Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Tách cà phê buổi sáng

Tách cà phê buổi sáng
Ít khi tôi uống cà phê, nên những tách cà phê thỉnh thoảng uống vào đầu một ngày rảnh rỗi thường vẫn làm cho tôi được hưởng trọn vẹn cái... ngất ngây của nó.
Sáng sớm, trời hơi lạnh, tự tay đun một ấm nước nóng, mở nắp lọ cà phê, lấy muỗng xúc một ít chất bột đen nhánh cho vào trong cái tách sứ, rót nước sôi vào, thế rồi pha thêm đường, thêm sữa, thêm cream tùy theo ý thích. Ngần ấy động tác làm một cách tuần tự, chậm rãi, ta sẽ có được một tách cà phê thơm ngát, và rồi ta thường thức cái hương vị quyến rũ ấy, vừa bằng khứu giác vừa bằng vị giác, tưởng đó cũng là một niềm hạnh phúc, tuy nhỏ nhoi nhưng cũng rất đậm đà.
Cà phê, tác dụng trước nhất của nó là làm cho người ta tỉnh táo. Đang cơn buồn ngủ, hoặc là để đề phòng cơn buồn ngủ kéo đến, người ta uống cà phê. Nhờ tác dụng của nó, người uống sẽ không còn buồn ngủ để rồi có thể làm những công việc cần thiết trong ngày
Thế nhưng, thật sự nếu cà phê chỉ có tác dụng giúp người ta tỉnh táo, mà nó không có mùi vị và hương thơm quyến rũ, chắc hẳn cũng chẳng mấy ai thích uống cà phê. Người ta sẽ tìm một phương thức khác để tìm sự tỉnh táo, tránh cơn buồn ngủ. Sở dĩ người ta thích uống cà phê, bởi vì ngoài tác dụng giúp tỉnh táo, cà phê còn có một hương vị thơm ngon, quyến rũ đặc biệt.
Điều này khiến cho tôi nhận ra rằng: nếu lòng ta là lòng thiện, nhưng bên ngoài ta khó ưa - do diện mạo hay do cử chỉ, lời nói - chưa chắc lòng thiện của ta đã được người khác chấp nhận. Muốn lấy cái đẹp cái tốt trong lòng ta ra phục vụ mọi người, ta cũng cần có hành vi, cử chỉ, lời nói bên ngoài gây được thiện cảm, để người khác chấp nhận ta trước đã. Chính vì thế, tôi thấy thật chí lí, khi trong phần "xướng kinh" của những ván kinh người Công giáo thường đọc, có lời cầu xin Chúa Thánh Thần"sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con." Không những chúng ta xin Chúa sửa tâm tính bên trong của mình cho tốt đẹp mà còn xin Ngài sửa đổi cả hành vi, cử chỉ, lời nói bên ngoài của mình nữa, để mình trở nên một người dễ ưa, và nếu dễ thương thì càng tốt.
Ngày xưa, tính tôi bướng bỉnh. Khi tôi đã có ý hướng tốt, tôi cứ thế mà thực hiện cái ý hướng tốt ấy, chẳng cần cái cung cách, dáng vẻ bên ngoài của tôi có được chấp nhận hay không. Tôi sống theo chủ trương "tôi vậy đó, chịu thì chịu, không chịu thì thôi". Nhưng bây giờ, tôi cố gắng thay đổi cả con người bên ngoài của tôi, để người khác ''chịu'' tôi. Người khác có "chịu'' tôi, tôi mới có cơ hội đem cái ý hướng tốt của mình ra để phục vụ .
Hồi trước ở Việt Nam, nhà tôi nằm trong một khu chợ. Các bà các cô bán quán trong chợ cũng thích uống cà phê lắm. Trong chợ có một chú bé bán cà phê dạo. Khi có một bà hay một cô nào gọi, chú rót cà phê ra li, để li trên một cái đĩa rồi bưng lại cho khách. Các bà các cô này có một cách uống cà phê rất lạ lùng: thay vì uống cà phê trong li, các bà các cô đổ cà phê từ li ra đĩa, rồi húp cà phê trong cái đĩa ấy. Sở dĩ các bà các cô uống cà phê kiểu đó, vì các bà các cô rất vội, phải uống cho lẹ để còn bán hàng, tiếp khách. Cà phê đổ ra đĩa, vì có một diện tích bốc hơi rộng nên mau nguội, dễ uống nhanh.
Trước đây tôi cứ lấy làm buồn cười cho cái cách uống cà phê lạ lùng đó, nhưng sau này tôi tìm trong đó một bài học lất hay về cách xử thế: muốn được người khác chấp nhận mau chóng, mình cần mở lòng, trải lòng mình ra một cách đơn sơ và chân thực. Y như người ta có thể uống thật nhanh cà phê nóng, bởi vì cà phê nóng ấy đã được đổ ra cái đĩa cho mau nguội. Ngược lại, chất nước cà phê nóng, đựng trong một cái li sâu, độ nóng được giữ thật lâu, người ta không uống vội được. Mà giả như vì lí do nào đó cần uống vội, người ta sẽ phỏng môi, phỏng lưỡi. Nếu tôi cất giấu mọi cái thật sâu kín trong lòng tôi, người khác khó chấp nhận tôi. Nếu tôi khăng khăng giữ lấy cái gì của riêng tôi, mà không chịu mở lòng, trải lòng ra, tôi sẽ gây đau khổ cho người khác.
Kĩ nghệ sản xuất cà phê bây giờ rất tân tiến. Có những loại cà phê phải pha chế thật cầu kì, nhưng cũng có những loại cà phê ''instant'', cà phê pha chế sẵn. Tùy theo nhu cầu và sở thích, có người chỉ chấp nhận một thứ cà phê nào đó và chê các thứ khác. Có người chỉ chịu uống cà phê phin, chờ từng giọt cà phê đen nhánh nhỏ xuống li cho đến khi có một tách cà phê đủ lượng, Những người này chê cà phê ''instant'', cho đó là thứ cà phê uống ''cho có uống'', cứ chẳng ngon lành gì. Nhất là uống cà phê ''instant'' thì chẳng có chút thi vị, chút nghệ thuật nào.
Ngược lại, có những người chỉ uống cà phê ''instant''. Họ chủ trương rằng uống cho nó nhanh rồi còn làm việc. Cà phê phin pha chế cầu kì, tốn thì giờ vô ích.
Ở một phương diện khác, có người chọn lấy một cách, một khung cảnh uống cà phê. Có người chỉ uống cà phê ngoài quán. Ngồi với vài người bạn, ngắm cô tiếp viên xinh xắn, nghe tiếng nhạc dập dìu, lâu lâu nhấp một chút cà phê, thấy thật là thi vị. Có người khác chỉ thích uống cà phê trong phòng khách sau bữa cơm; nếu trời lạnh, đốt lò sưởi lên, ngồi bên lò sưởi với tách cà phê trên tay mà trầm ngâm mộng tưởng, thật không còn gì thú hơn.
Tôi được cái rất dễ tính trong việc uống cà phê. Cà phê phin ngon, mà cà phê ''instant'' cũng vẫn ngon. Uống cà phê ngoài quán cũng thú mà uống cà phê trong phòng khách cũng thú không kém. Cà phê uống buổi sáng cũng hay mà cà phê uống sau bữa cơm chiều cũng chẳng dở. Có người cho cách uống cà phê như vậy là quá xuề xòa bình dân, và như thế là chưa hưởng được trọn vẹn cái hương vị tuyệt vời của cà phê. Tôi nghĩ khác, chính vì cách uống xuề xòa như thế, tôi dễ dàng được hưởng cái thú vị do li cà phê đem lại, dù li cà phê ấy là loại gì, được uống trong thời điểm và khung cảnh nào.
Tôi lại nghĩ, giá mà trong cách cư xử với tha nhân, tôi cũng dễ dãi như vậy, dễ dàng chấp nhận mọi người, mọi cảnh như vậy thì hay biết bao nhiêu. Người nhạy cảm, bộc trực là người thuộc loại ''instant'', họ phản ứng ngay trước mọi hoàn cảnh, hoặc xúc động ngay trước một biến cố. Người thâm trầm, kín đáo giống như cà phê phin, họ chậm rãi, đôi khi tính toán, phản ứng chừng mực nhưng kiên trì. Do bản tính hoặc do cảm tình cá nhân, tôi thường chấp nhận người này mà không chấp nhận người khác, chỉ muốn giao thiệp với loại người này mà không thích giao thiệp với loại người kia, chỉ chấp nhận hoàn cảnh này mà không chấp nhận hoàn cảnh khác. Những thành kiến ấy chính là những hàng rào cản do tôi tự dựng lên, khiến tôi trở nên xa cách với người đồng loại.
Tách cà phê là một hợp chất với nhiều thành phần. Trong đó có chất lỏng và đắng của cà phê, có chất ngọt của đường hay sữa, có chất béo của cream. Tách cà phê, phải chăng là biểu tượng cho cuộc đời một người? Trong cuộc đời ấy có những đắng cay đau khổ, có hương vị ngọt ngào hạnh phúc, có những biến cố xảy ra làm cho cuộc đời thêm phong phú. Giống như tách cà phê, mà trong đó chất đắng, chất ngọt, chất béo hòa quyện với nhau; cuộc đời người ta cũng thế, cay đắng thương đau hòa hợp với niềm vui và hạnh phúc. Nếu người ta không uống xong một ngụm cà phê rồi cầm cục đường mà gặm, sau đó nuốt thêm một muỗng cream, thì người ta cũng không thể đòi hỏi mọi sự kiện, mọi hương vị cuộc đời phải tách biệt ra rành mạch. Trong hạnh phúc có khổ đau, trong đắng cay có ngọt ngào, trong đau đớn có ủi an. Khổ đau và hạnh phúc hòa hợp với nhau mới tạo thành cuộc đời thực. Ân cần và phũ phàng là hai mặt phải trái không thể tách rời của thái độ cuộc đời đối với tôi. Chấp nhận cuộc đời là tôi chấp nhận mọi khía cạnh, mọi trạng huống, mọi mùi vị của cuộc đời cùng một lúc.
Có những hôm ngồi thưởng thức tách cà phê mà tôi mường tượng như được nhìn thấy lại cái đồn điền cà phê của người bạn ở Ban Mê Thuật dạo nào. Vào mùa hoa nở, hương hoa cà phê thơm ngát tỏa ra từ nhụy và những cánh hoa cà phê trắng muốt, làm cho hành khách ngồi trên những chuyến xe đò chạy ngang đồn điền ngây ngất. Ít lâu sau, hoa cà phê kết quả, thành những trái cà phê chín đỏ. Rồi đến một ngày nào đó, hạt cà phê được lấy về. Người ta rang cà phê trong chảo nóng. Thế rồi cà phê còn phải được tán nhuyễn, mới có thể trở thành một chất bột kì diệu đem ra pha thành cà phê thơm ngon.
Tôi trộm nghĩ: để có thể trở thành một con người phục vụ tha nhân, tôi cũng phải chịu trải qua một tiến trình như thế. Tôi phải kiên nhẫn để được cải biến từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Phải dám can đảm, dám hi sinh để chấp nhận thảy lên lò lửa nóng, bị tán ra thành bột, phải đánh mất chính hình thể nguyên thủy của mình; y như hoa cà phê phát triển thành quả, hạt của quả được hái về, được rang trong chảo nóng rồi được tán ra thành bột vậy.
Hôm qua bạn tôi lại chơi, tặng tôi một gói cà phê, ân cần trao tận tay tôi và nói rằng: ''Cà phê chính gốc Ban Mê Thuật đấy! Uống vào, bạn sẽ thấy như được trở về với khung cảnh đồi núi cao nguyên của đất nước Việt Nam ngày trước. ''
Tôi cảm động về mối chân tình của bạn. Tuy nhiên trong thâm tâm, tôi muốn nói với bạn rằng: ''Chẳng cần uống tách cà phê chính gốc Ban Mê Thuật, tôi mới thấy như được trở về với vùng đồi cao nguyên Việt Nam. Tôi ở xứ người đã ngót hai mươi năm, vậy mà lúc nào hình ảnh quê hương cũng vẫn đậm nét trong trí và trong tim tôi. Bởi vì bạn ạ, tôi yêu quê hương của tôi lắm.''
Bạn về , tôi vẫn còn trầm ngâm suy nghĩ về câu nói âm thầm không thốt ra khỏi miệng ấy. Tôi trầm ngâm suy nghĩ, bởi vì tôi liên tưởng đến một khía cạnh khác của đời sống tôi: khía cạnh tâm linh. Tại sao trong tôi hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn mờ nhạt? Chung qui chẳng qua cũng chỉ vì tôi yêu Ngài chưa đủ . Nếu tôi yêu Ngài, ít nhất cũng chỉ bằng tôi yêu đất nước quê hương tôi, thì hình ảnh Ngài đã đậm nét trong tôi lắm. Tôi thở dài nhè nhẹ . Hình như có một nỗi buồn, mỏng manh nhưng kín và sâu
Tách cà phê chính gốc Ban Mê Thuột! Giá mà mỗi khi uống một tách cà phê này, tôi lại tự nhắc tôi làm đậm đà thêm mối tình giữa tôi và Thiên Chúa! Nếu được như thế, tách cà phê ấy trở nên ích lợi và ý nghĩa cho tôi biết bao!
Quyên Di


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...