Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Lâu đài thần tiên

Lâu đài thần tiên

Chương 1
BA BẠN CHÍ THÂN
Người ta gọi em là “em bé ngơ ngác”. Thân hình em gầy ốm, tóc em vàng nâu và luôn luôn bù rối. Đôi mắt trong xanh của em hình như nhìn mọi người với một cường độ mãnh liệt, nhưng kỳ thực em chẳng trông thấy chung quanh vì em xứng danh “em bé ngơ ngác”. Thực khó tìm đứa bé đãng trí hơn. Trong bữa ăn, đôi lúc mơ màng đâu đâu, em quên đưa muỗng vào miệng, nhìn sững bức tường trước mặt hình như có vật gì khác thường. Người ta bỏ tiêu vào chén xúp, em chỉ hay biết khi tiêu đụng vào lưỡi làm em cay bỏng. Em nhăn mặt xuýt xoa, các chị em lại cười rộ lên. Em đỏ mặt tía tai, ngơ ngác nhìn chung quanh như thể từ cung trăng rơi xuống.
Em tên Bạch Huệ, ít nói ít cười. Ai chọc ghẹo, em chẳng cần để ý. Đôi lúc cha mẹ la mắng oan ức, em ngẩng đầu ra sau, đan những ngón tay vào tóc, tái mặt rồi nín thinh.
Mặc dầu đãng trí, nhưng không thể nói em là người vô dụng trong gia đình. Em làm lụng siêng năng, sắp xếp quần áo vào tủ, lượm lặt đồ chơi vứt bừa bãi, rồi sắp đặt ngăn nắp trên lò sưởi, may quần áo cho búp bê. Tóm lại, em thích làm những công việc mà em có thể vừa làm vừa mơ mộng.
Bạch Huệ còn một công việc khác em làm chí thú không hề mệt mỏi: giúp đỡ vú già để săn sóc em nhỏ của Bạch Huệ, thằng bé Út, cục cưng của toàn thể gia đình. Em ngồi hàng giờ bên nôi bé Út, em ru bé Út với bài hát tự em nghĩ ra. Những câu hát êm ái dịu dàng nhưng buồn bã, nào cánh bướm vướng phải tơ nhện, chim non bị trẻ bắt ra khỏi tổ hoặc trẻ con mồ côi lạc loài tìm mẹ, vân vân… Hỏi em sao không hát những câu tươi sáng vui vẻ, Bạch Huệ trả lời không suy nghĩ:
- Những bài hát buồn thường êm dịu, những bài hát vui lại rộn ràng ầm ỹ làm em phát khóc.
Bé Út cũng đồng ý với Bạch Huệ, nên lúc nghe câu hát ru em của chị, nó ngủ mau lẹ.
Sức khỏe em kém sút, một năm em nằm trên giường bệnh nhiều tháng. Làm việc nhẹ, em cũng chóng mệt và nhiều đêm em trằn trọc không ngủ. Người ta nói Bạch Huệ mắc bệnh đau tim.
Chị và em Bạch Huệ sức khỏe lại dồi dào. Xuân Lan, chị đầu, da màu nâu, xinh đẹp, nhanh nhẹn. Tiếng nói của em trong trẻo vui vẻ làm linh động cả gia đình. Mọi người đều thương mến Xuân Lan. Em quấn quít bên mẹ em, ham công việc bếp núc. Cô Giạ Hương quản gia xem em như thể người bạn tâm tình. Khắp các phòng ốc trong lâu đài, không nơi nào Xuân Lan chẳng để mắt đến. Em tìm hiểu mọi việc trong gia đình, dù nhỏ nhặt đến đâu.
Trong ba chị em, Thu Cúc, gái út, được nuông chiều hơn hết. Nét mặt tươi sáng rạng rỡ, hai bím tóc đỏ hung bỏ thõng bên vai, em giống như một thiên thần tí hon. Hai chị em đều sợ ba nghiêm nghị, nhưng riêng Thu Cúc được ba cưng, nên không chút kiêng dè, em hay nhảy lên ngồi nũng nịu trên đầu gối người lớn.
Xuân Lan, Thu Cúc trau chuốt bề ngoài trái lại Bạch Huệ chẳng hề lưu ý đến việc phục sức. Trầm mặc, dáng điệu em hờ hững chậm rãi. Bà con quan khách đến viếng thăm, ba má gọi các con ra giới thiệu : Xuân Lan, Thu Cúc áo quần bảnh bao tươi cười chào khách, Bạch Huệ tìm cách lẩn tránh. Bị ba má la rầy, bất đắc dĩ em lấp ló đứng nép bên cửa, tóc rối bù, đầu nghẻo bên vai, bẽn lẽn sợ sệt, hai tay ngượng ngịu vân vê tà áo. Ai hỏi điều gì, em lặng thinh, mặt đỏ như gấc. Quan khách ra về, mọi người trong gia đình trách mắng em, từ ba má, bà nội đến cô Giạ Hương, vú già cũng xen vô :
- Biết bao giờ Bạch Huệ mới khôn ngoan lanh lẹ như các trẻ em khác !
Nhưng đôi khi em lại là một nhân vật cần thiết trong gia đình, mọi người đều chìu chuộng cảm mến. Mùa đông giá lạnh, tuyết phủ khắp các nẻo đường, lâu đài cổ kính như đắm mình trong một nệm bông trắng toát. Những đêm dài, ở phòng khách rộng rãi, gia đình tụ họp chung quanh chiếc đèn lớn toả ánh sáng lờ mờ : bà nội, má và cô Giạ Hương may vá áo quần, ba đọc sách báo, Xuân Lan, Bạch Huệ thêu thùa.
Trên đầu gối ba, má rồi leo lần qua đầu gối bà nội, Thu Cúc thỏ thẻ:
- Má ơi ! Lạnh quá, Cúc buồn ghê!
Lúc đó mọi người đều hướng đến Bạch Huệ:
- Bạch Huệ, kể một chuyện cổ tích nghe !
Bức thảm đương thêu nửa chừng trên tay Bạch Huệ rơi xuống đất và vang lên tứ phía những lời như khuyến khích, như van lơn :
- Bạch Huệ, Bạch Huệ, một chuyện cổ tích.
Bị tấn công tới tấp, ban đầu em từ chối không còn biết chuyện gì để kể, nhưng biết bao lời thúc giục nài nỉ lại đến từ khắp nơi.
Em đành khuất phục, rụt rè, ngập ngừng bắt đầu kể chuyện :
- Ngày xửa, ngày xưa, một hoàng tử đẹp trai hoặc ngày xửa ngày xưa, một em bé mồ côi nghèo đói, vân vân…
Câu chuyện càng lúc càng hào hứng hấp dẫn, Bạch Huệ càng trở nên mạnh dạn hùng biện, tiếng nói em làm ấm áp không khí giá lạnh đêm đông. Má em đỏ hồng, mắt em ngời sáng, câu chuyện càng dồn dập nhiều tình tiết éo le kỳ diệu.
Những công chúa kiều diễm, kỵ sĩ dũng cảm, nữ thần dưới đáy biển, chú lùn giữ kho vàng, những bà tiên hiền từ, những mụ phù thủy độc ác đều tuần tự diễn biến trước thính giả trong một luân-vũ-khúc mê ly rùng rợn. Có lúc nước mắt Bạch Huệ ràn rụa vì chính em tự cảm xúc câu chuyện em vừa kể, Xuân Lan, Thu Cúc hai mắt đỏ ngầu, người lớn cầm lòng chẳng đặng không khỏi rớm lệ còn vú già thỉnh thoảng cầm khăn tay sụt sịt lau mũi. Câu chuyện đến hồi kết thúc, em hạ giọng nói nhỏ dần, đều đều trầm trầm, người nghe càng não lòng xúc động. Phải chăng một bà tiên đã hiện lên nhập vào em để kể chuyện chớ ai ngờ em bé vừa nói là em bé Bạch Huệ, em bé đãng trí, em bé ngơ ngác.
Ba má rất đỗi ngạc nhiên không hiểu Bạch Huệ học hỏi ở đâu mà biết nhiều chuyện kể hoài không hết. Xuân Lan, Thu Cúc phục em sát đất, còn vú già lắc đầu thì thầm :
- Sợ em chẳng ở lâu với chúng ta vì người em kỳ lạ quá, không giống các trẻ em khác ! Em đâu sinh ra để sống trên thế gian nầy.
Trong nhà cũng như ngoài vườn, bạn chí thân của Bạch Huệ là nai vàng được nuôi nấng đã thuần thục. Đối với em, nai là một công chúa đội lốt, vì nai hiểu tiếng người : nai vàng chỉ liếc mắt nhìn Bạch Huệ là nai và em cảm thông câu chuyện sắp nói cùng nhau.
Một bà lão hành khất đã đem nai vàng đến cho gia đình Bạch Huệ. Ngang qua cánh rừng, nghe tiếng rên rỉ yếu ớt như tiếng trẻ sơ sinh bà dừng chân nhìn vào bụi cây trông thấy một nai con lạnh lẽo đói khát. Chắc hẳn nai mẹ bị thợ săn bắn chết, một mình bé bỏng không đủ sức chạy trốn. Bà lão quấn nai con vào bọc vải mang đến lâu đài đổi chác bánh sữa.
Lúc ấy Bạch Huệ đau tim nằm trên giường bệnh, em mê man chẳng nghe thấy gì chung quanh. Em vốn thương mến loài vật, nên người ta đem nai con đặt bên mình em, mong lúc hồi tỉnh em vui thích chút nào chăng ! Nghe tiếng nai con rên rỉ, Bạch Huệ bừng tỉnh đưa tay sờ mó nai con bé bỏng, tự nhiên em cảm thấy phục hồi sức khoẻ.
Lần hồi lành mạnh, Bạch Huệ lại có thêm một công việc : săn sóc nuôi dưỡng nai vàng. Em ôm ấp nai vàng vào lòng, sưởi hơi nóng của em cho nai ấm áp, kiếm sữa cho nai uống. Lòng em sung sướng hồi hộp lúc nai vàng ngẩng đầu nhìn em, đưa mõm nhỏ xíu liếm đôi bàn tay mềm mại trắng trẻo của em.
Một ngày tạnh nắng, Bạch Huệ và nai vàng ra vườn tắm ánh mặt trời. Đôi bạn chập chững bước đi bước một, hai chân Bạch Huệ gầy gò lỏng khỏng, đôi giò nai vàng run rẩy yếu đuối. Em giang rộng hai cánh tay giữ thăng bằng khỏi té, còn nai vàng ngập ngừng đôi chân, chưa biết đưa chân nào đến trước, chân nào đến sau. Người tưởng mình nâng đỡ vật, nhưng vật hãnh diện mình là điểm tựa cho người. Cảnh tượng khôi hài ngộ nghĩnh, nhưng nhìn thấy chẳng ai nỡ cười vì đó là bước đi tập tễnh của đôi bạn trong thời gian dưỡng bệnh.
Một tháng sau, Bạch Huệ và nai vàng đã tung tăng chạy nhảy khắp vườn. Bạch Huệ càng tin tưởng một công chúa thần tiên đã hiện lên trong thân hình nai.
Em ôm cổ nai thủ thỉ :
- Nói lên với chị một tiếng đi ! Nói gì cũng được.
Nai vàng đưa tai khít má Bạch Huệ hình như chú tâm lắng nghe lời nói của em, nhưng sau khi đưa lưỡi liếm má Bạch Huệ, nai vàng vụt biến mất sau lâu đài, bỏ mặc em một mình ngơ ngẩn suy tư. Mối duyên kỳ ngộ giữa Bạch Huệ và nai vàng chớm nở từ lúc đôi bạn gặp nhau trên giường bệnh đã ngày thêm bền chặt khắng khít giữa chốn rừng núi đầy chim muông cây cỏ.
Ngoài bạn quí nai vàng, em còn một bạn thân mến khác. Sự im lặng hoàn toàn của bạn nầy tương phản nai vàng luôn luôn nhảy nhót. Đó là bé Quê, một búp bê quê mùa xấu xí, đầu bằng sành, thân hình độn trấu. Mặt búp bê trắng bệch, điểm hai chấm son hai bên má. Đêm ngủ, em không rời bé Quê, ấp ủ bé Quê trong mền ấm.
Một ngày kia, mẹ đỡ đầu Bạch Huệ từ xa đến thăm tặng em một vật kỷ niệm : một búp bê xinh đẹp, tóc đen nhánh, nằm xuống đôi mắt nhắm nghiền. Áo quần búp bê toàn bằng tơ lụa sang trong như y phục các bà quý phái, đầu đội mũ rộng vành, chân mang giày thếp vàng. Em mừng quýnh, ôm búp bê vào lòng hôn hít. Gia đình chỉ định cô Giạ Hương kiếm một tên hay đặt cho búp bê. Nhiều đề nghị đưa ra và sau một hồi thảo luận, Bạch Huệ chọn tên Hằng Nga gọi búp bê mới. Xuân Lan, Thu Cúc đồng ý. Thế rồi Hằng Nga được ngồi chễm chệ trên chân Bạch Huệ, còn bé Quê chui vào xó tủ cùng đống quần áo cũ rách, chẳng còn được hỏi han ngó ngàng đến. Trong bữa ăn, em vui vẻ chuyện trò với mẹ đỡ đầu của em.
Tối đến, vừa leo lên giường, em ngắm nghía búp bê mới, vuốt ve làn tóc mịn màng của Hằng Nga rồi ngủ thiếp lúc nào không hay. Bỗng nhiên, nửa đêm giựt mình tỉnh giấc, một niềm băn khoăn xao xuyến xâm chiếm lòng em : Hằng Nga ngủ yên bên em, đôi mắt nhắm nghiền, mỉm cười để lộ hai chiếc răng khểnh trắng nõn, còn trong tủ áo kìa ai đang thổn thức hờn duyên tủi phận. Bé Quê chứ còn ai khác ! Con búp bê già khốn khổ bị em bỏ rơi không chút tiếc thương, nằm cô đơn lạnh lẽo trong xó tủ giữa mảnh chai bể vụn và áo quần rách nát. Nó khóc tỉ tê âm thầm không sao ngủ được, từ trước đêm nào nó cũng ngon giấc trong giường êm nệm ấm với mẹ tí hon mà nó hằng chia xẻ bao nỗi buồn vui.
Lòng em hồi hộp, bứt rứt, hối hận. Tự nhiên em so sánh sự khác biệt giữa tánh tình hai búp bê mà em nghĩ không thể nào chúng có thể chung sống hoà bình trong một gian phòng được.
Hằng Nga quá kiều diễm, kiêu hãnh về sắc đẹp nên tâm hồn sắt đá, còn bé Quê mặc dầu xấu xí nhưng hiền lành chất phác đã sống bên mình lâu năm, thực lòng thương mến mình.
Ta biết đối xử thế nào ? Xa lánh Hằng Nga cũng tiếc, tuyệt tình bé Quê sao đành ! Trời ơi, mới hôm qua lòng ta còn rộn ràng sung sướng, bây giờ lại bối rối buồn bực !
Nước mắt ràn rụa, Bạch Huệ tập trung mọi ý chí để quyết định một hành động can đảm. Cuối cùng em ngồi dậy, đem Hằng Nga đặt ngồi vào ghế, ngắm nhìn diện mạo diễm lệ của búp bê, đoạn hôn nhẹ lên trán Hằng Nga. Em lại nhón đôi chân nhẹ nhàng đến tủ áo xách bé Quê ra, ôm riết vào lòng leo lên giường ngủ. Nhìn vẻ mặt xấu xí tái mét của bé Quê, lòng em rạo rực đau đớn. Ôm nghì bé Quê vào lòng, ấp ủ nó trong mền ấm, Bạch Huệ úp mặt vào gối khóc nức nở.
Sáng mai, điểm tâm xong, Bạch Huệ rụt rè đặt vào tay Xuân Lan búp bê Hằng Nga :
- Chị thích búp bê này không ?
- Thích chứ ! Chị chưa thấy búp bê nào xinh đẹp như Hằng Nga của em ! Chắc em sung sướng lắm !
- Em tặng chị đó, em muốn chị giữ lấy mãi mãi để chơi. Em cho luôn chị đó.
Xuân Lan, Thu Cúc ngạc nhiên, bất ngờ không ít, chạy thẳng một mạch vào phòng má :
- Má ơi ! Bạch Huệ nổi khùng rồi, má ơi !
Tòa án gia đình được triệu tập để xử vụ án ly kỳ hy hữu. Vì sao Bạch Huệ mau chán Hằng Nga, một búp bê lộng lẫy đẹp đẽ mà tất cả mọi trẻ em đều thèm muốn ? Hành động phi lý của em chẳng những phiền lòng ba má, còn thương tổn lòng tự ái của mẹ đỡ đầu em.
Ba nghiêm nghị chất vấn :
- Sao con lại đem búp bê Hằng Nga cho Xuân Lan ?
Em chỉ có thể giải thích riêng cho Xuân Lan biết lý do về hành động của em ; nhưng lâm vào tình trạng bị cáo trước toà án gia đình, Bạch Huệ cương quyết lặng thinh, đứng trơ như tượng đá, sẵn sàng lãnh chịu mọi hình phạt.
Má dịu dàng hỏi Bạch Huệ :
- Sao con không trả lời ba con ? Con nên hiểu bướng bỉnh ngoan cố như thế làm phiền lòng ba má.
Bạch Huệ đôi mắt lưng tròng nhìn mẹ, liếc qua Hằng Nga nằm trên tay Xuân Lan, rồi vụt chạy biến về phòng riêng. Từ hôm hy sinh bạn mới để nhường chỗ cho bé Quê em nhìn lại nó xinh đẹp dễ thương, nên tấm lòng trìu mến bé Quê lại càng tha thiết mặn nồng hơn xưa.
Ban ngày nai vàng là bạn, ban đêm bạn là bé Quê.
Đêm đông, từ rừng thẳm vang lên âm thanh huyền bí của vạn vật, tiếng gió gào thét sau cánh cửa đầy tuyết, thác nước đổ mạnh lay động móng cầu chuyển mình răng rắc. Chung quanh lâu đài cổ kính còn vang động nhiều tiếng dị kỳ rùng rợn : phải chăng đàn chó sói háu đói rảo quanh kiếm mồi nhe hàm răng nhọn hoắt hú lên nỗi căm hờn bất tận, phải chăng đàn dơi hút máu với những lóng tay xương xẩu đập cánh xào xạc lẩn quất rình mò trẻ con đang ngon giấc trên giường ngủ.
Những đêm khủng khiếp đó nếu bên mình Bạch Huệ không có sự hiện diện của bé Quê làm sao nhẹ bớt nỗi lo âu khiếp sợ !
Má em kề mặt lạnh lẽo bằng sành của bé Quê, Bạch Huệ thì thầm trong đôi môi run rẩy :
- Bé Quê ! Không có gì đáng sợ, chẳng qua một giấc mộng hãi hùng ! Chẳng có ai sau bức tường đen tối, chỉ là dì gió dạo chơi đêm trăng ! Thiên thần phù hộ chúng ta. Ở lâu đài thần tiên nầy không bao giờ có tai hoạ xảy đến.
Mối tình thứ ba, nồng nhiệt sâu đậm hơn hai mối tình của Bạch Huệ đối với nai vàng và bé Quê là mối tình của em đối với khu rừng hoang vắng. Rừng, kho tàng đầy chuyện cổ tích lý thú ; rừng, nơi chôn dấu nhiều kỳ quan vũ trụ chỉ riêng mình em thưởng thức, còn người phàm mắt tục không thể nhìn thấy.
Mùa đông, em phải ngăn cách khu rừng vì dầu muốn trốn gia đình rong chơi em cũng khó vượt qua những đoạn đường đầy tuyết. Suốt buổi mai, em chăm lo bài vở học hành, buổi chiều độ ba giờ trời đã sẫm tối. Đôi mắt u buồn, em nhìn rừng thẳm nhắn đôi lời thăm hỏi và tiếng gió rì rào của những cây thông trụi lá như đáp lại với em lời âu yếm:
- Bạch Huệ, Bạch Huệ, Huệ… Uệ… Uệ…
Sang mùa xuân ngày dài, tuyết tan rã trên đồi, Bạch Huệ và nai vàng lại nhởn nhơ nô đùa với chim muông cây cỏ trong khu rừng bao la bát ngát.
Vì ba má ngăn cấm em vào rừng sợ gặp thú dữ, nên một tháng ròng rã em ủ rũ buồn rầu tù túng trong lâu đài, càng ngày càng trở nên xanh xao gầy ốm.
Bác sĩ chẩn mạch Bạch Huệ khuyên ba má em :
- Em đau tim nặng, cần ánh sáng mặt trời và nhiều thoáng khí. Chỉ có phương pháp đó em mới chóng bình phục.
Thế là cửa phòng em rộng mở : em và nai vàng được trả tự do, tha hồ tung tăng chạy nhảy. Đôi bạn nằm lăn lộn giữa rừng, Bạch Huệ hôn từng cành cây ngọn cỏ, la hét om sòm như thể điên cuồng vậy !
Mối tình bền chặt giữa rừng rú và Bạch Huệ càng năm càng tăng dần. Rừng rú cũng như nai vàng và bé Quê là người bạn tâm tình của Bạch Huệ. Rừng với mọi vẻ âm u huyền bí tâm sự với em nhiều điều kỳ ảo lạ lùng mà người trần tục không thể nghe, không thể hiểu.
Đó là người bạn thứ ba: người bạn vô tri vô giác, nhưng chân thành hơn hết của em.
Chương 2
NGÀY LỄ GIÁNG SINH
Một tuần trước lễ Giáng sinh.
Mọi người trong lâu đài rộn rịp tổ chức mừng lễ ngày Chúa ra đời. Bà nội, má, cô Giạ Hương lên xuống từ nhà trên đến nhà bếp chỉ dẫn cách thức cho các người giúp việc trộn đường nhào bột hấp nướng các thức bánh ngon lành. Anh đánh xe, bác làm vườn chung sức dựng cây thông đồ sộ giữa nhà và treo đèn kết hoa.
Bỗng nhiên người đưa thư đem đến một bức điện tín. Thật là chuyện hiếm có, vì có bao giờ ở lâu đài người ta nhận được một dây thép như thế. Ba chị em hấp tấp đem điện tín đi tìm ba. Ông mở ra đọc nhanh, tái mặt, nhìn kỹ điện tín như tìm đường lối giải quyết một vấn đề khó khăn. Ông lật đật xuống nhà bếp tìm vợ. Hai tay đầy bột trắng xoá, nghe nói ông có điện tín, bà giành lấy đọc:
- Em gái từ trần. Tòa Đại Sứ gởi đứa nhỏ đến ngày hôm nay theo chuyến xe lửa 16 giờ 20. Ký tên: Ngô Liên.
Ông Ngô Liên bạn thân lâu đời của gia đình là một luật sư tên tuổi ở thị xã. Em gái nào ? Đứa nhỏ con ai ? Ba chị em Xuân Lan chẳng hiểu tí gì, ngơ ngác nhìn ba má.
- Chuyện gì hở mình ?
- Tôi cũng chẳng rõ, vì đã từ lâu tôi không có tin cô ấy.
- Lại thêm một đứa nhỏ ! Khốn khổ tội nghiệp cho nó ! Chỉ còn hai tiếng đồng hồ, mau đem xe đi đón gấp kẻo trễ.
- Bây giờ ai đi đón đứa nhỏ ? Thôi nhờ cô Giạ Hương vậy.
- Đâu được, Giạ Hương còn giúp tôi nhiều công việc. Mình để tôi nhờ bà nội. Trời đẹp, đường xá bằng phẳng, chắc là nội vui lòng dạo chơi một vòng.
Bà nội tay đang xách giỏ cam đi ngang qua cao hứng :
- Ừ để tao đi cho.
Ba chị em nhao nhao đòi hộ tống bà nội.
- Đi đâu tụi bây cũng đòi đi, má gắt.
- Xe rộng, cho chúng theo hầu bà nội, ba đỡ lời.
Nửa giờ sau, ba chị em vui vẻ tươi cười vây quanh bà nội trên chiếc xe độc mã thẳng tiến lên thành phố trên con đường lát nhựa rộng rãi.
Xuân Lan tấn công nội :
- Nội nè ! Cô ấy là ai ? Còn đứa nhỏ nào thế hở nội ?
- Đó là câu chuyện bi thảm, các cháu ạ. Ba các con chỉ có độc nhất một em gái rất được nuông chìu ; nhưng trái với ý muốn cha mẹ, cô em gái ấy đã kết hôn với một sĩ quan Nga theo chồng về xứ sở. Từ đó, gia đình bặt vô âm tín về cô ấy và nay bỗng nhiên tiếp được điện tín này. Nói xong nội lần tràng hạt lâm râm cầu nguyện.
Sự hôn phối giữa một thiếu nữ Ba Lan với một người Nga xem như một hành động bội phản tổ quốc. Chẳng có gì ngạc nhiên, vì người Nga đã hành hạ ngược đãi tàn bạo dân Ba Lan : hàng trăm người Ba Lan vào hàng quí phái đã chôn mình trong tuyết lạnh ở Tây-bá-lợi-á, hàng trăm người Ba Lan khác còn bị tù đày và những hình phạt tra tấn đối với họ không chút nương tay. Phần đông sĩ quan Nga chiếm đóng ở Ba Lan đều hung ác tàn bạo, nên thiếu nữ Ba Lan nào tự ý lấy sĩ quan Nga phải đoạn tuyệt mọi liên lạc với gia đình. Cũng vì thế, nên ba chị em tuyệt nhiên không hay biết chúng đã có một người cô.
Chiếc xe vừa dừng trước nhà ga, ba chị em nhìn chẳng thấy xe lửa nào đậu ở đó.
Viên xếp ga quen biết với bà nội ngả mũ chào :
- Bà đến trễ, chuyến xe lửa vừa chuyển bánh.
- Ông có thấy một người xuống xe dắt theo một trẻ nhỏ không?
- Có thằng nhỏ nào đâu! Chỉ có một em bé gái đang đứng đằng kia kìa!
Mọi con mắt đều đổ dồn về phía ấy. Một em gái chừng 12 tuổi đang ngồi trên đống đá bên vệ đường. Với tuổi ấy, em trông khá lớn nhưng lại quá gầy ốm. Nước da xanh mét, mặt đầy tàn hương, tóc vàng hoe, chỉ còn đôi mắt trong sáng. Em mặc áo xám, ngoài phủ áo tơi đen cũ rách.
Nội quan sát em bé giây lát tỏ vẻ lo âu :
- Lại đây bà hỏi !
Em bé ngập ngừng, thủng thẳng bước đến gần xe.
- Em ngồi đợi ai đó?
Chẳng buồn trả lời, em chìa mảnh giấy nhỏ đã nhơ bẩn nhầu nát có hàng chữ: “Xin giao cho gia đình bên ngoại ở lâu đài họ Nguyễn em Đỗ Quyên mồ côi cha mẹ. Nhờ săn sóc giúp đỡ em bé”.
- Trời! Té ra cháu bà đây! Đến đây với ngoại. Đây là các chị của cháu: Xuân Lan, Bạch Huệ, Thu Cúc. Các cháu hãy hôn Đỗ Quyên và nhường chỗ cho em ngồi.
Vẻ mặt lãnh đạm, ủ rũ, Đỗ Quyên hôn phớt bàn tay răn reo của ngoại rồi đẩy lui những bàn tay của các chị đưa đến ôm em.
- Cháu ngồi xuống, có đói không ?
Đỗ Quyên lúc lắc đầu. Em ngồi trên xe gần bên bà ngoại, đôi mắt hé mở, lạnh lùng chẳng mở miệng chào hỏi ba chị em Xuân Lan. Ngoại hỏi em cũng lặng thinh không trả lời. Ngoại đành lần tràng hạt để em ngồi yên.
Nghe tiếng nhạc ngựa, ông bà bước ra đón xe tận cửa. Ông giang đôi cánh tay trìu mến còn bà nở nụ cười cởi mở đón em nhỏ mồ côi, nhưng cả hai vợ chồng đều ngạc nhiên trước thái độ dửng dưng lạnh nhạt của bé Đỗ Quyên.
Giọng nói ấm cúng dịu dàng của ngoại :
- Đỗ Quyên, đây là cậu cháu.
Em ngắm nghía ông từ đầu xuống chân :
- Ông là anh má tôi hả ?
Ba chị em Xuân Lan vô cùng sửng sốt. Táo gan thực ! Sao con bé nầy dám nói năng vô lễ với ba mình như thế ? Nhưng ông vẫn thản nhiên vui vẻ, không giận dữ, như tuồng chẳng hề lưu ý đến lời nói cộc cằn của Đỗ Quyên.
- Chính cậu đây là anh ruột độc nhất của má cháu. Cháu hãy kể đầu đuôi câu chuyện cậu nghe, việc gì không hay xảy đến cho gia đình cháu ?
Đôi mắt đỗ Quyên không giây phút rời cậu em, tiếng nói đứt quãng từ cổ em đưa ra :
- Má cháu chết vì thiếu ăn.
Ba ngồi phịch xuống ghế hai tay ôm mặt, bà nội và má xúc động, hai hàng nước mắt tuôn rơi.
Đỗ Quyên đưa mắt nhìn quanh :
- Có góc phòng nào cho tôi ở không ?
- Các con hãy đem Đỗ Quyên vào phòng riêng các con.
Ba chị em dắt Đỗ Quyên vào phòng, để giường Xuân Lan cho em nằm nghỉ vì lúc đi đường không khỏi mệt nhọc. Ba chị em nhìn Đỗ Quyên tỏ vẻ thương hại tình cảnh cô đơn của em, chưa biết gợi chuyện gì để tìm lời an ủi.
Bỗng nhiên Đỗ quyên đứng dậy, vùng vằng giận dữ :
- Tôi có gì khác thường mà các chị nhìn tôi dữ vậy ? Hãy để tôi yên. Các người hãy đi nơi khác !
Bất ngờ vì Đỗ quyên đổ quạu không duyên cớ, ba chị em đành lẳng lặng nhìn nhau rút lui khỏi phòng êm thắm. Đỗ Quyên lại trở lên giường, nằm khóc nức nở, tiếng nấc nghẹn ngào rung chuyển đôi vai gầy ốm.
Những ngày kế tiếp, Đỗ Quyên được bà ngoại săn sóc, tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục, nhưng em vẫn giữ thái độ lãnh đạm dửng dưng với mọi người. Em ít nói, nhưng nói ra toàn những lời oán hận gia đình. Nghe qua vài câu vụn vặt, người ta biết được đời sống của em đã trải qua nhiều cảnh gian truân khổ sở. Cha em đã sống một đời lãng phí, bao nhiêu tiền của đều thua sạch ở sòng bạc rồi chết trong cảnh bần cùng thiếu thốn, bỏ vợ con đói rách. Không muốn trở lui gia đình đã ruồng bỏ mình, mẹ Đỗ Quyên đã từ trần vì bệnh lao phổi để lại con thơ phó mặc cho may rủi ở đời. Một gia đình quen biết vì lòng nhân đạo đã cưu mang Đỗ Quyên, nhờ Toà Đại Sứ Ba Lan trả em về gia đình bên ngoại.
Đỗ Quyên thường so sánh chua chát :
- Ở đây cái gì cũng sạch sẽ trắng trẻo ! Chỗ tôi ở với má tôi là một cái hang đen ngòm, hôi hám, đầy sâu bọ ruồi muỗi. Ăn uống thời quá sung túc, thực phẩm một bữa ăn bằng nửa năm thực phẩm của chúng tôi !
Chỉ riêng Bạch Huệ thông cảm tình cảnh đáng thương của Đỗ Quyên. Vì trải qua đời sống cơ cực thiếu thốn, Đỗ Quyên tự ti mặc cảm, quy trách nhiệm cho gia đình bên ngoại, trở nên oán hận mọi người, nhất là hạng người sung sướng đầy đủ. Bạch Huệ tâm niệm sẽ tìm mọi cách giúp đỡ Đỗ Quyên trút bỏ hết mọi mặc cảm để chung sống vui vẻ với gia đình.
Mọi người đều đồng ý Đỗ Quyên là đứa nhỏ vô ơn, hay gắt gỏng lại lãnh đạm trước sự vồn vã thân mật của gia đình.
Má nhắc lại :
- Hôm qua tôi hôn nó, nhưng nó xô đẩy tôi.
Vú già nói thêm :
- Các chị mang nho khô cho ăn, Đỗ Quyên trả lui như thể độc dược.
Bạch Huệ đang bỏ nhân hạnh đào vào bánh, vội vành bênh vực :
- Vì má Đỗ Quyên không có cái ăn mà chết, nên bây giờ Đỗ Quyên không còn muốn ăn gì nữa !
Một hôm tình cờ Bạch Huệ nghe lóm câu chuyện ba má bàn luận về số phận Đỗ Quyên :
- Chúng ta không thể giữ nó ở lâu đài nữa. Nó đầu độc không khí vui vẻ trong gia đình.
- Hay gởi nó vào viện Dục Anh để các bà sơ săn sóc.
- Sau lễ Giáng Sinh sẽ bàn tính. Nhìn vẻ mặt nó, tôi ăn mất ngon, tôi đâu có trách nhiệm về sự khốn khổ của gia đình nó. Má nó không hề viết thư cho tôi. Nếu biết tin, tôi đã đi tìm kiếm gia đình nó.
Bạch Huệ lại thêm sốt ruột, lo lắng, thương hại cho Đỗ Quyên. Em suy nghĩ để tìm mọi phương cách cho Đỗ Quyên cùng ở lại với gia đình bên ngoại trong lâu đài họ Nguyễn vì nơi đây mẹ em đã sinh trưởng.
Nhìn thấy Đỗ Quyên đang ngồi một mình trên chiếc ghế bành giữa phòng khách, Bạch Huệ đến cầm tay em tỏ tình quyến luyến, nhưng Đỗ Quyên đã rút tay lui.
- Chị muốn gì ?
- Chị rủ em lên gác chơi. Chúng mình có thể tìm thấy những vật kỷ niệm thời thơ ấu của má Quyên. Lúc tuổi bằng chúng mình, má Quyên đã sống nơi đây trong phòng riêng của má Quyên ở trên gác.
Tự nhiên đôi mắt Đỗ Quyên ngời sáng, nét mặt vui tươi, nụ cười nở rộng trên môi, nụ cười đầu tiên tự ngày em bước chân đến gia đình bên ngoại. Phải chăng vì Bạch Huệ đã nhắc nhở đến người mẹ thân yêu quá cố nên lòng em rộn ràng sung sướng !
Níu lấy cơ hội hiếm có, Bạch Huệ dịu dàng kéo tay Đỗ Quyên :
- Mau, chúng mình lên gác.
Sách vở, áo quần, đồ chơi bỏ bừa bãi ngổn ngang khắp căn phòng trên gác. Từ ngày mẹ Đỗ Quyên theo tiếng gọi con tim lìa bỏ gia đình, bà nội không muốn ai đụng chạm đến vật dụng của nàng. Hai chị em lục lọi trong đống sách cũ, tìm thấy một quyển kinh, một xấp giấy vẽ dưới nắn nót hai chữ tên Bạch Hạc.
Đỗ Quyên như phát giác một điều mới lạ :
- Má em đây rồi. Chính nét chữ này là chữ của má em.
Em hôn lấy hôn để chữ ký Bạch Hạc và ôm chặt xấp giấy vẽ vào lòng.
- Di tích má còn đây, nhưng nay má còn đâu nữa !
- Má em luôn gần gũi em, bà là đấng thiên thần phù hộ em.
- Em không bao giờ tin chuyện láo khoét. Chị nhẹ dạ mới dễ bị lường gạt, chớ em từng lăn lóc khổ sở, nên em thực tế lắm !
- Đỗ Quyên, hãy xem bức vẽ của mẹ em đây nè : một con thỏ chun ra từ trong trứng, dưới viết thêm hàng chữ “ca tụng Chúa”.
- Toàn chuyện phỉnh phờ trẻ nít. Một con thỏ chun ra từ quả trứng. Có bao giờ chị thấy gà đẻ thỏ chưa ?
- Em không theo tôn giáo nào, không đi lễ nhà thờ, nên không tin tưởng Chúa. Người là đấng vạn năng trên muôn loài, có thể hoá mọi phép lạ nếu người muốn. Chẳng những từ trong quả trứng lòi ra một chú thỏ, một voi khổng lồ cũng có thể lọt ra khỏi trứng, nếu Chúa muốn.
- Chúa thử hoá một phép lạ để em tin tưởng mẹ em vẫn gần gũi bên em, lúc đó em tin Chúa liền. Dầu sao, em vẫn cám ơn chị đã cho em hưởng những giây phút thần tiên, được nhìn tận mắt những vật kỷ niệm của mẹ thân yêu của em.
- Biết đâu em lại chẳng trông thấy phép lạ một ngày gân đây !
Đêm ấy hai chị em thao thức ngủ không yên giấc : Đỗ Quyên tưởng tượng thời kỳ thơ ấu của mẹ em đang còn cắp sách đến trường, còn Bạch Huệ cầu nguyện Chúa mau ban phép lạ để đem nguồn tin tưởng lạc quan đến cho Đỗ Quyên.
Một ý nghĩ táo bạo thoáng qua trí óc Bạch Huệ khiến em nở nụ cười khoái trá. Đến lúc ánh sáng bình minh dọi vào cánh cửa kính, hai chị em mới bắt đầu thiu thiu ngủ.
Sau khi mọi người trong gia đình dự lễ nửa đêm tại nhà thờ trở về, ai nấy đều tụ họp tại phòng lớn để ăn mừng lễ Giáng Sinh.
Đối diện cây thông cao ngất treo đèn kết hoa, một chiếc bàn dài bày la liệt mọi thức ăn cao lương mỹ vị : gà, vịt, ngỗng béo ngậy quay vàng khè, những đĩa đầy ắp thịt heo, bò, cừu trông rất ngon lành, các thứ bánh mặn ngọt đủ loại. Thêm bốn cái bánh to tướng, nhụy trên mặt bánh là mấy chữ đầu của tên bốn chị em : XL, BH, TC và ĐQ.
Trong lúc mọi người đang vui vẻ chuyện trò và nhấm nháp bánh thịt, Bạch Huệ đưa mắt nháy chị đứng gần ba má : Xuân Lan hiểu ý lẻn xuống nhà bếp và chốc lát bưng lên cái bánh khổng lồ hình dáng quả trứng trên một giỏ tre đặt ngay giữa bàn. Mọi người ngạc nhiên, nhất là má và cô Giạ Hương bất ngờ không rõ bánh nầy ai làm lúc nào hay mua từ đâu đem đến.
Lạ lùng thay ! Chiếc bánh vừa để xuống bàn đã rã lần từng miếng và có cái gì ở giữa nhúc nhích cựa quậy. Mọi người ồ lên một tiếng : một đầu con vật bé nhỏ lòi ra. Một chú thỏ con xinh xắn, cái mõm đỏ hỏn đang vẫy hai tai làm rơi rớt những mảnh vụn bao phủ trên đầu nó.
Ông biết rõ trò quỷ thuật nghịch ngợm nầy do ba chị em Bạch Huệ âm mưu sắp đặt, nhưng chưa rõ chúng dụng ý gì. Ông đảo mắt nhìn Xuân Lan, Bạch Huệ định tìm lời chất vấn, nhưng một việc bất ngờ xảy đến làm ông chưa kịp buông lời khiển trách. Nãy giờ, Đỗ Quyên đang đứng cạnh ông ăn bánh, bỗng nhiên quỳ gối xuống đất, lẩm bẩm :
- Phép lạ, phép lạ ! Chúa ban phép lạ đúng theo ước nguyện của má. Thỏ nở trong trứng. Chúa hiền từ biết bao ! Má ta chắc còn lẩn quất đâu đây để phù hộ ta !
Em lần lượt đến ôm hôn mọi người trong gia đình, từ bà ngoại, cậu mợ đến các chị, trong lúc chú thỏ con nhởn nhơ dạo quanh trên bàn gậm nhấm xà lách, cà rốt, củ cải. Nước mắt lưng tròng, em cảm động ôm chặt Bach Huệ :
- Chị nói rất đúng. Chúa có thể làm tất cả mọi sự, nếu người muốn. Em không còn buồn phiền và oán hận ai nữa, từ nay em sung sướng vui sống với gia đình.
Cảm tình Đỗ Quyên bột phát với mọi người khiến tánh tình em cũng đổi thay, trở nên dịu dàng vui vẻ dễ thương và từ đây mọi ác cảm đối với em không còn nữa. Ai nấy đều nhìn em bằng đôi mắt khác biệt đầy thiện cảm.
Giữa tiếng nói cười vui vẻ của người lớn và tiếng nô đùa ầm ỹ của trẻ con, Đỗ Quyên cảm thấy tâm hồn như say sưa ngây ngất trong một đời sống mới đầy tin tưởng ở tương lai xán lạn.
Trên bàn thờ Chúa, em nhìn thấy hiện lên khuôn mặt rạng rỡ tươi sáng của mẹ em. Em mường tượng thấy vẻ mặt kiều diễm của mẹ như hồi thanh xuân, mẹ em hiền từ mỉm cười nương theo làn ánh sáng của đôi nến bước lần xuống bên em, đặt hai bàn tay dịu dàng mềm mại trên vai em.
Đỗ Quyên nhắm nghiền hai mắt để những giọt lệ nóng hổi chảy tràn xuống má, những giọt nước mắt sung sướng đầy hạnh phúc.
Chương 3
THẰNG BÉ DU MỤC
Đời sống vẫn trôi qua bình thường ở lâu đài họ Nguyễn. Từ nay ba chị em Xuân Lan có thêm bạn mới đã từ bỏ hết mặc cảm để vui sống với gia đình.
Tùng tùng xèng… tùng tùng xèng… Tò le tý le… Tò le tý le…
Tiếng kèn trống ồn ào, giọng ca hát ầm ỹ. Một đoàn người du mục đã xuất hiện trước sân lâu đài. Một ông lão, tướng mạo oai vệ, tóc bạc trắng xóa, hướng dẫn đoàn, tiếp theo là một chú lùn dắt một con khỉ mặc áo xanh đội mũ đỏ. Đoàn du mục gồm thêm một số đàn ông, đán bà, trẻ có già có, mang theo những gói quần áo. Vài mụ đai thêm con nhỏ trên lưng. Một số trẻ con áo quần dơ dáy, rách nát gần như trần truồng, ngửa bàn tay xám xịt dính đất cát :
- Ông bà bố thí cho ít tiền.
Cuối cùng đoàn du mục, là một bà già khuôn mặt răn reo dị hình dị tướng, chỉ còn đôi mắt sáng, tay dắt đứa nhỏ trạc chừng 12 tuổi mặc chiếc áo dài. Đứa nhỏ đứng với bà già riêng biệt một nơi không chung lộn với đoàn du mục, dửng dưng chẳng ngửa tay xin tiền như bọn trẻ con hành khất khác.
Lão già du mục cúi đầu chào :
- Chúng tôi từ xa đến, xin bà ban cho trẻ nhỏ ít bánh sữa, kẻ già cả ít tiền bạc. Chúng tôi đoán tương lai vận mệnh cho bà rồi sẽ đi ngay.
Trong lúc khỉ con nhảy múa làm trò theo điệu đàn phong cầm của chú lùn, bọn du mục ùa vào các phòng ốc trong lâu đài xin các thức ăn và tiền bạc.
Bỗng mụ già dắt đứa nhỏ đến trước mặt Bạch Huệ nhìn em say đắm :
- Em bé dễ thương quá, đưa bàn tay để già An Gia này đoán tương lai vận mệnh cho.
Bạch Huệ còn do dự, mụ già đã cầm lấy tay em và sau khi nhìn qua, mụ quỳ ngay xuống đất trước mặt em lộ vẻ vui mừng tột độ :
- Công chúa của mụ đây. Bàn tay có ba ngôi sao ! Chính nhờ em sau này cháu mụ sẽ có uy danh quyền lực, sẽ có hạnh phúc đầy đủ. Mặc dầu con vua du mục, nhưng nó phải làm nô lệ em. Ba ngôi sao trong bàn tay ! Quí hoá quá, trời ơi !
Nói xong, mụ già lại đập đầu xuống trước mặt Bạch Huệ.
Với giọng nói rắn rỏi đanh thép, thằng nhỏ vỗ vai mụ già :
- Đứng dậy, An Gia.
Xây qua Bạch Huệ, nó tiếp lời :
- Cô đừng sợ ! Mụ này là bà nội tôi đó, tên gọi An Gia. Mụ đã mất trí khôn, nhưng hiền lành chẳng hề làm hại ai. Gặp người nào, mụ cũng tìm xem trong bàn tay thử có ba ngôi sao chăng vì mụ tin rằng tương lai vận mệnh tôi ở trong bàn tay người nào có ba ngôi sao.
Giọng quát tháo của ông đã vang lên từ ngoài ngõ. Vừa bước vào nhà, ông đã vội vàng lùng khắp các phòng để mời dân du mục ra ngay khỏi lâu đài, vì ông đã từng nghe nói bọn này đi ngang qua nơi nào thì nơi đó bị mất cắp đồ đạc tiền của. Ông bố thí cho lão trưởng đoàn một số tiền và thuốc hút để phân phát cho đoàn du mục, rồi nhã nhặn mời họ rời gấp nơi đây.
Mụ An Gia lưng còng sấp, tay vịn vai thằng nhỏ bước ra khỏi cửa, mặt còn ngoảnh lại, đưa hai tay hướng về Bạch Huệ cầu khẩn :
- Ba ngôi sao trong cánh tay, công chúa ơi ! Hãy thương hại cháu mụ, đừng quên nhé.
Cánh cửa lâu đài vừa khép, đã nghe trong nhà vang lên tiếng nói mất mát đồ đạc : cái nồi to tướng ở nhà bếp không cánh mà bay, quần áo của bé Út phơi trên dây thép cũng biến đâu tìm chẳng thấy. Cô Giạ Hương hoảng hốt hô hoán mất chiếc nhẫn vàng sau khi chìa tay để bọn du mục đoán tương lai vận mệnh.
Ông bực tức dặn dò mọi người :
- Từ nay nhất thiết cấm cửa bọn du mục. Nếu tôi về chậm, chắc chắn đồ đạc trong nhà sẽ mất sạch.
Ngày mai, lại có tin bọn du mục đã lấy trộm hai con ngựa và chiếc xe của một nông gia ở làng kế cận. Cảnh sát lùng kiếm khắp nơi, nhưng chưa tìm ra tung tích bọn chúng. Họ chỉ tóm được ở gần khu rừng đó mụ già An Gia và thằng cháu nhỏ. Mụ già đang nằm giữa đất thở thoi thóp, còn thằng nhỏ quỳ gối một bên khóc nức nở.
Trông thấy mụ già yếu đuối gần chết, cảnh sát kiếm một chiếc xe ở làng để chở mụ già đến bệnh viện cứu cấp. Dọc đường, họ tra hỏi thằng bé về hành tung bọn du mục, nhưng nó khóc thút thít, nhất thiết trả lời không hề hay biết. Xe chạy đến bệnh viện, nhân lúc tối trời mà không ai để ý, thằng bé nhảy xuống xe, lủi vào bụi rậm trốn thoát.
Thường lệ trước khi đi ngủ, gã đánh xe rảo quanh lâu đài một vòng để canh phòng bọn gian tế. Bất ngờ, gã bắt gặp thằng bé du mục đang ngồi run rẩy dưới cửa sổ. Đoán chắc nó rình rập để chờ cơ hội thuận tiện len lỏi vào nhà trộm cắp, gã tóm cổ nó, đánh vài bạt tay rồi giam giữ nó vào nhà xe. Nó nhất định khăng khăng không hề có ý gian tà, nó trở lại lâu đài để tìm gặp em bé có ba ngôi sao trong bàn tay.
Sáng mai, trong bữa ăn điểm tâm, cuộc bàn cãi sôi nổi diễn ra giữa ba má Bạch Huệ về số phận tù nhân tí hon :
- Mình định làm gì thằng nhỏ ?
- Tôi sẽ giao nó cho cảnh sát, chắc chắn nó biết tin tức bọn du mục trộm cắp.
- Sao mình lại nạp nó cho cảnh sát ? Nó còn quá nhỏ tuổi. Vả lại nó tự đến đây, mình phải cho nó ăn rồi gởi nó vô nhà trừng giới hoặc một nơi nào người ta chăm nom trẻ con vô thừa nhận.
- Mình bao giờ cũng thánh thiện ! Một thằng nhỏ lưu manh không trở nên lương thiện. Nhờ cô Giạ Hương cho nó ăn uống, rồi khoá cửa nhà xe cẩn thận kẻo nó trốn thoát.
Ba chị em Xuân Lan sốt sắng :
- Để các con đem đồ ăn cho nó.
- Nhưng đừng để nó trốn thoát nghe!
Xuân Lan đem một ly sữa, Thu Cúc một khúc bánh mì, còn Bạch Huệ mang hai quả lê của bà nội vừa mới cho em.
Cô Giạ Hương vừa mở cửa nhà xe, thằng bé ngồi nhổm ngay dậy. Nó đưa đôi mắt đỏ ngầu, lừ đừ, buồn bã nhìn ba chị em Xuân Lan. Đoạn nó chậm rãi đón ly sữa trên tay Xuân Lan uống luôn một hơi rồi nhai ngấu nghiến khúc bánh mì. Đến lúc Bạch Huệ trao hai quả lê, nét mặt nó bỗng trở nên tươi tỉnh, đôi mắt sáng ngời, chẳng phải vì thấy quả lê ngon lành nhưng vì nó đã nhìn ra Bạch Huệ:
- Vì cô mà tôi đến đây!
- Anh đến đây tìm tôi làm gì ?
- Nội tôi đã bảo tôi thế. Tôi là Hùng Tâm, con vua du mục. Mụ An Gia, bà nội tôi, mẹ vua du mục đã bảo tôi : “em bé đó nắm giữ vận mệnh mầy. Hãy đến với em”. Thế là tôi phải đến đây.
Cô Giạ Hương nhún vai khôi hài :
- Con vua! Một thằng du mục đen đủi, chỉ còn một manh áo rách. Thế vua cha mầy đâu?
- Cha tôi bị lão Hung Nô hạ sát, Hung Nô, lão già trưởng đoàn du mục đã đến lâu đài hôm qua là một tên trộm cắp hung bạo tàn ác.
Chuyện xảy ra từ lâu, cách xa nơi đây. Lúc ấy mẹ tôi đã chết, tôi đang còn nhỏ xíu. Lão Hung Nô muốn giết luôn tôi, nhưng bà nội tôi bênh vực che chở. Cả đoàn du mục đều kiêng dè bà tôi vì bà biết nhiều phù phép trù yểm, chính lão Hung Nô cũng phải khiếp sợ bà tôi. Một lần, hai bà cháu tôi đã tìm cách tách rời khỏi đoàn, dừng chân tá túc hai năm tại một trường, tập đọc tập viết. Thình lình bà tôi ngoạ bệnh rồi mất hẳn trí khôn. Vài tháng sau, đoàn du mục ngang qua làng, dùng áp lực bắt buộc hai bà cháu tôi theo chúng.
Hôm qua, sau khi cãi lộn kịch liệt với bà tôi, lão Hung Nô định tâm sát hại bà tôi, nên lúc qua cánh rừng, xô đẩy chúng tôi ra khỏi xe.
Bà tôi căn dặn:
- Bà sắp chết, cháu đến ngay lâu đài họ Nguyễn. Ở đó, công chúa với ba ngôi sao trong bàn tay sẽ giúp đỡ cháu. An Gia mẹ vua du mục đã truyền lệnh, cháu phải tuân theo.
Thế là tôi vâng lệnh bà tôi đến đây.
- Nhưng tôi làm gì để giúp đỡ anh?
- Tôi cũng chẳng rõ, nhưng chắc cô hiểu vì cô cầm vận mệnh tôi trong tay.
Ngừng giây lát, thằng nhỏ nói tiếp:
- Nhưng trước hết, hãy tha tôi ra, tôi không trốn thoát đâu! Giam giữ tôi trong căn phòng chật hẹp, ngột ngạt tù túng quá. Một tên du mục sống tự do giữa chốn rừng núi không thể sống quanh quẩn trong bốn bức tường tăm tối.
Cô Giạ Hương khóa cửa nhà xe xong cùng ba chị em Xuân Lan trở vô nhà, bỏ mặc Hùng Tâm một mình căm hờn tủi phận.
Nhớ lại lời đối thoại giữa ba má về số phận Hùng Tâm, Bạch Huệ tưởng tượng bức vách đen sì bao quanh nhà trừng giới với bọn người giám thị hung ác tàn bạo. Một bé du mục từng quen đời sống chim trời cá nước chịu sao nổi cảnh giam hãm suốt ngày trong chốn lao tù !
Sau bữa cơm trưa, Bạch Huệ tỉ tê năn nỉ với mẹ xin thả tên du mục, em cam đoan nó không bao giờ dám trốn thoát. Gã đánh xe ở phố về kể chuyện lại mụ An Gia vừa từ trần đêm qua tại bệnh viện, khiến bà cũng thương xót cho số phận Hùng Tâm.
Nhưng ông chẳng mảy may động lòng:
- Không được, trước tiên phải giao nó cho cảnh sát để lấy cung khai. Phải nghĩ đến tương lai nó, chỉ có nhà trừng giới mới giáo dục nổi tên ma cà bông trộm cắp.
Bạch Huệ mím chặt đôi môi, thì thầm một mình :
- Để mình giải thoát cho nó.
Đang ngủ, mẹ Bạch Huệ tỉnh giấc vì nghe tiếng động khẽ gần bên giường ông. Bà nhìn thấy một bóng đen lướt nhanh ngang qua phòng bà, rồi nghe tiếng cánh cửa cọt kẹt ở dưới nhà. Một khắc đồng hồ trôi qua, bà lại thấy một bóng đen chạy ngang phòng bà rồi tiến dần về phòng riêng của các con. Bà lắc đầu ngủ lại.
Sáng mai, có tin thằng bé du mục đã trốn thoát khỏi lâu đài. Chẳng ai rõ nó biến hóa thế nào để mở cửa nhà xe, vì chìa khóa cất kỹ trong hộc tủ cạnh giường ông.
Ông giận dữ:
- Ai giúp nó trốn thoát? Tôi phải tìm cho ra thủ phạm.
Thu Cúc mỉm cười nhìn ba.
- Ba tự tay khóa cửa nhà xe, bỏ chìa khóa vào hộc tủ. Ai dám vào đó lấy chìa khóa mở cửa cho nó!
Xuân Lan phụ họa lời em:
- Hay vì mộng du, ban đêm ba xuống mở cửa thả nó ra rồi ba quên đi.
Bạch Huệ lặng thinh, thản nhiên như không hề hay biết. Nghe má gọi, em giựt mình lo lắng, nhưng má lại khiến em lên gác ru bé Út. Em liếc nhìn má, thấy má nở nụ cười bí mật, chẳng tỏ vẻ gì trách mắng em.
Đến chiều, em dắt nai vàng vào rừng, lòng thảnh thơi nhẹ nhàng như làm xong một công việc từ thiện. Ngang qua một cây đại thọ, lá cây rơi xuống đầu em, em nhìn lên cây thấy Hùng Tâm ngồi vắt vẻo trên cành:
- Hùng Tâm, sao anh còn lảng vảng nơi đây! Nên cao chạy xa bay, nếu anh còn lẩn quất ở đây, không khỏi bị tóm lần nữa!
- Nội dạy tôi phải ở luôn bên mình cô. Tôi kiếm cành cây, lá cây che chòi tránh mưa nắng, ở đây thoải mái, chỉ lo kiếm cái ăn.
- Anh phải quyết định, không thể sống trong rừng như một thú hoang. Anh không thể lười biếng lêu lổng suốt đời. Anh phải làm lụng để kiếm tiền sinh sống như mọi người.
- Tôi chẳng muốn làm công việc gì hết, chỉ muốn đánh đàn thôi. Tôi muốn trở nên một nhạc sĩ.
- Đánh đàn? Anh biết chơi đàn gì?
- Vĩ cầm, tôi chơi đã khá. Một ông già trong đoàn du mục có chiếc vĩ cầm tập luyện tôi kéo đàn. Tôi thích kéo vĩ cầm biết bao ! Ông bạn già qua đời để lại cho tôi chiếc đàn và trong cơn giận dữ, lão Hung Nô đã đập nát chiếc vĩ cầm của tôi. Nếu tôi có một vĩ cầm, rừng rú đều hân hoan vui vẻ vì tiếng đàn của tôi. Tôi chẳng muốn làm vua du mục, chỉ muốn trở nên một nhạc sĩ trứ danh với điệu đàn muôn thuở.
Bạch Huệ lẩm bẩm một mình :
- Chúng ta cũng có một vĩ cầm, di vật của ông nội ta, trong gia đình không ai dám động chạm.
- Một vĩ cầm, cô có một vĩ cầm! Cho tôi mượn tạm chốc lát để nhìn và sờ nó, cũng đủ sướng rồi!
- Không thể được! Nếu ai biết tôi đem đàn cho anh, họ theo dõi sẽ tóm cổ anh ngay.
- Không hề chi! Tôi sẽ đàn ít bản tặng cô, cô sẽ mang đàn trả lại gia đình, mất mát gì đâu! Tôi sẽ đi xa nơi đây, không còn ai nhắc nhở đến tôi nữa!
Hùng Tâm rưng rưng rớm lệ, van lơn cầu khẩn. Bạch Huệ động mối từ tâm, không nỡ chối từ, hứa ngày mai sẽ đem vĩ cầm cho mượn.
Tối lại, bà nội ngủ say, em rón rén vào phòng, mở tủ đỡ nhẹ chiếc vĩ cầm, nín thở mang về phòng em giấu kỹ. Em nghĩ hành động như thế không tốt, nhưng em lại tự bào chữa:
- Chẳng qua một tiếng đồng hồ là cùng! Nó đàn xong, mình đem vĩ cầm trả lại chỗ cũ. Mình sẽ thưa lại với má, chắc má cũng tha thứ, biết đâu má lại chẳng đem Hùng Tâm cho vào học một trường âm nhạc để sau này trở nên một nhạc sĩ tài ba.
Bạch Huệ thu giấu vĩ cầm trong chiếc khăn cùng nai vàng lẻn vào rừng, chẳng ai trông thấy. Em còn đem theo một ít thực phẩm cho Hùng Tâm.
Nhìn thấy Bạch Huệ, Hùng Tâm lộ vẻ vui sướng :
- Chờ cô sốt cả ruột, cứ ngỡ cô không giữ lời hứa. Mau đưa vĩ cầm đây!
- Có bánh đây hãy ăn đã!
- Có vĩ cầm đủ no, cần gì ăn!
Hùng Tâm giựt mạnh chiếc đàn trên tay Bạch Huệ, ôm chặt vĩ cầm vào lòng, tay sờ mó đàn. Một niềm sung sướng hả hê làm rạng rỡ vẻ mặt u tối của nó.
Chiếc áo sờn vai, kẹp chiếc vĩ cầm dưới cổ, hai tay nổi hằn gân xanh, Hùng Tâm lên dây đàn thử vài tiếng, đoạn kéo chiếc vĩ cầm vang lên âm điệu réo rắt thánh thót, dáng điệu hiên ngang hùng dũng như hiệp sĩ múa kiếm ở chốn rừng xanh.
Mặt bừng đỏ, đôi môi hé mở, hàng mi chớp chớp, nó say sưa kéo vĩ cầm, chú hết tâm lực vào âm điệu tiết tấu, không thèm để ý đến Bạch Huệ đang sửng sốt nhìn mình.
Bạch Huệ yên lặng lắng tai nghe điệu đàn réo rắt mê ly, chưa bao giờ em nghe điệu nhạc êm dịu dường ấy : âm thanh lúc nhẹ nhàng siêu thoát như gió thoảng hương bay, lúc rộn ràng hùng dũng như tiếng thác trút đầu ghềnh.
Thật là:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Âm điệu tiếng đàn càng lúc càng lan rộng khắp rừng núi, âm thanh rền rĩ rồi nín bặt như tiếng nấc nghẹn ngào đứt quãng.
Gió ngừng thổi… Chim muông cầm thú đều bất động, lắng nghe tiếng đàn tuyệt diệu của Hùng Tâm, con vua du mục.
- Bà tôi nói chẳng sai! Vận mệnh tôi ở trong đôi bàn tay cô. Cảm tạ cô nương. Tôi sẽ kéo đàn mãi mãi.
- Tôi phải trở về, anh đưa tôi chiếc vĩ cầm.
- Trả lại cho cô! Đời thuở nào! Tôi rất cần dùng nó. Thôi vĩnh biệt.
Bất ngờ, hoảng hốt, Bạch Huệ vội vàng giành lấy vĩ cầm trên tay Hùng Tâm, nhưng đôi mắt nẩy lửa, không suy nghĩ nó đưa tay thoi mạnh vào mặt Bạch Huệ té nhào xuống đất. Hùng Tâm xách chiếc đàn, lẩn vào rừng mất hút.
Bạch Huệ lồm cồm ngồi dậy, sửng sốt, ngơ ngác. Tiếng âm u trong rừng rú, giọng hót véo von của chim chóc như còn muốn hoạ theo âm hưởng điệu đàn vĩ cầm của Hùng Tâm. Em tấm tức khóc, vừa chạy vừa kêu:
- Hùng Tâm, Hùng Tâm, trả đàn cho ta, trả đàn cho ta.
Đau đớn bực tức, em lủi thủi dắt nai vàng trở lại lâu đài lúc trời đã nhá nhem tối. Em định thú thật với má, nhưng em nghĩ trước sau rồi người ta cũng bắt được Hùng Tâm, nên em lại lặng thinh. Nó sẽ bị trừng trị đích đáng về tội trộm đàn, nhưng thực ra nó đâu có trộm cắp vì chính ta mang vĩ cầm đến cho nó.
- Ờ ! Nếu việc tiết lộ, ta đành chịu trách nhiệm, lãnh chịu mọi hình phạt, vì chính ta mới là thủ phạm!
Mặc dầu tâm hồn nặng chĩu hối hận vì đã làm mất chiếc đàn, nhưng em nghĩ bây giờ Hùng Tâm đã trốn xa nơi đây, tự do với chiếc vĩ cầm em cũng thấy nhẹ nhõm đôi phần vì đã giúp đỡ người khác được hạnh phúc sung sướng.
Nhưng rồi lương tâm em vẫn bị ám ảnh vì chiếc vĩ cầm, di vật quí hoá của gia đình không còn nữa. Em ăn không ngon, ngủ không yên giấc, đôi lúc tự nhiên giọt lệ lưng tròng, không ai rõ duyên cớ vì đâu.
Một bác sĩ bạn thân của gia đình đến thăm, cố nhiên ba má em nhờ bác sĩ khám xét.
Thu Cúc thì thầm với Xuân Lan :
- Bác sĩ nói chị Bạch Huệ đau tim nặng. Phải săn sóc cẩn thận, nếu gặp việc buồn phiền khiếp sợ, sẽ nguy hiểm đến tánh mạng.
Nằm trên giường, tay gác lên trán, Bạch Huệ nghĩ ngợi lan man :
- Hay ta sẽ chết. Linh hồn ta sẽ bay lên thiên đàng như linh hồn các trẻ con khác. Không, linh hồn ta không bay lên trời, linh hồn ta sẽ ở lại nơi rừng núi. Thật tuyệt diệu ! Không còn ai la mắng ta, không còn ai gọi ta “em bé ngơ ngác”. Đêm đêm hồn ta rong chơi trong rừng rú, hồn ta bay bổng lên các ngọn cây, hồn ta săn sóc vỗ về chim con bé bỏng, hồn ta bảo vệ thỏ con chống lại diều hâu, cú vọ. Hồn ta nương theo ánh trăng bay vào phòng bé Út, hát những điệu hát ru em dịu dàng êm ái. Trong giấc ngủ hồn nhiên, bé Út mỉm cười không ai hiểu vì sao em cười, vì ai ngờ đâu linh hồn ta đứng cạnh bên em. Môt ngày kia, hồn ta cũng bay lên thiên đàng, chắp tay cầu khẩn Chúa :
- Chúa hãy ban phép lạ, truyền thiên thần đem vĩ cầm bỏ vào tủ gia đình họ Nguyễn, chiếc vĩ cầm giống như đúc vĩ cầm của ông nội ta.
Lời thỉnh nguyện của linh hồn ta được Chúa chấp nhận. Người sai thiên thần đem vĩ cầm bỏ vào tủ. Đến lễ Giáng sinh bà nội truyền người trong nhà đem đàn ra lau chùi sạch sẽ rồi trân trọng cất vào tủ, như tuồng không có chuyện gì xảy đến.
Đôi mắt mơ màng, trên môi nở nụ cười cởi mở, Bạch Huệ nhìn vào cõi xa xăm, say sưa nghĩ đến chuyện cổ tích kỳ diệu “Hồn Bạch Huệ”, chuyện cổ tích chưa bao giờ em kể cho ai nghe.
Chương 4
THÊM NGƯỜI BẠN MỚI
Trong số trẻ nhỏ những gia đình về nghỉ hè gần lâu đài họ Nguyễn, có Thiện Chí, con một thương gia giàu có ở đô thành. Con trai độc nhất, Thiện Chí được cha mẹ nuông chìu nên hư thân mất nết. Nó đĩnh ngộ tợ thiên thần, nhưng xấc xược hơn quỷ sứ. Thiện Chí từng ngự trị trên cả bầy trẻ con quanh vùng, mặc dầu có đứa lớn tuổi hơn nó. Món chơi nào cũng thông thạo và bao giờ cũng dẫn đầu, nó có biệt tài tổ chức đủ trò chơi, nên cả bọn đều phục lăn và vì thế Thiện Chí đã hiếp đáp chúng bạn theo nó.
Thiện Chí chưa hề quen biết Bạch Huệ, nhưng đã nghe phong thanh trong lâu đài họ Nguyễn có em bé ngơ ngác thường rong chơi với nai vàng trong rừng núi. Một hôm, tình cờ Thiện Chí gặp Bạch Huệ trong một trường hợp cực kỳ bi đát.
Cạnh khu rừng, một khe nước chảy ngang dưới chiếc cầu gỗ hẹp. Bạch Huệ đang ngồi trên cầu mơ mộng nhìn làn nước chảy uốn quanh co các ngách sỏi đá. Một đứa con trai nhỏ bước đến gần cầu, hai tay chống trên nạng gỗ, một chân nguyên vẹn, còn chân kia cụt mất nửa đoạn dưới tháp bằng khúc gỗ. Bạch Huệ nhìn em nhỏ động mối thương tâm:
- Em thích nhìn nước chảy?
- Vâng, nhưng đứng trên cầu nhìn xuống mới thấy đẹp! Em không dám lên cầu, vì đôi chân em kềnh càng quá!
- Đến đây chị dắt lên. Dầu em mang đôi nạng, chiếc cầu vẫn còn rộng chán.
Bạch Huệ đưa tay đỡ em nhỏ bước lên giữa cầu cùng em ngắm làn nước trong xanh từ trên thác đổ xuống.
Nó lộ vẻ sung sướng:
- Nhà chị gần đây hả? Em đều biết mặt bọn trẻ quanh vùng, nhưng em chưa hề gặp chị.
- Chị ở trong lâu đài đàng kia. Em không biết chị, vì chị ít chơi cùng bọn trẻ khác.
- Sao vậy chị?
- Chẳng sao cả! Chị không thích chơi!
- Sao lại không thích. Nếu chân em lành mạnh như chị em rong chơi suốt ngày.
- Chân em sao vậy?
- Em té từ trên bức thành cao. Đã 5 năm nay, đi đâu em phải chống đôi nạng.
Bỗng nghe tiếng xôn xao náo động như tiếng bầy ong vỡ tổ. Một đoàn trẻ con hấp tấp chen lấn giành nhau ưu tiên qua cầu để tiến vào rừng. Tay cầm roi da, Thiện Chí dẫn đầu hùng dũng oai vệ như viên tướng soái cầm quân xông pha trận mạc. Nó dõng dạc truyền lệnh:
- Tiến lên, ai vượt qua cầu đến bờ suối trước tiên được giải thưởng.
Đứa bé sợ hãi ôm chặt vai Bạch Huệ:
- Chị ơi! Nếu chúng chen lấn chạy lên cầu, chắc chắn em rớt xuống nước.
- Em đừng sợ, có chị đây!
Bạch Huệ đứng giữa cầu, giang đôi cánh tay chận ngang Thiện Chí:
- Không ai được tiến bước. Em nhỏ này chống bằng nạng, đợi em đi khỏi cầu, các anh mới vượt qua.
Thiện Chí hùng hổ:
- Mặc kệ, chúng ta không có thì giờ chờ đợi. Hãy tiến lên!
Bạch Huệ không lùi bước, đứng chấn ngang trước cầu hẹp, không để Thiện Chí và đồng bọn lướt qua.
- Con nhỏ này táo gan thực! Đứng dẹp một bên để đoàn quân ta tiến bước. Thực xứng đôi: thằng nhỏ què quặt với con bé ngơ ngác!
Bạch Huệ giận tái mặt. Trong gia đình, người ta có thể chế giễu em bằng danh từ “ngơ ngác”, nhưng một đứa lạ mặt hỗn xược với em như thế, khơng thể tha thứ. Nó còn dùng tiếng “què quặt” chế nhạo em bé tàn tật.
Bạch Huệ quắc mắt nhìn Thiện Chí thách đố :
- Sao mầy dám gọi ta ngơ ngác ? Còn chế giễu em bé tật nguyền không biết hổ thẹn sao ?
- Mầy nói gì ? Nói lại thử nghe ?
- Nói gì chắc mầy đã nghe rõ !
- Sức mấy, tao đâu ngán mầy !
- Tao cũng cóc sợ mầy ! Bây giờ em nhỏ đã vượt qua cầu khỏi sợ té bổ, tha hồ chúng bây muốn đi đâu, cho đi tự do.
- Tao để lại mầy ít vết tích làm kỷ niệm.
Sẵn roi nơi tay, Thiện Chí quất vào mặt Bạch Huệ. Em giựt được roi vứt xuống khe nước. Gặp sức kháng cự bất ngờ ở một bé gái, Thiện Chí chạm lòng tự ái và hổ thẹn trước chúng bạn, nên nó không nén cơn giận dữ, lấy thanh tre nơi tay bạn nó, vụt lia lịa vào vai, vào cổ Bạch Huệ.
Đôi mắt đỏ ngầu, miệng cười ngạo nghễ, Bạch Huệ khoanh hai tay trước ngực, chịu đựng không thèm chống đỡ những làn roi vi vút không ngớt giáng xuống thân hình em.
Xuân Lan đứng hái hoa gần đó, nghe tiếng trẻ con la ó, chạy vội đến rẽ đám đông, giành lấy thanh tre trên tay Thiện Chí và ôm Bạch Huệ khóc nức nở. Bọn trẻ nhỏ đều há hốc mồm sửng sốt trước hành vi bạo tàn của Thiện Chí, chúng đứng vây quanh hai chị em Bạch Huệ, cảm xúc chẳng nói nên lời, còn thằng nhỏ tàn tật chống tay trên nạng nhắm nghiền đôi mắt cũng ứa hai hàng lệ.
Hối hận và hổ thẹn vì đã hành hung bé gái yếu đuối không tự vệ, Thiện Chí cũng thấy ngượng nghịu, đút hai tay vào túi quần, cúi gầm mặt xuống đất.
Bọn trẻ con nối đuôi Bạch Huệ đến tận lâu đài, một vài đứa tìm lời an ủi Bạch Huệ :
- Nó sẽ bị trừng trị đích đáng. Mặc dầu cha mẹ nó cưng chìu, nhưng nếu biết chuyện nầy, cha nó không bao giờ tha thứ. Ông rất cương trực, nghiêm khắc, sẽ đánh và giam nó hàng tuần không cho ra khỏi nhà.
Hai chị em Bạch Huệ vừa bước vào cửa, vú già trông thấy máu chảy ở vai, cổ Bạch Huệ hoảng hốt la lên, má Bạch Huệ từ trên gác chạy xuống sửng sốt :
- Trời ơi ! Cái gì vậy hở con ?
- Từ trên cao con té xuống thác nước, va chạm đá nhọn nên trầy da chảy máu. Má đừng lo, không có gì trầm trọng đâu !
Xuân Lan lặng thinh không cải chính lời nói Bạch Huệ. Má em và cô Giạ Hương kiếm rượu rửa sạch vết thương và xức thuốc cho Bạch Huệ.
Đến tối, nằm trên giường ngủ, đôi mắt rớm lệ, tay ôm bé Quê, em đau đớn rên rỉ :
- Trời ơi ! Đau ghê ! Nhức nhối quá chừng !
Trong lúc ấy, tại biệt thự ông Thiện Căn, ngồi trước bàn ăn, Thiện Chí ngơ ngác như hồn vía lên mây, tay cầm nĩa chẳng màng đụng đến miếng thịt rán trên đĩa.
- Con đau hay sao ? Thịt bít tết với khoai rán, món sở thích của con mà con chê à !
Thấy con làm thinh không đáp, bà mẹ đưa mắt lo lắng nhìn chồng. Tay vân vê hàm râu quai nón, ông Thiện Căn liếc mắt nhìn con ngồi ủ rũ trên ghế, vẻ mặt không vui tươi như mọi ngày. Phút chốc hàng mi chớp chớp, những giọt nước mắt đọng từ lâu không giữ nổi chảy xuống lan tràn đôi má Thiện Chí. Ông đoán đã có việc gì xảy ra.
- Chuyện gì thế ? Nói thật ba nghe !
Thiện Chí oà lên khóc nức nở, kể lại đầu đuôi câu chuyện không chút thêm bớt.
- Thật khả ố ! Con nỡ đánh một bé gái không tự vệ. Người ta nói em nhỏ yếu đuối lại mắc bệnh đau tim. Con thực tàn nhẫn, mất dạy. Mau lên đi theo ba đến lâu đài họ Nguyễn để tạ lỗi.
Thiện Chí lau nước mắt, chạy tìm mũ theo cha , nhưng vừa ra khỏi phòng, nó chạm trán hai thằng bạn lấm la lấm lét đến tìm nó.
- Chuyện gì thế ?
- Mầy biết không con Bạch Huệ kể với gia đình nó vì té xuống thác nên gây thương tích chớ không phải mầy đánh nó. Mầy khỏi thú thật với ba mầy.
Chợt thấy ông Thiện Căn, hai đứa bạn của Thiện Chí lánh mặt. Ông hỏi Thiện Chí tụi bạn mầy còn đến hỏi mầy việc gì nữa. Thiện Chí đành thưa thật với cha :
- Bạch Huệ không nói bị hành hung lại nói té xuống thác nước.
- Thế là tánh kiêu ngạo và tàn bạo của mầy đành chịu thua một đứa gái yếu đuối nhưng tâm hồn cao thượng. Tao không còn phương sách nào khác. Bây giờ cũng không có lý do gì để đến lâu đài họ Nguyễn xin lỗi cha mẹ Bạch Huệ. Trong lúc chờ đợi bàn tính với mẹ mầy, mầy không được ra khỏi phòng.
Lòng tự ái bị tổn thương, lương tâm hối hận, Thiện Chí sượng sùng bối rối, đôi mắt ngó xuống đất, không dám ngẩng mặt nhìn cha.
Câu chuyện bí mật ở lâu đài không giữ kín được lâu. Tin Bạch Huệ bị đả thương loan truyền trong nhóm trẻ con rất nhanh chóng. Xuân Lan rỉ tai Thu Cúc mách má, bà kể lại ông nghe. Mọi người đều tức giận hành động vô luân của Thiện Chí, nhưng chẳng một ai dám hở môi, sợ làm xúc động Bạch Huệ tổn hại đến sức khoẻ em.
Suốt một ngày nằm tĩnh dưỡng trên giường Bạch Huệ đã ngồi dậy, nhưng vết thương còn đau đớn nhức nhối.
Sáng nay trời tạnh nắng, em gắng gượng thủng thẳng cùng nai vàng dạo chơi ở vườn sau lâu đài. Em bước đến ngồi sưởi nắng trên gốc cây đại thọ đã đốn ngã nằm giữa đất, nai vàng đứng gặm cỏ bên em. Thu Cúc đem đến một thanh tre nhờ Bạch Huệ làm giùm một chiếc cung. Bạch Huệ đang hý hoáy với thanh tre chưa biết xoay sở cách nào, đột nhiên em nhìn thấy Thiện Chí từ từ bước lại gần em. Hai tay bỏ vào túi quần, dáng điệu rụt rè ngương nghịu, nó nhìn Bạch Huệ muốn nói điều gì, nhưng lắp bắp trong miệng nói không thành tiếng.
Bạch Huệ phá tan bầu không khí nặng nề yên lặng :
- Tôi đang vót tre làm cung, nhưng dao lại đùi quá.
- Tôi sẵn dao sắc bén đây. Đưa thanh tre, tôi làm giùm cho.
Bạch Huệ trao thanh tre cho Thiện Chí, ngồi nép một bên, nhường chỗ để Thiện Chí ngồi trên gốc đại thọ. Nó hăng say công việc, cầm dao đẽo gọt thanh tre theo hình dáng tròn, chuốt nhỏ bằng ngón tay, đoạn nối ngang hai đầu một sợi dây. Thế là hoàn thành chiếc cung.
Thiện Chí lần lượt vót thêm mười tên tre để lắp vào cung. Bạch Huệ say sưa chăm chú nhìn Thiện Chí làm xong cung tên, tỏ vẻ thán phục :
- Anh khéo tay quá ! Tôi yếu tay lại vụng về, nên dầu cố gắng cũng chẳng làm xong, chuốt đi chuốt lại một khúc tre không bao giờ trơn tru.
Thiện Chí rút trong túi áo một tấm bìa cứng cắt ra nhiều miếng nhỏ theo hình quả tim, nó kẹp trước mỗi mũi tên một miếng bìa nhỏ, lắp tên vào cung giương lên bắn thử một phát. Mũi tên bay vút rơi xuống đất cách đó mười thước.
Bạch Huệ vỗ tay reo mừng :
- Trò chơi tuyệt diệu. Để tôi đi kiếm Xuân Lan, Thu Cúc cùng chơi. Chúng ta đặt một cái đích, ai bắn trúng nhiều mũi tên vào đích sẽ được giải thưởng. Nhưng hôm nay tôi còn mệt, e chơi không nổi.
Đến đây Bạch Huệ ngập ngừng không nói tiếp, sợ Thiện Chí đoán biết vết thương của em chưa lành. Nhưng Thiện Chí đã đánh bạo ngỏ lời :
- Tôi biết vết thương Huệ chưa lành, nên hôm nay tôi đến xin lỗi Huệ về chuyện đáng tiếc hôm ấy.
Bạch Huệ đưa tay khoát lia lịa :
- Việc gì đã qua cho qua, đừng nhắc đến. Tôi chẳng còn nhớ gì nữa !
- Nhưng làm sao tôi quên được. chuyện ấy ghi mãi vào tâm khảm tôi. Tôi đem đến tặng Bạch Huệ một vật mà tôi quí mến nhất. Nếu Bạch Huệ vui lòng nhận, mới chứng tỏ Bạch Huệ đã quên hẳn chuyện cũ, không còn giận hờn tôi.
Nói xong, Thiện Chí lấy trong túi áo một viên thủy tinh tròn to bằng nắm tay, trong viên thủy tinh có cái nhà nho nhỏ đủ cửa lớn, cửa sổ và cây cối bao bọc quanh nhà. Phía trước ngôi nhà, một con đường nhỏ rải sỏi đá. Một ông lão tý hon mặc áo kẻ ô vuông, cổ choàng khăn đỏ, mang kính trắng, miệng ngậm ống điếu, tay chống ô đen, đang đi bách bộ trên đường lát sỏi.
Thiện Chí cầm viên Thủy tinh lắc lắc : bỗng nhiên gió chuyển rung cây cối, tuyết rơi lả tả lấp kín cả ngôi nhà, cây cối lẫn lão già. Thiện Chí lại lắc viên thủy tinh lần thứ hai : tuyết tan dần, nhà cửa cây cối lại xuất hiện với ông già ung dung ngậm ống điếu.
Bạch Huệ bắt chước Thiện Chí cầm viên thủy tinh lắc thử : nhà cửa vùi lấp dưới tuyết ; em lắc lần nữa : lão già xuất hiện như cũ.
- Vật kỷ niệm này sẽ khiến Huệ vui lòng, hãy giữ lấy. Ở đây tôi chẳng có cái gì đẹp hơn, trên tỉnh tôi sẵn một tủ đầy đủ đồ chơi, nhưng về nghỉ hè nên không đem theo.
- Tôi cất vật này ba má anh có bằng lòng không ?
- Sau chuyện đáng tiếc xảy ra trên cầu, việc gì đối với Huệ, ba má tôi đều không từ chối. Hiện nay ba má tôi đang ngồi trò chuyện ở lâu đài, bảo tôi ra đây tìm Bạch Huệ.
- Ủa, anh kể sự thật với ba anh rồi à ! Tôi lại nói dối với ba má tôi.
- Nếu hành động điều gì lầm lỗi, tôi thú thật với ba tôi. Nếu tôi giấu giếm không nói ra, lương tâm chẳng bao giờ yên ổn. Chẳng thà chịu ngay hình phạt, còn hơn mang trong lòng một mối hận khôn nguôi.
Lời nói Thiện Chí vô tình nhắc nhở đến chuyện mất vĩ cầm còn mãi ám ảnh Bạch Huệ khiến em lộ vẻ u buồn. Hùng Tâm đã cao chạy xa bay từ lâu mà đến nay em chưa đủ can đảm thú thật với gia đình. Em muốn như Thiện Chí thà em cam tâm chịu mọi sự trừng phạt, còn hơn canh cánh bên lòng nỗi hối hận dằng dai.
Đột nhiên Bạch Huệ đưa tay nắm tay Thiện Chí :
- Tấm lòng anh tốt hơn tôi. Từ nay chúng ta kết bạn thân.
Thiện Chí không ngờ Bạch Huệ rộng lòng tha thứ nhanh chóng hành động bỉ ổi của mình. Nó ngạc nhiên vui sướng vô cùng trước mối cảm tình bộc phát của Bạch Huệ.
- Tánh nết Huệ lạ kỳ, tôi chưa bao giờ từng thấy !
Biến cố trên cầu đã kết thúc vui vẻ. Cha mẹ Bạch Huệ sẵn lòng tha thứ hành vi nông nổi của Thiện Chí và mời ông bà Thiện Căn ngồi nán lại lâu đài dùng trà nước. Mấy chị em Bạch Huệ vui đùa trò chơi cung tên do Thiện Chí tổ chức. Đến tối, mọi người chia tay ra về trong niềm hân hoan thích thú.
Lúc từ giã, Thiện Chí cầm tay Bạch Huệ lưu luyến :
- Huệ là một em gái dị kỳ, nhưng là một người bạn quí hoá.
Chương 5
RẮN THẦN XUẤT HIỆN
Một chiều hè nồng nực. Bạch Huệ mệt mỏi nằm dài trên cỏ, thở khó khăn như cá ra khỏi nước. Ngồi bên em, Thiện Chí tay nâng cằm, dáng điệu uể oải lười biếng. Cái nóng nung người nóng nóng ghê ! Những bầy ruồi nhỏ bay chậm chạp trên mặt nước vo ve như tuồng ngái ngủ, nước thác đổ xuống chạm sỏi đá vang lên tiếng động đều đều buồn tẻ.
Bạch Huệ nhìn bầu trời trong xanh không gợn tý mây :
- Tôi mong trời đổ trận mưa rào. Không nhờ hơi mát ở thác nước, chắc tôi chịu không thấu cơn nóng bức oi nồng. Anh nghe chăng tiếng reo kỳ lạ của thác nước? Nơi đây nhiều sỏi đá, ta càng nghe rõ vọng lên hai tiếng nói. Tôi đã thí nghiệm nhiều phen!
Thiện Chí nhướng đôi mắt nặng trĩu:
- Thí nghiệm những “tiên lùn” của Huệ hả? Nhiều trí tưởng tượng quá!
- Vâng, những chuyện cổ tích “tiên lùn” ở Ái Nhĩ Lan.
- Trời nóng bức thế nầy nghe chuyện cổ tích cũng vui thú. Trong lúc mơ mơ màng màng ta có thể tin chuyện thần tiên thành câu chuyện thật.
Bạch Huệ duỗi thẳng hai chân, hai tay gối dưới đầu, nói nho nhỏ :
- Ở Ái Nhĩ Lan, có nhiều tiên lún thích sống trong các suối nước, nhất là nơi nào giòng nước chảy xiết, tiên lùn nhảy nhót nô đùa giữa sỏi đá trắng nõn, nói lên rồi lặp lại hai tiếng giống nhau. Nếu ai nghe được hai tiếng nói ấy của tiên lùn để đáp ứng tiếng nói thứ ba, thời tiên lùn xuất hiện thoả mãn mọi điều thỉnh cầu. Một hôm có gã mục dồng đến gần thác nước định xin các tiên lùn một ân huệ. Gã ngồi bên thác chờ đợi tiếng nói tiên lùn. Ban đầu gã chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách, nhưng gã vẫn tin đó là tiếng nói của tiên lùn trong sỏi đá, chớ không phải tiếng nước. Gã kiên nhẫn ngồi lắng tai chăm chú nghe. Quả nhiên một tiên lùn nhảy ra khỏi mặt nước đứng trên phiến đá hát lên : “Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba !” Tiên lùn ngừng giây lát chờ đợi người ta đáp lời. Tiên lùn lặp lại : “Thứ hai, thứ ba”. Chờ tiên lùn lặp lại 10 lần hai câu nói trên, gã mục đồng mới đánh bạo đáp lời “thứ tư”. Tiên lùn liền hát tiếp ba lần : “thứ hai, thứ ba”. Mỗi lần tiên lùn nói xong một câu, gã mục đồng đều đáp : “thứ tư”. Tiên lùn cười rộ, vỗ tay ra hiệu, tức thì trong các ngách sỏi đá ở khe nước xuất hiện một đoàn tiên lùn khác. Một tiên lùn hỏi gã mục đồng thích muốn điều gì ? Mục đồng trả lời xin một chuông nhỏ vì bò của gã vừa rơi mất chuông. Tiên lùn cười khì, cầm chiếc mũ đỏ trên đầu vứt vào khe nước rồi cùng đoàn tiên lùn biến mất.
Bỗng gã mục đồng nghe trong lùm cây trước mặt tiếng nhạc rổn rảng và nhìn thấy con bò của gã nơi cổ đeo tòn ten một chiếc chuông vàng. Từ hôm được chuông vàng, bầy bò của gã mục đồng sinh sôi nẩy nở đầy đàn. Gã trở nên giàu có, giúp đỡ những người nghèo khó ; nhưng gã tuyệt nhiên bưng bít câu chuyện chuông vàng, sợ người ta kéo đến quấy rầy các chú tiên lùn.
Thiện Chí nghiêng tai bên dòng thác thử nghe tiếng nước reo trong sỏi đá có gì khác thường chăng!
- Sao Bạch Huệ không nói lên những câu thần chú để gọi các tiên lùn?
- Mấy lúc này tôi có gì để ước nguyện đâu mà phải cầu khẩn tiên lùn, nhưng bây giờ tôi có mối ân hận nan giải cần các tiên lùn giúp đỡ.
- Chuyện gì phiền muộn trong lòng Huệ lại giấu tôi ? Nếu tôi không đủ sức giúp đỡ, ba tôi sẽ thoả mãn Huệ, vì ba tôi quí mến Huệ lắm.
- Tôi nói ra chắc Thiện Chí không còn cảm tình với tôi nữa !
- Tôi chẳng là bạn chí thân của Bạch Huệ hay sao ?
Nhưng Bạch Huệ vẫn lắc đầu yên lặng, đôi mắt nhìn vào cõi xa xăm tưởng nhớ đến một kỷ niệm chua chát mà Hùng Tâm để lại, khiến em không bao giờ quên.
Thiện Chí chắc hẳn điều ước nguyện của Bạch Huệ quan trọng lắm nên mới giữ kín trong lòng, chớ đâu phải như điều ước nguyện tầm thường của mình chỉ thỉnh cầu tiên lùn một chiếc xe hoặc một ngựa con.
- Chúng ta có thể nhờ tiên lùn cất mọi nỗi ưu tư sầu muộn. Hãy lắng tai nghe, nếu quả tiếng nói tiên lùn, chúng ta cùng nhau đồng thanh đáp ứng, chắc tiên lùn sẽ xuất hiện. Chúng ta sẽ cầu khẩn tiên lùn một ân huệ.
Bỗng nhiên Bạch Huệ và Thiện Chí nghe rõ mồn một vang lên trong sỏi đá những câu thần chú : “Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba !” Những tiếng nói ấy ngừng giây lát rồi tiếp tục vang lên.
Thiện Chí nắm chặt bàn tay Bạch Huệ, rồi hai đứa mạnh dạn đáp lời : “Thứ tư”.
Nhưng chẳng thấy vật gì hiện ra. Trên làn nước trong xanh từ thác chảy xuống không mảy may lay động. Trải qua những giây phút chờ đợi hồi hộp, nhưng nào đâu thấy Tiên lùn xuất hiện. Hai đứa lập đi lập lại ba lần câu nói : “Thứ tư, thứ tư”.
Bỗng nghe tiếng động sột soạt sau lưng, Thiện Chí quay đầu lui hét lên kinh hãi, cuống quít níu tay Bạch Huệ cùng chạy. Cách đó chừng vài thước, một con rắn to xuất hiện. Thân hình rắn đen thui tợ mun, trên đầu dính máu bê bết, đuôi rắn cũng mang vết thương dài rướm máu. Rắn cất đầu lên không nổi, đôi mắt mất tinh thần, miệng há hốc, thè lưỡi ra nứt nẻ đưa qua đưa lại.
Hai đứa nhỏ kinh hoàng khiếp đảm. Rắn từ ngả nào bò đến ? Làm sao rắn xuất hiện gần chúng mà tuyệt nhiên không hề nhìn thấy, không hề nghe tiếng ? Ai đã đánh nó thành thương ? Phải chăng nó đến cầu cứu hai đứa nhỏ ?
Thiện Chí nhặt một cành cây nhìn Bạch Huệ :
- Hãy hất nó vào thác nước !
Sau khi quan sát kỹ càng, Bạch Huệ thì thầm bên tai Thiện Chí sợ rắn hiểu tiếng người :
- Hãy xem, rắn nầy kỳ lạ lắm ! Thân hình sáng ngời như kim khí. Một miếng thịt vàng khè nổi trên đầu hình dáng chiếc vương miện. Đâu phải rắn tầm thường ! Đừng làm hại nó, hãy giúp rắn hàn gắn vết thương.
Bạch Huệ đến bên thác nước, lượm ngọn lá to cuộn tròn lại, múc ít nước đổ lên đầu rắn. Rắn đưa lưỡi táp những giọt nước từ từ chảy xuống đầu nó.
- Anh hãy đứng đây canh chừng. Tôi chạy về nhà kiếm sữa và một cái chậu. Phải tìm cách cứu sống nó. Tôi tin tưởng nó là rắn thần, chớ không phải rắn thường đâu ! Tôi trở lại ngay. Thỉnh thoảng anh cho nó uống nước.
Thiện Chí cầm cành cây to đứng canh chừng rắn, trong lòng nghi hoặc lời nói Bạch Huệ, nhưng cũng tò mò đợi xem phản ứng của rắn ra sao!
Mặc dầu trời nóng bức, sức khỏe yếu đuối, nhưng Bạch Huệ chạy nhanh về lâu đài và sau nửa tiếng đồng hồ đã mang ra một bình sữa, một cái muỗng, một chậu nhỏ bằng sành và hai kẹp sắt.
- Làm gì với những vật nầy ?
- Rồi anh xem, vật nào cũng hữu dụng. Chúng ta không thể để rắn nằm đây, ai thấy nó sẽ đập chết. Dưới gốc cây sên, có một hốc cây rất thuận tiện cho rắn nằm dưỡng bệnh. Chúng ta đem nó bỏ vào gốc cây, dầm đuôi nó vào chậu nước rồi cho nó uống một tý sữa. Tôi chắc rắn sẽ lành mạnh. Rắn thần xuất hiện nhất định liên quan đến các tiên lùn.
Thiện Chí đâu dám bác bỏ ý kiến của Bạch Huệ, vì nó là dân thị thành sao am hiểu rành mạch vấn đề nầy bằng Bạch Huệ đã sinh trưởng lâu năm ở đồng quê rừng núi. Hai đứa đến moi móc những lá cây mục nát trong hốc cây đoạn nhét vào những cỏ tơ mềm mại. Còn việc khó khăn hơn hết : làm cách nào đưa rắn vào hốc cây ! Đến gần rắn để kẹp nó vào hai kẹp sắt, làm sao nó khỏi vùng vẫy mổ cắn. Hai đứa đi vòng quanh rắn nằm bất động giữa cỏ. Nhưng không thể chần chừ ! Đôi mắt rắn đã hết thần sắc, đầu mang thương tích, rắn nằm khoanh tròn thở thoi thóp, chốc chốc thè lưỡi ra khỏi miệng.
Hai đứa đưa tay làm dấu thánh giá, hồi hộp cầm kẹp sắt kẹp rắn, nhưng thân hình rắn trơn nên rắn tuột xuống. Nhưng rồi, sau cùng chúng đã kẹp được rắn, chạy một mạch đến cây chuồi rắn trên đồng cỏ, bỏ vào chậu nước lã để ngâm đuôi rắn đang ri rỉ chảy máu. Bạch Huệ đổ sữa vào cái muỗng lớn đặt trước miệng rắn. Hai đứa ngồi trước gốc cây chờ đợi lo lắng. Nhờ nước mát thấm vào đuôi, rắn đã lần hồi tỉnh lại. Nó ngửi mùi sữa, khó khăn ngẩng đầu lên, thè lưỡi ra, lại yếu đuối gục đầu xuống đất. Rồi nó gắng gượng đưa miệng dầm vào muỗng sữa, chậm chạp uống từng hớp. Uống xong, rắn ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng rực như hồng ngọc nhìn chăm chú Bạch Huệ, làn nhãn quan của rắn có gì khác thường khiến Bạch Huệ rùng mình như thể một luồng điện chạy khắp thân hình em.
Bỗng mây đen tứ phía từ đâu ùn ùn kéo đến. Gió rung chuyển cây cối răng rắc. Đàn chim vỗ cánh bay xào xạc tìm nơi trú ẩn. Những làn chớp sáng loang loáng xé tan đám mây đen, rồi những hạt mưa bắt đầu thưa, sau càng nặng hột. Giây lát, trận mưa to trút xuống ào ào như thác đổ, phủ loà bầu trời một màu trắng đục. Mưa càng to, gió càng mạnh, chung quanh lâu đài nước chảy lai láng như một hồ rộng mênh mông.
Thiện Chí và Bạch Huệ nín thở, chân không bén đất chạy một mạch về nhà, áo quần chỉ ướt chút đỉnh. Chúng bước vào phòng khách đã thấy Xuân Lan, Thu Cúc và Đỗ Quyên quây quần nói cười vui vẻ.
Thiện Chí kể lại chuyện hắc xà hiện hình trong lúc Bạch Huệ đang cầu khẩn tiên lùn một ân huệ. Rắn thần xuất hiện ! Điềm lành hay dữ, ai nấy đều mong nghe Bạch Huệ phát biểu ý kiến, nhưng em lặng thinh, tâm hồn của em mơ mộng đâu đâu !
Ngày mai, trời quang mưa tạnh. Bạch Huệ, Thiện Chí nóng lòng chạy ra hốc cây thăm sức khoẻ hắc xà. Xuân Lan, Thu Cúc, Đỗ Quyên cũng đi theo Bạch Huệ, nhìn mặt rắn thần. Nhưng gần đến hốc cây, ba chị em Xuân Lan đứng xa xa nhìn tới, chỉ Thiện Chí và Bạch Huệ đến gần rắn thám sát tình hình.
Rắn thần còn đó, nó chưa rời nệm cỏ êm ái trong hốc cây. Muỗng sữa hết sạch, chậu nước lã đen sì vì máu ở đuôi rắn chảy ra. Ba chị em Xuân Lan đánh bạo lại gần nhìn rắn cung kính sợ hãi :
- Rắn thần đen ghê !
- Rắn thần to ghê !
Trên đầu rắn nổi lên miếng thịt hình dáng vương miện, chắc hẳn là xà vương. Bạch Huệ dùng hai kẹp sắt kéo cái muỗng ra đổ đầy sữa và thay một chậu nước sạch. Lúc đầu, rắn có vẻ sợ hãi vì trông thấy đông người, nhưng khi nhìn ra Bạch Huệ, rắn yên tâm uống sữa.
Giây lát, bốn chị em Bạch Huệ đều phân tán vào rừng để rắn thần yên tĩnh dưỡng bệnh, thỉnh thoảng trở lui xem chừng rắn.
Hai ngày đầu, xà vương nằm lỳ trong gốc cây. Nhờ Bạch Huệ ân cần săn sóc, nên vết thương trên đầu và đuôi rắn đã bình phục. Đến ngày thứ ba, đột nhiên rắn bò lần ra khỏi gốc cây, khiến bọn trẻ hoảng sợ chạy tản mát. Bạch Huệ vẫn bình tĩnh đứng lại nhìn rắn.
Rắn uốn mình qua lại nhiều vòng như muốn thử thân hình còn mềm dẻo uyển chuyển không ? Đoạn rắn chậm rãi bò đi, thỉnh thoảng quay đầu lui như muốn rủ rê mời mọc Bạch Huệ cùng theo nó. Bạch Huệ cầm tay Thiện Chí cách quãng thủng thẳng bước theo rắn. Rắn thần bò đến gần một bụi cây rậm rạp, ngừng lại cuộn tròn thân hình, ngẩng cao đầu, thè lưỡi nhọn đỏ hỏn, đưa đôi mắt loè sáng nhìn Bạch Huệ.
Thoạt nhiên Thiện Chí liên tưởng đến chuyện nhiệm mầu của Tiên lùn :
- Tuồng như rắn chờ ta ước nguyện điều gì ? Hãy cầu xin rắn thần một ân huệ.
Nét mặt bừng nở một tia hy vọng, Bạch Huệ do dự giây lát đoạn quỳ gối xuống đất, hai tay đưa lên trời, thành kính cầu khẩn :
- Rắn thần, truyền lệnh Hùng Tâm trả lại vĩ cầm. Hãy ban tôi ân huệ ấy.
Rắn thần ngẩng cao đầu đưa qua đưa lại, đôi mắt sáng ngời như hai hạt kim cương. Miếng thịt trên đầu rắn thần nổi phồng lên giống vương miện. Lúc nầy, trông hình dáng xà vương thực ngạo nghễ oai vệ khác thường ! Đoạn rắn thần thè lưỡi đỏ như huyết, huýt một tiếng dài như tiếng sáo đồng, hạ thấp đầu xuống, chồm tới phía trước, lủi lần vào bụi rậm mất hút.
Bạch Huệ đứng ngẩn ngơ hồi lâu nhìn theo rắn thần luyến tiếc như thể đánh mất một vật quý giá.
Bạch Huệ, Thiện Chí và các chị em Xuân Lan kéo nhau trở về lâu đài, bên tai còn văng vẳng âm thanh tiếng huýt gió của rắn thần.
Sáng mai, một chiếc xe song mã ngừng trước lâu đài.
Bạch Huệ càu nhàu hỏi cô Giạ Hương:
- Lại khách nào đó nữa!
- Một ông khách lạ đem theo một chú nhỏ. Mới vào nhà, ông khách đã hỏi thăm sức khoẻ em.
- Ai hỏi em thế kìa !
- Chú nhỏ cùng đi với ông khách cũng nói đến đây tìm Bạch Huệ. Họ đang ngồi chuyện vãn tại phòng khách, Thiện Chí cũng có mặt với ông bà Thiện Căn. Em lên mau, kẻo ba má đợi.
Bạch Huệ miễn cưỡng nối gót cô Giạ Hương, mặt không kịp rửa, tóc bù rối dính đầy cọng rơm. Em đứng ngập ngừng bên cửa nhìn vào phòng khách, dáng điệu rụt rè ngơ ngác, khiến mọi người không thể nín cười. Nhưng chú nhỏ theo ông khách lại không cười, tỏ vẻ xúc động khi nhìn thấy Bạch Huệ. Da dẻ sạm nắng, đôi mắt đen nhánh, chú nhỏ đứng nép bên ông già tóc bạc hoa râm. Bạch Huệ gặp làn nhãn quan nồng nhiệt của chú nhỏ khiến em không thể nhìn lâu ; và khuôn mặt ngổ ngáo nhưng dịu hiền nầy em đã từng thấy đâu, nay trí nhớ em lại quên lửng.
Bỗng từ buồng phổi em phát ra hai tiếng mãnh liệt :
- Hùng Tâm.
Em nhìn thấy một vật gì hình dáng dài bọc trong miếng vải hồng đặt trên đầu gối ông khách già. Niềm vui sướng vô tả làm em buột miệng hét lớn :
- Vĩ cầm.
Em đứng giữa gian phòng hai tay chụi mắt nhìn kỹ có phải vật đó là chiếc vĩ cầm hay là một giấc chiêm bao ! Em bước đến gần ông già đưa tay sờ mó chiếc đàn. Em không muốn khóc, nhưng em nghẹn ngào tự nhiên nước mắt tuôn trào. Những giọt lệ giải thoát một nỗi uất ức chồng chất bấy lâu.
Hùng Tâm đến sát bên Bạch Huệ, cảm động không nói nên lời. Ông khách tóc hoa râm nở nụ cười hân hoan cởi mở như đã thoả mãn một việc đẹp đẽ tốt lành.
Ba má Bạch Huệ vội vàng hỏi con :
- Chuyện gì thế hở con ?
Ông già đỡ lời:
- Hùng Tâm đem trả vĩ cầm đã đánh cắp của Bạch Huệ. Hùng Tâm, con đến thưa đầu đuôi câu chuyện để ông bà rõ.
Hùng Tâm kể lại mọi việc : lúc Bạch Huệ giải thoát ra khỏi nhà xe, lúc Bạch Huệ cho mượn vĩ cầm, lúc cướp đàn và hành hung Bạch Huệ vân vân…
Đến lượt ông khách tiếp nối Hùng Tâm kể niềm tâm sự. Tuổi đã già lại không con, ông thích âm nhạc, mến nhạc sĩ. Ông từng du lịch khắp nơi. Cách đây vài mươi dặm, ông có ngôi biệt thự đồ sộ mà hằng năm ông đến trú ngụ độ vài ba tháng. Mùa xuân mới rồi, sau một chuyến du lịch từ xa về, ông dừng chân lại một thị trấn. Ông dạo xem phố xá, tình cờ gặp một chú nhỏ đang kéo vĩ cầm kiếm tiền ở vỉa hè. Ông đem nhạc sĩ tí hon về khách sạn cho ăn uống no nê và bảo kéo đàn ít bản nghe thử.
- Trong đời tôi đã nghe nhiều tiếng đàn, nhưng thực chưa có tiếng đàn nào làm rung động bằng tiếng đàn của thằng bé man dại nầy. Quả tiếng đàn thiên phú, trong âm điệu tiết tấu chứa đựng một tâm hồn chân nghệ sĩ. Hỏi nó không cha không mẹ, tôi đem nó theo và sau vài tuần lễ sống chung, chúng tôi đồng ý rằng định mệnh đã ràng buộc với nhau một già một trẻ. Hùng Tâm, con vua du mục, nhạc sĩ tý hon, từ nay mang dòng họ tôi và chắc nó cũng không hối tiếc. Nó đem đến cho tuổi già tôi một niềm an vui, còn tôi phải bao bọc nuôi nấng nó suốt đời, không để nó thiếu thốn một thức gì.
Để tỏ lòng biết ơn cha nuôi, Hùng Tâm trìu mến hôn tay ông già. Ba má Bạch Huệ không ngờ chú bé lễ độ, y phục sạch sẽ trước mặt lại là tên du mục đen đủi nhơ bẩn trước đây đã bị giam trong nhà xe.
Ông khách già đến ôm Bạch Huệ lộ vẻ cảm động :
- Tôi và Hùng Tâm không bao giờ quên em đã giúp đỡ nó. Chúng tôi sắp đi du lịch nơi xa, mong em nhận vật kỷ niệm nầy để chứng tỏ tình bằng hữu thân mật giữa em và Hùng Tâm.
Ông lấy trong hộp ra một sợi dây chuyền vàng đính chiếc thánh giá đeo vào cổ Bạch Huệ.
Châu về hợp phố, Bạch Huệ đem chiếc vĩ cầm cất vào tủ bà nội, chiếc đàn không ai ngờ đã phiêu bạt giang hồ khắp nơi, nay trở về cố chủ. Ba má Bạch Huệ không nỡ la mắng em và bây giờ má em mới rõ nguồn cơn vì sao mấy tháng nay em buồn phiền mất ăn mất ngủ.
Ông bà mời hai cha con Hùng Tâm ở lại dùng cơm trưa cùng gia đình.
Cơm xong, Bạch Huệ rủ Hùng Tâm vào rừng dạo chơi. Từ hôm tiếng độc tấu vĩ cầm vang lừng nơi rừng rú, lần đầu tiên hai trẻ lại gặp nhau. Bạch Huệ không quên kể Hùng Tâm nghe câu chuyện Tiên lùn và rắn thần đã giúp đỡ thâu hồi vĩ cầm. Em kết thúc :
- Thật chẳng khác một chuyện thần tiên !
Hùng Tâm rút trong túi áo một hộp nhỏ, rụt rè trao Bạch Huệ :
- Phần riêng tôi, xin tặng Bạch Huệ một vật lưu niệm. Nhờ chiếc vĩ cầm của Bạch Huệ, tôi kiếm ra tiền và với tiền đó tôi đã mua vật này. Huệ hãy giữ lấy để nhớ tiếng đàn của tên du mục Hùng Tâm.
Nó mở hộp, Bạch Huệ nhìn thấy một búp bê : thằng mọi con nhỏ bằng ngón tay, tóc đen nhánh, mặc áo màu sặc sỡ.
Bạch Huệ vỗ tay reo mừng vì em chưa bao giờ thấy một búp bê ngộ nghĩnh lạ lùng như vậy. Em thích mọi con nầy hơn sợi dây chuyền thánh giá sáng loè đeo nơi cổ.
- Cảm ơn Hùng Tâm, Huệ không bao giờ rời nó.
Đến chiều, hai cha con Hùng Tâm từ biệt ba má Bạch Huệ, nhắc nhở luôn luôn tấm lòng quý hóa hiếm có của em.
Chương 6
Còn 8 ngày nữa hết hè, Thiện Chí phải trở lại kinh thành. Hôm nay trời đẹp tạnh nắng, Thiện Chí lại thơ thẩn một mình không tham gia những trò chơi hấp dẫn với chúng bạn. Nguyên do vì đâu khiến nó chẳng thích nô đùa? Vì nó muốn chia xẻ cùng Bạch Huệ nỗi buồn phiền sầu muộn. Chẳng phải Bạch Huệ gắt gỏng khó tính xa lánh bạn bè, nhưng một tin khủng khiếp đã làm em bủn rủn tay chân. Lâu đài thân mến của gia đình Bạch Huệ sắp sang tay người khác. Ba em quyết định bán ngôi nhà họ Nguyễn cho một công ty để biến đổi thành nơi nghỉ mát cho du khách.
Hỏi sao em chẳng buồn phiền ! Trong gia đình, em là người tha thiết nhất ngôi nhà em đã sinh trưởng, em mến từng căn phòng từng cánh cửa. Còn khu rừng em quen thuộc từng lá cây ngọn cỏ, nay bỏ đi sao khỏi luyến tiếc ! Bạch Huệ buồn, Thiện Chí cũng buồn theo. Ước gì có tiền rừng bạc bể, nó bỏ ra chuộc lại lâu đài họ Nguyễn. Rồi hè đến, nó về nghỉ mát cùng Bạch Huệ, rong chơi khắp nơi rừng rú để mơ tưởng những câu chuyện thần tiên.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, nó đã nghe tiếng nói Bạch Huệ sau lưng :
- Thiện Chí, tôi sắp từ giã cõi đời. Mùa xuân năm ngoái, bệnh tim tái phát, bác sĩ cho biết nếu gặp việc buồn phiền, khó lòng sống nổi. Sang hè, bệnh tình thuyên giảm, nhưng nay gần đến mùa thu, tôi cảm thấy trong mình quá mệt nhọc yếu đuối. Tôi ngỡ đã chết hôm qua, khỏi phải từ biệt lâu đài thân mến.
- Sao Bạch Huệ lại nói lên những lời ích kỷ như thế ! Sao còn trẻ nhỏ đã vội chán đời ! Tôi không ngờ lời nói vừa rồi lại phát xuất ở một người nhiều từ tâm thiện chí như Bạch Huệ !
- Sao anh gọi tôi ích kỷ ?
- Tất cả mọi người trong gia đình, Huệ thương mến ai hơn hết ?
- Rừng núi.
- Tôi hỏi thương người nào, chớ rừng núi đâu phải là người.
- Thương bé Út, má tôi và cả anh nữa !
- Rõ ràng chưa ! Rừng núi đâu có cần đến Huệ. Bé Út mới cần đến Huệ. Nó thấy Huệ thì đưa tay đòi bế. Thế là nó thương Huệ. Chẳng những bé Út, còn bao nhiêu người thân mến trong gia đình đều thương Huệ, nhưng Huệ ích kỷ nên không nhận thấy. Nói nghe dễ dàng, nhưng người can đảm phải sống để cùng nhau chia xẻ mọi khó khăn cực khổ ở đời. Nếu biết phụng sự xã hội, chúng ta đều hữu ích. Phải sống ! Bạch Huệ, phải sống !
***
Đang ngồi ăn, Bạch Huệ nhìn ba lo lắng :
- Nai vàng bỏ lại đây, ai săn sóc nuôi dưỡng nó ?
- Ừ, ba cũng quên chuyện đó. Chúng ta khó lòng đem nó lên đô thành, vì nai không thể sống tù túng trong căn phòng chật hẹp. Thôi được, ba sẽ gởi nai nhờ bà Thanh Nga nuôi nấng. Biệt thự bà ta ở gần đây, sau nhà có khu vườn rộng rãi.
Một đoàn thợ rừng đến đốn cây trong vườn sau lâu đài để xây dựng thêm những căn phòng nghỉ mát cho du khách. Tiếng cưa xẻ gỗ, tiếng búa đóng đinh vang động như xé nát tâm can Bạch Huệ.
Thiện Chí nhìn nét mặt Bạch Huệ buồn rầu áo não :
- Làm sao kiếm tiền để chuộc lại lâu đài ?
- Chúng ta còn nhỏ kiếm đâu ra tiền !
- Hôm qua, tôi chợt nảy ra một sáng kiến. Nghe ba tôi kể chuyện cách đây vài cây số có một lâu đài sụp đổ vì trận động đất xảy ra vài chục năm nay. Lâu đài thuộc quyền sở hữu một bá tước già không con. Ông sống trơ trọi một mình với một lão bộc trong ngôi nhà thênh thang vắng vẻ. Lúc lâu đài sụp đổ, ông bị chôn vùi trong gạch đá với người lão bộc trung thành. Người ta đồn dưới hầm chứa rượu trong lâu đài có tàng trữ một kho vàng, nhưng ban đêm thỉnh thoảng thấy ông bá tước hiện lên với người lão bộc, nên không ai dám bén mảng đến gần. đêm nay trăng sáng, chúng ta thử mạo hiểm đến đó, biết đâu chẳng tìm ra kho vàng. Bạch Huệ đủ can đảm không? Biết đâu Tiên lùn và rắn thần lại không giúp đỡ chúng ta một phen nữa!
- Sợ gì ! Nhưng làm sao tôi lẻn ra khỏi nhà mà chẳng ai trông thấy?
- Đợi mọi người ngủ say, Huệ trốn ra. Hãy chuẩn bị sẵn sàng, lúc nào nghe tiếng huýt gió, Huệ nhảy qua cửa sổ đã có tôi chờ đợi ở ngoài. Chỉ chừng ba tiếng đồng hồ. Đi, về mất hai tiếng, thám hiểm trong lâu đài độ một tiếng. Chúng ta có thể trở về trước lúc mặt trời mọc.
Hai đứa hẹn nhau đến tối sẽ thi hành kế hoạch tìm vàng.
Nghe tiếng huýt gió, Bạch Huệ từ trên cửa sổ trụt xuống, tay cầm đôi giày đã thấy Thiện Chí sẵn đó. Dưới ánh trăng vằng vặc, chúng lẳng lặng dắt nhau rời khỏi lâu đài tiến bước. Thiện Chí đã một lần cùng ba nó ngang qua lâu đài, nên thuộc chừng đường sá. Nó kéo Bạch Huệ băng qua một cánh đồng đến một khu rừng rồi đi mải miết. Chúng hy vọng tìm thấy kho vàng nên quên cả mệt nhọc sợ hãi. Đi gần một tiếng đồng hồ, chúng đã trông thấy trước mặt lù lù một đống gạch đá khổng lồ ngổn ngang trên nền nhà rộng rãi bám đầy rêu cỏ. Đó là lâu đài của ông bá tước đã bỏ hoang vắng từ lâu.
Chúng hồi hộp, run rẩy, nắm chặt tay nhau để thêm can đảm. Chúng trèo qua đống gạch đá, dò dẫm từng bước một, nhìn thấy giữa nền nhà một lỗ hổng tròn bằng miệng giếng. Thiện Chí đoán dưới lỗ hổng là hầm rượu chứa đựng kho vàng, định bò xuống thám hiểm, nhưng ngó xuống thấy đen tối sâu thẳm, nên e ngại. Chúng không đem thang và dây thừng làm sao trụt xuống khỏi té bổ.
Đang chú mục nhìn vào hầm rượu, bỗng nhiên Thiện Chí nhảy hai chân lia lịa:
- Xem kìa, xem kìa! Kho vàng đó Bạch Huệ thấy không? Nó chiếu sáng lòa một góc đó!
Bạch Huệ nhìn xuống hang, quả nhiên thấy một đống đen sì tỏa ánh sáng lấp lánh:
- Chúng ta đã tìm thấy vàng, nhưng làm cách nào đem vàng lên?
- Không có thang, không có dây thừng, không thể nào trụt xuống hang. Chúng ta không đem đèn bấm, sợ rắn rít nguy hiểm lắm. Bây giờ đã mệt đừ, chúng ta hãy trở về. Tôi sẽ cầu cứu ba tôi giúp một tay khuân vác kho vàng.
- Nếu chúng ta rời khỏi nơi đây, kho vàng sẽ biến mất!
- Đã thấy đó rồi, biến mất sao được!
Chúng lại dắt tay nhau theo con đường cũ trở về lại lâu đài và về đến nhà vào lúc nửa đêm. Bạch Huệ tạm biệt Thiện Chí, lẹ làng leo lên cửa sổ vào phòng riêng. Sáng mai, vú già lên gác đánh thức Bạch Huệ, nhưng thấy em còn ngủ say sưa nên lại trở xuống.
Tại biệt thự, ông Thiện Căn cười rộ lên lúc nghe kể chuyện kho vàng vừa tìm thấy ở lâu đài ông bá tước. Nhưng Thiện Chí vẫn một mực khóc lóc năn nỉ cha mau đến lâu đài khuân vàng về, kẻo để lâu vàng sẽ biến mất. Ông thừa hiểu Thiện Chí nóng lòng kiếm tiền chuộc lâu đài cho Bạch Huệ, nên đã có trí tưởng tượng phong phú, nhưng ông cũng chìu lòng con, không nỡ làm tiêu tan ảo vọng của nó. Ông cùng Thiện Chí và gã đánh xe đem theo dây thừng, đèn bấm, lên xe độc mã tiến đến lâu đài ông bá tước.
Ban ngày con đường dẫn tới lâu đài bằng phẳng dễ đi, nên không đầy nửa tiếng đồng hồ, chiếc xe ông Thiện Căn đã đến nơi. Thiện Chí vội vàng xuống xe kéo ông đến miệng hầm mà nó nhất quyết có vàng ở dưới.
Ông Thiện Căn thòng sợi dây thừng để anh đánh xe trụt xuống hầm thám thính. Tay cầm đèn bấm, anh rọi khắp nơi lục lọi tìm kiếm.
Ông đứng trên hỏi xuống:
- Anh đã thấy gì chưa?
Thiện Chí cũng nôn nức hỏi dồn:
- Chắc nhiều vàng lắm hả?
- Gỗ mục nhiều vô số, chớ vàng không thấy đâu cả!
Gã đánh xe thấy vật gì nhúc nhích dưới đống gỗ, sợ rắn độc nên anh hoảng sợ níu dây thừng leo lên.
Ông Thiện Căn nhìn vẻ mặt thiểu não thất vọng của Thiện Chí cũng không nỡ la mắng :
- Trong đêm tối, gỗ mục tỏa ra ánh sáng con không hiểu sao? Con đem trí tưởng tượng kỳ lạ để cho Bạch Huệ một niềm hy vọng hão huyền.
Thiện Chí yên lặng cúi đầu lên xe.
Hai tiếng đồng hồ sau, Thiện Chí đến tìm Bạch Huệ với vẻ mặt thiểu não.
Bạch Huệ đã đoán biết sự thật:
- Kho vàng đã biến mất từ đêm qua. Trong giấc ngủ, tôi đã chiêm bao như thế. Thiện Chí đừng buồn nữa ! Hôm nay chúng ta đừng dạo chơi trong rừng núi, chúng ta hãy du lịch một chốn xa xôi bằng trí tưởng tượng. Nai vàng đã không còn, vào rừng rú làm gì! Chúng ta sẽ đến một cõi xa xăm không bờ bến, nơi đó không sầu muộn biệt ly!
Chương 7
BẠCH HUỆ PHẢI SỐNG
Trước biệt thự ông bà Thiện Căn, một chiếc xe chất đầy rương hòm sắp sửa khởi hành. Một số bạn bè quen biết đến tiễn đưa hai vợ chồng ông trở lại kinh thành sau mấy tháng nghỉ hè ở thôn quê.
Ông bà đã ngồi sẵn trên xe, gã đánh xe còn đợi Thiện Chí để gia roi cho đôi ngựa cất vó. Thiện Chí đâu rồi? Nó đang hàn huyên với bạn gái thân mến trước lúc từ giã cảnh đồng quê rừng núi. Trong giờ phút chia ly, đôi bạn còn biết bao chuyện tâm sự giãi bày, nhưng mặt nhìn mặt lại chẳng nói ra lời.
Ngày mai, Thiện Chí cắp sách đến trường gặp bạn bè cũ, nhưng kiếm đâu ra người bạn quý hóa như Bạch Huệ.
Cầm tay Bạch Huệ, Thiện Chí tự nhiên thốt ra lời nói ngắn ngủi nhưng bao hàm biết bao ý nghĩa:
- Bạch Huệ. Phải sống! Phải sống!
Gã đánh xe gia roi, xe chuyển bánh. Thiện Chí còn ngoảnh mặt lui nhìn Bạch Huệ lần cuối cùng.
Tại lâu đài họ Nguyễn, người ta cũng đang rộn rịp sắp đặt chuyến khởi hành. Bỗng một chiếc xe độc mã ngừng lại trước sân.
Mọi người ồ lên một tiếng ngạc nhiên, nhìn thấy từ trên xe nai vàng nhảy xuống. Nó đã biến đổi lạ thường : thân hình tiều tụy, bụng lép kẹp, lông xù, dưới hai khoé mắt dính đầy ghèn. Bạch Huệ chạy đến ôm nai vàng vào lòng nước mắt ràn rụa.
Bà Thanh Nga bước xuống nói liên hồi :
- Tôi đem nai vàng trả lại hai bác, tôi đành chịu thua nó. Suốt tuần lễ nay, nó tuyệt thực chẳng thèm ăn uống, đến nỗi sữa cũng chê. Và nó lại khóc thực tình, nước mắt chảy xuống từ hai khóe mắt, tôi không bày đặt đâu!
Nai vàng chạy đến liếm tay mấy chị em Bạch Huệ, vào khắp các phòng ốc trong lâu đài. Nhìn thấy vú già đang bế bé Út trên tay, nó mừng rỡ cuống quít nhảy hai chân trước chồm lên lưng vú.
Còn bé Quê ? Tình cảnh cũng đáng thương không kém nai vàng, Bạch Huệ đâu muốn xa rời nó, nhưng một búp bê quê mùa xấu xí làm sao chịu nổi đời sống xa hoa rộn rịp ở thị thành.
Hồi năm ngoái, bé Tý lên 8, con bác Sửu ở cách nhà Bạch Huệ độ vài dặm, bị xe ngựa dằng trúng hai chân, nên phải ngồi một chỗ tàn tật suốt đời. Mẹ Bạch Huệ đề nghị đem bé Quê tặng bé Tý để an ủi em bé tàn tật quạnh hiu. Mặc dầu Bạch Huệ rất luyến tiếc bé Quê, nhưng nay em sắp từ bỏ tất cả để lên tỉnh thành, nên chẳng còn thiết gì nữa ! Em nghĩ đến cảnh ngộ đáng thương của bé Tý, nên vui vẻ thuận lòng cho bé Tý búp bê thân mến của em.
Bước vào căn nhà xiêu vẹo của bác Sửu, Bạch Huệ nhìn thấy bé Tý xanh xao ốm yếu ngồi một mình trong xó tường. Em cầm búp bê đặt vào bàn tay em bé tàn tật:
- Chị sắp rời khỏi nơi đây. Trong lúc các trẻ em khác nô đùa vui vẻ, riêng em buồn thiu không bè bạn, nên chị đem búp bê nầy tặng em để em đỡ hiu quạnh.
Bé Tý mở đôi mắt thao láo nhìn Bạch Huệ :
- Chị cho em thật à!
- Chị đâu có gạt em! Búp bê này ngoan lắm, em nên đối xử tử tế với nó. Em ở lại mạnh khỏe.
- Cám ơn chị.
Đôi tay gầy ốm bé Tý siết chặt bé Quê vào lòng sung sướng. Trong đời nó, đây là vật đầu tiên người ta đem tặng nó.
Từ ngày bà Thanh Nga trả lui nai vàng cho gia đình Bạch Huệ, nai càng ngày càng trở nên hoang dại. Suốt ngày nó đi lang thang trong rừng không trở về nhà. Linh tính cho Bạch Huệ biết em không thể giữ mãi nai vàng bên em. Em cũng sắp rời khỏi lâu đài, ai là người bảo vệ săn sóc nó. Chi bằng trả tự do để nó trở về rừng núi.
Một hôm trời vừa nhá nhem tối. Bạch Huệ đang nằm mơ màng trên cỏ dưới một gốc cây. Bỗng nghe tiếng động khẽ ở cành cây trước mặt, em trông thấy nai vàng từ trong bụi rậm nhảy ra. Nó nhìn quanh kêu lên một tiếng nho nhỏ, một nai tơ rẽ cành lá chạy đến đứng bên nai vàng. Nai tơ nhìn thấy Bạch Huệ lại nhảy vào lùm cây biến mất. Nai vàng chạy đến đưa mõm kề vai Bạch Huệ rồi thè lưỡi liếm má em. Đoạn nó nhìn về hướng rừng rú nhảy theo nai tơ mất dạng. Nai vàng theo bạn mới, bạn tâm tình đồng loại của nó.
Về nhà, Bạch Huệ kể chuyện nai vàng cho ba má nghe.
Ba Bạch Huệ an ủi con :
- Thế là chúng ta yên tâm về số phận nó. Nó không trở về với người nữa! Bây giờ rừng rú sẽ bảo vệ nó ! Ba sẽ bỏ một ít rơm rạ cho hai vợ chồng nai ăn trong tiết đông lạnh lẽo. Ba còn nhờ viên chức sở kiểm lâm vùng này giữ gìn nó để khỏi bị thợ săn hạ sát. Con khỏi lo, bạn con sẽ hưởng một đời tự do sung sướng.
Càng ngày nai vàng càng vắng mặt ở lâu đài.
Đôi khi, nai vàng trở về liếm tay Bạch Huệ, uống một tý sữa rồi lại ra đi.
Tất cả đồ chơi của Bạch Huệ, em đều đem phân phát cho các chị em. Sợi dây chuyền của cha nuôi Hùng Tâm tặng em, em cũng đeo vào cổ cho bé Út.
Hôm nay là ngày cuối cùng của gia đình ở đây. Ngày mai phải từ bỏ lâu đài thân mến. Một xe ngựa chất đầy áo quần và đồ vật dụng sẵn sàng chuyển bánh. Thêm hai chiếc xe chở toàn thể gia đình họ Nguyễn cũng chuẩn bị lên đường. Mẹ Bạch Huệ cầm khăn tay chặm nước mắt, bà nội vẫn lần tràng hạt lâm râm cầu nguyện. Ba Huệ xem lại các phòng ốc trong lâu đài một lần chót. Ông giao xâu chìa khoá các phòng cho anh giữ nhà để trao lại cho chủ mới.
Đoàn xe lên đường tiến đến nhà ga.
Bạch Huệ lạnh lùng bất động như tượng đá, nhìn lại lâu đài cổ kính, đôi mắt không còn chút thần sắc.
Trên đồi núi, những cây thông còn lay động cành lá như muốn ngăn trở bước tiến của đoàn xe. Tiếng gió rì rào còn vang lên âm thanh :
- Bạch Huệ, Bạch Huệ… Huệ… uệ… uệ…
Đoàn xe ngừng trước nhà ga.
Bạch Huệ bừng tỉnh. Em còn sống ư! Giờ giải thoát chưa đến sao? Em bước xuống xe, lảo đảo đứng không vững, rồi từ cổ em đưa ra tiếng rên não nuột, em khóc nức nở. Mẹ em chạy vội lại, ôm em vào lòng. Em vẫn tấm tức khóc. Những hành khách đợi xe đến nhìn em thương hại.
Xuân Lan rỉ tai Bạch Huệ:
- Nín đi! Mọi người đều nhìn em, không biết hổ thẹn à!
Má Bạch Huệ dìu em lên toa xe dành riêng cho gia đình. Những va ly lớn nhỏ và những đồ vật đem theo đều sắp đặt trong một toa xe khác.
Xe lửa bắt đầu chuyển bánh đem Bạch Huệ đến một nơi xa lạ, đem em đến một đời sống mới mẻ. Tiếng khóc Bạch Huệ nhỏ dần. Biết bao ý nghĩ dồn dập đến trí não em! À! Ta chưa chết ư! Buồn phiền sầu não cũng không cắt đứt được mạch sống ta! Em hồi tưởng vẻ mặt Thiện Chí ngạc nhiên ngơ ngác lúc nghe em nói chán đời không muốn sống. Tiếng nói Thiện Chí lúc từ giã em, còn văng vẳng bên tai: Bạch Huệ! Phải sống, phải sống. Lời nói Thiện Chí hữu lý thay! Nay em nghe tiếng bánh xe rít trên đường sắt cũng hoạ theo lời nói Thiện Chí:
- Phải sống! Phải sống! Phải sống!
Những lời Thiện Chí khuyên em lại rộn ràng bên tai:
- Ai cũng có thể phụng sự xã hội để giúp ích mọi người.
Tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc:
- Phải sống! Phải sống! Phải sống!
Bạch Huệ ngẩng đầu lên, mở đôi mắt sưng mọng, nhìn chung quanh em. Ba thản nhiên ngồi đọc báo, ba chị em Bạch Huệ ngắm nhìn phong cảnh qua cửa kính xe, bà nội tay lần tràng hạt, vú già bồng bé Út trên tay ru ngủ, còn má em xem chừng mệt nhọc lắm.
Em vội lau khô nước mắt, đứng dậy đưa hai tay bồng bé Út. Nó vui vẻ hít cổ em và kề sát đầu vào vai em.
Bây giờ tâm hồn em trở lại bình tĩnh. Câu chuyện thần tiên đã qua. Lâu đài cổ kính thân mến chẳng còn nữa ! Những tiên lùn không bao giờ xuất hiện trên thác nước. Còn rừng rú em không còn mơ tưởng để luyến tiếc.
Đời sống thành thị bắt đầu : em phải tập làm quen với nếp sống mới, phải giúp ích mọi người. Cố nhiên Chúa muốn thế, vì Chúa không đem em theo người lên thiên đàng.
Xe chạy chậm chậm, tiếng bánh xe rít trên đường sắt nghe càng nhẹ dần, nhưng Bạch Huệ vẫn còn nghe văng vẳng âm thanh bánh xe cút kít trên đường sắt:
- Phải sống! Phải sống! Phải sống!
Sau kính xe, hai bên đường đã thấy lố nhố phố xá.
Tiếng còi xe rú lên một hồi dài, xe lửa ngừng lại trước nhà ga.
Mai Hương
Nguồn: Kể theo Helena Zakrzewska 
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...