Nhà Hoàng ở xóm trong đê
Vượt qua dốc bờ đê, đi
theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo là ra chỗ lều vó bè của cha Hoàng. Ông đã bảy
mươi tuổi, người còn tráng kiện, bắp tay chân to rõ dáng sông nước. Thường thì
đêm ông ngủ lại trong túp lều coi vó bè làm ngay ở mé sông. Ông bảo: “Nhà bác
thích dân dã thì đêm ra đây ngủ với tôi. Không ngủ được thì dậy nghe tôm búng
nước”. “Cháu chỉ sợ mơ ngủ rơi xuống sông, hà bá lôi đi thì khiếp lắm”. Ông thở
dài, ngao ngán: “Nhà bác tay trắng, học trò thế này, sợ là phải. Tôi có rơi
xuống nước, hà bá lại vớt tôi lên. Giời không có mắt. Nhà bác ạ. Tôi già cả
giời không cho chết, lại bắt những đứa trẻ con chưa biết nói...”. Đang chuyện
trò bình thường, chả hiểu sao cha Hoàng lại nói độc miệng thế.
Từ lều vó bè, lui xuống
hạ nguồn một chút là xóm chài ở mom sông. Ban ngày, xóm chài chèo thuyền tỏa đi
các nơi đánh cá, chiều tối mới về thuyền nọ đậu sát thuyền kia. Họ nhóm lửa,
nấu cơm nướng cá và gọi nhau í ới. Sông nước, đồng ruộng nhà quê ở vùng này
trong trẻo đến lạ thường.
Hoàng có người chị gái
tên là Ngân lấy chồng ở làng Yên Tế sát chân dãy núi Tam Điệp. Hết tháng năm,
bọn học trò nghỉ hè, tiện thể xuống chợ Bút bán củi, Ngân cho đứa con gái
đi tắt đường về quê ngoại chơi với ông một thời gian. Tên con bé là Ngàn. Ngân
dặn Hoàng: “Cậu thỉnh thoảng dắng con bé hộ tôi. Bằng ngần ấy tuổi rồi mà còn
dại, mải chơi lắm. Có hôm tôi sai mang biếu ông miếng thịt dê, nó đi từ hai giờ
chiều đến chập tối mới về. Thì ra nó cứ nhởn nhơ chơi dọc đường cậu ạ. Cậu thì
đi xa. Nguồn cơn này tôi đang tính bỏ cha cái xó rừng ấy dọn về đây ở với ông
cho đỡ cái cảnh ông thân một thân. Nhưng nghĩ lại, còn bao nhiêu thứ không đi
được”. Hoàng bảo: “Chuyện ấy em với chị bàn sau. Còn cái Ngàn chắc lại lang
thang bắt bướm, hái hoa trinh nữ. Kệ nó chị ạ”. “Nói như cậu thì nói làm gì”.
Nhìn người đàn bà còn
trẻ, mặn mà, nhưng đôi vai nhỏ gầy, nước da trắng xanh, đôi mắt buồn buồn, tôi
có cảm tình, bảo: “Cô Ngân đừng quá lo lắng. Tôi thấy con bé kháu khỉnh. Ngoan
ra phết”. “Ấy là lúc có người lớn thôi anh ạ. Rời ra là lỉnh ngay”. Hoàng bảo:
“Trẻ con là phải thế. Chị đe nẹt con bé Ngàn quá. Chúng nó có niềm say mê riêng
mà người lớn không có được. Chị cứ nhớ ngày mình còn bé thế nào thì bây giờ
chúng nó cũng thế”. “Nhưng mà nhà tôi neo người. Còn lấy củi, chăn dê, nấu
cơm...”. Ngân có vẻ càu cạu với con gái nhưng xem cung cách nói năng, dặn dò
Hoàng, tôi có cảm giác cô rất thương con.
Mấy ngày Hoàng về, cơm
nước nấu ở nhà, con bé Ngàn mang cơm ra lều vó bè cho ông, thỉnh thoảng ông lại
sai mang cá về Yên Tế cho mẹ nó. Gặp hôm, người ta mổ thịt dê đàn leo núi bị
ngã, Ngân lại mua một miếng hay có người đi rừng chị lại mua măng tươi bảo con
Ngàn mang ra biếu ông và cậu Hoàng. Con Ngàn tuổi mười hai, đuôi tóc cháy nắng
đỏ hoe, người bé lách chách. Hoàng gọi nó là con chim Sẻ Núi. Hoàng bảo: “Cậu
bận việc của cậu, chú Văn Ngọ muốn đi đâu, Sẻ Núi đưa chú ấy đi nhá”. “Chú Văn
Ngọ, người lớn thế mà cũng phải cần cháu dẫn à?”. Tôi hơi thẹn, cười cười.
Hoàng bảo: “Chú Văn Ngọ làm thơ, vẽ tranh lơ ngơ như gà tồ, ít khi ra khỏi
thành phố, Sẻ Núi không dẫn là chú ấy lạc đường”. Sẻ Núi nhìn tôi cười bẽn lẽn:
“Chỉ sợ chú Văn Ngọ đi theo lại mải chơi như cháu, về bu cháu mắng chết”.
Sẻ Núi dẫn tôi đi dọc
sông Cái. Nắng mới tươi nguyên của buổi sớm mai bừng lên. Tiếng gõ cá cốc cốc,
tiếng bai chèo bòm bọp, tiếng người lao xao ở bãi cá. Hai chú cháu đi theo
những người kéo thuyền chở cát cởi trần, mặc quần đùi, bắp tay bắp chân nổi cơ
và các dây gân chằng như cuộn chão. Vẻ đẹp, khỏe khoắn, cường tráng, dãi dầu
được chọn lọc tự nhiên qua thời tiết giá lạnh, khô nóng, mưa nắng, gió bão in
đậm trên gương mặt và thân thể họ. Đúng là những năm qua tôi chưa hề gặp được
người mẫu đàn ông nào đẹp, sống động, có hồn như những người lao động thuyền
chài ở đây. Trong lúc tôi mải mê trước giá vẽ thì Sẻ Núi “lách chách” ở triền
sông. Nó mải mê vặt những “con” cỏ gà và dứt hoa cỏ may. Chỉ để chơi chả để làm
gì.
Chẳng biết Hoàng có bắt
gặp những cảm xúc mới mẻ, tâm trạng xúc động như tôi không. Hoàng đang định
viết một quyển tiểu thuyết về nông thôn, nên mang bút sổ đi theo chuyện trò, và
ghi tất cả những từ thường được gọi là thổ ngữ, các câu chuyện cổ và sự tích
núi con Rùa, giếng mắt Rồng... Hoàng có kiểu đi thực tế tại nơi mình đã sinh ra
theo cách riêng của Hoàng. Đi lang thang nơi đầu sông, cuối bãi, đến cánh đồng
trong đê, vào trong làng. Thầm thũi đi, thầm thũi về, quan sát kỹ, ghi chép,
nghĩ ngợi, nghiền ngẫm. Đêm về, chợt hứng lên thì chong đèn viết còn không hứng
thì thôi. Hoàng bảo, đi xa quê lâu rồi, bây giờ viết về quê là bị rào chắn quá
khứ ách lại. Thời nay, suy nghĩ, tình cảm, cách ứng xử của người nhà quê ít
nhiều đã khác thời Hoàng còn ở nhà. Tôi bảo Hoàng: “Mới về quê chú có vài ngày,
anh cứ như được mở mắt ra. Sướng thật! Sinh động hơn cái phòng tranh của anh ở
thành phố. Chú có thấy thế không?”. “Sẽ còn nhiều bất ngờ dành cho anh - giọng
Hoàng chùng xuống - Nhưng cũng có những điều nói bây giờ chưa chắc anh đã hiểu
và thông cảm với làng quê em. Có những cái khuất lấp trong đời sống mà ta thờ
ơ, ta không nhìn thấy, không rung động... Thôi, anh cứ đi, cứ sống ở đây một
thời gian. Nếu thấy nhạt nhẽo quá, tầm phào, vô bổ quá, ta về Hà Nội sớm hơn dự
định”. Lúc ấy, tôi chả hiểu Hoàng định nói điều gì.
Mặt trời tà tà xuống
dần. Sẻ Núi dẫn tôi chọn một chỗ quang đãng, nhìn được hoàng hôn xuống dòng
sông. Làng mạc ở hai bên bờ, núi non cũng ở hai bên bờ. Loay hoay, đi lại, chọn
tìm, khi đặt được giá vẽ thì ráng chiều đã đỏ. Bất ngờ, Sẻ Núi reo lên: “Sông chảy
ra từ chân trời, chú kìa”. Tôi nhìn lên phía thượng nguồn, mặt trời như cái mâm
thau đỏ ối neo trên mặt nước. Đúng là sông chạy đến tận đường chân trời. Mặt
nước lóng lánh bởi sóng đuổi nhau từ một con thuyền nhỏ tí xíu xa tít tắp. Còn
bên hữu ngạn sông Cái, ngay phía trước mặt tôi, bốn năm người đàn bà, đàn ông
đang gò lưng kéo thuyền chở đầy cát. Họ nhọc nhằn, lầm lũi bấm ngón chân trên
đất phù sa. Ráng đỏ trùm lên tất cả. Quang cảnh hơi buồn và tĩnh lặng. Rồi vô
vàn những chấm đen di động trong cái ráng đỏ trầm trầm ấy. Tôi chìm vào hoàng
hôn trên sông, vẫn nghe được giọng Sẻ Núi thảng thốt: “Chim về tổ đấy, chú ơi”.
Một lát, mắt Sẻ Núi sáng lấp lánh, Sẻ Núi lại kêu lên: “Màu tím nữa kìa, chú”.
Tôi giật mình: “Chú không nhìn thấy?”. “Sát mặt nước, chỗ mặt trời đã chui được
một nửa xuống sông đó, chú. Tím hồng. Không! Tím như hoa trinh nữ, chú ạ”.
“Chịu. Chú nhìn không ra”. “Chán, chú Văn Ngọ, màu tím rõ ràng ràng thế kia mà
nhìn không ra”.
Sáng hôm sau, tôi ở nhà
hoàn chỉnh bức Hoàng hôn trên sông. Sẻ Núi ra ngoài lều chơi với ông. Hoàng ngủ
mê mệt vì đêm qua thức khuya viết. Hoàng đang viết đến đoạn những người đàn bà
kéo thuyền chở cát gặp giông bão... Mãi gần trưa, Sẻ Núi mang cá về nấu cơm.
Tôi hỏi:
- Sẻ Núi, cháu thấy có
đẹp không?
- Cái gì hở chú?
- Là chú hỏi bức tranh
Hoàng hôn trên sông này chú vẽ có đẹp không?
- Chẳng giống như nhìn
thấy hôm qua, chú ạ.
- Ờ. Nghệ thuật không
phải sao chép y nguyên cái mà chú cháu ta nhìn thấy đâu, nên cháu thấy không
giống là phải. Chú thì chú cho là được, phần hồn vía của Hoàng hôn trên sông đã
chui cả vào bức tranh rồi.
- Chú nói gì cháu chẳng
hiểu. Cháu chỉ thấy không có màu tím. Sao chú không vẽ hoàng hôn màu tím nhỉ?
Có những điều con
trẻ nghĩ, nhìn thấy hoặc tưởng tượng mà người lớn không bao giờ biết và cũng
chẳng bao giờ hiểu. Nhưng trong trường hợp này thì tôi rất nghi ngờ cái gọi là
hoàng hôn màu tím của Sẻ Núi, tôi xoa xoa mái tóc rối của nó:
- Cháu tôi thông minh và
hồn nhiên quá. Nhưng làm gì có hoàng hôn màu tím như hoa trinh nữ hở cháu?
- Thật đấy! Cả màu cỏ
biếc nữa.
- Ôi trời! Lại cả hoàng
hôn màu cỏ biếc?
- Cháu không nói dối
đâu. Thật mà. Chú thích cháu sẽ dẫn đi xem.
Hôm sau, Sẻ Núi dẫn tôi
đi xem hoàng hôn màu cỏ biếc.
Chúng tôi đi từ lúc ăn
cơm trưa xong. Hoàng bảo: “Em cũng chưa bao giờ nhìn thấy hoàng hôn màu cỏ
biếc. Em chỉ thấy đồng cỏ biếc mênh mông đến tận chân trời, chỗ gần làng Yên Tế
nhà con bé này. Sẻ Núi đã nói thế, anh đi thì đi. Nhưng hai chú cháu nhớ, tắt
mặt trời là về ngay. Tối, đường rừng khó đi lắm”.
Hai bên đường chú cháu tôi
đi, hoa trinh nữ nở miên man, tím ngắt. Sẻ Núi chốc chốc lại lựa chân tránh gai
trinh nữ, cúi xuống thò bàn tay nhỏ nhắn ngắt một bông hoa dại dưới đồng nước
trũng. Tôi bước đại vào đám cây trinh nữ, lập tức tất cả các xương lá cụp lại,
màu xanh thẫm gần như mất đi thay bằng màu xanh nhạt của mặt lá trái; các cánh
lá xếp lại ủ rũ, nhìn rất thảm. “Đừng chú! Hoa nó đang khoe sắc. Chú đánh động
hoa nó xấu hổ, lá cụp lại đấy”. “Ai bảo cháu vậy?”. “Bu cháu”. “Mẹ cháu yêu
cháu nhỉ?”. “Thương nhiều hơn. Nhất là từ khi thầy cháu mất”. “Bố cháu mất? Thế
mà cậu Hoàng cháu không hề nói chuyện ấy với chú”. “Thầy cháu mất được ba năm.
Chết ở trên núi ấy chú ạ. Cũng chỉ tại con dê đen đi lạc. Thầy cháu đi tìm dê
không may bị đá lở. Nghe tin, bu cháu chết ngất, mãi mới tỉnh lại”. “Khổ thân”.
Tự nhiên ngực tôi đau nhói khi nhìn cái đầu bé nhỏ, tóc cháy nắng đỏ hoe của
Ngàn.
Còn cách một cái đầm nữa
mới đến chân núi. Con bé bảo đây là đầm Côi Đàm. Đầm rộng mênh mông oàm oạp
nước, xung quanh đầy năn lác, lau lách, chạy dài ôm quanh chân núi. Chốc chốc
lại có tiếng động xào... xào. Rồi một con chim hoang bay vụt lên. Sẻ Núi đứng
thẫn thờ nhìn đầm nước. Hai tay nó cứ xoay xoay cành hoa dại.
- Chú có tin dưới hồ có
thuồng luồng không?
- Chú không tin.
- Cháu cũng thế. Nhưng
bu cháu bảo, đáy đầm Côi Đàm thủng, ăn thông ra sông Cái, đánh dấu quả bưởi rồi
thả xuống đầm, mấy hôm sau người ta vớt được ở sông Cái. Bu cháu còn bảo, đầm
có thuồng luồng, con thuồng luồng lưỡi đỏ nó từ sông Cái chui theo sông ngầm
vào đầm. Nó hay dìm người chết đuối, chú ạ.
- Bu cháu chả kể thì
người khác cũng kể, lớn lên là biết hết. Ở làng cháu thế. Có chuyện là người nọ
truyền cho người kia; đời này truyền cho đời khác, chú ơi.
Sóng lăn tăn đuổi nhau.
Lá trang lá súng chao nhẹ dập dờn. Cuống hoa súng nhô cao lên mặt nước, cánh
hoa trắng ngà bật tung. Hương thoảng dìu dịu lẫn mùi cỏ rược nồng nồng. Một con
thuyền nhỏ đang lách trong đám lá trang lá súng. Mặt Sẻ Núi rầu rầu, buồn lặng.
Tôi lo lắng hỏi:
- Cháu sao thế?
Sẻ Núi vẫn lặng
im, một tay cầm đuôi tóc đưa vào miệng cắn cắn, hai khóe mắt nó ứa ra hai giọt
nước.
- Cháu sao thế?
- Em cháu... mất... mất
ở đây!
- Cháu bảo sao. Em
cháu...
- Vâng! Em mất ở cái đầm
này. Nó mất trước thầy cháu một năm.
Sẻ Núi lại đưa tay
dụi mắt. Nước mắt nó tràn ra. Tôi lấy khăn mùi xoa lau nước mắt cho Sẻ Núi. Sẻ
Núi mếu máo:
- Tên nó là thằng Lâm
chú ạ. Cậu Hoàng cháu đặt tên là Cún con. Cún con béo ục ịch chứ không gầy
nhẳng như cháu đâu. Nó trắng như mầm lạc, bi bô bi bô tập nói. Cả nhà cháu quý
nó như vàng. Cái đận giỗ bà ngoại cháu xong, bu cháu còn ở lại rửa bát đĩa, dọn
dẹp. Thầy cháu kiệu thằng Cún con trên vai, cháu đi theo, về trước. Đến đầm Côi
Đàm, thấy một toán thợ sơn tràng lạ hoắc vừa tắm lên, đang mặc quần áo để đi
tiếp vào rừng. Cún con cứ chỉ cái thuyền bi bô, bi bô. Cháu bảo: “Cún ngoan
nhá. Lớn lên tí nữa, chị cho Cún con đi bơi thuyền hái hoa súng này, cho Cún
con tập bơi nữa này...”. Thầy cháu bảo: “Ngàn. Trông em. Thầy hái cho chị em
mày mấy bông hoa súng. Tiện thể vớt ít rau dong về cho lợn”. Mọi khi thầy cháu
đi về nhà ngoại vẫn cứ tiện thể vớt dong cho lợn như thế. Cháu bảo: “Thầy hái
hoa súng cho con với em chơi thôi. Rau dong để bu về qua bu vớt”. “Hây dà. Chờ
bu mày về, tối mất. Lợn chết đói”. Thầy đặt Cún con xuống bờ đầm. Cháu ngồi
trông em, nó cứ bi ba bi bô tập nói. Lúc ấy có một đàn bướm trắng đẹp ơi là
đẹp, chúng bay rập rờn trên năn lác rồi bay đến chỗ cháu. Một con đậu, hai con
đậu... cháu thò tay bắt, nó bay lên rồi lại đậu xuống. Cháu thích quá, quên cả
em cứ đuổi theo đàn bướm.
Thầy cháu lên bờ không
thấy Cún con đâu, hoảng hốt: “Ngà... an! Em đâu rồi? Lâ... âm. Con đâ... âu?”.
Tiếng gọi lan trên mặt đầm, bay đến chân núi rồi vọng lại. Cháu bủn rủn cả chân
tay, tim thót lại. Không thấy thằng Cún đâu. Trên bờ chỉ còn túi đựng tã và gói
xôi. Thầy cháu nhảy chồm xuống đầm lặn mò cả nửa tiếng đồng hồ chẳng thấy. Đêm
ấy sáng trăng, thầy cháu thuê thợ quét chài cũng không tìm thấy Cún con đâu,
hôm sau thuê tìm nữa vẫn bặt vô âm tín. Bu cháu biết tin ngất luôn, cháu cũng
ngất nữa. Một tháng trời, thầy cháu, bu cháu chẳng nói năng câu gì, cũng không
mắng chửi cháu. Cứ cắm tăm cả nhà. Dân làng người ta ồn ầm lên, chú ạ. Đầu làng
thì bảo: “Chắc lại cái toán thợ sơn tràng lạ mặt bắt cóc đưa đi bán cho người
Mường hiếm con trai. Có người bảo, đích thị là họ bắt đứa bé đem vào trong rừng
sâu bán cho bọn thợ săn bẫy hổ rồi. Bọn ấy thì dám lắm, chẳng có chuyện gì họ
không làm. Cũng có thể họ đem đứa bé vào tế thần rừng. Thợ sơn tràng là chúa mê
tín. Tế thần rừng thì họ mới yên ổn làm ăn, không bị đá lở, gấu vả, hổ vồ, cây
đổ...”. Họ mà làm thế thì ác quá, chú nhỉ?
- Con người không ai nỡ
thế đâu, cháu ạ.
- Cháu cũng nghĩ thế.
Như thầy cháu, bu cháu, như ông cháu, như cậu Hoàng, như chú... ai ai cũng hiền
từ, nhân hậu, chẳng ai ác. Cháu nghĩ thế. Lại có người bảo: “Có khi thằng bé
rơi xuống đầm bị con thuồng luồng nuốt rồi cũng nên”. Cuối làng thì nói: “Trăn
rừng. Chỉ có trăn rừng bò ra nuốt thằng bé chứ thuồng luồng nào. Không thấy vết
trăn trườn rẽ năn lác, rẽ lau lách ra đấy à”. Mà rõ vết trăn trườn, chú ạ. Thầy
cháu còn đi dọc sông Cái tìm thằng Cún. Thương thầy cháu lắm, cháu không dám
nghĩ đến chuyện quả bưởi đánh dấu chui qua đáy đầm thủng ra sông Cái nữa...
Sẻ Núi dừng kể rồi thở
dài hắt ra một cái:
- Cháu cứ hay nghĩ vẩn
vơ. Cún con bị toán thợ sơn tràng lạ mặt ấy bắt trộm bán cho người dân tộc có
khi còn may, chú nhỉ. Giờ nó đang ở đâu đó, rồi có ngày nó tìm về.
- Thôi đừng kể nữa cháu
ạ.
- Vâng! Cháu không kể
nữa. Chú có nghe tiếng gì không? Không à! Tiếng thằng Cún con nhà cháu đấy. Nó
biết nói rồi, nó bảo cháu chèo thuyền cho nó ra hái bông hoa súng trắng. Chú
vẫn không nghe thấy tiếng thằng Cún con nhà cháu à - Sẻ Núi chợt lặng một lát -
Cũng phải thôi. Người lớn không nghe được tiếng trẻ con đâu. Chỉ trẻ con chúng
cháu nghe được thôi. Nó đang thì thào thì thào, xòe bàn tay tí xíu xin bông hoa
dại của cháu đây này.
Sẻ Núi thả bông hoa dại
hái lúc nãy ở cánh đồng xuống mặt đầm. Nó đứng lặng, mặt ngây dại nhìn hoa
súng, nhìn gió đuổi nhau hoài trên năn lác. Đi đi cháu. Một ngày nào đó không
xa Cún con sẽ tìm về, hoặc người ta sẽ đưa nó về. Tôi thầm thào trong lòng và
khoác tay lên đôi bờ vai bé nhỏ của Sẻ Núi. Chúng tôi đi tiếp về phía hoàng hôn
sẽ lặn.
Đã qua dốc Dài. Bạt ngàn
cây trọng đũa mọc xanh rì. Tiếp theo là đồi vải nối tiếp đồi vải. Một điểm
trường mái gianh hiện ra cạnh đường. Có thể Sẻ Núi học ở đây, tôi hỏi con bé:
“Cháu vẫn đi học đều chứ?”. “Cháu học đều, chỉ phải cái hay ngủ gật ở lớp”.
“Sao thế?”. “Đêm cháu ít ngủ lắm. Chả biết sao thế. Hai mắt cứ mở chong chong.
Có khi tại cháu mê nghe tiếng rừng ban đêm, chú ạ”. “Lại có cả tiếng rừng nữa.
Ai bảo cháu thế?”. “Bu cháu. Khuya là nai tác. Lúc trăng cuối tháng lên ấy, chú
ạ. Bu cháu bảo, con nai ấy lạc mẹ. Nó tác khản giọng lắm. Cháu nghe sốt cả
ruột. Rồi tiếng gió từ rừng sâu u u thổi nữa. Gió rừng sâu chứ không phải gió ở
đồng, ở sông, ở đầm, ở cửa rừng đâu. Ngày thầy cháu còn sống thầy cháu bảo: Đấy
là tiếng hoàng tử gọi tìm công chúa bị phù thủy bắt giam giữ trong rừng sâu.
Thương quá chú nhỉ. Thầy cháu kể công chúa đẹp lắm. Cháu cứ ước mình đẹp như
công chúa, nhưng không bị phù thủy giam cơ. Bị giam trong rừng sâu, không có
bạn bè buồn lắm. À, chú đã nghe tiếng hạt tách vỏ nẩy mầm chưa? Chưa à. Đêm gần
sáng cháu nghe được cả tiếng măng luồng tách vỏ. Cả quả sao sao nữa, đang mơ
màng nghe tách... tách, rồi hạt sao sao tung ra rơi rào rào. Thầy cháu đã thức
dậy từ lúc nào ấy, bảo: Năm nay chim mào đỏ về sớm đấy. Sáng ra, bu cái
Ngàn tháo cho tôi cái bẫy chim ở gác bếp. Chim mào đỏ béo nung núc, thịt
nấu măng có mà tuyệt. Từ dạo thầy cháu mất, cậu Hoàng ở Hà Nội cũng không về
bẫy chim, cháu chả nhìn thấy miếng thịt chim mào đỏ bao giờ. À, chú đã nghe
rừng thở chưa?”. “Rừng thở! Sao cháu lắm chuyện thế? Toàn chuyện lạ lẫm. Chú
không thể nào tưởng tượng nổi”. “Thật đấy chú ạ. Rừng thở lúc nửa đêm ấy. Cháu
nghe được hẳn hoi. Lúc ấy, đêm thanh vắng lắm, bu cháu cũng ngủ say, gió ở
ngoài không hề lay lá cây. Chim chóc, lợn gà, dê chó, khỉ... ngủ hết, gấu không
kêu, nai không tác. Chỉ có tiếng thở của rừng. Hơi thở phập phồng từ xa xa,
trong tận rừng sâu thở ra...”.
Thung cỏ biếc hiện ra
trước mắt. Mênh mông cỏ là cỏ, rờn rợn đến chân trời. Cỏ xanh mát mắt. Tầm nhìn
rộng ra, dài hơn, vòm trời cao lên. Trâu đàn xếp thành hàng dài nhẩn nha bước
theo lối mòn trên đồng cỏ, con nọ nối đuôi con kia che lấp cả một đoạn đường chân
trời. Và mặt trời đỏ úa to như cái nong đang từ từ chui xuống thung cỏ. Màu
xanh của vòm trời thung cỏ nhuộm luôn cả ánh chiều yếu ớt của hoàng hôn. “Chú
trông kìa. Hoàng hôn màu cỏ biếc”. Mắt Sẻ Núi mở to, long lanh. Những điều lạ
lẫm đột nhiên xuất hiện và chỉ có nó mới cảm nhận được. Còn tôi, cái đầu già
nua và ý nghĩ cỗi cằn, với tư duy công thức, tôi đã hết thời biết run rẩy, thú
thật: “Chú không nhận ra”. “Chỗ mép cỏ. Mặt trời chui được một nửa xuống thung
cỏ xanh ấy, chú ạ”. Tôi quàng tay lên vai Sẻ Núi. Cả hai chú cháu dán mắt nhìn
về phía chân trời. Không phải mặt trời đang lặn mà thung cỏ đang đón mặt trời
vào lòng đất. Màu xanh biếc của trời, của đất đang phủ dần, phủ dần lên hoàng
hôn, nhuộm xanh hoàng hôn. Tôi xốn xang, rạo rực, miên man với màu xanh mênh
mông rợn ngợp. Mắt tôi hoa đi. Vẫn dưới vòm trời xanh là cỏ biếc. Và hoàng
hôn...
Hai chú cháu về đến nhà
Sẻ Núi thì trời sập tối. Hoàng đã có mặt ở đó một lúc. Ngân lúi húi nấu cơm. Áo
màu cỏ úa, đôi vai gầy lấp loáng trong ánh lửa đỏ.
Hoàng bảo: “Em biết thế
nào chú cháu nhà anh cũng không thể về sớm được. Thôi đành phải đi đón vậy. Thế
nào... anh Văn Ngọ đã nhìn thấy hoàng hôn màu cỏ biếc chưa?”. Sẻ Núi bảo: “Chú
ấy chẳng thấy đâu, cậu Hoàng ạ”. Tôi ngồi thần người ra. Hoàng lặng im. Sẻ Núi
cũng im lặng.
Tôi nghĩ đến những tháng
ngày qua tôi đã sống, những vần thơ tình yêu, những bức tranh đồng quê... Tôi
nghĩ đến hoàng hôn màu cỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét