Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Nhật ký Tết Ất Mùi

Nhật ký Tết Ất Mùi
Vậy là lại đến Tết rồi, năm Ất Mùi đang tới. Gần 10 năm không được đón Tết ở quê nhà, nghe thấy khó tin và khó chấp nhận nhưng sự thật vẫn trần trụi như vốn vậy. 
Vài dòng nhật ký như một chút để nhớ tới quê hương và một chút gì để quê hương biết tới những người con xa xứ. Hãy xem Tết như một dịp để nghĩ, để ngẫm, để trải nghiệm về cuộc sống xa nơi đất mẹ và để nạp thêm năng lượng sống cho một năm mới dù ở bất cứ đâu.
22 tháng Chạp, Giáp Ngọ
Vậy là lại đến Tết rồi, năm Ất Mùi đang tới. Gần 10 năm không được đón Tết ở quê nhà, nghe thấy khó tin và khó chấp nhận nhưng sự thật vẫn trần trụi như vốn vậy. Thêm một cái Tết xa quê, thêm một lần nhớ cái không khí náo nức trước Tết, thêm một lần buồn khi chỉ có một gia đình nhỏ bên mình mà thiếu đi hương vị Tết quê nhà.
Nhưng dẫu sao Ất Mùi cũng đang tới, hãy xem mình có gì cho năm mới.
Mai ông Táo sẽ lên trời báo cáo kết quả một năm qua, mình đã làm gì nhỉ? Tôi có cái gì ở cái xứ người xa xôi này để nhờ Táo báo cáo giúp đây? Mà liệu ở đây có ông Táo nào cưỡi cá chép đi giải quyết việc công như ở quê mình? Cũng hy vọng các ông Táo sẽ thiên biến vạn hoá để giúp người Việt ở cái đất nước đa văn hoá này.
Chắc sẽ mất nhiều thời gian và minh hoạ để có thể giải thích về ông Táo và cá chép với hai thằng nhóc nhà mình, mà có lẽ phải mình phải tra từ điển để có thể nói chính xác về một nét đẹp trong nền văn hoá Á Đông cho chúng hiểu!
23 tháng Chạp
Nhớ những chiều 23 ở Việt Nam, nhà nhà bày mâm cỗ với rất nhiều đồ dùng cho ông Táo về trời. Tiếng khấn nôm xen lẫn tiếng cá chép quẫy, tiếng còi xe; mùi hương thơm đan xen mùi hoa quả; khói đốt vàng mã quện khói xe đi về vội vã, khoé mắt cay cay...
Không có đào hay mai thì tầm xuân cũng không phải là lựa chọn tồi. Ảnh tác giả cung cấp
Tôi ra vườn nhà chọn mấy cành tầm xuân thật nhiều nhánh và nụ chuẩn bị cắm hoa sớm lấy không khí Tết, không có đào hay mai thì tầm xuân cũng không phải là lựa chọn tồi. Những nụ tầm xuân khi mới nhú có màu hồng đỏ như nụ hoa đào, chúng trồi lên như những đốm lửa xua đi lạnh giá của ngày cuối đông.
Khi nụ tầm xuân lớn và nở bung ra màu trắng là lúc thời khắc giao thừa chuẩn bị tới và rồi nó chợt bùng ra những nhuỵ vàng mềm mại trong những ngày đầu năm ấm áp. Không kiêu sa như mai, không rạng rỡ như đào, những bông tầm xuân nhỏ nhắn, nhẹ nhàng như những đứa trẻ háo hức trước mùa xuân. 
Tôi vẫn nhớ cái cảm giác thanh thản và háo hức của con trẻ khi thả chú cá chép xuống hồ hay dòng sông để tiễn ông Táo, tuy nhiên để làm cái việc phóng sinh đơn giản đó ở xứ lạnh này thì không thể vì sợ rằng chú cá chép tội nghiệp sẽ bị cái lạnh cuối đông đưa lên thiên đường trước khi nó hoàn thành trách nhiệm với Táo quân! Thôi đành vậy, trăm sự nhờ tài biến hoá của Ngài!
Sực nhớ đến giờ đi làm, thôi đành để vợ lo thưa chuyện với ông Táo!
29 tháng Chạp
Mưa. Năm nay Vancouver mưa nhiều quá, trời mưa lất phất và se lạnh hệt như tiết trời miền Bắc Việt Nam những ngày giáp Tết. Chợt nhớ những đêm trông bánh chưng ngày cuối năm với đầy hồi ức. Đống lửa lớn bập bùng giữa đêm lạnh giá, nồi bánh chưng réo ùng ục cả đêm để rồi gần tới sáng bắt đầu tỏa hương, cái mùi của đất trời ngày xuân và mùi thơm bánh mới pha lẫn không thể dễ quên...
Đọc báo VnExpress thấy dân mình ra cả ngoài vỉa hè để luộc bánh chưng, thấy mà thèm. Muốn một lần ngồi gói bánh chưng bằng loại lá dong xanh ngắt và luộc bằng thứ củi gộc khô nỏ như quê nhà, nhưng làm một mình thì quá lạc lõng và không khéo lại bị hàng xóm gọi cảnh sát vì đốt lửa nguy hiểm!

Tranh thủ chạy qua khu phố buôn bán của người Việt ở Vancouver với cái tên Little Saigon để tìm mua bánh chưng, nhưng nhà hàng đã bán hết, có lẽ người Việt mua cũng nhiều, và cũng có lẽ nhà hàng chỉ sản xuất số lượng hạn chế vì sợ không bán được.
Phố xá khá vắng vẻ vì tuy mang tên Little Saigon nhưng không đông đúc như ở Mỹ. Khu buôn bán ở đây chỉ có hơn chục cửa hàng của người Việt xen lẫn với cửa hàng của người Ý, Tàu, Pháp...
30 tháng Chạp
Ngày cuối của năm Giáp Ngọ, ở Việt Nam mọi người đang ồn ào, hối hả, gấp gáp mua sắm và dọn dẹp trong ngày cuối năm. Mọi thứ cần tươm tất trước bữa cơm tất niên cùng gia đình và một đêm giao thừa nhiều cảm xúc...
Hôm nay mới xin nghỉ làm được, nghỉ 3 ngày Tết nhưng thực ra cũng không tránh khỏi cảm giác dửng dưng vì ngày cuối năm của dân Á Đông chứ đâu phải của dân Bắc Mỹ nên tìm đâu ra những dòng người hối hả và cùng chung cảm xúc trước buổi tất niên. Mà khi đã không có cái bầu không khí Tết như dân mình thì khó khơi nổi những cảm nhận về xuân.
Đi sắm Tết. Tới chợ của người Việt. Cũng có không khí Tết khi được nghe, được nói tiếng Việt, được nhìn thấy mọi người hối hả mua sắm cho Tết, cảm nhận được một chút không khí nhộn nhạo của ngày cuối năm tuy rằng chỉ trong một không gian rất nhỏ của khu chợ và biết rằng cảm giác Tết sẽ mất khi bước chân ra ngoài cửa chợ!
Thôi kệ, cứ mua sắm chút, cứ vui vẻ chút cùng dân mình. Cũng bánh chưng, bánh tét, xôi đĩa, cũng mứt hộp, mứt lẻ sản xuất tại Việt Nam, cũng chả nem đông lạnh, giò, chả, cũng đủ các loại quả cho mâm ngũ quả, cũng hoa đào, hoa mai tuy nhiên chỉ là những cành nhỏ, cũng hoa lan, hoa cúc, cũng cây cảnh...
Mâm cơm tất niên với đầy đủ món ăn mang hồn dân tộc.Ảnh tác giả cung cấp
Chiều 30, cảm ơn vợ đảm đã một mình nấu mâm cơm tất niên với đầy đủ món ăn mang hồn dân tộc: bánh chưng, giò thủ, canh măng, miến, chả giò, gà luộc, sườn xào chua.
Cả nhà tôi cùng ngồi bên nhau trong bữa cơm gia đình chiều cuối năm. Một gia đình bé nhỏ nơi đất khách, thiếu vắng thế hệ ông bà, đang cố giữ một nét đẹp văn hoá Việt trong một đất nước đa văn hoá. Dù xa cách nghìn trùng nhưng mấy ai quên được những ký ức, những tập tục thật đẹp và đầy tình người mà mình đã từng gắn bó với quê hương...
Phút giao thừa lặng lẽ. Một mâm cúng đơn sơ với xôi, chè và hoa quả giữa đất trời xứ lạnh. Không tiếng pháo hoa, không tiếng hò reo, không lời chúc năm mới, chỉ có tiếng con trẻ thở đều và nhẹ nhàng trong giấc ngủ. Sáng mai chúng vẫn đi học bình thường dù biết đó là năm mới trên quê hương ba mẹ của chúng.
Mùng 1 Tết Ất Mùi

Sáng ngày đầu năm, lặng lẽ, vắng vẻ. Âm thanh hối hả buổi sáng nhường chỗ cho một khoảng lặng có lẽ là duy nhất trong một năm, khi mà mọi lo toan cho Tết của năm cũ đã qua đi và mọi kế hoạch của năm mới còn chưa tới.
Thắp một nén hương thơm trên ban thờ Phật, cầu chúc cho gia đình mạnh khỏe và gặp nhiều vui vẻ. Mừng tuổi vợ con. Đọc vài bài báo mạng của Việt Nam và nghe những giai điệu đón xuân của quê nhà. Hưởng một chút tĩnh và bình yên trong tâm hồn trước những khởi đầu mới...
Mùng 2 Tết Ất Mùi
Đi thăm chùa, lễ Phật để tìm chút thanh thản trong những ngày đầu năm, một thói quen của hầu hết người Việt. Dân mình giờ đi lễ cầu lộc, cầu tài nhiều lắm, nhưng với tôi đi chùa chỉ để tìm một nơi làm tinh thần mình thư thái, thanh thản, chỉ như tìm một nơi chốn có sự bình an.
Ngôi chùa vắng vẻ, chỉ lác đác vài khách du xuân đến lễ Phật. Tết Việt nhưng chỉ là ngày thường của Canada nên dân mình ở đây vẫn phải đi làm và phải đợi đến chủ nhật mới vào lễ chính. Cũng có rất đông người đã đến chùa vào lúc giao thừa và cùng những người đồng hương đón năm mới trong một bầu không khí phần nào giống quê nhà để vơi đi chút nỗi nhớ.
Thường chùa chỉ mở cửa vào cuối tuần để mọi người đến dự lễ, đọc kinh và dùng cơm chay, nhưng giờ là Tết nên có chút ngoại lệ. Sư thầy trụ trì đã mở cửa chùa trong ngày thường cho khách thập phương đến thăm và làm lễ.
Đi chùa mùng 2 Tết Ất Mùi. Ảnh tác giả cung cấp
Thắp hương, lễ Phật, cùng cầu chúc cho mọi người một năm mới hạnh phúc và bình an.
Ngày mai mình phải đi làm lại. Vậy là hết Tết, một cái Tết nhạt nhòa và thiếu cảm xúc. Một khoảng thời gian chuyển tiếp quá lặng lẽ, quá đơn điệu và quá dễ quên.
Tôi sẽ nên làm gì với Tết để có cảm xúc thực sự? Chợt nhận ra một điều quá đơn giản: nhất định sang năm sẽ đưa gia đình nhỏ của mình về Việt Nam đón Tết!
Nguyễn Mạnh Long
Theo http://vnexpress.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...