Trường từ vựng cỏ cây và các tín hiệu thẩm mỹ được tạo nên trong
Truyện Kiều
GS TS BÙI MINH TOÁN
58 từ thuộc ba tiểu trường cỏ cây trong
Truyện Kiều đã tạo nên các THTM với nhiều ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc,trong đó nổi
bật là thể hiện những phương diện khác nhau của con người,từ dáng vẻ,cử chỉ bên
ngoài,đến tuổi tác, vị thế và tâm lí tình cảm bên trong. Qua đó có thể nhận
thấy một đặc điểm trong cách tri nhận và cảm thụ của người Việt Nam: thông qua
cỏ cây để thể hiện con người,hay nhìn nhận con người như cỏ cây, là cỏ cây.
Trường từ vựng cỏ cây và các tín hiệu thẩm mỹ được tạo nên
trong Truyện Kiều. 1.Có thể nói, trên trái đất không nơi nào
lại vắng bóng cỏ cây .Và theo quan niệm triết học
phương Đông, mộc ( gỗ, cây có gỗ ) là một trong năm tố chất
cấu thành vũ trụ (ngũ hành : kim, mộc, thủy, hỏa, thổ ). Vì
thế mà, trong hệ thống từ vựng của các ngôn ngữ chắc chắn đều có
một trường từ vựng cỏ cây .
Đối với tiếng Việt,
trường từ vựng này bao gồm một số lượng lớn các đơn vị từ vựng. Có
thể phân xuất trường từ vựng cỏ câytrong tiếng Việt thành một số
tiểu trường như : tên gọi khái quát (cỏ, cây, cỏ cây,
thảo thụ, cây cối …), tên gọi cụ thể về các loài cỏ cây (
tre, mít, ổi, xoan, đào, mận , lim, tùng, bạch đàn,lúa, ngô, khoai, rêu, rong…)
, tên gọi các bộ phận của cỏ cây ( gốc, rẽ, củ, thân, cành,
lá, bông/ hoa, quả/trái, ngọn, nhị, hạt, hột…), tên gọi các quá trình
sinh trưởng của cỏ cây ( mọc, nảy, nhú, bén rễ, nở hoa, kết quả, đâm
chồi, nảy lộc, chín, rụng…), tên gọi các trạng thái, đặc điểm của cỏ
cây ( xanh , úa, héo, vàng lá, lụi, tàn, rậm, thưa, cằn ,um tùm,xum
xuê…) , tên gọi hoạt động của con người đối với cỏ cây (
trồng, gieo, cấy, tỉa, hái, gặt, ươm, bón phân, chặt, đốn, …) ,tên gọi nơi
sinh sống của cỏ cây ( vườn, rừng, đồi, ruộng, nương,rẫy, đồng , bãi…)
…
Đôi vơi Truyện
Kiều, một tác phẩm ưu tú của nền văn hóa dân tộc, cũng không thể vắng bóng các
từ thuộc trường từ vựng này . Truyện kể lại cuộc sống của con người ở một thời
kì lịch sử với rất nhiều nhân vật khác nhau, nhưng, cùng với hình ảnh của những
con người đó là cả một thế giới bao quanh, trong đó có thế giới cỏ cây . Từ ngữ
về cỏ cây trong Truyện Kiều khá phong phú và là chất liệu tạo nên một hệ
thống tín hiệu thẩm mỹ góp phần quan trọng làm nên giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm
.Có những câu thơ tám tiếng ( từ ) thì đến 4 từ chính danh thuộc trường từ vựng
cỏ cây (như: Hoa dù rã cánh, lá còn
xanh cây ). Tuy nhiên, bài này không thể bao quát hết các tiểu
trường thuộc trường từ vựng cỏ cây trong Truyện
Kiều mà chỉ tập trung vào việc phân xuất và phân tích giá trị thẩm mỹ của
các tin hiệu thẩm mỹ (THTM) được tạo nên từ ba tiểu trường : tên
gọi khái quát về cỏ cây, tên gọi cụ thể các loài cỏ cây , và tên
gọi các bộ phận của cỏ cây .
2. Trước hết là hệ thống từ thuộc ba tiểu trường trên trong Truyện Kiều được
dùng làm cái biểu đạt cho các THTM.
2.1.
Tiểu trường tên gọi khái quát của cỏ cây .
Tiểu trường này chỉ có bốn từ
: cỏ, cây , cỏ cây, thảo thụ. Từ cỏ có 20 lần , từ cây có
21 lần, còn hai từ cỏ cây, thảo thụ chỉ có 1 lần xuất hiện
trong truyện.Ngoài ra còn có biến thể từ vựng thảo xuất
hiện trong các tổ hợp thảo am, thảo lư, thảo đường .
2.2
Tiểu trường tên gọi cụ thể các loài cỏ cây : có tới 39 từ với
192 lần sử dụng. Phân tích chi tiết tiểu trường tên gọi cụ thể các loài
cỏ cây , có thể nhận thấy:
+ Về các loài cỏ
cây trong Truyện Kiều, có những loài được coi là quý phái, thường xuất hiện
trong văn chương bác học thời kì trung đại , như : đào. mai. liễu,
trúc, lan, huệ, quế, hải đường, trà mi, phù dung, quỳnh, dao…đồng thời cũng
có cả các loài cỏ cây dân giã, quê mùa như dâu, mận, mướp, lau, bèo,
rêu, sắn bìm…, thường gặp trong văn chương dân gian .Tuy
nhiên nếu so sánh với ca dao, vẫn có thể thấy còn có những loài cây quen thuộc
và rất tiêu biểu trong đời sống của người Việt Nam nhưng lại vắng bóng trong
Truyện Kiều . Chẳng hạn, trong ca dao ta bắt gặp thường xuyên THTM lúa (
hoặc những loài ngũ cốc khác: ngô, đậu…), không chỉ trong văn cảnh tả thực một
cánh đồng hay một buổi làm việc của người nông dân, mà cả khi bộc lộ tình cảm.
cảm xúc: “Thân em như chẽn lúa đồng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai “, hay “ Ngày đi lúa chửa chia vè, Ngày về lúa đã đỏ hoe cả đồng. Ngày đi em chửa có chồng, Ngày về em đã con bồng con mang “ . Lí giải về sự khác biệt này phải tìm đến tư tưởng nghệ thuật chủ đạo của Truyện Kiều : Truyện chú trọng đến đời sống tinh thần chứ không phải đời sống vật chất của con người, hơn nữa trong Truyện Kiều, đời sống tinh thần của con người được thể hiện thông qua những nhân vật thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội, tầng lớp mà trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong nhận thức, cảm nghĩ thường quan tâm tới những loài cỏ cây thanh cao, quý phái theo quan niệm thẩm mỹ thời trung đại..
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai “, hay “ Ngày đi lúa chửa chia vè, Ngày về lúa đã đỏ hoe cả đồng. Ngày đi em chửa có chồng, Ngày về em đã con bồng con mang “ . Lí giải về sự khác biệt này phải tìm đến tư tưởng nghệ thuật chủ đạo của Truyện Kiều : Truyện chú trọng đến đời sống tinh thần chứ không phải đời sống vật chất của con người, hơn nữa trong Truyện Kiều, đời sống tinh thần của con người được thể hiện thông qua những nhân vật thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội, tầng lớp mà trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong nhận thức, cảm nghĩ thường quan tâm tới những loài cỏ cây thanh cao, quý phái theo quan niệm thẩm mỹ thời trung đại..
+ Về câu tạo của các từ gọi tên các loài cỏ
cây cụ thể, trong số 39 từ có 25 từ là các từ đơn mang tính chất thuần Việt,
rất dễ cảm nhận đối với người Việt Nam (đào, mai, liễu, bèo, trúc, sen, dâu,
lau, lan, rêu, cúc, hòe, lê, mận, quế, lựu, quýt, mướp, huệ, tùng, quỳnh,
dao,chàm,cải, mận) . Trong số 14 từ còn lại, có bốn từ thuần Việt dạng láy
hay ghép (sắn bìm, gai góc, bèo bọt, bồ hòn) còn lại là từ Hán Việt (cù
mộc, hải đường, phù dung, mẫu đơn, trà mi, tùng quân, cát đằng, cát lũy,bồ
liễu,ngô đồng) nhưng các từ Hán Việt này, như sẽ được chỉ ra dưới đây, đều
xuất hiện với tần số rất thấp ( chỉ 1,2 lần ), và phần lớn cũng chỉ các loài cỏ
cây có ở Việt Nam.Vì thế chúng không ảnh hường gì đến sắc thái văn hóa của tác
phẩm và sự cảm nhận của người nghe, người đọc.
+ Về tần số sử dụng , các từ chỉ
tên cụ thể các loài cỏ cây trong Truyện Kiều có tần số rất
khác nhau. Có thể phân biệt thành 3 nhóm . Nhóm 1 là các từ có tần số từ 10 lần
trở lên , và đều chỉ các loài cây quen thuộc, bao gồm : đào (
29) , mai ( 20), liễu ( 17),bèo (
14), trúc (10). Nhóm 2 gồm các từ có tần số từ 5 đến 9, cũng
chỉ các loài cây quen thuộc, bao gồm : sen , dâu (9), lau,
lan, rêu , cúc (5). Nhóm 3 gồm các từ có tần số từ 1 đến 3, trong đó
nhiều từ chỉ cac loài cây ít phổ biến: hòe,lê (3) ,vi
lô, hải đường, trà mi, mận, ngô (đồng), quế, lựu ( 2), huệ,
mướp, quýt, quỳnh, giao, tùng, tùng quân, phù dung, mẫu đơn, cù mộc, gai góc,
tranh, bồ hòn (1). Ngoài ra còn có các từ cát lũy (1), cát
đằng(1), sắn bìm ( 1) chỉ gộp một số loài cây leo.
Như thế 39 từ gọi tên các loài cây cụ thể
trong Truyện Kiều có sự khác nhau về đặc điểm cấu tạo, về sắc thái bình dân hay
quý phái, về tần số sử dụng. Như sẽ trình bày dưới đây, những sự khác nhau đó
chi phối ý nghĩa thẩm mỹ của các THTM mà chúng tạo nên.
2.3. Tiểu trường tên
gọi các bộ phận của cỏ cây
Tiểu trường này cũng khá phong phú
trong Truyện Kiều : có tất cả 15 từ ( đều là từ đơn, thuần Việt )với 185 lần sử
dụng.Từ có tần số sử dụng lớn nhất là từ hoa với 115 lần
, sau đó đến các từ cành ( 26 lần ), lá (
13 lần ), ngọn, gốc/cỗi ( 7 lần ), đóa, cánh , nhị (
3 lần ), lộc, thân, quả ( 1 lần ) . Ngoài ra còn có từ da được
chuyển từ trường động vật sang để chỉ vỏ cây ( da cây : 1 lần
) .
Tóm lại, dùng làm cái biểu đạt cho các
THTM trong Truyện Kiều có 58 từ thuộc ba tiểu trường trong trường từ vựng cỏ
cây .
3. Các từ thuộc trường
từ vựng cỏ cây khi được dùng trong Truyện Kiều đã chuyển
hóa thành các tín hiệu thẩm mỹ (THTM) . Theo lí thuyết về THTM thì
trong văn chương, THTM được tạo nên từ các tín hiệu ngôn ngữ, tiêu biểu là các
từ . Cũng như tín hiệu ngôn ngữ, THTM có hai mặt : cái biểu đạt ( là tín hiệu
ngôn ngữ với tổng thể hai mặt vốn có của nó ) và cái được biểu đạt ( ý nghĩa
thẩm mỹ ).Do đó quan hệ giữa tín hiệu ngôn ngữ (từ ) và THTM trong văn chương
là mối quan hệ giữa chất liệu và sản phẩm nghệ thuật.(về THTM x 5 ; 125-188 )
Tuy rằng giá trị thẩm mỹ của
các từ thuộc trường từ vựng cỏ cây trong Truyện Kiều có mức độ
khác nhau ít nhiều, nhưng sự chuyển hóa từ tín hiệu ngôn ngữ thành THTM đều
chịu sự chi phối từ nhiều nhân tố thuộc các phương diện khác nhau. Sự chuyển
hóa đó diễn ra và được cảm nhận không phải chỉ do những thuộc tính nội tại của
tín hiệu ngôn ngữ (từ), mà còn do sự phối hợp của chúng và sự hỗ trợ của ngữ
cảnh. Chẳng hạn, trong câu thơ : “ Một cây gánh vác biết bao
nhiêu cành “(674), các từ cây vàcành trong
câu trở thành các THTM với ý nghĩa thẩm mỹ cao đẹp : quan hệ
và trách nhiệm của người cha đối với các thế hệ con cháu trong gia đình . Các
tín hiệu và ý nghĩa thẩm mỹ đó được hình thành và cảm nhận, một phần là nhờ ý
nghĩa và quan hệ ý nghĩa vốn có của các từ cây và cành (
cành do cây sinh ra ) , nhờ sự phối hợp của các từ khác : một / biết
bao nhiêu ( gợi ra tương quan giữa một và nhiều cá thể ) , từ gánh
vác ( vốn thuộc trường từ vựng người, chỉ hoạt động của
người ); và còn có sự hỗ trợ của ngữ cảnh : câu thơ nằm trong lời Thúy Kiều
khuyên nhủ, an ủi người cha không nên quá đau xót về việc nàng bán mình mà có
hành động quyên sinh, vì người cha là trụ cột gia đình, quyết định sự sinh tồn
của cả gia đình, dòng tộc .
Chính sự tác động tổng hợp của các yếu tố đó đã tạo nên sự chuyển hóa của các tín hiệu ngôn ngữ cỏ cây trong câu thơ trên thành các THTM và giúp cho người nghe, người đọc lĩnh hội được ý nghĩa thẩm mỹ cao đẹp về quan hệ và trách nhiệm của người cha với các thế hệ con cháu trong gia đình . Những tín hiệu ngôn ngữ khác đi vào tác phẩm văn chương và trở thành THTM đều diễn ra theo cùng cơ chế, nguyên tắc như vậy.
Chính sự tác động tổng hợp của các yếu tố đó đã tạo nên sự chuyển hóa của các tín hiệu ngôn ngữ cỏ cây trong câu thơ trên thành các THTM và giúp cho người nghe, người đọc lĩnh hội được ý nghĩa thẩm mỹ cao đẹp về quan hệ và trách nhiệm của người cha với các thế hệ con cháu trong gia đình . Những tín hiệu ngôn ngữ khác đi vào tác phẩm văn chương và trở thành THTM đều diễn ra theo cùng cơ chế, nguyên tắc như vậy.
Trong Truyện Kiều, các THTM được xây dựng từ
các từ thuộc trường từ vựng cỏ cây , ngoài sự khác biệt theo
ba nhóm mà trên đây đã nói đến với những đặc điểm cấu tạo, tần số sử dụng và
sắc thái quý phái hay bình dân , còn khác biệt với nhau về một số phương
diện khác có tính chât cơ bản hơn.
3.1. Về nguồn
gốc , các THTM được tạo nên từ các từ thuộc ba tiểu trường cỏ cây
trong Truyện Kiều khác biệt nhau theo hai trường hợp :
- Có nguồn gốc từ các
đối tượng trong hiện thực và được gọi tên bằng từ thuộc trường nghĩa cỏ cây.Tác
giả dùng các từ để trực tiếp đưa các đối tượng cỏ cây từ
hiện thực khách quan vào tác phẩm tạo nên các THTM . Ví dụ , để miêu tả
ngày hội mùa xuân, nhiều từ thuộc trường cỏ cây đã được
huy động để tạo nên cac THTM thể hiện trực tiêp vẻ đẹp của thiên nhiên: “Cỏ non
xanh rợn chân trời , Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa” (41-42) .
Hoặc các THTM miêu tả cảnh hoang vắng nơi
nhà Thúy Kiều ở, khi Kim Trong trở lại sau thời gian về hộ tang người chú và
sau tai họa của gia đình Thúy Kiều: “Xập xè én liệng lầu không ,Cỏ lan
mặt đất rêu phong dấu giầy ,Cuối tường gai góc mọc
đầy “(2749-51).
-Có nguồn gốc từ các
thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay điển cố trong kho tàng văn hóa của cộng đồng và
nhân loại. Khi tác giả sử dụng các ngôn liệu này thì đồng thời các từ thuộc
trường từ vựng cỏ cây cũng được đưa vào truyện và chuyển hóa
thành THTM. Ví dụ , trong câu “ Mạt cưa mướp đắng đôi bên một
phường” (812), từ mướp có nguồn gốc từ thành ngữ mạt
cưa mướp đắng biểu hiện hai vật giả tạo ( kẻ bán mạt cưa giả là
cám và kẻ bán mướp đắng giả là dưa chuột lại mua phải hàng giả của nhau ).
Hoặc, trong câu : “Khi
về hỏi liễu Chương Đài ,Cành xuân đã bẻ cho người
chuyên tay.”(1261- 62), các từ liều và cành trong
trường hợp này đều có nguồn gốc từ điển tích trong văn hóa Trung Hoa để gợi đến
tâm trạng băn khoăn về sự thủy chung trong quan hệ vợ chống khi người chồng đi
xa .
Có khi câu thơ chỉ nhắc gợi đến ý của một
thành ngữ hay tục ngữ có từ thuộc trường nghĩa cỏ cây . Chẳng hạn câu”Rào cây lâu
cũng có ngày bẻ hoa “(2018) là phát sinh từ tục ngữ ‘ Ăn cây
nào rào cây ấy “ rất phổ biến trong tiếng Việt.
Như thế hai nguồn vật liệu để cấu tạo
THTM cỏ cây trong tác phẩm là hiện thực tự nhiên và kho tàng
văn hóa, nhưng chúng đều cần nhờ đến phương tiện từ vựng của tiếng Việt
làm cái biểu đạt.
3.2. Về phương thức cấu
tạo :
Phần lớn các THTM từ trường từ vựng cỏ
cây trong Truyện Kiều được xây dựng theo phương thức ẩn dụ . Nghĩa là
khi sáng tác, tác giả , qua quá trình quan sát, chiêm nghiệm , đã phát hiện ra
mối quan hệ tương đồng nào đó giữa đặc tính của cỏ cây hay bộ phận của cỏ cây
với nội dung ý nghĩa thẩm mỹ định biểu hiện ,do đó dùng từ biểu hiện chúng để
xây dựng thành THTM . Sự tương đồng có thể có ở nhiều phương diện : hình dáng,
màu sắc, mùi vị, đặc điểm sinh sống, công dụng…Chẳng hạn , huệ và lanlà
những loài hoa có mùi thơm nên chúng được dùng để biểu trưng cho tình cảm vợ
chồng đằm thắm giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh : “ Huệ lan sực nức
một nhà” (1471)
Trong khi đó , những loài cây to
lớn, vóc dáng khỏe mạnh đối lập với những loài dây leo, sống nhờ, lại là những
ẩn dụ cho những số phận và vị thế khác biệt của hai lớp người - có vị thế vững
mạnh, cao sang hay vị thế yêu đuối, thấp hèn trong xã hội : “Nghìn tầm nhờ bóng tùng
quân , Tuyết sương che chở cho thân cát đằng (701-2)”
Phương thức hoán dụ khi cấu tạo các THTM
từ trường từ vựng cỏ cây, cũng như thường lệ, là dựa trên quan hệ tương cận .
Quan hệ tương cận được hiểu không phải chỉ là sự gần gũi về không gian, mà là
quan hệ kéo theo nhau, đi đôi với nhau , giả định sự tồn tại cùng nhau …Chẳng
hạn, như dưới đây sẽ chỉ rõ, cỏ cây tồn tại và phát triển phụ thuộc vào thời
tiết bốn mùa . Có những loài cỏ cây đặc trưng cho một mùa nhất định trong năm,
vì thế có thể dùng nó để làm tín hiệu cho mùa tương ứng .Cảnh tượng
“Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô (1591)” chính là tín hiệu
báo mùa thu đã đến.
Ngay từ ghép cỏ cây vốn đã
mang nghĩa khái quát chỉ giới thực vật nói chung, nhưng khi được dùng theo phép
hoán dụ , nó lại trở thành một tín hiệu chỉ một phạm vi rộng lớn hơn nữa mà cỏ
cây chỉ là một bộ phận , đó là : thiên nhiên, đất trời , không gian vũ trụ nói
chung. Chính nghĩa hoán dụ đó hàm ẩn một cách chua xót trong câu nói của Thúy
Kiều khi được hội ngộ với gia đình sau 15 năm lưu lạc nhưng “sự đời đã tắt lửa
lòng “nên nàng”đã đem mình bỏ am mây’’ và tự nghĩ rằng “tuổi này gởi với cỏ
cây cũng vừa “(3041-2)
Trên cơ sở cái biểu đạt là các từ thuộc
ba tiểu trường trong trường từ vựng cỏ cây và có nguồn gốc hoặc từ hiện thực
khách quan, hoặc từ kho tàng văn hóa chung, theo hai phương thức cơ bản là ẩn
dụ và hoán dụ, các THTM đã chuyển tải những thông điệp thẩm mỹ với các ý nghĩa
thẩm mỹ phong phú, hàm súc .
4. Các ý nghĩa thẩm mỹ chủ
yếu của THTM cỏ cây trong Truyện Kiều thể hiện ở những phương diện như
sau .
4.1.Trước hết, các THTM cỏ cây tạo dựng các
bức tranh miêu tả thiên nhiên hay vật thể làm bối cảnh của các biến cố, tâm
trạng, cũng là những tín hiệu chỉ báo cho các biến cố và tâm trạng
4.1.1.Các THTM cấu tạo từ các từ thuộc
trường cỏ cây trong Truyện Kiều, như đã nói ở trên , phần lớn
có nguồn gốc từ hiện thực nhằm vẽ lên một bối cảnh thiên nhiên làm phông nền
cho các biến cố , các trạng thái tâm hồn của con người, cũng đồng thời dự báo
cho các biến cố và tâm trạng . Có thể chúng được đưa vào tác phẩm chỉ dưới dạng
liệt kê mà không miêu tả chi tiết . Lúc đó chỉ những tên gọi khái quát về
cỏ cây ( cây, cỏ cây, thảo thụ ) cũng đủ để làm tín hiệu về
một không gian sống khang trang, hài hòa giữa thiên nhiên của con người .Chẳng
hạn, đây là cảnh ngôi nhà của một thương gia mà Kim Trọng thuê để ở cho gần nhà
Thúy Kiều được vẽ qua đôi nét đơn sơ :” Có cây có đá sẵn sàng
, Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai (279-280)”
Còn đây là cảnh Quan Âm Các
của nhà tiểu thư họ Hoạn danh gia : “Có cây trăm thước có hoa bốn
mùa,Có thảo thụ có senhồ ( 1914-15)”
Tuy nhiên, đại đa số các trường hợp
là các tín hiệu cỏ cây hiện ra ở dạng rất cụ thể , chi tiết với các dáng vẻ,
màu sắc, trạng thái đa dạng, tạo nên các bức tranh thiên nhiên sinh động
. Lúc đó có sự huy động và phối hợp hàng loạt các từ thuộc các tiểu trường tên
gọi cụ thể các loài cây, tên gọi các bộ phận cỏ cây, và cả từ ngữ chỉ các trạng
thái, màu sắc, hương vị …của chúng . Một số ví dụ :
Sau khi đi hội xuân về , buổi tối
thật là lung linh, huyền ảo nơi nhà Thúy Kiều: “Vàng gieo ngấn nước cây
lồng bóng sân, Hải đường lả ngọn đông lân , Giọt sương gieo nặng cành
xuân la đà “(174-6)
Hoặc vào thời điểm mà
mối tình giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều đằm thắm đến đỉnh điểm thì cỏ cây
trong nhà cũng thật là rực rỡ, đầy sức sống : “ Dưới trăng quyên đã gọi hè ,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” ( 1307-08)
Tín hiệu cỏ cây trong những trường hợp
trên vẽ nên những bức tranh thiên nhiên sống động, phù hợp với những tâm trạng
phấn chấn, vui tươi , hay những sự kiện tích cực, tốt lành trong cuộc sống của
con người.
Mặt khác,các từ thuộc trường cỏ
cây cũng có thể phối hợp với nhau để tạo nên những bức tranh với sắc
thái u ám, ảm đạm, hoang tàn, thiếu sức sống . Những tín hiệu cỏ cây đó
lại phù hợp với những quá trình diễn biến tiêu cực, tối tăm ,những trạng thái
âm tính trong cảm xúc, tâm hồn con người. Ví dụ, cảnh một nấm mồ vô chủ trong
ngày hội Thanh minh, tảo mộ : “Sè sè nấm đất ven đường, Rầu rầu ngọn cỏ
nửa vàng nửa xanh “( 57-58). Những tin hiệu này tạo bối cảnh cho cuộc gặp
gỡ giữa Thúy Kiều với Đam Tiên – biểu tượng của số kiếp bi thương do tài mệnh
tương đố.
Hoặc cảnh hoang vắng, tàn tạ khi
gia đình Thúy Kiều bị nạn oan khuất, ly tán : “Cỏ lan
mặt đất rêu phong dấu giày , Cuối tườnggai góc mọc đầy “(
2750-51)
Như thế, dù trong trạng thái nào , thì
những từ chỉ cỏ cây trong Truyện Kiều cũng thực hiện được chức năng đưa thiên
nhiên khách quan vào tác phẩm và xây dựng thành các THTM , làm bối cảnh cho
diễn biến của câu chuyện và góp phần chỉ báo các sự kiện hay tâm trạng
nhân vật.
Tuy nhiên vai trò quan trọng nhất
của các từ thuộc trường từ vựng cỏ cây trong Truyện Kiều lại không phải là để
tạo nên các THTM nhằm tả chân hiện thực khách quan, tạo nên bối cảnh cho các sự
kiện hay tâm trạng, mà chủ yếu để biểu hiện các ý nghĩa thẩm mỹ khác ,
không thuộc về giới tự nhiên . Chẳng hạn , từ cành xuất hiện
27 lần trong tác phẩm , nhưng chỉ có 9 lần, chiếm 33,4% ,là THTM miêu tả cảnh
thiên nhiên (vd Nhặt thưa gương rọi đầu cành – 433; Tường đông
lay động bóng cành - 1093), còn 18 lần, tức 66,6% , nó được
dùng phối hợp với các từ khác tạo nên các THTM chỉ người đẹp (Một tay chôn biết
mấy cành phù dung – 1162; Xót thay đào lý một cành –
1741;
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn -1426, …), biểu hiện con người trong quan hệ tình cảm (Trong khi chắp cánh liền cành – 575; Hoa kia đã chắp cành này cho chưa – 1264; Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra ?– 1320…) , hoặc hàm ý nói đến cảnh ăn chơi (Dập dìu lá gió cành chim - 1231) .Các ý nghĩa thẩm mỹ về con người như thế, như sẽ được trình bày dưới đây, giữ vai trò chinh yếu trong toàn bộ tac phẩm.
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn -1426, …), biểu hiện con người trong quan hệ tình cảm (Trong khi chắp cánh liền cành – 575; Hoa kia đã chắp cành này cho chưa – 1264; Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra ?– 1320…) , hoặc hàm ý nói đến cảnh ăn chơi (Dập dìu lá gió cành chim - 1231) .Các ý nghĩa thẩm mỹ về con người như thế, như sẽ được trình bày dưới đây, giữ vai trò chinh yếu trong toàn bộ tac phẩm.
4.1.2. THTM đóng vai trò định ngữ
nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp, vẻ sang trọng của vật thể .
Có một cách sử dụng từ thuộc trường
nghĩa cỏ cây khá phổ biến và đặc sắc trong Truyện Kiều, cũng
dùng để miêu tả, nhưng là miêu tả chủ yêu về đồ vật và tạo nên được giá trị
nghệ thuật rất rõ, trở thành một nét phong cách đặc trưng của ngôn ngữ tác
phẩm. Đó là dùng một danh từ thuộc trường nghĩa cỏ cây trong
vai trò một định ngữ nghệ thuật, đặt sau một danh từ chỉ vật thể (đôi khi là
một yếu tố thuộc về con người ), để tạo nên những lời hay ý đẹp, những THTM với
công thức chung là D1- D2 .Trong những tổ hợp kiểu này , 5 từ thuộc
trường nghĩa cỏ cây (đào, mai, sen, lan và hoa )
được dùng vào vị trí định ngữ nghệ thuật, chúng đều là tên gọi những loài cây
thuộc nhóm quý phái, sang trọng theo tiêu chí thẩm mỹ thời trung đại hoặc từ
chỉ bộ phận xinh đẹp, tinh túy của cỏ cây ( hoa) . Theo thống
kê của chúng tôi , những tổ hợp như thế có số lượng là 33 với 43 lần sử dụng.
Xin xem bảng tổng hợp sau :
D1 : Danh từ thuộc trường từ vựng đồ vât hay một
phương diện của con người
|
D2:danh từ thuộc trường cỏ cây
|
Số lấn sử dụng
|
1.lầu, sân, song, trướng, hồn, giấc
2.lò, sân , trướng, buồng, song, lò, tơ
3. đài, gót, tiếng
4.nhà, thang
5. then, trướng, thềm, bút, tiệc, tờ , tiên, kiệu, sân,
vườn, nét, lệ, thề
|
mai
đào
sen
lan
hoa
|
8
8
3
2
22
|
Việc sử dụng những tổ hợp như thế
đã tạo nên sắc thái sang trọng, kiều diễm cho vật thể , ngay cả khi
các đối tượng này ở trong một trạng thái, sự kiện hay cảm xúc âm tính .Còn gì
đau xót, bi thảm hơn khi Thúy Kiều phải bán mình , vậy mà cái đau xót, buồn tủi
ấy vẫn đượm một vẻ xinh đẹp, kiều diễm nhờ một định ngữ nghệ thuật hoa :”
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”(634)
Khi phải sống trong cảnh cô
đơn, lạnh lẽo vì Thúc Sinh về thăm vợ cả , Thúy Kiều cũng buồn rầu. Nhưng vẫn
là nỗi buồn trong một khung cảnh sang trọng nhờ một chữ đào :
“Đêm thu gió lọt song đào “(1637)
Ngay cả trong tình
huống Thúy Kiều và Thúc Sinh bị Hoạn Thư hành hạ đủ điều , thì sự việc dù đau
đớn đến mấy vẫn diễn ra nơi sang trọng, quyền quý nhờ một chữ mai :“Sợ
uy dám chẳng vâng lời, Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều” .
(1821-2)
Đối với con người thì không chỉ dáng vẻ bề
ngoài ( gót, lệ, tiếng, nét ) mà cả những trạng thái tâm li
bên trong (thề, giấc, hồn) cũng trở nên diễm lệ ,sang trọng nhờ các định
ngữ nghệ thuật là các từ - tên gọi các loài cây quý phái .
Rõ ràng những định ngữ nghệ thuật
nhờ những từ là tên gọi các loài cỏ cây cao quý không phải làm
nhiệm vụ xác định cho các đối tượng được nói đến , mà chủ yếu để tạo nên sắc
thái thẩm mỹ, làm sang cho vật thể hay con người .
4.2. THTM chỉ báo thời
gian, hay tuổi tác của con người .
Có cây là một trong các
loài sinh vật sinh tồn , phát triển trong thời gian, và bị chi phối bởi thời
gian . Dòng thời gian không chỉ được phân đoạn theo ngày giờ ,sáng tối, mà còn
khác biệt theo năm tháng, mùa màng . Sự trôi chảy theo mùa thể hiện qua
sự biến đổi của thời tiết , và đến lượt mình, thời tiết lại chi phối và làm cỏ
cây biến đổi . Chính vì thế , trong sự tri nhận của người Việt Nam, một cộng
đồng sống ở xứ sở nhiệt đới gió mùa, cỏ cây là một
loại đồng hồ hay là một loại tín hiệu chỉ báo về thời gian nói chung và sự đổi
thay của bốn mùa trong năm nói riêng. Có điều loại tín hiệu bằng cỏ cây
không đơn thuần mang đến những thông tin lí trí mà còn mang các sắc thái cảm
xúc và thẩm mỹ. Như trên đây đã nói đến những câu thơ có “cỏ non
xanh rợn chân trời ,cành lê trắng điểm một vài bông hoa “,
đó chính là những tín hiệu của mùa xuân với sự sống mơn mởn . Còn khi xuân qua
,hè tới thì chính cỏ cây cũng là một loại tín hiệu tự nhiên : “
Đào đà phai thắm , sen vừa nảy xanh “( 1474)
Rồi tiếp theo là : “Sen tàn, cúc lại
nở hoa “( 1745), hay “ sân ngô cành biếc đã chen lá
vàng “ (1386), đó chính là những tín hiệu chỉ báo một cách sinh động,
cảm tính về tiến trình nối tiếp từ mùa hạ sang mùa thu .
Ngay
cả diễn tiến thời gian trong một ngày cũng có nhiều trường hợp được tác giả
Truyện Kiều chỉ báo bằng các tín hiệu cỏ cây . Đây là những tín hiệu của
buổi đầu tối : “Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành “(1092), khác
biệt với những chỉ báo về đêm khuya : “ Lối mòn cỏ lợt màu
sương “(1121)
Cỏ
cây không chỉ được dùng để chỉ báo về thời gian khách quan, mà còn
được dùng như những dấu hiệu về thời gian sống, về tuổi tác của con
người .Cũng như muôn loài cỏ cây, trong cuộc đời , con người trải qua
những đoạn đường đời từ trẻ đến già . Bằng từ ngữ về cỏ cây, Truyện Kiều đã
phân xuất những khúc đoạn đó . Ai mà chả có một thời trẻ trung, như cỏ cây ở
thời kỳ xuân sắc , lúc đó con người là “ sen ngó đào tơ
“ ( 3137), là “hoa xuân đương nhị “( 1206) hay là
“tơ liễu còn xanh “( 3171). Thế rồi đến đầu thời kì trưởng thành
thì là “ quả mai ba bảy đương vừa “(3075) , và cuối đời
là thời tuổi già : “ một ngày một ngả bóng dâutà tà “ ( 1254), hoặc
“cỗi xuân tuổi hạc càng cao” (673). Rõ ràng những tín hiệu bằng cỏ
cây đã chuyển tải một cách ý nhị cái thông điệp về tuổi đời của con người. Nếu
dùng cách nói của ngôn ngữ học tri nhận thì dưới con mắt và cảm xúc của Nguyễn
Du, chínhcon người là cỏ cây, có quá trình sinh trường và phát triển
chẳng khác gì cỏ cây.
4.3 THTM chỉ báo về nhiều
phương diện khác của con người .
Ngoài phương diện tuổi tác mà
trên đây đã đề cập đến, con người trong Truyện Kiều còn được khắc họa ở nhiều
phương diện khác thông qua các tín hiệu cỏ cây .
4.3.1.THTM thể hiện
dáng vẻ xinh đẹp của con người
Con người trong Truyện Kiều cũng có
những trường hợp được miêu tả dáng vẻ bề ngoài bằng những đường nét chân thực,
cụ thể , không dùng các tín hiệu cỏ cây. Đó là bút pháp thường dùng đối với
những nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh ( Quá niên trạc ngoại tứ tuần, Mày
râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao 627-8), như Sở Khanh ( Một chàng vừa trạc thanh
xuân, Hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng 1059-60),hay mụ Tú Bà ( Thoắt
trông lờn lợt màu da, Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao, Trước xe lơi lả han chào
923-5)
Tuy nhiên, với những nhân vật chinh diện, nhất
là người đẹp, bút pháp miêu tả dáng vẻ bề ngoài của tác giả lại thiên về ước
lệ, tượng trưng. Khi đó , các từ ngữ thuộc trường nghĩa cỏ cây thường được huy
động. Tên gọi của những loài hoa quý phái được dùng để tạo nên các THTM
cho thấy dáng vẻ yêu kiều , xinh tươi của những người đẹp : cành
phù dung (1162), cành mẫu đơn(1426), đào lý một
cành ( 1741), một đóa trà my (845), một đóa
yêu đào ( 503), hay “hải đường mơn mởn cành tơ “(1283), Xuân lanthu cúc mặn
mà cả hai (162) hoặc là từ ngữ tạo nên vẻ cao quý “cành thiên hương “(66)
Mặt khác , nét mảnh mai, mềm yếu
của nữ giới cũng thường được gợi tả bằng những loài cây cỏ có dáng vẻ tương ứng
: “chút thân yếu liễu thơ đào “ (897), “đang
tay vùi liễu dập hoa tơi bời “(1156), “liễu
bồ mình giữ lấy mình cho hay (1752)
Ngay cả những dáng điệu, cử chỉ của
những người đẹp cũng được khắc họa nhờ các từ thuộc trường cỏ cây : “nét buồn
nhưcúc điệu gày như mai “(638), ‘nàng càng ủ liễu phai đào “(2603),
‘đào hoen quẹn má liễu tan tác mày “ (1428)
Một nhân vật như Kim Trọng, tuy
là nam giới nhưng cũng được khắc họa với bút pháp tượng trưng nhờ các THTM có
cây : “ Tuyết in sắc ngựa câu giòn, Có pha màu áo nhuộm non da
trời…Hài văn lần bước dặm xanh, Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”
(139-44)
Như thế , cả hình dáng, cử chỉ của con
người chẳng khác gì dáng vẻ, trạng thái của cỏ cây.
4.3.2 THTM
chỉ báo về vị thế của con người
Bản thân các loài cỏ cây
trong tự nhiên có sự khác nhau về hình dạng, về kích cỡ, về môi trường sống, về
sức chịu đựng trước thời tiết khí hậu. Những đặc điểm riêng đó của các loài cỏ
cây là cơ sở để từ gọi tên chúng tạo nên các THTM biểu trưng cho vị thế của con
người . Trong Truyện Kiều , tín hiệu điển hình biểu trưng cho những
con người có vị thế thấp, yếu đuối, hèn mọn là bèo(biến thể bèo
bọt/bọt bèo ) với tần số xuất hiện là 14 ( thuộc nhóm có tần số cao
nhất ) . Một vài ví dụ : “Phận bèo bao quản nước sa
(2019),Rằng tôi bèo bọt chút thân ( 1097),Sinh rằng chút phận bọt
bèo ( 1449), Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau
(2198), Ngọn bèo chân sóng lạc loài (2871), Đài gương soi đến
dấu bèo cho chăng “ ( 330)…
Sau tín hiệu bèo ,
là các tín hiệu được tạo ra bằng các từ chỉ gộp các loài cây leo - những loài
cây phải sinh sống và phát triển phụ thuộc vào những “cây cao bóng cả” : cát
đằng, cát lũy, dây cát, sắn bìm: “Sắn bìm chút phận con con (1633),Tuyết
sương che chở cho thân cát đằng (902),Cũng may dây
cát được nhờ bóng cây (2280) “…
Ngược lại,
để biểu trưng cho vị thế cao sang, hùng mạnh của con người, THTM được tạo nên
bởi các từ chỉ tên các loài “cây cao bóng cả “ : tùng quân (cây
tùng và cây tre to) :“ Nghìn tầm gửi bóng tùng quân (701)”
Như thế, phương
diện kích thước, điều kiện sống, sức chịu đựng của cỏ cây đã được khai thác để
xây dựng nên các THTM thể hiện vị thế của con người.
Không chỉ dáng vẻ
, cử chỉ bên ngoài, hay tuổi tác, vị thế , mà cả quan hệ tình cảm bên trong của
con người cũng được biểu hiện nhờ các THTM xây dựng từ các từ thuộc trường từ
vựng cỏ cây .
Trước hết là tình
yêu nam nữ và tình cảm vợ chồng. Về phương diện nay, nổi bật là THTM trúc
mai /mai trúc – hai loài cây thường được trồng hay được thể hiện cạnh
nhau, song song với nhau trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc thời trung đại .
Trai gái tìm đến nhau được mô tả là “ Xôn xao anh yến dập dìu trúc mai -944”,
vợ chồng đoàn tụ cùng nhau là cảnh “ Một nhà sum họptrúc mai –
1381”. Khi nói lời thề nguyện chung thủy , đền đáp tình sâu nghĩa nặng, trai
gái cũng viện dẫn trúc mai : “Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai- 746”,
hoặc “ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai – 708”. Rõ ràng trúc
mai đã trở thành biểu tượng của tình cảm thủy chung, son sắt giữa nam
và nữ , vợ và chồng
Rộng hơn nữa là tình cảm gia
đình. Quan hệ tình cảm của con người trong gia đình được cảm nhận tương đồng
với mối quan hệ giữa các bộ phận của cây với nhau ( gốc/cỗi, cành , lá,
hoa…) và với toàn bộ cơ thể cây nói chung. Vì thế mà khi
một người con gái như Thúy Kiều phải rời nhà ra đi thì cũng chẳng khác
nào “hoa đã lìa cành “( 1325), hay “chiếc lá lìa rừng"(2995),
lúc đó chỉ có niềm an ủi duy nhất là “hoa dù rã cánh lá còn
xanh cây “(678) và luôn luôn khắc khoải, băn khoăn một nỗi
niềm về việc người em thay thế mình nối tiếp mối tình với Kim Trọng:” hoa kia
đã chắp cành này cho chưa ?’(1264). Đối với một chế độ phụ hệ
truyền thống ở phương Đông, thì người cha trong gia đình là cội nguồn của mọi
quan hệ, mọi tình cảm gia tộc . Vì thế mà người cha có một trọng trách lớn
chẳng khác nào “ Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành “(674),
và hạnh phúc nhất là cảnh cha mẹ xum vầy với con đàn cháu đống: “ Một cây
cù mộc một sân quế hòe “ (3238).
5.Tổng kết, 58 từ thuộc
ba tiểu trường cỏ cây trong Truyện Kiều đã tạo nên các THTM
với nhiều ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc, trong đó nổi bật là thể hiện những phương
diện khác nhau của con người, từ dáng vẻ, cử chỉ bên ngoài, đến tuổi tác,vị thế
và tâm lí tình cảm bên trong . Qua đó có thể nhận thấy một đặc điểm trong cách
tri nhận và cảm thụ của người Việt Nam: thông qua cỏ cây để thể hiện
con người, hay nhìn nhận con người như cỏ cây, là cỏ cây. Điều này có sự
thống nhất với tín hiệu cỏ cây ở nhiều lĩnh vực khác trong kho tàng văn hóa dân
tộc : thành ngữ (Đâm chồi bén rễ; Cây ngay
không sợ chết đứng…), tục ngữ(Tr già măng mọc; Bầu ơi
thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống những chung một dàn…),
hoặc ca dao ( Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng,Tre non đủ lá đan
sàng nên chăng ?...). Quả thật, với sự nhận thức và cảm thụ của người Việt Nam,
thì hoàn toàn có mức độ xác đáng khi khẳng định: người ta là hoa đất !.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét