Sa mạc nở hoa 2
Trở lại phòng chơi tuần sau Dibs xem ra vui vẻ lắm.
– Má nói có thể bữa nay má tới đón trễ.
– Phải cô biết. Má có nói với cô là có thể bà tới trễ.
Em lượn quanh phòng với nụ cười rạng rỡ trên nét mặt. “Em
nghĩ là em sẽ hát”.
– Nếu em muốn hát thì cứ hát.
– Và nếu em muốn im lặng thì cứ im lặng! – Em reo – Và nếu em
muốn suy nghĩ thì cứ việc suy nghĩ. Và nếu em muốn chơi thì cứ việc chơi. Cứ
như thế có phải không cô?
– Phải, cứ như thế.
Em đi ra chỗ dựng giá vẽ và nhìn vào những thứ sơn màu. Em cầm
hũ sơn màu xanh da trời lên. Em cất tiếng hát, em cầm hủ sơn đung đưa nhịp
nhàng, từ bên nọ sang bên kia.
Sơn ơi! Sao sơn xanh quá vậy!
Làm chi? Sơn xanh mi biết làm chi?
Vẽ trời. Vẽ sông. Vẽ hoa. Vẽ chim.
Vẽ hết các vật xanh thật là xanh.
Để nhuộm xanh xanh. Mọi loài mọi vật.
Xanh nữa đi sơn. Xanh nữa đi sơn!
Em đi lại chỗ tôi với một hủ sơn.
Sơn tràn, sơn trào
Sơn chảy dài dài
Sơn rơi từng giọt
Sơn đẹp đẽ ơi
Xanh ơi là xanh!
Em hát tiếp lên những lời tự đặt lấy.
Một màu di động
Di động khắp nơi
Xanh quá là xanh!
Em lắc qua lắc lại hủ sơn trong lúc hát. Em đặt nó lại trên
bàn vẽ. Và cầm hủ sơn màu xanh lá cây lên.
Sơn xanh màu lá
Lặng lẽ nõn nà
Quanh ta mùa xuân
Quanh ta mùa hạ
Trên cỏ, trên cây
Trên các hàng giậu
Xanh xanh màu lá
Em đặt hủ sơn xanh màu lá và câm hủ sơn đen lên.
Ôi đen như đêm
Ôi đen màu sẫm
Bốn bề vây ta
Bóng đen ác mộng
Giông tố đêm đêm
Đen ơi là đen
Em đặt hủ sơn này trở lại và cầm hủ sơn đỏ lên. Em đưa hủ này
cho tôi xem, em cầm bằng hai tay úp lại. Lần này em dằn từng tiếng.
Sơn đỏ nỗi sùng
Sơn đỏ nỗi cáu
Màu đỏ ghê ghê
Giận ghét. Điên khùng. Sợ hãi.
Đánh lộn ào ào
Nhuốc nhơ màu đỏ
Ôi căm ghét. Ôi máu,
Ôi nước mắt.
Em hạ thấp hủ sơn đang cầm trên tay. Em đứng đó lặng yên nhìn
hủ sơn. Rồi em thở dài não nuột đặt hủ sơn lại trên bàn vẽ. Em cầm hủ sơn màu
vàng lên. “Ồ màu vàng bần tiện. Màu bần tiện, màu gây bực bội. Ồ, những thanh sắt
gắn trên cửa sổ để nhốt cây ở bên ngoài. Ôi cửa với cái khóa và chìa khóa vặn
ngược. Tao ghét mày màu vàng. Màu cũ kỹ bần tiện. Màu của những nhà tù. Màu của
cô đơn và sợ hãi.Ôi màu vàng bần tiện. “Em để nó xuống bàn vẽ.
Em đi ra cửa sổ và nhìn ra. “Hôm nay trời đẹp quá”.
– Phải, trời đẹp lắm.
Em đứng đó nhìn ra ngoài cửa sổ một hồi lâu. Tôi ngồi đó, tự
hỏi tại sao em lại có những liên tưởng như vậy với những màu sắc của sơn. Tại
sao em lại ác cảm màu vàng tới mức đó.
Em trở lại bàn vẽ. “Thứ sơn xanh lam ngọc còn mới đây”.
– Phải, còn mới.
Em căng hai tờ giấy lớn trên giá vẽ, cẩn thận lăn cọ vẽ trong
sơn xanh. Rồi cầm cọ vẽ ra la-va-bô, mở vòi nước để nước chảy. “Ồ, coi kìa! Nó
làm nước hóa xanh”. Em lấy ngón tay bịt vòi nước và những tia nước phun ra sàn.
Em cười lớn. “Nước xịt, nước xịt, nước xịt” – em la. Và em, chính Dibs đây có
thể làm nước bắn thành vòi và có thể biến màu nước thành màu xanh.
– Cô thấy em làm được.
Em đánh rơi cây cọ, nó tuột xuống ống cống. Em vội vã chụp lại,
nhưng không được. Nó đã nằm dưới ống cống. “Rồi” – em la- “Thật là rắc rối! Em
không moi nó ra được. Tuột xuống mất tiêu rồi. Nhưng nó nằm dưới ống cống đó. Ở
cống dưới”. Em mở cánh cửa tù bên dưới la-va-bô và xem xét ống nước. Cây cọ
trong này!” – Em nói. Em cười vui vẻ.
Em nghịch nước, em mở rô-bi-nê thật lớn khiến nước bắn tung
ra. Em lấy bình chai hứng đầy nước. Em cầm núm vú, ráng lắp vào chai, nhưng
trơn ướt nên không lắp được. Em nhai núm vú. Em để cái chai vào chậu la-va-bô
và chậu bắt đầu đọng nước. Em mở rô-bi-nê mạnh thêm, nhai núm vú, vục mặt vào
vòi nước cho ướt mặt.
“Nước càng ngày càng đầy. Rửa gấp. Rửa gấp. Rửa gấp”. Em lấy
hai hủ sơn trống và bẩn để vào chậu la- va- bô. Rồi em để ý tới bộ dĩa nhựa
trên kệ, lấy những hủ sơn để ra ngoài, bỏ những chiếc dĩa vào chậu. Em nhún nhẩy
vừa nói chúng ướt hết rồi. Cái gì cũng ướt. Nước bắn tứ tung. Khăn lau dĩa đâu?
Khăn chùi dĩa đâu? Xà bông đâu? Nước bắn. Nước bắn. Nước bắn. Trời ơi! Vui
quá!”
– Em vui lắm à?
– Vâng. Ngập nước rồi. Ướt rồi. Có những chiếc sắp chìm xuống.
Cho em xà bông đi.
Tôi lấy cho em một miếng xà bông, một khăn lau dĩa và một
khăn mặt. Em rửa những chiếc dĩa cẩn thận, kỳ cọ và lau khô. “Đã có khi nào cô
trông thấy những chiếc dĩa đẹp như thế này chưa? Những cái dĩa này giống như những
chiếc dĩa mà bà gởi, bởi vì Dibs đã bỏ quên những đồ chơi ở nhà bà, và bà gởi
trả lại Dibs bằng đường bưu điện?”
– Ồ, vậy hả? Bà gởi cho em mấy cái dĩa giống như thế này bằng
đường bưu điện?
– Vâng, em đi thăm bà, lúc em về, bà quên không gói những con
thú của em. Nên bà gởi bưu điện cho em. Và dành cho em một điều bất ngờ. Những
cái dĩa giống những cái này. Những cái dĩa đẹp giống hệt những cái này.
– Em thích món quà bất ngờ của Bà lắm nhỉ?
– Vâng. Thích lắm. Và ngày mười hai tháng năm bà đến nhà – em
nhìn tôi mắt sáng lên, một nụ cười thoải mái nở trên môi – Bà đến nhà, em nhắc
lại. Vui lắm! em nói lớn – Ngày mười hai tháng năm Bà đến nhà!
– Cô nghĩ là điều đó làm cho em cảm thấy rất sung sướng. Gặp
lại bà em vui lắm phải không?
– Đúng vậy! Dibs nói. Vui phát khùng lên được.
Em lại bắt đầu ca.
Gởi Dibs với lòng thương yêu của bà
Với lòng yêu thương, với lòng yêu thương gởi Dibs
Bà đến, bà đến
Bà đang đi vào nhà
Với lòng yêu thương!
Em nồng nhiệt vỗ tay. “Em tổ chức tiệc liên hoan” – em tuyên
bố! – “Em tổ chức tiệc liên hoan ngay lập tức”. Em đặt tất cả những chiếc ly nhỏ
thành một hàng. Em đổ nước vào mỗi ly. “Cho tất cả các bạn, mỗi người một ly. Sẽ
có các bạn nhỏ dự tiệc với em”.
– Em mở tiệc liên hoan với các bạn trẻ à?
– Dạ, trẻ con. Nhiều trẻ con lắm. Nhiều trẻ con thân thiết.
Em đếm bảy cái ly. “Bảy cái ly. Sẽ có bảy đứa trẻ dự tiệc của
em”.
– Em có bảy em dự tiệc với em, có phải không?
– Sáu đứa và Dibs.
– Ồ, sáu em khác và em nữa.
– Đúng vậy. Sáu đứa trẻ khác và Dibs nữa là bảy.
– Đúng.
Trong trò chơi này, Dibs diễn tả nỗi khao khát được hòa hợp với
những đứa trẻ khác.
Cái bình chai mà em dùng để chặn ngay lỗ la-va-bô tuột ra và
nước ùng ục chảy. Dibs cười. “Ồ, tiếng nước chảy ngộ quá” – em nói- “Bốn giờ rồi.
Trời tối rồi. Cũng đã muộn”. Em đổ nước trong ly ra và rót đầy đồ uống liên
hoan. Tới giờ rót nước rồi.
Em hứng đầy bình nhựa nước và rót nước vào từng ly, vừa làm,
vừa hát. “Ồ, ly số một, nước phần mi. Và ly số hai, ly số ba. Coi chừng đừng để
trào, nhưng có thể tung tóe ra. Ly số bốn, số năm, số sáu. Rồi ly số bảy đổ
tung tóe. Đổ. Đổ. Đổ. Chảy. Chảy. Chảy. Nước chảy đầy khay. Nước đầy sàn nhà.
Nước chảy khắp nơi. Nhưng em trân trọng từng giọt, say sưa từng giây.
Em tìm được hai ly nhựa. “Ồ, hai cái ly nữa” – em reo lên. Thế
là có chín đứa dự tiệc. Em sẽ tổ chức tiệc trà. Em sẽ đãi trà mọi người. Em đổ
nước trong ly ra và sửa soạn cho buổi tiệc trà.” Em mở thêm nước. “Bây giờ em sẽ
đãi tiệc trà” – em nói – “Còn mấy phút nữa?”
– Tám phút nữa.
“Sẽ có một tiệc trà tám phút” – em tuyên bố- “bữa nay chúng
ta dùng bộ đồ trà đẹp của chúng ta”. Giọng nói của em thay đổi. Giọng nói trở
thành câu nệ và cao. Em nhái rất đúng giọng nói của bà mẹ. “Nếu tổ chức tiệc
trà thì phải làm cho đúng mực” – em nói- “Phải. Phải có trà. Một chút nước trà
trong mỗi ly, rồi rót sữa vô. Nếu con muốn cho thêm nước cũng được. Nhưng đừng
cho thêm trà nữa. Đừng có cãi”. Em lấy muỗng đổ nước vào mỗi ly. “Ly số sáu nhiều
trà quá” – em nói, với giọng nghiêm nghị. “Yêu cầu cho bớt trà ở ly số sáu và
theo thật đúng những lời chỉ dẫn của má. Và đường trẻ con uống như vậy là đủ rồi.
Đủ đường rồi. Má không cần phải nhắc lại tất cả những lời má dặn. Nếu con muốn
mở tiệc trà thì con cứ ngồi yên vào bàn và chờ cho tới lúc mọi người được phục
vụ. Con có thể lấy chiếc bánh quế để ăn lúc uống trà. Đừng nói trong lúc miệng
đầy.” Dibs xếp đặt bàn. Em kéo chiếc ghế lại gần bàn. Điệu bộ em có vẻ hiền từ,
nhẫn nhục, lặng lẽ khi em uống trà trong chiếc ly nhỏ.
Em cầm bình nước lên và thong thả đi quanh bàn, thận trọng đổ
nước vào mỗi ly. “Trong mỗi ly có một chút nước trà” – em nói bằng giọng nói
căng thẳng và rành mạch.
“Trong ly số ba nhiều trà quá. Đổ bớt đi.” Dibs đổ bớt nước
ra. “Có thể thêm cho mỗi ly một chút đường”. Em bận rộn bày bán. Bình thứ hai
được coi là bình sữa. Một muỗng cát nhỏ cẩn thận được đổ thêm làm đường. “Cầm
muỗng đường cho cẩn thận.” – giọng nói bắt chước của Dibs tiếp tục – “Ly số sáu
nhiều trà quá. Cần bớt đi. Còn lộn xộn nữa thì về ngay phòng. Má sẽ khóa nhốt
con trong phòng”.
Dibs ngồi vào bàn trong số một trong số những chiếc ly. Em cẩn
thận chấp tay để trên bàn. “Con phải cẩn thận lúc ăn bánh” – giọng Dibs tiếp tục.
Em với tay trên mặt bàn lấy bánh và làm đổ một chiếc ly. Em chồm đứng dậy, nét
mặt kinh hãi.
“Không có tiệc nữa” – em la hoảng – “Tiệc xong rồi. Em làm đổ
nước trà.” Em vội vã đổ nước ra khỏi ly và úp lại trên kệ.
– Tiệc trà chấm dứt vì em làm đổ nước trà ư? – Tôi hỏi.
– Đồ ngốc! Đồ ngốc! Đồ ngốc! – Em la lối
– Đó là chuyện không may thôi.
– Chỉ có người ngốc mới làm chuyện không may.
Mắt em ngấn lệ. “Tiệc xong rồi. Trẻ em ra về rồi. Không còn
tiệc liên hoan nữa” – giọng em nghẹn ngào. Đây là một kinh nghiệm rất thiết thực
đối với em. “Đó là một tai nạn” – em bảo tôi – “Nhưng tiệc xong rồi”.
– Tai nạn làm em khiếp sợ và khổ sở – tôi nói – “Tai nạn đánh
đổ nước trà đã chấm dứt tiệc vui. Thế đứa nhỏ đánh đổ trà có bị nhốt vô phòng
không?”
Dibs đi quanh phòng, hai tay nắm chặt vào nhau.
-Có, có chứ. Nó bị nhốt. Nó cần phải cẩn thận. Nó thật là ngốc.
Em đá đổ một chiếc ghế. Em hất đổ những chiếc ly bày trên kệ.
“Em không muốn có tiệc nữa” – em la lên – “Em không muốn có đứa trẻ nào quanh
đây cả!”
– Em nổi giận và khổ sở khi có chuyện như vậy xảy ra à?
Dibs lại gần tôi. “Cô cháu mình xuống văn phòng cô đi” – em
nói – “Cô cháu mình đi ra khỏi đây. Em không ngốc đâu!”
– Không. Em không ngốc. Nhưng em bị bấn loạn khi có điều gì xảy
ra như vậy.
Chúng tôi đi dọc dãy hành lang và về văn phòng tôi. Dibs ngồi
vào ghế im lặng một lúc lâu. Rồi em nhìn tôi với nụ cười trên môi. “Em ân hận”
– em nói.
– Ân hận? Tại sao em lại ân hận?
– Bởi em đánh đổ nước trà. Em vô ý. Em không nên vô ý như thế.
– Em nghĩ là em nên cẩn thận hơn phải không?
– Vâng, em nên cẩn thận hơn, nhưng em không ngốc.
– Có lẽ em vô ý, nhưng không ngốc, phải không?
– Phải – Dibs nói. Có nụ cười trên nét mặt em.
Dibs đã thành công trong việc xua đuổi cơn bão táp. Em đã
khám phá ra một sức mạnh bên trong con người em để đối phó với tình cảm bị
thương tổn.
“Để em viết một bức thư” – em nói. Em cầm lấy một cây bút chì
và một tờ giấy và bắt đầu viết, lớn tiếng đánh vần từng chữ lúc viết.
Dibs thân mến:
Ta rửa bộ đồ trà và ta đậy ống nước lại. Ta đã đãi tiệc. Trẻ
em tới dự.
Thân ái,
Ta.
Em nhìn vào cuốn lịch để trên bàn giấy của tôi, kéo nó lại gần
em. Em lật cuốn lịch tới ngày mồng tám tháng tư. Em khoanh tròn con số tám và
viết tên em lên tờ lịch này.
“Mồng tám tháng tư là ngày sinh nhật của em” – em nói. Em lật
cuốn lịch, chọn được một ngày khác và viết “Má”. Rồi tới một tờ có ngày khác,
em viết “Ba”. Rồi tới tờ khác em viết “Dorothy”. “Đó là sinh nhật của má, của
ba và của Dorothy” – em nói với tôi. Em lại lật tờ có viết chữ Ba. Em viết thêm
chữ “Bà” lên đó.
– Ngày sinh nhật của Ba và của Bà cùng ngày – em nói.
– Vậy à?
– Vâng, chỉ có người này lớn tuổi hơn người kia thôi.
– Ai lớn tuổi hơn?
– Bà, em đáp, có sự ngạc nhiên trong giọng nói.
Em nhìn vào trang lịch – Em tẩy chữ này đi – em nói, chỉ ngón
tay vào chữ Ba.
– Em tẩy à?
– Thôi – em nói rồi thở dài – Thôi, phải để lại, bởi vì là
ngày sinh nhật của ông.
– Dù em có muốn hay không thì vẫn là ngày sinh nhật của ông hả?
– Đúng, và ông ta cần nó.
– Em nói thế nghĩa là làm sao?
– Ông cần nói, em cần nó.
– Ồ, lạ nhỉ.
Em lật ngày hai mươi ba tháng chín. “Em sẽ gọi ngày này là
ngày đầu mùa thu”. Em viết trên ngày này những chữ “Chào đón mùa thu”.
Em kéo hộp phiếu hồ sơ của tôi lại gần em.
– Tên em có trong phiếu hồ sơ của cô không? Có tấm phiếu nào
ghi tên em như của bác sĩ không?
– Em thử lục coi.
Em lật những tấm phiếu xếp theo chữ đầu của họ.
– Không, ở đây không có. Để em lục chữ D. Có thể cô xếp theo
chữ D. Theo tên em, để em xem lại chữ Dibs.
Em xem lại. Nhưng tên em không có trong phiếu hồ sơ.
– Không có cô ạ.
– Em muốn có tên ở đó không?
– Có ạ.
– Vậy thì em cứ việc để vô đấy.
Em chọn lấy một phiếu trắng, nắn nót viết bằng chữ in tên, địa
chỉ và số điện thoại. Và em xếp đúng theo mục lục chữ đầu của họ em. Em lấy ra
một phiếu trắng khác, viết tên tôi lên đó, đề địa chỉ là “Phòng chơi”, hỏi số
điện thoại của Trung Tâm, viết lên tấm phiếu, xếp tấm phiếu này ở vần A.
Chuông nhà thờ lại vang lên. “Gần tới giờ ăn tối rồi”. Em
nói. Em đi ra cửa sổ và ngó ra ngoài. Em có thể nhìn thấy đoàn người mỗi lúc một
đông lũ lượt tiến về cửa dẫn xuống ga xe điện ngầm. Em nhìn theo họ. “Người ta
đi làm về, đi làm về, đi làm về” – em nói- “Đi theo hướng Đông khi đi làm về. Về
ăn cơm chiều. Rồi sáng mai lại đi. Lại đi theo hướng Tây. Đi theo hướng Tây lúc
buổi sáng và vào làm”.
– Đúng. Tôi nói.
– Người nào cũng về nhà. Tất cả những người đi làm đều về
nhà. Về nhà để ăn bữa cơm chiều. Về nhà để ngủ đêm. Người nào cũng đi về hướng
Đông. Rồi sáng mai lại đi. Lại đi theo hướng Tây. Đi theo hướng Tây lúc buổi
sáng và vào làm”.
– Đúng. Tôi nói.
– Người nào cũng về nhà. Tất cả những người đi làm đều về
nhà. Về nhà để ăn bữa cơm chiều. Về nhà để ngủ đêm. Người nào cũng đi về hướng
Đông. Rồi sáng mai lại đi làm, họ đi theo hướng Tây.
– Đúng, đúng thế. Nếu họ đi xe điện ngầm hay xe buýt. Bây giờ
họ đang đi về nhà. Buổi sáng họ trở lại làm việc.
– Phải. Đi tới đi lui. Hết ngày này sang ngày khác. Chán lắm.
Em đứng đó, lặng lẽ nhìn qua cửa sổ một lúc lâu. Rồi em quay
lại nhìn tôi.
– Má đâu?
– Má chưa tới. Khi bà tới sẽ có chuông báo cho mình.
– Văn phòng báo à?
– Phải.
– Cô biết chắc như vậy không?
– Biết chứ. Chắc chắn như vậy.
Chuông báo reo. “Đúng như cô nói” – Dibs nhận định, đưa tay
chỉ cánh cửa.
– Phải, má em đã tới.
“Em biết” – Dibs nói – “Tạm biệt cô”. Em lại gần tôi, bẽn lẽn
sờ tay tôi. “Tạm biệt cô A” – em nói.
Chúng tôi cùng đi xuống phòng chờ. Mẹ em chào tôi, vẻ thân
thiện, thoải mái. Dibs lặng lẽ đứng cạnh bà. Khi hai mẹ con ra về, bà giục
Dibs: “Con chào cô…”
– Chào cô – Dibs cướp lời, giọng máy móc, nhạt nhẽo.
– Em chào tôi rồi, lúc còn ở văn phòng – Tôi nói với bà mẹ.
Dibs tươi hẳn lên. “Chào cô A một lần nữa” – em nói – “Chào
cô vui vẻ”.
CHƯƠNG 14
Tuần sau đó khi tôi đang ở phòng tiếp nhận thì mẹ con Dibs đến.
Khi đó tôi mặc một chiếc áo dài lụa in bông.
– Ồ, má coi kìa – Dibs reo – áo màu đẹp quá. Hoa đẹp không?
Áo đẹp không?
– Ừ – má em nói – áo cô đẹp lắm.
– Những màu sắc – Dibs nói – Những màu sắc đẹp.
Lần này khác hẳn với lối đến âm thầm thường lệ của em. Má em
mỉm cười.
– Dibs nằng nặc đòi phải đem đến khoe cô một món quà sinh nhật
của cháu, cô thấy có được không?
– Được chứ. Nếu em muốn mang đến, được lắm chứ.
– Dạ, cháu muốn lắm.
Dibs nôn nóng muốn trở lại phòng chơi. Em kè kè ôm một hộp lớn
chắc là đựng quà sinh nhật.
“Cháu có thể cắt nghĩa cho cô” – mẹ em nói – “Thực vậy, tôi
nghĩ là cháu có thể trả lời được hết”. Có sự hãnh diện không lầm được trong giọng
nói của bà.
Dibs đã trở lại phòng chơi. Tôi đi theo em. Em ngồi trên bờ bể
cát và mở gói quà bọc giấy. “Em đang ở đây” – em tuyên bố – Em đang ở đây”.
– Được. Em hãy cứ tự nhiên như ở nhà vậy.
– Không như ở nhà! Dibs đáp. Như ở phòng chơi chứ!
– Phải. Hãy cứ tự nhiên như ở phòng chơi!
Dibs lăng xăng đi lại quanh phòng mỉm cười sung sướng. “Em mới
mừng sinh nhật’ – em nói.
– Sinh nhật em có vui không?
– Vui.
Em trở lại với gói đồ. “Cô thấy không đây là máy điện tín quốc
tế chạy bằng pin và các đồ phụ tùng. Thấy không? Đây là những nút chấm và đây
là những nút gạch và máy gởi thông điệp đi bằng tín hiệu. Cô đánh vần bằng chấm
và bằng gạch, nó sẽ gởi thông điệp đi bằng tín hiệu. Không phải bằng chữ mà bằng
tín hiệu. “Trong lúc em di chuyển máy pin rơi ra. Em vội vàng lắp pin lại. “ Nó
rời ra” – em giải thích. “Những cục pin này lắp không kín lắm. Khi em nhấn nút
cô có nghe thấy những tiếng động nhẹ không? Đó là thông điệp. Cô thấy ngộ
không?”
– Có, ngộ lắm, Dibs ạ.
– Rất, rất là hay – Em nhấn nút và đánh một thông điệp – Thấy
nó chạy không? Đây là bộ máy điện tín quốc tế và ai cũng đọc được nếu biết tín
hiệu.
– Cô thấy rồi.
Một chiếc xe vận tải chạy bên ngoài cửa sổ. “ Mày nhìn xe vận
tải, Dibs” – em nói trở lại với lối nói hồi trước. “Mày mở cửa sổ Dibs”. Em mở
cửa sổ và nhìn ra ngoài. “Ồ, xe chạy rồi” – em nói.
– Nó đi rồi ư?
“Dạ, một chiếc xe vận tải khác đến”. Một chiếc xe vận tải
khác rẽ vào và đậu lại. Dibs nhìn tôi cười. Có lẽ sự rút lui trở về với kiểu
nói trẻ nít là một sự giải tỏa bớt áp lực của những kỳ vọng mà món quà sinh nhật
gợi lên. “ Đây là xe vận tải” – Dibs nói – “Nó đậu lại. Nó di chuyển. Bây giờ
nó lùi. Người đàn ông ra khỏi xe. Ông ấy mang một cái gì. Bốn hộp một lần. Ông
đưa cái gì vào trong nhà. Ông đi ra. Ông lấy lại bốn hộp lớn. Ông vào trong
nhà”.
Em tựa trên khung cửa sổ và xem xét chiếc xe vận tải. Em
ngoái cổ qua vai nhìn tôi. “Đó là xe vận tải lớn. Màu đó dơ bẩn. Không biết hộp
ấy đựng gì, nhưng ông có một xe đầy. Ông hết đi vào lại đi ra xe. Ông khuân
thùng vào trong nhà. Đi tới đi lui, Đi ra đi vô. Ông mang đồ”.
Hai cô nữ sinh viên cắp sách đi ngang qua cửa sổ. Các cô nhìn
lên thấy Dibs tựa cửa sổ.
– Chào chú – Một cô gái chào Dibs. Em làm ngơ.
– Chị chào em – Cô gái nói to. Dibs tiếp tục làm ngơ.
– Em không chào lại à? – Cô gái hỏi – Em không biết nói hay
sao? Có chuyện gì buồn phải không? Hay mèo tha mất lưỡi rồi?
Dibs không nói gì cả. Em đứng nhìn qua cửa sổ, yên lặng nhìn
theo họ. Khi hai cô đã đi khuất, em nói: “Em nhìn mấy cô ấy đi qua. Em không
nói với họ. Có một người đàn ông trên xe vận tải. Em không nói với ông ta. Có một
người đàn bà đi dọc đường phố. Em không nói với bà ta. Em không nói gì với bất
kỳ người nào trong số những người này. Chiếc xe vận tải chạy kia kìa. Chào
xe!”. Xe chạy qua có tiếng máy nổ.
“Em không chào lại à? Em không biết nói à?” – em nhái giọng
cô gái. Dibs đóng sập cửa lại và quay lại đối diện với tôi mắt đỏ lên vì giận dữ.
“Không muốn chào. Không muốn nói với mấy người ấy!” – Dibs la lớn – “Không thèm
nói”
– Em nhìn người ta, em nghe người ta nói, nhưng họ làm cho em
bực mình và em không muốn nói chuyện với họ – Tôi nói.
– Đúng vậy – em nói – Người ta bần tiện nên em không nói với
họ. Nhưng em nói với cái xe vận tải. Em chào tạm biệt xe vận tải.
– Xe vận tải không thể nói gì mất lòng em, có phải không?
– Xe vận tải tử tế.
Rồi em thu nhặt một sô cát nhỏ, một chén nhựa, một cái muỗng,
vài cái khuôn làm bánh và một cái rây bột. Em bày những đồ vật này trên cát.
“Bây giờ em sẽ nướng bánh” – em loan tin – “Bữa nay chị bếp nghỉ và em sẽ nướng
bánh. Việc này sẽ làm cho trí em được thảnh thơi” – em nói. Em bắt đầu đong và
trộn cát trong cái chén. “Em lấy bột, lấy đường và bơ” – em nói- “Em sẽ lấy cái
rây bột. Rây ba lần. Em sẽ rây như thế này để làm cho nó nhẹ hơn. Làm như thế
bánh ngon hơn. Và em sẽ thêm bơ. Bơ đôi khi cũng gọi là chất béo. Những thứ
khác cũng gọi chất béo như mỡ, bơ, dầu thực vật.” Em chú ý hết mình vào trò
chơi.
“Nào, để em thêm sữa” – em nói – “Cô có thấy là em đốt lò trước
lên không để cho nóng trước? Nóng trước có nghĩa là làm cho nó ấm trước thời
gian nướng. Rồi em lấy khuôn bánh. Có nhiều thứ khuôn. Đây là những khuôn hình
con thỏ. Đây là những khuôn hình sao. Đây là những khuôn hình trái bí. Cô có chọn
khuôn nào không? Nếu cô lựa cô đưa cho em. Hay là đẩy ra phía bàn bên này. Em
muốn biết xem cô có hiểu những điều em nói với cô. Cô hiểu về khuôn chứ? Cô có
muốn em làm bánh con thỏ không? Bây giờ để em cán bột bằng cái cây lăn nhỏ này
và em sẽ cắt bằng khuôn mà cô chọn”.
Bột làm bánh của em không đủ đặc. Em liếc mắt nhìn tôi. “Bột
làm bánh thật, dính nhau hơn” – em nói – “Nhưng em cứ coi như là chúng dính
nhau và em cắt bằng khuôn hình con thỏ. Em phải để bột lên vỉ và nắn hình.”
– Cô biết – Tôi góp lời.
“ Bây giờ đặt bánh vào lò đốt sẵn” – em nói. Em để khay bánh
bằng cát vào cái lò giả. “Bây giờ em sẽ ngồi xuống và chờ bánh chín.” Em ngồi
xuống trên bờ bể cát và cởi dây giày ra. Em tháo giày ra, bò vào cát và hát.
Ồ, bánh ơi, chín đi
Trong lúc ta ngồi đây
Ồ, bánh ơi, chín đi
Trong lúc ta cởi vớ
Trong lúc ta đổ cát trên chân
Trong lúc ta đếm ngón
Một, hai, ba, bốn, năm.
Năm ngón chân trên một bàn chân
Ô, số nào là sau số một?
Ta bảo mi làm sao?
Nghĩ đi. Nghĩ đi. Cứ nghĩ đi.
Ta sẽ nhắc lại điều đó
Coi ta và nghe ta nói
Một, hai, ba, bốn, năm
Ta nói gì nhỉ?
Mi nói lại đi
Một, một, một
Ta nói gì nhỉ?
Nghe lại một lần nữa
Một, hai, ba,bốn
Một, một, một
Lắng nghe ta đây
Đứa trẻ ngu ngốc
Một. Hai. Hai. Hai.
Bây giờ nhắc lại
Một, hai, ba, bốn, năm
Đúng. Đúng. Đúng rồi
Thưởng mi chiếc bánh
Vừa chín còn nóng!
Em cười. “Như vậy năm ngón trên một bàn chân và năm ngón ở
chân kia cộng lại mười ngón trên hai bàn chân” – em nói – “Cô có học hỏi được
gì không? Hay là cô biết mà cô không trả lời em?”
– Đôi khi em biết những câu trả lời mà tại em không muốn nói.
Có phải như thế không?
“Em không biết khi nào em đã biết và khi nào em không biết” –
Dibs nói, em đã nói thành lời sự lúng túng mà em đã thường vấp phải. Em nằm ngửa
xuống cát và uốn cong người cho tới khi ngón chân em chạm đến tận môi. “Cô có
thấy em tài không?” – em nói- “Em có thể gập đôi người lại mà chẳng cần ai dạy
cả”. Em lăn mình trên cát. Em đứng thẳng lên và nhảy xuống trong cát. Em chạy
ra bàn, lấy bình chai và trở lại bể cát. Em nằm xuống và bú bình chai như một đứa
trẻ nít. Em nhắm mắt lại. “Hồi em còn bé” – em nói.
Tôi chờ đợi, nhưng em không nói tiếp.
– Khi em còn bé thì sao? Sau cùng tôi hỏi.
– Khi em còn bé – em nhắc lại. Rồi bỗng ngồi bật lên – Em
không còn bé. Không bao giờ em là trẻ nít cả!
– Bây giờ em không còn là con nít và không muốn nghĩ em đã là
con nít phải không?
Em đi lại chỗ giá vẽ.
– Có mười một màu sơn khác nhau trên bàn vẽ. Những màu sắc
khác nhau được làm bằng những nguyên tố khác nhau. Cô có biết điều đó không?
– Vậy hả? – Tôi hỏi lại.
– Dạ.
Dibs mỉm cười. Em đập đập hai cánh tay như gà vỗ cánh. Em cười.
“Dibs vui quá” – em reo lên – “Tiếp tục công việc, Dibs. Ra chỗ nước. Ra chỗ chậu
la- va- bô”. Em đi giày, thắt dây giày thật chặt, nhảy ra chỗ đặt la-va-bô, mở
cửa và vặn rô-bi-nê nước thật lớn. Em lấy bình chai, cầm ra la-va-bô, đổ nước
chai còn lại, rồi hứng đầy. Nước bắn vô phòng. Em mở rô-bi-nê nước uống, lấy
ngón tay bịt một phần miệng vòi và hướng tia nước bắn vào phòng. “Em tạo dòng
nước phun!” Em xăn tay áo lên. Em hứng nước đầy bình chai, ráng lắp núm vú vô,
nhưng bị trơn tuột.
– Cô A sẽ làm việc ấy giúp em, Dibs – em nói – Cô A sẽ không
xua đuổi em đâu.
– Em nghĩ là cô sẽ giúp em ư?
– Vâng. Em biết là cô sẽ làm mà.
Em đưa cho tôi cái bình chai và cái núm vú. Tôi lắp cho em và
đưa trả chai cho em.
Em đứng trước mặt tôi bú chai, nhìn tôi trừng trừng. “ Em
không bị cô gọi là thằng ngốc” – em nói – “Em nhờ cô giúp thì cô giúp. Em nói
là em không biết, thì cô biết. Em nói là em không làm được thì cô làm được”.
– Như vậy thì em cảm thấy thế nào?
“Em cảm thấy như lúc này này” Em nhìn tôi đăm đăm và trang
nghiêm. Em quay trở lại la-va-bô, hứng đầy bình chai, đổ đi, mở rô-bi-nê, phun
nước, cười trong lúc đổ nước ra khay và sàn nhà “Làm cho trơn ướt!” Em nói lớn
– Làm rối tùm lum”. Em nhìn thấy một hộp chùi nồi soong trên kệ bên trên
la-va-bô. Em leo lên lấy xuống.
– Hộp này đựng cái gì?
– Bột chùi nồi soong.
Em đưa lên ngửi, đổ ra một chút ra tay nhìn rồi đột ngột đưa
lên miệng nếm.
– Đừng Dibs – tôi la- Đây là bột chùi nồi soong chảo không nếm
được đâu.
Em quay lại lạnh lùng nhìn tôi. Sự phản ứng đột ngột của tôi
có vẻ mâu thuẫn. “Làm sao em có thể nói là nó có vị gì nếu em không nếm?” – Em
nghiêm chỉnh hỏi tôi.
– Cô cũng không biết có cách nào khác. Nhưng cô không nghĩ là
em cần phải nếm. Nếm không tốt đâu.
Em nhổ xuống chậu la-va-bô.
– Em súc miệng bằng nước đi – tôi đề nghị.
Em làm theo. Nhưng phản ứng của tôi làm em bối rối. Em để gói
bột trở lại kệ và lạnh lùng nhìn tôi.
– Cô xin lỗi, Dibs – tôi nói – Tại sao cô không nghĩ ra trước.
Nhưng cô không muốn thấy em nếm nhiều bột chùi soong như vậy.
Em cắn môi, đi ra cửa sổ. Binh giáp nhạy bén của em sẵn sàng
giương lên khi tình cảm của em bị thương tổn. Sau đó em trở lại chậu la-va-bô.
Em hứng đầy nước và đổ ào xuống khay. Em thả từng bình chai vào nước, rồi mở nước
chảy đầy chậu, chúng va vào nhau. Nước chảy hết cỡ. Em cười và cầm những bình
chai xoáy tròn chậu nước. Em để tuột một chiếc bình chai và nó va vào vòi nước.
“Chúng có thể bể và gây thương tích” –em nói – “Cô có sợ cho em không?”
“Cô nghĩ là em biết cách giữ gìn chứ” – Tôi đáp, nhờ có kinh
nghiệm rồi. Em vớt những chai thủy tinh ra và ném những dĩa nhựa vào trong nước.
“Chúng đảo tròn khi chìm xuống” – em hô- “Những chiếc ly nhỏ.
Những chiếc dĩa đựng ly nhỏ. Những chiếc dĩa nhỏ. Chìm xuống. Chìm xuống”. Em hắt
nước ra phòng từng ly một, la hét vui vẻ. “Lùi ra. Lùi ra. Lùi ra” – em reo-
“Coi chừng quần áo, lùi lại, coi chừng không ướt hết”.
Tôi rút về một góc an toàn và Dibs tiếp tục hắt nước.
“Trong đời em chưa bao giờ làm được một việc hư hỏng to lớn
như thế này” – em reo lên. Chậu nước dâng lên, càng lúc càng gần mực trào ra.
“Trông nước kìa” – em hô – Sẽ giống như một ngọn thác. Sẽ trào xuống”. Em đứng
trước la-va-bô, theo dõi, nhún nhẩy. Em thọt hai tay và cánh tay xuống nước,
đưa tay ướt lên mặt, vỗ nước vào mặt. Ồ nước, nước ướt, nước mát, nước dính” –
em nói. Em cúi xuống cho tới khi mặt chạm nước. Đúng lúc nước bắt đầu trào, em
vội vã chặt vòi nước.
“Em để ít nước tràn ra” – em loan báo. Em khuấy mạnh ly, dĩa
quay tròn trong chậu. Em ném những con dao, nĩa và muỗng bằng nhựa vô. “Những đồ
vật nhỏ này có thể trôi tuột xuống ống cống” – em nói. Em vớt chúng lên. Em đặt
chúng trên khay. “Tạm đủ rồi” – em nói và mở nút đóng ra. Nước òng ọc chảy xuống
cống. Em vớt tay cầm nút vặn nước nóng.
– Nước đó nóng lắm, Dibs ạ – tôi nói – mở nước lạnh trước đã.
Dibs xếp những chiếc dĩa lại. Em đếm. Em nhanh nhẹn mở vòi nước
nóng, lấy ngón tay hứng nước, vội vã rụt tay lại.
– Nóng – em la.
– Em muốn tự mình kinh nghiệm. Bây giờ thì em thấy rồi.
– Vâng, nóng quá.
Em nhặt bình chai để trên bàn lên, đút núm vô miệng và nút.
Em ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh bàn, vẻ yên ổn, cầm bình chai uống. “Em
chưa lớn tuổi lắm” – em nói.
– Chưa lớn tuổi à?
– Vâng. Mới có sáu tuổi.
– Hiện nay em chưa cảm thấy mình lớn tuổi lắm, có phải không?
“Chưa”. Em tiếp tục bú chai và nhìn tôi. Sau đó em để chai xuống.
– Cô A ở trong tòa nhà gạch to – em nói- Cô sống ở phòng mười
bảy. Đó là phòng của cô. Và phòng mười bảy là phòng của cô. Cũng là phòng của
em luôn.
– Phòng này là của hai cô cháu mình à?
Dibs gật đầu. “Ở trong phòng này thích lắm. Trong văn phòng
cô cũng thích. Cô cháu mình xuống văn phòng cô đi. Em đem theo cả bộ máy điện
tín nữa.”
Chúng tôi đi xuống văn phòng tôi. Dibs lại ngồi vào ghế trước
bàn giấy. Em xem xét chiếc đèn bàn mới, bật lên, rồi lại mở chiếc hộp đựng bộ
máy đánh điện tín. “Máy này gởi thông điệp” – em nói.
– Loại thông điệp nào? – Tôi hỏi.
– Thông điệp thường – Đây là tín hiệu chữ a. Đây là tín hiệu
chữ b. Em chỉ cho cô tín hiệu của tất cả các chữ của mẫu tự – Em đánh tín hiệu
của từng chữ cái.
“Cánh tay bị bong da” – em nói – “Bởi thế da bị sần. Em phải
bôi thuốc nhờn. Ồ, nhìn xem cuốn sách nhỏ đẹp kìa”. Em cầm cuốn sách lên. “À cô
có cuốn tự điển nhỏ. Để em tra một chữ. Xem nào. M-e-n Viết là “men”, em tìm và
đọc cho cô nghe định nghĩa: Chất người ta cho vào bột làm bánh. Em thích tra tự
điển. Cô có hiểu tín hiệu không?”
– Khi cô đối chiếu với bản chỉ dẫn in trên nắp hộp.
Sau khi biết tôi có thể đọc được những thông điệp viết bằng
tín hiệu. Em kéo máy điện tín lại gần và mau lẹ ấn nút đánh thông điệp. “Nghe
đây. Nghe đây. Nghe đây” – em hô – “Cô có nhận được thông điệp không?”
– Cô phải nhìn vào tờ giấy và so với bảng in trên nắp hộp.
– Được. Cô nhìn đi – Đây là một thông điệp quan trọng.
– Cô nghĩ là cô nhận ra rồi – Tôi nói sau khi đã phiên dịch
xong.
– Nó nói gì?
– Nó nói. Em là Dibs. Em là Dibs. Em là Dibs.
– Đúng lắm – em reo – Bây giờ nhận tin đây – Em kỳ cạch gõ
trên máy điện tín.
– Em thích Dibs. Cô thích Dibs. Cả hai chúng ta đều thích
Dibs – Tôi đọc thông điệp lại cho em nghe. Em vỗ tay.
– Đúng lắm! – Em reo – Chúng ta thích Dibs. Em mỉm cười sung
sướng. Bây giờ cô viết câu gì để em đánh. Hỏi em một điều gì đó.
Tôi viết bằng tín hiệu. “Em bao nhiêu tuổi?”
“Em sáu tuổi” – em viết câu trả lời – “Em vừa mừng sinh nhật.
Em thích em. Cô thích em. Em sẽ giữ lại những thông điệp này.”
Em đậy nắp lại. “Chiếc máy này đẹp lắm” – em nói – “Đây là
quà sinh nhật. Má em tặng. Ba cho một bộ đồ thí nghiệm hóa học. Dorothy cho em
một cuốn sách. Và Bà cho em một dĩa hát lớn và đẹp. Bà gởi đến bằng đường bưu
điện. Một ít kẹo và mấy trái banh đựng trong hộp” – Em cười. “Năm rồi bà gởi
cho em một con gấu vải. Em cưng nó hết sức.”
– Em thích con gấu vải lắm à? Dường như em vẫn thường thích
những tặng phẩm sinh nhật.
– Em thích chứ. Và cả thiệp sinh nhật nữa. Em thích tấm thiệp
mà cô gởi cho em. Năm nay em thích ngày sinh nhật lắm.
– Cô vui mừng được biết là em thích.
– Gần tới giờ rồi phải không? – Em hỏi và xoay mặt chiếc đồng
hồ về phía em. – Phải.
“Em ngồi yên như thế này cho hết ba phút” – Em nói và khoanh
tay để trên mặt bàn trước mặt em, theo dõi kim đồng hồ. “Em đang sung sướng”.
Khi hết giờ em cầm máy chiếc máy điện tín lên và đi ra cửa.
– Thôi, chào tạm biệt cô A.
– Tạm biệt Dibs.
– Cô ở lại đây, tuần tới em sẽ trở lại.
CHƯƠNG 15
Chào cô – Dibs lớn tiếng chào khi bước vào phòng chơi – Thêm một
ngày nữa em trở lại căn phòng kỳ diệu này để làm điều em phải làm. Bữa nay em
đã lập kế hoạch để làm những điều em phải làm.
– Em có kế hoạch ngày hôm nay rồi ư? Được, em quyết định làm
gì là tùy em.
Em đi quanh phòng chơi nhìn vào bể cát, nghiên cứu căn nhà
búp bê, cầm lên từng người của gia đình búp bê. “Em thấy Ba đây. Má đây. Có cô
em đây và cậu bé. Tất cả đều ở nhà.” Em đặt những nhân vật ấy vào chỗ cũ, đi ra
cửa sổ và yên lặng nhìn ra ngoài một hồi lâu.
“Cả gia đình đều có mặt trong nhà” – Tôi nói theo, rồi tôi lặng
lẽ ra đứng bên em nhìn qua cửa sổ.
Sau cùng em thở dài não nuột. Em quay nửa người lại đưa mắt
liếc tôi. “Trên đời có nhiều thứ quá” – em nói – “Chị đưa mắt nhìn qua cửa sổ,
em có thể thấy nhiều điều tuyệt vời. Cây cối mọc thật to và mạnh. Và ngôi nhà
thờ cao đến tận trời. Em nhìn thấy người đi qua. Em nhìn thấy ô tô và xe vận tải.
Và những người này. Có đủ hạng người. Đôi khi em sợ người ta lắm”.
– Đôi khi sợ người ta? – Tôi nói, hy vọng khuyến khích em tiếp
tục câu chuyện.
– Nhưng đôi khi em sợ người ta – em nói thêm – Em không sợ
cô.
– Em không cảm thấy sợ hãi khi em ở bên cô à?
– Không – em thở dài – Lúc này em không thấy sợ vì em đang ở
bên cô.
Em đi qua bể cát và sàng cát qua những kẻ ngón tay. “Cát có
ích cho nhiều việc” – em nói. Em cầm xẻng và bắt đầu đào một hố sâu. “Một người
nào đó có thể chôn được ở lỗ này” – em nói. “Hắn có thể bị chôn”.
– Ồ, một người nào đó có thể bị chôn vào đó?
– Rồi có thể hắn cũng không bị chôn – em nói thêm, lùi xa cái
ý nghĩ vừa rồi.
– Em vẫn chưa có quyết định dứt khoát à?
Em rời khỏi bể cát, đi ra bàn, và lơ đãng cầm nắm viết chì.
“Em là một đứa con trai” – em thong thả nói – “Em có Ba, có Má, có một đứa em
gái. Em cũng có bà, bà yêu em lắm. Bà bao giờ cũng yêu em. Nhưng Ba thì không.
Ba không phải lúc nào cũng yêu em”.
– Em cảm thấy chắc chắn về tình yêu của bà. Nhưng không tin
chắc là lúc nào Ba cũng thương yêu em phải không?
Dibs xoắn tay vào nhau.
– Bây giờ Ba thương em hơn. Ba nói chuyện với em.
– Em cảm thấy bây giờ Ba thương em hơn à?
Tôi cảm thấy vướng phải một hoàn cảnh khó xử, bất kỳ một sự
dò hỏi nào thêm cũng có thể làm cho Dibs chạy trốn vào trong sự phòng thủ yên lặng
dày đặc của em.
– Khá hơn đôi chút – Dibs trả lời. Em vặn tay lại với nhau
như thể đang cảm thấy bứt rứt lắm.
– Em có một kính hiển vi – em nói – Em nhìn thấy nhiều cái rất
hay dưới kính hiển vi. Em có thể nhìn thấy chúng lớn hơn ở ngoài và em biết rõ
chúng hơn. Nhiều cái ta có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi mà không có kính
không thấy.
Dibs lại chạy vào thế giới trí tuệ an toàn của em. Kính hiển
vi là một sự vật. Không cần phải sợ hãi món đồ vật này. Không có một tình cảm
vướng mắc nào với nó cả.
“Nhiều lúc em thấy kính hiển vi rất hay”. Tôi nói thêm vào và
lại chờ đợi.
Dibs nhặt cây bút chì lên. Em vẽ những dấu hiệu vô nghĩa, nghệch
ngoạc trên giấy. “Ở đây em được an toàn” – em nói. “Cô sẽ không để cái gì làm hại
em cả”.
“Em cảm thấy được an toàn ở bên cô”. Tôi nhận định. Em sắp
khám phá ra một điều gì đó quan trọng đối với em. Tôi phải thận trọng lắm để đừng
có cản đường em hay là thúc đẩy em trước khi em sẵn sàng.
Em đi ra chỗ nhà búp bê và lấy búp bê ra. Em sắp xếp lại bàn
ghế đồ đạc.
“Người mẹ sắp sửa đi dạo chơi ở công viên” – em nói – “Bà muốn
ở yên một mình, nên đi dạo ngoài công viên, ở đó bà có thể ngắm cây, ngắm hoa,
ngắm chim. Bà đi đến hồ để ngắm nước”. Em di chuyển con búp bê mẹ qua công viên
tưởng tượng của em. “Bà thấy một cái ghế dài và ngồi xuống để sưởi nắng vì bà
thích nắng.” Em để con búp bê mẹ xuống một khối gỗ và trở lại nhà. Em nhặt con
búp bê em lên. “Con em gái sắp đi học xa. Họ đã làm vali và gởi nó đi xa nhà và
nó đi xa một mình”. Em di chuyển con búp bê em gái đến một góc xa của phòng
chơi. Rồi em trở lại căn nhà búp bê và nhặt con búp bê cha lên.
“Ông ta ở trong nhà có một mình. Ông ta đang đọc và nghiên cứu
và không được quấy rầy ông. Ông ta có một mình. Ông ta không muốn bị làm phiền.
Ông đốt ống điếu và ông hút thuốc vì ông không thể quyết định phải làm gì. Rồi
ông ta đi ra mở khóa căn phòng của thằng nhỏ”. Em mau lẹ đặt con búp bê cha xuống
và cầm thằng nhỏ búp bê lên. “Thằng nhỏ mở cửa và chạy ra khỏi nhà bởi vì nó
không thích cửa khóa”. Em di chuyển thằng bé búp bê đi, nhưng không xa nhà lắm.
Dibs úp mặt vào tay và không nhúc nhích trong nhiều phút. Em
thở dài não nuột và nhặt con búp bê cha lên. “Thế là Ba cũng ra ngoài đi dạo, bởi
vì ông ta chẳng biết làm gì. Ông đi dọc theo lề đường và có nhiều xe ô tô, xe
buýt và nhiều xe cộ chạy qua gây tiếng ồn huyên náo và Ba không thích tiếng động.
Nhưng ông đang đi dọc đường phố đến tiệm bán đồ chơi và ông sắp sửa mua vài món
đồ chơi mới tuyệt vời cho cậu con trai của ông. Ông nghĩ có lẽ cậu ta thích một
kính hiển vi. Vậy là ông ta mua và trở về nhà”.
Dibs đứng lên và đi đi lại lại quanh phòng, đôi lúc lại liếc
nhìn tôi. Rồi em lại quì gối bên cạnh nhà, nhặt con búp bê cha lên. “Ông gọi cậu
ta dồn dập và cậu bé chạy bổ vào”. Dibs đưa thằng nhỏ búp bê vào cạnh cha.
“Nhưng cậu bé vội vã quá va phải bàn và đánh đổ cây đèn. Người cha la lối là thằng
nhỏ ngu. Thằng ngu đần cẩu thả. Tại sao mày lại làm như vậy?” Ông hỏi nhưng cậu
bé không trả lời. Người cha giận dữ bảo cậu bé vào phòng. Ông bảo cậu ta là một
đứa trẻ ngu đần, dại dột và ông mắc cỡ vì nó”
Dibs căng thẳng và chìm đắm trong hồi kịch mà em đang đóng.
Em ngước lên nhìn tôi và cũng phải thấy rằng tôi cũng đang đắm đuối như em. “Cậu
bé chuồn ra khỏi nhà để trốn” – Dibs thì thào. “Người cha không nhận thấy điều
đó. Rồi…”. Em đứng dậy và chạy băng qua phòng tìm búp bê mẹ và đưa về nhà”. Bà
mẹ đã đi dạo công viên xong nên bà về. Người cha vẫn còn giận lắm nên kể cho bà
nghe đứa trẻ ngu ngốc đã làm gì. Và bà nói: “Trời ơi! Trời ơi! Nó làm chuyện gì
thế? Rồi đột nhiên thằng bé khổng lồ xuất hiện. Nó to lớn đến nỗi không bao giờ
có người nào đánh nỗi nó”. Dibs đứng dậy. “Thằng bé khổng lồ này nhìn thấy ba
má ở trong nhà và nghe những lời nói giận dữ của họ. Thế là nó quyết định dạy
cho họ một bài học. Nó đi quanh nhà khóa hết cửa sổ, cửa cái lại để họ không ra
được nữa. Cả hai người đều bị nhốt bên trong”.
Em ngước lên nhìn tôi. Mặt em nhợt nhạt và hung dữ.
– Cô có thấy chuyện gì xảy ra không?
– Có. Cô có thấy chuyện gì xảy ra. Người cha và người mẹ bị cậu
bé khổng lồ nhốt.
“Rồi người ta nói là ông sẽ hút ống điếu, ông lôi ống điếu ra
rồi lấy quẹt ra quẹt, ông đánh rơi que diêm xuống sàn, và căn phòng bắt lửa.
Cháy nhà! Cháy nhà! Và họ không ra được. Họ bị nhốt trong nhà và đám cháy càng
ngày càng lớn. Thằng nhỏ nhìn thấy họ bị nhốt trong nhà đang bị cháy, nó nói:
“Để họ chết cháy! Để họ chết cháy!” Dibs quơ vội lấy búp bê mẹ, búp bê cha như
thể em muốn cứu họ, nhưng em bật lùi lại và ôm lấy mặt như thể đám cháy mà em
tưởng tượng rất thật và đang thiêu đốt em trong lúc em cố gắng cứu cha cứu mẹ.
“Họ la, họ thét, họ đập cửa. Họ muốn ra. Nhưng nhà đang cháy
và họ bị nhốt, không ra được. Họ la, họ kêu cứu”.
Dibs chắp tay lại với nhau và nước mắt chảy đầm đìa. “Em
khóc! Em khóc!” – Em gào lên với tôi. “Vì thế mà em khóc”.
– Có phải em khóc vì cha vì mẹ bị nhốt trong nhà và không ra
được khi nhà đang cháy không?
– Ồ, không. Dibs đáp, em nấc lên nghẹn ngào. Em lao đao chạy
qua phòng, chạy sang ôm lấy tôi, khóc sướt mướt.
– Em khóc bởi vì em lại cảm thấy nỗi đau đớn khi cửa khóa cửa
đóng nhốt em – em khóc nức nở. Tôi quàng tay ôm lấy em.
– Em lại cảm thấy cái điều mà em vẫn thường cảm thấy khi em
chỉ có một mình phải không?
Dibs đưa mắt nhìn lại căn nhà búp bê. Em gạt nước mắt và đứng
đó thở hổn hển. “Cậu bé sẽ cứu sống họ” – em nói. Em chạy lại chỗ để thằng nhỏ
búp bê và đem cậu ta đến căn nhà. “Tôi sẽ cứu mấy người. Tôi sẽ cứu mấy người”
– em la lên. “Tôi sẽ mở khóa để mấy người ra”. Và như vậy là cậu bé mở khóa cửa,
dập tắt đám cháy và ba má cậu ta được an toàn”.
Em quay lại với tôi và rờ tay tôi. Em mỉm cười yếu đuối. “Tôi
đã cứu họ” – em nói – “Em không để họ bị bỏng và bị thương”.
“Em cứu họ. Em cứu họ”. Tôi nói.
Dibs ngồi vào bàn, nhìn thẳng về đằng trước.
– Họ thường khóa em trong phòng em – em nói- Bây giờ họ không
làm thế nữa, nhưng họ đã quen làm như thế.
– Thật à? Họ không còn làm thế nữa ư?
– Không làm như thế nữa – Dibs nói, và một tiếng thở dài run
run toát ra – Ba em quả thực có cho em một kính hiển vi và nhờ thế mà lắm lúc
em vui lắm.
Em đứng dậy khỏi bàn và băng qua phòng chơi tới chỗ em đã để
con búp bê em gái. Em đưa nó trở lại căn nhà búp bê và đặt cả bốn con búp bê ngồi
vào ghế trong phòng khách.
Một giờ gian khổ đối với Dibs. Em bị những tình cảm xâu xé
không chút thương hại. Những chiếc cửa khóa trong cuộc đời ấu thơ của Dibs đã
làm cho em đau khổ ghê gớm. Không phải chỉ có cửa khóa phòng em ở nhà, mà tất cả
những cánh cửa tiếp nhận đã bị đóng và khóa, không cho em được hưởng sự yêu
thương, tôn trọng và thông cảm mà em quá cần.
Dibs nhặt chiếc bình chai và bú chai một lát. Rồi em lại để
xuống và trừng trừng nhìn tôi. “Em không còn là trẻ nít nữa” – em nói – “Bây giờ
em là một đứa con trai lớn. Em không cần chai sữa nữa”.
– Em không cần chai sữa nữa ư?
Dibs mỉm cười.
– Trừ đôi lúc em muốn làm trẻ nít lại – Tùy theo em cảm thấy
thế nào. Nhưng em cảm thấy thế nào thì em sẽ thế!
Em dang rộng cánh tay trong tư thế cởi mở.
“Cục – cú – cu – cù” em bắt chước tiếng gà gáy – “Cục – cú –
cu – cù!”.
Bây giờ thì em thơ thới và vui vẻ. Khi em ở phòng chơi đi ra,
dường như em để lại đàng sau những tình cảm bi thương mà em đã bứng rễ lên được.
CHƯƠNG 16
Khi Dibs bước vào phòng chơi em mỉm cười vui vẻ và đưa mắt
nhìn quanh. Em chú ý tới một đoạn hàng rào mà một em khác đã dựng nên chắn
ngang giữa bể cát. “Có hàng rào” – em nói – “Cô biết em không ưa những hàng rào.
Để em gở đi”. Mau lẹ, em dời hàng rào khỏi bể cát. Rồi em nhặt khẩu súng lên và
đem trở lại bàn và cất vào ngăn kéo.
Em mở cửa sổ. “Mời vào, không khí” – em hô – “Vào đi, vào với
chúng tôi”. Em mỉm cười với tôi. “Ba không thích em nói chuyện với không khí,
nhưng ở đây thì em cứ nói nếu em cảm thấy thích”.
– Ở đây nếu em thích thì được – tôi nói.
– Ba nói người chỉ nói với người thôi – Mắt em long lên – ba
nói rằng em sẽ nói chuyện với Ba, nhưng em không nói. Em chỉ nghe Ba thôi,
nhưng em không nói gì hết. Thường là em không trả lời. Ba tức lắm.
“Chào con” – Ba nói với em, Dibs tiếp tục kể – “Em không thèm
nhìn Ba. Em không trả lời. Mày làm sao vậy?” – ông hỏi – “Tao biết mày nói được
mà”. Nhưng em không nói gì cả. Em không nhìn ông. Em không trả lời. Dibs cười.
“Ông tức lắm”.
Em trở lại bàn, mở ngăn kéo, lấy khẩu súng ra. Rồi em qua chỗ
cửa sổ mở và nhìn ra ngoài. Em thấy một chiếc xe vận tải lớn chạy qua.
Em quay lại nhìn tôi. “Em ném khẩu súng ra ngoài nhé?” – em hỏi.
– Nếu em quăng thì chúng ta sẽ không lấy lại được nữa.
– Nó sẽ nằm ngay dưới cửa sổ.
– Cô biết, nhưng bây giờ chúng ta không thể ra để lượm lại liền.
– Chút nữa thì có thể mất. Có người nào đó có thể thấy và nhặt
đi mất.
Đúng. Có thể là như vậy.
– Vậy thì em không quăng ra nữa.
Em đi quanh căn nhà và nhìn căn nhà gia đình búp bê. Em dựng
búp bê cha lên và chỉa súng vào nó. “Không được nói một tiếng nào, không thì
tao bắn” – em nói với con búp bê – “Không được mở miệng một lần nào nữa”. Em nạp
đạn vào khẩu súng. “Ta chuẩn bị rồi. Nếu không cẩn thận ta bắn liền”.
Em mở tầng hầm căn nhà. “Ta giấu khẩu súng ở đây, dưới hầm” –
em nói “Không có ai sẽ bị thương cả”. Em cất khẩu súng dưới hầm và đóng cửa lại.
Rồi em lại gần và đứng trước mặt tôi, một nụ cười nhẹ nhàng nở
trên môi em. “Có nhiều trẻ em trong lớp em ở trường” – em nói, sau một hồi im lặng.
“Có bạn Jack, bạn John, bạn David, bạn Carl, bạn Bobbi, bạn Jane, bạn Carol. Có
nhiều bạn trong lớp ở trường”.
– Có nhiều bạn nhỏ ở trường với em à? Em biết tên một số bạn
phải không?
– Em biết tên hết chứ – Dibs đáp – Trai có, gái có. Các bạn ấy
hay lắm.
Đây là lần đầu tiên em nhắc tới những bạn trai và gái trong lớp
em ở trường. Đây là lần đầu tiên em tỏ ra chú ý đến chúng.
Tôi đã từng nghĩ là tới lúc nào đó chúng tôi có thể tổ chức
vài buổi trị liệu nhóm, để em có thể tham gia một nhóm nhỏ tương giao. Tôi
không nhận được tin tức của trường thông báo và không có cách gì để biết là ở
trường em có tiến bộ gì không, tôi quyết định hỏi Dibs xem em nghĩ thế nào về ý
kiến mời một em khác đến chơi với em ở phòng chơi.
– Dibs, em có thích một em trai hay một em gái nhỏ đến đây
chơi với em vào những ngày thứ năm không?
Dibs nhảy khưng lên. Em nhìn thẳng vào mặt tôi với đôi mắt giận
dữ.
– Không! Không! – Em la lối – Không muốn có người nào khác
vào đây!
– Em không muốn một em nào khác đến đây với em à?
– Sẽ không có ai tới cả – em buồn bã nói.
– Em nghĩ là không ai chịu đến cả? Vì thế mà em nói không có
phải không?
– Phải – Dibs ấp úng – Chẳng ai ưa em cả. Chẳng ai đến cả.
– Nhưng nếu có một em đến và muốn đến chơi với em liệu việc
đó có được không? – Tôi hỏi và cố tình thúc đẩy xem em nghĩ sao.
– Không! – Em la lớn – Đây là phòng của em. Em muốn là phòng
của em. Em không muốn ai đến đây cả. Em muốn phòng này chỉ dành cho em và cho
cô- em gần như muốn khóc. Em quay lưng lại tôi.
– Cô hiểu rồi, Dibs. Nếu em muốn là phòng này chỉ dành cho em
và cho cô thì sẽ như vậy!
– Phải như vậy. Em muốn phòng này là của riêng em và đừng có ai
vào đây cả.
– Em muốn thế nào thì tùy ý em.
Dibs đi đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài. Chúng tôi cùng yên lặng.
– Có những đứa nhỏ khác trong phòng em ở trường – em nói, sau
một lúc yên lặng – Em…- Em ngập ngừng, quay lại nhìn tôi – Em …thích các bạn –
em nói cà lăm đôi chút – Em muốn các bạn thích em. Nhưng em không muốn các bạn
đến đây. Cô là dành cho một mình em. Môt cái gì đặc biệt dành cho em. Cho hai
người chúng mình.
– Em thích các em khác, nhưng em muốn dành thời giờ này cho
riêng cô cháu mình thôi à.
– Vâng. Đúng vậy.
Chuông đồng hồ điểm. “Bốn giờ” – em nói – “Chuông bốn giờ và
hoa bốn giờ. Và mặt trời ở trên trời, và có hoa mặt trời. Có nhiều thứ khác
nhau”.
– Em có thể làm nước chảy thành giòng nhỏ hay chảy ào ào. Tùy
theo cách em muốn.
– Phải. Ở đây em có thể điều khiển nước theo ý em muốn.
– Em có thể tắt nước. Em có thể mở nước.
– Em có thể kiểm soát được nó – tôi nói thêm.
“Vâng” – em nói thong thả và tự tin – Em có thể. “Em. Em. Em.
Em…” Em đứng lại trước mặt tôi. “Em là Dibs”. Em mỉm cười sung sướng, rồi em bắt
đầu bày trò chơi trong nước.
Em để bình chai vào chậu và mở nước chảy hết cỡ. Nước bắn
tung. Em nhảy lùi lại và cười ha hả. “Nó không bắn được vào em!” – Em la lớn –
“Em có thể nhảy lùi lại tránh né. Em có thể làm vài chuyện với nước”. Em bỏ nước
trong chai nhỏ vào trong chai lớn. Em nâng cao chai lớn lên và rót nước vào
chai nhỏ hơn. “Ồ. Em có thể làm nhiều việc” – em reo lên- “Em có thể làm thế
này, thế này. Em có thể thử nghiệm. “Ngộ quá” – em hô. “Nhiều vật với nhau làm
nhiều việc ngộ. Tại đây em m có thể quan trọng bằng cả thế giới. Em có thể làm
bất kỳ cái gì mà em muốn làm. Em to lớn và mạnh mẽ. Em có thể làm cho nước chảy,
nước tắt. Bất kỳ việc gì em muốn làm, em đều có thể làm. Ồ, chào chiếc chai nhỏ.
Mạnh giỏi không? Có vui không? Đừng có nói chuyện với chai nhỏ. Chiếc chai nhỏ
chỉ là một đồ vật thôi. Hãy nói chuyện với người. Hãy nói chuyện với người, ta
bảo mi. Chào John. Chào Bobby. Chào Carl. Hãy nói chuyện với Người. Nhưng em muốn
nói chuyện với chiếc chai nhỏ và nếu em muốn, ở đây em cứ việc làm”.
Em lột cái núm vú và uống nước trong chai. “Để em biểu diễn
cho cô xem trò này hay lắm” – em nói. Em lấy ra mấy chiếc ly, xếp thành hàng thẳng,
và đổ vào trong mỗi ly một lượng nước khác nhau. Em cầm lấy một cái muỗng và gõ
vào mỗi chiếc ly. “Cô có nghe thấy những âm thanh khác nhau không?” – Em hỏi lớn.
Em có thể khiến mỗi cái ly có thanh âm khác nhau. Lượng nước trong ly tạo nên sự
khác biệt. Lắng nghe khi em gõ vào ống nước và cái hộp thiếc này. Mỗi âm thanh
đều khác và có một số âm thanh em không tạo ra mà vẫn có. Sấm là một âm thanh.
Và những đồ vật rơi xuống tạo thành tiếng động. Vâng, em có thể tạo nên đủ loại
tiếng động. Và em có thể rất lặng lẽ. Em có thể không gây một tiếng động nào.
Em có thể tạo nên sự yên lặng.
– Em có thể tạo nên âm thanh và sự yên lặng – tôi nói.
Em đã ngâm tay vào nước khá lâu. Em đưa tay cho tôi xem. “Coi
nè. Tay em nhăn hết trơn”.
– Cô thấy rồi.
“Bây giờ em có một việc rất quan trọng phải làm” – em nói. Em
đặt những hũ sơn tren gờ giá vẽ một cách tùy tiện.
“Nhìn đây” – em nói- “Đỏ, xanh da trời, vàng, xám, cam, tím,
xanh lá cây, trắng, lẫn lộn hết. Em để bút vẽ khác màu vào mỗi thứ màu”. Em làm
theo lời em nói. Em đứng lùi lại và nhìn vào giá vẽ rồi cười. “ Trước đây là
như thế lẫn lộn hết. Cây cọ khác, hũ sơn khác. Đó là cách em vẫn làm trước đây.
Em làm tầm bậy hết” – em cười.
– Như vậy là em lẫn lộn hết – sơn màu và cọ vẽ – tôi nói.
– Vâng – em đáp. Một sự lộn xộn kinh khủng. Lộn xà lộn xộn.
Có lẽ đây là sự lộn xộn to lớn nhất em đã tạo nên từ trước tới giờ. Nhưng bây
giờ em phải xếp lại cho có thứ tự hẳn hoi và lấy những cây cọ ra, để lại cho
đúng.
Em bắt đầu xếp đặt lại những hũ sơn và thu dọn sự bùa bộn.
– Em có cảm thấy là em phải để lại theo một thứ tự nào không?
– Ồ, có chứ. Có mười hai cây cọ và mười hai màu – em cười.
Ồ, xem nào. Dibs, xếp đặt lại cho đúng – Tôi nhẹ giọng nói.
– Có một cách đúng để làm mọi việc và Dibs phải tuân đúng thứ
tự của chúng.
– Em có nghĩ là chúng bao giờ cũng theo một thứ tự nào đó
không?
– Ồ, có chứ – em đáp, với nụ cười – Nếu không thì lộn xộn hết.
– Nếu thế thì cách nào cũng được à?
– Ở đây, xin nhớ, ở đây, thì thế nào cũng được.
Em lại gần tôi.Vỗ nhẹ tay tôi.
– Cô hiểu rồi – em nói rồi mỉm cười – Cô cháu mình xuống văn
phòng cô đi. Chúng mình xuống thăm cô ở văn phòng cô.
– Chúng ta có thể xuống đó trong thời gian còn lại, nếu em muốn.
Em đi ra kệ sách và cẩn thận xem xét. Em lựa, lấy ra một cuốn
và đọc tên sách: “Đứa con bạn giao tiếp với ngoại giới”. Em đi ra cửa sổ và
nhìn ra ngoài. “Chào thế giới” – em nói – “Một ngày đẹp trời với thế giới bên
ngoài. Ở ngoài cũng thơm tho. Và kìa chiếc xe vận tải thân yêu đã đến”.
Em yên lặng nhìn ngắm một hồi lâu.
– Chào xe vận tải – em nhẹ nhàng nói – Chào bác lái xe. Chào
cả thế giới – em mỉm cười vui vẻ.
Rồi em trở lại bàn giấy nhặt Cuốn tự điển Oxford nhỏ. “Cuốn
sách nhỏ cũ kỹ đầy từ ngữ” – em nói- “Em để hai cái nhãn sách vào đây. Cuốn từ
điển nhỏ của em. Cuốn sách bìa màu xanh của các từ ngữ”. Em dán hai từ nhãn hiệu
vào sách. Rồi em nghiêng mình lùi vào lưng ghế và nhìn tôi. Có một nụ cười cởi
mở trên khuôn mặt em. “Sắp đến giờ về rồi” – em nói – “Và khi em ra về, em sẽ
vui sướng trong lòng. Rồi em sẽ trở lại thứ năm tuần tới. Và xin cô nhớ chỉ có
một mình em thôi. Không có ai khác, ngoài em ra. Và cô nữa”.
– Cô sẽ nhớ. Nếu em muốn thời giờ này dành riêng cho em, đối
với cô không có gì trở ngại.
– Em muốn dành cho cô cháu mình – Dibs thì thầm – Nhưng chưa
dành cho ai khác.
Tôi tự hỏi phải chăng tôi đã gieo được mầm mống rồi và có thể
rồi đây em sẽ đem một người bạn nào đó đến. Và nếu không ở đây, thì ở trường em
có thể đã có bạn.
Chuông báo hiệu mẹ em đã đến.
– Tạm biệt cô. Em sẽ trở lại vào thứ năm tuần tới và lại được
tràn ngập sung sướng.
Khi em bước ra ngoài, trước sự hiện diện của mẹ em, em ngước
mắt nhìn tôi. “Xin chào cô một lần nữa” – em nói. Rồi em quay đi và chạy thật
nhanh dọc theo dãy hành lang quay lại ngó, rồi lại chạy, em dang tay ôm chầm lấy
má em.
“Ồ, Má. Con thương Má quá!” – Em vừa ôm hôn bà vừa nói.
Cả hai chúng tôi đều ngỡ ngàng trước sự diễn tả bộc phát này
của em. Nước mắt bà rưng rưng. Bà cúi đầu chào rồi ra về, nắm chặt tay em trong
lòng tay bà.
CHƯƠNG 17
Sáng hôm sau mẹ em Dibs gọi điện thoại xin gặp tôi. Tôi vui vẻ
thu xếp gặp bà ngay hôm ấy. Bà vào văn phòng tôi với sự hăm hở được kiềm chế. Sự
diễn đạt tự phát lòng thân thiết của Dibs bữa trước đã kéo bà ra khỏi thế tự vệ
kiên cố.
– Chúng tôi thật lòng biết ơn cô – bà nói – Cháu Dibs đã thay
đổi rất nhiều. Cháu không còn là đứa trẻ trước đây nữa. Tôi chưa bao giờ thấy
cháu để lộ tình cảm một cách tự do như bữa qua khi chúng ta chia tay. Tôi – tôi
cảm động hết sức.
– Tôi biết chứ, thưa bà.
“Cháu khá lắm rồi” – bà nói. Mắt bà ánh lên vẻ hạnh phúc, nụ
cười nở trên môi. “Bây giờ cháu bình thản, vui vẻ hơn. Cháu không còn có những
cơn giận hờn nữa. Hầu như cháu không còn mút ngón tay cái nữa. Cháu nhìn thẳng
vào mặt chúng tôi. Phần nhiều cháu trả lời khi chúng tôi nói với cháu. Cháu tỏ
ra quan tâm đến những gì đang diễn ra trong gia đình. Đôi khi cháu chi với em
gái cháu khi con nhỏ này ở nhà. Không phải lúc nào nó cũng chơi đâu, nhưng đôi
lúc. Cháu bắt đầu tỏ ra quyến luyến tôi đôi chút. Đôi khi cháu lại gần tôi và
nói lên ý nghĩ của cháu. Hôm trước cháu vào bếp nơi tôi đang làm bánh và bảo.
“Con thấy má đang bận làm bánh. Bánh má làm ngon lắm. Má làm bánh cho chúng
mình”. Chúng mình, tôi nghĩ là cháu đã bắt đầu cảm thấy là cháu thuộc về gia
đình. Và tôi nghĩ…phải, tôi nghĩ tôi bắt đầu cảm thấy cháu là một người trong
gia đình chúng tôi.
“Tôi không biết có chuyện gì trục trặc giữa chúng tôi. Ngay từ
đầu tôi thất bại với cháu. Tôi cảm thấy hoàn toàn thất bại và bị đe dọa. Dibs
đã hủy hoại hết những gì là của tôi. Cháu đe dọa cuộc hôn nhân của tôi. Cháu chấm
dứt sự nghiệp của tôi. Tôi tự hỏi mình đã làm gì để gây nên sự khó khăn cho
chúng tôi? Tại sao tất cả vấn đề này đã xảy ra? Tôi có thể làm gì bây giờ để điều
chỉnh tình trạng? Tôi không ngừng tự hỏi tại sao? Tại sao lại như vậy? Tại sao
mẹ con tôi lại tranh chấp với nhau như vậy? Tới mức độ mà Dibs hầu như bị hủy
diệt. Tôi còn nhớ khi tôi thưa chuyện với cô lần đầu tôi nằng nặc cả quyết là
cháu bị thiểu năng. Nhưng tôi biết là cháu không bị thiểu năng. Tôi đã dạy
cháu, trắc nghiệm cháu và cố gắng bắt cháu phải có tác phong bình thường từ khi
cháu mới hai tuổi. Làm tất cả công việc ấy nhưng không thực sự có giao cảm giữa
hai bên. Bao giờ cũng thông qua sự vật. Tôi không biết cháu làm gì ở đây trong
phòng chơi. Tôi không biết cô có nhận ra dấu hiệu nào về tất cả những điều mà cháu
biết và có thể làm không? Cháu đọc được hầu như bất kỳ tài liệu nào cháu bắt gặp.
Cháu có thể viết và viết đúng chính tả. Cháu giữ lại bất kỳ những gì cháu lưu
tâm tới. Cháu có những cuốn sách để dán các loại cây và lá cây. Cháu ép hoa.
Cháu có một phòng đầy sách vở, tranh ảnh, những đồ vật nhờ đó cháu có thể học hỏi,
những trò chơi có tính giáo dục, các đồ chơi, những tài liệu khoa học. Một máy
hát. Một sưu tập lớn dĩa hát. Cháu thích nghe nhạc – nhất là nhạc cổ điển. Cháu
có thể nhận ra bất kỳ đoạn nào trong dĩa nhạc. Tôi biết điều này bởi vì cháu sẽ
nói đó là đoạn nào khi tôi cho nghe một đoạn, và hỏi cháu. Tôi để dĩa hát rồi tắt
máy sau một đoạn, và hỏi cháu đó là đoạn nào và cháu gọi đúng tên. Tôi dành nhiều
giờ mở nhạc cho cháu nghe, diễn giải cho cháu về những dĩa nhạc ấy – và thực sự
không biết là cháu có hấp thụ không. Tôi đã đọc cho cháu nghe cả mấy trăm cuốn
sách, trong lúc cháu, giải thích cho cháu nghe về mọi điều quanh cháu. Nói đi,
nói lại, nói tới, nói lui chỉ có điều khích lệ duy nhất là cháu chịu ngồi gần để
nghe và nhìn vào những món đồ tôi chỉ cho cháu.
Bà thở dài và lắc đầu buồn bã. “Tôi phải tự chứng minh với
mình một điều gì đó” – bà nói – “Tôi phải chứng minh là cháu có thể học được.
Tôi phải chứng minh là tôi có thể dạy được cháu. Nhưng tác phong của cháu như
thế nên tôi không biết là cháu hấp thụ được bao nhiêu và nó có ý nghĩa tới mức
nào. Tôi thấy cháu lụi hụi cắm cúi trên những món đồ mà tôi cho cháu, khi cháu
một mình trong phòng và tôi tự nhủ. “Cháu sẽ không làm như vậy nếu những cái đó
vô nghĩa đối với cháu. Nhưng tôi không dám chắc lắm”.
“Bà cực kỳ bối rối và mâu thuẫn trong tình cảm của bà đối với
em” – Tôi nhận định – “Trắc nghiệm, quan sát, tự nghi ngờ và nghi ngờ Dibs. Hy
vọng và thất vọng, cảm thấy thất bại và muốn bù đắp bằng cách nào đó”.
“Vâng” – bà nói – “Luôn luôn thử cháu. Luôn luôn nghi ngờ khả
năng của cháu. Ráng gần gũi cháu hơn và kết quả bao giờ cũng chỉ là xây thêm những
bức tường ngăn cách giữa hai bên. Và cháu cũng chỉ có hành động cầm chừng để cầm
chân tôi ở mức đó thôi. Tôi không nghĩ là có đứa trẻ nào bị hành hạ tới mức ấy,
vì những yêu sách đòi hỏi cháu không ngừng là phải vượt qua được hết trắc nghiệm
này đến trắc nghiệm khác – luôn luôn và luôn luôn phải chứng tỏ là cháu có khả
năng. Cháu không được yên ổn. Trừ khi bà cháu đến chơi. Bà với cháu hợp nhau lắm.
Với bà, cháu được thư thái. Cháu không nói nhiều với bà. Nhưng cháu thế nào thì
bà nhận thế ấy và bà luôn luôn tin ở cháu. Bà thường bảo tôi rằng nếu tôi cứ việc
thoải mái và đừng xía vô chuyện của nó thì rồi nó sẽ đâu ra đấy. Nhưng tôi
không tin. Tôi cảm thấy là tôi phải đền bù lại tất cả những khuyết tật mà tôi
đã gây cho cháu. Tôi cảm thấy trách nhiệm là để cháu ra thế này. Tôi cảm thấy
có tội”.
Bất chợt bà òa khóc. “Tôi không biết tại sao tôi đã gây khổ
cho cháu” –bà than. “Sự thông minh của tôi biến đâu hết. Tác phong của tôi thiếu
tự chủ và hoàn toàn không hợp lý. Tôi có thể thấy chứng cớ mà tôi tìm kiếm là
bên dưới cái tác phong kỳ quặc ấy, cháu có khả năng. Và tôi không thể tự nhận với
mình là đã gây nên những khó khăn cho cháu. Tôi không thể thừa nhận là mình đã
hắt hủi con. Chỉ có bây giờ tôi mới dám nói ra điều này vì tôi không còn hắt hủi
cháu nữa. Dibs là con tôi và tôi hãnh diện vì cháu”. Bà nhìn tôi dò xét.
– Việc thừa nhận những tình cảm của bà đối với Dibs cực kỳ
khó khăn. Nhưng bây giờ tình cảm của bà đã thay đổi và bà đã chấp nhận em, tin
tưởng nơi em, và hãnh diện vì em, có phải không? – Tôi hỏi.
Bà gật đầu mạnh mẽ.
– Để tôi chỉ cho cô thấy những việc khác mà cháu có thể làm
được. Cháu có thể đọc, viết, đánh vần, quan sát đồ vật. Và những bức tranh cháu
vẽ thật là độc đáo. Để tôi trình cho cô những bức vẽ của cháu.
Bà bỗng đưa ra một cuộn giấy mà bà mang theo. Bà gỡ sợi dây
thun, mở tranh ra và đưa cho tôi. “Cô xem đi” – bà nói – “Cô nhìn xem chi tiết
và bối cảnh”.
Bà trải những bức tranh trước mặt và nghiên cứu. Rồi bà nhìn
tôi bằng cặp mắt lo âu. “Quá bất thường” – bà bình tĩnh nói – “Cái khả năng kỳ
lạ này làm tôi lo lắng nhiều. Tôi khốn khổ với ý nghĩ là cháu có thể bị tâm thần
phân liệt.Và nếu đúng như thế, thì liệu cái tài phi thường và ưu việt ấy có giá
trị gì không? Nhưng bây giờ thì tôi hết sợ điều này rồi. Cháu bắt đầu có tác
phong bình thường hơn”.
Bà mẹ này có học y khoa và biết rằng sự chẩn đoán của bà có
thể là đúng. Cái tác phong bất thường mà bà đã áp đặt lên Dibs đã khiến em xa rời
gia đình em và xa những đứa trẻ, những người lớn khác mà em đã gặp ở trường.Khi
một đứa trẻ bị cưỡng bức phải tự chứng tỏ là mình có khả năng, kết quả thường rất
tai hại. Một đứa trẻ cần được yêu thương, được chấp nhận và hiểu biết thông cảm.
Nó bị hủy hoại khi gặp phải sự hắt hủi, nghi ngờ và thử sức không ngừng.
– Tôi vẫn còn bị lúng túng về nhiều điều – bà nói. Nếu Dibs
quả là có biệt tài, tài đó không nên để mai một. Những thành quả của cháu phải
là điều đáng hãnh diện.
– Tất cả những thành quả này đối với bà rất có ý nghĩa dù bà
vẫn còn bối rối về sự phát triển toàn diện của em có phải không?
– Vâng – bà đáp – Những thành quả của em rất quan trọng. Đối
với cháu cũng như đối với tôi. Tôi còn nhớ năm cháu được hai tuổi. Đó là lúc
cháu học được. Ba cháu nói là tôi điên khi tôi nói cho ông biết là Dibs có thể
đọc được. Ông nói không có đứa trẻ hai tuổi nào có thể học đọc được, nhưng tôi
biết cháu có thể đọc được. Tôi đã dạy cháu đọc.
– Em đã đọc như thế nào?
“ Tôi đã tìm cho em hai bộ chữ cái. Những chữ được cắt rời
ra. Tôi chỉ cho cháu xem từng chữ, bảo cháu chữ đó là chữ gì và âm của từng chữ.
Tôi sắp xếp chữ theo thứ tự và cháu ngồi đó mà ngó. Rồi tôi xóa đi và bảo cháu
xếp lại như tôi đã xếp. Nhưng cháu chạy ra khỏi phòng. Tôi lại xếp chữ theo thứ
tự và để cái hộp chữ cái kia bên cạnh. Rồi tôi bỏ đi và cháu trở lại. Tôi cầm
những chữ cái khác và ráp lại với bộ kia, chỉ cho cháu chiều đúng của chữ và
nói cho biết tên mỗi chữ. Xong tôi lấy bộ chữ cái thứ hai và lại bảo cháu lắp
ráp. Cháu lại chạy khỏi phòng và tôi cũng bỏ đi, biết rằng cháu sẽ trở lại xem
nếu tôi để một mình cháu. Rồi tôi làm lại cũng điều ấy, lần thứ ba, khi tôi bỏ
cháu lại một mình, cháu ráp chữ. Và chẳng bao lâu cháu có thể tự lắp ráp chữ
theo thứ tự.
“Tôi kiếm những bức hình của đủ mọi loại đồ vật và bảo cho
cháu biết mỗi bức hình chỉ cái gì và viết tên đồ vật và giải thích chữ đó cho
cháu. Tôi ráp những tên ấy với những chữ cái đã cắt. Chẳng bao lâu Dibs cũng
làm việc ấy, viết tên ấy ra và để cái ảnh đúng tên chữ. Phải, đó là việc đọc.
Xong tôi kiếm cho cháu những cuốn truyện nhỏ và đọc đi đọc lại cho cháu nghe.
Tôi kiếm cho cháu những dĩa hát ghi âm những bài vừa chơi vừa hát, những truyện
ngắn, những bài thơ. Lúc nào tôi cũng thử nghiệm những điều mới. Cháu học cách
sử dụng máy ghi âm. Cháu học cách đọc tên những dĩa hát. Tôi bảo “Lấy cho má
dĩa hát về chiếc xe lửa nhỏ”. Cháu lục đống dĩa hát và trở lại với cái dĩa đúng
để trên bàn trước mặt tôi.Và luôn luôn bao giờ cháu cũng đúng. Tôi nói “Con đem
lại cho má dĩa nói về cây”. Cháu đem lại. Và bất kỳ dĩa nào tôi yêu cầu. Sau một
thời gian ba cháu đồng ý là có lẽ cháu đọc được. Cháu chúi mũi vào sách. Rồi
đôi khi ba cháu đọc cho cháu nghe. Ông làm gì cũng thấu đáo và giải thích cặn kẽ
về mọi vật. Rồi ông để lại những đồ vật ấy cho Dibs xem cho tới khi ông trở lại
phòng lấy lại đồ. Rồi tôi bắt đầu dạy số và cháu học rất nhanh. Cháu lầm bầm
nói và tôi cảm thấy là cháu đang nói với chính mình. Nhưng thực sự không bao giờ
có sự giao cảm thật giữa chúng tôi. Vì thế mà tôi lo lắng về cháu”.
Giọng bà rơi vào yên lặng. Bà nhìn qua cửa sổ một hồi lâu.
Tôi không nói gì cả. Bức tranh mà bà phác họa về cuộc đời bà với Dibs thật dễ sợ.
Thật là kỳ diệu, đứa trẻ ấy vẫn còn giữ được sự nguyên vẹn và sự cảm thụ của
mình. Áp lực mà em đã phải chịu, đủ mạnh để đẩy bất kỳ một em nhỏ nào vào thế lẩn
tránh tự vệ. Bà đã chứng minh với chính mình là Dibs có thể hoàn tất được những
công việc mà bà đặt ra cho em. Nhưng bà cảm thấy sự liên hệ thân tình với con.
Cái lối khai thác tài ba của con bất kể đến cuộc đời tình cảm thăng bằng của nó
có thể hủy hoại nó.
“Chúng tôi gởi cô em gái đi học xa nhà – ở trường bà dì tôi
–để tôi có thể dồn hết tâm trí vào Dibs” – bà nói bằng một giọng trầm trầm.
“Ngay đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao tôi lại nghĩ là những thành quả này
quan trọng đến thế. Lúc cháu còn là một trẻ nít, tôi đã bắt đầu cưỡng bách cháu
phải tự chứng minh với tôi. Tại sao tôi không để Dibs được là một đứa trẻ? Con
tôi! Và vui vẻ với cháu. Tôi nhớ là đã nói với cô là nó từ khước tôi. Tại sao?
Tại sao tôi đã từ khước chính tình cảm của mình? Tại sao tôi lại trút lên đầu
Dibs mối liên hệ căng thẳng mỗi ngày một gia tăng giữa nhà tôi và tôi? Chúng
tôi chống lại mọi ý nghĩ là mình có lỗi. Mặc cảm tội lỗi, thất vọng, chán nản,
thất bại. Đó là những tình cảm của chúng tôi, và chúng tôi không bao giờ chịu nổi.
Chúng tôi đổ lỗi cho Dibs. Tội nghiệp cho cháu. Bất kỳ có chuyện gì bất ổn giữa
chúng tôi với nhau là lỗi của cháu. Cái gì cũng là lỗi của cháu cả. Tôi tự hỏi
liệu chúng tôi rồi đây có bao giờ đền bù lại cho cháu được không?
– Có nhiều tình cảm vướng mắc sâu đậm trong mối liên hệ này –
tôi nói – Bà đã gọi tên chúng ra. Bà đã nói đến những tình cảm của bà trong quá
khứ. Còn tình cảm của bà hiện nay ra sao?
– Tình cảm của tôi đã thay đổi – bà thong thả nói – Tình cảm
của tôi đang thay đổi. Tôi hãnh diện về Dibs. Tôi thương cháu. Bây giờ cháu đã
thay đổi. Cháu phải thay đổi trước nhất. Cháu phải rộng lượng hơn tôi. Và tình
cảm và thái độ của ba cháu cũng đã thay đổi. Tất cả ba chúng tôi đều xây những
bức tường cao quanh mình. Không phải chỉ có Dibs. Cả tôi nữa. Và cả nhà tôi nữa.
Và nếu những bức tường này sụp đổ – và quả là chúng đang sụp đổ thì chúng tôi sẽ
hạnh phúc hơn, thân thiết hơn.
– Những thái độ và tình cảm quả có thay đổi – tôi nói – Tôi
đoán rằng bà đã kinh nghiệm được điều đó.
Có lẽ bà được chấp nhận đúng như con người thật của bà và bà
cảm thấy không còn bị đe dọa ở tư thế làm mẹ nữa, nên bà đã có thể đào sâu những
tình cảm của mình để khám phá và thấu hiểu nhiều điểm quan trọng. Có rất nhiều
trường hợp một đứa trẻ không được nhận vào trị liệu nếu cha mẹ từ khước không
chịu tham dự và chính họ không chấp nhận sự trị liệu cho chính bản thân họ.
Không ai biết là đã bao nhiêu trẻ bị cho về vì yếu tố này.Thật là hữu ích nếu
cha mẹ chịu đến và và tìm ra phần trách nhiệm của mình trong những vấn đề liên
hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ có thể đồng ý xin trị liệu nhưng lại có tính
đề kháng rất cao nên ít có kết quả. Nếu họ chưa sẵn sàng đón nhận thứ kinh nghiệm
này thì ít có thể trông mong gì ở sự trị liệu. Tính phòng vệ nơi một người bị
đe dọa có thể không sao khắc phục nổi. May mắn cho Dibs, cha mẹ em đủ nhạy cảm
đối với em và chính họ cũng thay đổi trong sự hiểu biết và tôn trọng sự biến đổi
của em. Không những chỉ có Dibs tìm ra được chính mình mà cả cha mẹ em nữa.
CHƯƠNG 18
Vào ngày thứ hai khi cô Jane gọi dây nói cho tôi, tôi cảm thấy
nôn nóng muốn nghe cô báo cáo về tác phong của Dibs ở trường. Chắc chắn là một
phần nào cái tác phong mà tôi quan sát được ở phòng chơi phải hiện ra tại trường.
Cô không bắt tôi phải hồi hộp lâu.
– Em vui mừng báo cáo với cô là chúng em nhận xét có sự thay
đổi lớn nơi Dibs – cô nói – Đây là một sự thay đổi từng bước nhưng chúng em rất
hài lòng về Dibs. Bây giờ Dibs chịu trả lời chúng em. Đôi khi chính em bắt đầu
gợi chuyện trước. Em ấy vui vẻ, bình tĩnh và tỏ ra chú ý đến các em khác. Bây
giờ phần nhiều là em nói lưu loát, nhưng khi có chuyện phiền hà, em lại lui về
lối nói cộc lốc ấu trĩ của em. Em xưng EM khi nói về mình. Chị Hedda vui không
tưởng nổi. Chúng em rất vui lòng về Dibs. Chúng em nghĩ là cô muốn biết.
– Chắc chắn là tôi vui mừng khi biết điều này – tôi nói –
Chúng ta có thể thu xếp gặp nhau để tôi được nghe thêm chi tiết về những thay đổi
tác phong của em không? Cô, cô Hedda và tôi có thể dùng cơm trưa với nhau một
ngày nào gần đây không?
– Chúng em mong điều đó lắm – cô Jane nói – Và em biết chị
Hedda cũng mong lắm. Chị được phân công đến nhóm của Dibs vì chúng em nghĩ là
chị ấy lo cho em ấy nhất. Chắc chắn là chị muốn làm việc với Dibs. Chị đã giúp
đỡ em ấy nhiều lắm.
Hôm sau chúng tôi cùng ăn bữa trưa với nhau, và đó là một cuộc
thảo luận rất có ý nghĩa về Dibs.
Em đã từ từ và dè dặt thoát ra khỏi sự cách ly tự tạo. Không
có người nào trong chúng tôi đã nghi ngờ là Dibs không ý thức được những gì diễn
ra quanh em. Những điều phỏng đoán của chúng tôi đúng – em đã lắng nghe và học
hỏi trong lúc thu mình ngoài lề nhóm dưới gầm bàn hay ngồi quay lưng lại nhóm,
ra vẻ cách biệt. Dần dần, em trực tiếp đến gần nhóm hơn. Lúc đầu có những câu trả
lời ngắn đáp lại những câu hỏi nhằm vào em. Rồi em bắt đầu làm những điều các
em khác làm. Buổi sáng khi em vào lớp, em đã biết chào lại. Em cẩn thận cởi áo
và cất nón đem treo ở móc riêng dành cho em khác, xích ghế lại sát nhóm để nghe
kể chuyện, để hát hay nói chuyện. Đôi lúc em trả lời câu hỏi. Với sự khéo léo
các cô giáo điều khiển nhóm cách nào để không có sự đột ngột chú ý đến Dibs khi
em tham dự hay nói. Nhưng lúc nào cũng sẵn cơ hội để em tham gia.
– Em từ lâu không còn những cơn giận hờn nữa đến nỗi chúng em
quên hẳn là trước đây em vẫn thường giận hờn – cô Hedda nói – Em mỉm cười với
những em khác và với chúng em. Khi lần đầu tiên em bắt đầu là thành viên của
nhóm, em ấy xích lại gần em, cầm tay em, nói với em vài tiếng. Em thận trọng chỉ
tiếp nhận điều gì Dibs làm và nói, để khuyến khích em cố gắng hơn. Và rồi, dĩ
nhiên là những đứa trẻ khác bận rộn với công việc riêng nên các em chấp nhận bất
kỳ điều gì Dibs làm mà không cần hỏi. Dần dần Dibs bắt đầu theo những lời chỉ dẫn
và em có khả năng thực hiện những điều chỉ dẫn đòi hỏi khả năng cao. Rồi em
chuyển sang giá vẽ và thuốc màu. Đó là việc em làm đầu tiên. Em chú tâm vào
công việc như thể là em đang thực hiện một kiệt tác.
Hedda cười và đưa ra một cuộn những bức vẽ của em, cô trải rộng
ra. “Dibs không phải là họa sĩ, nhưng ít nhất em cũng làm được một cái gì”.
Tôi nhìn những bức tranh. Những bức tranh rất giản dị, tiêu
biểu, thuộc lứa sáu tuổi. Một căn nhà thô sơ. Cây. Hoa. Màu sắc trong sáng, rực
rỡ. Nhưng tại sao Dibs lại vẽ những bức tranh như vậy khi em có khả năng đi vào
nghệ thuật phức tạp hơn? Đây có thể là những bức tranh vẽ của bất kỳ những đứa
trẻ nào ở tuổi em – nhưng đồng thời là họa phẩm kỳ lạ của một đứa trẻ mà những
bức họa, những tranh màu ở nhà vượt xa khả năng thuộc lứa tuổi em.
– Em có đem theo tác phẩm khác của Dibs – cô Hedda khoe. Đây
là ít truyện em ấy viết. Em ấy biết chữ cái và có thể, có thể đánh vần được ít
tiếng – Cô đưa những tờ giấy cho tôi. Dibs nắn nót viết:
Em nhìn thấy con mèo
Em nhìn thấy con chó
Em nhìn thấy cô
– Chúng em có những tấm hình treo quanh phòng ở dưới có viết
tên những đồ vật và các em nhìn vào đấy để viết cho đúng. Và một khi em muốn viết
một câu truyện, chúng em giúp nó. Một vài em đã bắt đầu đọc được. Một vài em đọc
rất giỏi. Và Dibs bắt đầu tham gia tập đọc.
Tôi nhìn vào những chữ mà Dibs nguệch ngoạc viết. Những tình
cảm hỗn tạp chọi nhau trong người tôi. Những tranh vẽ thô sơ. Những câu viết ngắn
giản dị. Tại sao Dibs lại hạ thấp khả năng của mình đến thế? Hay đó là dấu hiệu
cho thấy là Dibs tự điều chỉnh cho hợp với lứa tuổi của em?
– Và em cũng biết đọc! – Cô Hedda nhiệt tình nói- Em tham gia
một nhóm tập đọc. Em chịu ngồi đó với các bạn khác, lần mò từng chữ. Khi đến lần
mình em thong thả đọc từng chữ, không tự tin lắm, nhưng thường là đọc đúng. Em
thực tình nghĩ là Dibs có thể đọc giỏi hơn thế, nhưng em ấy cũng chỉ đọc như
các em khác trong nhóm thôi, làm như em ráng đọc vậy.
Tôi chới với vì lời tường thuật này. Điều này có nhiều ý
nghĩa. Chắc chắn sự nhiệt thành của các cô giáo của em là điều cần đối với
Dibs. Nếu tôi nói với các cô là em có thể làm hơn thế nhiều, các cô có thể thất
vọng và hết mãn nguyện vì sự tiến bộ của em.
Sự tiến bộ về mặt xã hội của Dibs là yếu tố quan trọng nhất
trong sự phat triển của em. Không đặt khả năng của em thành vấn đề – trừ phi
người ta nêu lên vấn đề uổng phí tài năng. Nhưng tới giai đoạn này của cuộc trị
liệu, thì sự thích nghi với người khác và với xã hội đối với Dibs lại không
quan trọng hơn sự biểu diễn tài nghệ đọc, viết hoặc vẽ một cách vượt xa bất kỳ
đứa trẻ nào trong nhóm của em sao? Thành quả trí tuệ cao nào có ích gì nếu
không thể đem nó sử dụng một cách tích cực để phục vụ cho hạnh phúc cá nhân và
vì lợi ích của người khác?
– Như vậy cô nghĩ là Dibs đang có sự tiến bộ trong nhóm của
em – tôi nói.
– Dibs thích âm nhạc lắm – cô Jane nói – Em nổi nhất trong
nhóm. Bài hát nào em cũng thuộc. Em tham dự ca đoàn.
– Cô phải nhìn thấy Dibs nhảy mới rõ- Cô Hedda nói – Em tình
nguyện làm voi hay làm khỉ, hay làm gió. Tự nguyện. Em vụng về lúc khởi đầu;
nhưng khi đã nhập cuộc em cử động uyển chuyển, nhịp nhàng. Chúng em không hối
thúc Dibs vào việc gì cả. Chúng em vui mừng vì mỗi bước nhỏ em thực hiện và
chúng em cảm thấy Dibs vui thích được là thành viên của nhóm.Và em tin là thái
độ của mẹ em Dibs đối với em ấy cũng thay đổi rất nhiều. Khi bà dẫn em đến, hay
đón em về, bà có thái độ chấp nhận, thoải mái, vui vẻ hơn đối với Dibs. Em cầm
tay bà vui vẻ đi cùng với bà. Em là một đứa trẻ rất hay!
– Phải. Em là một đứa trẻ rất hay – tôi nhận định – Dường như
em đang cố gắng hết mình để được là một thành viên của nhóm.
– Sự thay đổi rõ ràng diễn ra trong ngày sinh nhật của em.
Chúng em bao giờ cũng mừng ngày sinh nhật của từng em. Chúng em có chiếc bánh
sinh nhật. Cô và các cháu quay thành vòng tròn, kể một câu chuyện, rồi mang chiếc
bánh có thắp nến ra. Các em hát “Mừng ngày sinh nhật” và em có sinh nhật hôm ấy
đứng cạnh cô giáo và chiếc bánh, thổi tắt nến. Chiếc bánh được cắt ra và bưng
đi mời tất cả các em.
– Bữa loan báo là ngày sinh nhật của Dibs, cả lớp không biết
là Dibs sẽ làm gì. Trước đó, không khi nào em tham dự cả, mặc dù lớp vẫn mừng
ngày sinh nhật của em như bất kỳ em nào khác. Khi tới lúc xếp thành vòng tròn.
Dibs đứng cạnh em. Khi hát bài mừng sinh nhật, Dibs hát lớn tiếng hơn cả. Em
hát “Mừng ngày Sinh Nhật, Dibs thân mến. Mừng ngày Sinh nhật của em!”. Rồi sau
khi bánh được cắt thành miếng, em bê đi mời từng người với nụ cười rạng rỡ trên
nét mặt. Em tiếp tục nói. “Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi! Hôm nay là ngày
sinh nhật của tôi. Hôm nay tôi lên sáu!”.
Các cô giáo hài lòng về Dibs. Tôi cũng vậy. Nhưng chúng tôi
còn phải đi xa hơn nữa. Dibs còn phải học cách tự chấp nhận mình đúng như con
người của mình và sử dụng những khả năng của mình chứ không chối bỏ chúng.
Nhưng về mặt xã hội, và về mặt tình cảm, em đã mở cho mình được những chân trời
mới. Những chân trời mới ấy là căn bản cho sự phát triển toàn diện của em. Tôi
tin chắc là cái khả năng mà em đã sử dụng được ở phòng chơi và trong gia đình,
sẽ được biểu lộ trong những sinh hoạt khác. Những khả năng trí tuệ của em đã được
đem sử dụng để trắc nghiệm em. Những khả năng ấy đã trở thành hàng rào cản và
là nơi trú ẩn chống lại một thế giới mà em khiếp sợ. Đó là tác phong tự vệ và
phòng ngự. Đó là sự cô lập của em. Và nếu Dibs bắt đầu nói, đọc, viết, vẽ theo
những thể cách vượt xa những đứa trẻ khác quanh em, em sẽ bị chúng lánh xa và bị
cách ly vì những khác biệt của mình.
Dibs dấn thân vào cuộc đi tìm chính mình. Mỗi giai đoạn một mục
tiêu và sự tin tưởng vào những năng lực nội tâm của đứa trẻ này là hai điều kiện
thiết yếu. Bầu không khí của em phải thư thái, lạc quan, tinh tế.
– Cách đây ít lâu ở trường chúng em có tổ chức một chương
trình văn nghệ nho nhỏ – cô Hedda mỉm cười nói – Chúng em không hiểu biết là liệu
Dibs có vui lòng tham gia loại hoạt động này hay không và chính em quyết định để
tùy em ấy. Thực ra chúng em quyết định để mỗi đứa trẻ trong nhóm tự quyết định
xem mình có dự vào chương trình hay không. Đó là một câu chuyện cả nhóm cùng
sáng tạo và diễn xuất, tìm lời và tìm điệu nhạc tùy hứng. Và không bao giờ lặp
lại lần thứ hai. Mỗi ngày chúng em trình diễn khác đi. Ai muốn là cây? Ai muốn
là gió? Ai muốn là mặt trời? Và rồi chúng em để cho nhóm quyết định xem ai sẽ
đóng vai nào trong buổi trình diễn tại thính đường.
– Chúng em không biết là Dibs cảm thấy thế nào về việc này hoặc
em sẽ làm gì. Chúng em đã nhiều lần áp dụng chương trình này và trước đây Dibs
chẳng thèm biết tới. Nhưng lần này thì em nhập bọn và tình nguyện trình diễn một
vũ điệu. Em tạo một vũ khúc mà các em khác rất mê. Em muốn là gió, em thổi, em
uốn lượn quanh co và các em quyết định Dibs sẽ là gió trong buổi lễ. Dibs đồng
ý. Em thủ vai rất đạt. Đột nhiên giữa vũ khúc em quyết định hát. Em sáng tác lời
và cung điệu. Em hát đại khái như sau. “Em là gió. Em thổi. Em thổi. Em leo. Em
leo. Em leo lên đồi. Em thổi mây trời. Em uốn cong cây. Em thổi gợn cỏ. Không
ai cản được gió. Em là gió, là cơn gió lành, cơn gió không ai nhìn thấy. Nhưng
em là “gió”. Em dường như không biết là có khán giả. Các em rất khác rất ngạc
nhiên và thích thú. Chúng em nghĩ rằng sau cùng Dibs đã tìm được chính mình và
bây giờ là thành viên của nhóm.
Chắc chắn là Dibs đang tiến triển, nhưng tôi chưa dám nói là
em đã tìm thấy chính em. Em còn phải đi nữa. Sự tìm kiếm bản thân của em là một
kinh nghiệm khó khăn và bối rối, khiến em ý thức dần dần những tình cảm, thái độ
và những liên hệ của em với người xung quanh. Chắc chắn là còn nhiều tình cảm
thuộc quá khứ em chưa đào lên được và thể hiện qua trò chơi của em để tự biết
mình, để hiểu và để kiềm chế mình hữu hiệu hơn. Tôi hy vọng là trong phòng chơi
em có được những kinh nghiệm mới giúp em biết và cảm thấy những xúc động nội
tâm để bất kỳ sự sợ hãi nào, sự ghen ghét nào trong con người em được đưa ra
ánh sáng và loại bỏ.
CHƯƠNG 19
Lần sau khi Dibs đến em bảo tôi là em sinh hoạt ở văn phòng của
tôi có được không. “Em thấy là cô có cái máy thu băng” – em nói – “Em ghi âm
trên máy được chứ?”
Đối với tôi chẳng có gì trở ngại, thế là chúng tôi vào văn
phòng. Tôi gắn băng vào máy, cắm điện và chỉ bảo em cách sử dụng máy. Em hăm hở
cầm ống thâu và bật cho máy chạy.
“Dibs đang nói đây” – em nói – “Nghe ta nói, máy thâu băng.
Mi sẽ bắt và giữ lại tiếng nói của ta. Ta là Dibs đang nói. Ta là Dibs. Đây là
ta”. Em tắt máy và cười với tôi. “Tiếng của em đó” – em nói – “Em đã nói và ghi
lại. Em sẽ ghi môt cuộn băng dài và chúng ta sẽ giữ nó lại mãi mãi. Dành riêng
cho chúng ta thôi”.
Em lại mở máy thâu băng và bắt đầu nói vào ống thu. Em nói đầy
đủ tên họ, địa chỉ, số điện thoại. Rồi em kể tên đầy đủ của mỗi người trong gia
đình, cả bà em nữa. “Tôi là Dibs, và tôi muốn nói” – em tiếp tục – “Tôi ở văn
phòng cô A và ở đây có một máy thâu băng và lúc này tôi đang nói vào đấy. Tôi
đi học”. Em kể tên trường và địa chỉ. “Có những cô giáo ở trường tôi”. Tên của
mỗi cô giáo được ghi lại thật đầy đủ. “Có những đứa trẻ khác ở phòng tôi và tôi
sẽ kể tên tất cả những đứa trẻ”. Em đọc tên tất cả những đứa trẻ. “Marshmallow
là con thỏ của chúng tôi và là một con thỏ ngoan, nhưng nó bị nhốt trong lồng.
Khổ cho con Marshmallow quá. Khi tôi ở trường tôi tập đọc, tập viết và tập đếm.
Nào, tôi đếm thế nào đây? Một, hai, ba, bốn”. Những con số từ từ và ngập ngừng
buột ra. “Sau số bốn đến số gì nhỉ? Thôi, để ta giúp mi, Dibs. Sau bốn là năm.
Đếm một, hai, ba, bốn, năm. Trời ơi! Mi giỏi lắm mới biết đếm như vậy!” Dibs vỗ
tay.
“Tôi nghe có người vào cửa” – em tiếp tục – “Ồn ào quá. Vào
trong nhà thì phải lặng lẽ. Ồ, đó là Ba. Làm gì mà xô cửa ầm ầm vậy Ba? Ông ngu
ngốc và không chú ý. Tôi không muốn ông lẩn quẩn quanh tôi khi ông hành động
như vậy. Tôi không cần biết là ông muốn gì. Tôi nhốt ông vô phòng của ông và
khóa cửa lại để chúng tôi khỏi phải nghe một kẻ ngu ngốc đang la”.
Dibs tắt máy và đi ra cửa sổ. “Trời bên ngoài đẹp quá” – em
nói – “Cô A, tại sao bao giờ trời cũng đẹp khi em có mặt ở đây?”
– Dường như trời bao giờ cũng đẹp khi em đến đây à?
– Dạ, ngay cả khi trời lạnh hay trời mưa, bao giờ trời cũng đẹp
trong này. Để em mở băng cho cô nghe.
Em cuốn ngược băng lại và mở ra từ đầu, lắng nghe với vẻ
nghiêm chỉnh trên nét mặt. Em vặn lại đoạn ghi băng ghi tiếng la hét của người
cha nhiều lần, rồi em cho chạy hết chỗ băng đã ghi. Em tắt máy. “Ba không thích
bị đuổi về phòng” – em nói với tôi. “Ông không thích bị mắng là ngu ngốc”. Em lại
đi ra cửa sổ.
“Từ cửa sổ này em có thể nhìn thấy mấy cây. Em có thể đếm được
tám cây, em nhìn thấy một phần nào của những cây đó. Cỏ cây chung quanh nhà là
điều tốt. Cây nào cũng cao lớn và thân thiết”.
Em trở lại máy thâu băng và mở máy. “Ngày xưa có một cậu bé sống
trong ngôi nhà lớn với mẹ, với cha và em gái…Và một hôm người cha về nhà và vào
phòng làm việc của ông và cậu bé cũng theo vào không thèm gõ cửa. “Ông là một
người xấu” – cậu bé la – “Tôi ghét ông! Tôi ghét ông! Ông có nghe tôi nói
không? Tôi ghét ông”. Và người cha bắt đầu khóc. Ông ta nói “Xin đừng. Ba ân hận.
Ba ân hận về những điều ba đã làm cho con. Xin đừng ghét ba!” Nhưng cậu bé bảo
ông ta “Tôi sẽ trừng phạt ông. Tôi không muốn ông quanh quẩn bên tôi nữa. Tôi
muốn đuổi ông đi”. Em tắt máy và lại gần tôi.
– Đây chỉ là giả bộ thôi – em nói – Em bịa một chuyện về ba. Ở
trường em làm cho ông một bàn thấm và buộc bằng một sợi dây vải đỏ. Rồi em lại
làm một cái gạt tàn bằng đất sét đem nung rồi đem sơn để tặng Ba.
– Em làm đồ tặng Ba ư? Và chuyện này chỉ là chuyện giả bộ
thôi à?
– Dạ. Nhưng mình cứ việc nghe lại.
Em cho quay lại câu chuyện. Rồi em ghi băng nói tiếp. “Đây là
tiếng nói của Dibs. Tôi ghét cha tôi. Ông ta xấu với tôi. Ông không ưa tôi. Ông
không muốn có tôi ở gần. Ông ta là một người xấu”. Em nói lại tên và địa chỉ của
ông. “Ông ta là một nhà bác học” – em tiếp tục nói. “Ông ta là một người rất bận.
Ông muốn được tĩnh mịch. Ông không thích cậu bé. Cậu bé không ưa gì ông”. Em tắt
máy và đến bên tôi.
“Ông không còn xấu với em nữa” – em nói – “Nhưng ông đã từng
xấu với em. Có lẽ bây giờ ông còn thích em là đàng khác”. Trở lại với máy thâu
băng em tiếp tục nói. “Ba ơi! Tôi ghét ông” – em hét lớn – “Tôi ghét ông! Ông đừng
có bao giờ khóa nhốt tôi lại nữa nếu không tôi sẽ giết ông. Tôi giết ông thật đấy
vì những điều ti tiện của ông đối với tôi”.
Em cuốn ngược băng lại, gỡ ra, và trao cho tôi.
– Cô cất đi – em nói – Cô bỏ vào hộp cất đi và giữ lại cho
riêng chúng ta.
– Được. Cô sẽ cất và giữ lại cho chúng ta.
– Em xuống phòng chơi. Chúng ta sẽ thanh toán việc này dứt
khoát.
Chúng tôi xuống phòng chơi và Dibs nhảy vào bể cát và bắt đầu
đào một cái hố sâu. Rồi em đi tới căn nhà búp bê và lấy ra con búp bê cha. “Ông
có muốn nói gì không?” – em hỏi con búp bê – “Ông có hối hận vì những câu nói
ti tiện cáu kỉnh không?” Em lắc con búp bê, ném nó xuống bể cát và lấy chiếc xẻng
đánh nó. “Tôi sẽ làm cho ông một gian nhà tù có khóa cửa’ – em nói – “Ông sẽ hối
hận về những việc ti tiện ông đã làm”.
Em lấy những viên gạch và xếp quanh cái hố, cất nhà tù cho
con búp bê cha. Em làm việc nhanh nhẹn và hữu hiệu. “Đừng đối xử với Ba như thế,
con” – em nhân danh con búp bê cha mà nói – “Ba hối hận vì Ba đã làm khổ con.
Con hãy để cho Ba thêm một cơ hội nữa”.
“Tôi sẽ trừng phạt ông vì những gì ông đã làm!” – Dibs la
lên. Em đặt con búp bê cha trong hố cát và lại gần tôi.
– Em vốn sợ Ba – em nói – Ông thường rất nhỏ mọn đối với em.
– Em vốn sợ ông ư? – Tôi hỏi.
– Bây giờ ông không còn nhỏ mọn với em nữa. Nhưng em vẫn cứ
trừng phạt ông.
– Dù ông không còn nhỏ mọn với em nữa, em vẫn muốn trừng phạt
ông ấy à?
– Dạ. Em sẽ trừng phạt ông.
Em trở lại bể cát và tiếp tục việc xây nhà tù. Rồi em đặt con
búp bê cha vào nhà tù, đặt tấm ván nhỏ làm nóc nhà rồi phủ cát lên trên. “Ai sẽ
lo lắng cho con?” – em la lên. Dibs nhìn tôi. “Đây là người cha” – em nói – “
Ông nói là ông rất ân hận. Ai sẽ mua đồ cho con và săn sóc cho con? Ba là Ba của
con. Đừng làm khổ Ba. Ba hối hận về những điều Ba đã làm cho con! Ôi, Ba ân hận
quá, Dibs, tha lỗi cho Ba! Ba hối hận quá”. Em tiếp tục xúc cát và con búp bê
cha bị vùi lấp trong nhà tù.
Dibs lại gần tôi, kéo tay tôi quàng ngang lưng em – Ông ta là
cha em. Ông săn sóc cho em. Nhưng em đang trừng phạt ông vì tất cả những điều
ông làm cho em buồn phiền đau đớn.
– Em đang phạt ông về những điều ông thường làm khiến cho em
bị khổ sở à?
Dibs trở lại căn nhà búp bê và nhặt con búp bê con trai lên.
“Cậu bé nghe cha kêu cứu và cậu chạy lại cứu ông ta” – em nói. “Dibs nhảy vào bể
cát với con búp bê con”. Cô thấy chưa. Đấy là Dibs” – em giới thiệu tôi với con
búp bê cầm trong tay – Và nó vào chỗ hoang vắng mênh mông này và tìm kiếm ngọn
núi đã chôn vùi cha nó trong gian nhà tù và cậu ta bắt đầu đào. Cậu đào, cậu bới”.
Dibs nhặt chiếc xẻng lên và đào sâu xuống nhà tù. Cậu nhấc tấm ván lên và nhìn
vào trong hố. “Rồi, ông ta đây rồi!” – Dibs loan tin – “ Và ông ta rất hối hận
về những điều mà ông ta đã làm. Ông nói “Ba thương con, Dibs. Con giúp Ba với.
Ba cần con”. Thế là cậu bé mở khóa nhà tù để cha mẹ em ra”. Dibs thận trọng nhặt
con búp bê cha lên. Em cầm con búp bê cha và con búp bê con trong tay và lặng lẽ
xem xét. Em đem chúng về căn nhà búp bê và để chúng bên nhau trên một băng ghế
dài.
Dibs quay lại phía tôi, với nụ cười xinh xinh trên môi, em
nói giọng bình thản. “Bữa nay em nói chuyện với Ba em”.
– Thế à? Em nói về vấn đề gì?
– Ông ngồi trong phòng ăn sáng đang uống cà phê và đọc báo.
Em đi thẳng tới chỗ Ba và nói: “Chào Ba. Chúc Ba được thoái mái bữa nay”. Ba em
đặt báo xuống và nói với em: “Chào Dibs, con cũng được thoải mái đi”. Và có vậy.
Hôm nay em vui lắm.
Em đi loanh quanh phòng mỉm cười vui vẻ.
– Bữa chủ nhật Ba đưa gia đình em đi tắm biển bằng xe hơi.
Chúng em ra bãi biển và em nhìn thấy biển. Ba và em đi dọc bờ biển và Ba kể cho
em nghe đủ thứ chuyện về biển, về thủy triều và về những sự khác nhau giữa biển,
hồ, sông, suối, ao đầm. Và em bắt đầu xây một lâu đài bằng cát. Ba hỏi Ba có thể
giúp em không và em đưa xẻng cho Ba. Hai cha con thay phiên nhau xúc. Em lội xuống
nước nhưng trời lạnh, em không ở lâu trong nước được. Cả nhà ăn cơm trưa trong
xe. Vui thiệt là vui, má cười hoài, cười hoài.
– Em được vui vẻ với Ba, với Má à?
– Dạ. Thích lắm. Một cuộc đi chơi rất vui ra bãi biển và trở
về. Không có một câu nói nặng nề nào. Thật tình là không có.
Dibs mỉm cười. “Hôm nay em đã nói chuyện với Ba” – em nói với
một nụ cười vui vẻ, cởi mở.
Điểm thú vị là những tình cảm thù hận và oán ghét cha được biểu
lộ công khai, trực tiếp và đầy đủ hơn khi em đã an tâm hơn trong mối liên hệ với
người cha. Thực là nức lòng khi được nghe kể là em có những kỷ niệm tốt đẹp với
người cha, không những ông giảng giải cho con nghe về biển, về sông, về suối mà
còn thay con xúc cát để xây nhà với nó.
CHƯƠNG 20
Em lại xuất hiện rồi đây! – Dibs nói lớn tiếng khi em bước vào
phòng đợi thứ năm tuần sau đó – Chẳng còn mấy lần nữa rồi chúng ta sẽ đi nghỉ
hè.
– Phải. Khoảng chừng ba buổi nữa, kể cả hôm nay. Rồi cả hai
chúng ta cùng đi nghỉ.
– Gia đình em sẽ đi nghỉ ở hải đảo. Em hy vọng năm nay kỳ nghỉ
của em sẽ thích thú. Bà em dự định đi nghỉ với gia đình em năm nay thay vì đến
chơi vào lúc khác. Em thích lắm.
Em đi chung quanh phòng chơi. Rồi em cầm con búp bê lên. “Đây
là đứa em gái” – em lớn tiếng, làm như em chưa thấy con búp bê này trước đây –
“Nó có phải con ranh con không? Em sẽ thủ tiêu nó. Em sẽ cho nó ăn một chiếc
bánh bột ngon đã tẩm thuốc độc và em sẽ thuốc nó cho nó đi luôn”.
– Em muốn thủ tiêu luôn cô em gái à? – Tôi hỏi.
– Đôi khi nó la hét, cào cấu và gây thương tích cho em và em
sợ nó lắm. Đôi khi em cũng đánh và cào cấu nó. Nhưng ít khi nó có nhà. Chẳng
bao lâu nó sẽ về nhà và nó sẽ sống với chúng em kỳ hè. Năm nay nó năm tuổi.
– Đôi lúc hai đứa đánh và cào cấu nhau phải không?
– Dạ. Nhưng nó ít có nhà lắm. Cuối tuần vừa rồi nó ở nhà.
– Và tình hình bữa đó ra sao?
– Ồ – Dibs nhún vai – Không có sao cả. Đôi khi em chơi với
nó. Nhưng em không cho nó vào phòng em. Em có nhiều đồ quí trong đó. Và nó tính
giành giựt để xé ra. Thế là chúng em đánh lộn. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Năm tới
nó sẽ về sống ở nhà. Năm tới nó sẽ học cùng trường với em.
– Và em cảm thấy thế nào?
– Ồ, sao cũng được. Em nghĩ là em vui khi nó về nhà ở. Ở trường
chắc nó cô độc lắm. Nó trọ học ở trường của bà cô em. Nhưng ai cũng nghĩ là nên
để nó ở nhà.
– Và em cũng vui mừng là nó về nhà sống phải không?
– Dạ. Em vui lắm. Nó không phá em như trước nữa. Khi em chơi
với những hình khối, những toa xe lửa, những chiếc xe hơi và bộ dựng nhà cửa,
đôi khi nó lại chơi với em. Nó đưa cho em viên gạch khối hay một miếng khung
nhà. Nó không còn ủi sập những gì em xây dựng lên nữa. Rồi đôi lúc em cũng chơi
với nó. Chủ nhật vừa rồi em đọc cho nó nghe một câu chuyện. Đó là một cuốn sách
mới Ba mới đem về cho em. Một câu chuyện về điện. Nó nói nó nghĩ rằng câu chuyện
không hay, nhưng em nghĩ là rất hay. Em bảo nó rằng nó nên chú ý và học được
cái gì thì cứ học. Em nghĩ là câu chuyện rất hấp dẫn. Ba nói là Ba vào hiệu
sách và thấy cuốn sách mới này viết cho trẻ em và Ba nghĩ là em thích, mà em
thích thật.
Em đi ra chỗ giá vẽ cầm một hũ màu và một cái ly. Em đổ thuốc
vẽ ra ly, rót thêm chút nước, khuấy lên từ từ và thận trọng. Rồi em thêm những
màu khác vào, khuấy lên thật kỹ. “Đây là thuốc độc cho cô em gái” – em nói –
“Nó nghĩ là bột dinh dưỡng, nó ăn và thế là nó rồi đời”.
– Đây là thuốc độc cho cô em gái và sau khi ăn là rồi đời à?
Dibs gật đầu. Rồi em nhìn tôi.
– Em sẽ không lừa nó uống ngay đâu. Em sẽ chờ đợi và nghĩ lại.
Em đi lại nhà búp bê và lấy con búp bê mẹ. “Bà đã làm gì cho
cậu con trai?” – em vặn hỏi con búp bê này – “Bà đã làm gì cho cậu ta? Tôi đã
nhắc bà có một việc biết bao nhiêu lần. Bà có biết mắc cỡ không? “Em đưa con
búp bê mẹ tới bể cát. Bà đắp cho tôi một ngọn núi!” – em yêu cầu – “Bà cứ ở
nguyên đây và bà đắp đi, bà làm cho đúng. Bà nên thận trọng vì tôi đứng cạnh bà
từng phút một. Trời ơi! Trời ơi! Tại sao nó lại đứng như thế nhỉ? Tôi đã làm gì
cho nên nông nổi này? Bà đắp cho tôi ngọn núi ấy và bà đừng có nói với tôi là
bà không làm được. Tôi chỉ cho bà phải làm thế nào. Tôi sẽ chỉ cho bà, chỉ hoài
chỉ mãi. Và bà phải làm việc ấy!”
Em bỏ con búp bê mẹ rớt xuống cát và đi ra cửa sổ. “Khó làm lắm”
– em nói – “Không ai có thể đắp nổi một ngọn núi. Nhưng em bắt bà ấy đắp. Bà ta
sẽ phải đắp ngọn núi và phải làm cho đúng. Có cách làm đúng, có cách làm sai.
Và bà phải làm cho đúng!”
– Má không đắp nổi ngọn núi – em bình tĩnh nói – Con nít cũng
không đắp được núi. Không ai đắp được núi cả.
– Má không làm được à? Con nít cũng không làm được à? Như thế
là quá sức phải không?
– Một cơn bão lớn có thể đến và thổi hết mọi người đi.
– Có thể như thế không?
– Chỉ có điều là em không muốn thế – Dibs nhỏ nhẹ nói – Em chẳng
muốn ai bị thổi đi cả.
– Cô hiểu ra rồi.
“Tại sao bà không chịu đắp cái núi ấy?” – Dibs lại la lên –
“Tại sao bà không làm điều tôi biểu bà làm? Nếu bà la, bà khóc, tôi sẽ nhốt và
vào phòng”. Em nhìn tôi. “ Bà ấy ráng, ráng hết sức. Bà ấy sợ, vì bà ấy không
muốn bị nhốt vô phòng. Bà ấy cầu cứu em”. Em đứng trên bể cát, nhìn xuống con
búp bê mẹ.
– Bà ấy ráng đắp ngọn núi và bà ta sợ vì không muốn nhốt vô
phòng, bà kêu cứu em à? – Tôi hỏi.
– Dạ – Dibs bình thản nói.
Em lại chỗ con búp bê mà em chỉ định là đứa em gái. Em ôm nựng
nó trong tay. “ Em sợ lắm phải không, em gái tội nghiệp?” – em nói dịu dàng –
“Anh sẽ lo cho em. Anh sẽ cho em bú sữa là em hết sợ liền”. Em đưa chai lên miệng
con búp bê và dịu dàng đu đưa nó trên cánh tay. “Tội nghiệp em gái. Anh sẽ săn
sóc cho em. Anh sẽ để em dự liên hoan của anh. Không có ai được làm khổ em hết”.
Em đưa con búp bê đến giường búp bê, nhẹ nhàng đặt nó xuống
và cẩn thận đắp mền cho nó, nhưng em đem bình chai trở lại bàn và mút đầu vú.
– Em sẽ giúp em gái?
– Dạ. Em sẽ lo cho nó.
Em yên lặng một hầu lâu.
– Hôm nay ở trường có hai con cá chết – em kể – Chúng em
không biết điều gì đã xảy ra cho chúng. Cô Hedda nói là chúng nó chết sáng hôm
nay.
– Vậy à? – Tôi nói theo.
– Hôm nay ở trường em đóng cho Má một cuốn sách. Má thích hoa
nên em cắt hoa ở cuốn mẫu hạt giống. Em đem dán lên giấy màu và viết tên hoa dưới
mỗi bức ảnh. Rồi em đóng tất cả những trang ấy lại bằng chỉ sợi xanh lá cây.
– Hay quá! Rồi em làm gì với tập ấy?
– Vẫn còn ở trường. Em sẽ làm cho Ba một món. Và em ráng nghĩ
phải làm cái gì cho Dorothy. Khi em đã có phần cho mỗi người, em sẽ đem hết về
nhà.
– Như vậy là em tính tặng quà cho họ?
– Đó là dự định của em. Có điều là em chưa quyết định sẽ làm
cái gì cho em gái em. Em làm cho Ba cái chân giấy.
– Em muốn làm một món đồ cho mỗi người trong gia đình em à?
– Dạ. Em không muốn người nào bị bỏ quên cả. Em sẽ tặng Bà một
khúc đầu cành của cây cổ thụ mà em thích.
– Chắc Bà sẽ hài lòng về món quà tặng này.
– Bà sẽ mừng rỡ. Đây là một trong những báu vật của em mà.
Em quay lại bể cát. “Kìa Má!” – Em la lên – “Má lui cui làm
gì một mình ở dưới đó thế? Má không phải đắp núi nữa. Lại đây. Để con giúp má.
“ Em đu đưa con búp bê trên cánh tay. Em đến bên tôi. “Đôi khi má vẫn khóc” –
em thì thầm – “Trong mắt má có nước mắt, nước mắt chảy trên gò má và má khóc.
Em nghĩ có thể là má buồn”.
– Có lẽ là má buồn – tôi nó theo.
– Em cho má vào trong nhà cùng với gia đình – em tuyên bố. Em
để tất cả ngồi quanh bàn ăn để tất cả được sum họp.
Em băng qua chỗ để giá vẽ và phết lên giấy những vệt sơn màu
sặc sỡ. “Thế này có nghĩa là hạnh phúc” – em nói. Cây cọ vẽ của em quét màu
ngang dọc trên bức tranh. “Các màu sắc đều hạnh phúc, chúng hòa hợp với nhau, dễ
thương và thân thiết. Chỉ còn có hai thứ năm nữa thôi sau bữa nay” – em nói.
– Phải. Hai bữa nữa rồi đến nghỉ hè. Có lẽ em có thể trở lại
một lần nữa vào mùa thu nếu em muốn.
– Em sẽ nhớ cô, khi em không đến nữa. Cô có nhớ em không?
– Có, cô sẽ nhớ em, Dibs ạ.
Em vỗ nhè nhẹ tay tôi và mỉm cười.
– Cả hai cô cháu mình sẽ đi xa trong dịp hè.
– Phải, chúng ta sẽ đi xa.
– Phòng chơi này tuyệt vời – em nói – Đây là căn phòng hạnh
phúc.
Nhiều lúc đây là căn phòng hạnh phúc đối với Dibs, nhưng cũng
lắm khi đầy buồn phiền khi em đào bới quay cuồng trong những tình cảm, sống lại
những ngày qua, khiến em phải đau khổ ghê gớm.
Dibs đứng trước mặt tôi vào lúc này đầu cất cao. Em có một cảm
giác bình an sâu trong lòng. Em đang xây dựng một ý thức trách nhiệm cho những
tình cảm của mình. Những ý nghĩ oán ghét báo thù được lòng từ tâm kiềm chế.
Dibs đang xây dựng một ý niệm về mình trong khi lần mò qua những bụi rậm gai
góc do những tình cảm hỗn tạp tạo thành. Em có thể thù hận và cũng có thể yêu
thương. Em có thể kết án và cũng có thể tha thứ. Qua kinh nghiệm, em đang học hỏi
rằng tình cảm có thể uyển chuyển và giảm bớt sắc nhọn. Em đang học cách kiểm
soát có trách nhiệm cũng như cách diễn đạt tình cảm của mình. Qua sự hiểu biết
gia tăng về chính mình, em sẽ được tự do sử dụng những khả năng, những xúc động
của mình với tính cách xây dựng hơn.
CHƯƠNG 21
Tôi đã mượn được một bộ trắc nghiệm về ngoại giới và để trong
phòng chơi khi Dibs đến vào tuần sau đó. Bộ này gồm nhiều hình tượng nhỏ đủ chi
tiết: có hình người, thú vật, nhà cửa, cây cối, hàng rào, xe hơi, máy bay, và
những đồ tương tự. Bộ này chủ yếu được tạo ra nhằm trắc nghiệm nhân cách, nhưng
tôi sẽ không sử dụng nó vào mục đích này với Dibs. Tôi nghĩ em sẽ chú ý đến những
hình tượng xinh xinh và nếu em lựa chọn chơi với chúng thì trò chơi sẽ thú vị.
Tôi không có ý đề nghị em dùng bộ ấy – hoặc làm một điều gì để hướng dẫn những
hoạt động của em, với một thứ dụng cụ đặc biệt nào. Bộ trắc nghiệm để đó, nếu
thích thì em cứ việc dùng.
Ngay tức khắc em chú ý tới chiếc va ly chứa đựng vật liệu và
vội vã mở ra. “Chúng ta có cái gì mới trong này” – em hô lên – “Ồ, xem những thứ
đồ vật nhỏ này nè”. Em mau mắn xem các loại đồ vật. “ Có những hình người, những
ngôi nhà, những con vật nhỏ bé. Cái này là cái gì?
– Em có thể xây dựng cả một thế giới với nó, nếu em muốn –
tôi nói. Có một tấm giấy để trải rộng trên sàn và những giải màu xanh đó là nước.
– Ồ, hay nhỉ, hay quá nhỉ – em kêu lên – Có thể là một thành
phố. Em có thể xây cất được, em muốn xây cất thành phố ấy.
– Phải. Em có thể làm được.
Dibs trải tấm giấy ra, và ngồi xuống sàn bên cạnh đồ vật. Em
cẩn thận lựa chọn những hình tượng. Em chọn một ngôi nhà thờ, một căn nhà, và một
chiếc xe vận tải. “Em sẽ xây dựng thế giới của em” – em vui vẻ nói – “Em thích
những tòa nhà nhỏ, những người và những đồ vật này. Em sẽ kể cho cô câu chuyện
mà em đang xây dựng trong khi cô the dõi sự phát triển của nó”.
Em cầm một ngôi nhà thờ nhỏ màu trắng lên. “Ngôi nhà thờ dành
cho Chúa và những người nhỏ bé. Và đây là những vật ở thành phố”- Em nhặt ra những
ngôi nhà, những xe vận tai thì đầy tiếng ồn ào. Đó là tiếng động của thành phố”.
Em bắt đầu xếp đặt những đường phố. “Những căn nhà mọc lên hết nhà nọ đế nhà
kia. Đây là cả một thành phố! Và đây là con đường nhỏ yên tĩnh hẻo lánh. Bây giờ
đến con đường chạy ra phi trường và phi trường gần sông. Em để máy bay ở đây
trong phi trường. Ở ngoài này trên sông, em để những chiếc thuyền nhỏ này. Ồ,
trông kìa! Có những bàng ghi tên đường. Đây là đại lộ Số Hai và ở New York này
có đại lộ Số Hai. Và đây là đẻn đỏ”. Dibs say sưa với việc xây dựng thế giới của
em. “Đây là dấu hiệu đi và đây là dấu hiệu dừng lại. Và đây là hàng rào và đây
là rào cản. Và chiếc máy bay này đang lượn”. Em nhái tiếng máy bay ù ù và cho
lượn tròn lả lướt.
Thuyền ở trên sông. Nó qua lại trên sông. Hiện có ba chiếc
máy bay trên phi trường. Và đây là khách sạn. Bây giờ để khách sạn vào đâu nhỉ?
Em để vào chỗ này và bên ngoài, trước khách sạn em sẽ để sạp báo. Rồi em sẽ cho
thêm mấy ngôi nhà vào chỗ này. Bây giờ đến mấy cửa tiệm. Bởi vì người ta phải
có cửa tiệm. Đâu rồi nhỉ? Đây rồi. Và đây là bênh viện và xưởng sửa xe. Có đủ mọi
thứ ở đây và em cần phải tạo nên thế giới của em” – Dibs nói.
Làm như vậy là phải – tôi nhận xét.
“Bệnh viện này là một tòa nhà lớn. Em đặt nó ở đây trên đại lộ
Số Một. Theo tên đường phố là như vậy. Phải. Đó sẽ là bệnh viện. Cho người bệnh.
Có mùi bệnh tật và mùi thuốc. Và đây là nơi buồn bã. Đây là một căn nhà đẹp và
nằm ở phía có mặt trời của con đường. Đây là một thành phố lớn huyên náo và cần
có một công viên. Chính ở chỗ này em xây công viên”. Em bày những cây và những
bụi rậm ra. “Đây là nhà trường. Không, chưa được”. Em cất nhà trường vào hộp.
“Đây là một căn nhà khác. Những căn nhà san sát kề nhau và người ta sống trong
đó. Họ là người lối xóm và thân thiết. Bây giờ em dựng hàng rào chung quanh phi
trường. Em rào lại cho an toàn. Và bây giờ là những hàng rào”. Em nhặt lên những
hàng rào xanh bằng cao su. “Đây là những cây đang mọc. Những hàng giậu và những
cây. Nhiều cây quá. Tất cả đứng dọc theo đại lộ thành hàng. Tất cả những cây
này đều có lá. Một thành phố vào mùa hè”.
Em ngồi trên gót chân và nhìn tôi. Em dang rộng cánh tay ra
và mỉm cười. “Mùa hè mĩ miều và đầy lá xanh! Bây giờ ở ngoại ô thành phố là một
nông trại. Em sẽ đặt ít con bò cái ở chỗ kia”. Em sắp bò cái thành hàng. “Tất cả
đều vào chuồng. Tất cả đều xếp hàng chờ được vắt sữa”. Em cúi xuống hộp và nhặt
thêm những hình tượng.
“Bây giờ đến ngươi!” – Em la lớn – “Một thành phố cần có người.
Và đây là người đưa thư”. Em đưa cho tôi xem. “Ông ấy có một túi đựng đầy thư
và cô thấy ông ta đi lòng vòng và dừng lại ở mỗi nhà. Mỗi người nhận được một
thư riêng. Và ông ấy lại nhà thương để người bệnh và người bị thương cũng nhận
được thư. Và khi họ nhận được thư họ mỉm cười trong lòng. Xe vận tải lái ra phi
trường. Hàng rào này giữ để máy bay không chạy tuột ra ngoài và làm bị thương
người ta. Và chiếc máy bay này bay vút lên trời”. Em cho chiếc máy bay trên
thành phố của em. “Trông kìa!” – Em hô – “Bên trên thành phố, nó bay bên trên
thành phố. Chiếc máy bay lớn chọc thủng những lỗ tròn trên nền trời xanh để bầu
trời trắng chiếu qua. Rồi người chủ trại chạy ra xem…”. Dibs bỏ dở trò chơi và
ngồi im lặng nhìn thế giới em đang xây dựng. Em thở dài. Em lấy những hình tượng
từ va ly ra.
“Đây là những đứa con và bà mẹ chúng. Họ cùng nhau sống trong
trại tại một căn nhà tình nghĩa. Đây là mấy chú cừu con và mấy chú gà. Và đây
là bà mẹ đang đi dọc đường xuống thành phố! Em tự hỏi không biết bà đi đâu? Có
thể là bà đi tới hàng thịt để mua một ít thịt. Không. Bà đi dọc con đường và đi
đi mãi cho tới khi bà đến sát cạnh bệnh viện. Bây giờ em tự hỏi sao bà lại đứng
đó, cạnh bệnh viện?”
– Cô cũng lấy làm lạ.
Dibs ngồi yên một lúc lâu, nhìn vào hình tượng người mẹ. “À”
– sau cùng em nói – “Bà đứng đó và bà đứng sát bên nhà thương. Có nhiều xe hơi
đang chạy dọc theo đường phố và một xe chữa lửa. Mọi thứ phải dạt ra nhường đường
cho xe chữa lửa”. Em cho những chiếc xe hơi và xe chữa lửa chạy xuôi ngược đường
phố, bắt chước tiếng máy chạy.
“Bây giờ thì những đứa trẻ ở đâu rồi? Ồ đây có một đứa nhỏ.
Nó một mình đi dọc theo theo bờ sông. Tội nghiệp đứa trẻ cô đơn. Và con cá sấu
bơi trong sông. Và đây là một con rắn lớn. Đôi khi những con rắn sống trong nước.
Cậu bé lại gần, lại gần sông hơn. Gần sự nguy hiểm hơn”.
Một lần nữa Dibs ngưng hoạt động và nhìn vào thế giới của
mình. Em bỗng mỉm cười. “ Em là kẻ xây dựng những thành phố”. Đây là chị bếp đi
ra đổ rác. Và người đàn bà này đi ra tiệm”. Em để một đứa trẻ khác đứng bên cậu
bé đã có mặt bên sông. “Đứa trẻ này đi tìm cậu bé” – em giải thích – “Bây giờ cậu
bé lội xuống sông và cậu không biết gì về con cá sấu và con rắn. Nhưng cậu bé
kia là bạn đã báo động cho biết và bảo bạn phải leo lên thuyền. Cậu bé leo lên
thuyền. Thấy không? Và thuyền thì an toàn. Hai cậu bé cùng nhau lên thuyền và họ
là bạn”. Em để hai cậu bé vào thuyền.
“ Và đây là người cảnh sát điều khiển giao thông. Đây là vì lợi
ích của mọi người”. Em để thêm những bảng chỉ dẫn quanh thành phố! “Có những đường
đi lại hai chiều nhưng cũng có những đường chỉ đi một chiều thôi và con đường
này là con đường một chiều”. Dibs lấy ngôi trường ra khỏi hộp. “Trường này gọi
là trường Số Một. Chúng ta phải có trường. Trẻ phải có trường để học” – Em cười.
“Có trường để chúng được dạy dỗ. Đứa bé này, đứa con gái này – nó sẽ ở nhà. Nó
sẽ ở nhà với má nó, với ba nó và với anh nó. Họ muốn để nó ở nhà để nó khỏi cô
đơn”. Em lựa chọn tất cả những hình tượng người và đặt họ ở chung quanh thế giới
mà em đang xây dựng. Em đã sáng tạo một thế giới đầy người.
Dibs đứng dậy băng qua phòng đến chỗ để bộ đô-mi-nô, em đập mạnh
tay lên những quân bài. “Ta có những đồ chơi mới để chơi”. “Ta có cả một thành
phố để xây dựng, với nhà cửa, người ta và những con vật. Ta xây dựng một thành
phố – một thành phố lớn đông đúc chen nhau như thành phố New York. Chắc chắn có
người nào đó đang đánh máy ở văn phòng kia”.
Em trở lại với thành phố của em và ngồi xuống sàn bên cạnh
thành phố. “Xe vận tải chạy dọc phố này và dấu hiệu giao thông báo là phải ngừng
nhưng khi người cảnh sát trông thấy chiếc xe vận tải, anh ta bật dấu hiệu cho
chạy thế là chiếc xe vận tải vui vẻ tiếp tục chạy. Con chó chạy dọc đường phố
và người cảnh sát bật đèn hiệu để con chó không phải chờ đợi và con chó vui vẻ
tiếp tục chạy. Ngừng lại. Chạy. Ngừng lại. Chạy. Em nói cho cô biết có sự sống
trong thành phố này. Mọi vật di chuyển. Người ta đến và đi. Nhà cửa, nhà thờ,
xe cộ, người ta, những con vật và những cửa tiệm. Và xa ngoài này những con vật
ở một nông trại xanh tươi mát mẻ”.
Em đột ngột cầm lên chiếc xe chữa lửa và cho nó hú dọc đường
phố! “Xe chữa lửa được kêu đến vì tòa nhà bị cháy và có người ta bị kẹt trên lầu
– những người lớn. Họ la họ hét và họ chạy ra không được. Những chiếc xe chữa lửa
đến và phun nước. Họ sợ hãi hết sức nhưng họ được cứu thoát”.
Dibs cười lên một mình. “Tại sao đây lại là ba em, Dibs. Và
đây là má em”.
Em ra bàn ngồi xuống, nhìn tôi.
– Ba vẫn còn rất bận. Bữa trước bác sĩ Bill tới thăm má. Hai
người vốn là bạn thân. Ông ở lại lâu và nói chuyện với má. Bác sĩ Bill mến má.
Bác sĩ nói là em tốt rồi.
– Ông nói vậy à?
– Dạ. Ra khỏi rừng rậm rồi, ông ta nói vậy. Như thế nghĩa là
gì thưa cô. Bữa nay khi em ở đây ra, em phải đi tới tiệm hớt tóc để hớt tóc. Em
thường la hét và vùng vẫy, nhưng bây giờ thì hết rồi. Có lần em cắn người thợ hớt
tóc.
– Em cắn người ta?
– Dạ, em sợ quá, nhưng bây giờ em không sợ nữa.
– Như vậy là em hết sợ rồi – tôi nhận xét.
“Em đoán là em lớn rồi. Nhưng em phải xây dựng xong thành phố
của em. Em phải để cây, để bụi và lùm cây khắp nơi cho thành phố đẹp. Đây là một
đường phố rất đông. Em sẽ để người ra khắp đường phố. Đây là chiếc xích lô đón
khách đi xe lửa. Người ta đến thăm thành phố và mọi người vui vẻ gặp họ. Đây là
người đưa thư. Cô thấy ông ta xuôi ngược đường phố và mang thư từ đến cho mọi
người. Nhưng đây là Ba đang đi về nhà, và ông ta phải ngừng lại vì đèn đỏ. Ba
chờ và không thể di chuyển cho tới khi đèn hiệu cho đi, nhưng đèn hiệu bảo ngừng
hoài và ba không thể chuyển động. Có nhiều cây chung quanh. Những thành phố cần
có cây vì chúng cho bóng mát thân yêu. Hãy nhìn thành phố của em, thế giới của
em. Em xây dựng thế giới của em và đó là một thế giới đầy những người tử tế!”.
Khi tới giờ về, Dibs nhìn lại cái thế giới mà em đã xây dựng
– thế giới đầy những người tử tế! Nhưng “Ba” bị kẹt cứng trên đường đi vì dấu
hiệu giao thông không cho ông về nhà. Và khi em ra khỏi phòng chơi, môi em hé một
nụ cười vì em cho “Ba” bất động trong thế giới đầy những người tử tế của em.
Dibs đã xây dựng một thế giới với tính tổ chức cao đầy người
và đầy sinh hoạt. Sự thiết kế của em cho thấy là trí thông minh em cao độ, chứng
tỏ em nắm được toàn bộ những chi tiết. Có chủ đích, có sự nhất quán, có sự sáng
tạo trong kiểu mẫu em đặt ra. Những hình tượng bé nhỏ hấp dẫn khêu gợi tính hiếu
kỳ của em. Em đã xây dựng một thế giới có ý nghĩa và phát triển cao. Có những
tình cảm thù hận đối với ý niệm về cha mẹ, được trực tiếp bộc lộ. Có những biểu
lộ về ý thức trách nhiệm. Dibs đang trưởng thành.
CHƯƠNG 22
Khi Dibs đến trị liệu lần cuối trước khi nghỉ hè, em hỏi em có
thể ở lại văn phòng tôi một lúc không. Em ngồi ở bàn làm việc của tôi và nhìn
tôi trang nghiêm.
– Đây là ngày thứ năm cuối cùng – em nói.
– Phải. Đúng vậy.
– Em sẽ đi nghỉ hè. Chúng em sẽ đi ra bãi biển. Có nhiều cây
cối ở nhà quê – nhưng ở bãi biển không có cây. Nước xanh. Ở đ ó em thích lắm.
Nhưng em sẽ nhớ những buổi lại đây. Em sẽ nhớ cô.
– Cô cũng sẽ nhớ em. Dibs. Thật là hân hạnh được biết em.
– Em muốn biết là tên em có ở trên phiếu trong hồ sơ của cô
không?
– Em thử xem lại coi.
Em coi lại. Tên em có ở trong đó.
– Cô có giữ nó mãi không? Cô có nhớ em mãi không?
– Có. Dibs ạ. Cô sẽ nhớ em mãi mãi.
– Cô có giữ cuộn băng mà em đã ghi âm không?
– Có. Cô có cuộn băng ấy.
– Cô cho em xem lại cuộn băng ấy một lần nữa.
Tôi lấy cuộn băng từ trong tủ đựng hồ sơ ra và đưa hộp băng
cho em. Tên em ghi trên đó.
“Mày đã được ghi âm, Dibs” – em nói – “Mày làm cho cuộn băng
này nói. Cuốn băng này bắt và giữ tiếng của em lại. Đây là tiếng nói của em
trên cuốn băng”.
– Phải, đây là cuộn băng mà em đã ghi.
– Em có thể ghi thêm ít lời vào cuộn băng không?
– Nếu em muốn.
– Em muốn chứ. Em sẽ bắt và giữ lại giọng nói của em trên
băng này. Em thích máy ghi âm.
Chúng tôi lắp băng vào máy và nghe lại phần em đã ghi lại trước
đây. Rồi em vặn máy để ghi âm.
“ Đây là buổi thăm viếng phòng chơi cuối cùng” – em nói vào ống
nói – “Dibs đang nói đây. Đây là tiếng nói của em. Em đã đến phòng chơi. Em đã
làm rất nhiều điều trong phòng chơi. Em là Dibs”. Có một quãng ngừng lại lâu.
“Em là Dibs” – em thong thả nhắc lại. “Có lẽ đến mùa thu em sẽ trở lại thăm viếng
một lần nữa. Có lẽ chỉ một lần thăm viếng nữa thôi sau mùa hè. Em sẽ đi nghỉ hè
xa, bên bãi biển. Em sẽ lắng nghe sóng vỗ. Em sẽ chơi trên cát”.
Rồi là ngưng một hồi lâu. Em tắt máy. “Mình trở lại phòng
chơi đi cô” – em nói – “Em muốn chơi với bộ đồ ngoại giới thêm một lần nữa”.
Chúng tôi trở lại phòng chơi. Dibs lấy đồ đạc ra và bắt đầu
xây dựng lại thành phố của em. “Cô có thấy hai ngôi nhà này không? Đây là ngôi
nhà. Và đây là ngôi nhà. Tòa nhà này là nhà tù và tòa nhà này là bệnh viện”. Em
để hai ngôi nhà bên nhau. “Đây là ngôi nhà của cô và đây là ngôi nhà của em” –
em nói, đưa tay chỉ hai ngôi nhà – “Nhà của em toàn màu trắng và màu xanh. Có
cây, có hoa, có chim hót chung quanh. Các cửa ra vào và cửa sổ đều mở rộng. Cô ở
sát cạnh nhà em. Cô cũng có một ngôi nhà đẹp. Và chung quanh nhà cô có cây, có
hoa, có chim hót. Không có rào, có giậu giữa nhà cô và nhà em”.
“Chúng ta chung nhau nhà thờ và chúng ta chung nhau trường học,
nhưng nhà tù là của riêng em, cô không dính líu gì đến nhà tù cả. Cô không ưa
nhà tù. Cô không sử dụng nhà tù làm gì cả. Nhưng em thì có. Và có một cây dẻ lớn
ở trong sân sau nhà em. Đang là mùa hè và có nhiều cây xanh, mát, lá um tùm để
gió lùa qua. Em dang cánh tay ra giống như những cành cây và nhỏ nhẹ đu đưa
trong gió mà em tưởng tượng.
Em có vẻ hơi buồn, nhưng em quay lại với thành phố của em, ngồi
xuống sân và bắt đầu di chuyển một số hình tượng. “Đây là Nhà Tù” – em nói –
“Không có cây quanh nhà tù. Nhà tù ở xa dưới này, xa những ngôi nhà thân thiết,
xa nhà thờ. Nhà tù cô đơn và lạnh lẽo. Nhưng nhà thờ này gần nhà thờ chúng ta”
– em tuyên bố, tay chạm vào tháp nhà thờ – “Có cây thập giá trên đỉnh nhà thờ để
chỉ phương hướng. Nhưng tòa nhà này là nhà tù. Và ba đi vào nhà tù này. Ba em.
Văn phòng của ông ở lầu một nhà tù”. Dibs cười. Em bắt chước tiếng máy nổ cho mấy
chiếc xe hơi nhỏ chạy xuôi ngược trên các đường phố. Em khẽ hát một bài ca ngắn.
Em nhặt con búp bê mẹ, cha, em gái và con trai cầm cá trên tay. “Đây là người
ta” – em nói – “ Đây là người cha, người mẹ, cô em gái, cậu con trai. Bây giờ
người cha ở bên cạnh nhà cô. Ông ta không biết phải làm gì. Và đây là người mẹ.
Và cậu con trai này là Dibs. Đứa gái nhỏ này đứng với cha. Nó sắp đi vào nhà
tù. Đứa em gái và bà mẹ vào nhà tù – vì em không cần đến một đứa em gái” Em ném
đứa con gái vào hộp.
“Đây là nhà tù một chiều. Đây là nhà tù một chiều trên con đường
một chiều. Và không thể quay trở lại một khi đã vô tù. Em gái bây giờ biến mất
rồi.”
– Phải. Cô nhận thấy là đứa em gái bây giờ biến mất rồi.
– Ở thành phố đông đúc quá. Dân chúng tràn ra vùng quê. Và tất
cả những nhà này và những người này bắt đầu di chuyển, qua nhà Dibs, qua nhà
cô, ra miền quê.
Em đặt thêm một ngôi nhà khác. “Đây là ngôi nhà của Bà” – em
tuyên bố “Không có cây cối quanh nhà bà, bà thích cây cối, nên bà đi bộ sang
nhà em để thưởng ngoạn cây cối”.
“Chung quanh nhà nào cũng có hàng rào và cây cối. Chúng lớn
lên để làm đẹp thành phố! Mỗi cây xanh nhỏ đều giúp cho thành phố! Em để những
hàng rào quanh phi trường để cho được an toàn. Xe chữa lửa chạy dọc đường phố,
tông vào những chiếc xe hơi vì đường phố có nhiều xe quá. Nhưng không còn đám
cháy nữa. Mọi người được an toàn vui vẻ”.
Em lại với tôi.
– Tuần tới em sẽ đi xa. Em sẽ đi vắng suốt kỳ hè. Năm nay Bà
sẽ ở với chúng em suốt mùa hè. Nhưng đến tháng chín khi em về, em muốn trở lại
thăm cô.
– Cô nghĩ là chúng ta có thể thu xếp việc này. Và cô hy vọng
em sẽ được hưởng một mùa hè hạnh phúc.
Dibs cười lớn.
– Bữa nay em được lãnh cuốn niên giám ở trường. Có ảnh em
trong ấy. Em đứng ở hàng đầu giữ Sammy và Freddy. Và trong đó có một truyện em
viết. Em viết truyện về ngôi nhà về ngôi nhà của em và về cái cây lớn bên ngoài
cửa sổ phòng em. Người ta in truyện ấy vào cuốn niên giám. Cô còn nhớ truyện em
kể cho cô nghe về cái cây lớn thân thương không?
– Có. Cô còn nhớ.
“Chim bay đến đậu trên cây ấy và em nói chuyện với chúng. Em
gởi chúng đi vòng quanh thế giới đế những nơi khác nhau. Em bảo chúng đi
Caliofornia, Luân Đôn hay La Mã và ca hát làm cho người ta sung sướng. Em thích
chim. Chúng em là bạn với nhau. Nhưng ngay bây giờ em có việc phải làm. Em phải
lôi em gái em ra khỏi hộp và quyết định xem phải làm gì với nó. Nó phải ở nhà.
Và khi Ba ở văn phòng về ông mắng nó. Rồi đứa em gái đi sống với heo con. Và bà
mẹ cũng vậy”. Em cười lớn: “Nói đùa đó” – em nói – “Họ sống với nhau trong một
căn nhà. Mẹ, cha, em gái và cậu con trai”. Em nhặt lên cậu con trai nhỏ được chỉ
định là Dibs và hình tượng Dibs đã lớn. Em cầm chúng bằng cả hai tay. “Đây là
Dibs nhỏ và Dibs lớn” – em nói – “Đây là em và đây là em”.
– Cô hiểu. Em là Dibs nhỏ và là Dibs đã lớn.
“Và đây là người đàn bà đi dọc đường phố. Bà ta đến nhà em.
Bà ta là ai? Còn ai nữa, bà ta là cô A. Cô ấy sống ở đây với Dibs. Và đứa em
gái sống ở đây với cha nó. Nó không có má. Chỉ có ba mua cho nó những món đồ nó
cần, nhưng ông để cho nó bơ vơ một mình khi ông đi làm. Má đã lọt xuống sông.
Nhưng bà leo lên vô sự – chỉ bị ướt sủng và khiếp sợ. Người phụ nữ này đang đi
dọc đường phố! Người ấy đang đi dọc nhà thờ. Bà ta làm việc tốt”. Em đặt hình
tượng ấy bên nhà thờ. “Và những người đàn ông này đang đi ra trận. Họ sẽ đi chiến
đấu. Em đoán là bao giờ cũng có chiến tranh và đánh nhau. Nhưng bốn người này
là một gia đình và họ quyết định cùng đi chơi và họ thực hiện quyết định. Họ đi
ra bãi biển và vui vẻ. Họ quây quần với nhau và cảm thấy sung sướng. Rồi Bà đến
và năm người đều vui vẻ cùng nhau”.
Dibs cúi xuống trên thành phố của em và di chuyển nhà tù.
“Nhà tù bây giờ ở sát nhà cô A và cô nói là cô không thích nhà tù và không còn
nhà tù để giam cầm ai nữa”. Dibs vùi nhà tù vào bể cát. “Rồi còn lại hai ngôi
nhà này. Nhà của cô và nhà của em và chúng ta bắt đầu từ từ xa nhau”. Em thong
thả đẩy hai ngôi nhà xa nhau. “Nhà em và nhà cô A càng lúc càng xa nhau – cách
nhau chừng một dặm. Và đứa em gái bây giờ là đứa em gái của cô A. Nó đến nhà cô
để thăm viếng”. Em để đứa bé gái và cô A lại bên nhau gần căn nhà.
“Sáng còn sớm lắm và thằng Dibs lớn đi đến trường. Nó có những
người bạn ở trường. Nhưng cậu con trai nhỏ này là Dibs nhỏ”. Em cầm hình này
trong tay và xem xét tỉ mỉ.” Cậu con trai bé nhỏ này bị bệnh nặng. Cậu ta đi tới
nhà thương và tan biến mất. Cậu ta bé lại dần cho tới khi mất hẳn”. Em ra bể
cát vùi hình ấy. “Cậu con trai bé nhỏ bây giờ mất rồi” – em nói. “Nhưng Dibs lớn
thì to lớn, khỏe mạnh và can đảm. Nó không còn sợ gì cả”. Em ngước nhìn tôi.
– To lớn, khỏe mạnh, can đảm và không còn sợ gì cả – tôi nói
theo.
– Hôm nay cô cháu mình từ biệt nhau. Còn lâu em mới trở lại.
Cô sẽ đi xa và em cũng đi xa. Chúng ta sẽ đi nghỉ. Và em không còn sợ gì nữa.
Dibs đã đi đến chỗ ổn thỏa với chính mình. Trong cái trò chơi
tượng trưng của em, em đã bộc lộ những tình cảm đau đớn, não nề của mình, và đã
thoát khỏi nó với ý thức em có sức mạnh và sự an toàn. Em đã đi tìm một bản ngã
mà em có thể hãnh diện nhận là chính mình. Bây giờ em bắt đầu xây dựng một quan
niệm về chính mình hòa hợp với những khả năng bên trong con người em hơn. Em
đang đạt được sự toàn vẹn bản thân.
Những tình cảm chống đối và hận thù mà em diễn tả đối với
cha, mẹ, và em gái em vẫn còn lúc lóe lên trong chốc lát, nhưng không còn bừng
bừng thiêu đốt vì thù ghét, và sợ hãi. Em đã đánh đổi một Dibs nhỏ bé, ấu trĩ,
khiếp sợ, lấy một quan niệm về chính mình được tăng cường bằng sự thích nghi,
an toàn và lòng can đảm. Em đã học được cách hiểu biết những tình cảm của mình.
Em đã học được cách nhìn nhận chúng và kiểm soát chúng như thế nào. Dibs không
còn chìm đắm trong những tình cảm sợ hãi, giận dữ, oán ghét và tội lỗi. Em đã
thành người theo quyền hạn của mình. Em đã tìm được ý thức về nhân phẩm. Và sự
tôn trọng. Với sự tự tin và sự an tâm này, em có thể học được cách thừa nhận và
tôn trọng người khác trong thế giới của em.
CHƯƠNG 23
Tới mùng một tháng mười tôi mới đi nghỉ hè về. Có nhiều tin nhắn
đang chờ đợi tôi. Một trong những lới nhắn đó là của má em Dibs. Tôi gọi dây
nói cho bà, băn khoăn muốn biết gia đình này ra sao trong kỳ hè.
– Dibs muốn đến với cô một lần nữa – bà nói – Ngày một tháng
chín cháu đã bảo tôi là cháu muốn tới thăm cô một lần nữa, tôi nói cho cháu
nghe là mãi tháng mười cô mới về. Cháu không đá động gì tới chuyện này nữa cho
mãi tới mồng một tháng này. Rồi cháu nói “Má ơi, bây giờ một tây tháng mười rồi.
Má nói là cô A sẽ về vào ngày ấy. Má kêu điện thoại cho cô và nói với cô là con
muốn trở lại thăm cô một lần nữa rồi thôi” – Vì thế tôi đã gọi cô – Bà khẽ cười.
– Cháu tuyệt lắm – bà nói – Chúng tôi được một mùa hè tuyệt vời.
Tôi không thể nói hết là chúng tôi sung sướng và biết ơn cô tới mức nào. Cháu
không còn là đứa trẻ trước đây nữa. Cháu vui vẻ, thoải mái. Cháu liên hệ rất tốt
với mọi người trong gia đình. Cháu nói luôn miệng. Thật tình cháu không cần lại
cô nữa và nếu cô bận quá thì cô cứ cho biết tôi sẽ giải thích cho cháu.
Không cần nói là tôi làm gì bận đến nỗi không gặp lại Dibs.
Tôi hẹn tới thứ năm sau đó.
Dibs nhanh nhẹn bước vào, mỉm cười rạng rỡ, đôi mắt long
lanh. Em đứng lại nói chuyện với những cô thư ký ở phòng ngoài, đang đánh máy
và sao lục những cuốn băng. Em hỏi các cô đang làm gì và các cô có thích công
việc mình làm không? “Các cô có vui không?” – Em hỏi – “Các cô chắc vui lắm”.
Có sự thay đổi rõ rệt nơi em kể từ buổi viếng thăm lần cuối.
Em ra vẻ thoải mái, vui vẻ, cởi mở. Có vẻ duyên dáng và hồn nhiên trong cử chỉ
của em. Khi tôi ra phòng chờ để đón em, em chạy lại với tôi đưa tay bắt.
– Em muốn gặp cô thêm một lần – em nói – Và bây giờ thì em đến
đây. Vào văn phòng cô trước đã.
Chúng tôi vô văn phòng. Em đứng giữa phòng và ngó xung quanh.
Mặt mày tươi vui. Em chạy lăng xăng đưa tay sờ bàn giấy, những tủ hồ sơ, những
chiếc ghế, những kệ sách. Em thở dài. “Ồ, nơi tuyệt vời hạnh phúc!”
– Em đã vui hưởng những lúc ở đây phải không?
– Dạ. Vui, vui lắm. Ở đây có nhiều điều tuyệt vời.
– Những điều tuyệt vời ấy là gì?
– Sách! Sách, sách và sách – Em lấy những ngón tay vuốt nhẹ
trên sách – Em thích sách lắm. Kể cũng lạ những dấu vết đen nhỏ trên giấy lại
làm mình vui đến thế. Những tờ giấy và những dấu vết đen nhỏ mà kể được truyện.
– Phải. Kể cũng ngộ nhỉ.
– Đúng vậy cô ạ.
Em nhìn qua cửa sổ. “Trời đẹp quá. Đứng ở cửa sổ này nhìn ra
thật là tuyệt”.
Em ngồi xuống bàn, giơ tay với hộp phiếu, xem xét những tấm
phiếu, và mỉm cười cởi mở.
– Tại sao cô lại chỉ để lại có cô và Dibs thôi – em la lớn –
Không có người nào khác trong cái hộp này trừ cô và em. Chỉ còn có hai cô cháu
mình.
– Em chẳng nói em muốn như thế là gì?
– Dạ, đúng như thế! Cô có vứt bỏ phiếu của người khác đi
không?
– Không. Cô để vào hộp khác. Trong cái hộp hồ sơ để kia.
– Nhưng cái hộp này cô dành riêng cho cô cháu mình thôi ư?
– Bởi vì em nói là em muốn thế.
Dibs ngồi tựa lưng vào ghế và nhìn tôi một hồi lâu. Có nét
nhu mì trên khuôn mặt em. “Mọi việc đã diễn ra y như vậy” – em thong thả – “Bởi
vì em nói là em muốn thế” – em nhắc lại. Rồi em mỉm cười. “Bởi vì em nói là em
muốn thế” – em nhắc lại. Rồi em mỉm cười. “Bởi vì em nói là em muốn thế” – em
nói thêm.
Em đưa tay với một tấm phiếu trắng. Em cầm một cây viết chì
lên và viết gì đó trên tấm phiếu. Cúi người trên tấm phiếu, em chăm chú và cẩn
thận viết gì trên đó. Rồi em đưa cho tôi “Cô đọc đi” – em nói – “Đọc cho em
nghe”.
“Tạm biệt căn phòng thân yêu với những cuốn sách đẹp. Tạm biệt
bàn giấy thân yêu. Tạm biệt cửa sổ với vòm trời cao. Tạm biệt những tấm phiếu.
Tạm biệt cô thân yêu, chủ phòng chơi tuyệt vời” – Tôi đọc bức thông điệp của em
cho em nghe.
Em với lấy tấm phiếu. “Em muốn thêm ít điều” – em nói. Em viết
điều gì đó đàng sau tấm phiếu và đưa cho tôi. Em thêm ba hàng chữ: “Bởi vì em
nói rằng em muốn thế. Bởi vì tôi nói rằng tôi muốn thế. Bởi vì chúng ta nói rằng
chúng ta muốn thế”.
Sau khi đọc xong, em cầm lấy và xếp lại với hai tấm phiếu của
chúng tôi.
– Chúng mình về phòng chơi đi – em nói – Đi nào! Đi nào, cô!
Em chạy vào phòng chơi, dang cánh rộng ra, xoay tròn người, lớn
tiếng cười. “Chơi vui quá! Chơi vui quá!” – Em la lớn – “Phòng chơi này thật tuyệt
vời!”.
Em chạy lăng xăng, mở vòi nước chảy hết cỡ, đứng lùi lại cười
vui vẻ. “Nước. Nước. Nước. Chảy ào ào. Bắn tung tóe. Vui vẻ lên!” Rồi em tắt nước,
mỉm cười với tôi, và đi ra chỗ đặt giá vẽ. “Chào thuốc vẽ” – em nói “Mấy người
lộn xộn hết rồi hay sao? Đúng rồi. Tôi thấy mấy người lộn xộn hết”.
Rồi Dibs lại với tôi. “Em không sao tưởng tượng nổi” – em
nói.
– Em không tưởng tượng nổi cái gì? – Tôi hỏi.
– Tất cả điều này, và cô nữa. Cô không phải là một người mẹ.
Cô không phải là một cô giáo. Cô không phải là hội viên của câu lạc bộ chơi bài
với má. Cô là ai?
– Em không tưởng ra cô là loại người nào ư?
– Không, em không tưởng tượng được – Dibs nói. Em nhún vai –
Nhưng điều đó không có gì là quan trọng – em vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt tôi
– Cô là chủ của một phòng chơi tuyệt vời – Em đột ngột quì xuống và lấy những
ngón tay vuốt chân tôi và nhìn sát vào vớ đan mà tôi mang – Cô là cô chủ với
hàng trăm lỗ nhỏ trên vớ – Em vừa nói vừa phá lên cười.
Em đứng phắt dậy, chạy ra bàn cầm bình chai lên. “Chai con
nít” – em nói “Chai con nít thây yêu đầy an ủi. Khi ta cần mi, mi an ủi ta”. Em
mút bình chai mấy phút. “Em lại là con nít, em thích bình chai. Nhưng Dibs sáu
tuổi không cần mi nữa. Từ biệt, bình chai con nít, từ biệt”.
Em nhìn quanh phòng, tìm ra mục tiêu nơi lò sưởi bằng cát. “Từ
biệt bình chai con nít, từ biệt. Ta không còn cần mi nữa”. Em quăng chai vào
máy sưởi và nó vỡ tan tành nhiều mảnh. Nước ở trong chai tung tóe trên sàn.
Dibs chạy lại cúi xuống xem. “Em thanh toán nó rồi” – em nói.
– Em không cần bình chai con nít nữa và bây giờ em thanh toán
nó phải không? – Tôi nhận định.
– Dạ, đúng vậy.
Em ra bể cát và xông xáo đào cát. “Chôn đồ vật. Chôn đồ vật.
Chôn đồ vật. Rồi lại đào chúng lên. Nếu thích làm như vậy” – em cười. “Em nói
cho cô biết cái này là chất liệu tốt. Nó làm được nhiều việc. Người ta làm kiếng
bằng cát. Em đã đọc một cuốn sách trong vấn đề này”.
Em đi ra nhà búp bê. Em thu lượm gia đình búp bê và để chúng
trong phòng khác. “ Những người đồ chơi cũ kỹ này. Bây giờ ta từ giã các ngươi.
Ta để các người vào phòng khách và các người chờ đợi một đứa trẻ khác đến đây
chơi với các người”.
– Sau khi em đi một bạn trẻ khác sẽ đến đây thế chỗ em, có phải
không? Dibs nhìn tôi, hỏi.
– Một bạn nhỏ khác sẽ đến phòng chơi – tôi nói.
– Ngoài em, cô còn gặp những trẻ em khác ở đây, phải không
cô?
– Phải. Cô gặp những em khác.
– Điều đó sẽ làm cho các bạn ấy được sung sướng.
Em ra cửa sổ và mở cửa ra. Em nghiêng mình ra ngoài và hít thở
khí trời. “Qua cửa sổ này em nhìn được cảnh vật bên ngoài” – em nói- “ Em nhìn
thấy những xe vận tải, cây cối, máy bay và nhà thờ điểm chuông một, hai, ba, bốn
khi tới giờ về”.
Em đi lại chỗ tôi và nói gần như nói thầm, “Ngay cả khi em
không muốn về nhà, thì đó vẫn là nhà em”.
Em nắm tay tôi trong tay em. Em nhìn tôi một hồi lâu.
– Em muốn đi xem nhà thờ kia – em nói – Chúng ta có thể ra
đó, đi xung quanh nhà thờ rồi vào bên trong xem không cô?
– Cô nghĩ được thôi. Làm chuyện này là điều bất thường, nhưng
đây cũng là điều yêu cầu bất thường. Vào buổi cuối cùng, cần thỏa mãn yêu cầu bất
thường. Vào buổi cuối cùng, cần thỏa mãn yêu cầu này của Dibs.
Chúng tôi ra khỏi trung tâm và đi xung quanh nhà thờ. Dibs
ngước nhìn lên và rất cảm kích vì tầm vóc lớn lao của nhà thờ.
– Bây giờ mình vào đi, xem bên trong nữa – em nói.
Chúng tôi bước lên những bậc thềm. Tôi mở những cánh cửa nặng
trĩu và bước vào bên trong. Dibs xem ra bé tí dưới vòm cao chót vót. Em chầm chậm
đi theo lối giữa, chạy mấy bước, ngừng lại, nhìn lên và nhìn chung quanh với vẻ
sợ sệt và thán phục trên khuôn mặt rạng rỡ. Em rất cảm kích về sự tráng lệ của
nhà thờ.
“Em cảm thấy mình rất nhỏ bé” – em nói – “Em nghĩ là em đã
teo lại” – Em thong thả quay đi và ngắm nhìn vẻ đẹp quanh mình. “Bà em nói nhà
thờ là nhà của Chúa” – em nói – “Cho tới nay em chưa nhìn thấy Chúa bao giờ,
nhưng ngài phải lớn lao kinh khủng mới cần tới một ngôi nhà như thế. Và Jacke
nói rằng nhà thờ là nơi tôn nghiêm”.
Bỗng em chạy về phía bàn thờ. Em ngửng đầu lại phía sau, dang
rộng cánh tay lên về phía những cửa sổ kính màu ở trên chánh điện. Em quay lại
nhìn tôi, không nói.
Đúng vào lúc đó, người nhạc sĩ đại phong cầm bắt đầu đàn.
Dibs chạy lại kéo tay tôi.
– Mình đi đi! Mình đi đi! Em sợ – Em kêu lên.
– Âm nhạc làm em sợ à? – Tôi hỏi trong lúc chúng tôi đi ra cửa.
Dibs đứng lại và ngoái nhìn phía sau. “Khoan, đừng ra vội” –
em nói.
Chúng tôi dừng lại.
– Em sợ sự lớn lao và em sợ tiếng động – Dibs nói – Nhưng cảnh
vật đẹp quá khiến em thấy mình tràn ngập hào quang và vẻ đẹp.
– Sợ nhưng vẫn thích? – Tôi hỏi – Đây là ngôi nhà thờ đẹp.
Dibs buông tay tôi ra và đi ngược lên lối đi chính giữa.
– Ở đâu ra cái tiếng lạ lùng này? – Em hỏi.
– Có người chơi đại phong cầm và tiếng này là tiếng nhạc đại
phong cầm.
Ồ – Dibs nói – Trước đây em chưa hề nghe thứ âm nhạc này. Nó
làm cho em thấy lạnh người. Nó làm cho em nổi da gà lên – em cầm chặt tay tôi –
Em chưa thấy cái gì đẹp đến thế – em thì thầm.
Nắng chiếu qua những tấm kính màu và những luồng sáng chiếu về
phía chúng tôi.
“Đi ra khỏi đây đi” – Dibs nhẹ nhàng nói. Chúng tôi đi ra cửa.
Dibs ngoái cổ lại nhìn. Tới cửa em đứng lại. “Cô đợi em chút” – em thì thầm. Em
e dè vẫy tay về phía bàn thờ và nói bằng giọng nhỏ nhẹ “Từ biệt Chúa, từ biệt”.
Chúng tôi ra khỏi nhà thờ và trở lại phòng chơi. Trên đường về
Dibs không nói một lời nào. Khi chúng tôi về đến phòng chơi em ngồi vào ghế bên
cạnh bàn. Em mỉm cười với tôi. “Thực là thích thú” – em nói – “Hôm nay em vào
nhà Chúa. Lần đầu tiên”.
Em ngồi lặng lẽ một hồi lâu, nhìn vào những bàn tay chắp lại.
– Cô nói cho em biết – em đột ngột hỏi – Tại sao có những người
tin ở Chúa và có những người không tin.
– Cô nghĩ là cô không trả lời nổi câu hỏi này Dibs ạ.
– Nhưng có thật có những người tin và những người không tin
không?
– Đúng. Cô nghĩ vậy.
– Bà tin. Nhưng Ba và Má không phải những người tin đạo. Và
Jacke tin. Nó nói với em về chuyện này.
– Cô nghĩ là mọi người quyết định lấy. Mỗi người quyết định lấy
cho mình.
Sau một hồi yên lặng kéo dài giữa chúng tôi, Dibs hỏi tôi:
– Cô có biết bây giờ em ráng tập gì không?
– Không. Tập gì vậy?
– Em đang ráng tập chơi dã cầu. Ba đang ráng dạy em. Ba và em
ra công viên chơi với nhau. Nhưng Ba cũng không phải là người biết chơi. Những
trái banh là những đồ vật khó đánh bằng một miếng cây. Và là những vật khó thấy
vào nơi mình muốn thấy. Nhưng em sẽ tập chơi, bơi vì tất cả bọn con trai ở trường
đều chơi dã cầu và em muốn chơi với tụi nó. Như vậy thì em phải biết chơi. Nên
em rất cố gắng. Và em sẽ học được. Nhưng em không thích trò chơi này lắm. Em có
thể chơi trò cảnh sát và kẻ trộm giỏi hơn, và em thích chạy băng qua vườn nhà
bà cụ Henry. Bà cụ cũng la em.
Chuông báo reo. Mẹ em Dibs đã đến đón em.
– Tạm biệt Dibs. Thật hân hạnh được quen biết em.
– Vâng. Thật hân hạnh. Tạm biệt cô.
Chúng tôi cùng ra phòng tiếp nhận. Em băng qua phòng chạy lại
cầm tay mẹ. “Má đây rồi” – em nói – “Con không còn trở lại đây nữa. Hôm nay đến
để từ biệt”.
Hai mẹ con cùng nhau ra về – Cậu bé đã có cơ hội tự xác định
qua trò chơi và đã vượt lên như một đứa trẻ có khả năng và hạnh phúc, và một bà
mẹ cũng đã trưởng thành trong sự hiểu biết và đánh giá đúng mức đứa con tài ba
của bà.
CHƯƠNG 24
Hai năm rưỡi sau đó, một hôm tôi đang ngồi đọc sách trong
phòng khách của tôi, căn nhà tôi ở tầng trệt tọa lạc ở một góc phố. Cánh cửa sổ
mở rộng, một giọng nói rất khỏe và êm ái – một giọng trẻ em rất quen thuộc lọt
qua cửa sổ.
“Peter May mình bảo bạn lại đây xem vườn cây của mình. Có hai
mươi bảy loại cây nhỏ và thảo mộc khác nhau trong vườn. Mời bạn đến xem.
– Hai mươi bảy cái gì hả?
– Loại cây nhỏ và thảo mộc khác nhau.
– Ô!
– Đến mà xem.
– Bạn biết mình có gì không?
– Gì vậy? Ồ, Bi!
– Đúng. Bạn có muốn đổi lấy gì?
– Bạn có những gì? Bạn có những gì hở Dibs?
Đúng. Đó là Dibs và bạn của em.
– Mình bảo bạn này! Mình bảo bạn này! – Dibs sôi nổi nói – Bạn
cho mình viên bi xanh với vân mắt rắn kia và mình sẽ cho bạn một con trùng đầu
tiên của Mùa Xuân năm nay.
– Thật không? Trùng đâu?
– Đây này.
Dibs moi trong túi ra một bình thủy tinh nhỏ, vặn chiếc nút
có chọc lỗ, em thận trọng lấy ra một con trùng. Em đặt con trùng vào bàn tay nhớp
nhúa của Peter. Em mỉm cười. Peter rất cảm kích.
– Xin nhớ – Dibs thận trọng nói – Đây là con trùng thứ nhất của
mùa Xuân năm nay.
Dường như Dibs đã dọn đến một tòa nhà lớn có vườn, cùng đường
với tôi. Ít ngày sau tôi gặp em ở ngoài đường. Chúng tôi nhìn nhau. Dibs mỉm cười
cởi mở đưa tay nắm tay tôi.
– Chào cô.
– Chào em Dibs.
– Em biết cô là ai rồi.
– Em biết à?
– Ồ, biết chớ, cô là cô chủ của phòng chơi tuyệt vời ấy! – Cô
là cô A.
Chúng tôi ngồi xuống bậc thềm một căn hộ dọc đường để nói
chuyện.
– Đúng – tôi nói – Và em là Dibs.
– Bây giờ em lớn rồi – em nói – Nhưng em vẫn còn nhớ hồi em
nhỏ tí teo và em đến gặp cô lần đầu. Em vẫn nhớ những món đồ chơi, căn nhà búp
bê, cát, những người đàn ông, đàn bà, những đứa trẻ trong cái thế giới mà em đã
xây dựng. Em vẫn nhớ những cái chuông, nhớ giờ về và chiếc xe vận tải. Em nhớ
nước, nhớ sơn và những chiếc dĩa. Em vẫn nhớ văn phòng của chúng ta, những sách
và máy ghi băng của chúng ta. Em nhớ hết mọi người. Và em nhớ cô đã chơi với em
như thế nào.
– Chúng mình chơi gì Dibs nhỉ?
Dibs nghiêng sang phía tôi. Mắt em sáng lên.
– Em làm gì cô cũng làm theo – em thì thầm – Em nói gì cô
cũng nói theo.
– Ồ, ra thế đó!
– Dạ, đây là phòng của em, Dibs –cô bảo em- tất cả là dành
cho em. Cứ việc vui. Không ai làm phiền em đâu. Cứ việc vui – Dibs thở dài – Và
em đã vui chơi thật sự. Em được hưởng một giai đoạn sung sướng nhất đời. Với cô
em đã xây dựng thế giới của em trong phòng chơi. Cô còn nhớ không?
– Có, Dibs. Cô còn nhớ.
– Thứ năm tới là kỷ niệm em gặp cô lần cuối cùng trong phòng
chơi được hai năm, sáu tháng, bốn ngày. Em còn nhớ rất kỹ. Em lấy tờ lịch cuối
cùng ở cuốn lịch ra và khoanh một vòng tròn màu đỏ bằng bút chì đỏ. Em đóng
khung nó lại và treo lên tường trong phòng em. Hôm vừa rồi tình cờ em xem lại
và tính xem đã bao lâu rồi. Hai năm, sáu tháng, bốn ngày vào thứ năm tới.
– Như vậy ngày hôm đó đối với em quan trọng hết sức – tôi
bình luận – Em khoanh tròn và đóng khung ngày đó. Tại sao em lại làm thế hả
Dibs?
– Em cũng không biết nữa. Không bao giờ em quên ngày đó. Em
nhớ đến nó hoài hoài – Có sự im lặng khá lâu. Dibs đăm đăm nhìn tôi. Em thở dài
não nuột – Lúc đầu phòng chơi có vẻ rộng, rộng lắm, các món đồ chơi có vẻ xa lạ.
Và em thấy sợ lắm.
– Em thấy sợ ở trong đó à?
– Dạ.
– Tại sao em lại sợ?
– Em không biết. Lúc đầu em thấy sợ vì em không biết cô sẽ
làm gì và em không biết em sẽ phải làm gì. Nhưng cô bảo em rằng: “Tất cả phòng
này là của em, Dibs. Cứ việc vui chơi. Không ai làm khó em ở trong này cả”.
– Cô nói vậy à?
– Dạ – Dibs cả quyết nói – Chính cô nói với em như vậy. Và dần
dần em tin cô, và cứ như thế. Cô nói là để em đánh lại những kẻ thù của em cho
tới khi chúng khóc ầm lên và nói là chúng hối hận vì đã làm khổ em.
– Và em có làm thế không?
– Có. Em tìm ra những kẻ thù của em và đánh lại chúng. Nhưng
rồi em thấy là em không sợ nữa. Em nhận ra là em không thấy khổ sở khi em cảm
thấy có sự thương yêu. Bây giờ em to lớn, mạnh mẽ, và không thấy sợ nữa. Và em
nhớ ngôi nhà thờ lần viếng thăm cuối cùng. Cửa nhà thờ cao quá. Và trần cao vút
gần đụng tới vòm trời. Và khi âm nhạc đột ngột cất lên, em lạnh run lên. Em muốn
đi ra và em muốn ở lại. Và hôm nọ có một lần em qua đây. Em leo lên hết mấy bậc
thềm đến tận cửa. Cửa đóng. Em gõ cửa và ghé miệng qua lỗ khóa gọi. “Bữa nay có
ai ở nhà không?” Nhưng em đoán là không có, vì không có ai ra cả, nên em bỏ đi.
Tôi có thể mường tượng ra cảnh Dibs leo lên những bậc thềm
nhà thờ và rụt rè gõ cánh cửa chạm trổ lớn lao.
Bỗng em đứng phắt dậy.
– Mời cô tới thăm vườn của em – em nói lớn – Khu vườn lớn thật
lớn. Và có nhiều cây nhỏ, nhiều thảo mộc lắm. Cô đoán thử xem có bao nhiêu?
– Ồ. Có hai mươi bảy loại khác nhau phải không?
– Dạ – Dibs reo lên – Nhưng sao cô lại biết. Em phải đếm lại
hơn hai tuần lễ mới biết. Cô đã vào vườn của em bao giờ chưa?
– Chưa. Cô chưa bao giờ đến vườn của em cả.
– Vậy tại sao cô biết? Làm sao cô biết được? Cô cho em biết tại
sao cô lại biết?
– Em nghĩ là cô không thể biết trừ phi cô vào vườn và đếm?
– Nhưng – Dibs nói, giọng bất bình – Đếm cũng chưa đủ. Cô phải
quan sát kỹ từng cây, từng thứ thảo mộc một để xem chúng khác nhau như thế nào.
Rồi cô mới tìm ra. Rồi cô mới đếm. Phải ghi lại tên và xuất xứ của mỗi thứ thảo
mộc. Không phải là công việc đơn giản có thể làm nhanh được. Không phải là cái
gì cô đoán được. Và nếu cô chưa bao giờ đến vườn em và chưa bao giờ làm tất cả
những công việc này thì làm sao cô biết là có hai mươi bảy loại khác nhau trong
đó?
– Được, Dibs, để cô nói cho em biết. Có một hôm cô đang ngồi
trong phòng đọc sách ở nhà bên, cửa sổ mở rộng và cô nghe em nói với Peter “Có
hai mươi bảy loại cây con và thảo mộc trong vườn của mình”. Đó là cái bữa mà em
cho nó con trùng đầu tiên nở vào mùa Xuân.
– Ô – Dibs reo lên – Bởi vì cô sống gần đây. Thế là bây giờ
mình là lối xóm!
– Đúng. Chúng ta là hàng xóm.
– Tốt quá. Vậy thì mời cô đến xem vườn của em.
Chúng tôi vào vườn của Dibs và em chỉ cho tôi hai mươi bảy loại
khác nhau.
Ít ngày sau tôi gặp cha mẹ em ngoài đường. Chúng tôi chào
nhau và cha mẹ em một lần nữa cám ơn tôi về sự giúp đỡ gia đình họ. Họ nói rằng
Dibs tiếp tục có những tiến bộ lạ lùng. Em bây giờ là đứa trẻ giỏi thích nghi
và vui vẻ, em hòa hợp tốt với những trẻ khác. Bây giờ em theo học trường dành
cho những đứa trẻ xuất sắc và học hành rất tốt.
Đúng lúc ấy, Dibs cỡi xe đạp ở đầu phố miệng la hò như một
người da đỏ.
– Dibs – Má em gọi – Dibs lại đây xem ai nè. Con còn nhớ cô
này không?
Dibs chạy lại, em cười. “Chào cô” – em chào lớn tiếng.
– Chào em Dibs – tôi đáp lại.
– Má hỏi con chuyện gì đây này Dibs – ba em nói.
– Dạ, con nghe Má nói rồi Ba – Dibs trả lời – Má hỏi con biết
cô này không. Dĩ nhiên là con biết. Cô này là người bạn đầu tiên của con.
Người cha hơi có vẻ lúng túng.
– Nào, nếu con nghe má nói, tại sao con không trả lời má?
– Con xin lỗi Ba – Dibs nói. Mắt em chớp chớp.
– Hân hạnh được gặp lại cô – người cha nói – Xin lỗi cô tôi
có việc phải đi. Ông tiến lại chỗ đậu xe.
Dibs nói với theo “Ba với Má cũ rồi vì con mới gặp cô A năm bữa
nay!”
Người cha đỏ mặt và mất dạng trong xe, rồ máy chạy.
Má có vẻ bất bình.
– Đừng nói bậy, Dibs. Sao con không kêu cô bằng tên cô? Sao
lúc nào con cũng gọi cô là cô A?
Dibs nhảy lên xe đạp.
– Cô A. Cô A. Biệt danh để gọi một người bạn đặc biệt – em
nói lớn.
Em phóng xuôi đường, ầm ĩ như một xe chữa lửa.
Đúng. Dibs đã thay đổi, em đã biết cách là chính mình, biết
tin ở mình, biết tin ở mình, biết tự giải phóng. Bây giờ thì em thoải mái và hạnh
phúc. Em có thể sống tuổi thơ của em.
CHƯƠNG 25
Dibs đã trải qua những ngày đen tối, em đã sống một thời trong
bóng đen của cuộc đời. Nhưng em đã có cơ hội ra khỏi những thời kỳ buồn bã này
và tự khám phá ra rằng em có thể đối phó với những bóng đen cũng như nắng ấm của
cuộc sống mình.
Có lẽ có nhiều sự hiểu biết và nhiều vẻ đẹp hơn trong cuộc đời,
khi nắng chói được làm dịu bớt nhờ những mảng bóng đen. Có lẽ có sự sâu xa hơn
trong mối liên hệ giữa những người đã vượt qua cơn giông bão. Thứ kinh nghiệm
không khi nào làm thất vọng hay làm buồn lòng hay gây xáo trộn là thứ kinh nghiệm
tẻ nhạt, không chút thử thách, không đượm màu sắc. Kinh nghiệm lòng tự tin, tín
ngưỡng và hy vọng là lúc chúng ta ý thức được sức mạnh nội tâm, lòng can đảm và
sự an toàn. Chúng ta đều là những nhân cách được tăng trưởng và phát triển tùy
thuộc vào những kinh nghiệm, những mối liên hệ, những suy nghĩ và xúc động của
mình. Chúng ta là sự tổng hợp của những yếu tố được qui tụ lại để tạo tác nên một
cuộc đời.
Bởi vì tôi nghĩ rằng câu chuyện của Dibs đáng được chia xẻ
nên tôi đã đem trình bày những phần trích của tài liệu này cho sinh viên ở một
số trường đại học, và nói chuyện tại các buổi họp chuyên môn.
Một hôm tôi nhận được một bức thư của một người học trò cũ:
“Em không thể không dành thời giờ để viết cho cô bức thư này.
Em chỉ là một số trong số mấy trăm người theo học lớp cô – và có lẽ em cũng
không phải là một khuôn mặt quen thuộc, nhưng xin cô tin em, em là một cái tai
chăm chú, bây giờ em đang chờ ra trận một ngày gần đây.Trong trại một đêm em
nghe lõm được một mẫu chuyện và cả quê hương, cả bầu không khí xâm nhập lòng
em. Em vẫn nhớ cô vẫn thường nói rằng những điều quan trọng là những điều chúng
ta còn nhớ sau khi đã quên đi tất cả những cái gì khác. Và một số kinh nghiệm
có khả năng làm chúng ta thay đổi quan điểm. Đêm đó chúng em chán nản, buồn phiền,
và tự hỏi còn nghĩ quẩn làm gì, Dibs đột ngột hiện diện. Một bạn ở bàn bên đang
nói về Dibs. Cô có thể tưởng tượng là câu chuyện gây cho em phản ứng gì không?
Em đến ngay bên anh ta. “Sao bồ lại nghe nói về Dibs?” Em hỏi anh ta. Anh ta
nói cho em nghe. Không cùng lớp, không cùng năm, không cùng trường. Nhưng vẫn
là đứa trẻ ấy, thế là đủ. Em không cần nói cho cô biết là câu chuyện làm em phấn
khởi tới mức nào – không những đối với em và với tất cả những người có mặt – bởi
vì hợp sức với nhau chúng em kể hết cho họ nghe câu chuyện về Dibs. Dibs đã trở
thành một biểu tượng của mọi giá trị đối với chúng em – những giá trị về con
người mà chúng em cố gắng bám lấy. Và có một người nói. “Có Dibs ở đây, chúng
ta không thể thua cuộc được”.
Nhưng điều gây cho em ấn tượng là thấy Dibs có thực chất biết
chừng nào – em có năng lực tích cực tới mức nào – em ấy đã trở thành một phần
con người em như thế nào. Rồi em suy nghĩ về vấn đề giáo dục. Em có cấp bằng về
quản trị và không biết nhiều về ngôn ngữ tâm lý và chắc chắn là em không hiểu hết
những ý nghĩa tâm lý của ca này, nhưng lạy trời, Dibs là nhân vật thật duy nhất
em gặp ở lớp học, nhân vật ấy đã dạy cho em thế nào là một người toàn diện –và
còn dạy em hơn thế nữa. Em sẽ không bao giờ quên ba dòng chữ này: Bởi vì em nói
là em muốn điều đó. Bởi vì cô nói là cô muốn điều đó. Bởi vì chúng ta nói rằng
chúng ta muốn điều đó. Em đoán là Dibs chỉ muốn điều mà tất cả chúng ta muốn
trên bình diện cả thế giới. Một cơ hội để cảm thấy mình là xứng đáng. Một cơ hội
để trở thành một người mà người khác cần đến, được tôn trọng, được chấp nhận
như một con người xứng với phẩm giá làm người.”
Gia đình Dibs đã dọn ra ngoại ô và tôi mất liên lạc với em.
Nhiều năm qua đi. Rồi một hôm, một người bạn tôi dạy ở trường dành cho những trẻ
xuất sắc đưa cho tôi xem một bức thư ngỏ đăng trên báo tường. Thư gởi cho ông
Hiệu trưởng và Ban Giảng huấn của trường. Bạn tôi không biết gì về Dibs. Ông chỉ
biết là tôi ưa thích theo dõi những bài bình luận do trẻ em viết chứng tỏ là
các em có cơ hội xác định lập trường.Tôi đọc bức thư ngỏ in trên báo tường:
Đây là bức thư ngỏ nhằm phản kháng sự đuổi học gần đây của một
người cùng lớp và là bạn của tôi. Tôi thật tình phẫn nộ về sự chai đá, sự thiếu
hiểu biết và thiếu tình cảm của quí vị. Có dư luận xì xào là bạn tôi bị đuổi học
tạm thời với lời khiển trách vì bạn ấy bị bắt đang gian lận trong khi thi. Bạn
tôi nói là bạn tôi không gian lận và tôi tin lời bạn ấy. Bạn ấy nói là bạn ấy
đang kiểm chứng lại một niên hiệu – một niên hiệu quan trọng trong lịch sử – và
vì sự chính xác của niên hiệu là chủ yếu để xác định sự kiện, nên nó cần được
kiểm chứng. Tôi nghĩ là quí vị không hiểu những lý do tại sao đôi khi chúng tôi
lại làm những điều đó. Các Thầy Cô cho đó là một tội khi một người tìm cách kiểm
chứng sự chính xác hay không? Các Thầy muốn bạn ấy nhận chìm sự nghi ngờ chính
đáng của mình trong sự ngu dốt hay sao? Và mục tiêu của thi cử là gì? Có phải
là để gia tăng kiến thức hay không? Hay thi cử chỉ là những dụng cụ dùng để đem
lại sự đau khổ, tủi nhục và sự thương tổn nặng nề cho một người hết sức cố gắng
để thành công?
Một thành viên của Ban Giảng huấn đã nói với bạn tôi trước một
nhóm chúng tôi hôm qua rằng, nếu bước tiến của trường mau quá và anh ấy buộc
lòng phải gian lận để theo kịp thì anh nên đi trường khác. Tôi thấy chính tôi
cũng bị xúc phạm vì lời nhận định này. Tôi cảm thấy hổ thẹn về trường mình nếu
trường không luôn luôn mở rộng cửa để bất kỳ người nào nếu muốn cũng có thể vào
học với chúng ta. Trên đời này có những điều quan trọng hơn sự tỏ ra có uy quyền
và quyền lực, quan trọng hơn sự trả thù, trừng phạt và đả thương người khác. Với
tư cách nhà giáo dục, các Thầy Cô phải mở chìa khóa cánh cửa dốt nát, thành kiến
và nhỏ mọn. Nếu bạn tôi không được xin lỗi về sự sỉ nhục mà bạn đã phải nhận
lãnh khiến danh dự và lòng tôn trọng bị tổn thương và được nhận lại vào trường,
thì tôi sẽ không trở lại trường nữa mùa thu năm nay.
Tôi thành khẩn quyết định hành động như vậy.
Kính thư,
Dibs
– Em ấy bao nhiêu tuổi? – Tôi hỏi.
– Mười lăm.
– Em ấy viết thư rất hay – tôi bình luận – Em ấy là người thế
nào?
– Em ấy là một học sinh xuất sắc. Rất giàu ý kiến. Quan tâm đến
mọi người và mọi việc. Rất tế nhị. Một người có tài lãnh đạo. Tôi nghĩ là chị
thích sự phẫn nộ nổ bùng này. Vì em đã hành động theo những điều em tin tưởng.
Nhà trường không muốn mất em. Chắc họ cũng phải theo đề nghị của em thôi – Anh
cười – Chị có muốn giữ lại bài báo này cho bộ sưu tập những lời nói độc đáo,
can đảm tranh đấu cho sự công bằng và bình đẳng của mọi người hay không?
– Cám ơn anh. Tôi thành khẩn quyết định hành động như vậy –
Tôi tin điều đó.
LỜI GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ
Một tuần sau khi những buổi trị liệu bằng trò chơi kết thúc,
một nhà tâm lý lâm sàng cho Dibs làm bài trắc nghiệm thông minh của Stanford –
Binet. Em tỏ vẻ thích thú và có thái độ hợp tác. Em tạo được mối liên hệ tốt với
người giám định mà em chưa bao giờ gặp. Kết quả của cuộc trắc nghiệm này cho thấy
em có thông số thông minh (IQ) là 168.
Một cuộc trắc nghiệm về khả năng đọc cũng được thực hiện vào
giai đoạn này. Điểm về đọc của Dibs cũng vượt xa tuổi và cấp học của em nhiều
năm. Em vẫn tiếp tục trả lời đúng tất cả những câu hỏi đặt ra cho em, khi em
hoàn tất cuộc trắc nghiệm, em giải thích cho người giám định rằng em không đặc
biệt quan tâm cái lối đọc “nhảy từ chuyện này sang chuyện khác mà em không có
lý do”. Em nói với bà ta rằng khi em đọc em “thích một cái gì đó liên tục và hấp
dẫn thật”.
Những điểm của trắc nghiệm cho thấy, Dibs là một đứa trẻ có
tài năng đặc biệt và sử dụng những khả năng của mình một cách hữu hiệu.
Cha mẹ của Dibs đã ký giấy cho phép ghi băng tất cả những buổi
trị liệu, và cho phép sử dụng những tài liệu đã thâu băng để nghiên cứu, để giảng
dạy, để xuất bản, nếu nhà trị liệu cảm thấy là sự tường thuật ấy đóng góp cho sự
hiểu biết hơn về trẻ em. Tôi không khi nào ghi âm lại bất cứ một buổi trị liệu
nào nếu không có giấy phép của cha mẹ.
Cuốn sách này được viết dựa trên những cuốn băng đã thâu lại
những buổi trị liệu. Những cuốn băng được sửa chửa để cải đổi những chi tiết có
thể để lộ danh tính, để bỏ đi những đoạn giáo đầu không ăn nhập với câu chuyện,
để tránh những điều lặp lại nhiều lần, để có được một bản tường trình trôi chảy.
Sự đối thoại giữa Dibs và nhà trị liệu chủ yếu được giữ lại nguyên văn trong những
buổi trị liệu tại Trung Tâm Hướng Dẫn Trẻ Em. Những lời nói của người mẹ cũng là
nguyên văn nhưng không được kể lại đầy đủ vì có những chuyện riêng tư và có thể
tiết lộ danh tính của bà, vả lại cũng không đặc biệt liên hệ tới Dibs.
Dù sao cũng không có những lời nào được viết lại mà không
phát xuất từ miệng Dibs và miệng người mẹ. Nếu có cơ hội, một đứa trẻ thường có
khả năng nói thật, nói thẳng. Một bà mẹ khi được tôn trọng, được thừa nhận,
cũng có thể trở nên cởi mở, thành thực khi biết rằng bà sẽ không bị chỉ trích,
không bị trách cứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét