Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Phổ Đồng thong dong vào chốn bụi hồng


Phổ Đồng thong dong vào chốn bụi hồng
Từ vô thủy ta luân hồi cát bụi

Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian
Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống
Trần gian ơi ! Nghe cát bụi mơ màng
Mơ màng cát bụi từ thuở nào mới mở mắt chào đời bên ghềnh biển Quy Nhơn rờn mộng ấy, thầy Đức Thắng sinh năm 1947, suốt một thời tuổi trẻ hay chạy rong chơi qua cánh đồng lúa xanh Phổ Đồng, bồng tênh mấy nẻo đường quê hương Phước Thắng ngan ngát cỏ hoa và thả diều tung bay trên bầu trời Tuy Phước lồng lộng bát ngát đầy trời trăng sao in bóng mộng sông hồ. Rồi lớn lên, thường trầm tư về lẽ đời vô thường sống chết, nên từ giã quê nhà, thao thức vào Nha Trang đi xuất gia theo truyền thống Thiền tông Phật giáo đại thừa. Sau đó vài năm chuyển vào Sài Gòn, tiếp tục con đường học vấn, tốt nghiệp Cao học Triết Đông phương và Phật khoa Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975.
Tâm hồn sâu lắng lặng lẽ, thần khí thâm trầm ẩn mật vô vi, khi viết về Thiền tông như Buông tay hố thẳm, Thõng tay vào chợ thì lấy tên Đại Lãn, còn lúc làm thơ như Đường bay mây vô thường, Bụi hồng thì lại đổi tên Phổ Đồng, dường như để nhớ miền cố xứ thân yêu, chốn làng quê chôn nhau cắt rốn, nơi nhà thơ sinh ra ở vùng núi non Bình Định hùng vĩ xa mù.
“Như giấc mộng, bụi hồng cứ rong chơi mà chưa từng biết mình là thật hay là hư, chỉ biết mình đang hiện hữu như là giấc mộng từ nguồn vô thủy đến đời vô chung và chỉ biết nỗi buồn vui qua đi như một giấc mộng…”Mở đầu tập thơ Bụi hồng, thi sĩ tự giới thiệu một cách ly kỳ ẩn ngữ như thế. Phải chăng, cuộc đời là một giấc mộng đặt lên trên một giấc mộng u uẩn trầm mê ?. Thi hào Lý Bạch có hai câu thơ nổi tiếng, hàm ý khuyên chúng ta xem cuộc sống như giấc mộng, không nên vì lợi danh mà đấu tranh giành giật, hơn thua nhau chi khổ nhọc, làm cho thân xác mệt mỏi rã rời : “Xem đời như giấc mộng thôi. Làm chi cho mệt một đời phải không ?” Kinh Kim Cang cũng dặn dò nhắc nhở chúng ta rằng, hãy thường xuyên quán niệm, xem tất cả thế gian, vạn pháp hữu vi đều như mộng như huyễn, như bọt nước sương rơi, như ánh chớp lóe giữa không trung:
Hữu vi pháp hiện trùng trùng
Như huyễn như bọt nước tung vỡ rồi
Như ánh chớp như sương rơi
Thường quán như vậy nhẹ vời phiêu nhiên
Còn nhà thơ Phổ Đồng từ thuở lọt lòng ra cho đến nay, từng đã trải nghiệm qua hơn nửa thế kỷ trên mặt đất, thì ý thức sâu xa mình có mặt giữa trần gian cát bụi, dù đang đi đứng nói cười, đang mở mắt nhìn thấy mọi sự nhưng vẫn là mở mắt trong chiêm bao mộng mị mà thôi :
Ta đến từ giấc mộng
Mây buồn bay bơ vơ
Giọt sương cười nắng vỡ
Ra đi về chiêm bao
Ồ! Ồ! Không còn phân biệt được đây là thực tế hay chiêm bao mộng huyễn, tuyệt nhiên lặng lẽ, lắng nghe trong tịch mịch vô ngôn, một ý tưởng mơ hồ khởi lên từ tiền kiếp nào giữa muôn trùng xa thẳm trên dặm ngàn tuế nguyệt mênh mang :
Từ hoa kết mọc đá vàng
Nở tâm rạng mặt ngỡ ngàng chiêm bao
Suốt từ mộng mị lao xao
Đến nay vẫn mộng truyền trao bao lần?
Mật pháp nào, bí quyết nào đã bao lần truyền trao nhau trong cuộc mộng phù sinh ? Thưa rằng không biết nữa. Chỉ biết chuyện vui buồn, sướng khổ, thành bại …trong cõi trăm năm thấm đẫm giọt lệ sầu. Những cơn gió nghìn năm thổi về se sắt lặng đìu hiu cóng buốt lạnh thấu cỗi nguồn hiu hắt hoang liêu. Thôi thì bóng ngã tà dương, mộng trong cuộc mộng lên đường trầm ngâm :
Trăm năm thành bại vui buồn
Nghìn năm mưa gió xô nguồn tịch liêu
Ngày tàn bóng hiện đìu hiu
Thoảng trong nỗi nhớ thiên thu phận mình
Ra đi gợi nhớ tự tình
Thuyền không bến đậu lênh đênh nẻo về
Bơ vơ bến mộng bờ mê
Chơi vơi ẩn hiện bốn bề mênh mông
Mông mênh thiên địa giữa càn khôn vũ trụ bao la, nhà thơ cảm thấy bơ vơ lạc lõng, trôi dạt theo bờ mê bến mộng, bồng bềnh heo hút cuối truông ngàn vạn dặm lênh đênh nên trằn trọc băn khoăn tự hỏi thầm trong dạ :
Ta tự hỏi thời gian thành con rối
Ngày qua rồi sao cắt nghĩa hôm nay
Mai mốt đó chưa bao giờ lầm lỗi
Có hay không như giấc mộng đêm ngày ?
Ngày đêm, sáng tối nối tiếp nhau trôi qua chập chùng man thiên huyễn mộng. Ngày đi tháng đi năm đi và đời mình rồi cũng sẽ đi qua trong thoáng chốc mong manh hư ảo vô thường. Thời gian cứ miên man trôi chảy bềnh bồng không mục đích, để cho thi sĩ chạnh lòng xao xuyến nỗi đời du mục hoang lương :
Có không huyễn tướng vô thường
Xem ra hư thật sao lường được đây ?
Triều dâng sương đợi nguyệt đầy
Dấu chân du mục nhớ ngày nguyên sơ
Chân hay vọng, không hay có, thật hay hư, còn hay mất… là những nghi vấn muôn đời của những tâm hồn khát khao đi tìm tuyệt đối và nhà thơ Phổ Đồng cũng không ngừng thao thức, trăn trở trên cuộc lữ đăng trình giữa hoang vắng tịch liêu với bao điều suy gẫm đăm chiêu :
Chiều buông vó ngựa chơi vơi
Dặm trường sương khói vàng rơi cuối đường
Đìu hiu quán trọ câu vương
Nghìn năm mây trắng mù sương gót hài
Đêm tàn ráng đỏ ban mai
Giật mình ngỡ bóng chiều phai bên thềm
Giữa muôn trùng cô lữ thi ca qua ngút ngàn khói sương ướt đẫm trầm tư, dụng công miên mật từ sớm tinh sương thường tịch chiếu đến chiều tà phủ trùm bóng tối trong hố thẳm tâm linh. Rồi một hôm nọ, tình cờ dừng gót nghỉ ngơi bên quán trọ tiêu điều cạnh dốc núi ven rừng, thi nhân bỗng giật mình sửng sốt bàng hoàng, hốt nhiên trực ngộ một điều chi, khi nghe Tiếng hét của Lâm Tế :
Giật mình mộng vỡ tràn lan
Khối nghi triền kiếp cưu mang bao giờ ?
Ô hay sự thể nào ngờ
Xưa nay đây đó bây giờ ở đâu ?
Tiếng hét sấm sét của thiền sư gây chấn động kinh hồn làm bùng vỡ khối nghi sinh tử, thấy ra lẽ thật xưa nay vô thủy vô chung. Có lẽ thi nhân trong một phút giây hy hữu đã trực nhận, thấu triệt chuyện tử sinh vốn chưa từng sinh diệt, vốn không sống, không chết, không đến không đi như thiền sư Lâm Tế đã từng thấy : “Chánh kiến là thấy được các tướng không đến không đi, không sinh không diệt của các hiện tượng xuất thế, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết bàn của Phật. Chánh kiến là thấy được tường tận tướng Không của các pháp, rằng không pháp nào có thật, khi quý vị đi vào pháp giới vô sinh, rong chơi trong các quốc độ và đi vào pháp giới Hoa tạng. Chánh kiến là thấy rằng chính cái con người không cần chỗ nương tựa đang nghe pháp kia chính là Phật vì tất cả Phật đều do chỗ không nương tựa mà phát sinh….”* Một khi tự tri, tự có chánh kiến, thấy được tướng Không, tánh Không, thực tướng vô tướng của vạn pháp vô sinh, bất diệt thì tự nhiên giải thoát, an tịnh. Sinh diệt đã không thì đến đi còn có chỗ nào nữa chớ ? Đó chẳng qua là khí âm dương chuyển hóa hòa hợp, ngưng tụ tạo thành hình dáng mà con người sinh ra như một biểu hiện thuần nhiên :
Bụi hồng mang hạt vô biên
Từ cha yêu mẹ nỗi niềm gởi trao
Nắng vàng nâng cánh phượng chao
Hai mươi năm ấy biết bao đổi dời
Ơi chao ! Ồ thì ra là như thế. Cái thân tứ đại này do nhiều nhân duyên giả huyễn kết hợp tạo thành, tạm thời hiện hữu cũng có vui có buồn, có sướng có khổ, có được có mất… nhưng bản chất, thật tánh vốn là Không, thế thôi :
Duyên đầy duyên thiếu hợp vơi
Hiện tiền hiện khởi tuyệt vời tánh Không
Giờ còn hiển hiện trang không
Đầu tiên ngôn ngữ cuối cùng tái sinh
Bản chất của con người chúng ta và muôn nghìn sự vật chung quanh vốn là do nhiều nhân duyên hợp lại tạo thành, nên chúng không có thực thể nhất định, chẳng có hiện hữu thực, tuyệt nhiên không có một thực tại có thể nắm bắt được, vì thế gọi là tánh Không. Đi sâu vào duyên sanh, chúng ta bắt gặp tánh Không như thiền sư Long Thọ nói :
Chưa từng có một pháp
Không từ nhân duyên sanh
Thế nên tất cả pháp
Đều ngọn nguồn tánh Không 
Tánh Không lồng lộng như hư không mông mênh chẳng ngằn mé, tuy nhiên vẫn biểu hiện thiên hình vạn trạng qua nguyên lý duyên sinh. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tuyên bố :
Vạn pháp từ xưa đến nay
Tướng thường tịch diệt đủ đầy tâm tư
Pháp nào yên pháp nấy từ
Thế gian tướng thường trụ như nhiên rồi
Từ vô thủy đến vô chung giữa trùng trùng vô tận thời gian và không gian, tất cả vạn hữu như càn khôn vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, mặt đất, con người, con vật, nói chung muôn loài thực vật, động vật, thập loại chúng sinh đang sinh hoạt ngày đêm trên khắp hoàn cầu, hết thảy đều do chập chùng nhân duyên cấu tạo nên cả. Đương nhiên mọi sự ấy không có một tự tánh nào riêng biệt, cho nên gọi là tánh Không. Vì thế, muôn vàn vạn hữu ấy cũng là một cách biểu hiện, là hiện tướng tịch diệt Niết bàn, vốn “không sinh không diệt, chẳng đến chẳng đi” trong bầu trời thênh thang tâm thức tự tại tự do. Pháp nào thì an trụ ngay pháp đó, như nụ cười là một pháp, giọt lệ là một pháp, tánh thương là một pháp, tánh giận là một pháp cho đến cỏ cây, mây gió, trăng sao, sông núi, vui buồn, sướng khổ, phiền não, bồ đề, quỷ ma, thần thánh, địa ngục, niết bàn… đều là “thị pháp trụ pháp vị” như như cả, đều có thể rỗng rang qua lại giữa lòng tánh Không lồng lộng. Bấy giờ, tướng thế gian vô thường, sinh diệt không còn tác động nữa, vì đã kiến chiếu, thể nhập Chơn Không Diệu Hữu ngay trước mắt sáng bừng.
Thực ra, tánh Không chẳng phải là không có gì cả mà là một khái niệm chỉ cái trạng thái không có những vọng tưởng thấy biết sai lầm về thực tại hiện tiền. Biết rõ tường tận tất cả vạn pháp, muôn loài vạn vật trong vũ trụ đều không có tự tánh riêng biệt mà chỉ do nhiều nhân duyen giả hợp tạo thành. Cho nên tánh Không thường nhiên, tuy vô hình mà vẫn muôn chiều diệu dụng giữa thực tại chân thường luôn luôn hỷ lạc, an tịnh vĩnh hằng :
Trăng nằm chết giữa muôn thu
Người nằm chết giữa mối sầu thiên di
Ô hay ! Sự việc diệu kỳ
Cho chân thường hiện giữa nơi vô thường
Khi lãnh hội được điều cực kỳ vi diệu đó, là ngay nơi vô thường sinh diệt này vốn hiện hữu chân thường bất diệt vô vi, thi nhân mỉm cười an nhiên biết mình có mặt nơi đây như là hạt Bụi hồng tinh khôi nên tha hồ thư thả vờn bay theo áng phù vân trong nắng sớm, tung lướt ngàn sương nghi ngút giữa trùng dương hoang đảo lúc chiều tà, hòa điệu vào cuộc lữ du sĩ ca :
Ta từ hạt bụi rong chơi
Lang thang khắp chốn luân hồi bước chân
Ra đi sớm nắng phù vân
Tối về hạt nắng sương ngàn trùng khơi
Mỏi mòn hạt bụi bên trời
Nhịp chân rong ruổi gót bời dặm xa
Bóng đời mấy dạo sương sa
Buồn vui mắt gợn bóng tà huy rung
Bước phiêu bồng phiêu diêu lãng đãng, chiêm ngưỡng mười phương tám hướng qua cái nhìn thấu thị chiêm bao, thấy tâm cảnh trùng trùng vạn pháp đều như như bất động ra vào :
Vô thường gió thoảng chao cánh bướm
Động cả chân thường cõi tịnh không
Người ơi ! Cảnh động hay tâm động
Mà cả trời thơ chợt vỡ tung ?
Cảnh động hay tâm động, làm gợi nhớ lúc Lục tổ Huệ Năng tình cờ nghe hai vị sư tranh cãi nhau về lá phướn trước sân chùa. Người này thì cho là lá phướn lay động, người kia thì nói là do gió thổi làm cho phướn đông. Lục tổ bước tới bảo : “Không phải gió động hay phướn động mà chính do tâm các ông động đó thôi.” Hai vị sư liền ồ lên một tiếng, giật mình hiểu ra. Nhà thơ cũng bùng vỡ cả trời thơ đất mộng giữa thực tại trinh tuyền, hiển lộ cái đang là tịch nhiên rỗng lặng, ngắm nhìn bất cứ sự đời hay cảnh vật gì gì cũng thấy mới mẻ ngạc nhiên. Ngạc nhiên sững sờ trước vẻ đẹp huy hoàng tráng lệ, rực ngời tinh khôi mới lạ của từng ngọn cỏ lá cây, từng giọt mưa vệt nắng bên hè. Nghe nhẹ nhàng thanh thản an nhiên, chẳng bận tâm chi khi nhận biết toàn diện ngay trong mỗi sát na rào rạt chan hòa :
Đếm từng phút qua từng giây mới lạ
Ngạc nhiên đầu cũng là ngạc nhiên sau
Vì biến dịch nên vô thường sắc lá
Cho tim ta luôn mới nhận hương màu
Phần đông người đời thế gian, hạng phàm phu tục tử như chúng ta, khi nói đến chuyện vô thường, biến dịch đều sợ hãi, kinh hoàng nhưng đối với các thiền sư thi sĩ thì chính nhờ sự biến dịch, vô thường kia mà cuộc sống mới sinh động rạt rào, mới cao hứng bừng reo cung cầm hấp dẫn, cây lá mới trổ lộc đơm chồi và cuộc đời mới rạo rực máu tim trong niềm hân hoan nghe và thấy :
Niềm vui còn một chút này
Dâng người ở lại từ rày về sau
Đó là niềm vui óng ánh thanh thoát, nhập cảnh giới hoan hỷ địa, thưởng thức được hương vị cô liêu phiêu dật, rất đỗi bồng tênh trên cách điệu phong quang phóng khoáng. Thi nhân lang thang giữa phù trần mà chưa từng vướng nhiễm, không hề dính mắc, chẳng dừng trú, nương tựa vào bất cứ đâu, vẫn thung dung từng giây khắc lặng im xuất cốt nhập thần :
Thong dong rất mực vô ngần
Hố sâu không đáy lại gần đỉnh xưa
Suối nguồn sự thể đong đưa
Lòng như gái đá tắm mưa giữa trời
Mốt mai lòng chảy qua đời
Nước xuôi mặc nước mưa trời dính ai ?
Bình sinh lịch kiếp nào phai
Sắc không hóa hiện Như Lai hiện tiền
Như Lai là tự tánh tự tâm, thường xuyên hiện hữu ở ngay thực tại hiện tiền, ngay trong sâu thẳm tâm linh mình đây thôi. Hãy nhận lấy cái mặt mũi xưa nay vốn sẵn có tự bao giờ, từ muôn thuở muôn nơi và thường xuyên hiện hữu ngay trong từng hơi thở nhẹ nhõm vào ra hài hòa :
Ta hít thở cõi thiên thu phía trước
Và phía sau nhịp đập tới hồng hoang
Con bướm nhỏ quạt cánh mềm từng bước
Dội hư vô nghe sóng dậy trong lòng
Ngày mới mở đang từng giây phút sáng
Tháng năm rồi thôi có nghĩa gì đâu
Người huyễn tưởng đôi mép bờ xa cuối
Nào ngờ đâu chỉ chớp nhoáng ban đầu
Từ buổi hồng hoang sơ thủy tới vĩnh hằng miên viễn muôn sau vẫn nhịp thở trung dung cùng thực tại hiện tiền, một cách toàn vẹn như nhiên. Trở về nhập cuộc với muôn loài vạn vật, với nguồn sống vô cùng vô tận ở trong ta và ở ngoài ta. Trở về để hòa cùng ánh sáng, trộn lẫn cùng cát bụi như một con người hết sức bình thường mà rộng lượng yêu thương dạt dào vô điều kiện. Dẫu đời có hư huyễn phù du thì vẫn thương yêu trìu mến. Xem mọi sự ở đời như một trò hý lộng, một cuộc rỡn đùa tiêu sái đại hòa điệu chơi :
Phù du thương một cõi đời
Gió lay ngọn sóng vàng soi bọt tàn
Nguồn xuôi cuối bãi điêu tàn
Biển dâu hiu hắt vọng vang bóng chiều
Dù cho hiu hắt biển dâu, dù cho bọt bèo tan vỡ, dù cho phù du mộng tàn thì thi nhân vẫn yêu bóng chiều tà vạn niên thiên cổ tàn xiêu, vẫn tấu khúc nghêu ngao hát giữa long lanh sương khói lấp lánh thanh tân, vì đã thấu thị lẽ bất sinh bất diệt, đã nhận biết tận tường chuyện phiền não tức bồ đề, phù du tức vĩnh cửu rồi, nên mở rộng lòng chấp nhận tất cả mọi sự được mất, sinh diệt, đến đi... với một nụ cười như thị, tự tại tự do giữa đời sống thường nhật :
Sống hay chết không có gì phải bận
Khổ hay vui một thoáng hiện qua thôi
Vì duyên sống không gì không chấp nhận
Nên rốt cùng tự tại hiện trong ta
Tự tại hỡi ! Hãy chờ ta một chút
Vội vàng chi ta dọn dẹp tự do
Đã đến lúc chuyện đời rơi hun hút
Nắng vàng hong sương nặng hạt nào ngờ
Ta hít thở với hương ngàn gió mới
Chạm từng giây như chợt sống bây giờ
Bây giờ và ở đây thôi mới thực sự tự do tự tại, vì thi nhân biết chấp nhận tất cả mâu thuẫn, thuận nghịch của toàn thể cuộc đời, bởi đã thấy muôn pháp đều vô vi mà bình đẳng nhau trong pháp giới vô ngại, nhất như. Sự sự viên dung trong tự tánh thanh tịnh của chính mình. Một lần nhận diện là nghìn năm thấu suốt ruột rà giữa mặt đất mở phơi :
Tử sinh bước một hai đời
Đầu truông cuối nẻo gọi mời lãng du
Thì thôi cũng mặc phù hư
Nhìn mây lãng đãng sa mù vây quanh
Hồi đầu bóng hiện tinh anh
Một lần nhận diện để thành thiên thu
Hồi đầu thị ngạn, quay đầu là đến bến bờ. Bến mê hay bờ giác đều huyền đồng nơi nội tâm trầm hậu, ngay trong lòng Phật tánh xanh biếc nguyên trinh của chính mình:
Vô thấy Phật ra thấy mình
Theo nhau triền kiếp mà thành xa nhau
Bây giờ đã tỏ mặt nhau
Chén trà sen ướp mời nhau một lần
Một lần kỳ ngộ là thiên thu vĩnh cửu. Mời Phật chính là mời mình một chén trà như thị như nhiên. Từ chiêm nghiệm Bụi hồng của tự thân mà thi sĩ chợt bừng ngộ ra tự tánh vô tiền khoáng hậu, nên cúi hồn trân trọng kính chào vô hạn, tri ân vô vàn vạn đại thiết tha:
Ta xin chào tất cả
Hạt bụi của ta ơi !
Nghìn năm bay lãng đãng
Trăm năm hết một đời
Vô thường lay bóng xế
Cô đơn lay phận buồn
Nay ta lay giấc mộng
Mộng thật trả về không
Lần đầu như lần cuối
Bước lãng du không cùng
Thiên thu mơ còn đọng
Bên thềm hạt bụi rơi
Thế là cuộc phiêu bồng ngoạn mục của hạt Bụi hồng từ giấc mộng đến thực tại tự tri, thi nhân đã thông suốt một đời người, một kiếp nhân sinh trong một hơi thở. Một hơi thở chứa đựng cả vô lượng vô biên. Đó là điệu thở thiêng liêng, huyền hòa với trời đất, nhật nguyệt uyên thâm. Nhập vào cái trật tự tự nhiên, không thủy không chung của pháp giới diễm tuyệt nguyên xuân rực rỡ muôn đời :
Hỏi trời đất trả rằng ơi !
Tận nguồn vô thủy cuối trời vô chung
Quê nhà chỉ một bước chung
Đến đi mất dấu nghìn trùng nguyên xuân
Bừng hiện lên, hiển lộ ra giữa con đường sương khói, một phương trời cao rộng liễu tri, thi sĩ Phổ Đồng đã bồng tênh trên những lượn sóng ba đào ảo dị chiêm bao mộng huyễn, nhập diệu tâm chứng vào thực tại đang là và khai mở một lối đi riêng biệt tuyệt mỹ dị thường. Thi nhân đã thấy nguyên xuân bừng sáng ngời ngời, nên thong dong Thõng tay vào chợ** rong chơi suốt bốn mùa mưa nắng, trộn lẫn cùng gió trăng phiêu phưỡng sương khói tuyệt trần :
Bao nhiêu năm cõng Phật
Tử sinh đường tìm dài
Hôm nay ta quẵn Phật
Lưng không thõng tay về
Cõng Phật rồi quẵn Phật là một quá trình gần 70 năm trời đằng đẵng, trải qua quá nhiều khúc khuỷu nhiêu khê, để về lại với chính mình. Trở về với tự tánh thanh tịnh, khi nghe thiền sư Lâm Tế khai thị : “Chân Phật là gì ? Chân Pháp là gì ? Chân Đạo là gì ? Phật thật là sự thanh tịnh của tâm mình, Pháp thật là ánh sáng của thân mình, Đạo thật là ánh sáng thanh tịnh chiếu soi khắp chốn. Ba cái vốn là một, đều là giả danh, không thật có. Người học đạo chân chính thì phải duy trì chánh niệm về ba đối tượng ấy một cách miên mật… Nếu quý vị đạt tới tính vô sinh của vạn pháp, biết rằng tâm là huyễn hóa, thật ra không có một đối tượng nào, một hiện tượng nào có thật. Bất cứ đâu cũng là thanh tịnh thì đó là Phật rồi.
Này chư vị ! Người hành giả chân chính thì không nắm bắt Phật, nắm bắt Bồ tát, tuyệt nhiên không nắm bắt những cái gì gọi là tốt đẹp nhất trong ba cõi. Người ấy một mình thong dong, không bị sự vật nào câu thúc. Dù trời đất có đảo ngược, tôi cũng không bị một chút nghi hoặc nào làm cho ngăn ngại. Dù cho chư Phật mười phương có xuất hiện trước mắt thì tôi cũng không khởi một niệm vui mừng. Dù cho địa ngục và ba đường dữ xuất hiện trước mặt thì tôi cũng không khởi một niệm sợ hãi. Bởi tôi đã thấy được tướng không của các pháp. Khi biểu hiện gọi là có, lúc chưa biểu hiện gọi là không, ba cõi đều do tâm, vạn pháp đều do thức. Cũng vì vậy cho nên tất cả đều là mộng huyễn, đều là hoa đốm giữa hư không. Tại sao ta phải chạy tìm kiếm, nắm bắt chi cho thêm mệt nhọc ?”*
Khi thấy rõ tận tường tất cả vạn pháp đều là hoa đốm giữa hư không thì thong dong, rỗng rang vô ngại, nhẹ nhàng niêm hoa vi tiếu về lại với thực chất nguyên sơ của chính mình, tùy thuận chúng sinh giữa mưa chiều nắng sớm, thấy trời xanh mây trắng trăng sao đẹp diễm tuyệt huyền hòa:
Như hoa đốm hạt nắng vàng ảo hóa
Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần
Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận
Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung
Vô thủy vô chung là “vô sở tòng lai diệt vô sở khứ” là không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Có về chăng là về ngay “đương xứ tức chân” ngay ở đây bây giờ, trên cách điệu phiêu nhiên nhẹ vờn đơn sơ giản dị, vì ở đâu cũng là diệu dụng, cũng là cõi miền cố quận chốn quê :
Rỗng rang một cõi đi về
Đến đi mất lối đường về Chân không
Ngược dòng sóng vỗ đầu non
Chim non bỏ tổ ngọn nguồn bay xa
Đường về nào biết gần xa
Hiện thân một cõi quê nhà mây bay
Hòa cùng mây bay nước chảy sương trôi, người thi sĩ thượng thừa bồng tênh nhẹ mỉm cười Buông yay hố thẳm*** nhảy tung xuống vực sâu không đáy :
Hãy sống tận lòng cõi chết
Buông tay ! Buông tay !
Như đóa hoa dại
Đang nở ra giữa hố thẳm
Tận cùng của tự do là giải thoát
Tận cùng của giải thoát là buông tay
Và ngược lại
Mọi việc đều an bình trong hơi thở 
Trên con đường mây trắng thênh thang đó, qua từng nhịp thở bình yên đây, tôi đã gặp thi nhân nhiều lần giữa phong trần cuộc lữ, nơi các chùa An Linh và Già Lam ở Sài Gòn. Chùa An Linh ở quận 12 nằm yên tĩnh tịch mịch gần nhánh sông Vàm Thuật, do thầy Huệ Thành là em ruột nhà thơ làm trụ trì. Đó là nơi chốn còn sót lại chút màu xanh thơ mộng giữa đời sống đông đúc ồn ào, náo nhiệt thành đô, phố thị và cũng là nơi tôi hay quay về lưu trú sau những tháng ngày du mục, rong ruổi bụi đường xa. Rót chén trà thi ca mà cảm nhận biết bao niềm hân hoan an lạc, khi được đối ẩm cùng thi sĩ. Chẳng biết nhà thơ Phổ Đồng có còn nhớ bài thơ mà lang thang sĩ này đã đọc tặng bên góc hiên chùa Già Lam thuở nọ, vào một buổi chiều phiêu lãng cuối năm nào đó xa lắc hay không ? Thôi bây chừ cũng gần cuối năm nữa rồi, xin đọc lại cho vui nghe thiền sư thi sĩ :
Sớm chiều qua phố bụi hồng
Vàng xanh đủ thứ vốn không có gì
Vì đi chỉ để mà đi
Đến đâu cũng thế thuận tùy hỷ thôi
Ngay trong đi đứng nằm ngồi
Bình thường nước chảy mây trôi gió lùa
Chuyện đời hết nắng thì mưa
Chưa hề bận rộn bốn mùa thanh lương
Như đường bay mây vô thường
Chẳng nơi chốn đến nên tương ứng cùng
Thõng tay vào chợ hòa chung
Thánh phàm mê ngộ đều trùng phùng nhau
Tâm Nhiên
* Lâm Tế ngữ lục, Người vô sự. Nhất Hạnh bình giảng. Lá Bối xuất bản 2000
** Đại Lãn. Thõng tay vào chợ. Phương Đông xuất bản 2009
*** Đại Lãn. Buông tay hố thẳm ( Bản thảo )

Thơ Phổ Đồng ( chữ nghiêng ) trích trong thi phẩm :
Bụi hồng. Phương Đông xuất bản 2009



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...