Thơ đã hút hết “tinh huyết” và “tinh hoa” của Bích Khê, để rồi
khi trút bỏ cuộc đời mình khi vừa 30 tuổi, thơ ông vẫn sống mãi tới ngày hôm
nay.
Bích Khê là một trường hợp khá đặc biệt trên thi đàn Việt Nam
thế kỷ 20. Không để lại quá nhiều tác phẩm và ra đi ở tuổi đời rất trẻ nhưng
ông đã định vị một tiếng thơ riêng, độc đáo và đầy mỹ cảm.
Cuộc đời ngắn ngủi và đau khổ
Bích Khê là con út trong một gia đình yêu văn chương, được mẹ và chị rất mực
thương quý chăm sóc nên từ nhỏ đã được đọc nhiều sách vở và có thời gian để
sáng tác.
Tài năng của Bích Khê bộc lộ khá sớm. Làm thơ từ lúc 15 tuổi (1931), theo các
thể cổ điển như Đường luật, từ khúc, hát nói, đăng trên các báo Tiếng
dân (ở Huế), Phụ nữ tân văn (Sàigòn) và Đông Tây (Hà nội).
Từ năm 1935 Bích Khê bị mắc bệnh lao phổi, Phải điều trị ở bệnh viện lao
Pasquier, Huế, trong hơn một năm. Sau đó để dưỡng bệnh, chàng thanh niên trở về
sống bên lòng mẹ, lòng chị. Nhờ hoàn cảnh tốt, tình gia đình đậm đà nên Bích
Khê ở nhà được một thời gian khá lâu.
Trong thời kỳ này ông tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ Đường luật, gửi đăng ở
các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Người Mới với bút hiệu Lê Mộng
Thu hoặc Bích Khê. Bích Khê đã tỏ ra rất xuất sắc ở những bài thơ ấy và rất được
hoan nghênh.
Thể chất càng ngày càng suy nhược cùng với mối tình nồng nàn không thành với Ngọc
Kiều đã khiến Bích Khê đắm chìm trong đau khổ.
Nhưng chính trong tâm trạng đau buồn, tuyệt vọng ấy, hồn thơ Bích Khê tuôn ra
lai láng, và chín rộ.Nhà thơ Bích Khê. Ảnh: tư liệu.
"Tinh huyết" và thơ lõa thể
Sau giai đoạn sáng tác thơ Đường, năm 1936 Bích Khê bắt đầu sáng tác thơ mới. Tinh
huyết là tập thơ duy nhất xuất bản khi ông còn sống, nhưng chỉ với tập thơ
này, Bích Khê đã trở thành một trong những thi sĩ tài hoa, độc đáo của thi ca
hiện đại Việt Nam.
Bích Khê cũng như nhiều tác giả Việt Nam lúc bấy giờ đều chịu ảnh hưởng của các
trường phái thi ca hiện đại của phương Tây cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20: chủ
nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực.
Đặc biệt ông chịu ảnh hưởng của mỹ học Baudelaire mà ông tôn làm “Vua thi sĩ” (Người
ăn mày - Tinh huyết). Nhưng ông không dừng ở đó, mà còn tiếp biến nhiều quan điểm
nghệ thuật khác của các nhân vật cự phách thuộc các trường phái nói trên:
Rimbaud, Verlaine, Mallarmé v.v… Mặc dù không phải là người độc nhất trong số
các nhà thơ đương thời đã tiếp nhận ảnh hưởng của phương Tây, nhưng ông là người
hơn ai hết muốn đi đến tận cùng của lý thuyết các trường phái ấy.
Tập thơ Tinh huyết có ba phần: Nhạc và lệ, Đẹp và dâm, Cuồng và
ánh sáng. Nhưng người đọc thơ Bích Khê dễ thấy tinh thần của phần giữa quán xuyến
cả tập thơ.Tập thơ Tinh huyết của Bích Khê.
Với Tinh huyết, có thể nói Bích Khê làm "thơ dâm", hiểu theo
nghĩa ông phơi mở và đề cao thân thể phụ nữ và các hoạt động thân thể mà ông tụng
ca là Đẹp, là Thơ. Giống như thơ Hồ Xuân Hương bị coi là dâm nhưng đó thực là
thơ ca ngợi vẻ đẹp cơ thể phụ nữ và đòi quyền sống cho thân xác con người trong
tình yêu đôi lứa.
Ở đây không cần phải biện hộ gì cho chữ "dâm", Bích Khê đã đặt Dâm
ngang hàng với Đẹp, và như thế với ông đó là một phạm trù thơ. Tên phạm trù đó,
loại thơ đó Bích Khê cũng đã đặt: thơ lõa thể. Và ông tự nguyện hiến mình cho
loại thơ này. “Thơ lõa thể! Giai nhân tuần trăng mật Nữ thần ơi! Ta nô lệ bên
người”.
Bích Khê bày tỏ sự trần truồng một cách rất thanh tao, trong bài Mộng cầm
ca có những câu thơ láy đi láy lại rất khéo:
“Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ…"
Nhưng cũng có những khi chàng thi si tỏ ra thèm khát, vồ vập, đầy trần trụi:
“Tôi vồ người như một miếng mồi ngon/ Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son/ Mắt đổ
lửa lườm qua làn sóng sắc… Tôi giật nẩy rồi cười lên sặc sặc/ Hai tay cào đôi vú
trắng như bông”.
Đó là biểu hiện của sự đói khát, thiếu hụt, trống vắng trong thế giới nội tâm của
chàng thi sĩ, gợi ta nhớ tới phức cảm Pigmalion. Bích Khê ca ngợi xác thịt. Với
ông, tình yêu chân thành là tình yêu cộng hưởng cả tâm hồn lẫn thân xác. Là cái
đam mê cuồng loạn, nhưng người ta không tìm thấy trong thơ Bích Khê một người
con gái nào bằng xương bằng thịt. Ông chạm khắc nên một bức tượng xác thịt của
mọi người con gái mang trong mình tính Nữ.
Sự đậm đặc những hình ảnh, cách nói về thân xác và hoạt động thân xác ở thơ
Bích Khê như ta đã thấy không hề là ngẫu nhiên. Bích Khê có lẽ là nhà thơ ca tụng
thân xác say sưa và nồng nhiệt nhất thơ Việt.
Cả cuộc đời ngắn ngủi, Bích Khê đã hiến mình cho thơ, với tất cả mọi tinh huyết,
tinh hoa của bản thân.
Đến nay ý thơ Bích Khê có lẽ vẫn còn quá mới. Nhưng thế giới thơ đầy nhục cảm,
tuyệt cùng, dâm đãng, nhưng đẹp đẽ, thuần khiết của Bích Khê vẫn đầy hấp lực với
những kẻ dị mộng yêu thơ.
Như nhạc sĩ Phạm Duy đã tìm thấy trong thơ Bích Khê những tiếng nhạc đồng cảm,
và xem Bích Khê là tâm giao, dù sinh thời, Phạm Duy chưa từng gặp Bích Khê. Phạm
Duy đã phổ nhạc 10 bài thơ của nhà thơ ông yêu quý này thành một hợp khúc và đặt
cho nó cái tên Dị khúc Bích Khê.
Phong LinhNguồn: Zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét