Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa

Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa

Đà Lạt nổi danh là vương quốc của hoa với hàng ngàn loại, muôn hồng nghìn tía trang điểm cho thành phố, cho cuộc sống hàng ngày thêm tươi đẹp và hấp dẫn du khách suốt bốn mùa. Hoa ở khắp nơi, khắp chốn. Hoa trong vườn, hoa trong công viên. Hoa trên cây cao như anh đào, mimosa, phượng tím… Hoa dưới lũng thấp như hồng, lili, loa kèn, lay ơn, thược dược, cúc, pensée… Hoa leo lên tận hàng rào, leo lên mái nhà như hoa xác pháo, tầm xuân… Rồi còn trà mi, lồng đèn, đỗ quyên, cúc, các loại hồng, và đặc biệt là các loại lan như phong lan, địa lan, hoàng phi hạc, nhất điểm hồng, nhất điểm vàng, hồng lan, thanh lan, hoàng lan v.v… Đà Lạt quả thực đáng được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa”.
Tình yêu chung thủy với Đà Lạt và hoa của bốn mùa thoáng hiện trong thơ HOÀNG ANH TUẤN với bài “Thơ về Đà Lạt”:
“Mùa xuân dệt hoa anh đào hồng nhạt
Mùa hạ vàng kỷ niệm mimosa
Mưa mùa thu óng chuốt cúc lụa là
Và rực rỡ mầu trạng nguyên mùa cuối.
Yêu em một lần, yêu em đắm đuối
Bờ bến nào cũng không phải bến em
Bèo giạt trôi trong xa lạ không quen
Tìm dòng suối để trở về Đà Lạt.
Thời gian, thời gian, thời gian bội bạc
Ta thủy chung cùng Đà Lạt của ta.”   
Riêng cây hồng mai của thành phố đặc biệt được QUÁCH TẤN coi như một loài hoa hiếm quý nên viết thành bài thơ “Vịnh cây Hồng Mai ở Đà Lạt”:
“Đứng giữa Non Tùng giãi gió sương
Hồng Mai nầy vốn khác mai thường.
Sum sê nắng hạ phơi cành biếc,
Xao xác mưa thu trút lá vàng.
Đông tới chồi non ra lấm tấm,
Xuân về hoa thắm nở xuê xoang.
Cúc vàng sen trắng dừng khoe nhụy
Hồng ửng trời mây thấy phải nhường.”
TÂM MINH cảm hứng viết bài thơ “Lan Giã Hạc”, thương cho loài hoa theo truyền thuyết bị đày từ thiên cung xuống trần thế:
“Tay ngọc nữ thanh tao
Ve vuốt trên vườn đào
Lạc trần lan Giã Hạc
U hoài nhớ trăng sao.
Vườn hoa lan thơm ngát
Hương lan tỏa ngạt ngào
Chơi vơi ngàn cánh hạc
Tình theo gió dâng cao.”        
Hoa hướng dương, còn gọi là hoa quỳ, nở vàng rợp trời nói rằng mùa nắng đã đến. Hoa huệ đất màu hồng dịu ngọt, bao phủ đồi thông, cho ta biết đã bắt đầu mùa mưa. Mùa Thu có dạ lý hương sực nức trời đêm, hoa đuôi cáo, mỹ dung, tuyết nhung, bò cạp, cẩm báo... Và những loại hoa khác như hoa cúc Nhật, nhất chi mai, géranium... thì nở liên tục bất tận vì cho rằng Đà Lạt là mùa xuân vĩnh cửu. Hoa nhiều không sao kể xiết. Mỗi hoa lại có một hương sắc, một dáng vẻ khác nhau, thật phong phú đa dạng. Hoa souci đơn cánh dịu vàng. Hoa súng với các mầu đẹp lạ như mỡ gà, phớt hồng, tím thắm. Hoa forget me not như những cánh bướm màu sắc được ép trong vở học trò. Có loài hoa mang dáng dấp của giọt nắng, đẹp, đài các, quý phái như hoa mimosa.
Nhà thơ HUỆ THU ngắm nhìn hoa đất khách nhớ lại hoa Đà Lạt và cảm hứng viết bài thơ “Nhìn hoa Mimosa nở ở Mỹ”: 
“Xe tôi chạy suốt đường hoa
Mimosa nở nhớ Đà Lạt ôi
ở đây xứ lạ quê người
Mimosa nở nụ cười vẫn quen
Ngắm hoa bỗng tự nhiên thèm
muốn đưa tay vuốt cánh mềm lá sương
xe không đứng lại bên đường
hoa in trong kính tưởng buồn bay theo
Gọi thầm Đà Lạt thương yêu
gọi ai đâu nữa những chiều cao nguyên
nhớ về cũng muốn làm duyên
mà đường xa lộ chẳng riêng của mình
Chìm chìm trong rặng cây xanh
hình như có tiếng hoàng oanh hót thầm
hoa vàng nhớ buổi xưa thăm
Mimosa... nói trăng rằm của em.”
Hoa tượng hình của gió như hoa coquelicot hay còn gọi là mỹ nhân thảo, mong manh đa sắc. Hoa có vẻ đẹp bạc mệnh chỉ hiện diện trong một ngày như phù dung, thậm chí chỉ trong vài giờ như hoa tí ngọ. Trái lại cũng có loài hoa đang vươn mình đến sắc đẹp trường cửu như hoa lan, có loài lan nở đến hơn một tháng mới tàn. Có loài hoa tượng trưng cho sự trinh trắng thơ ngây như hoa lys, hoa marguerite.
Có loài hoa biểu tượng cho tình yêu như hoa hồng, nào là hồng phấn, hồng vàng, hồng nhung v.v… làm cho người được tặng hoa đôi khi thầm rướm máu trong trái tim vì… “hồng nào mà chẳng có gai”. TRẦN MỘNG TÚ cảm tác bài “Đường cũ” (1990):
“Con đường Trần Quý Cáp
Con đường Hồng Thập Tự
Anh còn nhớ không
Một thời yêu đương cũ
Hàng me già ướt đẫm trong mưa
Những nụ hôn vỉa hè
Tình yêu, luân vũ
Cây cầu nào qua sông Thị Nghè
Ngõ vào nhà em trời mưa loáng nước
Những bông hồng Đà Lạt
Những chiếc gai, đến bây giờ vẫn làm tim em rướm máu.
Ôi anh, còn nhớ
Những ngày Sài Gòn có nắng, có mưa
Mưa tháng Năm, nắng tháng Tư
Tình yêu hai ta không ngày tháng
Ôi biết đến bao giờ
Em lại được đi
Trên những con đường yêu đương cũ
Con đường Trần Quý Cáp
Con đường Hồng Thập Tự
Không biết lá me còn rơi trong ngày mưa
Và anh còn trên tay những bông hồng Đà Lạt
Những chiếc gai,
đến bây giờ vẫn còn làm tim em rướm máu.”
Ở Đà Lạt khó có thể nói hoa nào đẹp nhất vì yêu hoa cũng thể như yêu người vậy! Hoa nào cũng tràn hương sắc, cũng chan chứa tình. Hoa là ngôn ngữ của thiên nhiên, là tín hiệu của đất trời, của tình yêu. Hoa gợi cảm ra văn thơ, ra nhạc. Hoa Đà Lạt gợi hứng cho nhà thơ TUỆ NGA trải lòng mình thành những vần thơ lai láng trong bài “Bâng khuâng những sắc hoa đời”:
“Hàng tường vi đứng u sầu
Như trăng xanh mãi một mầu trong xanh
Như ai viết lại chuyện tình
Dù rằng chuyện ấy đã thành thiên thu
Như Đà Lạt sớm sương mù
Như mùa thu gió vi vu đỉnh trời
Như Hoa Đào bên hồ tươi
Hồ Xuân Hương ấy một thời đã xa
Ơi Đà Lạt những mùa hoa
Hoa vàng gợi nhớ thiết tha lòng người
Mimosa ơi, thương hoài
Bài thơ viết vội thành bài tình ca
Thời gian vút cánh mây qua
Soi gương tóc trắng mai hoa, trắng ngời
Bâng khuâng những sắc hoa đời
Thả ra biển gió ta cười với ta
Phấn hương bay, bụi phấn nhòa
Chơi vơi khói sóng mầu hoa ai tìm
Lạnh lùng đáy biển sầu miên
Trăng treo lơ lửng một miền tịnh không
Trải vàng biển đêm mênh mông
Có vì sao lạ lạc vùng đất ai
Mơ hồ tiếng gió thở dài
Phải là tâm sự u hoài thế nhân
Mộng đời trắng Cánh Phù Vân…”
Vườn BÍCH CÂU là một công viên hoa của thành phố Đà Lạt nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi Đồi Cù, trường Đại Học và Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân. Mặt nhìn ra thượng nguồn hồ Xuân Hương. Công viên trồng đủ loại hoa, muôn màu khoe sắc.
Một ngày ghé thăm công viên, ngắm hoa, tâm hồn dâng tràn thi hứng, PHONG VŨ viết bài thơ “Đà Lạt tình ca”, có lẽ muốn để ngầm tặng riêng cho người yêu quý thân thương sống cạnh mình:
“Đà Lạt quê hương ta
“thành phố tình yêu và hoa bướm”
tôi đã nghe đôi tình nhân thì thầm như thế
giữa lòng thành phố mùa hoa
hoa ửng hồng lên dưới nắng sớm chan hòa
hoa đượm sắc trong màu xanh tươi thắm
hoa nở rộ giữa những ngày xuân ấm
cành ngả nghiêng nghiêng bên hồ biếc rập rình
hoa vẫy chào đôi lứa đẹp xinh
hoa hứa hẹn những mùa xuân
đẹp trăm lần hơn thế
ôi một mùa hoa!
nói với ta nhiều điều mới mẻ
về quê hương - đất nước - con người
từ góc độ cuộc đời
ta nhìn hoa nghĩa tình thắm thiết
đất trời có hoa
đời người có nghĩa
anh dìu em đi bát ngát trời hoa
em ngẩn nhìn những cánh mimosa
óng vàng nhung gấm
những đóa hồng sương đọng
những cánh hoa “xin đừng có quên em”
những cánh hoa hoang dại không tên
có cánh bướm non tơ
chập chờn theo sóng mắt
nhưng em ơi!
có một loài hoa mà anh yêu quý nhất
loài hoa nào em có biết không em?”
Trong cuộc sống tha hương, NGUYỄN BÁ TRẠC ghi lại cảm nghĩ của mình khi bất chợt đứng trước một vườn hoa nơi xứ lạ khiến mình nhớ tới Đà Lạt quê nhà, lòng dạt dào tình hoài hương:
“Có lần tôi đứng thừ người trước một vườn hoa. Toàn hoa pensée, ở đây tiếng Anh gọi là pansy. Ở Việt Nam, hình như chỉ Đà Lạt xứ lạnh mới có thứ hoa Tây phương ấy, người ta quen gọi nó bằng tiếng Pháp. Đà Lạt, những đồi thông xanh mượt. Học trò con gái áo trắng, đi học về nói chuyện như ong vỡ tổ. Những ngày ở đấy, tôi thấy người ta hay ép khô hoa pensée, dán trân trọng vào những tấm bưu thiếp. Bọn đàn bà con gái hay mua gửi đi các tỉnh làm quà cho bạn bè một cách thơ mộng.
Đi uống cá phê Tùng là thơ mộng. Nửa đêm sương mù trắng xóa, dắt tay nhau ra đường Đoàn Thị Điểm ăn cháo là thơ mộng. Cái gì thơ mộng là đẹp đẽ, dù là chiến tranh kề cận ngay đấy, cuộc đời vẫn đẹp đẽ thơ mộng. Bây giờ đây, cũng đi ăn phở ăn cháo ăn chè. Ăn thực no mà vẫn không thơ mộng.
Nhìn một thảm hoa pensée tôi ngẫm nghĩ: Tại sao trước kia nó đẹp như vậy, bây giờ nó tồi tàn ủ ê như vậy? Những cánh hoa xơ xác. Thân, lá vàng-vọt phạc-phờ.
Dạo ở Đà Lạt, tôi có xin được đâu đó ba, bốn cây pensée. Tôi chăm sóc kỹ lưỡng, trồng mỗi cây trong một chậu. Ban đêm phải mang vào phòng để cạnh giường vì sợ nó lạnh. Buổi sáng dậy sớm đưa ra ngoài hứng sương. Khi nụ hoa bắt đầu nở, tôi ngồi một mình nhìn mỗi cánh hoa rung động với tất cả cảm giác chờ đợi thiêng liêng, cho đến khi đóa hoa nở ra những cánh tím vàng óng ả.
Bây giờ tôi vẫn tự cho mình là mạnh, không nhớ nhà, mỗi lần nhớ đến thì gạt đi. Nhưng tôi có lẩn thẩn nhớ cái hoa pensée, nhớ tiếng chim cu gáy lười lĩnh gọi nhau ngoài đồng trống.
Những đóa hoa pensée lúc ấy nở ra những cánh nhung tuyệt đẹp. Chúng nó mịn như những ngọn đồi xanh mượt gần hồ Xuân Hương, thác Prenn, thác Gougah ở Đà Lạt.”
NHẤT TUẤN viết bài “Cánh Immortel cuối cùng”, lời thơ cũng đầy những buồn tủi, oán trách về một chuyện tình buồn bã:
“Hôm xưa đi chơi hồ Than Thở
Em ngắt bên đường một đóa hoa
Rồi chạy đến anh cười hớn hở
Đây hoa bất tử như tình ta.
Hoa ấy màu vàng chen sắc máu
(Màu vàng tâm sự kẻ yêu nhau
Là âu yếm với tình đôn hậu)
Êm đẹp bao nhiêu giấc mộng đầu.
Quả thực cũng như tên bất tử
Bông hoa nho nhỏ của người thơ
Anh đem về để trong phòng ngủ
Tươi mãi không tàn, có lạ chưa.
Từ dạo sân nhà em đỏ pháo
Em cùng người ấy sống yên bình
Đêm đêm úp mặt vào tay bảo
Nào có ra chi… truyện chúng mình.
Trái với tên hoa là bất tử
Hoa dần héo rũ sắc tàn phai
Cánh rơi tan nát như tâm sự
Như tiếng lòng anh khẽ thở dài .
Rồi đến chiều nay cánh cuối cùng
Trời dâng lệ xuống khóc rưng-rưng
Hoa ơi đừng giống tình ta nhé
Ta vẫn cầu mong được thủy-chung.
Anh quên màu đỏ trong hoa đó
Màu đỏ là màu của biệt-ly
Và của bao nhiêu sầu hận tủi
Giờ đây còn biết nói năng chi.
Cánh hoa bất tử rơi lần chót
Tàn nhẫn như người rũ áo đi.”
Ngàn hoa của Đà Lạt với muôn màu thắm sắc cũng được QUẢN THỤY HOÀI nhắc đến khi viết “Bài thơ hoa cho Em”:
“Đây em,
Những cụm hoa cẩm chướng
Hoa mào gà đỏ chót
Em có nhớ, những cây hoa Pied Alouette,
chân chim phơn phớt tím
Màu tím Lavende
Những cây hoa Cocorico đủ màu như bướm
Mong manh đong đưa trước gió
Những khóm hoa Pensée tương tư ai
Những cánh hoa Pensée ta đã ép vào sách học
Gởi cho em khi em mới mười ba
Những cây hoa sói để ướp trà
Những cây hoa tóc tiên
Hoa lưu ly, hoa mười giờ quấn quít trong nhau
Em có nhớ đóa hoa Quỳnh màu trắng
Thơm ngát hương đêm khi em học bài khuya…”
Và cuối cùng phải ghi lại nơi đây nỗi thiết tha nhung nhớ của THIÊN HƯƠNG với ngàn hoa của thành phố Đà Lạt:  
“Tôi lớn lên từ Đà Lạt, lớn lên giữa những hàng cây dâm bụt, dưới những rặng thông. Mùi phấn thông, mùi ngọc lan, mùi hoa sói vẫn còn hoài trong luống phổi nên mỗi lần thở, cái không khí Đà Lạt như vẫn còn vương vương đâu đó.” …    
“Nhắc đến Đà Lạt, chắc lại phải nhắc đến hoa, thứ đặc sản đáng yêu của Đà Lạt. Thành phố hoa Đà Lạt không ngập đầy hoa. Mà dù có trồng ngập hoa cũng khó mang vẻ rực rỡ như những thành phố hoa nổi tiếng trên thế giới. Hoa hồng Đà Lạt, so về vóc dáng, không thể bì được với những cành hồng dài cả thước, bông to tướng của Pháp Mỹ. Nhưng có lẽ không ở đâu hương hoa hồng lại ngào ngạt như hoa ở Đà Lạt. Hương hoa không những tỏa ra từ những cánh hoa mà tỏa ra từ toàn cây, từ cành, từ nụ, từ lá và càng thêm ngào ngạt khi bông hoa bắt đầu hé nở. Những bông tỉ muội trắng hay hồng của Đà Lạt cũng vậy. Nhìn cây hoa thấy thật khiêm nhường, nhưng cái mùi thơm hoa tỉ muội tỏa rất xa. Cái mùi hương dìu dịu làm nhẹ lòng người, nồng nàn đấy nhưng không gay gắt. Những bông hoa nhỏ nhắn, dịu dàng nhưng rất duyên dáng như những cô con gái má đỏ môi hồng của vùng cao nguyên lãng đãng hơi sương.
Một loài hoa xinh xắn và thơm ngát khác của Đà Lạt mà vẻ dễ thương của nó khó kiếm được ở các nước khác. Đó là violettes (đồng thảo). Ở Đà Lạt, lá của hoa violettes rất xanh, hoa rất tím, nho nhỏ thôi nhưng mang một vẻ nũng nịu, e ấp rất nữ tính. Những bông hoa nhỏ hoặc lấp ló dưới lá, hoặc khép nép vươn lên, vừa kiêu hãnh, vừa nhỏ bé, vừa dịu dàng vừa bí hiểm, đi sâu vào trí nhớ mỗi người. Tôi đã gặp một số hoa violettes ở Úc, ở Mỹ nhưng chưa tìm thấy được những bông hoa violettes như của Đà Lạt. Màu hoa không tím đậm đà bằng, cánh hoa không duyên dáng bằng, và cái mùi thì, trời ơi, hắc hắc thế nào ấy.
Mimosa cũng vậy, Mimosa Đà Lạt cũng nở không nhiều và vàng đậm như ở Úc, Mỹ. Những đốm bông nhỏ màu vàng nhạt, cái màu vàng phơn phớt với rất nhiều lông tơ nhỏ mịn. Hoa cũng thưa thớt hơn. Lá tròn, phủ nhiều phấn nên khi sương xuống, những hạt sương long lanh lấp lánh như bạc trên lớp nhung phấn mịn màng. Cũng có một số cây lá dài xanh mướt.
Mimosa Đà Lạt, khi nở hướng lên trời, trong khi mimosa ở Úc vì nở nhiều nên thường kéo trĩu cành xuống, những bông hoa vàng tỏa ra tứ phía, cái màu vàng không mơ màng như màu hoa vàng mơ của Đà Lạt. Nhìn thì rực rỡ nhưng hoa nhiều quá, làm mất đi cái vẻ mảnh mai yếu đuối nên không thể thay thế những cây mimosa với lá nhuốm chút sáng bạc của phấn và những bông hoa chỉ phơn phớt một màu vàng mơ, long lanh nở như những ánh nắng xinh xắn vương vướng trong đám lá.
Mimosa, đã có rất nhiều những bài hát ca tụng màu hoa này của núi đồi Đà Lạt. Cũng có rất nhiều những bài thơ về đóa hoa vàng dịu dàng này. Cũng có rất nhiều những câu truyện, những bài viết về loài hoa dễ thương đó. Cũng có rất nhiều người đã dùng tên hoa như một tên hiệu của mình. Vì màu hoa đẹp, hay vì những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua...
Đà Lạt lại có rất nhiều những loại hoa khác, không rực rỡ, không nở đầy cây, chỉ thi thoảng vài chiếc trên cành. Ngũ sắc, bìm bịp, dâm bụt đỏ, dâm bụt tím, marguerittes trắng hay những đám lục bình hiền hòa trên mặt hồ Xuân Hương bập bềnh những chùm hoa xinh xắn. Những bông hoa dịu dàng tô điểm thêm vẻ đẹp của những ngôi nhà xinh xắn, những ngõ nhỏ hiền hòa, những buổi chiều êm ả chứ không phô trương lộ liễu. Và mùi hương lúc nào cũng nồng nàn tha thiết. Hương phấn thông của Đà Lạt, hương lá cây khuynh diệp cũng thế, luôn dịu dàng dễ chịu, không hề nồng hắc.”
Lá hoa, cây cỏ của thành phố Đà Lạt thật quả đã thấm đượm lâu dài khiến THIÊN HƯƠNG phải thốt lời tâm sự: 
“Và mùi nắng Đà Lạt. Có lẽ chỉ ở Đà Lạt những chăn nệm khi đem phơi nắng vào mới có cái mùi nắng thơm sực, lẫn chút hương phấn thông, chút hương cây cỏ làm giấc ngủ thêm sâu, làm giấc mơ thêm ngọt. Ui chao, những mùi hương của Đà Lạt, làm sao tôi có thể quên. Làm sao tôi có thể vứt bỏ khỏi tiềm thức những buổi chiều đi lang thang dưới hai hàng khuynh diệp của mái trường ngói đỏ ngày xưa, nghe lá reo, nghe gió thổi, thở với những sợi tóc dài phất phơ thả hương hoa cỏ, cây lá vào hồn”.
Ngô Tằng Giao
Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...