13,14 tuổi, ông đã để ý và thầm yêu trộm nhớ cô láng giềng, là con út của ông Thông phán làm ở Phủ thống sứ Bắc Kỳ.
Có sẵn ngón đàn chỉ mới luyện được đôi chút, mỗi đêm trăng sáng chàng ra sau vườn đàn hát những ca khúc nhạc Tây để gây chú ý với người đẹp. Về sau đó, cứ đúng giờ thì cô gái được nghe tiếng đàn tình tang ở bên kia hàng rào. Đôi lúc tò mò, cô nhìn qua và thường bốn mắt vô tình gặp nhau. Tuy vậy vẫn chưa ai nói với ai được câu nào.
Một buổi chiều ra vườn, Nguyễn Văn Khánh hái một quả cà chua xanh ném nhẹ qua hàng rào rồi giả bộ nhờ cô hàng xóm nhặt giùm vì với tay qua không tới. Cô gái nhặt giùm rồi lém lỉnh nói bâng quơ: Quả còn xanh thế này sao tự nhiên rụng được?
Sau lần đó họ nói chuyện với nhau nhiều hơn, tình yêu đầu đời còn ngây ngô nhưng đáng yêu, những rung động đó sẽ còn lại mãi về sau này. Dần dần họ có được những buổi đi chơi cùng nhau ở bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi Tây Hồ, Chùa Láng… Cuộc tình thơ mộng, trong sáng kéo dài suốt ba năm mà cả hai gia đình đều không ai biết. Đến năm tốt nghiệp Thành chung, không biết có phải vì mãi lặn ngụp trong cuộc tình đầu hay không mà chàng lơ là việc học và thi rớt. Mỗi kỳ thi như vậy có hai khóa, khóa 1 vào tháng 6, khóa nhì vào tháng 8. Vì vậy Nguyễn Văn Khánh còn cơ hội vào tháng 8. Trong gần ba tháng đó, cô gái quyết tâm không gặp mặt để người yêu có thể chuyên tâm ôn bài.
Nguyễn Văn Khánh năn nỉ và hứa chắc chắn sẽ đậu khóa 2, nhưng xin mỗi tuần cho gặp nhau một lần vào chiều chủ nhật. Năn nỉ mãi cô mới bằng lòng, và nói thêm rằng nếu không đậu thì sẽ không gặp nhau nữa. Có lẽ đó là động lực to lớn để chàng dùi mài kinh sử ngày đêm để vượt qua kỳ thi.
Nhưng ngày vui ngắn ngủi, khi vừa biết tin thi đậu cũng là lúc chàng nhạc sĩ tương lai nghe tin cụ Thông phán sát nhà chuyển công tác lên Thái Nguyên, cách xa Hà Nội hơn trăm cây số. Họ gặp nhau để chia tay bùi ngùi, nhưng chàng hứa hẹn mỗi tuần sẽ lên thăm.
Nói đến Thái Nguyên ngày đó thì người thành phố ai cũng sợ vì cho rằng đó là chốn rừng núi xa xôi thuộc dạng khỉ ho cò gáy, là vùng mạn ngược sốt rét hoành hành. Thời đó, phương tiện giao thông kết nối rất hạn chế, chỉ có xe lửa từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Muốn đi Thái Nguyên phải xuống ga Bắc Giang, rồi đi xe đò lên, mà mỗi ngày chỉ có độc một chuyến xe đò. Dù khó khăn như vậy nhưng thứ 7 tuần nào Nguyễn Văn Khánh cũng lặn lội lên thăm người yêu, dù có nắng gắt mưa phùn.
Lúc này, đã có gia đình đánh tiếng xin hỏi cưới cô gái, hai gia đình môn đăng hộ đối, và chàng thanh niên kia cũng là người có học, nhưng vì đã trót thề non hẹn biển nên cô gái thoái thác với lý do còn nhỏ. Và mỗi lần gặp nhau hiếm hoi, họ chỉ biết tâm sự trong nỗi bùi ngùi không biết được tương lai sẽ ra sao. Đó cũng là tâm trạng mà sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh viết thành ca khúc Nỗi Lòng:
Yêu ai yêu cả một đời
Tình những quá khắt khe
Khiến cho đời ta đau tủi cả lòng
vì yêu ai mà lòng hằng nhớ
Năm tháng trôi lạnh lùng hoài
Tình đó nhắc nhở luôn đến ta tình ai
Nhớ cả một trời
Tình yêu kia mà lòng nào quên.

Lệ Thu hát Nỗi Lòng trước 1975
Có một lần vì bận việc nhà đột xuất nên trong hai tuần Nguyễn Văn Khánh không lên Thái Nguyên được như thường lệ. Chỉ nửa tháng không gặp những dài như thế kỷ. Rồi cũng tới ngày quay trở lại nơi xưa, đến nơi hẹn cũ, chờ hoài mà không thấy bóng người. Đến chiều, ông đi bộ đến gần nhà nàng và ghé vào một quán nước để hỏi thăm thì được bà chủ quán nước cho hay cách đó tầm 10 ngày cô gái bị trúng gió, được đưa vào nhà thương, nhưng chỉ sau hai ngày thì đã trút hơi thở cuối cùng. Cô được gia đình cho an nghỉ trên một đồi thông cách chừng một cây số.
Nghe tin, ông lật đật rời quán, bước về phía đồi thông như người không hồn. Đến nơi, ông tìm đến nơi người ta chỉ và tìm thấy được mộ cỏ non chỉ mới vừa nhú. Đó cũng là những cảm xúc đau thương rất thật mà ông viết trong bài Chiều Vàng:
Trên đồi xanh chiều đã xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng
Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời
lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn
Buồn xa vắng buồn lòng thầm nhớ tới người
Chiều xưa cũng trên đồi cùng ta
Người đã ước nguyền rằng đời riêng có ta
Lời đó còn đâu?

Khánh Ly hát Chiều Vàng trước 1975
Màn đêm xuống dần, ông buồn bã lê chân về quán trọ. Nhìn cô thôn vắng vẻ nơi xa vắng, và người yêu thì cũng đã ngàn đời cách biệt, ông không nén nỗi những đau thương:
Đường về lòng người tha phương nhớ
Chiều dần dần mờ cô thôn vắng
Người yêu dấu ngàn đời thấu chăng
Ta nén đau thương gắng bước hoài
Thuyền chèo tới đâu chưa ngừng bến…
Trong câu hát sau đó, nhạc sĩ viết: “Hồn em có cùng người chứng minh”, như là một cách nói chuyện với hương hồn người yêu mới vừa xa khuất không lâu…
Lời thề nguyền ngờ đâu xa vắng
Tình tràn đầy sầu chung non nước
Hồn em có cùng người chứng minh
Anh bước ra đi luyến tiếc hoài
Đời còn có em nay mà thôi…
Theo người con trai của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, thì hai ca khúc này được ông sáng tác từ đầu thập niên 1950, tức là hơn 10 năm sau khi câu chuyện tình đầu kia. Nhưng có lẽ cảm xúc từ câu chuyện cũ còn nhiều day dứt nên ca từ trong bài hát rất sống động, như là mối tình kia chỉ vừa hôm qua, và nỗi đau cũng còn rất tươi mới.
2/8/2020
Đông Kha
Theo https://nhacxua.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...