Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Hậu chiến không riêng ai 3

 Hậu chiến không riêng ai 3

Chương VII
1. Tuần trước, khi Huyên men theo lối đi ven bờ hồ cá mới đào, phía sau hông nhà bác Uy cai trường, định qua quán 99 như đã hẹn với anh Văn và anh Tráng, lại tình cờ gặp bác ấy từ nhà đi ngược chiều sang trường. Bác Uy dừng chân, hỏi Huyên:
- Cái vụ thầy Ích rồi ra sao, thầy nhỉ?
Huyên cũng đứng lại, cười:
- Cái đó là giữa các vị trong chi bộ Đảng, Đoàn trường, đều là người Miền Bắc 75 chi viện với nhau, chứ giáo viên trẻ Miền Nam bọn tôi, lại chưa phải đoàn viên, đảng viên gì, thậm chí có người như tôi cũng chưa làm hồ sơ xin công nhận hết thời gian tập sự, thì can dự làm chi hở bác! Họp hành, biểu quyết, cũng đã được định hướng rồi. Cấp trên đã quyết định tất. Mà ai lãnh đạo nhà trường thì cũng vậy thôi.
Bác Uy vốn là người Bắc vào Nam mấy chục năm rồi. Bác ấy cũng cười:
- Bây giờ tôi mới hiểu thầy. Lâu nay tôi cứ tưởng thầy đã được vào Đoàn, vào Đảng rồi chứ!
Huyên lại cười trừ, và chào bác Uy.
Tối nay, Huyên ra quán “Bít tất” mua vài điếu thuốc lá. Khi từ cổng trường đi vào, gần đến lối nhỏ giữa dãy phòng học cũ và văn phòng, Huyên thấy anh Lê Thừa Ích mở cửa phòng hiệu trưởng:
- Huyên ơi, vào đây một chốc!
Chắc anh Ích đã nhìn thấy Huyên qua khung kính cửa sổ. Huyên bước lên thềm, vào chỗ anh Ích. Ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn sa lông gỗ lắp kính dày, dưới ánh đèn ống trắng, Huyên thấy gương mặt anh Ích hơi phờ phạc, mệt mỏi.
- Anh cũng khoẻ chứ anh? Hen phế quản mạn tính, tiết trời này lại lạnh...
- Ừ, cũng hơi mệt thật. Lại thêm cái vụ bị thôi chức, phải lên Sở Giáo dục làm ba cái việc thuộc loại “dưỡng già” gì đó nữa, trong thời gian chờ quyết định của Bộ để về quê!... Thay đổi công việc, chỗ ở cũng phiền toái lắm. – Anh Ích hình như nén tiếng thở dài –. Mình cũng mong về quê, vì khí hậu ngoài đó phù hợp với bệnh hen phế quản của mình hơn cái xứ cao nguyên này. Hi vọng là ông anh ruột của mình, hiện đang làm trong cấp uỷ Bộ Nội vụ, sẽ giúp mình để được nhanh chóng hơn.
- Bộ Nội vụ?
- Ừ, Bộ Nội vụ tức là Bộ Công an đấy.
- Vâng, em biết rồi. Bộ Công an lấy tên là Bộ Nội vụ thì ai cũng biết.
Anh Ích rót nước trà vào hai tách sứ, từ bình thuỷ được đậy nút bằng một chiếc bóng đèn điện tháo chuôi, nhưng anh lại nói:
- Cậu uống tí rượu nhé! Cao hổ cốt thứ thiệt, chứ chả chơi đâu.
- Vâng, xin anh một chén nhỏ. – Huyên đáp –.
Anh Ích vào giường ngủ, phía sau chiếc tủ sắt đựng hồ sơ giấy tờ, lấy ra chai rượu. Rượu mạnh, cay nóng cả họng, nhưng thơm nồng.
- Bây giờ mình mới nói chuyện với cậu về bài thơ Tố Hữu trong dịp Tết vừa rồi. – Anh Ích cười buồn buồn –. Tâm trạng của mình lúc này cũng tương tự như “Đêm cuối năm. Riêng một ngọn đèn / Dở hay, khôn dại, những chê khen / Làm, ăn, hai chữ, quen mà lạ / Thế cuộc, nhân tình, rõ trắng đen...”. – Anh Ích nhấp thêm một chút rượu –. Đúng là con người có những lúc như thế thật. Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, cả Nguyễn Công Trứ cũng thế. Nhưng với Tố Hữu, đúng là lạ thật. Trước đó, có bao giờ thấy hình tượng con người, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu như thế đâu! Mình cũng có thư từ trao đổi với anh em bạn bè ở ngoài Bắc, họ cũng bảo là như thế! Tình hình đất nước, chứ không chỉ thơ ca thôi đâu, chừng như đang chuyển mình, cậu ạ.
Huyên cảm thấy anh Ích “bắt mạch” đúng rồi, nên cũng nói:
- Đâu chỉ là hình tượng con người, cái tôi trữ tình, mà qua đó, thấy tình hình ở trên cấp cao đó chứ. Anh có để ý là Tố Hữu đã vận dụng linh hoạt thủ pháp nghệ thuật đối, không những làm nổi rõ các mặt đối lập của thế cuộc, nhân tình, ở khổ đầu, mà còn có ở khổ hai, khổ ba nữa, nhất là “tự cường – luồn lọt”, “gan góc – yếu hèn”, “cách mạng – hư danh”, “đóng góp – đua chen”, rồi lại có cả  “tan bèo bọt – dậy tiếng kèn”... Thật ra, thủ pháp đối trong thơ cổ cũng có rất nhiều, như đối “hoa” với “lá”, “vượn” với “nai”, nghĩa là cùng bình diện, nhưng không nhất thiết phải đối với dạng đối kháng như phơi ra tích cực – tiêu cực ở bài “Đêm cuối năm”. – Huyên nói –. Em thấy ông Tố Hữu không những nói đến cái tôi đối diện với cô đơn, mà còn mạnh dạn đưa ra mặt tiêu cực, thậm chí là rất tiêu cực, như “luồn lọt” ngoại bang, vì nó đối với “tự cường” dân tộc... – Nhưng Huyên vẫn dè dặt –. Nghĩ như vậy có vượt quá ý tác giả Tố Hữu không anh?
- Ừ, thế thì cũng khủng hoảng thật. – Anh Ích chừng như muốn co lại với bản tính kín kẽ –. Thôi, cậu uống rượu đi. Mình rót thêm chút nữa nhé!
- Thôi, anh à. Rượu ngâm cao, mạnh quá!
- Mình cũng mới uống với Nguyễn Thái Tráng, thư kí công đoàn. Hơi say say rồi. – Ngừng một lúc, anh nói thêm –. Ngày mai mình lên Đà Lạt, nhận việc ở Sở. Trường này tạm thời do cô Phú Sơn, hiệu phó, làm quyền hiệu trưởng, và thư kí hội đồng Dương Sĩ Cảm được đôn lên làm hiệu phó thứ hai, vì anh Nguyễn La Sắc đã đi học quản lí. Rồi sẽ có hiệu trưởng mới về thay mình.
- Vâng, vụ việc đã do cấp trên quyết định rồi... Em chỉ xin chúc anh sức khỏe.
Anh Ích và Huyên bắt tay nhau để chia tay.
Huyên mở cửa bước ra khỏi phòng, trở về nhà tập thể. Đêm cao nguyên lạnh thật, thảo nào anh Ích lắm khi phải lấy khăn bịt kín cả miệng lẫn mũi, có lúc phải thở hốc lên đằng mồm, tính khí đâm ra cáu gắt, khó chịu.
2. Có thông báo từ Sở Giáo dục gửi về Ban Giám hiệu điều động Huyên đi dự Hội nghị giảng văn Miền Trung tại Đại học Sư phạm Huế. Đó là một tin vui đối với Huyên.
Huyên lên Đà Lạt, gặp anh Nguyễn Công, trưởng phòng phổ thông kiêm cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn Việt. Anh Công đã mua vé xe khách và vé tàu lửa liên vận cho cả hai. Huyên trả lại tiền cho anh ấy, rồi sau khi đi về, sẽ nộp lại công lệnh cùng giấy triệu tập cho Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, để nhận lại tiền tàu xe cả chuyến ra lẫn chuyến vào.
Xe khách sẽ chở anh Công và Huyên cùng nhiều hành khách khác xuống Nha Trang. Tàu thống nhất, dừng ở Ga Nha Trang, đã được đặt chỗ theo hợp đồng với Bến xe Đà Lạt.
Lúc xe bắt đầu chạy xuống đèo Ngoạn Mục, Huyên nghe những người cùng đi trên chuyến xe ấy chuyện trò với nhau về hồ thuỷ điện Đa Nhim:
- Hồ nước bị nứt nên không chứa được nước ở mức bình thường. – Một người nói –.
- Vì vậy điện dạo này cứ lúc tắt lúc đỏ. – Một người khác góp lời –. Chán quá sức!
- Hình như Nhà nước đang mời kĩ sư Nhật Bản sang sửa chữa hay sao đấy!
- Công nghệ của Nhật chẳng lẽ chỉ Nhật mới nắm bí quyết sửa chữa?
Đúng là ít lâu nay điện ở Đạ Nông lúc có lúc không. Những đêm không có điện, một giáo viên vật lí bèn nảy ra “sáng kiến” dùng kết hợp với điện đất. Anh ấy vẫn sử dụng một dây nối với nguồn điện bị cúp và một dây nối vào cọc sắt ngắn cắm xuống đất. “Sáng kiến” này chỉ giúp bóng đèn đỏ được sợi tung ten bên trong như lửa nhang, có thể soi thấy đồ đạc bàn ghế trong phòng để khỏi vấp té, nên được đùa là “tối kiến” – thấy lờ mờ trong bóng tối! Chính trong hoàn cảnh đó, trước Tết khá lâu, Huyên có làm một bài thơ về Đa Nhim và nạn đói năm Ất dậu 1945, rất tâm đắc. Lúc này, Huyên chợt nhớ lại...
Khi ra đến Huế, mới thấy Huế càng cạn kiệt hơn, và không chỉ về điện mà cả nhiều thứ nhu yếu khác như gạo và nước sinh hoạt.
Tuy vậy, Huyên cũng có niềm vui là về lại Đại học Sư phạm Huế, trường cũ, gặp lại các thầy cô giáo thời Huyên còn là sinh viên. Đại biểu Thuận Hải (Bình Thuận – Ninh Thuận), có Võ Nguyễn Tâm, vốn là sinh viên học cùng lớp với Huyên, nay cũng như Huyên, về dự Hội nghị.
Trong suốt mấy buổi ở Giảng đường Canada (tên thường gọi của Giảng đường I), các bản tham luận của các nhà giáo từ các đại học như Hà Nội, TP.HCM., Vinh, Việt Bắc và các trường phổ thông trung học Miền Trung (Thanh Hóa – Thuận Hải) cũng chỉ đi vào những kỹ thuật giảng văn, kể cả các kỹ năng hỗ trợ như nghệ thuật đọc diễn cảm, và đề xuất ý kiến về một số thuật ngữ như nên gọi là tác phẩm văn chương thay vì tác phẩm văn học... Huyên không thấy có một ai dám bàn về việc cấu tạo lại bảng phân phối chương trình với các bài giảng văn cụ thể. Nói rõ hơn, không một ai dám bàn về việc thay đổi nội dung phân môn giảng văn, chẳng hạn như phải dạy những bài văn chính luận, truyện ngắn, trích đoạn tiểu thuyết, bài thơ nào, thuộc bộ phận văn học hiện đại – cách mạng, cho phù hợp với tình hình tình hình hậu chiến (tuy vẫn còn có chiến sự ở biên giới phía Bắc và ở Campuchia), cả nước đã thống nhất hai miền, nội bộ dân tộc không còn mâu thuẫn địch – ta, rất cần hoà giải, hoà hợp... Vấn đề đó mà không bàn, nghĩa là không có gì mới. Huyên những muốn đăng đàn với nội dung như đã có lần bàn luận với anh Nguyễn Huynh ở Đà Lạt, nhưng cảm thấy không thể phát biểu như vậy được. Huyên ngại những phiền hà không lường trước. Và Huyên cũng cảm nhận là các đại biểu đều biết tự kìm chế như chính anh.
Không những không bàn về nội dung giảng dạy phân môn giảng văn, Hội nghị cũng không có ai dám thừa nhận công khai tình trạng chung là học sinh hiện tại đang chán ngán phân môn này. Nếu có chăng, ý kiến cũng quá kín đáo, lướt nhẹ, đến mức như không nói gì. Các nhà giáo đại biểu chỉ có thể nói thật khi chuyện trò với nhau bên ngoài hội trường.
Ngoài ra, hai bài của Nguyễn Minh Châu (1978), Hoàng Ngọc Hiến (1979) và mới đây, “Đêm cuối năm” của Tố Hữu (1982), không có một âm vang nào trong Hội nghị.
Võ Nguyễn Tâm, một lần đi vào nhà ăn tập thể cùng với Huyên, nói khẽ:
- “Vũ Như Cẩn”.
Huyên cười:
- “Vẫn như cũ” thật!
Sau Hội nghị, Huyên có tranh thủ đến thăm một số nhà văn, nhà thơ quen biết ở Huế. Trong một buổi tối, điện tắt như đêm ba mươi ở cả thành phố, Huyên đến nơi ở của một nhà thơ nổi tiếng. Nhà thơ tiếp Huyên dưới ánh đèn nến được cắm trên hai chân đèn gỗ sơn đỏ, vốn được đặt trên ban thờ gia tiên, nay tạm vô phép đặt xuống bàn tiếp khách. Từ phía này bàn, nhìn qua bên kia bàn, Huyên thấy gương mặt anh ấy như tấm ảnh chân dung của người đã chết, có điều nét mặt không được thanh thản hay ít ra cũng bình thường, như ở những tấm ảnh thờ khác, mà sinh động hơn, vì rất sầu héo, đau đời. Có thể anh ấy cũng nhìn thấy Huyên như vậy: một tấm ảnh Huyên đã chết, chết đau đời, sầu héo, giữa hai cây đèn thờ!
1982 là thời điểm đất nước mình đang ở trong tình trạng khó khăn cùng cực, không khí xã hội tù đọng, trì trệ, như cả đất trời đều ngột ngạt, oi bức trước khi mưa rào đổ xuống giữa mùa hè. Đó cũng là thời điểm những tư tưởng “xé rào” âm ỉ, như sắp sửa “bung ra” trong lĩnh vực văn chương, tư tưởng...
Sáng mai lại, anh Nguyễn Công tranh thủ ra Quảng Bình thăm nhà vài hôm, Huyên cũng ra Quảng Trị thăm mẹ và chiều vô lại Huế, để kịp vào TP.HCM..
TP.HCM. tuy xa đường hơn, nhưng vì đó là nơi dễ mua vé xe lên lại Đạ Nông, Lâm Đồng hơn, đường từ thành phố ấy lên đó cũng ít nguy hiểm hơn, và cũng vì Huyên có ý định tranh thủ thăm viếng nơi này, nơi khác, xem thử TP.HCM. có gì thay đổi, nên Huyên vào đó trước.
Không khí bức bối ở Huế, Huyên cũng nhận thấy được khi ở TP.HCM., nhưng TP.HCM. bộc trực hơn nhiều. Văn nghệ sĩ và nhà giáo đã dám nói thật, nói thẳng ra trong nhiều chỗ, nhiều nơi, kể cả những khi có các vị lãnh đạo cao cấp. Huyên nghe kể lại như thế, và cũng đã tận mắt, tận tai nghe những câu nói huỵch toẹt, những bài thơ có từ ngữ khá nghệ thuật, khí thơ rất mạnh mẽ, do chính các nhà thơ tác giả đọc trong cuộc rượu.
Chai rượu đã khô đến giọt cuối cùng, được dốc ngược, cắm vào cái li cối. Trên đít chai là cây đèn cầy. Chiếc đèn “dã chiến” kiểu đó được đặt giữa bàn rượu. Ngồi bên này bàn, nhìn qua bên kia bàn, người này thấy người kia như thể đang chụm hai tay bưng đèn đi soi tìm cái gì đó, với nét mặt vừa khổ đau vừa căng thẳng khủng khiếp.
Cũng tình cờ, trên một quầy sách ven lề đường phố, Huyên mua được tập truyện ngắn của Lỗ Tấn, anh đã đọc từ khá lâu rồi và nhiều khi có ý định tìm mua lại. Trong đó, có “Nhật kí người điên”, viết về một giáo viên trung học mắc chứng bệnh bức hại cuồng, hoang tưởng rằng chính bản thân anh ta bị anh em, bà con, xóm giềng hăm he ăn thịt...
1982, Huế là vậy, TP.HCM. cũng thế.
Và thật không may mắn chút nào, khi Huyên tìm đến nhà người bà con của Hồng Vàng tại một con hẻm khá rộng, dễ tìm ở quận Phú Nhuận, nhưng rất tiếc là Hồng Vàng đã lên thăm nhà ở Đà Lạt!
Huyên đành lên xe về lại Đạ Nông với nỗi buồn nặng trĩu xen lẫn niềm hoang mang, bức bối chung. Huế, TP.HCM., Đà Lạt, và cả huyện lị Đạ Nông nữa, đều một không khí xã hội như thế
3. Cũng trong học kì hai năm học 1981-1982, Huyên còn được điều động lên Đà Lạt để chấm thi cuộc tuyển chọn học sinh giỏi ngữ văn cuối cấp phổ thông trung học, nhằm hình thành đội tuyển của tỉnh. Sau đó, cũng chính Huyên phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi đó của năm trường huyện, kể cả huyện mới Đạ Huoai, ba trường tại thành phố Đà Lạt (chưa kể trường vừa học vừa làm). Đạ Nông có hai học sinh được chọn, đều là nữ. Phí tổn ăn ở của cả thầy lẫn trò đều được chu cấp từ ngân sách của Sở Giáo dục. Trường Phổ thông trung học Bùi Thị Xuân tạo điều kiện về cơ sở vật chất, gồm phòng học và bếp tập thể.
Anh Nguyễn Công, trưởng phòng phổ thông kiêm cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn Việt, lại bận công tác, nên chỉ mỗi một mình Huyên đảm trách việc bồi dưỡng ấy, trong suốt thời gian trên hai mươi ngày. Chỉ sau đó, khi triệu tập các học sinh ấy để chính thức thi cấp quốc gia, theo đề và đáp án của Bộ Giáo dục, Huyên sẽ không có mặt.
Đúng là giảng dạy học sinh giỏi rất đáng phấn khởi, vì ở các em, trình độ tiếp thu nhanh, vận dụng tốt. Có một điều không thể nói là không thất vọng, khi thầy trò tâm sự với nhau, một học sinh nói thật là phải dự thi học sinh giỏi môn ngữ văn chẳng qua vì nể thầy chủ nhiệm cũng là giáo viên ngữ văn, chứ hồ sơ thi đại học, đã ghi là khối B tự nhiên! Em ấy cũng tương tự trường hợp một học sinh ở Đạ Nông đạt điểm 7, bằng điểm với Hồng Vàng, trong kì thi tốt nghiệp năm ngoái!
Hai học sinh khác có kĩ năng diễn đạt khá tốt, nhưng kiến thức thể hiện trong bài làm lại thiếu hụt. Huyên hỏi riêng từng em một:
- Em có thích đọc sách văn chương không? Trong một năm, em đọc được bao nhiêu cuốn?
- Dạ, sở thích duy nhất của em là đọc sách văn chương. Chỉ kể từ năm lớp mười đến nay thôi, ít ra mỗi năm em đều đọc mươi cuốn tiểu thuyết, mươi tập thơ và vài cuốn phê bình văn học.
- Cụ thể, em đọc sách gì? – Huyên lại hỏi –.
- Dạ, thưa thầy, hầu hết là sách dịch.
Dẫu thế, Huyên cũng cảm thấy mừng, và anh quả quyết:
- Không cách nào học sinh giỏi ngữ văn nếu chỉ học ở trường lớp mà không chịu đọc sách văn chương. Tôi cũng thừa nhận là sách dịch ở nước ta hiện nay là từ khá tốt đến tốt, có chọn lọc để dịch, không dịch ẩu. Hầu hết là văn chương thế kỉ XIX trở về trước của Phương Tây và văn chương Nga...
Nhưng Huyên không thể không buồn vì học sinh ấy chỉ thích văn chương nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, chứ không phải sách văn chương của các tác giả Việt Nam hiện đại – cách mạng. Phải chăng sự thể đó là do nhà văn, nhà thơ hiện thời ở nước ta? Anh hỏi tiếp:
- Em không đọc sách văn chương trong nước, và hình như cũng không đọc kĩ sách giáo khoa?
- Dạ, thưa thầy... – Học sinh ấy thấy hơi khó trả lời –.
Học sinh thứ hai cũng trả lời tương tự như vậy. Huyên hiểu mình đã suy đoán đúng.
Bộ môn ngữ văn Việt là môn công cụ, môn nòng cốt của tất cả các ngành khoa học xã hội, đã đến mức như thế, nhưng không hề được báo động công khai trên báo chí và cả trong Hội nghị giảng văn Miền Trung vừa rồi!
Khi kết thúc đợt bồi dưỡng học sinh giỏi ấy, Huyên thanh thản tản bộ ven hồ Xuân Hương, tiếp tục suy nghĩ để tìm ra biện pháp nào cho học sinh mãi đậm lòng yêu quý với ý thức giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt mẹ đẻ, trau dồi kĩ năng diễn đạt và bắt kịp tiếng Việt hiện thời, chứ không phải tiếng Việt thời Nguyễn Trãi, thời Nguyễn Bỉnh Khiêm hay thời Nguyễn Du, bỗng dưng có hai người thanh niên đi đằng sau, nắm lấy lưng áo Huyên, xô Huyên suýt ngã xuống hồ, nhưng cũng vội kéo Huyên lại. Huyên sững sờ nhìn hai kẻ ngang ngược, côn đồ ấy đang bỏ đi. Chúng không quên quay mặt lại tỏ vẻ hăm doạ, khủng bố tinh thần. Huyên nhìn kĩ áo quần, dép nhựa của hai tên ấy, anh đoán chắc là người ngoài Bắc mới vào. Và sực nhớ lời anh Nguyễn Huynh hôm nào, Huyên nghĩ có lẽ đó là người của PA.25 chăng?
Chưa hết kinh hoàng, ngay chiều hôm ấy, khi đi ngang qua con dốc lên bưu điện trung tâm Đà Lạt, Huyên lại bị hai tên khác, người Miền Nam, hù doạ, xúc phạm. Một tên cầm áo Huyên kéo anh vào sân một ngôi nhà nhỏ, miệng chúng nói thật nhanh, không rõ tiếng: “Vô xem con xồ, vô đây con xồ”. Con xồ, tức là con chó! Huyên giằng lui, hất tay hắn ra, quay lại, và bước nhanh ra đường, với trạng thái kinh hoảng thật sự. Chẳng hiểu vì sao lại có sự khủng bố tinh thần quái ác như thế? Huyên có làm gì mích lòng ai đâu? Phải chăng đó cũng là người của PA.25 như anh Nguyễn Huynh nói?
Huyên không ngờ kết thúc đợt bồi dưỡng học sinh giỏi, sau hơn hai mươi ngày anh trút hết tâm lực mình để hoàn tất công việc, những mong đội tuyển tỉnh đạt kết quả cao trong kì thi cấp toàn quốc sắp tới, anh lại bị cái trò khủng bố này! Chẳng lẽ do bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”? Ngoài anh Nguyễn Huynh, có ai đã đọc được rồi sao? Nhưng bài thơ ấy có gì đâu để đến nỗi như vậy?
Huyên xem lại lưng áo và tay áo khoác, rõ ràng là có vết lôi kéo, gần xoạc cả vải, đứt chỉ ở nách áo, chứ không thể là ảo giác như trong “Nhật kí người điên” của Lỗ Tấn được! Nhưng nếu chúng cứ làm cái trò khủng bố này, rồi Huyên cũng hoá điên như trong “Nhật kí người điên” thật!
Tối hôm đó, định sẽ đến nhà anh Huynh, nhưng đi ra đường, Huyên thấy sợ quá, đành nằm vùi trên giường của người bạn dạy vật lí, giáo viên Trường Phổ thông trung học Bùi Thị Xuân, nơi Huyên tá túc suốt thời gian qua.
Hoảng sợ thật sự, Huyên liền về Đạ Nông ngay ngày hôm sau.
4. Về đến Đạ Nông, khi vào tới trường, Huyên mới lấy lại được ít nhiều bình tĩnh. Việc trước tiên, Huyên xem lại va li của mình có vết tích gì lạ không, bản thảo anh có ai tìm thấy không. Huyên cũng phần nào thêm yên tâm, khi chẳng thấy có dấu hiệu gì khả nghi, bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” vẫn còn đó.
Thật ra, đối với Huyên, bài thơ ấy chỉ là kỉ niệm, ghi nhận một tâm trạng đã trải qua, và được viết trong một lúc thiếu bình tĩnh mà thôi. Huyên không phủ nhận những tác phẩm nào anh đã viết. Đúng hơn, tác phẩm của anh bị phủ định bởi quan điểm sáng tác mới... Chung quy, đó là tâm trạng, cảm giác trước sự nghiêng đổ của ngôi nhà văn chương của riêng anh được chính tay anh xây trên nền cát phương pháp sáng tác... Nền cát phương pháp sáng tác ấy đang chạy...
Việc giảng dạy vẫn bình thường diễn ra. Huyên thấy tốt nhất là nên quên vụ bị khủng bố tinh thần ở Đà Lạt, bằng cách tìm việc gì đó để tập trung vào. Anh sực nhớ là mình cũng như Thuỷ, mỗi người đều trải qua hai năm dạy học ở các vùng khai hoang lập ấp, mới về giảng dạy ở trường phổ thông trung học hoàn chỉnh trong hai năm tiếp theo, gần đây nhất, và cũng đều chưa làm hồ sơ xin công nhận hết thời hạn tập sự. Anh bảo Thuỷ: Bọn mình là giáo viên miền núi, thời gian tập sự chỉ một năm. Nếu chỉ tính thời gian ở Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, đủ ba lớp mười, mười một, mười hai, bọn mình thừa một năm. Thuỷ cũng muốn làm cho xong việc này, nên cả hai đều hoàn tất trong một tuần tất cả mọi thủ tục, rồi nộp cho Ban Giám hiệu, nhờ chuyển lên Sở Giáo dục, Sở sẽ chuyển ra Đại học Sư phạm Huế để làm bằng tốt nghiệp luôn thể. Công việc này cũng giúp Huyên lãng quên vụ việc bị khủng bố không đáng nhớ ở Đà Lạt vừa qua.
5. Thầy giáo Huyên vào lớp anh có tiết dạy. Sau thủ tục chào giáo viên, cả lớp ngồi xuống, lấy giấy ra làm bài tập kiểm tra mười lăm phút như đã được dặn dò ở tiết học hôm trước. Trong khi học sinh chép đề bài trên bảng, thầy giáo Huyên mới viết xong bằng phấn trắng, và trong khi các em đang làm bài, Huyên đi xuống cuối lớp, xem lướt qua tờ báo tường. Anh bị hút vào một bài viết có nhan đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở trường ta”, với tên họ của một học sinh, Huyên biết, hiện đang làm bí thư chi đoàn lớp! Hơi ngạc nhiên vì giông giống bài xã luận ở báo Nhân dân, Huyên đọc thử, và mỉm cười rồi cảm thấy khó chịu vì giọng điệu như thể là của một lãnh đạo, thuộc chi bộ Đảng tại trường, thậm chí như của Huyện uỷ viên hay Tỉnh uỷ viên!
Chờ học sinh nộp bài đến em cuối cùng, Huyên nói:
- Sáng nay, tôi có đọc bài báo tường của bí thư chi đoàn lớp, thấy thiếu một từ cần thiết. – Nhìn học sinh ấy, Huyên hỏi –. Em có biết bài báo của em thiếu từ gì không?
- Dạ, em không biết ạ. – Bí thư chi đoàn lớp đứng dậy trả lời –.
- Đó là từ “kiến nghị”. Lẽ ra em phải đặt nhan đề có thêm từ ấy, để lễ độ hơn. Nhưng tại sao em lại đặt vấn đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở trường ta” trong khi tại trường đã có chi bộ Đảng, ít ra vẫn còn hai đảng viên, là thầy Bùi Sĩ Khen, cô Lê Thị Em Nguyên?
- Thưa thầy, vì em thấy trong Ban Giám hiệu ở trường ta hiện nay không có ai là đảng viên cả ạ. – Vẫn ở tư thế đứng, học sinh ấy nói. – Cô Phú Sơn chỉ là quần chúng, trí thức cũ. Thầy Dương Sĩ Cảm mới được kết nạp Đoàn ở học kì một.
- Thế là đủ cơ cấu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí” chứ còn gì nữa! – Huyên khẽ cười thành tiếng –. Thầy Khen, cô Nguyên là Đảng; cô Phú Sơn, thầy Cảm là Nhà nước! Tôi nghĩ cơ cấu song hành đó là đặc điểm của thời kì quá độ... Nhưng em cũng thấy là trường ta còn khuyết một vị hiệu trưởng, nay mai Sở Giáo dục sẽ điều động về. Em đặt vấn đề ấy làm chi? Tôi thấy em nên đặt vấn đề là làm đơn kiến nghị Sở bổ nhiệm về trường mình một thầy hay cô hiệu trưởng đã có quá trình hoạt động cách mạng, cùng với tiêu chí quan trọng nhất là gốc Miền Nam. Thế mới phù hợp với yêu cầu quần chúng giáo viên, học sinh và phụ huynh... Cương vị đó, hiện nay phải là đảng viên. Nếu em muốn, thì ghi cụ thể yêu cầu, “phải là đảng viên”, cho rõ.
Bí thư chi đoàn lớp bỗng run giọng nói, do xúc động bởi ý tưởng trong lòng, chứ không phải vì sợ thầy giáo Huyên, một quần chúng trắng:
- Đảng đã chiến đấu lâu dài, hi sinh to lớn, thế mà bây giờ để quần chúng ngoài Đảng nắm quyền, em không thể chịu được!
Nhiều học sinh có lẽ chưa vào Đoàn cười rộ lên, với ý châm biếm. Có em phẫn nộ vì cách nói hơi vô lễ của bí thư chi đoàn: Quần chúng nắm quyền là ai kia chứ? Đối với thầy cô trong Ban Giám hiệu, nói thế mà nghe được sao? Còn Huyên, anh sửng sốt, lặng người một thoáng. Rồi Huyên cười, nói:
- Tôi cũng khiếp vì ý thức về tính Đảng của em rồi đó. Từ nay chắc phải đặt thêm cho em biệt danh Paven Korsaghin, tên của nhân vật chính có tính cách nhiều khi quá căng, trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”. – Huyên cười mỉm, nói tiếp –. Tôi đọc tặng em thêm vài câu thơ của Bertolt Brecht, một nhà thơ, kịch tác gia Đông Đức: “Học đi, học đi, những người cộng sản / Bởi vì các bạn / Sẽ là / Các nhà lãnh đạo tương lai”. – Huyên ngừng lại, rồi nói –. Thôi, cả lớp trở lại với tiết học! Thế mà mất đi mươi phút rồi.
Huyên quay lại, viết lên bảng đen đề mục tiết học: “Luyện tập: Cách dùng từ phù hợp với văn cảnh”. Cả lớp khẽ ồ lên, vì bây giờ mới hiểu ra việc thầy giáo góp ý nên thêm từ “kiến nghị” vào nhan đề bài báo tường.
Chương VIII
1. Chỉ một ngón tay vào xách tay của Huyên, người cùng đi xe khách nói với giọng điệu tuy không gay gắt, dữ tợn nhưng là lạ, như thể doạ dẫm:
- Cái xách này “nặng” lắm đấy!
Huyên cau mày, sau một thoáng ngạc nhiên, nhưng anh kịp hiểu ngay, và đưa cao cái xách tay lên:
- Nhẹ thôi! Chỉ vài cuốn sách, sổ tay, bút viết, ít bộ áo quần, bàn chải răng và khăn mặt... Không có hàng lậu, quốc cấm đâu! Nhưng anh là ai? Tại sao lại chỉ vào xách tay tôi rồi bảo “nặng” lắm?
Gã đàn ông ấy cười gằn và im lặng. Huyên nghĩ có thể gã đàn ông muốn ám chỉ bài thơ “Lại bắt đầu bằng chữ cái thứ nhất” (hay “Lại tập đánh vần”) của anh chăng? Nhưng biết đâu, đó chỉ là sự vô tình, ngẫu nhiên, chứ chẳng có ai hơi đâu lại theo dõi Huyên và doạ dẫm như thế. Dẫu sao, cũng tỏ thái độ mặc kệ y, Huyên ngồi vào chỗ, chờ xe chạy. Suốt mấy tiếng đồng hồ, xe đã vượt qua hai phần ba hành trình, Huyên vẫn ngồi yên với xách tay trong lòng, đặt gọn trên hai bắp vế chân, vì sợ mất tập bản thảo thơ của chính anh. Đến lúc này, Huyên mới quay mặt lại, tìm xem có gã đàn ông vớ vẩn kia không. Quả là vẫn có y ngồi cách anh hai dãy ghế. Huyên bỗng ước ao sao được dịp công bố bài thơ ấy (*) càng rộng khắp càng đỡ bõ ghét, chứ rơi vào cảnh dấm dớ, úp mở, thật khó chịu. Thơ Huyên, Huyên không chịu đốt bỏ! PA.25 không muốn bắt quả tang bài thơ ấy trong tập bản thảo anh đang để trong xách tay! Nếu không có vụ khủng bố tinh thần ở hồ Xuân Hương và ở dốc bưu điện trung tâm Đà Lạt, hẳn Huyên cũng không tin anh đang bị theo dõi, doạ dẫm thế này. Mà thực ra, đây cũng là một cách khủng bố.
Xe đỗ trước quán “Bít tất”, đối diện với cột cây số 270 bên kia đường, chờ cho Huyên xuống xe xong, lại vụt chạy đi. Gã đàn ông vẫn còn trên xe. Hẳn y lên thẳng Đà Lạt. Còn Huyên, anh vào Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, để bắt đầu niên khoá thứ ba, 1982-1983, tại ngôi trường này. Huyên tự biết, anh cố làm cứng như vậy, nhưng thật ra, chừng như thần kinh anh cũng quá căng thẳng, không khéo cũng đã rão ra.
Những vạt ruộng ngô quanh trường vẫn xanh. Sân trường vẫn đang vắng bóng học sinh. Cỏ vẫn thưa thớt mọc dăm vạt. Cây thông cao ngất giữa sân trường vẫn ngạo nghễ tốt tươi.
Hình như giáo viên chỉ có mặt ở trường vài ba người, vì đợt phép hè chưa hết.
Vào đến thềm dãy nhà tập thể, Huyên thấy anh Nguyễn Thái Tráng đang ngồi trong phòng vốn là phòng anh Bùi Sĩ Khen ở, trong năm học vừa qua. Ngoài anh Tráng, còn có một người đàn ông đứng tuổi khác, dáng người khá bệ vệ, mặc áo sơ mi trắng, chiếc mũ cối bọc vải vàng pha cam đặt bên cạnh, mới trông biết ngay là cán bộ công an ngoài Bắc mới vào. Huyên ngạc nhiên, thầm thốt trong lòng, “lại công an!”. Anh khẽ chào hai người, rồi đi vòng lui sau dãy phòng đơn. Một trong năm phòng đơn phía sau đã được Công đoàn trường sắp xếp cho Huyên, từ cuối năm học trước. Huyên tìm chìa khoá trong xách tay, rồi mở cửa phòng, bật công tắc đèn.
Huyên để cả áo quần đi đường, nằm nghỉ trên chiếc giường của mình.
Lát sau, Huyên nghe tiếng chào tạm biệt giữa anh Tráng và ông cán bộ công an ấy. Sau đó dăm phút, lại nghe tiếng chân anh Tráng đang tiến đến phòng Huyên.
Bước vào phòng, ngồi vào ghế sau bàn soạn giáo án, anh Tráng hỏi:
- Ra nghỉ phép có gì vui không?
Huyên ngồi dậy, trên giường của mình:
- Cũng bình thường, anh à. Ông công an nào vậy?
- Anh ruột của anh Lê Thừa Ích, hiệu trưởng cũ của trường mình đó! Ông ta vào hỏi thăm xem tại sao em ruột của ông ta lại bị Sở Giáo dục cho thôi chức ấy mà!
- Thì ra là vậy. Nhưng sao không hỏi Sở Giáo dục, mà hỏi trường mình, lúc chưa tựu trường, khai giảng?
- Ai mà biết ý ông ta thế nào! Công an vốn hay méo mó, lạm dụng nghề nghiệp, thích điều tra, kiện tụng gì đó.
Huyên cười:
- Tôi tưởng PA.25 đến bắt ai trong trường mình đó chứ! Còn như thế thì thây kệ họ với nhau. Rắc rối!
Nói thế, nhưng Huyên cũng nghĩ, biết đâu, người ta điều tra vụ anh Lê Thừa Ích, nhưng lại moi ra vụ khác, cũng là chuyện có thể xảy ra. Nghĩ thế, Huyên nghe lạnh ở sống lưng, khi nhớ đến bài thơ “Lại bắt đầu bằng chữ cái thứ nhất” của mình.
Sau vài câu chuyện trò thăm hỏi khác, anh Tráng và Huyên lại rủ nhau ra quán cà phê 99.
- Năm nay, Nguyễn Văn đã có quyết định của Bộ Giáo dục cho chuyển về Đồng Tháp rồi! Thế là trường mình vắng mất một tay đàn, giọng hát!
- Anh ấy về Đồng Tháp thì anh em mình cũng buồn thật.
Khi băng qua sân trường, băng tiếp qua quốc lộ 20 để đến quán 99, Huyên nghĩ chính bản thân anh cũng bướng, cứ giữ bản thảo bài thơ viết trong lúc say rượu, lại mất bình tĩnh ấy làm gì cho mệt chuyện, sao không đốt quách đi cho nhẹ người. Và anh hối hận là đã đưa cho anh Nguyễn Huynh một bản viết tay mất rồi!
Sau khi gọi cà phê, nhạc hoà tấu đã được bật, Huyên lại nghĩ ngợi tiếp như không thể dứt được luồng ý nghĩ trong đầu mình. Ờ, mà có gì đâu, bài thơ ấy. Chẳng qua là không thể làm thơ lãng mạn cách mạng về niềm vui hư ảo, như thoáng nắng xen lẫn thoáng mưa sương ven hồ Xuân Hương, Đà Lạt, một hồ nước bị bỏ bê đến mức rong nhờn tanh tưởi, rác rến nhớp nhúa, thì lao vào hiện thực để làm thơ nhưng không đích thực là thơ, như trong “Quán bên đường” của Trang Thế Hy, “đời thối phải nói là thơm”, “nghệ thuật... là câm, là điếc, là đui, mà đi...”, và để rồi hối tiếc, thấy mình rơi vào cảnh phá sản loại thơ-phi-thơ đó, đồng thời cũng khánh kiệt cả vốn liếng thơ ca lãng mạn cách mạng, của bản thân, khi đọc “Đêm cuối năm” của Tố Hữu. Suốt cả bài thơ đều được cường điệu để khắc đậm ấn tượng. Cường điệu cả hư cấu chính mình để tự phỉ báng bản thân mình không phải là nhà thơ trẻ, mà là gã lái buôn, đóng thuế bằng lương tâm, chế biến chất liệu đời đen tối thành thi ca tươi sáng trong thực tế cuộc sống! Tự phủ nhận sạch trơn chính mình, một cách thiếu bình tĩnh! Để rồi cuối cùng, thoát xác, trở lại là đứa trẻ tập đánh vần với bảng chữ cái, học tập lại từ đầu... Ờ, có gì đâu, bài thơ ấy! Chỉ là khủng hoảng phương pháp sáng tác thôi mà...
Huyên mỉm cười, tự trấn tĩnh. Thật ra, cho đến giờ phút này, trừ những bản nháp, phác thảo, chưa diễn đạt hết ý, Huyên vẫn giữ kĩ tất cả những tác phẩm hoàn chỉnh anh đã viết. Huyên chẳng phủ nhận bài thơ, đoạn văn nào của mình cả!
Đêm đó, Huyên lại lấy tập truyện Lỗ Tấn ra khỏi xách hành lí để đọc lại “Nhật kí người điên”. 
2. Bước dạo trên lối đi ven bờ vực, bên dưới là con sông từ thác Liên Khương chảy về, hai thầy giáo, Huyên và Ngàn, trò chuyện bâng quơ trong ánh nắng buổi xế chiều. Huyên muốn kể cho Ngàn nghe vài ý tưởng đậm chất đời thường gần đây khiến Huyên đến lúc này mới có thể gạt bỏ khỏi lòng mình được. Anh đang tìm một cách nói tế nhị và tự nhiên hơn.
- Tháng vừa qua Ngàn đi tập huấn thể dục thể thao à?
- Đúng rồi, anh! – Ngàn xác nhận –.
Huyên cười một mình, rồi nói:
- Tháng qua, mình suy nghĩ mãi về hai cái truyện ngắn, khiến mình khá đau đầu.
- Truyện gì? Tôi đọc được chứ?
- Không. Mình chưa viết, và có lẽ cũng không viết, mặc dù cốt truyện, với các tình tiết ở truyện thứ nhất, và mặc dù sự việc cùng những suy nghĩ lao lung quanh sự việc đó ở truyện thứ hai, tất thảy đã đầy đủ trong đầu mình. – Huyên đáp –.
Đi qua khỏi xóm nhà ở phía tay trái, Huyên đã thấy quốc lộ 20 song song với con đường đất Huyên và Ngàn đang đi. Trước mặt họ, đằng xa kia là nơi được gọi là Miếu Ba Cô, nhưng đó không phải là ngôi miếu cổ được xây bằng gạch và lợp ngói âm dương, mà là một ngôi nhà lợp tôn, phên thưng cũng bằng tôn, khá lớn.
- Ngàn à, để mình kể cho Ngàn nghe. Ngàn có nghe không?
- Anh cứ kể đi. Rất mong được nghe.
- Truyện thứ nhất thế này: Có một anh giáo viên đang dạy học ở một trường phổ thông trung học nọ, tình cờ gặp và chuyện trò với một cô gái người Nam Bộ, cũng suýt soát tuổi với anh ta, ở một bến xe tại TP.HCM., trong khi sắp hàng mua vé. Anh còn được biết cô ấy là công nhân viên ở một ga đường sắt thuộc tỉnh Phú Khánh. Chỉ thế thôi. Vậy mà bẵng đi một thời gian, cô ta đột ngột đến thăm anh giáo viên ấy tại trường và nhà tập thể. Ban đầu, anh giáo viên cảm động vì sự thăm viếng đó. Nhưng cảm thấy cũng rất bất tiện vì không thể mua vé xe cho cô ta về Nha Trang trong ngày được, bởi vé xe đường dài, ngoại tỉnh, chỉ bán vào mỗi buổi sáng sớm. Do đó, anh ta phải xin cô giáo đồng nghiệp cho cô ta ngủ lại chung phòng trong một đêm. Nào ngờ, cô ta lại nấn ná ở đến cả ngày hôm sau. Điều đó khiến anh giáo viên trẻ bắt đầu nghi ngờ về tư cách của cô khách ấy. Hôm sau nữa, cô ta vẫn ở lại cùng với cô giáo đồng nghiệp của anh giáo viên! Lần này, anh giáo viên phải nói thẳng với cô giáo đồng nghiệp, đề nghị đừng tiếp tục cho cô ta ngủ lại, và anh ta sẽ không chịu trách nhiệm trước đồng nghiệp, nhà trường. Từ đó, anh giáo viên không tiếp xúc với cô khách kia nữa. Nhưng chẳng hiểu thế nào, cô khách ấy vẫn ở lại với cô giáo kia đến cả một tuần lễ, mặc dù ở ngày thứ ba, anh giáo viên đã bảo thẳng vào trước mặt cô khách: Tuy quý tình cảm của cô, nhưng cô không thể nấn ná ở đây, vì đây là nhà tập thể, trường học. Như vậy, việc cô khách vẫn nấn ná cả tuần lễ, hẳn là do cô giáo đồng nghiệp vốn cả nể và tốt bụng! Thế rồi, cũng đột ngột cô khách ấy bỏ đi, lấy theo cả chiếc xe đạp của cô giáo đồng nghiệp! Điều đó, khiến anh giáo viên muốn chết đứng. May thay, cô giáo đồng nghiệp không trách cứ gì anh giáo viên ấy cả, vì tính cách thực của cô khách kia đã biểu lộ rõ rệt ở hành vi cuối cùng. Cô ta không phải là một người tử tế. Anh giáo viên hú hồn, vì nếu không cứng rắn, không thuần lí trí trong trường hợp ứng xử đó, hẳn anh ta sẽ chuốc lấy những phiền toái tày trời! Dẫu sao đi nữa (có thể cô khách kia đã vứt chiếc xe đạp ở đâu đó), Huyên cũng định bụng sẽ có dịp mua lại xe đạp để bồi thường.
Ngàn nói:
- Truyện cũng không hay lắm.
Huyên cười thành tiếng:
- Ừ, không hay. Truyện thứ hai lại giản đơn hơn nữa. Ngàn có nghe không?
Ngàn cười:
- Truyện dở cũng nghe.
Huyên kể tiếp:
- Ở truyện thứ hai, sự việc lại diễn ra cách sự việc trong truyện thứ nhất khoảng gần một tháng. Lần này, lại là một cô gái khác. Cô này là y sĩ ở Đạ Dương (D'Ran), tỉnh mình. Mấy năm trước, khi đi công tác, sinh hoạt chuyên đề về chuyên môn trong vài ngày, ở huyện đó, họ có quen biết nhau. Cô ta cũng đột ngột đến thăm anh giáo viên trẻ, và trong bữa ăn trưa, cô ấy nói có một nhóm người mà cô ta chưa từng quen biết, bảo với cô ta rằng, nếu đến được với anh giáo viên kia, họ sẽ cho hai người một miếng đất để cất nhà và làm vườn. Chỗ đất đó cũng gần đây. Anh giáo viên rất kinh ngạc. Cô khách bảo, trước đây, cô ta cũng rất kinh ngạc khi nghe nhóm người đó hứa hẹn như vậy! Thế rồi, sau bữa ăn trưa đó, anh giáo viên liền đưa cô khách ấy ra bến xe Đạ Nông, mua vé chuyến xe chiều Đạ Dương, để cô ta về lại bệnh viện của mình. Anh đã xử sự một cách lạnh lùng, tuy rất khổ tâm vì hành xử như vậy. – Huyên nói –. Truyện thứ hai này cũng nhạt nhẽo quá, phải không?
- Nhạt lắm, và hơi kì quặc! – Ngàn nói thật cảm nhận của mình –. Anh giáo viên đó cũng đào hoa ra phết đó chứ! Lại quá lí trí!
- Nhiều khi đó là những cái bẫy! Nhưng thôi, đa nghi, suy diễn làm gì cho thêm đau lòng!
Huyên và Ngàn vẫn thong thả bước.
- Cả hai truyện đều nhạt và kì quặc! – Huyên nói tiếp –. Chính vì thế nên mình không viết ra giấy làm gì. Nếu viết thành truyện ngắn, phải hư cấu thêm, để phản ánh hiện thực một cách khái quát hơn, và có giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mĩ hơn. Nếu vẫn để thô sơ như vậy, thì chỉ là hai mẩu chuyện thuộc loại thông tin mà thôi.
Ngàn ngạc nhiên hết sức, vì từ trước đến nay, chưa bao giờ Ngàn thấy Huyên lại nhạt nhẽo và vô duyên trong lúc chuyện trò như thế cả.
Họ im lặng tiếp tục bước, bỏ lại Miếu Ba Cô phía sau lưng khá xa, rồi bước ra phía quốc lộ 20, đi trên lề đường để trở về trường. Mặt trời chiều đã xuống thấp.
- Thôi, quên đi. Nhạt nhẽo quá và kì quặc quá! – Huyên nói –.
Ngàn lại bắt đầu ngẫm nghĩ, về cái nhạt nhẽo và cái kì quặc, nhưng anh chỉ đùa:
- Nhạt như nước ốc, nhưng cũng ngon miệng và bổ dưỡng hơn canh “toàn quốc”, lèo tèo vài cọng rau với bột ngọt ở bếp tập thể trường mình. – Ngàn nói và cười đến ngả nghiêng trên lề đường nhựa –.
Huyên im lặng. Lát sau, Huyên nói:
- Nếu đó là hai truyện ngắn hay hai chương đoạn của tiểu thuyết trường thiên, thì nhạt nhẽo và kì quặc, nhưng nếu đó là hai chuyện xảy ra trong đời một người, dăm người, thì đó là cả một sự kiện, sự cố, gây tổn thương và mãi kinh ngạc, rất đỗi kinh ngạc, Ngàn à!
Trường Phổ thông trung học Đạ Nông đã ở phía trước mặt họ.
3. Việc dạy và học ở trường của Huyên vẫn bình thường diễn ra. Huyên cũng vẫn ngày ngày lên lớp giảng bài, về phòng soạn bổ sung giáo án, chấm bài.
Một buổi sáng nọ, có một học sinh xin gặp thầy giáo Huyên. Em ấy nói:
- Thưa thầy, gia đình của anh học sinh lớp mười hai năm kia, có nhờ em thưa lại với thầy một việc. Đó là... Dạ, anh ấy đã đi nước ngoài, đâu tận Canada gì đó, có gửi về một món quà cho gia đình anh ấy, trong đó có cả một phần quà nhỏ kính biếu thầy. Vậy gia đình anh ấy mang lên trường cho thầy được không ạ?
- Tưởng là gì, chứ vậy thì có chi quan trọng đâu. Tôi gửi lời cảm ơn trước đến gia đình ấy nghe!
Chiều lại, có một ông trung niên đến nhà tập thể để trao món quà cho thầy giáo Huyên. Huyên mở ngay trên bàn viết, thấy có khoảng mười hộp thuốc Maalox, trị chứng đau bao tử. Anh không ngạc nhiên, vì biết Việt kiều khó gửi ngoại tệ về nước, nên phải mua các mặt hàng nhu yếu gửi về dưới dạng gửi quà, để giúp gia đình. Quà có thể là vải vóc, tân dược, đủ thứ, sẽ được thân nhân bán ra thị trường, thu lại tiền, và chi tiêu vào những việc cần thiết khác.
Khi nhận món quà tân dược Maalox ấy, Huyên nghĩ ngay đến bà mẹ của Hồng Vàng, vì anh biết bà mắc bệnh dạ dày cách đây đã khá lâu.
Sau khi tiễn chân người phụ huynh với lời cảm ơn, thầy giáo Huyên liền ra nhà chị Ninh, nhân viên phụ trách đời sống, để mượn xe đạp. Anh đạp thẳng lên bưu điện huyện Đạ Nông, để gửi biếu bà mẹ của cô sinh viên năm thứ hai Hồng Vàng thân mến của anh.
Nhân viên bưu điện mở từng hộp thuốc, xem xét từng vỉ một, rồi gói lại theo cách gói của bưu điện, cuối cùng là bấm chì niêm phong. Chỉ một lát sau, Huyên trả tiền cước phí và nhận biên lai. Huyên cảm thấy thật vui vì đã giúp được mẹ của Hồng Vàng, Cúc Trắng. Anh hi vọng hai cô gái này sẽ nhẹ được nỗi cánh cánh về căn bệnh của mẹ.
Dắt xe ra đến cổng, Huyên nghe tiếng thác Liên Khương theo gió vọng về.
Trên đường về lại trường, Huyên cảm thấy nhẹ nhàng vì đổ dốc là chính. Bỗng dưng, Huyên hoảng hốt, khi thấy một cây dao cỡ lớn, ai đó sau hàng rào nhà bên đường, ném ra ngay giữa mặt đường, toé lửa. Trong khi đó, trên đường không có ai. Huyên thầm nghĩ, lại khủng bố chăng, hay chỉ là ngẫu nhiên?
Huyên chưa vội về lại trường, anh vào quán 99 để tìm không khí thân quen và yên tĩnh. Anh dựa xe đạp vào sau gốc cây xoài thấp, ngồi tựa lưng vào cây xoài đó, nhìn ra cổng. Hương cà phê phin thơm ngát.
Thầy giáo Huyên đang lắng hồn theo các giai điệu hoà tấu từ nhà sàn vọng ra, bỗng thấy một nhóm thanh niên có vẻ bặm trợn đi vào. Một tên rút dao từ trong người ra, ném vào thầy giáo Huyên, khiến anh tưởng con dao ấy đã cắm phập vào tim anh. Hoảng hốt, nhưng Huyên chỉ sững sờ ngồi, sau một tiếng la tắt nghẹn trong họng. Nhóm thanh niên táo tợn kia lại bỏ đi. Sau mấy phút định thần, Huyên nhìn lên thân cây xoài, phía trên đầu mình, và thấy rõ con dao ấy đã cắm vào, khiến nhựa xoài đang ứa ra.
Thầy giáo Huyên ngơ ngác không hiểu gì cả. Anh chỉ nghĩ, lại thêm một trò khủng bố chăng? Bộ phận PA.25 bị lạm dụng? Hay chỉ là những kẻ xấu có tổ chức nào đó? Huyên đọc nhiều cuốn sách, trong đó có viết về lực lượng cảnh sát, an ninh của nhiều nước, họ cũng có sử dụng thủ đoạn của bọn xã hội đen để khủng bố trí thức, hay về các đảng phái chính trị làm áp lực nhau, cũng bằng thủ đoạn khủng bố đó, nhưng cũng viết rõ là có bọn xã hội đen hay lực lượng phản động tổ chức khủng bố quan chức, nhân viên nhà nước, như ám sát, bắt cóc, đe doạ...
Đến lúc này, Huyên vẫn ngơ ngác không hiểu gì cả. Anh có làm gì đâu, ngoài một giáo viên ngữ văn Việt và là một người trẻ tuổi làm thơ?
Đêm đó, thầy giáo Huyên lại một lần nữa nghiền ngẫm đọc “Nhật kí người điên” của Lỗ Tấn.
4. Huyên vẫn tiếp tục suy nghĩ để tìm giải pháp cho việc nâng cao lòng yêu thích, quý trọng tiếng Việt cho học sinh, nhất là niềm say mê đọc sách văn chương, các tác phẩm chứa đựng những giá trị cao đẹp về nhân văn, thẩm mĩ, đặc biệt là những giá trị thuộc về bản sắc văn hoá dân tộc, không thể tìm thấy ở những cuốn sách dịch từ văn chương nước ngoài. Huyên cũng biết, trong thời gian trước mắt, việc đổi mới nội dung phân môn giảng văn là bế tắc, vì chưa một ai dũng cảm viết bài, chưa một tờ báo nào dám dũng cảm đăng bài luận bàn về việc bất cập ấy ở sách giáo khoa.
Nghĩ ngợi mãi rồi cũng phải làm việc cụ thể, cần kíp. Huyên lấy một xấp bài tập của học sinh ra chấm.
Một học sinh thập thò ở cửa phòng Huyên. Huyên nhìn ra, thấy đó là bí thư chi đoàn lớp, được đặt biệt danh là Paven Korsaghin.
- Có việc gì không em? – Thầy giáo Huyên nói, và kéo một chiếc ghế, tỏ ý mời em ấy vào phòng ngồi nói chuyện –.
Sau một lúc thăm hỏi, Huyên nói:
- Năm học này, tôi không còn dạy lớp em. Tuy thế, tôi thấy mình còn một chút nợ với lớp em đó.
Học sinh ấy khẽ cười, nghĩ thầy giáo nói đùa.
- Thưa thầy, năm học vừa rồi, em nhận thấy mình có lỗi với thầy và các bạn trong lớp quá. Em không ngờ năm học này, thầy hiệu trưởng mới được bổ nhiệm về trường mình lại là người Miền Bắc chi viện.
Huyên cảm thấy có gì đó hơi bất ổn. Anh nhìn kĩ gương mặt học sinh ấy:
- Việc đó can hệ gì đến tôi đâu. Ai làm hiệu trưởng thì cũng thế.
- Thật ra, trong kì nghỉ hè vừa qua, em có tìm sách đọc về nghệ thuật sử dụng người trong lịch sử, và thấy mình thật kém cỏi, cố chấp quá.
- Tôi nói về việc ấy, trong năm ngoái, là do tình cờ, ngẫu nhiên đọc bài báo tường “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở trường ta” của em. Đơn giản chỉ vậy thôi. Có điều, lúc đó tôi nói, cũng chỉ nương theo ý em để góp ý cho em. Điều cần thiết là em cần phải nâng cao nhãn quan của mình, để nhìn rộng, nhìn xa hơn, chứ đừng suy nghĩ bằng cái bụng cá nhân. Cần phải có cái nhìn lịch đại và cả đồng đại, nghĩa là, học tập trong lịch sử và học tập ở các nước hiện thời, cùng thời với nước chúng ta. Cần phải thế, mới đoàn kết dân tộc được. Em có ý muốn phấn đấu làm lãnh đạo, thì cần phải thế, mới là nhà lãnh đạo có tầm vóc. – Huyên sực nhớ mấy dòng thơ Bertolt Brecht anh đọc tặng học sinh bí thư chi đoàn lớp này, và mỉm cười –.
- Dạ, em đã biết mình sai lầm, “ham cái lợi nhỏ nhặt trước mắt mà quên cái hại to lớn sau lưng”.
- Nhưng, em à, em nên lo việc học tập chuyên môn đi. Đó mới là điều cốt yếu. Cho dù em là bí thư chi đoàn lớp, thì chuyện chính trị cũng ở mức nào đó thôi. Vả lại, tôi là giáo viên ngữ văn Việt, chứ đâu phải là giáo viên chính trị. – Huyên đứng dậy, xem đồng hồ, và nói tiếp –. Thôi, xin lỗi em, tôi bận chút việc, phải làm cho xong. Em có thể gặp giáo viên bí thư Đoàn trường, hoặc giáo viên bí thư chi bộ Đảng, để tham khảo.
Thầy giáo Huyên tiễn học sinh ấy ra khỏi cửa phòng. Anh lại ngồi vào bàn viết, chấm nốt xấp bài, ngày mai anh phải trả cho lớp mười A, lớp anh được phân công làm giáo viên chủ nhiệm.
5. Tết Nguyên đán Quý hợi 1983, đối với thầy giáo Huyên, là một cái Tết buồn rầu và khủng khiếp. Anh có ý định tranh thủ mấy ngày nghỉ này để viết một bài phân tích, bình luận về mỗi một truyện ngắn “Nhật kí người điên”. Cách đó khoảng hơn nửa tháng, Huyên đã tìm ra một cách giải mã mới, chưa từng có trong bất kì cuốn sách phê bình văn chương, giáo trình văn học nào. Ngoài ra, thầy giáo Huyên còn muốn đề xuất một cách tân biên “Nhật kí người điên”.
Diễn tiến mới trong chuỗi suy tưởng của Huyên, đã khác với những tuần trước, là anh đang phải đứng giữa hai lực ép. Một bên là bộ phận PA.25 bị ai đó lạm quyền lạm dụng và một bên là phe nhóm tạm gọi là kẻ xấu. “Nhật kí người điên” phải được giải mã để đánh chặn cả hai phía: Kêu đòi Nhân quyền và phủ nhận Thượng đế. Đây cũng là một cách phê phán bè lũ bành trướng Trung Quốc.
Không bắt làm kiểm điểm, không thi hành kỉ luật nội bộ, không truy tố ra toà, mà chỉ khủng bố. Khủng bố để ép buộc Huyên đừng bao giờ dám viết loại tác phẩm cùng dạng như “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” ư?
Không cấm được việc dạy ngữ văn Việt, nên chỉ khủng bố. Khủng bố để ép buộc Huyên đừng quá nhiệt tình, nhiệt tâm, lừng lẫy quá trong lĩnh vực giảng dạy ngữ văn Việt ư?
Đêm cuối năm âm lịch, sau giây phút giao thừa lặng lẽ và hình như cô độc, vì cơ chừng chẳng còn giáo viên nào trong nhà tập thể, Huyên đóng cửa, đắp chăn nằm ngủ, sau khi chỉ bật lên ngọn đèn nhỏ màu xanh ở góc phòng.
Lúc Huyên đang dần đi sâu vào giấc ngủ, chợt nghe tiếng xô giật cửa rất dữ dội. Chốt cửa bị bung ra. Và một người nhảy vào phòng, chồm lên người thầy giáo Huyên. Anh chỉ kịp hét lên, nhưng tiếng hét của anh đã bị chặn lại bởi một bàn tay mang găng đè chặt miệng anh. Huyên vùng quẫy, chòi đạp bằng tất cả sức lực của mình.
Nhưng không có gì xảy ra sau đó. Kẻ xấu ấy đã rời khỏi phòng sau khi ném một cái gì, vang lên tiếng phập trên mặt bàn. Hắn chỉ khủng bố tinh thần của thầy giáo Huyên! Khủng bố! Khủng bố! Phải chăng Huyên đang rơi vào hoang tưởng bị khủng bố?
Huyên mệt đến muốn ngất đi, nhưng anh vẫn ý thức được anh đang tỉnh. Một quãng thời khắc khá lâu sau, anh ngồi dậy, bật bóng đèn lớn. Anh thấy rõ ràng trên bàn là một con dao nhọn, cắm vào mặt bàn.
Thầy giáo Huyên biết mình không thể gắng gượng thêm được nữa. Chắc hẳn mình phải rời bỏ ngôi trường này, vùng đất cao nguyên này. Huyên nghĩ thế, và buông mình nằm xuống, như ngất đi, cho đến sáng hôm sau.
Huyên vẫn tự đấu tranh, tự phân tích, tự luận giải đến mấy ngày sau. Sáng sớm mùng bốn Tết, hình như thế, Huyên chỉ mang theo một xách tay, gọn nhẹ như hôm đầu năm học về lại trường, để lại cả một tủ sách nhỏ, nhiều cuốn vở giáo án, chăn mùng, để ra bến xe, mua vé về TP.HCM..
Huyên ôm xách tay vào lòng, trong đó có bản thảo thơ của anh và tập truyện ngắn của Lỗ Tấn, ngồi trên chuyến xe rời khỏi Đạ Nông. Huyên biết mình đang bị sức ép, buộc phải làm kẻ đào ngũ khỏi ngành giáo dục! Anh nói thầm với chính mình: “Nhật kí người điên” mới, kêu đòi Nhân quyền, phủ nhận Thượng đế! Huyên quyết tâm sẽ phân tích, giải mã, bổ sung theo phát hiện mới của chính anh! Và còn nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực khác nữa, Huyên ấp ủ bao nhiêu năm qua. Anh quyết tâm sẽ mãi làm thơ, viết truyện, nghiên cứu sử, phê bình văn chương, và chờ cơ may để đăng báo, in sách. Huyên không phải là kẻ đầu hàng số phận. 
Chú thích:
(*) Xem ở chương VI.
Chương IX
1. Mình đang phân vân không biết sẽ kết thúc cuốn truyện - hồi ức này như thế nào. Hồi ức về một quãng thời gian hai niên khoá rưỡi, 1980-1983, tự nó đã thuộc về thì quá khứ hoàn tất. Dẫu muốn dẫu không, cũng đã đành là thế đó.
Năm 1992, sau chín năm, mình có về lại Đà Lạt và Đạ Nông. Sau đó mấy năm, lại có thêm một chuyến nữa. Những cảm xúc, suy tưởng trong hai lần đó đã kết đọng thành thơ. Thơ, đã in thành sách. Sách như những cánh chim bay tứ tung tám hướng mười phương. Mình không nhắc lại ở những trang chữ này nữa.
2008, cách 1983 hai mươi lăm năm! 2008, mới đây thôi, thế mà đã năm năm rồi! Năm ấy, mình đã cùng mười mấy nhà cầm bút thuộc Hội Nhà văn TP.HCM. có lên Đà Lạt để dự trại sáng tác. Đó là lần thứ ba mình lên lại “thành phố giữa trời cao”, sau cái năm biến cố 1983 (biến cố, đúng vậy, ít ra là đối với riêng mình). Và tiếc thay, chỉ được nhìn lướt qua Đạ Nông, trên chuyến xe của Hội, trong lượt đi cũng như lượt về. Dịp đó, chương thứ nhất của cuốn sách này được hình thành trên tập bản thảo của mình: truyện ngắn “Hậu chiến, không riêng ai”.
2013, mình lại viết tiếp thêm bảy chương hồi ức nữa. Và chương thứ chín (chương cuối) này, lại là một truyện ngắn.
Vậy đó, cuốn sách sẽ mở đầu bằng một truyện ngắn (với thời điểm 2008) và kết thúc cũng bằng một truyện ngắn (2013), ở giữa là bảy chương hồi ức (về 1980-1981, 1981-1982, 1982-1983). Có điều, ở truyện ngắn này, mình không giấu mặt nữa, mà hiện diện với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít: Mình.
Cách đây mấy hôm, mình vẫn đang phân vân. Thế rồi, mình biết không thể nào tránh được, lại phải một lần khẽ gọi lên thành tiếng “Hồng Vàng!”, và cả “Cúc Trắng!” nữa, như một sáng sớm trung tuần tháng chín 2008 tại Đà Lạt. Đó là lúc mình cùng hai người bạn văn, anh Nguyên Việt và Trường, bước vào vườn hoa nọ, bỗng mình sững sờ trước vẻ đẹp của những đoá bông hồng vàng tươi thắm và bông cúc trắng tinh khiết.
- Ông thích hai loại hoa này đến thế sao? – Một người làm vườn thấy mình đứng sững như bị trời trồng vì mê mải ngắm hồng vàng, cúc trắng, bước đến hỏi với một nụ cười cởi mở –.
- Vâng, đẹp lạ lùng quá, bà à. – Mình đáp, như trong cơn mê –.
- Nếu vậy, thay vì phải ra chợ Hoà Bình, ông có thể lấy tại đây mỗi thứ một chục đoá, đem về chưng.
- Vâng, nhưng cho tôi chọn riêng mỗi thứ một đoá còn nguyên ở cây trên luống.
Người đàn bà làm vườn đã trên bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn tinh ý lắm, mỉm một nụ cười, khiến mình cảm thấy ánh mắt trên khoé môi kia như đồng cảm với kỉ niệm của mình.
- Những cô gái tên Hồng Vàng, tên Cúc Trắng trên đời này thì nhiều, nhưng đâu là hai đoá bông ông nghĩ rằng là chỗ thân quen riêng của ông? – Người làm vườn lại nói, như một giáo viên ngữ văn hưu trí hay ít ra cũng là một người đam mê đọc văn chương –.
Mình vừa đi dọc các luống hoa để tìm hai đoá bông thương mến, y như bà ấy nói, vừa nghĩ bà ấy nói chuyện hay thật. Trạng thái mê mải tìm kiếm khiến mình quên nói một câu tán thưởng.
Vậy đó, thế là mình mua được hai bó hoa hồng vàng, cúc trắng cùng với hai đoá riêng tươi thắm nhất, tinh khiết nhất.
Nhưng rốt lại, hai bó hoa ấy cùng hai bó hoa khác, cẩm chướng tím nhạt và lay ơn đỏ, do anh Nguyên Việt và Trường mua, đã được đặt trước tượng đài vết thương chiến tranh – hậu chiến, còn hai đoá bông lẻ mình vẫn giữ, để dành cho những trang viết về đề tài đó. Về đến Nhà Sáng tác, mình thẫn thờ ngồi ngắm hai đóa bông đặt trong chiếc ly thủy tinh trong vắt dùng để uống nước. Và truyện ngắn “Hậu chiến, không riêng ai” đã hình thành tại đấy. Hoàn toàn không có hai người nữ nào tên là Hồng Vàng, Cúc Trắng, trong suốt cả mười lăm ngày dự trại sáng tác. Đó chỉ là hai hình tượng nhân vật văn chương...
Cho đến hôm qua, một ngày gần cuối tháng ba 2013, mình lại vẽ hai đoá bông thương mến ấy trên màn hình máy vi tính. Loay hoay suốt một buổi sáng cho đến gần hết buổi chiều, mình mới vẽ xong một bức tranh nhỏ “Hồng Vàng, Cúc Trắng với những năm tháng ấy”.
Từ sáng đến giờ, gần như suốt ngày hôm nay, mình lại ngồi thẫn thờ ngắm bức tranh vi tính đó. Mình lại mở một trang trong điểm mạng riêng của mình, có một bức tranh khác, phục chế từ tranh gốc của Nguyễn Thái Tuấn, có tên là “Nạn nhân của bọn khoái trá bằng khủng bố, bạo hành” (The victim of the sadists), phần nào nhã hơn tên tranh cũ nhưng hàm nghĩa vẫn vậy, rồi cũng thẫn thờ xem lại.
Và như ai đó trong cổ tích, truyện truyền kì, mình thầm thì: “Hãy ra khỏi tranh, gặp gỡ cố nhân và chuyện trò với nhau đi! Mình là tác giả Trần Xuân An đây, các bạn còn nhớ không?”.
Mình nhìn lại, thấy hai bức tranh khi đã được đặt vào khung, để gần nhau, như thể hai khung cửa kính dày có rèm buông của hai căn phòng ở một khu du lịch trên một bờ biển. Cửa kính, dĩ nhiên có thể nhìn xuyên thấu vào trong phòng, nếu kéo rút rèm lại, để thấy hai đoá hồng vàng, cúc trắng, và cửa kính cũng có thể phản chiếu, in hình mặt biển, bờ biển, cây xương rồng, đôi dép quai dấu ô vào đó.
Kì diệu thay, một người đàn ông, còn ba năm nữa sẽ chạm tuổi sáu mươi, bước ra từ một khung cửa (một trong hai bức tranh vi tính), với giọng nói, gương mặt đến cả vóc dáng đều in hệt mình. Không chỉ nhân hình, nhân dạng, mà cả hai cái tôi cũng đồng nhất với nhau. Trong một chớp mắt, mình và người đàn ông ấy hoà nhập lại thành một người, như bóng nhập vào hình. Và từ khung cửa phòng bên cạnh (bức tranh vi tính thứ hai còn lại), Hồng Vàng bước ra. Khi hai người bất ngờ gặp nhau ở hành lang, người đàn bà năm mươi tuổi này thảng thốt nhìn người đàn ông (chính là mình đó!), thảng thốt mỉm cười, và chào: “Thầy Huyên! (Thầy Trần Xuân An)! Em chào thầy”. Mình chỉ biết đáp lại bằng một câu nói đã kìm nén cảm xúc: “Rất vui mừng khi lại được gặp nhau, Hồng Vàng!”. Mình nhìn vào phòng, qua khung cửa còn để mở: “Còn Cúc Trắng, cô ấy đang mải đọc gì trên máy vi tính thế kia?”. Bà Hồng Vàng vẫn hay đỏ mặt trong một thoáng như năm xưa: “Cúc Trắng đang đọc truyện - hồi ức của thầy (Trần Xuân An) đó! Thật quá đỗi bất ngờ!”.
2. Quá đỗi bất ngờ, đúng vậy! Ông Huyên cũng như bà Hồng Vàng, và em gái, bà Cúc Trắng, đều không thể ngờ họ lại tình cờ gặp nhau ở khu du lịch ven biển này. Đúng vậy, không hẹn mà gặp!
Cách đây hai hôm, ông Huyên muốn có vài ngày rong chơi để ngẫm nghĩ thêm về những trang cuối cuốn truyện - hồi ức ông đang viết dở, và cũng ngẫu hứng ông chọn vòng du lịch TP.HCM. – Phan Rang, theo một mẩu quảng cáo trên báo, thay vì về Đà Lạt hay Đạ Nông. Cơ chừng tâm lí ông né tránh thành phố, huyện lị quá nhiều kỉ niệm ấy, để có thể tỉnh táo ngẫm nghĩ trong hồi tưởng! Và cũng rất ngẫu nhiên, hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng khi đang theo dõi đến đoạn cuối cuốn truyện - hồi ức của ông Huyên trên mạng toàn cầu, họ bỗng dưng cùng chung tâm trạng muốn có dăm ngày đi thật xa Đà Lạt quê nhà thân yêu của họ, để có thể làm sống lại hoài niệm một cách sâu lắng hơn. Hai chị em buông công việc đang làm, thương lượng với nơi công tác, sắp xếp người thân coi sóc hộ việc nhà, rồi chọn một vòng du lịch, theo một mẩu quảng cáo trên máy truyền hình: TP.HCM. – Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang. Ở điểm đến Đà Lạt, công ti chỉ đón thêm một ít khách đã có suất đặt trước.
Thật ra, ông Huyên đã có vài ba chuyến lên Đà Lạt, nhưng ông cứ ngần ngại, sợ sẽ trở thành kẻ quấy rầy hạnh phúc gia đình của người xa xưa ông từng thương mến, và mãi còn thương mến. Thế rồi, đến chuyến tháng chín 2008, ông ngẫu nhiên gặp Cúc Trắng ở một hiệu tân dược trước chợ Hoà Bình... Cũng do ngẫu nhiên đun đẩy...
Thật ra, hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng cũng từ lâu biết chắc ông Huyên đã thường trú hẳn tại TP.HCM.. Địa chỉ họ nắm rõ, ghi trong sổ tay, khắc sâu trong trí nhớ. Nhưng biết bao nhiêu lần họ về thành phố sầm uất nhất nước ấy, họ đã không thể tìm đến thăm ông Huyên, người thầy giáo cũ, chỉ vì họ không dám làm kẻ đánh thức lại kỉ niệm tươi đẹp và đau đớn ngày xa xưa... Thế rồi, tháng chín 2008 ấy, ngẫu nhiên đun đẩy...
Và lần này, sau năm năm, bên bờ biển Phan Rang, một lần nữa ngẫu nhiên lại đun đẩy, để ba “cố nhân” gặp gỡ nhau!
Ông Huyên nhìn gương mặt ngày xưa, nay đã in dấu thời gian trôi qua, nhưng lại đẹp những nét hồi xuân thắm đượm:
- Nếu có thể, mình mời Cúc Trắng cùng ra quán cà phê kia đi. – Ông Huyên chỉ ra phía có cửa hàng ẩn hiện trong rừng dương liễu, gần biển hơn..
Bà Cúc Trắng cũng đã ra chỗ họ đứng, với nụ cười rất tươi:
- Không ngờ lại có cuộc gặp gỡ kì diệu như thế này!
- Thật vô cùng kì diệu! – Và ông Huyên mời luôn cả bà Cúc Trắng cùng ra chỗ tay ông vừa chỉ –.
Ba người bước trên lối đi lót đá giữa nền cát trắng, sau khi đã đóng cửa phòng. Từ hành lang dãy phòng khách sạn ra đến cửa hàng khoảng chừng hơn năm trăm mét. Gió biển mát rượi xuyên qua rừng dương, reo lên âm thanh vi vu, xen lẫn với tiếng sóng vỗ bờ.
- Xe chở đoàn du lịch của hai bạn hình như mới ghé vào đây lúc mười giờ đêm hôm qua, có phải vậy không? – Ông Huyên hỏi –.
- Vâng. – Bà Hồng Vàng đáp –.
- Lộ trình của đoàn du lịch này sẽ đi những đâu?
- Khoảng chín giờ rưỡi sẽ đi một số nơi tại Phan Rang, rồi chiều sẽ đi tiếp ra Nha Trang... – Bà Hồng Vàng lại đáp –.
Ông Huyên cảm thấy nghèn nghẹn khi biết số thời gian còn lại chỉ vỏn vẹn hơn một tiếng đồng hồ. Nếu trừ đi thời gian làm các thủ tục lặt vặt, họ chỉ còn khoảng bốn mươi lăm phút! Ông bấm phím mở màn hình máy điện thoại di động, và thấy: 7:42.
- Tiếc quá! – Bà Cúc Trắng đi bên cạnh chị, buột miệng nói –. Giá như thầy Huyên và chúng em cùng đi chung một đoàn!
- Tiếc thật! – Ông Huyên cũng buột miệng –. Đoàn du lịch của tôi chỉ đi đến Phan Rang này thôi. Nhưng... – Ông Huyên bỏ lửng câu nói với một thoáng ý nghĩ vụt hiện trong đầu –.
Họ đã đi đến cửa hàng giải khát thuộc khu du lịch này. Ông Huyên định nói tiếp ý nghĩ vừa bỏ dở: Cả ba người đều có thể tự tách ra khỏi hai đoàn kia để cùng nhau vạch ra một lộ trình riêng. Tại sao không? Rất muốn nói, họ có thể chớp lấy cơ may một cách giản đơn như thế, nhưng ông Huyên cảm thấy ngần ngại thế nào đó. Hầu như cả ba người đều im lặng chờ đợi nhau nói lên điều ấy.
Bước lên thềm lát đá nhẵn bóng, họ chọn một chiếc bàn ở nơi có thể thấy hết quang cảnh biển không xa lắm ngoài kia. Sau khi đã gọi thức uống, ông Huyên nói:
- Trông Hồng Vàng, Cúc Trắng vẫn không khác gì cách đây gần năm năm, khi chúng ta gặp nhau ở Đà Lạt.
- Thầy cũng vậy. Em rất mừng khi thấy thầy vẫn khoẻ mạnh. – Bà Hồng Vàng nói luôn –. Em cũng biết trong năm năm qua, thầy cũng đã viết thêm, xuất bản thêm một số đầu sách. Cuốn thầy đang viết đã là đầu sách thứ ba mươi ba rồi. – Bà Hồng Vàng chân thành tỏ bày niềm vui –. Những cuốn sau "sự cố 1982, 1983" đó và vài cuốn gần đây nhất khẳng định rõ là thầy không phủ nhận những gì thầy đã viết, mặc dù thầy có lỡ tay viết bài “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”.
- Tôi không phủ nhận gì cả. Đặc biệt, hai năm “kinh tế mới”, khai hoang lập ấp, tôi đã viết thành hai đầu sách văn xuôi: tiểu thuyết - hồi ức “Ngôi trường tháng giêng” và truyện vừa - hồi ức “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’” với tất cả nâng niu, trân trọng. Tôi chắt chiu tất cả những vui, những buồn, những được, những mất... Bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” chỉ là kỉ niệm về sự khủng hoảng phương pháp sáng tác! Tai hoạ là từ bài thơ đó, bởi bộ phận PA.25 bị lạm dụng? Hay tai hoạ từ sự nhiệt tình trong việc giảng dạy ngữ văn Việt, bởi “kẻ xấu”? Đến nay tôi cũng chưa rõ... – Ông Huyên nói –. Dẫu sao, tôi cũng vẫn miệt mài cố gắng... Còn Hồng Vàng, ngoài việc cùng trông coi biệt thự cà phê, em vẫn tiếp tục giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt chứ?
- Vâng. Thời điểm này, em tranh thủ đi du lịch với Cúc Trắng vài ba hôm được là vì cả hai đều cố gắng thương lượng, thu xếp công việc... – Bà Hồng Vàng định nói là cũng vì cuốn truyện - hồi ức của ông Huyên trên mạng toàn cầu, khiến hoài niệm thôi thúc họ có chuyến du lịch bất ngờ này, nhưng bà bỏ dở câu nói –. 
Ông Huyên quay sang bà Cúc Trắng:
- Cúc Trắng vẫn làm ở khoa dược của Bệnh viện Đà Lạt?
- Vâng, không có thay đổi gì, thầy ạ. – Bà Cúc Trắng mỉm cười –.
Cà phê phin đã được bưng ra. Gió biển thổi một cái nắp phin rơi xuống mặt bàn. Người tiếp viên nhặt lên, đậy lại, và rời khỏi bàn.
Ông Huyên không hỏi thăm về chồng con của bà Hồng Vàng, vì ông ngại sẽ làm chạnh lòng bà Cúc Trắng. Qua lần gặp gỡ ở Đà Lạt hồi 2008, ông đã biết Cúc Trắng đến thời điểm ấy vẫn còn độc thân. Bây giờ, tuy Cúc Trắng mỉm cười khi nói “không có gì thay đổi”, ông biết Cúc Trắng đã quen lâu lắm rồi với tình cảnh đơn lẻ của mình nên mới bình thản cười được như thế. Ý nghĩ về nỗi đau của bao người nữ thời hậu chiến nhưng vẫn còn chiến tranh ở Campuchia và ở biên giới phía Bắc, thời người ta hay nói “trai thiếu, gái thừa”, khiến ông Huyên suýt nữa gục đầu xuống nghĩ ngợi, nhưng ông kịp giữ vẻ bình thản như chính Cúc Trắng.
- Tôi vẫn tin cuộc sống tuy có nhiều điều không vui, nhưng cũng lắm may mắn đến không ngờ. Làm sao có thể không cảm thấy vui mừng, phải nói là vui mừng quá chừng quá đỗi, và bất ngờ, đến mức bàng hoàng, khi tôi được gặp hai bạn ở đây!
- Nhưng đáng tiếc biết bao, khi chỉ còn hơn ba mươi phút nữa! – Bà Cúc Trắng nói –.
Ông Huyên cảm thấy run tay khi nhấc ba cái nắp phin, đặt xuống bàn, kề mỗi chiếc tách sứ trắng, rồi nhấc từng chiếc nồi phin đặt lên mỗi cái nắp đó. Ông mở nắp hộp đường, cẩn thận úp nắp để khỏi bị gió biển thổi bay. Mỗi người tự cho thêm đường vào tách của mình. Im lặng kéo dài trong mấy phút. Vẫn không ai nói gì cả, mặc dù cả ba người đều có chung ý tưởng rằng họ có thể tự tách ra khỏi hai đoàn du lịch đã có lộ trình vạch trước của mỗi đoàn. Mỗi người đều cảm thấy có những trở ngại riêng mà họ không dám vượt qua. Phải chăng Cúc Trắng là người được quyền tự do nhất, nhưng đồng thời cũng là người cảm thấy bi kịch nhất, trong tình huống này? Có phải ông Huyên và cả bà Hồng Vàng nữa, đều thầm nhủ, ước chi họ đang là độc thân như Cúc Trắng? Nếu đang là vậy, chắc ba mươi phút còn lại sẽ được cộng thêm vài mươi năm cho Huyên và cho Hồng Vàng. Tuy nhiên, hẳn lúc này, bà Hồng Vàng vẫn còn nhớ hai câu bà đã đau đớn nói trong buổi sáng cùng ông Huyên ngồi trong quán cà phê quen thuộc thuở nào, ở Đà Lạt năm 2008: “Nhưng dẫu sao cũng không thể cứu vãn được gì hết. Tất cả đã muộn”. Lúc này, chắc chắn hai câu nói đó vẫn còn vang lên trong trí nhớ ông Huyên. Đúng rồi. Đau đớn thật. Có điều, biết làm thế nào được! Ông Huyên thầm nghĩ. Một cơ may lại xuất hiện trong đời nhau, sự ngẫu nhiên đã dành cho nhau, nhưng không ai có thể vươn tay ra nắm bắt, giữ chặt mãi mãi cơ may ấy!
Bỗng dưng bà Cúc Trắng phá vỡ sự im lặng giữa ba người, bằng cách khoắng đường trong tách. Tiếng lanh canh rất khẽ từ chiếc muỗng nhỏ chạm vào tách sứ vang lên mơ hồ trong tiếng sóng dào dạt, tiếng gió biển lồng lộng, tiếng dương liễu vi vu. Bà Cúc Trắng nâng tách, uống hết cả tách cà phê đã nguội, rồi đặt tách xuống, như thể đang uống một chén thuốc nam sắc đậm. Bà tiếp tục rót trà vào tách, nâng lên, tráng miệng.
- Thầy Huyên và chị Hồng Vàng cứ ngồi đây nghe! Em ra với biển bây giờ đây. Khoảng mươi phút nữa, em sẽ quay lại...
Ông Huyên và bà Hồng Vàng biết bà Cúc Trắng sẽ nói như thế, để dành riêng cho hai “cố nhân” mươi phút “riêng tư”, nên họ chỉ mỉm cười như mặc nhiên thoả thuận với nhau.
Nhìn theo bước chân của bà Cúc Trắng trên lối đi lát đá giữa cát trắng, dẫn ra gần mép bờ biển, nơi sóng đang ào ạt vỗ, cả hai người đều đang im lặng. Họ vẫn nhìn theo bà Cúc Trắng, khi bà ấy tháo giày, cầm ở tay, đi chân trần ra đến đoạn cát đẫm ướt. Bà Cúc Trắng lại bước dọc theo mép nước. Có khi sóng khoả cả đôi chân bà.
Ông Huyên bấy giờ mới quay mặt lại để nhìn vào gương mặt vẫn quay nghiêng của bà Hồng Vàng, người ông yêu mến từ thuở bà còn là cô gái mười tám, hai mươi tuổi! Người con gái học trò trung học rồi đại học đó cũng đã say đắm xen lẫn niềm kính trọng, tha thiết yêu ông, thầy giáo Huyên, năm Huyên mới hai mươi lăm, hai mươi bảy tuổi!
Bà Hồng Vàng cứ nhìn xa xăm, mông lung ra biển, mặc dù biết ông Huyên đang nhìn ngắm mình với ánh mắt da diết và nồng cháy nhất. Chưa bao giờ bà cảm nhận được ánh mắt chan chứa cảm xúc đến mức như thế. Có phải chăng đây chính là giây phút thiên thu? Một giây, một phút chứa đựng, sôi trào, lắng đọng cả ngàn năm? Ngàn năm chỉ đáng kể là giây phút này?
- Hồng Vàng! – Huyên khẽ gọi với tất cả niềm cảm xúc, tưởng chừng như đang còn ở tuổi hai mươi bảy thuở nào –. Chúng ta chỉ còn bảy, tám phút nữa! – Ông Huyên nhắc –. Em quyết định đi! –. Và ông nói với giọng sôi nổi mặc dù vẫn khẽ khàng –. Không phải chúng ta, mà chính là ngẫu nhiên đã đun đẩy để chúng ta có những giây phút này, giây phút chúng ta còn có thể quyết định cho trái tim của em, trái tim của tôi –. Bất giác, ông Huyên như muốn co siết lại những ngón tay mình, như mỗi lần phải quyết định một điều hệ trọng tưởng chừng vượt cả sức chịu đựng trạng thái căng thẳng –.
Bà Hồng Vàng quay mặt lại, và cúi xuống:
- Quyết định điều gì đây, thầy?
Bây giờ ông Huyên mới sực tỉnh. Thế mà ông cứ nghĩ cả hai người đều có chung một một ý nghĩ, cho dù mặc nhiên không nói ra. Không, ông Huyên không tin như vậy. Ông nghĩ hẳn bà Hồng Vàng vẫn còn ngượng ngùng khi biểu lộ sự đồng cảm mặc nhiên ấy.
- Chỉ còn năm phút nữa thôi! Hồng Vàng! Em quyết định đi! – Ông sợ thì giờ trôi qua một cách quá uổng phí và đồng thời cũng không muốn cảm nhận về sự đồng cảm mặc nhiên kia là hoàn toàn sai lầm, ông nói tiếp –. Em quyết định đi! Chẳng hạn như chúng mình sẽ tách khỏi hai đoàn du lịch, để cùng Cúc Trắng tổ chức chuyến đi riêng.
Ngẫm nghĩ từng chữ của ông Huyên mới nói ra, bà Hồng Vàng khẽ nói:
- Tại sao thầy đưa ra đề nghị ấy, lại còn dùng từ “chẳng hạn”... Hẳn còn đề xuất khác nữa? – Bà Hồng Vàng nói như thể tự suy nghĩ một mình –.
Vì tiếng gió luồn qua rừng dương liễu và tiếng sóng biển vỗ bờ, ông Huyên quên phắt trong quán giải khát vẫn đang còn đôi ba bàn có khách cùng những tiếp viên, ông ghé mặt đến gần gương mặt của bà Hồng Vàng hơn, mặc dù giữa họ là chiếc bàn mây đan lót kính.
- Chẳng hạn, quyết định hệ trọng hơn giữa chúng ta! – Không thể quanh co vì thì giờ không còn nhiều, nhưng ông Huyên vẫn chỉ có thể nói ở mức độ đó –.
Bà Hồng Vàng im lặng. Nhìn gương mặt ông từng yêu dấu suốt hơn ba mươi năm qua, ông Huyên thấy mình cơ chừng vừa rạo rực vừa đau đớn bởi sự kìm nén.
- Chúng ta chỉ còn ba phút nữa! Hồng Vàng!
Nói xong, và chỉ thấy sự im lặng của bà Hồng Vàng, ông Huyên bắt đầu cảm nhận ra sự phũ phàng đổ ập lên niềm bồng bột bất ngờ trong chính ông.
- Em không có quyết định nào cả, thầy à. Ở tuổi này, em tưởng cuộc đời cứ vậy mà trôi. – Và nước mắt hình như ứa ra trên mỗi khoé mắt bà –. Năm em đã thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong, em đã gửi thư nhắc thầy, em đã bước vào năm thứ nhất của lứa tuổi trưởng thành rồi, sao thầy không đối đãi với em như giữa người lớn với nhau? Thật ra, em đã quyết định rồi, mặc dù thầy vẫn còn ngại em chưa vào đại học. Và rồi, hai năm sau, em cũng đã quyết định rồi, với thầy, thầy không nhớ sao? Em gật đầu rồi, từ thuở đó, nhưng không lâu sau đó, thầy lại bặt tin... – Bà Hồng Vàng nói như trong cơn mê hồi tưởng –. Em quyết định lâu lắm rồi mà, thầy! – Và bà Hồng Vàng bỗng chua chát –. Chỉ có điều là chúng ta không có may mắn thực hiện quyết định ấy.
Ông Huyên sốt ruột:
- Không! Tôi muốn nói là lúc này, ở đây, chứ không phải ba mươi năm trước, ở TP.HCM. và Đà Lạt. Chúng ta không còn nhiều thì giờ! Cúc Trắng sắp về đến nơi rồi kìa.
Cả hai nhìn ra lối đi lát đá dẫn ra biển, họ thấy rõ bà Cúc Trắng đang bước về, trên lối đi ấy, với đôi giày đã được mang lại vào hai bàn chân.
- Chúng ta vẫn còn một, hai phút nữa!
- Em chỉ xin cảm ơn thầy đã viết cuốn truyện - hồi ức ấy, để em biết cặn kẽ hơn vì sao thầy bặt tin, sau khi em đã quyết định cho trái tim mình, cuộc đời mình bằng cái gật đầu trước lời tỏ tình, cầu hôn của thầy, thuở đó.
- Đó, sự thể như thế đấy! Hẳn em biết tôi đã rơi vào khủng hoảng như thế nào, trước nạn khủng bố, trước sự bỏ nghề, cái nghề dạy học đói rách nhưng tôi đã yêu nghề, đau đớn, dằn vặt với nghề, những mong việc dạy học sẽ hiệu quả hơn, nhân văn, nhân ái hơn... – Ông Huyên chợt ngưng lại, rồi nói –. Nhưng vấn đề là lúc này, chỉ giữa chúng mình! Lúc này, chứ không phải ba mươi năm trước nữa! Chúng ta đang sống ở giây phút này, ở đây!
- Vâng, em cũng đã nói rồi. Ở tuổi năm mươi, em làm sao dám phiêu bồng. Chồng con, đã đâu vào đấy từ quá lâu rồi... Em đã là bà ngoại rồi, thầy không nhớ sao. Và chính thầy, gia đình riêng của thầy cũng thế, mặc dù thầy chưa có đứa cháu nào...
Bà Cúc Trắng đã bước lên bậc thềm để đến chỗ hai người đang ngồi. Thế là hết! Còn có thể cứu vãn gì nữa đâu. Ông Huyên cũng nhận ra một thoáng xốc nổi ông mới trải qua, và hơn bao giờ hết, ông biết ở tuổi năm mươi bảy, gia thất đã ổn định, ông không có quyền xốc nổi như thế nữa.
- Đã đến giờ chúng ta phải chia tay rồi đó! – Bà Cúc Trắng mỉm cười, bình thản nói –.
Tiếng người quản lí và hướng dẫn đoàn du lịch TP.HCM. – Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang đã vang lên trong loa phóng thanh, nhắc các thành viên về trả phòng, lấy hành lí và ra chỗ đỗ xe. Cả ba người đứng dậy, cùng một số du khách ở các bàn khác, bước đi trên lối lát đá để về lại dãy phòng khách sạn.
Trên đường ra tiền sảnh, phía trước là sân đỗ xe, ông Huyên chỉ biết nói với bà Hồng Vàng một câu cuối cùng trong cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này:
- Hồng Vàng là một người mà chồng con, gia tộc mãi mãi tin cậy và tự hào.
- Em cũng còn nhớ thầy đã nói với em thuở đó, thầy rất quý trọng những người đã cưới vợ vì chữ hiếu đối với mẹ của mình, chứ không phải vì tình yêu, hạnh phúc của chính mình. – Bà Hồng Vàng nói với giọng kìm nén nỗi nghẹn ngào, cố giữ vẻ bình thản –. Xét cho cùng, chúng mình đều là con người của bổn phận, trách nhiệm, hết cha mẹ rồi lại đến chồng con hay vợ con, cả cháu chắt nữa... Trên đời, thật hạnh phúc là ai được toàn vẹn cả tình yêu đương, sự nghiệp lẫn nghĩa vụ với các mối quan hệ thâm thiết kia... Và dẫu sao... Thật là chúng mình cũng đều đã quá muộn rồi.
Người tốt sẽ được lòng tất cả, và có thêm sự nghiệp, càng xứng đáng được quý trọng chăng? Trong thực tế xã hội, không phải người có đức có tài đều được như vậy! Ông Huyên không để hai câu nói có dấu hỏi và dấu cảm thán bật ra thành tiếng. Ông đưa hai người bạn lên xe. Chờ xe chạy khuất, ông buồn bã nhưng thanh thản bước về phòng mình, và quyết định tách khỏi đoàn du lịch ông đã trả tiền trọn suất, để một mình quay lại nhà, ở TP.HCM..
Lấy hành lí ra khỏi phòng xong, ông đứng nhìn lại hai khung cửa kính, thấy cơ chừng vẫn còn đó hai bức tranh “Hồng Vàng, Cúc Trắng...” và “Nạn nhân của bọn khoái trá...”.
Sau đó ít ngày, ông Huyên vẫn còn tự hỏi, chẳng hiểu vì đâu ông lại có những phút giây xốc nổi, bồng bột với cảm xúc mãnh liệt, thiết tha như thế? Phải chăng là bởi Hồng Vàng hai mươi và Hồng Vàng năm mươi vẫn chỉ là một, Huyên hai mươi bảy và Huyên năm mươi bảy cũng chỉ là một? Những phút giây ấy chỉ là hồi quang của tuổi trẻ chính mình?.
 

3. Trước mặt mình, khi định viết nốt những dòng chữ cuối truyện, vẫn là hai bức tranh ấy. Mình đành thầm thì: “Thôi, các nhân vật của tôi ơi, hãy lại là bông hồng vàng, bông cúc trắng, hãy lại là hình tượng nạn nhân không hiện diện trong tranh”. Và sau đó, mình mở ra trang viết này, tiếp tục gõ phím.
Trần Xuân An 
Theo http://www.tranxuanan-writer.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh 11 Tháng Mười, 2022 Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chấ...