Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Những người phụ nữ thoáng qua trong đời Hàn Mặc Tử

Những người phụ nữ thoáng qua trong đời Hàn Mặc Tử
1. Thi sĩ Chế Lan Viên đã từng quả quyết ngay sau khi Tử lên Thiên đàng được mấy mùa trăng: “Tôi hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kì này, chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.
Một người bị xã hội ghê tởm, xa lánh và cuối cùng bị vứt hẳn ra ngoài cuộc sống của loài người chỉ vì một căn bệnh bên ngoài cơ thể. Căn bệnh quái ác ấy đã từng giờ, từng ngày làm cho thể phách Tử tan rã mà thôi. Sự xa lánh ghê gớm của loài người mới chính là tác nhân gây nên sự tan rã trong tâm hồn Tử. Cũng may Tử còn có mẹ có chị Lễ - những người mà Tử đã từng so sánh họ với Đức mẹ Maria đồng trinh. Rồi những người bạn như Bích Khê, Quách Tấn, Trần Thanh Mại... và đặc biệt hơn là những người vì trọng tấm chân tình của Tử mà “Xui lòng tơ tưởng lúc đêm thâu” như Mai Đình. Ngoài ra, nếu ai đó đã từng nghiên cứu hoặc có ý định tìm hiểu về cuộc đời của Hàn, xin hãy đừng bỏ qua hình ảnh của chú tiểu đồng ngày ngày đưa cơm cho Tử khi Tử phải ra ngoài gò Đồng, cách thành phố Quy Nhơn chừng vài km. Một người cũng không thể quên được là anh Nguyễn Văn Xê - người “đồng hương” đã là người bạn tâm tình và cũng là người gần gũi Tử nhất trong những ngày tháng cuối đời của Tử ở trại phong Quy Hòa.
2. Tình cờ hôm nay đọc ở tờ tạp chí cũ, bắt gặp bài viết về bà Ngọc Sương - Chị ruột Bích Khê - “Thi sĩ thần linh”. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử:
“Ta đề chữ Ngọc trên tàu lá
Sương ở cung thiềm gió chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối
Nư giận đòi phen cắn phải môi”
                               (Người Ngọc)
Chúng ta đều biết, tình bạn giữa Bích Khê với Hàn Mặc Tử. Sau khi Mộng Cầm (Cháu gọi Bích Khê bằng cậu ruột) phụ tình Tử, để an ủi một thiên tài thơ, Bích Khê nghĩ ra một kế. Năm 1938, Bích Khê từ Phan Thiết ra Quy Nhơn thăm, tặng Tử một phiến ảnh bản thân chụp chung cùng chị và giới thiệu Ngọc Sương với Hàn Mặc Tử.
Một hôm ngồi ngắm phiến ảnh, Tử không cầm lòng bèn thốt ra bốn câu thơ nói trên.
Ngọc Sương là người có học thức, có văn phong, và nói như tác giả Thanh Thảo trong bài viết về bà Ngọc Sương thì: “Ở tuổi 82, bà cụ đẹp lão này vẫn còn mẫn tiệp”.
Sau khi nghe bài thơ, Bích Khê giả lờ không hay biết, cũng chẳng cho chị hay. Câu chuyện không lọt ra ngoài vòng chí thân. Mãi đến một năm sau Ngọc Sương mới biết là do Mai Đình đọc cho chị nghe. Tình của Ngọc Sương chỉ như một luồng gió mát thoảng qua hồn Tử.
Nhân nói về Ngọc Sương và Mai Đình, xin mạn phép linh hồn Phêrô Phanxicô (tên Thánh của Hàn Mặc Tử) trên Thiên đàng được điểm lại những mối tình đi qua đời Tử:
* Hoàng Cúc
Khi đang làm việc ở Sở Đạc điền Quy Nhơn, Tử yêu một thiếu nữ, con của viên chức cao cấp, nhà ở cùng một con đường với Tử. Nàng tên là Hoàng Cúc (tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc), không đẹp nhưng thùy mỵ, có duyên, giữ cốt cách và phong độ một cô gái quê. Tử yêu nàng tha thiết, nhưng tính vốn rụt rè bẽn lẽn, nên chỉ đứng xa mà chiêm ngưỡng theo kiểu “Kính nhi viễn chi” và bộc bạch nỗi lòng cùng thơ. Tất cả đều gửi gắm trong tập “Gái quê”.
Khi Tử trở về Quy Nhơn để lo việc xuất bản tập “Gái quê” thì cụ thân sinh của Hoàng Cúc hưu trí, nàng theo gia đình về quê hương cựu thần kinh. Tử coi việc Hoàng Cúc rời Quy Nhơn chẳng khác nào nàng đi lấy chồng:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ
                (Em lấy chồng)
Năm 1939, Hàn Mặc Tử có nhận được một bức ảnh phong cảnh do Hoàng Cúc gửi tặng, và đây là lời của Hoàng Cúc trong bức thư trả lời với nhà thơ Quách Tấn. Thư đề ngày 15 - 10 - 1971:  “Vào khoảng hè năm 1939, Ngâm (nhà thơ Hoàng Tùng Ngâm) viết thư về Huế cho biết Tử mắc bệnh nan y, và khuyên tôi nên viết thư thăm Tử, để an ủi một tâm hồn thơ đã vô cùng đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte - visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước...”. Để tạ lòng cố nhân, Tử soạn bài “Đây thôn Vỹ Dạ”  nhờ Hoàng Tùng Ngâm gửi ra tặng lại Hoàng Cúc với mấy lời thăm hỏi:
“Túc hạ,
Có nhận được bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?) với mấy hàng chữ túc hạ gửi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người năm nao, thế là phúc hậu lắm rồi, và mong rằng một mùa xuân nào đấy được gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho.
Thăm túc hạ bình an và vui vẻ”.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Bài thơ gửi đi rồi, nhà thơ thấy không đành lòng với người xưa, , ít lâu sau, Hàn Mặc Tử lại gửi tặng Hoàng Cúc bài thơ “Sao, Vàng sao...”. Nhà thơ gọi cố nhân bằng hai chữ Hoàng Hoa vô cùng trang trọng:
“Trời nhật nguyệt cầu vồng bắc tứ phía
Ôi Hoàng Hoa! Hồn phách đến nơi đây
Hương ân tình cho kết lại thành dây
Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu...”
Bài thơ khép lại một thiên tình ái. Đó là một thứ tình trong sáng, ủ mãi thành một chất men nồng say muốn tràn ra khỏi lòng người, mãnh liệt mà không đường đột,  thanh khiết và thơm tho đến vô ngần...
* Mộng Cầm
Mộng Cầm là bí danh của người yêu Tử ở Phan Thiết. Hai bên đã nặng lời thề thốt. Cuộc tình duyên này rất thơ mộng, rất đậm đà thắm thiết, ít ra thì cũng đậm đà thắm thiết về phần Tử. Sau khi biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong, Mộng Cầm đi lấy chồng. Nỗi đau đớn bất tuyệt và niềm nhớ nhung đầy ảm ảnh của đời Hàn. Cùng căn bệnh nan y và mối tình dang dở này là nhân tố vô cùng quan trọng khiến Hàn viết nên những vần thơ máu lệ tuyệt bút in dấu trong hai tập “Thơ điên” và “Xuân như ý”.
Trong tạp chí Văn (Sài Gòn) số 179, về Hàn Mặc Tử, ra ngày 1- 6 - 1971 đăng bài của ông Châu Hải Kỳ phỏng vấn Mộng Cầm về quan hệ giữa bà với Hàn Mặc Tử. Hình ảnh Mộng Cầm ở tuổi xế chiều được ghi lại:
“Bà khuôn mặt đầy đặn, nước da dù đã trắng trẻo, mịn màng cũng được trang điểm qua một làn phấn lợt thêm hồng đôi má bên cặp môi cũng một màu hồng. Nếu không để ý đến cái thân thể cũng như cử chỉ, mà chỉ nhận diện bằng “khuôn mặt nép bên hoa” thôi, thì mặc dù bà đã bốn mươi có lẻ, trông bà hãy còn đẹp đẽ, duyên dáng như một cô gái vừa qua tuổi trăng tròn”.
Những tháng ngày cùng trao đổi thư từ, chuyện trò, đi lại với Mộng Cầm có lẽ là những thâng ngày hạnh phúc, vui vẻ nhất của đời Tử, và cũng chính vì thế, khi hay tin người yêu sang ngang, Hàn chết lịm đi trong cảm giác mất mát đến sững sờ:
“Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”
                    (Những giọt lệ)
    Ngày nay nhìn lại thơ văn Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể khẳng định: Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiên phong đã đổi mới tư tưởng, đặt nền móng tưởng tượng trong thơ Việt Nam, với một quan niệm rõ ràng về thi ca, ngay từ thập niên ba mươi của thế kỷ trước.         
    Những người phụ nữ dù thoáng qua hay ở lại trong cuộc đời đau thương của Hàn đều có một vị trí hết sức quan trọng trong thơ người. Và cũng nhờ thế, chúng ta hôm nay mới có được những vần thơ hay, mới cảm nhận được hết những cung bậc vui buồn, khổ đau mà thi sĩ Hàn Mặc Tử đã  trải qua. Và với Tử, giờ thì tất cả đã thành: “Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế”.
Đỗ Đức Thuần


1 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay và ấn tượng.
    Cảm ơn bạn Phan Chau Truong đã chia sẻ.
    ------------------------------------
    Ms Nga - Kinh Doanh - SacoJet.vn

    Tel: 0938 172 672 - 090 262 1479 – 1900 63 6479
    Thông Tin:Lịch bay Vietjet Air đường bay Sài Gòn đi Vinh
    Website đặt vé trực tuyến: www.SacoJet.vn

    Trả lờiXóa

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...