Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Yêu thương trong “Mùa xuân đến rồi đó”

Yêu thương trong “Mùa xuân đến rồi đó”
Nghệ sỹ Thanh Hoa đã từng tâm sự: “Mùa xuân đến rồi đó” như một bức tranh đẹp lộng lẫy về mùa xuân. Giai điệu và âm nhạc của bài này rất giản dị nhưng vô cùng duyên dáng, trong sáng. 
Mỗi khi xuân về, mỗi người trong chúng ta đều thấy lòng mình như trẻ lại. Cái rạo rực của đất trời, cái tí tách của chồi non lộc biếc, cái xôn xao của gió núi mây ngàn... tất cả đang bừng lên như men rượu nồng. Và những bài ca về mùa xuân cũng góp lửa cho rượu thêm men, cho tình người thêm đậm. Mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người và mùa xuân của đất nước. Tất cả như hòa quyện, như đan dệt với nhau tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc.
Có nhạc sỹ viết về sự trọn vẹn đất nước, lòng người chung về một mối thì gọi đó là "Mùa xuân đầu tiên", có nhạc sỹ nhìn người chiến sỹ trên lưng giắt đầy lộc biếc... gọi đó là mùa xuân nho nhỏ. Cũng có người đứng nhìn đất nước với những tầm cao vẫy gọi vang ngân lên khúc ca về mùa xuân của đất nước...
Mỗi một ca khúc viết về mùa xuân đều khai thác ở những khía cạnh khác nhau, những lát cắt cuộc sống khác nhau. Ta rạo rực khi nhìn thấy mùa xuân trong "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời, Bao cô thôn nữ hát bên đồi". Ta ngây ngất với một mùa xuân "chín" với những "làm nắng ửng khói mơ tan, những gió lay tà áo biếc", và ta cũng ngây ngất về mùa xuân với lời thầm thì của một chàng trai với một cô gái "em ơi mùa xuân đến rồi đó".

Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én lướt bay về; Ríu rít ngang trời, chim hót chào bàn tay dựng xây...Ảnh: nnyvn.com
Ca khúc "Mùa xuân đến rồi đó" của nhạc sỹ Trần Chung chính là sự hòa quyện của lòng người và mùa xuân đất nước. Thực ra ở đây không hẳn đã là mùa xuân cụ thể mà là mùa xuân của lòng người.
Mở đầu tác giả dùng lời của chàng trai nói với cô gái về một mùa xuân đã về. "Em ơi mùa xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời". Cũng có hoa, có lá cũng mặt trời nhưng mùa xuân ở đây thật rộng dài hơn: Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én lướt bay về; Ríu rít ngang trời, chim hót chào bàn tay dựng xây...
Thật ra ý tưởng về bài hát tác giả đã ấp ủ từ những năm 1976 khi đất nước vừa thống nhất. Đó vào những năm tác giả đi công tác ở phía Nam. Cái không khí đoàn tụ của bao gia đình, cái ríu tít của không khí "ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang" đã làm tác giả nghĩ về một mùa xuân đất nước.
Nhưng hơn hết là khi tiếp xúc với những người trẻ chủ nhân của mùa xuân. Đó là những lớp thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh đang tình nguyện hăng hái đi xây dựng những vùng đất mới. Và khi ngồi trước mùa xuân, hình ảnh lớp trẻ lại hiện về. Mùa xuân và tuổi trẻ cứ đan quyện vào nhau bật lên thành ca từ "em ơi mùa xuân đến rồi đó". Đó là lời trao gửi là lời thúc giục của đôi lứa, là con tim của lớp trẻ nhịp đập cùng mùa xuân đất nước.
Mùa xuân đến rồi đó, mùa xuân đang vẫy gọi mấy ca từ cứ lập lại dồn dập như lời thúc dục. ...

Em ơi mùa xuân đến rồi đó 
Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời
Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại tới
Nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi
Nghe em mùa xuân nói gì đó...
Trước đấy nhạc sỹ Trần Chung được mệnh danh là nhạc sỹ của những ca khúc về Trường Sơn. Chàng nhạc sỹ quê gốc ở Nam Định, sinh ra ở đất Cảng vào những năm hai mươi của thế kỷ trước đã để lại nhiều dấu ấn cho các chiến sỹ trong loạt bài hát về Trường Sơn như: như Bài ca Trường Sơn phổ thơ Gia Dũng hay Đêm Trường Sơn nhớ Bác phổ thơ Nguyễn Trung Thu.
Bài ca Trường Sơn là bức tranh về Trường Sơn mùa xuân của người chiến sỹ ra trận. Ta bắt gặp ở đây chú nai vàng đang ngơ ngác nhìn anh giải phóng quân. Cái ngơ ngác không giống như "Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô" của Lưu Trọng Lư mà ngơ ngác như một sự tò mò, như sự thán phục về người lính Trường Sơn. Trong gian lao vẫn mơ màng "ngắt đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi" và "còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân. Đúng là nơi mà "ai chưa đến đó như chưa rõ mình" nói như nhà thơ Tố Hữu... Những bài hát này đã đưa ông đến với giải thưởng nhà nước năm 2001.
"Mùa xuân đến rồi đó" thực sự là một tiếng reo vui về mùa xuân. Nhịp 2/2 như thôi thúc như bước chân mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà đang thúc giục mọi người cùng dựng xây một đất nước tươi đẹp. Nghe bài hát như có hơi ấm mùa xuân, có sức trẻ trung lan tỏa, có nắng xuân đang ngời chiếu trên quê hương.
Nghệ sỹ Thanh Hoa đã từng tâm sự: "Mùa xuân đến rồi đó" như một bức tranh đẹp lộng lẫy về mùa xuân. Giai điệu và âm nhạc của bài này rất giản dị nhưng vô cùng duyên dáng, trong sáng. Lời hát rất có ý nghĩa, nhất là câu cuối "Giang rộng vòng tay đón cuộc đời" cứ vang vang mãi, sức sống từ ca khúc này đã luôn động viên tôi đi tới trên những quãng đường dài.
Và chị cho rằng: "Ca khúc này luôn thúc giục con người ta đi lên, ngay cả trong những lúc khốn khó nhất. Nếu ai cũng cảm nhận và yêu quý những khoảnh khắc thăng hoa cùng mùa xuân như thế thì tôi tin là con người ta sẽ nhân ái và vị tha hơn nhiều".
Vâng, vượt lên trên tất cả sự ngợi ca, "Mùa xuân đến rồi đó" chính là sức trẻ của mùa xuân đang gõ cửa, đang thúc giục con tim cùng chung tay dựng xây mùa xuân đất nước.
Câu kết như một sự hòa giải yêu thương, xóa bỏ mọi cách ngăn để cùng chung sức xây dựng và đón nhận một mùa xuân, đón nhận cuộc đời tươi đẹp mà bước chân xuân đang mang đến.
 Nguyễn Đăng Tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...