Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

24 Mùa hoa Nhật Bản

24 Mùa hoa Nhật Bản
Một năm trong lịch phương Đông được chia thành 24 tiết khí. Đối với người Nhật, mỗi một khoảnh khắc giao mùa trong năm đều đáng ghi nhận, mỗi một mùa hoa đều có thể trở thành một sự kiện hay lễ hội địa phương.
1. Tiết Tiểu hàn (6/1-19/1): Suisen - Hoa Thủy tiên
Trong không khí chớm lạnh và những trận tuyết đổ về bất chợt của tiểu Tiết hàn, bạn sẽ bắt gặp một loại hoa màu trắng nhụy vàng kiêu hãnh vươn mình lên, tựa như muốn gọi mời mùa xuân đến. Tên hoa bắt nguồn từ một câu trong điển tích Trung Quốc: “Tiên nhân ở trên trời thì gọi là Thiên tiên, ở dưới đất thì gọi là Địa tiên và ở dưới nước thì gọi là Thủy tiên”, ý chỉ loài hoa xinh đẹp, có hương thơm tinh tế mọc ven bờ nước này hệt như tiên dưới nước.
Thường ở bờ biển Echizen của tỉnh Fukui, bán đảo Boso của tỉnh Chiba hay “Xứ sở Thủy tiên Nadakuroiwa” trên đảo Awaji, tỉnh Hyogo sẽ có nhiều hoa Thủy tiên.
2. Tiết Đại hàn (20/1-3/2): Roubai - Lạp mai
Tiết Đại Hàn được coi là thời kỳ lạnh khắc nghiệt nhất trong năm, nhưng trong cái lạnh đó, bạn có thể cảm nhận được một chút khí vị của mùa xuân đang đến. Loài hoa hiếm hoi nở trong thời kỳ này là Lạp mai, với những cánh hoa kết bằng sáp trong suốt. Có loại cánh to và tròn như vầng trăng đêm rằm thu nhỏ (Mãn nguyệt Lạp mai), có loại cánh nhỏ hơn (Đường Lạp mai) hay cả cánh lẫn nhụy đều màu vàng (Tố tâm Lạp mai). Hoa có hương thơm nồng đậm, dùng để chiết xuất tinh dầu, hương liệu và dược phẩm, giúp an định tinh thần.
“Xứ sở Lạp mai” ở thành phố Annaka, tỉnh Gunma hoặc vườn Lạp mai Nagatoro Hodosan ở quận Chichibu, tỉnh Saitama.
3. Tiết Lập xuân (4/2-18/2): Ume - Mai (Mơ, Mận)
Lập xuân là tiết khí khởi đầu của một năm, tiết trời trở nên ấm áp hơn khắp nơi chờ đón mùa xuân về. được du nhập về từ Trung Quốc trong thời Nara, nhờ có khuôn cành duyên dáng, vẻ đẹp phong nhã và hương thơm sảng khoái mà bấy giờ hoa Mai được yêu thích hơn cả hoa Anh đào. Trong Vạn diệp tập, Mai xuất hiện trong hơn 100 bài thơ, chỉ xếp sau Hồ chi (Hagi). Đây là hoa đại diện của một số tỉnh như Wakayama, Oita và Yamagata.
Một số điểm có thể ngắm hoa Mai đẹp như vườn kairakuen (thành phố Mito, ibaraki), công viên thành Osaka (Osaka) và công viên Hanegi (quận Setagaya), Tokyo).
4. Vũ thủy (19/2-5/3): Jinchouge - Thụy hương
Vũ thủy (ẩm ướt) là giao đoạn mà tiết trời bớt lạnh, tuyết đóng trên các sườn núi từ từ tan đi, đồng ruộng trở nên tươi nhuận, trăm hoa đua nở. Loài hoa đại diện cho giai đoạn này là Thụy hương. Nhụy hoa bắt đầu đơm từ tháng 12 năm trước, trải qua 3 tháng đằng đẵng trong cái lạnh mùa đông, đến cuối tháng 2 mới bừng nở. Dù chỉ nở trong một tháng ngắn ngủi nhưng hương hoa lan tỏa ra rất xa. Vẻ đẹp nhu mì mà thanh cao của hoa đã đi vào bài hát “Haru yo, koi” (Mùa xuân ơi hãy đến đây) của nhà soạn nhạc nổi tiếng Matsutoya Yumi:
“Vạt nắng mong manh đan cắt giữa cơm mưa rào
Hoa Thụy hương phản chiếu bóng hình người yêu dấu
Từ những chồi nụ đong đầy nước mắt
Từng cánh hoa một tỏa hương”

Địa điểm ngắm hoa đẹp: vườn Hmarikyu (quận chuo) hoặc vườn Kiyosumi (quận Koto), còn ở Kyoto thì hãy đến tu viện Tohokuin (quận Sakyo).
5. Tiết Kinh trập (6/3-20/3): Mokuren - Mộc lan 
Kinh trập (sâu nở) là khoảng thời gian những vi sinh vật ngủ vùi trong lòng đất suốt mùa đông dài lần lượt bừng tỉnh, vạn vật hồi sinh dưới ánh sáng tươi đẹp của mùa xuân. Giữa khung cảnh tràn trề sức sống ấy, bạn sẽ bắt gặp những đóa hoa Mộc lan mang hương thơm nồng nàn, cánh hoa hồng hoặc trắng, trổ dày trên cây, nhìn từ xa như có vô số thân chim nhỏ đang đậu. Hoa nở hướng lên trên và đầu hoa thường chỉ hướng về hướng Bắc. Chính bởi đặc tính này mà Mộc lan còn được gọi là “cây Nam châm”. Ngoài ra, Mộc lan còn được cho là loài hoa cổ xưa nhất trên trái đất, đã có từ khoảng 100 triệu năm về trước.
Một số địa điểm ngắm hoa như “con đường Mộc lan dài 10 km từ Mikatahara đến Miyakoda ở thành phố Hamamatsu, Shizuoka. Vườn Mộc lan ở kéo dài ở Keio Floral Garden Ange (thành phố Chofu) hay công viên Shiki no Kaori (quận Nerima) ở Tokyo.
6. Tiết Xuân phân (21/3-4/4): Momo - Đào
Xuân phân (giữa xuân) là giai đoạn mà ngày và đêm có độ dài bằng nhau, vạn vật sinh sôi và trăm hoa đua nở. Loài hoa nổi tiếng đại diện cho giai đoạn này là hoa Đào. Được trồng từ thời kỳ Jomon đến nay, loài hoa này đã trở thành một phần đời sống tinh thần của người Nhật Bản. Nếu người Trung Quốc xưa coi cây Đào như “tinh hoa của năm cây, khắc chế trăm quỷ” thì ở Nhật Bản, từ thời Vạn diệp tập, đào cũng được coi là một loài cây linh thiêng.
Địa điểm gợi ý ngắm hoa như “Đào nguyên hương” (Togenkyo) ở thành phố Fuefuki, thành phố Minami - Aips hoặc Nirasaki Shimpu ở thành phố Nirasaki. Taatc cả tập trung ở tỉnh Yamanashi - nơi trồng đào nhiều số một Nhật Bản.
7. Tiết Thanh minh (5/4-19/4): Nanohana - Cải dầu
Thanh minh có nghĩa là “trong sáng”, biểu thị cho trạng thái căng đầy sức sống của vạn vật dưới bầu trời xanh và nắng ấm mùa xuân. Những cánh đồng bạt ngàn hoa Cải dầu sẽ phủ màu vàng rực rỡ trong suốt thời gian này. Hoa được du nhập vào Nhật Bản thông qua Trung Quốc vào thời kỳ Nara. Thời xưa, hoa thường được trồng làm dầu đốt và dầu thực vật, nhưng hiện nay, tập quán đó không còn. Thay vào đó, hoa được dùng để là các món gỏi, nuôi ong để lấy mật.
Địa điểm gợi ý: Nông trường du lịch Maza Bokujo (Mother farm) thuộc thành phố Futtsu, hoặc ven bờ biển Chikura ở thành phố Minamiboso, tỉnh Chiba.
8. Tiết Cốc vũ (20/4-5/5): Botan - Mẫu đơn
Cốc vũ (mưa rào) là giai đoạn mà các loại ngũ cốc cần nhiều nước và chất dinh dưỡng để sinh trưởng, mưa móc giống như tặng phẩm của bầu trời nhẹ nhàng rơi xuống thế gian. Đây là thời kỳ mà Mẫu đơn, vua của trăm hoa bừng nở. Như người xưa có câu: “Dáng đứng như Thược dược, dáng ngồi như Mẫu đơn, dáng đi như bách hợp” để mô tả vẻ đẹp mực thước của người phụ nữ, hoa Mẫu đơn biểu trưng cho “cốt cách vương giả” và “cung cách thanh cao“
Địa điểm gợi ý: Vườn Mẫu đơn du lịch Akana ở phường linan, quận lishi, hoặc vườn Mẫu đơn Trung Quốc phường Yatsuka ở quận Yatsuka, tỉnh Shimane.
9. Tiết Lập hạ (6/5-20/5): Ayame - Diên vĩ 
Lập hạ là tiết khí khởi đầu mùa hạ. Đây là thời kỳ có tiết trời dễ chịu nhất trong năm. Một trong những loài hoa đại diện cho giai đoạn này là hoa Diên vĩ (Ayame). Ở Nhật Bản, các loài thuộc họ Diên vĩ không chỉ có Ayame mà còn có hoa Xương bồ (Hanashobu) và Đỗ nhược (Kakisubata). Khác với hoa Diên vĩ có nhiều sọc vằn hình mắc dây thừng trên cánh ở phần giao nhau giữa cánh và nhụy hoa, Xương bồ thường có một vệt vàng hẹp, còn Đỗ nhược có một vệt trắng hẹp. Tuy nhiên, đa số người Nhật hiện nay không phân biệt chúng rõ ràng lắm.
10. Tiết Tiếu mãn (21/5-5/6): Utsugi - Không mộc 
Đây là thời kỳ mà vạn vật được tắm trong ánh nắng dồi dào của mặt trời, sinh trưởng một cách nhanh chón và sung mãn nhất. Bạn có bắt gặp Không mộc ở bất cứ nơi nào có ánh sáng tốt, như ven lộ, vùng sơn dã. Đây là loài cây có cuống và rễ rỗng, gỗ cây chắc chắn, khó mục rã, vì vậy từ xưa đã được dùng làm chày để giã bột trong các lễ hội. Người Nhật ngày xưa cũng thường căn cứ vào tình trạng hoa nở mà dự đoán điềm lành dữ trong năm: hoa nở nhiều thì mùa màng sẽ bội thu, còn nêu mùa mưa kéo dài, hoa rụng sớm thì mùa màng sẽ thất bại.
11. Tiết Mang chủng (6/6-21/6): Hinageshi - Anh túc
Mang chủng (lúa trổ) là giai đoạn mà các loài vật như lúa gạo, lúa mạch trổ hạt. Kể từ thời điểm này trở đi, lượng mưa sẽ ngày càng tăng lên. Đây cũng là thời mãn khai của hoa Anh túc, hay còn có tên khác là “cỏ Ngu mỹ nhân”, được ví như nàng Ngu Cơ - một mỹ nhân tuyệt thế thời Hán Sở tranh hùng của Trung Quốc. Đặc biệt, loài Anh túc nở ven đường Nhật Bản không thể thu lấy Morphin - thành phần của thuốc phiện - nên chúng được gieo trồng ở nhiều nơi.
Địa điểm gợi ý: Nông trại cao nguyên Chichibu hoặc ven tỉnh lộ số 82 tại khu vực Misawa, chân núi phường Minano, tỉnh Saitama. Công viên Showa Kinen ở thành phố Tachikawa, Tokyo.
12. Tiết Hạ chí (22/6-6/7): Ajisai - Cẩm tú cầu (Tử dương hoa)
Hạ chí (giữa hạ) là giai đoạn mà ngày dài và đêm ngắn nhất trong năm, nhiệt độ tăng cao, tiết trời nóng bức. Những cơn mưa sẽ ghé thăm đảo quốc Nhật Bản đều đặn hơn, tạo nên mùa mưa Tsuyu. Hoa Cẩm tú cầu nở vào đúng mùa mưa Nhật Bản. Cánh hoa có màu tím, hồng, xanh hay trắng tùy thuộc vào độ pH và lượng nhôm trong đất mà cây hấp thụ. Nếu đất có tính acid cao, hoa sẽ có sắc màu xanh, nếu đất có tính kiềm cao, hoa ngả sang sắc đỏ. Trước đây hoa thường bị nhầm là có xuất xứa từ Trung Quốc, nhưng thật ra đây là loài hoa bản địa của Nhật Bản.
13. Tiết Tiểu thử (7/7-22/7): Yuri - Bách hợp 
Tiểu thử (nắng vừa) là giai đoạn mà mùa mưa đã qua đi, nhiệt độ ngày một tăng cao, và cũng là thời kỳ mãn khai của hoa bách hợp. Nhật Bản được coi là vương quốc của hao Bách hợp với khoảng 70 chủng loại hoa, trong đó có 50 loài hoa bản địa. Hoa mang nhiều ý nghĩa, như Sơn Bách hợp tượng trưng cho sự uy nghiêm, Bách hợp trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, Bách hợp vàng tượng trưng cho sắc đẹp không tô điểm.
Địa điểm gợi ý: Vườn hoa Bách hợp Dondendaira ở phường lide, tỉnh Yamagata. Vườn hoa Bách hợp Minami Kurikogen Ichihasama của thành phố Kurihara, tỉnh Miyagi.
14. Tiết Đại thử (23/7-7/8): Hasu - Sen 
Đại thử (nắng to) là thời kỳ có khí hậu nóng nhất trong năm, là mùa hoa Sen nở rộ giữa những hồ nước xanh mướt. Cái tên “Hasu” trong tiếng Nhật lại bắt nguồn từ chữ “hachisu”, nghĩa là tổ ong, do hình thái của búp sen. Vào mỗi sáng mùa hạ, hoa bung cánh nở phủ đầy trên mặt nước, đến khoảng 3 giwof chiều thì khép ngủ. Sau chừng 3 lần mở và khép cánh như thế, đến ngày thứ 4 thì hoa tàn.
Địa điểm gợi ý: Muốn đi ngắm Sen ở Nhật Bản, tuyệt đối không nên bỏ qua hồ Sen ở công viên Chiba, tỉnh Chiba.
15. Tiết Lập thu (8/8- 22/8): Cosmos - Thu anh
Bước vào tiết Lập thu (đầu thu), những ngày nóng bức vẫn chưa vội lui đi, nhưng từ sau lễ Obon thì bạn có thể cảm nhận được không khí của mùa thu đang đến. Cosmos được người Nhật coi là một trong những loài hao đại diện cho mùa thu, tuy vẫn có nơi hoa nở từ giữa hạ. Tên hoa trong tiếng Nhật có nghĩa là “hoa Anh đào mùa thu”, bởi cánh hoa có hình dáng giống như hoa Anh đào. Cosmos là một loài hoa sớm nở và lâu tàn. Thân cây trông mong manh nhưng gió bão chỉ làm cây nghiêng ngả không đánh gẫy được.
Địa điểm gợi ý: Công viên đồi Thái Dương Engaru ở quận Monbetsu, Hokkaido. Con đường Cosmos Arakawa ở quận Kitaadachi, tỉnh Saitama. “Vườn Cosmos Giấc Mơ”. Ở thành phố Kameoka, Kyoto.
16. Tiết Xử thử (23/8 - 7/9): Kikyo - Cát cánh
Tiết Xử thử ghé thăm đảo quốc Nhật Bản khi mùa nóng khắc nghiệt đã qua đi, có thể nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả trong những bụi cây, ngũ cốc trổ hạt, gió lạnh thổi qua từ lúc chiều tối tới sáng sớm, đồng thời mùa bão cũng đang đến gần. Hoa Cát cánh là một trong bảy loài hoa cỏ nổi tiếng mùa thu, vẻ đẹp thanh tao và kiêu hãnh của hoa từu xưa đã rất được các võ sĩ yêu thích. Mỗi một đóa hoa ngẩng đầu lên đều tràn khí chất, chỉ một nhành hoa cắt để trang trí trong phòng cũng đủ tạo nên bầu không khí trang nghiêm.
Địa điểm gợi ý: “Xứ sở Cát cánh” ở chùa Kokusho, thành phố Kameoka, Kyoto. Chùa Kosho ở thành phố Shuchi, tỉnh Fukuoka. Chùa Rozan ở quận kamigyo, Kyoto - nơi Murasaki Shikibu từng viết nên kiệt tác “Truyện Genji” (Vào thời Showa, vườn hoa Cát cánh của chùa đã được gọi là “Vườn Genji”
17. Tiết Bạch lộ (8/9-22/9): Hagi - Hồ chi
Bạch lộ (sương trắng) là giai đoạn mà nhiệt độ nửa đêm hạ rất thấp, sương bắt đầu đọng trên cây cối và hoa cỏ lúc bình minh. Sức nóng ban ngày cũng bắt đầu dịu đi, khí tiết mùa thu bộc lộ một cách rõ rệt. Hồ chi là một trong bảy loài hoa cỏ nổi tiếng của mùa thu, dễ dàng bắt gặp ở vùng núi hoang dã. Vào đêm rằm mùa thu, Hồ chi cũng thường được đặt chung với cỏ Lô và bánh Dango để cúng bái trời đất.
18. Tiết Thu phân (23/9-7/10): Higanbana - Bỉ ngạn
Một tuần tính từ trước đến sau mốc Thu phân 3 ngày được gọi là tiết Bỉ ngạn mùa thu (20/9 - 26/9), và hoa Bỉ ngạn nở vào đúng thời điểm đó. Trong Phật giáo, từ “Bỉ ngạn” được dùng để chỉ miền Tịnh độ ở Tây phương Cực lạc, vì vậy mà hoa Bỉ ngạn được coi là loài hoa của Thiên giới. Người ta tin rằng ai nhìn thấy được hoa có thể tránh được ác nghiệp. Đặc biệt, không bao giờ nhìn thấy hoa và lá Bỉ ngạn xuất hiện cùng một lúc với nhau. Khi có lá thì không có hoa, khi có hoa nở thì không thấy lá, ví như một đôi tình nhân nhớ thương nhau nhưng âm dương cách biệt, muôn kiếp luân hồi cũng không bao giờ nhìn thấy nhau.
19. Tiết Hàn lộ (8/10-23/10): Susuki - cỏ Lô 
Vào tiết Hàn lộ (sương lạnh), khí tiết sáng sớm và đêm khuya lạnh buốt, nhưng ban ngày lại rất trong lành và dễ chịu. Loài hoa cỏ nổi bật của giai đoạn này là cỏ Lô, một trong bảy loài hoa cỏ mùa thu. Hình ảnh những ngọn cỏ Lô rũ mình phất phơ trong gió thu có thể khiến bạn thấu cảm được vẻ tĩnh mịch, thanh vắng đặc trưng của mùa thu Nhật Bản. Đây cũng là vật cúng không thể thiếu trong đêm Otsukimi (Trung thu)
Địa điểm gợi ý: Cao nguyên Sengokuhara gần hồ Ashi, phường Hakone của tỉnh Kanagawa. Cao nguyên Aoyama trên vùng núi Kasatori, tỉnh Mie.
20. Tiết Sương giáng (24/10-7/11): Kiku - Cúc
Sương giáng (sương rơi) là giai đoạn mà đêm trở nên lạnh hơn, ở các địa phương phía Bắc và vùng núi đã bắt đầu có sương muối, báo hiệu mùa đông đang dần đến. Vào thời kỳ này, Cúc cũng bắt đầu nở hoa. Trong tiếng Hán, “Cúc” có nghĩa là “tận cùng”, cuối cùng”, biểu thị ý nghĩa đây là loài hoa nở muộn nhất trong năm. Hoa nở đẹp nhất vào khoảng tháng 11, nhưng vẫn có loại nở vào mùa đông gọi là “Tàn cúc”, “Vãn cúc”, “Đông cúc” hay “Hàn cúc”. Hoa Cúc là biểu tượng của hoàng gia và được bầu là một trong hai loài quốc hoa của Nhật Bản.
Địa điểm gợi ý: Lễ hội hoa Cúc Kitami (thành phố Kitami, Hokkaido), Triển lãm hoa Cúc (quận Shinjuku, Tokyo), Lễ hội hoa Cúc toàn quốc (thành phố Izumi, Osaka)
21. Tiết Lập đông (8/11-22/11): Cha - Hoa trà (camellia sinensis) 
Lập đông (đầu đông) là thời kỳ bắt đầu màu đông. Đây cũng là giai đoạn mãn khai của hoa Trà. Hoa mọc lên từ thân cây trà, màu trắng, cánh hoa hơi cuộn lại avf hướng xuống đất. Đây là loài trung gian giữa Sơn trà Nhật Bản (Tsubaki) và Trà mai (Sazanka). Hoa có thể được dùng để làm các món gỏi, trang trí cho Tempura hoặc uống chung với nước trà. Trong ngôn ngữ các loài hoa, hoa Trà tượng trưng cho sự hoài niệm, trái tim chân thành và tình yêu thuần khiết. Hãy kết hợp việc ngắm hoa và thưởng thức trà thơm đầu đông bằng cách ghé thăm các vườn trà vào thời gian này nhé các bạn.
22. Tiết Tiểu tuyết (23/11-6/12): Kaede - Phong
Tiểu tuyết (tuyết nhẹ) là thời kỳ cây bắt đầu rụng lá, đây đó xuất hiện những đợt tuyết đầu tiên. Vào thời điểm này, khắp Nhật Bản sẽ được nhuộm trong sắc đỏ lá Phong Có 26 chủng loại Phong phát triển trên đất Nhật trong tổng số 160 chủng loại ở vành đai của bán cầu Bắc. Trong số đó, Momiji là một loại cây đặc biệt có sắc lá đỏ tươi, xứng đáng đại diện cho các loại lá đỏ Nhật Bản. Chữ Kaede trong tiếng Nhật bắt nguồn từ chữ “Kaerude” (tay ếch), bởi những chiếc lá xẻ vào trong trông giống như màng tay và chân ếch. Cây được trồng khắp nơi trên đường phố, sân vườn và núi đồi Nhật Bản.
Địa điểm gợi ý: Công viên Showa Kinen ở thành phố Tachikawa, Tokyo. Arashiyama ở thành phố Kyoto. Chùa Thanh Thủy (Kiyomizudera) ở thành phố Kyoto.
23. Tiết Đại tuyết (7/12-21/12) Tsubaki - Sơn trà Nhật Bản (Camellia Japonica)
Đại tuyết (tuyết lớn) là giai đoạn mà mùa đông chính thức ghé thăm Nhật Bản, tuyết rơi chồng chất khắp các dãy núi và vùng bình nguyên. Kể từ đầu tháng 12, Sơn trà Nhật Bản (Tsukiba) cũng bắt đầu nở. Có giả thiết cho rằng cái tên “Tsubaki” trong tiếng Nhật bắt nguồn từ việc cánh hoa trông giống như chuôi kiếm (tsuba), sau đó ghép thêm chữ “mộc” (ki) vào. Người Nhật xưa tin rằng lá Sơn trà có linh lực đặc biệt. Nét đẹp thanh thoát của Tsubaki được biểu thị trên hoa văn của các đồ thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, sơn mài. Tinh dầu chiết xuất từ hạt Tsubaki được dung để làm dầu gội đầu, gỗ dung làm vật liệu xây dựng.
Địa điểm gợi ý: vườn Tsukiba trong công viên Shimoda (thành phố Shimoda, Shizuoka). Công viên Shiroyama - di tích thành Nobeoka (thành phố Nobeoka Miyagi). “Thung lung Tsukiba” ở thành Matsue (Shimane) và thác Ino ở phường Ohara (Chiba).
24. Tiết Đông chí (22/12-5/1) Sanzanka - Trà mai (Camellia sasanqua)
Đông chí (giữa đông) là thời kỳ mà ngày ngắn và đêm dài nhất trong năm. Trà mai bắt đầu nở từ cuối thu - đầu đông, mùa mà ít hoa nào nở. Đây là loài hoa bản địa của Nhật Bản. Hoa dễ bị nhầm với Tsukiba nhưng nở sớm hơn, cánh hoa nhỏ hơn. Hương hoa thơm ngọt ngào. Có thể chiết xuất tinh dầu từ hạt.
Địa điểm gợi ý: Vườn chùa Koyasujizo (thành phố Hashimoto, Wakayama). Vườn Genroku ở chùa Kongo (thành phố Gộ), chùa Senshuku (thành phố Góe) ở tỉnh Nẩ. Chùa Gansen (thành phố Kizugawa), chùa Niyoi (thành phố Kyotango) ở tỉnh Kyoto.
9/9/2018
Nguồn: Kilala
Theo http://www.yodogawa.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...