Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Dây trầu bà

Dây trầu bà

"Tình yêu như trái phá con tim mù lòa..."
(TCS)

Khánh Ly - Tình Sầu - Trịnh Công Sơn

Đáng lẽ tôi không nên trích câu này vô đây vì nghe hết sức văn chương mà còn buồn quá đỗi. Nhưng lẩm rẩm, ngẫm nghĩ mà coi, (như mấy bà già trầu bỏm bẻm nhai, nhai miết cho "đã" cơn thèm, cho trầu cay, cau chát, vôi nồng chỉ còn là nước cốt đỏ tươi), thì mới thấy khi yêu ai, khi thương ai..., con tim không những mù lòa, mà trí óc cũng mù... tịt luôn!!!

Hồi xưa, những trưa Sài Gòn đi học nhóm, hổng hiểu mắc chứng gì, trước khi về nhà, tôi với mấy đứa bạn hay lang thang qua những con đường vắng, là nơi đầy những khu biệt thự, vi-la sang trọng, đẹp cứ như trong những hình chụp "Carte Postal"... ở bên Tây gởi về. Nhà nào cũng có hàng rào dâm bụt, hoặc tường vi, tóc tiên... (đúng điệu kín cổng cao tường).
Chúng tôi hay "chọn" cho mình, đôi khi "giành giật" những "ngôi nhà mơ ước" (vì thực tế sức gì mà "có" cho nổi!!!). Và nhà của tôi là ngôi nhà có bức tường phủ kín bởi những dây trầu bà xanh mướt (lá trầu bà này to bản hơn trầu bà thường, bởi vậy có đứa gọi tếu là "trầu ông", vì đàn ông thường vốn "đô con" hơn đàn bà mà?!?!).
Cho đến lúc này, tôi vẫn còn nhớ như in nhà của tôi ấy: xanh mướt mượt những lá, những cành, những cây, những dây leo, những cây cỏ kiểng, những cánh bèo xinh trong cái hồ bé tẹo. Hình như chả có hoa thì phải, hay là khi tôi đi ngang qua không đúng mùa hoa nở? Hay là chủ nhân chả ham nhiều "sắc mầu" làm nhiễu loạn cả mắt nhìn đờ đẫn?
Tôi cũng có khoe với "ông bồ" về nhà của tôi và bức tường phủ đầy dây trầu bà xanh ngan ngát. Ai dè chàng của tôi tái mặt nhìn tôi như sờ sợ... sững sờ. (Thì ra, chàng ghét cay ghét đắng cái thứ cây chùm gởi ăn hại ấy lắm): "Cô nương ơi, cô có biết là một ngày nào đó, bức tường sẽ xụm bà chè vì cái đám dây leo quỷ quái ấy không. Nó cứ như là ma cà rồng hút hết nhựa sống của thân cây mà nó bám vào, còn bức tường này nó cũng đã ăn mòn hết vôi vữa còn trơ gạch đỏ đang bị mòn dần kìa cô nương thấy hôn???". Tôi gân cổ lên: "Ư... Ư... Chỗ nào đâu???. Eo ơi, đừng có nhát ma em nhen !!!"  
Sau đó, tôi và người của "mối tình đầu tiên" ca bài của Lam Phương (đã bị "nhái" lời tơi tả):
"Em/ Anh ơi, nếu mộng không thành thì sao
Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời..."
Nói cà rởn (cho thêm buồn) chứ đâu có ai "uống" cái gì đâu nà. Chàng thì "dẫn thân đem bỏ chiến trường như không". Nàng "làm dâu nhà người". Sợi tơ hồng của tình tôi đã không cột được chân chàng. Sợi dây neo của chàng đã không "buông đậu" bến bờ tôi. Nên cũng chả ai biết bến này là bến đục hay trong. Chỉ có một nỗi xung khắc nhỏ nhít (không đáng để phải hàn gắn vì dám chắc chàng đã quên béng từ khuya rồi) là cái đám dây trầu bà và bức tường sẽ bị... hư hao!!! (Có thật không vậy???)
Dòng sông thời gian vẫn thản nhiên trôi. Nhiều khi hối hả cuống cuồng. Nhiều khi lặng lờ tù đọng. Nhưng dù nhanh hay chậm, tóc vẫn phai màu dần, mắt sẽ mờ hơn sau làn kính lão... Tuổi trẻ và sự sung mãn bỏ ta mà đi không bao giờ "hồi đầu thị ngạn"!!!
Tôi đến Mỹ đã trên 20 năm rồi. Tuổi thanh xuân, tình yêu và những mộng mơ một thời hoa lá cành gởi lại hết cho một phương trời xa thẳm. Chỉ còn lại đây chặng cuối cuộc đời ở miền đất mà tôi những tưởng rằng đã ôm được hết  những gì khát khao, mong ước: tự do và hạnh phúc đầy tay.
Thì tôi đang có tự do và hạnh phúc đây thôi. Có thể bắt đầu từ cái ngày ông bồ già ngoéo tay tôi trước mặt bà tòa cương quyết nói "Ai đu" (I do) tôi cũng "Đu" theo (sau một thời gian "già nhân ngãi non vợ chồng" hai năm có lẻ mấy tháng...).
Ổng nhỏ hơn tôi 6 tuổi (nửa con giáp lận đó) nên ổng cố tình để râu... "dê" cho có vẻ... già!. Về phần tôi (sao mắc cở cái miệng quá) nên đố có gọi ổng bằng anh một cách ngon lành như vợ chồng người ta. Chỉ gọi tên hoặc "cưng" cho nó... mùi, cho đúng câu ca đã được... chế biến: "Gừng càng già càng cay, tình càng già càng mùi... rệu". (Nói nào ngay, hổng "rệu" thì chưa có già dẫu đâu nha!!!).
Ổng có vẻ mặc cảm "đậm lắm" sau rất nhiều những mối tình chết yểu. Ổng cứ bị ám ảnh miết là ông "vô duyên", là "cù lần", là "gà mái"... (Da dẻ ổng trắng xanh, ngón tay dài thon thả như phụ nữ, đã vậy còn làm nghề "Neo" (Nails) đắt khách vì món vẽ độc đáo, trang nhã, sáng tạo... Giọng nói của ổng nhỏ nhẹ, hiền hòa, lúc nào cũng như cam chịu, rất sợ lời to, tiếng quát...).
Ổng tưởng ổng đã chết ngắc rồi khi bà vợ mà ổng hết mực tôn thờ bỗng "nằng nặc" đòi ly dị dù đã có hai mặt con (một trai, một gái) khôi ngô, tuấn tú, đẹp xinh như tiên đồng, ngọc nữ. Đã ít  nói ổng càng như người câm. Đã trắng xanh ổng càng xanh như tàu lá. Nhìn ổng lúc đó (tôi là khách hàng làm "móng" của tiệm ổng mờ), mới thấm thía sâu xa hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:
"Người đi, một nửa hồn tôi chết
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ".
Thiệt vậy đó. Ổng dại dại. Ổng khờ khờ. Ổng chết đứ đừ đừ. Và tôi đã "rinh" cái người chỉ còn một nửa hay một góc tư, góc năm đó vô trái tim tôi cũng choáng váng, rung rinh không ngớt vì bể dâu tình ái, ái tình.
"Đồng bệnh tương lân" mà. Chỉ khác một điều là ông chồng trước của tôi mê con đầm, chuồn, xì, ách hơn thương vợ, thương con. Nên với những tờ giấy chứng thương liên tục, tôi cương quyết phải thoát "nợ đời".. Và người đi, thì một nửa hồn này hồi sinh, một nửa hồn kia được tái thế. Tôi nhìn thấy tôi nguyên vẹn, lành trơn sau bao năm bị trọng thương trên "võ đài chồng vợ" trăm đắng ngàn cay!!!
Ai cũng nói ông chồng mới và tôi "khác" nhau chan chát như nước với lửa, như đêm với ngày, như trắng với đen. Tôi cũng tự hỏi tôi hoài hủy là sao ổng thương tôi cho "dzô"???. Một người đàn bà hổng mê làm những chuyện của đàn bà: nấu nướng, đảm đang quán xuyến nhà cửa, thu vén gia đình. Hổng dám đâu. Tui đã cố gắng học "làm móng" từ hồi Việt Nam lận chứ bộ (vì biết nghề này mau "phất" lắm), nhưng khi đang học cắt da bỗng cắt "phạm" cho một đứa bạn (đưa tay ra cho mình thực tập "chùa"), nhìn máu nó đỏ loang miếng bông gòn trắng nõn, tôi xây xẩm muốn xỉu. Tui cũng từng tập vặt lông, cắt cổ gà nấu cỗ, cắt cổ vịt đặng "hãm" tiết canh, học đánh vẩy cá lóc, khứa ra để nấu canh chua, hoặc kho tiêu... Eo ơi, nhìn thấy chúng nó dãy dụa, hoặc kêu lên đau đớn, tôi cứ ứa nước mắt ra và thế là chắp tay xin chừa. Tôi không thể, không đành nhẫn tâm gây ra sự đau đớn cho bất cứ con gì, cho bất cứ ai dù bị kết án là đàn bà "hậu đậu", là không "công dung ngôn hạnh" gì ráo trọi ráo trơn!!!
Thôi thì, tôi cứ hùng hục làm công nhân hãng xưởng, lương ba cọc ba đồng (hổng có tiền "tê" (tip) khẳm như ngành tóc, ngành móng, nhà hàng...). Dù làm ca đêm xơ xác như người bài bạc "... cái đầu xù xụ, con mắt trỏm lơ, hình đi thất thơ, như con chó đói, chân đi cà khói..." (Vè đánh bạc), miễn có cái Health Insurance phòng khi bất trắc ốm đau. 
Thôi thì, tôi cứ tha hồ tấn công mì gói, cháo gói, phở gói, hủ tíu Nam Vang gói, miến gói, bún riêu gói, bánh ướt gói... cứ đổ nước sôi vào chờ chín là ăn liền. Nhiều khi ăn xong quăng luôn cái tô xốp, cái chén nhựa một cái vèo, khỏi mất thì giờ rửa ráy. (Gớm khiếp, ôi cái thứ đàn bà như tôi, đúng là dành để câu sấu!!!).
Vậy mà ông này, con mắt bịt bạc hay sao mà hổng thấy cái "gớm ghiếc" của tôi nhỉ. Có thể bạn sẽ bảo chắc là nhờ "nhan sắc" tôi chim sa cá lặn, đồi núi phì nhiêu. Nếu không thì chắc cũng của chìm của nổi đầy đống. Bởi vậy, biết rõ tôi thì càng thấy ông này "tửng tửng" chi đây. Hai năm dư nhen bạn, trong hai năm đó, hổng lẽ ổng hổng nhìn thấy đại lộ, tiểu lộ trên "mặt hoa da cóc" của tui. Hổng lẽ ổng hổng nhìn thấy những chỗ "lồi lõm" không đúng chỗ của cơ thể tôi. Và hổng lẽ ổng hổng biết đồng lương của tôi bao nhiêu. Rành sáu câu lận nhen. Ôi. Chồng ơi là chồng. Sao ông làm cho tui thắc mắc gớm ghê khi cứ "bê" tui về làm người "trăm năm" dù đâu có thiếu mấy bà, mấy cô thương thầm nhớ trộm về ông, mà ông giả bộ như không hay, từ khi người đầu ấp tay gối "dửng dưng" bỏ ông mà đi theo tiếng gọi "ái tình"...
Có phải vì cái lần ông buồn, ông say khướt, ông trúng gió tưởng đã "chầu tiên tổ", may mà có tôi trờ tới đúng lúc, sau năm lần bảy lượt nghe phôn reo mà hổng có tiếng ông trả lời. Có phải vì tôi đã không nề hà cái đống ói mửa tởm lợm, vực ông lên giường, tận tình lau chùi, thay áo thay quần (ráng trân mình chịu cái đỏ mặt tía tai khi "của quý" của ổng lồ lộ tô hô) rồi dùng dầu cù là cạo gió, xoa bóp cho ông nóng người lên, đắp mền cho ông sau khi ép ông uống hết một ly nước trà cảm "bí truyền" đặng đổ môi hôi độc ra. Rồi tôi gượng nhẹ lau chùi mồ hôi xú uế đó để ông thiu thiu ngủ, sau đó đút cháo trắng với thiệt nhiều hành lá nêm nếm vừa miệng cho ông, như một bà mẹ mớm cho đứa con ốm yếu, nên ông bèn "mang ơn cứu tử" của tui???. Thiệt là kỳ. Hổng lẽ chỉ có mỗi một "chuyện nhỏ" đó mà ông "coi nặng nghìn cân" vậy sao??? Hay là những lần sau đó nữa, mỗi khi không thấy ông bắt phôn, là tôi lại hiện ra như trong chuyện đời xưa để "giải cứu" cho "tấm thân bồ tượng" được hồi sinh, lại đứng vững với đời???. Hình như ông tin là tôi biết được khi nào ông lâm nạn mà "đằng vân giá võ" phi thân thần tốc trên con ngựa sắt bốn bánh để cứu độ ngay người cô đơn đang trong cơn "phải gió" vậy???. Hình như ông tin là chúng tôi có "duyên nợ... cháo hành" với nhau chăng???
Tôi đến với ông ấy hết lòng, như một người mẹ, một người chị, một người bạn, vì tình người "một ngày là nghĩa, chuyến đò nên quen", không hề có một ý tưởng dù mảy may là sẽ ràng buộc ông, dụ hoặc ông sa vào bẫy sập "vợ chồng" mà cả hai đã quá thừa kinh nghiệm quắt quay. Tôi đến với ông vì bị hấp lực mạnh mẽ từ tấm lòng độ lượng, bao dung của một người đàn ông mà ông chồng trước của tôi không hề có và tính tình hiền hòa làm tôi được lây lan, êm ả. Ông lại còn làm cho tôi vừa "nể" (vừa tự mắc cỡ mình ên) là ông nấu ăn ngon ơi là ngon. Ông bảo ông thích nấu nướng, thích nhìn người khác thưởng thức món mà mình lui cui "cà ràng ông táo". Và ông vui lắm, mắt như có ánh lửa bừng lên khi thấy tôi "ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo" mấy món ăn rất rất quê nhà như canh chua, cá kho, bún riêu ... "tuyệt cú mèo" của ông. Trời, ông đâu có biết là tôi "phởn" hơn ông gấp mấy vạn lần vì bao tử tôi no, vì tim tôi rộn rã, vì mắt tôi vừa nhìn thấy được một bóng hình tưởng chỉ có trong mơ!.
Cháy đi hoa lãnh cảm
Cháy đi quả trái mùa
Cháy đi đời thảm đạm
Ích gì một cơn mưa
(HÀ HUYỀN CHI)

Và hậu quả của cái chuyện "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" (dù rơm nào cũng ướt nhẹp vì mưa ngoài trời, mưa trong lòng) là chúng tôi lại đâm đầu vào cái chuyện vợ chồng như một nghiệp dĩ, như một định phận dù ai cũng có kinh nghiệm sần mình, sần mẩy về nó, tái tê rướm máu vì nó. 

Tôi thì khỏi nói rồi. Mau quên quá khứ. Muốn ổn định và rất thèm thuồng được có người yêu thương mình hơn là yêu ly rượu, mê cuộc đỏ đen. Tôi mong có một mái ấm, có bờ vai để khóc cho đã thèm những khi bị "đời" hành đến thất điên bát đảo (bị "trù dập" ở chỗ làm đó mà). Còn ổng dĩ nhiên cũng mong có một người để mở rộng vòng tay... "hiệp sĩ" và chia bếp lửa lúc đông về... Ổng vốn con mồ côi nên rất sợ những tháng ngày long tong lả tả từ tuổi thiếu niên, và đến lúc về già thì lại càng hãi hùng nếu không có nơi để yên ổn ngả lưng. Ông không tiêu xài hoang phí, siêng năng làm lụng, thương vợ, thương con. Hết lòng một mực vì gia đình. Chỉ có điều là ông không có cái vẻ lịch lãm, không ham chui vào mấy chỗ tiệc tùng, không khoe khoang sự thành đạt (có nhà, có tiệm, có xe, có một ít rủng rỉnh trong ngân hàng phòng khi hữu sự). Chị vợ cũ thì không thế. Vốn đẹp đẽ, xinh xắn, con nhà danh gia vọng tộc quá khứ, ẩn nhẫn chờ thời để khi có cơ hội là lại muốn trở về với thế giới xa hoa... Ông chồng biết sự bạc lòng của vợ, nhưng muốn "trong ấm ngoài êm" nhắm mắt cho vợ đi ngang về tắt. Miễn là các con có mẹ, có cha chung sống một nhà .. Nhưng rồi... Với sự lạnh băng của chồng, chị "dứt áo ra đi" mang theo hai con hầu moi tiền Child Support hàng tháng, và quơ một nửa gia tài công lao hãn mã của riêng ông .. Ông khổ nhưng cắn răng. Ông buồn nhưng không hề hở môi than. Và ông tìm quên trong men rượu một mình. Đấy là lý do vì sao tôi phải "có mặt" cùng ông vì biết đâu thần lưu linh bắt cóc ổng về bên kia thế giới một cách... lãng òm!!!
Tánh tình tôi cũng "cà chớn" thiệt. Từ nhỏ lận: có bệnh mau "chán" lắm. Trời ơi. Khi tôi chán rồi, cái áo đắt tiền, đôi giày đắc ý cũng quăng, không thôi bỏ xó. Đã thế còn cái tật đểnh đoảng vô tâm. Bởi vậy tuy đã "bò ngũ" (mém mém "bò lục" rồi), chứ dáng vẻ vẫn còn "ngon": Mặt lúc nào cũng tươi vui hớn hở, và chưa thấy người đã nghe tiếng cười ròn tan, vang vọng. Nhờ vậy mà "ca đêm" đỡ "hành hạ" chết người và tôi vẫn còn được xếp hàng trong giới "trẻ trung" (đố ai biết tuổi "lụ khụ" của tôi nhen, để chi chứ hả???). Tôi thích đọc, thích nghe, thích kể những chuyện cười, chuyện vui, và những kết thúc có hậu. Coi phim nào mà buồn, tôi thút thít khóc như em bé, mếu xệch như mình là nhân vật bất hạnh trong phim. Vậy chứ sau đó có chuyện gì vui là tôi lại cười ròn rã được ngay.
Ông xã (tôi không muốn thêm vô chữ xệ, vì nếu ổng xệ thiệt thì khốn, tôi không thể thò tay vô để kéo lên giùm ổng được đâu nhen!!!) cũng lây cái "liến khỉ", cái "liến láu" trời cho của tôi. Nên "ngôi nhà mà không có cưng thì âm u như đêm không trăng sao, tối mù". Hổng biết ổng nói thiệt hay "nịnh bợ" tôi đây nữa. Chứ riêng tôi, tôi thấy mình nồng nàn thiệt, hâm nóng lại cái thân xác lạnh căm của ổng đang sắp sửa .. xìu lơ và đã làm bừng nở lại được nụ cười của ổng... đi vắng đã quá lâu ngày!!!
Ổng biết tính tôi hay "chán" vì tôi cứ kêu ầm lên là "chán... chán..." hết sức rõ ràng. Nên tội nghiệp lắm. Hễ cái gì tôi chán rồi, ổng cũng ráng chán theo. Thương ổng quá, tôi phải xì tốp cái tánh chán này lại vì không nỡ "hành" một người có cái tính dễ bị tổn thương, âm ỉ đau buồn vô ích. (Sao thế nhỉ, sao ổng không "mặc kệ" tôi đi, hơi đâu mà để ý ba cái tiểu tiết này: y phục, thực phẩm hoặc chuyện "chăn gối". Tôi chán ăn món này, tôi chán mặc cái áo kia, tôi chán cái chuyện những tối weekend ông làm như phải "trả nợ" cho tôi vì sợ tôi thiếu thốn, thèm khát thì cũng là chuyện vặt vãnh thôi mà, sao mặt mũi ông cứ dàu dàu cứ như là chuyện "quốc gia đại sự" vậy???)
Tôi vẫn yêu ông. Vẫn nể ông. Người "hiệp sĩ" bằng xương bằng thịt đã dâng tặng cho tôi hạnh phúc địa đàng sau những ngày khổ sở trầm luân. Khi sống chung với nhau rồi tôi càng biết cái tình ông nó dài rộng đến cỡ nào, thắm thiết đến bao nhiêu. Tôi càng thấy "tình chồng nghĩa vợ" nó có hương vị và sắc màu cụ thể mà không thể văn thơ nào có thể miêu tả nổi. Và cái anh chàng mồ côi mồ cút hồi xưa, không được dịp ăn học đến nơi đến chốn đó, vậy chớ có cái tâm trời bể vô cùng, và kinh nghiệm cuộc đời lăn lóc, bầm dập đã cho ông có cái nhìn nhân ái sâu sắc biết bao. (Hơn cả tôi đã từng tốt nghiệp cấp bằng "học đại" nhiều). Đúng là: "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu" (Ca dao)!
Với tôi, có thể ông không thuộc dạng người tình hào hoa phong nhã, nhưng dứt khoát là mẫu người chồng hết sức tuyệt vời!!! Không phải tuyệt vời vì ông cung phụng cho tôi những món ăn ngon tự tay nấu nướng đâu. Cũng không phải vì ông chăm sóc hết mọi chuyện nhà chuyện cửa, chuyện trả bills. Không phải vì ổng cứ để tôi thích làm cái gì thì cứ tự do và nói thật hết với ông là đủ nữa. Cái điều mà tôi hãnh diện nhất (và cũng nhói cả tim luôn) là ông yêu tôi, thương tôi, quý tôi hơn chính bản thân mình. Trời ơi, đất ơi, tôi là ai, là cái con mẹ nhà quê, già nua, xấu xí, hậu đậu thấy mồ thấy tổ mà lại được một người đàn ông trân trọng hơn chính bản thân họ. Sao ác liệt vậy trời???.

Tôi mê những kết thúc vui, những kết cuộc mà Chàng với Nàng sống với nhau đến răng long đầu bạc. (Ở thời đại văn minh, khoa học tiến bộ này răng long đầu bạc coi vậy mà lâu lắm à nhen: vì răng long thì trồng răng giả, tóc bạc thì nhuộm đi nhuộm lại, mấy hồi).

Vậy chớ đời tôi, phần số tôi thì không có hậu bao giờ sao???. Vì một đêm, khi tôi gọi điện thoại cho ông chồng của tôi giờ nghỉ giải lao, như thường lệ. Không có ai bắt phôn. Tôi linh cảm chắc có chuyện chẳng lành, nên xin về gấp. Ổng nằm ngã gục xuống thảm từ lúc nào. Tay chân lạnh ngắt. Mạch đập rất yếu. Tôi vạch mí mắt ông ra thì như có đọng máu vậy. Tôi gọi xe cứu thương mà lâm râm cầu nguyện, vừa xoa bóp hai bàn tay, bàn chân giá ngắt của ổng, nước mắt nước mũi lả chả, chàm ngoàm. "Anh ơi, anh ơi, đừng bỏ em nhen" (Lần đầu tiên tôi nghe tôi gọi anh xưng em ngọt xớt với người bạn đời, trẻ hơn tôi nửa con giáp, mà không một chút ngượng ngùng) ..
Ổng hôn mê trên giường bệnh suốt một đêm, thỉnh thoảng co giật như động kinh. Tôi đoán chắc ổng bị stroke rồi. Nhưng khi bác sĩ nói riêng với tôi ở văn phòng thì tôi mới chết điếng trong lòng và rủa thầm là sao ổng "ngu" quá đỗi. (Vừa rủa vừa thương đứt ruột, đứt gan). Và hình ảnh dây trầu bà với bức tường vôi lở ngày xưa lại hiện về với giải đáp rõ ràng: Đúng là có những thứ dây leo ăn hại  một đời cổ thụ, làm xụm bà chè những bức tường tuổi tác !!! (Tôi là dây trầu bà nè, ông xã tôi là bức tường đang rệu rã nè. Tôi quấn quít lấy ổng. Ổng dâng hiến cả hồn lẫn xác cho tôi. Tôi đã hút hết sinh lực của người đàn ông thương vợ hơn cả thương thân mình, mà nào có hay !!!)
Thì ra ổng sợ tôi chán ổng vì những khi "yêu" tôi, ổng cứ thấy tôi tỉnh bơ bơ, không rên rỉ khoái cảm, hoặc biểu lộ sự sung sướng đê mê nên ổng bèn mua Viagra uống vô đặng dâng tặng tôi một sự bất ngờ thú vị nhân ngày sinh nhật của tôi. Ai dè, trái tim già nua của ổng không chịu nổi cái thứ thuốc kích dâm mắc dịch này, và vật ổng đến hôn mê. Từ bây giờ trở đi thị lực của ông sẽ yếu hẳn (có nghĩa là ông không thể tiếp tục hành nghề vẽ trên móng tay móng chân quí bà quý cô được nữa). Và phải tiết giảm tối đa cái chuyện "chăn gối" vì nếu không ông sẽ chết tốt có ngày...
Ôi tình yêu như trái phá, ôi tình dục như ác ma, và lý trí thì đui điếc mù lòa khi muốn làm thỏa mãn lòng tham ái ngu si.
Dòng sông mà tôi muốn nói
Con đường mà tôi muốn ca
Mặt trời mà tôi muốn gọi
Tất cả bỗng nhiên khóc òa...
(VÕ TRƯỜNG SƠN)
Tháng 12/2005
Theo http://members.tripod.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...