Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Người "vẽ" hồn quê bằng nhạc

Người "vẽ" hồn quê bằng nhạc

Là mảnh đất phát tích của dân tộc, mỗi miền quê trên vùng đất trung du Phú Thọ đều chứa đựng những huyền tích của nền văn hóa cội nguồn từ thuở bình minh dựng nước. Người ta biết đến Phú Thọ - miền “đất cội nguồn nuôi lớn trí ông cha” bởi những cảnh sắc mang đậm nét đặc trưng với rừng cọ, đồi chè cùng sự hội tụ của 3 dòng sông tạo nên một vẻ đẹp độc đáo, lãng mạn mà kỳ thú, khơi nguồn cảm xúc cho biết bao văn nghệ sĩ để viết nên những tác phẩm thơ, nhạc thấm đẫm tình người và hồn dân tộc. Trong đội ngũ các văn nghệ sĩ đã từng nghiên cứu và sáng tác về miền đất cội nguồn ở tất cả mọi thể loại văn nghệ dân gian, thơ, văn, nhạc... có lẽ nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn là một trong số ít người thành công qua rất nhiều những tác phẩm được đông đảo công chúng đón nhận và yêu thích.  Với “kho tàng” những sáng tác mang đậm âm hưởng của những làn điệu dân ca Phú Thọ, sẽ không quá khi nói Đào Đăng Hoàn chính là người “vẽ” hồn quê bằng nhạc.
Sinh ra ở vùng đất Minh Hạc, huyện Hạ Hòa, nhưng ngay từ năm 1 tuổi Đào Đăng Hoàn đã được người dì ruột nhận làm con nuôi rồi đưa về sống cùng ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê. Bố nuôi ông khi ấy vốn là tay trống trầu nổi tiếng một thời của các tụ điểm hát Tơ ở các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên của Hà Nội thời Pháp thuộc. Có lẽ được nuôi dưỡng bởi nhịp trống, phách từ nhỏ nên cái hồn nhạc dân gian đã ngấm sâu vào máu thịt của người nghệ sĩ và trở thành mạch nguồn chủ đạo trong các sáng tác của ông sau này. Ngay trong bài Nghĩa Lĩnh ngọn núi quê hương - bài hát đầu tiên ông sáng tác về quê hương Phú Thọ khi đang học năm thứ 2 Nhạc viện Hà Nội năm 1986, đến những bài nổi tiếng sau này như Tìm về lời ru, Câu ca em hát Phú Thọ quê mình, Đi tìm con sáo sang sông, Về sông Thao, Yêu lắm đất quê mình… các tác phẩm của Đào Đăng Hoàn đều có chung một giai điệu mộc mạc nhưng rất đỗi mượt mà, lời ca bình dị lại sâu lắng mang âm hưởng của những làn điệu dân ca vùng Đất Tổ như hát Xoan, hát Ghẹo. Chính bởi cái “hồn” nhạc quê hương ấy luôn bao trùm nên những tác phẩm được coi là thành công nhất của Đào Đăng Hoàn luôn gắn với miền Đất Tổ và những bài hát viết về vùng đất quê hương cũng chiếm phần lớn trong các sáng tác của ông. Tưởng như mỗi vùng đất, mỗi miền quê của miền đất cội nguồn đều được Đào Đăng Hoàn “vẽ” vào nhạc của mình. Và với cùng một giai điệu dìu dặt, thiết tha nên cảnh sắc những làng quê đất trung du trong nhạc Đào Đăng Hoàn tưởng đều có chung vẻ yên ả, thanh bình, nhưng trong chính cái chung đó, người nghệ sĩ đã tìm ra cái riêng của từng miền quê. Đó là cảnh làng quê ven sông tấp nập, rộn rã của vùng quê Tam Thanh xưa: Quê em một miền dân ca, tiếng sáo chiều vẳng nghe thiết tha/ Bên sông con thuyền xuôi bến, những chiều về con nước đầy vơi… trong Đi tìm con sáo sang sông; rồi mảnh đất hào hùng của chiến khu Đồng Lương, Vạn Thắng: Về sông Thao nắng trải dặm đường/ Câu hát vấn vương tình người nồng ấm/ Một miền quê trăm mến ngàn thương của Về sông Thao; có khi lại là mảnh đất thị xã nhỏ bé mà gần gũi, thân thương: Có ai về thị xã quê tôi/ Đường đi thênh thang/ Bên thềm nắng buông dịu dàng của Có ai về thị xã cùng tôi… Chính vì luôn đi tìm nét riêng cho mỗi miền quê nên cả hai bài hát viết về Việt Trì, Đào Đăng Hoàn đều viết theo lối nhạc trẻ rất hiện đại bởi theo ông: “Việt Trì là một thành phố công nghiệp với cuộc sống năng động nên không thể dùng nhạc dân gian để thể hiện về nơi này”. Vì thế mới có một Đêm xa thành phố và Việt Trì nỗi nhớ trong tôi vẫn trữ tình đấy nhưng lại ăm ắp những khắc khoải, khát khao: Và khi sương đêm nhẹ rơi/ Bước chân ai đi về phố nhỏ/ Làm âm vang lặng đêm đầu ngõ/ Ánh đèn khuya nhà ai, nhà ai… thức chờ (Đêm xa thành phố).
Cùng với cảnh sắc của từng làng quê, Đào Đăng Hoàn còn khắc họa nét đẹp chung của vùng đất trung du rất tài tình. Không chỉ là những “chỉ dẫn” cụ thể kiểu: Phú Thọ quê mình đẹp như gấm hoa/ Câu ca em hát thoảng hương quê nhà/ Đậm đà vị chè từ tay người hái/ Thảo thơm chứ quê mình, chứ quê mình (Câu ca em hát Phú Thọ quê mình) hay Trung du chiều nay vọng nghe tiếng sáo ngân nga lưng trời/ Trung du chiều nay người ơi câu hát trao duyên còn đợi/ Thương em còn đi, nhỏ trông năm tháng với bao kỷ niệm để ngày đã qua còn vương nơi đây/ Chiều dâng dâng tím, tím ngát lòng ai (Trung du chiều tím). Người ta vẫn có thể nhận ra mảnh đất cội nguồn trong các sáng tác của Đào Đăng Hoàn ngay cả khi không có một địa danh nào được tác giả nhắc đến. Sự tài tình của Đào Đăng Hoàn chính là ở chỗ đó. Ông chả nhắc một từ nào nhưng người ta vẫn cảm nhận được nỗi đau đáu của ông với quê hương “rừng cọ, đồi chè” qua giai điệu ngọt ngào và những lời ca giàu hình ảnh của bài hát. Và Tìm về lời ru chính là một bài hát như thế. Cả bài hát gồm hai lời đều không có một địa danh của Phú Thọ nào được nhắc đến nhưng ngay từ những câu hát đầu tiên người nghe đã cảm nhận được nỗi nhớ thương của những người con khi tìm về với nơi cội nguồn của điệu hát ru - Đất Tổ. Giai điệu mượt mà cùng ca từ sâu lắng đầy chất thơ của bài hát khiến nhiều người yêu thích, nhưng chắc ít người biết bài hát được tác giả sáng tác trong hoàn cảnh khá là “éo le”. Đó là năm 1992, khi ấy Đào Đăng Hoàn còn là Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Triển lãm Vĩnh Phú và ông được giao phụ trách đoàn Văn nghệ quần chúng của tỉnh đi tham gia Liên hoan thi hát ru toàn quốc được tổ chức ở Thừa Thiên Huế.
Tìm kiếm mãi trong kho tàng dân ca Phú Thọ cũng chỉ được có 3 bài hát ru, mà yêu cầu từ lãnh đạo Sở là phải có từ 4 đến 5 tiết mục tham dự vậy là ông nhận luôn nhiệm vụ phải sáng tác thêm một tiết mục còn thiếu. Thời gian biểu diễn ngày càng gần, mà ý tưởng thì chả có khiến cho ông cứ như ngồi trên đống lửa. Rồi trong thế bị dồn vào chân tường ấy, ông đã viết Tìm về lời ru lời một và tiết mục đạt Huy chương vàng ngay tại hội diễn năm ấy. Phải đến một năm sau, lời hai của bài hát mới được ông hoàn thành và đến nay Tìm về lời ru có lẽ vẫn là bài hát thành công nhất của Đào Đăng Hoàn được biểu diễn nhiều không chỉ trong tỉnh mà còn trong cả nước và được các nghệ sĩ mang ra nước ngoài biểu diễn phục vụ kiều bào. Không thể kể hết những tác phẩm của Đào Đăng Hoàn viết về Phú Thọ. Chỉ biết mỗi bài hát là một mảnh “hồn” quê được ông ấp ủ và tái hiện bằng những giai điệu và ca từ mộc mạc, bình dị mà sâu lắng mượt mà không thể lẫn với bất cứ ai khác.
17/2/2015
Kim Thư
Theo http://baophutho.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...