Tiếng thơ ngân dưới ánh trăng thanh
Thơ và trăng, trăng và thơ xưa nay vốn có mối quan hệ mật thiết.
Ánh trăng sáng ngời như dải lụa vàng óng ả buông xuống nhân gian, là nguồn cảm
hứng bất tận để các nhà thơ lưu lại cảm xúc của mình bằng những thi phẩm thăng hoa,
làm đẹp tâm hồn con người, khiến cho con người thêm yêu cuộc sống, yêu quê
hương, đất nước.
Đêm thơ - nhạc “Trăng Tháp Nhạn” vừa diễn ra tại Di tích kiến
trúc quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) đã thu hút đông đảo bạn yêu thơ,
người dân TP Tuy Hòa và du khách. Dưới ánh trăng rằm, bên tháp Nhạn cổ kính,
linh thiêng, nhiều bài thơ hay được các giọng ngâm truyền cảm thể hiện khiến
cho người nghe say đắm.
Dặt dìu lời thơ, tiếng nhạc
Có lẽ trong thi ca Phú Yên, tháp Nhạn từ lâu đã tạo nên một
không gian thơ màu mỡ, nuôi dưỡng cả địa đàng thơ Phú Yên suốt bao mùa Nguyên
tiêu, làm nên một huyền thoại về không gian thơ đi vào tâm hồn bao thi sĩ và
người yêu thơ. Cảm xúc về những đêm thơ Tháp Nhạn đã được giọng ngâm Đăng Quang
cất vang: Cả người làm thơ, người yêu thơ đều phải vượt tầm cao/ Từ bốn
phương trời tụ về bên tháp cổ/ Vầng trăng xuân chưa bao giờ tròn sáng thế/ Sông
Đà Rằng dào dạt giọng ngâm thơ... Tháp cổ uy nghi sừng sững giữa trời/ Như ngọc
quý ngàn năm còn sáng mãi/ Như ước mơ muôn đời luôn vẫy gọi/ Khi những vương
triều quyền uy đã tan vào mây khói thời gian... (Thơ từ Nhạn Tháp của Nguyễn
Gia Nùng).
Không chỉ đưa người nghe đến với vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc của
ngọn tháp, giọng ngâm Đăng Quang còn đem đến cho người nghe lâng lâng bao cảm
xúc của một lãng nhân dừng chân bên tháp Nhạn qua những vần thơ trong bài Viết
từ đỉnh Nhạn của Phan Hoàng: Đã bao năm rồi/ Có người khách thơ giang
hồ không ai rõ mặt/ ung dung chân núi đa tình uống rượu đợi trăng... Đã bao năm
rồi/ có những con gái con trai nương gió trong cây trong tháp/ đợi thơ bắc cầu...
tháp lửa rêu phong/ nơi cánh nhạn luôn hiện về rợp nắng/ và gió Nguyên tiêu thổi
mãi không ngừng...
Đối với Đoản khúc tháng 5 của tác giả Huỳnh Duy Hiếu,
giọng ngâm Ngọc Hà lại mang đến cho người nghe luồng không khí mát mẻ, tươi tắn
của tháng năm - một trong những tháng đẹp nhất. Đẹp vì trời xanh hơn với bềnh bồng
mây trắng, biển êm hơn với tiếng sóng rì rào và nụ cười cũng tươi hơn giữa ngày
nắng lên: Bây giờ nắng đã trong hơn/ Lá tươi non cũng xanh rờn phố quen/
Vườn xưa quán cũ lên đèn/ Tháng năm dạ khúc khẽ khàng nhẹ rơi... Thèm nghe biển
hát ru tình/ Theo em cùng đón bình minh gió đầy/ Môi cười khép kín lâu nay/
Tháng năm hé nụ vui ngày nắng lên...
Hay trong Bâng khuâng gọi Tuy Hòa của tác giả Nguyễn
Duy Tẩm, hình ảnh đẹp như tranh vẽ của miền quê Phú Yên được khắc họa qua từng
dòng thơ:.. Quê tôi bên đèo Cả/ Vách núi dựa lưng trời/ Ngựa phi triền Cổ
Mã/ Vũng Rô lắng mây trôi/ Quê tôi dòng sông rộng/ Bao nhịp cầu bắc ngang/
Chiêm xuân đồng thả mộng/ Liềm trăng gặt ánh vàng...
Cùng với Đăng Quang, Ngọc Hà, đêm thơ nhạc còn có sự góp mặt
của giọng ngâm quen thuộc Bích Trâm qua những Huyền thoại đá Phú Yên của
Bùi Văn Thành, Thành phố trẻ của Hoàng Cường và Nghe bài chòi ở
biển của Đặng Văn Thơm.
Bên cạnh đó các tiết mục: hòa tấu đàn đá; trống đôi, cồng ba,
chiêng năm; hát dân ca, bài chòi; hát giao duyên; biểu diễn trích đoạn tuồng cổ…;
nhạc và thơ quyện hòa vào nhau níu chân du khách.
Hòa vào lòng người
Đêm thơ - nhạc “Trăng Tháp Nhạn” giống như là nơi để những
người yêu thơ, những tri kỷ gặp nhau. Giọng ngâm Ngọc Hà, hội viên Chi hội Âm
nhạc (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), bày tỏ: “Vì dịch COVID-19 mà Hội thơ Nguyên
tiêu 2020 không thể tổ chức làm cho những người yêu thi ca da diết nhớ tiếng
thơ ngân dưới chân tháp cổ. Vậy nên, lần này đêm thơ được tổ chức lại khiến những
người làm thơ, yêu thơ từ xa đến gần ai cũng phấn chấn. Đêm thơ tổ chức vào
ngày rằm trên tháp Nhạn đã trở thành “đặc sản” riêng của Phú Yên nên rất cần được
duy trì”.
Cứ mỗi khi nghệ sĩ biểu diễn xong một tác phẩm, những tràng vỗ
tay lại vang lên một cách thật tâm và nhiệt thành. Những vần thơ đã thật sự chạm
vào trái tim và tâm hồn của người thưởng thức. “Lần đầu tiên, tôi đi du lịch
Phú Yên. Khi được đến Tháp Nhạn nghe thơ - nhạc, tôi cảm nhận nơi đây đích thực
là một không gian để đọc thơ, ngâm thơ và nghe thơ rất lý tưởng. Du khách cũng
có thể ngắm trăng, ngắm núi, ngắm sông… Thật tuyệt vời”, ông Nguyễn Ngọc Thanh,
du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ.
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: Đây là hoạt
động nhằm phát triển mạnh mẽ phong trào thơ ca trên địa bàn tỉnh, góp phần tổ
chức tốt Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên hàng năm; tạo sân chơi lành mạnh
cho những người yêu thơ; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân địa
phương và du khách. Đồng thời góp phần phát huy giá trị Di tích kiến trúc nghệ
thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn thành một điểm du lịch hấp dẫn và thân thiện.
11/6/2020
Thiên Lý
Theo http://www.baophuyen.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét