Truyền thống của Làng
Mai là mỗi đêm giao thừa sẽ được nghe đọc thơ và bình thơ. Chúng ta đã từng đọc
thơ của Tản Đà, của Nguyễn Bính, của Thâm Tâm, của Thế Lữ và của nhiều thi sĩ
khác rồi. Ngày hôm nay chúng ta đọc thơ Lưu Trọng Lư, một bài thơ được
viết năm thi sĩ 70 tuổi mà rất ít người biết. Bài thơ này có những suy tư khá
sâu sắc về sống chết.
Chúng ta cũng sẽ đọc một
bài thơ nữa mà thi sĩ viết trước khi qua đời chỉ mấy tiếng đồng hồ. Bài thơ đó
được coi như tương đương với một bài kệ của một thiền sư sắp tịch. Có nhiều vị
thiền sư khi sắp tịch, bảo đệ tử đưa giấy mực, viết một bài hay ba câu, bốn câu
gì đó, viết xong, quăng bút rồi tịch. Lưu Trọng Lư cũng có một bài như vậy. Hôm
nay chúng ta cũng sẽ có cơ hội đọc bài thơ đó.
Vào một buổi trưa tháng 7 năm 1991, lúc Lưu Trọng Lư đang nằm
trong bệnh viện Việt-Xô ở Hà Nội, các cô y tá chuyền serum và cho thi sĩ
hít oxygen. Một cô y tá nói: «Bác ơi bác, khi nào bác khỏe, bác làm cho
chúng cháu một bài thơ đi». Trong nhà thương ai cũng biết Lưu Trọng Lư là
một thi sĩ nổi tiếng. Khi ấy, đang truyền nước biển và thở bình oxy, Lưu Trọng
Lư vung tay ra viết một bài thơ, trong lúc tay còn đầy dây với dợ. Bài thơ chỉ
có bảy, tám câu thôi, nhưng rất thật, có thể nói là một bài thơ thật nhất trong
cuộc đời thi sĩ. Lúc đó thi sĩ không còn sợ hãi, không còn phải đối phó với ai
nữa. Không cần đối phó với kẻ thù, cũng không cần đối phó với hoàn cảnh, không
cần đối phó với một tổ chức chính trị nào nữa hết.
Lưu Trọng Lư là người
Huế , mẹ của Lưu Trọng Lư có nụ cười đen nhánh tại vì thời đó người dân có
« mốt » nhuộm răng đem. Quan niệm ngày xưa về cái đẹp rất khác
bây giờ, ai mà răng trắng người ta nói trông giống hệt con ma, cho nên phải
nhuộm răng cho đen. Mẹ và chị Cầm của tôi ngày xưa cũng vậy, cũng nhuộm răng
đen. Nhưng về sau phong trào răng trắng xuất hiện, nên chị của tôi phải cạo cho
răng trắng lại, cũng lại do cái mốt mới mà ra.
Nhà văn Nguyễn Trọng
Thuật là một cây viết của tập san Phật học Đuốc Tuệ ở Hà Nội, xuất bản vào
những năm 1930. Nguyễn Trọng Thuật có viết một tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ, một cuốn
tiểu thuyết dã sử nói về An Tiêm, con của vua Hùng Vương, người đầu tiên phát
hiện ra trái dưa đỏ, nghĩa là trái dưa hấu. An Tiêm bị đày ra ngoài đảo cho
chết nhưng nhờ khám phá ra trái dưa đỏ thành ra có cơ hội sống và cuối cùng
được trở về nước. An Tiêm có làm một bài thơ vịnh Quả Dưa Đỏ, quả dưa có ruột
rất đỏ và hạt rất đen, bài thơ như thế này:
Gặp em ngoài cõi biển Đông
Yêu em vì một tấm lòng thắm tươi
Răng đen mỉm miệng em cười
Dẫu trời nóng nực cũng nguôi cơn nồng
Yêu em anh bế anh bồng
Nước non ghi nghĩa tao phùng từ đây
Còn Lưu Trọng Lư thì có
một bài nói về nụ cười đen nhánh của mẹ, là bài « Nắng Mới ».
Nắng mới
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng.
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười.
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ,
Hãy còn mường tượng lúc vào ra.
Nét cười đen nhánh sau tay áo,
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.
Thế hệ của tôi đã được
ru bằng thơ của Lưu Trọng Lư, cái lãng mạn này thật nhẹ nhàng thôi. Thơ của Lưu
Trọng Lư là thơ tình, thơ mộng và thơ sầu, bất cứ người nào sống trong thời đại
đó đều được ru bởi những bài thơ của Lưu Trọng Lư, vì trong chúng ta ai cũng có
những hạt giống của tình, của mộng, của sầu cả.
Ở chùa không đọc và hát
những bài thơ và những bài nhạc có tính cách trữ tình, sầu mộng. Nhưng hôm nay
là Tết, nên mình cho phép các sư cô, các sư chú được nghe loại thơ, nhạc này.
Tôi có chọn được hai bài điển hình của Lưu Trọng Lư nói về tính sầu, tính mộng.
Sầu Rụng
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo
Năm năm tiếng lụa se đều
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Tiếng Thu
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Các vị đã từng nghe qua
các bài thơ này rồi, hôm nay cho phép tưới tẩm hạt giống đó trở lại. Những
người trẻ, nhất là các cô, các chú chưa bao giờ được nghe, cũng được phép
thưởng thức những bài thơ này, đó là thứ thơ và nhạc lãng mạn ngày xưa tôi đã
đi ngang qua. Sau đó tôi sẽ nói chuyện thêm về Lưu Trọng Lư thời còn trẻ, thời
tham gia kháng chiến chống Pháp và cuối cùng là thời tham gia cuộc chiến có
người Mỹ tham dự
Trong đời sống hàng ngày
nếu bận rộn quá, chúng ta sẽ không có cơ hội để nhìn sâu vào sự sống và nhất là
sự sống của chính mình. Mình cứ để thời gian đi qua một cách oan uổng, mình lo
những chuyện gọi là « thực tế » vì vậy mình không có cơ hội
nhìn sâu để thấy được mình là ai? Mình từ đâu tới và mình sẽ đi về đâu?
Lưu Trọng Lư hồi còn trẻ
đã từng mơ mộng, đã từng yêu đương, đã từng sầu khổ. Khi lớn lên đã đi vào thực
tế, ông tham gia kháng chiến, trải qua hai cuộc chiến tranh và đến tuổi bảy
mươi thì ấn tượng của hai cuộc chiến đó vẫn còn ghi dấu nặng nề trong lòng.
Nhưng Lưu Trọng Lư đã có cơ hội nhìn lại cuộc đời mình, đã suy tư và đã có quán
chiếu về vấn đề sống chết.
Chúng ta từng thấy có
những vị xuất gia lên đến tuổi bảy mươi mà chưa chắc có được cái thấy bằng cái
thấy của Lưu Trọng Lư. Nhiều vị xuất gia chỉ lo làm chùa, lo hoạt động, lo
hoằng pháp và không có thì giờ để tu tập, quán chiếu. Cái thấy của Lưu Trọng Lư
là cái thấy của người xông pha trong tên đạn, tham dự vào cuộc chiến và đi qua
bao nhiêu khó khăn, tủi nhục. Lưu Trọng Lư có một người con trai tên là Nông
chết ở miền Nam trong khi tham dự vào cuộc chiến chống Pháp.
Anh không ngồi đếm bao thu còn lại
Bao tuần lá đổ vàng rơi
Khi cánh song anh khép kín cõi đời
Anh vẫn không tin mình chết
Đến khi hình hài này tan rã rồi, anh vẫn không tin rằng anh sẽ
chết. Như vậy có nghĩa là Lưu Trọng Lư đã thấy được tính bất sinh bất diệt của
mình. Thi sĩ không tin rằng mình có thể chết được. Nhưng trong cuộc
sống, thi sĩ đã có cơ hội để nhìn lại cuộc đời mình, nhìn kỹ sinh tử và có thể
thấy được tính không sinh, không diệt ở chiều sâu. Tôi rất mừng khi thấy Lưu
Trọng Lư còn có thể làm được bài này khi thi sĩ ở tuổi 70 và càng mừng hơn nữa
khi đọc bài thơ cuối cùng, sáng tác trước khi thi sĩ chết mấy tiếng đồng hồ,
chứng tỏ thi sĩ đã có sự giải thoát.
Chúng ta thường nói năm
cũ sẽ đi qua để nhường chỗ cho năm mới. Năm cũ sẽ chết để cho năm mới sinh ra
nhưng kỳ thực năm cũ không chết, năm cũ được tiếp tục trong năm mới và nếu nhìn
vào năm mới cho sâu sắc, ta thấy năm cũ vẫn còn nguyên vẹn trong năm mới. Những
gì ta làm trong năm cũ còn y hệt trong năm mới. Như vậy năm cũ không đi đâu
hết, năm cũ vẫn còn ở lại với ta. Ngay bốn câu đầu mình đã thấy con người này
có bản lãnh.
Anh không ngồi đếm bao thu còn lại
Bao tuần lá đổ vàng rơi
Khi cánh song anh khép kín cõi đời
Anh vẫn không tin mình chết
Khi chia tay không cất lời vĩnh biệt
Buổi giao ban không đứt đoạn đường dây
Trong gian nan ta gọi thép sáng ngời
Giữa đối thoại ngày mai ta sẽ không vắng mặt
Vào giây phút phải chia tay, tôi sẽ không nói vĩnh biệt, tôi chỉ
nói: see you again (hẹn gặp lại). Vĩnh biệt có nghĩa là không bao
giờ lại gặp lại nhau nữa nhưng đây không phải là vĩnh biệt. Mình sẽ gặp nhau
nơi suối nguồn, mình sẽ gặp nhau khắp nơi trên mọi nẻo đường.
Hãy cười cùng tôi, hãy nắm tay tôi,
Hãy vẫy tay chào để rồi tức thời gặp lại.1
Vì vậy, nếu khi chia tay
không cất lời vĩnh biệt là bởi không có sự biệt ly. Tôi với anh, tôi với em sẽ
mãi mãi ở bên nhau, trong em có tôi và trong tôi có em, không có sự chia ly, xa
cách.
Buổi giao ban không đứt đoạn đường dây
Trong gian nan ta gọi thép sáng ngời
Giữa đối thoại vào ngày mai ta sẽ không vắng mặt
Khi lâm vào thế gian
nan, một thế cờ cần phải tranh đấu, thì mình cần có một lưỡi gươm, lưỡi gươm
của trí tuệ, lưỡi gươm của ý chí. Tôi sẽ có mặt và hình hài mà anh thấy đây tuy
sẽ tan rã nhưng tôi sẽ vẫn có mặt trong ngày mai. Cuộc đối thoại vẫn còn tiếp
tục giữa con người với con người. Và Lưu Trọng Lư hiện đang có mặt trong giờ
phút này với chúng ta.
Bão gió ba mươi đầu cành vẫn trong tiếng hót
Ôi mẹ! Với mây xanh, sao biếc, nắng vàng
Tơ rút ruột, kén thời gian tằm lót ổ
Cho trời, cho đất một tình thương
Ba mươi năm chiến tranh,
ba mươi năm bão tố, giờ đây đầu cành vẫn vang lên tiếng con chim nhỏ đang líu
lo, bông hoa vẫn chưa ngưng lời hát ca.
Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu2
Bông hoa nhỏ bé mà ta
thấy ngoài hàng dậu ấy đang tiếp tục hát bài thiên thu. Con chim nhỏ đậu đầu
cành kia dầu có trải qua ba mươi năm bom đạn vẫn còn vang tiếng hót.
Tơ rút ruột, có nghĩa là
tôi vẫn còn làm thơ, làm thơ trong bão tố, làm thơ trong chiến tranh, làm thơ
trong hy vọng, làm thơ trong tuyệt vọng. Giống như con tằm luôn luôn rút ruột
ra để làm sợi tơ óng ánh kết thành tổ kén. Thơ của tôi với sợi tơ vàng óng ánh
cùng với mây xanh, sao biếc, nắng vàng là để hiến tặng cho trời cho đất một
tình thương. Nhiệm vụ của tôi là chế tác tình thương, hiến tặng tình thương cho
cuộc đời. Đây đích thực là một thi sĩ, là một chiến sĩ mà cũng là một đạo sĩ.
Nếu cần phải tranh đấu thì ta là người chiến sĩ, nếu cần ca hát thì ta là người
nghệ sĩ và nếu cần tình thương thì ta là nhà đạo sĩ chế tạo tình thương. Nhà
đạo sĩ là người hiến tặng tình thương, tình thương là cái mà con người đang
cần.
Đâu phải anh vào nơi bất diệt
Vì trăm năm sau
Cô bé nào bên cầu ao
Chợt ngâm đùa mấy câu thơ anh, vơ vẩn
Nói như vậy không có nghĩa là tôi sẽ đi vào một nơi gọi là Niết
bàn, gọi là bất diệt, tách rời ra ngoài sự sống. Niết bàn, bất sinh
bất diệt nằm ngay trong sự sống. Ta Bà là Tịnh Độ, Sinh Tử tức Niết bàn.
Tôi không mơ ước một cõi Niết bàn, một cõi vô sinh bất
diệt tách rời ra khỏi sự sống, tại vì tôi biết rằng sự sống có sinh có diệt, nó
chứa đựng niết bàn trong nó và không có sự phân biệt giữa niết bàn bất diệt
với sự sống có sinh diệt. Tìm niết bàn ngay trong sinh tử.
Trăm năm sau, khi hình
hài tôi tan rã, có những cô bé quê ở bên bờ ao sẽ ngâm nga một vài câu:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức. (3)
Đó là sự tiếp nối của
tôi, cô bé đó là tôi. Thơ tôi và người đọc thơ tôi vẫn còn mãi mãi. Lưu Trọng
Lư thấy được sự tiếp nối của mình ngay khi hình hài ông chưa tan rã. Chúng ta
là người đã từng nghe pháp thoại nhiều lần về đề tài sinh tử, chúng ta là người
đã được hướng dẫn ngồi thiền, nhưng chúng ta có được một cái thấy như Lưu Trọng
Lư hay chưa? Hay tại quá bận rộn trong đời sống hàng ngày, chúng ta không có cơ
hội để nhìn, để thấy?
Anh biết rồi mắt anh sẽ tan thành bụi phấn
Nhưng em có hay hạt bụi mắt anh
Là con thương của giọt nắng rơi tự trên cành
Và của hạt sương tự đất đen tụ lại?
Cái gì mà không trở
thành cát bụi nhưng cát bụi này lại trở thành quí giá. Sau này hình hài anh tan
rã, mắt anh trở thành bụi phấn nhưng những hạt bụi phấn ấy cũng là đứa con
thương mến của giọt nắng rơi từ trên cành. Tất cả đều tương tức. Những bụi phấn
rơi từ con mắt cũng là đứa con thương của những hạt sương từ đất đen tụ lại.
Mắt là tứ đại: đất,
nước, lửa và gió. Tai cũng là tứ đại, nhưng trong văn học đạo Bụt mắt đại diện
cho sáu căn vì mắt luôn luôn đi trước (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Mắt của
anh khi rơi xuống cũng sẽ trở thành bụi vàng và tai khi rơi xuống cũng sẽ thành
bụi vàng. Bụi vàng đó cũng là đứa con thương của ánh sáng mặt trời từ trên rơi
xuống, cũng là con thương của những hạt sương từ đất nâu kết tụ lại. Mắt của
anh sẽ không bao giờ mất.
Còn say, còn mơ, còn luân hồi mãi mãi
Bụi phấn vẫn bay đi cướp lửa những sao trời
Để sưởi nồng mảnh mảnh trăng rơi
Và chút chút nhen hồng trong mắt người bất hạnh
Luân hồi nghĩa là sự
tiếp nối, nghĩa là không có sự đứt đoạn, nghĩa là không có sự chấm dứt. Bụi
phấn kia rơi từ mắt anh, đi luân hồi với tính cách của thơ, của mộng, của tình
thương, tác hợp với ánh lửa sao trời để sưởi nồng mảnh mảnh trăng rơi và chút
chút nhen hồng trong mắt người bất hạnh. Có những con người không may, có những
em bé đói, những người già không ai chăm sóc, có những người đang bị giam cầm,
có em bé mất cha, mất mẹ. Những người bất hạnh đó cần có tình thương, cho nên
bụi vàng trong mắt anh sẽ tiếp tục làm trong công việc đó với thơ, với mộng,
với tình thương.
Nếu chút thương còn vương trên mẩu bánh
Chút đau còn vướng áo chưa lành
Bọn côn đồ còn dọa dẫm hành tinh
Bụi mắt anh, cả hồn anh khắp trời bủa lưới
Mẩu bánh đây tức là bát
cơm nguội, miếng bánh mì khô mà em bé đói đang mơ ước. Em bé cầm cái bát sứt mẻ
trong tay chờ đợi giờ này sang giờ khác mà không có được một muỗng cơm, một
miếng bánh nào. Em bé đứng trong trời lạnh căm căm không có một manh áo che
thân. Chút đau đó, chút thương đó làm động trái tim mình và thơ trong lòng mình
được xúc tác tạo ra trong lòng mình chút yêu thương, chút từ bi.
Bọn côn đồ còn dọa dẫm hành tinh
Bụi mắt anh, cả hồn anh khắp trời bủa lưới
Khi bọn côn đồ còn dọa
dẫm hành tinh này thì thơ của anh vẫn tiếp tục làm công việc xúc tác chất tình
thương, chất hiểu biết trong con người. Bụi vàng rơi từ mắt anh khi thân xác
này tan rã cùng với tâm hồn anh sẽ bủa lưới khắp trời, bủa lưới tình thương để
chăm sóc và bảo hộ cho hành tinh này, để lo lắng cho những người bất hạnh.
Sau khi hình hài tôi tan
rã thì thơ tôi, tình thương tôi, những hạt bụi rơi xuống từ cơ thể tôi sẽ cộng
tác với tất cả tâm hồn tôi để bủa thành tấm lưới để che chở, để ngăn ngừa không
có cho tàn ác, bất công và bạo động hoành hành trên hành tinh này.
Xin cảm tạ ngọn sóng lòng vừa tới
Giữa dòng thơ trên tờ giấy trắng tinh
Khi mình có một ít cảm
thọ, một ít xúc động, ngọn sóng lòng đưa tới sẽ biểu hiện thành một câu thơ
trên tờ giấy trắng.
Và bâng quơ tiếng gió trên cành
Xua chút lạnh bên bờ cây còn sót lại
Có tiếng gió trên cành
bâng quơ và tiếng gió đó sẽ giúp cho hình hài tôi tạo thành sức ấm để có thể
xua bớt cái lạnh còn sót lại bên bờ cây.
. Có nhạc nào bằng khúc nhạc ấy
Của lời trao tiếng gởi giữa con người
Khi giữa những con người với nhau có sự đối thoại, có sự truyền
thông, có nhạc, có thơ, có sự tìm hiểu nhau thì không có khúc nhạc nào hay bằng
khúc nhạc của sự đối thoại, của sự truyền thông đó. Con người phải tiếp tục
truyền thông với nhau, trao đổi, cười nói và chia sẻ với nhau. Đó là khúc nhạc
hay nhất trong tất cả các bản nhạc. Trong nhạc khúc đó, thơ là
phương tiện lớn, thơ thiết lập sự truyền thông, thơ lấy đi những hiểu lầm, thơ
lấy đi những hận thù, thơ thiết lập sự thương nhau và hiểu nhau.
Có nhạc nào bằng khúc nhạc ấy
Của lời trao tiếng gởi giữa con người
Cũng bấy nhiêu tiếng khóc tiếng cười
Mà vàng ngọc trên thế gian không sánh nổi
Chỉ cần tiếng khóc,
tiếng cười, chỉ cần phương tiện truyền thông, mà không có vàng nào, ngọc nào
trên thế gian có thể sánh nổi. Không gì quí bằng sự truyền thông giữa con người
với con người mà ngày mai phải tiếp tục và tôi sẽ có mặt với các vị.
Ta chẳng bao giờ tiếc nuối
Những giọt nước mắt đổ ra
Vì một ý đẹp, một cành hoa
Hay vì một nỗi đau bên đường đụng phải
Trong thơ ta đã cười, ta
đã mơ nhưng ta cũng đã khóc và ta không tiếc rằng ta đã khóc tại vì tiếng khóc
đó cũng là một phương tiện để truyền thông.
Có một ý đẹp, ta có thể khóc, khóc vì nó quá đẹp. Đó là những giọt
nước mắt của sự cảm động. Có phải mình chỉ khóc khi mình khổ đau? Mình cũng
khóc khi thấy đất trời quá đẹp, khi thấy tình người quá đẹp, những giọt nước
mắt đó có khả năng trị liệu, làm lành thương tích nơi mình và nơi người.
Thấy một cành hoa đẹp
quá mình cũng có thể khóc được. Thầy Giác Thanh, đệ nhất trụ trì của tu viện
Lộc Uyển kể rằng có một hôm thầy đi vào trong núi, thầy thấy rất nhiều hoa nở
vào mùa Xuân, thầy quỳ xuống, chắp tay lại và khóc. Tại sao khóc? Tại sao phải
quỳ xuống? Tại vì thầy thấy được những cái hết sức mầu nhiệm của đất trời.
Vì một ý đẹp, một cành hoa
Hay vì một nỗi đau bên đường đụng phải
Anh hùng gặp chuyện bất
bình không thể nào bỏ qua được. Khi trông thấy sự bất bình, những bất công,
những thương đau, thì mình sẽ luôn luôn lấy thơ ra để đáp ứng. Thơ của mình là
tình thương, thơ của mình là sự hiểu biết.
Có những hoàng hôn kia tan xóa mờ chân sói
Giữa nơi đây ta chong sáng ngọn đèn
Bóng tối không cho chúng
ta nhận diện được loài lang sói đang có mặt. Ta giữ ngọn đèn của ta cho thật
sáng, đừng để bóng tối tràn ngập, đừng để cho những loài ma quái xâm chiếm cuộc
đời ta. Giữ cho ngọn đèn của mình sáng chói để thấy, biết những gì đang xảy ra.
Những con chó sói sắp ùa vào, tức là những mê mờ, thù hận bắt đầu biểu hiện
trong tâm ta thì lúc ấy ta thắp lên một ngọn đèn chánh niệm đó là công việc rất
là cần thiết.
Giữ mãi hồn thương, sắc mơ còn đỏ mãi
Dầu mơ kia chưa trọn nở trước thềm
Bổn phận của chúng ta là
luôn nuôi dưỡng hồn thương, nuôi dưỡng bồ đề tâm. Những mơ ước của mình phải
được giữ gìn đừng để cho chúng chết. Mơ ước gì? Mơ ước một ngày kia, nhân loại
biết thương nhau, biết nắm tay nhau và tha thứ cho nhau. Thà là tôi bị lừa gạt
còn hơn tôi bị mất niềm tin nơi con người. Dầu tôi có ngây thơ, tôi có bị lừa
gạt, tôi vẫn muốn chấp nhận điều đó hơn là tôi nghi ngờ con người. Thành công
của Lưu Trọng Lư là ở chỗ vẫn còn niềm tin nơi con người. Chừng nào bạn hết
niềm tin nơi con người thì chừng đó bạn sẽ chết. Mình phải tin rằng trong mỗi
con người đều có Phật tính mà Phật tính đó không bao giờ có thể tiêu diệt được.
Dầu con người có độc ác, có nham hiểm nhưng mình vẫn tin rằng con người ấy một
ngày nào đó sẽ vươn lên.
Tình thương và mộng ước,
mộng ước này trong đạo Bụt gọi là đại nguyện. Nếu không có đại nguyện thì không
có sức sống, còn nếu không có đại bi thì không có hạnh phúc. Đại bi và đại
nguyện là hai cái mình phải nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày.
Giữ mãi hồn thương, sắc mơ còn đỏ mãi.
Đỏ mãi tức là còn cháy
mãi như là một ngọn đèn.
Dầu mơ kia chưa trọn nở trước thềm.
Có hạnh phúc nào như hạnh phúc niềm tin
Dầu mơ ước của mình mới
thực hiện được một phần, một phần rất nhỏ, nhưng mình vẫn giữ được niềm tin và
tình thương đó.
Chừng nào niềm tin không
còn là mình sẽ chết. Ngày nào mình còn giữ được niềm tin, ngày đó mình vẫn còn
năng lượng để sống: “Đã có đường đi rồi, con không còn sợ nữa”. Niềm tin là
năng lượng giúp ta đi tới.
Vẫn như thuở nào tóc để lơi chiếc lược
Cho mắt anh lại được gặp mắt em
Cho hai tia lửa nhỏ hồng thêm
Ngày xưa khi còn trẻ,
anh hai mươi tuổi, em mười chín tuổi, chúng ta còn rất ngây thơ, tuy rằng ngây
thơ như vậy nhưng chúng ta có niềm tin nơi nhau và muốn làm sao để cho niềm tin
đó còn mãi cho dù mình lớn lên, 30 tuổi, 50 tuổi, 70 tuổi hay 90 tuổi.
Gà ban mai mỗi ngày còn đập cánh
Thì ai tắt được lửa bình minh
Gà là con vật thức dậy
sớm nhất, những con gà trống buổi sáng nào cũng đập cánh kêu ò ó o o o… Thời
kháng chiến, nhất là ở miền quê, làm gì có đồng hồ nên sáng tinh sương mà còn
nghe gà gáy thì đó là một tin mừng:
Gà ban mai vẫn còn đập cánh,
Thì ai tắt được lửa bình minh ?
Không ai thể có ai tắt
được lửa bình minh.
Khi tim anh còn chan chứa ân tình
Lẽ nào em tin rằng: Anh sẽ chết?
Trái tim của anh còn đầy dẫy ân tình thì làm sao anh có thể chết
được. Thành ra cái chết là cái mình có thể vượt thắng. Cái chết không có, chỉ
có sự tiếp nối thôi, cho nên tới tuổi bảy mươi, tám mươi mình vẫn giữ được niềm
tin và tình thương trọn vẹn. Làm sao nói là mình chết được? Lưu Trọng Lư bằng
cách sống của mình đã tìm thấy được chân lý vô sinh bất diệt, thấy rằng không
có cái chết và nhờ đó thi sĩ đánh bại cái chết. Đó là đỉnh cao của Lưu Trọng
Lư. Lưu Trọng Lư từ “Em không nghe mùa Thu dưới trăng mờ thổn thức” cho
tới Lưu Trọng Lư của tuệ giác, của sự vượt thoát sống chết.
Và tiếp theo đây tôi xin
đọc bài thơ cuối cùng của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Khi cô y tá chưa kịp lấy cây
kim ra, sợi dây truyền serum vẫn còn đó nhưng thi sĩ nhất định kêu cô y tá đưa
cho ông ta cây bút để thi sĩ viết bài thơ cuối cùng.
Trời đã về chiều.
Chiều này không phải là
chiều ở bên ngoài. Đó là chiều ở trong lòng, thi sĩ biết là thân hình mình sắp
tan rã.
Buồn tà, vơ vẩn tà.
Tà tức là buổi chiều
nghiêng nghiêng, có cái buồn, có cái vơ vẩn và ta đi tìm ai bây giờ? Cố nhiên
cuộc sống là một cuộc đi tìm, một cuộc đi tìm không ngưng nghỉ. Chúng ta ai
cũng là người đi tìm cả và cuộc tìm kiếm đó không bao giờ chấm dứt. Cho đến giờ
phút chót, vẫn thấy rằng mình phải đi tìm nhưng mà tìm ai?
Ta đi tìm ai bây giờ?
Và ai tìm ta nổi?
Rất là lạ, mình cũng
đang đi tìm mà mình không biết có tìm được hay không? Có thể có người đang đi
tìm mình và không biết người đó có thể tìm được mình hay không? Khi đọc đến đây
thì mình thấy được giáo lý về Bất khả đắc. Bất khả đắc là không nắm bắt được.
Có một lần khi thầy A
Nậu La Độ đang đi khất thực thì bị một số thầy ngoại đạo chận lại rồi nói:
huynh phải trả lời cho chúng tôi vài câu hỏi về giáo lý. Sau khi đức Thế Tôn
nhập diệt rồi thì Ngài còn hay là Ngài không còn? hay là Ngài vừa còn vừa không
còn? hay là Ngài vừa không còn cũng không không còn? Huynh phải trả lời cho
chúng tôi trong phạm vi bốn mệnh đề đó:
Đó gọi là tứ cú. Huynh
không thể nào thoát ra khỏi bốn phạm trù đó được. Huynh phải trả lời là Bụt sau
khi chết thì là Bụt nằm vào trong cái box nào của bốn cái box đó, bốn khái niệm
đó? Thầy A Nậu La Độ nói: Theo như tôi hiểu thì đức Thế Tôn không bao giờ nói
đến sự có mặt của Ngài trong bốn phạm trù như vậy.
Trong khi đi về, thầy A
Nậu La Độ nghĩ rằng có thể là mình sẽ tiếp tục gặp những người du sĩ ngoại đạo
như thế, và họ sẽ hỏi mình câu đó nhiều lần nữa và mình làm sao để trả lời được
cho đúng ý của đức Thế Tôn. Cho nên thầy mới tới thăm Bụt và kể lại câu chuyện
mình đã gặp những du sĩ ngoại đạo như thế nào và nhờ đức Thế Tôn cho mình một câu
trả lời.
Đức Thế Tôn nhìn thầy A
Nậu La Độ cười và nói rằng: Thầy có thể tìm Như Lai trong sắc hay không?
Thầy A Lậu Na Độ: Đâu
được, đâu có thể nhận diện đức Như Lai qua sắc được, tại đức Như Lai vượt
thắng, vượt qua sắc, không kẹt vào trong sắc.
Đức Thế Tôn: Như vậy có
thể nhận thức được Như Lai qua thọ, qua tưởng, qua hành, qua thức được không?
Thầy A Nậu La Độ: Không
được, cũng không thể nhận thức được Như Lai qua thọ, tưởng, hành thức.
Rồi đức Thế Tôn nói: Như
vậy có thể nhận diện Như Lai ngoài sắc được không?
Thầy A Nậu La Độ: Không
được, không thể nhận diện Như Lai ngoài sắc được.
Bụt cười: Như Lai đang
ngồi sờ sờ đây mà thầy tìm Như Lai còn không được, huống hồ là sau khi sắc thân
Như Lai tan rã !
Như Lai không phải là
một đối tượng có thể nắm bắt được bằng cái trí năng của mình.
Ta đi tìm ai?
Ai tìm ta nổi?
Có thể ta có người yêu
và người đó đang muốn nắm ta, muốn bắt ta.
Biết ta là ai nhưng ai tìm ta nổi?
Tự thân của Lưu Trọng Lư
bao giờ cũng mầu nhiệm như tự thân của đức Như Lai, tự thân một chiếc lá hay
một đám mây. Chúng ta không thể nắm bắt được một chiếc lá hay một đám mây bằng
trí năng của ta được. Cái đó gọi là vô khả đắc, vô đắc, bất khả đắc.
Làm sao mà Lưu Trọng Lư
đạt tới được cái thấy này? Lưu Trọng Lư học được cái này ở chỗ nào? Cố nhiên là
Lưu Trọng Lư đã từng đi chùa, có thể là đã được nói chuyện với các thầy. Thi sĩ
đã có cơ hội chiêm nghiệm, để mà nhìn sâu vào trong bản chất của sự sống.
Bài thơ này là bài thơ
thật nhất trong tất cả các bài thơ tại vì lúc đó thi sĩ đã gần chết rồi. Bài
thơ này không phải làm ra để tặng cho các cô y tá. Các cô y tá lúc đó sức mấy
mà hiểu được bài thơ này ! Bài thơ này là để cho chúng ta, ngày hôm nay ngồi ở
Lộc Uyển,
Ta đi tìm ai bây giờ?
Ai tìm ta nổi?
Mà ai tìm ta nổi và
người ta đi tìm ta cũng không nắm bắt được nhưng ước muốn đi tìm vẫn còn đó. Có
một thao thức muốn đi tìm, nhưng tìm bằng cái gì? Tìm bằng trí năng của mình
hay tìm bằng trái tim của mình?
Ngày xưa đức Thế Tôn nói rằng: Với cái trí năng của mình và bốn
mệnh đề: có, không, có và không, không có cũng không không ta không
thể nắm bắt được cái gì hết. Ai tìm ra mình được và mình có thể tìm ra được ai?
Ai tìm cho nổi?
Có thể người yêu ta đang
đi tìm ta nhưng người yêu ta cũng không tìm ra ta được. Mà cảnh sát công an có
muốn tìm ta thì cũng không tìm ra ta được; sức mấy mà cảnh sát công an có thể
tìm ra được ta. Họ có thể tìm ra được bóng dáng, có một khái niệm về ta rằng ta
là người ngay hay kẻ gian, nhưng không ai có thể tìm ra chân tướng của ta, tìm
ra chân như của ta. Với trí năng đó không ai có thể nào tìm ra ta được, tìm Bụt
không được mà tìm Lưu Trọng Lư cũng không được, tìm một tờ lá hay một đám mây
cũng không được.
Ta đi tìm ai bây giờ?
ai tìm ta nổi?
trăm khóa không giữ lấy ta
Trăm khóa tức là một trăm cái xiềng, một trăm cái xích. Một trăm
cái khóa cũng không giữ được ta, dù đó là kẻ thù hoặc dù đó là người thương
cũng không thể nào khóa được ta. Ta đã trở thành con người tự do rồi, không cái
gì có thể xích ta lại được. Và nếu các ngươi đi tìm ta bằng khái niệm của các
ngươi, bằng những nhãn hiệu, những cái mũ chụp lên ta thì không bao giờ tìm
thấy được ta hết. Trăm khóa không giữ nổi ta, tại vì ta đạt tới tự do
rồi.
Ta như con chim giữa trời
Vô ích, vô ích, vô ích
Trong bài thơ này có đến
sáu chữ vô ích. Chữ vô ích đó mình có thể hiểu theo nhiều cách. Tất cả những
cái mình chạy chọt tìm kiếm, những cái mình đang tranh đấu, lùng bắt, theo đuổi
đều là vô ích cả. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại. Chúng ta đã và đang chạy
theo cái gì? Chúng ta đã và đang mơ ước cái gì? Chúng ta thấy cái gì quan trọng
nhất trong cuộc đời? Tất cả những cái đó thi sĩ Lưu Trọng Lư nói đều là vô ích
hết. Đây là những tiếng hét, những tiếng hét rất lớn không kém gì tiếng hét của
Thiền tổ Lâm Tế. Đó là lời tuyên án.
Vô ích, vô ích, vô ích.
Tất cả những cái mà các người theo đuổi, tất cả những gì mà ta
theo đuổi trong thời trai trẻ, tất cả đều là vô ích. Chúng ta đã để cho những
cái đó làm mất cuộc đời của ta. Chữ vô ích được lập lại sáu
lần trong một bài thơ ngắn.
Vô ích, vô ích, vô ích
Đó là tiếng của một con
chim đã bay trên không và phán xuống cho chúng ta: tất cả những cái gì mà các
ngươi đang làm đều là chuyện vô ích. Quí vị nên quán chiếu lại: những cái làm
ta thất vọng, khổ đau, rên xiết, làm ta suýt chút nữa là tự tử, những cái đó có
thật sự ích lợi cho cuộc đời ta hay không? Hay đó toàn là những chuyện không
đáng, toàn những chuyện vô ích?
Không ai giữ nổi ta hết
Ta đi tìm người ta yêu
Mục đích của sự sống là
đi tìm người yêu của mình. Nếu quí vị để thì giờ đi làm chuyện khác là quí vị
sai lầm.
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương4
Đó là việc đáng làm
nhất.
Ta đi tìm người ta yêu
Cứu nhân của đời ta
Cứu nhân (Savior, my
savior) chính là người yêu của ta đã mở mắt cho ta, đã cho ta cái thấy, đã đưa
ta thoát khỏi thân phận tù đày của con người, đã chỉ cho ta thấy được con đường
để ta đi tìm người yêu của ta.
Con đã đi tìm Thế Tôn
từ hồi còn ấu thơ
Con đang nghe tiếng gọi của Thế Tôn
từ khi mới bắt đầu biết thở
Con đã ruổi rong vạn nẻo đời hiểm trở
Ta từng đau khắc khoải
với trăm thương ngàn nhớ
trên bước đường hành hương5
Mình phải đi tìm người
yêu của mình.
Ta đi tìm người ta yêu
Cứu nhân của đời ta
Muôn lần ...
Chỉ có người, người ta yêu
Chữ người ở đây được
hiểu là chỉ có con người, chỉ có người ta yêu mới đáng để ta đi tìm thôi.
Ai bắt ta nổi?
Ta đã tự do, không có ai cấm cản chuyện ta đi tìm
người yêu ta, dầu đó là một guồng máy, dầu đó là một sự dọa nạt, một sự hứa
hẹn, dầu đó là gông cùm. Không khóa nào giữ được ta, không có một lực lượng nào
ngăn cản ta trên con đường đi tìm người yêu, người tôi yêu.
Ai bắt ta nổi?
Vô ích, vô ích, vô ích
Ta đi tìm người ta yêu
Thông điệp rất là rõ và
thông điệp đó đã được gởi đi cho tất cả những người đã yêu mến thi sĩ.
Lẽ nào anh chết
Anh không ngồi đếm bao thu còn lại
Bao tuần lá đổ vàng rơi
Khi cánh song anh khép kín cõi đời
Anh vẫn không tin: mình chết
Khi chia tay không cất lời vĩnh biệt
Buổi giao ban không đứt đoạn đường dây
Trong gian nan ta gọi thép sáng ngời
Giữa đối thoại ngày mai ta không vắng mặt.
Bão gió ba mươi năm đầu cành vẫn trong tiếng hót
Ôi mẹ ! Với mây xanh, sao biếc, nắng vàng
Tơ rút ruột, kén thời gian tằm lót ổ
Cho trời, cho đất một tình thương.
Đâu phải anh vào nơi bất diệt
Vì trăm năm sau
Cô bé nào bên cầu ao
Chợt ngâm đùa mấy câu thơ anh, vơ vẩn.
Anh biết rồi mắt anh sẽ tan thành bụi phấn
Nhưng em có hay: hạt bụi mắt anh
Là con thương của giọt nắng rơi tự trên cành
Và của hạt sương tự đất đen tụ lại?
Bụi phấn vẫn bay đi cướp lửa những sao trời
Để sưởi nồng mảnh mảnh trăng rơi
Và chút chút nhen hồng trong mắt người bất hạnh.
Nếu chút thương còn vương trên mẩu bánh
Chút đau còn vướng áo chưa lành
Bọn côn đồ còn dọa dẫm hành tinh
Bụi mắt anh, cả hồn anh khắp trời bủa lưới.
Xin cảm tạ ngọn sóng lòng vừa tới
Giữa dòng thơ trên tờ giấy trắng tinh
Và bâng quơ tiếng gió trên cành
Xua chút lạnh trên bờ cây còn sót lại
Có nhạc nào bằng khúc nhạc ấy
Của lời trao tiếng gởi giữa con người
Cũng bấy nhiêu tiếng khóc tiếng cười
Mà vàng ngọc thế gian không sánh nổi
Ta chẳng bao giờ tiếc nuối
Những giọt nước mắt đổ ra
Vì một ý đẹp, một cành hoa
Hay vì một nỗi đau bên đường đụng phải
Có những hoàng hôn toan xóa mờ chân sói
Giữa nơi đây ta chong sáng ngọn đèn
Giữ mãi hồn thương, sắc mơ còn đỏ mãi
Dẫu mơ kia chưa trọn nở trước thềm
Có hạnh phúc nào như hạnh phúc niềm tin
Vẫn như thủa nào tóc để lơi chiếc lược
Cho mắt anh lại được gặp mắt em
Cho hai tia lửa nhỏ hồng thêm.
Khi gà, mai mỗi ngày còn đập cánh
Ai tắt được lửa bình minh?
Khi tim anh còn chan chứa ân tình
Lẽ nào em tin rằng: Anh chết?
Hà Nội - Nha Trang - Phan Thiết
Lưu Trọng Lư (1981)
Bài thơ cuối cùng
Trời đã chiều
Buồn tà, vơ vẩn tà
Ta đi tìm ai?
Bây giờ
Ai tìm ta nổi?
Trăm khóa không giữ nổi ta
Ta như con chim giữa trời
Vô ích! Vô ích! Vô ích!
Không ai giữ nổi ta hết
Ta đi tìm người ta yêu
Cứu nhân của đời ta
Muôn lần...
Chỉ có người, người ta yêu
Ai bắt ta nổi?
Vô ích! Vô ích! Vô ích
Ta đi tìm người ta yêu.
2.
Thơ Quách Thoại
3.
Thơ Lưu Trọng Lư
4.
Ca dao
5.
Thơ của Sư Ông Làng
Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét