Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Tình đông trong Đường thi

 Tình đông trong Đường thi

Thơ Đường có hai loại hình phổ thông đó là miêu tả và tự sự. Miêu tả những cảnh vật thiên nhiên trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn được các nhà thơ Đường ưa chuộng, cùng với mục đích không những chỉ tả cảnh thuần túy trong thiên nhiên vũ trụ, mà người thơ còn muốn bộc bạch tấm lòng, gửi gắm tâm tư, biểu lộ cảm xúc của mình, một cách chân thành, tự nhiên vào những biểu tượng cụ thể của cảnh vật chung quanh, như muốn gọi mời lôi cuốn hồn thơ lãng đãng đắm chìm trong âm thanh, màu sắc, hình tượng của vũ trụ muôn màu muôn sắc, vô thủy vô chung.
Trong bài viết nầy, tác giả xin đan cử vài bài thơ nói lên cái suy tư, cảm xúc của người nghệ sĩ thơ Đường đứng trước khung cảnh mùa Đông lạnh giá giữa khói sương bàng bạc huyền ảo, mây núi chập chùng bao la, tuyết rơi lả tả phủ trắng khung trời, gió biên cương hiu hắt, nỗi nhớ quê hương vời vợi…
Bằng đôi mắt nghệ sĩ tinh tế, ngập tràn cảm xúc, nhà thơ Cao Biền đã vẽ nên một bức tranh thơ nhẹ nhàng tình tứ, chập chùng mộng ảo, giữa hư và thật "trúc xanh mà cứ tưởng là quỳnh mơ" mang âm hưởng nhạc khúc sầu man mác, làm trùng lòng người xem . Người thơ đã có cảm thụ sâu sắc, mượn hình ảnh thiên nhiên để biểu đạt cái cảnh ngộ của bản thân và như muốn thổ lộ tâm sự riêng tư :
Tuyết bay lả tả sân nhà
Trúc xanh mà cứ tưởng là quỳnh mơ
Lầu cao ngắm cảnh nên thơ
Đường quanh co tuyết phủ mờ nhân gian

Đối Tuyết (Cao Biền)
Không gian bàng bạc trong Đường Thi đã gợi mở cho thi nhân những hình ảnh sinh động, những xúc cảm tinh tế, những nỗi lòng bâng khuâng tương thông và tương hợp . Nhà thơ Lưu Khắc Trang diễn cả khung cảnh mùa Đông qua cảm nhận phong phú, gắn bó giữa khung cảnh đẹp buồn, trữ tình, nhiều màu sắc và âm thanh của một bức tranh thủy mạc gắn bó với cuộc sống đời thường, với những cảm thụ tha thiết nhân sinh "vườn hoa cúc nở đóa tròn, cảnh như thế hỏi ai còn không vâng .." Như vậy khung cảnh mùa đông đâu phải là biểu tượng riêng của ảm đạm, lo âu, buồn não nuột, mà còn là những hình ảnh đẹp muôn màu gợi cảm trong tâm hồn của thi nhân:
Bên song thức dậy, nắng vàng
Tiếng thu xào xạc sau hàng tre xanh
Lầu cao sai kẻ dọn nhanh
Trẻ con gọi bảo dành manh áo hàn
Rượu hâm, cây lá xanh ngàn
Thức ăn nghi ngút đầy bàn thơm ngon
Vườn hoa cúc nở đóa tròn
Cảnh như thế hỏi ai còn không vâng !

Đông Cảnh (Lưu Khắc Trang)

Những bài thơ mang giọng điệu trữ tình thấm thía, ý tình gắn bó một cách mật thiết hài hòa, nói lên một tâm hồn thư thái, an bình, mang khuynh hướng nhàn dật thanh cao và giản dị, từ bỏ nếp sống áo mũ xênh xang gò bó, chốn khoa trương chèn ép, ganh ghét dèm pha, để mà cùng bạn bè sống an vui với cảnh thiên nhiên, cỏ cây trăng nước, với chén rượu câu thơ, cùng nhau đàn ca xướng họa:
Đêm đông trà, rượu mời anh
Tre khô nhóm bếp lung linh lửa hồng
Vẫn thường trăng chiếu bên song
Chỉ hoa mai tỏa sắc hương lạ lùng

Hàn Dạ (Đỗ Lai)
Bức tranh thiên nhiên được diễn tả bằng những đường nét gợi cảm, màu sắc lung linh huyền ảo, trong khung cảnh tĩnh lặng, vi diệu, gợi nên sự liên tưởng sâu sắc, và tâm hồn thi nhân đã giao động trước cảnh uyên nguyên của đất trời bao la, vũ trụ bát ngát :
Chung Nam cảnh núi tuyệt trần
Tuyết rơi rơi phủ trắng vầng mây trôi
Sau mưa rừng nắng sáng soi
Chiều hôm thành vắng khí thời lạnh căm

Chung Nam Vọng Dư Tuyết (Tổ Vịnh)
Thơ Đỗ Phủ dạt dào tình cảm sâu sắc phong phú, mang tính cách hiện thực. Ngoài những bài thơ biểu hiện cái nhiệt tình yêu nước cao độ, lòng bác ái vị tha đối với tầng lớp nông dân lao động, và tinh thần đả kích giai cấp thống trị phong kiến hủ bại, ông còn sáng tác rất nhiều bài thơ tả cảnh thiên nhiên thật nồng nàn sinh động và trữ tình tha thiết, mang phong cách thơ truyền cảm độc đáo.
Cùng với cảnh tuyết rơi, nhà thơ đã tạo ra những hình ảnh thi vị, tinh khôi, ý cảnh đầy sáng tạo, phóng khoáng và gợi cảm tự nhiên Phải chăng nhà thơ đã muốn quên đi những ray rứt u hoài, lo âu khắc khoải, gian nan phiền toái của kiếp đời ly hương :
Trường Sa tuyết bắc giăng đầy
Mây Hồ lạnh lẽo gieo lây khắp nhà
Lá rơi theo gió la đà
Mưa rơi tí tách khó mà nở hoa
Tiền đầy túi, chẳng lo xa
Rượu ngon bình bạc cứ pha ngập tràn
Không ai uống hết rượu ngon
Cùng nhau đợi lúc chiều tàn quạ kêu

Đối Tuyết (Đỗ Phủ)
Lấy vật để tả lòng "cảnh nầy, thôn cũ, khác chăng ?" đã nói lên cái tâm tư của người thơ bộc phát từ sự "cảm ở mắt, hiểu ở lòng", qua sự quan sát tinh tế và cảm nhận bén nhạy, đó là những suy tư sâu thẳm, cảm xúc dâng tràn, hoài cảm trung thực bộc phát từ những hình ảnh thiên nhiên lặng lẽ, nhịp nhàng đầy thi vị, đã dẫn dắt tâm tưởng của người thơ trên hành trình đi tìm về nguồn cội sinh thành, nơi quê cha đất tổ :
Cảnh, trời, người, đất, gọi nhau
Lập đông hơi ấm phô màu xuân sang
Mành mành năm sắc treo ngang
Véo von lau sậy, bụi ngàn bay xa
Liễu chờ, trăng đợi bờ hoa
Non cao bớt lạnh, mai đà lộc căng
Cảnh này, thôn cũ, khác chăng?
Rượu nồng chuếnh choáng, ta rằng nhớ quê?

Đông Chí (Đỗ Phủ)

Liễu Tông Nguyên đã dùng thơ để bộc lộ nỗi lòng thầm kín riêng tư . Ông là nhà chính trị học thức và tài hoa, một người tiến bộ chủ trương vấn đề cải cách, đả kích bọn địa chủ cường hào, nhưng ông bị nhiều phe phái có thế lực cấu kết chống lại ông. Ông thất bại và bị biếm làm Tư Mã Vĩnh Châu. Những bài thơ tả cảnh của ông ngắn gọn cô đọng, nhưng tinh tế hàm súc đầy ẩn ý, chan chứa tình . Bài thơ Giang Tuyết của ông đã phát họa một hình ảnh cô đơn của một ông lão buông câu trên sông tuyết lạnh lẽo bàng bạc khói sương. Đó là một hình ảnh đậm đà cảm xúc, trong một thế giới trầm mặc thanh tịnh, để tự khắc họa hình ảnh của nhà thơ, muốn nói lên cái nỗi buồn tê tái của kẻ xa quê, cái tâm trạng chua xót bị ức chế, bày tỏ cái tâm tư dằn vặt, cái u uẩn ngấm ngầm triền miên vẫn hoài khắc khoải trong lòng người thơ . Ông mượn lời thơ tả cảnh nhàn dật, cũng chỉ muốn gửi gắm nỗi lòng cô đơn thất vọng, và cũng để biểu lộ cái cốt cách thanh cao của kẻ sĩ liêm chính :
Nghìn non vắng bóng chim bay
Mịt mùng muôn dặm chẳng hay chân người
Lão thuyền nón lá áo tơi
Mặc sông tuyết phủ vẫn ngồi buông câu

Giang Tuyết (Liễu Tông Nguyên)
Thơ Mạnh Hạo Nhiên chủ yếu miêu tả cảnh quê hương đất nước, cuộc sống ngao du sơn thủy, ẩn dật nhàn cư . Đó là những chuỗi tâm tư trầm lắng và ý vị giữa dòng đời trôi nổi, trên bước đường phiêu bạt, khi nỗi nhớ quê dằng dặc trước cảnh trời đông lạnh tuyết trắng vây quanh . Hồn thơ trắc ẩn theo cánh nhạn xa bày, cô đơn, u uẩn, bay về một khung trời hoài vọng xa xăm. Những tiếng kêu ly hương thảng thốt, những tiếng gọi chia lìa thống thiết, những tiếng nấc trầm luân khô lệ, như vẫn còn quanh quất đâu đây ... Phải chăng người thơ đã muốn trở về cõi an nhiên tự tại, nơi quá khứ êm đềm để muốn tìm quên những nghiệt ngã xót xa khi lê thân lưu đày nơi đất khách quê người :
Lá rơi cánh nhạn bay về
Gió trên sông thổi lạnh tê buốt lòng
Nhà ta khuất bến sông Tương
Cách xa đất Sở mấy đường mây trôi
Nhớ quê mắt lệ dần vơi
Cánh buồm cô độc góc trời tha phương
Mịt mùng dọ lối hồi hương
Mênh mông biển tối thê lương lặng nhìn

Tảo Hàn Hữu Hoài (Mạnh Hạo Nhiên)
Cao Thích là nhà thơ Đường tài năng và phóng khoáng, thời trẻ ông đã nổi tiếng qua bài thơ biên tái "Yên Ca Hành" miêu tả cảnh chiến chinh hùng tráng, xông xáo, khảng khái với tất cả nhiệt thành , "tử tiết tòng lai khởi cố huân ?" (xưa nay kẻ tử tiết nào nghĩ đến công lao ?) , "quân bất kiến : sa trường chinh chiến khổ ?" (anh chẳng thấy : sa trường chinh chiến khổ "), bộc lộ hoài bão tha thiết của một kẻ sĩ phu luôn ôm ấp lý tưởng cao cả, khí khái tự hào, ngạo nghễ bất chấp thời cuộc đảo điên. Ông cũng có những bài thơ ca ngợi tình bạn một cách chân thành, tha thiết, chứa chan tình cảm đôn hậu, tâm lượng bao dung :
Mây vàng mười dặm nắng soi
Gió lùa cánh nhạn tuyết bời bời rơi
Chớ buồn đường trước chẳng ai
Ở trong thiên hạ muôn người biết anh !

Biệt Đổng Đại (Cao Thích)
Bạch Cư Dị là nhà thơ lớn thời Đường. Ông yêu chuộng sự chất phát thành thật trong thi ca, nên thơ Ông khá phổ thông trong quần chúng, phù hợp với chủ trương hiện thực, nhưng giàu chất trí tuệ và có sức quyến rũ vô cùng . Ông mang tư tưởng "thức thời tri mệnh" và "an bần lạc đạo" , nên những vần thơ tả cảnh thiên nhiên "ngâm phong vịnh nguyệt" là những bức tranh sơn thủy tự nhiên rất đẹp biểu hiện một tâm hồn bình dị trong sạch và thái độ lạc quan đối với cuộc sống :
Dế đông buồn gấp mấy thu
Não nùng kêu, kẻ vô tư phải sầu
Già như ta sợ gì đâu
Tuổi xanh nghe phải chắc đầu bạc phơ

Đông Dạ Văn Trùng (Bạch Cư Dị)
Với tấm lòng bao dung vị tha yêu người, thương dân, thương nước, và khe khắc với chính bản thân, nhà thơ Bạch Cư Dị đã đưa mâu thuẫn giai cấp vào dòng thi ca hiện thực của ông, đã tài tình miêu tả cuộc sống nông dân chất phác hiền hòa, chịu đựng nghèo nàn, đen tối đau thương, thua thiệt vì sự bất công đàn áp và bóc lột của giai cấp quan liêu thống trị . Ông là người yêu chuộng sự giản dị, tự nhiên, thành thật và muốn văn nghệ thi ca không phải là sản phẩm ưu đãi chỉ dành riêng cho giới quan liêu quí tộc, mà thi ca phải phản ảnh đời sống bình thường trung thực của tầng lớp nông dân tay lấm chân bùn, khốn khổ bần cùng cơ cực, phải quần quật làm việc trong thời tiết mùa đông, giá buốt, cơ hàn . Bài thơ Thôn Cư Khổ Hàn (Rét Buốt Ở Thôn Quê) của ông là những lời lẽ chân thật giản dị, nhưng thâm thúy, khúc chiết và sinh động, phát xuất tự đáy lòng chân chính, từ tâm hồn bác ái nhân hậu đã làm xúc động người đọc khôn nguôi :

Mùa đông tháng chạp năm nào
Suốt năm ngày lạnh tuyết ào ào rơi
Tre thông chết cóng rã rời
Huống không manh áo bao người lầm than
Nhìn xem khu xóm quanh làng
Mười nhà .. tám, chín nghèo nàn thảm thê
Như dao cắt, gió bấc về
Vải bô đâu đủ ấm che thân người
Rơm, gai đốt tạm tìm hơi
Suốt đêm chờ sáng đứng ngồi buồn vương
Nghĩ năm buốt lạnh mà thương
Nông dân chịu đựng trăm đường đắng cay
Nhìn lại ta với những ngày
Ở trong nhà kín thật may hơn người
Chăn bông áo kép đều nơi
Dư thừa hơi ấm nằm, ngồi thảnh thơi
May không đói rét tả tơi
Lại không vất vả ngoài nơi ruộng đồng
Ngẫm suy mà thấy thẹn lòng

Hạng người chẳng xứng ... hỏi rằng phải ta ??
Thôn Cư Khổ Hàn (Bạch Cư Dị)
Cảnh vật mùa đông vốn đã là những hình ảnh biểu trưng cho sự cảm sầu da diết, ảm đạm tái tê, tĩnh lặng cô đơn, lại càng làm cho mối sầu tăng thêm mãnh liệt, khi phải đứng trước những cảnh chia tay, ly biệt, khi phải tiễn bạn đi xa, như một cánh chim bạt ngàn bay về một chân trời nào đó, gặp nhau lại chỉ là một viễn ảnh xa mờ :
Ngút ngàn cỏ úa biên cương
Nỗi sầu ly biệt vấn vương đã nhiều
Đường chân mây lạnh đìu hiu
Người về tuyết phủ bóng chiều mong manh
Xa nhà thuở tóc còn xanh
Trải bao gian khó, gặp anh muộn màng
Nhìn nhau dấu lệ, bàng hoàng
Hẹn nơi đâu ... chốn trần gian bụi mờ ?

Tống Lý Đoan (Lư Luân)
Trước khung cảnh mùa đông thật gần gũi, thi nhân đã nới rộng tầm nhìn mà cảm nhận rung động trước bức tranh thủy mạc tinh tế, tuyệt mỹ để mà gửi gắm tình ý sâu thẳm . Những hình ảnh xao động trước mắt "tuyết rơi Vân Mộng nhạn bay, Động Đình bến nước chia tay khách thuyền" đã khơi động lại giấc mộng muốn về cố hương vẫn luôn ẩn mật trong tâm hồn thi nhân :
Khói mờ bảng lảng chiều sông
Ngàn lau đất Sở mênh mông bến này
Tuyết rơi Vân Mộng nhạn bay
Động Đình bến nước chia tay khách thuyền
Non cao sóng gió triền miên
Lung linh ánh nước sao đêm sáng trời
Mai tháng chạp rụng tơi bời
Vườn xưa năm mới là nơi hẹn về ...

Tương Trung Tống Hữu Nhân (Lý Tần)
Thơ của Đỗ Phủ có tính cách đa diện, ngoài những bài thơ châm biếm đả kích giai cấp quyền thế thống trị , phong kiến hủ bại, có những bài thơ đề cao phẩm chất và công lao của tầng lớp nông dân nghèo khó, những bài thơ gửi gắm tâm sự cho bạn bè thân thiết , bên cạnh đó phần lớn là những bài thơ trữ tình, cảm hoài, vãn cảnh, miêu tả cảnh vật hoặc tự sự cũng mang tính chất lãng mạn một cách nhẹ nhàng tha thiết, như những bài thơ tả tình bạn, tình gia đình thắm thiết, nồng nàn, chân thật, lồng giữa khung cảnh thiên nhiên sinh động, chứa chan tình ý :
Quế Giang gió bấc thổi tràn
Giữa đêm giá buốt, ngút ngàn tuyết rơi
Lầu Nam bóng nguyệt mờ soi
Lạnh căm bãi Bắc bời bời mây giăng
Đèn nghiêng mới gặp người chăng
Thuyền ngang đầy khẳm nói năng nghe gì
Núi cao chẳng biết đường đi
Tiếng gà xao xác bỗng thì nhớ em

Chu Trung Dạ Tuyết Hữu Hoài Lư Vu Tứ Thị Ngự Đệ (Đỗ Phủ)
Thơ biên tái cũng đã được nhiều nhà thơ Đường lấy chiến tranh trận mạc làm đề tài cảm hứng sáng tác. Cảnh chiến trường vào mùa Đông thật thê lương ảm đạm. Nhà thơ Sầm Tham đã từng làm quan ở chốn biên cương, nên những bài thơ của ông mang những nét độc đáo phản ảnh trung thực những nếp sống gian nan ở chốn biên cương, cũng như ông đã miêu tả đầy tình tiết những khung cảnh uy nghi hùng vĩ, cảnh xông pha chiến đấu dũng cảm của các binh sĩ, những hoàn cảnh chịu đựng của quân lính ở chốn xa xôi trong mùa Đông tuyết băng lạnh giá thấu buốt xương. Nhờ gần gũi với tướng sĩ biên phòng và quan sát tận nơi, nên ngôn ngữ qua ngòi bút của ông rất hiện thực, phong phú, sinh động, hoành tráng và tha thiết tình: 
Gió đông cuốn đất, cỏ tàn
Trời Hồ tháng tám ngút ngàn tuyết rơi
Gió xuân hây hẩy đêm rồi
Ngàn cây lê điểm trắng ngời nở hoa
Tung bay đẫm ướt màn là
Áo cừu lạnh ngắt, chăn nhà mong manh
Cung sừng tướng chẳng giương nhanh
Lạnh manh áo sắt phải đành che thân
Mênh mông biển cát làn băng
Mịt mùng muôn dặm mây giăng não nề
Tiệc bày đưa tiễn khách về
Tiếng tỳ, cầm, sáo, lê thê não nùng
Chiều buông tuyết phủ chập chùng
Gió không lay nỗi cờ hồng đóng băng
Tiễn người ra tận cửa đông
Người đi tuyết ngập đầy đường Thiên Sơn
Núi quanh co, bóng chập chờn
Tuyết in dấu ngựa, nỗi hờn chia ly

Bạch Tuyết Ca Tống Vũ Phán Quan Quy Kinh (Sầm Tham)
Lý Hạ là nhà thơ Đường rất tài hoa, là hiện tượng kỳ lạ độc đáo trong thi ca Trung Quốc. Cảnh ngộ khó khăn, không may, lận đận trên đường công danh sự nghiệp của cá nhân, cũng như chứng kiến những cảnh bức bách, bạo tàn, xấu xa của giai cấp thống trị đã gây nên niềm bi phẫn, uẩn ức, áp chế trong lòng người thơ, nên thơ của Lý Hạ có một cấu trúc lạ lùng huyền bí, quái dị, ảm đạm, thê lương, hoang đường huyền thoại và được truyền tụng là " thi trung hữu quỷ" (trong thơ có quỷ). Nhưng thơ của ông không thiếu những bài thơ trữ tình, giản dị, trong sáng, đầy ắp tình người và tình quê . Bài thơ Xuất Thành (Ra Khỏi Thành) của Lý Hạ đã diễn tả cái nỗi ngậm ngùi, chán chường, cái sầu ảo não ray rứt của người long đong trên đường sự nghiệp, khoa cử, thi hỏng phải khăn gói về lại với gia đình ớ nơi quê làng cũ. Cái sầu ấy càng gia tăng bội phần khi người thơ trên đường trở về cố quận trong khung cảnh mùa đông băng giá, tuyết rơi trắng xóa phủ đầy đường ...
Hoa thưa thớt, tuyết rơi rơi
Chim non trúng đạn kêu trời, bay qua
Lừa soi bóng, bến sông xa
Gió Tần thổi mạnh mũ sa xuống người
Về làng muôn dặm xa vời
Hỏng thi rã rượi lòng ơi nhuốm sầu
Nàng như khuyên hỏi đôi câu
Gương soi hàng lệ mắt sâu chảy dài ... 

Xuất Thành (Lý Hạ)
Chúng ta nhận thấy trong Đường Thi Trung Quốc những bài thơ về mùa Đông và Hạ xem ra ít oi khi so sánh với số lượng thi ca ngâm vịnh ca ngợi tình Xuân và Thu . Một số ít bài thơ tiêu biểu về Tình Đông trong Đường Thi dẫn chứng ở trên cũng đã biểu hiện cái thần thái, linh động, sức sống kỳ thú của sự vật, nhân sinh , phối hợp một cách kỳ diệu dưới con mắt nghệ thuật của thi nhân dù đứng trong bất kỳ một thời gian và không gian nào của vũ trụ bốn mùa tuần tự biến thiên. Người thơ đã xem thiên nhiên như người bạn tri âm tri kỷ đồng cảm để chia sẻ những trầm thống của kiếp đời, những ưu tư dằn vặt và nỗi niềm buồn vui thế sự . Những bài thơ Đường vẫn mãi ngân vang những âm hưởng kỳ diệu, gợi nhớ những nỗi sầu vạn cổ bâng khuâng, xao xuyến lòng người . 
... Nếu có gì thiếu sót và bất cẩn, mong sự lượng thứ và thông cảm của quí bậc túc nho trưởng thượng và quí bạn đọc yêu thơ .Vì lý do kỹ thuật về nhu- liệu, rất tiếc chưa in được nguyên tác chữ Hán của mỗi bài thơ Đường, tác giả mong bạn đọc lượng thứ .
Hải Đà
Mùa Đông 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...