Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Mùa xuân của Lam

Mùa xuân của Lam

Chương 1
Lam đứng tựa “lan can”, đôi mắt nhìn thật sâu trong rừng lá xanh um của Thảo Cầm Viên. Giá Saigon cũng có mùa Đông như Hà Nội thì có lẽ giờ phút nầy Lam đang ngồi bên cạnh lò sưởi hoặc đã nằm quấn chăn thật kỹ rồi. Một vài tia nắng yếu ớt rót xuống đỉnh đầu Lam, Lam vui thích hong mình trong sợi nắng vàng hắt hiu như đang tìm hơi ấm nồng nàn của một vòng tay ôm.
Sân trường hôm nay nhộn nhịp khác thường, sinh hoạt gần Tết bao giờ cũng vậy. Học trò dường như vui hơn lên, không hiểu vì những ngày Xuân tươi thắm hay những ngày nghỉ thoải mái, êm ả nhẹ nhàng?
Bốn mùa Xuân qua, bốn năm ấp ủ thương yêu dưới mái trường nhiều kỷ niệm đẹp này. Lam thấy mình lớn hẳn lên theo tháng ngày đong đưa lướt trên tà áo trắng trinh nguyên của tuổi học trò.
Chỉ còn hai năm nữa Lam sẽ phải từ bỏ ngôi trường này, không khí thân yêu này để tập tễnh bước vào cuộc đời sinh viên. Hai năm ! Đối với mọi người có lẽ lâu lắm thì phải ? Nhưng với Lam, thời gian nghe sao gần gũi quá. Lam sợ và không muốn ngày đó đến với mình.
Lam thích học buổi chiều, buổi chiều bao giờ cũng đẹp và hiền hòa hơn buổi sáng. Ngày đâu tiên đi học buổi sáng, Lam đã nói đùa với các bạn: “Kể từ hôm nay mình bắt đầu là nữ sinh cựu, đàn chị của trường này nhé!” Các bạn Lam cười đùa thật hồn nhiên, riêng Lam, không được vui cho lắm. Lam cũng chẳng hiểu tâm trạng mình ra sao, khi thì thích  thế này, khi thì mong thế nọ. Có lúc Lam muốn được mọi người xem mình là người lớn, cũng có lúc Lam chỉ muốn bé mãi mà thôi! Tư tưởng thật quái gở, luôn luôn bắt Lam phải lựa chọn, và chưa bao giờ Lam quyết định thẳng thắn rằng Lam thích cái nào? Hỏi bạn bè thì đứa thích làm người lớn, đứa thích làm trẻ con và luôn luôn lũ thích làm người lớn chiếm đa số!
Lam nhìn ra ngoài đường, con đường mà học sinh đã đổi tên là “khu vườn thỏ bạch”. Hàng quà bao giờ cũng đông khách. Chả trách người ta bảo con gái hay ăn quà vặt là phải lắm. Chẳng oan tí nào cả !
Những tà áo trắng phất phơ dưới đường trông đẹp làm sao ! Giá đừng có bức tường của Thảo Cầm Viên nằm trơ trẽn phân chia ranh giới thì Lam đã tưởng tượng đây là khu vườn riêng biệt của một đàn thỏ bạch rồi ! Bức tường vô duyên quá đỗi ! Thật tình cờ, Lam nhận diện được vẻ đẹp thầm kín của con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai hàng cây me chạy dài trên suốt con đường, tàng lá xanh um che kín mặt trời, con đường sâu thăm thẳm trông như một lối đi dẫn vào một cõi xa xăm huyền ảo nào đó. Giá đừng có ai cả, nghĩa là con đường thật vắng, chỉ mình Lam thôi, Lam sẽ bước thật nhẹ nhàng, thật êm ái để nghe bước chân mình đang hòa nhịp với tiếng đàn thánh thót của cây cỏ và tiếng hát nức nở của chim muông. Ôi ! Còn gì đẹp bằng.
Đằng xa, mấy chàng nam sinh Võ Trường Toản muôn đời vẫn thế ! Đến thật sớm, ngồi rải rác hai bên lề đường trêu ghẹo bọn nữ sinh trường Lam. Lam nghe các chị lớp lớn nói rằng đó là cửa ải mà nữ sinh Trưng Vương rất đau khổ mỗi lần đi ngang ! Ngày trước, con đường Lê Thánh Tôn còn lưu thông được, cô bé nào muốn tránh cửa ải đều dùng con đường này. Nhưng bây giờ người ta đã rào thật kỹ, Lam nghe nói đó là lãnh thổ của Hải Quân, mỗi lần đọc hàng chữ “khu vực bất khả xâm phạm, vượt qua binh sĩ sẽ nổ súng” nghe mà phát ớn!
Tự dung Lam thấy ghét cay ghét đắng những cuộn concertina trơ tráo đó. Trông nó hung dữ vô cùng, một hiện tượng đau lòng mà hàng ngày Lam phải đối diện. Giữa thành phố còn có bộ mặt của chiến tranh hiện diện nữa là nói chi đến những vùng thôn quê hẻo lánh ! Những phút thanh bình của dòng tư tưởng chưa bao giờ ngự trị thật lâu trong tiềm thức Lam. Bởi những con mắt kẽm gai đục ngầu lửa đỏ nằm đó luôn luôn nhìn Lam bằng những tia không thiện cảm mặc dù nó là vật vô tri !...
Không khí bây gờ ồn ào hơn lúc nãy, từng đám đứng líu lo nói chuyện trông yêu đời hơn bao giờ hết, Lam vui lây với cái không khí ồn ào náo nhiệt của một ngày gần Tết.
Thảo từ ngoài cổng trường đi vào, con bé hôm nay trông diện ác ! Chiếc áo len trắng khoác hững hờ trên người làm tăng thêm vẻ thùy mị của Thảo. Lam ngắm Thảo không chớp mắt, dáng đi của con bé trông thảnh thơi và yêu đời lạ.
Thảo là bạn thân của Lam từ lớp đệ thất cho đến bây giờ, ít khi nào người ta thấy hai đứa rời nhau, bạn bè vẩn gọi đùa Lam Thảo là “Trương Chi-Mỵ Nương”. Lam và Thảo rất hãnh diện với cái tên này vì đó là bằng chứng nói lên tình bạn thân thiết của hai đứa.
Chưa bao giờ Lam và Thảo giận nhau thật lâu vì luôn luôn có một người nhận lỗi sau cơn nóng nảy. Một đức tính tốt, một “giao ước” mà Lam và Thảo đã đặt ra khi hai đứa kết bạn với nhau.
Tình bạn của Lam và Thảo cũng đã được năm tuổi như thời gian Lam trưởng thành dưới mái trường này. Mỗi năm, Lam và Thảo đều tổ chức ăn mừng sinh nhật tình bạn của hai đứa. Đó là ngày vui nhất trong đời của Lam và Thảo.
Vừa trông thấy Lam, Thảo cười duyên hỏi :
- Có gì vui mà trông mày hớn hở thế ?
Lam nhìn bạn trả lời :
- Sắp được “lì xì”.
- Bé nhỉ!
- Chứ đòi lớn với ai?
Thảo đưa tay gạt nhẹ những sợi tóc phủ xòa trên mặt :
- Chờ chút nghe. Chị vào cất cặp cái đã.
- Chị cái này này!
Lam vừa nói vừa vỗ tay vào cùi chỏ, Thảo cười thật nhí nhảnh, bước nhanh vào lớp. Một lúc sau, Thảo trở ra với gói ô mai trên tay, Thảo chìa ra trêu tức Lam rồi nói :
- Xin đi chị cho!
- Còn lâu! Bữa nay mắc chứng gì mà mày lên mặt chị với tao hoài vậy?
- Tại mày đòi làm em bé!
- Vô duyên! Đòi bao giờ?
- Vừa lúc nãy!… Để Tết chị “lì xì” cho!
- Im đi !
Thảo cười, dúi gói ô mai vào tay Lam, hai cô bé lơ đãng nhìn những tà áo trắng nhởn nhơ, đùa giỡn trong sân trường. Một vài cô tinh nghịch, cột đuôi áo dài chơi nhảy dây, trông thật buồn cười hết sức. Lam có cảm tưởng chừng hôm nay là ngày triển lãm áo len của các nàng, những chiếc áo xanh đỏ tím vàng, đủ màu sặc sỡ làm tăng thêm vẻ tươi vui của những ngày vừa học vừa chơi.
Bọn Lam vẫn thường gọi đùa những buổi học gần Tết như vậy vì chẳng có đứa nào chịu học cả, vừa thấy cô bước vào lớp, chúng đã nhao nhao lên xin cô cho nghỉ, ngồi nói chuyện gẫu chơi ! Và bây giờ nếu đi lục từng cái cặp một, chắc chắn khó mà tìm thấy cái cặp nào không có gói hạt dưa nằm thật khêu gợi trong đó ! Những ngày tâm sự giáp Tết, gần như là một thông lệ mà cho đến bây giờ Lam vẫn chưa hiểu nó xuất phát từ đâu ? Và từ bao giờ ?
Thảo để mặc Lam theo đuổi với những ý nghĩ trong đầu, chưa bao giờ Thảo phá Lam trong những giây phút yên lặng này vì Thảo biết Lam quý nó lắm và riêng Thảo, Thảo cũng tôn trọng vô cùng. Một vài con én bay thảnh thơi giữa bầu trời trong xanh không vẩn đục. Những buổi sáng như thế này không còn gì tuyệt diệu bằng ! Thảo mơ màng nhìn đôi cánh én bay lẻ loi, tách rời đồng bọn, Thảo chợt ước ao giá có một bà Tiên huyền diệu nào đó ban cho Thảo và Lam một đôi cánh, hai đứa sẽ bay lên tận đỉnh trời để xem mây nó ra làm sao ? Thảo còn nghe người ta nói mây có chín từng cơ ! Một từng đã xa lắc xa lơ như thế kia rồi, lên được chín từng chắc là vất vả lắm ! Thảo thầm nghĩ như vậy và giấc mơ lên thăm mây thăm trời vẫn không bao giờ chết trong tâm hồn của Thảo.
“Apollo còn lên đến mặt trăng nữa là !”, Thảo vẫn thường bảo đùa với Lam như vậy. Con người bây giờ văn minh thật và khoa học tiến bộ không thể tưởng. Những bài hát tưởng tượng viếng cung trăng dành cho nhi đồng trong mùa Trung Thu bây giờ đâu còn giá trị như ngày xưa nữa ? Giấc mơ thành sự thật không thích thú và lôi cuốn bằng giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Biết thế nhưng Thảo vẫn muốn ước mơ phải thành sự thật. Tuổi trẻ thường háo hức và tham lam vô cùng, câu nói của ai Thảo quên mất rồi và Thảo thấy đúng lắm.
Bây giờ lại đến lượt Lam ngạc nhiên theo dõi Thảo. Thường thì Lam thấy Thảo vô tư lắm, ít khi Thảo chịu suy nghĩ về bất cứ một chuyện gì. “Một hiện tượng lạ” Lam nhẩm trong đầu một câu nói khoa học và mỉm cười kín đáo. Lam vẫn thường thắc mắc đến cái tuổi biết suy tư và ngày đó đến với Lam tự bao giờ, lúc nào Lam cũng không hề hay biết. Cho đến một hôm, Thảo nói với Lam : “Người lớn nhỉ ! Biết suy tư rồi cơ à ?”, Lam mới giật mình thật và sửng sốt, không biết có phải mình đã đến tuổi biết suy tư chưa ?
Lam ngậm nốt miếng ô mai cuối cùng rồi thả bao ny lon bay lơ lửng trên lầu hai xuống. Trò chơi này vẫn bị bà Tổng Giám Thị lưu ý luôn thế mà bọn học sinh nào có sợ ! Vẫn nghịch ngợm như thường và đứa  nào vô phước bị bắt quả tang, chắc chắn lãnh đủ ba ngày nằm “dưỡng lão” ! Học sinh vẫn gọi đùa những ngày bị đuổi học là những ngày dưỡng lão.
Một vài cái đầu ở lầu một nhô ra ngước nhìn lên, Lam không quan tâm mấy vì đã quá quen với những khuôn mặt đanh đá này, không gì xấu bằng cảnh hai đứa con gái cãi nhau. Lam nghĩ vậy và Lam rất sợ những cuộc đấu võ mồm như thế. Thà hùng hổ, đấm đá như bọn con trai coi còn đẹp mắt hơn, nhưng con gái mà đánh nhau thì hết chỗ nói rồi. Bản tính Lam vốn rất hiền hòa, nên Lam thường bị Thảo mắng mỏ là hèn, nhu nhược. Chưa bao giờ Lam cãi lại để dành thiên chức “anh hùng”, con gái mà cứ đòi làm anh hùng như con trai coi sao được !?
Những con mắt khó chịu, đanh đá ở lầu một cắt đứt tư tưởng đang luân lưu trong đầu Thảo. Thảo nhìn lại, khiêu chiến. Mỗi bên trả lời nhau  một cái bĩu môi rồi cùng quay đi chỗ khác. Thảo không đanh đá nhưng Thảo cũng chẳng chịu lép vế trước một ai. Thật buồn cười và Thảo vẫn biện luận rằng hành động của Thảo là bản năng tự vệ, chống lại sự khiếp nhược !
Lam biết tính Thảo hay cãi vã, và đã cãi là phải cãi cho bằng được vì thế luôn luôn Lam lên mặt đàn chị nhường nhịn Thảo. Thảo thắng cuộc nhưng tức vô cùng vì ngẫm cho kỹ thì người ta nhịn mình chứ không phải người ta thua ! Lam vẫn thường cho Thảo là háo thắng và sau mỗi lần cãi vã kịch liệt, hai đứa chỉ nhìn nhau cười xòa vì đứa nào cũng ngang, đứa nào cũng có lý, cãi nhau đến mai cũng chưa xong.
Lam tì một tay lên lưng Thảo hỏi :
- Mày nhận được báo biếu chưa ?
- Thảo nhìn bâng quơ trả lời :
- Rồi !
- Sao tao chưa có ?
- Lại gặp chị Trưởng ban báo chí mà lấy!
- Xuân năm nay ế phải không mày?
- Ừ! Thời buổi khó khăn, ăn còn chưa xong nữa lấy tiền đâu mua báo?
- Mày đã dự định tổ chức tất niên chưa?
- Tụi nó giao cho mày mà?
- Mình tao lo sao xuể? Cả mày nữa chứ!
- Tí nữa vào lớp tính!
Chuông reo, báo hiệu đến giờ học, Lam và Thảo đứng xếp hàng chung với các bạn ngay cửa lớp. Cái cảnh xếp hàng bao giờ cũng thật uể oải và nhàm chán, nhưng đó là kỷ luật chung của các trường, học trò bất đắc dĩ phải tuân theo !
Lam thấy thà rằng cứ để học sinh tự ghép mình vào kỷ luật còn hơn là ép buộc để học sinh phải thi hành một cách miễn cưỡng. Hàng lối lệch lạc, “xóm nhà lá” khúc đuôi bao giờ cũng ồn ào, một vài đứa đùa nghịch xô đẩy nhau, tiếng cười đùa oang oang muốn nói chuyện phải hét thật to họa may bạn bè mới nghe thấy. Mùi nước hoa thơm nhẹ nhàng từ người Hà tỏa ra làm Lam thấy dễ chịu đôi chút.
Lam huých nhẹ Hà trêu chọc :
- “Thằng” nào cho ?
- Cho cái gì ?
- Nước hoa !
Hà tròn xoe đôi mắt, cố c nhẹ vào đầu Lam rồi trả lời :
- Nói bậy ! Tao mới mua !
- Loại nào ?
- “Ta-Bu” !
- Sang thế !?
- Chuyện ! Tết mà !
Lại Tết ! Cái gì cũng Tết ! Ngày xưa thì Lam thích Tết thật, nhưng bây giờ lớn rồi, Lam không còn háo hức, mong đợi như trẻ con nữa.
Thảo nhìn Lam, hai đứa cùng cười với nhau, cái cười đồng lõa không có ý nghĩa thường có ở hai đứa. Lam vẫn thường thắc mắc về nụ cười này và có lần Lam hỏi Thảo ý nghĩa của nụ cười đó ra sao ? Cả hai đứa đều chịu, không thể giải thích được và Lam đặt cho nó cái tên “nụ cười giao duyên”. Thảo thấy hay hay nên dùng quen mồm và có lần Thảo bị hố to, Lam được một phen cười, chết thôi.
Hôm đó tan học, Lam và Thảo đợi cho bạn bè về hết, hai đứa mới bắt đầu thả bộ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đi ngang trường Võ Trường Toản, một vài cậu quần xanh áo trắng kè theo trêu ghẹo. Lam và Thảo đều buồn cười trước những lời tán đầy tính chất cải lương của bọn con trai, nhịn không được, Thảo bật cười. Một thằng trong bọn hỏi :
- Cười gì thế cô em ?
Thảo quen mồm trả lời tuốt luốt :
- Cười giao duyên !
Bọn con trai nghe trả lời thích quá, tấn công mạnh hơn, Lam và Thảo một phen hú vía, bấn cả lên, cắm đầu đi cứ như là chạy. Từ hôm đó, Thảo cẩn thận hơn, không dám dùng thường xuyên ba chữ “cười giao duyên” nữa.
Cô Nguyệt vừa xuất hiện ở cuối hành lang, cả bọn im thin thít, cái “kỷ luật tự động” của đám học trò. Lam thích cái kỷ luật tự động nầy hơn là sự bắt buộc, gò bó.
Cô Nguyệt cho học trò vào lớp, từng hàng nối đuôi nhau, công việc này, học sinh thuộc lòng và thi hành như một cái máy. Lam và Thảo ngồi ngay bàn đầu, thỉnh thoảng một vài đứa đi ngang, tinh nghịch tát mạnh Lam hay Thảo một cái rồi lẩn nhanh về chỗ. Lam và Thảo đã quá quen với cử chỉ đùa yêu của bạn bè nên hai đứa không bao giờ giận mà lại còn vui nữa là đằng khác.
Ngồi bên cạnh Lam là Hà và cạnh Thảo là Thủy, bốn đứa nổi tiếng là hiền và ngoan nhất lớp nên năm nào bọn Lam cũng được xếp ngồi chung với nhau ở bàn đầu. Cả lớp đứng lên cho đến lúc cô Nguyệt bước lên bục, cho học sinh ngồi xuống.
Tiếng nói chuyện lại nổi lên tứ phía, Tuyết ở cuối lớp nói vọng lên :
- Hôm nay giờ cuối của cô, cô cho tụi em nghỉ đi cô !
Cô Nguyệt cười, để  lộ hai chiếc rang khểnh thật xinh. Diễm nịnh :
- Cô đẹp quá !
Phượng xen vào :
- Cô đẹp nhất trường ! Tụi em bầu cô làm hoa hậu đó cô !
Cô Nguyệt vẫn giữ nụ cười trên môi hỏi :
- Học đi chứ ! Không lẽ nói chuyện gẫu cho hết giờ sao ?
Tuyết trả lời :
- Học chán lắm cô ơi ! Gần Tết rồi tụi em học không vô !
Cả lớp cười, cô Nguyệt khẽ hất đầu, gạt mấy sợi tóc ra đằng sau, nhìn quanh lớp rồi cất tiếng :
- Thế các em muốn nói chuyện gì nào ?
Diễm trả lời thật nhanh như đọc một bài học thuộc lòng :
- Chuyện tình cảm của cô ạ !
- Cô làm gì có chuyện tình cảm !
- Dạ ! Phải có chứ ạ ! Vì tụi em còn có nữa là huống chi cô !
Cô Nguyệt gài bẫy :
- Thế em có không ?
Diễm vẫn vô tình :
- Dạ, có chứ ạ !
- Nếu có thì em kể chuyện tình cảm của em trước đi rồi cô sẽ kể chuyện của cô sau.
Cả lớp cười, vỗ tay ủng hộ lời cô Nguyệt. Diễm bấn cả lên, không biết xoay sở đường nào, đã vậy còn bị mấy đứa bạn ngồi bên cạnh kéo đứng dậy, đẩy ra khỏi chỗ.
Diễm níu mép bàn, cố ghì người lại ở lối đi giữa lớp. Hàng trăm con mắt đổ dồn về phía Diễm, con bé ngượng chín người nhất định không lên, cố gắng chống chỏi sự lôi kéo của bạn bè.
Chợt cô  Nguyệt nói :
- Lên đây Diễm ! Em kể chuyện tình cảm của cho cô và các bạn nghe với nào !
Tiếng vỗ tay lại nổi lên, lời nói của cô Nguyệt như một động lực thúc đẩy Diễm, trong một thoáng lì lợm, Diễm buông mép bàn, bình tĩnh bước lên bục đứng ngang với cô Nguyệt. Nhiều tiếng hoan hô vang dậy, Diễm không còn lo sợ và thẹn thùng, bình tĩnh xoay qua cô Nguyệt xin phép rồi hướng về các bạn mở đầu câu chuyện :
- Thưa cô, thưa các bạn ! Năm hết Tết đến, thời buổi kiệm ước song hành, không biết mừng tuổi cô và các bạn cái gì ! Diễm chỉ có một câu chuyện tình cảm vui vui, xin kể để gọi là quà biếu cô và các bạn nhân dịp Xuân về. Thưa các bạn !...Tình cảm là cái gì ?
Tiếng cười lại rộn lên, từ nãy đến giờ Lam, Thảo, Hà, Thủy vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện. Lam có vẻ thích thú và nghĩ rằng mình sắp được nghe một vài kinh nghiệm của con “quỉ sứ”.
Thỉnh thoảng Lam vẫn đọc một vài quyển truyện tình cảm nhẹ nhàng loại Hoa Tím của Tuổi Hoa. Lam không thích đọc những quyển tiểu thuyết tình cảm xã hội vì Lam nghĩ rằng tuổi của Lam chưa được phép đọc những chuyện tình cảm lăng nhăng đó. Những nhân vật trong truyện thường lôi cuốn Lam một cách kỳ lạ vì vai chính thường là những cô bé ở lứa tuổi vừa lớn như Lam. Lam và Thảo vẫn hằng thắc mắc về hai chữ “tình cảm” và hai đứa cũng đang hồi hộp chờ chuyện tình cảm đến với mình không biết giờ phút nào ? Ngày nào ?
Giọng Tuyết thật chanh chua :
- Thì cứ hiểu đại khái tình cảm là một thứ tình thương “đặc biệt” đi.
Diễm tiếp :
- Vâng, thì đặc biệt. Thưa các bạn ! Từ xưa truyền rằng hễ cứ dính dấp vào chuyện tình cảm thì rắc rối và lôi thôi lắm. Danh từ thời đại chúng ta dùng là “nhức đầu”. Tình cảm thì phức tạp vô cùng, thế nhưng không ai tránh khỏi cả. Vấn đề đặt ra là nó đến không biết lúc nào, sớm hay muộn mà thôi. Thưa các bạn ! Hẳn tất cả các bạn có mặt trong lớp hôm nay, đa số đang hồi hộp chờ đợi cái tình cảm vô hình đó. Và riêng Diễm, nó đã đến với Diễm lúc nào Diễm cũng chẳng hay, chỉ biết rằng chuyện xảy ra như thế này !...
- Y như bà cụ non. Văn chương đâu mà lưu loát thế !
Hà lẩm bẩm phê bình, Lam cũng nhận thấy Diễm hôm nay ăn nói trôi chảy thật. Lam kiểm soát từng khuôn mặt trong lớp, hai phần ba chăm chú theo dõi, còn một phần ba thì đùa cợt. “Chắc cái đám này sành sỏi lắm hay sao mà tỉnh thế không biết nữa !” Lam nghĩ thầm như vậy.
Cô Nguyệt vẫn ngồi trong tư thế thật thảnh thơi, đôi mắt cô không rời Diễm. Thỉnh thoảng cô gõ nhẹ cây bút nguyên tử xuống bàn như đang gõ nhịp.
Theo như lời giới thiệu của cô hôm đầu năm thì Xuân này cô vừa tròn hai mươi bốn tuổi ! cô còn quá trẻ, có thể nói là cô trẻ nhất trong tất cả các giáo sư dạy ở trường. Lam vẫn nể phục cô và rất thích cương vị của cô hiện tại. Lam ao ước sau này lên Đại Học, Lam cũng sẽ chọn văn khoa và đi dạy học như cô. Cô Nguyệt hiền và rất thương học trò vì thế chưa bao giờ lũ bạn của Lam đùa giỡn quá trớn. Chính vì đức tính biết kềm hãm đúng lúc này mà lớp của Lam được cô Nguyệt thương yêu nhất…
Phượng nôn nóng :
- Tiếp đi chứ ?
Diễm nhìn lên trần nhà, chớp chớp đôi mắt trả lời :
- Để hồi tưởng cái đã nào !
Cô Nguyệt bật cười trước câu nói khôi hài của Diễm, Diễm tiếp :
- Thưa các bạn ! Chuyện xảy ra như thế này…Số là Diễm có một anh bạn rất thân, chơi với nhau từ bé cho đến bây giờ, nhà anh ta ở bên cạnh nhà Diễm. Từ trước đến giờ Diễm và anh ta chỉ xem nhau như bạn bè thế thôi…Cho đến một hôm, trong một buổi nói chuyện, Diễm chợt nhận thấy cử chỉ lúng túng, e thẹn khác lạ của anh ta và riêng Diễm cũng xấu hổ và ngượng ngùng làm sao ấy !...
Tuyết xen vào :
- Cảm tình “đặc biệt” rồi !
Diễm nói :
- Vâng ! Anh ấp a ấp úng mãi, Diễm chỉ nghe được một câu như “tớ thích Diễm lắm”!...
Cả lớp cười ồ ! Phượng phát biểu ý kiến :
- “Quê” quá vậy !? Thời buổi này mà còn “tớ” với “tiếc” à ?
Tuyết hét lên :
- “Nhi đồng Giao Chỉ mà !”
Tiếng cười lớn hơn nữa, Diễm đứng yên, chờ cho ồn ào lắng xuống rồi mới tiếp :
- Và cũng từ hôm đó, Diễm thấy mình có vẻ mến anh ta nhiều hơn !...Thưa cô, thưa các bạn ! Chuyện tình cảm của Diễm đến đây là hết ! Không biết đó có phải là “tình cảm đặc biệt” đã đến với Diễm không ? Xin cô và các bạn giải đáp dùm ! Kính chào cô, chào các bạn…
Tràng pháo tay nổi lên, Diễm bước  xuống bục trở về chỗ ngồi. Cô  Nguyệt rời ghế đứng dậy, nhìn xuống cuối lớp cất tiếng hỏi :
- Em nào giải đáp được thắc mắc của Diễm ?
Tuyết giơ tay xin phát biểu ý kiến. Cô Nguyệt gật đầu ra hiệu cho Tuyết đứng lên, Tuyết cất giọng :
- Thưa cô. Thưa các bạn ! Theo em thì “tình cảm đặc biệt” đã đến với Diễm vì nếu chỉ  là một tình bạn thông thường thì Diễm đã không có những cử chỉ e thẹn và anh chàng kia cũng vậy, làm gì phải lúng túng khi đứng nói chuyện với một người bạn ?
Phượng phản đối kịch liệt :
- Bậy ! Thưa cô, em bác bỏ lập luận của Tuyết. Đó không phải là tình cảm đặc biệt mà là một phản ứng tự nhiên khi hai bên chợt nhận thấy rằng mình đã lớn.
Hà lên tiếng :
- Sai bét ? Thưa cô, theo em đó không phải là tình cảm đặc biệt mà cũng chẳng là phản ứng tự nhiên gì cả ? Một sự “bất bình thường” chợt có giữa hai tâm hồn đang ở trong lứa tuổi vừa lớn.
Thủy đứng dậy :
- Thưa cô, theo em đó là sự e thẹn tự nhiên phải có giữa một “anh” và một “chị”.
Thảo khôi hài :
- Thưa cô, đó là “phản xạ tự nhiên” của những tia nhìn bất chánh !
Cả lớp được một phen cười vỡ bụng, cô Nguyệt cũng vui lây với những ý kiến thật ngộ nghĩnh của đám học trò.
Cô vẫn ngồi yên để mặc cho học sinh tha hồ bàn cãi. Mỗi đứa một lý lẽ, đứa nào cũng muốn lý của mình phải, lý của mình đúng, không khí trở nên sôi động và gay cấn hơn.
Lam, Thảo, Hà, Thủy ngồi châu đầu với nhau, phân tách từng ý kiến. Hà có vẻ liến thoắng nhất trong bọn, vừa nói vừa chìa tay, trông cứ y như một nữ luật sư đang hùng biện trước tòa. Thỉnh thoảng một vài đứa đứng dậy góp ý kiến rồi lại ngồi xuống bàn cãi tiếp. Thời gian trôi qua thật mau, chỉ còn khoảng hai mươi phút nữa thì hết giờ.
Bỗng Lam đứng dậy xin phát biểu ý kiến:
Thưa cô, theo ý kiến của riêng em thì không thể quyết định vội vàng đó là “tình cảm đặc biệt” được! Tình cảm theo đúng nghĩa đặc biệt của nó thì điều quan trọng và căn bản là thời gian. Chỉ có thời gian mới xác định được rằng tình cảm đó có đặc biệt hay không mà thôi! Không phải chỉ một tia mắt, chỉ một thoáng nghĩ, chỉ một cử chỉ mà chúng ta đã quả quyết rằng đó là “tình cảm đặc biệt” được! Và thưa cô! Theo em, tình cảm không có tiếng sét! Nếu bảo rằng tiếng sét đã đến với ta thật bất ngờ thì tình cảm cũng ra đi thật nhanh chóng! Kết luận: cảm tình đặc biệt phải được xây dựng bằng thời gian!
Tiếng vỗ tay vang dội khi Lam vừa nói dứt câu, những tràng pháo tay thật dài không chấm dứt là những câu khen tặng âm thầm đầy ý nghĩa dành cho Lam. Một chút hãnh diện chợt dâng lên trong Lam và chính Lam, Lam cũng không hiểu tại sao? Động lực nào? Đã thúc đẩy Lam nói được những câu quá ư là hay như vậy?
Thảo, Hà, Thủy vỗ tay to nhất và lâu nhất. Tự dưng Thảo phục Lam kinh khủng, “con bé nầy ghê thật! Thế mà mình cứ tưởng nó khờ khạo lắm!” Thảo thầm nghĩ như vậy.
Lam ngượng chín người, mặt ửng đỏ, cúi gầm xuống trong khi bạn bè được thể, cố tình vỗ tay lâu hơn.
Cô Nguyệt thì không ngạc nhiên cho lắm vì từ lâu cô vẫn nghĩ rằng Lam rất tinh khôn và chín chắn. Cô thương Lam nhất lớp vì Lam có đầy đủ đức tính của một đứa học trò vừa ngoan vừa giỏi. Cô nhìn Lam trìu mến và cử chỉ e thẹn của Lam đã khiến cô quả quyết rằng lời nói của Lam thật vô tư chứ không phải lời nói của một nữ sinh đang chứa chấp tình cảm đặc biệt trong tâm hồn.
Đợi cho tiếng vỗ tay ngừng hẳn, cô Nguyệt mới cất tiếng nói:
Từ nãy đến giờ, cô được nghe các em phát biểu ý kiến, mỗi người một lý và lý của ai cũng có phần đúng cả. Theo ý kiến của riêng cô thì cô cũng đồng ý với em Lam, lập luận của Lam xác đáng nhất, nghĩa là chúng ta không nên vội vàng, hấp tấp kết luận ngay đó là “tình cảm đặc biệt”! Điều quan trọng vẫn là thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề được đặt ra để bàn cãi vui chơi thôi. Các em không nên để ý, thắc mắc đến làm gì. Điều cần thiết nhất, bắt buộc các em phải lưu tâm tới vẫn là việc học!
Cô Nguyệt vừa nói dứt câu, tiếng vỗ tay hoan hô lại vang lên rộn rã. Cùng lúc đó, chuông vang, chấm dứt hai giờ sinh hoạt thật vui tươi thật thoải mái...
Lam, Thảo, Hà, Thủy vẫn ngồi yên một chỗ, bạn bè bu quanh bốn đứa nói chuyện tíu tít. Lam bình thản đón nhận những lời khen tặng pha chút đùa cợt của đám bạn phá như quỉ! Thỉnh thoảng Lam đáp lễ bằng một nụ cười thật hiền!
Không khí trong lớp học bây giờ khá yên tĩnh so với không khí của sân trường trong giờ ra chơi. Lam vẫn để mười ngón tay nghịch ngợm với cây bút Pilot trên mặt bàn, đôi mắt nhìn thật sâu, không kích thước, mái tóc dài che phủ nửa khuôn mặt tạo cho Lam một nét thật đẹp.
Thảo nhìn đăm chiêu, cô bé đang bận rộn với những tư tưởng luân lưu trong đầu. Hà và Thủy đấu hót luôn mồm với lũ bạn, trông hai con bé có vẻ lém lỉnh và chanh chua vô cùng. Kẻ nói nhiều nhất vẫn là Tuyết, nói ào ào không biết mệt!
Thảo vỗ nhẹ vai Lam hỏi:
Vụ tất niên làm sao?
Lam quay lại nhìn Thảo trả lời:
Ừ! Quên mất! Tí nữa bảo tụi nó đóng tiền!
Mày dự định bao nhiêu?
Xoàng thôi! Khoảng hai trăm!
Hai trăm mà xoàng à?
Chứ to với ai? Không bằng hai chục ngày xưa!
Đám Hà và Thủy ngưng nói dóc, theo dõi câu chuyện của Lam và Thảo. Thủy góp ý kiến:
Làm thường thôi! Rình rang lắm chỉ tổ tốn tiền.
Diễm xen vào:
Hai trăm được rồi, còn thua một vé xi nê mà!
Tuyết lườm Diễm:
Vừa phải thôi chứ!? Đối với mày không bằng một vé xi nê nhưng đối với những đứa nghèo thì là cả một vấn đề. Hiểu chưa?
Lam nói:
Tao định như thế này. Định giá hai trăm cho những đứa có gia cảnh trung bình trở lên. Còn những đứa nghèo, tùy khả năng đóng góp.
Thảo hỏi:
Làm sao biết được đứa nào giàu, đứa nào nghèo?
Lam trả lời:
Biết chứ! Bạn bè với nhau mà không biết sao được?  Vả lại danh sách đóng góp chuyền tay công khai mà. Đứa nào mặt mo mới giở trò “ma giáo”.
Hà vỗ nhẹ vào tay Lam hỏi:
Có mời giáo sư không?
Có chứ! Mời hết!
Tuyết khôi hài:
Có chương trình văn nghệ giúp vui không? Tao làm sáu câu vọng cổ cho.
Diễm nguýt:
Mày mà hát có trâu nghe.
Phượng vẫn đứng im, bây giờ mới lên tiếng:
Câm đi hai con “chằng”! Người ta bàn chuyện đứng đắn mà chúng mày cứ đùa cợt mãi.
Diễm lên mặt anh chị:
Con này “ngon” ta! Dám “kên” mình chứ!
Lam phá ngang:
Thôi đừng đùa nữa. Phần văn nghệ tao giao cho con Hà, con Thủy; còn con Phượng, con Diễm, con Tuyết “xẹc-via”.
Thảo nói:
Coi như xong. Tí nữa tao bắt đầu thâu “thuế”.
Phần bàn thảo chương trình tất niên ngưng; Diễm, Tuyết, Phượng nô đùa, đuổi nhau chạy quanh lớp. Lam, Thảo, Hà, Thủy đứng dậy, bước ra ngoài.
Chương 2
Lam gấp sách vở bỏ vào cặp, vừa đi vừa nhảy thật vui tươi. “Thế là thoát nạn”! Lam nghĩ thầm sau khi đã lo xong bài vở ngày mai. Những ngày gần Tết, tự dưng Lam thấy lười chi lạ, chẳng muốn đụng đến sách vở tí nào cả. Nhưng cứ nghĩ chuyện rủi Giáo sư không cho nghỉ, bắt học như thường và vẫn gọi lên đọc bài, Lam lại sợ. Thật là khổ tâm hết sức và cố gắng lắm Lam mới nuốt trôi bài công dân dài thườn thượt.
Lam bước trở ra phòng khách, ngồi gọn trong lòng sa lông với dáng điệu thật thảnh thơi. Lam chợt nhăn mặt khi nhìn thấy gạt tàn thuốc để trên bàn đầy ắp. “Lại ông Quốc chứ chẳng ai vào đây cả”!. Lam nói thầm và đứng dậy cầm gạt tàn thuốc ra đằng sau đổ.
Căn nhà hôm nay trống vắng quá, chỉ còn mỗi mình Lam và chị bếp ở nhà. Lam thấy buồn và cô đơn hơn với cái không khí nặng nề rã rời này! Mẹ thì chẳng hiểu đi đâu, anh Quốc vào trại, chị Hằng cũng đi nốt! Chắc lại đến nhà anh Dương chứ chẳng đi đâu cả!
Lam mới biết chuyện của chị Hằng và anh Dương cách đây không đầy tuần lễ. Hôm đó, tình tình cờ Lam lén sang phòng của chị Hằng định lấy ít nước hoa bôi lên đầu, làm dáng với bạn bè. Lam thấy có một lá thư màu xanh để khơi khơi trên mặt bàn, tò mò Lam lấy xem mới khám phá ra việc anh Dương và chị Hằng yêu nhau.
Anh Dương thì chẳng xa lạ gì với Lam cả vì anh ấy là bạn của anh Quốc và vẫn đến nhà Lam chơi luôn, nên cả nhà xem anh như người trong gia đình. Anh Dương hiền và vui tính nên mỗi lần anh đến, Lam tha hồ đùa và làm nũng.
Anh Quốc có hai người bạn thân nhất, anh Dương và anh Sĩ. Anh Sĩ ở xa nên thỉnh thoảng mới về chơi một lần! Lần nào về anh Sĩ cũng mua quà cho Lam và dắt Lam đi chơi vì thế Lam thích anh Sĩ hơn là anh Dương. Anh Sĩ với anh Dương là hai thái cực! Anh Dương thì ồn ào, cười đùa suốt ngày; anh Sĩ ngược lại, ít nói, dáng trầm ngâm lúc nào cũng có vẻ như đang suy nghĩ về một chuyện gì. Lam thích khuôn mặt của anh Sĩ vì hình như trong anh có gì đặc biệt lắm, lôi cuốn lắm không thể nào diễn tả được.
Năm ngoái anh Sĩ còn hay xoa đầu bẹo má Lam. Từ đầu năm đến giờ, nghĩa là từ hôm anh nói câu: “Lam lớn rồi đấy nhé!”, Lam thấy anh ý tứ hơn, không còn xoa đầu và bẹo má Lam như hồi còn trẻ con nữa. Chính vì thế mà Lam cũng dè dặt hơn, không còn vui đùa hồn nhiên với anh như ngày trước. Lúc nào Lam cũng mang nặng ý nghĩ “mình đã lớn” ở trong đầu, Lam đã biết xấu hổ, không dám làm nũng.
Có lần Lam hỏi anh Sĩ: “Sao Lam ít thấy anh cười quá vậy?”, anh không nói gì cả, bảo rằng Lam còn bé không nên biết làm gì, để khi nào lớn anh sẽ nói cho Lam nghe! Bây giờ Lam đã lớn rồi - chính anh Sĩ bảo như vậy - hôm nào Lam sẽ phải hỏi lại anh mới được. Lam mới thấy hình như anh Sĩ có một lối sống khác xa anh Quốc và anh Dương. Một lối sống thật đặc biệt và con người anh thật khó hiểu vô cùng.
Lam thắc mắc rất nhiều về con người của anh Sĩ nhưng Lam chưa có dịp tìm hiểu vì lúc nào anh Sĩ cũng chỉ xem Lam như một cô bé con không hơn không kém. Lam ức lắm nhưng không làm sao hơn được vì chính Lam, Lam cũng nhận thấy mình trẻ con thật.
Đã hơn ba tháng nay, Lam không thấy anh Sĩ về chơi mà cũng chẳng thấy anh thư từ gì cho anh Quốc cả. Lam định hôm nào anh Sĩ về, Lam sẽ bảo với anh rằng Lam lớn rồi, Lam bắt anh phải trả lời những thắc mắc của Lam mới được....
Một vài tiếng chó sủa lạc lõng ở đầu phố, Lam thấy thời gian như ngừng hẳn lại và tất cả trống vắng đang lũ lượt kéo về vây hãm Lam. Lam muốn chú tâm vào một việc gì để được quên đi nỗi buồn hiện tại nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa và nỗi chán chường như đang dâng lên trong Lam! Tiếng ly tách chạm nhau ở dưới nhà khiến Lam bực mình quá đỗi. Những cau có phi lý tự nhiên có, một tật rất xấu mà Lam không bỏ được.
Lam hơi ngã người ra đằng sau một chút, đầu gối lên tấm nệm, đôi mắt lim dim như đang tìm một chút thanh bình cho tư tưởng. Không hiểu tại sao tự dưng hôm nay Lam lại nhớ đến anh Sĩ nhiều quá. Hình ảnh anh Sĩ vẫn lờn vờn trong đầu óc Lam. Lam muốn xua đuổi anh ra khỏi tâm hồn trong lúc này nhưng Lam đành chịu. Anh vẫn ngang nhiên, chễm chệ ngự trong tiềm thức Lam.
“Có lẽ anh Sĩ sắp về” Lam lẩm bẩm như vậy vì mỗi lần Lam nhắc đến anh Sĩ thì y như rằng anh về thật! Có lần Lam đem khoe anh Sĩ chuyện này, anh chỉ cười và xoa đầu Lam nói :”Hèn gì! Anh cứ hắt xì mãi, không hiểu ai nhắc mà kỹ thế?”
Tiếng máy xe Honda quen quen ngừng trước cửa nhà, Lam uể oải đứng dậy ra mở cổng; chị Hằng về. Chiếc xe chạy vào giữa sân, chị Hằng tắt máy, dựng xe, quay lại nhìn Lam cười. Lam nghĩ thầm trong đầu : “lại cười giao duyên”. Lam gài chốt cổng rồi bước theo chị Hằng vào nhà.
Lam hỏi:
    -   Chị đi xi nê hả?
Chị Hằng không quay lại, trả lời:
    -   Không. Nếu đi xi nê chị phải rủ em đi chứ.
    -   Thế chị đi đâu?
    -   Chị đến anh Dương có chút chuyện cần. Ở nhà một mình buồn hả cưng?
    -   Vâng.
    -   Tội nghiệp... Mẹ chưa về à?
    -   Chưa... Mẹ có nói với chị mẹ đi đâu không?
    -   Mẹ bảo mẹ lên phố... Trông nhà,  chị vào thay áo cái đã...
Lam lại ngồi xuống ghế,  chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường gõ năm tiếng. Chiều xuống thiệt mau, những lúc không để ý tới thời gian, Lam thấy một ngày trôi qua mau quá. Ngược lại, những lúc ngồi trông từng giờ từng phút, Lam có cảm tưởng hình như đồng hồ không muốn chạy, cố tình bò thật chậm.
Lam hay thắc mắc vớ vẩn như vậy và có lần Lam bị cả nhà cười vì cái tính lẩn thẩn đó. Bây giờ thì Lam biết rồi, không phải đồng hồ trêu Lam đâu. Tại Lam để ý nó nên Lam có cảm tưởng như nó đang chạy thật chậm vậy thôi.
Sắp Tết rồi!  Lam lại nghĩ đến Tết, không phải trong trạng thái háo hức mà là trong một nỗi chán chường uể oải. Cái Tết bây giờ hình như không còn đối với Lam – nói riêng – và đối với mọi người – nói chung. Không khí vui chơi của những ngày Xuân đã mất kể từ ngày chiến tranh hiện diện trên đất nước này. Những đứa trẻ vừa chớm biết suy nghĩ đã nhận diện ngay một nỗi chán chê đối với những ngày mà người ta gọi là Tết.
“Thời buổi kiệm ước song hành”. Lam cũng chẳng hiểu kiệm ước song hành là gì cả!? Chỉ thấy lũ bạn hay nói mỗi khi cần tiết kiệm về một vấn đề gì nên Lam bắt chước thế thôi. Lam chỉ hiểu mang máng rằng phải tiết kiệm, không dám tiêu pha phung phí như ngày trước nữa.
Tháng giêng là tháng ăn chơi. Câu ca dao này gần như đã bị lãng quên trong lòng mọi người. Mùa Xuân đã không còn ý nghĩa và mùa Xuân trở nên vô duyên quá đỗi đối với Lam.
“Anh Sĩ chắc lại đón Xuân trong rừng sâu”. Hình ảnh anh Sĩ lại trở về trong tâm hồn Lam. Chỉ có anh Quốc và anh Dương là sướng, năm nào cũng có mặt ở Saigon; riêng anh Sĩ thì chưa bao giờ Lam thấy anh xuất hiện trong những ngày Tết. Tự dưng Lam nghe thương anh Sĩ vô cùng. Cuộc sống của anh chắc là vất vả và cực khổ lắm! Lam chỉ được nghe người ta mô tả về cuộc sống của một người lính chiến đấu thôi chứ chưa bao giờ anh Sĩ kể lại cho Lam nghe.
Mỗi khi trở về thành phố hưởng những mùa Xuân muộn màng, anh thường hỏi Lam: “ăn Tết vui không?”, Lam thấy đôi mắt anh thật buồn thật xa xăm. Ngày xưa còn bé, Lam vẫn vô tình trả lời anh là “vui lắm”. Nhưng bây giờ lớn rồi, Lam hiểu biết rồi, Lam sẽ không làm anh buồn thêm nữa đâu.
Năm nào cũng vậy, Lam đều xin mẹ một chiếc bánh chưng để dành cho anh Sĩ. Cả nhà xúm vào trêu Lam và anh Quốc nói đùa: “nó thương anh Sĩ còn hơn anh Quốc nữa mà”. Anh nào Lam cũng thương nhưng có lẽ Lam thương anh Sĩ nhiều nhất vì trong ba anh, anh Sĩ là người thiệt thòi hơn ai cả!...
- Nghĩ gì mà ngồi thừ người ra vậy cô?
Tiếng chị Hằng làm Lam giật mình, Lam đánh trống lảng:
- Tết nhất đến nơi rồi mà chẳng thấy vui gì cả chị Hằng há?
- Ừ! Tại em lớn rồi nên em không thấy vui chứ con nít vẫn vui như thường.
- Em thích làm con nít.
- Mâu thuẫn! Lúc thì thích làm người lớn, lúc thì thích làm con nít.
"Ừ! Mình mâu thuẫn thật!", Lam nghĩ thầm và nhìn chị Hằng hỏi:
- Yêu là gì hả chị?
- Chịu! Hỏi ông trời á!...Mà em hỏi làm chi vậy? Yêu rồi hả?
- Bậy! Em muốn biết. Vậy thôi.
Một giây im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Lam lại cất tiếng hỏi:
- Thế sao chị biết chị yêu anh Duong?
Chị Hằng giật mình, đôi mắt tròn vo, nhìn Lam:
- Ai bảo em thế?
- Em biết.
- Bao giờ?
Lam hơi lúng túng một chút nhưng lấy lại bình tĩnh ngay, Lam thản nhiên trả lời:
- Hôm trước. Cách đây khoảng một tuần, chị đánh rơi cái thư em nhặt được.
- Em có xem rồi hả?
- Vâng! Tại em thấy tên người gửi là anh Dương em mới xem chứ nếu của người lạ em không xem.
- Ừ! Chẳng sao cả...chị chỉ hỏi vậy thôi...Thế sao em không đưa lại cho chị?
- Em muốn làm chị ngạc nhiên chơi nên em lén để trên bàn học của chị.
Chị Hằng nhíu mày như đang suy nghĩ về một việc gì, cái không khí yên lặng nặng nề lại xuất hiện. Lam vẫn nhìn chị Hằng không chớp mắt trong khi chị Hằng nhìn thật mơ màng - không có vẻ gì gọi là chăm chú - vào chiếc ghế mà Lam đang ngồi.
Bỗng chị Hằng hỏi:
- Tết năm nay em mười sáu rồi Lam nhỉ?
Lam nhìn chị ngạc nhiên:
- Vâng
Chị Hằng gật gù:
- Em cũng lớn rồi, tuy nhiên em không nên để ý chuyện tình cảm nhiều. Hãy chú tâm vào việc học cái đã?
Lam cãi lý:
- Em cũng nghĩ như vậy nhưng em thấy tình cảm nó đến với mình không hẹn trước. Một ngày nào đó, bất chợt nó đến với mình, không cứ ở lứa tuổi nào và cũng không cứ ở thời gian nào.
Chị Hằng ngạc nhiên về những lời nói thật người lớn của Lam. Chị nhìn thẳng vào mặt Lam hỏi:
- Sao em biết?
- Tự dưng em biết. Đến cái tuổi mà em phải hiểu.
"Tuổi vừa lớn". Có một sự trưởng thành đang cuồn cuộn dâng lên trong Lam. Tại chị em ở gần nhau, lúc nào chị Hằng cùng xem Lam như một đứa trẻ con nên chị không nhận ra đấy thôi. Nếu chị để ý Lam một chút, có lẽ chị cũng đã nhận diện được sự lớn khôn của Lam từ lâu rồi. Không ai dạy Lam cả, tự dưng nó đến với Lam, tự dưng Lam thấy mình đã lớn.
Cái lập luận về tình cảm đặc biệt mà Lam nói ở trong lớp sáng nay cũng vậy. Tự dưng Lam nói được như thế, không đọc ở sách nào cả và cũng chẳng học lại của ai...
Tiếng chị Hằng cắt đứt ý nghĩ của Lâm:
- Em hiểu như vậy từ bao giờ?
- Em cũng không biết nữa!
- Quả thật em lớn rồi.
Lời nói như một cơn gió thoáng qua trong hồn Lam. Giữa giây phút nầy Lam muốn yên lặng để tự kiểm điểm xem mình đã lớn khôn từ bao giờ? Nhưng Lam chịu! Họa chăng chỉ có trời mới thấy được sự đổi thay trong tâm hồn Lam.
Bây giờ thì Lam không còn hồi hộp trông đợi "cái ngày mà mình phải biết suy tư" như hồi xưa nữa. Vì nó đã đến với Lam, nó đã ở bên cạnh Lam từng ngày, từng giờ, từng phút; trong lớp học, ở nhà, trong giấc ngủ, trong bữa ăn v.v... Lam muốn xua đuổi nó, nhưng nó vẫn lì lợm quấn quít bên Lam. Biết làm sao bây giờ? Đành chịu! Và Lam vẫn đang tiếp đón nó thật bình thản, bình thản hơn bao giờ hết.
Nhưng có lẽ suốt đời Lam cũng không tránh khỏi cái hồi hộp vớ vẩn. Niềm lo sợ kia vừa tan biến thì nỗi lo sợ khác lại chợt đến với Lam. Lam vẫn hồi hộp, vẫn trông đợi một ngày nào đó, tình cảm len nhẹ vào hồn mình. Chưa biết nó sẽ đến lúc nào? Bao giờ? Trong niềm vui hân hoan hay trong nỗi buồn vời vợi báo trước cho một cuộc tình đầy mây xám giăng ngang.
Lam còn nhớ, Laspinasse đã nói: "Thà đau khổ vì tình yêu còn hơn sống mà không có tình yêu". Lam không biết nỗi đau khổ của tình yêu nó dằn vặt đến bực nào? Nhưng Lam công nhận sống mà không có tình yêu quả thật không phải là mình đang sống. Tuy nhiên, nói thế không phải là Lam để tình cảm chi phối mình, việc học đối với Lam vẫn quan trọng hơn cả. Và tình cảm có lẽ chỉ là món ăn tinh thần phụ, tô điểm thêm một nét tươi vui trong cuộc sống của mình mà thôi.
Nỗi vui buồn trong cuộc đời, theo Lam nghĩ, nó gần như là một mầm sống phải có. Nếu đời cứ thế mà trôi, vẫn bình lặng, nghĩa là không có gì thay đổi thì làm gì còn thú vị? Như Lam hiện tại nếu chỉ biết ăn, ngủ rồi học tự tháng này qua năm nọ thì không còn gì chán cho bằng và có lẽ không bao giờ Lam chờ mong một điều gì cả để được sung sướng toại nguyện hay thất bại đau đớn.
Có lúc ngồi ôn lại những kỷ niệm thuở ấu thơ với những buồn vui lẫn lộn, Lam thấy không còn gì hạnh phúc cho bằng. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, dù là kỷ niệm vui hay buồn. Đáng sống là ở chỗ đó, đổi thay là ở chỗ đó...
"Một ngày sắp trôi qua". Lam nhìn mông lung ra ngoài đường và nghĩ như vậy. Sinh hoạt ngoài kia có về ồn ào hơn lúc nãy, có lẽ đã đến giờ tan sở. Lam khẽ liếc nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, chỉ còn năm phút nữa thì đúng sáu giờ, bố Lam và anh Quốc cũng sắp sửa về.
Lam mệt mỏi, vươn vai nói bâng quơ:
- Một ngày mau thật chị nhỉ?
- Ừ.
- Chắc mẹ cũng sắp về.
- Thế nào cũng có quà cho em.
- Em đâu còn ham nữa chị.
- Sao vậy?
- Em lớn rồi.
- Ừ quên mất. Em lớn rồi.
Hai chị em nhìn nhau cười, vừa lúc đó, tiếng xe xích lô ngừng trước cửa, chị Hằng và Lam chạy ra đón mẹ...
Lam ôm gói đồ, bước nhanh vào trong nhà, mở vội ra xem; mẹ Lam mua một vài bộ quần áo trẻ con cho mấy đứa em Lam. Nhìn những chiếc áo mới xinh xắn, Lam thấy lòng buồn vợi, như đang nuối tiếc, xót xa, mong chờ vô vọng tháng ngày thần tiên đã vượt khỏi tầm tay với...
Lam sẽ lớn thêm một tuổi vào mùa xuân năm nay, mùa xuân thứ mười sáu trong đời. Nhìn từng mùa lướt qua thật vô tình trên đỉnh đầu, Lam ngơ ngác, ánh mắt thật xa xăm, tâm hồn ray rứt, nức nở và nghe như từng kẽ nứt đang chuyển mình trong tiềm thức.
“Sao mùa xuân không ở lại? Sao hạ vội ra đi? Sao thu không còn mãi? Sao đông sớm chia tay?” Lam hỏi, nhưng không ai trả lời Lam cả, chỉ có tiếng thì thầm của cây cỏ, giọng buồn nức nở của muôn ngàn cánh hoa, gió vẫn hững hờ, mây vẫn cô đơn!...Và Lam vẫn ngồi đây, đếm từng mùa xuân qua trên mười ngón tay ngà ngọc.
Lam ngước nhìn trời qua khung cửa sổ, một vài con én lượn giữa bầu trời buồn thê thảm. Lam có cảm tưởng như ngọn gió đang lén lút hôn nhẹ trên mặt cánh hoa thủy tiên rực rỡ và Lam liên tưởng thời gian cũng đang hôn thật xuồng xã trên khuôn mặt Lam.
Trời hôm nay vui lắm thì phải? Tất cả thật hớn hở chào đón chúa xuân về. Cây cỏ cũng khoe mình với rừng mai sáng chói. Sỏi đá không còn trơ trên lối đi. Bức tường vàng loang lổ thường ngày, bây giờ cũng được khoác vào một bộ mặt thật tươi thắm... Tất cả đều thật vui nhưng Lam buồn thật buồn.
"Ôi! Ngày tháng hồng!" Lam gọi tên ngày tháng thật buồn tủi xót xa, để mặc lệ tuôn trên gò má. Nước mắt có đủ để Lam nguôi ngoai với nỗi buồn hiện tại? Lam chớp nhẹ hàng mi, gục đầu, và mùa xuân, dường như cũng đang nhạt nhòa trong đôi mắt Lam...
- Sao tự dưng lại khóc thế này?
Tiếng hỏi của anh Quốc làm Lam giật mình. Lam thấm vội nước mắt vào cánh tay, nhìn anh cười và nói trống lảng:
- Anh về hồi nào vậy?
- Lâu rồi... Tôi đứng sau lưng cô hằng mười phút cô có biết gì đâu?
- Em đâu biết!
Anh Quốc bật cười:
- Ừ! Trả lời lãng xẹt. Không biết người ta mới nói chứ!
Lam cũng bật cười về câu trả lời ngô nghê của mình. Lam nhìn anh Quốc, đôi mắt tròn đen láy chớp chớp thật mộng mơ. Anh ngồi xuống chiếc ghế trước mặt, rút điếu thuốc gắn lên môi và châm lửa hút.
Anh chu môi nhả mạnh gói thuốc rồi nhìn Lam hỏi:
- Có gì buồn vậy em?
Lam luống cuống trả lời:
- Đâu có!... Em đâu có buồn.
- Chối hả?
- Thật mà!
- Không buồn sao lại khóc?
- Bụi vô mắt em chứ bộ.
- Lại bụi! Chị Hằng cũng bụi, em cũng bụi. Đứa nào cũng bụi hết. Không tin nổi.
- Anh không tin em à?
- Tin thế nào được? Anh thấy em khóc rõ ràng mà. Nói thật đi, anh nói chuyện này cho mà nghe.
- Chuyện gì vậy anh?
Anh Quốc mỉm cười bí mật:
- Một tin vui! Chỉ cần biết thế thôi. Nào! Cô nói chuyện của cô trước đi. Buồn gì?
Lam hơi cúi đầu xuống, nhìn hai bàn tay đan chéo vào nhau trả lời:
- Chẳng có gì cả anh ạ! Tự dưng em thấy buồn khi nghĩ đến Tết.
-  Sao lạ vậy?
- Em cũng chẳng hiểu tại sao nữa.
Anh Quốc cười, vỗ mạnh tay vào thành ghế và ngâm khẽ:
- “Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn”!... Anh hiểu rồi! Anh hiểu rồi!...
Lam ngạc nhiên:
- Anh hiểu sao cơ?
- Cô đã lớn. Tâm trạng của một cô bé bắt đầu lớn khôn.
Lam thú nhận:
- Vâng!
Anh Quốc cười:
- Buồn làm gì? Tuổi nào cũng có cái vui của nó hết em ạ. Tuổi nào cũng đẹp, cũng mộng mơ, cũng co nhiều kỷ niệm khó quên... Như nhau cả.
Lam hỏi thật ngây thơ:
- Thật hả anh?
- Thật chứ! Anh nói dối cô làm gì? Rồi cô sẽ thấy, không tin cô thử ngồi ôn lại những tuổi cô đã đi qua mà xem?
Những tuổi mà Lam đã đi qua... mười lăm... mười bốn... mười ba...Ừ nhỉ! Tại Lam vô tình không để ý đấy thôi.
Lam đã ôn lại tất cả những kỷ niệm buồn vui mà Lam hằng cất giữ trong đời. Tuổi nào Lam cũng có một vài kỷ niệm, tuổi nào Lam cũng đã ôn lại nhiều lần  và tuổi nào cũng thật đẹp như lời anh Quốc nói.
Tất cả rồi cũng sẽ bình thản trôi đi như mây kia không bao giờ dừng lại một chỗ. Tuổi nào cũng thế! Những đổi thay trong cuộc đời, những biến chuyển trong một ngày đã được gói ghém thật kỹ, cất đi làm kỷ niệm. Kỷ niệm bao giờ cũng thật rực rỡ, huy hoàng. Cho dù vũ trụ có nổ tan tành, thế gian có sụp đổ, kỷ niệm vẫn còn, mãi mãi còn.
Mỗi một phút hồi tưởng là một trang nhật ký vừa được lật qua trong tiềm thức. Những dòng chữ khắc sâu vào tâm não, ăn sâu vào xương tủy vẫn còn, cho dù thời gian đong đưa từ ngày này qua tháng nọ, từ năm này qua năm kia.
“Tuổi nào cũng thế!” Lam lẩm bẩm và mỉm cười một mình, nụ cười không ý nghĩa.
Không có gì để mà buồn cả. Lam sẽ vui tươi đón mùa xuân thứ mười sáu trong đời, tuổi trăng tròn lẻ, tuổi của một đóa hoa hồng vừa chớm nở thật xinh tươi. Mùa xuân bao giờ cũng đẹp, đẹp như bầu trời hôm nay, đẹp như muôn ngàn cánh hoa cùng hé nở, đẹp như bầu trời sương sa trắng đục tiễn gió đông tiết v.v... Khúc nhạc mùa xuân! Phải chăng trong Lam vừa rộn lên tiếng cung đàn thánh thót.
Lam sẽ mở rộng vòng tay đón mừng ngày mới lớn, đón ba trăm sáu mươi ngày buồn vui lẩn lộn. Không còn gì để mà thắc mắc, và chẳng còn gì để mà lo âu vì tuổi nào cũng thế...
- Bây giờ lại vui?
Tiếng anh Quốc cất lên phá tan bầu không khí yên lặng. Lam nhìn thật sâu vào bát thủy tiên trước mặt trả lời:
- Vâng, bây giờ em vui rồi. Tuổi nào cũng đẹp thật anh ạ. Tại em không để ý...
Anh Quốc bật cười. Lam hỏi:
- Ý quên. Lúc nãy anh bảo có tin vui. Tin gì vậy anh?
- Có cần biết lắm không?
- Em không chịu đâu. Anh chuyên môn gạt em không à.
- Lạc đề rồi! Trả lời câu hỏi của anh đi cái đã nào.
Lam lườm anh:
- Cần chứ sao không?
Anh Quốc cố tình nhây nhưa:
- Nhưng anh không cần.
Lam vùng vằng, nũng nịu:
- Không biết! Em mách bố cho coi.
- Ơ! Xấu hổ chưa kìa! Làm như còn bé lắm đó.
- Ở nhà em bé, ra đường em mới là người lớn.
- Khôn nhỉ! Ai dậy cô nói thế?
Lam nhí nhảnh:
- Không ai dậy cả. Tự em nghĩ như vậy và em thích như vậy.
Anh Quốc vừa dụi tàn thuốc vừa nói:
- Lại bắt chước lập luận ngang như cua của con Hằng.
- Chị em hiểu nhau và hợp nhau hơn là anh em.
- A! Giỏi! Thế thì thôi! Anh với cô không hợp, anh đi chỗ khác chơi vậy.
Nói xong, anh Quốc đứng dậy, Lam vội vàng nắm tay níu lại và xuống nước năn nỉ:
- Em đùa mà. Anh với em hợp lắm. Anh nói cho em nghe đi anh Quốc.
- Cô dỗ anh đấy à?
Lam cười, anh Quốc ghé vào tai Lam nói nhỏ:
- Em sắp có quà.
Lam nhìn anh với tia mắt thích thú xen lẫn thắc mắc:
- Ai cho em vậy anh?
- Anh Sĩ!
Lam nhẩy bổng người lên, lay mạnh vai anh hỏi tíu tít:
- Anh Sĩ về hả anh? Về hồi nào vậy anh? Bao giờ anh Sĩ đến đây?
Anh Quốc đẩy Lam ngồi trở lại ghế và nói:
- Làm gì mà cuống lên vậy? Ngày mai nó mới về. Nó mới điện thoại cho anh ban chiều.
Nói xong anh Quốc bước vào trong nhà để mặc Lam ngồi ngoài này một mình. Nỗi vui mừng chợt đến, khiến Lam quên tất cả. Bây giờ Lam chỉ còn biết có Lam với những niềm vui nhen nhúm trong đầu. Anh Sĩ đã về đúng lúc Lam mong, anh Sĩ đã về đúng lúc mà Lam nhắc anh nhiều nhất.
Lam miên man với những ý nghĩ trong đầu, Lam vui lắm, nỗi hân hoan không thể diễn tả được...và Lam chợt giật mình ngơ ngác!... “Không! Không phải vậy. Không phải Lam vui vì những món quà của anh Sĩ cho Lam. Mà Lam vui, vì được gặp lại anh thì đúng hơn. Thế là thế nào? Tại sao Lam lại nghĩ đến anh Sĩ nhiều vậy? Tại sao Lam lại vui thật vui khi nghe tin anh Sĩ về? Khó hiểu quá! Hay là....”
Lam không dám nghĩ tiếp. Lam nghe tim mình đang nhảy múa thật rộn ràng trong lồng ngực. Lam đặt nhẹ bàn tay lên ngực mình...nỗi lo sợ đến với Lam thật bất ngờ.
Lam thờ thẩn, khuôn mặt dại hẳn đi, Lam không còn nghe và nhìn thấy gì cả. Lam gục đầu, tưởng như hồn đã bay tận đâu đâu. Lam đang bước vào một thế giới nào đó, lạ lắm thì phải, xa xôi lắm thì phải và mơ hồ lắm thì phải...
Chương 3
Lam ngồi bệt xuống giường, đôi mắt nhìn chầm chập vào tủ áo, màu sắc rực rỡ thi đua nhảy múa trước mắt Lam.
Suốt từ sáng đến giờ Lam vẫn chưa chọn được một màu áo thích hợp để mặc trong buổi tất niên hôm nay. Lam cũng chẳng hiểu tâm trạng mình ra sao nữa. Lúc thỉ vui, lúc thì buồn. Khi thì Lam muốn mặc chiếc áo màu hoa cà mới mẻ, khi thì Lam chỉ muốn mặc chiếc áo màu đen tang tóc. Chỉ còn mười phút nữa thì Thảo sẽ đón Lam để hai đứa cùng đi đến trường. Lam vẫn bị giằng co bởi các màu áo, không phải tại Lam khó tính, có lẽ tại nỗi buồn đang xâm chiếm tâm hồn Lam thì đúng hơn.
Anh Sĩ sẽ trở về đơn vị sáng nay, điều đã khiến Lam buồn kinh khủng. Lam tưởng rằng kỳ phép này anh sẽ được ở nhà ăn tết, ai dè anh chỉ về một vài ngày rồi đi ngay. Ngày anh về vui bao nhiêu thì ngày anh đi cũng buồn bấy nhiêu. Lam thất vọng nhìn những giấc mơ đã vẽ trong đầu cho mùa Xuân năm nay chấp cánh bay cao. Mùa Xuân lại buồn thật buồn trong đôi mắt Lam.
Lam đứng dậy mở tung cửa sổ, một vài cơn gió đầu tiên ùa vào, quấn quít bên Lam. Lam ngước nhìn trời, không có gì thay đổi. Những cụm mây bạc và những áng mây xanh vẫn hiền hòa ấp ủ. Mặt trời đang le lói ở phương Đông, những tia nắng ấm ban mai rồi cũng sẽ len nhẹ vào hồn người…Tất cả vẫn còn đó và hình như chỉ mỗi mình Lam là thay đổi với những buồn vui lẫn lộn.
Lam bước lại tủ áo, lấy chiếc áo dài đen ướm thử lên người, soi trước gương và cuối cùng Lam quyết định mặc chiếc áo màu sắc buồn ảm đạm.
“Thế là xong”! Lam ngắm mình trước gương một lần nữa, thốt lên câu nói tỏ vẻ hài lòng rồi mới chịu rời căn phòng ấm cúng, xuống nhà ngồi chờ Thảo ở phòng khách.
Tiếng hát Lệ Thu buồn nức nở với bài “ Như cánh vạc bay” của Trịnh Công Sơn khiến Lam có cảm tưởng như tâm sự của chính mình.
“Nắng có hồng bằng đôi môi em…mưa có buồn bằng đôi mắt em…tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…” Lam cất tiếng hát theo thật xúc động và tình cờ hai hàng lệ lại tuôn trên gò má Lam!...
Ngồi làm cảnh cho họa sĩ nào đó?
Lam giật mình. Thảo đến từ lúc nào mà Lam chẳng hay. Trông Thảo hôm nay thật tươi vui, nhí nhảnh với chiếc áo màu xanh da trời nhạt. Lam đứng dậy đón Thảo:
- Ngồi chờ mày chứ làm cảnh làm kiếc gì?
Thảo trợn tròn mắt nhìn Lam:
- Bất mãn gì mà mặc áo đen vậy mày?
Lam cười thật buồn:
- Tự dưng buồn! Không thích “trình diễn”!
Thảo phê phán:
- Phức tạp! Khó hiểu! Tâm hồn của mày y như một “ bát quái trận đồ”.
Lam nhún vai thật điệu, cử chỉ bất cần:
- Đã chết ai ?
Thảo trêu chọc:
- Chết chứ ! Một người.
Lam giả vờ phớt tỉnh:
- Tưởng tượng?
Thảo đáp:
- Không tưởng tượng. Có thật. Thiếu úy nhà ta.
Lam véo Thảo:
- Chỉ được cái bậy. Thiếu úy nào?
Thảo nổi sùng:
- Lại còn giả vờ hỏi. Đợi bắt được quả tang “lão” với mày “giung giăng giung giẻ” mới chịu nhận sao?
Lam làm bộ tỉnh:
- “Lão” nào?
Thảo gắt lên:
- “Lão” Sĩ chứ lão nào?
Lam cười nhẹ chối:
- Chỉ được cái vẽ vời.
Thảo cười, nụ cười khó hiểu:
- Ừ ! Vẽ vời ! Yên chí ! Thời gian sẽ trả lời.
Lam mơ màng:
- Ừ ! Thời gian.
Thảo giục:
- Thôi, đi chứ.
Lam gật đầu trả lời, cả hai nắm tay nhau bước ra khỏi nhà. Chị bếp ra gài cổng, Lam ngồi lên yên xe Honda, Thảo rồ ga chạy.
Những con đường quen thuộc lần lượt đi qua đôi mắt Lam. Có nhiều lúc Lam thấy mình thật lạ lùng, cố gắng tìm tòi những đổi thay vừa xảy ra trên những khu phố thân hữu này. Lam vẫn thường gọi đùa những con đường đưa Lam từ nhà tới trường là “thân hữu”. Mỗi lần nhận diện sự đổi thay là một lần Lam buồn kinh khủng. Một nỗi buồn vô cớ tự dưng có trong Lam. Cho đến bây giờ Lam cũng không hiểu tại sao mình có những trạng thái kỳ lạ như vậy ?
Lam giật mình ngoái cổ nhìn lại khi thoáng thấy một bóng dáng quen thuộc. “ Không phải” Lam buông tiếng thở dài thất vọng.
Bóng người lính kia hao hao giống anh Sĩ khiến Lam tưởng anh đến từ giã Lam trước khi lên đường. Lam vẫn thắc mắc, nghi ngờ, không hiểu mình đã yêu chưa ? Có một điều khiến Lam bực mình hơn hết là lúc nào anh Sĩ cũng xem Lam như một đứa trẻ con không hơn không kém.
Suốt buổi tối hôm qua Lam đã cãi lý với anh Sỹ rất kịch liệt để quả quyết là Lam đã lớn. Thế nhưng anh Sĩ và anh Quốc vẫn cứ ôm khư khư một lập luận ngang như cua là Lam chỉ lớn đối với trẻ con thôi, còn đối với các anh, Lam vẫn chỉ là một đứa con nít. Lam tức và giận các anh kinh khủng, nếu không có chị Hằng bênh và theo phe Lam thì có lẽ Lam đã bật khóc lên rồi.
Lam không nhận được ở anh Sĩ một tình cảm nào khác ngoài những lời lẽ chân thành, những cử chỉ thân mật của một người anh dành cho cô em gái. Lam đã thật sự lo sợ khi thấy mình đã nghĩ về anh Sĩ quá nhiều và lệch lạc. Phải chăng tình cảm trong Lam đã thành hình và đang lớn dần với thời gian? Càng nghĩ Lam càng thấy nhức đầu, lòng rối như tơ vò và cuối cùng Lam thật thản nhiên nghĩ “ mặc kệ, đến đâu thì đến, đã bảo tình cảm vô hình đến không hẹn trước mà”.
Lam thầm trách anh Sĩ quá vô tình và quá độc đoán khi anh vẫn nhìn Lam bằng đôi mắt bao dung nhưng quá ích kỷ của người lớn. Ích kỷ thật ! Ích kỷ vì anh Sĩ đã không công nhận Lam đã trưởng thành. Vô lý hết sức ! Người lớn chẳng thực tế tí nào cả. Không có đôi mắt tinh ý tí nào cả.
Lam bây giờ không phải là Lam của những năm về trước. Lam đã thực sự lớn khôn với những dòng tư tưởng luân lưu trong đầu, với những giây phút suy tư phải có của một tâm hồn mới lớn và với vóc dáng đẫy đà của một thiếu nữ chứ không phải là một con bé cột bím tóc ngày nào.
Như một cơn lốc, Lam đang vươn lên, thật vũ bão, đạp đổ tất cả thành trì ấu thơ, dẹp bỏ tất cả thiên đường ngà ngọc, chuyển mình trong vũ trụ để bắt đầu đứng trong một khung trời khác. Khung trời của những tâm hồn biết suy tư, khung trời của những niềm vui bất tận, khung trời của muôn ngàn cay đắng xót xa.
Con người sẽ bất bình thường trong môi trường đó như Lam hiện tại, khi thì vui, lúc thì buồn, thật phức tạp, thật khó hiểu như lời Thảo nói. Rồi mây xanh có còn như Lam vẫn hằng cầu xin hay bầu trời này sẽ kết tụ mây xám giăng ngang ? Lam nào biết được !?  Không ai đoán trước được số phận của mình sẽ ra sao cả. Lam vẫn chỉ là một cô gái yếu đuối, thật xa lạ, thật ngơ ngác, thật lo âu trước cuộc đời. Những gì phải đến rồi sẽ đến…
Khung cảnh ồn ào của con đường cắt ngang ý nghĩ của Lam. “Đã đến trường”. Lam nói thầm trong đầu như vậy. Lam có cảm tưởng như hôm nay là một ngày trình diễn thời trang của các nàng. Quần áo đủ màu, đủ kiểu sặc sỡ nhảy múa trước mắt Lam, không khí nhộn nhịp vui tươi hơn bao giờ hết. Bản tính của người Việt Nam vẫn thế, nghèo suốt năm nhưng ba ngày Tết không nghèo.
Thảo lái xe chậm hẳn lại, tránh né, lách từng đám người. “Đúng là dân vô trật tự có khác”.
Trường Thảo vẫn gọi trường bên cạnh là “dân vô trật tự”. Lời trêu chọc và những tiếng huýt sáo sỗ sàng của mấy chàng nam sinh không làm Thảo và Lam bực mình tí nào cả vì các cô đã quá quen với cái cảnh này.
Khoảng năm phút sau, Thảo và Lam mới thoát khỏi cửa ải. Thảo thở phào nhẹ nhõm:
- Thế là thoát nợ.
Lam cười phụ họa:
- Một đoạn đường kém thẩm mỹ.
Cả hai cùng cười. Vừa thoáng thấy Lam và Thảo, Hà và Thủy réo ầm cả lên:
- Ê ! Hai con kia ! Làm gì mà đến muộn vậy?
Thảo đanh đá:
- Không muốn đứng ngắm mấy “thằng” quần xanh áo trắng như chúng mày.
Hà chống nạnh, cử chỉ thật chanh chua:
- Hừ ! Con khốn ! Mới đến nó đã “kê” mình rồi.
Thảo cười giao duyên:
- Tụi mầy đến lâu chưa ?
Thủy cay cú:
- Chưa ! Mới chờ tụi mày khoảng hai mươi phút.
Lam cãi:
- Lỗi tại ông trời ! Tự dưng đường xá hôm nay đông quá ! Kẹt xe hàng nửa tiếng.
Hà lên tiếng:
- Lại đọc “học thuộc lòng”. Kẹt xe, bể bánh, đụng xe, hư xe v.v…
Thủy xen vào:
- Tụi nó bắt đầu lây bệnh “nhà binh” rồi ! Chuyên môn xài giờ “dây thun”.
Lam bật cười:
- Thôi vào trường chứ ! Đứng mãi ngoài này sao ?
Thảo cho xe chạy vào cổng trường, Lam thả bộ với Hà và Thủy. Hà nổi bật trong bọn với chiếc áo dài dệt những sọc ngang ở dưới vạt trông cứ y như người bản Thượng hay Cao Miên. Thủy mặc bộ patte trắng nên không có vẻ rực rỡ cho lắm.
Đang đi bỗng Hà nói:
- Một hiện tượng lạ !
Thủy hỏi:
- Cái gì ?
Hà tiếp:
- Một hiện tượng lạ mày không thấy sao ?
Thủy và Lam cùng im lặng chờ đợi câu nói tiếp của Hà:
- Con Lam tự tạo cho nó một nét đặc biệt.
Thủy nhìn Lam dò xét trong khi Lam mỉm cười:
- Chiếc áo dài đen ?
Hà đáp thật nhẹ nhàng:
- Ừ !
Cả Hà lẫn Thủy đều hiểu lầm, chiếc áo dài mà Lam đang khoác trên người chỉ là một sự tình cờ, không cố ý chọn lựa để tạo cho mình một nét đặc biệt. Thật đúng là một tình cờ, tự dưng Lam nổi bật chỉ vì đã làm khác mọi người.
Thảo nhập bọn sau khi đã khóa xe cẩn thận, bốn đứa len lỏi trong rừng người, tiến về cầu thang cuối dãy, lên lớp học.
Vừa trông thấy bốn đứa, Diễm, Tuyết, Phượng đã reo lên:
- A ! Ban tổ chức “văn gừng” đã đến.
Lam hỏi:
- Xong chưa ?
Diễm trả lời:
- Xong hết cả rồi. Có sân khấu đàng hoàng, tụi tao đợi con Hà và con Thủy để bàn giao.
Thảo nhìn quanh một lượt như đang kiểm điểm lại phần trang trí:
- Được ! Quên mất. Con Chi đem đàn đến chưa ?
Phượng đáp:
- Rồi. Tao đem thêm một cái nữa.
Lam vuốt nhẹ mái tóc nhìn Phượng hỏi:
- Chương trình văn nghệ đâu ?
Hà đáp vội:
- Ấy quên ! Để tao lên văn phòng lấy. Tao nhờ quay hôm qua mà.
Nói xong Hà bước đi, không quen lôi theo Thủy. Thảo vào lớp xem xét lại sân khấu, Tuyết nhìn Lam hỏi:
- Tí nữa mày hát bài gì ?
Lam đáp không suy nghĩ:
- Như cánh vạc bay. Còn mày ?
- Bao giờ biết tương tư.
Lam nhìn Phượng như hỏi lại câu hỏi ban nãy.
Phượng:
- Tình đã bay cao.
Diễm:
- Dang dở.
Lam mỉm cười:
- Toàn nhạc tình cảm buồn. Không khá được.
Diễm tiếp:
- Ừ ! Không khá được.
Diễm, Tuyết, Phượng trở vào khi nghe tiếng gọi của Thảo. Còn lại một mình Lam, Lam tì hai tay lên lan can, nhìn bâng quơ xuống sân trường.
Ngày tất niên đã đến trong sự mong đợi của Lam, nhưng Lam thấy buồn nhiều hơn vui. Một sự mâu thuẫn khó thương vẫn hiện diện trong Lam. Vui đó rồi lại buồn đó. Chẳng ai hiểu Lam, chẳng ai nghe tâm sự của Lam, ngay cả Thảo cũng vậy. Lam thấy mình bắt đầu cô đơn với những tâm sự  thầm kín trong đầu.
Nỗi cô đơn đó, cô động thành từng khối, đông đặc thành từng tảng, một ngày một lớn thêm như sự trưởng thành mau chóng của sinh vật.
Lam sợ hãi tưởng như mình đang bị vây kín trong một căn phòng không lối thoát, không có ánh sáng của mặt trời, không có bầu không khí trong lành, chỉ có sự trống vắng lạ lùng, Lam sẽ chết dần chết mòn trong nỗi lo sợ đó, Lam sẽ già nua, khô héo như một chậu cây không người vun xới. Chung quanh Lam sẽ không còn ai, chỉ có Lam đối đáp, chống chỏi với những ý nghĩ của Lam. Trời ơi !...Lam không dám nghĩ tiếp.
Tiếng đàn thánh thót vang lên từ lầu một, vài lớp học ở từng dưới đã bắt đầu cuộc vui. Hình như có người đang hát bản “ Nước mắt mùa thu” !? Lam lắng tay nghe tiếng hát, để hồn chơi vơi theo tiếng nhạc, bay bổng, lơ lững rồi mất hút trong một khoảng không vô tận nào đó. Chỉ một thoáng mơ cũng đủ thấy mình hạnh phúc ! Và Lam đang mơ màng, đang bị lôi cuốn khỏi khung cảnh hiện tại bởi những âm thanh ma quái hiện diện quá bất ngờ…
“Hay tuyệt ! Sao không hát nữa” Lam hỏi thầm. Lam muốn quên tất cả suy tư hành hạ con người có thể phát điên lên được. “ Những người sống về nội tâm thường cằn cỗi”, Lam đồng ý như vậy và Lam cũng đang nhận thấy một vài vết hằn ngày tháng đang cày nát trên khuôn mặt ngây thơ của Lam ngày nào!...
Bóng cô Nguyệt vừa xuất hiện ở cổng trường, Lam vội vàng quay vào báo cho các bạn biết chuẩn bị tiếp đón cô, vị giáo sư đỡ đầu của lớp học.
Tiếng nói chuyện ngưng hẳn, ai về chổ nấy, ban tổ chức gồm Lam, Thảo, Hà, Thủy, Diễm, Tuyết, Phượng, Chi đứng thành hai hàng ngang ngay lối vào làm “hàng rào danh dự”.
Cô Nguyệt vừa bước vào lớp, tiếng vỗ tay vang dội, chiếc quạt trần bắt đầu quay, thả rơi rừng hoa giấy xuống đầu mọi người. Lam mời cô Nguyệt đến chiếc bàn dành riêng cho giáo sư được đặt ngay giữa lớp. Trong khi đó, Thảo xuất hiện trên sân khấu, bắt đầu đọc “diễn văn khai mạc”.
Tiếng vỗ tay nổi lên sau phần chúc Tết sớm của Thảo. Tiếp theo là phần văn nghệ giúp vui trong khi cô Nguyệt và đám học trò dùng tiệc trà thân mật.
Mở đầu chương trình, Thảo hát bài “ Ngày xưa Hoàng thị”, tiếng hát của Thảo cất lên thật cao, thật trong vắt, Lam xúc động theo từng lời hát, âm thanh dường như đang cố tình vây hãm, quấn quít bên Lam. Lam đã quên tất cả, có thể ngay cả chính mình, bản tính Lam vốn yếu đuối và dễ xúc động. đọc một chuyện gì hay nghe một lời nào có vẻ hợp với tâm trạng của mình, có thể Lam sẽ khóc ngay, những giọt nước mắt tuôn rơi thật dễ dàng, Lam không đủ bản năng để kềm hãm. Và Lam nghĩ, hình như nước mắt càng nhiều thì tâm sự buồn càng vơi…
“…Xưa theo Ngọ về, mái tóc Ngọ dài, hôm nay đường này, cây cao hàng gầy, đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi.” Tiếng hát của Thảo đã dứt như âm vang còn đó, còn mãi trong hồn Lam. Tiếng vỗ tay của bạn bè không đủ để lôi Lam về với thực tại. Lam vẫn mơ màng, mơ màng với mái tóc Ngọ dài, với ai mang bụi đỏ đi rồi.
Thảo hát xong, giới thiệu Phượng với bài “Tình đã bay cao”, rời sân khấu, Thảo chạy đến bên Lam hỏi:
- Tao hát được không mày?
Lam giật mình ngơ ngác vài giây rồi mới trả lời:
- Hay lắm! Hay lắm!
Thảo nắm vai Lam lay nhẹ:
- Mày nghĩ gì mà đớ người ra vậy?
Lam nhìn bạn đôi mắt sâu hun hút:
- Tự dưng tao xúc động khi nghe mày hát .
Thảo trách móc:
- Mày chỉ được cái vớ vẩn.
Lam cười:
- Những cái vớ vẩn đáng thương !?
- Ừ ! Đáng thương !
Thảo bước lại chiếc bàn để bánh trái và nước ngọt, xách hai chai nước cam và vài chiếc bánh đem lại chổ Lam đứng. Thảo nheo mắt nói với Tuyết:
- Cho chị để nhờ tí nhé em?
Tuyết nổi sùng:
- Tao lại ăn hết bây giờ chứ nhờ vả cái giọng đó hả?
Hà lên tiếng:
- Mày dòm chừng bàn giáo sư xem thiếu món gì thì “ tiếp tế” ngay. “Xẹc via” mà chỉ lo ăn không à.
Tuyết hỏi:
- Còn con Diễm đâu ?
Thảo nhìn quanh lớp tìm Diễm rồi nói:
- Nó đang “hót” với cô Nguyệt.
Thủy nghiêng đầu sửa lại chiếc nơ:
- Tí nữa con Diễm hát bài gì ?
Thảo xem tờ chương trình trả lời:
- Dang dở.
Lam phát biểu ý kiến:
- Không hay. Bắt nó hát bài “Diễm xưa” với lại nó hát bài này hay hơn bài “Dang dở”.
Tuyết cười:
- Làm một màn cáo lỗi rồi giới thiệu cho nó “rét” một bữa.
Tiếng hát của Phượng vừa dứt, Lam nhắc:
- Kìa Thảo.
Thảo chạy lên sân khấu, cám ơn thay bạn và cáo lỗi:
- Kính thưa quý cô, thưa các bạn, vì lý do ngoài ý muốn, nhạc phẩm “Dang dở” không thể đến với quý cô và các bạn được. Để tạ lỗi, chúng tôi xin giới thiệu Thúy Diễm với nhạc phẩm “Diễm xưa”
Tiếng vỗ tay lại ầm ầm vang lên, Diễm lúng túng thấy rõ, có lẽ con bé đang rủa thầm lũ bạn quái ác! Thảo nhường chổ cho Diễm, chạy về chỗ cũ, tất cả yên lặng, ngồi cắn hạt dưa nghe Diễm hát.
Một lần nữa, Lam lại thấy hồn mình bay bổng khi được nghe những bản mà Lam thích.
Lam nhìn ra ngoài trời, thật tình cờ Lam nhìn thấy nét đẹp của những kẽ lá. Một nét đẹp kín đáo mà Lam tưởng tượng mình đang bước thật nhẹ nhàng trên từng phiến lá, trong từng kẻ nứt già nua của cành cây.
Dường như trên đó là một thế giới vô hình, tưởng tượng nhưng Lam vẫn vẽ ra để rồi hy vọng và chờ mong thế giới đó có thật trong vũ trụ này. Niềm hy vọng cho dù có mòn mỏi, có khắc khoải Lam vẫn cứ hy vọng và không muốn, không bao giờ muốn ước mơ thành sự thật. Sự thật bao giờ cũng tầm thường và đáng chán. Thà rằng cứ hy vọng, cứ mong chờ thì ước mơ đó không bao giờ chết, mãi mãi còn và mãi mãi đẹp trong lòng người.
Lam có nhiều tư tưởng và lời nói hết sức người lớn, chính Lam, Lam cũng công nhận như vậy. Có đôi lúc nói được một câu gì thật hay, giật mình nghĩ lại, Lam thấy mình không còn là mình, một bình thường của ngày tháng xa xưa.
“ Giờ này chắc anh Sĩ đang ngồi trên phi cơ về Đông Hà”. Lam lại nhớ đến anh Sĩ. Suốt một tuần nay, Lam chỉ nhắc đến anh Sĩ và nhớ về anh, điều mà Lam không ngờ nó lại đến với mình quá đột ngột như vậy.
Đông Hà là đâu ? Đông Hà có vui như ở Sài Gòn không ? Lam chỉ nghe anh Sĩ kể là Đông Hà ở ngoài Trung, gần ranh giới, ở ngoài đó buồn lắm, chẳng có nhà cửa gì cả, chung  quanh chỉ toàn là núi rừng, lác đác một vài mái nhà ở xa, trông hoang dã và buồn vô cùng ! Khí hậu ở ngoài đó lạnh không thể tưởng, mặc một lúc ba chiếc áo không đủ ấm, suốt ngày chỉ ở dưới hầm và ban ngày V.C cũng pháo kích chứ không cứ gì ban đêm.
Lam nghe thương anh Sĩ hơn bao giờ hết. Anh khổ cực quá mà chẳng  được hưởng thụ gì cả. Mỗi lần nghe anh kể chuyện ở đơn vị, Lam thấy đôi mắt anh thật buồn và ươn ướt như anh đang khóc.
Anh bảo ở ngoài đó nhớ nhà đến phát điên lên được mỗi khi nghe một vài bài hát quen thuộc. Có lần anh cho Lam xem tấm ảnh chụp chung với đơn vị đồng minh ở căn cứ gì đó Lam không nhớ rõ. Lam thấy nơi anh đóng quân là một thung lũng, chung quanh chỉ toàn núi rừng, chỉ cần nhìn thôi Lam cũng đã tưởng tượng được nếp sống buồn thê thảm ở đây rồi.
“ Thế mà anh Sĩ chịu được. Hay thật !” Lam vừa phục vừa thương anh Sĩ. Nhờ những điều mà Lam được biết đó, cho dù Lam có thương anh Sĩ nhiều hơn anh Quốc và anh Dương, cũng chẳng có gì gọi là thiên vị cả…
- Đến lượt mày nhé.
Thảo vừa nói vừa đập vào vai Lam khiến Lam giật thót mình. Trên kia, Diễm ngân nga nốt hai chữ cuối của bài hát, Lam theo Thảo bước lên sân khấu.
Lam bắt đầu cất tiếng hát, giọng thật buồn, thật nức nở, lôi cuốn. Tiếng hát như muôn ngàn mũi kim đâm nhẹ vào tim người và Lam đã khóc, khóc thật tự nhiên như chính Lam đang kể lể tâm sự mình. Cả lớp xúc động lắng tay nghe, Thảo bùi ngùi ngấn lệ và không ngờ hôm nay Lam lại hát hay thế.
Lam vẫn bay bổng, vẫn triền miên theo lời ca tiếng nhạc, Lam là một con chim nhỏ bé đang hót trên những tiếng bi quan réo gọi hồn người. Bây giờ không còn tiếng hát của Lam, không còn tiếng đàn thánh thót của Chi mà chỉ có một âm thanh lơ lửng, kỳ quái nào đó vọng về từ một cõi hư vô, xa vời. Vạn vật ngưng thở, vũ trụ dừng lại, tất cả lắng tai nghe để được quên mình, để được quên đời.
Sức lôi cuốn vẫn còn…tất cả được thoát ra từ Lam, thật diệu vợi, thật nồng nàn, thật cuồng si…
“Nơi em về ngày vui không em ?...Nơi em về trời xanh không em ?...Ta nghe nghìn giọt lệ…rớt xuống thành hồ nước long lanh…”
Lam đã khóc thật nhiều, khóc như chưa bao giờ được khóc, nghìn giọt lệ kết tụ trong đôi mắt Lam đã tuôn rơi theo lời hát.
Giọng hát không bao giờ dứt, tiếng đàn vẫn còn ngân mặc dù trên kia, Lam và Chi đã đứng yên. Âm thanh còn văng vẳng như đang đục sâu vào tâm não mọi người. Tiếng hát xúc động chân thành, tự nhiên bao giờ cũng hay hơn nghệ thuật trình diễn bắt buộc, mặc dù bài hát quá quen thuộc, cho dù Lam chỉ là một nữ sinh, một tiếng hát của học trò…
Tràng pháo tay kéo dài, Lam cảm động bước đi không vững, Thảo dìu Lam về chỗ ngồi trong khi đa số các bạn đang mong mỏi Lam hát lại một lần nữa…
Buổi liên hoan chấm dứt lúc mười một giờ…Lam từ giã các bạn, ngồi lên yên sau xe Honda, Thảo cho xe chạy ra khỏi cổng trường. Thảo rẽ qua Thống Nhất sau khi thoát khỏi rừng người và rừng xe trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thảo nói thật hân hoan:
- Hôm nay tao mời mày ăn cơm. Bây giờ ghé nhà mày thông báo cho chị Hằng biết rồi đi luôn.
Lam ngạc nhiên:
- Nổi hứng bất tử vậy ?
Thảo cười:
- Tao sung sướng, sung sướng dùm mày vì hôm nay mày độc đáo quá.
Lam yên lặng, Thảo hỏi tiếp:
- Lam này, “ Thuốc” nào khiến mày hát hay tuyệt vậy.
Lam đáp:
- Chẳng thuốc nào cả. Xúc động thì hát được như vậy chứ chẳng hay ho gì.
- Tao phải tập xúc động mới được.
- Muốn tập xúc động phải biết suy tư.
- Suy tư có thừa.
- Cũng chưa đủ.
- Còn gì nữa ?
- Một tâm hồn phức tạp, nhạy cảm.
- Mày dạy tao ?
- Con khỉ ! “Bản chất thiên phú”, làm sao dạy mày được ?
Cả hai cùng cười.Thoáng nhìn qua người ta có thể nghĩ ngay rằng hai con bé này đang yêu đời kinh khủng.
Chiếc xe rẽ về đường Hai Bà Trưng, hướng về vùng ngoại ô Phú Nhuận. Lam ngồi yên lặng đang phân tách, không hiểu hôm nay một ngày vui hay buồn với Lam?...
Chương 4 
Những ngày Tết đã đến và trôi đi thật bình lặng, không có vẻ gì gọi là nhộn nhịp và nuối tiếc đối với Lam.
Lam đã đón tiếp nó thật hững hờ như những ngày bình thường khác. Không phải bị ảnh hưởng bởi thiên hạ mà chính lòng Lam như vậy. Lam đã thật dửng dưng trong đêm giao thừa và buổi sáng mồng một dường như chưa bao giờ có trong Lam.
Những thứ Lam cần thì nó lại không đến và ngược lại, những thứ Lam không muốn thấy thì nó lại ngờ ngờ trước mặt. Lam trở nên cau có và khó tính vô cùng, một sự đổi thay đã đến với Lam trong những ngày đầu tiên của tuổi mười sáu.
Chỉ còn hôm nay và ngày mai, ngày mốt lại phải đi học rồi. Lam lầm bầm như vậy khi nhìn vào tờ lịch treo trên tường.
Đã hơn chín giờ mà vẫn chưa thấy Thảo đến. Hôm nay Lam, Thảo, Hà, Thủy, bốn đứa rủ nhau đi xi nê và làm một chuyến bát phố đầu năm. Đi chơi với đám này chưa bao giờ Lam buồn vì ở chúng luôn luôn có những niềm vui bất tận. Lam thèm thuồng địa vị đó nhưng luôn luôn Lam phải bận tâm suy nghĩ về nhiều vấn đề, dĩ nhiên không bao giờ có những ý nghĩ vui trong đó.
Thường những điều khiến Lam phải suy tư là những điều buồn, “có buồn thì mới có suy tư chứ!”, Lam vẫn hằng trả lời Thảo như vậy.
Bầu trời hôm nay thật đẹp đúng với ý nghĩa của nó. Trời trong vắt, không vẩn đục, không có những cụm mây xấu xí nằm trơ trẽn, không có những tảng mây xám u buồn giăng ngang, từng đàn én bay thật thảnh thơi, những ngọn gió êm ả nhẹ nhàng… tất cả là khung cảnh của bầu trời hôm nay…
Tiếng xe cộ ầm ĩ trước cửa, chưa kịp đứng dậy, Lam đã nghe giọng “the thé” của Hà:
- Con Lam đâu? Đợi vào mời mới chịu đi hả?
Lam trở vào nhà xin phép mẹ rồi bước nhanh ra cửa.
- Từ từ chứ! Ăn cướp hả?
Hà đanh đá:
- Ái dà! Nó lại còn lên mặt xài xể mình nữa chứ!
Thảo giục:
- Lên đây. Lẹ đi bà hoàng.
Lam liếc xéo Thảo một cái rồi mới chịu lên yên ngồi. Hà đi chung xe với Thủy. Thủy nhìn Lam hỏi:
- Đi đâu trước đây?
Lam trả lời:
- Ai biết đâu nào?
Thủy hất mặt ra ý hỏi Thảo, Thảo cười:
- Trông “du côn” không?
Hà cáu kỉnh:
- Lạc đề rồi.
Thảo trêu chọc:
- Đề gì?
Hà trợn tròn mắt, hăm dọa:
- Đầu năm đừng để tao rủa nghe.
Lam phì cười:
- Cũng tin dị đoan cơ à?
Thủy nôn nóng:
- Thôi. Lải nhải mãi. Đi đâu quyết định quách cho xong đi.
Thảo trả lời:
- Lên Eden xem xi nê trước đã rồi muốn đi đâu thì đi.
Thảo và Thủy cho xe chạy ra giữa đường, nối đuôi đoàn xe đang di chuyển như một con rắn khổng lồ.
Đi khoảng hai mươi phút thì đến Saigon, Thảo và Thủy tìm chỗ gởi xe rồi cả bốn nắm tay nhau hướng về đường Tự Do.
Mặt trời đã lên cao, phố xá dường như cũng vui hơn lên; Lam, Thảo, Hà, Thủy thả chân lạc vào rừng người…
Phim buồn quá! Lam thấy thương nhân vật nữ chính trong phim vô cùng, một chuyện phim đầy nước mắt. “Bài học tình yêu”. Đó là tên của cuốn phim mà Lam đã xem hôm nay.
Lam vẫn bước yên lặng bên cạnh Thảo, Hà, Thủy, tâm hồn còn đang luyến tiếc, xót thương cho cuộc tình đổ vỡ của John và Kelly.
Mặc dù chỉ là một câu chuyện tưởng tượng được người ta quay thành phim, Lam vẫn mường tượng như chuyện có thật, vừa mới xảy ra mà Lam được chứng kiến.
Lam đặt mình vào trường hợp của Kelly, Lam thấy không còn gì đau đớn hơn. Tình yêu thật phức tạp vô cùng và có lẽ khi yêu người ta khổ hơn là vui sướng. Bằng chứng là đa số các phim, các truyện tình cảm, Lam thấy họ chỉ dựng lên những chuyện tình đổ vỡ chứ ít khi người ta nói đến một cuộc tình với những diễn tiến thật tốt đẹp.
Lam chợt nhớ đến bài thơ “Yêu” của Xuân Diệu:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu.
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết!”
Biết thế nhưng người ta vẫn cứ yêu, yêu cuồng, yêu dại… và chính Lam, hình như Lam cũng đang mong đợi tình yêu đến với mình cho dù kết quả thật đau buồn…
Đã mười hai giờ hơn, thành phố gần như uể oải, rã rời sau một buổi sáng ồn ào náo nhiệt. Rừng xe, rừng người không còn nữa. Một vài người còn lác đác trên hè phố bước nhanh như trốn chạy bầu trời oi nồng.
Lam lên tiếng phá tan sự yên lặng, nặng nề từ lúc bốn đứa bước ra khỏi rạp:
- Đi kiếm gì ăn chứ chúng mày?
Thủy đề nghị:
- Về Gia Long ăn mì bồ câu.
Thảo lơ đãng, Hà lưỡng lự, Lam tiếp:
- Được… Mấy con này nó mất hồn rồi, mặt cứ ngơ ngơ ngáo ngáo như mọi lạc vào thành.
Hà cong cớn:
- Còn mày không?
Lam lên mặt đàn chị:
- Trầm tư mặc tưởng phải có giờ giấc đàng hoàng. Không phải lúc nào cũng suy tư. Nghe chưa?
Thủy đùa:
- À ra thế! Phải có giờ giấc đàng hoàng. Nghĩa là phải đặt một cái thời biểu… một ngày như mọi ngày…
Thảo nói:
- Lại sắp sửa ông ổng lên đấy.
Thủy cười:
- Còn thua mày.
Hà châm chọc:
- Mỗi con một vẻ.
Thảo sừng sộ:
- Vẻ làm sao?
Hà phê bình:
- Con Lam thì cứng đầu khó nắn như cục đất, con Thảo thì lúc nào cũng cong cớn khó thương, còn con Thủy thì chanh chua đanh đá…
Thảo cáu sườn:
- Còn mày thì bép xép như gà con, ào ào như chong chóng, ăn nói vô trật tự, chẳng ra cái thống chế gì cả, xấc xược, cọc cằn.
Hà hét lên:
- Thôi! Tao có một mà mày rủa tao đến mười cơ à?
Thảo cười đắc ý:
- Có như vậy mới trị được mày. Con khốn! “Thằng” nào vô phước mới được mày chiếu cố.
Hà mắt trợn tròn, miệng há hốc trong khi Lam, Thảo, Thủy cười quên thôi…
Bốn đứa lại lên xe về đường Gia Long. Lam vẫn chưa tìm được sự thoải mái hoàn toàn trong buổi đi chơi hôm nay.
Lam vẫn nhớ về anh Sĩ với tất cả niềm thương yêu, xót xa hiện hữu trong Lam. Ở anh Sĩ vẫn có một sự lôi cuốn đặc biệt đối với Lam, ngoài khuôn mặt đăm chiêu, huyền bí, anh còn có cái tài nói chuyện. Anh nói chuyện rất hấp dẫn và có duyên, những câu chuyện mà anh kể, cho dù không có gì đặc biệt, có thể Lam đã được nghe, Lam vẫn thấy thích thú và say mê vô cùng.
Ngày phép cuối, anh đã dắt Lam đi xem xi nê và bắt Lam phải vào tiệm kem Phương Lan ngồi nghe anh tâm sự.
Buổi đi chơi thật vui, thật đẹp, mà cho đến bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại, Lam vẫn thấy thích thú và luyến tiếc vô cùng. Anh nói đáng lý ra, anh phải đưa Lan về Tân Định, ngồi ở quán café quen thuộc của anh, nơi mà anh đã đến và ngồi ở đó, làm bạn với tách café suốt bảy năm trời nay. Nhưng vì Lam là con gái, vào những chỗ đó không tiện nên thôi. Anh sợ người ta hiểu lầm là Lam thuộc “tuýp” chì lắm, con gái mà cũng biết thưởng thức café đàng hoàng.
Hôm ấy anh đã nói với Lam thật nhiều về con người và nếp sống của anh mà anh đã cưu mang từ ngày anh chấp nhận nhập cuộc. Lam thương anh vô cùng vì nếu theo như lời anh kể thì cuộc sống của anh khổ cực quá, thiệt thòi và thua lỗ trên tất cả mọi phương diện.
Thảo và Thủy cho xe ngừng trước cửa tiệm mì bồ câu, cả bọn bước vào, chọn chiếc bàn thật khuất ở trong cùng để tránh những người quen thuộc.
Buổi trưa, quán thật vắng khách, ngoài đường cũng thưa thớt người qua lại, thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy ngang, phá tan bầu không khí yên lặng rồi tan loãng. Rã rời, mệt mỏi trở về trong lòng thành phố, mọi sinh hoạt như dừng hẳn lại, cô đọng thành từng khối nặng nề…
Lam thức dậy khi đồng hồ vừa điểm năm tiếng. Lam uể oải đứng lên, xuống nhà rửa mặt, rồi bước trở ra phòng khách. Lam nghe có tiếng người nói chuyện ở nhà ngoài, Lam dừng lại lắng tai nghe ngóng rồi tiếp tục bước sau khi nhận ra tiếng của anh Dương và chị Hằng.
- Anh ạ.
- A! Lam, mới ngủ dậy hả?
- Vâng ạ.
Lam vừa trả lời anh Dương, vừa ngồi xuống chiếc ghế dài bên phải. Chị Hằng nhìn Lam mắng yêu:
- Sao không để đến tối hãy dậy?
Lam cười xấu hổ:
- Tại bọn quỷ nó kéo em đi suốt cả buổi trưa.
Anh Dương hỏi:
- Các cô đi đâu?
- Tụi em đi xi nê rồi dạo quanh Saigon.
- Thích nhỉ! Vui không?
- Chán lắm anh ạ! Buổi trưa chả có gì vui cả.
- Ai bảo các cô dạo phố buổi trưa?
Chị Hằng xen vào:
- Tụi này nó điên rồi mà.
- Tụi em tưởng chưa hết Tết chắc thiên hạ đi chơi đông lắm.
- Đông là buổi chiều kìa. Chứ buổi trưa họa chăng có điên mới đi.
Lam vẫn giữ nụ cười trên môi, nhìn anh Dương hỏi:
- Chiều nay anh không đi làm ạ?
- Không. Chiều nay anh được nghỉ. Anh định rủ chị Hằng đi xi nê. Em có đi không?
- Thôi! Em mới đi ban sáng rồi.
- Ban sáng em xem phim nào?
- Bài học tình yêu.
Chị Hằng lên tiếng:
- Hách nhỉ.
Anh Dương hỏi:
- Hay không?
- Hay “tuyệt cú mèo”! Cảm động hết chê! Anh với chị Hằng mà không xem uổng lắm.
- Quảng cáo dữ vậy?
- Thật mà. Anh đi xem thì biết.
Chị Hằng đứng lên nói với anh Dương:
- Anh ngồi nói chuyện với Lam chờ em lên sửa soạn một chút.
Anh Dương gật đầu, chị Hằng bước đi, Lam nhìn bâng quơ hỏi:
- Tết năm nay buồn quá anh nhỉ?
- Ừ!.. Lam năm nay bao nhiêu tuổi?
- Em mười sáu.
- Tuổi yêu đời, tuổi đẹp nhất của các cô.
- Em chẳng thấy đời đáng yêu và đẹp tí nào cả.
- Sao vậy?
- Cuộc sống thật tầm thường, ăn, ngủ và đi học. Em nghĩ mình làm một cái gì nhưng chưa tìm ra được “cái gì phải làm”.
- Tại em chưa nhìn thấy cái đẹp của nó. Thường không ai bằng lòng với hiện tại của mình. Sau này em sẽ hối tiếc khi nó đã vuột khỏi tầm tay em với. Như anh bây giờ chẳng hạn, biết bao giờ có thể tìm về thế giới của tuổi ngọc, cái tuổi mà em đang khoác trên mình.
- Đồng ý với anh là không bao giờ người ta có thể tìm về thế giới tuổi ngọc khi đã bỏ mất nó. Người ta chỉ có thể tìm về quá khứ để nghe những tiếc thương nhem nhúm trong lòng, để “tưởng nhớ mùi hương”, để rồi những giọt nước mắt bất chợt (?) xóa mờ dần quá khứ trước một hiện tại và lo cho tương lai.
Anh Dương nhìn Lam ngạc nhiên:
- Lam nói chuyện có vẻ người lớn quá.
Lam cười, tiếng cười trong như pha lê:
- Anh quên rằng Lam đã lớn? Các anh lúc nào cũng chỉ nhìn Lam bằng một con mắt hẹp hòi. Không ai hiểu Lam cả, không ai chịu nghe lời Lam nói để biết rằng Lam đã lớn.
- Lam có vẻ suy tư nhiều?
- Vâng! Em vẫn thường suy tư nhưng đối với em, cái gọi là suy tư chỉ xuất hiện như làn khói thuốc làm cay mắt em một thoáng rồi tan mau theo nước mắt và rồi… thế là hết.
- Lam đã nhận diện được sự lớn khôn của mình từ bao giờ?
- Không ai có thể xác định được mình lớn khôn từ bao giờ. Em cũng chẳng hiểu nó đến với em lúc nào? Bao lâu rồi? Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng, kiểm điểm lại lời nói và ý nghĩ, em thấy mình quả đã lớn khôn… Như vậy có sớm lắm không anh?
- Không! Theo anh, đến cái tuổi mà Lam phải hiểu, phải biết, thì chuyện gì nó đến rồi sẽ phải đến. Không sớm mà cũng chẳng muộn.
- Lam muốn hỏi anh một điều.
- Lam cứ hỏi.
- Làm thế nào để phân biệt được rằng đó là tình yêu?
- Lam đã yêu?
- Chưa! Em muốn biết thế thôi.
- Kể ra thì cũng khó phân biệt lắm, nhưng theo anh, khi mà mình để ý đến người nào nhiều nhất, dành cho họ nhiều tình cảm nhất, nhớ đến họ luôn, vui với cái vui của họ, buồn với cái buồn của họ, lúc nào cũng nghĩ đến họ, trong lúc đi, trong lúc đứng, trong bữa ăn, trong giấc ngủ, lúc nào hình ảnh họ cũng ngự trị trong tâm khảm mình, thương họ kinh khủng v.v… tức là mình đã yêu rồi đó.
Lam đùa:
- Như anh và chị Hằng chẳng hạn.
Cả hai người cùng cười, vừa lúc đó chị Hằng trở ra:
- Có gì vui mà hai anh em cười dữ vậy?
Anh Dương cầm mũ, đứng dậy trả lời:
- Tâm sự vụn.
Chị Hằng tiếp:
- Vâng lớn lắm rồi. Thôi ở nhà trông nhà, chị đi với anh Dương một chút nghe.
- Vâng ạ.
Lam theo anh Dương và chị Hằng ra đến cổng, gài cồng cẩn thận rồi mới bước trở vào nhà. Căn nhà trở lại sự yên tĩnh, vắng vẻ, Lam nằm dài trên chiếc ghế salon, với tay lấy tờ báo chăm chú đọc…
Chiều đã xuống, những tia nắng gắt buổi trưa không còn nữa. Mặt trời đang thoi thóp thở những hơi cuối cùng trước khi lịm tắt…
… Lam lặng lẽ đến bên cạnh quan tài anh Sĩ. Anh Sĩ vẫn còn đây nhưng chỉ là một cái xác không hồn, một cái thây lạnh giá.
“Sao anh không nói với Lam dù chỉ một lời? Sao anh không cười với Lam dù chỉ nhếch môi? Anh đã đi thật rồi sao? Nghĩa là anh đã chối bỏ cuộc đời, vĩnh viễn xa Lam? … Lam muốn nói với anh thật nhiều nhưng những lời nói của Lam uất nghẹn ở cổ. Lam chỉ biết gục đầu, để mặc lệ tuôn rơi khóc thương anh. Anh Sĩ! Lam vẫn gọi tên anh, vẫn nhìn thấy anh, giữa hai hàng nến trong anh lặng yên không nói, khuôn mặt anh vẫn buồn thật buồn… Đôi mắt anh sâu thăm thẳm nhưng chỉ là đôi mắt chết nhạt nhòa trên di ảnh. Hương khói Bastos xanh ngày nào không còn nữa, bây giờ chỉ có mùi thơm của những nén hương được thắp cho một thây ma. Anh Sĩ! Lam đây! Sao anh không cười với Lam? Anh ghét Lam lắm sao mà anh bỏ đi hả anh? Không! Không bao giờ anh có thể chết được! Hình hài anh vẫn còn đó, Lam vẫn còn đây thì anh không thể chết được!... Mới tuần trước anh còn dắt Lam đi chơi mà? Anh còn hứa hẹn với Lam nhiều lắm mà! Anh quên rồi sao anh Sĩ?”…
Lam vẫn đứng đó đầu gục trên nắp quan tài của anh Sĩ, Lam không thấy gì nữa cả ngoài một khoảng tối đen dày đặc trước mặt. Anh Sĩ đã trở về. Nhưng trở về trong tiếng trống kèn với muôn ngàn tiếng khóc nức nở thê lương! Anh chết thật tình cờ, không một lời từ giã, không một tiếng oán than!.
Chị Hằng đứng dậy, dìu Lam trở về chỗ ngồi. Anh Quốc, anh Dương lặng yên không nói, nhưng đôi mắt của các anh đã nói lên thật nhiều. Thảo lấy khăn thấm nước mắt cho Lam, Lam nhìn Thảo thẫn thờ hỏi:
- Như vậy là anh Sĩ chết thật rồi phải không mày?
Thảo gật đầu. Lam úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở. Chị Hằng và Thảo để mặc Lam khóc, chỉ có nước mắt mới giúp Lam vơi đi phần nào nỗi thống khổ.
Lam nhìn cặp lon Trung úy mới tinh gắn trên là cờ phủ kín chiếc hòm.
“Anh vừa được vinh thăng sao anh không mừng hả anh Sĩ? Sao anh không bắt Lam cắt bánh trong dịp lễ khao lon của anh như lần trước hả anh Sĩ? Kìa! Sao anh không trả lời Lam? Anh giận Lam rồi sao? Anh quên Lam rồi sao? Lam đây mà! Anh không nhớ sao? Anh Sĩ!”
Lam hỏi thật nhiều, những câu hỏi luân lưu trong đầu nhưng anh Sĩ không trả lời Lam, anh chỉ nhìn Lam với đôi mắt không có linh hồn!...
… Chiều xuống thật mau, Lam vẫn ngồi yên bên ngôi mộ vừa mới đắp sơ sài của anh Sĩ. Nước mắt Lam đã cạn. Tâm hồn Lam khô cứng. Anh Sĩ đã về với Lam thật gần gũi nhưng cũng thật xa vời. Trong đầu Lam hiện lên hình ảnh của anh Sĩ ngày nào… và bây giờ… quan tài được đặt xuống, từng nắm đất che lấp hình hài thân yêu, Lam nghe lòng tê tái, xót xa.
Một giọt lệ lăn xuống! Lam nghe linh hồn mình dường như đang giãy chết. Những giấc mơ huy hoàng sụp đổ. Niềm tin chắp cánh bay cao và mùa xuân cũng đang nhạt nhòa trong đôi mắt Lam!...
Nguyễn Sỹ Nguyên
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...