Hồ Xuân Hương và Phật giáo
Điều
nghịch lý trong thơ truyền khẩu gán cho Hồ Xuân Hương là Xuân Hương thường đi
chùa, cuối đời có đi tu một thời gian, nhưng trong thơ lại «ghét»
sư đến mức thậm tệ gọi sư là «lũ trọc đầu», «phúc đức như ông được
mấy bồ?», «hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?», sư «chái
gió cho nên phải lộn lèo», thậm chí gán cho Hang Thánh hoá Chùa Thầy,
thánh tích thiêng liêng của đồng bào Phật tử Việt Nam, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh
cởi bỏ nhục thân để đầu thai thành Vua Lý Thần Tông là cái dương vật:
«một đố dương ra biết mấy ngoàm», «một sư đầu trọc ngồi khua
mõ, hai tiểu lưng tròn đứng giữ am».
Một Hồ
Xuân Hương mắng bọn dốt đến cửa thiền, là «phường lòi tói», đề thơ
dỡ làm dơ bẩn nhà chùa: «muốn sống đem vôi quét trả đền», mà
lại đồng thời làm thơ bẩn, bôi nhọ nhà chùa, viết những câu thơ tối tăm, gượng
ép: «đáo nơi neo», «trưa trật nào người móc kẻ
rêu», một phụ nữ đến chùa mà mang « rượu lưng hồ » uống, một
trong năm giới cấm nhà Phật.
Những
câu thơ bẩn thỉu, hạ cấp, gượng ép, hiểu biết kém cỏi về Phật Giáo, chỉ biết đả
kích Phật Giáo qua bề ngoài: «sư đầu trọc lóc»,
«áo không tà», <lần tràng hạt đấm lại đeo>, «giọng
hi ha»... hay kết án những điều vô chứng cớ: «vãi núp sau lưng
sáu bảy bà». Sư mà có đến sáu bảy bà vợ núp sau lưng mà làng xóm, đồng
bào Phật tử để yên cho sao?
Những
bài thơ tệ hại ấy, những câu thơ nguyên tác bị sửa đổi, được gán cho Hồ Xuân
Hương từ một thế kỷ nay, nhiều nhà văn học tiếng tăm cũng không dám suy xét,
nguồn gốc từ đâu, không ai dám đụng đến, mà còn say sưa ca tụng như những câu
thơ «cách mạng» giải phóng phụ nữ, đập đổ tư tưởng phong kiến?
Có những câu thơ dỡ thậm tệ, không có gì là văn chương, nhưng chỉ vì được gán
cho Hồ Xuân Hương, mà người đời cứ nhắm mắt khen hay!
Những
khám phá các văn bản: Lưu Hương Ký, Hương Đình Cổ Nguyệt Thi tập, thơ Vịnh
Hạ Long, thơ Vịnh Cảnh Đồ Sơn.. của các Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo Sư Trần
Văn Giáp, Học Giả Trần Thanh Mại, cụ Cử Nguyễn Văn Tú tại các thư viện trong nước
và ngoài nước đã đánh đổ những bài thơ ngụy tạo gán cho Hồ Xuân Hương nhằm đánh
đổ Phật Giáo mới sáng tác vào đầu thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19: Hang
Thánh hóa, Chùa Quán Sứ, Vịnh ni sư, Chùa xưa, Hang cắc cớ, Sư bị ong châm, Sư
bị làng đuổi…
Trái với
những bài thơ ngụy tạo, dốt đặc cán mai về Phật Giáo, những bài thơ có chứng cớ
tác giả Hồ Xuân Hương đề vịnh cảnh chùa ở Đồ Sơn cụ Trần Văn Giáp tìm thấy chép
trong Phượng Sơn Từ Chí Lược, GS Cao Xuân Huy cũng tìm thấy trong thư viện Cao
Xuân Dục, bài thơ đề Trấn Quốc Tự chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt tìm thấy
trong tủ sách gia đình cụ Trần Xuân Hảo ở xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Hà.
Thơ Hồ Xuân Hương vịnh cảnh Hạ Long giáo sư Hoàng Xuân Hãn tìm thấy trong kho
sách Hán Nôm thư viện Quốc Gia Paris... cho ta thấy Hồ Xuân Hương là «một
phụ nữ học rộng và thuần thục» như lời Tốn Phong viết bài tựa Lưu Hương
Ký, bà tinh thông Nho, Phật, Lão, nhất là về Phật Giáo bà có một kiến thức khá
rộng và uyên bác.
Tiêu
biểu cho tư tưởng, kiến thức Hồ Xuân Hương về Phật Giáo là 9 bài thơ Vịnh Cảnh
Đồ Sơn. Chín bài thơ này Hồ Xuân Hương làm trong khoảng thời gian 1816-1818 lúc
chung sống với Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Hồ Xuân Hương đi thăm các thắng
cảnh chùa Đông Sơn, thời ấy đã hoang tàn, do cuộc khởi nghĩa nhà sư Phạm Ngọc
(1418-1420) chống nhà Minh đô hộ, cuộc khởi nghĩa này được sách sử nhà Minh
chép nhiều (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc -Viêt Nam thế kỷ XIV-XVII ,nxb
Hà Nội 2011) ông Hồ Bạch Thảo, đã bỏ công tìm lục trong thư viện Hoa Kỳ, và dịch
các đoạn Minh Sử sử liên hệ đến Việt Nam mà trong sử ta chỉ ghi vài dòng. Cuộc
khởi nghĩa quy tụ hàng vạn người dựa thế Đồ Sơn, vịnh Hạ Long làm điêu đứng nhà
Minh, nhưng rồi bị dập tắt trong máu lửa, chỉ còn lại các cảnh chùa trên núi
Đông Sơn bị hoang tàn.
Truyền thống giữ nước của các nhà sư và Phật Tử Việt Nam, bắt
nguồn từ những năm tháng đen tối thời Bắc Thuộc, chung một truyền thống với các
phái thiền Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên để thư giản sau khi ngồi thiền các
nhà sư luyện tập võ nghệ, nội công. Chùa Thiếu Lâm Tự nơi Bồ Đề Đạt Ma đến hành
đạo cũng là nơi phát xuất võ nghệ Thiếu Lâm, nguồn cội các phái võ nghệ. Các
phái thiền truyền đến Việt Nam, chung truyền thống đó, các nhà sư Tây Trúc,
Trung Quốc đến truyền đạo. Các phái võ truyền qua đệ tử hay gia đình, một người
Việt Nam lý tưởng trong xã hội ngày xưa là: «văn võ song
toàn», các quan Việt Nam từ quan văn sang quan võ là chuyện bình thường.
Thi hào Nguyễn Du, sau khi đậu Tam Trường, nhậm chức đầu tiên là chức quan
võ: Chánh Thủ Hiệu Quân Hùng Hậu Hiệu, chỉ huy đội quân tinh nhuệ nhất trấn
Thái Nguyên, đại diện cho binh quyền của anh, là Nguyễn Khản, Thượng Thư Bộ Lại
kiêm trấn thủ Thái Nguyên, Hưng Hóa với sự trợ giúp của Cai Gia tức Nguyễn Đại
Lang, nhân vật này có tên trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí... Nguyễn Huy Tự tác giả
Hoa Tiên, con rễ Nguyễn Khản, quan văn dạy học cho Thế Tử chúa Trịnh, chuyển
sang quan võ làm quan Trấn Thủ Hưng Hóa. Tiến Sĩ Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Công Trứ
từng giữ chức Binh Bộ Thượng Thư. Thi hào Cao Bá Quát, khi triều đình không xứng
đáng đã dựng cờ khởi nghĩa «Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn, Mục Dã,
Thanh Điền hữu Võ Thang». Sách sử Việt Nam ít chép việc học tập võ nghệ,
và nghề võ cũng như các nghề khác trong xã hội Việt Nam thường được giữ bí mật
chỉ truyền cho đệ tử, hay con trai... Thời nhà Lê mới thấy xuất hiện Trường Giảng
Võ và các kỳ thi Võ, trước đó chỉ thấy từ nhà chùa Việt Nam xuất hiện ra các đệ
tử trở thành võ tướng, nhà sư lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng, trước
cả Trung Quốc, sự kiện nhà sư Chu Nguyên Chương, lãnh đạo đánh đuổi Mông Cổ,
nhà Nguyên lập ra nhà Minh (1368-1566). Điều tất yếu của các võ tướng là phải
rất giỏi võ, có sức mạnh hơn người, và đọc sách binh thư: nhà chùa là nhà
trường dạy người Việt biết đọc, dạy văn và dạy võ, từ nhà chùa đã đào tạo Lý
Bí, Lý Phật Tử, nhà Tiền Lý (544-602) thành lập nước Vạn Xuân, riêng Lý Phật Tử
cai trị trong 30 năm, nhà chùa đã đào tạo tướng quân Lý Công Uẩn thành lập nhà
Lý (1010-1225) hai trăm năm văn minh rực rỡ, và đến nhà Trần, ông vua Phật Trần
Nhân Tôn, ba lần lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân Mông Cổ, xâm lược từ Á sang
Âu. Nhà chùa là trường học, nhân dân «phân nửa nước là sư sãi», có
những chùa chứa đến 5, 10 ngàn người, họ không phải là «nông nô»,
thực sự là họ đến chùa học tập trong một thời gian, học văn, học võ, tự trồng
trọt, cày cấy, tự nuôi sống... một số ít tiếp tục trở thành nhà sư, phần lớn trở
về đời sống người thường. Khi chiến tranh, những đội quân đầu trọc ra chiến trận,
nhưng khi thắng lợi không thấy họ ở lại để nhận danh lợi, chức tước, mà lui về
đời sống tu hành, nhiệm vụ của họ là bảo vệ nền tảng đạo lý dân tộc, năm giới
nhà Phật: «không giết người, không trộm cắp, không nói dối, không
tà hạnh, không rượu chè» là nền tảng bảo vệ cho xã hội an lành, đạo đức,
yểm trợ cho triều đại Lý, Trần «phòng bệnh» luật pháp, các tệ nạn
xã hội, xem kỹ thì luật pháp ngày xưa cũng như ngày nay không ngoài năm điều phạm
tội ấy. Chỉ thấy thời đại Lý Trần cất chùa mà không thấy xây nhà tù, đào tạo
cai tù, hay dùng các hình phạt: tru di tam tộc, lăng trì, tứ mã phanh
thây, chuồng cọp, vạc dầu... cực kỳ hung ác như các thời đại khác. Thời đại Lý
Trần đã lo việc phòng bệnh hơn là việc chữa bệnh, trừng phạt. Giai đoạn đất nước
đô hộ nhà Minh trước cuộc khởi nghĩa Lê Lợi, có cuộc khởi nghĩa nhà sư Phạm Ngọc
làm quan tướng cai trị nhà Minh điêu đứng... Hồ Xuân Hương đã đến Đồ Sơn, nơi di
tích cuộc khởi nghĩa nhà sư Phạm Ngọc.
Thời
Pháp thuộc, ngay từ khi Pháp đánh Sài gòn năm 1862, hai mươi ngôi chùa Sài
Gòn: Cây Mai, Khải Tường, Kiểng Phước.. đã trở thành «Chiến lũy
chùa chiền». Liên quân Pháp, Tây Ban Nha đã đem đại quân phá sạch. Các
nhà sư đã làm gì mà người Pháp phải gọi đó là «chiến lũy»?. Rồi
tiếp đến đồng thời với cuộc khởi nghĩa các sĩ phu nho sĩ có các cuộc khởi nghĩa
các tăng sĩ: Ngô Lợi (1831-1890), Mạc Đình Phúc (1849-1897), Nguyễn Văn
Quý, Vương Quốc Chính (1898), Võ Trứ ( - 1898) Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí
(1916). Các nhà sư làm gì mà người Pháp gọi là «giặc thầy
chùa», «giặc đầu trọc», các nhà sư tham gia đông đảo thế
nào mà người Pháp gọi là giặc, nhà sư bị bắt nhốt chật các khám đường, bị bắt
hàng ngàn người, hàng chục ngàn người?... riêng vụ Phan Xích Long có 57
người bị bắn, 6 người tại trận và 51 người bị đem ra tử hình tại Sài Gòn (nhiều
hơn cả cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930). Việc này liên quan đến Hồ Xuân Hương
vì đó là thời điểm xuất hiện những câu thơ mạo danh Hồ Xuân Hương nhằm đánh đổ
Phật Giáo, những câu thơ ngạo mạn khi nhìn thấy hàng ngàn nhà sư bị lùng bắt,
có những nhà sư hiên ngang thú nhận tội chống Pháp và mắng chửi cho đến khi lên
đoạn đầu đài: «Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu?», «Hỏi thăm sư cự đáo nơi neo?» sư «chái gió cho nên phải lộn
lèo?». Những câu thơ đồng thời với Tôn Thọ Tường:
«Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay» (con trẻ đây là các sĩ phu Nho học).
Kho tài liệu Bộ Thuộc Địa tại Paris còn lưu trữ những tài liệu này đó là một đề
tài sử học cho một thí sinh viết luận án tiến sĩ tương lai, làm sáng tỏ một
giai đoạn lịch sử còn u tối.
Trái với quan điểm cho rằng thời Lê Trịnh đạo Phật đã suy
vong cho nên Hồ Xuân Hương làm thơ kích bác đạo Phật. Tiến Sĩ Phạm Quý Thích,
pháp danh Thảo Đường cư sĩ, trong Lập Trai Văn Tập đã cho rằng:
«chưa bao giờ Phật Giáo thịnh như lúc này». Thật vậy thời đại Hồ
Xuân Hương đông đảo trí thức đã tham gia nghiên cứu đạo Phật. Tiến Sĩ Lê Quý
Đôn viết Kinh Kim Cương chú giải, trở thành quyển sách yêu chuộng của sĩ Phu Bắc
Hà thời bấy giờ. Nguyễn Du ba năm giang hồ Trung Quốc (1787-1790) mang theo quyển
Kinh Kim Cương Chú giải bên mình, đi «Giang Bắc Giang Nam cái túi
không» đi từ Vân Nam lên Trường An xuống Hàng Châu, đi muôn dậm (khoảng
5000km) «Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế», bằng cách đội mũ
vàng nhà sư, mang pháp danh Chí Hiên, tụng Kinh Kim Cương làm công quả tại các
chùa trên đường đi để kiếm bữa ăn rau đậu: «Tôi đọc kinh Kim Cương
nghìn lượt», tụng Kinh Kim Cương trong ba năm. Tuy nhiên Nguyễn Du đã
thích ứng với Pháp môn Thiền của ngài Huệ Năng hơn, «Lòng ta thường định
chẳng xa thiền». Ngô Thời Nhiệm (1746-1803) cuối đời đã trở thành Hải Lượng
Thiền Sư viết sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, được xưng tụng là Trúc Lâm Đệ
Tứ Tổ (Sau vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Phan Huy Ích
(1751-1822) cũng tham gia soạn và viết tựa cho Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh.
Trong việc nghiên cứu kinh Phật trong thời đại này ta còn thấy những tên tuổi nổi
danh Ngô Thì Hoành em ruột Ngô Thời Nhậm, phật hiệu Hải Huyền. Tiến Sĩ Vũ Trinh
(? -1828) anh rễ Nguyễn Du, Phật hiệu Hải Âu Hoà Thượng. Nguyễn Đăng Sở
(1753 - ?) Phật hiệu Hải Hoà Tăng và Nguyễn Hành (Nguyễn Đàm) con trai thứ
Điền Nhạc Hầu Nguyễn Điều, cháu Nguyễn Du, một trong 5 nhà thơ lớn đương thời,,
pháp danh Hải Điền… Trong thời đại này những ngôi chùa lớn như chùa Tây Phương
được xây dựng, và các ngôi chúa Trấn Quốc, Kim Liên, chùa Thầy, chùa Trăm
Gian.. đều được trùng tu.(Xem Thơ Văn Ngô Thời Nhậm. Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên
Thanh. Nxb KHXH 1978)
Hồ Xuân Hương có một kiến thức khá rộng và uyên bác về Phật
Giáo trong thơ chữ Hán, phản ánh trình độ chung về Phật pháp trong thời đại Lê
Trịnh, đầu thời Nguyễn, điều đó phản bác những bài thơ gán cho Hồ Xuân Hương viết
bởi người dốt đặc cán mai về Phật Giáo viết vào đầu thời Pháp thuộc. Tinh thần
Phật Giáo trong Hồ Xuân Hương nhuần nhuyễn nên khi viết về đảo núi Thầy Tăng Vịnh
Hạ Long, Hồ Xuân Hương đã viết: «Phản phất vân đồi đầu ám điểm,
Cao Tăng ưng hữu tọa đàm kinh». (Phản phất mây buông trời sụp tối, Cao Tăng
đâu đó tụng thời kinh). Khi Tham Hiệp Trần Phúc Hiển bị bắt năm 1818, Hồ Xuân
Hương đi cầu cứu quan Tào Binh Bắc Thành Trần Quang Tĩnh, người bạn thơ đã từng
muốn ngỏ lời cưới bà, Trần Quang Tĩnh lánh mặt: Xuân Hương viết trong bài
Bán chẩm thư hoài, Nỗi niềm gối lẽ: «Ngâm khách hữu thần lai sắc
tướng, Tình ma vô lực khướt sầu binh» (Ngâm khách thế thần đâu sắc tướng,
Tình ma không sức đuổi sầu binh), đêm chữ sắc tướng nhà Phật, «sắc tức
thị không không tức thị sắc», mà đối với chữ sầu binh, tình nàng như tình
với ma nỗi buồn đến đông như một lũ âm binh, thật là tuyệt diệu, phải là người
thấm nhuần đạo Phật đến độ nào, trong đau thương mà vẫn viết được những câu như
thế. Tiêu biểu cho kiến thức Hồ Xuân Hương về Phật Giáo là chín bài thơ Vịnh
Tám Cảnh Đồ Sơn.
Cảnh thứ nhất Hóng mát núi Đông Sơn: Phía Đông Đồ Sơn
có núi gọi là Đông Sơn, từ xa nhìn như yên ngựa, trông cánh rừng thấp thoáng cổng
chùa và ngôi chùa cổ, có hang Giang của đá mênh mông. Khách đến chơi dừng thuyền
trong đêm trăng sáng, nghe tiếng ai nằm ngâm thơ giữa tảng đá phẳng lớn. Non
núi nào hay những biến đổi thời gian, nay biển xanh mai thành ruộng dâu. Bên trời
núi sừng sững chắn gió dữ.
Tôi dịch như sau:
VỊNH TÁM CẢNH ĐỒ SƠN
Bài I: HÓNG MÁT ĐÔNG SƠN
Đông Đồ Sơn, núi gọi Đông Sơn,
Yên ngựa hình non xa thoảng trông.
Cổ tự, cổng thiền rừng thấp thoáng,
Hang Giang cửa động đá mênh mông.
Thả thuyền khách hát trong trăng sáng,
Nằm khểnh ai ngâm giữa thạch bàn.
Non núi nào hay dâu biển mãi,
Bên trời sừng sững chắn cuồng phong.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt
1. ĐÔNG SƠN THỪA LƯƠNG
Đồ Sơn chi đông viết Đông Sơn,
Dao vọng sơn hình tự mã yên.
Cổ tự môn tòng lâm lộc xuất,
Giang phi động tại thạch bình gian.
Phiếm châu hữu khách ca minh nguyệt,
Cao ngận hà nhân vịnh thạch bàn.
Sơn đỉnh bất tri tang hải biến.
Ngật nhiên chi trụ chướng cuồng lan.
Chú thích:
Mã Yên: Núi Đông Sơn ở Đồ Sơn có hình yên ngựa, hai đầu cao
khoảng giữa trủng xuống.
Tang hải: biển xanh hóa thành ruộng dâu, chỉ những biến đổi
do cuộc khởi nghĩa chống nhà Minh của nhà sư Phạm Ngọc, chùa chiền vùng Đồ Sơn
bị đốt cháy, phá hủy.
Bài hai: Qua chơi giếng rồng. Dưới núi Ngọc có dòng nước
trong, thắm hoà xuyên qua các khe đá rót vào dòng sông. Nước trong như nước giếng
Cổ Loa để rửa ngọc trai, và hương thơm thanh khiết như nước miếng rồng. Suối
róc rách tươi lên muôn ngàn gốc cây đỏ, suối chan hòa dòng thắm qua vạn đồng
xanh. Dâu phải là giếng riêng cho một thôn ấp, nước của vị vua anh minh ban phước
báu cho tất cả mọi người.
Bài 2: QUA CHƠI GIẾNG RỒNG
Dưới núi Ngọc Sơn dòng nước trong,
Thấm hòa xuyên đá rót trăm sông.
Hồn như nước ngọc lên ngời sáng,
Thanh tựa rải rồng tỏa ngát hương.
Róc rách tưới lên ngàn gốc đỏ,
Chan hòa dòng thấm vạn đồng xanh.
Há riêng giếng nước cho thôn ấp,
Chu cấp Minh Vương phước báu ban.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Bài 2: LONG TỈNH QUÁ TRẠC
Ngọc Sơn sơn hạ tiểu khê biên,
Xuyên thạch quyên quyên chú bách xuyên.
Nhuận hoạt hồn như hòa ngọc dịch,
Thanh hương sai khả thắng long diên.
Dư ba tư tưởng thiên chu thụ,
Lưu trạch xuyên xuyên vạn lục điền.
Tinh diệp khởi ưng tư nhất ấp,
Minh Vương dụng cấp phúc di thiên.
Chú thích:
Ngọc dịch: nước giếng Cổ Loa dùng để rửa ngọc trai, ngọc trai
sáng ra. Ngày xưa Trung Quốc bắt nước ta triều cống nước giếng Cổ Loa; do tích
Mỵ Châu Trọng Thủy, Mỵ Châu bị Vua An Dương Vương chém chết máu con trai ăn vào
hóa ra ngọc trai. Trọng Thủy tự tử ở giếng Cổ Loa, nên lấy nước giếng Cổ Loa rửa
ngọc, ngọc sẽ sáng lên.
Long diên: là rải rồng, nước miếng cá Voi, long diên hương, một
hải sản quý thơm ngon.
Minh Vương: Là vị vua cai trị sáng suốt như Vua A Dục (Asoka) Ấn
Độ cứ mỗi 30 dậm trên đường đi cho đào giếng, trồng cây ăn trái, và dựng trụ khắc
kinh lời Phật dạy cho người đi đường nghỉ chân. Các vua nhà Đường Trung Quốc và
nhà Lý Trần noi theo việc này lập trường đình, đoản đình, thạch đình, giang
đình.
Bài 3
Động Phật thâm u. Tương truyền rằng Đức Phật Thích Ca ngày xưa ở núi Linh Thứu
tại Ấn Độ. Nhưng ông già trên núi lại bảo có dấu chân Phật trên núi Đồ Sơn. Cửa
động khi cạn, khi sâu phủ đầy cây cỏ dại. Còn những dòng chữ mờ nhạt mòn bởi dấu
rêu, Ngoài hồ có cầu soi bóng nơi thả đèn hoa đăng. Bến nước có khe suối chảy
hoài không cạn. Thiền gia hiểu việc trần gian: Sắc, những điều thấy là không mà
không là sắc, vì bản chất sự vật do nhiều yếu tố tạo thành, tự nó không thật
có.
Bài 3 PHẬT ĐộNG THÂM U
Tương truyền dấu Phật tại Linh Sơn,
Nay được sơn ông chỉ đỉnh non.
Cửa động nông sâu cây cỏ dại,
Chữ mờ phai nhạt dấu rêu mòn.
Ngoài hồ đèn thả cầu soi bóng,
Bến nước khe trong chẳng cạn dòng.
Sắc tức thị không không thị sắc,
Thiền gia hiểu thế việc trần gian.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
PHẬT ĐỘNG TẦM U
Truyền văn Phật tích tại Linh San,
Cận đắc sơn ông chỉ thử gian.
Động khẩu thiển thâm hoang thảo kính,
Tự ngân nồng đậm ấn đài ban.
Phóng đăng hồ ngoại kiều do tại,
Cấp thủy biên khê tỉnh bất can.
Sắc tức thị không, không thị sắc,
Thiền gia đương tác như thị quan.
Chú thích:
Linh Sơn (san): Núi Linh Thứu, một trong những nơi Phật ở và
thuyết Kinh Pháp Hoa.
Sắc Không: thuyết vô ngã, sắc là hình tướng, sự vật là có do
nhiều yếu tố hợp lại mà thành, là không vì tự nó không thật có.
Phóng đăng: nơi thả đèn hoa sen, sau lễ Vu Lan.
Bài 4. ĐĂNG ĐÔNG SƠN TỰ KIẾN KÝ. Nhị thủ. Hai bài, Lên chơi
chùa Đông Sơn.
Đông Sơn cảnh đẹp soi bóng mặt hồ, các loài vịt quý bay về
trong khói sương lên nhuộm mùi thiền. Điểm trên đầu núi đá mưa rơi lất phất,
ngàn hoa đào, hoa mai nở rộ gió tung cánh hoa rụng bay lên. Chùa Đế Bà, nguyên
là một cô gái địa phương bị chúa Trịnh Giang cưỡng hiếp có thai, làng bắt tội
thả bè trôi ra biển chết, oan ức trở nên linh hiển thường hiện ra, dân làng lại
lập chùa thờ gọi là Đế Bà. Dấu vết chúa Trịnh Giang đi qua còn để lại nỗi oan ức.
Có chiếc bè đi qua bến sông chài cá, như bè từ qua biển khổ, trên bè có con
chim bồ nông ngủ đứng như vị sư lo cứu độ mà quên ăn mất ngủ
LÊN CHƠI CHÙA ĐÔNG SƠN Bài I
Đông Sơn cảnh chiếm một hồ riêng,
Uyên báu bay về khói pháp chen.
Đá núi điểm đầu mưa phất xuống,
Nghìn hoa nở rộ gió tung lên.
Đế Bà hương hỏa thơm bên xóm,
Trịnh Chúa xe qua vết cũ còn.
Cứu độ bè từ qua biển khổ,
Chim âu ngủ đứng bến ngư thôn.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt.
ĐĂNG ĐÔNG SƠN TỰ KIẾN KÝ
Nhị thủ
I.
Đông Sơn cảnh chiếm nhất hồ thiên,
Bảo áp phi lai pháp giới yên.
Nham thạch điểm đầu hoàn vũ hạ,
Thiên hoa mãn thụ lộng phong tiền.
Đế Bà hương hỏa phương lân cận,
Trịnh Chúa xa luân cựu tích truyền.
Phổ độ hàng từ siêu khổ ải,
Thuần âu than hạ túc ngư thuyền.
Chú thích:
Bảo áp: vịt báu, chim uyên là một loài vịt báu, con trống
lông đủ màu rất đẹp thường đi với con mái là chim ương một màu xám nâu. Tại các
công viên Tây Phương thường nuôi loại vịt này, thường gọi là vịt Nhật Bản hay vịt
nhà quan.
Đế Bà: cô gái địa phương bị chúa Trịnh Giang hiếp có thai, bị
dân làng bắt tội thả bè trôi sông chết oan ức thành linh hiển, dân làng lập miếu
thờ tại Đồ Sơn.
Trịnh Chúa: Chúa Trịnh Giang, vị chúa dâm ô vô độ, chơi bời
xa xỉ, lại đào hầm làm nhà ở dưới đất để cho khỏi sợ sấm sét . Đoàn Thị Điểm được
cha nuôi là Thượng Thư Lê Anh Tuấn tiến cung cho chúa Trịnh Giang nhưng bà từ
chối. Trịnh Giang giết hại nhiều công thần, giặc giả nổi lên khắp nơi, nên bị
triều đình truất phế nhường ngôi cho em là Trịnh Doanh.
Chim âu: Xuân Hương dùng chim âu cho hợp niêm nhưng có lẽ là
chim bồ nông vì nhà chài thường nuôi bồ nông trên bè như gia súc dạy bắt cá,
hình dáng bồ nông giống như vị sư già. Chim âu là chim trời chẳng ai nuôi.
Bài II. Con cò trắng bay qua sông, nước nối liền với trời, cảnh
tùng lâm chùa thiền trên núi khói mây bay qua. Nữ Vu trị thủy không kể mùa đông
hay mùa hạ, ngư phủ chèo thuyền người phía sau, người phía trước. Vị cao tăng
ngộ đạo chống gậy xuống núi, giảng kinh hoằng pháp là hiện thân Phật Tổ giúp đời.
Một mình lên núi Đông Sơn dạo chơi, thi hứng đầy thuyền, trong ánh trăng sáng
soi.
Cò trắng qua sông nước nối trời,
Chùa thiền một cảnh khói mây trôi.
Nữ Vu trị thủy không đông hạ,
Ngư phủ thuyền qua sau trước bơi.
Ngộ đạo Cao tăng mang gậy xuống,
Hiện thân Phật tổ đến đây rồi.
Một mình lên núi Đông Sơn dạo,
Thi hứng đầy thuyền trăng sáng soi.
Bài 5 THÁP SƠN HOÀI CỔ. Nhìn tháp trên núi nhớ chuyện xưa.
Nhìn tháp cũ, chùa xưa bị phá thời nhà Minh, vì cuộc khởi
nghĩa của nhà sư Phạm Ngọc, chỉ còn nền gạch, cỏ dại lan tràn, như vì Vua Dục
Vương (Asoka) đã xa rồi nên cảnh vật hoang tàn. Tiếng nước reo, như tiếng ngàn
cân bảo khí, gươm giáo reo vang. Chín bậc thềm chùa gạch ngói đều tang hoang.
Người đốn củi tựa rìu bên đá nằm ngủ. Tiếng trẻ mục đồng xua mấy con nghé xuống
đồi hoang ăn cỏ. Lên trên núi cao muốn hỏi nhà sư trên núi đạo mầu Đức Phật,
nhưng chùa không còn nữa, chỉ nghe tiếng chuông đâu đây vọng từ cuối rừng xa từ
một ngôi chùa khác.
NHÌN THÁP TRÊN NÚI NHỚ XƯA
Tháp cũ nền xưa cỏ dại tràn,
Dục Vương xa vắng cảnh hoang tàn.
Ngàn cân bảo khí reo bên nước,
Chín bậc phù đồ gạch ngói tan.
Tiều tử tựa rìu bên đá ngủ,
Mục đồng xua nghé xuống đồi hoang.
Lên cao muốn hỏi sơn tăng đạo,
Chuông vắng đâu đây vọng cuối ngàn.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THÁP SƠN HOÀI CỔ
Cổ tháp di khư loạn thảo đôi,
Dục Vương khứ hậu ủy hôi đồi.
Thiên quân bảo khí minh lưu thủy,
Cửu cấp phù đồ hóa kiếp hôi.
Tiều tử ỷ kha miên thạch đắng,
Mục nhi khu độc há sơn ôi.
Đăng cao dục hội sơn tăng giảng,
Hà xứ chung thanh khụ nhất hồi.
Chú thích:
Dục Vương. Vua Asoka người đầu tiên thống nhất nước Ấn Độ thế
kỷ thứ 3 trước công nguyên bằng bạo lực, được các tu sĩ Phật Giáo giác ngộ, vua
theo đạo Phật, tổ chức Kết tập kinh điển lần thứ ba tại Pàtaliputta năm -252
(trước TL) và lập các 9 sứ đoàn tăng già đem đạo Phật truyền bá khắp nơi đến tận
Alexandrie Ai Cập, Hy Lạp và Trung Quốc, Giao Châu. Sự kiện này trùng hợp với
người Việt Nam theo Đạo Phật đầu tiên được biết đến là Chữ Đồng Tử và Tiên Dung
Công Chúa thời Hùng Vương, học Phật với nhà sư Phật Quang. Tiên Dung Công Chúa
là một phụ nữ bản lĩnh, đi tắm biển (thời đó chưa có áo tắm bikini) chợt khám
phá ra trong màn tắm mình sau đám lau có anh chàng Chữ Đồng Tử, nghèo quá,
không có cả cái khố, nên sợ hải vùi thân dưới cát, cho là duyên tiền định, Tiên
Dung nhất định cưới làm chồng, bất chấp cả việc “môn đăng hộ đối” của vua Hùng,
bỏ nhà đi xây tổ uyên ương. Họ lập ra Phố Hiến, Hưng Yên buôn bán thịnh vượng với
các thuyền buôn các nước và trở nên giàu có hơn cả vua Hùng Vương. Tiên Dung
Công Chúa là “nhà tư bản” đầu tiên của nước ta, truyền thuyết họ xây dựng lâu
đài cung điện trong một đêm. Tiên Dung Công Chúa còn làm một việc “cách mạng”
hơn nữa là gửi chồng đi “du học” với nhà sư Phật Quang Ấn Độ (23 thế kỷ trước
Ngô Bảo Châu), tương truyền rằng Chữ Đồng Tử học được nhiều “phép lạ”. Theo
tôi, “phép lạ” Chữ Đồng Tử học được là viết được từ số 1 đến số 9, và số 0, một
phát minh vĩ đại của Ấn Độ mang đến cho nhân loại. Đức Phật trong kinh điển sử
dụng rất nhiều số: 1 giải thoát, 2 căn, 3 Bảo, 4 đế, 5 giới, 6 hòa (điều sống
chung hoà thuận), 7 thức, 8 chánh đạo, 9 suối, 10 thiện, 12 nhân duyên, 18 La
Hán..và số 0 niết bàn, số 0 đứng sau các số là có, mà trước các số là không.
Trong lúc đương thời, người Lạc Việt thời vua Hùng Vương còn đếm thắt nút,
quanh thắt lưng mang theo một đống dây (hình trên trống đồng Ngọc Lũ), Tây Gô
Loa đi đâu cũng mang một bị đá sỏi để làm toán (chữ toán, calcul của Pháp có nghĩa
là đếm sỏi)...và kết quả nhờ tính toán giỏi, mua một bán mười Tiên Dung Công
Chúa và Chữ Đồng Tử đã trở nên giàu có nhất nước. Tiên Dung bán giấy dó Giao
Châu cho các nhà sư Ấn Độ, do nhu cầu chép kinh Phật, dịch kinh cần rất nhiều
giấy, Ấn Độ chỉ có lá bối, lá buôn kinh chép mau mục. Có lẽ được sự trợ giúp của
Chữ Đồng Tử và Tiên Dung Công Chúa đạo Phật đã sớm bén rễ tại Việt Nam. Từ bốn
vị Thần Mưa, Thần Mây, Thần Sấm, Thần Chớp tôn giáo thời Hùng Vương đã nâng lên
thành bốn ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đạo Phật đã nâng
cao tôn giáo cổ truyền lên, mà không tạo ra cuộc thánh chiến tôn giáo. Sang thế
kỷ thứ hai sau TL, theo Thiền Uyển tập anh, trước khi Đạo Phật truyền qua Trung
Quốc thời Tam Quốc, Kinh đô Luy Lâu Việt Nam đã có 20 ngôi chùa, 15 bộ kinh đã
được dịch và 500 sư sãi... Theo tôi, Chữ Đồng Tử và Tiên Dung Công Chúa còn “hiện
đại hóa“ đất nước vua Hùng bằng chiếc xe bò, kiểu mẫu từ Ấn Độ được sản xuất
100% tại đất vua Hùng, nhờ đó dân Lạc Việt từ miền đất cao Vĩnh Phú đã xuống
khai thác vựa lúa đồng bằng sông Hồng và sông Lam và thay đổi cả nếp sống người
Lạc Việt bằng guồng quay tơ, dệt vải, tơ tằm trước đó người thời vua Hùng mặc
áo bằng lông chim và da thú (Mỵ Châu mặc áo lông ngỗng).
Phù đồ: nguyên là các bức tranh vẽ bằng cát màu (Tây Tạng), vẽ
cúng dường rồi lại xóa, các kiểu chùa tháp stupa, Nam Dương, Lào, Miến, Thái
Lan, Miên đều theo kiến trúc phù đồ. Phù đồ còn có nghĩa là chùa tháp.
Bài 6 THẠCH PHỐ QUAN NGƯ. Bến đá xem đánh cá. Trời gió im
sóng lặng dạo quanh bến sông Đồ Sơn, ngắm thuyền chài đậu giăng giăng hàng. Đường
đi ghe thuyền trên bến, người đi phải len lỏi như đi lạc chốn hang rồng (giao
long), trên chợ hến, lưới phơi như sóng cờ. Các bà vợ ngư phủ buôn bán cá xách
giỏ, vin khoan thuyền. Các ngư phủ lái thuyền đã xong công việc, gõ chèo nâng
chén rượu cùng nhau. Bến thuyền nhộn nhịp, rồi lại chia tản ra, như hai quẻ bát
quái, khi thì quẻ Ly, khi thì quẻ Hoán, thánh nhân cũng bàn định sự vật theo ý
người trần.
BẾN ĐÁ XEM ĐÁNH CÁ
Gió im sóng lặng dạo ven sông,
Ngắm ngắm thuyền chài giăng giăng hàng.
Tay kiếm hang rồng sông mở lối,
Lưới quăng chợ hến sóng cờ dâng.
Bà buôn xách giỏ vin khoang cuối,
Ông lái gõ chèo chén rượu nâng.
Hoặc lúc quẻ ly, khi quẻ hoán,
Thánh nhân định vật ý người trần.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt
THẠCH PHỐ QUAN NGƯ
Phong điềm ba tỉnh độ giang mi,
Vọng vọng ngu châu nhất tự nhi.
Thủ thám giao cung giang tắc lộ,
Võng thu thần thị tịch vi kỳ.
Huề la bản phụ phan thuyền vĩ,
Khẩu tiệp đà sư hệ tửu chi.
Hoặc thủ chư ly khiêm thủ hoán,
Thánh nhân khai vật dữ nhân nghi.
Chú thích:
Quẻ Ly quẻ Hoán: trong Kinh Dịch ý nói luôn luôn chia tản. Tả
hình ảnh các thuyền tụ lại rồi tan ra đi nơi khác.
Bái 7 CỐC TỰ THAM THIỀN. Thiền định ở chùa cốc. Hồ Xuân Hương
đến thăm một cái cốc, trong đá ngồi tham thiền viết bài thơ này: Cốc đá như thần
bào, quỷ đẽo tự không biết bao nhiêu năm. Hình thể tự nhiên an bài lõm sâu
trong đá. Nên mái chẳng cần lợp ngói hay lợp tranh, thềm bằng phẳng chẳng cần
trát gạch. Vách như tường lát thẳng, đá thạch nhủ như trụ sườn. Có đàn dơi đậu
như cúng trái cây bên đài sen Đức Phật. Con ong mật vo ve bên hoa thạch thảo
như dâng hoa trước án hương. Từ chùa cốc, nghe tiếng sóng vỗ, tiếng ca người đốn
củi, nghe tiếng chim chóc hót. Đến nơi thấy vị sư già đang ngủ, chợt thức giấc
đứng dậy chào khách.
THIỀN ĐỊNH CHÙA CỐC
Thần bào quỷ đẽo tự bao niên,
Hình thể an bài sẵn tự nhiên.
Mái chẳng ngói tranh, thềm chẳng trát,
Vách như tường lát đá như sườn.
Đàn dơi cúng trái đài sen quý,
Ong mật dâng hoa trước án hương.
Sóng vỗ, ca tiều, chim chóc hót,
Sư già chợt tỉnh giấc miên man.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
CỐC TỰ THAM THIỀN
Thần ngoan quỷ tạc bất tri niên,
Thế thế an bài nhược tự nhiên.
Ốc bất ngõa từ giai bất thế,
Nham như tường bích thạch như diên.
Dạ minh hiến quả liên đài hạ,
Phong tử hàm hoa bảo án tiền.
Đào hưởng, tiều ca, hoà điểu ngữ,
Thanh thanh hoán tỉnh lão tăng miên.
8. Bài Bộ KHÁNH MINH TỰ CẢM HỨNG. Dạo chùa Khánh Minh cảm hứng.
Đến chùa Khánh Minh, nơi trụ trì nhà sư Phạm Ngọc ngày xưa chỉ còn quang cảnh
di tích tiêu điều: Đấng Phạn Vương (Đức Phật) đi vắng bao giờ trở lại. Còn để
vườn Kỳ Viên cỏ mọc đầy. Khánh đá có duyên được mang sang một chùa khác. Quả
chuông quá nặng giá mốc đã mục vất bên đài sen. Ngói đã tan, sườn chùa đã mục,
chim làm tổ trên mái. Bệ đá đã vỡ, bia mòn dấu rêu vùi lấp chữ. Đến đây ao ước
có được ngàn tay như Phật Tổ: Như Lai Thiên Thủ Phật, từ hư không một đêm dựng
lâu đài như chuyện Chữ Đồng Tử, Tiên Dung Công Chúa học phép mầu nhà sư Phật
Quang.
ĐẠO CHÙA KHÁNH MINH CẢM HỨNG
Phạn Vương đi khỏi bao giờ lại,
Còn để Kỳ Viên cỏ mọc đầy.
Khánh đá có duyên dời viện khác,
Chuông không giá móc vất bên đài.
Ngói tan, xà mục chim làm tổ,
Bệ vỡ, bia mòn rêu biếc vùi.
Giá được ngàn tay như Phật Tổ,
Hư không một tối dựng lâu đài.
Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương, Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
Bộ KHÁNH MINH TỰ CẢM HỨNG
Phạm Vương quy khứ kỷ thời lai,
Không ủy Kỳ Viên ế thảo lai,
Khánh hữu cơ duyên quy biệt viện,
Chung vô cư nghiệp trệ không giai.
Đồi lương bại ngõa sào ma tước,
Phá kệ tàn bi yểm lục đài.
An đắc Như Lai Thiên Thủ Phật,
Hư không nhất dạ khởi lâu đài.
Chú thích:
Kỳ Viên: Vườn nguyên của vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) ban cho
thái tử Jeta (Kỳ Đà) rộng độ 50 mẫu tây nằm phía nam thủ đô Sàvatthi nay là
thành phố Sabeth-Maheth thuộc tiểu bang Utlar-Pradesh. Ông Sudattà (Tu Đạt Đa)
là Anàthapindika (Trưởng giả Cấp Cô Độc)muốn mua, thái tử Kỳ Đà nói đùa, ông
quý mảnh vườn lắm, bằng giá vàng trải khắp vườn ông mới bán. Trưởng giả Cấp Cô
Độc đồng ý, mua lại bằng giá vàng trải khắp vườn, dâng cúng cho Đức Phật dùng
làm nơi an cư kiết hạ Đức Phật và chư tăng khi mùa mưa. Từ đó khu vườn có tên Kỳ
Đà thọ Cấp Cô Độc Viên, hay gọi tắt là Jetavana (vườn Kỳ Đà, hay Kỳ Viên). Ngày
nay khu vườn này có tên là Saheh.
Qua chín bài thơ vịnh tám cảnh Đồ Sơn, ta thấy Hồ Xuân Hương
rất thông suốt Phật Pháp: biết núi Linh Thứu nơi Đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa,
biết vườn Kỳ Viên nơi Đức Phật và chư tăng an cư kiết hạ khi mùa mưa Ấn Độ,
không thể đi giảng đạo. Biết chuyện Vua A Dục đào giếng, trồng cây ăn trái có
bóng mát, khắc kinh Phật trên mỗi chặng đường đi, biết sự tích Phật trăm mắt
ngàn tay cứu độ chúng sinh. Hồ Xuân Hương đến Chùa Cốc trong hang động tham thiền,
thuộc và hiểu kinh điển: Sắc tức thị không, không tức thị sắc, Cứu độ bè từ qua
biển khổ với hình ảnh thi vị con chim âu (bồ nông) ngủ đứng trên bè như nhà sư
mãi mê cứu độ. Ngộ đạo vị cao tăng chống gậy xuống núi dạy dỗ người đời làm
lành tránh dữ, là hiện thân Phật Tổ. Những điều cao sâu nhà Phật, Xuân Hương muốn
lên núi hỏi vị sơn tăng ở ẩn trên núi, nhưng đến nơi cảnh hoang vắng, chỉ có tiếng
chuông vọng về từ một cánh rừng, tiếng chuông đủ làm lòng người giác ngộ, không
cần câu hỏi nữa. Hay có khách đến, nhà sư già chợt tỉnh giấc, giữa tiếng sóng vỗ,
tiếng ca người đốn củi, tiếng chim chóc hót..Những hình ảnh thật là đẹp và đầy
thiền vị, của một người đầy đạo tâm. Điều này khác với những câu xấc xược, dốt
nát trong những bài thơ gọi là truyền khẩu.
Có thể có người nói về tuổi gần năm mươi Hồ Xuân Hương đạo hạnh,
nhưng thời trẻ có thể tinh nghịch chế nhạo các vị sư. Bài thơ Vịnh Chùa Trấn Quốc,
Hồ Xuân Hương làm lúc trẻ tuổi 18, 20 năm 1790-1793 khi gặp Nguyễn Du đã bác bỏ
sự kiện này. Bài Đề Chùa Trấn Quốc chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt Thi Tập tìm
thấy trong tủ sách gia đình cụ Trần Xuân Hảo ở Nam Hà. Tôi dịch như sau:
ĐỀ CHÙA TRẤN QUỐC
Ai người đến đó khách đài trang,
Nhè nhẹ thanh thanh cơn gió nam.
Trăng nước sóng lồng sen nõn cánh,
Khói hương tàn báu hạc bay ngàn.
Rửa niềm trần tục hoa hàm tiếu,
Gợi tỉnh niềm mê cỏ thắm xuân.
Đến cảnh quay đầu, người muốn hỏi,
Đông nam tay vẫy nhạn tung đàn.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐỀ TRẤN QUỐC TỰ
Trang lâm thùy thị cánh trung nhân,
Tế tế thanh phong phiến phiến huân.
Thủy nguyệt ba lung liên quải choát,
Hương yên bảo thoại lộ liên vân.
Tẩy không trần lự hoa hàm thoại,
Hoán tỉnh mê đồ thảo diệc xuân.
Đáo cảnh linh nhân hồi thủ vấn,
Đông nam phất tụ nhạn thành quần.
Chú thích:
Trung nhân: người khách đài trang trong bài thơ này theo tôi
là Nguyễn Du, vì năm 1805 khi làm bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn trả lời bài Độc Tiểu
Thanh Ký của Nguyễn Du, Xuân Hương có nhắc lại: “Trấn Quốc rêu phong vẫn ngấn
thơ”. Lời thơ đề vịnh chùa Trấn Quốc vẫn còn vang vọng như ngấn nước.
Nhạn thành quần: nhạn, hay hồng nhạn, là con ngỗng trời, chưa
thấy có một nghiên cứu nói đến Việt Nam nằm trên đường thiên di chim hồng nhạn.
Có lẽ người Việt Nam lầm với vịt trời hay chim én. Hồ Tây thời Hồ Xuân Hương, một
trong tám cảnh đẹp có: Sâm cầm rợp bóng: Nghề săn chim sâm cầm ở các làng quanh
Hồ Tây. Chim sâm cầm là chim gì? tôi nghĩ có lẽ là vịt trời. Ngày nay cảnh này
không còn nữa vì ngay cả cá cũng chết nổi đầy hồ. Sơn Nam, trong Hương rừng Cà
Mau, có nói đến các vườn chim Cà Mau, đến mùa chim thiên di về sinh sản trong rừng
tràm đước, người ta giết để lấy lông làm quạt, chim vườn Cà Mau là, cò, bồ
nông, chàng bè lông trắng. Tại Trà Vinh, mùa hè tôi có thấy trong một ngôi chùa
Miên có hàng ngàn con cò về làm tổ, trên cành cây quanh chùa. Trong thơ Hồ Xuân
Hương bài Thuật ý kiêm trình hữu nhân Mai Sơn Phủ: có câu “ nhạn ngao ngao”.
Thơ Xuân Diệu có câu: “Dục hồng nhạn thiên di về cõi bắc”. Tôi cho rằng những
câu thơ này chỉ là mô phỏng theo thơ Trung Quốc. Vì Việt Nam chỉ thấy ngỗng
nhà, hay thiên nga nuôi trong hồ, ít ai thấy ngỗng trời bay hàng vạn con trên
trời thiên di 5000km, từ Bắc Âu xuống Phi Châu, từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ. Đường
đi ngỗng trời không thay đổi hàng năm có hàng trăm con đụng phải cửa kính các
toà nhà chọc trời Nữu Ước chết và bị thương, thế mà chúng không đổi đường bay.
Bài thơ Đề chùa Trấn Quốc cho ta thấy Hồ Xuân Hương đi chùa
cùng người khách đài trang là Nguyễn Du, trong gió mát thanh thanh cơn gió Nồm
thổi qua mặt hồ, bóng trăng lồng trong bóng nước, hoa sen nở nõn nà, khói hương
bay lên như chiếc tàn lộng quý báu, bay lên như cánh cò, hạc nối liền với mây.
Phong cách trang nhã của Hồ Xuân Hương, đã thấm nhuần Phật pháp khi đến chùa,
nhìn đóa hoa sen hàm tiếu như như rửa niềm trần tục, nhìn thấy cỏ mùa xuân như
gợi tỉnh niềm mê. Thuở ấy Xuân Hương ngây thơ muốn quay đầu lại hỏi, nhưng lòng
Nguyễn Du đã muốn quay về Hồng Lĩnh, nên đưa tay vẩy đàn chim trời đang tung
bay về hướng đông nam.
Trong thơ truyền khẩu Hồ Xuân Hương có chép bài thơ nôm Chùa
Trấn Bắc. Trong bản văn nôm cũ nhất của Maurice Durand. Câu cuối : “Ngoài cửa
hành cung cỏ dãi dầu. Câu này đã bị sửa ra thành: “Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc
đầu” trong các văn bản đầu thời Pháp thuộc.
CHÙA TRẤN BẮC.
Qua chơi Trấn Băc cảnh buồn rầu,
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau.
Một tòa sen lạt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong điểm áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa, cảnh cũ đâu đâu tá?
Ngoài cửa hành cung cỏ dãi dầu.
Chùa Trấn Quốc, năm 1844 vua Thiệu Trị mới đổi ra Trấn Bắc.
Do đó thời Hồ Xuân Hương chùa mang tên Trấn Quốc. Theo tôi bài thơ này của Bà
Huyện Thanh Quan, tên thật là Nguyễn Thị Hinh, bà sinh sau Hồ Xuân Hương, sinh
ra và lớn lên ở làng Nghi Tàm, Hồ Tây. Chồng bà là Lưu Nguyên Ôn, người làng
Nguyệt Án, huyện Thanh Trì, Hà Đông từng làm Tri huyện Thanh Quan, cho nên bà
được gọi là Bà Huyện Thanh Quan, chồng bà mất sớm năm ông 43 tuổi, bà vẫn ở vậy
nuôi con và đem con về sinh sống ở làng Nghi Tàm. Đời vua Minh Mạng bà được mời
vào cung phong chức Cung Trung giáo tập, dạy học cho các cung phi và công chúa.
Bà mất ở làng Nghi Tàm, mộ chôn cạnh Hồ Tây, ngày nay cũng bị nước hồ vùi lấp.
Bà Huyện Thanh Quan cùng làng với Hồ Xuân Hương nhỏ tuổi hơn, tuổi nhỏ bà cũng
không đi ra khỏi làng Nghi Tàm. Làng Nghi Tàm có trường học nào khác hơn Cổ
Nguyệt Đường nơi Hồ Xuân Hương dạy học, tiếp nối Cụ Đồ Diễn, Tử Minh, ta có thể
suy đoán phần chắc là bà Nguyễn Thị Hinh là học trò Hồ Xuân Hương.
Theo Tuyển Tập Văn Bia Hà Nội q I, nxb KHXH. Hà Nội tr 33, 38
: Chùa Trấn Quốc nguyên tên là Khai Quốc do vua Lý Nam Đế khai sáng khi lập nước
Vạn Xuân năm 544, nằm trên bờ sông Hồng, sau vì bãi sông bị lỡ nên năm 1615 dời
vào bãi Kim Ngư, Hồ Tây, trên nền cũ cung Thúy Hoa đời Lý, điện Hàm Nguyên đời
Trần đời Lê vua lập hành cung tại đó. Chùa được xếp hạng thứ tư nước Nam. Đời
Tây Sơn đổ nát. Năm 1813 nhà sư Khoan Nhân đứng ra quyên góp trùng tu chùa, năm
1815 mới xong, Tiến Sĩ Phạm Quý Thích viết bài văn bia trùng tu chùa.
Qua văn bản Anthony Landes, do Lê Quý, Nguyễn Văn Đại chép bằng
chữ nôm trước năm 1892: Xuân Hương thường đi chùa với bạn (vợ và em gái Tử
Minh) và rất thân với Tử Minh, gia đình ”không ruột nhưng mà thương quá ruột”,
qua ba bài thơ Khóc Tử Minh ta biết người bạn này thông suốt Phật Pháp tu thiền
và thiền định hằng ngày. Có thể nào Xuân Hương “ghét “đạo Phật mà lại thường
đi chùa và thân thiết với những người như thế?
Nhìn lại quan hệ giữa Hồ Xuân Hương với Phật Giáo là một quan
hệ hoàn toàn tốt đẹp; Quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển năm 1813 khi rời phủ Tam
Đái đi nhậm chức Yên Quảng, đã ghé thuyền đến Thăng Long thăm Cổ Nguyệt Đường,
Hồ Xuân Hương đã tổ chức buổi tiệc xuân lễ hỏi để ra mắt bà con hàng xóm, và buổi
lễ nơi Phật đài để ra mắt với mẹ. Trần Phúc Hiển đã viết: “Xuân tịch vi ly song
nhãn lệ, Phật đài thùy hoán sổ thanh chung.” Chưa khỏi tiệc xuân đôi mắt lệ, Ai
khua đài Phật tiếng chuông rung. Hồ Xuân Hương đã khóc khi nghĩ đến cảnh một mẹ
một con nay đi lấy chồng xa mẹ, và lòng nao nao trước tiếng chuông rung nơi đài
Phật.
Ta thử xem những người bạn đương thời của Hố Xuân Hương như
Tiến Sĩ Phạm Quý Thích, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du viết thế nào về Phật Giáo:
Phạm Quý Thích trong bia ghi việc chùa Trấn Quốc. Tuyển tập
Văn Bia Hà Nội q I nxbKHXH Hà Nội tr 33,38, viết:
“Trải qua một cuộc biến đổi đời Tây Sơn, ngôi chùa dần
dần hoang phế, đã không tu sửa được lại đổ nát thêm.. Nhà sư trụ trì là Khoan
Nhân, nối nghiệp sư tổ, tu tạo quả phúc, hợp sức hưng công..
Ôi! Chùa đổ rồi dựng lại, đó là điều Trương Thăng Phủ
(Trương Hán Siêu) lấy làm bùi ngùi. Tôi còn nói gì nữa? Nhưng Hồ Tây là nơi thắng
cảnh, Trấn Quốc lại là cảnh đẹp của Hồ Tây. Những nơi danh thắng của cố đô vì
loạn lạc bị đổ nát cũng nhiều. Đổ nát mà không xây dựng lại, thì chẳng mai một
đi ư? Ý nghĩ của mọi người trong bản phường là như thế.
Huống chi lên cao ngắm cảnh, mây nước mênh mang, nước hồ ánh
trong suốt khiến lòng người không hư, tiếng chuông chùa gọi tỉnh mộng trần tục,
khiến chổ ý thức phân biệt giữa ‘ngoại vật’ và ‘ta ‘ tiêu tan hết. Tấm bia rêu
phong còn đó, lối xưa hoa cỏ nay đâu? Ngày tháng là bao, bỗng chốc thành dấu
cũ, khiến cho người chạnh lòng cảm khái đối với cảnh vật xưa nay.
Đây phải chăng là nơi tao nhân mặc khách thường lui tới viếng
thăm, và bậc cao nhân hiền triết đã có cái nhìn thông suốt đấy sao? Âu cũng là
điều đáng ghi vậy.
Minh rằng:
Cầu ngang Linh Ẩn,
Chuông dội Hàn Sơn,
Trước mắt mỏ phượng,
Sau lưng uốn rồng,
Sóng gợn trong vắt,
Mặt nước Tây Hồ,
Ngàn đóa hoa sen,
Đua nhau vui nở.
Tịch nào không cảm?
Hư nào không thiêng?
Trăng lồng đáy nước,
Soi tỏ chân như,
Bia năm Dương Hòa,
Đến nay thành cổ,
Ta khắc bài minh,
Cùng truyền muôn thuở.
Chú thích:
Mỏ phượng: Mũi đất bên Tây Hồ, khu vực Trường Bưởi, trong bài
Chơi Tây Hồ nhớ bạn, Xuân Hương gọi là non phượng đất.
Bia năm Dương Hòa. Tấm bia do Trạng Nguyên Nguyễn Xuân Chính
soạn năm 1639.
Bài của Tiến Sĩ Phạm Quý Thích tiêu biểu cho những người học
rộng, đương thời Hồ Xuân Hương viết về chùa.
Phạm Đình Hổ, người bạn thân của Hồ Xuân Hương, trong Tang
Thương Ngẫu Lục TTHL Saigon 1971, những bài ký viết về chùa cũng đầy những trân
trọng đối với nhà sư. Bài Ký chơi núi Phật Tích cùng bốn người bạn viết:
“Giờ Dậu lên chùa Thiên Phúc, nhà sư trụ trì là Tịch Khiết mời ngồi lại
nói chuyện. Tịch Khiết người làng Thiên Phúc, ăn nói nhã nhặn bặt thiệp... Giờ Tỵ
qua cầu Nguyệt Tiên, lần bậc lên núi... Trụ trì chùa này nguyên là một viên nội
thần tiền triều, thấy khách đến, mời thiết ân cần bằng những mlón ăn trong
núi..” Trong bài tả cảnh Chùa Kim Liên, làng Nghi Tàm cạnh nhà Xuân Hương,
Phạm Đình Hổ đến chơi cũng được chú tiểu lễ phép mời vào chùa dùng trà cùng sư
trụ trì. Phạm Đình Hổ đã tả những nhà sư đương thời với Hồ Xuân Hương như thế:
hiếu khách, bặt thiệp, ân cần, nhã nhặn..
Ta thử xem Nguyễn Du, người bạn tình với Hồ Xuân Hương. Trong
bài Phân Kinh Thạch Đài của Thái Tử Chiêu Minh đời Lương, chép trong Thơ Chữ
Hán Nguyễn Du nxb Văn Học Hà Nội 1965, khi phê phán Kinh điển Phật Giáo đã phê
phán như thế nào :
“Kinh thiêu ra tro, đài đổ nát,
Nghìn vạn lời lưu lại ích chi,
Chỉ để bọn ngu tăng đời sau đọc điếc tai người ta.
Ta nghe nói Thế Tôn ở Linh Sơn,
Thuyết pháp cứu người nhiều như cát sông Hằng.
Người hiểu được chữ Tâm tức là độ rồi.
Linh Sơn chỉ ở lòng người.
Minh kính cũng không là đài,
Bồ Đề vốn không phải là cây.
Ta đọc kinh Kim Cương hằng nghìn lượt,
Những ý nghĩa gọi là sâu xa trong đó phần nhiều không rõ
ràng;
Khi đến trước đài Phân Kinh này,
Mới biết kinh không chữ mới thật là chân kinh“.
Ta thấy trong phê phán của Nguyễn Du cái học rộng và uyên bác
của ông, biết sự tích, kinh điển các tông phái nhà Phật, biết thơ Lục Tổ Huệ
Năng “Minh Kính cũng không là đài, Bồ Đề vốn không phải là cây“. Nguyễn
Du từng đọc tụng ngàn lượt quyển Kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn, quyển
sách sĩ phu Bắc Hà đương thời yêu chuộng, như sách gối đầu giường,. Đọc tụng
ngàn lần Nguyễn Du vẫn thấy những điều gọi là ý nghĩa sâu xa, vẫn còn không rõ
ràng. Nguyễn Du ưa thích pháp môn ngài Huệ Năng hơn, trực giác kiến tánh, thành
Phật, Phật ngồi dưới gốc Bồ Đề 49 ngày, thiền định mà giác ngộ, tất cả mọi
chúng sanh đều có thể làm được như thế, không cần trăm kinh, vạn quyển, ê a mà
không hiểu làm điếc tai người ta. Nguyễn Du cũng đã viết: “Lòng ta thường định
chẳng xa thiền”. Cái phê phán này khác cái phê phán trống rỗng: “Giọng
hì, giọng hỉ, giọng hi ha“ trong một bài thơ gọi là truyền khẩu của Hồ
Xuân Hương. Trong thơ Nguyễn Du ta thấy nhà thơ tâm đắc và trân trọng với nhà
sư Huyền Hư Tử, tôi dịch như sau:
“Hạc nội mây ngàn bao thuở gặp,
Trăng thanh gió mát nhắn gì hơn,
Thầy ở xa về đường nhớ lấy,
Nhà tôi đầu xóm núi Hồng Sơn.”
(bài Ký Huyền Hư Tử)
Hay:
“Trường An biền biệt mãi,
Nhớ quê chân trời xa,
Chân trời không thấy được,
Còn trông bụi cát pha;
Gió Tây thổi lá rụng,
Sương trắng nhạt hoàng hoa,
Tấm thân thầy cẩn trọng,
Vào thu sương móc sa.”
(bài Ký Giang Bắc Huyền Hư Tử)
Một người học rộng như Xuân Hương, nếu có phê phán nhà sư
cũng phê phán thông minh, phân biệt ngu tăng và cao tăng. Một người đã viết những
câu thơ chữ Hán: Cao tăng đâu đó tụng thời kinh, thường đi lễ chùa, mẹ
có bàn thờ Phật tại gia, không thể nào viết những câu thơ nói lái, hạ cấp, bẩn
thiểu:” hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo? “
Ta thử tìm về nguồn gốc bài Chùa Quán Sứ, và các bài thơ về
sư, qua những văn bản cổ nhất 1892 và những văn bản về sau .
Văn bản Antony Landes thuê Lê Quý, Nguyễn Văn Đại chép trước
năm 1892, Đại Nam Đối Liên thi tập, không có bài Chùa Quán Sứ, chỉ có hai bài
thơ mang tên Vô Đề, ghi nguyên chú : một nho sĩ làm:
VÔ ĐỀ
Xót thay chút phận bé tẻo teo,
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo.
Cánh buồm đã rắp sang Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Nguyên chú: Một nho sĩ làm.
VÔ ĐỀ
Ôm dùi xếp mõ gáy o o,
Nguyệt trỏ phòng thành mát mẻ cô.
Cánh cửa từ bi cài lỏng khóa,
Nén hương tế độ giọt nước lò.
Cá khe lắng kệ mang nghi ngóp,
Chim núi nghe kinh cổ gật gù.
Nhắn nhủ chúng sinh sư muốn đó,
Đêm đêm tụng niệm chữ na mô.
Một thư sinh đã làm bài này.
Bốn câu giữa bài Vô đề (Vịnh Ni Cô) lại được dùng để làm
thành bài
CHƠI CHÙA
Thầy tớ thung dung dạo cảnh chùa
Cầm thi lưng túi rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ mồm hoi hóp,
Chim núi nghe kinh cổ gật gù.
Then cửa từ bi chêm chặt cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lư.
Nhà sư ướm hòi nhà sư tử,
Phúc đức người cầm được mấy bồ.
Văn bản Xuân Hương Di Cảo (trong Quốc Âm Thi Tuyển) Hàng Gai,
Hà Nội; khắc bản in năm 1909, 1914 (khổ 13,18,5, 19 tờ, mỗi trang phần trên chữ
nôm, phần dưới chữ quốc ngữ). Có bài Vịnh chơi chùa, Chùa Quán Sứ.
VỊNH CHƠI CHÙA
Thầy tớ thong dong dạo cảnh chùa,
Cầm thi lưng túi rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác,
Chim núi nghe kinh cổ gật gù.
Then cửa từ bi nêm chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lô.
Nhà sư ướm hỏi nhà sư tử,
Phúc đức nhà đây được mấy bồ.
CHÙA QUÁN SỨ
Quán Sứ chùa xưa cảnh vắng teo,
Thương ôi sư đã hóa ra mèo.
Sáng banh vắng kẻ khua dùi mõ,
Trưa trật không người quét kẽ rêu.
Chí chát chầy kình ôm lại đấm,
Lầm dầm tràng hạt đếm cùng đeo.
Buồm Từ rắp cũng sang Tây Trúc.
Gió vật cho nên phải lộn lèo.
Xuân Hương Thi Tập (Phúc Văn Đường tàng bản). Hà Nội năm Tân
Dậu; 1921, chép theo bản in nhà xuất bản Xuân Lan, của Nguyễn Ngọc Xuân năm
1913.
Bài thơ mang tựa Vịnh Chùa Quán Sứ nói lái, nhưng nội dung
không thay đổi. Văn bản Giai nhân dị mặc của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, bài
Chùa Quán Sứ cũng không thay đổi. Văn bản Phúc Văn Đường 1921 có bài Thơ ghẹo
ông Sư: Một pho kinh lại bộ Kim Cương, Đây đấy cùng thuyền kẻo một đường..
Nhưng bài này có chép trong Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề soạn năm Cảnh Hưng
16 (1785). Học trò Lương Hữu Khánh đời Lê Trung Hưng nhân khi qua đò gặp các sư
đi cúng về, Khánh đói muốn ăn oản, nhà sư bảo làm bài thơ: Nho tăng đồng chu (học
trò và nhà sư cùng qua đò) thì sẽ cho oản. Khánh bèn làm bài thơ bằng chữ Hán:
“Nang trung kinh sử khiếp Kim Cương, Ngã nhĩ kim đồng phiến nhất hàng.. Xuân
Lan lấy bản dịch của Lương Hữu Khánh để mạo nhận thơ nôm Hồ Xuân Hương (Xem Kiều
Thu Hoach. Thơ Nôm từ góc nhìn văn bản học. TC Nghiên Cứu Văn Học số 9/2007.
Văn bản Nguyễn Văn Hanh Hồ Xuân Hương. Hà Nội 1936.
CHÙA QUÁN SỨ
Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
Sáng banh không kẻ khua tang mít,
Trưa trật nào người móc kẻ rêu.
Cha kiếp đường tu sao lắt léo,
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo.
SƯ BỊ LÀNG ĐUỔI
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo.
Vị gì một chút tẻo tèo teo.
Thuyền từ cũng muốn sang Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
HANG THÁNH HÓA
Khen thay con tạo khéo khôn phàm,
Một đố dương ra biết mấy ngoàm.
Lườn đá cỏ leo, rờ rậm rạp,
Lách khe nước rỉ, mó lam nham.
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.
Đến mới biết rằng hang Thánh Hóa,
Chồn chân, mỏi gối hãy còn ham.
Tóm lại Bài Chùa Quán Sứ chỉ mới xuất hiện từ năm 1909, và
câu Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo, chữa câu: Thương ôi sư cụ hóa
ra mèo, chỉ mới xuất hiện từ năm 1936. Bài Hang Thánh Hóa chỉ mới xuất hiện từ
năm 1936. Bài thơ câu cuối lập lại câu cuối bài đèo Ba Dội, chứng tỏ là bài thơ
mới được chế biến về sau .
Bài Chơi Chùa, nếu là thơ Hồ Xuân Hương, thì thơ hay từ đầu
không cần phải, sửa chữa qua nhiều văn bản khác nhau. Những bài thơ qua quá
trình năm tháng, từ những câu thơ dỡ, thô thiển được sữa chữa là thơ giả mạo.
Tóm lại tôi bác bỏ các bài thơ phỉ báng các nhà sư:
Chùa Quán Sứ, Hang Thánh Hóa, Sư bị ong châm, Sư bị làng đuổi gán cho Hồ Xuân
Hương vì lý do :
Hồ Xuân Hương là người «học rộng và thuần thục».
Học rộng ngày xưa được hiểu là người tinh thông Tam Giáo: Nho, Phật, Lão.
Các bài thơ phỉ báng nhà sư gán cho Hồ Xuân Hương, hoàn toàn kém hiểu biết về
Phật Giáo, chỉ giễu cợt hạ cấp bằng nói lái. Chỉ biết chỉ trích bề ngoài:
đầu trọc lóc, áo không tà, giọng hi ha, vãi lần tràng hạt đếm rồi đeo;
hay sửa đổi câu thơ nghiêm chỉnh của Bà Huyện Thanh Quan thành câu chế nhạo
tăng: Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.
Xét về lịch sử Việt Nam qua các thời đại đều kính trọng tăng
sĩ, nho sĩ... chỉ có thời đại đầu thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam hổn loạn, sau
các cuộc khởi nghĩa chống Pháp các tăng sĩ hội Thượng Chí của Vương Quốc Chính
tại Bắc Hà, tăng sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa của nhà sư Võ Trứ ở Phú Yên bị
truy nã, bị bắt giam đầy các nhà tù, khám đường chật ních các nhà sư, nhà sư bị
miệt thị là giặc thầy chùa, giặc đầu trọc... Đó là lúc xuất hiện câu
thơ: «Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu», «hỏi
thăm sư cụ đáo nơi neo?» đồng thời với thơ Tôn Thọ Tường «Khuyên
đàn con trẻ chớ thày lay» đàn con trẻ là các nho sĩ như Nguyễn
Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Trung Trực..
Bài Hang Thánh Hoá ta bắt gặp những câu thơ giống như thơ gán
cho Tú Xương (1870-1907), cũng chỉ là truyền khẩu chứ không có văn bản chính
xác:
Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ,
Hai ả tròn xoe đứng múa bông.
Gán cho Tú Xương trong bài Sư và mấy ả lên đồng. Bài Hang
Thánh Hóa thơ truyền khẩu, chính thức xuất hiện trên văn bản Nguyễn Văn Hanh
năm 1936 gán cho Hồ Xuân Hương cũng phản phất giống như thế:
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.
Ở thời đại Tú Xương, các nhà sư chân chính bị bắt, bị tù đày,
bị giết. Thầy cúng thầy pháp cạo đầu xưng là sư, chùa lẫn lộn với việc lên đồng
bóng, đĩ già đi tu, gái điếm như cô Tư Hồng lấy viên Thiếu Tá Pháp trở thành bà
lớn, được ban phẩm hàm triều đình. Những tên vô lại, phẩm hạnh kém cỏi bị Nhà
Thờ đuổi, nhờ biết lỏm bỏm chữ quốc ngữ chữ Pháp, đầu quân vào đoàn quân viễn
chinh Pháp trở thành thông ngôn, đánh « giặc» Phan Đình Phùng,
Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng... từ đó trở thành những tri huyện Tổng Đốc,
quan Đại Thần mà không cần phải qua các kỳ thi Hương, thi Hội thi Đình. Hay có
những người lợi dụng thời cơ, đồng bào không biết chữ Tây, đất đai người bỏ đi
tỵ địa sang Bình Thuận đất triều đình được bán rẽ, họ thu mua từ đó trở nên những
tỷ phú như Huyện Sĩ, Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương..
Nào có ra gì cái chữ nho,
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy Phán,
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò;
(Thơ Tú Xương)
Chùa Quán Sứ thời Hồ Xuân Hương, là một cơ sở thuộc Nha Tuyên
Vũ, nơi tiếp sứ thần của triều đình. Triều đình bổ nhiệm một vị sư tài cao đức
trọng nơi sứ thần các nước đến, không thể có ông sư đa dâm nào lọt vào nơi này.
Thời Pháp thuộc, trở thành nơi đầu não cuộc chấn hưng Phật Giáo, các vị danh
tăng ở nơi này chúng ta có thể tham khảo danh tánh, đều là những vị tài cao đức
trọng. Nơi đầu não của Phật giáo bị vu khống, thánh tích thiêng liêng của Phật
Tử Việt Nam bị bôi nhọ không phải là chuyện vô cớ, có điều là người viết không
dám để lại tên tuổi như Tôn Thọ Tường mà phải mượn danh Hồ Xuân Hương.
Văn chương, là những câu thơ hay đẹp làm xúc động lòng người.
Văn chương dâm tình cũng có hai loại: văn chương mỹ tình dục (érotique) và văn
chương con heo (porno). Người Việt Nam ta ít tiếp xúc với văn chương mỹ tình dục
của thế giới, cứ tưởng những câu thơ: đáo nơi neo, lộn lèo... là hay, thật ra đó
là những câu thơ đáng hổ thẹn, đó là thơ con heo, xem đó là văn chương thì quả
tình là hạ thấp văn học Việt Nam xuống tận cùng vực thẳm.
Thế nào là văn chương mỹ tình dục, ví dụ hai câu Kiều: “Cái
đêm hôm đó đêm gì, bóng trăng lồng bóng trà mi chập chùng”. Hay câu “trăng
nằm sóng soãi trên cành liễu“, hay câu “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Để lộ khuôn vàng dưới đáy khe“ của Hàn Mạc Tử.
Những vần thơ Nhã Ca (Les Cantiques des Cantiques) trong
Thánh Kinh là những vần thơ đẹp mỹ tình dục: “Môi uống làn môi say rượu
đào, Mắt tình lơi lã sóng chiêm bao” hay “Vú căng tròn nũm cau hồng phấn, Hoa
động thì thào nghiêng cánh trao“ (Nhất Uyên phóng tác).
Trái với ngôn ngữ phỉ báng tăng ni các bài thơ ngụy tạo. Hồ
Xuân Hương ở bên cạnh chùa Kim Liên, thường đi chùa với mẹ, mẹ có bàn thờ Phật
trong nhà, đi chùa Văn Giáp với bạn gái là vợ và em Cả Tân tức Tử Minh. Xuân
Hương, chùa Trấn Quốc với Nguyễn Du, chùa một cột với Mai Sơn Phủ; Chùa Đồ Sơn
với chồng Trần Phúc Hiển. Xuân Hương kính trọng bậc cao tăng trong thơ Vịnh Hạ
Long, thơ vịnh Đồ Sơn, xem như ruột thịt người bạn Tử Minh hàng ngày tham thiền
nhập định, khi chồng mất Xuân Hương có vào chùa tu. Với nhân cách một người học
rộng, thuần thục và tài sắc Hồ Xuân Hương không thể là tác giả các câu thơ hạ cấp,
con heo như thế.
Ngược lại với hành động bôi nhọ nhà chùa, nhà sư. Hồ Xuân
Hương mắng bọn dốt làm thơ dỡ làm nhơ bẩn vách chùa:
MẮNG BỌN DỐT
Dắt díu nhau lên đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền.
30/10/2012
Phạm Trọng Chánh
Theo https://langhue.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét