Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Tui đi Mỹ

Tui đi Mỹ

Tập 1: Tui đi Mỹ
Lời tác giả: 
Tui chỉ nói lên cảm nhận của cá nhân mình thôi, nhằm ghi nhớ lại chuyến đi xa nhất trong đời, nếu có sai sót hoặc có điều gì chưa đúng xin mọi người bỏ qua, vì hạn chế trong cái nhìn vì ngoài sự hiểu biết của mình, hơn nữa do tui "giỏi" tiếng Anh và kèm theo sự thiếu tự tin khiến đôi lúc tui cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong giao tiếp hàng ngày với người thân, nhưng cuối cùng tui áp dụng động từ "To quơ" thì họ cũng hiểu mình muốn nói lên điều gì, bởi vậy ông Trúc Phương có câu : "Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay ". 
Mời các bạn cùng tôi bắt đầu quay lại cuộc hành trình (Tui Đi Mỹ) nha.
 Tui đi Mỹ, ba tiếng tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra là cả một "Đoạn đường" được trải nhiều "Hoa Hồng" và cũng lắm "Chông gai" đó các bạn.
Muốn đi Mỹ thì trước tiên mình phải có đủ sức khỏe để "ngồi cốt" tròm trèm hai mươi mấy tiếng đồng hồ, vì nó cách xa mình cả nửa vòng trái đất và phải "Tăng bo" qua nhiều chuyến bay, cứ tưởng tượng bạn được ngồi "Chẫm chệ" trên cái ghế nhỏ xíu và bí rị, rồi sau một thời gian khi "Ngầu lôi tăng kể" ( Nói láy) máu huyết lưu thông không điều thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều lắm...
Hai năm về trước trong lần trên chuyến bay đi du lịch ba nước bên Châu âu gồm : Pháp, Thụy Sĩ, ý , trên phi cơ tui nghe mấy đứa nhỏ ở nhà bàn bạc với nhau:
- Sau chuyến này chắc tụi mình sẽ làm một chyến đi Mỹ nha mấy em.
Nghe mấy nhỏ nói với nhau như vậy, tui nghe thì nghe vậy thôi, chứ tui chạy "Xe ôm" tối ngày thì lấy cái giống gì mần tiền để đi Mỹ, vậy mà hai năm sau cơ hội cũng đến thật tình cờ, nhưng thú thiệt với các bạn, tui nghe những người bên Mỹ về và những người đi du lịch qua Mỹ họ kể lại hành trình của chuyến đi thật gian nan khiến tui "Ớn da gà", vì vậy khi nghe mấy nhỏ nhắc:
- Tía lo đi gia hạn cái Hộ chiếu (Passport) đi nha, gần tới ngày qua thăm con Út và gia đình má Tư rồi đó.
Nghe nhỏ lớn nhắc tới ngày sắp đi Mỹ khiến tui như bị điện giật, vì tui cũng chưa có chuẩn bị tinh thần cho chuyện "Mỹ du" lần này nên tui trả lời hơi "Xìu xìu":
- Thôi chắc tía không đi Mỹ đâu, tía hay bị làm mệt sợ không đủ sức để đi đâu.
Có lẽ không ngờ nghe tui nói theo kiểu "Trớt quớt" nên con bé "Đớp" tui liền:
- Thì tía cứ gia hạn đi, còn cái chuyện đi hay không thì tính sau.
Nghe con nói vậy cũng phải cho nên tui đến chỗ làm "Hộ chiếu" để gia hạn. 
Có hộ chiếu mới rồi thì cần có Visa thì mới vô Mỹ được, lại một lần nữa tui đánh lô tô trong bụng, nghe nói (Lại nghe nói) phỏng vấn Visa đi Mỹ khó lắm, vì ngoài yếu tố giấy tờ đầy đủ theo yêu cầu của Lãnh sự quán đã đành, còn yếu tố trả lời trực tiếp với nhân viên lãnh sự nữa, nếu trả lời trôi chảy thì cơ may đậu Visa sẽ cao, còn trả lời kiểu "Ấm ớ hội tề" thì coi như khó lọt vô vòng "Chung kết".
Sáng nọ thức dậy chuẩn bị đi phỏng vấn, tui leo lên xe của thằng Long một cháu trong xóm để nó chở đi, ngồi kế bên là thằng Bảo cháu ngoại của tui, Bảo đi theo để ủng hộ tinh thần cho ông ngoại, vì nó đậu Visa đi Mỹ trước tui gần hai tuần, trên xe Bảo nói:
- Xe chú Long là xe chở khách đi phỏng vấn "Bao đậu" (ý nói là hên nếu đi xe của Long) nên ông ngoại cứ bình tĩnh, trả lời theo câu hỏi của họ cũng không có gì khó đâu, chủ yếu là mình nói đúng sự thật mục đích của chuyến đi thì sẽ ok thôi.
Xếp hàng rồng rắn giữa cái nắng của Sài gòn trước lãnh sự quán trên đường Lê Duẩn (Đại lộ Thống Nhất ngày xưa), cũng may là nơi đây có hàng cây cao bóng mát nên không đến nỗi khổ sở như tui nghĩ, vô trong sứ quán ngồi chờ đến phiên mình, tui thấy thỉnh thoảng có nhiều người ra về với gương mặt tiu nghỉu có lẽ họ đã bị rớt Visa khi phỏng vấn khiến hồi hộp tăng lên nhưng tui bấm bụng nói thầm:
- Ôi kệ bà nó, đậu thì đi Mỹ chơi cho biết, còn rớt thì ở nhà đi Mỹ bằng Video trên Youtube cũng vui mà.
Với ý nghĩ như vậy tui lấy bình tĩnh đối diện với  cô nhân viên người Mỹ, tới lượt tui cô phỏng vấn bằng tiếng Việt:
- Chú đi Mỹ để làm gì, chú ở bao lâu thì về...
Tui trả lời trơn tru theo câu hỏi, tuy nhiên cũng có đôi chỗ hơi lúng túng vì tên tiếng Anh nơi mình sẽ đến tui đọc không rành nên cô ta có hơi nhíu mày thắc mắc, nhưng sau nhiều lần trả lời rồi cô cũng hiểu ra và chúc mừng tui chuyến đi đến Hoa kỳ vui vẻ và may mắn.
Nghe cô gái phỏng vấn tui chúc mừng mình, tôi rơi vào tâm trạng như người biết mình trúng số, tui bèn cảm ơn cô ta và chúc cô có một ngày làm việc vui vẻ...
Còn hai ngày nữa là lên đường, tui rầu nhứt là chuyện hành lý đem theo, nào là quần áo, vật dụng linh tinh sinh hoạt hàng ngày, rồi quà cáp tặng cho một số bạn bè (Xin lỗi Nancy Hồ, lu bu nên quên tặng ít quà cho vui), nào là Trà ô Long, cơm cháy chà bông v.v... Những món này bên Mỹ họ bán đầy nhưng quà mình mang đi thì vẫn ý nghĩa hơn, vì vậy va ly nặng trịch khiến mấy ông khiêng vác lên xuống băng chuyền hành lý nhăn mặt vì gặp phải mấy va ly nặng nề.
Đêm cuối ở nhà trước khi lên đường tui khó chợp mắt, bao nhiêu điều khiến tui lo trong đầu, mặc dù những chuyện lo này đôi lúc viễn vong nhưng không phải không xảy ra, chẳng hạn như nếu lên phi cơ không ngồi chung ghế gần nhau với mấy đứa nhỏ, khi các cô Chiêu đãi viên họ hỏi han mình muốn ăn gì uống gì bằng tiếng nước ngoài thì làm sao diễn đạt cho họ biết, nào là khi xuống phi trường đông đúc, hoặc trong quá trình đi chơi, hoặc thăm viếng các khu vực đông người có thể sẽ bị lạc nếu không bước theo kịp mấy đứa nhỏ, nếu rơi bào trường hợp này coi chừng tui biến thành mấy ông Homeless (Vô gia cư) không chừng, còn nhiều chuyện để lo nữa nhưng thôi nếu kể nữa e rằng tốn thì giờ của các bạn...
Ra đến Phi trường Tân Sơn Nhất khoảng bảy giờ, do nhà ở gần và đi sớm nên tụi tui không bị kẹt xe, Khu vực ngoài cổng phi trường được mệnh danh "Vua kẹt xe" , tội nghiệp bà con ở xa khi về đến đây chỉ còn cách cổng phi trường vài trăm mét vậy mà không thể nhúc nhích, để tránh trễ giờ lên phi cơ họ vội xuống xe và kéo va ly chạy như chạy Marathon, nhìn cảnh này nhiều người lắc đầu ngao ngán. 
Trong khi chờ đợi đến giờ Check in tui được mấy đứa đưa vô phòng chờ cho những hành khách có thẻ thành viên Bông sen vàng của hảng tàu bay Vietnam Airline, vô nơi này được ăn kiểu Buffet nhiều món ngon và thức uống đa dạng, vô đây ngồi tui cảm thấy đời lên hương chi lạ, dân chạy "Xe ôm" quanh năm dễ gì có cơ hội như vầy...
Hảng tàu bay China Airline là hảng mấy cháu chọn để đi Mỹ, do hảng này nằm trong liên minh Sky Tream mà hảng tàu bay Vietnam Air là thành viên, dặm xa của chuyến bay sẽ cộng điểm cho hành khách, nếu tích điểm lâu ngày lên hàng bông sen vàng sẽ nhận được nhiều ưu đãi, (hiện nay tui chỉ mới đạt bông sen bạc, còn thêm mười ngàn dặm bay nữa thì tui mới lên hạng bông sen vàng, đạt được điều này nhiều khi tui lụm cụm rồi không chừng), khi phi cơ cất cánh bay lên cao nhìn khoảng trời xanh bao la với những đám mây trắng bềnh bồng trôi trên bầu trời, lòng tôi khoan khoái tạm quên đi nỗi nhọc nhằn hít khói bụi hằng ngày trên các nẻo đường trong thành phố...
Phi cơ vừa bình phi thì các cô chiêu đãi viên xinh đẹp mang thức ăn nước uống ra mời, tuy là hảng hàng không của Đài Loan nhưng các cô này nói rành rọt tiếng Việt khiến tui mừng ra mặt, vì khỏi phải lọng cọng khi diễn đạt hoặc phải nhờ thằng cháu ngoại làm thông ngôn kêu giùm các loại thức ăn đồ uống.
Sau hai giờ ba mươi phút trên mây, phi cơ đáp xuống phi trường Đài Bắc, tui và các cháu chuyển sang chuyến bay khác của cùng hãng hàng không China Airline để bay từ Đài Bắc sang phi trường Los Angeles, chặng đường gian nan bắt đầu diễn ra, khoảng cách của đường bay này ước chừng mười ngàn chín trăm tám mươi hai kilomet, đó là thời tiết thuận lợi, nếu như trên đường bay mà có cơn bão nào xuất hiện, phi công sẽ né bằng cách bay vòng xa cơn bão để cho an toàn thì khoảng cách sẽ xa thêm dịu vợi...
Ngồi trên phi cơ ròng rã gần mười ba tiếng đồng hồ, thằng cháu ngoại nhăn nhó:
- Mệt thiệt ngoại ơi, ngồi kiểu này "oải chè đậu luôn".
Tui làm bộ nói kiểu "Anh hùng".
- Ối nếu mệt thì đi tới đi lui giữa các hàng ghế cho giãn gân cốt, còn không thì con mở phim ra xem (Màn hình ở lưng ghế phía trước) còn không thì nhắm mắt ngủ cho khỏe.
Nói rồi một chút sau tui với thằng Bảo chìm vào giấc ngủ chập chờn, đang lơ mơ thì nghe các cô phục vụ gọi dậy cho ăn uống, bữa ăn thật ngon và nóng sốt, suốt chặng bay được cho ăn nhiều lần, khi tui nghe mùi nướng bánh mì phía sau đuôi phi cơ tỏa lên khiến tui sợ không dám rớ vô ổ bánh mì nhỏ nhỏ nhưng cũng khá ngon...
Sau thời gian "bầm giập" ở trên trời, cuối cùng phi trường Los Angeles cũng hiện ra qua cửa sổ của phi cơ, những dãy đèn đủ màu trang trí trên phi đạo thật vui mắt, phi trường này rộng lớn gấp nhiều lần Tân sơn nhất, lần đầu tiên thấy một phi trường "Bự tổ bà chảng" này tui thầm nghĩ:
- Đúng là Mỹ, cái gì cũng bự "Tồ bà dền" .
Ngán nhất là chỗ làm thủ tục kiểm tra an ninh, khi thủ tục nhập cảnh xong  tui đi qua chỗ kiểm tra an ninh soi xét hành lý, bao nhiêu đồ trên người bỏ vô cái khay đựng đồ đi qua máy soi, còn từng người bước vô máy X-ray giơ hai tay lên trời, chân dang ra đứng vào hình dấu chân in sẵn trên sàn nền của máy, máy quét xong, rồi dường như không để cho tội phạm có cơ hội nên khi ra khỏi máy soi này họ bắt mình đứng lại để rà soát lần nữa cho chắc ăn, mặc dù mọi người không thoải mái khi phải chấp nhận qua thủ tục này, nhưng nhớ lại vụ 11/9 trên đất Mỹ thì ai nấy đều thông cảm cho sự quá cẩn thận của những nhân viên công lực này.
Đã gần mười giờ đêm vậy mà các Terminal xe cộ đón khách ra vô nườm nượp, cả đoàn tụi tui gồm tám mạng gọi hai xe Taxi để đi về khách sạn mà đoàn đã đặt phòng, tui rất ngạc nhiên ông tài xế khá lớn tuổi chở tui và mấy đứa nhỏ, so ra ở nước mình thì ông này đã về hưu lâu rồi, vậy mà đêm khuya khoắt ông vẫn cặm cụi làm việc, hành lý tụi tui vừa nhiều vừa nặng, nếu như bên nhà thì chắc nhận được ánh mắt "mang hình viên đạn" của mấy "trự" lái Taxi, đàng này ông vui vẻ tự tay chất lên chật cả phía sau, trên đường từ phi trường Los về khách Hollywood khá xa đi hơn một tiếng đồng hồ, trên đường ông diễn giải cho tụi tui biết được những nơi đặc biệt mà ai cũng nên biết qua, phong cách ông thật chuyên nghiệp, ông cũng khá vui tính, các cháu thông dịch lại cho tui biết ông là cựu chiến binh từng tham chiến ở Đà Nẵng khi biết đám "Xây lố cố" trên xe là từ Việt Nam đến...
Đến nơi khách sạn mấy cháu thanh toán tiền xe và biếu ông thêm một số tiền so ra là khá "sộp" so với những người khách đi xe khác (Điều này do ông ấy nói), cảm thấy tính cách của ông đáng trân quý, tui liền kêu mấy cháu chụp cho một pô ảnh để làm kỷ niệm với ông. Ông vui vẻ nhận lời, tôi với ông tuy gặp nhau ngắn ngủi nhưng chia tay ông tui cũng cảm thấy bùi ngùi như thể chia tay người thân của mình vậy...
Tập 2: Đi siêu Thị và dạo phố ăn đêm 
Ông Taxi chở đoàn tụi tui gồm tám "Trự" đến ngay sân của Khách sạn Hollywood, khách sạn này nằm gần cuối đại lộ (Danh vọng) ở Hollywood City, nhìn đồng hồ cũng xấp xỉ mười giờ đêm, sau khi nhận phòng tui với thằng Bảo ở chung một phòng, còn lại mấy đứa trong đoàn cũng ở các phòng kế cận cùng một dãy nhà, khách sạn nhỏ bên Mỹ rất hay, người lạ bên ngoài không thể lợi dụng trà trộn để đột nhập vô, vì đầu và cuối dãy nhà họ làm cửa kính kín mít, họ lắp khóa thẻ từ chỉ có khách thuê phòng mới có thẻ để ra vào. 
Căn phòng tui ở rất sạch sẽ, drap giường, áo gối trắng tinh thơm tho sẽ cho tui giấc ngủ ngon sau hơn hai mươi bốn giờ "Bầm và giập" ở "trên trời", vô phòng tắm và Toilet cũng thật sạch sẽ, nhưng có một điều tui lấy làm lạ bàn cầu đi vệ sinh bên đây không hề có cái vòi xịt rửa như các khách sạn bên Á châu của mình, họ gắn cuộn giấy vệ sinh trên tường, giải quyết bầu tâm sự xong sẽ dùng giấy giải quyết,  thấy thật bất tiện không như bên nhà, thằng Bảo lên tiếng:
- Ngoại, không có vòi rửa sao... được.
Tui muốn ú ớ với nó,  vì mình cũng như "anh ta" mới đến Mỹ lần đầu, mọi điều mới mẻ khiến tui giống thằng khờ ra tỉnh, nhưng tui ra vẻ hiểu biết tui nói với cháu:
- Con ơi, thì ở đâu quen đó, cứ ăn theo thuở, ở theo thì đi con, ta sao mình vậy muốn khác đi cũng đâu có được, con đi xong rồi con mở vòi sen vệ sinh lại thôi.
Nói vậy chứ bên Mỹ khi mở vòi nước trong cái bồn tắm nó lạnh ngắt, nước phun ào ào hơn cái "Phong ten" nước công cộng ngày xưa ở xứ mình nữa, vặn khóa điều chỉnh cho nước ấm lên thì mất hết nhiều nước xả bỏ lúc mới mở, quen với tiết kiệm nước bên nhà tui muốn vặn nhỏ lại cũng không được nên thây kệ, tui thầm nghĩ:
"Ở Mỹ mà ta"...
Tắm rửa xong vừa định ngã lưng thì tiếng gõ cửa dồn dập khiến tui nhớ lại thời "Bao cấp" bên nhà, đêm hôm khuya khoắt đang mơ màng trong giấc điệp thì tiếng gõ cửa kiểu này chỉ có mấy người công an đi kiểm tra hộ khẩu thôi (Giờ thì không còn xảy ra việc xét hộ khẩu về đêm nữa), tui nói giỡn với thằng cháu ngoại:
- Passport con đâu coi chừng mấy ông "Phú lít" Mỹ họ xét giấy tờ đó.
Thế kỷ hăm mốt rồi dễ gì "Khè" được mấy đứa nhỏ có điều kiện học hành và hiểu biết mọi điều thông qua cuộc sống hàng ngày và qua Internet nên chú Bảo nhà ta "dợt" tui liền:
- Làm gì có vụ đó ông ngoại, Mỹ chứ đâu phải bên mình đâu ngoại.
Tui mở cửa phòng và lú đầu ra hỏi:
- Ai đó, có gì hông?
Nghe tui xổ tiếng (Việt Nam mít), chú Bảo nhắc khéo:
- Đang ở Mỹ nha ông Ngoại.
Tui ngớ ra rồi chợt nhớ mình đang ở Mỹ, nói tiếng Việt lỡ người Mỹ đứng đó sao họ hiểu được.
Tiếng gõ cửa kia của mấy đứa nhỏ rủ đi siêu thị gần khách sạn để mua vật dụng linh tinh, mua sữa cho chú Bảo, mua trái cây, mua Bia, mua hằm bà lằng v.v... 
Siêu thị bên Mỹ rộng lớn hàng hóa dồi dào, cũng phân ra khu bán hàng theo nhóm, trái cây, bia rượu... 
Sau khi cả đám quần thảo khắp siêu thị, tụi tui cũng quơ đầy nhóc một xe đẩy, khi ra tính tiền thưởng đâu sẽ "khẳm bạc" ai dè có hai trăm mấy, so ra nếu mua bên nhà thì "Khẳm" thiệt chứ chẳng chơi, đem hết về phòng cất hàng hóa đâu đó xong thì cả đám kéo ra đường kiếm tiệm quán nào đó để ăn khuya, tụi tui thả bộ theo đại lộ trước khách sạn, đến một ngã tư thấy một xe bán thứ bánh giống như bánh mì Thổ nhĩ Kỳ, rất nhiều người chờ quanh đó để mua, bên Mỹ mua bán hoặc giải trí... đều phải xếp hàng, không có chuyện đi sau mà chen lên trước, ai mà làm vậy cũng không ai phản ứng gì nhưng tự mình mắc cỡ không dám làm như vậy, vì sẽ bị khinh khi thiếu hiểu biết trong cuộc sống.
Lòng vòng một hồi cả đám kéo vào một tiệm ăn của người Mễ Tây cơ, tiệm thấp lè tè dưới ánh đèn vàng vọt, họ trang trí những biểu tượng của người Mễ, như cái nón rộng vành, như cây xương rồng, họ cũng làm một hòn giả sơn nước chảy róc rách qua hang động nho nhỏ nghe thật êm tai, nơi chế biến loại bánh gì của Mễ, họ bỏ ra dĩa cho mình cuốn lại, trong đó thịt thà rau củ gì đó tui cũng chẳng biết, nhưng mùi thơm thì khỏi chê, cuộn xong chấm (nước sốt) của họ đem ra ăn rất ngon, tám trự mà tốn vỏn vẹn có mười lăm đồng, tui buộc miệng: 
- Chèn ơi sao rẻ dữ vậy cà?
Anh chàng đầu bếp chánh gốc Mexican, nghe tui nói vậy chẳng biết anh có hiểu gì không mà anh chàng đưa mắt nhìn tui, nhỏ con tui nói: 
- Họ quan sát mình nãy giờ, họ thấy mình ăn hết và có vẻ ngon miệng thì họ rất hài lòng, họ nhìn là vậy.
Mấy nhỏ thanh toán hóa đơn ăn uống xong, trước khi rời khỏi bàn các cháu để lại một ít tiền "Típ" cho người phục vụ mình, đây là nét văn hóa của xứ người tui thấy cũng hợp với đạo lý của người Việt mình. 
Đứng nhìn anh chàng đầu bếp trổ tài chiên xào các món cho bàn khác, anh ta múa cái dụng cụ để  xào một cách thuần thục, thấy tui nhìn một cách chăm chú, anh ta bèn hỏi: 
- Where are you From?
Hồi trước tui cũng học lỏm bỏm cuốn (English for today) nên cũng nghe được các từ thông thường nên tui xổ đại luôn:
- I am from to Vietnam (Sai gon).
Anh ta nhìn tụi tui ra chiều khoái chí:
- Oh. Vietnam good good.
Chia tay cái tiệm ăn người Mễ này để lại cho tui cái dễ nhớ nhất là chùm ớt Mễ trái xanh trái đỏ rất lớn treo lủng lẳng xen với củ hành thật to, và không biết hành lá hay gia vị là gì nó cũng to kỳ lạ, đúng là ở Mỹ cái gì cũng to hết.
Sáng hôm sau, vô phòng ăn nhỏ nhắn của khách sạn, ở đây cả trăm phòng khách thuê chật kín, vậy mà chỉ có ba cái bàn với hàng băng ghế dài cặp sát mí tường, và thêm vài cái ghế bọc nệm, tui nghĩ nếu giờ ăn sáng từ bảy đến chín giờ thì lúc nào cũng sẽ đầy người lấy đâu đủ chỗ ngồi, nhưng không như tui nghĩ, nhiều gia đình họ xuống lấy thức ăn xếp vô dĩa bằng giấy, lấy cà phê hoặc nước uống, nước trái cây hoặc sữa cũng bằng ly giấy, họ đem về phòng ăn không ngồi lại ăn uống cà kê dê ngỗng như văn hóa ẩm thực của người á châu mình, cũng có người ngồi lại tại chỗ nhưng chỉ mươi phút là họ tự đứng lên ra ngoài nhường chỗ cho người khác, nếu ai ngồi lì tại chỗ sẽ bị ông nhân viên coi sóc nơi đây nhắc khéo thì cũng hơi ê mặt, vì họ ghi tấm bảng "chần giần" ngay quầy tiếp tân đại khái như sau: (Mỗi người chỉ ngồi tối đa 10 phút).
Người Mỹ, hoặc khách du lịch ở đây họ ăn sáng nhẹ nhàng và đơn giản, một hai miếng bánh mì nướng trét ít bơ mặn, một ly cà phê, chút trái cây là xong, không cầu kỳ và tốn thời gian như người á châu, nào là bánh cuốn, mì thập cẩm, hủ tíu, cơm tấm sườn bì chả, ôi thôi tùm lum ăn uống đã đời ngồi tán gẫu cả buổi mới chịu đi làm, quả là sự khác biệt của hai nền văn hóa đông và tây.
Ăn sáng xong buổi sáng đầu tiên tụi tui đi theo chương trình Tour lập sẵn (cũng nên nói thêm chỗ này, nếu các bạn mình đã có người từng đi Mỹ rồi thì mình ghi danh đi tour theo công ty nào đó, họ sẽ thiết kế tour theo yêu cầu của mình, họ đặt khách sạn và vé may bay khứ hồi luôn cho mình, xong xuôi tới ngày lên đường cả nhóm cùng đi không cần phải có hướng dẫn viên du lịch đi với mình, nhưng muốn được vậy mình phải có uy tín và cam kết quay về cố quốc đúng ngày giờ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của công ty họ về sau).
Kêu hai xe Taxi thông qua ông tiếp tân ở khách sạn (Vì mình đâu có sim điện thoại và đâu biết số máy của các hảng Taxi hoặc Uber đâu mà gọi). Ít phút sau hai chiếc taxi màu vàng ghé lại, tụi tui chia ra hai nhóm cùng ngồi lên xe trực chỉ đại lộ Danh vọng của Hollywood, xe chạy chẳng bao lâu đến trung tâm đại lộ này, nơi đây thật đông vui, khách du lịch đi tới lui nườm nượp, cả đám tụi tui đặt chân đến con đường mà ai một lần trong đời cũng nên ghé qua cho phỉ chí, mải mê xem tên các nhân vật danh tiếng gồm các ngôi sao điện ảnh lẫy lừng qua mọi thời gian, tui chú ý hai ngôi sao mà dân Á châu hay đứng lại chụp ảnh là Jacky Chan (Thành Long) và ông Trump (Tổng thống đương nhiệm). 
Đang đứng chụp ảnh các cửa hàng trên đại lộ này, một đứa cháu trong đoàn của tui được một anh mặc nguyên bộ đồ Super Man (Siêu nhân) quàng tay qua vai cháu để cháu cùng chụp ảnh, thằng nhỏ sướng rân trời, trong bụng nó nói ô sao bên Mỹ tốt quá vì họ thân thiện vô cùng, họ mặc đồ những nhân vật trong phim cho du khách chụp ảnh quá đã luôn, sau khi cháu giơ điện thoại lên bấm vài pô, nó nghĩ rồi sẽ gửi ảnh về cho bà xã bên nhà coi thấy nó oai hẳn lên chưa, vì mình được cặp kè với nhân vật mạnh mẽ trong các loạt phim chiếu trên vô tuyến truyền hình thập niên sáu bảy mươi tại Sài gòn, chưa kịp sướng với ý nghĩ này, anh chàng Siêu nhân chìa tay ra đòi hai mươi Dollar tiền công đứng chụp ảnh chung với khách, thằng cháu nọ chới với vì bị đòi món tiền nợ trên trời rơi xuống này, nhưng nó cũng phải đành gửi cho anh siêu nhân để anh ta tìm mối khác làm ăn chứ không thì bì rầy rà không kém, cũng chưa hết điều lạ lẫm khác đâu, cũng một đứa trong đoàn được một anh ca sĩ không biết có phải là ca sĩ chuyên nghiệp hay không, anh ta dúi vào tay thằng cháu mấy dĩa nhạc CD có in hình anh ta, anh ta nói (tui dịch ra luôn):
- Mầy là du khách đến thăm Hoa kỳ, tao tặng mầy mấy dĩa do tao trình bày để làm kỷ niệm.
Tội nghiệp thằng nhỏ đúng là con nai tơ lần đầu đến Mỹ nên bị gạt là chuyện không hề lạ, nó còn đang lưỡng lự chưa biết xử trí ra sao, thì ông nội ca sĩ (mà ca lẻ cũng không chừng) dọt đi mất dạng, thằng nhỏ đang săm soi tìm coi có bài hát quen thuộc nào không, nó thất vọng vì tên những bản nhạc nó chưa từng nghe đến bao giờ, thôi kệ nó nhét vào cái túi xách lúc nào cũng kè kè bên mình để về Sài gòn nghe sau (Ca sĩ này cũng ký tên vô các CD này nữa nha các bạn).
Đang định dợm bước đi theo chúng tôi, thằng nhỏ được tặng CD bị bàn tay của ai đó nắm vai kéo ghì lại, rồi bằng cái giọng anh chị bự hắn đòi trả tiền mấy dĩa CD, tên này nói nó là người đại diện độc quyền của ca sĩ nọ, những ai được tặng dĩa đều phải trả cho nó một số tiền, không trả là không xong với hắn, thằng nhỏ đoàn tui phát hoảng móc mấy CD ra định trả lại nhưng tên nọ lắc đầu, ý nói "Hàng mua rồi miễn đổi trả lại", đành ngậm bồ hòn làm ngọt cháu nọ phải bấm bụng trả mấy chục Dollar cho mấy cái dĩa nhạc trời ơi đất hỡi nọ (âu cũng là bài học nhỏ khi đến xứ người).
Tập 3 : Đi viếng cảnh phim trường "Hồ Ly Vọng" (Hollywood) 
Đám tụi tui đứng lần quần chụp hình ở đại lộ danh vọng với biểu tượng các "Ngôi sao" nỗi tiếng qua nhiều thế hệ của nước Mỹ, nhìn đồng hồ gần mười giờ tụi tui lật đật đến nơi văn phòng điều hành của Tour tổ chức đi viếng vòng quanh phim trường của Hollywood City, đoàn tụi này gồm tám "Mống", sau khi xem xét đối chiếu danh sách mà đơn vị làm tour ở Sài gòn mua sẵn cho mình, cô nhân viên phát cho 8 cái decals để dán vô tay áo để cho dễ nhận diện nhau và để nhân viên hướng dẫn tour nhận biết người của đoàn mình phụ trách.
Ông tài xế người Mỹ có thân hình vạm vỡ, tui thấy tướng ông ta có vẻ ục ịch nặng nề, nhưng không hề chậm chạm như trong trí tưởng tượng của tui, ông đi lại thật nhanh nhẹn, đặc biệt ông có giọng nói rỗn rảng và ông nói liên tục qua cái Micro phone đeo trên đầu, ông vừa lái xe vừa chỉ dẫn cho chúng tôi từng nơi chốn của phim trường, kia là những khu phố thời Cowboy của miền viễn tây Hoa kỳ, tiệm rượu, nhà băng, ngoài hàng ba có nơi để cột mấy con ngựa cho các anh Cowboy đến uống rượu, đường phố trước quán rượu là nơi đấu súng, như trong phim "Bắn chậm thì chết" đã từng được trình chiếu ở Sài Gòn thập niên sáu mươi, nhìn cảnh nhà băng ngày xưa được làm bằng gỗ cũng là nơi đấu súng kịch liệt giữa Cảnh sát trưởng và các tên cướp nhà băng, đến một đoạn phố khác có những cảnh nơi đã đóng cảnh "Mọi da đỏ" kéo vô thành phố đánh nhau với người da trắng để dành lại đất đai của tổ tiên mình, các căn nhà trong phim trường xây dựng khá lâu để sử dụng cho các bộ phim, đến nay hầu như còn nguyên vẹn, khách thăm viếng không được phép chạm vào hiện vật (Mà muốn chạm cũng không được, vì ngồi trên xe và xe di chuyển liên tục).
Xe chạy một đoạn đến khu phố khác, nhà cửa bối cảnh của những bộ phim khác, có những cao ốc thật đồ sộ thật ra nó chỉ có cái "Mặt tiền" y như nguyên cái cao ốc, nhìn nghiêng bên ngoài nó chỉ sâu chừng một hai mét mà thôi (Mô hình để quay phim lướt qua). 
Đến các dãy nhà thật đặc biệt, nhìn bên ngoài tưởng chừng như mình đang vô cái kho chứa hàng vì nó rất rộng lớn, ông ta cho xe chạy chầm chậm vô nơi đã diễn ra cảnh động đất trên Freeway (Đường cao tốc) ở California, trước mặt tui là chiếc xe bồn chở xăng, hoặc hóa chất gì đó đang nhấp nháy đèn trên đường, xe chở tụi tui đi ngang qua, bổng dưng đèn đuốc tắt ngúm, còi báo động vang lên, rồi đất sụp xuống khiến chiếc xe bồn nghiêng hẳn sang bên phải (gần muốn lật ngang) lửa cháy rần rần, rồi đèn sáng lên tui thấy khói lửa vẫn còn nghi ngút, xe chạy đến một đoạn khác, tui thấy trên sân khấu các vũ công đang múa, điệu múa thời thập niên bốn năm mươi gì đó, rồi động đất xảy ra, đèn đuốc chớp tắt giống như sấm chớp giật ngang trời, những vũ công vội vã tìm nơi trú ẩn, lúc này nước lũ ở đâu tràn về ầm ầm ngay sát bên hông xe, tui quíu giò quíu cẳng cũng la làng lên với cả đám ngồi trên xe, cứ tưởng thôi chắc lũ cuốn mình ra biển khơi và hết cơ hội về lại Sài gòn, nhất là mấy đứa con gái, tụi nó la còn bạo hơn đám mày râu của tui, khi đèn sáng lên cũng là lúc xe chạy khỏi phim trường, ra khỏi nơi đó tui nhìn lên bầu trời nắng rất đẹp, đúng là một trải nghiệm có một không hai trong cuộc đời mình.
Ông tài xế tiếp tục đưa tụi tui vô một nơi đóng bộ phim khác, vừa vô cổng thì hai bên màn ảnh 3D cực lớn đang diễn ra cảnh chiếc xe Jeep của anh chàng The Rock (Anh chàng này to cao khá đẹp trai trước đây anh hay diễn ở các Show đô vật WWE, hiện nay không còn tham gia đô vật nữa chỉ còn đóng phim thôi) có gắn súng đại liên, anh ta đuổi theo một toán cướp hay khủng bố gì đó, đạn bắn nghe bay vèo vèo cũng là lúc xe chở tụi tui chay đua theo xe của The Rock, vỏ đạn rơi nghe lộp cộp, bổng đâu trên không trung có chiếc trực trăng AH64 bay rượt theo xe của The Rock, anh chàng ta quay súng lại và bắn lên chiếc trực thăng nọ, trực thăng cũng không vừa, họ bắn rocket lại khói lửa mịt mù, tui sợ trúng đạn nên cũng la bài hãi như mấy đứa nhỏ, chỉ có ông tài xế là "Tĩnh bơ sư cụ" vì vụ này đối với ông nó quen thuộc như cơm bữa hàng ngày, bất cứ tình huống nào ông cũng giải thích cho đoàn nghe, có lúc ông nói nhiều quá mà tui chẳng hiểu gì tui lại có cái ý nghĩ ngộ nghĩnh dành cho ông:
"Ông này về chợ Cầu Muối gây lộn với mấy bà bán cá chắc ăn trùm hết thảy luôn quá".
Trong phim xe của The Rock bị bắn rát quá, người lái xe chạy hoảng loạn rồi xe bị rơi xuống vực sâu, bên ngoài phim tui cũng tưởng xe mình rơi theo "ông nội" The Rock này, nếu là thiệt chắc "tiêu tán đường" luôn, đến đoạn này cả xe hét thả ga muốn bể buồng phổi vì quá sợ.
Xe chạy thêm lòng vòng, đến một đoạn đèo nhỏ ngay khúc cua có một hai căn nhà gỗ nhỏ nằm cạnh cái cống thoát nước thiệt lớn, ông tài xế dừng lại ông ta nói: (Tui nghe mấy nhỏ dịch lại)
- Mời mọi người xem cảnh mưa rơi và một cơn lũ đến thật bất ngờ.
Ông vừa dứt lời thì các vòi sen được gắn sẵn trên cao bắt đầu phun nước rào rào, nếu mình không nhìn các vòi sen này thì mình sẽ nghĩ đây là cơn mưa thứ thiệt, mưa nặng hạt hơn (mà mình ngồi kế bên cơn mưa lại khô queo), nước từ trên nguồn chảy xuống cuồng cuộn ngó phát sợ, phút chốc nước ngập lai láng rồi tuôn ầm ầm xuống cống, hạt nước nhỏ cũng văng lên tới xe y như cơn lũ thiệt ngoài đời, tui thầm thán phục chỉ có Hollywood mới có điều kiện thực hiện những cảnh quay y như thiệt này...
Một đoạn khác, xe chở tụi tui đến một đoạn đường mô tả cảnh sau cuộc chiến, xe tăng cháy nằm chỏng chơ trên đồi, mấy chiếc xe thời Đức quốc xã chết máy nằm ven bên đường, cỏ dại được dịp leo trèo lên các hiện vật này theo thời gian.
Xuống khỏi đoạn đèo, gần một thung lũng nọ, cảnh chiếc máy bay chở khách bị rơi cháy, phần nóc máy bay bị bật ra làm lộ những hàng ghế rách tả tơi chung quanh có những vật dụng của nạn nhân đi máy bay rơi ra, như con búp bê, cái giỏ sách, quyển vỡ bị cháy xém, gần đó một xe cảnh sát đang nhấp nháy đèn trên mui, quanh đó những đám cháy nhỏ vẫn còn đang nghi ngút khói, cảnh này khiến tui khâm phục vô cùng vì phía xa một chút phần đuôi máy bay đứt lìa nằm gần bụi cây rậm trên đó còn số hiệu của chuyến bay, xem xong cảnh này trong khi tui thường di chuyển qua lại các bang của Mỹ bằng máy bay khiến tui "Nổi da gà" khi nghĩ đến cảnh máy bay rơi.
Qua khỏi khu vực chiếc máy bay bạc mệnh nọ, tui thấy một hồ nước trong xanh, trên bờ có cây xăng nằm cạnh mé nước đang hoạt động, bổng đâu hồ nước sôi sục lên rồi tiếng nổ vang lên thật lớn, lửa cháy lan đến cây xăng, một trận cháy nổ y như thật trong lúc động đất...
Còn vài ba chỗ nữa, nhưng thôi để ông tài xế đưa mình lên đồi cao ngắm nhìn toàn thành phố Hollywood, đường lên núi quanh co khúc khuỷu, ở Việt nam mình trên núi chỉ dành cho những người nghèo, hoặc là nơi làm chòi làm rẩy, còn nơi này toàn là nhà của các ngôi sao điện ảnh cư ngụ, căn nào cũng đẹp, ông tài xế giới thiệu từng căn nhà kèm theo tên chủ nhân và trị giá hiện tại của căn nhà, nghe qua tui nghĩ thầm nếu họ cho tui chừng hai mét vuông đất ở đây thôi chắc tui ăn cả đời chưa hết tiền.
Lên đỉnh núi đối diện phía bên kia là ngọn núi có dựng chữ Hollywood to tướng, ở thật xa tui thấy nó thật rõ, đúng là nơi đây những kẻ "Cùng đinh mạt hạng" như mình dễ gì làm chủ được một căn nhà nho nhỏ trên "Đỉnh cao danh vọng" nơi này... 
Xuống núi, ông tài xế đưa tụi tui  ra hướng biển, có lẽ đễ cho hết giờ ông chở đi ngoằn ngoèo giới thiệu các căn nhà vùng này, giá nhà thật đắt tiền, người dân Mỹ chánh gốc có khi cũng không có cơ hội mua được căn nhà ở nơi đây huống hồ gì đám du khách tụi tui.
Sau khi làm vài pô hình bên mép biển cho vui, ông đưa tụi tui đến khu ẩm thực, ăn uống no say sau gần một ngày chạy lòng vòng hơn trăm kilomet, chia tay ông tụi tui quay về khách sạn Hollywood nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày hôm sau khám phá miền nam California...
Tập 4: Nghĩa tình ở California
Sau cả ngày viếng thăm phim trường ở Hollywood City, trở về khách sạn tui ngủ thẳng cẳng một giấc đến sáng.
Sáng hôm sau ngoài trời thời tiết hơi se lạnh, tui khoác thêm cái áo gió cho ấm, nếu không cẩn thận đỗ bệnh bất tử thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong những ngày rong ruổi trên đất Mỹ.
Ăn sáng xong tui ra ngoài sân khách sạn để chờ xe và tranh thủ hít thở không khí trong lành buổi sáng.
Mấy ngày qua di chuyển bằng xe Taxi nên "hao đô" quá, Con bé nhà tui a lô cho một đứa bạn đang sinh sống và làm việc tại Los Angeles, qua trao đổi cháu gợi ý nên thuê một chiếc xe để mình tự lái, như vậy sẽ chủ động thời gian và cũng sẽ giảm bớt chi phí hơn, thời may trong đoàn có  hai anh chàng thanh niên trẻ có bằng lái quốc tế lận lưng nên lời đề nghị của nhỏ bạn con tui thật hợp lý, vậy là nhỏ bạn con tui lái một xe, một cậu thanh niên lái chiếc xe thuê, chiếc xe này nếu ở bên nhà thì cũng được liệt vô hàng xe sang, ngồi xe của người trong đoàn tự lái tui vừa vui vừa lo, vui là coi như xe nhà mình muốn ghé đâu cũng được, lo là "Tài xế nội địa" lái xe "Hải ngoại" có an toàn không, về xe cộ thì dễ rồi, vì chỉ cần ngồi sau tay lái một thời gian ngắn sẽ quen xe thôi, lo là đường sá bên Mỹ lạ hoắc lạ huơ, chạy lớ quớ lạc như chơi, hơn nữa tốc độ xe bên Mỹ chạy trên Freeway khá cao liệu "Tài xế nội địa" có đảm đương được chăng.
Tui đưa ra những quan ngại trên cho "Tài xế nội địa", cậu ta nói:
- Chèn ơi dễ ẹc hà chú ơi! Địa điểm đến thì con mở máy định vị trên xe, cứ theo đó mà lái, đến đoạn nào quẹo phải, quẹo trái hoặc đi thẳng đều có "Bà google map" nhắc nhở mình bằng tiếng Việt luôn nên không sợ chạy lạc đường, còn lại thì chú an tâm, nói không phải tự khen chứ con là tay lái cừ khôi lắm đó chú.
Nghe anh chàng này quả quyết như vậy tui cũng an tâm ngồi kế bên tài xế phía trước, xe tui ngồi gồm bốn ông đực rựa, xe nhỏ bạn con tui thì gồm "Ngũ Long công chúa ngự trị".
Cô gái lái chiếc xe kia do quen đường nên chạy rất nhanh, còn anh chàng bên xe tui chạy theo kiểu cẩn thận cho quen xe mới dám đạp lút ga.
Áng chừng sau một giờ lái xe thì trước mắt tui thấy khu chợ Phước Lộc Thọ hiện ra, thú thiệt trước đây mỗi khi Tết đến Xuân về tui hay mò vô trang Youtube để xem đốt pháo nổ tại khu chợ này, mấy dây pháo dài sọc họ treo trên cao thòng xuống tận dưới đất, khi giao thừa họ châm lửa đốt khiến tiếng nổ vang trời, khói bay mịt mù, những người khách vãng lai hoặc dân địa phương cũng tụ tập lại khu này vừa xem văn nghệ vừa tham gia đốt pháo rất vui, xem qua màn hình cảnh đốt pháo ngày xuân khiến lòng tui rộn ràng và chạnh nhớ những mùa Xuân năm xưa đang xa dần theo dĩ vãng.
Tìm được Parking (nơi đậu xe) không mấy khó khăn, cả đám tụi tui ùa ra trước cổng chợ, nơi có tượng ba ông Phước Lộc Thọ thật cao to được trưng bày ngay trước mặt tiền của khu chợ, từng tóp đứng chụp hình lia lịa, ai cũng cố thu hình ảnh của mình vào ống kính máy ảnh thật nhiều để làm kỷ niệm, còn tui thì để nay mai về quê nhà tui sẽ "Khè" với mấy người bạn:
- Tao đi Mỹ rồi nghe mậy.
Vừa chụp hình tui vừa tự cười với mình qua cái câu "Tao đi Mỹ rồi nghe mậy", câu này tui bắt chước một anh chủ đài phát thanh hay nói để phê phán những người hay khoe khoang về cái tôi của mình trong cuộc sống hàng ngày.
Vào chợ, các cháu bu quanh xe nước mía trong nhà lồng chợ để mua, tui nhìn quanh thấy bảng hiệu toàn là tiếng Việt, mua bán cũng bằng tiếng Việt, sống ở đây mấy người lớn tuổi không rành tiếng Anh cũng chẳng thua thiệt gì.
Hàng quán bán những món ăn của người Việt, chả giò, bún cá, cơm tấm, hột vịt lộn, khô bò v.v... Tóm lại cái gì cũng có ở khu chợ này.
Ngồi uống nước xong, tui gọi điện thoại cho hai người bạn ở gần nơi này với ước mong hội ngộ một lần cho vui.
Một cô em người Rạch giá quen biết tui cùng nhóm bạn trên Facebook, đã bỏ thì giờ lái xe đến đón tui và đãi món bún cá ở tiệm (Hỷ)
Rất ngon, đã vậy cô em còn tặng cho tía con tui ít quà cho vui, tui xin cảm ơn tấm thịnh tình của cô em này, tiếc rằng ông xã cô bận việc nên không đến gặp nhau được.
Ăn uống xong cô em lái xe trả tui về nơi "Bắt cóc" tui khi nãy, trên đường đi tui nhận một cú phone của ông anh cũng là dân Rạch giá gọi đến, hai vợ chồng ông anh này gặp tui vài lần ở Sài gòn và cùng nhau về Rạch giá hội ngộ với anh chị em cựu học sinh Trung học Kiên Thành, anh cho biết anh không thể đến chợ Phước lộc Thọ gặp tui được, nghe vậy tui cũng đành nói lời tạm biệt anh để tui trở về khách sạn nơi tui ở.
Chuyện gặp ông anh nọ tưởng chừng như vậy coi như xong, bổng dưng cậu thanh niên đi chung xe với tui lên tiếng:
- Chú à, bạn chú lớn tuổi rồi mà hẹn lần sau gặp thì lâu lắm, biết chừng nào mới có dịp, sẵn xe nè chú kêu ổng cho địa chỉ đi, chú cháu mình ghé thăm ổng luôn.
Nghe lời đề nghị của thằng cháu này rất hợp tình hợp lý, nhưng tui còn e ngại sợ làm phiền mọi người, tui bèn nói:
- Chú ngại lắm, sợ mất thì giờ các cháu.
Cậu ta nói liền theo:
- Có gì đâu chú ơi. Qua tới nơi rồi còn bao xa nữa đâu, nếu không gặp ổng thì uổng lắm, mình có xe mà sợ gì, cho mấy bà về trước đi, chú cháu mình về sau ăn nhằm gì.
Tôi thầm mang ơn với tấm lòng của hai ông "Tài xế nội địa" của mình vô cùng, thế là tụi tui đến nhà ông anh sau mươi phút khi biết được địa chỉ của ông anh nọ.
Tụi tui liên lạc nhau trên đường đi, anh ra đón tôi ngoài đường trước nhà anh đang ở, từ xa tui quan sát bóng dáng quen thuộc của anh, vẫn "ốm yếu ho hen" nhưng người đầy cương nghị trong cuộc sống, bất giác tôi chạnh lòng nhớ lại buổi sớm tinh mơ tui và anh đi tìm quán cóc bán cà phê để uống khi hội ngộ ở Rạch giá đúng là một kỷ niệm khó quên của tụi tui.
Anh đón tụi tui vô nhà, anh tặng quà cho tui, tui cũng gửi anh chút trà và cà phê để gọi là chút tấm lòng thơm thảo dành cho nhau, mấy đứa cháu thấy hai "ông già" tía lia với nhau khiến ai nấy cũng vui lây, uống chưa hết ly trà, chưa hết những câu chuyện hàn huyên tui đành kiếu từ anh ra về vì đường còn xa mà trời cũng sắp nhá nhem tối.
Bịn rịn chia tay nhau, trên đường về tui bật ra ý một bài thơ:
Tình người viễn xứ
(Hai Hùng SG)
Hoa Kỳ đất nước xa xôi
Tôi anh mỗi đứa cảnh đời khác nhau.
Nhưng lòng mình vẫn khát khao.
Gặp trên đất khách, nôn nao đợi chờ.
Thỏa lòng vì đạt ước mơ
Một chiều hạ nắng, anh chờ tin tôi.
Trong lòng chợt thấy bồi hồi.
Dáng anh đứng đón tôi, xa bên đường.
Dạt dào tình cảm thân thương
Anh, tôi hội ngộ vấn vương một chiều.
Ngoài sân vắng vẻ đìu hiu
Vài cơn gió nhẹ, một chiều gặp nhau.
Không khóc nhưng dạ nghẹn ngào.
Tiếc rằng hội ngộ qua mau thì giờ
Chén trà lưng rót thẩn thờ
Chia tay giây phút bơ vơ nỗi lòng.
Tôi về mang nhớ mênh mông.
Anh còn ở lại, cũng không vui gì.
Thôi thì đến lúc phải đi.
Mình sẽ gặp lại khi về Việt quê.
Rời nhà anh Quyền, xe tụi tui còn ít xăng nên ông "Tài xế nội địa" ghé vô cây xăng để đỗ, do lần đầu tiên mới đỗ xăng ở Mỹ nên cháu tài xế lúng túng, chừng nhìn những xe khác phải vô văn phòng gặp nhân viên để quẹt thẻ mua xăng, khi thanh toán xong họ điều khiển sao đó thì bên ngoài mình mới tự đỗ theo số gallon mình đã trả tiền, trong lúc đỗ xăng có một anh chàng da trắng lân la đến làm quen, tự dưng anh ta biểu diễn những điệu nhảy thật đẹp mắt cho tụi tui coi, nhảy xong anh ta đến gần bên cửa xe và nói:
- Tao đang đói, chưa đủ tiền mua thức ăn hôm nay.
Hiểu ý người thanh niên nọ, cũng là để giúp anh no lòng một cháu trong xe đã tặng cho anh chàng hai mươi Dollar. 
Anh chàng da trắng vui mừng bà cảm ơn rối rít, anh cầm tiền bà đi nhanh vô văn phòng cây xăng mua thức ăn, thấy anh ăn ngon lành trong lòng tui cũng vui lây, vì thằng cháu trong đoàn đã làm một việc thật ý nghĩa.
Về đến khách sạn tui cứ vương vấn mãi hình bóng người anh thân thương lú ban chiều hội ngộ, tuy không ruột thịt nhưng tui quý mến nhân cách là lối sống của anh, đang mơ màng sắp chìm vào giấc ngủ bổng dưng điện thoại reo tới tấp, tui nghe tiếng chị vợ của anh Quyền trách cứ:
- Anh Hùng tới chơi sao không chờ em dìa tiếc quá chừng, thôi hẹn anh mơi mốt ở Việt Nam nhe.
Tui cảm ơn tấm thạnh tình này thêm lần nữa, hẹn anh chị khi về thăm lại qua nhà nhé.
Tui chìm vào giấc ngủ vùi để lấy sức chinh phục vùng sa mạc tiểu bang Nevada nơi có khu giải trí Las Vegas danh lừng bốn phương, nơi kẻ khóc người cười suốt ngày đêm khi đặt chân đến nơi này.
Tập 5: Las Vegas - Thiên đường xa lắm
Tạm biệt miền nam California, tám "Mống" tụi tui lại phải dọn dẹp hành lý về lại Phi trường Los Angeles để lấy vé mà Tour đặt sẳn bay lên Las Vegas, chưa lần nào đến các Sòng bài sang trọng này, nhưng qua báo chí, qua internet và nhất là tui đã được nghe trực tiếp của một người "Lãng tử giang hồ" anh chia sẻ những thủ thuật của sòng bài làm cách nào để thu hút người chơi bài hoặc kéo máy, họ nghiên cứu về tâm lý của con bạc để kích thích lòng đam mê cờ bạc để vét đến đồng bạc cuối cùng của họ (Tui sẽ đề cập thêm phía sau) khiến tui e dè khi đặt chân đến đây, nói thì nói vậy thôi chứ tui đến nơi này mà tui lận lưng có hai trăm lẻ bốn Dollar mà thôi, hơn nữa tui không có máu cờ bạc trong người nên sẽ bảo toàn số tiền nhỏ bé trong túi của mình. (Cũng nói thêm chỗ này, tại sao tui cũng đầu đen, xí lộn đầu bạc máu đỏ cũng như thiên hạ thì làm sao không ham mê tứ đỗ tường, trong đó con ma cờ bạc là thứ kích thích đam mê của con người nhiều nhất, chẳng qua chuyện là như vầy nên tui quyết lòng dứt bỏ một cách cương quyết để lương tâm khỏi cắn rứt thêm lần nữa.
Vào năm một ngàn chín trăm bảy mươi, năm đó tôi đang ở một đại đội tác chiến của QLVNCH đóng quân tại ấp Mỹ Thủy thuộc xã Thạnh Mỹ Lợi quận Thủ Đức, khi vừa lảnh tiền lương hàng tháng xong, những tờ giấy bạc thơm mùi mực in và mới tinh luôn, tui bỏ vô bóp ngay ngắn và dự định qua sáng hôm sau xin phép sếp cho về thăm nhà rồi đưa má tui số tiền này để đỡ đần cho gia đình trong thời buổi kiệm ước, tiền nằm trong bóp chưa được mươi phút thì tui nghe trung sĩ Đê, và ông thượng sĩ Hà rủ binh "Sập xám chướng" (bài 13 lá binh ba chi) vốn cũng khoái cái món này tui nhào vô mần liền, cứ tưởng với cái tài binh của mình cũng không phải tệ, với hy vọng quơ hết tiền "ông thầy" của mình cho mấy ổng biết tay mình, dè đâu sau một hồi sát phạt tui bị thua cháy túi, các bạn biết đó mỗi buồn nó xâm chiếm nhanh chóng trong tui, và hơn thế nữa cũng vừa lúc đó tin dữ lan đến, anh Thọ ông anh lớn của tui tử trận ở Giồng trôm Bến Tre trong một trận hành quân, đất trời như sụp đỗ dưới chân tui, nỗi hối hận cắn xé trong lòng khiến tui đau buồn toan tìm đến cái chết cho xong một kiếp người, tui nhẫn tâm vô cùng khi để má mình phải gian nan đi nhận xác anh mình về nhà mà tiền bạc thiếu trước hụt sau, tui tự sỉ vả mình thật nhiều, thật nhiều.
Chôn cất anh tui trong nghĩa trang quân đội Gò vấp xong, tui cũng được gia đình an ủi và tha thứ tội lỗi nên tui cũng nguôi ngoai một phần, từ đó về sau tui tự hứa với lòng không bao giờ tham gia vào cuộc đỏ đen với bất cứ hình thức nào).
Sau bốn mươi lăm phút bay từ phi trường Los Angeles phi cơ đáp xuống phi trường Las Vegas, vào kiểm tra an ninh xong cả đám tụi tui nhanh chóng lấy hành lý và di chuyển ra ngoài để đón taxi về khách sạn. 
Cái không khí nóng hầm hập như lò bánh mì ập đến khi tui bước ra khỏi cửa của Terminal, ban đầu tui ngây thơ tưởng rằng hơi nóng này là do hơi nóng thổi ra từ phía sau của máy điều hòa, rồi dần tui cũng nhận ra đây là cái nóng của khí hậu sa mạc mặc dù mặt trời đã đi ngủ tự bao giờ, do Las Vegas được xây dựng trên vùng đất sa mạc của tiểu bang Nevada.
Lật đật lên xe taxi để tránh cái nóng, hai mươi phút sau cả đám tụi tui có mặt tại trước cửa khách sạn Paris, khách sạn này nằm trong quần thể xây dựng mang kiến trúc của nước pháp, gần đó có bản sao tháp Eiffel cao ngất, phía bên phải là Khải Hoàn Môn thu nhỏ có những con đường nhỏ chạy dọc ngang trước khách sạn hệt như một góc trời từ Paris họ bứng đem về dựng lại ở đây.
Vô làm thủ tục nhận phòng xong, tụi tụi xách những hành lý xách tay vô thang máy, còn hành lý cồng kềnh có mấy anh chàng lực lưỡng của khách sạn cho lên lầu bằng "con đường riêng".
Trên đường vô thang máy tụi tui đi xuyên qua những quầy rượu lộ thiên, những cổ máy kéo chớp đèn xanh đỏ thật vui mắt, các cửa hàng bán đủ thứ nhu cầu sinh hoạt của con người được xây dựng nối tiếp nhau, nhà hàng phục vụ thức ăn của Pháp rất đông thực khách, nhìn ai cũng quý phái sang trọng bắt mê.
Một điều rất đặc biệt toàn bộ không gian rộng lớn này đều nằm trong một bầu trời nhân tạo ánh sáng trên bầu trời còn sáng, cũng tô điểm thêm và ba ngôi sao lấp lánh, trăng lưỡi liềm lấp ló đàng đông, những đám mây trắng bay chậm chạm ví như nó cũng muốn dòm xuống xem được bao nhiêu mạng vô đây phụ "Đóng tiền điện" cho sòng bài, điều đặc biệt nữa trong khuôn viên này bất cứ ngóc ngách nào ở đây các bạn không bao giờ tìm được cái đồng hồ, bởi vậy dân vào chơi bài không còn nhận biết thời gian là gì cả, cứ chơi , cứ chơi và chơi xả láng sáng về sớm.
Phòng tụi tui nằm trên tầng mười tám, bước vô thang máy rộng thênh thang, khi thang máy khép lại tui nhấn vào số 18 chưa đầy một phút tầng mười tám hiện ra trước mắt rồi, vô phòng bấm số máy nội bộ báo cho họ biết số thẻ hành lý mình số mấy ở phòng nào thì tít tắt hành lý đến trước cửa phòng mình nhanh như điện xẹt, gửi chút đỉnh tiền típ cho họ xong tui liền đóng cửa và nhào vô nhà tắm tẩy trần tấm thân liền, khách sạn ở đây khỏi chỗ chê rồi các bạn ạ...
Sáng hôm sau xuống nhà hàng lấy đồ ăn sáng, mình phải chọn theo menu họ in sẵn, những món ăn của Pháp họ chế biến thật ngon và hương vị đậm đà, ăn xong tụi tui gọi taxi đi Outlet để cho mấy cô nàng đi Shopping, cái nóng hầm hập ban ngày thật đáng sợ trong khi chờ xe, tui bị những cơn gió thổi hơi nóng vào mặt nghe rát hai bên má, tui phải lấy hai tay che mặt lại để tránh cái nóng, hai mươi phút sau tụi tui đến nơi các cửa hàng danh tiếng bày bán nằm san sát bên nhau, nào là Tommy, Nike, Adidas, Polo v.v...
Các cửa hàng nơi đây nói chung không có ông bảo vệ ngồi thù lù một đống như bên mình, nhân viên bán hàng đi tới lui chứ không ngồi chết một chỗ, hàng hóa bày đầy ai muốn mua gì cứ lấy, miễn sao cà thẻ trả tiền thì được, ai có tật tham vặt thấy hàng hóa để hớ hên nỗi máu lấy lận vô mình là tự chuốc họa vào thân, vì tuy không có người coi chừng hàng hóa bày bán nhưng Camera dày đặc, không cử chỉ nào thoát khỏi những cặp mắt thần này hết, bạn lấy hàng mà chưa trả tiền bạn bước ra khỏi cửa chuông báo động nó la làng liên tục, bạn có mọc cánh cũng không bao giờ thoát.
Con bé nhà tui mua hai cái valy, tính tiền xong và Cali đã được đọc mã vạch coi như mình thanh toán rồi, cháu bèn bỏ cái valy nhỏ bào trong valy lớn nhằm cho gọn khi bỏ lên xe, khi ra khỏi cửa hàng chuông báo nó la rần rần khiến cô nhân viên nhìn với cặp mắt hơi nghi ngại, khi tháo valy ra thì cô ta phát hiện cái valy nhỏ bên trong, cô ta nói hàng hóa để bên trong hàng hóa nó sẽ báo động, khi bỏ valy nhỏ ra ngoài để ra cửa thì lần này nó mới chịu im hơi lặng tiếng, các bạn biết không thí dụ như quần áo bày bán cái nào họ cũng gắn con chíp hết, nếu họ chưa tháo ra bạn chôm chĩa đem ra ngoài là bị "dính chấu" liền, thiết nghĩ đã có tiền đi du lịch rồi thì đừng vì chút lợi nhỏ làm mất tư cách của mình đồng thời cũng một phần làm mất thể diện quốc gia.
Trên đường quay trở lại khách sạn Paris tui thấy một tòa nhà lớn mang tên Trump đang xây dựng, tương lai nơi đó cũng sẽ là cửa hàng hoặc khách sạn gì đó, nếu ai ủng hộ ông Trump thì ghé vô, còn như không khoái ông thì ngó lơ cũng chẳng ai phiền muộn gì.
Về tới khách sạn, tui thấy nhiều con nhạn là đà với gương mặt trắng bệt do thức đêm thua bài, không biết bao nhiêu người đã đến đây "Đóng tiền điện", tui được biết các sòng bài họ cho xe đón khách các nơi đi xe miễn phí , đến sòng bài ăn uống miễn phí nên nhiều cụ già đã ghiền tiếng rột rẹt của kéo máy, nhiều người mất hết tiền nhiều khi mất cả nhân cách cũng là một khoảng cách rất gần.
Trong đoàn tui, mấy cháu chơi cho vui thua ít tiền có cháu cũng thắng chút đỉnh cầu may vì các cháu cũng thấm nhuần câu ông bà mình nhắc nhở con cháu qua bao đời nay:
"Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm"
Tui kết thúc câu chuyện Las Vegas ở đây tuy còn nhiều điều để nói, sau này nếu bạn nào có dịp đến đây tự mình khám phá thêm cho cuộc đời thêm thi vị nhé.
Tập 6: Quay trở lại Los Angeles
Sau hai ngày hai đêm khám phá một vài nơi ở Las Vegas, đến lúc phải chia tay nơi đây.
Phải nói thiệt lòng đi du lịch tui ghét nhất ngày Check out khách sạn, vì sao các bạn và quý vị có biết không?, ngày cuối ở khách sạn khi mình trả phòng vào khoảng mười một giờ trưa, có điều chín mười giờ mình phải thu dọn hành lý đâu vào đó hết rồi, nếu ra xe đi đến địa điểm mới trong tour của mình liền thì không có điều gì phàn nàn, đàng này chuyến bay trở lại Los Angeles của tụi tui sẽ Check in gần sáu giờ chiều, mà khi trả khách sạn rồi thì đi lòng vòng "cù bơ cù bất" ngoài phố, hoặc vô nhà hàng, quán tiệm cà phê nào đó "Đóng đô" tạm thời, khoảng thời gian chờ đợi này tâm lý tui như những người Homeless (Vô gia cư), nó thật chán chường vì thời gian nó dài lên thê, cũng may phước là các khách sạn họ có dành một cái phòng để cho khách gửi hành lý lại trong khi chờ đến giờ mình khởi hành thực thụ (Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí), nếu không có dịch vụ như vậy thì kéo valy kè kè bên mình thật là bất tiện phải không các bạn (nếu kéo valy lòng lòng kiểu đó thiên hạ thấy vậy có khi họ lầm thầm với nhau:
- Cha nội này chắc mới bị vợ đuổi khỏi nhà hay sao á).
Trong khi chờ đợi đón Taxi vô phi trường Las Vegas, cả đám tụi tui tranh thủ chụp thêm một số hình ảnh cho cả đoàn và cho từng người, như tui đã nói thời tiết Las Vegas mùa hè thật khắc nghiệt, ngoài trời hôm ấy hơn bốn mươi độ (c), nắng chang chang, bầu trời xanh thẳm trong veo không một gợn mây, vậy mà mấy cô nàng trong đoàn tui ra đứng làm dáng để chụp ảnh, thấy vậy tui bèn ghẹo mấy cháu:
- Tao thấy mấy đứa ngộ thiệt nha, ở bên nhà mỗi lần có chuyện phải ra đường, đứa nào cũng bịt người kín mít như "Ninja" vậy mà qua đây nắng thấy tía luôn mà không chịu chụp lia lịa rồi vô mát, giang nắng một hồi tụi bây đen như "Chà và ma ní" hết ráo cho coi.
Mấy nhỏ nghe tui nhắc vậy cũng không thèm đếm xỉa gì đến, đã vậy tụi nó còn nhắc người cầm máy chụp hình:
- Nè Tùng nè, ông chụp có tâm giùm một chút nghe (ý nói chụp kỹ lưỡng giùm).
Trời đang nóng dữ dội, nghe mấy cô nàng nhắc nhở mình như vậy, trong bụng chắc không vui nhưng Tùng nhà ta bấm máy thiệt là có tâm, nhờ đủ ánh sáng, nhờ ăn mặc chải chuốt nhờ tâm lý thoải mái sau khi đi Shopping cả ngày hôm qua, vì vậy những tấm hình do Tùng chụp đẹp vô cùng, thấy vậy tui ghẹo:
- Chuyến này về Sài gòn mở tiệm chụp hình kiếm tiền uống cà phê được đó con.
Cả đám cười lên vui vẻ trong cái nóng thấy mồ tổ của vùng Las Vegas.
Xe đưa ra đến Phi trường Las Vegas, sau khi ký gửi hành lý xong xuôi thì đến màn qua kiểm tra an ninh, thú thiệt đi chơi thì vui nhưng đến mấy đoạn này tui không khoái chút nào, như đã nói phần trên, thôi kệ để an toàn chung trên các chuyến bay thì mọi người cũng nên gác lại những phiền muộn này nhé.
Tui cầm Passport và vé máy bay trao cho cô nhân viên an ninh trẻ và rất đẹp, không biết tui có bị ông ứng bà hành gì đó, tui thì tiếng anh lại "quá giỏi" mà hôm ấy dám cả gan khen nịnh cô ta:
- Police beautiful (ý tui khen cô ta đẹp, không biết tui nói vậy có trúng hay không mà tui thấy cô ta cười rạng rỡ)
Cô cảnh sát trả lại giấy tờ cho tui rồi ra dấu tui có thể di chuyển tiếp vào trong để đi qua máy chiếu quang tuyến X, đồ đạc trong ba lô, bóp, dây nịch, mắt kiếng, đồng hồ, cà rá nói chung tui dọng hết ráo vô mấy cái khay đang chạy trên băng chuyền để qua máy chiếu, tui đi qua máy xong thì một anh cảnh sát khá đẹp trai phong cánh đúng là cảnh sát Mỹ, với gương mặt thật ngầu, anh ta nói cái gì đó tui không hiểu, nhưng may cái là anh dùng động từ "To quơ" nên tui hiểu là anh kêu tui giơ cao tay lên để anh khám xét, anh ta mò khắp người tui, mò trong lưng quần, mò luôn bắp vế nữa, tui thắc mắc tự hỏi:
- Mình đi qua máy quang tuyến X rồi, mắc mớ gì mà ổng rà mình dữ vậy cà.
Chừng như khám phá ra gì đó, anh ta sổ tràng tiếng anh, tui nghe như "Vịt nghe sấm", nhưng vốn cũng nhạy bén, tui bèn đón mò chắc nó hỏi mình còn cái gì trong người không, tui vội mò cái túi quần lấy ra một dollars (Tiền dùng trong sòng bài) và tờ một trăm dollars trong túi đưa ra trình diện anh ta, tui đưa cho anh ta xem, lúc này anh ta mĩm cười lạ lắm làm tui thắc mắc nữa:
(Cái thằng này ngộ nha, nãy làm mặt "hình sự" với mình giờ lại cười thấy vui vui, chết tía rồi khi không mình móc trăm dollars đưa cho anh ta có khi nào anh ta nghĩ mình có mờ ám gì đó mà toan hối lộ cho anh ta hay không, kiểu này bất đồng ngôn ngữ nó hốt tui vô "hộp" có nước 'Húp cháo rùa" luôn).
Vẫn với nụ cười thân thiện, anh ta lấy tờ giấy để thử ma túy quẹt vô lưng bàn tay của tui, chẳng thấy phản ứng hóa học nào xảy ra dương tính với ma túy, chưa tin lắm anh ta bắt tui xắn tay áo lên anh ta quẹt quẹt thêm vài lần nữa, rốt cuộc tui không có "bà con" với "nàng tiên nâu, hoặc chất bột trắng trắng ghê rợn" anh đành cho tui đi lại băng chuyền để nhận hành lý, tưởng vậy là qua khỏi kiếp nạn, nhưng không, Đường Tam Tạng thỉnh kinh đến đoạn cuối cũng còn "mắc cái eo" mới đem kinh sách về tới Đại Đường, tui thầm nghĩ chắc mình đang vô vai Tam Tạng thỉnh kinh phiên bản năm hai không một chín, kiếp nạn cuối cùng đây rồi.
Hai cái ba lô của tui và "Chú Bảo" thằng cháu ngoại của mình đang nằm chần giần trước mặt cô nhân viên an ninh xinh đẹp (lại cũng xinh đẹp), cô ta hỏi đây có phải là ba lô tui và thằng cháu ngoại hay không, tui nhanh chống gật đầu xác nhận, cô ta mới bắt đầu đỗ toàn bộ đồ đạc trong ba lô ra để kiểm tra, nào là mấy gói trà của Tu Phạm tặng hôm gặp nhau ở Cali, rồi cà phê gói hòa tan tui đem theo để uống, (Tui thủ cẳng khá nhiều cà phê này, phòng khi cà phê ở Mỹ không hợp gu thì có cái để uống, bằng không tới cử mà không có cà phê thì không tỉnh táo đầu óc), thấy mấy gói cà phê lẻ tẻ này cô ta cầm lên quan sát, nhưng khi cô nhận biết đây là cà phê chánh gốc Việt nam cô cười cười bỏ lại ba lô cho tui, sau một hồi lục soát, không có vật gì liên quan đến chất cấm, cô ta vui vẻ trao cái ba lô cho tui cô ta nói lời cảm ơn vì tui hợp tác trong khi cô làm nhiệm vụ, tui mừng vui và lên tiếng cảm ơn cô ta rồi mang ba lô rời khỏi nơi kiếp nạn sau cùng này.
Ra ngoài tui thấy toàn bộ người trong đoàn đang đứng chờ tui với "Chú Bảo", nhỏ con lên tiếng hỏi:
- Tía mang theo cái gì mà bị xét lâu dữ thần vậy.
- Ờ thì ba cái gói cà phê thôi mà, qua Mỹ tía sợ cà phê không hợp gu nên đem theo.
Con nhỏ cằn nhằn ông già tía:
- Chèn ơi! Qua Mỹ mà tía sợ không có cà phê ngon, thôi ngày mai tranh thủ uống đi, còn nhiêu để lại, đừng mang theo kè kè nữa, họ tưởng Heroin ngụy trang xét tới lui phiền phức lắm.
Nghe con nói cũng phải, tui ráng tranh thủ uống lia lịa cho tới ngày về cũng hết cái đám cà phê mắc dịch này.
Chừng khi bình tĩnh lại tui tự hỏi tại sao mình với thằng Bảo bị xét dữ thần ôn vậy, như cuốn phim chiếu chậm lại tui nghiệm ra hai "Lỗi lầm" không nên có khi đi qua nơi xét hành lý.
Một là tui nói lời khen không đúng lúc đối với cô an ninh, vì có thể cô ta cho tui dùng lời nói khen nọ để đánh lạc hướng cô khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ của tui
Hai là trước khi vô gặp cô gái nọ để xem giấy tờ, tui và "Chú Bảo" phạm phải sai lầm, vì Bảo nhờ tui lấy ipad trong ba lô cháu đang mang trên lưng để bỏ ra khay riêng, tui với cháu lọng cọng khi lấy đồ ra vô nên anh nhân viên kia đã quan sát tụi tui từ xa khiến anh nghi ngờ, hoặc do cô An ninh gọi máy vô yêu cầu anh ta xét tụi tui vì có hành động đánh lạc hướng cô ta qua lời khen lúc ban đầu.
Qua vụ này tui không bao giờ để nó xảy ra lần nữa, ớn chè đậu lắm rồi.
Đáp xuống Phi trường Los quen thuộc, (sở dĩ tui nói quen thuộc vì mấy ngày trước cứ đi đâu đều phải qua phi trường này riết rồi muốn thuộc bài luôn), cháu Ngọc Anh con của Mợ Dung rước tụi tui về nhà cháu cách phi trường gần hai tiếng lái xe, còn năm thành viên trong đoàn bắt chuyến bay về Đài Bắc và nối chuyến quay về Việt Nam, riêng ba cha con ông cháu tui còn rong ruổi một thời gian ở Mỹ nữa mới quay lại cố hương.
Buổi sáng ở nhà mợ Dung được ăn sáng cũng rất ngon, tội nghiệp mợ và vợ chồng cháu Ngọc Anh đã tiếp đãi thật nồng hậu, hai cháu nhỏ con của vợ chồng cháu Ngọc Anh thật dễ thương, hai cháu làm trò, quấn quít bên tụi tui như thân tình tự bao giờ, các cháu giao tiếp rất tự nhiên không nhút nhát như con nít bên mình gặp người lạ thì e thẹn ngại ngùng, cảm động nhất khi vợ chồng Ngọc Anh chở tụi tui ra phi trường Los Angeles để đi Seattle lên thăm ngôi trường hight School nơi "Chú Bảo" sẽ du học tại đây, trên xe nghe tiếng phone của mợ Dung nói:
- Hai đứa nhỏ khóc quá chừng bây ơi, nó vừa thức dậy thấy không có ai ở nhà hai đứa khóc rân trời luôn.
Vậy đó, khi nghe mợ Dung thông báo tình hình như vậy, tự dưng tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng và ươn ướt dưới đuôi mắt mình.
Lại một lần nữa tạm biệt phi trường Los Angeles, hảng American đưa tụi tui đến vùng đất Seattle xinh đẹp vô cùng...
Tập 7: Cuộc hội ngộ bất ngờ ở Seattle
Rời Los Angeles bằng phi cơ hãng American Airline,  sau một thời gian lơ lững trên không, từ ô cửa sổ tui nhìn xuống địa phận của Seattle, phi cơ hạ dần độ cao phóng tầm mắt ra xa tui thấy như một bức tranh sơn thủy khổng lồ hiện ra, cái làm tui thích thú và có cảm tình với vùng đất này là nơi đây mật độ rừng rất lớn, nhìn những mảng màu xanh chen lẫn phố xá thật hài hòa, đặc biệt nhất tuy là vùng đất nằm trên độ cao khá lớn so với mặt nước biển nhưng khí hậu rất mát mẻ do có rất nhiều hộ tự nhiên chứa nước ngọt quanh năm, cũng qua ô cửa sổ của phi cơ tui thấy nhiều người vui chơi cắm trại ven hồ, khung cảnh này có chăng trước đây tui chỉ được xem qua màn ảnh của truyền hình, tui có cảm giác cuộc sống nơi đây không ồn ào tấp nập như bên California.
Ra khỏi phi trường sau khi qua máy soi chiếu và kiểm tra giấy tờ (mặc dù là ga nội địa nhưng lực lượng an ninh kiểm soát thật chặt chẽ như các ga hàng không quốc tế) tụi tui lên Taxi để về khách sạn, trên đường đi tự dưng tui nhận được một cuộc gọi qua Messenger, tui rất ngạc nhiên khi người gọi cho mình là thằng Khánh, một đứa em thân quen từng đi làm rừng với tui ở công trường khai thác lâm sản ở Đakia huyện Phước Long tỉnh Sông Bé (Khánh cũng là nhân vật chính trong truyện ngắn tui viết trước đây có tên: Ân tình không phai, truyện này tui kể lại nỗi nhọc nhằn và đời sống vất vả khi làm người đi "phá sơn lâm", Khánh cùng gia đình vừa quay về Mỹ cách đây vài tháng khi thăm nhà ở Sài gòn, anh em tụi tui gặp nhau tại nhà tui, hai đứa mừng mừng tủi tủi vì không ngờ có ngày gặp lại sau một thời gian bặt tăm nhau), tui bấm máy và trả lời:
- A lô. Anh đây Khánh ơi, gọi có chuyện gì không khánh.
Khánh biết tui đến Seattle để đi thăm Hight School nơi "chú Bảo" sẽ nhập học tại đây, Khánh trách nhẹ:
- Trời, anh qua đây mà không cho em biết để em đón anh, hiện giờ anh ở đâu.
Khi biết tui ở một khách sạn cách nhà của Khánh hơn hai mươi phút lái xe, Khánh hẹn tui sáng mai sẽ đến đưa tụi tui vô tận trường luôn, khỏi phải thuê Taxi vừa tốn kém vừa không chủ động thời gian đi đây đó ngắm cảnh và mua sắm.
Về đến khách sạn tiền Taxi gần chín mươi Dollar, gửi ông tài xế thêm ít tiền cho vui ông cảm ơn tụi tui thật nhiều vì tiền "típ" khá "sộp", vô khách sạn lấy phòng anh nhân viên ở quầy lễ tân lấy danh sách dò với Passport đúng tên ba người đã đặt khách sạn trước đây vài ngày, anh ta trao chìa khóa và chỉ chiếc xe đẩy để tui chất mấy valy đưa lên phòng, đây là khách sạn nhỏ ở một địa phương xa "kinh thành" nên các vật dụng cũng không được hoàn hảo, chiếc xe sút tay gãy gọng khi tui chất mấy cái valy lên, nó xiêu vẹo như "Răng bà già", sau một hồi sửa lại thì cũng tạm xài được, anh Lễ tân có nước da ngâm đen nhìn hai ông cháu đẩy chiếc xe vô thang máy với cái nhìn ái ngại vì thấy mấy valy nặng trịch. 
Vô Phòng khách sạn, đưa mắt nhìn quanh một lượt thì chú Bảo nhà ta phán một câu "xanh lè":
- Khách sạn này thua khách sạn ở Hollywood City và khách sạn Paris ở Las Vegas xa lắc hà ông ngoại.
Tui cười và nói với Bảo:
- Con ơi, đi tour là vậy họ thiết kế có này có kia, lúc thì "năm sao" khi thì "ba sao" mình phải chấp nhận thôi, miễn sao đừng gặp phải khách sạn "Ba xạo" là Ok rồi, giống như một số nơi ở bên mình, phòng ốc, thiết bị phục vụ chừng "hai sao" mà họ tự gắn "ba sao" khi mình vô ở mới biết là "Ba xạo" chứ nào phải "ba sao"
"Chú Bảo" nghe tui nói tiếu lâm như vậy nó cười cười mà mặt hơi nhăn nhăn, vì đang ở trên "cung trăng" nay rơi xuống trần gian nên hơi bị hụt hẫng.
Cất hành lý xong, rửa ráy mặt mũi cho tươi tỉnh ba tía con gọi xe Uber (lúc này tui sử dụng Uber để gọi xe, vì đi taxi mình không biết số tiền sẽ trả, ngược lại Uber họ thể hiện cước của chuyến hành trình tức thì, nên mình không phải lo lắng số tiền mình phải trả).
Ông tài xế chở ba tía con tui vô trung tâm thành phố, ông chạy qua những đường phố mà ông gọi đây là khu phố của nhà giàu (tui nhìn thấy họ đi những chiếc xe thật đẹp và đắc tiền) phố xá thật đẹp, ở đây có những con đường đỗ dốc thật lớn và dài, nó y hệt con đường ở Hollywood city nơi đã xảy ra bối cảnh rượt đuổi xe với tốc độ thật cao của những bộ phim hành động do tài tử Hollywood trình diễn, khu Downtown của Seattle rất rộn rịp, ông tài xế Uber đưa tụi tui đến một khu chợ nằm sát mé biển phía sau chợ, nơi có bến tàu để du khách xuống đi ngắm cảnh ven biển.
Đi lòng vòng chợ, hàng hóa thật phong phú, người bán cũng ngồi ở những cái quầy như mấy bà bán hàng ở chợ Sài gòn, dạo lòng vòng mỏi chân nên khi nghe mấy cậu thanh niên trong gian hàng cá vừa lựa cá vừa ca hát reo hò thật vui tai, khi lựa được vài con cá theo yêu cầu của phía ngoài, bên trong gian hàng có thanh niên nọ cầm con cá bằng hai tay rồi cậu ta quăng mạnh con cá ra phía trước gian hàng cho một thanh niên bên ngoài chụp, con cá được anh ta bỏ lên cân rồi cho vào cái khay nhựa chứa đầy nước đá bào ướp cá để giao cho khách, họ làm việc rất nhịp nhàng và chuẩn xác, mỗi lần như vậy du khách dừng lại xem và vỗ tay cổ vũ cho các chàng buôn cá tài hoa này.
"Chú Bảo" thấy cảnh này vui quá nên đứng xem mải mê, đến lúc phải mua cái gì bỏ bụng nên tui hối chú ta:
- Đi nè "Chú Bảo" ở đó coi hoài là đói đó nha ông.
Sau khi mua vài món ăn, tui gọi Uber đưa về khách sạn qua đêm để lấy sức cho ngày mới trên vùng đất Seattle. 
 Bảy giờ sáng xuống phòng ăn sáng, vài miếng bánh mì nướng trét bơ, ly trà, hoặc cà phê và ít chuối cũng đủ năng lượng cho ngày mới.
Đúng giờ hẹn, Khánh đến khách sạn đưa tía con tui ngôi trường nơi Bảo sẽ học, packing nơi đây rộng lớn nên đậu xe rất thoải mái, khuôn viên trường nếu đi bộ để thăm viếng toàn bộ các nơi nhiều khi đi cả ngày cũng chưa hết, tui choáng ngợp với cảnh vật của ngôi trường này, tụi tui đang "lớ ngớ" không biết nên bắt đầu từ đâu, thời may có một bà Mỹ đang bước từ xa đến, có lẽ bà là phụ huynh kỳ cựu nơi này nên bà đi một cách dứt khoát, khi bà đến gần nhỏ con tui hỏi thăm thì bà ân cần chỉ vẻ, chỉ xong nhưng bà nói cứ đi theo bà sẽ đến nơi cần đến.
Lên lầu của một dãy nhà, tụi tui đến đúng cái văn phòng nơi tiếp nhận học sinh đến nhập học, với thái độ thật thân thiện, một cô trong văn phòng khi biết mục đích của gia đình cho chú Bảo nhập học ở đây, cô rất vui mừng và ngạc nhiên vì ít có trường hợp nào phụ huynh từ nơi rất xa đến tìm hiểu trước khi cho con mình vô nhập học, cô ân cần chỉ vẻ mọi sinh hoạt nơi này, cô tặng ít quà cho Chú Bảo để chào mừng học sinh tương lai của trường, Cô (Hiệu trưởng) cùng một vài vô giáo cùng đứng chụp chung với gia đình tui một tấm ảnh lưu niệm tại văn phòng, sau đó cô gọi một học sinh đang phụ việc văn phòng đến, cô giao nhiệm vụ em này đưa tụi tui đi thăm những nơi chú Bảo sẽ học tập, ăn ở, vui chơi sinh hoạt.
Cô bé này người nhỏ nhắn dễ thương, em lớn hơn Gia Bảo hai tuổi và đã nhập học ba năm trước, tui rất vui mừng khi biết em là người Việt mình, nhà ở quận Bảy thành phố Sài Gòn, Vân liến thoáng giới thiệu về mình và các bạn sinh viên sẽ giúp cho Bảo sau khi nhập học, Vân đưa cả đám tụi tui đi giới thiệu khắp nơi, qua nhận thấy tui và mấy cháu rất ưng ý với cơ sở vật chất và điều kiện học tập ở đây, hy vọng một ngày gần đây sắp tới Bảo sẽ là học sinh chính thức ngôi trường trong mơ này.
Chia tay em Vân tụi tui ra về với sự quyến luyến lạ lùng, Khách chở hai má con chú Bảo đến điểm hẹn để cùng với đoàn khách khác tham gia tour vô viếng nhà máy Boeing tại Seattle này, sau khi thả hai đứa xuống điểm hẹn chờ xe đến chở, Khánh chở tui đi lòng vòng rồi đánh xe ghé thăm nhà Khánh cho biết, Anh Khâm anh của Khánh (Anh Khâm cũng tham gia đi phá sơn lâm với tụi tui, nhưng vùng sơn lâm chướng khí không hạp với sức khỏe của mình nên sau một tuần anh quay về Sài gòn làm việc khác) chờ sẵn trong nhà, gặp anh Khâm tui mừng vô cùng, mấy anh em chụp ảnh lia lịa để lưu niệm, sau khi uống nước ở nhà Khánh, tụi tui ghé qua thăm nhà anh Khâm cách nhà Khánh chừng mươi phút lái xe.
Nhà anh Khâm thì trồng hoa và trang trí vui mắt hơn bên nhà Khánh, hoa mười giờ trồng trước nhà khoe sắc thắm chen cạnh đó vài loại hoa khác đẹp lạ lẫm lần đầu tui mới gặp.
Trong khi hàn huyên tâm sự nhớ lại một thời đã qua, anh Khâm đãi tui và Khánh hai tô mì hoành thánh ngon thấu trời, vùng Gia định hiện nay có mì Minh Sanh và Sanh Ký ở ngã tư Bình Hòa rất ngon, nhưng so với tô mì chị Dung vợ anh Khâm nấu nó ngon gấp bội, nước xương hầm rất ngọt, sợi mì và viên hoành thánh nhìn là muốn ăn liền, tô mì anh làm quá lớn tui ráng phình bụng ra để nuốt và nuốt.
Ăn chưa kịp tiêu hóa, anh còn cho ăn Trái cherry vàng thật ngon ngọt, chưa hết nha, anh mời ly cà phê sữa đá (trộn với nhiều loại cà phê lại) rất ngon.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn, chia tay anh Khâm, Khánh chở tui về trả lại khách sạn xuất phát lúc sáng, tui chạnh nghĩ:
"Trên đời này có hạnh phúc nào hơn khi mình bơ vơ nơi đất khách, bổng dưng gặp người quen tận tình giúp đỡ mình như Khánh khiến tui cảm động vô cùng, còn cảm động hơn khi bà xã của Khánh nhắn tin tiếc rằng không có dịp gặp, và tiếc rằng tui đã đặt khách sạn trước rồi, nếu không thì nhà Khánh dư sức chứa tụi tui tá túc vài ngày là chuyện nhỏ như con thỏ"...
Sáng hôm sau tui quay lại phi trường Seattle để lấy vé bay về Melissa tiểu bang Texas để thăm gia đình (má Tư) và con gái Út tui đang học nơi đây...
Tập 8: Melissa và Arlington vùng đất bình yên
Ngày cuối ở Seattle tui liên tục nhận được điện thoại từ nhà má Tư và ông Hanh Tong, chủ yếu hỏi thăm tui đi đến đâu rồi, và chừng nào về đến phi trường Dallas, khi tui báo giờ dự kiến sẽ đáp xuống Dallas thì Hanh Tong và ông chồng của má Tư sẽ đến đón tại phi trường.
Khoảng 16 giờ địa phương phi cơ chuẩn bị hạ cánh xuống, trên phi cơ tui thấy phi trường này thật rộng lớn, phi cơ lên xuống liên tục khiến mọi người đều nhận thấy đây là phi trường nhộn nhịp vô cùng, qua kiểm tra an ninh xong tui đi lấy hành lý rồi theo dòng người đi ra ngoài, thấp thoáng từ xa tui nhận thấy vợ chồng ông Hanh Tong ngồi chờ tự bao giờ, gần đấy là ông chồng má Tư và con gái Út tui cũng đứng chờ, thật vui mừng tui đến chào ông chồng má Tư rồi đến bắt tay ông Hanh Tong, tui thật cảm động vì mọi người đã bỏ công chờ đón tui tại phi trường mà còn tặng quà cho tui với thằng cháu ngoại nữa, đáp lại tui cũng gửi cho ông chút quà quê nhà gọi là lấy thảo, khi gom đủ hành lý chuẩn bị ra về thì Hanh Tong mời mọi người đi đến quán phở để dằn bụng, do đường về còn xa, hơn nữa ở Dallas cũng tương tự Sài Gòn, đến giờ tan sở đường sá đông đúc hay gây kẹt xe nên ông chồng má Tư xin phép đưa tụi tui về cho kịp giờ, vì má Tư nôn nóng gặp con cháu bên nhà sang thăm nên má Tư đã nấu sẵn nồi canh chua với cá Hồi, thêm nồi cá kho cho đúng điệu bữa cơm của dân miền nam của mình.
Chia tay ông vợ chồng Hanh Tông trong lưu luyến, ông hẹn tui sẽ cố gắng gặp lại trong ngày quốc khánh Hoa Kỳ bốn tây tháng bảy.
Tui xin nói thêm về ông bạn Hanh Tong này, hai anh em tụi tui quen biết nhau qua trang nhà cựu học sinh Vĩnh Long Tống Phước Hiệp, thỉnh thoảng tui đăng truyện trên trang này, Hanh Tông nhào vô phụ họa rất vui, thắm thoát vậy mà quen nhau gần bảy năm ròng.
Hanh Tong là con cháu nhiều đời của ông Tống Phước Hiệp là vị quan với chức vị "Nội tả chưởng dinh" dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông là một người tận tụy với chức vụ, mưu lợi cho dân chúng, việc trị an được tốt đẹp khiến dân chúng rất yêu mến, các bạn thấy Hanh Tong cũng là hàng con nhà quan chứ chẳng chơi đâu nhé.
Phi trường Dallas cách thi trấn Melissa bốn mươi bốn dặm về hướng đông bắc, từ phi trường lái xe về Melissa khoảng bốn mươi chín phút, đây là khu thị trấn mới phát triển, đất đai còn rộng thênh thang, những khu dân cư mới xây mọc như nấm, những căn nhà nơi đây xây rất nhanh nhưng độ bền theo thời gian cũng không phải là ít, kỹ thuật và vật liệu xây dựng bên Mỹ rất hay, chủ yếu là lắp ráp nên tiết kiệm rất nhiều thời gian, tui thầm nghĩ, nếu ngành xây dựng của mình học cách làm kết cấu cho căn nhà như bên Mỹ thì tiết kiệm nhiều công sức và tiền của nhiều lắm.
Xe đậu lại trước nhà má Tư, căn nhà thật rộng gồm năm sáu phòng ngủ (Tui chưa xem qua hết căn nhà, nên không biết chính xác) nhà rộng rãi mát mẻ có sân vườn chung quanh, nhất là phía sau nhà má Tư có mảnh đất rộng trồng đủ thứ rau quả tươi ngon.
Tụi tui xuống xe má Tư chạy ùa ra ôm hôn hai đứa nhỏ, rồi má Tư nói với tui:
- Ông Gò vấp đi có mệt lắm không? 
Tui mỉm cười với cách gọi của má Tư đối với tui như vậy, vì thân thương lắm nên má Tư đặt cho tui biệt danh "ông Gò Vấp", tui khẽ gật đầu rồi chào hết cả nhà, chiều hôm đó tui và hai cháu được ăn một bữa cơm ngon nhất trong đời, thấy tụi tui ăn hết ráo thức ăn khiến má Tư vui ra mặt, vì bên Mỹ khi dọn ra cho khách ăn mà khách còn chừa thức ăn lại trong dĩa thì coi như họ đã gián tiếp chê thức ăn không được ngon.
Qua hôm sau tụi tui đi lòng vòng quanh các con đường trước nhà má Tư chơi, cây cỏ trồng trước mỗi nhà thật đẹp, tiếc thay cho thành phố Sài gòn, trước đây do người Pháp họ quy hoạch đường phố và các loại kiến trúc như bên mẫu quốc nên đường sá hơi chật hẹp, nếu có tầm nhìn rộng hơn họ làm đường và vỉa hè rộng như bên Mỹ này thì cũng hạn chế nạn kẹt xe như hiện nay vấp phải.
Không khí ở Melissa rất trong lành, mùa hè nơi đây cũng nóng nhưng không nóng quá như Sài gòn, cũng chưa khi nào nắng rát mặt như mùa hè Las Vegas, đặc biệt ở đây an ninh trật tự hầu như tuyệt đối, cháu Kevin con của má Tư cắm chìa khóa của chiếc xe mô tô hiệu Suzuki 3500cc để hẳn ngoài sân rồi bỏ thí ở đó để vô nhà nghỉ ngơi, tui thấy vậy (chắc tại bệnh nghề nghiệp) nên tui nói:
- Sao không khóa cổ xe rồi đem chìa khóa vô nhà.
Cháu cười và giải thích ở đây không ai làm chuyện ăn cắp hết, bằng chứng là ga ra chứa xe hơi và nhiều dụng cụ sửa xe mở cửa để cả ngày chẳng ai trông coi mà chẳng mất bất cứ vật gì bao giờ, gặp Sài Gòn là nhà không còn một món như chơi, vì vậy khi đến xứ sở văn minh mình phải theo lối sống của họ, đừng vì lòng tham nhám nhúa tay chân thì khác nào tự bôi tro trát trấu vào mình đó các bạn.
Tui có một người cô ruột cô thứ mười, ba tui thứ chín, ngày xưa cứ chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật cô dượng Mười hay lái xe từ Phú nhận vô nhà ba tui chơi, riết rồi cứ thấy chiếc  xe "Trắc xông" màu đen có bảng số NBQ - 386 là tụi tui ùa ra mừng rỡ, cô dượng Mười hay chở tụi tui đi ra "Cấp" (Vũng Tàu) để tắm biển, bên nội tui có cô dượng là gần gũi hơn những người khác nhiều.
Sau bảy lăm cô dượng Mười của tui sang định cư tại Arlington sống tại đây từ đó đến nay, khi nghe tui ở Melissa, em Đào con của cô Mười kêu cháu Liên là con của Đào lái xe gần cả giờ đồng hồ rước tui về Arlington để cô gặp mặt, thế là tui có mặt tại nhà cô tui đúng dịp lễ độc lập của đất nước Hoa Kỳ, một ngày lễ thật thiêng liêng dành cho đất nước và sum họp gia đình, gặp cô Mười và các chị em tui mừng mừng tủi tủi, những kỷ niệm ngày xưa ùa về, cô Mười nhắc lại những kỷ niệm thân thương khiến tui ứa nước mắt, ba tui đã về nơi miên viễn khá lâu, chắc nơi đó ông mà biết được hai cô cháu có ngày gặp nhau trên đất khách chắc ông vui mừng không kém như tui.
Ăn uống xong tui định nghỉ ngơi chút xíu cho lại sức, bổng đâu chuông điện thoại réo liên hồi, mở máy ra tui nhìn thấy Ngọc một cô em cũng là tay văn thơ có cỡ trong trang nhà Rạch Giá tha hương, Ngọc và tui cũng thường comment vui cho những bài viết của nhau, Ngọc cũng đã giúp tui một số việc ngoài đời tuy chưa từng gặp mặt, tui lấy làm lạ và tự hỏi:
- Ủa sao tự nhiên Ngọc gọi vậy cà
Tui trả lời:
- Anh Hùng nè, gọi anh có gì không Ngọc ơi.
Biết tui ở Việt Nam, nhưng cô nàng thấy tui ghi dưới cuối truyện ngắn:(Bà Sáu bỏ cuộc chơi) Hàng chữ Texas ngày... Cô nàng lấy làm lạ và nghi tui đang có mặt tại Texas nên Ngọc gọi điện thoại hỏi thăm, hóa ra cô nàng cũng đang ở thành phố Arlington chung với nơi Cô tui đang sinh sống, vậy là Ngọc lái xe đến "bắt cóc" tui chở đi lòng vòng thành phố để chụp ảnh, Ngọc giới thiệu các danh lam thắng cảnh nơi đây, nơi có những trận thi đấu thể thao môn dã cầu thật hấp dẫn. Chiều đến Ngọc rủ thêm con gái đến một nhà hàng ăn của người Mễ đãi ông anh phương xa và gặp nhau bất tử những món ăn thật ngon, tui cũng mừng vì mình là người ăn ở có trước có sau nên đi đâu cũng có quới nhân giúp đỡ, nhân đây tui xin cảm ơn cô em này đã có tấm lòng thật tốt với tui, nguyện cầu ơn trên phù hộ cho Ngọc và gia đình được nhiều may mắn và an lành trong cuộc sống.
Ngọc lái xe đưa tui trở lại nhà cô của tui, chia tay Ngọc khi bên ngoài trời đang dần nhá nhem tối, tôi thật cảm động với nghĩa cữ này của cô em lần đầu gặp mặt giữa đời thường này.
Bấm chuông gọi cửa, Đào em tui ra mở cửa, sau khi hỏi han việc đi chơi chiều nay, Cô tui hối Đào và chị Hương (Con của cô Sáu tui đến thăm dì của mình, chị từ thành phố Houston đến) dọn món ăn mừng lễ độc lập và cũng để mừng cô cháu anh em tụi tui gặp lại sau mấy chục năm dài, Đào và chị Hương đang loay hoay công việc, bỗng chuông điện thoại tui nó lại réo lên, cô tui thấy vậy liền nói:
- Chèn ơi qua tới Mỹ xa lắc xa lơ mà bạn bè đâu quá chừng vậy?
Tui cười với cô và nghe máy, bên kia đầu dây là anh chàng "Tống công tử" mà hàng ngày tui hay ghẹo anh chàng Hanh Tong với cái biệt danh này (Hanh Tong còn biệt danh khác là thầy Cai tổng, nghe đâu thầy còn thiếu bà Hội đồng Ngọc Nhan ba giạ lúa mượn thời xa xưa, nay nghe tui đi Mỹ bà Hội đồng có nhờ gặp thầy Cai tổng đòi ba giạ lúa cho bà, tui nhắn cho thầy Cai tổng vụ việc trên, thẩy nó: Ông Hùng về nói bà Hội đồng qua Mỹ đi ổng sẽ trả đủ vốn lẫn lãi, nghe vậy coi như tui trớt quớt vì bà Hội đồng có bỏ nhỏ cho tui rằng: ông Hùng cứ đòi đi nếu được thì ông hưởng một giạ lúa), Hanh Tong gọi tui để hỏi địa chỉ rồi rước tui đến nhà cùng vui tết độc lập, nghe vậy một thoáng suy nghĩ tui nói với Tống công tử:
- Thôi ghé lại đây chơi với tui đi ông ơi, tui tới thăm cô mà bỏ đi hoài sợ cô buồn.
Sau khi Đào cho địa chỉ nơi tui đang ở, chừng mươi phút sau Tống công tử có mặt tại nhà
Sau một hồi trò chuyện Tống công tử xin kiếu từ, tui tiễn anh ta ra về với lòng thân mến vô cùng, hẹn Tống đệ ngày nào đó gặp nhau ở Sài Gòn nhé.
Cổ bàn đã dọn ra, món heo rừng xào lăn do Đào nấu thật ngon, hải sản nướng cuốn bánh tráng chấm mắm nêm, trên đất Mỹ mà thưởng thức món này làm tui tưởng mình đang ở quê nhà, để cho ngon miệng tui cùng chị Hương uống hai ly rượu chát nhỏ vậy mà nó cũng lâng lâng.
Thương cô Mười tui lắm ngày xưa còn son trẻ cô đẹp rất tự nhiên, nay chín mươi bốn tuổi mà nét mệnh phụ phu nhân ngày xưa vẫn còn hiện diện nơi cô, tuy tuổi cao nhưng cô còn minh mẫn kể chuyện ngày xưa nhớ vanh vách.
Chia tay người cô khả kính tui trở lại Melissa, trước khi ra về cô Mười gửi chút quà cho má tui, chị Hương cũng có cái bao lì xì màu đỏ cho mợ Chín (má tui), Đào cũng gom góp quà gửi cho mấy chị em tui bên nhà, tui cảm động vô cùng vì cái tình bà con sao ấm áp vô cùng.
Về lại Melissa tui và cháu Liên (cô tài xế dễ thương) quên việc chụp ảnh hai cậu cháu để lưu niệm, hẹn con dịp khác nhé Liên ơi.
Quay lại nhà má Tư chừng hai hôm là đến ngày phải trở lại quê nhà, trước khi về lại Sài Gòn, nhà má Tư chở tía con tui ra thành phố Denton vô xem nơi nuôi các con thú, cảnh trí và cách nuôi nhốt thật gần gũi với con người, nào là cá sấu bạch tạng, chim cánh cụt, những loại chim chóc quý hiếm, cá biển, cá mập, cá đuối bơi lượn trong thủy cung rất đẹp, còn nhiều loại thú khác và cây cỏ được trồng rất hài hòa, tui có cảm giác lạc vào khu rừng nào đó có suối róc rách chảy luồn qua hang động mát rượi.
Buổi chiều má Tư lại cho cả nhà ăn một buổi tối thịnh soạn tại một nhà hàng Mễ rất ngon, ăn xong tui cảm thấy mình phát phì ra và nghĩ rằng chuyến này về lại bên nhà tui phải "Tề bớt cái cửa" mới chui lọt vô nhà.
Đêm cuối ở nhà má Tư, bao nhiêu buồn vui trong đời hai bên cùng trút sạch, tui chìm vào giấc ngủ khi đồng hồ chỉ hai giờ sáng.
Tập cuối: Gian nan trên đường trở lại Sài Gòn
Đêm cuối nhà Má Tư ở Melissa, tui đến bên ông Paul chồng Má Tư để nói lời cảm ơn những điều tốt đẹp nhất mà ông và gia đình dành cho tía con tụi tui, đang nói chuyện với ông (qua google dịch), thì Má Tư nói một tràng tiếng Anh với ông Paul điều gì tui chẳng hiểu, ông Paul vội vả đi lên phòng đem xuống tặng tui một bao gấm đỏ có sợi dây rút trên miệng túi rất đẹp, ông nói: (qua lời dịch của con nhỏ Út của tui)
- Tôi tặng cho Hùng vật này, tuy rằng giá trị không lớn, nhưng đây là vật tôi rất thích.
Vốn là người rất vui tánh, ông nói giỡn thêm:
- Đừng có lấy cái này đi đánh bài thua uổng lắm nhe.
Con nhỏ Út vừa dịch cho tui nghe nó vừa cười vui vui, tui ôm chầm lấy ông siết chặt chặt để tỏ tấm lòng, sau đó tui nói và ra hiệu, tui rất quý và trân trọng tình cảm của ông dành cho mình, ông kêu tui nên mở ra xem cho biết, khi mở ra tui thấy một đồng tiền vàng có in nổi chân dung tổng thống Trump, mặt sau đồng tiền có hình con Đại bàng biểu tượng quốc huy của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tui cũng rất thích vật kỷ niệm này của ông "cột chèo" tặng cho mình, tui sẽ giữ vật này như một báu vật cho riêng mình để đáp lại tấm thịnh tình của ông Paul.
Trưa hôm sau, Cháu Kevin và con nhỏ Út của tui có nhiệm vụ đưa tía con tui ra phi trường Dallas để về lại Phi trường Los Angeles một lần nữa, từ đó sẽ lấy vé của hảng China Airline (Đài Loan) bay về Đài bắc sau đó nối chuyến bay khác của cùng hảng này để bay về đất mẹ thân yêu của mình.
Hành lý chất lên phía sau xe chật kín, Kevin khởi động máy xe cho xe được thoáng mát khi mở điều hòa không khí, vì hiện tại lúc đó nhiệt độ trong xe rất cao, mọi người trong nhà Má Tư, mấy đứa cháu nhỏ đều ra đứng chụp ảnh lưu niệm với tía con tụi tui, sau khi ôm hôn từ biệt mọi người, khi xe lăn bánh tui thấy có gì cay cay nơi khóe mắt, vốn là người dạt dào tình cảm nên mỗi cuộc chia ly tui cảm thấy như mình vừa đánh mất một cái gì quý giá vô cùng.
Xe đang bon bon trên Feerway, bổng chuông điện thoại của Kevin đỗ liên hồi, sau khi nghe máy Kevin đánh xe vòng lại nhà Má Tư thêm lần nữa, trong lúc tất bật lo chia tay chia chân, do không để ý nên còn sót lại một cái Valy, thiệt là uổng công cháu tui phải lái thêm một đoạn đường không mong đợi, dẫu sao cũng vui tui cho là ý của trời muốn cho cả nhà có dịp nhìn lại những người thân thêm một lần nữa, vì chắc phải lâu lắm mới có dịp quay lại nơi này.
Đến phi trường Dallas, tìm chỗ đậu xe xong Kevin và con Út cũng phụ đẩy Valy đến nơi cân hành lý của hảng Delta Airline (nằm sát bên đường nơi xuống xe), hãng này làm việc nhanh gọn nên phút chốc hành lý được đưa lên băng chuyền và vé họ in vé lên phi cơ cho luôn (Khỏi vô check in quầy vé bên trong vì nơi đó đông như kiến).
Sau khi xong các thủ tục trên, tụi tui tiễn Kevin và con Út trở lại xe để ra về, bịn rịn, chụp ảnh cho đã đời rồi tưởng rằng hai đứa lên xe ra về, nhưng không hai đứa nhất quyết tiễn tụi tui vô lại bên trong nơi sẽ vô cách ly, rồi bịn rịn với cặp mắt đỏ hoe của con Út khiến Kevin cũng chạnh lòng, thấy vậy tui kéo mấy đứa đi ra ngoài để lần này dứt khoát lùa cho hai đứa lên xe về, chứ cái kiểu tiễn đưa kiểu này thì tết "Công gô" chưa ai rời được chỗ này, đợi hai đứa khuất dạng tụi tui mới xếp hàng vô để làm thủ tục chờ giờ lên máy bay.
Chặng đường gian nan bắt đầu từ đây, từ phi trường Dallas dự kiến bay về phi trường Los Angeles áng chừng một giờ bay, mà quỹ thời gian để làm thủ tục check in chuyến nay về Đài loan còn đến hai tiếng, thời gian này sẽ đủ để làm thủ tục cho chuyến bay kế tiếp của mình, tui cảm thấy tâm hồn thư thái tự an ủi:
"Kệ nó tuy có mệt, có đi xa nhưng đến với đất nước Hoa kỳ một lần cũng đáng lắm chứ".
Thời gian chờ đợi để lên phi cơ thật lâu, do chuyến bay này từ Los Angeles đáp xuống lấy khách rồi bay về lại Los Angeles  họ bị chậm gần hai mươi phút do thời tiết, sau khi yên vị trên khi cơ tui chỉ còn đúng một tiếng bốn mươi phút để kịp đáp chuyến bay tiếp theo, nếu bị trễ chuyến tại phi trường Los Angeles về Đài loan coi như tụi tui sẽ bị mất trắng vé máy bay chặng đó và chặng cuối cùng về Sài gòn nữa (Hãng China Air không có nghĩa vụ bồi thường vì lịch trình di chuyển của tui chuyến đi từ Dallas về nằm ngoài tour).
Ngồi trên phi cơ thú thật trong lòng tui như có lửa đang cháy ầm ĩ, lo sợ bị trễ chuyến bay kế tiếp thành sự thật thì nhiều hệ lụy kéo theo, nào là mất tiền vé, tốn tiền lưu trú chờ mua vé mới v.v... Với suy nghĩ này khiến tui muốn bệnh.
Ngồi hàng ghế gần cuối đuôi phi cơ, tui ngồi lọt thỏm vào giữa, phía lối đi là một bà Mỹ trắng, phía cửa sổ là cô Mỹ đen có địu theo đứa con nhỏ, vé của tui đáng lẽ ngồi phía cửa sổ, nhưng cô gái này muốn ngồi phía đó cho tiện bề chăm sóc cháu nhỏ nên tui nhường, cô ta đã bày tỏ tấm lòng cảm ơn khi tui nhường ghế đó cho cô, có ngồi gần mới thấy sự nhân văn trong cách sống của người Mỹ, bà Mỹ trắng thấy cô gái da đen phải chật vật với đứa con nhỏ, bà ta bèn hỏi han và phụ giúp đồng thời bà cho bánh kẹo, nước uống cho cô gái cho em bé ăn để bé bớt quấy trên phi cơ, rồi dường như cô gái chưa thông thuộc đường sá ở Los Angeles, bà Mỹ trắng đã tận tình chỉ dẫn cuối cùng cô cũng hiểu và cảm ơn bà rối rít, chưa hết đâu nha các bạn, khi phi cơ đáp xuống bà Mỹ trắng nhanh nhẹn lấy hành lý giùm cô gái nọ và nhường cho cô rời khỏi phi cơ trước mình, tui rất ngưỡng mộ bà về điều này, tuy khác màu da nhưng bà ta không chút kỳ thị như tui tưởng, cũng nên nhắc lại một chút, trên đường phố Los Angeles rất nhiều người Homeless, đa phần là dân da màu, họ chọn hàng ba nơi các cửa hàng, hoặc co ro trên vỉa hè, họ cứ sống như vậy nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ tui thấy họ kêu gào hoặc ngửa tay xin bố thí, ai hảo tâm cho gì thì họ nhận nấy, nên những khi đi ngang qua những người này tui không lo sợ họ níu kéo hoặc làm phiền mình điều gì.
Phi cơ bò chậm rãi trên phi đạo rồi dừng hẳn lại để chờ ráp vô ống, vì không còn nhà ống để ráp vô cho hành khách đi xuống, ông cơ trưởng đã thông báo cho mọi người cố gắng chờ đợi trong vài phút, nghe thông báo trên tui thầm nghĩ:
"Kiểu này thì thua luôn là cái chắc, chờ ráp nối vô nhà ống, còn chờ hành khách lũ lượt kéo xuống tới phiên mình rời khỏi nơi này chắc "lúa vàng" luôn."
Cuối cùng tía con tui cũng rời khỏi phi cơ, vì đã chuẩn bị tinh thần sẵn rồi, sau khi qua khâu kiểm tra an ninh xong, cả ba người tụi tui phóng ào ào đến nơi trả hàng lý, vì qua phi trường này quá quen thuộc nên tui tui lấy hàng lý thật nhanh, từ đó vừa kéo valy chạy vừa hỏi thăm Terminal nơi có hãng China Ariline để lấy vé về Đài Bắc.
Quý vi và các bạn nào có nếm mùi khổ sở ở phi trường Los Angeles thì không lạ gì với nỗi khổ của tụi tui trong ngày hôm đó, từ Terminal một đến Terminal năm rất xa, với sáu cái valy, hai cái ba lô tía con tui chia nhau đẩy, kéo valy bắt đầu cuộc thi chạy Marathon, (nếu như lúc này có cuộc thi chạy thật sự thì chàng Lực sĩ người Somalia chưa chắc gì qua mặt được tía con tui) đường thì hẹp, người thì đông đúc, khổ nhất là qua những đoạn họ đặt chướng ngại vật bằng những trụ làm bằng inox to tướng, qua những đoạn này phải chen chúc rất khó di chuyển, đôi chân già nua của tui bắt đầu căng cứng, hơi thở tui dồn dập nhiều lúc mệt muốn đứng tim, nhưng bằng giá nào tụi tui cũng phải về đích cho bằng được, đến trước quầy vé tui đứng muốn không vững nhưng mọi đau khổ vừa qua dường như tan biến một cách mau lẹ không ngờ, các ông thần may mắn đã mỉm cười với tụi tui vị họ đã giúp "vừa ngám" thời gian để check in.
Tui thầm cảm ơn Trời phật, Chúa thánh thần, ông Địa, ông Táo, Thần tài, đại khái nhớ tới vị nào tui cảm ơn vị ấy đã cứu tụi tui tránh "một bàn thua" trước mắt, ngồi trên phi cơ tui hồi tưởng lại đoạn đường gian nan vừa qua mà mình vừa trải, nó đầy gian truân nhưng cũng đầy ngọt ngào phải không các bạn.
Đến Đài Bắc tụi tui được lên phi cơ nhanh chóng, ghế ngồi hàng thứ chín chỉ cách khoang dành cho hạng thương gia bằng cái rèm mỏng che hờ.
Còn nỗi mừng nào hơn khi bánh phi cơ chạm trên phi đạo Tân Sơn Nhất, tụi tui như hồi sinh sau cơn bạo bệnh, bao nỗi nhọc nhằn tan biến tự bao giờ sau suốt gần ba mươi tiếng đồng hồ từ lúc tui từ giã gia đình Má Tư ở Melissa.
Chuyến đi tuy ngắn ngủi vì nó vỏn vẹn ba tuần lễ nhưng nó sẽ ghi đậm lại trong lòng tui cho đến ngày nhắm mắt lìa đời, bao ân tình kỷ niệm những ngày qua, bà con ruột thịt dành cho nhau tình cảm thắm thiết đã đành, đàng này không ruột rà nhưng khi biết tui đến những vùng đất kể trên thì anh chị em nơi đất khách đã không quản công, thậm chí nghỉ làm để đưa đón, đãi đằng ăn uống chăm sóc mình như một người thân thật thụ, nghĩa tình sâu đậm này là vết son ghi khắc mãi ở miền ký ức của mình, cho dù năm tháng sẽ trôi đi nhưng kỷ niệm này chẳng bao giờ phai nhạt trong tui.
Sài gòn 12.7.2019
Hai Hùng SG
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...