Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn
Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi trang viết từ báo đến văn đều bắt đầu từ những sự kiện có thật trong cuộc sống. Sau này, khi đã về tờ nội san Sinh hoạt văn hóa, rồi ra công khai là Tạp chí Văn nghệ quân đội, thì thực chất suốt đời vẫn là một nhà báo. Không phải vô cớ hay vì điệu đàng mà ông muốn được gọi mình là Người lính làm công tác văn nghệ. Và đó cũng là lý do, mà ông thuộc số không nhiều nhà văn viết nhiều, viết hầu hết các thể loại văn chương – báo chí (trừ thơ) liên tục trong hơn 60 năm cầm bút.
Bám sát các sự kiện đời sống một đất nước trong tiến trình cách mạng và kháng chiến, trong vị trí một người lính ở cơ quan Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội, hầu hết công việc luôn được phân công, từ đi đâu, viết gì, thậm chí viết như thế nào. Trong kháng chiến chống Pháp, ở báo Dân quân Hưng Yên của tỉnh đội, phạm vi công tác hạn hẹp. Những chuyến đi tập huấn thì xa nhất là tới Thanh Hóa. Tới khi về VNQĐ, thì bài vở do Tòa soạn phân công, từ tin tức, bút ký, phóng sự, các bài phê bình, giới thiệu sách. Đặc biệt là những bài tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn học nghệ thuật thời kỳ chống Nhân văn – Giai phẩm. Từng đi tham gia sửa sai Cải cách ruộng đất, các phong trào hợp tác hóa ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, lên nông trường Điện Biên, về vùng Công giáo Nam Định và nhiều đơn vị, địa phương khác, trong những năm xây dựng ở miền Bắc sau Hòa bình 1954. Những tác phẩm ngày càng đặc sắc về nhiều địa bàn, nhiều hiện thực đang xảy ra trong quá trình chuyển động của xã hội những năm này làm nên tên tuổi một nhà văn Nguyễn Khải đứng ở hàng đầu trong thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Nét đặc biệt, là tác phẩm Nguyễn Khải luôn nằm trên chông gai của dư luận, và luôn có sức hấp dẫn người đọc. Mấy mười năm sau, nhà văn sẽ gọi đây là Cái thời lãng mạn, với nhiều niềm tự hào xen lẫn những hối hận, nuối tiếc, thậm chí có chút xẩu hổ vì đã có lúc ngây thơ, nông nổi, bất cận nhân tình trong những trang đã viết. Năm 1995, trong một dịp trả lời bạn đọc báo Tuổi trẻ, nhà văn thẳng thắn thừa nhận:
“Lắm ngày ngồi đọc lại hay nghĩ lại về những tác phẩm mình đã viết trong mấy chục năm qua, nhiều trang viết vẫn còn làm tôi hãnh diện, và có nhiều trang viết đã làm tôi xấu hổ và rất buồn. Những trang viết chủ quan, kiêu ngạo, chỉ khẳng định có một niềm tin, một lẽ sống, rồi dạy dỗ, rồi lên án, rồi chế giễu tất cả những gì khác biệt với mình, đọc lại thật đáng sợ. Thế giới như nhỏ lại, nhạt đi, căng thẳng. Còn những trang viết đẹp cho đến nay đọc lại còn khiến tôi xúc động, luôn luôn chan chứa lòng thương yêu, sự đồng cảm, nó mở ra và tiếp nhận, sự sống hiện lên rực rỡ, tươi tắn, chói lòa nhiều màu sắc”. (Chuyện nghề – 1999).
Khi cuộc chiến tranh lan ra cả nước, các nhà văn quân đội lần lượt được phân công đi các địa bàn, các vùng chiến sự ác liệt. Kết quả những chuyến đi ấy là những tác phẩm nóng hổi tình thời sự, đầy năng lượng chiến đấu tiếp sức cho không chỉ người mặt trận mà cả người hậu phương: Ra Cồn Cỏ những ngày nóng bỏng bom đạn, có ký Họ sống và chiến đấu, theo bộ đội làm đường Trường Sơn, có tiểu thuyết Đường trong mây, trở lại tuyến lửa Vĩnh Linh có Ra Đảo, tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào có ngay tiểu thuyết Chiến sĩ, trở lại với đề tài nông thôn với thay đổi về quản lý kinh tế, có Chủ tịch huyện. Đầu 1975 lịch sử, cả một đội hình đông đảo nhà văn được phân bám theo các đơn vị chủ lực lớn chuẩn bị cho một trận đánh lớn, Nguyễn Khải đi theo một Quân Đoàn, để khi cuộc chiến vừa kết thúc, có ngay Tháng ba ở Tây Nguyên, tác phẩm cuối cùng viết trong những năm cả nước có chiến tranh. Về nghệ thuật, mỗi tác phẩm đều bộc lộ những mạnh yếu thường thấy ở lối viết của tác giả, nhưng có thể thấy, các tác phẩm được viết với tâm thế tự tin, với niềm tin mãnh liệt vào phẩm chất người chiến sĩ, và niềm tin tất thắng. Thao tác để các nhà văn làm nên những sáng tác kịp thời trong chiến tranh là một đặc điểm có tính chất lịch sử, được hình thành trong quá trình điều hành và sử dụng văn nghệ cũng như văn nghệ sĩ như một trong nhiều binh chủng của quân đội. Ngoài các văn nghệ sĩ đi chiến trường miền Nam, số còn lại ở Tạp chí VNQĐ, vào thời điểm chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt, các chiến dịch lớn mở ra ở vùng giáp ranh Nam Bắc, liên tục được phân công đi các địa bàn. Đã có những cân nhắc và phân vân nên sử dụng các nhà văn đã có những tác phẩm được gọi là thành công như thế nào, vì hòn tên mũi đạn vốn không có mắt. Mà tài năng là số không nhiều. Bản thân các nhà văn qua kháng chiến chống Pháp, đến thời điểm này, hầu hết đều đã có gia đình, với gánh nặng cơm áo, vợ con cần phải lo, chứ không còn son rối, tự do như thuở nào. Cục trưởng Tuyên huấn, tướng Hoàng Minh Thi – vốn có phụ danh Hoàng Minh… Lửa – đã quyết liệt: Ai càng giỏi, càng phải tới nơi ác liệt nhất. Sự có mặt của các văn nghệ sĩ ở những nơi đó vừa cần thiết cho tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, vừa cần cho chính họ. Cùng các nhà văn đi các chiến trường, Nguyễn Khải đã ra Cồn Cỏ, và các chiến trường khác trong tinh thần đó. Và các nhà văn quân đội, bằng các tác phẩm của mình, đã vẽ nên chân dung một đội ngũ nhà văn mặc áo lính, mà nhân cách và tài năng được xã hội công nhận.
Sau 1975, Nguyễn Khải thuộc trong số nhà văn có tác phẩm sớm nhất về những diễn biến mới của lịch sử đất nước. Trong hơn 30 năm tiếp theo, vẫn với văn phong rất Nguyễn Khải, nhưng chuyện đời, cách nhìn đời, nhìn người của nhà văn đã có nhiều thay đổi. Lịch sử đã sang trang: Một cuộc kháng chiến trường kỳ đã kết thúc như mơ ước. Nguyện vọng bao đời về một giang sơn Độc lập – Thống nhất đã thành hiện thực. Nhà văn từng tự hào kể: Đầu năm 1975 tôi vào Sài Gòn vừa được giải phóng sau có mấy ngày. Ngay trong tuần đầu, nhờ một may mắn rất tình cờ tôi đã tìm được nơi ở của bố mẹ già. Lúc từ biệt bố mẹ, tôi chỉ là thằng trẻ con mới 15 tuổi, nay gặp lại, đã là một trung niên vừa bằng tuổi ông già ngày tôi ra đi… Là một nhà văn được sống, được chứng kiến cái khoảnh khắc sáng chói nhất của lịch sử dân tộc trong gần hai thế kỷ quả là một ân huệ vô song. Huống chi, trong cái chuyển đổi mênh mông của lịch sử lại có đại gia đình mình trong đó, như cái lăng kính hội tụ những yếu tố khó nắm bắt thành những tình huống, những con người, những câu chuyện có tầm vóc nhỏ hơn nhưng cô đọng hơn; cái có thể hiểu bằng lý trí, bằng phân tích thành những mối quan hệ gia đình, quan hệ tình cảm, khiến mình dễ hòa tan trong những xúc động mới lạ, đột ngột. Và chỉ những vui buồn riêng, cái tâm sự riêng với bao nhiêu nỗi niềm chất chứa, dồn nén từ nhiều chục năm mới có cơ hội hóa thân thành Nghệ Thuật. (Chuyện nghề). Từ đó, bạn đọc được đọc hàng loạt những truyện, kịch của tác giả viết: Cách mạng, Cha và con và…, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí…
Với bản tính tỉnh táo, nhà văn tự nhận: Còn bây giờ, cuộc sống đã mở ra thêm những chân trời mới, có những quan niệm mới nên cái sự hiểu việc, hiểu người của tôi cũng khác trước. Nghĩ khác, tất sẽ viết khác. Nhưng cái khác của tôi cũng chỉ được đến thế, không gây sự ngạc nhiên nhiều, không gây được sự hứng thú cho bạn đọc nhiều… Làm sao được! Nói gì thì nói tôi vẫn thuộc lớp người đã qua rồi. Thời nào có anh hùng của thời ấy, mình đâu có thể lấn sân được. (Chuyện nghề). Nhưng trên văn đàn, những năm cuối thế kỷ XX, tác phẩm của Nguyễn Khải vẫn nằm ở vùng trung tâm của dư luận.
Khi đã định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, một mảng ký ức, mảng đời sống, những con người thân gần, ruột thịt của Hà Nội xưa bỗng hiện về, chiếm lại chỗ đứng của họ trong nhiều trang viết với một tâm thế pha chút xót xa, ân hận của chính tác giả khi ngộ ra: Nghĩ mà tiếc cho những năm tháng đã qua, chỉ hiểu đời có một nửa, chỉ biết người có một nửa, cái nửa ai cũng nhìn thấy, còn lại, bỏ hẳn cái nửa chỉ nhà văn mới nhìn thấy… Sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam vừa được giải phóng đã lập nên những kỳ tích của thế kỷ. Nhưng sức mạnh tinh thần của cá nhân, của gia đình và dòng họ mới có khả năng lưu giữ lâu dài những tính cách đẹp đẽ của dân tộc cho nhiều đời con cháu. Chính là tôi đang đi tìm những mẫu người lúc tuổi già, lúc cô đơn, lúc túng thiếu và bị bạc đãi vẫn giữ trọn niềm tin và cốt cách sống buổi đầu. Chỉ có vinh quang và danh dự của các gia đình và dòng họ mới có thể diệt trừ tận gốc những tính xấu của một thời nhiễu nhương, một thời nô lệ. (Chuyện nghề). Cũng như với nhiều lập luận khác, tổng kết khác của nhà văn, người đọc có thể tranh luận, thảo luận và tìm ra những sơ hở, nhưng sau tất cả. bạn đọc nhận ra tâm huyết và tinh thần luôn tìm tòi, suy nghĩ, đổi mới bền bỉ và kiên trì cho đến cuối đời của một nhà văn.
Nguyễn Khải luôn ý thức, những tác phẩm kịp thời của mình, rồi sẽ bị thời gian bỏ qua, còn lại , may ra có một vài tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết Một cõi nhân gian bé tí hoàn thành tháng 9-1988, được Nxb Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh in 1989. Cũng cần lưu ý, đây là thời gian nhà văn Nguyễn Minh Châu chống chọi với bệnh ung thư máu, và không qua khỏi. Năm đó cả hai chưa tới tuổi 60. Những phút tỉnh táo trên giường bệnh, Nguyễn Minh Châu vẫn quan tâm đến tâm thế phân vân của Nguyễn Khải. Nhà văn Thái Bá Lợi kể: Buổi sáng hôm đó, ông kể cho tôi nghe chặng đường thăng trầm của người bạn thân ông, nhà văn Nguyễn Khải được người ta hứa hẹn cho chút ít quyền lực mà không biết cách nắm lấy quyền lực về mình, cứ loay hoay để vừa có quyền lực vừa được lòng mọi người: “Tôi biết thằng này nó lười lắm, mà từ trong Nam ra phải tự nấu lấy ăn, một ngày tiếp không biết bao nhiêu người đến bàn mưu tính kế, phải sống một mình, giữa những ngày giá lạnh Hà Nội, đi đâu chỉ một chiếc xe đạp lênh khênh. Tôi thương quá mang cho cái chăn bông và nói với nó: Thế làm lãnh đạo cũng tốn nhiều công phu nhỉ?”. Và ông cười, cái cười sảng khoái tưởng như có thể làm mờ đi những vết xuất huyết trên da mặt ông.
Đó là thời gian Nguyễn Khải làm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng một thời gian, va chạm với những rối rắm nội bộ, nhà văn lại đi lấy tài liệu rồi về Nam ngồi viết. Một cõi nhân gian bé tí chỉ như một truyện vừa, nhưng là chuyện về cuộc đời của nhiều nhân vật rất đặc biệt. Một cán bộ Viện kiểm sát áp giải một một nhân vật lịch sử đặc biệt bị đưa về quê, một làng ở Vĩnh Phúc chịu quản chế những năm cuối đời. Ông xa quê đã 50 năm, ngày về đã gần 90. Hai người lại là đồng hương: “Ông là một người làng khác thường, một người làng nổi tiếng, nói gì thì nói cũng là một nhân vật của lịch sử, đứng cạnh ,đứng sau, đứng trong bóng tối, nhưng là một chỗ đứng của lịch sử… Vóc dáng của ông cũng khác thường, khuôn mặt rộng, râu tóc bạc trắng, vai rộng, lưng thẳng, bàn tay vắt lên lưng ghế xe phải to gấp rưỡi bàn tay của một ông già bình thường, ngón dài và khỏe. Như người của thời thái cổ, người của hang động, của rừng rú”. Ông già họ Vũ vồn là một yếu nhân của Quốc dân Đảng đồng thời với Nguyễn Thái Học, Xứ Nhu. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại ông sang tá túc bên Tàu. Ngày Cách mạng tháng 8-1945, được Cụ Hồ mời về tham gia Chính phủ Lâm thời, từng được Cụ Hồ trao việc ký Tạm ước với Pháp. Nhưng trong những khúc quanh của lịch sử, ông đã chạy đi nhiều nơi.
Thời Ngô Đình Diệm, từng được vời ra tranh cử Tổng thống, nhưng thất bại, bị Diệm bỏ tù. Sau 1975, lại phải đi cải tạo vì những chức danh hờ trong quá khứ. Cuối đời được đưa về quê quản chế, vì nơi đó ông còn một người con gái. Bồ đoàn thê tử con gái một đời không biết ông là ai, nhưng họ khốn khổ vì là hậu duệ của một nhân vật nổi tiếng phản động. Ông lạc lõng và hối hận vì còn sống đến tuổi này: “Ở quê, tôi cô độc quá, chả ai hiểu tôi, mà tôi cũng không thật hiểu một ai. Con cháu tôi cũng khó hiểu. Chúng thương tôi hay ghét tôi. Chắc là chúng oán lắm, chúng ghét lắm”. Người con gái dù tuổi cao, bệnh tật vẫn một lòng tận tụy săn sóc cha. Người con trai của bà lại ngày đêm chăm sóc mẹ. Đạo hiếu cổ vẫn được họ giữ gìn. Nhưng không chỉ cái tuổi già thất bại buồn. Chính là cán bộ Viện kiểm sát, vì áp giải ông già mà có dịp về thăm bà cô nuôi mình từ bé, sau thời gian vào Nam với các cháu, giờ nhất quyết về quê, dẫu ở một mình. Sắp đến tuổi về hưu, một đời chỉ tiếp xúc với tội phạm, và cái ác có muôn mặt, Chính cũng thấy mình sắp bị bật ra khỏi cuộc sống gia đình, vì mấy đồng lương không đủ tiêu vặt, nói gì giúp đỡ vợ con. “Nhiều lúc Chính đã tự hỏi tại sao anh lại chọn một cái nghề quỷ quái, dành cả một đời cúi mặt xuống từng chồng hồ sơ ghi chép không biết bao nhiêu tội ác của thế giới nhân gian. Những tội ác mỗi năm thêm quái đản, thêm rùng rợn vì tính thú vật của nó. Chính đã quen thuộc với thế giới tội ác trong nhiều năm nhưng anh vẫn không thể dửng dưng như người bác sỉ ở trong nghề lâu năm với các con bệnh. Với anh, tội ác luôn luôn mới mẻ với những bàng hoàng, những hãi sợ như cái thuở anh mới bước vào nghề. Cũng là một cách tự vệ rất hồn nhiên của riêng anh. Trong thực tế, tội ác gần gũi và quen thuộc hơn ta nghĩ về nó nhiều. Con người đã từng có ý nghĩ đó, đã từng có hành động đó, trong những trường hợp có thể xảy ra. Đã có rất nhiều người lương thiện phạm tội trong những hoàn cảnh chẳng có gì là kỳ quái. Tốt nhất là không nên biết tới tội ác, cũng không nên bình luận và thuật kể về tội ác. Nó có khả năng thâm nhiễm và tiềm phục tận trong đáy sâu của tiềm thức. Khi có cơ hội, một cơ hội rất khó ngờ…” (tr. 92 - Tôi in nghiêng). Trước thực trạng nghệ thuật, đặc biệt trên kênh đại chúng nhất là truyền hình, cả trung ương và địa phương tràn ngập phim về âm mưu và bạo lực như hiện nay, đây là một ý kiến rất đáng để những người quản lý và sản xuất phim ảnh suy nghĩ.
Chính có người bạn khá đặc biệt là Tiến, khi anh về Hà Nội ghé Bệnh viện thăm, vì vừa bị thương khá nặng lúc theo đơn vị lính tình nguyện truy kích bọn Khơ me đỏ. Đã ngoài 50 tuổi, không gia đình, chỉ quen ở nơi mũi tên hòn đạn. Nằm viện mà không được mấy người tới thăm, người thân ruột thịt không có, đồng đội thì xa. “Là người của quốc gia, quốc tế, không có gì phải quan tâm riêng, chỉ có cái chung thôi,… Hình như Tiến rất vui, luôn luôn vui những niềm vui người bình thường không thể thông cảm nổi. ”Đó là nhân vật có nguyên mẫu là nhà văn Nguyễn Chí Trung, người lãnh đạo trực tiếp, mà Thu Bồn gọi là người Chạy trốn ra phía trước. “Nhưng lần này thì buồn, cái nhìn buồn, nụ cười buồn, gương mặt cứ gượng gạo thế nào ấy, như che dấu cái gì ấy: “Mọi sự bắt đầu đối với mình đều muộn. Chỉ có một nghề đi chiến trường thôi. Nay mai không còn chiến trường thì đi đâu nhỉ?” (tr.102-103). Viết vào năm 1988, Nguyễn Khải đã không hình dung được sức sống phi thường của Nguyên mẫu Nguyễn Chí Trung. Sau đận bị thương, khi sức khỏe được khôi phục, nhà văn Nguyễn Chí Trung còn có dịp trở lại chiến trường Campuchia, là một trong ba nhà văn ở VNQĐ được phong cấp tướng, có tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út được Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2006, và Giải thưởng Văn học Đông nam Á, có thời gian làm Trợ lý Tổng bí thư, cùng Tổng bí thư đi thăm nhiều nước, trực tiếp xông vào điểm nóng ở nông thôn Thái Bình, hòa nhập để nghe người dân nói thật về nguyên nhân của mọi lộn xộn: Cán bộ, Đảng viên quá hư hỏng để Tổng bí thư có quyết định đúng, làm yên lòng Dân. Ông mất sau nhà văn Nguyễn Khải hơn chục năm (2016).
Lối viết dựa nhiều vào nguyên mẫu này làm nên hầu hết sáng tác của Nguyễn Khải, một thời gọi là “Già ký – non truyện” từng mang lại cho nhà văn nhiều hệ lụy ngoài ý muốn. Nguyễn Chí Trung đương thời cũng đã có phản ứng, nhưng cùng là nhà văn, cùng một cơ quan, hiểu nhau qua nhiều chặng đường, nên cách phản ứng hay nhất là bằng thực tế công việc và sáng tác, chứng minh cho Nguyễn Khải thấy đã nhìn sai về một mẫu người như Nguyễn Chí Trung. Là một người cầu thị, sau Xung đột, viết về Công giáo với nhiều định kiến, sau 1975, tác giả trở lại đề tài này trong Cha và con và, Thời gian của người để cập nhật những nhận thức mới về tôn giáo. Nhưng những bậc chức sắc thuở Xung đột vẫn có mối hận khi bị xúc phạm. Trong Cái thời lãng mạn, tác giả đã kể lại phản ứng của nguyên mẫu Tuy Kiền.
Ông Lê Huy Ngọ, một thời là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, người yêu văn nghệ và rất chịu khó đọc sách văn nghệ, có kể khá nhiều kỷ niệm với nhà van Nguyễn Khải; Thuở Ông còn làm cán bộ Thủy lợi ở Vĩnh Phúc, đã mời được nhà văn về thâm nhập thực tế, để có Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa. Hai mươi năm sau, khi làm Bí thư Tỉnh sau thời ông Nguyễn Kim Ngọc, ông mời nhà văn trở lại để có Cái thời lãng mạn. Mấy năm sau, khi được điều về Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy, ông lại muốn mời nhà văn về thực tế, để bằng kinh nghiệm viết về nông thôn của mình giúp ông phân tích tình hình những nguyên cớ nào làm nên sự không ổn định của tỉnh nhà lúc bấy giờ. Bút ký Hào kiệt tỉnh Thanh khi đăng báo lại gây nên những sóng gió cho nhà văn, vì nhiều nguyên mẫu thấy bị điểm huyệt, tuy đã thay tên đổi họ so với đời thực.
Tháng 5 – 1997, báo Văn nghệ đăng truyện ngắn Sức vượt viết về một anh hùng biệt động Sài Gòn vê cuối đời lo tập họp tư liệu những năm hoạt động chiến đấu xuất quỷ nhập thần, lập nên bao chiến công lừng lẫy của đơn vị Biệt động do ông chỉ huy trong cuốn hồi ký của mình. Trong đó có mẫu chuyện, buổi đầu đời, từ 1946, trong một lần ném lựu đạn, bị truy đuổi, chàng trai trẻ, chạy vào trong ngõ hẻm, né vào một ngôi nhà nhỏ, ông già sau phút bất ngờ, nhận ra là anh chiến sĩ đang tìm nơi ẩn nấp, liền kéo vào gian phòng nhỏ, kéo màn, đẩy anh ta vào. Bên cạnh là cô con gái đang ngủ. Khi bọn truy đuổi vào xét nhà, “Cô gái nhoài người, kéo Năm nằm xuống, xoay mặt anh về phía cô rồi kéo chăn phủ trùm cả hai người”. Khi bị tra hỏi, Ông nói chỉ có đôi vợ chồng con trai đang ngủ. Nhờ mưu trí ông già mà lần đó anh chiến sĩ quân báo non nớt 18 tuổi thoát hiểm. Dù vãn tiếp tục hoạt đông ở thành phố, nhưng mãi đến năm 1976, ông mới có dịp về ngõ nhỏ thăm lại người xưa. Nhân vật cũng đã đổi tên. Nhưng bao nhiêu chiến công và tính cách là của Ông Tư Chu, người chỉ huy biệt động Sai Gòn. Sẽ chẳng có chuyện gì đặc biệt xảy ra, nếu trong truyện ngắn này, Nguyễn Khải, theo lối viết quen thuộc của mình, ghép nối nhiều mảnh đời thực vào một nhân vật hư cấu, ấy là khi đọc tập bản thảo, các con thì có vẻ thờ ơ, nhưng bà vợ đặc biệt chú ý đến chi tiết này. Và phản ứng ghen tuông của bà khá nghiêm trọng. Từ tình quân dân, bà nhìn thấy, đó là mối tình đầu của ông. Từ lòng biết ơn với người xưa, bà nhìn thấy, một đời ông chỉ yêu có người con gái ấy, bà chỉ là người đẻ một đàn con cho ông. Truyện có đề từ bằng ngạn ngữ: Bảy mươi chưa què/ Đừng khoe rằng tài. Và kết thúc bằng câu “Vào tuổi 70, người anh hùng bách chiến đành ngậm ngùi tự nhận là mình đã thua.”
Số báo Văn Nghệ kỷ niệm 30-4 năm 1997 vừa phát hành, chưa kịp vui, nhà văn đã bị phản ứng gay gắt từ phía bà vợ và các con ông Tư Chu, dù tên nhân vật trong truyện là ông Năm. Mặc dầu không vui, nhưng ông Tư Chu hiểu đây là truyện hư cấu. Cũng như trước đây, Nguyễn Khải đã mượn nguyên mẫu là ông trong tiểu thuyết Sư già chùa Thắm và ông Đại tá về hưu. Nhưng vợ con ông đã gửi thư phản đối tời khá nhiều địa chỉ quan trọng, với lý do: Khiếu nại về bài viết của nhà văn Nguyễn Khải. Tự giới thiệu mình là một cán bộ quân đội về hưu, vợ ông Nguyễn Đức Hùng tức Tư Chu, sau khi được nhà văn tặng số báo có bài viết, bà thấy “Với nội dung thiếu xây dựng, bôi bác cuộc sống của gia đình tôi… Thực ra, lúc đầu, mới đọc qua tập hồi ký tôi có hơi bị xóc vì hơn 30 năm chung sống chưa bao giờ nghe ông nói về chuyện tình cảm riêng tư này cả. Sau đó tôi có tìm hiểu thì được biết nhân vật tên Lan (tên thật là Thường) kia hiện còn sống ở Bình Thạnh chỉ là chỗ quen biết sơ giao lúc ban đầu với chồng tôi. Tôi đã mời chị ấy về nhà chơi và gia đình tôi đã gặp gỡ nói chuyện với chị ấy rất là vui vẻ. Vậy mà trong bài viết ông Nguyễn Khải đã dựng hình ảnh một bà vợ (là tôi) đã làm khổ ông chồng trong lúc đau yếu… không được yên thân với bà vợ quá ghen tuông”. Sau khi trích đoạn cuối khá dài của truyện, bà viết: “Chỉ với đoạn văn trên, dùng để ám chỉ mối quan hệ của gia đình tôi – một gia đình đang sống hòa thuận, ấm êm – thì thật là cay độc. Tôi thiết nghĩ một nhà văn chân chính phải có lòng nhân ái, họ dùng ngòi viết của mình để góp phần tạo nên cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp thêm. Chớ không phải đứng bên lề xã hội mà bới móc, mà chửi rủa vô tội vạ. Tôi đã từng tôn trọng ông nhà văn Nguyễn Khải và cũng mong rằng ông nên tôn trọng hạnh phúc gia đình tôi – Người đàn bà khổ tâm.”
Bốn người con của ông Tư Chu cũng ký tên dưới một bức thư gửi Bác Nguyễn Khải với lời lẽ trách cứ khá nặng nề “Cháu không biết và không hiểu được bác viết bài báo trên với mục đích gì. Tuy nhiên cháu đã thấy một kết quả là gia đình cháu đã bị rạn nứt và đổ vỡ từ chính bài báo của Bác”. Ít lâu sau, Nguyễn Khải đã phải lần lượt viết thư thanh minh với bà vợ và các con của ông Tư Chu. Hậu quả của Sức vượt là không chỉ nội bộ gia đình nguyên mẫu, mà tình bạn lâu năm của nhà văn với gia đình nguyên mẫu cũng bị sứt mẻ. Trước đó, khi tiểu thuyết Thời gian của người được in, nhà văn cũng từng bực mình vì “Ông Cục 2 bảo rằng tôi viết làm lộ người của các ông ấy. Khốn nạn chuyện bịa từ đầu đến cuối, mà chuyện về cái anh tình báo chỉ chiếm có ¼ cuốn sách, làm sao mà lộ được. Khổ một nổi, chính cái anh Quân (tên nhân vật) cũng lại lấy chuyện bịa của tôi làm chuyện thực của anh ấy mới khó nói chứ!” (Thư riêng)
Những chuyện ngoài đời đó quan trọng hơn là đã bộc lộ một điểm yếu trong bút pháp, mà cũng là trong tài năng sáng tác của nhà văn: Khả năng tưởng tượng. Thật ra, đây là điều mà nhà văn luôn tự biết, luôn tự nhận trong nhiều dịp có thể. Đây là những lời rất thật: Tôi sống như một nhà giáo, như một cán bộ tuyên huấn, hay như bạn bè thường nói, tôi sống như một tu sĩ. Mọi thứ ở tôi đều có chừng mực. Đó là nhược điểm chết người của một nghệ sĩ. Người sáng tạo phải mê say, phải cuồng nhiệt, phải triệt để trong mọi niềm tin và mọi yêu ghét. Có vậy anh ta mới tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có sức truyền cảm mãnh liệt… Nói gọn một câu, đời riêng của tôi rất nhạt, nhạt như đời một anh cạo giấy từ cổ chí kim… Tôi rất biết tôi, nên không bao giờ tôi đi tìm sự nổi tiếng bằng cái nhạt của mình (Chuyện nghề).
Nhà báo – nhà văn mặc áo lính Nguyễn Khải, 60 năm cầm bút đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ, nhiều tác phẩm đã từng được bạn đọc rộng rãi đón nhận trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, đã đan dệt nên một bức tranh xã hội rộng lớn, với nhiều lớp người, loại người là sản phẩm của những thời khắc đã mãi mãi thuộc về lịch sử. Và chính những tác phẩm đó đã tạc nên chân dung một trong những nhà văn tiêu biểu của thệ hệ nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, có sức viết bền và luôn theo kịp những biến chuyển của đất nước. Năm 2005, khi đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, trong thư chúc tết gửi tới ông Văn Phác, người Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí VNQĐ sau này làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Nguyễn Khải chân thành: “Em nhớ lại những ngày về làm lính của anh, được sống ở Tạp chí VNQĐ, được anh và bạn bè chăm lo, chỉ bảo trong lòng lại bồi hồi bao nhiêu nhớ tiếc. Đó là những năm sống trong sáng nhất, lý tưởng nhất, đẹp nhất của một đời người. Em mãi mãi biết ơn anh, biết ơn bạn bè, không có một môi trường sống thuận lợi ấy, làm sao có thể trở thành một người viết văn được”.
19/10/2020
Ngô Thảo
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...