Tìm hiểu thú thưởng thức âm nhạc
của người xưa qua truyện Kiều Người xưa, nhất là các bậc tài tử văn nhân (tương tự như tầng
lớp tri thức ngày nay) khi nghe nhạc, họ nghe nhạc đàn, hay nghe hát nhiều hơn?
Âm nhạc, theo sự hiểu của đại đa số quần chúng Việt Nam hiện
nay, chỉ có nghĩa là ca khúc. Và nhạc sĩ, cũng là những người viết ca khúc. Người
chỉ viết khí nhạc mà không viết ca khúc thì ở ta cũng chả ai biết là nhạc sĩ,
nghệ sĩ biểu diễn nhạc đàn dù tài giỏi như Đặng Thái Sơn cũng không thể có những
fan hâm mộ khắp đất nước như các “Sao” hát ca khúc quần chúng, ca khúc thị trường.
Ngày nay, nghe nhạc gần như đồng nghĩa với nghe ca khúc. Vậy người xưa, nhất là
các bậc tài tử văn nhân (tương tự như tầng lớp tri thức ngày nay) khi nghe nhạc,
họ nghe nhạc đàn, hay nghe hát nhiều hơn? để trả lời câu hỏi này tôi muốn chia
sẻ với các bạn một vài suy nghĩ về ‘Thú thưởng thức nhạc đàn của người xưa qua
Truyện Kiều” Tác phẩm văn học cổ điển đỉnh cao của Việt nam. Ôn cố, tri tân.
Âm nhạc có vị trí đặc biệt nổi bật trong truyện Kiều của Nguyễn
Du, (trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, tài làm thơ của Kiều được nhấn
mạnh hơn tài nhạc của nàng) nàng Kiều đa tài, đủ cả Cầm, Kỳ, Thi, Họa, Nhưng nổi
bật nhất vẫn là tài đàn (“Rằng nghe nổi tiếng cầm đài”). Cái tài này như một thứ
định mệnh, gắn chặt vào mỗi bước thăng trầm của cuộc đời nàng, đến nỗi Kiều còn
tự nhủ rằng tiếng đàn là nguyên nhân của sự đoạn trường của mình:
“Nàng rằng vì chút nghề chơi
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu”.
Ai đã đọc truyện Kiều, đều thấy rằng: âm nhạc trong truyện Kiều,
nghĩa là nhạc đàn, là khí nhạc. Vậy sao lại là khí nhạc chứ không phải là thanh
nhạc (hát). Và thanh nhạc và khí nhạc khác nhau ở chỗ nào? Và người Á Đông xưa
nay đã biết thưởng thức khí nhạc rồi hay sao?
Thanh nhạc là nhạc hát bằng giọng người, nếu ta coi giọng người
như một “nhạc cụ” đặc biệt thì ta thấy rõ những giới hạn thể hiện của nó về âm
vực, về tốc độ diễn tấu, giới hạn về âm sắc. Người ta thường nói: khi lời nói bất
lực thì âm nhạc vang lên, điểm cuối cùng của lời nói, là điểm bắt đầu của âm nhạc
(tất nhiên âm nhạc ở đây là khí nhạc). Vậy mà thanh nhạc lại thường lệ thuộc
vào lời ca, vào văn học. Chính vì sự giới hạn này. Các nhạc cụ được ra đời để
tiếp tục phát triển vượt biên cái mà giọng hát con người không thể làm được, và
người ta đã sáng tạo ra nhạc đàn (khí nhạc).
Ngay trong nghệ thuật thanh nhạc cũng có nhiều thể loại
chuyên nghiệp khó viết, khó diễn, khó thưởng thức nếu không có kiến thức tương
đối về âm nhạc như Opera, Hợp xướng, A cappella, Thanh xướng kịch v.v… Trong bài
viết này, chủ yếu tôi nói tới thể loại đơn giản, phổ cập nhất của thanh nhạc hiện
nay ở Việt Nam là ca khúc quần chúng (có người gọi là Ca khúc phổ thông), là sự
kết hợp của ngôn từ và giai điệu nhạc. Nếu tách riêng phần lời ca, thì nó chỉ
là Ca từ, chứ chưa thể là thơ (có những bài thơ được phổ nhạc, thì thường bài
thơ đã bị người phổ thêm thắt sửa chữa, cắt cúp cho nó đến lúc không còn là thơ
“xịn” nữa, để cho phù hợp với câu nhạc). Còn nếu tách riêng phần giai điệu, thì
nó cũng đơn giản, chưa được gọi là nhạc thuần túy, tấu lên không diễn tả được
gì nhiều, và ta vẫn thường gọi là nhạc bỏ lời. Chưa kể việc hầu hết nhạc sĩ của
ta chỉ viết có mỗi dòng giai điệu, không có khả năng viết phần đệm, dù là đơn
giản, cho chính ca khúc của mình. Đó là bằng chứng sự thiếu chuyên nghiệp của
âm nhạc Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, ca khúc quần chúng là thể loại nghệ thuật: thơ chưa
hẳn là thơ mà nhạc cũng chưa hẳn là nhạc (Á thơ, Á nhạc). Nhưng vì dễ viết, dễ
diễn, dễ hiểu, dễ tuyên truyền, nên sáng tác và hát ca khúc là điều hết sức phổ
biến, nhất là ở Việt Nam hiện nay.
Lý giải về việc đông đảo công chúng Việt Nam chỉ biết thưởng thức
Ca khúc quần chúng, một nhà nghiên cứu âm nhạc viết: “So với nền văn chương Việt
Nam, phẩm chất của nền âm nhạc Việt Nam rất thấp. Lý do hiển nhiên là vì từ người
viết văn đến độc giả, không nhiều thì ít, ai cũng được học văn chương từ bậc tiểu
học trở lên, cho nên chúng ta có những người viết và người đọc có trình độ. Còn
phần giáo dục âm nhạc thì quả là một sa mạc khủng khiếp. Muốn thưởng thức thơ
thì ít nhất phải biết đọc chữ, muốn thưởng thức nhạc thì ít nhất phải biết đọc
nhạc. Nếu người không biết đọc chữ, chỉ có thể thưởng thức bằng cách nghe thơ
vè bình dân, thì người không biết đọc nhạc cũng chỉ có thể nghe ca khúc phổ
thông là cùng”(trích bài “Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20” - Hoàng
Ngọc Tuấn).
Vậy cái thú thưởng thức khí nhạc nay đã bị thu hẹp dần dần ở
Việt Nam, kể cả trong tầng lớp tri thức, là một bước tiến hay là một bước lùi
dài của thẩm mỹ âm nhạc?
Người Á Đông xưa cho rằng, chơi đàn, nghe đàn (Cầm), là thú
vui đệ nhất trong bốn thú vui của các tài tử văn nhân. Cổ ngữ có câu: “Cầm, kỳ,
thi, họa” chứ không phải là “Ca, kỳ, thi, họa”. Tức là nghe đàn, chứ không phải
là nghe hát.
Để hiểu thêm âm nhạc trong truyện Kiều, chúng ta thử tìm hiểu
xem Kiều chơi đàn gì? để xác định điều này, hàng trăm năm nay, người Việt Nam
ta đã tốn bao nhiêu giấy mực.
Trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân (theo bản dịch Kim
Vân Kiều của Tô Nam – Nguyễn Đình Diệm. NXB Hải Phòng 1999) thì Kiều chỉ chơi
duy nhất một loại đàn, đó là Hồ cầm.
Câu thơ đầu tiên nói về tài đàn của Thúy Kiều, Nguyễn Du viết:
“Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một chương”.
Vậy thì tại sao sau đó Nguyễn Du lại có hai câu thơ: “Hiên sau
treo sẵn Cầm Trăng” và “Ép cung Cầm Nguyệt, thử bài quạt thơ”). Liệu có phải Kiều
của Nguyễn Du chơi hai thứ đàn là: Hồ cầm và Cầm Nguyệt không? Hay hai thứ đàn đó
chỉ là một loại đàn có nhiều tên gọi khác nhau?
Theo tôi, đây đơn giản là một nhầm lẫn của Nguyễn Du. Vì chỉ
trừ có Thượng Đế, còn con người ta ai cũng có thể có chút nhầm lẫn, dù cho người
đó là một thiên tài. Tuy vậy theo tôi đây là một nhầm lẫn đáng yêu vì nó đã tạo
ra vấn đề cho các nhà lí luận có cái cớ để mà tranh luận, mà suy luận, mà khẳng
định, mà bác bỏ lẫn nhau v.v…
Tuy vậy ta có thể khẳng định: Kiều chơi một loại đàn có 4
dây, thuộc loại nhạc cụ gẩy trực tiếp bằng đầu ngón tay “So dần dây Vũ dây Văn/
bốn dây to nhỏ theo vần Cung Thương” “Bốn dây như khóc như than”. “Bốn dây nhỏ
máu năm đầu ngón tay”. Chữ “bốn dây” được khẳng định 3 lần trong Truyện Kiều.
Trong Truyện Kiều, có 4 lần Kiều chơi đàn tất cả, ngoài ra
còn 4 lần khác thì Nguyễn Du chỉ nói qua.
Đầu tiên là do Kim Trọng yêu cầu:
“Rằng nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung, Kỳ”
Lần hai cho Hoạn Thư và Thúc Sinh:
“Rằng Hoa nô đủ mọi tài,
Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe”
Lần thứ ba đàn cho Hồ Tôn Hiến, đây là đoạn Kiều chơi đàn xúc
động nhất, người chơi đàn đến “nhỏ máu năm đầu ngón tay” còn người nghe đàn thì
rơi lệ:
“Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu
Hỏi rằng: này khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay”
Hồ Tôn Hiến tuy chỉ là một quan võ, vậy mà cũng rất hiểu nhạc
đàn, đến nỗi mê luôn cả nàng Kiều:
“Nghe càng đắm, ngắm càng say
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”
Và cuối cùng lại là Kim Trọng yêu cầu nàng chơi đàn trong đêm
tái hợp:
“Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa”
Ta để ý: Tất cả các lần chơi đàn của Kiều đều do người khác
yêu cầu. Không thấy câu thơ nào nhắc đến Kiều chơi đàn một mình, kể cả những
lúc buồn nhất. Tóm lại, người chơi đàn chỉ chơi khi có kẻ “tri âm” (hiểu âm nhạc)
Những kẻ Tri âm tiếng đàn của Kiều đó là:
Kim Trọng nghe đàn đầy cảm xúc:
“Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”
Cho tới Hoạn Thư, Thúc Sinh:
“Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”
Và Hồ Tôn Hiến thì khóc như đã nói ở trên. Còn vì sao Kiều
không một lần chơi đàn cho Từ Hải? Đơn giản Từ Hải chỉ là một anh võ biền,
không có nhu cầu nghe đàn, vì vậy Từ Hải cũng không hề quan tâm hay yêu cầu
nàng Kiều chơi đàn.
Qua Truyện Kiều, ta thấy người xưa đã trân trọng nhạc đàn, biết
nghe, hiểu sâu sắc âm nhạc như thế nào. Điển tích Bá Nha – Chung Tử Kỳ có thể
nói là một điển tích độc nhất vô nhị về sự chơi (khí) nhạc và nghe (khí) nhạc của
người Á Đông xưa.
Qua thơ của Nguyễn Du, trong Truyện Kiều và bài thơ chữ Hán
“Long Thành Cầm giả ca” của ông, ta thấy chỉ có khí nhạc mới có thể diễn tả được:
“Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” và cảnh
”… Hán Sở chiến trường, nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”. Và chỉ có khí
nhạc mới có thể có những giai điệu“ Muôn oán nghìn sầu” khiến người nghe “Tan
nát lòng”.
Ca khúc (nhất là ca khúc quần chúng) với cấu trúc đơn sơ vài
ba chục nốt nhạc, với sự bó buộc của lời ca, và sự hạn chế diễn tấu, làm sao diễn
tả nổi những tình cảm bao la như thế, vẽ nên những bức tranh âm thanh đa tầng
phức hợp như thế.
Phải chăng Văn hóa, đạo đức, phong tục và thẩm mỹ của người
Việt Nam hôm nay đã suy thoái và thụt lùi với chính cha ông chúng ta? Tôi muốn
nói tới cái tinh thần của văn hóa cũng như nhiều thú chơi tao nhã cao siêu của
người xưa.
Khí nhạc ngày nay đã được mở rộng và vô cùng phong phú với di
sản âm nhạc của toàn thế giới. Đặc biệt là của dòng nhạc chuyên nghiệp châu Âu
với tên tuổi các thiên tài đã trở thành tài sản chung của nhân loại như
J.S,Bach, W.A.Mozart, L.v. Beethoven, F.Chopin, P.Tchaikovsky… cho tới các nhạc
sỹ cận đại như C.Debussy, M.Ravel, B.Bartok, I.Stravinsky, v.v… Và dòng nhạc này
vẫn tiếp tục khám phá những điều mới lạ của nghệ thuật âm nhạc.
Cùng với những tác phẩm bất hủ của họ là những nghệ sĩ biểu
diễn lớn như Karajan, Horowitz, Oistrakh, Rostropovich, Kissin, Barenboim v.v... và
cả Đặng Thái Sơn của Việt Nam nữa.
Cả một kho tàng âm nhạc trí tuệ vô cùng phong phú và đa dạng,
dễ dàng khám phá trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số, mà ngày xưa chỉ tầng lớp
quý tộc, tri thức mới có điều kiện tiếp cận. Hà cớ gì mà những người Việt nam
chúng ta, nhất là giới trẻ được học hành và tầng lớp Tri thức, lại không trở
thành những kẻ Tri âm của nền nghệ thuật ấy? Như L.V. Beethoven từng nói: “Âm nhạc
cao hơn mọi triết lý và mọi sự khôn ngoan”.
Vì sao Beethoven khẳng định như vậy?
Vì cuộc sống là bao la, nó chứa đựng tất cả các cách lý giải
nó của hàng trăm thứ triết lý khác nhau. Mỗi thứ triết lý chỉ phản ánh một phần
nhỏ của cuộc sống bao la này, như thầy bói xem voi mà thôi. Cuộc sống chứa đựng
tất cả các triết lý chứ triết lý không thể chứa đựng được cuộc sống. Và chỉ có
âm nhạc (tất nhiên không bao giờ là thứ âm nhạc của đám đông!) là bao la, là tiếng
vọng của cõi bên kia nên nó cũng bao la như cuộc sống.
Chúng ta không phản đối nghệ thuật dành cho quần chúng số
đông. Nhưng chỉ có thế thôi ư? Hãy tỉnh táo hơn để nhìn sang các nước phát triển
quanh ta: Nhật bản, Hàn quốc, Trung quốc thì đã đành, ngay cả Thái Lan,
Singapo, Malayxia… Họ cũng chỉ mới đầu tư cho dòng nhạc trí tuệ này trên 20 năm
thôi, (Việt Nam ta đến gần 60 năm!) nhưng họ đã tiến nhanh, và đã vượt chúng ta
một khoảng cách khá xa. Nhìn vào bộ mặt của một đất nước, thì đó mới là điều để
kiêu hãnh, chứ không phải là những dòng nhạc Pop, ca khúc quần chúng, cho dù nó
có phát triển nhiều đến đâu đi chăng nữa. Dù nó có trở thành món hàng bán được
bao nhiêu tiền đi chăng nữa!
“Nếu bạn cởi mở với điều tầm thường, bạn sẽ khép kín với điều
cao cả. Và nếu bạn cởi mở với những điều cao cả thì bạn sẽ tự động khép kín với
những điều tầm thường. Cho nên di chuyển về hướng nào đó chính là lựa chọn của
bạn” (Osho).
Để kết bài viết này, tôi muốn nhắc lại điển tích nói lên sự gắn
bó giữa Người sáng tạo và Người thưởng thức, hai mặt của một vấn đề: Bá Nha đã
đập đàn khi Chung Tử Kỳ – kẻ tri âm, người thấu hiểu tiếng đàn của mình chết.
Sống ở đời, ai cũng muốn có tri âm. Người tài lại càng khao
khát hơn, dù chỉ là một kẻ tri âm…
19/10/2018
Nguồn: HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét