Phê bình văn học thế hệ 1932 - Phần 3
E- Phản ứng làng thơ cũ
Thái độ chung các nhà
thơ cũ
Chẳng hiểu dựa vào đâu mà có người cho rằng trước sự tấn công
của làng thơ mới, làng thơ cũ đã chịu thua ngay từ đầu không có một ai lên tiếng.
Hình như đó cũng là ý tưởng mà Lê Tràng Kiều đã biểu lộ trong bài trả lời ông
Thái Phỉ, Hà Nội báo số 19, 13-5-1936.
Sự thực đã không hẳn như vậy. Trong khi tường thuật những vụ diễn
thuyết ủng hộ thơ mới ở Nam và ở Bắc, tôi đã đọc cho các bạn nghe những bài
tường thuật của báo Phong Hóa và báo Phụ Nữ Tân Văn. Cả hai tờ báo đều tố cáo
thái độ quyết sống quyết chết của phái bênh thơ cũ. Chẳng thế mà khi cô Nguyễn
Thị Kiêm diễn thuyết mấy lần ở Nam kỳ và ở Bắc kỳ, phe phản đối thơ mới như các
ông Nguyễn Văn Hanh chẳng những huy động bạn bè đi nghe để gây rối, để đăng đàn
phản đối cô Kiêm tại trận mà ta còn thấy có lần cô Kiêm bước vào phòng diễn
thuyết đã được người ta trao cho cô một túi đầy ắp những thơ hăm dọa. Cô Kiêm
quyết liệt đối với thơ mới thế nào thì ông Hanh hăng say đối với thơ cũ như
vậy. Thực là trong cuộc chiến tranh này chẳng những cá nhân chọi với cá nhân mà
còn các cơ quan ngôn luận chọi với các cơ quan ngôn luận nữa: trận tuyến lan
tràn từ Nam ra Bắc kéo dài suốt mấy năm trường. Nếu bênh thơ mới có Phong Hóa,
Phụ Nữ Tân Văn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội báo, Loa, Ngày Nay.. thì bênh thơ cũ
có An Nam tạp chí, Văn Học tạp chí, Công Luận, Tiếng Dân, Văn Học tuần san, Tin
Văn... Xét số đông thì bên thơ cũ buổi đầu chắc là ăn đứt bên thơ mới.
Tản Đà, tuy chẳng
ưa gì thơ mới, nhưng xem ra nhà thi sĩ của chúng ta tế nhị lắm: chính ông
không để cơ quan ngôn luận của ông là An Nam tạp chí tấn công thơ mới. Còn đối
với thơ cũ, ông thản nhiên bênh vực nó một cách gián tiếp bằng việc cho đăng
thơ cũ, bình giảng thơ cũ. Đề cập thẳng đến thơ mới với luận điệu mỉa mai có lẽ
có trường hợp Vân Bằng trong bài "Tôi thất vọng về ông Phan Khôi" (An Nam tạp chí số 39, 30-4-1932).
"Vừa đây,
ông lại ra công "sáng chế" ra một lối thơ "tân thời, tự do
đặc biệt", không cần niêm luật, tự ý vắn dài, làm cho nhiều người"
hoài cổ "phải ngậm ngùi thương tiếc," tám vế "luật Đường! Có
lẽ vì sự phát minh lối thơ mới này mà phải mai một đi chăng?"
Chất Hằng đả kích thơ mới của Phan Khôi
Ngoài An Nam tạp chí, tờ báo thứ nhất ở Bắc tỏ vẻ
chống thơ mới là tờ Văn Học tạp chí của Chất Hằng Dương Tự Quán.
Trong bài "Ấm Hiếu Không
thể làm Tú Khôi" hay là "Một cái tỷ hiệu
luận giữa Phan Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu", Chất Hằng, trong lúc đả
kích Phan Khôi ở nhiều phương diện, đã mỉa mai lối thơ mới do Phan Khôi khai
mào. Nói về Phan Khôi làm thơ, Chất Hằng viết: "Người ít tình cảm thì sự
cảm giác về cái bản ngã cũng kém cho nên Phan Khôi không hay làm thơ mà chỉ ưa
nghiên cứu về thơ. Đôi khi Phan Khôi cũng làm thơ, nhưng thơ của ông cũng
"hùng hổ" như ông... hay khắc khổ như văn xuôi của ông, hoặc nhạt
nhẽo vô duyên như hình dáng của ông.
"Có lẽ vì thế mà Phan Khôi muốn thay
đổi cái hình thức của thơ mà xướng xuất ra một thể thơ mới nó thật ra chẳng mới
chút nào, và cũng ít người cùng ông hưởng ứng " (V.H.T.C. số 18,
1-6-1933).
Sau khi chế diễu thơ mới một cách nhẹ
nhàng ngày 1 tháng 6 năm 1933, Chất Hằng viết liên tiếp ba bài công kích thơ
mới đăng Văn Học tạp chí các số 22 (1-8-1933), số 23 (15-8-1933), số 24 (
1-9-1933). Bài đăng số 22, với tựa đề "thơ mới", đề
cập đến cuộc cải cách thơ của Phan Khôi từng được mệnh danh là cuộc cải cách
của thơ mới. Chất Hằng cho rằng cái mà Phan Khôi nhận là mới ấy, chẳng phải
Phan Khôi là người đầu tiên xướng xuất ra, người đầu tiên xướng xuất ra là
Nguyễn Văn Vĩnh:
"Phá cùm và cắt xích cho những nhà
thơ, công cuộc giải phóng đó không phải là chẳng hợp lý và chẳng thích thời.
"Nhưng khi ấy cũng ít người hưởng
ứng, trong số tôi thấy có ông Thượng Minh mà các bạn độc giả của Văn Học tạp
chí chắc còn nhớ là một người vì quá hâm mộ ông Phan Khôi mà liệt ông Nguyễn
Khắc Hiếu vào hạng nhà văn điên cuồng, gàn dở.
"Mới đây một tờ báo có tính cách hài
hước "lại đem cái vấn đề thơ mới ấy đặt lên thảm xanh" và hết sức
cổ động cho "lối thơ Phan Khôi" như lời ông Thượng Minh đã nói
trong báo Đông Tây.
"Nhưng trước khi bàn về việc đổi mới
cho thơ, ta hãy nên "trả cho César cái gì của César" đã. Tôi muốn nói
rằng ông Phan Khôi chẳng phải là người thứ nhất đã có cái sáng kiến làm thơ
quốc văn theo lối tây vậy.
"Người ấy có phải ai đâu mà chính là
ông Nguyễn Văn Vĩnh. Ta hãy đọc mấy câu trong bài ngụ ngôn "Con ve
và con kiến" dịch của La Fontaine ra đây:
Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè.
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Giăm ba hạt qua ngày.
Đối với Chất Hằng, Nguyễn Văn Vĩnh hay Phan Khôi cũng
thế thôi, toàn là người lập dị, phản động : vẫn biết phải đổi mới cho thơ,
nhưng chỉ nên đổi mới tinh thần thôi chứ ai lại kỳ cục mà sửa đổi hình thức
theo đây:
"Song tôi không đồng ý hẳn với người
hay những người đã và sẽ sáng tạo ra các lối thơ mới, tuy trên kia tôi nói rằng
công cuộc giải phóng cho thơ không phải là chẳng hợp lý và không thích thời.
"Tôi thích đổi mới cho thơ, nhưng
tôi chú trọng về tinh thần của thơ hơn là là đường hình thức. Về đường hình
thức của thơ, tôi dám nói rằng những nhà thơ cổ của Trung quốc đáng là thầy ta.
Lối thơ Đường luật tuy bị giam hãm vào trong cái thi pháp chặt chẽ nhưng ta thử
hỏi có lối thơ nào là chẳng phải bó buộc bởi những luật lệ nhất định. Ngay như
thơ tây cũng còn phải theo phép tắc rất phiền phức. Vì nếu không thế thì không
phải là thơ nữa.
Và ngoài thể thơ Đường luật nghiêm nhặt
ra, ta há lại không còn thể nào rộng rãi nữa hay sao?
Còn như coi thể thơ Đường luật có chật hẹp
quá, thì có thể cổ phong cũng là rộng rãi lắm chứ, việc gì phải lập dị. Tinh
thần hướng dẫn nhà thơ hiện đại phải là "dùng lối cổ mà diễn những tư
tưởng mới":
"Thì thể cổ phong đó thật đủ tư cách
để ứng phó cho sự nhu yếu của ta. Cổ phong là lối văn có vần mà không đối nhau.
Nếu có đối nhau là tùy ý của nhà làm văn, không phải là một luật nhất định. Cổ
phong không có niêm luật, không hạn câu, tự bốn câu cho đến bao nhiêu câu cũng
được. Cả bài dùng một vần tức là độc vận, như:
Hôm qua có bạn, rượu lại hết
Hôm nay có rượu, bạn không biết,
Cất đi, đợi bạn đến lúc nào,
Cùng uống, cùng vui trời đất tít
Khi say, quên cả ai là ta
Còn hơn lúc tỉnh nhớ mà mệt
Cả bài dùng nhiều vần là liên vận, như:
Đá xanh như nhuộm, nước như lọc
Cỏ cây hoa lá dệt như vóc
Trời hoang mây tạnh gió hiu hiu
Ai thấy cảnh này mà chẳng yêu
Mới biết Hóa công tay khéo vẽ
Tuy người điểm xuyết ra nước non
Bể cạn non bộ nhỏ con con
Sao bằng tiêu giao cùng Tạo hóa
Bốn mùa phong cảnh thật không giả.
Đọc qua mấy bài thơ thể cổ phong tôi lục ra trên đây,
chắc phần nhiều các bạn độc giả sẽ nghĩ như tôi rằng những người khởi xướng và
cổ động cho lối thơ mới chỉ là "cho máy chạy rụt lùi" mà thôi, chứ
có chi là đặt ra mới đâu.
Vì vậy tôi cho cái hình thức của thơ chẳng
phải đổi mới. Việc các nhà thơ nên làm ngay bây giờ là cứ theo cái hình thức
thơ cổ và diễn những tư tưởng mới.
Sang đến bài "Làm thế nào để
đổi mới cho thơ" (V.H.T.C. số 23, 15-8-1933), về vấn đề
hình thức, ngoài việc đề nghị hình thức cổ phong, còn đề nghị thêm hình thức
lục bát và song thất lục bát nữa, nhưng ông không ưng cho người ta đi xa hơn
nữa. Thế rồi ông kịch liệt tấn công sự nghèo nàn của thơ hiện tại về phương
diện nội dung. Ông hô hào phải đổi mới cho thơ về mặt đề tài, về nội dung. Ông
bảo:
"Sao người ta không vịnh cái máy
bay, cái tầu thủy, cái ô tô, cái xe lửa, mà cứ quanh đi quẩn lại hết cái điếu,
cái chổi lại đến cái nón hay cái hỏa lò?
Giá ông thi sĩ nào vịnh cho tôi cái toa
máy xe lửa cũng linh động như mấy câu sau này:
Sur le taureau de fer qui fume, souffle et beugle
L'homme a monté trop tôt...
Mais il faut triompher du temps et de l'espace
Arriver ou mourir...
... Mais aucun n'est le maitre
Du
dragon mugissant qu'un savant a fait naitre, của thi sĩ Alfred de Vigny tả
những toa máy thứ nhất (Les premières locomotives) thì có phải ông ấy đã mở
được cho thơ quốcvăn một con đường mới không. Tôi lại ước ao có nhà thơ nào đem
con mắt biết quan sát mà ngắm những nhà máy và cảnh sinh hoạt anh em chị em lao
động rồi vẽ nên được những bức tranh tuyệt xảo giống như của thi sĩ Verhaeren
nước Bỉ, thì lúc này chúng ta còn có thể lạc quan, trong khi dự đoán tiền đồ
của thơ quốc âm".
Thương Sơn bênh thơ cũ
Chẳng những bảo thơ mới của Phan Khôi chẳng có gì mới
mà còn cho thơ mới của bọn các ông chẳng qua chỉ là một thứ từ khúc hết sức cổ
lỗ, lời thời trước đây đã có biết bao nhiêu người làm rồi. Bài này tựa đề
là "Thơ mới tức là Từ Khúc" ký
Thương Sơn một bài bổ khuyết bài "thơ mới" của
Chất Hằng và được ông Chất bàn góp thêm ở phần cuối (V.H.T.C. số 24, 1-9-1933).
Theo cả hai ông Thương Sơn và Chất Hằng thì thơ mới thực ra chỉ mới ở mỗi cái
chỗ gieo vận. Vậy mà các lối vận của cái thơ được mệnh danh là thơ mới, lại chỉ
là vận của các lối từ khúc mà thôi. Ông Thương Sinh phân tích các vần của hai
bài: bài "con ve và con kiến" của
Nguyễn Văn Vĩnh, cũng như bài "Tình già" của
Phan Khôi, rồi đem so sánh với cách gieo vần của nhiều bài Từ Khúc để kết luận: thơ mới là một hình thức đi giật lùi.
"Kể ra thì trong bài "con ve và con
kiến" cái lạ ở nơi cách bắt vần, cách này cũng hai câu một vần với nhau, đến hai
câu khác lại vần khác, có giống như lối vần "liên tiếp" (rimes
suivies) của tây. Ấy, cũng vì cái giống ấy mà chúng ta tưởng lầm rằng, cách bắt
vần này mới lắm, song kỳ thực trong văn Tàu nó đã có từ lâu, nó đã cũ, tôi nói
cũ để khỏi nói xưa đó thôi.
"Thì cứ xem bản dịch Tỳ bà của Tản
Đà thư điếm cũng đã thấy cách bắt vần ấy rồi, nên bản Tỳ bà của Cao Đông Gia ở
tận đời Nguyễn. Đây xin trích mấy vần:
Thám hoa (đọc):
Bác chẳng thấy năm ngoái quan nghè Bùi?
Ngã ngựa đứt băng một bên đùi.
Lại chẳng thấy năm trước quan đốc Phùng
Ngã ngựa vẹt hẳn một bên mông?
Ở đời có ba sự rất sợ,
Chở đò, đánh đu cùng cưỡi ngựa...
lại điệu từ "Bồ tát Man" dịch đăng ở Nam
Phong:
Bảng lảng non vàng cảnh minh diệt
Mây in mái tóc, thân pha tuyết
Ủ dột nét mày ngài
Điểm trang cùng với ai?
Cánh hoa lồng trong kính
Mắt hoa cùng lấp lánh
Mới mẻ...
Đôi chim ai thêu thùa?
Cùng điệu "Mộc Lan Hoa"
Đàn ai tiêu sái
Khiến khách giang hồ tình ái ngại;
Lơ lửng trăng sân,
Bóng mình mình ngỡ bóng giai nhân...
chẳng phải là bắt vần như bài dịch của ông Vĩnh ru?
"Tôi còn nhớ như bài "Khóc Lâm Tứ Nương" đăng ở tạp chí này, nguyên Hán văn cũng bắt vần như thế.
"Vậy thì cách vần ở bài "Tình già" cũ lăm lắm chứ có cũ vừa
đâu! - ông Chất Hằng lại rõ thật là sơ ý. Ông không thấy rằng bài ông Vĩnh
cũng bài cổ thể thứ hai mà ông chép ở đoạn sau bài là giống nhau lắm ru? Bài
trên là một bài ngũ ngôn; cái lạ chắc không ở đó, mà ở cách bắt vần, song cách
bắt vần lại giống bài dưới mất, nghĩa là người ta đã làm rồi, thì còn gì là
sáng kiến nữa đâu! Họa chăng chỉ còn ở mấy chữ "suốt mùa hè".
"Từ trên tới đây, đó là tỏ một phần
cũ của bài thơ ông Phan. Trước khi nói đến phần cũ khác của nó, ta hãy thử xem
vì sao cách bắt vần "liên tiếp" nó đã có từ lâu rồi mà người ta lại
ít làm tới, cho đến bây giờ người ta ngộ nhận rằng nó là "tân thời". Ấy cũng vì nó không hay gì cho lắm, không êm ái bằng cách bắt vần như
thơ Đường vậy, ấy nó cũng sắp vào vòng "đào thải" rồi."
Rồi Thương Sơn đem so sánh bài "Tình già" của Phan Khôi với
bài "Mối tình ngầm" của Trần Quang Thường H.T., để quả quyết rằng
thơ Phan Khôi còn cổ hơn là Từ Khúc nữa kia:
"Ông Chất Hằng chép bài "Tình già" sai với nguyên văn, nên chỉ chú đến cách bắt vần, mà không biết đến cái tự
do của nó. Như thế, những người đã "lại đem cái vấn đề thơ mới ấy đặt lên
thảm xanh" chắc sẽ không khỏi nói qua nói lại. Vậy xin thay ông chép lại
mấy câu thơ gốc của "lối mới" rồi chỉ một chỗ "cũ" khác
của nó, mà chỗ này quan hệ hơn.
Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ
Đôi cái đầu xanh kề nhau than thở
Ôi! đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng
Mà lấy nhau hẵn đà không đặng,
Để đến nỗi tình trước phụ sau
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau...
Đọc bài ấy rồi, độc giả đọc bài này:
Lá liễu xanh
Hoa hồng đỏ
Trăng rạng tỏ
Thấp thoáng trong mành ai to nhỏ
Ai to nhỏ?
Vườn xuân cỏ cây tươi tốt
Khi xuân đầm ấm dương hòa
Dan díu cùng ai lời thề thốt
Hẹn dưới hoa.
"Ở trên bài đây, ta nếu thử đề rằng "Thơ mới" mà gửi cho mấy tờ báo
vẫn chắc rằng lối "thơ Phan Khôi" là mới, họ sẽ đăng ngay, vì nó có
theo luật lệ gì đâu, người ta cũng tự do đặt nó ra, nó là thơ "mới"
vậy. Nhưng nó "mới" từ độ mười năm nay, trong Hữu Thanh khi xưa;
tôi đã trích ở trong bài nói về từ khúc của ông Nguyễn Ửng, nó là Từ khúc vậy.
Từ khúc lúc ấy rất thịnh trong thi ca. Ấy là một lối thơ tự do, nhưng "tự
do" ở trong "giới hạn" âm nhạc câu thơ, tự do phải đường".
Động Đình đả thơ mới
Cũng trên Văn Học tạp chí số 49, 11-8-1934, Động Đình
viết bài "Bàn thêm về lối thơ mới", lời lẽ
có vẻ còn cay nghiệt hơn trước đây. Trước hết, Động Đình cho rằng luật thơ cũ
chẳng có gì là khó khăn gò bó cả:
"Ít lâu nay cái phong trào thơ mới
sôi nổi dữ. Các báo thường thấy hô hào cải cách về thơ. Nào bài xích lối thơ
Hàn luật, đổ tội cho thơ cũ của ta phải tội niêm luật quá nghiêm khắc, làm cho
mất cả tinh thần tự do của văn chương đi. Nhưng nói thế là lầm, ta hãy xét lại
những lời xưa ý cũ của các thi sĩ đời xưa xem có diễn được hết ý tứ, ngụ được
đủ tính tình của người làm thơ, tả được hết cái trạng thái của vũ trụ, của cảnh
vật không".
"Đem so với thơ mới bây giờ thì thơ
cũ hơn vô cùng, thơ mới vô vị thế nào thì thơ cũ thi vị và ý vị như vậy:
"Cái thi tứ thi vị ngày xưa so sánh
với thơ mới bây giờ ra sao. Thật là thơ Hàn luật vẫn ý vị vô cùng, thanh tao
biết mấy, bóng bảy dường nào, đọc lên, nghe đến ai mà không hiểu. Tuy, cái niêm
luật, thể vần, lối thơ cũ của ta nó hơi khó, hơi nghiêm một chút, nhưng âm điệu
vẫn thâm trầm, mà tinh thần vẫn hàm súc đủ các ý tưởng, tình tứ".
Động Đình cho rằng những lẽ người ta viện
ra để bảo thơ cũ luật lệ chật hẹp là không đúng, có thứ chặt chẽ như thất ngôn
bát cú, nhưng lắm thứ chẳng có luật lệ gì gò bó như "ca, hát, từ, khúc,
trường thiên, cổ phong:
"Vả lại thơ cũ có thật niêm luật
khắc khổ nghiêm ngặt thì sao từ trước đến giờ thi sĩ có ai chịu không theo nổi
cái niêm luật thể thức ấy đâu?
"Kể thơ Hàn luật còn lắm điệu, nhiều
thể rộng lắm như các bài ca, hát, từ, khúc, trường thiên, cổ phong, chữ và vần
vẫn tự do chẳng cũng là đặc điểm khoan hồng cho thi luật lắm đó sao? Bất tất
phải thay đổi chi thêm phiền, thêm rắc rối. Còn lối thơ mới bây giờ, xét ra
cũng bất ngoại cái khuôn sáo cũ. Thể cách tuy có hơi khác, nhưng cái tinh thần
vẫn cũ rích.
Động Đình đồng ý phải đổi mới cho thơ,
nhưng chỉ đổi mới về nội dung mà giữ y nguyên về hình thức chứ, theo ông, thơ
mới, ngược lại, chỉ có mới về lời mà ý thì cũ rích và lạc hậu:
"Tưởng đã duy tân cho thơ thì cần ở
chỗ tinh thần hơn là hình thức thì mới nên. Chứ chỉ bỏ có niêm luật thể vận cho
dễ viết mà thôi, thì e rằng rừng thơ thêm gai góc, hồn thơ tổ vẫn đục.
"Duy có một điều mà tôi muốn bàn đây
là chỉ nên cải cách nguyên cái tinh thần cũ. Vì ít lâu nay thơ ca nhường như
phần nhiều đều phải chung cái bệnh không hồn. Phàm gọi là thơ, văn phải có tình,
có tứ, có khí, có hồn, ấy thế mà chỉ thấy giọng sầu oán bi ai cả là nghĩa lý
gì.
"Sao lại có thứ văn chương phù phiếm
ấy, nhu nhược thế. Hay là vận thế đến lúc suy, mà văn chương cũng suy theo
chăng.
"Văn tức là hồn nước, rất có ảnh
hưởng đến nền tiến hóa".
Cuối cùng Động Đình chê thơ mới yếu đuối,
phản động vì buồn bã, ủy mị, hại dân hại nước, không bổ ích cho ai:
"Ta nên rèn dũa sao cho văn chương
được hùng hồn, có vẻ hoạt động, thực tế, thì ở thế kỷ 20 này mới thích dụng.
Lại còn phải thông thường thì mới bổ ích. Bởi thứ văn sầu cảm đã không bổ ích
gì cho đường thực tế, mà lại làm thêm ủy mị đi, mất cả cái nhuệ khí phấn đấu,
cái mãnh lực tiến thư, dẫu có hay mấy cũng là vô dụng".
Nếu ở ngoài Bắc có Văn Học tạp chí đố kỵ
thơ mới thì trong Nam có Văn Học tuần san chửi bới thơ mới. Hai nhà văn của Văn
Học tuần san bênh thơ cũ chửi thơ mới quyết liệt hơn cả là Tùng Lâm Lê Cương
Phụng và Thiết Diện.
Để bênh vực thơ cũ là thứ thơ có âm điệu,
có tiết tấu, nghĩa là có chất thơ, tức là đáng gọi là thơ, Tùng Lâm Lê Cương
Phụng viết bài "Nói chuyện văn vần: lịch sử và giá trị của nó"
(V.H.T.S. số 5, 1-5-1935). Trước hết Tùng Lâm phân biệt văn vần với văn xuôi:
"Tình cảm ở trong, phát lộ ra tiếng
nói, tiếng nói có tăng thứ, có ý vị, có âm hưởng, làm cho người ta dễ cảm xúc
được, ấy là nguồn gốc của văn vần.
"Tiếng chim hót mùa xuân, tiếng ve
ngâm mùa hạ, tiếng dế khóc mùa đông, tiếng cao, tiếng thấp, tiếng nhặt, tiếng
khoan, ấy là manh mối của văn vần.
"Văn vần có cái đặc điểm khác văn
xuôi là câu đặt gọn gàng mà bóng bảy, lời đưa uyển chuyển mà tiêu dao. Nay xin
kể qua lịch sử và giá trị của nó".
Thế rồi ông ngược dòng lịch sử mà phác vẽ
nguồn gốc của thi ca từ Tây phương qua Đông phương, từ đời thượng cổ cho đến
nay, đâu đâu người ta cũng thấy văn vần là thứ văn của thần linh:
"Lịch sử văn vần ở Thái tây phát
sinh từ đời nào tôi chưa được chắc; chỉ theo thần thoại Hy Lạp, tôi được biết
rằng Apollon là một đứng thi thần (Dieu de la poésie); còn theo lịch sử văn
chương YÙ Đại Lợi thì tôi thấy người ta tôn sùng Daute làm thi tổ, vì cuốn La
divine comédie của Daute.
"Ở Pháp hình như bài vận văn đầu
tiên thì thuộc vào thế kỷ thứ IX (chỗ này chúng tôi đương còn tra cứu). Ở Tàu
thì trước kỷ nguyên Thiên Chúa hai nghìn năm vào đời Nghiêu, Thuấn đã nứt mầm
rồi, đại để như bài ca Cao Dao, bài đờn Ngu Thuấn, bài hát Khang Cù... đều là
câu có vận cả.
"Trải qua một khoảng thời gian khá
dài hơn hai ngàn năm nữa, từ đời Thành Chu tới đời Lục Triều, lúc bấy giờ văn
vần mỗi ngày một tiến lên, và biến thể rất nhiều, từ lối Quốc Phong, Nhã, Tụng
mà tiến dần tới thi Ngũ ngôn, Thất ngôn. Dẫu rằng các nhà học giả sinh vào thời
kỳ ấy có trứ tác lối văn lý thuyết như Tiêu dao thiên của Trang Chu, Đạo đức
Kinh của Lão Tử, và các sách của Tuân, Dương, Quản, Án... nhưng đó chỉ là một
thể văn, không thể đánh đổ nổi lối văn gọi là văn tánh tình như vận văn được".
Tùng Lâm ví thơ với hội họa: cái khó của
đôi bên làm nên chính cái giá trị của cả đôi bên. Hội họa tài tình vì những nét
tỉ mỉ, thơ kỳ diệu vì những luật lệ tinh vi. Bỏ tất cả các thứ đó đi, họa không
còn là họa và thi cũng hết là thi:
"Nhà làm văn vần, cũng như nhà hội
họa, nét bút nhà hội họa càng tỉ mỉ, tinh tế, bóng bảy đúng mẫu mực, thì mới
thấy cái khéo của nét bút thần tình. Trái lại nếu không có cái sở thích (got)
và không thường để ý thưởng thức nó thì không bao giờ nên một nhà danh họa được. Nhà làm văn không có cái đặc tánh sở thích thì bao giờ làm nổi văn vần?"
Sau đó ông bác bẻ những lý lẽ người ta
viện ra để chê trách các luật lệ gò bó, câu thúc của văn vần, tức của thơ cũ.
Theo ông, thơ là cái gì tinh hoa nhất trong nghề văn:
"Tôi đã có thường thấy nhiều người
phản đối văn vần. Họ cho rằng : lối văn ấy câu thúc trong quyền sáo, tẳn mẵn
đẽo gọt, mất hết tự nhiên, và nhiều khi vì vận mà ép câu vì lời mà hại ý, mà
nhất là phí mất cả thì giờ.
"Phải, chính lúc ban sơ tôi đây cũng
nghĩ như thế. Nhưng rồi sau tôi nghĩ lại: Văn vần đứng trong các thứ văn cũng
như một mỹ thuật đứng trong các nghệ thuật.
"Văn vần như cánh hoa cắm để chơi,
bức tranh treo để ngắm, cây đờn đờn để nghe. Nếu cắm cành hoa không sắc không
hương, treo bức tranh vẽ vụng về thô tháp, nghe tiếng đờn không nhịp không
nhàng, thì cái giá trị đặc biệt nó ở chỗ nào? Thà đừng có còn hơn.
"Một lẽ nữa: văn vần là một lối văn
để thưởng thức mà chơi. Muốn chơi đến nó, tự nhiên phải theo niêm luật, vận âm
của nó, nghĩa là phải nằm trong khuôn sáo của nó; cho được câu văn chải chuốt
bóng bảy, tự nhiên phải phí mất thì giờ. Cái đó để riêng phần cho các nhà tao
ông, mặc khách là những nhà tài tử phong lưu, lúc nhàn du ngâm vịnh, chớ mình,
thày lay chơi đến nó làm gì mà bảo rằng tốn công tỉ mỉ, phí uổng thì giờ?".
Cuối cùng Tùng Lâm kể ra tất cả thể thơ của
ta, từ lối bắt chước Tàu (hễ Tàu có gì thì ta có nấy) đến các lối riêng của ta
như lục bát, song thất lục bát, ca trù, ca Nam, xoang xẫm, trống quân... rồi ông
kết luận rằng thi ca Việt Nam phải là theo truyền thống ấy.
Theo ông, thơ mới chẳng qua chỉ là sự lập
dị của một người (chắc ám chỉ Phan Khôi) không thể lấy đó làm khuôn phép:
"Thì tôi dám nói quả quyết rằng, lối
văn vần chẳng hạn ở Tàu, ở Tây, hay ở Ta, cứ mỗi ngày mỗi tiến mãi lên vì nó có cái giá trị đặc biệt, cho nên nhà làm văn vẫn chú ý đến nó và muốn bồi bổ
cái gốc nó mà khuếch trương mãi, trừ ra một ít người không muốn dụng công đặt
để tìm theo cách dễ dàng, mau lẹ, khuynh hướng về lối thơ mới. (Chúng tôi sẽ có
bài nói riêng về thơ mới). Còn riêng ra những hạng người thích ngâm vịnh, chuộng
tài hoa thì thật không bao giờ bỏ qua các lối văn vần để có qui tắc như từ lâu
nay chúng ta thường thấy đó" (Văn Học tuần san số 5, 1-5-1935).
Tùng Lâm Lê Cương Phụng đả kích thơ mới
Sang đến Văn Học tuần san số 6, 1-6-1935, Tùng Lâm tấn
công thơ mới ra mặt. Vì chưa có trích tuyển ở đâu nên tôi trích vào đây toàn bài
để các bạn tiện bề so sánh. Trong bài này Tùng Lâm đề cập đến các điểm sau đây:
1) Chỉ có hạng dốt mới muốn thơ mà lại thơ
dễ dãi không niêm luật.
2) Thơ mới là thứ thơ bừa bãi, vô kỹ luật.
3) Minh chứng những chỗ dở của các bài thơ mới.
4) Trách Đông Hồ đã đi lầm đường bỏ thơ cũ là chỗ sở trường của ông để đi vào
thơ mới với những bài thơ vô vị:
"Thi vẫn một món trong các thứ văn
vần, nhưng đối với các thứ ấy nó lại rắc rối mắc mỏ hơn nhiều. Người đã từng
chơi với nó và nếu được ý vị nó ít nhiều, thì lại càng thấy cái khó của nó;
trừ ra những hạng "bướng" hoặc chưa có nhà "đại gia"
"căng nọc" ra chỉ vạch những chỗ khuyết điểm cho, thì bao giờ họ
cũng vẫn cho là dễ.
"Mà thật thế, có khó chi, cứ đủ vần
đủ chữ, đừng thất niêm thất luật, ấy là thi đó chứ gì. Đó là nói về lối thi ngũ
ngôn, thất ngôn, chớ còn cái lối thi như hiện thời gọi là "thơ mới"
đó, lại càng dễ hơn thập bội nữa. Cứ việc kéo, tha hồ kéo, kéo lượt thượt, mấy
vần cũng được, mấy chữ cũng xong, không có khuôn sáo nào, luật nào bó buộc, dễ
biết bao nhiêu, không trách gì hạp với thời thượng cũng phải.
"Họ bảo rằng: Cái thời đại này là
thời đại máy móc, trăm ban vạn sự gì cũng cần sự mau chóng tiện lợi, đâu có
phải như cái đời cũ kỹ trước kia, bất kỳ việc gì cũng chần chờ, chậm chạp, làm
phí mất thì giờ, nhà văn cũng thế, ngồi rung đùi tối ngày, tằn mằn tỉ mỉ, đẽo
gọt từng câu từng chữ, đối với thời buổi này không dùng lối ấy được đâu".
Nghe có lý lắm! Nhưng có người cắc cớ hỏi vặn lại một câu: "Thi là một
món chơi, để tiêu khiển thì giờ, nó đối với nhân sanh thực tế không quan thiết
gì, có cũng được, không không sao, ai bảo đeo đuổi nó làm chi, rồi chê bai nó,
ghét ghen nó, mắng nó là lối văn chặt chịa, ở trong quyền sáo niêm luật, không
được tự do? Nếu muốn dễ dãi thì hẳn cứ viết văn xuôi đi, cho người ta dễ hiểu,
việc gì phải ngụy tạo ra cái lối văn "cổ chẳng ra cổ, kim chẳng ra kim"? Thì đây, tôi xin đem ra một bài này để làm đại biểu cho trăm nghìn bài
khác:
CẢNH TRỜI XUÂN
"Cảnh trời xuân,
"Em dạo ra sân,
"Đứng trông, em càng khoan khoái tinh thần.
"Kìa kìa, con chim nó hót cái giọng
"Thảnh thót như một vị mỹ nhơn, khảy khúc đờn.
"Khúc đờn này, tiếng nhặt tiếng khoan, tiếng cao tiếng
"Thấp, dường như khêu gợi mối xuân tình của em
"Từ bấy lâu nay dồn dập
"Rồi em nghĩ vơ nghĩ vẩn, tâm hồn em lẩn thẩn.
"Nghĩ cái tuổi xanh này, là cái tuổi thơ ngây
"Một mai xuân này đã qua, thân em già
"Lúc bấy giờ, em tưởng tượng lại,
"Em chi xiết ngậm ngùi, nỗi ngậm ngùi.
"Mây bay, nước chảy, hoa trôi".
(Xin dấu tên của tác giả)
"Đó, thơ mới đó! Tác giả chính là tín đồ của
thơ mới, thật tôi ráng đọc; tôi muốn nói thơ, thì thơ chẳng ra thơ, tôi muốn
nói ca, thì ca cũng chẳng ra ca. Tôi chỉ hiểu cái bài ấy là bài ấy đó thôi!
"Song, cái bài này đây, nghe ra còn
có câu, có nghĩa, chỉ hiềm nó không ở trong một khuôn sáo là "thể"
gì cả.
"Tác giả bài này trước kia là tín đồ
của thơ luật, có nhiều bài thần tình lắm, chẳng biết bị cái phong trào thơ mới
nó lôi cuốn thế nào, nay lại xoay sang làm tín đồ thơ mới?
"Lại gần đây, có nhiều nhà phỏng
theo điệu thơ Tây làm ra nhiều bài, cũng tự cho là thơ mới.
Như bài này:
BÊN GỐC CÂY DỪA
"Ánh nắng trời
thu dịu dàng êm mát,
"Bên gốc dừa, cô em ngồi lặng buông câu.
"Trên thảm cỏ xanh, bên sông bát ngát,
"Cô đăm đăm nhìn dưới nhịp cầu.
"Phong cảnh đẹp bóng cây in bóng nước,
"Lá rung rinh, tàn xanh lả lướt.
"Mặt cô em tròn trắng xinh tươi,
"Dưới vành khăn, phơ phất mái tóc mai.
"Mắt lóng lánh, làn môi tươi thắm;
"Khiến cho tôi nhìn cô em say đắm.
"Nhẹ nhàng tôi bước lại một bên.
"Ngồi gần cô, tôi lẳng lặng ngắm xem,
"Giờ lâu tôi mới tìm lời ướm thử
"Rằng "câu cá vẫn là một cái thú:
"Những người thanh tao ẩn dật xưa nay,
"Chỉ biết thanh nhàn với cỏ cây,
"Sớm vác cần câu bên khóm trúc...
"Buông cần cô em ngảnh nhìn tôi:
"Cặp mắt ngây thơ, cô trả lời:
"Em nào phải thanh nhàn phong phú,
"Mượn cảnh thiên nhiên làm vui thú.
"Nhà nghèo sớm tối em nhọc nhằn,
"Lúc dưới nắng hạ, lúc mưa xuân,
"Lúc gió đông thổi lạnh lùng rét mướt,
"Và sương thu rơi thấm ướt,
"Em vẫn phải làm với ngày tháng cho qua,
"Bên gốc cây, câu để nuôi nấng mẹ già,
"Trong túp lều tranh, sớm mong chiều đợi.
"Hai mắt đã lòa, hai chân đã mỏi,
"Chỉ trông vào em, kiếp sống chiều tàn...
"Cần lòng yêu, để che nỗi khóc than...
"Em nào phải thanh nhàn phong phú,
"Mượn cảnh thiên nhiên làm vui thú,
"Sớm câu, chiều câu, lại mai câu.
"Mong có cá nhiều và mong mẹ sống lâu,
"Bữa qua bữa với tấm lòng vui vẻ,
"Của một mẹ già trông mong ở con trẻ.
"Thể thơ đó, bắt vần như thể thơ Tây, nhưng tác
giả phun châu nhả ngọc, muốn bao nhiêu tùy ý. Có bài gấp đôi, lại cũng có bài
ngắn bằng nửa.
"Mà rồi ta thử lẳng lặng ngâm
coi, coi cái giọng ngâm nó ra sao? Ngâm như ngâm thi thì ngâm thế nào được,
hay là phải ca như ca Văn Thiên Tường? Hoặc phải bắt giọng như giọng ca Tiều
của cô Phùng Há?
"Xét cho kỹ, chẳng qua tác giả chán
nản cái công phu đặt thi luật, nó chỉ có bốn câu tám câu năm vần, ba vần mà
phải cho đủ ý, đủ lời, không thất niêm, không phản luật, không lạc vần, thấy
khó chơi, rồi thì băng qua một con đường khác đặng cho dễ dãi, nhưng không ngờ
lại đâm ra cái bãi đại sa mạc minh mông!
"Muốn cho dễ dãi một ít, khỏi mất
công phu đẽo gọt, thì tôi xin hiến cho một kế là hẵng làm theo lối thơ Đường,
mà thể Đường cổ phong. Thì như bài này:
THƠ VUA SIAM MỚI GỬI CHO VUA CŨ
"Năm xưa chú bảo
chú đau mắt;
"Bà con ai cũng cho là thật;
"Cả nước chờ chú về làm vua;
"Ai ngờ tin chú ngày một mất
"Bây giờ thơ chú gửi về nhà,
"Rằng chú ở lại nước người ta,
"Ngôi vua chú không muốn ngó đến,
"Thịnh suy mặc kệ nghiệp ông cha.
"Không lẽ nước có, vua không có,
"Đình thần mới chọn cháu lên đó,
"Cháu đã nghĩ tới rồi nghĩ lui,
"Cháu biết làm vua là chuyện khó
"Vì rằng trong nước đảng phái
nhiều,
"Quân chủ, dân chủ biết bao nhiêu,
"Rầy nhất là chính sách lập hiến,
"Quyền vua chỉ còn có một thiu.
Cũng vì mẹ cháu bàn giải mãi,
"Cháu không làm vua cháu cũng dại,
"Dầu chỉ có vị không có quyền,
"Nhưng mình ăn tiêu còn rộng rãi.
"Huống chi kinh tế buổi khó khăn,
"Tay làm không đủ cho miệng ăn,
"Ai chê ai cười chi cũng mặc,
"Làm vua còn sướng hơn làm dân.
ĐƯỜNG QUANG
(Trích ở báo Ánh Sáng)
"Đó cũng là lối thơ dễ dãi, mà nghe hay, lại có lý thú nữa. Nếu muốn văn
hoa thêm thì phỏng như bài này:
HOA THẬT HOA GIẢ
(Lời cô hàng hoa)
"Cô em hàng xóm
sinh nhà nghèo,
"Trồng hoa tưới hoa sớm lại chiều,
"Gió đông vừa thổi hoa vừa nở,
"Cắt bó vội vàng đem bán chợ,
"Chợ chiều lác đác người hồ quang,
"Gánh hoa còn nặng cô bàng hoàng.
"Nào đâu quà em, nào cháo mẹ,
"Mẹ yếu em thơ lòng những thương!
"Đổ hoa xuống rãnh bưng mặt khóc,
"Khóc ra giọt lệ như giọt ngọc.
"Cúi đầu gạt lệ sợ người cười,
"Nhìn hoa dưới rãnh mắt khôn rời.
"Thương hoa thương cả công vun xới,
"Sương nắng công trình biết mấy mươi!
"Ô hay! người đời riêng tính lạ!
"Hoa thật chẳng thích, thích hoa giả,
"Hoa thật hỏi mua nào mấy người?
"Hoa giả đắt hàng như tôm tươi,
"Cô em ngẫm nghĩ bụng sực nhớ,
"Vì nghèo nên phải liệu chiều đời,
"Mua lụa mua phẩm, mua giây sắt,
"Nhuộm đủ các màu đem kéo cắt,
"Nào cành, nào cánh, nào đài trang,
"Khéo làm chẳng khác chi hoa thật.
"Làm xong hoa giả bán nhiều tiền,
"Lãi lời tấn tới ngày một lên.
"Mẹ khỏe, em học, chị buôn bán,
"Tay không bỗng chốc dư bạc nghìn!
"Có khi thong thả thăm vườn cũ,
"Mắt trông trăm hoa chiều ủ rũ,
"Tàn tàn, nở nở biết bao lần,
"Mưa mưa, gió gió ai là chủ?
"Tần ngần ngắm nghía cô thương tâm!
"Chứa chan dòng lệ khôn ngăn cầm!
"Thương hoa, thương cả nghề buôn bán,
"Lai láng tình riêng năm lại năm.
NHƯỢNG TỐNG
"Gần đây lại nổi cái phong trào thi bình dân.
Thấy có nhiều tờ báo đăng những bài thi, trong đó tác giả dùng nhiều tiếng rất
tục tĩu khó nghe quá. Như là: ỉa phẹt phẹt, ăn ngủ đ..., bày mông trôn... Bảo
rằng đó là thơ bình dân. Lại còn ngụy biện bảo là lối tả chân. Gớm thật!
"Đâu có hiểu rằng, thơ bình dân
nghĩa là thơ có tính chất bình dân, không cái "mốt" thưởng nguyệt
xem hoa, đề non vịnh nước, tiêu sầu khiển hứng như những trang tài tử phong
lưu, không mơ mộng lên cung quế, gặp Hằng Nga, uống rượu đào, nghe khúc sinh
ca, như phái thi ông lãng mạn. Chỉ cốt lời văn mộc mạc, tả ra cái phong vị của
hạng bình dân mà thôi.
"Muốn tập làm thi bình dân thì hẵng
bắt chước như bài dưới này:
ĐI LÀM THUÊ
"Miền tôi ở lở dở,
"Đã cách với nguồn lại xa chợ.
"Muốn buôn, không có đồng vốn nào,
"Muốn cày ruộng, không có một sở;
"Học mới học cũ cũng dỡ dang,
"Không phải thầy, cũng không phải thợ.
"Trong tay không có nghề,
"Thêm nạn khủng hoảng gớm ghê!
"Ma đói dục thúc mãi
"Buộc mình bước chưn đi làm thuê
"Nghe nói miệt trong đường xe lửa,
"Các ông đứng thầu làm nhiều sở.
"Lật đật mang gói đi ngay vào,
"Cùng bạn cô li làm dọi bữa.
"Đào đất đập đá,
"Công việc vất vả.
"Mong rằng mồ hôi đổi bát cơm.
"Đồng công đồng nợ có tiền trả,
"Nào hay vài tháng nay,
"Làm rồi tiêu rồi, không có đồng nào còn dính tay.
"Chỉ lưa cái mình mộc,
"Đi về lỡ cười lại lỡ khóc!
Người Làm Thuê
(Trích ở báo Tiếng Dân)
"Đó, xem có chữ nào quê kịch, sống sượng, tục
tĩu không?
"Luôn dịp nói chuyện thơ, tôi xin
nói đến thơ Đông Hồ:
"Đông Hồ tiên sinh, một nhà thi sĩ
đã viết ra nhiều tập, in ra nhiều cuốn, hình như tác giả có cái sở thích về
thơ.
"Tôi để ý xem thì đoán được ngay nhà
thi sĩ này có mấy cái đặc tính:
"Mấy năm trước, nhà thi sĩ vẫn là
tín đồ của phái thi niêm luật, khoảng trung gian lại ít chuyên về lối ấy,
thường dùng "Thơ tản văn".
"Tôi không hiểu lối này là lối gì.
Xin trích ra một hai bài dưới đây:
BÓNG TRĂNG TÀN
"Bàng hoàng tỉnh giấc, mảnh trăng khuya chấp chới giải bên màn, ngửa
mặt nhìn trăng, lầu sầu quấn quít. Cùng ai dưới bóng trăng này: Gió hắt, sương
bay, đêm thu lạnh. Cảnh xưa tình cũ nào đâu: tay ngọc ai cầm, lòng son ai tựa,
tóc mây ai buông tỏa bên vai.
"Vói bóng bắt trăng, bức màn rung động, nào phải đâu tay ngọc ai đưa,
để âu yếm mối ân tình trên đầu năm ngón... gối nghiêng trằn trọc suốt canh dài!"
CÀNH HOA HỒNG
"Bình pha lê lóng lánh, cắm cành hoa hồng, tay ai vừa cắt trước sân
nhà, buổi tan sương sớm. Đôi má hây hây, kề tựa đóa hoa mơn mởn, vẻ đẹp như
lấn, khiến cho bông hoa hồng thèn thẹn nụ cười. Một ngày qua trở lại, cánh hồng
bay tơi tả khắp bàn...
"Một năm qua trở lại, đôi má hây hây đâu đã vắng, cánh hoa hồng năm
trước đã héo khô rồi. Đôi má hây hây, nay có lẽ, đang kề tựa đóa hoa mơn mởn
nào đâu, nhưng vẻ đẹp biết có như lấn, mà khiến cho bông hoa hồng thèn thẹn nụ
cười nữa không?"
"Còn nhiều nữa, vô khối! Tôi chỉ
trích ra hai bài đó cũng như các bài khác.
"Tản văn là tản văn, mà thơ là thơ,
đâu có thơ với tản văn chung với nhau làm một được? Nếu bảo thơ thì tất nhiên
phải có vần nghe mới được chớ, dầu cổ, dầu kim, dầu Đông, dầu Tây, chưa tầng
thấy lối thơ nào mà thơ không vần, xin hỏi Đông Hồ tiên sanh?
"Gần đây, nhà thi sĩ lại cũng chịu
ảnh hưởng "thơ mới" ít thấy làm tứ tuyệt, bát cú như trước nữa,
hoặc giả bị cái trào lưu thời thượng nó lôi cuốn rồi chăng? Nhưng xem thơ mới
của tác giả thì có phần kém hơn thơ luật nhiều. Tôi chưa nói chỗ hay chỗ dở, ý
thì ít mà lời thì nhiều, đại khái như bài thơ này:
TRƯỚC GIÓ
(Tặng Thanh Lan)
"Chập tối hôm qua, ta gặp một người trong mộng.
"Người có cái đẹp dịu dàng, xinh tươi lồng lộng.
"Là cái đẹp mặn mà, đằm thắm của người con gái đến thì,
"Cái đẹp dễ khiến cho người nhìn đắm đuối say mê.
"Nàng đứng chỗ ào ào cơn gió rét,
"Hơi gió lạnh như thấm vào trong xương thịt,
"Chiếc áo lụa phong phanh màu tuyết trắng bong, giải khăn san phơn
phớt màu hồng bay lả lướt, phất phơ theo chiều gió lốc, như một áng mây tàn lờn
vờn trên cành cây ngọc.
"Ta, bấy giờ, thấy người giá buốt, mà trông nàng thì như chẳng chút
lạnh lùng. Âu yếm, ta sẻ hỏi: Em ơi! Lạnh nhỉ? Mỉm cười, đáp lại lời ta:
Anh ơi! Tuổi trẻ! tuổi trẻ là tuổi êm đềm, đầm ấm, nồng nàn, thì chi có sợ
nỗi lạnh lùng của sương gió, của thời gian.
"Mặc gió thổi, sương gieo, thời gian lãnh đạm, ánh than hồng của lòng
ta vẫn ấm và vui với văn chương, trăng gió, cỏ hoa, với non sông, ánh sáng và
nhất là với tình ái của đôi ta?
ĐÔNG HỒ
"Tôi xin mạn phép tác giả, cũng trong bài ấy, bấy
nhiêu chữ, tôi xin rút lại tám câu như thế này:
Gặp người trong mộng tối hôm qua,
Trạt tuổi xuân xanh nét mặn mà.
Chiếc áo phong phanh màu tuyết nhuộm,
Giải khăn phơn phớt áng mây qua.
Lạnh lùng chẳng quản cơn sương gió,
Đầm ấm như say thú cỏ hoa.
Âu yếm, ta vừa lên tiếng hỏi,
Mỉm cười, liền tỏ tấm tình ra.
"Như vậy cũng đủ ý, đủ nghĩa, mà chẳng gọn hơn
sao?
"Tôi đã đọc qua các tập thơ Đông Hồ,
tôi có để ý đoán xét được tác phẩm của nhà thi sĩ này hầu hết chín phần mười là
thư tình, mà là tình mơ mộng cả, thành ra hão và phù phiếm quá, ít có bài nào
vịnh vật hoặc ký sự như mấy nhà thi nhơn khác. Thử lật một tập "Thơ Đông Hồ" ra xem, thì nhan nhãn những bài: Chơi hoa, Khóc hoa,
Nhớ Mai, Trông trăng nhớ người, Dưới hoa, Buồn nhớ người xưa, Buồn vơ buồn vẩn,
Gặp nhau, Trách nhau... chan chứa cả giọng bi sầu ảo não.
"Rồi xem đến cuốn "Cô gái xuân" cũng thấy rặt những bài:
"Ngấn lệ, Quả
tim, Cái hôn lần đầu, Giấc mộng tình, Đưa nhau, Hôn em, Dưới cây, Hỏi nhỏ, Gió
buồng xuân... cũng là lai láng cả tình là tình!
"Thì ra cái tâm hồn nhà thi sĩ này
thường vơ vẩn ở cõi "Cánh hoa thủy nguyệt" cùng là tiêu dao nơi hận
hải tình thiên "trừ ra không mấy khi thấy lối văn nào khác nữa. Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu cũng bị mấy cái tật ấy mà Phạm Quỳnh tiên sanh tặng cho cái
tiếng "văn chơi" "Ngông" chỉ nghĩa là không thiết thực.
"Vậy xin thi sĩ Đông Hồ cũng nên bớt
bớt cái lối văn tình đi, xin luôn đừng chơi thơ mới nữa, hãy khôi phục lại lối
thơ như các bài mấy năm trước đã từng làm, mong sau này sẽ trở nên một thi gia
thằng mặc".
Sau khi chửi bới thơ mới và khuyên Đông Hồ
nên bỏ thơ mới trở về với thơ cũ, Tùng Lâm Lê Cương Phụng còn lên tiếng cực tán
thơ Đường mà ông cho là hơn hết mọi thứ thơ vì năm lý do sau đây (xem bài Những cái đặc sắc của
Đường thi, V.H.T.S. số 9 tháng 9 năm 1935).
1) Là nấc tiến cuối cùng, tột đỉnh của thi
ca Tàu.
2) Là vì nó là thể thơ được xã hội cực văn
minh Trung Hoa trau dồi tô điểm trong mấy trăm năm.
3) Là vì nó là một kho tàng văn chương vô
cùng phong phú, đủ màu, đủ sắc.
4) Là vì nó là thể thơ thuần nghệ thuật chứ
không phải là thể thơ đạo đức.
5) Là vì lắm khi nó còn bao hàm ý nghĩa
bình dân, phô thông.
"Đều là thi, trước đời Đường thì
Hán, Tấn, Ngụy cũng có thi, sau đời Đường thì Tống, Nguyên, Minh, Thanh cũng có
thi. Thế sao lại Đường thi vẫn có giá trị hơn? Các nhà thi sĩ phê bình nhau
cũng lấy thi Đường làm căn cứ, các nhà nho học, cũng lấy thi Đường làm thi pháp
nhập môn. Cho đến mấy câu sáo ngữ ở Tàu thường nói "Đường thi, Tống Tự,
Hán văn chương" "Đường nhân phong vị" v.v... Thì biết thi
Đường có giá trị hơn các thi khác. Nhưng, ta nên biết cái đặc sắc của nó ở chỗ
nào?
"Có người nói: Lục triều vẫn có
thi, nhưng thi ấy phần nhiều phức tạp, Tống, Nguyên, Minh vẫn có thi, nhưng thi
ấy không được phong tao, không bằng Đường thi gồm đủ các thể tài. Nói thế, vẫn
có lẽ, song chỉ lấy một phương diện chớ sự thật thì còn nhiều chứng tá. Muốn
biết cái đặc sắc của Đường thi, nên xem lời phê phán của ông Hồ Vân Đực thì mới
biết rõ là xác đáng hơn.
"Ông Hồ là một thi sĩ có tiếng ở đời
nhà Thanh, người có công nghiên cứu về thi học, có viết ra cuốn nghiên về Đường
thi, trong có nhiều đoạn bài bác các nhà thi sĩ xưa nay nhiều chỗ ngộ giải;
nay tôi chỉ xin lược trích ra một chương nói về chỗ đặc sắc của Đường thi, hiến
cho các thi nhân được biết một ít Đường nhân phong vị.
"Đường thi sở dĩ hơn các thi khác,
có bốn cái đặc sắc:
"Một là do thể thi của Tấn, Ngụy mà
biến thành mới, có niêm luật, có cổ, cận thể, có trường đoản thiên. Tức như các
bài đã tuyển trong bộ Đường thi tam bách thư.
"Hai là đời Thạch Đường từ vua Cao
Tôn về sau, hơn ba trăm năm triều đình chỉ chăm một mặt dùng thi phú từ chương
làm nấc thang cho sĩ phu trong nước. Đại để như ông Lý Thái Bạch làm ra
bài "Thanh bình Điệu" thì được vua Huyền tôn yêu quí lạ thường,
ông Bạch Cư Dị làm bài Trường Hận Ca thì vua Hiến Tôn vời làm chức Hàn lâm học
sĩ, vua Mục Tôn thấy tập thi ca của Nguyên Thận thì vời làm chức xá nhân, cho
đến các cung phi, hoàng hậu như Võ Hậu, Vi Hậu, Mai Phi, Dương Phi đều là các
bà thích ngâm vịnh cả. Người bề trên đã ham chuộng, tự nhiên kẻ bề dưới phải
lấy đó làm con đường tiến thân, thành ra một phong khí tập quán.
"Ba là ảnh hưởng của thời cuộc; vì
đời Đường từ khai nguyên Thiên hữu sắp về sau, trong nước thường gặp nhiều cảnh
éo le, những cảnh ấy dễ làm đề tài cho thi nhơn đề vịnh, đại khái như việc An
Lộc Sơn đời Minh Hoàng, việc Sử Tư Minh đời Túc Tôn, việc Trần Hoàng Chí đời
Hiến Tôn, việc Chu Toan Trung đời Chiêu Tôn, thảy thảy những đại biến trong
nước, nhà làm thi hay dùng sử liệu vào thi ca, mở xem một bộ Đường thi bao nhiêu
bài đáng ca tụng, đều là những bài thời thế, như Điếu chiến trường, Yên
ca, Tùng quân, Khuê oán, Cung Trung từ ... Có nhiều cảnh nên thơ, thơ mới nảy ra
nhiều tình tứ, mới thấy chỗ đặc sắc.
"Còn một lẽ nữa, đời nhà Đường lấy
thi làm tác phẩm văn chương, chứ không như Hán, Ngụy và Tống chỉ lấy thi làm
tác phẩm đạo đức, vì người đời ấy cho rằng đã là thi mà ngụ cái giọng đạo đức
thì lời văn không được thôi xao, thành ra không lưu truyền được rộng, xem như
thi của Châu Mậu Thúc, Thiệu Nghiên Phu ở Tánh Lý thì đủ biết.
"Vả lại, Đường thi thì có cái đặc
sắc là phần nhiều chứa chất nhiều qua niệm văn học bình dân. Đại khái như thi
của Nguyên Thận, Vương Xương Linh, Bạch Cư Dị, Cao Thích, Vương Duy... Phần
nhiều thi của các ông ấy lời văn giản dị mà thâm, ý tứ dồi dào càng dễ cảm,
thành ra một lối thi phổ thông trong đám bình dân. Lục trong thi Đường có nhiều
bài miêu tả cảnh thống khổ của xã hội, như là trọng phú (thuế nặng), Phụ nhơn
khổ (cái khổ của người đàn bà), Mãi thán ông (ông bán than) Chiết tí ông (ông gãy
tay)... Nay tôi xin trích mấy câu trong bài Ông bán than dịch
ra đây, để cho các bạn đọc biết rằng lối thi bình dân đã xuất hiện từ đời Đường:
"Mãi thán ông, phạt tân thiêu thán
nam san trung, mãn diện trần khôi yên hỏa sắc, lưỡng mấn thương thương thạp chỉ
hắc, mãi thán đắc tiên hà sở dinh, thân thượng y phục khẩu trung thực, khả liên
thân thượng y chánh đan, tâm ưu thán tiện nguyện thiên hàn"...
"Ông bán than, đốn củi đốt than núi
Nam san, mặt mày khói khém lem lọ bôi, mái tóc xanh kịt, tay đen thủi, bán than
kiếm tiền lo mưu sanh, lo ăn trong miệng, mặc trong mình, thương hại mình ông
áo mỏng lét, ông lo than ế, cầu trời rét...". Lối thi đó đủ chứng là một
lối thi bình dân".
Thế rồi, để kết luận bài "Những cái đặc
sắc của Đường thi", Tùng Lâm kết luận bằng việc hô hào các ông làm thơ
mới hãy thôi lập dị:
"Hỡi các nhà thơ mới của ta! Đừng
tưởng rằng Đường thi là thi cổ hãy chịu khó tìm kiếm trong thi Đường mà xem thử
coi, không có lối nào mà thi Đường không có, cái đặc sắc của nó là gồm đủ các phương
diện, các thể tài, cảnh có, tình có, tả chân có, quý phái có, cần gì phải bịa
ra thơ mới làm chi, làm cho nhiều bạn trẻ em học cách háo kỳ, tập làm theo, đã
bất thành cú, mà rồi một ngày kia không còn ai biết Đường thi là gì, chẳng là
uổng cho văn nghệ ba trăm năm của một đời toàn thạnh lắm sao?"
Thiết Diện tỏ ác cảm đối với thơ mới
Cùng một quan điểm như Tùng Lâm, Thiết Diện bày tỏ
thái độ ác cảm của ông đối với thơ mới ở bài: "Quan niệm của tôi đối với
thơ mới" (V.H.T.S. số 8, tháng 8 năm 1935). Trong bài này Thiết Diện cực
lực chê trách thơ mới, coi nó chỉ là thứ đồ rác rưởi, trò múa máy quay cuồng
của bọn người ngu dốt, nào có khác gì bọn du đãng mặc áo rằn ri, bọn lẳng lơ đi
giầy cao gót. Theo ông đã gọi là thơ mới thì phải mới như thơ của Hồ Thích bên
Tàu, chứ đàng này thơ mới Việt Nam, chỉ mới có mỗi một cái là bỏ niêm luật, còn
tất cả đều cũ, đều xưa. Cái cũ và xưa ấy là cách dùng chữ, cách chọn đề tài,
nhất là cái tinh thần từ chương, bạc nhược, thua trận, thiếu hẳn tinh thần bình
dân, xa cái đại chúng vô sản lam lũ.
"Trong vũ trụ này, không có gì là
không thay đổi! Trái đất này vẫn xoay, thì tư tưởng người ta vẫn tiến! Chúng
tôi có lý nào không biết đến lẽ tuần tự tiến hóa mà lại đi nhận rằng thi phải ở
trong khuôn mẫu chật hẹp của luật Đường và chỉ có thi nào ở trong khuôn mẫu ấy
mới gọi là thi.
"Nhưng muốn làm một nhà thi chân
chánh trong phái mới, thì ít ra cũng phải biết thi là gì đã, và cũng phải biết
qua những luật Đường, làm được một bài thi cổ, dầu không hay cũng phải đúng với
thi pháp. Như thế, nghĩa là tôi muốn nói nhà thi sĩ, phải có một cái khiếu về
thi, phải có một cái học chắc chắn, chớ chẳng phải cóp nhặt năm bảy câu vô ý
thức làm thành một bài vô nghĩa lý mà đã lên mặt thi hào đâu!
"Một ông bạn già của tôi thường hay
nói: "Thời hư quỉ lộng, bọn ranh con thường hay cho mình hủ lậu, nhưng
cái mới của chúng chỉ mới ở hình thức, mà mới một cách lố lăng theo cái kiểu áo
rằn ri không khỏi đầu gối, và đôi giầy cao gót cao gần một tấc tây :
"Tôi hiểu ông bạn ấy lắm. Theo ông
bạn, thì dầu mới dầu cũ, cũng đều có khuôn phép cả, nếu không thì 20 triệu
người ý muốn của mỗi người!
"Chắc ai cũng biết bác sĩ Hồ Thích
là người đề xướng ra thơ mới ở Tàu, trong cuốn "Thường thi tập"
tiên sanh có đặt tám luật cho thơ mới, gọi là luật "Bát Bất":
1)- Không dùng điển tích,
2)- Không dùng chữ sáo,
3)- Không buộc đối vế
4)- Có thể dùng chữ tục,
5)- Phải biết văn pháp,
6)- Bỏ lối không đau mà rên,
7)- Không buộc theo người xưa,
8)- Phải nói có sự thật.
"Thơ mới của ta đã có luật gì chưa,
hay là mạnh ai nấy đặt luật?
"Ông bạn già yêu quí của tôi lại một
phen chép miệng thở dài:
"Than ôi! Mấy ông làm "thơ
mới" ở nước ta miệng còn hôi sửa thì đâu phải là Hồ Thích ở nước Tàu!"
"Thơ phải kể cái hồn của nó đã rồi
sẽ kể đến cái hình thức. Cái hồn chưa thoát khỏi sáo cũ, cũng còn nghe "Tiếng sáo Thiên Thai", "Tiếng trúc tuyệt vời", "Tiếng
nhạn kêu sương" v.v... thì đổi cái hình thức phỏng có ích gì? Đó cũng
chẳng khác chi bắt một bà già mặc áo rằn ri, đi giầy cao gót. Độc giả thử tưởng
tượng trong trí, coi có được không?
"Tiếng nhạn ở đâu, kêu sương hồi nào? và sao gọi là Tiếng sáo Thiên Thai?
"Thế là ở trong những bài thi cũ,
người ta còn dung thứ; chớ đã tự xưng là "thơ mới" mà còn sáo hư
như vậy, thì đâu phải là những "chiến sĩ chắc chắn" để đỡ gạt những
mũi tên của những người đại biểu cho thơ cổ có cái tên như "Nguyễn Khắc
Hiếu", "Trần Tuấn Khải"...?
"Tôi vẫn biết rằng văn chương thi
phú chỉ là cái phản ảnh vật chất, trên chỗ vật chất đã có điều cải cách thì
trên chỗ văn chương làm sao cũng không khỏi có điều biến dịch. Nhưng một nhà
thi chân chánh, ngoài việc biểu lộ tư ý ra, còn phải làm một người hướng đạo
cho quần chúng nữa.
"Nhà thi phải nhắm đến quyền lợi của
quần chúng trước nhứt, chứ chẳng phải chỉ biết có mình mà không biết có ai. Vậy
thì thi ca không phải chỉ dùng để biểu diễn cái tâm hồn của cá nhân mà đủ; cái
quan niệm của phái thi sĩ lối mới như thế nào?
"Nếu có dịp "giải phẫu"
những tác phẩm của họ ra, thì cũng chỉ thấy đầy cả sự yêu đương mơ mộng, vì họ
chỉ biết phát biểu tâm hồn đau khổ của một giai cấp "thua trận",
không nữa thì họ cũng chỉ biết sùng bái một vài cử chỉ anh hùng, sự sùng bái ấy
chỉ là cái óc nô lệ của thời đại phong kiến còn sót lại mà thôi.
"Thiệt nhắm ra chẳng bổ ích gì cho
hạng bình dân nghèo khổ, vì đối với cái quan niệm trên ấy thì hạng người sau
này vẫn không ham muốn thứ ái tình mơ mộng viễn vong của một số người phong lưu
đài các và cũng không có tư tưởng giống với tư tưởng sùng bái anh hùng, yêu nhà
yêu nước của số ít người kia, đời bây giờ biết bao nhiêu đứng vô danh anh hùng
đã phơi thây giữa đám bình nguyên để mua cái tiếng anh hùng cho một mình
Mussolini, Hitler, hay Tưởng Giới Thạch.
"Đời bây giờ, không có tư bản thì
không có nhà, và anh lao động ở đâu sống được thì ở đó là quê hương, vậy thuyết
yêu nước yêu nhà có còn đứng vững không?
"Cái quan niệm của mấy ông "thi sĩ mới" đối với cuộc thiệt tế sanh hoạt tôi chẳng thấy có chút gì là
mới cả, mới chăng là mới với các ông ở giai cấp tiểu tư sản chớ chẳng mới gì
với giai cấp bình dân.
"Xét về phương diện vật chất, thì
những bài thơ mới của một vài ông bạn thiếu niên thi sĩ mà ông Nguyễn Triệu
Luật ngoài Bắc đã gọi là "một tụi văn sĩ non hứng lấy mà vung vẫy những
áng văn xuôi không vần", xem ra chưa có những niêm luật gì nhất định. Thế
nghĩa là thơ mới có kỷ cương đáng ở riêng vào một học phái. Đọc phần nhiều
những bài thơ mới bây giờ, người ta đều có cái cảm tưởng rằng nhà thi sĩ bỏ cái
khó tìm cái dễ để mạnh ai nấy viết, mạnh ai nấy ngâm. Đó là chưa nói đến sự
dùng chữ sai (như nàng Ly Tao là nghĩa lý gì!).
"Xét về phương diện tinh thần, thì
những bài thơ mới ngày nay đó chỉ là cái tiếng nói của giai cấp tiểu tư sản, là
một giai cấp bại trận không có sức phấn đấu hẳn hòi như cấp bình dân. Chính
giai cấp sau này mới là nguyên động lực tiến hóa của xã hội.
"Mấy ông bạn trong làng "thi
mới" nếu có cho tôi hủ tôi xin chịu, nhưng tôi không sợ mất lòng mấy ông
mà dám nói lớn với anh em bình dân rằng:
"Cái phái thi mới ấy vừa xác, vừa
hồn không có ích gì cho anh em, chị em chúng ta cả! Hãy tẩy chay đi!"
"Không tẩy chay cái tinh thần bạc
nhược của giai cấp thua trận thì anh chị em ta sẽ gặp lắm điều trở ngại trên
con đường tiến thủ của chúng ta.
"Chừng nào thi mới của các ông có
một khuôn khổ "mới" nhứt định, và thứ nhứt, chừng nào thi mới có
một tinh thần bình dân đặc biệt, không có cái lối ru ngủ, cái lối mơ mộng hão
huyền và biết ca tụng sự phấn đấu của chúng tôi thì chừng ấy chúng tôi sẽ hoan
nghinh ngay.
"Rồi đây chúng tôi sẽ lần lượt đem
những bài thi mới mà một số người làm thi mới đã ca tụng để bình phẩm, chúng
tôi sẽ chỉ cho tác giả các bài thi kia thấy rằng tinh thần và thể chất mình là
cũ.
"Xin ai kia đừng trách rằng chúng
tôi cay nghiệt với phái thi mới, mà biết cho chúng tôi chỉ muốn làm một người
bạn "ngang bằng sổ thẳng" mà thôi.
"Chúng tôi không chê thi cổ là sáo,
bởi vì mấy ông đã chê nó là sáo rồi".
Hoàng Tân Dân chê thơ mới phản động
Mang
nặng óc đảng phái, có khuynh hướng thiên tả, Hoàng Tân Dân, không công kích thơ
mới vì thơ mới bỏ phép tắc cũ, mà chê thơ mới có thái độ phản động, phản cách
mạng ở chỗ chỉ phục vụ cho tư bản, không đau mà rên, cho nên lúc nào cũng sướt
mướt (V.H.T.S. số 9, tháng 9 năm 1935).
Đẩu Tiếp chê thơ mới
Sau cùng, Đẩu Tiếp, vào tháng 11 năm 1936 (V.H.T.S. số
26), lại lên tiếng "Nói chuyện về thi". Trong bài này,
Đẩu Tiếp kết án Phan Khôi rất nặng nề. Theo ông, chính vì ganh ghét Tản Đà hơn
mình về thi mà Phan Khôi phải lập ra thơ mới để được thiên hạ biết đến tên tuổi
mình. Và bọn thanh niên ngu dốt không làm nổi trò trống gì đã ùa chạy theo Phan
Khôi. Thành thử bên thơ cũ gồm bao nhiêu thiên tài thì bên thơ mới gồm bấy
nhiêu tụi nhãi con, ngu dốt, bất tài. Giới thuyết như vậy rồi, Đẩu Tiếp đưa ra
các điểm mà người ta chê thơ cũ để lại bênh vực thơ cũ, từng điểm một, như việc
dùng điển, dùng sáo ngữ, lặp lại tư tưởng của tiền nhân.
"Từ ngày ngọn cờ ba sắc đã dựng nên
giữa cõi trời Nam, muốn hiểu biết ngôn ngữ của người Pháp để tiện ra hợp tác
với họ, hòng giành lại trong muôn một, một ít quyền lợi của ông cha để lại,
quốc dân ta đều đua nhau xu hướng về đường văn học. Chữ Hán, một thứ chữ trước
kia người mình vì dùng quen đã lâu đời, đã hầu thành ra một thứ tiếng mẹ đẻ, từ
đó theo cớ chuyển vận đã hầu lọt ra ngoài vòng đào thải. Nhân tài nước ta bây
giờ tây học càng rộng, thì Hán học càng hẹp; Hán học đã hẹp thì quốc văn phải
kém, vì chữ hán mà có người đã gọi là chữ Hán Việt, nghĩa là chung của Tàu và
Ta, vắng nó thì chữ An nam nói ra hầu không thành tiếng nữa.
"Tuy vậy mỗi khi đọc đến những tác
phẩm bằng tiếng mẹ đẻ của các cụ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Công Trứ, tâm hồn ta
tự thấy rung động rồi đem lòng khao khát, thèm thuồng, nhưng cố làm cho được
một bài thơ như người xưa thì ngồi bóp trán mãi cũng chẳng thấy ra được chữ gì,
hoặc được thì lổ đổ vài chữ kết lại cũng chẳng thành câu! Thẹn thuồng và tức
giận, bọn thanh niên ta đổ ra ghen với cổ nhân hầm hầm, toan đạp đổ những xiềng
xích trong lối thơ Đường.
"Đương lúc ấy, thì Phan Khôi và
Nguyễn Khắc Hiếu hai ngài không biết tại sao lại có điều xích mích nhau, rồi
nổi giận cãi nhau, mắng nhau, rồi ghét bỏ nhau!
"Tự nghĩ Nguyễn Khắc Hiếu là kẻ thù
của mình, mà trên đàn thơ lúc nào mình cũng nhường hắn đứng trước, Phan Khôi
bèn muốn rẽ ra một con đường khác, bụng bảo dạ rằng dẫu hắn có đi trên con
đường ấy, thì ta cũng được đi trên con đường này, cũng như một bên làm tướng
nước Nhựt, một bên làm tướng nước Xiêm, nghe nói hai bên làm tướng cả thì người
đời cho là hai bên nghịch nhau, nào ai biết tài bên nào cao, trí bên nào thấp
mà phân biệt trên dưới. Nghĩ thế rồi Chương Dân tiên sinh vung văng vác bút
chạy ra một con đường mới "Đả đảo Đường luật, làm thơ theo lối mới". Bọn thanh niên nói trên nghe được câu nói của Chương Dân tiên sanh liền
hăm hở bắt hơi nối gót theo tiên sanh. Phái thơ Đường diễu cợt họ càng cay thì
họ lại châm chích phái thơ Đường càng độc. Phái thơ Đường gồm những bậc lão
thành hay thanh niên kiêm thông cả tân học cựu học, hay riêng giỏi về một món
học thì cho họ là "một tụi văn sĩ non hứng lấy mà vùng vẫy một thứ văn
không xuôi không vần". Hoặc có người độc hơn thì lại thuật bài thơ cổ
người ta vịnh con cóc để cười những kẻ làm thơ không ra thơ.
"Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra,
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó,
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi!
"Rồi kêu bọn "thơ mới" mà cười rằng
tôi tưởng thơ mới của các anh ra thế nào té ra cũng như thơ con cóc mà có người
đã làm hơn trăm năm trước. Lời công kích có thú vị và cay độc quá. Tôi xin giả
làm một nhà thơ mới đáp lại.
"Người làm bài thơ con cóc, là vì
ngó thấy con cóc như vậy mới làm thơ, người không biết cóc thì biết gì mà bình
phẩm thơ cóc! Không, những nhà thơ mới gồm có những kẻ mới học tòm tèm được 3
chữ Pháp, không hề hiểu một giọt (ne comprendre goutte) về hán văn họ không
thèm đáp lại một cách vu vơ như vậy đâu. Trái lại câu trả lời của họ có nhiều
khi nghe ra cũng có phần xác thực lắm.
"Họ nói: các ông chỉ là những bọn
nô lệ chịu trói buộc trong những luật pháp nghiêm khắc của thơ Đường.
"Nhưng họ quên rằng chính nhờ ở chỗ
pháp luật nghiêm khắc đó mà thơ Đường rất dễ nhớ. Vì trong bài thơ đã hẹn trước
rằng "chữ nào trắc chữ nào bằng", nên khi ta đọc mà thấy sai thì tự
nghĩ liền và đổi lại, tuy vậy ta cũng đừng nệ theo Đường luật lắm, chịu thất
luật một đôi chỗ mà câu thơ thấy già hẳn lên ta cũng thấy vui lòng, nhưng chỉ
khi nào bất đắc dĩ không dùng chữ ấy mà dùng chữ khác thay vào không thú bằng
thì ta mới chịu dùng chữ ấy và cam tiếng thất luật vậy. Phái thơ mới lại chê:
thơ Đường của các ông chỉ biết khóc trăng khóc gió. Thơ Đường luật cũng có
nhiều bài khẳng khái lắm chứ. Các ngài hãy đọc thử lại những thơ văn cổ ngày
nay quốc dân hãy còn truyền tụng mà xem. Người xưa dầu có nhiều khi họ than
khóc thì trong tiếng than tiếng khóc của họ cũng nghe rất là giọng trượng phu.
Tả một cảnh đang rơi châu đau ruột, như trong Chinh phụ ngâm, họ
chỉ biết dùng ngòi bút vẽ ra một bức tranh khiến ta trông vào mà tự đau ruột
rơi châu, chứ trong bài nào họ có hề dùng tới một chữ rơi châu đau ruột? Các
ngài không nhận rằng sầu là một cái bệnh chung của con nhà văn nhà thơ mà nở
công kích kẻ đa sầu đa cảm? Ấy thế mà các ngài chỉ biết làm những lối thơ
phóng đãng là gì? Các ngài thường "ôi"! Thấy hoa bay các ngài
cũng "ôi"! Thấy lá rụng các ngài cũng ôi"! Thậm chí có ngài
viết "tôi đau đớn, ôi huyền diệu"! Các ngài lại nói thơ Đường luật
hay dùng những điển tích mơ hồ, như có người làm bài thơ "Vịnh Trương
Lương":
Mình dịu dàng như gái,
Bao trời một lá gan!
Bốn trăm năm nghiệp Hán,
Ba tấc uốn trong màn.
Vẫn biết ba tấc đây là ba tấc lưỡi, nhưng ba tấc lưỡi
uốn trong màn, thì có thể khiến cho mọi người hiểu được không? Cách dùng điển
như vậy coi cũng mơ hồ lắm, nhưng đó là tay vụng chớ tay khéo thì nhiều khi họ
dùng điển chẳng những đã rõ mà lại hay; có một cách dùng điển mà tự lấy làm thú
lắm khi họ dung hòa hai điểm lại một. Như nguyên trong sách Thúy Kinh của
Tàu có nói: Giống cá Gáy hễ đến tháng ba thì đua nhau nhảy lên thác Long Môn
(cách Trường Yên cao 900 dặm, con nào nhảy lên được thì hóa ra rồng, cho nên
người đời hễ ai thi đậu thì người ta ví như cá Gáy nhảy lên được Long Môn, còn
con cá Gáy nào mà không nhảy lên được thì phải vạch cả trán mà phải trở về chỗ
cũ).
"Nhân vậy rồi Lý Bạch có câu thơ nói
người thi hỏng:
"Điểm ngạch bất thành long"
vạch trán chẳng ra rồng! thú vị biết là bao nhiêu, còn trong đám thi sĩ ta thì
có người làm câu: "Lò đời thổi gió un mây..." thì ai cũng biết rằng
là đời là một điển, gió mây là một điển, nhưng tác giả khéo biết dung hòa vào
trong một câu "gió thổi un mây" ứng với lò đời cũng như câu thơ của
Lý Bạch ra rồng ứng với vạch trán, điển tuy cũ mà tứ vẫn mới đó vậy. Dùng điển
mà dùng được như vậy thì cũng đáng dùng lắm chứ, còn như không thêm được cái ý
mới vào chỉ biết lập lại những tư tưởng cũ của người thì xem ra cũng nhạt. Ví
dụ bậc thi bá đời Đường đã nói "xử thế nhược đại mộng" rồi ta lại
lập lại: Trăm năm giấc mộng cười thân thế; lời thơ tuy cứng nhưng phái thơ
mới họ bảo dở đó kìa.
"Họ lại chê thơ Đường luật quen lập lại
những tư tưởng của tiền nhân.
"Vẫn có thế nhưng cũng chỉ có những
kẻ bất tài mới có thế thôi, chứ phàm người có tài năng họ cũng biết rằng trong
mỗi bài thơ ít nhất cũng phải có một câu tứ mới. Đừng nói đến thơ nôm, nói ngay
đến một số câu thơ chữ của người xưa cũng đủ thấy rồi. Khi trong bài "Đi chơi đêm với
cụ Nguyễn Hàm Ninh ở núi Tùy Vân", ngài Tùng Thiện Vương có câu:
Ngư xướng trời thanh ngoai,
Chung minh thọ sắc trung.
Chài reo ngoài tiếng sóng,
Chuông điển giữa màu cây!
"Trong bài mừng được ân ban một chiếc thẻ ngà
khắc Tứ Nguyễn Hàm Ninh nhập các, được ra vào tự do trong các, của cụ Nhâm Sơn
có câu:
Cung nhật hồi xuyên ảnh,
Giai hoa phật bội thanh.
Dịch:
Vầng nhật trên cung xây bóng vách,
Cành hoa quanh lối gõ bài ngà,
"Mấy câu thơ đó ông Cao Bá
Quát đã khuyên đặt cả mặt giấy chẳng phải đều có tứ mới sao?
"Phái thơ mới lại chê: các cụ ấy
chỉ ngồi mà đẽo gọt từng chữ.
"Lạ chưa! thơ đã gọi là một môn mỹ
thuật thì dầu cho đẽo gọt chạm trỗ cũng là lẽ thường. Nhưng bao giờ câu thơ
cũng được vẻ tự nhiên, nhà thơ vẫn dư biết thế! Mở lời ra mà gặp liền được chữ
đối xứng thì cụ Dương Bá Trạc cũng đối chơi:
Ta giã núi bụi hồng đeo đẳng,
Núi xa ta mây trắng mịt mờ!
"bằng không, thì cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng chỉ
cười một hơi mà thành ra bài thơ vậy.
Tớ đẻ tháng mười năm bính tí,
Năm nay bính tí sáu mươi năm!
Kể vòng hoa giáp quanh đà khắp,
Còn nợ non sông chết chửa cam v.v...
"Nhưng các bạn thơ mới lại nói rằng: Các ông có
học chữ tàu mà làm thơ nôm thì chúng tôi học chữ tây lại không có quyền bắt
chước thơ tây mà chế ra một điệu thơ riêng để chúng tôi ngâm vịnh?
"Đã bắt chước thì hễ ai có cái hay
ta cũng có thể bắt chước được cả. Song thử hỏi lối thơ ta phỏng theo lối thơ
tây, thì có thể ngâm nga được như lối thơ ta đã phỏng theo lối thơ Đường không? Nói thế tất sẽ có người lấy làm lạ mà hỏi rằng vậy sao ta vẫn ngâm được thơ
tây? Vì ngâm thơ tây ta vẫn ngâm theo giọng tây, còn khi ngâm thứ thơ mới kia
ta không thể ngâm theo giọng tây được, mà ngâm theo giọng ta thì nào có âm
hưởng gì đâu. Đến như thơ Đường luật sở dĩ mình ngâm lên mà nó réo rắt như
tiếng đờn nguyệt là vì hợp với tiếng ta đó vậy.
"Tóm lại, dầu chi ta cũng nên hoan
nghinh lối thơ Đường luật, nếu có chê nó là khó thì cứ làm theo lối tứ tuyệt,
lối song thất lục bát hay lối thượng lục hạ bát, cùng đi nữa thì những từ khúc.
"Thơ Thế Lữ, những bài xuất sắc cũng
vẫn làm theo những điệu ấy, thế sao vẫn gọi là thơ mới?
"À phải! Ông Lê Tràng Kiều có nói:
Vô luận thì làm theo điệu thơ gì có tứ mới thì đều gọi là thơ mới. Song tôi lại
xin trừ ra lối thơ mà ta vẫn mô phỏng theo thơ tây một cách vô ý thức, vì ngoài
một đôi người như Thế Lữ là vẫn có một chút tài, còn thì lối thơ lố lăng ấy chỉ
tạo ra được những nhà thơ non như là Phúc Nhuận, ông Đỗ Phủ (ông Đỗ Phủ người
Bắc chứ không phải cụ Đỗ Phủ người Tàu đâu!). Nhưng điều đó ta cũng chẳng cần
lo, vì ông Phan Khôi thì đã ngỏ lời từ biệt lối thơ "không xuôi không vần" kia trên báo Trường An độ nọ, còn những đồ đệ của ông mỗi ngày mỗi vắng
dần. Nhiều kẻ hô hào đào thải thơ Đường luật, ngày nay lại muốn trở về với nó.
Đáng khen thay những kẻ biết rộng thấy xa, lâu nay vẫn dốc một lòng thờ phụng
thơ Đường" (Văn Học tuần san, số 26, 1-11-1936).
Tản Đà lần đầu tiên lên tiếng về thơ mới
Trong cuộc tranh luận thơ mới thơ cũ này, Tản Đà xem
ra có căm tức lắm, nhưng Tản Đà khôn lắm, ít khi lâm trận đánh thẳng vào địch,
dù địch đó là Phan Khôi. Trong mấy lần đụng độ với Phan Khôi, như vụ Nho Giáo,
vụ Cái Cười Con Rồng Cháu Tiên..., Tản Đà đã hăng hái, quyết liệt, phũ phàng
nữa là khác. Vậy mà trong vụ thơ cũ thơ mới, Tản Đà xem ra đứng ở ngoài. Bài
Tản Đà đả kích thơ mới mạnh nhất có lẽ chỉ là một bài chửi mát, mà cũng chỉ là
chửi mát Phan Khôi trong bài "Hài đàm của Tản Đà: Thơ mới" đăng ở Phụ Nữ Tân Văn số Xuân năm 1934. Tản Đà đem so sánh Phan
Khôi với Lý Bạch cũng như so sánh một họ Quách nào đó phải chăng là Quách Tấn
với Bá Nha để rồi kết luận: đàn của chàng Quách thỉ "ngớ ngẩn" còn
thơ của chàng Phan thì "vẩn vơ"
"Hài đàm của Tản
Đà:
"Thơ mới
"Từ khi Lý Bạch chết, thiên hạ không chuộng thơ
mà thơ kém hay: Bởi thế mới có Phan tiên sinh ra đời.
"Từ khi Bá Nha chết, thiên hạ không
chuộng đờn, mà đờn kém hay: Bởi thế mới có Quách tiên sanh ra đời.
"Phan tiên sinh cải lương về nghề
thơ, ở đời chưa gặp ai tri kỷ:
"Quách tiên sinh cải lương về nghề
đờn, ở đời chưa gặp ai tri âm.
"Một hôm, kỳ ngộ duyên may, hai tiên
sinh gặp gỡ.
"Trong một nhà ở phố Khâm Thiên,
Phan đương nằm hút ở trên gác, bỗng nghe ở dưới gác có tiếng đờn gẫy, nhân lâu
rất thấy khác thường; tiếng đờn thực hay mà như không có cung bực do bụng hoài
nghi, Phan tiên sinh bước xuống bực thang, ngó thử coi thấy người nẩy đờn đó
chừng cũng là một du tử mà coi ra có vẻ cao nhân, nhân bước luôn xuống thang,
làm quen nói chuyện chơi. Người đó là ai? Tức là Quách tiên sinh vậy. Rồi đó,
Quách tiên sinh nói chuyện đờn, Phan tiên sinh nói chuyện thơ.
Rồi Quách đờn một chập, Phan thơ một hồi.
Rồi Quách lại đờn; Phan lại thơ.
Rồi Phan, Quách lại truyện thơ, truyện
đờn.
"Cái thú gặp tri kỷ, khó bút mực nào
vẽ cho hết. Chi chủ đó nguyên là một tay tài tình, văn thơ âm nhạc, đều có hiểu
qua, nhân bàn quanh một cuộc cầm thi, cũng cảm tác một bài "Thơ Mới":
Đờn là đờn
Thơ là thơ
Thơ thời có chữ, đờn có tơ.
Nếu không phá cách vứt điệu luật,
Khó cho thiên hạ đến bao giờ!
Bá Nha xa.
Lý Bạch khuất.
Thơ có họ Phan, đờn có họ Quách,
Thơ có chữ
Đờn có tơ:
Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ
Tài tử văn nhân nhường rứa rứa,
Bách huê ngao ngán bận đề thơ"
Sau bài nói kháy, chửi mát Phan Khôi và thơ mới trên
Xuân Phụ Nữ Tân Văn, Tản Đà viết một thôi năm sáu bài về thơ mới đăng trên Tiểu
Thuyết Thứ Bảy vào cuối năm 1934:
1)- Phong trào thơ mới muốn cùng ai trong
bạn làng thơ (T.T.T.B. số 26 ngày 24-11-1934).
2)- Cùng các bạn làng thơ (T.T.T.B. số 28)
3)- Tính chất của thơ (T.T.T.B. số 30 và số 32)
4)- Một chữ trong nghề thơ (T.T.T.B. số 40)
Bài "Phong trào thơ mới muốn cùng ai
trong bạn làng thơ" là để thương xác với Lưu Trọng Lư về bài
diễn thuyết ông đọc ở nhà Học hội Quy Nhơn.
Với một tâm hồn cởi mở, và những lời lẽ
rất ư là khiêm tốn, Tản Đà đã bày tỏ thái độ của ông đối với thơ mới, thơ cũ.
Tản Đà cho rằng giữa lúc xảy ra vụ tranh chấp thơ cũ thơ mới thì Tản Đà không
có mặt ở Hà Nội, cho nên không theo rõi được sự diễn biến của cuộc chiến. Phải
chăng đây là thời kỳ Tản Đà đang buồn chán vì An nam tạp chí của ông bị chết
lần thứ tám, tức là lần chót. Biến cố đau thương đó đã khiến Tản Đà tủi dỗi đời
nên tự đặt mình ra bên ngoài xã hội:
"Mới đây một người bạn tôi gởi cho
bài diễn thuyết của ông Lưu Trọng Lư đọc ở nhà Học hội Quy Nhơn, tôi đọc tới
bài đó, tâm hồn xúc động, không thể lại lẳng lặng mà ngồi yên. Cứ như bài diễn
văn của ông Lư, cảm tưởng và kiến giải, phần nhiều thiệt tôi lấy làm phải, có
nhiều chỗ lại thấy rất là tinh.
"Song mà trong sự quan sát cũng còn
có chỗ không tường xác; cái kiến giải để hướng đạo cho quần chúng coi chưa đủ
phát dương hiệu lệnh trên thi đàn. Bài tôi viết đây, không chuyên cùng ông Lưu
Trọng Lư biện luận, cho nên không dẫn đến những chỗ mà tôi cho hơn kém ấy. Nay
tôi chỉ cần muốn biện bạch trước độc giả, công chúng vì thấy có mấy lời trong
bài diễn văn của ông Lư.
"Trong bài ông Lư nói, ngay một đoạn
mở đầu rằng: "gần đây, trong văn học nước nhà thấy có một cái phong trào
mạnh danh là "thơ mới". Cái phong trào ấy dư luận chia ra làm hai,
phái hoan nghênh và phái phản đối. Tôi không cần nói, các ngài cũng dư hiểu
rằng phái hoan nghênh là phái thanh niên tân học, phái phản đối là các cụ nho
học. Hai bên đương sừng sộ nhau đương giằng co nhau".
"Ông Lư đã nói, chắc là ông có thấy
như thế, mà lâu nay tôi xa đất Hà Thành, thực tình trạng trong văn giới như
sao, ít có tiếp đến tai mắt, riêng về phần tôi, thời như lời ông Lư nói đó, tôi
quả không phục tình."
Sau đó, gián tiếp Tản Đà muốn bảo rằng cái
mà người ta gọi là thơ mới, Tản Đà vẫn làm, làm từ lâu, từ 20 năm nay mà chỉ
khác là ông không gọi nó là thơ mới. Ông trích mấy bài thơ ông đã làm trên dưới
hai chục năm:
"Cứ văn vận của tôi đã làm ra trong
khoảng 20 năm nay, kể có không ít; mà nay nếu có người hỏi tôi rằng: bài nào
hay hơn hết? Thời phải lấy một bài trong cuốn tiểu thuyết Giấc mộng con thứ hai, làm cho Dương Quý Phi,
Tây Thi... ở Bồng Lai, bài ấy rằng:
Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Nước non như vẽ bức tranh tình.
Non nước tan tành
Giọt lệ tràn năm canh.
Đêm năm canh
Lụy năm canh
Nỗi niềm non nước,
Đó ai quên cho đành!
Quên sao đành?
Nhớ sao đành?
Bồng lai non nước xanh xanh?
"Cuốn tiểu thuyết ấy viết ra, trong khi tôi giúp
việc Đông Pháp thời báo của ông Diệp Văn Kỳ ở Nam, là khoảng năm 1926 cách đây
đã 8 năm.
"Lại như bài "Cảm thu
liễu thư" của tôi, một đoạn tả cảnh ở đầu rằng:
"Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.
Nhạn về...
"Mấy câu đó, riêng tôi thật ngâm mãi không chán; mà bài văn đó tới nay ở trong
báo Sài Gòn lại có người lại đem ra để phê bình, kể cái thời gian tôi viết ra
thời vào khoảng năm 1921, trong lúc tôi làm việc cho báo Hữu Thanh, cách đây có
14 năm.
"Lại như những bài "Hoa rụng" in ra ở Khối tình
con, lời văn rằng:
"Hoa ơi, hoa hỡi, hoa hời!
Đang ở trên cành bỗng chốc rơi!
Nhị mềm cành úa,
Hương nhạt mầu phai
Sống chưa bao lâu đã hết đời
Thế mà hoa lại sướng hơn người...
"Bài
này viết ra, kể cách nay có tới 20 năm.
"Những điệu văn thơ đó, thật tự tôi đặt ra,
không theo niêm luật ở đâu hết, duy tôi không gọi nó là thơ mới mà thôi".
Ngày 8-12-1934, Tản Đà viết bài "Cùng các bạn làng thơ" (An
nam tạp chí số 28), bàn về ý nghĩa của thơ mà ông phân biệt làm nghĩa rộng,
nghĩa hẹp.
Về nghĩa rộng của thơ, Tản Đà viết:
"Theo nghĩa rộng mà nói, thì thơ là lương năng
của mọi người, cho nên không có hạng người nào đều có thể nên thơ. Như thế,
phạm vi của thơ thật rất rộng, hàm người ta nói ra mà hơi có vần, đều là thơ,
không thể cách phi hết. Những thơ đó, theo ý kiến của người quan sát, chỉ có
thể nhận cho những câu nào, những bài nào là hay; mà không thể phán đoán bảo
như những câu nào, những bài nào là dở".
"Hiểu theo nghĩa rộng, thơ là thú tiêu khiển ai
cũng có thể làm được. Nhưng hiểu theo nghĩa hẹp, thơ là "một thứ kỹ
thuật phải người có học mới biết làm, mới làm được; ví như
đánh đàn phải có cung bực, đánh cờ phải sạch nước cản, nếu không thì không là
thơ".
Đối với Tản Đà, thơ hiểu nghĩa hẹp là các lối thơ thất
ngôn, ngũ ngôn, cổ phong, tứ tuyệt. Như vậy mà trong cuộc tranh luận thơ cũ thơ
mới, chữ "thơ mới", theo Tản Đà là một danh từ lạm dụng, hiểu sai
nghĩa.
Sau khi bàn về danh nghĩa của thơ, Tản Đà dành hai số
báo để bàn về "Tính chất của thơ" (TTTB số 30 và 32). Theo Tản Đà,
thơ có hai tính chất: tài và tình. Tài là tài nghệ, tức là thuộc về nghĩa mỹ
thuật; tình là tình hoài, tức là thuộc về nghĩa lương năng " (TTTB số
30). Tản Đà đã dựa vào hai tính chất tài và tình để tìm ra cái đẹp trong các
câu thơ cũ. Không nói rõ ra, nhưng cứ theo lối trình bày, người ta cũng nhận ra
rằng thơ mới thiếu hẳn tính chất "tài", cho nên thơ, mới là thứ thơ
lệch lạc, là thứ thơ không hoàn toàn.
Những tài liệu tôi trích trên đây
chưa phải là tất cả các tài liệu liên quan đến cuộc tranh luận gay go giữa thơ
mới và thơ cũ và có lẽ cũng chưa phải là những bài quyết liệt nhất. Chẳng hạn
ba bài diễn thuyết nảy lửa của Nguyễn Văn Hanh bênh vực thơ cũ, của Thái Phỉ
công kích Lê Tràng Kiều, của Tường Vân và Phi Vân tác giả tập "Những bông hoa trái mùa".
F- Sự trưởng thành của thi ca Việt Nam
Qua những tài liệu trên đây, ta thấy cuộc tranh luận
có vẻ gay gắt, quyết liệt vào khoảng từ 1932 đến 1937. Nhưng từ năm 1938 trở
đi, tình hình lắng hẳn xuống. Vấn đề thơ mới thơ cũ, không phải người ta không
nói đến nữa, nhưng người ta nói đến bằng luận điệu khác, ôn hòa chứ không có vẻ
bắt bẻ, chửi bới nhau nữa: người ta vẫn yêu những áng thơ cổ tuyệt tác, và
người ta không ngớt ca ngợi những bài thơ mới kỳ diệu của hàng trăm nhà nghệ sĩ
trẻ.
Một điều cảm động nhất là trước đây, ai
nấy đều đổ xô vào mà chửi, mà chê Tản Đà, châm biếm hài hước nhà thơ lúc nào
cũng như say sưa, thì từ năm 1938, nhất là sang năm 1939, 1940 trở đi, Tản Đà
được coi như vị thánh sống của làng thơ. Người ta chia nhau viết về Tản Đà, ca
ngợi thơ của ông.
Nguyên một mình Nguyễn Tiến Lãng đã viết
một thôi một hồi về Tản Đà:
1)- Nửa đời thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Tràng An số 315,
20-4-1938).
2)- Nửa đời thi sĩ Tản Đà (Tràng An số 317, 3-5-1938)
3)- Nửa đời thi sĩ Tản Đà (Tràng An số 319, 10-5-1938)
4)- Nửa đời thi sĩ Tản Đà (Tràng An số 320, 13-5-1938)
5)- Nhân ngày giỗ Tản Đà (Tràng An số 164, 5-6-1943)
6)- Đọc lại một kỹ thuật nói về Tản Đà (Tràng An số 167, 12-6-1943)
7)- Mùa xuân với Tản Đà (Tràng An số 253, 20-1-1944)
Ngay đến Tự Lực
Văn Đoàn trước kia thù hằn Tản Đà, luôn luôn bông đùa, bới móc Tản Đà vậy mà
năm 1939, báo Ngày Nay đã dành không biết bao nhiêu bài nói về Tản Đà:
1) Thi sĩ Tản Đà
do Văn Bình viết (Ngày Nay số 147, 28-1-1939).
2) Công của thi sĩ Tản Đà do Xuân Diệu viết (Ngày Nay số 166, 17-6-1939).
3) Một tháng với Tản Đà do Lâm Tuyền Khách viết (Ngày Nay số 171, 22-7-1939).
4) Vài truyện vui về thi sĩ Tản Đà do Khái Hưng viết (Ngày Nay số 167,
24-6-1939).
5) Cái duyên của Tản Đà cũng do Khái Hưng (Ngày Nay số 166, 17-6-1939).
Báo Tao Đàn, số 9,
1-7-1939, ra số đặc biệt về Tản Đà:
1) Lưu Trọng Lư
viết "Bây giờ
đây khi cái nắp quan tài đã đậy lại".
2) Trương Tửu viết "Sự thai nghén một thiên tài".
3) Nguyễn Tuân viết "Chén rượu vĩnh biệt"
4) Nguyễn Triệu Luật viết "Ảnh hưởng Tản Đà đối với nhà văn lớp sau".
5) Trúc Khê viết "Tản Đà triết học".
6) Xuân Diệu viết "Một vài kỷ niệm về yêu thơ Tản Đà".
7) Nguyễn Xuân Huy viết "Tản Đà dịch văn".
8) Nguyễn Tuân viết "Tản Đà một kiếm khách".
9) Nguyễn Công Hoan viết "Ông Tản Đà đi bàn việc để tái bản An nam tạp chí".
10) Ngô Tất Tố viết "Tản Đà ở Nam Kỳ".
11) Nguyễn Nhất Lang "Tản Đà tửu điếm".
12) Nguyễn Công Hoan viết "Ông soát vé xe lửa với thi sĩ Tản Đà".
13) Lê Thanh viết "Mộng và mộng".
Từ cuối năm 1936,
sang đầu 1937, nhất là từ 1939 trở đi, không còn có vấn đề cũ mới nữa mà chỉ có
vấn đề nghệ thuật, đẹp hay không đẹp: người ta đã giải thoát được cái mặc cảm
mới cũ.
Lưu Trọng Lư đặt giá trị đích thực của thơ không phân biệt mới cũ
Một người say mê thơ mới trước tiên, làm thơ mới chỉ
sau có Phan Khôi, và lên tiếng đả kích thơ cũ kịch liệt ngay sau Phan Khôi,
người đó là Lưu Trọng Lư, thì, nay, chính người đó như lơ là với thơ mới quay
trở về dĩ vãng. Cuối năm 1942 sang đầu năm 1943, trên báo Tràng An, Trọng Lư
viết nhiều bài phân tích cái hay cái đẹp của thi ca cổ điển Việt Nam, và công
kích sự đi quá trớn trong việc Tây hóa. Đó là ý kiến Lưu Trọng Lư trong
bài "Đàn Nam giao, một nền
văn chương Việt Nam" (Tràng An số 34, 9-7-1942):
"Tôi không nhớ vị giáo sư Pháp nào,
ở lâu bên ta, đã nói: "Những thanh niên Việt Nam đào tạo ở trường học
mới, không có một tinh thần sáng tạo chắc chắn". Lời bình phẩm có vẻ vội
vàng, gắt gao nhưng không phải là không có một phần sự thực. Vì sự thực: cái
bệnh ỷ lại là cái bệnh của ta và dã ăn sâu trong xương tủy người nước ta, cơ hồ
không gột rửa được nữa.
"Không phải bây giờ mà từ bao giờ,
không phải ở văn chương mà ở khắp các địa hạt, người Việt Nam đã tỏ ra mình là
một giống người sống lười biếng và cẩu thả.
"Nếu dân Pháp được người ta khen là
một thứ dân "biết sống", thì dân Nam rất đáng cho người ta chê về
phương diện ấy. Dân Nam cẩu thả và biếng nhát trong sự ăn, sự mặc, sự ở, nhất
là trong sự phô diễn về tư tưởng. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái điều cuối
cùng này mà thôi, vì tôi không muốn ra ngoài phạm vi văn học.
"Cái tinh thần lười biếng và cẩu thả
ấy đã làm cho văn chương ta nghèo nàn gần như "không có". Tự ta, ta
không hề cố gắng và tạo tác ra một cái gì hoàn toàn của ta; ta chỉ muốn hưởng
thụ những "của sẵn", và cam tâm làm kiếp con ve của thơ Ngụ Ngôn.
Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao
xa.
"Hồi xưa kia chúng ta là những người
Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, và chưa có một lúc nào chúng ta là
người Việt Nam cả.
"Nếu ông cố đạo kia không có cái ý
hay hay, ngộ ngộ áp dụng vào tiếng ta cái lối viết la tinh, thì ta đến nay có
lẽ cũng chưa có chữ quốc ngữ. Và nền văn học của ta không biết còn nghèo nàn
đến thế nào nữa.
"Nhưng ta cũng không nên bi quan
lắm, và thứ nhất là phải hết sức công bình. Cách đây độ vài mươi năm, ở nước ta
đã có một phong trào sùng bái quốc văn, cầm đầu là Phạm Quỳnh tiên sinh.
"Người ta kiểm soát lại các giá trị
hiếm có, và "phát minh" ra truyện Kiều. Người ta mới bắt đầu tin ở
mình, tin ở tài lực mình, tin ở cái thiên tài của dân tộc, tin ở những cái khả
năng ghê gớm của quốc âm. Một tương lai rất mênh mông và rất gần gụi. Người ta
hăng hái, người ta nhiệt thành, người ta chỉ xin "cúc cung tận tụy"
cho quốc văn. Một sự nỗ lực đáng đánh dấu lại trên cái lịch trình tiến hóa của
dân tộc. Nhưng cái bệnh của nhà Nho ngày xưa vẫn chưa tuyệt nọc: ta vẫn đi vay
mượn của người xưa. Xưa kia người ta vay mượn vì quá siêng năng. Và vì một
nguyên lý khác: Làm cho tiếng Việt Nam được giàu thêm. Nhưng chẳng khác nào
người ta đã "ghép" một giống cây tốt vào một thân cây đã khô héo.
Người ta ham vay mượn mà nhãng quên cái gia tài sẵn có của mình. Phải chăng tại
những người lúc bấy giờ quá sùng thượng truyện Kiều và coi nó là một cái khuôn
vàng cho sự đúc nặn Quốc văn. Mà truyện Kiều, dầu sao ta cũng phải nhận là một
tác phẩm chứ thoát khỏi lề lối Tàu: từ cốt truyện cho đến triết lý cuốn sách,
nhất là lời thơ, đầy những điển cổ Tàu.
"Truyện Kiều là cái thí nghiệm tốt đẹp
thứ nhất của tiếng Việt Nam mà còn bị phải "cố tật" ấy huống hồ là
những người sùng bái truyện Kiều, lấy truyện Kiều làm "kinh nhật tụng". Không những người ta không nhìn nhận cái bệnh ấy của truyện Kiều mà
người ta còn coi đó là một sự vẻ vang cho truyện Kiều. Chẳng thế mà ta thấy
những nhà chú giải truyện Kiều bắt những câu thơ hay, hay một cách vô tình và
tự nhiên, cũng phải từa tựa với những câu văn xưa nào ở trong các Kinh truyện
Tàu, nghĩa là họ đã cố làm cho bực thiên tài Việt Nam không sản xuất được một
cái gì thật là của riêng mình, của dân tộc Việt Nam. Họ đã gán cho Nguyễn Du
những sự vay mượn mà tiên sinh không hề làm.
"Theo cái óc của nhà Nho thì một bậc
thiên tài trước hết phải là một "bồ chữ" động một cái gì cũng có
thể "dẫn sách" được. Họ không biết rằng: cái giá trị của mình chỉ
có thể có bởi mình. Và những câu thơ hay đẹp nhất ở trong truyện Kiều lại là
những câu thơ thuần túy Việt Nam. Những nhà nho chú giải truyện Kiều vô tình đã
gây nên một lề thói rất không tốt cho sự gây dựng quốc văn mà chính họ chủ
trương: vô tình người ta vẫn khuyến khích sự vay mượn những danh từ, những
điển tích Tàu. Họ có biết đâu rằng tinh thần sáng tạo của ta vì thế trở nên
lười biếng và quốc văn không tiến được như ý nguyện. Cái thời kỳ vay mượn của
Tàu đến nay đã qua rồi, nhưng điều di hại vẫn còn từ nhà nho Tàu người ta trở
nên nhà nho Tây. Ta hãy để lại một bên những người mê say viết Pháp văn ta chỉ
nói đến những ngọn bút vẫn một niềm phụng sự tiếng mẹ đẻ và chỉ nên tiếc rằng:
Cũng như xưa, tiếng mẹ đẻ không được phụng sự một cách toàn vẹn hơn? Họ là
những người học Tây; họ có cái khuynh hướng "Âu hóa" những danh
từ, những điệu ngữ, cả cái cách xuất diễn tư tưởng. Họ còn dám làm một việc
không thể làm được, họ sửa đổi cả những tiết tấu thiên nhiên, những âm luật
huyền bí của tiếng Việt Nam. Nhiều khi, việc ấy cũng có thể coi như là một sự
cải cách cần thiết, một sự nhu cầu của cuộc đời mới.
"Nhưng cái gì cũng có một giới hạn:
cái giới hạn đã bị vượt, điều hay lại trở nên dễ dàng một điều rất xấu. Xưa
kia, chúng ta có những chữ sáo rỗng không mượn ở Tàu, thì bây giờ chúng ta cũng
lại có những chữ sáo vô nghĩa dịch ở Tây. Thật là không nên nói, mà thật là có
như vậy. Những ngữ điệu bị "Pháp hóa" đó hay những danh từ bị Việt
hóa đó chính không phải là tai nạn, mà chỉ chứng tỏ một cái bệnh về tinh thần,
nguy nan hơn: Chúng ta đã cảm xúc, đã tư tưởng theo người Tây. Cái hình thức
kia chỉ là kết quả đương nhiên của biến đổi của một tâm hồn. Trong một bài nói
đến thơ Xuân Diệu, tôi có tự hỏi: "... đã từng ở giữa những xóm dừa, ăn
rau sắng, ngửi mùi lúa ngự, ta có thể nhất đán trở nên một người Tây, một người
Tây thành thực và trọn vẹn được không?". Ở đây, ta hãy thí dụ là có thể
được nữa, nhưng đó không phải là một cái lý để "âu hóa" nền văn
chương Việt Nam. Nền văn chương ấy nếu nó đã có thì nó phải có mãi, và phải độc
lập mãi mãi, đứng riêng ra một địa vị ngoài sự chi phối của chính trị hay kinh
tế. Chúng ta có thể mất hết, trừ văn chương. Và chúng ta chỉ mất "văn
chương" khi ta muốn "ngoại hóa" nó đi mà thôi, nghĩa là muốn
lột hết những tính cách riêng của nó.
"Với sự "âu hóa", tôi sợ
nền văn chương Việt Nam sẽ mất những tính cách riêng, rồi sẽ không thành thực
nữa vì bị "mất gốc". Mà sự "mất gốc" ở địa hạt văn
chương rất nguy hiểm. Văn chương không cần phải có những sự phiêu lưu nguy hiểm
mới to lớn. Điều trái lại có lẽ đúng hơn. Một ngày rời khỏi khí hậu, cái cây ấy
sẽ héo ngay. Nó phải hút chất màu ở ngay chỗ nó mọc. Thật ra nhiều khi nó cũng
có thể mang trồng qua chỗ khác được; nó cũng vẫn sống như thường.
"Cây cam Xã Đoài dời qua làng cạnh
nó vẫn sống, nhưng không còn là cây cam xã Đoài nữa. Văn chương Việt Nam chỉ có
thể có giá trị khi nó là văn chương Việt Nam mà thôi.
"Chúng ta là lớp người cuối cùng
được dự xem một thế giới đương suy tàn: Cái cuộc đời Việt Nam đương trỏ nên
một cuộc đời khác... Đó là ta muốn gọi là một sự tiến bộ cũng được, nhưng khi
trèo bước tới một cuộc đời quốc tế đó, ta phải nhận rằng: cái gì sâu xa, chân
thật trong tâm hồn, trong cuộc đời Việt Nam đã rơi rụng hết, để nhường chỗ cho
những cái khác ở ngoài vào... Đó có thể là một sự rất may mắn cho cuộc sinh hoạt
của cả dân tộc, nhưng là một điều rất không may cho văn chương. Cái nhiệm vụ
của nhà văn Việt Nam trong lúc này thiệt là nặng nề mà cũng thật rõ ràng: được
chứng kiến một giai đoạn độc nhất trong lịch sử, nhà văn Việt Nam với sự tai
nghe mắt thấy trong giờ phút này phải tạo tác ra một nước Việt Nam trong văn
chương.
"Một nước Việt Nam còn ngân mãi bởi
những câu hát đúm của các cô gái quê, còn sống mãi bởi cái phong vị say sưa của
các cô gái quay tơ (vì cái chế độ đại kỹ nghệ sắp làm chết cái nghề tầm tang
đầy thi vị) và lưu giữ mãi bởi cái này và cái kia đã làm nên những cái đặc sắc
của một nền văn chương.
"Nhà văn Việt Nam trong lúc này có cái
sứ mệnh phải tiếp tục quá khứ, và truyền giao quá khứ ấy lại cho hậu lai, làm
cho người Việt Nam bất diệt trong tinh thần, trong tư tưởng.
"Xưa kia ta đã sống một cách rụt rè,
lười biếng.
"Đã đến lúc ta phải siêng năng trong
sự phô diễn tư tưởng cố gắng trong sự sáng tạo. Với những tài liệu hoàn toàn
Việt Nam, ta sáng tạo lại những cảnh đời Việt Nam sắp sụp đổ.
"Tôi cầu nguyện cho sớm xuất hiện
một cuốn thơ hay một cuốn tiểu thuyết xây dựng với những tài liệu lấy ở đất
nước và một thiên tài của xứ sở, một cuốn thơ hay là một cuốn tiểu thuyết có
thể nói với thiên hạ rằng: "Đây là một tác phẩm của người Việt Nam, một
giống người đã nghĩ và đã cảm".
"Cái tác phẩm mong mỏi ấy, ta phải
can đảm mà nhận rằng hiện nay ta chưa có, nhưng rồi ta phải có - nếu quả Trời
chưa muốn nước Việt Nam ta phải diệt hẳn ở trong tư tưởng của người đời".
Trên Tràng An số 69 (3-10-42) Lưu Trọng Lư
viết bài "Sự hài hước trong dân chúng Việt Nam",
lên tiếng cực tán nền văn chương dân gian, một nền văn chương thuần túy dân
tộc, không chịu ảnh hưởng Tàu hay Tây.
"Nước ta là trong những nước có một
nền phong tục thuần nhã và trang nghiêm vào hạng nhất. Ảnh hưởng Khổng giáo với
một luân lý chặt chẽ đã đi sâu vào tâm hồn mỗi chúng ta; những khuôn phép, lề
lối đã làm cho ông cha chúng ta trở nên những trang văn nho lễ độ và đài các.
"Văn chương vì vậy lúc nào cũng đượm
một vẻ nghiêm nghị, thận trọng, và nhà văn sĩ hay thi sĩ trước nhất là một nhà
đạo đức. Người ta ít tìm thấy những cử chỉ hài hước, bông lơn. Hồ Xuân Hương là
một ngoại lệ.
"Nhưng đó phải chăng là tính cách
đặc biệt Việt Nam. Văn chương ấy là do một số thượng lưu, tinh ba trong nước,
được thấm nhuần văn học, những lời lẽ của Thánh Hiền. Họ là số ít. Ta phải đi
xuống thấp hơn, đến những hạng người mà sách vở là non sông, cây cỏ, những
người chỉ được học trong quyển sách thiên nhiên: đất đai, đồng ruộng, là nơi
họ sống - Tôi muốn nói đến bình dân - Chỉ có bình dân là hình ảnh rõ rệt của một
dân tộc... Chỉ ở đó ta mới nhận thấy tâm hồn chất phác, tự nhiên nẩy nở, không
bị ràng buộc bởi những tục lệ quá cầu kỳ.
"Đó ta thấy họ ca tụng ái tình, họ
biết yêu, và không giấu giếm cõi lòng.
"Cả một văn chương chân thật, cảm
động, súc tích trong những câu ca dao mộc mạc, mà bà mẹ hát ru con hay đứa mục
đồng nghêu ngao trên lưng trâu giữa những lề ruộng um cỏ, trong những câu hò
bên sông, trong những điệu hò khoan, mà ta đã nghe trong những cuộc giã gạo
dưới trăng, giữa những làng quê bình lặng, hay trong những truyện cổ tích mà ta
đã được nghe bà hay mẹ kể lại cho.
"Tôi để riêng những tính cách đạo
tình - người ta đã nói nhiều - tôi, chỉ nói riêng về tinh thần hài hước. Họ
châm biếm nhau trong những lời hát ứng khẩu giữa trai gái... Đây ta thấy người
dân Việt Nam ranh mãnh, lanh trí, nhận xét rõ ràng về thực tế, thấy rõ những
tật xấu, tính hư của người bên cạnh và rất sẵn lòng nêu ra cho kẻ khác thấy.
Thực họ cũng hơi ác thật... Đây là người học trò "dài lưng tốn vải"
bị giễu:
"Nhất sĩ nhì nông, không gạo chạy
rông, nhất nông nhì sĩ".
"Đây người trọc phú hà tiện bị đem
ra làm trò cười, đây một ông già có hầu non, đẹp bị họ chế nhạo...
"Nhưng những tính cách ranh mãnh,
mồm mép, đùa bỡn, hơi cay nghiệt ấy không đâu rõ rệt bằng trong một bộ sách - ta
có thể gọi đó là một bộ sách, dầu không ai biết nó dầy mỏng bao nhiêu - một bộ
sách mà ít người để ý đến, tuy nó rất có giá trị để hiểu biết rõ ràng tâm lý
của người Việt Nam dân giả...Quyển sách đó, có lẽ là quyển sách hài hước bực
nhất trong tất cả các văn chương, là quyển "Tiếu lâm". Và đó có lẽ
là bộ sách đặc biệt Việt Nam nhất.
"Tương truyền rằng tác giả Tiếu lâm
là một người học trò thi mãi không đậu, phẫn chí, viết ra để công kích, chế
diễu thiên hạ. Khi làm xong, vì châm biếm tất cả trời đất nên lăn ra cười rồi
chết... Tuy nhiên, đó không phải là công việc của một người. Nó cũng như ca dao
ngạn ngữ, là của chung của nhiều người, lần hồi truyền tụng cho nhau.
"Người ta đã buộc nhiều về "Tiếu lâm". Nhưng tại sao lại bắt người ta phải giấu giếm những cái mà lòng
họ nghĩ ra... Người ta thường nói đến tính cách quá sỗ sàng, hay cứ nói
thẳng... tục tằn của bộ sách ấy, - nhưng nó là cái biểu thị dĩ nhiên của những
hạng người sống tự nhiên giữa ruộng lúa, giữa khoảng đất rộng trời cao, không
bị một bó buộc tinh thần nào cả.
"Nhưng nếu công việc của "Tiếu
lâm" là làm cho cười, những câu chuyện cỏn con, lý thú ấy đã rất thành
công. Cái cười tuy thô tháp, nhưng nó là cái cười nở trên những cặp môi bình
dị, tự nhiên, nó không như chiếc hoa tỉa vẽ, uốn nắn trong những chiếc chậu
kiểng xưa, nó là cây đại thụ bao quát cả một khoảng non sông.
"Ta đã nói bộ "Tiếu lâm"
cho ta biết rõ tâm lý của người dân Việt Nam. Trước hết đó là một người vui vẻ,
thích diễu cợt, bông đùa. Họ lại rất tỉ mỉ về khoa nhận xét... vạch rõ những bí
ẩn của những đời tư... của ái tình... Và họ cười... Họ cười không phải để cải tạo
xã hội, để sửa sang tính nết của người họ cười, theo như quan niệm của nhà
triết học, họ cười vì họ ưng cười... Nhưng cái cười ấy có vẻ chua cay lắm. Họ
nhận xét quá rõ ràng thành ra họ không còn tin tưởng gì nữa. Họ không tin đến
cả ái tình, mà ta cho là thiêng liêng, đáng quý.
"Từ chỗ thiếu tin tưởng, họ đến chỗ
không biết kính nể ai cả. Cả đến trời đất, quỷ thần họ cũng đem ra châm biếm...
"Sự dĩ nhiên đó không phải là tánh
tốt, nhưng đó là sự thật.
"Và cũng như bài ngụ ngôn của thời
phong kiến Pháp (Roman de Renart, Les Fabliaux) ta không nhắc đến thơ của La
Fontaine, vì đó là văn chương, lời lẽ quá đẹp, ý tứ quá sửa sang, khuôn phép là
tinh thần của người dân giả Pháp... "Tiếu lâm" là hồn của dân giả
Việt Nam.
"Ta có quyền khinh họ, nhưng ta phải
công nhận rằng họ không dối lòng họ. Việc gì phải che đậy những cái không đáng
che đậy.
Tuy nhiên tôi không khuyên đọc "Tiếu
lâm", biết đó là những sự thật nhưng có những sự thật ta không cần biết
đến. Và ta chỉ nhắc đến tên "Tiếu lâm" để biết rằng nước ta không
phải thiếu tinh thần hài hước" (Tràng An số 69, 3-10-1942).
Tràng An số 107 (5-1-43), Lưu Trọng Lư nói
về Nguyễn Công Trứ và coi ông có một cái gì chưa từng có ở trong văn chương
Việt Nam, một nguồn cảm hứng mau lẹ, quả quyết như một đạo cảm tử :
"Nguyễn Công Trứ không chỉ là một
thi sĩ của Quốc gia, mà còn là một bậc công thần xứng với nền Quân chủ, một nhà
nho xứng với Thánh đạo, hơn thế nữa, một võ tướng có thao lược, một nhà chính
trị có tài kinh luân, một người có tiết tháo. Cái sự nghiệp của tiên sinh ai
cũng biết rõ, không cần phải nhắc lại nữa. Ta chỉ nên ký nhận rằng trên tâm hồn
của tiên sinh, trên thân thể của tiên sinh, đã un đúc, đã tụ kết lại bao nhiêu
cái hay, cái đẹp, cái hùng, cái mạnh của cái tinh hoa chủng tộc.
"Thật là sự điều hòa của những cái
tương phản nhau: sự điều hòa của Mộng với Thực, cái ngông cuồng của một kẻ
lãng tử, với cái nề nếp của một nho sinh, và cuối cùng là một sự điều hòa của
thơ văn với Khổng giáo. Nguyễn Du muốn là người bạn hoàn toàn của thơ văn, đã
phải lảng Nho mà theo Phật... Nguyễn Công Trứ vẫn ở trong cái phong khí khắc khổ
của Nho, mà vẫn khoáng dật thích thảng như một đồ đệ của lão Trang. Tiên sinh
vừa hành binh, trị nước, vừa ngâm hoa vịnh nguyệt mà cái này không hại đến cái
kia.
"Thành thực ta phải nhận rằng Nguyễn
Công Trứ không có cái nghệ thuật điêu luyện của Chu Mạnh Trinh, Nguyễn thị
Điểm, không có cái tâm hồn uyển chuyển của Nguyễn Du, hay cái giọng điệu dễ
dàng của Hồ Xuân Hương, nhưng ở trong thi văn của Nguyễn Công Trứ, một cái gì
chưa từng có ở trong văn chương Việt nam - một nguồn cảm hứng mau lẹ, quả quyết
như một đạo cảm tử. Cái thể ca trù nhờ pháp thần của Nguyễn Công Trứ đã trở nên
một thể cách hoàn toàn Việt Nam, rất thích hợp với sự diễn xuất hùng mạnh... Tôi
nhớ như có một lần ông Huỳnh Thúc Kháng ví cái điệu thơ ấy với thủy triều -
thật không phải là một lời nói vu vơ. Điệu ca trù còn hơn là một sức mạnh nữa.
Nhưng khi những bài thơ ấy, ngâm lên với điệu phách nhịp đàn, thì ta lại thấy
nó có một vẻ hào phóng vừa trả lời vừa kín đáo, vừa gắn bó, vừa sỗ sàng. Nó là
một thứ sản vật hoàn toàn Việt Nam, nó phải lâu dài với đất nước. Một ngày kia,
năm bảy trăm năm sau, trong cái đám hậu lai man mác, nếu có một người nào còn
ngâm được một bài ca trù của Nguyễn Công Trứ chẳng hạn, tôi tin rằng người ấy
có một mối u sầu nặng bâng khuâng nhớ tiếc một thời khoáng dật to nhớn, rộng
rãi và kiêu sa. Cái thời buổi của những nhà nho tuy vẫn nhọc nhằn cặm cụi với
nhân sinh, nhưng cũng là những kẻ "bốc giời" phung phí mà không
tiếc tay, những kho tàng vũ trụ, những kẻ biết sống mà cũng biết chơi, biết làm
trọn nghĩa vụ mà cũng biết rõ cái đùi non mà giốc hớp rượu cuối cùng...
Cho nên sau một cuộc đời sóng gió, hoạt
động, Nguyễn Công Trứ hàng ngày thường thắng một cái xe bò mà ngao du sơn thủy.
Đó cũng chỉ là để tỏ một lần nữa rằng: sau khi là một bậc công thần, một tay
thao lược, một kẻ "chiến sĩ", Nguyễn Công Trứ ung dung và thích
thảng, đánh xe đi ra ngoài cõi thế, vừa phẩy quạt vừa mỉm cười, để đùa với cuộc
đời, đùa với số mệnh.
"Nguyễn Công Trứ vào đời nghiêm
trang như đức Trọng Ni, ra đời hiền vui như thầy Trang Tử. Không phải chỉ là
một thi nhân đáng lưu truyền hậu thế, mà là một quan niệm về nhân sinh đáng
truyền bá ra giữa cuộc đời âu tây chật vật.
"Một người như Nguyễn tiên sinh, khi
là một vị đại thần, rồi khi chỉ còn là một tên lính nhỏ, rồi từ một tên lính,
lại nhẩy lên một địa vị tướng quân, đánh Nam dẹp Bắc, cho đến khi về già thắng
một cái xe bò, và cô hầu non, ngao du khắp chín mươi chín đỉnh Hồng sơn, mà
người như thế hẳn có thể dạy ta được một cái gì mới về sự sống của con người.
Thật là "Lãng mạn", thật là ngông nhưng mà người ấy đã là một kẻ
giúp đời, và có công lớn với Tổ quốc. Nguyễn Công Trứ đã tỏ ra cho chúng ta
thấy rằng: văn chương và hành động là hai điều biệt lập, và một tâm hồn lãng
mạn cũng không thể hại đến chí chiến đấu, nếu quả người ta muốn chiến đấu" (Tràng An, số 107, 5-1-1943).
Hán Quỳ ca ngợi Thế Lữ, Huy Thông, Nhược Pháp
Trên Tràng An số 108 (24-3-1936), Hán Quỳ ca ngợi Thế
Lữ, Huy Thông, Nhược Pháp mà ông coi là giống Lamartine, giống V. Hugo, giống
Musset:
"Những cuộc cãi nhau về "thơ
cũ" và "thơ mới" đã qua. Nay chúng ta chỉ biết có thơ. "Thơ mới" chỉ là một hình thức của Thơ để diễn tả những tính tình và cảm
giác của tâm hồn người ta ở thời đại mới.
"Thơ mới" đã đứng vững với tác
phẩm giá trị của những thi sĩ có tài: Thế Lữ, Huy Thông, Nhược Pháp.
"Cũng ba tên ấy gợi cho tôi ý viết
bài này. Đây tôi không phê bình. Tôi chỉ là một người yêu thơ, ham đọc thơ nói
chuyện cùng các bạn những điều hay hay mình đã thấy.
"Xem thơ của ba thi sĩ trên kia, trong
trí tôi nẩy ra một sự so sánh : Thi ca Việt Nam vào hồi này cũng tựa như thi ca
nước Pháp vào khoảng 1830. Tôi không nói Thế Lữ, Huy Thông, Nhược Pháp giống đủ
phương diện những thi sĩ Pháp hồi đó. Nhưng phong trào thơ bên Pháp hồi 1830 và
thơ ta bây giờ có chỗ so sánh được.
"Với Lamartine, thi ca lãng mạn xuất
hiện. Lamartine đem lại cho văn chương Pháp một lối thơ mới về tình cảm và âm
điệu, hợp với tâm hồn người đương thời, nên được công chúng cực lực hoan
nghênh. Cái buồn vẩn vơ, nỗi ước ao một đời cực lạc, những tiếng than não nuột
trong thơ Lamartine đã làm "mê" cả một xã hội. Nhưng bên cạnh thi
sĩ cái hồi đó người ta đã để ý đến một thi sĩ trẻ tuổi khác. Victor Hugo trong
hai tập Odes et Ballades và Les Orientalesđã từ thơ ly tao đi đến
thơ hùng tráng. Buồn vẩn vơ và mơ ước cuộc đời lý tưởng cùng Lamartine người ta
theo trí tưởng tượng của Hugo sống lại thời xưa mãnh liệt cùng những cảnh lộng
lẫy của "phương đông". Đến năm 1830 Musset bước lên văn đàn, cười
rộ. Tập Contes d'Espagne et d'Italie của ông là một tiếng cười hóm hỉnh
và tinh quái lẫn giữa giọt nước mắt não nùng của Lamartine và những cảnh rực rỡ
oai nghiêm của Hugo.
"Ba thi sĩ đi ngang nhau làm thi ca
Pháp rực rỡ một thời.
"Nhưng ta hãy để công việc phê bình
ba thi sĩ ấy cho nhà văn học sĩ nước Pháp...
"Mỗi lúc đọc thơ Thế lữ, tự nhiên
tôi nghĩ đến Lamartine. Cũng như nhà thi sĩ Pháp, Thế Lữ bắt đầu một kỷ nguyên
mới về thi ca. Ông Hoài Thanh đã bàn rõ điều này trong một bài phê bình thơ Thế
Lữ. Tôi chỉ nhắc qua rằng: Lamartine là thi sĩ xã hội Pháp mong đợi sau những
cuộc binh lửa khắp Âu Châu dưới triều Napoléon 1er, cũng như Thế Lữ đã "ru" người ta "dạy cho cả một thời đại yêu" (Hoài Thanh), kiếm
sự an ủi trong tình yêu và mơ mộng, tìm một lý do để vui sống sau những vụ đổ
máu năm 1930. Thanh niên ta hồi đó đang bỡ ngỡ trước những tấn kịch thảm khốc
dễ làm họ chán đời vì chán nản. Thi sĩ Thế Lữ kịp thì ra an ủi họ. Những bài
thơ đầu của Thế Lữ đăng ở báo Phong Hóa được người ta hoan nghênh cũng như
tập Méditations của Lamartine được dân chúng Pháp ca tụng hơn một trăm năm về trước (1820).
"Nếu thơ Thế Lữ "ru"
người ta thì thơ Huy Thông mạnh mẽ và mới lạ hơn. Ông Lê Tràng Kiều đã ví Huy
Thông nhà thơ ly tao và hùng tráng với V. Hugo. Sự so sánh ấy tôi tưởng đúng
lắm từ cái tuổi cho đến cái tài và nàng thơ "Siêng năng" của thi sĩ
Phạm Huy Thông.
"Như Alfred de Musset, Nguyễn Nhược
Pháp đã dám cười khi người ta đang mơ màng theo Thế Lữ hay hậm hực như mang hận
chiến sĩ theo Huy Thông Musset nói truyện Y Pha Nho, Ý Đại Lợi thì Nhược Pháp
kéo chúng ta về "ngày xưa", ngày xưa cũng là một xứ lạ đối với hiện
tại của nước ta. Trong cảnh lạ và khác ấy, thi sĩ Nhược Pháp ấy xen lẫn nụ cười
của ông, nụ cười "hóm hỉnh" và có duyên rồi ông giục chúng ta cười
theo...
"Chỗ giống nhau giữa thi ca nước
Pháp một trăm năm về trước vần thơ ta hiện giờ không làm tôi ngạc nhiên. Văn
chương lãng mạn Pháp ảnh hưởng sâu xa đến văn chương hiện đại của ta. Vả lại
thi ca ta cũng ở vào một trường hợp giống như thi ca Pháp vào hồi 1820-1830.
"Thế Lữ, Huy Thông... cũng là những
nhà thơ lãng mạn thành thử đối với Pháp về thi ca ta sống thụt lùi một thế kỷ.
Sự chậm trễ đó không có gì đáng trách vì ta theo gót người - nếu có thể nói
được như thế. Mà trách sao được? Chúng ta không có quyền kết án thơ lãng mạn.
Tuy thế, xã hội ta ngày nay không phải là xã hội Pháp hồi năm 1830. Ta không
thể cấm đoán thi sĩ lãng mạn, mơ màng song ta có quyền mơ ước: ngoài những giờ
mơ màng đắm say trong giấc mộng các thi sĩ nên nhìn cảnh đời xung quanh mình mà
ca lên cho ta nghe những bài ca nói đến người nghèo, đứa con ghẻ xã hội, một
thi sĩ có chân tài thì dù trong giấc mộng đẹp đẽ hay trước một cảnh thực tế
thảm khốc dơ dáy, cũng tìm được những vần hay ý mới. Cuộc đời hàng ngày là một
kho tài liệu cho thi ca, cho thi ca lãng mạn nữa.
"Về tiểu thuyết ta đã có những quyển
như Kép tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng. Ta cũng
mong các thi sĩ vẽ cho ta đọc những bài thơ nói đến sự thực gần ta như thế" (Tràng An, số 108, 24-3-1936).
Xuân Phương ca ngợi tập Xác Thu của Hoàng Điệp
Bây giờ không còn phải là lúc một tờ báo chỉ bênh thơ
mới hay thơ cũ nữa. Trên mặt báo Tràng An, nhà thơ mới Lưu Trọng Lư, bỏ thơ
mới, quay về dĩ vãng, ca ngợi, phê bình thơ cũ. Cũng trên mặt báo Tràng An
nhiều người vẫn tiếp tục tán dương thơ mới của nhiều nhà thơ mới, có điều họ
không khen thơ mới như là thơ mới mà chỉ khen như là thơ hay, thơ có giá trị
không đả động gì đến mới hay cũ.
Xuân Phương, trên Tràng An số 314
(22-4-38) phê bình và ca tụng ba tập thơ: Hận chiến trường, Điêu
tàn, Xác thu là ba tập thơ ra đời năm 1937:
Với tập Xác thu, ta không phải theo ông
Hoàng Điệp ra bãi chiến trường đầy cả xương, tanh cả máu, hay bay lên cung Hằng
để nghe ngóng hơi thơ của muôn tiên, để hớp lấy dòng trăng đương chảy. Ta chỉ
nhẹ bước theo sát ông, nhập vào ông để cùng ông nuốt lấy cái Đau thương, vồ lấy
cái Chán nản trong người ông. Ta hãy nghe tim ông hồi hộp, hồn ông rung chuyển
khi mùa thu tới:
Tất cả mùa thu vàng xám lại
Chán chường cũng lại giết hồn tôi
(Xót xa)
Và trong lúc ông thất thểu đi tìm lại cái linh hồn
trong sạch ngày xưa, ông chỉ thấy trơ vơ những xác chết trên vệ đường: Hẻo
lánh bên đường ít quán tranh.
Này đây sắp sửa lá xa cành
Vài ba cánh cửa không buồn mở,
Khói nhẹ lan chùm cỏ xám xanh
(Xác thu)
"In hình như ông Hoàng Điệp bị hoàn toàn thất
bại trên đường tình, nên ông chỉ lấy cái Đau khổ làm Nàng Thơ để ôm ấp, nâng
niu trong những đêm buồn nản ông đã quá tàn ác mà đặt tên người yêu ông là Nàng
Đau đớn để kêu gọi, van xin:
Hỡi nàng Đau đớn của ta ơi!
Khổ lắm, cho ta một nụ cười,
Hãy nắm tay ta thêm chút nữa
Để truyền cảm giác xuống đầu môi.
(Đau đớn)
"Nhưng càng van xin chừng nào, người yêu ông vẫn
không buồn trở lại, nàng vẫn là một hình ảnh đau xót trong trí tưởng tượng của
ông mà thôi:
Anh chỉ yêu em... ngồi xích lại
Cho anh gạn hỏi một đôi điều,
Cho anh lọc hết dòng cay đắng...
Có phải em là: xác quạnh hiu.
(Đau đớn)
"Từ cái buồn rướm máu ở đáy lòng ông cho tới cái
buồn bao la của vũ trụ, của những buổi chiều vàng úa, của một đêm trăng nhạt
nhạt, ông đều tả ra với những lời thơ thật dễ thương và mới lạ:
Trong tôi:
Mặt trăng mờ nhạt.
Ngôi chùa đổ nát
Con đường quạnh hiu.
Một buổi chiều,
Tôi đón lời tiêu,
Tôi đưa lá chết
Tôi nhìn đám tang,
... Xác thu vàng!
(Đám tang)
"Với ông Hoàng Điệp, ta được thấy những khung
cảnh nho nhỏ, xinh xinh và bao gồm được lắm ý nghĩa sâu xa.
Ai đi nhặt tiếng vàng rơi
Trong trăng trong gió, trong người, mùa Thu.
"Ta cũng đủ hiểu tác giả muốn đi tìm những tấm
ảnh tầm thường, giản dị và diễn tả được cái tầm thường "Không màu sắc" ấy, là tài riêng của ông Hoàng Điệp.
"Mùa Thu của ông mới và lạ lắm, đầy
những lá vàng đẫm máu, vang dậy cả tiếng lòng u uất, hình ảnh của một đời tình
đau khổ (Nếu tôi không lầm).
"Về nghệ thuật, tập Xác Thu hẳn có phần kém hơn hai
tập Hận chiến trường và Điêu tàn. Những lối thơ tám chữ của ông Hoàng Điệp cần phải sửa đổi thêm nhiều.
"Nhưng nói về ý tứ sâu xa để giải
phẫu tình yêu, nói đúng hơn, một mối tình tuyệt vọng, tràn cả mùi "xót xa", cả vị "cay đắng", tập "Xác Thu" sẽ là một tập thơ có giá
trị riêng về chỗ đó.
Xuân Phương ca ngợi Hận Chiến Trường của Thanh Tịnh
"Ông Thanh Tịnh với tập Hận chiến trường đã tả hết sự tàn ác của chiến tranh, đã níu hồn ta lại
những nơi tràn cả thây người, nặc cả mùi tanh của máu xương và sặc sụa cả hơi
thuốc súng. Có lúc ông lại nhịp đàn lòng theo điệu trầm bổng của một chiều mong
đợi, của nỗi niềm thương tiếc dưới bóng trăng chênh, hay là một linh hồn "Lạc lối giữa thành sầu mù mịt".
Xuân Phương ca ngợi Điêu Tàn của Chế Lan Viên
"Giữa lúc ấy, ông Chế Lan Viên lại ranh mãnh
hơn, gan dạ hơn. Ông sụp xuống mồ vô tận để đánh thức yêu ma. Ông bay lên
nguyệt điện để sai biểu tinh tú. Ông lang thang đi tìm người chiêm nữ lúc ẩn
lúc hiện trong đêm biếc, giữa dòng trăng. Ông điên hẳn lên, ông không phải là
ông nữa, ông là cái sọ dừa vỡ rạn, ông là đám dân chiêm sống lại, ông là muôn
sao đang chới với, ông là máu, là xương, là tủy, là trăng là mây, là gió v.v...
"Ông Hoàng Điệp lại thầm kín, rụt rè
quá. Ông không dám bước nặng, ông không dám la to, vì ông sợ phải lay đổ cả,
cái im lặng đầy bí mật của đêm thâu của khói hương bay, của làn sương mỏng. Ông
đi nhặt những mảng trăng rơi lả tả trên tà áo của thiếu nữ, ông ngừng hơi thở
để nghe những xác cây nẩy nở những lời thán oan của chiếc lá lìa ngành. Ông lại
một mình lẳng lặng xây đắp trong hồn ông một cảnh thu kết bằng lá Đau Thương và
Cảnh Chán Nản.
"Các thi sĩ thường sung sướng hay
đau khổ và thường sống trong những cảnh tưởng tượng. Họ sống riêng trong những
thế giới riêng của họ. Nhưng thế giới ấy là bãi Chiến Trường của ông Thanh
Tịnh, là cái tháp điêu tàn của ông Chế Lan Viên, là những xác lá chết của ông
Hoàng Điệp.
"Nói tóm lại, làng thơ năm 1937 đã
hiến cho ta ba viên ngọc quý:
"Hận chiến trường, Điêu
tàn và Xác thu" (Xuân Phương, Tràng An, 22-4-1938, số 314)
Lương An ca ngợi Lửa Thiêng của Huy Cận
Lương An, trên Tràng An số 12 (tháng 3 năm 1941) ca
ngợi Lửa Thiêng của Huy Cận và nhìn nhận có một nguồn thơ bất diệt:
"Đọc những bài thơ này, người ta ngỡ
đâu như đọc bài "Premières Solitudes" của Sully Prudhomme, tả bọn
học trò còn nhỏ phải đưa vào trường, đêm khuya nhớ nhà ôm nhau mà sụt sùi.
"Tuy nhiên cái đời học sinh trẻ thơ
ấy có bao giờ lâu dài được đâu, người ta chỉ có thể vô tư vào độ hai mươi trở
xuống; từ tuổi ấy trở lên người ta đã bắt đầu bước vào cuộc đời và nhấm vị
chua cay của nhân tình thế sự. Tâm trí, hoài bão, ý niệm người ta cũng đổi khác
đi. Lúc này là lúc phải lo âu, phải suy nghĩ để tìm lấy một xu hướng.
"Thi nhân của ta cũng thế. Tuy sự
thay đổi trong đời chàng chỉ là một sự thay đổi không khí cỏn con nhưng cái
tuổi không cho phép chàng ngây thơ như trước nữa. Bởi lẽ ấy người ta bắt đầu
thấy Huy Cận buồn buồn. Mối buồn của thi nhân bao giờ cũng là một mối buồn vô
hạn. Huy Cận cũng trở nên thi sĩ của tình cảm thống thiết, cũng tham lam đòi
hỏi tình yêu, nhưng chàng thực chưa nặng tình cùng yêu mến như "Bạn chàng
Xuân Diệu".
"Chàng cũng yêu tất cả, nhớ tất cả.
Tâm hồn chàng là một khu vườn cũng theo mùa mà nở hoa hoặc hiu quạnh. Tâm hồn
chàng bây giờ là đối tượng của những hiện tượng của thời tiết. Một điều đáng
chú ý là cái nhớ của chàng rất đỗi mênh mông và ôm trùm cả vũ trụ.
"Nuôi một mối tình muôn dặm, yêu vẩn
vơ một nàng cỡi ngựa trong rạp xiếc, nằm trông lên thả mộng ra khắp phương
trời, nếu không phải chàng Huy Cận đang độ vô tư lự thì là ai nữa! Những hành
động thơ ngây, những mối tình trẻ trung ấy phải là của một chàng thi nhân sống
ngoài nhân tình thế sự; chàng thi nhân ấy nếu không phải Huy Cận thì là ai nữa! Nhưng ngày thơ ấu ấy bây giờ không còn nữa. Bây giờ là độ thanh xuân chạm
trán với cuộc đời, bây giờ là lo âu, là nghĩ ngợi. Bắt gặp cảnh biệt ly mà sầu,
đi giữa đường thơm mà lo tình mất, thấy dấu chân trên đường mà thẩn thờ, nghe
mưa rơi lác đác mà buồn buồn, chao ôi, sao lòng chàng thi nhân của ta thiết tha
và dễ cảm xúc đến thế.
"Sở dĩ Huy Cận buồn thương như vậy
là vì chàng lo sợ một ngày rất gần hạnh phúc sẽ không cười duyên với chàng nữa,
mà chàng thì ham sống và tin vào cuộc đời quá. Chàng sầu vì tâm can chàng bắt
chàng phải thế. Đó là một trong những lý do đã đưa chàng lên lầu thơ bất tuyệt.
Mối sầu của chàng có thể cho là một mối sầu vạn cổ.
"Từ đây Huy Cận là một con người
nặng tình sông núi, cảm gió sầu trăng. Bây giờ chàng đã thấy những sự mâu thuẫn
của đời nên thơ chàng cũng rẽ vào lối "đoạn tràng". Chàng chạy theo
rõi một mối tình mất mà thương tiếc; Chàng ngậm ngùi khi nắng chiều xế vàng
trên bãi; chàng nhớ nhà vì một cảnh tràng giang; chàng ngơ ngẩn khi bắt gặp
một cảnh thu trên núi rừng; chàng thẫn thờ sau một cái xe tang; chàng đau khổ
khi nghĩ đến một ngày sắp tới người sẽ mất hết linh hoạt để "bước vào mồ
nhỏ tí" Chàng đã bị những sự mắt thấy tai nghe hàng ngày cảm hóa và làm
cho xúc cảm nhiều quá. Ý nghĩ của chàng chỉ quanh quẩn trong cõi sầu thương;
chàng là thế đó, trọn một đời thương nhớ và hồn bị thiên hạ bỏ đìu hiu; chàng
than thở với Thượng Đế, đã làm ra thân thể con người để đau khổ và để làm nên
tội lỗi.
"Huy Cận sinh ra với một tấm linh
hồn đơn chiếc, đa sầu đa cảm. Chàng than van không có bạn bè tri kỷ, chàng đi
bơ vơ trên đường đời âm thầm và đau đớn. Tình yêu không lưu luyến chàng, mọi
việc gợi ra trước mắt chàng sự ê chề, sự chán ghét. Tất cả những nguồn sống ở
đời đối với chàng đơn sơ quá nên không thể làm cho cái tinh thần sinh hoạt của
chàng (vie intellectuelle) đầy đủ được.
"Tả một phong cảnh tráng lệ biết
bao. Mây đun núi bạc chim nghiêng cánh nhỏ, nhẹ nhẹ ánh chiều sa, tưởng ngần ấy
cũng đã đầy đủ như một bức tranh của một họa sĩ tài hoa. Chính thi nhân cũng
nhận rằng cái cảnh tràng giang ấy đã làm cho mình ca tụng và mê mẩn. Ta hãy nghe
thi nhân nói cảm giác của mình:
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
"Ngày xưa, Thôi Hiệu đứng trước cảnh lầu hoàng
hạc mà ngậm ngùi và thấy khói sóng trên sông mà nhớ nhà.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Nhưng ở đây, Huy Cận thấy trời nước mông mênh quá
tráng lệ quá mà nhớ nhà. Vì lẽ ấy mà cảnh không tang thương, lòng không hoài
cổ, sông không đùn sóng mà cũng ngậm ngùi mối tình lữ thứ.
"Tả một buổi chiều xuân, Huy Cận
viết:
Hai hàng cây xanh
Đâm chồi hy vọng...
Nhạc vươn lên trời
Đời măng đang dậy
Thật là nói đủ tất cả hy vọng, trẻ trung, êm dịu của
một mùa xuân.
"Tả một cảnh thu ở núi rừng:
Non xanh ngây cả buồn chiều
Nhân gian nghe cũng tiêu điều dưới kia
"Xem chữ "ngây" nó nhẹ nhàng, thấm
thía biết bao. Không, mùa thu đến non xanh có buồn gì đâu; non xanh chỉ thấy
trời buồn mà buồn lây mà thẩn thờ lây đấy thôi.
"Đại để chỉ đơn cử ngần ấy tỉ dụ kể
cho hết thì quá dài. Những chữ vừa trích ra đây trong tập "Lửa
thiêng" không phải ít. Đọc nó lên là thu được một cảm giác, thấy
được một cử động, nghe được một dư thanh. Thực là những chữ "thần tình".
"Thơ Huy Cận nhờ thế mà trong như
thủy tinh và đẹp như ngọc thạch. Đọc Xuân Diệu thấy trong người sôi nổi ngọn
trào lòng rào rạt; đọc Huy Cận thấy trong người lâng lâng, tâm hồn khoan
khoái. Trí phán đoán sáng suốt mắt nhận xét tinh vi, cách dùng chữ thần tình.
Đó là ba đặc điểm của Huy Cận.
"Văn Huy Cận là một thứ văn chải
chuốt; tình Huy Cận là một tấm tình đơn giản mà thấm thiết.
"Đừng thấy chàng buồn buồn mà cho
chàng là người lạnh nhạt hững hờ; đừng thấy văn chàng chạm trổ quá mà cho là
mất vẻ tự nhiên. Huy Cận viết văn rất điêu luyện; song không bao giờ để rơi
những ý niệm của mình. Bởi vậy khi đọc thơ Huy Cận ta thấy trong người nhẹ
nhàng nhu khoái. Đã lâu lắm từ ngày "Thơ thơ" ra đời đến nay mới
lại có một tập thơ đã khiến người phải đọc đến mà sinh vô hạn cảm tình với tác
giả.
"Tập thơ "Lửa thiêng" là một tập thơ rất đáng chú ý về tình cảm cũng như về văn pháp. Không cần
so sánh cũng đủ nhận thấy đó là một tập thơ hay và tác giả là một thi nhân có
đặc tài. Trong công cuộc xây đắp thi giới nước nhà, một tập thơ như thế là tất
cả một sự gắng công, và có lẽ là một công trình văn nghệ rất đáng chú ý nữa.
"Huy Cận hiện đang đi tới giữa chúng
ta với một tài hoa đương thời nảy nở. Tương lai của chàng chắc hẳn càng tốt đẹp
và sáng lạn hơn nữa.
"Lửa thiêng" ra đời, được hoan nghênh nhiệt liệt, cái đó không phải nghi ngờ gì nữa.
Nhưng phần thưởng đích đáng nhất cho Huy Cận là tác phẩm của chàng sẽ được sống
lâu (Lương An, Tràng An, tháng 3 năm 1941, số 12).
Xuân Tâm ca ngợi Xuân Diệu
Trên Tràng An số 405, 21-5-1939, 406, 24-5-1939, Xuân
Tâm phê bình thơ thơ của Xuân Diệu với lời lẽ rất to tát và coi "Thơ thơ" là "một quyển sách để đầu giường" của ông:
"Như tôi đã nói, nghệ thuật của Xuân
Diệu rất lão luyện bên nhà thi sĩ có tài tâm hồn muôn điệu, lại có nhà thợ thơ
tinh xảo, có kinh nghiệm nhiều và nhất là rất tận tụy với nghề mình.
"Tuy lối thơ lục bát của Xuân Diệu
không được mềm dẻo và du dương như của Thế Lữ, nhưng trái lại lối thơ hoàn toàn
mới với những câu tám chữ và vần liên tiếp, hay lối thơ gồm có từng đoạn bốn
câu hoặc tứ tuyệt, hoặc thơ mới với vần song hành, lại rất xuất sắc.
"Đọc những bài Cảm xúc, Vì sao,
Trăng, Huyền Diệu, Yêu xa cách, Phải nói, Đây mùa thu tới, Hẹn hò, Vô biên,
Tương tư, Chiều, Với bàn tay ấy, và gần hết những bài khác, người ta thấy lời
thơ chảy song suốt từ đầu đến cuối, không bỡ ngỡ không khó đọc, mà rất dễ dãi.
Lắm đoạn vụt lên rất tự nhiên rất nhẹ nhàng, khiến ta thấy nó từ đáy hồn vụt ra
như những tia sáng.
"Những đoạn ấy nhiều lắm, không thể
không chép ra đây được, các bạn đọc qua cũng thấy, không phải tìm kiếm.
"Mà những đoạn thơ rất tự nhiên ấy
có phải Xuân Diệu phun ngay ra như thế đâu. Chính thi sĩ đã trao dồi rất công
phu, sửa đi sửa lại từng câu hay từng chữ nhỏ. Chính những bài thơ đã đăng ở
báo Ngày Nay hay Tinh Hoa rồi, mà nay in trên sách lại khác đủ tỏ rằng Xuân
Diệu là một người thợ thơ cần mẫn, biết thận trọng nghệ thuật, và khi nào cũng
cố gắng đạt được mục đích là sự hoàn mỹ.
"Ví dụ trong bài "Cảm xúc", câu thứ sáu bây giờ:
Đây là bình Thu Hợp trí muôn hương
"Khi trước:
Đây là bình Thu Nhận trí muôn hương
"Chữ thu nhận chỉ có một nghĩa là thu vào mà
thôi nên kém chữ thu hợp, có nghĩa thu vào mà còn chung đục còn trộn lẫn với
nhau nữa.
"Trong bài "Đây mùa thu tới", câu thứ 4, khi trước:
Với áo Chùng Thâm Mặt Dám Vàng;
Bây giờ:
Với áo Mơ Phai Dệt Lá Vàng,
"Mùa thu mà có mặt thì cũng hơi kỳ thật. Chứ áo
của mùa thu dệt bằng lá vàng thì hợp lý và hay hơn nhiều.
Cũng trong bài ấy, câu thứ 13 khi trước:
Én bỏ từng không, Oanh bay đi.
Bây giờ:
Mây vẫn từng không, Chim bay đi.
"Mùa thu là mùa của chim én ở xa về bay lượn ở
đồng nội mà lại bảo nó bỏ từng không thì sai quá. Huống gì mấy chữ "mây
vẫn từng không" đã đúng mà còn may mắn hơn nữa.
"Không cần phải đưa ra nhiều, ba cái
ví dụ trên đây chứng thật một cách rộng rãi rằng Xuân Diệu trau dồi nghệ thuật
rất công phu.
"Bên nhà thi sĩ đặc sắc, bên nhà thợ
thơ có lương tâm ấy, lại thấy có đèo thêm một nhà họa sĩ. Xuân Diệu đã thấy
"màu hoa mới thắm như kêu" (Nụ cười xuân), đã thấy
"sắc đỏ của màu xanh" (Đây mùa thu tới). Phải có con mắt
của họa sĩ mới thấy được những tế nhị của màu sắc như vậy.
"Với những câu:
Lũ mây già, nghìn vạn khối lâm ly,
Đứng giữ lưới bủa vây trời nhỏ hẹp,
Vài chiếc quạ, Mình Thân cong Mỏ Thép,
Quạ vừa kêu, đến tự xứ đêm nào,
Những cây bàng là những bộ xương cao,
Nét ngớ ngẩn đã rèn bằng Sắt Cũ.
Tét cắn lá - lá nằm trên Đất Ủ,
Màu Lặng Yên không còn mộng xa ba;
Đất Đen kêu như sắt dưới chân giầy
Tiếng rắn rỏi có pha màu Mực Đậm.
(Sắt)
Xuân Diệu đã vẽ ra một cảnh màu đông nếu tôi không
lầm, với những mùa chết, hay nói cho đúng hơn là màu đất và mùa tét. Những chữ
"sắt cũ", "tét cắn lá", "màu lặng yên",
"Tiếng rắn rỏi pha màu mực đậm" làm ta thấy thật màu đỏ
nâu vàng úa của bàng, da bàng về mùa đông là mùa thay lá, và nhận thấy tác giả
đã biết hòa hợp tiếng màu để làm nên một cảm giác nặng nề mệt nhọc phảng phất
trong bài thơ từ đầu đến cuối.
"Nhà họa sĩ đã vẽ ra bằng thơ những
bông hoa xinh đẹp, đầy vẻ sống, linh hoạt một cách khác thường trong bài "Lạc quan", và hiến cho ta bức tranh
tuyệt mỹ có cả tình cảm:
Một tối bầu trời dăm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống, cỏ trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu một toi đầy.
Những lời huyền bí tảo lên trăng
Những ý bao la đủ xuống trần,
Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
(Với bàn tay ấy)
"Đó là chưa nói đến mánh khóe nhà nghề mà nhà
thơ đã dùng để tả những ý tưởng của mình. Với hai câu:
..Và làm sai tơ nhịp trăng Đang,
Dịu Dàng Đàn những ánh tơ xanh.
(Trăng)
Thi sĩ đã được một điệu đàn bằng thơ.
Với câu:
Những luồng Run Rẩy Rung Rinh lá.
(Đây mùa thu tới)
Xuân Diệu đã tả nổi cho ta nghe những lá run rẩy thật,
nhờ ở cách sắp khôn khéo và tìm tòi bốn chữ đi với nhau.
"Về cách dứt mạch câu (césure) Xuân
Diệu cũng tỏ ra mình nhanh nhẹn lắm. Khi đọc mấy câu:
Thong thả chiều vàng thong thả lại...
Rồi đi... Đêm xám tới dần dần...
Cứ thế mà bay cho đến hết
Những ngày, những tháng, những mùa xuân.
(Giờ tàn)
"Ta tưởng như nghe cả chiều lại, đêm đi và ngày
tháng bay thật, nhất là câu cuối cùng, nhờ cắt làm ba mạch nên đọc lên một âm
điệu đưa đẩy rất đầy đủ.
"Còn những hình ảnh (images) mới mẻ
may mắn, mà tôi đã nói rồi, và nhất là những chữ dùng rất ngộ nghĩnh, rất táo
bạo mà không bao giờ đến lỗ mãng, như Huy Thông, thì Xuân Diệu giàu lắm. Bất cứ
bài nào cũng có, và chính đó là những chấm đặc sắc nhất của thơ thi sĩ. Thành
thử khi ta đọc đi đọc lại càng thấy thấm thía thâm thúy mà không bao giờ chán.
"Sau hết tôi mách các bạn một cái
đặc điểm mà chỉ có một mình Xuân Diệu có, lối thơ ngây thơ và dễ yêu: Các bạn
hãy nghe:
Ờ nhỉ; sao hoa lại phải rơi?
Mất...
Thực là dị quá - Mà tôi nữa:
Sao nhỉ làm chi chuyện lại phai?
- Nếu không biết những câu thơ ấy của Xuân Diệu, người
ta hẳn phải cho là những lời ngây thơ của một thiếu nữ nào mới biết yêu và chưa
hiểu đời với những thống khổ là gì.
- Cùng một loại thơ ngây ngô ấy, bài "Đơn sơ" hẳn là một tác phẩm bất
hủ. Nó cám dỗ hồn ta với những chữ thông thường, rất tự nhiên, và nhất là với
vẻ "có duyên" của nó.
"Một thi sĩ giàu tình yêu, hiểu thấu
đáo âm nhạc, giàu tình cảm, giàu sức tưởng tượng, và có một nghệ thuật tinh vi
như Xuân Diệu, hẳn là một thi sĩ hoàn toàn nhất mà ta có đến bây giờ.
"Và quyển Thơ Thơ tác phẩm hoàn toàn như
tác giả của nó là một quyển sách để đầu giường (livre de chevet) mà chẳng bao
lâu sẽ trở nên một người bạn thân ái của chúng ta.
"Phải chăng tôi đã xem Thơ Thơ với một tâm hồn "rất bạn" của thi sĩ Xuân Diệu? (Xuân Tâm, Tràng An, 21-5-1939, số 405).
Trên Tràng An số 494 (15-3-1940) H.X.T.
khen nữ thi sĩ Thu Hồng, tác giả Sóng Thơ:
"Tôi xin thú thật rằng đối với những
tập thơ mới xuất bản của nhiều thi sĩ thanh niên ta ngày nay, ngoài một vài
người tôi đã quen làm bạn, như ông Thế Lữ, ông Lưu Trọng Lư, ông Xuân Diệu, ông
Huy Thông, ông Thái Can, ông Huy Cận v.v... tôi thấy tôi lo sợ mỗi khi tôi cầm
một tập thơ mà xem. Lo sợ mà lại thấy lạnh lùng nữa. Không phải là tôi thờ ơ
với thi ca mới cũng không phải là tôi yên trí rằng nhiều thi sĩ thanh niên ngày
nay không có biệt tài trong sự làm thơ.
"Có lẽ vì tôi dành để quá nhiều thì
giờ để xem các thi ca xưa. Có lẽ là vì tôi thấy thi ca trong văn chương chúng
ta hiện đương trải qua một thời kỳ phân vân, về đường thể cách cũng như về
đường lý tưởng, làm cho độc giả chẳng biết lấy đâu mà căn cứ để suy nghĩ, để so
sánh, chẳng biết lấy thái độ nào mà thấu hiểu và cảm động theo cái thâm tứ của
mỗi thi sĩ trong mỗi bài thơ.
"Đối với quyển Sóng Thơ mới ra đời, trước hết
tôi cũng lạnh lùng như vậy. Tôi cầm tập thơ nhỏ xinh kia, lật những trang giấy
nhanh chóng, rồi tự nói: Lại một tập thơ mới. Lại thi sĩ nữa ra đời. Mà là một
nữ thi sĩ, ở Đế Đô, một người trong Hoàng phái... Rồi tôi xem qua cũng nhanh
chóng như thế thấy câu hay, câu không hay; nhưng không để ý lắm. Chẳng khác
lúc đi qua một vườn hoa của người xa lạ nhìn vào để ngắm cảnh rồi thản nhiên
trong giây lát đã bước qua vườn hoa ấy, và đôi mắt đã đưa nhìn khúc đường xa lạ
khác.
"Vậy là tôi đã xa lìa tập Sóng Thơ, như tôi đã xa lìa nhiều
tập thơ mới khác. Có lẽ tôi không nghĩ đến nữa, nếu một sự tình cờ không xui
giục tôi quay lại vườn hoa cũ, quay lại với Sóng Thơ của nữ thi sĩ Thu Hồng.
"Một buổi hội họp tại nhà một ông
bạn, tôi đã được gặp nữ thi sĩ Thu Hồng, một thiếu nữ trẻ tuổi, và nói chuyện
rất tự nhiên và vui vẻ. Lẽ tự nhiên là nói chuyện "thơ". Rồi trong
câu chuyện, nữ sĩ Thu Hồng đọc cho chúng tôi nghe một đoạn của một bài thơ nàng
mới làm và chưa in trong tập Sóng Thơ mới ra đời.
... Vì hiểu lầm nên mới mong đừng nên hiểu;
Mong chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chờ len vào sớm quá tội em mà,
Em nghe như thời ấy vẫn còn xa.
Em chầm chậm để mong còn xa mãi,
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
Hoa nồng hương, mà trái có khi chua...
"Đoạn thơ được nghe đó, cùng nhiều câu thơ khác,
của nữ sĩ Thu Hồng đọc ra hôm ấy, tôi thấy có ý vị, và có một sự giản dị hòa với một âm điệu dịu dàng. Vì cái cảm tưởng hôm ấy nên tôi mới đọc lại tập Sóng
Thơ, bà Đạm Phương nữ sĩ có
viết một câu phê bình rất ngắn, nhưng rất đúng: Ngòi bút của Thu Hồng tuy chưa
sành nghề cho lắm, nhưng có vẻ tự nhiên tao nhã. Tôi xin thêm rằng: có vẻ giản
dị và êm đềm tỏ ra một tâm hồn giàu cảm tình, hay thổn thức với cảnh đẹp của
tạo hóa, yêu văn chương, không hề oán hận, không hề than van. Vì vậy thơ cô
không phải là tiếng kêu gào của những tấm lòng bị đau thương, không phải lời
oán trách của những người ê chề, chán nản. Chỉ như là những làn "sóng" dịp dàng uốn mình dưới một ngọn gió nồm thanh thanh mà mát mẻ; chỉ như
những tiếng động rì rào trong lá.
Gió qua, lá động rì rào,
Khuya trăng chi chít muôn sao dệt trời.
"Không phải là cô không có lúc lo sợ hay buồn
bã. Nhưng sự lo sợ hay buồn bã của cô không bao giờ khốc liệt, có dồi dào cũng
vẫn êm đềm mà thôi.
Buồn ngày xưa em buồn thêm một chút...
Hoặc là:
Vì đâu thoi thóp với canh tàn?
Rời rạc kia mây cũng muốn tan!
Tan tác lòng em bao mộng đẹp,
Cái tình vô hạn, khéo đa mang!
"Sự tan tác không phải tấm lòng của cô; chỉ là
bao mộng đẹp mà thôi. Khối tình cô khéo đa mang, chỉ là "Cái tình vô hạn", một mối tình mênh mông bát ngát, nó không chung đúc vào một người, một
vật nào, có thể làm đau đớn gắt gao được.
Vì vậy cho nên một tấm yêu,
Lui không nẻo bước, tới cam liều
Khi yêu nào nghĩ xa xôi nữa,
Mà khổ tình thêm cũng rất nhiều!
"Đối với ái tình, xem bốn câu thơ này, chúng ta
thấy nữ sĩ Thu Hồng, vẫn dùng lời êm dịu mà phân giải, mà nghị luận. Chúng ta
có thể nói rằng "thi cảm" của cô không phải là của người mê say;
nó còn ở trong vòng khuôn của lý trí nhiều hơn của tình cảm.
"Sự giản dị, một sự giản dị mà chúng
ta có thể gọi là tầm thường, cái "nên thơ" trong mỗi ý nghĩ hằng
ngày trong mỗi câu nói đầu lưỡi, trong mỗi cử chỉ xung quanh ta, trong mỗi tư
tưởng thông thường, ấy là chốn nữ sĩ Thu Hồng đã khéo đi lượm những vần thơ, đi
hái cho ta những cành hoa thơm đẹp.
"Đó là các đặc điểm, tôi sơ lược
theo ý kiến riêng của tôi viết ra sau khi đọc xong tập Sóng Thơ của nữ sĩ Tôn nữ Thu
Hồng. Tập thơ in đẹp, có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa
sĩ Mộng Hoa.
"Chúng tôi xin giới thiệu quyển Sóng Thơ với độc giả (H.X.T.,
Tràng An, 15-3-1940, số 494).
Trên mặt báo Ngày Nay, từ năm 1938 trở đi, Xuân Diệu và Thế Lữ phê bình thơ rất
nhiều. Cũng như báo Tràng An, báo Ngày Nay hình như cũng đã xóa bỏ chữ cũ mới
trong khi nói đến thơ. Đặc biệt là Thế Lữ trong mục "Tin Thơ" đã chỉ phê bình thơ như
là thơ, bởi vậy, rất nhiều bài thơ cũ được ca ngợi và bài thơ mới bị công kích,
cũng như vô vàn bài thơ mới được khen lao và bài thơ cũ bị chê bai.
Cuộc tranh luận thơ mới thơ cũ như vậy là
đã đi hẳn vào lịch sử. Qua cuộc tranh luận kéo dài có hằng mười năm, chẳng
những làng thơ mới hăng say thảo luận mà ngay đến làng thơ cũ cũng bỏ cái thói
quen dè dặt, thẳng thắn bày tỏ và bênh vực lập trường. Chẳng những thi ca mà cả
nền văn học Việt Nam, nhờ vậy, đã tiến rất mạnh mẽ.
(Xin đọc tiếp nơi Cuốn 2 - PDF).
Phê bình văn học thế hệ 1932 - Cuốn 2
Bấm vào đây để tải
vào máy17/9/2018Thanh Lãng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét