Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Bên kia dốc "Mạ ơi!" 2

 Bên kia dốc "Mạ ơi!" 2

3. Không khí của vùng Suối Hương trở nên căng thẳng. Đó là một sự căng thẳng kéo dài đến ngộp thở. Tuy vậy, học sinh vẫn đến lớp, giáo viên vẫn giảng dạy, và quán hớt tóc, quán may mặc, trạm y tế vẫn hoạt động, cửa hàng hợp tác xã vẫn mở cửa, mặc dù rất ít khách hàng. Còn đội du kích xã dĩ nhiên phải trực chiến một trăm phần trăm, đặc biệt ở cửa ngõ đường bộ tại dốc “Mạ ơi!” và đầu mối đường thuỷ là bến ca nô. Ở hai điểm đó, có lệnh không một ai được ra vào, với lí do đưa ra để giải thích cho dân là Huyện đội cùng Công an huyện đang diễn tập quân sự theo phương án phòng chống trong tình huống giả định, chứ không vì lý do nào khác. Cán bộ họp liên tục, và chia nhau xuống các tổ sản xuất, chứ không phải các đội sản xuất, để “làm việc” với dân, tránh tình trạng tập trung dân lại với số lượng nhiều tại mỗi địa điểm.
Khoảng một tuần trôi qua, Đình và tập thể giáo viên Phân hiệu còn được nghe kể thêm...
Sau khi vụ “hoan hô” xảy ra vào tối nói chuyện thời sự ở quảng trường Khu Trung tâm Suối Hương, vị lãnh đạo tỉnh, vốn từ Đà Lạt về, cùng cán bộ địa phương như anh Diễn, anh Liêu, anh Hỉ và cả anh Cửu (trưởng Ban Quy hoạch) với một số cốt cán họp đến 3 giờ sáng để phân tích sự vụ, tìm hiểu nguyên nhân.
Kết thúc cuộc họp, anh Cửu và anh Hỉ hình như được lệnh phải “trực” tại trụ sở Ủy ban xã, không được đi nơi nào khác.
Vị lãnh đạo tỉnh lên xe bốn bánh vào lúc 5 giờ sáng, khi đã được chỉ huy Công an huyện, chỉ huy Huyện đội báo cáo tình hình, cuộc “diễn tập hành quân, sẵn sàng chiến đấu” trên suốt con đường từ dốc “Mạ ơi!” ra tới huyện lị Mađagui đã triển khai tốt. Và thông tin được loan truyền vừa bằng phương thức tuyên truyền miệng, vừa bằng hệ thống loa truyền thanh, cũng y như nội dung thông tin được thông báo, giải thích ở cửa ngõ dốc “Mạ ơi!”, ở bến ca nô của Suối Hương.
Hai phóng viên của đài báo Lâm Đồng đi theo vị lãnh đạo cũng im thin thít, chẳng có mẩu tin nào được phát thanh, được đăng tải.
Vụ ấy, nếu là diễn tập quân sự hay gọi bằng một từ gọn hơn là tập trận, thì đó là chuyện bình thường. Cho nên, hầu như dân thuộc các vùng KTM. khác, hai bên tuyến đường “Mạ ơi!” – Mađagui, kể cả Đạ Tẻh, đều không hay biết gì hơn.
Không có tình huống “nổ dây chuyền” diễn ra trong nhân dân các vùng trên toàn huyện, toàn tỉnh!
Đến khoảng mươi hôm sau, tình hình Suối Hương cùng những sinh hoạt đều trở lại bình thường. Anh Cửu và anh Hỉ sau khi bị “cấm cung”, cũng không có gì khác so với những ngày tháng trước vụ “hoan hô”. Trong nhân dân Suối Hương, đặc biệt là những người có tham dự vụ “hoan hô” đó, cũng không một ai bị bắt bớ gì, vì thực chất họ chỉ đòi khoán sản phẩm đến người lao động và đòi sử dụng nhân lực địa phương, còn “tự quản, tự trị” là do bức bí quá, họ mới “biểu đồng tình” như vậy, mặc dù nội dung của mô hình “tự quản, tự trị” như một nước độc lập thì lớn lao hơn nhiều, nên miễn bàn... Không bắt bớ, miễn bàn, bởi các cấp lãnh đạo Lâm Đồng không muốn Trung ương biết có vụ việc xảy ra như thế. Vả lại, Trung ương đã tháo mở rồi, lỗi là do Tỉnh, do Huyện làm “cái sảy nảy cái ung”... Cụ thể hơn, nếu có một số dân bị bắt bớ, chắc hẳn vụ việc sẽ nổ to hơn, và Tỉnh, Huyện cũng có vị ngồi chơi xơi nước hoặc “rớt đài”.
Nhưng dẫu sao sự im ắng trở lại đó cũng chỉ là vẻ bên ngoài, nhờ kĩ thuật và nghệ thuật ém nhẹm khôn khéo, còn trong tâm tư nhân dân Suối Hương và cán bộ, từ vùng đất này cho đến Huyện, Tỉnh, đều rúng động.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những gì Đình biết được, suy luận ra, trong điều kiện của anh. Có thể còn có nhiều chi tiết khác mà Đình không hề biết, không nghĩ ra nổi. 
4. Dạo này anh Cửu rất ít ghé thăm nhà tập thể Phân hiệu. Một vài lần đến, anh cũng chỉ thăm hỏi sức khoẻ. Tuy vậy, tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe anh Cửu phủ nhận ước vọng trả món nợ hứa hẹn về một thị trấn mới, một thành phố mới như hồi mới vận động dân Huế đi xây dựng KTM. Suối Hương. Nhưng Đóng vẫn thỉnh thoảng đến, và chuyện trò nhiều hơn.
Sau vụ “hoan hô” không lâu, khoảng chừng một tháng, Đóng nói:
- Bây giờ tình hình trở nên yên ắng lại rồi, tôi cũng trao đổi và tâm sự với các anh... Mặc dù tôi nghĩ có những điều các anh rõ hơn tôi, nhưng tôi cũng nói... Thật ra, cái vụ “hoan hô” đó có nguyên nhân rất sâu xa. Thứ nhất là về khoán sản phẩm đến người lao động. Vấn đề khoán ấy, từ hồi những năm sáu mươi, ở ngoài Bắc đã có một bí thư tỉnh uỷ, đó là ông Kim Ngọc, khởi xướng và thực hiện theo yêu cầu của dân. Lúc ấy, phong trào hợp tác hoá đang lên mạnh, mà đã xảy ra như vậy. Nói cho đúng là khi ra sức đẩy phong trào hợp tác hoá lên thì càng bộc lộ sự bất cập của phương thức sản xuất, nên dân mới kêu đòi, và ông Kim Ngọc mới cho “khoán chui”. Kết quả là dân của tỉnh ông Kim Ngọc no ấm hơn các tỉnh khác, làm nghĩa vụ cho Nhà nước cũng đạt và vượt hơn. Hiện nay, ông Võ Chí Công cũng đang cho làm thí điểm ngoài Bắc. Đó là do tình hình đói kém quá nặng ở khắp cả nước, buộc ông phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp phải mạnh dạn. Và Trung ương đã bật đèn xanh... – Đóng vẫn nói, với giọng trầm tư –. Cái thứ hai là về sử dụng nhân lực địa phương. Cái này thì căn nguyên là từ ngoài Huế kia. Các anh chắc cũng biết khi sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên lại, thành tỉnh Bình Trị Thiên, thì dân Huế “dịch” ra là “Quảng Bình cai trị Thừa Thiên”. Không phải dân Huế kì thị địa phương, mà trong thực tế là thành phố Huế đầy ắp người Quảng Bình, trong mọi cơ quan, ban ngành, thậm chí như cửa hàng mậu dịch quốc doanh ăn uống, cũng toàn là người Quảng Bình. Đó là hệ quả của tâm lí bám vào Nhà nước mà sống, vì cái gì cũng quốc doanh, cũng nhà nước cả, và mọi cán bộ Quảng Bình đều cố ra sức lôi kéo con em cháu chắt dòng họ mình vào cơ quan Nhà nước, vào quốc doanh tại Huế, tại Quảng Trị. Đó cũng là điều kiện để phát sinh mạnh mẽ hơn chủ nghĩa lí lịch, lấy lí lịch để gạt bỏ những ai không phải con em cháu chắt của cán bộ, nhất là gạt bỏ những ai dính líu với chế độ cũ, cho dù tay nghề, tri thức chuyên môn cao đến đâu. Trong công tác tuyển sinh cũng thế. Các trường đại học Huế đầy ắp người Bắc, người Quảng Bình... Mặt khác, người Quảng Bình, cũng như người các tỉnh lẻ khác, vốn dĩ từ xưa đã quê mùa hơn dân kinh đô Huế, sau Ngày Thống nhất, lại càng thấy sự khác biệt nhau trong cách ăn mặc, đi đứng, tư duy... Một bên là mang đậm màu sắc công nông, một bên là quý tộc cũ, tư sản, tiểu tư sản. Do đó, nảy sinh mặc cảm giữa hai bên... Vì thế nên Huế càng lúc càng bị nông thôn hoá (còn công nghiệp hoá theo mức hiện đại trên thế giới thì Quảng Bình cũng chưa, Thừa Thiên cũng chưa)... – Chừng như ý nghĩ trượt nhanh trên lời nói, Đóng buông một câu kết luận –. Tóm lại, dân Huế không chịu nổi. – Đóng nói thẳng, rồi dịu giọng –. Nói thật như thế, hẳn người Quảng Bình cũng thông cảm, vì chỉ riêng việc bố trí cán bộ, tuyển dụng nhân lực, nếu người Thừa Thiên đầy ắp các cơ quan ban ngành, thậm chí từ trường học cho đến các cửa hàng mậu dịch quốc doanh Quảng Bình, chắc chắn người Quảng Bình cũng phản đối.
Đóng nói, thì Đình cứ nghe. Bản thân Đình cũng có một ít chỗ thân quen là người Quảng Bình, và thành tâm nhận thấy họ cũng tốt, có người rất tài hoa. Nhưng chắc hẳn Đóng chỉ muốn nói về tỉ lệ quá cao người Quảng Bình tại các cơ quan ban ngành, kể cả  trường học, cửa hàng, ở Huế, khi sáp nhập tỉnh mà thôi. Trong thực tế, bà con ruột thịt khi xung đột quyền lợi cũng không dễ ai nhường cho ai, nữa là những Bình, những Trị, những Thiên!
Đợi một lúc khá lâu, không thấy Đóng nói gì nữa, nên Đình hỏi:
- Ở Suối Hương này, khi dân Huế được vận động vào đây, họ mơ ước như anh Cửu có dịp nói sơ qua, tôi thấy hay lắm chứ. Có điện, có nước, có bệnh viện, có trường học khang trang, có đường giao thông thuận lợi, không còn những chốt chặn, để tiện trao đổi hàng hoá...
- Nói thì hay, nhưng phải có tiền đầu tư ban đầu. Thành phố Huế lẽ ra phải chịu trợ cấp vốn đầu tư ấy. Hơn nữa, thành phố Huế phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo trợ cho Suối Hương mọi mặt đến mười năm, hai mươi năm sau, may ra... Suối Hương phải tự lực, tự lập, nhưng nói theo kiểu gia đình, trước khi cho con ra riêng, phải tạo điều kiện cho con cơ sở ban đầu đã chứ, và giúp đỡ gia đình nó thêm một thời gian chứ, rồi có ngày nó trợ cấp trở lại cho cha mẹ. – Đóng nói –. Nhưng các anh nghĩ, các cơ quan ban ngành ở Huế đều là người Quảng Bình cả, ai trợ cấp cho Suối Hương!
Đình thấy Đóng hình như hơi lúng túng trong diễn đạt, chắc hẳn là do Đóng cảm thấy khó nói. Ngẫm nghĩ một lúc, Đình hỏi Đóng:
- “Sản xuất bung ra”, sử dụng nhân lực trí thức, chuyên môn tay nghề cao của Miền Nam cũ, đó là hai vấn đề Trung ương đã nắm được yêu cầu và đã ra Chỉ thị, Nghị quyết trong năm ngoái, 1979...  Nhưng còn vấn đề “Quảng Bình cai trị Thừa Thiên” thì sao? Chắc là căng thẳng. Trung ương đã biết chưa? Có thể đã biết nên gộp chung vấn đề lại trong Chỉ thị sử dụng nhân lực Miền Nam cũ, có phải vậy không?
- Rồi sẽ tách tỉnh như cũ lại cho mà xem: tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên. Tôi tiên đoán như vậy. Vì gộp lại thành một tỉnh Bình Trị Thiên, ngoài vấn đề sử dụng nhân lực, thì địa bàn quá rộng, khó quản lí sâu sát được. – Đóng tin chắc –. Để các anh xem, thế nào cũng chia Bình Trị Thiên thành ba tỉnh như cũ!
Đình và anh em giáo viên nhà tập thể Phân hiệu không ngờ Đóng lại sâu sắc và dám táo bạo như vậy.
Khi Đóng về rồi, Đình vẫn ngồi suy nghĩ. Anh càng nhận ra rõ hơn, rằng ở một nơi heo hút, hẻo lánh như Suối Hương, vấn nạn của Suối Hương lại có căn nguyên sâu xa tận ngoài Bình Trị Thiên, thành phố Huế. Và dĩ nhiên, mặt khác, Suối Hương còn kẹt dưới “sức ì” của Lâm Đồng.
Đình cũng thấy, có một điều Đóng không đi sâu vào. Đó là vấn nạn lưu thông, phân phối. Nhưng Đình có những lần đi về Quảng Trị thăm nhà, hoặc đi đường Đạ Bảo – Phan Rang, hoặc đi đường Đạ Bảo – Thành phố Hồ Chí Minh, rồi mua vé xe, mua vé tàu lửa ra suốt, và trong những chuyến đi đó, Đình mới nhận ra, chính các trạm kiểm soát hàng hoá ở ranh giới các tỉnh đã khiến dẫn đến tình cảnh người người buôn, nhà nhà buôn. Thay vì việc lưu thông hàng hoá là của nhà buôn chuyên nghiệp, hàng hoá theo giá cả thoả thuận, thì mọi hành khách đều được khuyến khích ngay tại bến xe, nên mua theo một món hàng ở tỉnh này để bán sang tỉnh kia, và việc mua bán diễn ra ngay tại mỗi bến xe, với xách hàng, gói hàng trao tay. Hàng hoá là một bao gạo, một cân thịt heo, một kí lô trà, mấy lạng cà phê... Nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất là yêu cầu khách quan, luân chuyển từ nơi cung sang nơi cầu, nếu không cho chuyên chở những xe lớn, khoang tàu lớn, thì nó cũng tìm ra đường xé lẻ, xé nhỏ để đáp ứng yêu cầu đó! Tình cảnh quái lạ ấy cũng do thương nghiệp quốc doanh quá cứng nhắc, áp đặt, quan liêu, cửa quyền, chẳng những không đủ sức linh hoạt để hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường tự phát mà còn tạo ra lắm nỗi!
5. Trong những ngày tháng ba, khí hậu của Suối Hương, vùng đất cuối bậc thềm Nam Tây nguyên, bắt đầu nóng hơn. Nắng chói chang hơn. Ở thời điểm này, bệnh sốt rét rất dễ phát. Sương bị phát bệnh sốt rét khi đang lên trường chính ở thị trấn Đạ Bảo để liên hệ công tác. Anh phải vào bệnh viện huyện Đạ Công để được điều trị. Do đó, Đình và Hoan phải dạy thêm tiết, ngữ văn, toán, vật lí, lấp đầy các tiết sử, chính trị và địa vốn do Sương giảng dạy, để khi khỏi bệnh, Sương sẽ dạy bù.
Nhưng thực ra số lượng tiết tăng thêm cũng chẳng bao nhiêu. Không phải vì vậy mà Đình ít có dịp gặp lại Sanh. Cũng không phải vì vậy mà Đình gác lại ý định gặp Nếp Hương thêm một lần nữa. Chỉ đôi khi Đình nghĩ đến họ, và hỏi thầm liệu Sanh có còn chán nản, đau đời không, liệu Nếp Hương có còn giữ được “nụ cười tươi tắn” không?
Với Nếp Hương, chỉ duy nhất một lần Đình được gặp, không kể lần ở bến ca nô tại Đạ Tẻh, bấy giờ quai nón mở rộng che hơn nửa khuôn mặt cô và áo bảo hộ cô mặc rộng thùng thình. Với Đình, “nụ cười tươi tắn” Nếp Hương trở thành biểu tượng cho vùng đất Suối Hương, là lần anh được gặp khi đi cùng với Thừa đến cửa hàng hợp tác xã mua bán, lúc Đình mới về Suối Hương. Dần dần, Đình nhận ra anh là một người có tâm lí muốn tạo ra biểu tượng để suy tư, cảm xúc cho trí tuệ, tâm hồn mình. Phải chăng đó chỉ là cảm nhận chủ quan, thực chất là ảo tưởng? Và những gì anh lí giải về “nụ cười tươi tắn” ấy cũng đều xuất phát từ chủ quan của anh mà thôi, cho dù trong thực tế là có nụ cười của cô gái tên Nếp Hương thật, một nụ cười tươi tắn, sáng ngời trên một gương mặt đẹp phúc hậu, gương mặt đẹp phúc hậu của một dáng hình thon tròn, đài các.
Phải chăng Đình không muốn gặp lại Nếp Hương lần thứ hai để chuyện trò với cô, vì sợ rằng “nụ cười tươi tắn” biểu tượng kia sẽ tan vỡ? Đình cũng không rõ. Và anh càng ngạc nhiên là trong khi anh muốn nhận thức thật sâu sắc hiện thực, những nơi anh đi qua, những chốn anh sống, giảng dạy, Đình lại vừa vô thức vừa ý thức rõ rệt anh muốn có một biểu tượng lạc quan, cho dù đó là ảo tưởng hay là thực chất.
Vụ “hoan hô”, kể ra cũng rất chấn động, là một bùng nổ quá hiền lành từ một thực trạng chất chứa mâu thuẫn, xung đột gay gắt, kéo dài. Không biết vụ ấy có tác dụng hay tác hại đối với “nụ cười tươi tắn” Nếp Hương?
Nhưng rồi, Đình cũng không có ý định tìm gặp Nếp Hương để tự tìm câu giải đáp cho chính mình.
6. Trong khi đó, những chiếc máy cày đã bắt đầu đến đậu ở quảng trường Khu Trung tâm. Nhiều người cho rằng để chuẩn bị cho vụ mùa năm nay, trước khi mùa mưa, mùa gieo hạt đến, số lượng xe máy cày về với Suối Hương là khá nhiều, so với vài năm trước. Một số người bảo khẽ với nhau, như thế phải chăng Tỉnh, Huyện đã quan tâm đến Suối Hương này nhiều hơn, sau vụ “hoan hô”. Nhưng một số khác, lại bảo, hoá ra, vụ “hoan hô” cũng chẳng có tác dụng gì, vì ngoài việc thêm dăm chiếc vào số lượng xe máy cày hằng năm, còn mọi việc đều như cũ, hầu như không thay đổi! Tựu trung cả hai ý kiến đều cho rằng, dẫu sao, số lượng xe máy cày cũng tăng lên cho Suối Hương hơn trước.
Nhưng thực ra đều sai lầm.
Khoảng giữa tháng ba, có thông báo đến với Phân hiệu Phổ thông trung học Đạ Công tại Suối Hương: Thành phố Huế sẽ đưa thêm một đợt dân ngoại thành Huế vào Suối Hương, và khu đất có những ngọn đồi thấp trước mặt dãy nhà Bộ phận Giáo dục, Uỷ ban xã sẽ được khai hoang trở lại. Những vạt tre tự mọc, sau lần Lực lượng Thanh niên xung kích Huế khai hoang, 1977, cách đây ba năm, rồi để vậy, đã xanh um trước nhà, sắp tới sẽ được đốn đi, phát dọn, đốt sạch, và làm nhà, phân lô cho số dân sắp vào. Toán cán bộ cùng thanh niên cốt cán đã vào làm công tác tiền trạm.
Như vậy, số xe máy cày được tăng thêm đó, là để phục vụ cho đợt chuyển dân ngoại thành Huế vào đây, chứ chẳng phải sau vụ “hoan hô”, Tỉnh, Huyện quan tâm thêm cho số dân Suối Hương vốn có.
Một điều khác, không cần thông báo cho nhà tập thể Phân hiệu, vì chẳng liên quan gì, ấy là trong số dân ngoại thành Huế mới vào đợt này, sẽ có một số hộ được điền vào chỗ trống, bù lấp vào những lô vườn mà số hộ đã “vạch” bỏ lại.
Cuối tháng ba, những vạt đất bắt đầu lộ ra sau khi tre bị đốn ngã, và chỉ cần qua một ngày phơi nắng là châm lửa để đốt số tre ấy. Chẳng bao lâu, phía trước nhà, là đất trống với những mẩu than tre đen đúa. Sau đó, những chiếc máy cày bắt đầu ủi đất, lấy mặt bằng.
Sự đổi thay ở Suối Hương sau vụ “hoan hô” chỉ là vậy. Không có gì khác nữa.
Chú thích:
1) Chỉ thị của Ban Bí thư, số 66 – CT./TW., ngày 26-02-1979: “Về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ ở Miền Nam”, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005.
2) Đề cương kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá IV), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV), số 20 – NQ./TW., ngày 20-9-1979, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005; Thông báo số 22 – TB./TW., ngày 21-10-1980, bộ sđd., tập 41 (1980), 2005.
BIỂU TƯỢNG SUỐI HƯƠNG
Chương V 

1. Trời chưa sáng và sương còn giăng mờ, Đình và Hoan đã nói lời tạm biệt ba giáo viên vẫn đang ở lại. Bước chân ra khỏi ngõ, họ quay mặt lui để vẫy tay chào. Buổi chia tay với học sinh, trong lớp học lúc gần trưa hôm qua, với anh em, người quen biết, tại nhà tập thể vào tối vừa rồi, cảm động, giản dị và trọn vẹn. Đình cũng như Hoan đã hoàn tất chương trình các bộ môn mình phụ trách trước ngày tổng kết năm học, do phải dạy bù lấp nhiều tiết trống của Sương, vì Sương phải nằm bệnh viện Đạ Công khá dài ngày. Cả hai được về trường chính sớm hơn mười lăm hôm. Về sớm, cũng để lo một ít việc nhỏ cho đợt phép hè của Phân hiệu.
Ba lô, xách tay vẫn như hôm mới vào, hai người bạn bước về phía ngã rẽ, hướng ra dốc “Mạ ơi!”, nơi từ lâu lẽ ra đã được gọi là cổng làng thay vì cổng rừng. Họ phải đi đường bộ, vì ca nô đường thuỷ đã hết xăng dầu! Trong sương mờ, họ nhận ra chốt gác của du kích. Bên cạnh vọng gác là ba người dân Suối Hương, hai người đàn bà đã luống tuổi và một cô gái.
Đến nơi, Đình mới nhận ra trong một thoáng sững sờ: Nếp Hương! Cô gái có nụ cười tươi tắn nhất trên thế gian này mà Đình được gặp! Đây là lần thứ hai Đình nhìn thấy nụ cười tươi tắn trên môi Nếp Hương! Dĩ nhiên, Đình bị hút hồn, nhưng anh vội trấn tĩnh được.
Sau vài lời chào hỏi, mới biết Nếp Hương cùng hai người đàn bà kia cũng sẽ đi bộ ra Đạ Tẻh để tiếp tục đi xe ra Mađagui, nhưng vì trời còn quá sớm, nên cũng như lệ thường, họ đứng ở vọng gác để chờ thêm người đồng hành cho vui đường đi.
Người thanh niên xung kích nay là du kích bắt tay Đình và Hoan, với lời chào, hẹn ngày gặp lại hai thầy giáo.
- Năm người rồi, hai o và Nếp Hương coi đã bắt đầu đi được chưa? – Đình nói –.
- Đi sớm cho mát. Thôi, rứa thì năm bà con mình cùng đi cho vui. – Người đàn bà tóc hơi chớm bạc nói với nụ cười –.
Dốc “Mạ ơi!” đã ở phía trước mặt. Thật ra dốc cũng không đứng lắm, mà thoai thoải, nhưng dài và khá cao, nghe đâu chừng đỉnh dốc ở cao độ 200 mét. Đường lên dốc đã được mở rộng, phong quang, chứ không phải rậm rịt cây cối, chằng chịt dây mây, tua tủa lẫn mai phục gai góc và đầy sên vắt...
Bước đi bên cạnh Nếp Hương, anh nhận ra hôm nay cô gái ấy mặc chiếc áo thun dài tay, cổ trái tim, màu hồng, đã cũ và hợp với chiếc quần vải jean nội hoá đã bạc màu, cùng đôi giày ba ta xanh thường thấy ở công nhân. Đình vừa bước vừa hỏi chuyện:
- Hôm nay Nếp Hương ra Mađagui có việc chi? Chắc là đi thăm bạn bè?
- Dạ, không. Có chút việc ở Uỷ ban huyện. – Nếp Hương mỉm cười, trả lời –. Nhưng... em đã nói rồi, tên em chỉ là Nếp thôi. Thầy Thừa cũng như nhiều người cứ gọi như rứa, nghe ngài ngại...
Bước chân lên dốc, khiến gương mặt Nếp Hương hồng lên dưới ánh sáng hừng đông vẫn còn dịu sương.
- Có chi mà ngài ngại. Nếp Hương, nghe hay chứ!
- Tại vì... tên thật là Nếp thì chỉ là Nếp thôi.
- Ba mạ khiêm tốn, mộc mạc và chắc Nếp cũng thích như rứa. Nhưng cho phép tôi cứ gọi là Nếp Hương. – Đình nói –. Người khác như thế nào không biết, nhưng tính tôi hơi đa đoan, nên nhiều khi nghĩ là ở đất Suối Hương mình đây vừa có Nước Mắt vừa có Nụ Cười. Nếp Hương là Nụ Cười và Dạ Hương là Nước Mắt.
Nếp Hương đứng sững lại, mở to mắt:
- Trời đất! Chắc Nếp phải khóc, kêu “Mạ ơi!” ở ngay dốc này! Nếp sợ lắm! Thầy Đình có biết Dạ Hương là ai không?
- Xin lỗi Nếp! Thôi, không có chi mô! Đó là do tính tôi hay đa đoan rứa thôi! Nghĩ cái chi, sự thể chi, cũng luôn nghĩ đến khía cạnh này, khía cạnh kia, mặt này, mặt nọ. – Và Đình biết mình đã trót lỡ gợi ra, không thể dừng lại, nín lặng được, nên đành nói thêm –. Đất Suối Hương mình đây là một thực thể, một hiện thực, nên dĩ nhiên phải có mặt lạc quan, mặt bi quan. Nếp Hương là biểu tượng của mặt lạc quan, tươi tắn, là mặt sức sống. – Đình bối rối giải thích, kẻo sợ Nếp Hương buồn lòng, giận dỗi, và anh nhìn thấy những người cùng đi đã vượt lên dăm bước chân, nên nói tiếp –. Mình cùng đi...
Cả hai lại đi song song với nhau. Nếp Hương nói:
- Thật ra, mỗi một người cũng đều có cả Nước Mắt lẫn Nụ Cười...
Bị mạch chuyện đưa đẩy, không thể khác được nữa rồi, Đình đành phải dài dòng:
- Nhưng Dạ Hương là một cô thanh niên xung kích đã thành điển hình của lòng tự trọng, tự ái thường thấy của con người, tuy quá nông nổi. Xin nói ngay để Nếp đừng hiểu lầm. Theo tôi biết, nhờ được nhiều người ở đây kể lại, cô gái có tên Dạ Hương đã quyên sinh bằng thuốc sốt rét Chloroquine, vì bị xúc phạm bởi một anh nào đó, không phải Đóng, vốn làm đại đội trưởng: Anh ta la mắng, ngỡ rằng Dạ Hương không bị bệnh, mà do lười biếng, thèm gạo, nên giả vờ bệnh để được nghỉ lao động, được hưởng tiêu chuẩn bồi dưỡng người ốm là cháo gạo! Trời đất ơi! Thật quá tội nghiệp! Với mọi người, hẳn ai cũng đều xem đó là sự xúc phạm, còn cái chết của Dạ Hương, một phần do tâm tính dễ tủi buồn, yếu đuối, dại dột của cô ấy, là cái chết tiêu cực, nông nổi, và là chuyện đã rồi. Tuy vậy, dẫu sao cái chết của Dạ Hương cũng là cả một biểu tượng bi kịch giữa một thời quá đói khổ, cực nhọc... – Đình hơi lặng người bởi điều mình vừa nói, rồi sau một thoáng ngập ngừng, anh lại nói tiếp –. Vì thế, trời đất Suối Hương ni không thể không có cô gái Nếp Hương, biểu tượng của niềm lạc quan, sự lạc quan của lòng nhẫn nại, nỗi thiệt thòi, cảnh cơ khổ, biểu tượng của nghị lực sống mãnh liệt, sức sống không chịu lụi tàn, khô héo, mãi vươn lên...
Đình cảm thấy hơi ngượng vì phải dài dòng như thế, nhưng anh không thể không nói, vì chẳng thà chịu tiếng dài dòng không đúng lúc còn hơn bị Nếp Hương ngộ nhận.
- Ở đây có Dốc “Mạ ơi!”, biểu tượng của thương yêu, che chở, có Đồi Dạ Hương, biểu tượng của nước mắt, tủi buồn, nên cũng phải có Đỉnh Nếp Hương, biểu tượng của lạc quan, sức sống... – Đình nói, cảm thấy nhẹ lòng và tin rằng Nếp Hương sẽ không phiền lòng vì anh dám gàn dở, đặt mối liên hệ giữa cô với cô thanh niên xung kích tội nghiệp, vừa đáng thương vừa đáng trách và đã chết kia –.
Bước chân lên dốc khiến cả hai thở hơi gấp. Họ im lặng, ngẫm nghĩ và vẫn bước theo Hoan cùng hai người đàn bà luống tuổi trước mặt.
Nếp Hương chừng như bước hơi chậm lại, nói khẽ khàng vì ngại bị nghe thấy:
- Nếp làm chi mà xứng đáng được như rứa...
- Đất trời Suối Hương ni thiêng liêng, nên đã chọn lựa và hun đúc Nếp Hương như rứa rồi. Nếp Hương phải cố gắng cho đến khi già nua, trắng tóc vẫn mãi mãi là biểu tượng tươi tắn, sáng ngời...
- Trời đất! Nếp có biết chi mô! Cứ sống tự nhiên như rứa, chứ có gắng gỏi chi mô!
Đình nói như trong một cơn mê sáng tạo:
- Tôi ước ao ở đất Suối Hương mình sẽ có ba tượng đài của ba biểu tượng đó.
Nếp Hương bỗng cười thành tiếng, tiếng cười trong trẻo, tươi vui, và như che lấp nỗi thẹn thùng.
Ánh nắng sớm mai đã loé qua những cành tre tươi xanh trên đỉnh dốc. Đình ngước mắt nhìn lên và vẫn bước bên cạnh Nếp Hương.
- Nếp Hương đừng gọi tôi là thầy Đình nữa. Cứ gọi cách khác cho thân mật.
- Em cứ gọi nguyên cả tên, thầy Đình, chứ đâu có gọi là thầy không đâu, nên vẫn thân tình mà! Nếu chỉ gọi thầy không thôi, em sẽ phải đi sau thầy một bước, như ở Huế vẫn rứa, để tỏ sự kính trọng, có cách biệt. Em đang đi ngang hàng với thầy Đình mà!
Đình định nói anh cũng chỉ nhiều hơn Nếp Hương vài tuổi, không khéo bằng tuổi cũng nên, vì cô ấy vào Trường Cán sự y tế Huế trước Ngày Thống nhất, tốt nghiệp sau Ngày Thống nhất khoảng vài ba năm, khi tên trường đã đổi thành Trường Cán bộ y tế Huế. Nhưng thôi thì, con gái bao giờ cũng tự chịu nhỏ tuổi hơn một chút, mới là con gái, như xưa nay vẫn thế, thể hiện qua cách xưng hô nghìn đời, muôn thuở. Nghĩ vậy, nên Đình chỉ mỉm cười, vẫn đưa chân bước, sánh vai với Nếp Hương.
 Trên đỉnh dốc “Mạ ơi!”, ba người đi trước đã dừng lại, nghỉ chân. Nếp Hương và Đình sau dăm phút cũng lên đến nơi. Ai cũng thở gấp, mồ hôi ướt đẫm.
Hoan mỉm cười:
- Đình và cô Nếp Hương đã mỏi chân chưa? Còn xa lắm đó, phải không?
Hai bên tóc mai đã có những giọt mồ hôi, lưng áo thun màu hồng đã ướt, nhưng Nếp Hương cũng mỉm cười:
- Đường này em cũng đã đi nhiều lần. Từ đây ra Đạ Tẻh còn khoảng sáu đến bảy cây số nữa.
Người đàn bà mặc áo màu tím nhạt nói:
- Mong đến Đạ Tẻh không phải đợi xe khách quá lâu.
Nhìn lại phần dốc đã vượt qua, thấy vẫn còn ướt sương và khuất nắng, trong khi phía dốc xuống, nắng vàng tươi buổi sáng sớm đã ngập tràn. Gió trên đỉnh dốc, tuy có cây cối hai bên, vẫn thổi mát rười rượi.
- Thôi, nghỉ chừng đó được rồi. Năm bà con mình tiếp tục đi. Thà đến sớm mà chờ xe còn hơn là trễ xe. – Vừa nói, người đàn bà tóc chớm bạc vừa đội lại chiếc nón lá, rồi cất bước –.
Cả nhóm người cùng xuống dốc. Dốc xuống cũng thoai thoải, đi đỡ mất sức hơn nhiều. Một chốc, Đình và Nếp Hương lại đi sau ba người kia. Hoan thỉnh thoảng quay lại, mỉm cười, nhìn Đình và Nếp Hương đang vừa đi vừa trò chuyện.
Đình nói với cô gái có “nụ cười tươi tắn”:
- Khi hồi, Nếp Hương có nói “mỗi một người cũng đều có cả Nước Mắt lẫn Nụ Cười...”. Tôi chưa thấy nước mắt của Nếp Hương. Nhưng bây chừ phải nói thêm là ai cũng có Nước Mắt, Nụ Cười và cả Mồ Hôi.
- Cười, và đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Trong hai chữ “Mạ ơi!” cũng đã có mồ hôi lẫn nước mắt của thanh niên xung kích, khi họ vừa vượt dốc này, vừa phát cây, xẻ lối, vừa bắt sên vắt. Khóc, đã đành rồi. Nhưng trời mưa mà vẫn đổ mồ hôi!
- Tôi thấy nụ cười của Nếp Hương lúc nào cũng tươi tắn, lạc quan. Rứa Nếp Hương có bao giờ phải khóc không, trong thời gian vào vùng KTM. này?
- Trước khi vào, cũng đã khóc, sau khi vào, cũng đã khóc. Nhưng rồi quen đi, và lấy bất kì niềm vui nhỏ nhặt, lớn lao nào chung quanh để đẩy lùi nỗi buồn, cả nỗi đau nữa.
- Tôi biết Nếp Hương không được bổ nhiệm, sau khi tốt nghiệp Trường Cán sự y tế Huế?
Nếp Hương im lặng một lúc, rồi nói:
- Đó là nỗi đau của Nếp đó. Cũng như thầy Thừa, cô Phin thuộc Phân hiệu...
Đình nói với giọng chia sẻ:
- Nhưng sao Nếp Hương vẫn vui được? Điều lạ lùng là ở đó.
- Vì răng thầy Đình có biết không? Vì lúc còn nhỏ, Nếp học lịch sử, một cô giáo rất quý mến Nếp có nói, lịch sử Đàng Trong mình chủ yếu là lịch sử khai hoang lập ấp, lập đồn điền. Nếp chỉ nghĩ giản dị là Nếp với gia đình mạ Nếp cũng đang mở mang đất đai canh tác cho non sông bờ cõi.
- Nhưng thiệt thòi quá lớn, nhất là Nếp Hương không được phục vụ đúng ngành nghề đã học. Cùng lớp với Nếp Hương, nhiều người hẳn đã và đang ở Huế, quần áo trắng, mũ trắng, giày trắng, làm việc trong bệnh viện. Sự thật là Nếp Hương đã bị phân biệt đối xử.
- Nhưng biết làm sao được. Cố nghĩ về điều vui để vui thôi. Nếp vẫn tin vào ngày mai, vì bất kì cái gì cũng phải phát triển theo quy luật, lẽ phải. Chỉ sợ thời gian quá dài đó thôi! Và bây giờ đã có những tín hiệu đáng mừng.
Đình sực nhớ đến anh Cửu cùng những lập luận và ước vọng của anh ấy.
Nếp Hương nói tiếp:
- Thầy Đình biết không, em cũng suy tư nhiều về thời gian lắm. Nhà em ở bên bờ sông Đạ Dưng. Có một ông cụ thừa một số phao nhựa thường gắn ở lưới đánh cá, còn để dành, chưa dùng hết. Em đã xin dăm ba chục cái. Bù lại, em hứa sẽ may áo quần cho gia đình ông mà không lấy tiền. Em lấy mũi dao khắc trên phao nhựa hai chữ Suối Hương và mấy chữ ngày... tháng... năm... Rồi em đã thả xuống dòng sông Đạ Dưng mỗi đêm tròn trăng một cái, với số ngày tháng năm dương lịch theo từng con trăng đó, mặc cho những chiếc phao ấy trôi về đâu thì trôi.
- Trôi vô định?
- Trôi hết dòng sông Đồng Nai rồi ra cửa biển Cần Giờ, trôi tận Biển Đông... Cũng là vô định thật. Nếu có ai nhặt được, cũng không hiểu điều gì ở dòng chữ “Suối Hương, ngày... tháng... năm...” cả. Có lẽ người ta nghĩ đó là dòng chữ khắc để nhớ ngày sắm được tay lưới.
- Rứa với Nếp Hương, những chữ đó thật sự ẩn chứa nội dung gì?
- Có thể nói là không có nội dung gì cả, thầy Đình à! Vì tuyệt đối vỏn vẹn chỉ là “một lần trăng tròn nữa trôi qua”! Nhưng cũng chỉ một mình Nếp tự hiểu như rứa thôi. Thầy Đình nghĩ như rứa thì Nếp có buồn không?
Đình nói với niềm đồng cảm:
- Suy tư về thời gian thường là buồn, vì chúng ta không còn là trẻ con khắc dấu vào cột nhà, vách tường để đo chiều cao hay chờ Tết đến. Vả lại, thả trôi vô định như rứa thì chắc không vui rồi. Thời gian vô định thì phí hoài chăng? Đúng là nếu được làm việc phù hợp nhất với ngành nghề đã học thì cống hiến sẽ cao nhất, tốt nhất. Nếu không, rõ là phí hoài thật, chứ chẳng lẽ không!
Ba người đi phía trước cũng vừa đi vừa chuyện trò cho vui đường đi, quên nỗi đường dài. Hai người đi sau vẫn như thế, chuyện trò quên cả nắng trên đầu và bụi dưới chân. Đường vắng, không một chiếc xe nào chạy qua.
Nếp Hương cũng muốn nói thêm, rằng thầy Đình có hiểu không, nỗi niềm về thời gian đối với con gái nói chung trên đời này còn là nỗi âu lo tuổi trẻ chóng qua, nhan sắc mau tàn phai nữa. Nhưng Nếp Hương im lặng, chân cứ bước tiếp.
- Có như rứa “nụ cười tươi tắn” của Nếp Hương mới là nụ cười của con người, con người có nghị lực, có chiều sâu nội tâm, biết lấy niềm vui làm lẽ sống, hiểu lịch sử đất nước, hiểu quy luật khách quan và chân lí qua thước đo thực tiễn, tin vào sự tất thắng của lẽ phải, thứ lẽ phải trong tâm thức chung của dân tộc, của nhân loại, chứ “nụ cười tươi tắn” không phải của gỗ đá vô hồn, vô tri... Nếu tạc bằng gỗ đá thì nghệ sĩ điêu khắc cũng phải thấu hiểu và thể hiện được chiều sâu ấy.
- Thầy Đình cứ nói đùa! Có mô mà to tát, sâu xa đến như rứa!
Đình im lặng bước. Anh cứ ngẫm nghĩ về những điều Nếp Hương vừa hồn nhiên thể hiện trong cuộc chuyện trò này.
Họ đã xuống hết dốc “Mạ ơi!”, cùng bước tiếp trên những cây số đường dài còn lại. Nắng đã chói chang, nhưng cũng nhờ đồng không mông quạnh, nên gió lồng lộng thổi. Dẫu vậy, cả năm người đều ướt đẫm lưng áo và lóng lánh mồ hôi trên mỗi vầng trán. Dưới chiếc mũ rộng vành, gương mặt Nếp Hương ửng hồng.
Trong câu chuyện, đôi khi Đình cũng muốn nhắc về Huế, nhưng lại nghĩ, nhắc đến thành phố quê hương đầy ắp kỉ niệm ấu thơ, thời học sinh, sinh viên, chỉ khiến chân Nếp Hương, và cả chân anh nữa, chùn bước. Anh cũng muốn hỏi thêm đôi chi tiết về cuộc đời Nếp Hương, nhưng cảm thấy thật bất tiện, vì dù sao, đây cũng chỉ mới là cuộc chuyện trò đầu tiên giữa hai người, nếu không kể vài câu thăm hỏi vu vơ lúc Đình mới vào đất Suối Hương, được gặp cô ở cửa hàng hợp tác xã mua bán.
Nhưng rồi câu chuyện cứ đưa đẩy đến lúc Đình phải hỏi như tình cờ:
- Nếp Hương ra Uỷ ban huyện hôm nay có việc gì quan trọng không?
- Đây là lần đầu tiên Nếp ra đó. – Nếp Hương cười, quay sang Đình –. Thầy Đình có biết vì sao Nếp phải ra đó không?
Đình sực nhớ đến cuộc biểu tình thể hiện nguyện vọng, khá chấn động, với hình thức hiền lành, quá hiền lành, người Suối Hương thường gọi là vụ “hoan hô” đó, nhưng anh cũng ngập ngừng, rồi quyết định không hỏi Nếp Hương có tham dự vào vụ đó hay không, và đến nay, cô có bị phiền hà gì không.
- Không, mong là không có chuyện gì nghiêm trọng. – Đình nói –.
- Rất quan trọng, rất nghiêm trọng! – Nếp Hương bật cười, lặp lại hai từ Đình mới sử dụng –. Nhưng cũng rất chi là bình thường thôi! Nếp đã có giấy thông báo từ Ban Tổ chức huyện là đã được tuyển dụng vào làm đúng ngành nghề chuyên môn ở Bệnh viện huyện Đạ Huoai!
- Tin vui, đó là tin quá vui chứ đâu phải đùa!
Và ngay lập tức, Đình nói lớn cho Hoan đang đi phía trước, cách dăm bước chân, được nghe:
- Hoan ơi, cô Nếp Hương đã được tuyển dụng đúng ngành nghề rồi!
Hai người đàn bà luống tuổi và Hoan đều cùng quay mặt lại. Hình như trong hai người cùng đi với Suối Hương lúc sáng sớm, một người đã biết, còn người kia bây giờ mới rõ:
- Trời đất ơi! Tin đáng mừng như rứa mà lặng im, kín bi kín bít!
Hoan cười, nụ cười chia sẻ, nhìn Nếp Hương:
- Xin chúc mừng Nếp Hương!
Nếp Hương cảm ơn những lời chúc.
Lúc đó, nắng vẫn chói chang và gió vẫn lồng lộng thổi. Còn một đỗi đường nữa mới đến Đạ Tẻh.
Khi lại cùng Đình đi sau ba người kia, Nếp Hương nói khẽ:
- Rứa mà em cứ tưởng là Suối Hương sẽ được tự quản, và trạm xá y tế sẽ thành bệnh viện, như nay mai sẽ có trường phổ thông trung học.
Ngẫm nghĩ trong một thoáng, Đình nói:
- Như vậy là rõ rồi đó, Nếp Hương! Suối Hương chỉ là một xã như các xã khác của huyện Đạ Huoai mà thôi. Trường phổ thông trung học và bệnh viện huyện rồi sẽ đóng tại huyện lị như các huyện khác. Nếu sang năm học mới, tôi không phải điều chuyển đi huyện khác, thì chắc hẳn tôi cũng dạy học tại Mađagui, cũng như Nếp Hương sẽ làm việc ở đó.
Lúc ấy, cũng khoảng gần mười giờ trưa. Nắng vẫn chói chang và gió vẫn lồng lộng thổi. Cả hai người đều cảm thấy bâng khuâng, buồn xen lẫn vui, vì vẫn rất thương vùng KTM. Suối Hương. Có một quãng lặng bâng khuâng kéo dài giữa họ, mặc dù chân vẫn bước.
Đến Đạ Tẻh, dẫu sao, cả năm người đều mừng rỡ khi thấy chiếc xe khách cũ mèm, tróc sơn vẫn đang đậu – chiếc xe độc nhất. Trên xe đã có khoảng mươi hành khách. Họ cùng nhau lên xe, tìm chỗ cất hành lí và để mặc cho hơi nóng từ mái xe dội xuống. May là gió nơi bến xe Đạ Tẻh này cũng lồng lộng không kém. Đình đảo mắt tìm hướng xuống bến ca nô, nơi tháng mười năm ngoái, anh và Hoan không ngờ cô gái đội nón lá, quai nón che kín hơn nửa khuôn mặt, mặc áo bảo hộ thùng thình rộng, cùng đi chuyến ca nô trưa hôm ấy, lại chính là Nếp Hương! Bây giờ, Nếp Hương đang ngồi bên cạnh anh!
Trên chuyến xe trưa hôm đó, họ cũng chẳng nói gì nhiều với nhau, vì hành khách chung quanh là những người lạ và vì xe dằn xóc trên con đường lồi lõm đất đá. Đình trôi theo ý nghĩ, mãi cho đến bây giờ, Nếp Hương mới có điều kiện để phục vụ Suối Hương cùng các xã khác đúng với chuyên môn. Đình cứ hình dung Nếp Hương đội mũ trắng, mặc áo quần trắng y tế, trong một bệnh viện chắc hẳn được làm bằng gỗ và lợp tôn của huyện mới Đạ Huoai, với niềm vui, nỗi mừng cho một cô gái xinh đẹp, phúc hậu, dáng hình thon tròn, đài các, đặc biệt có “nụ cười tươi tắn” nhất thế gian, tuy số phận không được may mắn lắm, nhưng tuyệt vời và sâu sắc niềm lạc quan. Anh tự hỏi, không biết đã bao lần trăng tròn, bao chiếc phao nhựa có khắc dòng chữ “Suối Hương, ngày... tháng... năm...” đã được thả theo dòng sông Đồng Nai, trôi từ quãng thượng nguồn cạnh Suối Hương về đến Biên Hoà, TP. Hồ Chí Minh, Cần Giờ...
Đến bến xe Mađagui, Đình thấy Đóng đã đứng đó. Đóng chạy đến, nói với Nếp Hương:
- Anh chờ Nếp Hương từ hôm qua, mãi đến chừ Nếp Hương mới ra đến đây.
Nếp Hương đỏ mặt:
- Trời đất! Ai bảo anh chờ đón làm chi! Đừng nói đùa mà như thật rứa, thiên hạ họ cười Nếp và cả anh chừ!
Đình và Hoan chào Đóng. Khi đã xuống xe tất cả rồi, sau một lúc tần ngần, họ nói lời cảm ơn hai người đàn bà đồng hành luống tuổi, cảm ơn Nếp Hương, và xin chào tạm biệt, không quên chúc mừng Nếp Hương đã bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời của cô, một nữ y sĩ của Bệnh viện Đạ Huoai. Riêng Đình, anh cảm thấy mình không lẽ lại giữ chân Nếp Hương, để mời cô vào một quán nước hoặc một quán cơm bên đường, trong khi Đóng nhìn Đình với cái nhìn ẩn chứa trong đó nhiều câu nói mà Đóng chưa tiện nói ngay lúc này. Đình đang phân vân. Hoan để mặc cho bạn tự quyết định.
Đóng bước đến cạnh Đình, bắt tay anh, rồi ôm chặt lấy anh, như một cách bày tỏ tình cảm khi sắp chia tay, nhưng để nói khẽ vào tai Đình: “Nếp Hương là của Đóng, Đình à!”. Đình nghẹn ngào, nhưng cũng kịp gật gật đầu với Đóng, và nói: “Mình hiểu rồi”.
Thế là suốt mãi ba mươi hai năm sau, Đình không một lần nào gửi thư hay tìm gặp Nếp Hương, vì Đóng. Đình thương Đóng và quý Đóng, cho dù Đóng có những điều nào đó đáng trách. Vả lại, Nếp Hương đã là biểu tượng của vùng đất Suối Hương, lẽ nào cô lìa bỏ! Hơn nữa, không biết Nếp Hương nghĩ ngợi thế nào, có thể Đình không phải là người cô muốn trao lòng yêu dấu chăng? Hay cô gái có nụ cười tươi tắn nhất thế gian đó, bởi lí do gì bên ngoài cô, nên cũng không một lần tìm cách liên lạc với Đình. Chắc chắn cô đã biết Đình được điều chuyển lên dạy ở Đạ Nông trong niên khoá mới, 1980-1981, nhưng không một lần nào cô viết thư cho anh.
Thật ra, trong thời gian ba năm sau, Đình vẫn còn hỏi thăm về Nếp Hương, qua Huế, Thừa, Sương, những người bạn cùng giảng dạy ở Phân hiệu Đạ Công tại Suối Hương năm đó, kể cả khi Phân hiệu đã thành Trường Phổ thông trung học Đạ Huoai tại Mađagui, vào những dịp gặp nhau như cùng đi làm giám thị hoặc giám khảo trong các kì thi tuyển sinh, tốt nghiệp. Cả ba người đều bảo, Đóng vẫn còn đeo đuổi Nếp Hương và Nếp Hương vẫn quý mến Đóng. Đình phải nghẹn ngào cố quên Nếp Hương.
2. 1980, ba mươi hai năm sau: 2012.
Đình đã là người bước vào tuổi năm mươi sáu, sắp sửa về già.
Ông Đình không ngờ một trong những chiếc phao nhựa mang ý nghĩa thời gian vô định, trong thời đã xa, quá chừng xa, Nếp Hương đã thả trên khúc sông Đạ Dưng thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai ở Suối Hương, mỗi đêm tròn trăng một chiếc, đã trở thành cơ duyên cho đứa con gái út của chính Nếp Hương và của Đóng. Ông đang ngồi nghe chàng trai tên Thuyền, con rể của hai người bạn ấy, kể lại cơ duyên của chính vợ chồng Thuyền, trong phòng khách nhà ông.
- Dạ vâng, thật như vậy đó, thưa chú. Cháu nghĩ chẳng qua là cơ duyên, nên cháu mới nhặt được một trong những cái phao nhựa đó, trúng ngay cái phao có dòng chữ “Suối Hương, ngày 17 tháng 10 năm 1978” (tức là ngày 16 tròn trăng của tháng 9 năm Mậu ngọ), trong chuyến đi khảo sát đường thuỷ ngược dòng sông Đồng Nai vào năm kia, lúc cháu đã hai mươi sáu tuổi... – Thuyền nói xen kẽ –. Dạ, cháu được sinh vào năm 1984... Cháu kể tiếp về cái phao năm 1978 ấy, cái phao được thả xuôi sông trước khi cháu ra đời đến sáu năm... – Thuyền lại kể –. Cái phao ấy tấp vào bờ sông đã lâu lắm rồi! Cháu cũng chẳng hiểu dòng chữ ấy có ý nghĩa gì, chỉ thấy ngồ ngộ, nên cất giữ làm kỉ niệm. – Thuyền mỉm cười nhớ lại –. Sau đó, trong một dịp đi du lịch với nhóm bạn, từ TP. Hồ Chí Minh lên Mađagui, cháu có hỏi thăm đường vào Suối Hương, cái địa danh cháu biết được từ cái phao nhựa ấy. Lúc cháu chìa cái phao nhựa ra, một người phụ nữ ở độ tuổi bằng tuổi má cháu, cầm chặt lấy, rồi bất giác, bà ấy cười rạng rỡ và rưng rưng nước mắt. Hỏi ra, mới biết bà chính là người đã khắc dòng chữ “Suối Hương, ngày 17 tháng 10 năm 1978” và thả xuôi sông trong đêm trăng tròn đó. Bà bảo, đó là kỉ niệm của bà về một nỗi niềm đối với thời gian. – Thuyền nhìn vợ, đang ngồi bên cạnh anh, trước mặt ông Đình, anh mỉm cười –. Nhờ cái phao cùng chuyến đi du lịch đó, cháu mới quen được gia đình bà Nếp và ông Đóng, tức là ba mẹ bên vợ của cháu sau này, rồi quen với Thuỷ Dung, tức là Đạ Dưng (Đạ Dung), vợ cháu đây. Chúng cháu cũng tổ chức lễ cưới vào đúng ngày 16 tháng 9 nguyệt lịch năm ngoái.
Ông Đình cũng mỉm cười, mừng cho cả Thuyền lẫn Thuỷ Dung đã có được một cơ may, duyên lành đến thế. Ông lại nhớ đến hiệu sách tại Nhà Bè, một huyện thuộc TP. Hồ Chí Minh, nơi mà ở đó, cách đây hơn hai tháng, ông đã gặp Thuỷ Dung đang đứng bán hàng sách phụ mẹ chồng, và nhận ra Thuỷ Dung rất giống mẹ đẻ (cô gái tên Nếp Hương năm xưa), giống y như hai giọt nước.
Mời hai vợ chồng trẻ uống trà, ông Đình lại nói:
- Hai cháu biết không, sau lần gặp cháu Đạ Dung, – Ông Đình tỏ ra thích cái tên ấy –, được biết lai lịch cháu, chú nhớ kỉ niệm một năm dạy học ở vùng KTM. Suối Hương, nhớ quá chừng quá đỗi. Và trong gần một tháng qua, chú đã viết lại mảng hồi ức về Suối Hương 1979-1980 thành một cuốn truyện vừa, gồm năm truyện ngắn liên hoàn, có nhan đề chung cho cả cuốn là “Bên kia dốc ‘Mạ ơi!’”. Cuốn truyện vừa này không dài lắm, chỉ độ hơn một trăm trang sách. Đặc biệt trong đó, truyện ngắn thứ năm có nhan đề riêng là “Biểu tượng Suối Hương” với nhân vật Nếp Hương. Nếp Hương là hình tượng được tập trung khắc hoạ ở truyện ngắn thứ năm ấy. Bao giờ đăng trên tạp chí nào đó, hay đến khi nào có điều kiện xuất bản thành sách, chú sẽ tặng hai cháu để đọc cho biết.
Thuỷ Dung ngẩng mặt hỏi ông Đình:
- Hồi đó, chú có quen thân với ba mạ cháu không?
- Chú có nhiều lần chuyện trò với bác Đóng, những khi bác ấy đến nhà tập thể Phân hiệu của các giáo viên bọn chú. Còn cô Nếp Hương, chú chỉ gặp ba lần. Lần đầu, trên một chuyến ca nô vào Suối Hương, nhưng vì còn xa lạ, không biết nhau... Lần thứ hai, nhờ người bạn cùng dạy học giới thiệu, khi tình cờ gặp trong một cửa hàng hợp tác xã, nhưng chỉ chào nhau vài câu. Lần thứ ba, đó là lúc chú và bác Hoan, bạn chú, đi bộ từ dốc “Mạ ơi!” ra Đạ Tẻh, rồi lên xe khách ra Mađagui, cũng tình cờ gặp cô Nếp Hương là người đi cùng đường, cùng lộ trình. – Ông Đình mỉm cười, hồi tưởng –. Để khi nào công bố được truyện ngắn thứ năm đó trên báo chí hay cả cuốn truyện vừa theo cách chú vừa nói, hai cháu đọc sẽ biết. Chẳng qua đó là kỉ niệm thời trẻ, thậm chí ít tuổi hơn tuổi của cháu Thuyền bây giờ.
Chuyện trò thêm một lúc, đôi vợ chồng trẻ xin cáo từ để về nhà.
- Chào chú, chào thím – Nhìn vợ ông Đình, họ cúi đầu chào thêm –.
- Hai cháu về... Từ Tân Bình này về đến Nhà Bè dễ chừng cũng khoảng bảy, tám cây số, chẳng ít đâu! Cẩn thận nghe! – Ông Đình nói –.
Tiễn họ ra khỏi cửa, đợi đến khi chiếc xe máy của họ chìm khuất vào dòng người xe trên đường, ông trở vào phòng khách, rồi lên phòng viết của mình trên tầng lầu, ngồi bâng khuâng trong hoài niệm.
Sau một lúc khá lâu, ông Đình ra phòng ngoài, mở cửa, bước ra ban công, nhìn xuống đường, rồi bâng quơ nhìn chếch về phía chợ Phạm Văn Hai. Đường đã vắng bớt. Chợ đã vắng hẳn người mua kẻ bán, chỉ còn dăm xe hàng rong trên lề đường phía trước.
Nhờ cơn mưa hồi chiều, đêm hôm nay trở nên dễ chịu. Tuy đã đứng ở ban công, ông Đình vẫn không thể nguôi quên kỉ niệm năm xưa, và thầm so sánh tuổi trẻ của Nếp Hương trong chuỗi dài những ngày tháng đó với tuổi trẻ của Đạ Dung, con gái út của chính Nếp Hương, trong thời đoạn hiện nay.
Không khí mát dịu của đêm, khá lâu sau đó, khiến ông Đình cảm thấy mình tỉnh lại, cần thoát ra khỏi thế giới hình tượng của truyện văn chương mà ông đang viết nốt vài trang cuối.
Truyện đành chấm dứt ở đây với niềm tiếc nuối khôn nguôi. 
Lời thưa cuối truyện ngắn thứ V
Tôi đang ngồi trước xấp bản thảo của mình, đọc lại những trang cuối. Tôi tự hỏi: Vì sao tôi lại tưởng tượng ra trên đoạn đường từ dốc “Mạ ơi!” đến Đạ Tẻh, lại có Nếp Hương và hai người đàn bà luống tuổi. Cảnh ở bến xe Mađagui nữa, tại sao tôi lại hư cấu nên như thế. Sự thật, chỉ có tôi và Hoan mà thôi, cùng với nắng chói chang, gió lồng lộng thổi, xe khách Đạ Tẻh xộc xệch chật người, bến xe huyện lị buồn tẻ, trong một buổi sáng tháng 5 năm 1980. Và tại sao tôi lại hư cấu cả đôi vợ chồng trẻ Thuyền - Thuỷ Dung (Đạ Dung) đến thăm, chuyện trò với tôi, tại phòng khách nhà tôi, trong một buổi tối tháng 9 năm 2012. Sự thật, không có đôi vợ chồng trẻ đó.
Để viết nên truyện ngắn thuộc lĩnh vực văn chương này (cũng gọi là tiểu thuyết đoản thiên), tôi cần có những nhân vật hư cấu ấy. Trong đó, ở mức độ hư cấu riêng biệt, quả thật, nhân vật mà tôi mất nhiều thì giờ để suy nghĩ, để gửi gắm là Nếp Hương, so với thực tế là không y hệt, hoàn toàn như hình tượng đã khắc hoạ. Đó chính là hình tượng được nhân cách hoá từ một biểu tượng: Nụ Cười, và tính cách hoá từ một cô gái Suối Hương thoáng gặp.
Nụ Cười là biểu tượng kết tinh từ niềm lạc quan sâu sắc và rất con người từ hiện thực có thật là Suối Hương. Như vậy, mặc dù Nếp Hương là nhân vật hư cấu theo nguyên tắc phản ánh hiện thực, gồm cả hiện thực tâm lí, nhưng biểu tượng Nụ Cười là có thật. Thậm chí, ít ra hình tượng Nếp Hương cũng thật sự có thật trong tâm tưởng, ước vọng của riêng tôi vào thuở bấy giờ, giữa một vùng rừng khai hoang lập ấp đầy đe doạ về bệnh sốt rét và vô vàn cơ khổ khác. Đây là một loại sự thật khác với loại sự thật như dốc “Mạ ơi!” và đồi Dạ Hương. Dốc “Mạ ơi!” với những chi tiết về thanh niên xung kích Huế vừa dũng cảm vượt dốc, xẻ lối, vừa hãi hùng sên vắt dưới bao trận mưa rừng xối xả là có thật trong thực tế. Đồi Dạ Hương với cái chết và nấm mộ, cùng nguyên nhân cái chết của cô gái thanh niên xung kích tên Dạ Hương là có thật trong thực tế.
Nếp Hương là một hình tượng nhân vật truyện văn chương, kết tinh từ hiện thực con người, vùng đất Suối Hương, mà tôi trực nhận được, rồi hình thành, khắc hoạ, từ nhiều tháng ngày suy ngẫm, trong một niên khoá dạy học ở đó, và mãi về sau này, khi đã rời xa Suối Hương.
Khác với hình tượng ấy, dốc “Mạ ơi!” và đồi Dạ Hương là hai sự tích, có thể gọi như thế, của thanh niên xung kích Huế, của nhân dân Suối Hương, đã diễn ra trước khi tôi về Suối Hương, mà tôi chỉ nghe kể lại, đồng thời trông thấy những chứng tích.
Xin được lưu ý như vậy, để thấu hiểu rằng, cho dù trong đời thực, nhân vật Nếp Hương không thật y nguyên như hình tượng nhân vật truyện văn chương, truyện ngắn này vẫn hoàn toàn chân thực. Truyện ngắn này vẫn hoàn toàn chân thực theo cách của tiểu thuyết (kể cả truyện ngắn – tiểu thuyết đoản thiên).
Truyện ngắn tập trung khắc hoạ hình tượng nhân vật Nếp Hương, một trong năm truyện ngắn liên hoàn, là thực thể vật chất, giấy và chữ, cũng như dốc “Mạ ơi!”, đồi Dạ Hương là thực thể vật chất, đất đá, cây cỏ và đường đi, nấm mộ... Cả ba thực thể vật chất đó đều chứa đựng nội dung ý nghĩa, phản ánh hiện thực của con người, vùng đất Suối Hương, 12-1977 – 5-1980, thuở mới khẩn hoang, khai canh, lập làng, dựng trường... 
28-9-2012
Phụ lục:
THƠ VỀ HƯƠNG LÂM
Bài 1
MÙA NGÔ
Ở VÙNG ĐẤT ẤM ÁP
1. tháng tư,
bắt đầu mùa mưa
giọt mưa rơi trên mái nhà
lăn vào lòng em câu hát
bắp ngô giống sáng ngời từng hạt
rơi vào gùi mây
âm thanh tháng tư
mưa tháng tư, mưa tháng tư
cao nguyên, cao nguyên đỏ thắm đến không ngờ
cơ hồ tình ca cao nguyên viết trên mặt đất
bàn tay ai làm tươi thêm triền dốc
dòng chữ màu xanh náo nức, bung ra!
bung ra! bung ra! ơi mưa!
thắm thiết mùa ngô
giọt mưa trong ngần long lanh từng khoé lá
soi nụ cười hồn nhiên rạng rỡ
và đôi mắt ngoan lành lóng lánh ai ơi…
vào mùa rồi! vào mùa rồi!
ơi bồi hồi
náo nức
bung ra!
âm thanh tháng tư tháng tư…
và cô gái kia ơi, ai hát tình ca?
trên cao nguyên Huế mới mẻ không ngờ…
2. anh trở về giữa bát ngát mùa ngô
nghe tiếng lá bổng trầm sao trở thành điệu hát
(dòng suối nhỏ dạo này chảy xiết
ngày chủ nhật vội vàng, mong sao kịp tìm em!)
ấm áp sao xóm làng người đồng hương
giữa cao nguyên bao la vô cùng yêu dấu
nơi anh thầm trao nỗi nhớ
nơi anh lắng nghe xôn xao tiếng hát mùa màng
ơi bao triền ngô quanh đồng lúa mênh mang!
sao làn điệu quê hương
gọi anh đến
bồi hồi trong tiếng lá
anh vẫn tìm ra em trong bao âm thanh
quen thân, bỡ ngỡ
(cho anh tìm ra anh trong khúc hát ông cha…)
xanh thắm mùa màng xanh thắm tình ca
anh bàng hoàng
giữa bát ngát mùa ngô
với tiếng lá bổng trầm long lanh đôi mắt
biết bao ấm áp quê nhà…
1979
Bài 2
MÙA VÀNG MIỀN CAO
nắng mùa khô đến rồi
trời xanh Ma-đa-gui
gió buổi chiều núi đồi
ngân nga trong mùa vui
mùa khô trên vùng cao
đồi vàng hươm sắc lúa
ai kia, trong chiều về
gùi vàng, chiều vàng hoe
nhớ cánh đồng tháng hạ
lòng sôi lên mùa ve
đây mùa mưa, tháng tư
lưỡi cuốc vung ngoài rẫy
tháng mười, đang mùa khô
trưa vàng, chiều rét ngọt
thóc vàng, lâng hương mơ
chờ mùa ngô mẩy bắp
một vùng đồi ấm áp
một vùng trời mưa bay
ơi đất nước rộng dài
bao nhiêu tháng mười hai?
cứ mong ai ngoài ấy
trong chiều Ma-đa-gui
giọng Huế nào ngọt vậy
giữa mênh mông núi đồi
nhớ mưa làng, phố cũ
nên nắng vàng chờ ai
quê hương là đất ở
là giọng nói không phai
nỗi nhớ quê lạ quá
hóa nỗi chờ mong ai
đất đỏ, vàng nắng gió
ngày xanh năm tháng dài
muốn về thăm ngoài đó
mùa vỡ đất đến rồi
ai vào cho đỡ nhớ
cùng gieo hạt ngày mai.
1979
Bài 3
THÁNG NĂM NÀY Ở LÀNG MỚI
làng giữa cánh rừng Tây Nguyên
mỗi tấm lòng vẫn trải ra đến từng ngọn cỏ xanh
biên giới
nương khoai chưa mênh mông
dãy nhà con dựng vội
vẫn vút lên tiếng hát trẻ thơ
từ thăm thẳm nghìn năm
đất nước là lòng mẹ, tiếng cười em
soi vào đấy, thấy mình hoài bé bỏng
soi vào đấy, hiểu mình không thể không khôn lớn!
người lên đường vì một làng mới đang xanh
lịch sử nghìn năm
thấm từng hạt đất Tây Nguyên
yêu làng mới
bằng lưỡi gươm Chi Lăng, Hàm Tử
nương khoai xanh hơn cho biên giới lửa
thì giặc đến, chỉ để núi sông này
sống dậy những chiến công
Tổ Quốc gọi lên đường
Tổ Quốc nghìn năm
đây, thác rừng Tây Nguyên hùng vĩ
làng mới dựng trên truyền thống cũ
dọc biên giới, từ trận đầu đã có mặt Hương Lâm.
1979
Bài 4
GẶP HUẾ Ở VÙNG ĐẤT THÁNG GIÊNG
Kính tặng làng Kẻ Vạn, thành phố Huế
trời vùng cao xanh mặt nước sông Hương
bé ngủ ngon lành dưới lời ru rất Huế
câu hát mới trên môi người mẹ
cho anh gặp quê nhà giữa bát ngát Tây Nguyên
qua những ngọn đồi tháng giêng
bồi hồi ngắm hai dãy nhà
bên con đường đỏ nắng
(tháng năm nào như kiếp lục bình,
nổi trôi bên bờ sông rác rến!)
nghe mơ hồ giọng hát mênh mông
đôi mắt đen tròn, sáng ấm nhìn anh
vẫn màu mắt bình thường của Huế
(gặp người Huế nơi đây
có lạ chi mà mừng rỡ!)
nhưng anh công tác xa nhà, nên thấy quá thân thương
xanh ngời lời hát ru, xanh ngời mái tóc sông Hương
hoa dầu Tây Nguyên quay nghiêng vành nón Huế
giấc ngủ em thơ mơ sân trường mướt cỏ
đủ xanh ngời buổi sáng riêng anh
anh sẽ còn yêu mãi Tây Nguyên
bởi rừng hoang đã ngời xanh chất Huế!
bé thơ ơi, rẫy lúa vàng
bướm chở hương về nôi nhỏ
anh muốn giữ mãi nụ cười
trong đôi mắt giữa mùa ngô.
1979 - 1980
Bài 5
NGƯỜI ĐÀN BÀ
GIỮA VÙNG RỪNG KHAI HOANG
người đàn bà ấy có đôi mắt thoáng buồn
hàng mi đen lấp lánh nắng
ngồi xới đất cho luống rau xanh non
hai bàn tay trắng hồng
trên màu đất của cánh rừng na-pan đốt cháy
ướt đẫm màu nắng mai đến muộn
người đàn bà ấy và tôi đều giật mình
tiếng trẻ con khóc
chị chạy vào nhà rửa tay và khẽ hát
lời ca thoáng buồn như đôi mắt
long lanh
giọng hát ấm áp như đôi tay trắng hồng
đặt trong nắng trộn hoà với đất
và tiếng cười trẻ thơ trong vắt
tiếng nựng con trong mái tranh
trên vùng rừng cháy đen đang sáng biếc chồi non
người đàn bà bỗng sáng lòa trong khung cửa
cúi xuống mỉm cười
chợt thấy nụ cười mình nơi nụ cười con
và vùng rừng cháy đen bát ngát chồi non
lấp lánh trong mắt. 
1980
Bài 6
DỐC "MẠ ƠI!"
Tặng các cô Thanh niên xung kích
thành phố Huế đã có công khai canh
làng Hương Lâm, Lâm Đồng.

ngang qua đỉnh dốc ‘Mạ ơi!’
nghe tươi trong tiếng gió vời vợi reo
năm nào, vách núi cheo leo
bủa quanh em, mây rừng treo, gai dày
mưa trôi giọt lệ chảy dài
khóc dưới núi này, em gọi: Mạ ơi!
Mạ ơi! đồng đội nghe rồi
tựa vai nhau vượt đỉnh trời, buốt tê
phát cây, xe lối, mù che
ánh trăng lòng mẹ, bạn bè soi thêm
 
dốc đời đá thủng gót mềm
lại nâng từng bước chân em vào đời
‘Mạ ơi!’ - dốc có tên rồi
tiếng yêu thương giữa lưng trời, âm vang
hóa hừng đông sáng xóm làng
là cửa ngõ, bay hương ngàn, nắng khơi
dẫu qua bao núi bao đồi
nâng lòng nhau - tiếng Mạ ơi năm nào
dốc dù vơi cạn trôi hao
tiếng yêu thương mãi ngân vào mùa xanh.
1980 - 1981
Bài 7
TỰ TRẤN AN
TRONG ĐÊM VỀ PHÉP

xa nhà mấy năm trời
ngẩn ngơ con đường nhỏ
cây em trồng ngày đó
xanh tốt đến không ngờ
ôi tóc mẹ bạc phơ
vẫn nắng chiều óng ánh
sờ tóc mình đen nhánh
có sợi cằn đang rơi!
ngẩng mặt nhìn đất trời
xấu hổ cùng cây cỏ
trước tuổi già đời mẹ
con vẫn chưa nên người!
 
một thoáng gió thở dài
giữa rừng khuya mưa lũ
để bây giờ, mẹ ơi
xoáy lòng con, bão tố
đêm, bên bàn học cũ
giọt lệ ngời Gương Soi
từ mắt con nóng hổi
hạt bụi nào tan, trôi…
tóc mẹ trắng chân trời
sáng cho con tầm mắt
con đường quê êm mát
cũng chỉ đường về thôi!
con hiểu rồi, mẹ ơi
tháng, năm như ghềnh, thác!
lòng vẫn trong mạch nước
từ nguồn đến biển khơi?                                    
1981
Bài 8
RỪNG TRĂNG
khuya trăng mùa cũ vô ngần biếc
nghe từ thăm thẳm giọng ru hời
gió buốt giạt gần xa thác réo
chim gì kêu vun vút tiếng roi
mọt nghiến thanh giường, rền rất bệnh
nỗi niềm sốt rét chưa đành ghi
hăm hở cày sách và cuốc đất
đôi đêm nằm thèm giấc ngủ khì
thuốc rê giấy bổi họng đắng khét
đắp tấm chăn rách vá, ngó trời
y hệt mối đùn thân đàn đá
hóa nấm mồ, nhang lập lòe ngời
thống nhất mới lên xanh thấy vượn
thú hú buồn thơ hú được đâu
hỡi ơi, trồng tóc tiên thạch thảo –
hoa cằn, sợi mượt ai cạo đầu?
thầy giáo ở rừng thành cán bộ
chốn chiến khu súng chẳng cầm tay
cá suối gay bắt dù đóng khố
lá rau lưng lửng bước say bay
toan sống lang bang lính bỏ ngũ
làm thằng thi sĩ sầu điên mê?
nhưng lẽ chi đầu hàng cơ cực?
quỳ hôn bóng mình in lòng khe?!
học mót tiếng Thượng, đọc sách Mẽo
với học trò tuần bốn giờ gào
dẫu biết không mình thì kẻ khác
rừng đói cơm còn đói chữ sao!
cảm ơn người anh hùng lãng mạn
lay trái tim bằng ước mơ hồng
- thư viện xây trên đồi độc lập
điện sáng rừng - hào sảng cười ngông
cao nguyên một thuở trăng lộng ngát
sương móc rơi lạnh vỡ quanh nhà
thiếp mê hoảng đuối trước ghềnh xoáy
bật cười, tự nguyền rủa. Nắng òa.
1980 - 1995
Bài 9
NỤ CƯỜI ƯỚT MƯA SAU DỐC "MẠ ƠI!"

cổ thụ chết đứng lau tre quắt
rừng già còn ngấm chất da cam
tứ thơ sao để trơ và trụi
mưa xối hồn ào ạt thét gầm
lá rụng ngàn năm đất tơi xốp
mưa nhào dẻo quánh dọc triền sông
sên vắt nhảy búng xuyên vào ngực
tim hoài rỉ máu, thác ghềnh hồng
thác ghềnh ghềnh thác chảy xé đá
bom xô trái núi suối lệch nghiêng
mấy mùa mưa dội lên trang sách
thì đọc nỗi đời trong mắt hiền
mưa xanh rừng lửa, mưa làng mới
sũng mũ-tập-kết, nón bài thơ
già nua bủng và con gái bẫm
bầm cuồng sĩ ngố, beo giáo khờ
 
mưa chiến khu thời-chưa-hậu-chiến
trạm xá lán tranh sắp lớp nằm
mưa kháng chiến chống rách và đói
cấm vận, giặc phương bắc, tây nam! 
mưa bom mưa truyền đơn, thuốc độc
tuổi nhỏ nhìn bay đặc góc trời
và mưa. Mười lăm năm ngẫm lại
ơn Nụ Cười sau dốc nghẹn ‘Mạ ơi!’.
1980 - 1995
Chú thích:
 * Vùng KTM. Hương Lâm. Hương Lâm có nghĩa là người dân Huế (sông Hương) ở Lâm Đồng (vùng cao nguyên Lâm Viên [Liang Biang] - thượng nguồn sông Đồng Nai). Về sau, cuối thập niên 80/XX, vùng KTM. Hương Lâm tách thành hai xã Hương Lâm và Đạ Lây. Trong tiểu thuyết “Bên kia dốc ‘Mạ ơi!’”, tôi gọi vùng Hương Lâm (1977-1980) là Suối Hương (Đạ Hương).
Các bài thơ về Hương Lâm này đã đăng trên báo chí, tuyển thơ (1979-1982...) và in trong các tập thơ riêng đã xuất bản.

Trần Xuân An 
Theo http://www.tranxuanan-writer.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...