Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

"Ngày xưa" và Nguyễn Nhược Pháp

"Ngày xưa" và Nguyễn Nhược Pháp

TTKh., một nhà thơ tuyệt vời - tuyệt vời bởi sự kín đáo đến mức trở thành bí mật mãi mãi khi đưa ra giữa đời chỉ vỏn vẹn bốn bài thơ và không lưu lại dấu tích nào? Nhưng tôi không kể đến trường hợp nhà thơ ấy, với bút danh hay tên thật viết tắt, lại mơ hồ tuyệt đối về tiểu sử, cho đến nay vẫn còn là một nghi án văn chương, bởi tôi cứ đinh ninh sự nghiệp của TTKh. chỉ là một mảnh vỡ từ một ngọn núi kim cương thơ ca của một thi sĩ khác. TTKh. là một nữ sĩ ảo. Tôi muốn nói đến một nhà thơ thực sự có sự nghiệp thơ ca ít ỏi nhất với danh tính, hành trạng, chân dung đời thực rõ nét.
Từ rất nhiều năm về trước, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về một người thơ tạo nên tên tuổi chỉ bằng một tập thơ mỏng mảnh, vỏn vẹn mười bài, giữa một thời kỳ chữ quốc ngữ abc đã trở nên hoàn thiện, phổ biến, và đó cũng là một thời kỳ khá phong phú về báo chí, xuất bản, thời kỳ đặc biệt xuất hiện nhiều nhà thơ xuất sắc với sự nghiệp ít ra là một, hai tập thơ dày dặn. Đây là cả một sự kiện xem ra rất lạ lùng nhưng có thật.
Thật ra, Nguyễn Nhược Pháp có thể đạt tới mức đồ sộ hơn về sự nghiệp văn chương, nếu số phận ông không non yểu ở tuổi 24 (1914-1938). Đơn giản chỉ có vậy. Nhưng nếu chỉ đơn giản như thế, tôi cứ suy nghĩ mãi làm gì? Thơ "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" chăng? Nhận định đó đã trở thành một lẽ tất nhiên, cần chi nghĩ ngợi!
Và thật ra, thơ Nguyễn Nhược Pháp không phải thuộc loại tinh lọc, đạt tới sự kết tinh đến mức tuyệt vời như kim cương hay chí ít cũng như thạch anh. So với nhiều nhà thơ cùng thời, về ngôn ngữ, sự điêu luyện về nghệ thuật thơ ca và độ sâu của tư tưởng, cảm xúc, Nguyễn Nhược Pháp không có gì vượt trội, nếu không muốn nói thật là vẫn còn kém thua ít nhiều.
Nhưng dẫu sao, với độ mỏng vỏn vẹn mười bài, "Ngày xưa" của Nguyễn Nhược Pháp vẫn mãi mãi còn đó trong giai đoạn văn học sử 1930-1945, giai đoạn "Thơ mới", bằng một nét riêng, độc sáng, gần như một phong cách riêng, không một tập thơ nào của ai đó có thể che lấp được hay thay thế được. Thiếu "Ngày xưa" là văn học sử giai đoạn ấy lộ ra một khoảng trống. Vấn đề là ở điểm này đây.
Trong những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tý HB8 này, không khí trầm hương thiêng liêng và tiếng chuông chùa siêu thoát gợi cho tôi nhớ lại những suy nghĩ ấy của mình, từ những năm đã xa, về "Ngày xưa" và nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Tôi thấy cần đọc lại thơ ông, để xem lại những suy nghĩ thuở nào của mình có non nớt lắm không.
Tôi cảm thấy hình như nhận thức của tôi về "Ngày xưa" không có gì khác. Có thể nói, không nghi ngờ gì nữa, sở dĩ "Ngày xưa" có một chỗ đứng hiển nhiên không thể thay thế trên văn đàn thuở ấy là bởi có thật một nét riêng, một phong cách thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Phong cách thi sĩ ấy thể hiện ở mảng đề tài ông tâm đắc và ở cảm thức thơ ca rất riêng của ông.
Chủ nghĩa lãng mạn là sự chối bỏ thực tại, vượt lên thực tại buồn chán, bế tắc, hoặc hướng về tương lai hay ngoảnh lại quá khứ, hoặc khao khát, bay bổng với hiện tại được mộng ảo hóa. Nguyễn Nhược Pháp thuộc khuynh hướng lãng mạn hoài niệm. Đúng như vậy. Nhận định này có thể không có gì mới. Điều cần thấy thêm ở Nguyễn Nhược Pháp: Có lẽ ông không đủ sức mạnh của nhận thức, của ý chí phủ định quyết liệt thực tại để hướng đến tương lai, nhưng với tuổi đời quá trẻ, ông vẫn còn tươi tắn và hồn nhiên khi hướng về quá khứ vàng son của dân tộc - cái vàng son theo cảm nhận của ông. Hoài niệm huyền thoại và lịch sử thực chất chỉ là niềm tiếc nuối những gì một đi không trở lại. Vì thế, nền tảng ẩn chìm vẫn là niềm tuyệt vọng. Đó là nói chung. Với Nguyễn Nhược Pháp, không những hoài niệm, ông đã sống với quá khứ nghìn xưa như chính ông là chàng trai trẻ của nghìn xưa ấy, chứ không phải với ý thức của một người sống vào quãng vài thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ XX.
Hiện tại của Nguyễn Nhược Pháp là "ngày xưa".
Chính nhờ vậy, thơ Nguyễn Nhược Pháp có nét hồn nhiên, hóm hỉnh, nói như Hoài Thanh - Hoài Chân, khiến ta tưởng thấy được những nét cười thú vị đâu đó trong thơ ông.
Sau khi Nguyễn Nhược Pháp miêu tả nhan sắc Mỵ Nương thuở huyền sử, ông viết thêm như nói, "Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ". Chính câu thơ hồn nhiên này lại khắc sâu vào lòng người đọc vẻ hóm hỉnh, thú vị ấy, và quên hết những nét ước lệ khác. Cũng trong bài "Sơn Tinh, Thủy Tinh" (1), ông còn viết:
Hai thần bên cửa thành thi lễ
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu
Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho như thế cũng hơi nhiều!
Không thể không mỉm cười với một "Ngày xưa" được kể lại với những nét ngộ nghĩnh, dí dỏm độc đáo! Nhất là ở đoạn kết:
Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu
Nhưng thật dễ thương): "Ô! Vì ta!".
Thủy Tinh năm năm dâng nước bể
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường!
Nét hồn nhiên, dí dỏm, hóm hỉnh một cách tinh tế còn được thể hiện ở bài "Chùa Hương" (2) nổi tiếng nhất của Nguyễn Nhược Pháp. 
"Sơn Tinh, Thủy Tinh" là huyền thoại được kể lại, "Chùa Hương" là đời thực của ngày xưa, cũng được kể lại bằng thơ ca như thế, và vẫn in đậm nét riêng Nguyễn Nhược Pháp. Yếu tố tự sự, Nguyễn Nhược Pháp gọi hẳn bài thơ là "thiên ký sự", người đọc còn thấy ở một bài khác: "Một buổi chiều xuân" (3). Bài "Đi cống" (4) cũng được vận dụng thủ pháp này trong một mức độ nào đó.
Nguyễn Nhược Pháp đã để cho câu chuyện "Chùa Hương" được ghi lại bằng tâm trạng của nhân vật chính. Đó là một cô gái mới lớn, vừa bước vào mùa xuân của năm mười lăm tuổi. Một điều khá ngộ nghĩnh là Nguyễn Nhược Pháp viết trong bài và ghi chú hẳn ở cuối bài, một cách bông đùa, "thiên ký sự" này là chính do cô gái ấy viết, như thể ông chỉ là người sưu tập (5). Ông bông đùa để tạo thêm ý vị cho bài thơ được viết theo lối tự sự này. Và cũng chính thủ pháp để cho nhân vật tự biểu hiện, tự kể chuyện, tự thuật lại chuyến hành hương lên chùa cùng cha mẹ (thầy me), tình cờ gặp một văn nhân trẻ tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã biểu đạt được tâm trạng với những cảm xúc rất thật của cô bé tuổi mười lăm trong không thời gian "ngày xưa", thuở tục tảo hôn, lấy chồng sớm, còn rất bình thường.
Lấy chồng từ thuở mười ba
Đến năm mười tám thiếp đà ba con
Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã ba con với chàng
(Ca dao)
Tuổi mười lăm, nét trẻ thơ còn đó, nhưng suy nghĩ về chuyện lấy chồng như thể đã bước vào tuổi hai mươi, ở nhân vật trong bài thơ, là một nét xưa có thật và rất thật.
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai)
Dọc đường đi, cô bé tự biểu hiện ý nghĩ thầm kín của chính mình một cách vừa táo bạo vừa chân thành:
Mơ xa lại nghĩ gần
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước
Em thấy một văn nhân
Người đâu thanh lạ thường
Tướng mạo trông phi thường
Lưng cao dài, trán rộng
Hỏi ai nhìn không thương?
Đó là những ý nghĩ không thể công nhiên bày tỏ với người khác, cho dù là bạn gái cùng trang lứa. Mặc dù táo bạo, nhưng không thể nói, ấy là những ý nghĩ không đáng yêu, khi chúng được nẩy sinh và thể hiện trong một bối cảnh thanh thoát đến siêu thoát. Và cũng đáng yêu biết mấy, khi ta đọc thấy suy nghĩ của cô bé đã biết làm duyên, biết tạo nét cho mình và cũng biết e lệ giữ mình, giấu bớt mình đi, để ấn tượng về mình chỉ toàn là nét đẹp trong mắt nhìn của chàng trai mình trót yêu thầm. Và tất cả cũng trong quan niệm chung của "ngày xưa":
Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu
Cô gái cũng tinh ý nhận ra tình cảm của chàng văn nhân trẻ tuổi, khi chàng trai có chú tiểu đồng đi theo, mang giúp túi thơ bầu rượu ấy, đã tự tâm đi theo lộ trình hành hương của gia đình mình, vì chàng đã quyến luyến, không thể rời xa. Trực nhận ra điều đó, cô gái hồn nhiên bày tỏ trên trang nhật ký hành hương, những trang giấy chắc chắn không bao giờ cô trao cho một ai đọc:
Đêm hôm ấy em mừng
Mùi trầm hương bay lừng
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng
Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy
Nhìn em đến nực cười!
Thật hồn nhiên, thanh thoát rất trẻ thơ, và siêu thoát không vương niềm tục lụy. Nói đúng hơn, ấy là quan niệm yêu đương, vợ chồng theo tục tảo hôn của đứa bé gái vẫn còn quá ngây ngô, trong không gian đượm mùi trầm hương, tiếng chuông mõ lâng lâng thoát tục.
Nguyễn Nhược Pháp còn để cho nhân vật trữ tình của mình tự biểu hiện cả nỗi buồn từ giã:
Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy
Thoảng ngày vui qua rồi!
Đây là lần đầu tiên cô gái tuổi mười lăm ấy biểu lộ tình cảm của mình trước người mình thầm thương mến. Có điều, mặc dù đích thị là chàng văn nhân kia, nhưng cũng chỉ được rưng rưng nhìn, qua một đại từ "ai" mơ hồ, xa lạ. Từ giã, cũng là lúc, một nét triết lý buồn đến bi đát về cõi đời phù du bỗng hiện lên, tê tái, ngậm ngùi, trong lòng cô gái. Nét buồn sâu sắc, già dặn này từ một vô thức nghìn đời nào đó ập vào lòng cô gái bé nhỏ, hồn nhiên, ngỡ là phi lý nhưng rất thật.
Lúc từ giã, cũng chính là khi cô gái hồn nhiên tự thầm kín bày tỏ niềm xao động và chút ước ao vương mùi trần tục... của một nụ hôn?:
Làn gió thổi hây hây
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở
Chàng ôi, chàng có hay?
Không, chỉ một chút gần kề! Nhưng rồi, cũng chỉ là trong xao động thầm kín. Và chính chút cảm giác thầm kín kia cũng được thăng hoa lên cõi bồng lai tiên cảnh:
Đường đây kia lên trời
Ta bước tựa vai cười
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.
Và "Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin hai người lấy nhau, vì không lấy nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện" (5). Nguyễn Nhược Pháp đã ghi chú thêm như vậy ở cuối bài "Chùa Hương", bởi ông nghĩ rằng tình yêu đương trong sáng chỉ thực sự hiện hữu, làm thăng hoa mọi năng lực sáng tạo, một khi tình yêu đương ấy vẫn còn quãng cách giữa hai người.
"Chùa Hương" dễ thương, đáng yêu biết bao, với những nét tâm lý vừa táo bạo, vừa ngộ nghĩnh, nhí nhảnh, lại rất chân thành đến buồn cười ở một cô bé mười lăm tuổi "ngày xưa", được kết thúc bởi một ghi chú dí dỏm, như thể chỉ là ghi nhận của Nguyễn Nhược Pháp khi chép lại bài thơ từ nhật kí của chính cô gái. Tất cả các thủ pháp ấy không thể khiến chúng ta nghĩ Nguyễn Nhược Pháp không phải là tác giả của bài "Chùa Hương", mà chỉ khiến chúng ta hiểu ông bông đùa một cách đáng yêu, để bài thơ dễ thương hơn.
Nhiều người đã nhận định, có lẽ "Sơn Tinh, Thủy Tinh" và "Chùa Hương" là hai bài thơ được nhiều người yêu thích nhất của Nguyễn Nhược Pháp. Nói cách khác, nhắc đến "Thơ mới", người yêu thơ không thể quên Nguyễn Nhược Pháp bởi chính hai bài thơ ấy. Tôi cũng nghĩ đó là hai bài thơ tạo nên một nét rất riêng, không thể lẫn vào ai, một phong cách riêng, độc sáng của ông, trước ông chưa có, và sau ông chỉ là sự kế thừa: Phong cách dễ thương, dí dỏm, hóm hỉnh nhẹ nhàng, viết về tuổi mới lớn.
Nhưng khi nhận định, hiện tại của Nguyễn Nhược Pháp là "ngày xưa", tôi muốn nhấn mạnh hơi quá mức đến tâm thức về hẳn với quá khứ xa xưa của Nguyễn Nhược Pháp. Thực ra, Nguyễn Nhược Pháp vẫn có nhiều khi thể hiện trong các bài thơ khác: nhân vật trữ tình của ông ý thức rõ là đang từ hiện thực những năm 30-40/ XX, bay vào mộng ảo "ngày xưa" một đi không trở lại, như một vượt thoát hiện tại nô lệ, mất nước thời thực dân Pháp thống trị. Bài "Tay ngà" (6) là một đơn cử:
Đêm nay chờ trăng mọc
Ngồi thơ thẩn trong vườn...
... Ta ngồi bên tảng đá
Mơ lều chiếu ngày xưa
Mơ quan Nghè, quan Thám
Đi có cờ lọng đưa
Ý thức một cách rất rõ rệt về sự vượt thoát thực tại (nô lệ - điều ông không dám nói trong thơ) để bay vào quá khứ dân tộc vàng son mộng ảo còn được ghi dấu:
Ta đang còn luyến mộng
Yêu bóng người vẩn vơ
Tay ngà ai phủ trán?
Hiu hắt ánh trăng mờ
Đó là giấc mộng trong khi lơ mơ giữa ý thức và vô thức, như một cơn mê của người bệnh, khiến bàn tay ngà yêu thương của người vợ hiền có thực (?) phải đặt lên vầng trán ông, xem thử có thật ông đang sốt hay không.
Ý thức trốn thoát thực tại bằng cách tự ru ngủ mình để có thể bay về quá khứ "ngày xưa" của đất nước cũng có khi được thể hiện rõ rệt hơn, nhưng lại đượm niềm thất vọng, vì tự hiểu rằng bản thân mình là con người thuộc thế kỷ XX, thế kỷ của khoa học thực nghiệm, duy lý, thế kỷ của những thần thoại bị giải mã, mà ở một góc nhìn nào đó, là thực sự đã tan vỡ, đã chết. Bài "Mây" (7) thể hiện điều đó.
Người xưa mơ, nhìn mây...
... Ngày nay ta nhìn mây...
... Hồn xưa tìm không thấy...
Biết rằng hoài niệm "ngày xưa" thực chất là những thoáng lãng mạn tuyệt vọng, nhưng không còn con đường nào khác! Đó là niềm bi kịch sâu xa của Nguyễn Nhược Pháp, ấn nấp phía đằng sau những thoáng chốc tươi vui, hóm hỉnh, dí dỏm, ngộ nghĩnh dễ thương, được thể hiện trong thơ ông.
Tập thơ "Ngày xưa" không chỉ là huyền thoại, phong tục cùng những nét văn hóa tâm linh và trí thức (học hành, thi cử, sinh hoạt với chữ nghĩa) của một dân tộc có cả hàng ngàn năm văn hiến. Một mảng khá lớn, nếu so sánh về tỷ lệ, lại là truyền thuyết lịch sử và lịch sử thành văn. Mảng này chiếm đến 5 bài trong 10 bài của tập thơ.
Khác với những bài thơ tự sự hay đậm nét trữ tình, thể hiện tâm trạng thông qua những ước mơ mộng ảo về qua khứ vàng son của dân tộc, mảng truyền thuyết lịch sử và lịch sử lại đượm buồn, cũng không còn là những câu chuyện kể. Ngay với hai bài thơ lẽ ra phải tự sự, như "Mỵ Châu" (8), "Giếng Trọng Thủy" (9), yếu tố tự sự cũng không còn chủ đạo.
Đặc biệt khi viết "Giếng Trọng Thủy", Nguyễn Nhược Pháp đã để tên gián điệp cổ đại tự vẫn trong một bối cảnh dữ dội, ma quái - cái chết đáng đời của một kẻ cướp nước, kẻ rất tàn nhẫn với ý thức nhiệm vụ phi nghĩa nhưng lại có tình yêu chân thực và có chút lương tâm, cảm nhận được lương tâm cắn rứt:
Đêm khuya, gió lốc, mây đen vần
Cỏ lướt, gieo mình vực giếng thâm
Trong Thủy nằm trên làn nước sủi
Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm
Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe
Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề
Răng rắc kêu như tiếng xương đập
Gió rền, quỷ khóc, lay cành tre...
Nhân vật lịch sử "Mỵ Ê" (10), hoàng hậu của vua Chiêm Thành, người phụ nữ quyết giữ danh tiết bằng mũi dao tự đâm và nhảy xuống sông tự tử, cũng được Nguyễn Nhược Pháp thể hiện như một niềm đồng cảm - niềm đồng cảm này trong dăm bảy năm sau đã trở thành cảm hứng trung tâm, chủ đạo của Chế Lan Viên ở tập thơ đầu tay, "Điêu tàn". Nguyễn Nhược Pháp làm mới thể thất ngôn Đường luật cũ kỹ, mới đến mức không ngờ:
Hoa trôi. Thành cũ, vườn mây lửa
Lau gợn. Chùa cao, gió tiếng vàng
Ủ lệ, tay ngà ôm ngực huyết
Mỵ vờn theo sóng dạt bờ hoang.
Tái hiện lại khung cảnh đoàn quan quân hộ tống những người tài bị biến thành cống vật, cùng các cống vật khác, trong đó chủ yếu là hai tượng vàng thế mạng cho hai tên tướng Tàu cướp nước bị quân ta hạ sát, mỗi ba năm một lần, bài "Đi cống" (11) của Nguyễn Nhược Pháp được viết bằng thủ pháp trần thuật, miêu tả, xen lẫn đôi dòng biểu hiện nỗi niềm người trong cuộc. Đó cũng là một bài thơ bảy chữ, mỗi khổ bốn câu, được thể hiện trong một âm điệu nặng nhọc. Duy ở đoạn cuối, ông thể hiện một niềm ước vọng về một thời độc lập, tự chủ, tuy vẫn chịu lệ cống nạp để vuốt ve danh dự Trung Hoa - Nhà Minh, một đế quốc phong kiến thất trận nhục nhã. Đành rằng việc chịu lệ cống nạp là một nét nhẫn nhịn, khiến niềm tự hào dân tộc bị vơi bớt, nhưng chẳng thà như thế, còn hơn làm thân nô lệ dưới ách trực trị của thực dân Pháp. Đây chính là những dòng thơ thể hiện kín đáo một thái độ chính trị của tác giả "Ngày xưa".
Có một điều rất đáng phàn nàn, cho dù ta có thể thông cảm phần nào tư chất nghệ sĩ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, đó là sự nhập thân vào hình tượng nhân vật trữ tình, với câu đề từ "Triều Lê quý có nàng tiết liệt", ở bài "Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống" (12). Sử chép: Lê Chiêu Thống sang cầu viện Trung Hoa - Nhà Thanh, bị làm nhục, vì nhà Thanh biết không thể đánh thắng Quang Trung, sau khi Tôn Sĩ Nghị và đại binh của chúng một phần tan tác, một phần chết trận, thây xác chồng chất thành gò. Lê Chiêu Thống ra đi như thế, để trở về trong chiếc quan tài tủi nhục. Hoàng phi Nguyễn Thị Kim đành tự sát, sau nhiều năm trông ngóng, đợi chờ. Sự thể đó, với một nhãn quan, tâm trạng cá nhân - lịch sử của chính Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Nhược Pháp viết thay bà một bài thơ tuyệt mệnh. Về mặt tái hiện chân thực, không thể nói Nguyễn Nhược Pháp không chân thực. Nhưng nếu tìm ra trong bài thơ ấy - bài thơ đã là một chỉnh thể nghệ thuật - hay ở dòng đề từ hoặc cước chú một thoáng thái độ, nhãn quan của riêng nhà thơ, chúng ta sẽ không tìm thấy. Nói cách khác, rõ ràng giữa tác giả Nguyễn Nhược Pháp và nhân vật trữ tình Nguyễn Thị Kim có một sự đồng cảm đến mức đồng nhất tư tưởng, tâm trạng.
Nhà tan, nước mất, chàng đi thôi...
Thê thảm chàng đi, về có vậy...
Thủ pháp nhập thân này, có thể được vận dụng, ở một trường đoạn nào đó thể hiện tâm trạng chủ yếu hoặc một thoáng tâm trạng trong quá trình vận động, phát triển biện chứng nội tâm của một nhân vật trong nhiều nhân vật, thuộc một chỉnh thể trường ca, truyện thơ, nhưng nhìn chung cả trường ca, truyện thơ ấy vẫn thể hiện một khuynh hướng chủ đạo của chính tác giả. Thế nhưng, ở trường hợp Nguyễn Nhược Pháp lại là đồng nhất giữa nhân vật trữ tình và tác giả đến mức tuyệt đối!
Nếu cộng hưởng "Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống" với bài "Mỵ Ê" (mặc dù ở "Mỵ Ê" không phải là thủ pháp nhập thân, mà biểu hiện), nhưng cũng với cái nhìn đối với một chỉnh thể nghệ thuật như vậy, người đọc có thể nhận ra một Nguyễn Nhược Pháp nghệ sĩ thiếu vắng hoàn toàn một lập trường sử học, hoặc một Nguyễn Nhược Pháp đồng cảm Chàm, hoài Lê, hận Tây Sơn. 
Trọn vẹn tập thơ mỏng mảnh "Ngày xưa" của Nguyễn Nhược Pháp, với cái nhìn cận cảnh theo mỗi không thời gian của từng bài thơ, là thế đó. Để rồi, từ đó, đọng lại trong đôi mắt khép hờ, chiêm nghiệm, trước trang sách còn mở của người đọc một điều: chúng ta có thể nhận ra "Ngày xưa" vẫn thể hiện một quan niệm nghệ thuật rất mực khiêm tốn, không muốn phô bày cái tôi của Nguyễn Nhược Pháp. Mặc dù thuộc về những nhà thơ lớp đầu, tiên phong trong phong trào "Thơ mới", các bài thơ được Nguyễn Nhược Pháp viết từ 1932, 1933, 1934 trong "Ngày xưa" hầu hết vẫn là những tác phẩm thiên về tự sự, miêu tả và viết thay cho nhân vật lịch sử - trữ tình, nhân vật đời thường - trữ tình; duy nhất có một bài là Nguyễn Nhược Pháp tự thể hiện mình với đại từ "ta" ngôi thứ nhất số ít: "Tay ngà" (2-5-1934). Ở một vài bài khác, như "Đi cống" (10-3-1933), suốt cả bài thơ là trần thuật, miêu tả, chỉ ở cuối bài mới thấy một khổ thơ trữ tình ngoại đề, thể hiện lời nhắn nhủ của chính tác giả gửi đến mọi người, mặc dù Nguyễn Nhược Pháp cũng giấu mình, không tự xưng "ta" (hay "tôi"). Đại từ "ta" còn được một lần xuất hiện ở bài "Mây" (25-1-1934), trong một văn cảnh được xác định "ta" ấy là "chúng ta", đại từ ngôi thứ nhất số nhiều, chứ không phải chỉ là tác giả.
Đúng như vậy, duy nhất một bài "Tay ngà" là tác phẩm Nguyễn Nhược Pháp tự biểu hiện mình. "Tay ngà" là giấc mơ trong đó Nguyễn Nhược Pháp trở thành một nho sĩ đỗ đạt, được gọi là quan Nghè (tiến sĩ), lại được công chúa chọn mặt để gieo cầu, đồng ý để Nguyễn Nhược Pháp trở thành phò mã. Nhưng bàn "tay ngà" của ai kia, lại đặt trên vầng trán Nguyễn Nhược Pháp đang mê man chìm đắm theo giấc mộng? Là ánh trăng ngà xuyên qua kẽ lá chăng? Là bàn tay của người vợ hiền có thật chăng? Lời đáp là chỉ một trong hai. Một ảo, một thực. Tôi tin Nguyễn Nhược Pháp không táo bạo đến sống sượng tự biểu hiện mình là kẻ ngoại tình trong tư tưởng, trong chiêm bao lúc còn thức. Vâng, "tay ngà" chỉ là một ẩn dụ về luồng sáng ánh trăng hay đích thị là bàn tay ngà ngọc của nàng Hằng mà ông chỉ là chàng Cuội. Ở trường hợp thứ hai, Nguyễn Nhược Pháp lại một lần nữa ẩn mình, giấu mình đằng sau một biểu tượng cổ tích.
Dẫu sao, "Tay ngà" vẫn là bài thơ duy nhất tự biểu hiện chính cái tôi của Nguyễn Nhược Pháp, trong cả tập "Ngày xưa", nếu chúng ta xem những bài thơ viết thay chỉ là viết thay, chứ không phải tự biểu hiện bằng biểu hiện (khách thể hóa cái tôi của mình, ký thác cái tôi của mình qua việc viết thay cho nhân vật).
Cái tôi của các nhà thơ lãng mạn thuộc phong trào "Thơ mới" mãi cho đến năm ba năm sau mới thực sự phô bày không ngại ngùng, nhưng phô bày mà vẫn không dung tục, rõ nhất là ở "Thơ thơ", "Gửi hương cho gió" của Xuân Diệu.
Mặt khác, tôi không thuộc những người cứ dứt khoát cho rằng thơ "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" và chỉ khăng khăng một cách máy móc theo lời của người xưa như thế. Thử hỏi, ít mà tinh lọc còn hơn nhiều mà tạp chất, tì vết đầy rẫy, và số lượng tác phẩm vừa tinh lọc vừa nhiều, trường hợp nào đáng quý hơn. Tôi nghĩ nếu Nguyễn Nhược Pháp không non yểu ở tuổi 24, chắc hẳn Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên về sau chưa hẳn đã vượt được ông về số lượng tác phẩm như từ thuở đó đến nay và mãi mãi.
Thơ của Nguyễn Nhược Pháp đến với đời ít ỏi chỉ có vậy, nhưng đã khắc họa vào văn học sử một gương mặt thơ không thể quên. Và người ta có thể quên hết về Nguyễn Nhược Pháp, chỉ một bài không cách nào quên được, ấy là "Chùa Hương" (bài thơ mà ông cước chú một cách bông đùa là "thiên ký sự" của một cô bé, như thể ông chỉ là người sưu tầm lén lút, chép ra từ nhật ký của một thiếu nữ "ngày xưa" có thật). Nhiều người vì thế, mỗi khi nghe nhắc đến Nguyễn Nhược Pháp là nhớ đến phong cách dí dỏm, hóm hỉnh, nhí nhảnh, duyên dáng, táo bạo mà hồn nhiên, trong sáng, rất dễ thương, và quên đi những bài thơ buồn tê dại, thê thảm khác trong "Ngày xưa". Cái nhìn phiến diện ấy, ngẫm lại, hóa ra phản ánh sự nhận thức và ký ức thông thường của con người: Mỗi người sống trên đời này, chỉ cần có một nét riêng ấn tượng nhất.
Bắt chước Nguyễn Nhược Pháp, câu hỏi nêu ra ở những dòng cuối của bài viết này chỉ là bông đùa: Có thể từ trường hợp Nguyễn Nhược Pháp, chúng ta nghĩ bốn bài thơ được ký tên TTKh. cũng là một thủ pháp của Thâm Tâm hay là "mốt" thời ấy mà Thâm Tâm cũng góp phần để giải phóng phụ nữ chăng (cũng như Hồ Dzếnh với bút hiệu nữ giới Lưu Thị Hạnh) (13)? Dẫu sao, phải là một nhà thơ điêu luyện và khổ công với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài thơ mới có thể viết được bốn bài "TTKh." ấy. Tôi không bao giờ thuộc loại người cho rằng thơ là "quà tặng [đột ngột] của thượng đế". Phút xuất thần chỉ có ở những nhà thơ lao động nghệ thuật nhọc nhằn, thứ lao động thuộc loại khổ sai đến mức trong giấc ngủ vẫn còn làm thơ, khổ sai đến mức nhiều nhà thơ phát điên - khổ sai của đam mê nghệ thuật, khát vọng sáng tạo của chính nhà thơ. Trong khoa học cũng như trong nghệ thuật, quả táo Newton chỉ nẩy sinh phát kiến thiên tài đối với một người thường trực ngày đêm, miệt mài bao nhiêu tháng năm lao tâm khổ tứ. Tôi nói câu hỏi nêu ra bên trên (13) ở những dòng cuối này là bông đùa (không phải bông đùa kiểu Nguyễn Nhược Pháp), bởi làm sao dám khẳng định kết luận ở trường hợp TTKh..
Nói một cách nghiêm túc: TTKh. là trường hợp duy nhất còn bí ẩn, trong văn học quốc ngữ abc, chưa có lời giải đáp với các chứng cứ có giá trị thuyết phục. Từ bấy đến nay, không còn trường hợp nào như TTKh. nữa. Xin đừng gieo nghi án vào sự nghiệp mỏng mảnh Nguyễn Nhược Pháp. Xin đừng gieo nghi án vào bất kì ai với mưu toan, ý đồ xấu xa, với những mục đích tục dụng bên ngoài văn chương.
Buồn thay khi kết thúc những trang cảm nhận về "Ngày xưa" và Nguyễn Nhược Pháp như thế!.
Chú thích:
(1) Nguyễn Nhược Pháp, "Ngày xưa" (1935), Nxb. Văn Học tái bản, 1987, tr. 11-21.
(2) "Chùa Hương", sđd., tr. 45-57.
(3) "Một buổi chiều xuân", sđd., tr. 33-36.
(4) "Đi cống", sđd., 38-41.
(5) Câu cước chú này trong bản tái bản, sđd., không có. Tôi nhớ chắc chắn trong một tuần báo tại Miền Nam trước 1975, bài thơ này được đăng lại với câu cước chú trên (xem nguyên văn ở Web Vietnamthuquan, link đã dẫn). Tuy nhiên, bản tái bản, sđd., vẫn có câu ghi chú dưới nhan đề bài thơ "Một buổi chiều xuân": "(Thiên kí sự của một thư sinh đời trước)", sđd., tr. 33.
(6) "Tay ngà", sđd., tr. 29-31.
(7) "Mây", sđd., tr. 43-44.
(8) "Mỵ Châu", sđd., tr.22-26.
(9) "Giếng Trọng Thủy", sđd., tr. 27-28
(10) "Mỵ Ê", sđd., tr. 32.
(11) "Đi cống", sđd., tr. 38-41.
(12) "Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống". sđd., tr. 27.
(13) Thật ra, nguyên nhân trực tiếp có thể là do người đọc thuở đó, hầu hết là nam giới, vẫn rất hiếu kỳ trong việc tìm cách khám phá thế giới nội tâm sâu kín của nữ giới. Vả lại, nữ giới thuở bấy giờ nói chung lại rất kín đáo và phần lớn cũng không có trình độ học vấn cao để có thể biểu hiện chính mình bằng văn chương trên văn đàn. Do đó, các nhà thơ, nhà văn cảm thấy phải bày tỏ giúp họ. Nhưng cũng có thể đây là một thủ thuật của các tòa soạn, nhà xuất bản, với mục đích để báo chí, sách in bán chạy hơn.

Ngày Xưa 

Sơn Tinh Thủy Tinh (Avril 1933)
Mỵ Châu (Janvier 1933)
Giếng Trọng Thủy (Janvier 1933)
Tay ngà (2 Mai 1934)
Mỵ (Mai 1933)
Một buổi chiều xuân (6 Mai 1933)
Đi cống (10 Mai 1933)
Mây (25 Janvier 1934)
Chùa Hương (Aout 1934)
Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống
30 Décembre 1932
Nguồn: http://vi.wikisource.org/
Sơn Tinh Thủy Tinh
Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vàng um tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mỵ Nương xinh như tiên trên trần...
Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng bé thắm như san hô,
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.
Hùng Vương thường nhìn con yêu quá,
Chắp tay ngẩng lên trời tạ ân;
Rồi cười bảo xứng ngôi phò mã,
Trừ có ai ngang vì thần nhân.
Hay đâu thần tiên đi lấy vợ!
Sơn Tinh, Thủy Tinh lòng tơ vương,
Không quản rừng cao, sông cách trở,
Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.
Sơn Tinh có một mắt ở trán,
Thủy Tinh râu ria quăn xanh rì.
Một thần phi bạch hổ trên cạn,
Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.
Hai thần bên cửa thành thi lễ,
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.
Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!
Thủy Tinh khoe thần có phép lạ,
Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,
Bắt quyết hò mây to nước cả,
Dậm chân rung khắp làng gần quanh.
Ào ào mưa đổ xuống như thác,
Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo,
Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc,
Bò, lợn, và cột nhà trôi theo.
Mỵ Nương ôm Hùng Vương kinh hãi.
Sơn Tinh cười, xin nàng đừng lo,
Vung tay niệm chú: Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm ngổm bò
Chạy mưa. Vua tùy con kén chọn.
Mỵ Nương khép nép như cành hoa:
"Con đây phận đào tơ bé mọn,
Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha!"
Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước,
Rồi bảo mai lửa hồng nhuốm sương,
Lễ vật thần nào mang đến trước,
Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nương.
Bình minh má ửng đào phơn phớt,
Ngọc đỏ rung trên đầu lá xanh.
Ngọn liễu chim vàng ca thánh thót,
Ngự giá Hùng Vương lên mặt thành.
Mỵ Nương bên lầu son tựa cửa,
Rèm ngọc lơ thơ phủ áo hồng.
Cánh nhạn long lanh vờn ánh lửa,
Mê nàng, chim ngẩn lưng trời đông.
Rừng xanh thả mây đào man mác,
Sơn Tinh ngồi bạch hổ đi đầu
Mình phủ áo bào hồng ngọc dát,
Tay ghì cương hổ, tay cầm lau.
Theo sau năm chục con voi xám
Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều,
Tải bạc, kim cương, vàng lấp loáng,
Sừng tê, ngà voi và sừng hươu.
Hùng Vương trên mặt thành liễu rủ,
Hớn hở thần trông, thoáng nụ cười.
Thần suốt đêm sao dài không ngủ,
Mày ngài, mắt phượng vẫn còn tươi.
Sơn Tinh đến lạy chào bên cửa,
Vua thân ngự đón nàng Mỵ Nương.
Lầu son nàng ngoái trông lần lửa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
Quỳ lạy cha già lên kiệu bạc,
Thương người, thương cảnh xót lòng đau.
Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong Châu!"
Kiệu nhỏ đưa nàng đi thoăn thoắt,
Hùng Vương mơ vịn tay bờ thành.
Trông bụi hồng tuôn xa, xa lắc,
Mắt nhòa lệ ngọc ngấn đầm quanh...
Thoảng gió vù vù như gió bể,
Thủy Tinh ngồi trên lưng rồng vàng.
Yên gấm tung dài bay đỏ chóe,
Mình khoác bào xanh da trời quang.
Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
Trước thành tấp tểnh đi hành hai.
Hùng Vương mặt rồng chau ủ rũ,
Chân trời còn phảng bóng người yêu,
Thủy Tinh thúc rồng đau kêu rú,
Vừa uất vì thương, vừa bởi kiêu.
Co hết gân nghiến răng, thần quát:
"Giết! Giết Sơn Tinh hả hờn ta!"
Tức thời nước sủi reo như thác,
Tôm cá quăng ngọc trai mà hoa.
Sơn Tinh đang kèm theo sau kiệu,
Áo bào phơ phất nụ cười bay.
(Vui nhỉ mê ai xinh mới hiểu)
Thần trông kiệu nhỏ hồn thêm say.
Choàng nghe sóng vỗ reo như sấm,
Bạch hổ dừng chân, lùi, vểnh tai.
Mỵ Nương tung bức rèm đỏ thắm,
Sơn Tinh trông thấy càng dương oai.
Sóng cả gầm reo lăn như chớp,
Thủy Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng.
Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng.
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.
Sơn Tinh hiểu thần ghen, tức khắc
Niệm chú, đất nẩy vù lên cao.
Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo.
Đuôi quắp, nhe nanh, giơ vuốt đồng,
Đạp long đất núi, gầm xông xáo,
Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng.
Mây đen hăm hở bay mù mịt,
Sấm ran, sét động nổ lòe xanh.
Tôm cá xưa nay im thin thít,
Mở quác mồm to kêu thất thanh.
Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa.
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): "Ô! vì ta!"
Thủy Tinh năm năm dâng nước bể,
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường!
Avril 1933
Mỵ Châu
Lẫy thần chàng đổi móng,
Lông ngỗng thiếp đưa đường.
(Nguyễn Khắc Hiếu)
I. Đêm hôm gió khóc thổi ru cành:
Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh.
Hiu hắt Mỵ Châu nằm, trăng phủ.
Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh.
Cát vàng le lói muôn hàng châu:
Long lanh trai tuyết nhìn canh thâu.
Thương ai sao biếc thầm gieo lệ.
Sương mờ bay tỏa bạc ngàn lau.
Chân nàng hoa lả nhuốm màu sương.
Vừng trăng lạnh lẽo, chim kêu buồn.
Thân ngà tóc rủ vờn man mác,
Thiêm thiếp em chờ ai bên đường?
II. Bơ vơ Trọng Thủy lạc rừng hoang,
Vời theo lông ngỗng rơi bên đàng;
Đau lòng mắt nặng rùng đêm lạnh
Thoảng tiếng trăng thưa chen lá vàng.
Lẫy thần trao móng, chàng đi xa.
Yêu nhau sao nỡ bạc nhau mà?
Chàng đi - cho bao giờ gặp gỡ! 
Phiên ngưng nước cũ, lệ chan hòa.
Nào lúc con thuyền sóng vỗ quanh,
Hiu hiu mây thoảng da trời xanh,
Xiêm bay theo gió, hồn vơ vẩn.
Gương biếc nàng xưa êm tô hình.
Nào lúc chiều hôm vang lửa hồng,
Chim bay tan tác, trời mênh mông.
Lẹ gót hài tiên nàng yểu điệu,
Bên lầu tựa cửa cuốn rèm trông.
Nào lúc đêm thanh mờ bóng trăng,
Nhìn thấy nàng gợi tiếng dương cầm.
Tóc liễu đua bay vờn má ngọc,
Lời ca thánh thót, chàng quên chăng?
Bơ vơ ngày cũ tưởng càng đau,
Tìm trông phương nào, hỡi Mỵ Châu?
Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ,
Chàng đi man mác buồn, đêm thâu.
III. Thiêm thiếp ai bên đường, hỡi ôi!
Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời,
- Đầu non mây bạc êm đềm phủ,
Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười...
Janvier 1933
Giếng Trọng Thủy
Đêm khuya, gió lốc, mây đen vần,
Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm;
Trọng Thủy nằm trên làn nước sủi.
Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm.
Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe.
Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề.
Răng rắc kêu như tiếng xương đập,
Gió rền, quỷ khóc, lay cành tre.
Nhấp nhoáng xiên trời chớp tóe xanh,
Gầm ran sấm chuyển, mây bùng phanh.
Mưa đập. Tù và rên văng vẳng
Hiệu lính tuần kêu trên mặt thành.
Janvier 1933
Tay ngà
Đêm nay chờ trăng mọc,
Ngồi thẩn thơ trong vườn.
Quanh hoa lá róc rách,
Như đua bắt làn hương.
Ta ngồi bên tảng đá,
Mơ lều chiếu ngày xưa,
Mơ quan Nghè, quan Thám
Đi có cờ lọng đưa.
Rồi bao nàng yểu điệu
Ngấp nghé bay trên lầu,
Vừa leng keng tiếng ngựa,
Lẹ gót tiên gieo cầu.
Tay vơ cầu ngũ sắc
Má quan Nghè hây hây.
Quân hầu reo chuyển đất,
Tung cán lọng vừa quay.
Trên lầu mấy thị nữ
Cùng nhau khúc khích cười:
"Thưa cô đừng thẹn nữa,
Quan Nghè trông lên rồi!"
Cúi đầu nàng tha thướt,
Yêu kiều như mây qua.
Mắt xanh nhìn man mác
Mỉm cười vê cành hoa.
Ta còn đang luyến mộng,
Yêu bóng người vẩn vơ;
Tay ngà ai phủ trán?
Hiu hắt ánh trăng mờ...
2 Mai 1934
Mỵ
Buồm nhô rẽ sóng, Mỵ mơ màng,
Tay cuốn mền hoa, khóc gọi chàng.
Thân liễu gieo đưa chìm vực biếc,
Lời thương bay lảnh động rừng vang.
Hoa trôi. Thành cũ vườn mây lửa,
Lau gợn. Chùa cao giỏ tiếng vàng.
Ủ lệ, tay ngà ôm ngực huyết,
Mỵ vờn theo sóng dạt bờ hoang.
Mai 1933
Một buổi chiều xuân
Thiên ký sự của một thư sinh đời trước.
Hôm đó buổi chiều xuân,
Trông mây hồng bay vân,
Liền gập pho kinh sử,
Lững thững khỏi lầu văn.
Đường leo, nhà lom khom,
Mái xanh, tường rêu mòn.
Ta nhìn, ngâm nga đọc
Câu đối cửa mầu son.
hiêng kiệu ngẩn ngơ,
Thầy lại và thầy thơ
Ngồi xổm cười bên lọng,
Trước cửa tòa dinh cơ.
Cương da buộc thân cây,
Vài con ngựa lắc dây,
Nghển đầu lên gậm lá,
Đập chân nghiêng mình xoay.
Đi vui rồi vẩn vơ,
Hay đâu thức còn mơ.
Lạc vào trong vườn mộng,
Mồm vẫn còn ngâm thơ!
Ô! Vườn bao nhiêu hồng!
Hương nghi ngút đầu bông.
Lầu xa tô mái đỏ,
Uốn éo hai con rồng.
Thoảng tiếng vàng thanh tao,
Bên giàn lý bờ ao,
Một nàng xinh như liễu
Ngồi ngắm bông hoa đào.
Tay cầm bút đề thơ,
Tì má hồn vẩn vơ,
Nàng ngâm lời thánh thót.
Ai không người ngẩn ngơ!
Ta lặng nhìn hơi lâu
- Nhưng thì giờ đi mau
Đứng ngay gần non bộ
Có ông lão ngồi câu.
Nàng chợt nghiêng thân ngà;
Thoáng bóng người xa xa,
Reo kinh hoàng, e lệ,
Đưa rơi cành bút hoa.
Ta mơ chưa lại hồn,
Nàng lẹ gót lầu son.
Vừa toan nhìn nét phượng,
Giấy thẹn bay thu tròn...
6 Mai 1933
Đi cống
Núi cao, lửa hồng reo chói lọi,
Đổ vàng cây cối um tùm xanh.
Khi lòe nắng lóa, khi thâm tối,
Sườn non con đường mềm uốn quanh.
Hiu hắt cờ bay tua phơ phất,
Binh lính hò reo gầm bốn phương.
Nón đỏ, bao vàng, chân dậm đất,
Một toán đạp rừng um dẫn đường.
Mặc áo bào xanh, ngồi ngựa trắng,
Sứ nghe nhạc lắc vang bên rừng.
Hai bên hai lọng vàng che nắng.
Giời, mây, trông non nước muôn trùng!
Mười xe bịt đồng, trâu mập kéo,
Bánh sắt khi kề lên sườn non,
Đá đổ ầm ầm như sấm réo,
Gầm nhảy xuống vực sâu kêu ròn.
Trên xe nào mâm vàng dát ngọc,
Châu báu, sừng tê và ngà voi;
Hai pho tượng vàng đỏ đòng đọc;
Bào nạm kim-cương, đai đồi-mồi.
Binh lính hò quanh hoa giáo mác
- Võ tướng khua đao to lầm lầm 
Hễ thấy đường chênh kề miệng thác,
Bỏ giáo lên xe xoay bánh, vần.
Thầy nho, thầy thuốc bên thầy bói,
Thợ thêu, thợ chạm cùng thợ nề,
Mỗi người đeo một cái khăn gói
Đỏ, buông cương ngựa theo gần xe.
Lúc ấy giời xanh không u ám,
Đầu non không tờ mờ bóng sương,
Làm sao họ âu sầu thảm đạm?
Buồn thay! người cố phận tha hương.
Xe đi mỗi lúc một thêm khó.
Hang thâu hổ đói rên vang lừng;
Những con trăn xám văng như gió,
Quật đuôi đè gẫy bẹp cây rừng.
Sứ bỗng nhìn quanh buồn ủ rũ:
Xa xa ngọn cờ vàng phất phơ!
Vợ con ở chân trời mây phủ,
Hẳn đang nhìn bóng nhạn mong chờ...
Hỡi ai đi thẩn thơ miền núi!
Nhìn ngọn cây xanh gió thổi ào,
Tưởng lại cờ xưa vàng chói lọi,
Nên yêu người cũ hồn trên cao.
10 Mai 1933
Mây
Người xưa mơ, nhìn mây
Đen, đỏ, vàng đua bay,
Khi thấy nhiều ma quỷ,
Lời than giời lung lay;
Khi thấy hồn người thân
- Nhìn mây lệ khôn cầm! 
Trên bầy xe tứ mã,
Tiếng bánh lăn âm thầm;
Khi thấy muôn nàng tiên
- Lồng lộng mầu thanh thiên! 
Véo von trầm tiếng địch,
Lửa hồng vờn áo xiêm.
Ngày nay ta nhìn mây,
Mây đen luồng gió lay,
Hồn xưa tìm chẳng thấy
Tóc theo luồng gió bay...
25 Janvier 1934
Chùa Hương
Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa.
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.
Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).
Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.
Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.
Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.
Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?
Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!"
Chàng thưa: "Vâng thuyền đông!"
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.
Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: "Hay! Hay quá!"
Em nghe rồi ngẩn ngơ.
Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam mô A Di Đà!"
Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu con khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.
Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.
Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.
Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong."
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong!"
Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.
Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!
Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.
Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.
Me bảo: "Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm bồ tát
Là tha hồ đi mau!"
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).
Khi qua chùa Giải oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen: "Hay!
Chữ đẹp như rồng bay."
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).
Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Me vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu: "Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về".
Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!
Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?
Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.
Aout 1934
Nguyễn Thị Kim 
khóc Lê Chiêu Thống
Triều Lê - quy có nàng tiết liệt.
Nhà tan, nước mất, chàng đi thôi.
Thiếp nén lòng đau khóc nghẹn lời,
Chậm bước đành nương mình bóng Phật;
Màng tin trông ngóng nhạn chân trời.
Chuông đồng cảnh vắng, hồn mơ sảng,
Trăng lạnh, đêm sâu, cú đổ hồi.
Thê thảm chàng đi, về có vậy!
Thiếp chờ ai nữa? Hỡi chàng ôi!.
30 Décembre 1932

Trần Xuân An
Theo https://www.lienphathoi.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham thú ...