Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Giọt nước rơi nghiêng

Giọt  nước rơi nghiêng
Đứng ở thềm nhà những ngày mưa, ta có thể thấy những giọt nước rơi nghiêng theo chiều gió thổi. Tuy nhiên, không chỉ hình ảnh giọt nước mới rơi nghiêng, người ta còn nói tới cả…âm thanh rơi nghiêng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thời niên thiếu đã viết hai câu thơ rất đẹp:
Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
Không hiểu tại sao nhà thơ biết được độ dày mỏng của “tiếng rơi”và biết được “tiếng rơi”ấy là nghiêng. Chẳng biết có nhà thơ, nhà văn nào nói đến “mùi hương”rơi nghiêng hay là “vị ngọt” rơi nghiêng hay chăng? Ý nghĩ, hành vi được ví như giọt nước, vì thế mới có câu:
Như nước nhỏ từng giọt
Rồi bình cũng đầy tràn
Ý nghĩ, hành vi cũng rơi nghiêng, nếu nghiêng về phía xấu thì:
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần.
Và nếu nghiêng về phía tốt thì:
Người trí chứa đầy thiện
Do chất chứa dần dần.
2. Nước rơi nghiêng do gió thổi còn hành vi “rơi nghiêng”là do mỗi người tự chọn. Vì thế mới có nhà thơ “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước, chọn một dòng hay để nước chảy xuôi”. Chọn “một dòng”thì cả cuộc đời mới phải đối diện đôi lần. Còn để giọt nước rơi nghiêng thì cơn mưa nào cũng gặp. ý nghĩ rơi nghiêng thì phút giây nào cũng gặp, ngay cả trong …mơ. Người bình thường thì ý nghĩ, hành động lúc nào cũng có khuynh hướng nghiêng về một phía. Làm cho ý nghĩ, hành động rơi nghiêng nghĩa là chọn lựa định hướng cho nó.
3. Hễ nói tới chọn lựa thì phải nói tới tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn nghĩa là khung, chọn theo tiêu chuẩn nghĩa là áp cuộc sống vào khung. Vì thế mới có câu chuyện về cái giường của Procuste: mỗi người được đo theo chiều dài cái giường ấy, nếu ai dài quá thì…chặt chân cho vừa, nếu ai ngắn quá thì…kéo dài cái chân cho vừa với cái giường. Câu chuyện (cổ tích) thời kinh tế thị trường tương tự là như sau: Một doanh nhân sáng tác ra một kiểu giày đặc biệt chỉ có một kích cỡ, sản xuất đại trà, khách hàng nào bàn chân to thì sẽ bị chặt chân để vừa với đôi giày, khách hàng nào chân bé thì sẽ được kéo dài ra và làm rộng bàn chân ra để vừa với đôi giày. Vì thế, ai cũng bỏ bê công việc làm ăn, lo lắng luyện tập bàn chân mình sao cho vừa với đôi giày. Giày thay vì phải sửa chữa cho vừa với chân thì bây giờ chân phải thay đổi cho vừa với giày. Đó gọi là hiện tượng hủy cuộc sống để bảo toàn quy tắc. Vì thế mà có câu “chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”. “Giản” là làm bớt, làm nhẹ đi, con “trạch” là chọn lựa. Bớt cái gì và lựa cái gì, đó là cái điều lo lắng. Ý nghĩ hành động rơi nghiêng nghĩa là đưa tiêu chuẩn về vị trí của nó, đúng với mục đích của nó là làm cho đời sống tốt đẹp hơn. Đó gọi là hiện tượng hủy quy tắc để bảo toàn cuộc sống.
4. Một chuyện (tưởng là) “dzui”:
- Sao quần bạn ướt nhẹp. Đằng kia có toa-lét mà.
- Chờ sao được, “sống là không chờ đợi”mà.
Chuyện này là chuyện như đùa? Không hẳn như vậy, nếu có một toa-lét gần đó và nếu bạn có thể đi đến đó thì việc theo các quy tắc lịch sự của xã hội là hợp lý, nếu làm như ví dụ trên thì bạn không sống theo tiêu chuẩn, không văn minh, lịch sự. Nhưng nếu bạn đang trong một chỗ kẹt xe, không len đi đâu được hay bạn bị liệt thì tiêu chuẩn ấy có nên xem xét lại không?
5. “Sống là không chờ đợi”, một loại dầu gội đầu đã được quảng cáo như vậy. Điều này có nghĩa là nếu bạn ngứa đầu, có “tóc cũng thôi bay” thì đừng chờ đợi, hãy dùng dầu gội đầu này ngay. Còn bạn, khi gặp khẩu hiệu này, ý nghĩ của bạn nghiêng về phía nào? Có nhiều phiên bản “nghiêng nghiêng”, chẳng hạn “sống là không chờ đợi, thỏa cơn ghiền cái đã!”. Với phiên bản này, người buồn ngủ phải có ngay chiếu manh, người tiểu đường (mà thêm đường) phải sử dụng ngay đường, người nghiện heroin phải có ngay heroin để hút, chích vì “sống là không chờ đợi”. Một phiên bản “nghiêng nghiêng”theo hướng khac: “sống là không chờ đợi, làm điều tốt cái đã!”. Với phiên bản này, nếu bạn muốn cho em bé bán vé số tiền thì phải cho ngay, nếu muốn giúp đỡ cha mẹ già thì hãy giúp ngay, vì “sống là không chờ đợi”.
6. Quên bài vở, đó là bệnh của học trò từ thời học với các cụ đồ cho đến thời học tập bằng cách click chuột. Cô giáo khảo bài học trò, thấy quên nhiều quá, bèn nói chuyện nghiêng nghiêng:
- Quên được như các em sướng quá nhỉ.
- Sao mà sướng hở cô?
- Nếu ai đánh mình, chọc tức mình mà mình cũng quên tuốt luốt thì có phải hạnh phúc biết bao nhiêu.
- Chỉ có con nít mới dzậy cô ơi.
- Cô cũng muốn làm “đồ con nít”như thế.
wwww. Mùa Euro , sinh viên đi học lưa thưa, đứa đi học thì mặt mày hốc hác, tóc tai bù xù vì thức đêm coi đá banh nhiều. Giảng viên cũng nói chuyện nghiêng nghiêng.
- Các em mà học hành cũng như coi đá banh thì chắc giỏi lắm.
- Coi đá banh thì làm sao giỏi được hở thầy?
- Trước trận đấu, các em tham khảo rất kỹ danh sách hai đội bóng, biết cả phong độ hiện tại của từng cầu thủ, dự đoán chiến thuật của cả hai đội, biết cả các trận đấu trong quá khứ giữa hai đội và tỷ lệ thắng thua. Cũng vậy, nếu trước khi lên lớp các em biết nội dung buổi học, tham khảo các nguồn tài liệu, dự đoán cách dạy của giảng viên, mượn các tập chép tay cũ để xem thì có khi chưa đến lớp đã hiểu bài.
- Còn trong trận đấu thì sao hở thầy?
- Để được xem trận đấu, các fan phải thức khuya dậy sớm, chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ có tivi để xem. Tám giớ tối mới bắt đầu cuộc thi đấu thì có khi năm giờ chiều các fan đã “xí”chỗ tốt ở quán cà phê rồi. Khi trận đấu diễn ra, mọi người đều chăm chú vào từng pha bóng, phạt góc, phạt đền, các hình ảnh đều được quay chậm lại nhiều lần để xem. Có phải là các em xem đá banh rất kỹ không? Nếu lên lớp học được như thế thì chắc nửa buổi học là đã hiểu hết bài rồi.
- Hết trận đấu rồi thôi chớ thầy?
- Hết trận đấu các fan nhắc nhau nhớ lại các pha bóng đẹp, tiếc rẻ các cơ hội, tức giận cầu thủ X, đá dở. Chưa xong, sau đó các fan đi tìm tất cả các bài báo viết về trận đấu đó để xem các nhà bình luận nói về trận đấu đó như thế nào. Lúc gặp nhau, lại bàn tán về trận đấu đó. Nếu ôn bài học mà được như vậy thì tốt biết bao!
- Thầy có điều ước gì không ạ?
- Ước gì mọi người học hành, làm việc với tinh thần đi xem bóng đá và đi xem bóng đá với tinh thần học hành làm việc hiện nay!!!
8. Một đoạn kinh văn xưa (“Nên hành trì, không nên hành trì”, Trung Bộ kinh, tập 3, tr. 191) đã nói về cách… làm nghiêng ý nghĩ, cách hủy quy tắc để bào toàn cuộc sống:
 Hình ảnh do mắt (âm thanh do tai, mùi do mũi, vị do lưỡi, xúc chạm do thân thể, biểu trưng do ý nghĩ) cảm nhận, này Sariputta, ta nói có hai loại, một loại do duy trì, tiếp nhận, một loại không nên duy trì, không nên tiếp nhận. Hình ảnh nào do mắt (âm thanh do tai, mùi do mũi, vị do lưỡi, xúc chạm do thân thể, biểu trưng do ý nghĩ) cảm nhận khi duy trì, tiếp nhận mà sự sai xấu phát triển, sử dụng tốt giảm thiểu thì không nên duy trì, không nên tiếp nhận. Hình ảnh nào do mắt (âm thanh do tai, mùi do mũi, vị do lưỡi, xúc chạm do thân thể, biểu trưng do ý nghĩ) cảm nhận khi duy trì, tiếp nhận mà đúng tốt phát triển, sự sai xấu giảm thiểu thì nên duy trì, nên tiếp nhận.
Quần áo (món ăn, giường chiếu), này Sariputta, ta nói có hai loại, một loại nên sử dụng, một loại không nên sử dụng. Quần áo (món ăn, giường chiếu) nào khi sử dụng làm sự sai xấu phát triển, sự đúng tốt giảm thiểu thì không nên sử dụng, khi sử dụng làm sự đúng tốt phát triển, sự sai xấu giảm thiểu thì nên sử dụng.
Làng hay khu phố (phường xã, quận huyện, thị trấn, thành phố, đất nước), này Sariputta, ta nói có hai loại, một loại nên cư trú, một loại không nên cư trú. Làng hay khu phố (phường xã, quận huyện, thị trấn, thành phố, đất nước nào khi cư trú thì sự sai xấu phát triển, sự đúng tốt giảm thiểu thì không nên duy trì, tiếp nhận sự cư trú đó. Làng hay khu phố (phường xã, quận huyện, thị trấn, thành phố, đất nước) nào khi cư trú thì sự đúng tốt phát triển, sự sai xấu giảm thiểu thì nên duy trì, tiếp nhận sự cư trú đó…
Người, này Sariputta, ta nói có hai loại, một loại nên giao thiệp (thân cận, tiếp xúc, tương tác, học hỏi), một loại không nên giao thiệp (thân cận, tiếp xúc, tương tác, học hỏi). Nếu giao thiệp (thân cận, tiếp xúc, tương tác, học hỏi) với một người mà sự sai xấu phát triển, sự đúng tốt giảm thiểu thì không nên giao thiệp (thân cận, tiếp xúc, tương tác, học hỏi) với người ấy. Nếu giao thiệp (thân cận, tiếp xúc, tương tác, học hỏi) với một người mà sự đúng tốt phát triển, sự sai xấu giảm thiểu thì nên giao thiệp (thân cận, tiếp xúc, tương tác, học hỏi) với người ấy.”
Trúc Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...