Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Nghĩ thêm về những biến hóa siêu tự nhiên của Tấm

Nghĩ thêm về những biến hóa 
siêu tự nhiên của Tấm

Trong số những truyện cổ tích Việt Nam hiếm có câu chuyện nào từng trải qua một đời sống lịch sử phong phú như Tấm Cám. Từ khi ra đời cho đến nay, tác phẩm đã “hóa thân” trên nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Cả chèo, cải lương, nhạc kịch cho đến thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, truyện ngắn hiện đại cũng đã hơn một lần chuyển thể thiên truyện cổ tích đặc sắc này. Là một trong những truyện cổ tích thần kì tiêu biểu, dĩ nhiên, Tấm Cám lôi cuốn bạn đọc xưa nay, nhất là các độc giả trẻ tuổi, qua những chi tiết biến hóa thần kỳ.
Những chi tiết biến hoá thần kỳ của câu chuyện thường xoay quanh/gắn liền với nhân vật trung tâm của tác phẩm: cô Tấm. Trong số những hình ảnh biến hóa kỳ ảo ấy, có thể nói những biến hóa siêu tự nhiên của chính nhân vật Tấm là hấp dẫn và giàu ý nghĩa hơn cả. Câu chuyện Tấm Cám từ lâu đã được đưa vào nhà trường, được kể ở tiểu học và hiện nay, đang là văn bản học chính của chương trình Ngữ văn lớp 10 - cả chương trình cơ bản và chương trình nâng cao. Hai chương trình này đều chú trọng đến việc khảo sát những biến hóa thần kỳ của Tấm thông qua những đề mục của bài học (chương trình cơ bản: Kết quả cần đạt -Hướng dẫn học bài -Ghi nhớ; chương trình nâng cao: Kết quả cần đạt - Hướng dẫn học bàiv - Bài tập nâng cao) . 
Nhằm đưa ra một cái nhìn đa dạng về tính chất dị bản của văn học dân gian nói chung, truyện cổ dân gian nói riêng, người biên soạn mỗi chương trình đã chọn một bản kể khác nhau về Tấm Cám. Nếu chương trình cơ bản chọn bản kể Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975 thì chương trình nâng cao lại cung cấp bản kể của Chu Xuân Diên - Lê Chí Quế, Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 1996. Hai bản kể này, nhìn chung, thống nhất về cốt truyện chỉ khác biệt về một số tiểu tiết ngôn ngữ. Riêng tình tiết sự biến hoá siêu tự nhiên của Tấm vẫn được giữ nguyên về số lượng, trình tự. Có thể tóm tắt như sau: Tấm trèo hái cau giỗ bố; cau bị đốn, Tấm ngã chết hóa thành vàng anh. Vàng anh bị bắt làm thịt, lông chim hóa ra xoan đào. Xoan đào bị chặt đóng thành khung cửi. Khung cửi bị đốt, tro hoá cây thị một quả. Từ quả thị, Tấm trở lại làm người…
Một điều chúng ta dễ nhận ra là những hình ảnh biến hoá kì ảo của Tấm phần lớn là những hình ảnh thuộc về tự nhiên( vàng anh, xoan đào, cây thị, quả thị). Ngay hình ảnh khung cửi vốn là hình ảnh nhân tạo cũng có nguồn gốc tự nhiên bởi mang chất liệu tự nhiên (xoan đào). Điều này bắt nguồn từ cảm thức thế giới của con người dân gian và trung đại nói chung, con người Việt Nam thời cổ nói riêng. Trong thời trung đại, nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất chủ yếu, do vậy, con người trung đại dựa vào tự nhiên, khai thác tự nhiên mà sống. Con người bấy giờ chưa nhìn tự nhiên như một khách thể mà thường có khuynh hướng đồng nhất giữa mình và tự nhiên, thấy mình trong tự nhiên, bắt đầu từ thân thể. Con người trung đại tin tưởng ở sự thống nhất của thế giới, nếu thế giới là đại vũ trụ thì con người sẽ là tiểu vũ trụ. Triết học cổ đại phương Đông đưa ra quan niệm “thiên địa vạn vật nhất thể” còn nhà nghiên cứu Liên Xô (cũ), M.M. Bakhtin thì lại tóm tắt bằng luận điểm “thân thể vũ trụ” từ việc phân tích hệ thống hình tượng kỳ quái (grotesques) trong nghệ thuật cổ đại và trung đại. Quan hệ giữa con người và tự nhiên trong Tấm Cám còn được thể hiện qua hai kiểu quan hệ cơ bản: quan hệ gắn bó, thân thiết (vàng anh-nhà vua, xoan đào-nhà vua, quả thị-bà lão) và quan hệ đối lập gay gắt (vàng anh-mẹ con Cám, khung cửi-mẹ con Cám). Phải chăng đây cũng chính là dấu vết của quan hệ “thiên nhân tương cảm”?
Quá trình biến hóa của Tấm xưa nay vẫn được nhìn nhận ở ý nghĩa chung nhất: “Thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của thiện thắng ác.” như sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 hiện nay nhận định. Các tác giả biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên còn lưu ý chúng ta về tính tích cực, chủ động của Tấm trong việc đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình. Những nhận định và lưu ý trên là hết sức chính xác. Tuy nhiên, khảo sát những biến hóa kỳ ảo của Tấm, chúng ta có thể nhận ra người xưa quả thật đã dự cảm sâu sắc về những thủ đoạn bất nhân ngày càng mạnh mẽ, nghiệt ngã của cái ác, đồng thời, như muốn khuyến cáo mỗi người chúng ta trước tiên hãy biết phát huy tận độ sức mạnh tinh thần của chính bản thân trong việc đấu tranh giành lấy sự sống và hạnh phúc. Có thể xem đây chính là nét chung của những câu chuyện cổ tích tiêu biểu trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam như Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Lấy vợ cóc…
Vậy thì đâu là nét riêng đặc sắc của truyện Tấm Cám nhìn từ góc độ những sự biến hoá siêu tự nhiên này? Chúng tôi cho rằng có thể vận dụng cái nhìn hệ thống mang tính quan niệm của thi pháp văn học dân gian nói chung, thi pháp truyện cổ tích thần kì nói riêng để tìm hiểu kỹ hơn về những hình ảnh biến hóa như vàng anh, xoan đào, khung cửi, quả thị. Hệ thống hình ảnh này nên đặt trong hai quan hệ. Một là, quan hệ giữa chúng và nhân vật trung tâm (Tấm). Hai là quan hệ giữa chúng với quan niệm của dân gian và trung đại về người phụ nữ. Tấm thuộc kiểu nhân vật phổ biến của truyện cổ tích thần kỳ - nhân vật mồ côi - như các nhân vật Thạch Sanh, Sọ Dừa ở những truyện cổ tích cùng tên, có điều ngay từ nhỏ Tấm không có cơ hội trở thành kiểu nhân vật dũng sĩ như Thạch Sanh hoặc kiểu người đội lốt vật như Sọ Dừa. Tấm chỉ là một cô gái thôn quê lam lũ, vì vậy, cô chỉ có một con đường duy nhất để khẳng định vị trí, giá trị của mình: trở thành một người phụ nữ mang những vẻ đẹp phù hợp với cái nhìn dân gian và trung đại. Ẩn chứa bên trong hệ thống hình ảnh những biến hóa siêu tự nhiên của Tấm, theo chúng tôi, lấp lánh những mong ước, khát vọng của con người dân gian và trung đại Việt Nam về một hình mẫu phụ nữ đẹp đẽ, lý tưởng. Vẻ đẹp truyền thống của một người phụ nữ theo quan niệm dân gian và trung đại phải là sự kết tinh hài hòa, nhuần nhuyễn từ vẻ đẹp của lời ăn tiếng nói (vàng anh - Oriolidae, họ chim có kích thước trung bình, màu sắc sặc sỡ, sống trên cây; có giọng hót hay - theo Bách khoa toàn thư Việt Nam - gợi liên tưởng đến giọng nói trong trẻo, thanh tao của người phụ nữ); vẻ đẹp của ngoại hình - trong Tấm Cám là vẻ đẹp của khuôn mặt (xoan đào - khuôn mặt trái xoan thường được xem là khuôn mặt đẹp theo cái nhìn dân gian và trung đại) và vẻ đẹp thân thể (quả thị - hương thơm tạo nên vẻ đẹp kín đáo, hấp dẫn của người con gái xưa nay. Xưa, người ta dùng hương hoa, chẳng hạn như ngọc lan, và túi thơm để tạo hương. Nay, phổ biến là những loại nước hoa đa dạng) cho đến vẻ đẹp của tâm hồn, đức hạnh. Hình ảnh khung cửi một thời gắn liền với người phụ nữ truyền thống hay lảm hay làm, chịu thương chịu khó quay tơ dệt vải nuôi chồng nuôi con: 
- Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ…
Vẻ đẹp ấy dường như cũng khá thống nhất với vẻ đẹp của người phụ nữ theo quan niệm Nho gia. Những nhà Nho bấy giờ cho rằng một người phụ nữ thực sự phải trọn vẹn tam tòng, tứ đức. Ngày nay, tam tòng dường như chẳng còn phù hợp song tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) vẫn đang là một trong những tiêu chí quan trọng về vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại. Vốn là một sáng tạo của quần chúng dân gian nhưng lại qua tay sưu tầm, biên soạn, nhuận sắc của những nhà Nho trung đại, vì vậy, trong các tình tiết, chi tiết của những tác phẩm văn học dân gian vẫn thường dung hòa cả hai cái nhìn dân gian và trung đại. Cái nhìn của dân gian và trung đại về vẻ đẹp của Tấm hiện nay vẫn còn sức sống trong xã hội hiện đại của chúng ta. Điều này lý giải vì sao cô Tấm ngày xưa còn đang tiếp tục hóa thân thành những cô Tấm ngày nay…

Phan Đình Dũng

Theo https://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...