Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Nguyễn Huy Tưởng - Một nhân cách văn chương

Nguyễn Huy Tưởng
Một nhân cách văn chương
"Nguyễn Huy Tưởng đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam.”
Nhà nghiên cứu văn học Nguyên An từng nhận xét: “Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng, thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử - truyền thống chắc là vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng nể như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Bút Ngữ, Hà Ân, Nguyễn Quang Thân v.v… Vị trí mở đầu đôi khi như là một ngẫu nhiên, lại như là một tất nhiên của lịch sử, nhưng với Nguyễn Huy Tưởng, thì có điều chắc chắn là: Ông đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam.”
Nguyễn Huy Tưởng (sinh năm 1912, mất 1960), trong từng ấy tháng năm hiện diện ngắn ngủi trên cõi đời, đã kịp để lại một gia tài đáng nể những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch lịch sử thấm đẫm tâm hồn Việt: từ Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Sống mãi với thủ đô v.v… đến vở kịch lịch sử Vũ Như Tô.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
GS. Trần Đăng Suyền trong bài nghiên cứu “Nguyễn Huy Tưởng - Cầm bút chẳng qua cùng bệnh với Đan Thiềm” trên tạp chí Nghiên cứu văn học, đã khẳng định: Nguyễn Huy Tưởng là một cây bút có tầm vóc lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông là nhà văn giàu tâm huyết với nhân dân, đất nước, với nền văn hóa của dân tộc. Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của ông là cảm hứng lịch sử, vừa đậm chất bi kịch, vừa giàu chất lãng mạn. Tuy sáng tác khá nhiều thể loại, nhưng thể loại nổi bật của ông là kịch và tiểu thuyết. Những băn khoăn day dắt đầy trăn trở của Nguyễn Huy Tưởng giữa một bên là tư tưởng ái quốc, trách nhiệm công dân, và một bên là khát vọng nghệ thuật, ý thức sáng tạo của một nhà văn chân chính”.
Nhật ký, di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng 
được gia đình lưu giữ - Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Từ khi chưa đầy 20 tuổi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy ruộng nào cũng được.” Và ông cũng tự lòng dặn lòng trong những trang nhật ký: “Phận sự một người tầm thường như tôi, muốn tỏ lòng yêu nước, chỉ có một việc là viết văn quốc ngữ mà thôi.” Như Giáo sư Trần Đăng Suyền nhận xét thì: “Ngay từ lúc trẻ Nguyễn Huy Tưởng đã bộc lộ một chí lớn, một khát vọng lớn rồi. Cố nhiên chí lớn như vậy, khát vọng lớn như thế thì còn phải có tài năng nữa, có tâm huyết nữa thì mới thành một Nguyễn Huy Tưởng được. Và tôi nghĩ ngay lúc nhỏ như thế đã bộc lộ một khát vọng như vậy rồi”.
Kịch bản lịch sử Vũ Như Tô là tác phẩm quan trọng nhất trong giai đoạn sáng tác trước 1945 của Nguyễn Huy Tưởng. Vở kịch hàm chứa mối trăn trở ngàn đời của người nghệ sĩ. Nói như nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Vũ Như Tô là vở kịch đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Và tính bi kịch của những nhân vật Vũ Như Tô còn tốn nhiều giấy mực. Nhất là khi chính là những câu hỏi đấy, trong một lời tựa rất ngắn thôi mà 2 lần kêu lên: Vũ Như Tô phải hay là những kẻ giết Vũ Như Tô phải?"
Đánh giá tác phẩm này có những yếu tố soi rọi vào chiều sâu xuyên suốt trong các tác phẩm đầy lòng yêu nước thương nòi của Nguyễn Huy Tưởng, giáo sư Trần Đăng Suyền cho rằng: “Với tư cách một người nghệ sĩ Nguyễn Huy Tưởng luôn quan tâm đến thực trạng và tiền đồ của nền văn hóa dân tộc. Điều đó thể hiện qua lời đề tựa Vũ Như Tô, hé mở cho thấy những khao khát của Nguyễn Huy Tưởng hướng về một nền văn hóa lớn của dân tộc, và ông công khai mục đích cầm bút của mình “Cầm bút chẳng qua cùng một bênh với Đan Thiềm”. Căn cứ vào hình tượng Đan Thiềm trong tác phẩm, có thể hiểu bệnh Đan Thiềm là tấm lòng tri âm, tri kỷ, ngưỡng mộ, cảm phục những người tài giỏi, và niềm khát khao sáng tạo cái đẹp siêu đẳng, vươn tới nghệ thuật tuyệt đỉnh, kỳ vĩ, là khát vọng làm đẹp cho đất nước bằng những công trình văn hóa nghệ thuật: “Tôi nghĩ nghiên cứu Nguyễn Huy Tưởng thì tác phẩm cố nhiên là một chứng cứ, một tư liệu cực kỳ quan trọng, nhưng lời đề tựa Vũ Như Tô cũng có giá trị quan trọng, Không phải chỉ hé mở cho các nhà nghiên cứu đánh giá kiệt tác Vũ Như Tô, mà có thể nói đã mở ra cho người nghiên cứu hiểu hơn toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Lời đề tựa có ý nghĩa lớn đến như thế!”.
Toàn bộ tình yêu nước, thương nòi thấm đẫm từ mỗi câu chữ trong tác phẩm của nhà văn, theo giáo sư Trần Đăng Suyền, có phần nào ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, từ quê hương, cái bầu không khí mà Nguyễn Huy Tưởng hít thở từ buổi ấu thơ ở Cổ Loa nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy,  chuyện Loa Thành còn ghi khắc ngàn năm nỗi đau mất nước: “Ở đây là cái làng của Nguyễn Huy Tưởng, vùng quê của ông là một vùng giàu truyền thống văn hóa. Ở đây có thể nói lịch sử cha ông, lịch sử văn hóa, lịch sử cứu nước được bắt gặp trên từng bước đi. Và sống trong gia đình như vậy, trong bầu không khí như vậy., có thể nói cảm quan lịch sử thấm vào hồn ông từ lúc bé. Và đến khi ông cầm bút nó tạo nên một cách nhìn rất riêng, cái khuynh hướng khai thác rất sâu sắc vấn đề lịch sử như vậy”.
Con trai nhà văn, anh Nguyễn Huy Thắng, 
trong một buổi triển lãm về tác phẩm thiếu nhi của 
Nguyễn Huy Tưởng do NXB Kim Đồng tổ chức
Nhân cách Nguyễn Huy Tưởng rờ rỡ từ đời văn, từ những trang văn của ông. Chuyện thiếu nhi hay chuyện lịch sử, ông cũng chọn góc kể từ trong lòng nhân dân. Anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã chia sẻ, từ những trang nhật ký của cha: “Người ta chỉ biết ca tụng cái chiến công oanh liệt là Bạch Đằng. Nhưng không ai biết rằng, trận Bạch Đằng không lạ mà hội nghị Diên Hồng mới lạ. Bạch Đằng chỉ là cái kết quả tất nhiên của cuộc hội nghị có tính cách hoàn toàn dân chủ kia.”... “Chúng ta biết Hội nghị Diên Hồng diễn ra vào năm 1285, trước cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, và chiến thắng Bạch Đằng diễn ra vào năm 1288, kết thúc vẻ vang cuộc chiến Nguyên Mông lần thứ 3 và cũng là một chiến thắng đập tan âm mưu xâm lược Đại Việt của đế quốc Nguyên Mông. Nhưng theo ý kiến của Nguyễn Huy Tưởng thì trận Bạch Đằng  tất nhiên là rất vĩ đại nhưng không lạ, mà có chăng nó là kết quả của một sự kiện là hội nghị Diên Hồng đã diễn ra cách đấy 3 năm, mà theo Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh, đây là một hội nghị có tính cách hoàn toàn dân chủ. Theo chúng tôi đây cũng là một ý kiến rất độc đáo và có cá tính của Nguyễn Huy Tưởng” - Anh Nguyễn Huy Thắng nhận định.
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng 
xuất bản tại NXB Kim Đồng, một địa chỉ vàng 
sách cho thiếu nhi Việt Nam mà ông là người 
đồng sáng lập, là giám đốc đầu tiên cũng như 
trực tiếp viết nhiều tác phẩm lớn cho thiếu nhi 
tại nơi này. - Ảnh: Báo Nhân Dân
Những câu chuyện của Nguyễn Huy Tưởng đã gieo vào lòng nhiều thế hệ niềm yêu thích lịch sử. “Lịch sử chỉ là chất liệu để tư tưởng nhà văn truyền đạt ở đó, và biến lịch sử thành lý tưởng thẩm mỹ của mình. Đấy mới là cái lớn của Nguyễn Huy Tưởng”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, khi nhắc lại những ghi chép của Nguyễn Huy Tưởng, trong đó có câu “tác phẩm phải có tư tưởng bởi nhà văn có sứ mạng cải tạo xã hội. Nhà văn không nên chỉ là người ghi chép nô lệ, mà phải là người xây dựng cuộc đời’, đã bày tỏ: “Tôi thuộc lớp con cháu ông. Và cũng theo gương ông viết tiểu thuyết lịch sử. Tôi nghiêng mình kính cẩn trước tấm lòng yêu nước vô cùng sâu sắc của ông.”
Và nói về Nguyễn Huy Tưởng, thiết tưởng phải nhắc lại lời của nhà nghiên cứu Nguyên An trong cuộc hội thảo về ông: “Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng, thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử - truyền thống chắc là vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng”
Những điều ấy, đều soi rọi từ nhân cách lớn của một nhà văn, trong một thời đại anh hùng.
19/2/2017
Phi Hà
Theo https://vovworld.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...