Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Hậu chiến không riêng ai 1

Hậu chiến không riêng ai 1

Chương I
1. Sau một chốc hửng nắng, trời lại mưa nhẹ hạt rồi nặng dần lên. Không thể đi tiếp, ông Huyên và hai người bạn của ông dừng chân, núp mưa dưới mái hiên một hiệu tân dược. Cả ba người đàn ông đều nghĩ là cuộc dạo phố Đà Lạt đã đến lúc phải ngừng. Họ bàn với nhau là nên gọi một chiếc taxi hay nên ghé vào quán cà phê gần nhất nào đó. Trong khi còn phân vân, ông Trường bước hẳn vào hiệu tân dược, hỏi mua loại thuốc ông thường dùng mỗi khi cái bụng làm ông khó chịu. Bất giác, ông Huyên nhìn vào, bắt gặp một người đàn bà còn khá đẹp với dáng người thon thả như một cô gái đang ngồi bên bàn nước nhỏ, cúi mặt đọc vào cuốn sổ lớn để mở, chốc chốc lại nhìn lên với đôi mắt tìm kiếm ở các ngăn tủ đựng thuốc. Sau quầy gỗ lắp kính, một người đàn bà khác, với chiếc áo trắng y tế, mặc bên trong áo ấm không cài nút, hình như đang chờ người đàn bà vừa đọc vừa tìm kia để lấy một loại thuốc nào đó xuống, đặt trên mặt quầy. Khi ông Trường bước vào, cuộc kiểm tra, có lẽ vậy, cũng ngừng lại.
Không hiểu vì sao ông Huyên không thể quay mắt sang chỗ khác. Ánh mắt ông như dán chặt vào gương mặt đàn bà vẫn còn nhan sắc kia. Hình như đó là một người đã từng quen biết với ông từ nhiều năm về trước. Và có lẽ vì ánh mắt đăm đắm của ông Huyên, linh tính khiến người đàn bà gấp nhanh cuốn sổ lại, nhìn thẳng vào ông. Bà không chỉ nhận ra dáng tuổi trạc trên năm mươi của ông Huyên, nên bà vụt đứng dậy, quên cả việc cần phải giữ gìn, ý tứ như vốn có.
- Ông… Thầy có phải là thầy Huyên không ạ? – Người đàn bà nói nhanh với vẻ vui mừng, khi bất giác đã bước vội ra chỗ ông Huyên và ông Nguyên Việt đang đứng -.
Ông Nguyên Việt, khoảng trên sáu mươi tuổi, mỉm cười, nụ cười pha lẫn nét tò mò và thú vị về cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Trong khi đó, ông Huyên biết mình đã không nhìn lầm.
- Đúng rồi, tôi là Huyên. Và tôi tin chắc… cô là Cúc Trắng, em gái của Hồng Vàng.
- Dạ, thầy vẫn chưa quên. - Bà Cúc Trắng nói, với nụ cười vỡ ra thành tiếng -. Em rất vui vì thầy chưa quên hai cái tên dân dã, mộc mạc đó.
Ông Trường đã bước ra sau khi mua xong mấy viên thuốc. Ông đứng sững.
2. Ông Huyên và hai người bạn của ông đã sẵn sàng đến nơi bà Cúc Trắng đã mời hôm trước, sau cuộc điện thoại của bà Hồng Vàng nhắc lại lời mời. Họ đang ngồi quanh một chiếc bàn nước ở tiền sảnh khách sạn.
Ông Huyên hơi ngã đầu ra phía sau, đôi mắt nhìn lên một góc trần đúc. Thật ra ông không nhìn vào đâu cả. Ông Huyên đang nhớ về những năm tháng cũ, thuở ông còn là một giáo viên trẻ của một trường trung học phổ thông tại một huyện lị không xa Đà Lạt lắm. Ngày ấy, Huyên thường được Phòng Phổ thông thuộc Sở Giáo dục Lâm Đồng điều động lên Đà Lạt, mỗi đợt khoảng năm bảy ngày hay nửa tháng, và thường được sắp xếp chỗ ở tại Trường PTTH. Bùi Thị Xuân. Trong những dịp ấy, Huyên tình cờ quen biết hai chị em Hồng Vàng và Cúc Trắng, nữ sinh lớp mười hai và lớp mười. Nhưng chắc chắn trong họ sẽ không lưu lại những gì thường được gọi là kỉ niệm, nếu không có vài ngẫu nhiên khác.
Bây giờ, sau hơn hai mươi bảy năm, chính những hộp thuốc ở tiệm tân dược buổi chiều tránh mưa ấy đã khiến ông Huyên nhớ đến một kỉ niệm, và ông cảm thấy có chút gì đó gần như là cảm giác xấu hổ pha lẫn với buồn cười đang dấy lên nhè nhẹ trong lòng ông, khi ông đang ở trong những giây phút sắp gặp lại hai nữ sinh ngày ấy.
Ông Nguyên Việt và ông Trường có lẽ đều nghĩ bạn của họ – ông Huyên – đang chìm vào hồi ức thơ mộng hoặc cao quý về chính Huyên với hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng. Họ không thể đoán được tâm trạng của bạn.
Cắt ngang sự im lặng của các ý nghĩ ở ba người đàn ông, một người vận đồng phục của một hãng taxi từ ngoài tiền sảnh bước vào, khẽ chào, chìa ra một tấm danh thiếp:
- Bà Hồng Vàng ở địa chỉ này mời quý ông lên taxi, bà đã gọi sẵn, để đến nơi đó.
Ông Huyên cầm lấy tấm danh thiếp của bà Hồng Vàng, đọc lướt qua, và gật đầu. Ông mời hai người bạn cùng ra xe.
Qua vài quãng đường đồi dốc, hai bên là các biệt thự đầy hoa và các triền thông, chiếc taxi chạy vào cổng một tiệm cà phê thanh lịch, sang trọng, đỗ lại trên sân.
Khi ba người đàn ông bước ra khỏi xe, hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng với hai nụ cười tươi tắn, rạng rỡ đã đứng ở chân bậc cấp của biệt thự cà phê để đón họ. Một tiếp viên đi nhanh đến người tài xế, chỉ một thoáng đứng lại cúi đầu chào khách, rồi bước tiếp. Không cần nhìn ngoái lại, họ biết tiếp viên ấy đang thanh toán tiền xe.
Sau những lời chào hỏi niềm nở khiến ông Huyên vừa cảm động, vừa vui mừng, quên bẵng cảm giác xấu hổ pha lẫn buồn cười dấy lên trong lòng ông hồi nãy, họ bước hẳn vào phòng khách gia đình ở phía sau.
Ông Huyên không ngờ hai nữ sinh gặp nhiều khó khăn về đời sống năm nào bây giờ lại giàu có, thành đạt đến thế. Ông bất giác mỉm cười với ý nghĩ của mình, quyết định cứ để mặc cho tình cờ đưa đẩy, xem thử ông sẽ còn trải qua những gì trong cuộc gặp gỡ này và trong hơn mười ngày ông cùng hai người bạn còn ở lại Đà Lạt. Cũng trong một thoáng, ông giật mình, tự hỏi, liệu sau cuộc gặp thứ hai với Cúc Trắng, chính là lần đầu gặp lại Hồng Vàng đang diễn ra, còn có cuộc gặp gỡ nào nữa không?
3. Nhìn vào bức tranh được sao chép lại từ một kiệt tác hội hoạ nổi tiếng, thường thấy ở các quán cà phê – cái nhìn không chủ ý -, ông Huyên cảm thấy thật khó trả lời câu hỏi của bà Hồng Vàng. Đó là câu hỏi hơi lạnh của một người đàn bà ở tuổi bốn mươi lăm. Chỉ có thể hỏi như thế với âm sắc tỉnh táo như thế, khi một người nữ đã trải qua nhiều cảnh đời với nhiều cảm xúc, tâm trạng, đến độ đã đạt được một bề dày bản lĩnh! Tuy vậy, trầm ngâm khá lâu, ông thấy cần phải nói câu nào đó thay vì câu trả lời.
- Sau lần chúng ta gặp lại nhau ở biệt thự cà phê của em, tôi không hiểu tại sao tôi lại tự động mời riêng em đến quán cà phê nhỏ bé này.- Ông Huyên nói, cố gắng mỉm cười -. Tôi không còn trẻ nữa, em cũng không còn là cô sinh viên năm thứ hai. Và điều cay đắng nhất là tôi không thể ngờ em lại hỏi tôi một câu hỏi tàn nhẫn, lạnh lùng như em vừa hỏi.
Bà Hồng Vàng cúi mặt xuống bàn nước, ngón tay bà xoay xoay chiếc tách trên dĩa sứ một cách vô thức. Bà tự biết, chính bà đã tàn nhẫn, lạnh lùng quá đáng, khi bất giác bật ra câu hỏi “Thầy mời em đến cái quán ngày ấy chúng ta thường tới để làm gì?”. Ở ngần này tuổi, bà còn vụng về đến thế sao, khi muốn bày tỏ một thái độ nào đó để khỏi bị xem thường? Không, bà Hồng Vàng tự biết năng lực ứng xử không đến nỗi nào của bà. Có điều, trước người thầy giáo chỉ dạy bà vài buổi thời trung học và cũng là người bà đã chịu ơn vì mẹ của mình, người đang ngồi đối diện với bà trong lúc này đây, bà bỗng trở nên luống cuống, thô kệch trong lời nói. Bà không muốn đẩy xa hơn ý tưởng.
Một đàn chim sẻ sà xuống trên lối sỏi trắng trước hiên quán, lại vụt bay đến luống hoa gần đó. Bóng dáng đàn chim và tiếng reo lích rích vui tai của chúng khiến cả hai người có cảm giác được thoát khỏi không khí hơi nặng nề vừa thoáng bao phủ lấy họ.
- Em xin lỗi thầy… - Bà Hồng Vàng đỏ mặt, và bà tự ý thức về nhược điểm của mình, bà không thể che giấu nổi cảm xúc trước người đàn ông thường khiến bà xúc động trong những tháng ngày xưa cũ ấy, người mà bà đã gọi từ bao giờ bằng từ “thầy” đầy tôn kính theo phong tục -. Em không ngờ em đã buột miệng ra câu hỏi ấy. Chắc thầy đã biết, Đà Lạt chỉ là một thành phố nhỏ, một cái hắt hơi ở hồ Than Thở cũng có thể được nghe thấy tại thác Cam Ly. Dẫu sao, một người đàn bà đã có chồng con như em cũng phải giữ gìn, ý tứ.
Ông Huyên mở to đôi mắt, mỉm cười, cảm thấy niềm vui đang tràn ngập trong lòng mình, xua hết những ý nghĩ  u ám vừa rồi. Ông quyết định sẽ không thú thật với bà Hồng Vàng điều ông dự định sẽ nói. Như thế là không "lương thiện" chăng? Dẫu sao ông cũng đã không "lương thiện" với hai chị em Hồng Vàng và Cúc Trắng, với cả bà mẹ của họ – ông mới được họ cho hay là chỉ mới mất cách đây vài năm. Đã không "lương thiện" với họ suốt hai mươi lăm năm nay, thì tiếp tục không "lương thiện" thêm một thời gian nữa, có sao đâu. Ông Huyên nghĩ vậy. Nhưng ý nghĩ ấy ngay lập tức bị xua tan trong lòng ông. Tâm trạng này khiến ông cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ.
Bà Hồng Vàng rút khăn tay từ túi xách, thấm vội hai giọt nước mắt đã trào ra nơi đôi khoé mắt của bà.
- Tôi không ngờ cuộc đời lại đưa đẩy, run rủi thế nào đó, để chúng ta lại có dịp gặp nhau.- Ông Huyên nói như để lấp đầy khoảng trống -. Tôi nghĩ mình đang là hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, và em chỉ  mười tám, mười chín...
- Năm em hai mươi tuổi mới đáng nhớ…
Ông Huyên cúi đầu khi nghe bà Hồng Vàng nhắc.
- Đó là năm hai chị em em và má em đã được thầy giúp đỡ. Nhờ mấy hộp thuốc của thầy, má em khỏi bệnh bao tử hành hạ, và đã khỏi hẳn từ đó.
- Thuốc ấy lúc bấy giờ rất hiếm, nhưng thời này lại đầy rẫy ở các hiệu tân dược.- Ông Huyên chợt liên tưởng đến buổi chiều tránh mưa, tình cờ gặp lại Cúc Trắng -. Em biết không… - Ông Huyên không thể kìm lại được ý nghĩ thú nhận -.
Bà Hồng Vàng ngước mắt nhìn ông chờ đợi ông nói tiếp.
- Chỉ cách đây vài phút thôi, tôi quyết định sẽ để em và Cúc Trắng tiếp tục ảo tưởng về lòng tốt của tôi.- Ông Huyên đã lấy lại được vẽ trầm tĩnh -. Nhưng… tôi nghĩ cần nói thật với em và Cúc Trắng… Thật ra, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, chỉ có điều tôi đã thiếu thành thực, lại có ý thức tô vẽ cho bản thân tôi. Tôi nghĩ như thế là không “lương thiện”.
- Em không hiểu thầy muốn nói gì? Thầy làm ơn nói rõ hơn.
- Không có gì quan trọng đâu. Sự thật là thế này. Mấy hộp thuốc Maalox năm ấy, tôi có được, không phải do tôi bỏ tiền túi ra mua từ Sài Gòn lên đây đâu, mà do một học sinh trường tôi dạy đã gởi biếu. Cậu học sinh ấy vượt biên sang định cư ở Canada, gửi quà về giúp đỡ gia đình, nhân tiện gửi biếu thầy giáo là tôi một phần. Đó là mấy hộp Maalox ấy.
- Nếu quả thật là vậy, thì có gì khác đâu. Gia đình em vẫn chịu ơn thầy mà thôi.
Ông Huyên mỉm cười, cảm thấy nhẹ lòng.
- Tôi cảm thấy xấu hổ khi bịa ra là do chính tôi bỏ tiền ra mua. Thực ra tôi không tốn đồng nào cả… Tôi không muốn làm bài toán đố lớp hai ở đây.
- Chỉ vậy thôi sao, thầy? - Bà Hồng Vàng lại nén tiếng thở phào.
- Chỉ vậy thôi. Nhưng tôi đã mắc một lỗi là tự tô vẽ thêm cho sự giúp đỡ của tôi, khi tôi nói tôi bỏ tiền túi ra để mua. Số tiền khá lớn…
Im lặng một lúc, bà Hồng Vàng không muốn xoáy sâu vào bản chất của việc cũ, bà nói tránh ra:
- Sao hồi đó có quá nhiều người đau bao tử đến thế hở thầy? Sau này, em được biết đó là căn bệnh có thể do căn nguyên tâm lý. Hồi ấy, bao nhiêu là lo âu, và lo sợ nữa…
- Đó là một trong những căn bệnh thời hậu chiến. Và ngẫm lại, không có thời nào kì cục như vào những năm ấy. Quà tặng nhau lại là thuốc tân dược quý hiếm hay vải vóc gì đó, chứ không phải là hoa hay những vật lưu niệm như sách, tượng… Thậm chí, người trong nước, quý nhau nhất là tặng vài lon gạo trắng.
- “Bánh mì và hoa hồng”! Thời ấy, ai cần chi hoa hồng! - Vô tình, bà Hồng Vàng nói -.
- Như vậy, tôi là một kẻ quyết tâm nhịn đói để chỉ yêu hoa hồng!
Cả hai người đều bật cười và đều cảm động. Họ không ngờ mạch chuyện lại dẫn dắt họ đến những câu nói ý vị đến thế.
- Nhưng thầy cũng đâu có yêu hoa hồng! Thầy lừa dối hoa hồng mà! -. Bà Hồng Vàng bỗng nói như buột miệng, và biết không thể không nói thêm, nhưng cảm thấy lúng túng, không thể nói thêm một lời nào -.
Ông Huyên nhìn quanh, thấy quán vắng khách, nên khá yên tâm, nhưng ông vẫn tiếp tục dùng ẩn dụ “bánh mì và hoa hồng”:
- Tôi yêu quý hoa hồng bằng tất cả tình yêu chân thành của tôi. Nhưng Hồng Vàng có hiểu giùm tôi không, tôi có lỗi là sau khi tôi ngỏ lời, Hồng Vàng gật đầu, tôi vẫn không dám xin cụm hoa hồng ấy về trồng. Bởi lẽ, tôi còn quá trẻ, đâu dám nghĩ đến chuyện nhà đất. Không có một tấc đất để cắm dùi, tôi biết rước hoa hồng về trồng ở đâu!
Bà Hồng Vàng im lặng. Bà vẫn không tin lời vừa nói của ông Huyên.
- Thầy không biết thầy đã gây tổn thương cho cụm hoa hồng ấy như thế nào đâu, khi thầy cố tình bặt tin. Em không thể tin trên đời này lại có một loại tình yêu thiếu sức mạnh của nghị lực vượt khó như thế. Thầy bảo là bấy giờ thầy chưa có một tấc đất nào, nhưng thực ra, hoa hồng ấy không cần nhà đất thật, nó chỉ cần một tình yêu có thật.
- Hoa hồng trừu tượng, siêu thực! “Bánh mì và hoa hồng”! Cơm gạo và tình yêu! Chúng ta cần cả hai.- Chìm vào suy tưởng, ông Huyên nói chậm rãi -. Vả lại, em biết không, ngày ấy, dẫu không rơi vào tình huống của Puskin, tôi vẫn rất yêu mến hai câu thơ được lẩy ra khỏi bài thơ chân thành nhất của nhà thơ đó, như hai câu độc lập. Chắc em còn nhớ hai câu thơ ấy. Không, chỉ cần một câu mà thôi: “Cầu cho em có được người tình như tôi đã yêu em”.
Bà Hồng Vàng nhăn mặt thật sự:
- Thầy vẫn còn giả dối với em sao? Nhưng dẫu sao cũng không thể cứu vãn được gì hết. Tất cả đã muộn. – Bà Hồng Vàng bật cười, đau đớn đến trào nước mắt -. Em sắp được lên chức bà ngoại rồi!
Chính câu nói cuối vừa thốt ra khiến bà sực tỉnh. Bà biết mình đã đến lúc phải ra về. Ngồi im lặng một lúc, sau khi chấm khăn tay vào hai khóe mắt, bà tỏ ý sẽ ra về để tránh sự đột ngột. Một phút sau, bà Hồng Vàng đứng dậy, từ giã ông Huyên. Ông Huyên đành ngậm ngùi gật đầu, đứng dậy tiễn bà. Không một lời hẹn sẽ gặp lại nào được thốt ra.
Trời Đà Lạt bất chợt nắng lên một cách quái ác, không sướt mướt chút nào.
Ông Huyên một mình lững thững trở vào quán cá phê cách đây hơn hai mươi lăm năm Huyên và Hồng Vàng thường ngồi, và họ mới cùng ngồi với nhau cách đây dăm bảy phút. Ông không ngờ cuộc đời lại có những tháng năm và giờ phút như thế. 
4. Mười lăm ngày đã trôi qua gần hết. Ngày bế mạc hội thảo về văn học chiến tranh và hậu chiến sắp đến. Cho dù đây là hội thảo có hạn định thời gian khá rộng rãi, không vội vã trong vài ngày như các hội thảo khác, nhưng vấn đề được nêu ra, bàn luận trầm tĩnh hay tranh luận sôi nổi, vẫn không tránh khỏi những bỏ ngỏ. Dẫu thế, đây cũng là cuộc hội thảo im lặng nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mọi người đều không hiểu nguyên nhân từ đâu.
Ông Huyên cũng chuẩn bị tham luận, cũng đăng đàn đọc tham luận và tham dự không sót buổi thảo luận nào, như những thành viên khác. Ngoài ra, ông lại có dịp để hồi tưởng lại chuyện cũ rất riêng tư giữa ông và bà Hồng Vàng ngày ấy, cách đây đã hai mươi lăm năm. Nhưng ngẫm nghĩ lại, ông tự bảo, liệu có chuyện riêng tư nào thoát khỏi âm hưởng và dấu vết của thời thế! Một cụm hoa hồng tươi tắn hay cằn cỗi, héo rũ cũng tuỳ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Một dấu hỏi tại sao được đưa ra cũng cần phải truy vấn đến bao nhiêu giai đoạn lịch sử trong và ngoài nước.
Ngồi trên ghế đá ở một vườn hoa, ông Huyên lặng lẽ nghĩ ngợi. Trong khi ấy, ông Nguyên Việt và ông Trường đang tha thẩn nhìn ngắm những bức tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được trưng bày quanh đó.
Quãng xế chiều Đà Lạt bao giờ cũng se lạnh, cái se lạnh của trời đất thật tuyệt vời nếu không có một giọt mưa nào, đường phố khô ráo trong nắng nhạt. Ông Huyên khẽ khép lại hai thân áo ấm trước ngực. Nghe tiếng chân bước trên lối sỏi rồi trên cỏ, ông quay đầu lại, bắt gặp nụ cười của ông Nguyên Việt:
- Tôi cảm thấy thú vị khi đọc tham luận của cậu về biểu tượng hai mặt trong văn chương nước ta thời chiến tranh và thời hậu chiến. Cảm giác thú vị ấy được nhân lên nhiều lần khi được nghe cậu kể lại câu chuyện giữa cậu và bà Hồng Vàng ở một quán cà phê thuở còn trẻ hai người thường ngồi để tâm tình.- Ông Nguyên Việt nói khi đã ngồi bên cạnh ông Huyên -.
Ông Huyên giật mình, quay phắt sang ông Nguyên Việt với ánh mắt thắc mắc:
- Giữa tham luận của tôi và chuyện thời trẻ của tôi với bà Hồng Vàng, có lẽ chỉ liên quan trực tiếp với nhau ở biểu tượng “bánh mì và hoa hồng”. Đó là một cặp ẩn dụ đã trở thành biểu tượng trong ngữ cảnh nhất định. Chỉ có thế thôi. Nếu mở rộng sự liên quan, thì tất thảy đều liên quan trong một bối cảnh lịch sử nhất định, chẳng cứ gì chuyện tôi với bà Hồng Vàng ngày ấy và cách đây mấy hôm.
Ông Nguyên Việt cười khoái trá, vỗ tay vào đùi ông Huyên:
- Tất nhiên cậu đã nghiên cứu kĩ về mặt lý luận cũng như trong văn chương hình tượng về ẩn dụ, kể cả trường dụ, nhất là “biểu tượng hai mặt”… Tuy vậy, tôi nghĩ, có lẽ sẽ có những kẻ diễn dịch, xuyên tạc chi tiết “mấy hộp thuốc Maalox”, nhất là mấy hộp tân dược ấy lại do một học sinh vượt biên gửi biếu.
Ông Huyên nhếch môi nhưng không cười, dù chỉ là cái cười mỉm:
- Nói thế thì không cùng! Trên đời, đáng sợ nhất là những người kém hiểu biết mà giỏi tung tin nhảm hoặc có quyền lực trong tay. Nhưng … anh nghĩ những kẻ đó sẽ diễn dịch như thế nào do kém hiểu biết về thủ pháp văn chương hay do ác ý?
- Tôi chỉ đùa, hù doạ cậu cho vui mà thôi. Nhưng biết đâu, có kẻ đã diễn dịch hay xuyên tạc chi tiết “Maalox do Việt kiều gởi tặng” là tài liệu phản động, gây rối nhiễu thông tin nào đó thì ai cấm được chúng!
Ông Huyên bật cười:
- Đến thế thì quả là mạt vận! Nhưng về nguyên tắc, bất kì một ẩn dụ nào, một biểu tượng nào cũng ở trong văn cảnh nhất định, nó phải có những chi tiết phụ để xác định ý nghĩa cho nó và tính chất của nó. Không phải chi tiết nào cũng là ẩn dụ hay biểu tượng. Ai cũng thấy là chi tiết “Maalox do Việt kiều gửi tặng” có những chi tiết khác quanh nó xác định cho nó, rằng, đó chỉ là một chi tiết tả thực, chứ không phải là ẩn dụ, biểu tượng gì cả… - Ông Huyên định giải thích thêm về biểu tượng sóng đôi “bánh mì - hoa hồng” để khẳng định đó là biểu tượng đúng nghĩa nhưng không phải là biểu tượng hai mặt, có điều ông thấy quá thừa, và ông bỏ dở câu nói -. 
Một lần nữa, ông Nguyên Việt vỗ đùi bạn:
- Thế thì cậu nên yên tâm, vì cậu đã là một chuyên gia về lí thuyết đồng thời là một nhà văn có tay nghề điêu luyện trong thực hành văn chương. 
Ông Huyên mặc dù được người bạn lớn hơn về tuổi đời, tuổi văn khen, nhưng cũng cảm thấy hơi tự ái về ngữ điệu hơi đùa cho nhẹ bớt trọng lượng. Tuy thế, ông cũng mỉm cười vui vẻ.
- Chắc cậu đã biết, -  Ông Nguyên Việt nói tiếp -, có kẻ bảo rằng tai hoạ đời cậu là do những kẻ kém hiểu biết nhưng lại có quyền lực trong tay hoặc giỏi xúc xiểm. Đầu óc chúng quá nặng nề “chủ nghĩa lí lịch” lại kém kiến thức về thủ pháp văn chương, và khả năng cảm thụ văn chương thì méo mó, thô thiển. Chúng đặt một mũi tên giữa lí lịch của cậu với văn chương cậu viết. Cái mũi tên diễn dịch thô thiển, dốt nát hoặc xấu xa ấy đã bắn vào số phận của cậu. Và cậu đã chết ngắc ngoải hai mươi lăm năm nay.
- Nguyên nhân trực tiếp còn kinh khủng hơn nhiều! - Ông Huyên cười đau đớn -. 
Ngoài đường, dưới ánh nắng chiều Đà Lạt như hừng đông của những phố phường, làng mạc miền xuôi, một chiếc xe Attila dừng lại. Bà Cúc Trắng, em gái của bà Hồng Vàng, ngồi trên xe cười thật tươi, đưa một tay lên vừa vẫy chào vừa báo hiệu bà đã đến như lời hẹn. Hai người đàn ông đang bàn chuyện và cả ông Trường đang ngắm tượng điêu khắc đằng kia đều đưa tay chào bà Cúc Trắng. Đứng dậy, ông Huyên vẫn nói tiếp ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu, như chưa dứt khỏi mạch chuyện:
- Dược sĩ Cúc Trắng này kiểm tra chủng loại và chất lượng thuốc ở hiệu thuốc tân dược mà bà ta cho thuê bằng, bà ta đứng tên chịu trách nhiệm, chẳng nhằm nhò gì nếu so với hải quan - các đội kiểm soát cửa khẩu. Họ xé từng thùng quà, giũ từng xấp vải, bóc từng hộp thuốc, thậm chí đập vỡ dăm bảy viên thuốc họ lấy ra từ vỉ khằng nhôm, rồi lấy mẩu đưa cho phòng phân chất. - Vừa bước ra lề đường, ông Huyên vừa nói -.
Bà Cúc Trắng thấy nét căng thẳng còn vương trên mặt hai người đàn ông khi họ chào hỏi bà, nhưng bà vẫn tươi cười, niềm nở với tất cả lòng mình.
Từ phía sau ông Trường cũng đang cười, bước tới với máy ảnh trên tay. Một tấm ảnh lưu niệm đã được ghi vào thẻ nhớ. 
Ông Huyên chợt bâng khuâng, tự hỏi thầm, không biết vài ngày còn lại của đợt hội thảo trên đất Đà Lạt này sẽ còn những bất ngờ nào. Ông biết đôi mắt của ông là hai chiếc máy ảnh kì diệu, đang ghi lại hình ảnh lúc này của bà Cúc Trắng và đang sắp xếp vị trí bên cạnh hình ảnh bà Hồng Vàng mà ông đã thu nhận, trong kí ức vĩnh viễn không phai mờ của ông, trên những trang viết nào đó của ông, ông chủ quan tin là thuộc về vĩnh cửu.
Xế chiều Đà Lạt vẫn như thể là hừng đông.
Viết tại nhà sáng tác Đà Lạt
Chương II
1. Đà Lạt đã bắt đầu vào mùa mưa, nhưng sáng chủ nhật hôm ấy trời vẫn như thể tháng giêng, nắng trong sáng và gió se lạnh. Mặt nước hồ Xuân Hương lấp lánh khiến Huyên có cảm giác nắng cơ chừng toả lên từ bao gợn sóng. Vừa thả bước trên lối đi ven hồ, vừa phóng mắt nhìn quang cảnh đồi Cù xanh màu cỏ, nhìn dăm chiếc xe thổ mộ với các chú ngựa dừng đỗ bên lề con đường dẫn tới Thanh Thủy, một quán cà phê nửa bờ nửa nước, không hẳn là thủy tạ, Huyên quên bẵng mình đang sóng vai với Ngàn, một người bạn dạy học cùng trường ở Đạ Nông. Bỗng Ngàn hích khẽ khuỷu tay vào Huyên làm anh giật mình quay lại, ngay cùng một lúc giọng nói của Ngàn bật nhẹ ra với nụ cười, nhắc anh:
- Kìa, hai học sinh trường Bùi Thị Xuân chào thầy Huyên kìa!
- Xin chào thầy, chào anh Ngàn. – Hồng Vàng, chị của cô học sinh nhỏ tuổi hơn, tên Cúc Trắng, đang đi ngược chiều, khẽ cất lời sau cái cúi đầu chào cách đó vài bước chân –.
- Chào hai em. – Huyên chào đáp với đôi mắt bất chợt sáng lên niềm vui do cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa đường –.
 Hoá ra, chỉ có mỗi một mình Huyên là người mới gần đây quen biết, còn Ngàn với hai cô gái học trò kia chẳng xa lạ gì hay ít ra cũng đã ít nhiều biết nhau, giữa thành phố không đông dân, quá thơ mộng này. Qua vài câu chuyện trò, thăm hỏi, Huyên được biết hai chị em mới đi chợ Hoà Bình, chợ trung tâm của Đà Lạt, đến hiệu sách ở đường phố chính, gần đó, và đang trên đường về nhà.
- Em vừa tìm mua thêm tài liệu ôn tập, luyện thi à? – Huyên hỏi, nhìn vào mấy tập sách cô học trò đang ôm trên ngực –.
- Dạ... Thưa thầy, nếu có thể, em cũng xin ý kiến thầy... – Hồng Vàng bỏ lửng câu nói, và gương mặt vốn trắng hồng như bao cô gái miền cao khác lại ửng hồng thêm –.
- Về điều chi? Hồng Vàng cứ nói đi – Huyên khích lệ –.
- Dạ, về việc em chọn thi vào đại học theo ngành ngữ văn Việt. – Hồng Vàng đã thoát khỏi sự ngượng ngập, nói rõ ràng ý định của mình –.
- Nếu em nghĩ kĩ rồi, thì quá chừng tốt đẹp. – Huyên tỏ sự vui mừng khi có thêm người sẽ bước đi trên con đường văn chương Huyên đã chọn lựa từ những năm tuổi nhỏ và sẽ mãi đi trọn cuộc đời mình –.
- Thưa thầy, tuy vậy, em vẫn còn phân vân... – Cô học trò lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp rồi sẽ thi vào đại học lại bày tỏ sự băn khoăn của mình –.
Ngàn thân tình đề nghị:
- Thế thì mấy anh em, thầy trò mình bước thêm một đoạn nữa, đến quán Thanh Thuỷ kia, ngồi chuyện trò, bàn bạc thêm. Đồng ý chứ? Hai chị em đâu phải đi chợ mua thức ăn, sợ gì trễ giờ. – Ngàn xem đồng hồ đeo tay –. Lúc này, mới 8 giờ sáng!
Huyên thốt lên:
- Một đề xuất rất chí lí, phải không, Hồng Vàng, Cúc Trắng?
Đến lúc này, Cúc Trắng mới lên tiếng:
- Em nghĩ... chị Hồng Vàng cũng cần phải xin thêm ý kiến của thầy Huyên và anh Ngàn. Chọn lựa chuyên ngành là quan trọng nhất cuộc đời, má và chị chẳng thường nói thế là gì!
- Quay gót, Hồng Vàng, Cúc Trắng! Quán Thanh Thuỷ chỉ cách đây một đỗi, ở ngay sau lưng hai chị em rồi kìa! – Ngàn nói, với giọng đùa vui của một giáo viên thể dục chuyên nghiệp trẻ tuổi nhất trường –.
Cả bốn người cùng bước về phía quán cà phê nửa bờ nửa nước ấy.
Nắng buổi sáng Đà Lạt lúc này chỉ để sưởi ấm, nên họ đến ngay bộ bàn ghế ngoài trời, dưới những cành liễu rủ lá xanh, buông những chuỗi hoa màu đỏ. Họ cũng không ngờ được gặp ở đây hai người thầy giáo già, đang thưởng thức cà phê ở bàn gần đấy. Đó là hai giáo viên trung học thuộc lứa tuổi lão làng vẫn đang giảng dạy tại Trường Phổ thông trung học Thăng Long ở Đà Lạt này. Trong khi Ngàn vào quầy mua phiếu thức uống – cà phê phin, loại thức uống độc nhất vào giờ này, ở đây, Huyên bước đến chào họ rồi quay trở lại với hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng.
Cà phê được tiếp viên mang tới ngay. Trong khi chờ những giọt cà phê rơi xuống chén sứ trắng muốt đủ để có thể nhấc phin ra, Huyên hỏi Hồng Vàng, lúc cô học trò này đang nhìn xuống mặt nước hồ Xuân Hương gần kề, chỉ cách một hàng lan can sơn trắng, và đang mải ngẫm nghĩ về sự chọn lựa chuyên ngành đại học của mình:
- Hồng Vàng đã chọn lựa, sao còn phân vân gì nữa?
Ngẩng mặt lên, Hồng Vàng khẽ đáp:
- Dạ, em vốn thích môn ngữ văn. Ba em thuở còn sống cũng rất đam mê văn chương. Má em kể, thuở còn trai trẻ, ông ấy đã như thế. Chính em và Cúc Trắng, từ tuổi bé tí đã được ba em truyền cho niềm đam mê ấy rồi. Nhưng, có điều, hình như ông không biết, cũng không tìm đọc văn chương nước mình giai đoạn về sau.
Huyên chợt hiểu ra, anh nói, sau ba chữ “à ra thế” thốt thầm trong lòng:
- Nếu chỉ riêng trong phạm vi văn chương nhà trường, sự thể đó cũng bình thường thôi, vì ở Miền Nam mình, các bậc tiểu học, trung học và đại học trước Ngày Thống nhất không giảng dạy những gì về văn chương sau 1945 cả, kể cả môn sử cũng thế. Chế độ cũ vốn xem những gì mới xảy ra, quá gần, là chưa thể định hình, đánh giá, và cũng vì chế độ cũ không đủ tự tin!
- Thật là vậy hở thầy? – Hồng Vàng bỗng rõ ràng hơn một điều cô học trò này đã mơ hồ cảm thấy –.
Huyên gật đầu:
- Nhưng... – Huyên hơi dè đặt –, nếu ba em không tìm đọc văn chương giai đoạn 1945-1954, cả sách báo lĩnh vực này ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 thì quả là hơi độc đáo đó. – Huyên mỉm cười, nụ cười chân thành, cảm thông, và nói tiếp –. Thật ra, sách báo từ 1945 đến 1954 cũng chẳng bao nhiêu, và ở Miền Nam mình, chỉ còn lưu trữ trong thư viện, chứ chẳng lưu hành nhiều ngoài xã hội, nên mấy ai đọc được. Còn văn chương trong các tiệm sách, quầy báo Miền Nam sau 1963 thì hầu hết là cùng một dòng với bộ phận văn học lãng mạn và cùng một dòng với bộ phận văn học hiện thực phê phán thời “Tiền chiến” (1930-1945) mà thôi, tuy có hiện đại hơn. Một dòng suy đồi hơn, một dòng mạnh bạo hơn. Riêng dòng thứ ba, dòng văn chương yêu nước và cách mạng, thì bảy chìm ba nổi. – Huyên trở lại với thực tế là đang trao đổi với Hồng Vàng, anh gợi mở để dễ hình dung –. Hai dòng văn chương lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 mà năm lớp 12 này em đã được học khái quát, ít nhiều có trích giảng đó: lãng mạn về thơ như các tập thơ “Thơ thơ”, “Gửi hương cho gió”, “Lửa thiêng”, “Điêu tàn”..., kể cả thơ của nhóm “Xuân thu nhã tập”; lãng mạn về văn như các tiểu thuyết “Đoạn tuyệt”, “Nửa chừng xuân”...; hiện thực về văn như tiểu thuyết “Tắt đèn”, truyện ngắn “Chí Phèo”... Tôi kể sơ lược như thế thôi, nhưng chắc chắn học sinh giỏi ngữ văn như Hồng Vàng phải nhớ chứ, đúng không? Hai dòng ấy, có thể nói, vẫn còn kéo dài đến 1975 với những cách tân, sáng tạo mới nào đó...
- Dạ, thưa thầy, ý em muốn nói là ba em không thích văn chương đậm chất chính trị, thời sự.
Huyên lại gật đầu:
- Tôi hiểu ý em. Nhưng thế hệ của ba em khác thế hệ em... Ba em chắc hẳn cũng suýt soát hoặc trẻ hơn lứa tuổi của thầy giáo Vui kia kìa. – Huyên khẽ hất đầu, nhướng mắt về phía hai giáo viên lão làng đang ngồi thưởng thức cà phê mà hồi nãy anh đến bắt tay chào –. Phải không, Hồng Vàng?
Hồng Vàng khẽ dạ. Huyên nói tiếp:
- Thậm chí, tôi xin lỗi phép nghe, ba em là ba em, em vẫn là em chứ! Có phải vậy không? Và dẫu sao đi nữa, chương trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập các phân môn ngữ văn ở bậc đại học được cấu trúc khác với cấp cơ sở và cấp trung học.
Thầy giáo Ngàn mỉm cười:
- Ông cứ nói thẳng, nói rõ cho Hồng Vàng đi. – Ngàn nhìn Cúc Trắng, nói tiếp –. Mình cùng cùng nghe, phải không Cúc Trắng?
Cúc Trắng chỉ mỉm cười, mặt hơi ửng đỏ trong một thoáng:
- Em lại thích hai môn hoá học và sinh vật nhất...
- Việc chọn ngành của Cúc Trắng vẫn còn dài thời gian để chọn lựa. Tất nhiên hoá, sinh đều rất cần thiết... – Huyên nói, và anh trở lại câu chuyện với Hồng Vàng –. Ừ, thì tôi nói rõ, nói thẳng ra, vì đây không phải là lớp học, việc này lại rất quan trọng trong cả cuộc đời của Hồng Vàng –. Tôi đã học gần ba năm rưỡi đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sau đó đã giảng dạy ở cấp 2 (cấp cơ sở) một năm, giảng dạy chỉ mỗi một lớp mười trọn một năm học tiếp theo, và hiện tại giảng dạy ở ba khối lớp cấp 3 (cấp trung học) gần trọn năm học này. Vả lại, tôi đã làm việc gì thì đến đầu đến đũa, nên tôi nghĩ tôi không mơ hồ gì khi góp ý cho Hồng Vàng. Thế này nghe, chưa kể phân môn tiếng Việt, phân môn tập làm văn và một phần lí luận văn học, thì cấu trúc chương trình môn giảng văn cấp 3  là thế này: học kì một của ba khối lớp (10, 11, 12), học sinh được học theo trình tự loại hình như văn học dân gian Việt Nam trước, văn học viết Việt Nam sau, còn phần văn học nước ngoài thì không nhiều lắm, chỉ học dặm thêm cho biết. Riêng về văn học viết Việt Nam, thì theo các thời kì, giai đoạn văn học sử Việt Nam. Nhưng ở học kì hai, ở cả ba khối lớp, chủ yếu là văn học hiện đại được sáng tác dưới sự lãnh đạo của cách mạng. Cụ thể hơn: ở lớp mười, suốt năm học, học văn học dân gian cho đến tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, là ngắt, để học văn học hiện đại của cách mạng (cả chống Pháp lẫn chống Mỹ); ở lớp mười một, học tiếp văn học cổ từ sau Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Chinh phụ ngâm”, rồi Nguyễn Du cho đến Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phan Bội Châu, là ngắt, để học thêm văn học hiện đại của cách mạng (cũng chống Pháp lẫn chống Mỹ); ở lớp mười hai, học giai đoạn văn học 1930-1945 gồm ba dòng là lãng mạn, hiện thực phê phán và cách mạng, cho đến các tác giả như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, là hết phần học theo văn học sử, để học thêm một số bài trích giảng văn chương của các tác giả khác thuộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội Miền Bắc. Có đúng như vậy không, Hồng Vàng? Đặc biệt là còn có thêm một số tiết giảng văn (có thể ở dạng bình chú) tự chọn của mỗi trường, mỗi giáo viên: văn chương thời sự và địa phương. Hiện nay, đó là văn chương chống Trung Quốc xâm lược, bành trướng, bá quyền.
- Dạ vâng. Em thấy văn học cách mạng được học khá nhiều.
- Nhưng ở bậc đại học, phần văn học cách mạng (chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc) chỉ là một học phần chiếm tỉ lệ không quá nhiều như thế, bởi ở đại học là đã đi vào khoa học rồi. Nơi đó có mục đích đào tạo nên những nhà khoa học về văn chương hay ít ra cũng có tinh thần khoa học về văn chương. Bậc đại học khác với bậc trung học. Ở bậc trung học phổ thông, chủ yếu là để giáo dục, dùng văn chương để giáo dục nên những công dân lao động là những con người mới, xã hội chủ nghĩa.
Hồng Vàng mỉm cười, cảm thấy vui vì được hiểu ra sự thể là như thế:
- Xin thầy nói rõ cho em hơn về tính khoa học ở bậc đại học...
Huyên mỉm cười:
- Thật ra, bậc đại học chỉ học trong bốn năm, nên đó cũng chỉ là giai đoạn đầu của hành trình nghiên cứu khoa học mà thôi. Sinh viên chủ yếu học tập, vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, còn đối tượng, phạm vi học tập, nghiên cứu cũng đã được xác định trọng tâm, trọng điểm, chứ không thể tràn lan. Đặc biệt, các tác giả mà sự nghiệp trước tác của họ đã định hình trước 1920, 1930, 1945 như Phan Bội Châu chẳng hạn, thì có những hạn chế lịch sử nhất định trong tác phẩm này, tác phẩm khác của họ; nên phần hạn chế ấy phải đặt ra ngoài học trình (hay giáo trình)... Như vậy, tính khoa học thật sự cao và sâu, đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu, mặt được, mặt hỏng của một tác giả, thì phải học sau đại học, đi vào chuyên môn hẹp. Chắc Hồng Vàng thừa biết là để nghiên cứu một tác giả, chỉ một tác giả mà thôi, cho tới nơi tới chốn cũng mất nhiều năm, thậm chí cả đời người, và còn hơn thế nữa, vài thế hệ kế tục nhau... - Thầy giáo Huyên lại mỉm cười –. Nhưng như thế là nói hơi xa rồi. Bây giờ, quay lại vấn đề Hồng Vàng đang vướng mắc...
Hồng Vàng lại đỏ mặt trong một thoáng như biểu hiện thường có của cô học trò này: 
- Dạ, vâng... Môn ngữ văn ở cấp cơ sở, cấp trung học, đúng là quá nhiều tính chất chính trị... Theo như thầy nói, em tin rằng ở bậc đại học, văn chương mang tính chất văn chương nhiều hơn, và nghiên cứu văn chương cũng khoa học hơn.
- Lưu ý một điều nữa, Hồng Vàng à! Ở bậc đại học, học tập, nghiên cứu và giảng dạy đều được quán xuyến trong một hệ tư tưởng nhất định. Hi vọng rằng dần dần sẽ bớt tính chất máy móc, giáo điều... Nếu em đã chấp nhận được ở bậc cơ sở, bậc trung học, thì em sẽ thoải mái hơn ở bậc đại học. Nhưng học cái gì, học thế nào, ra sao thì cũng tuỳ giai đoạn, còn văn chương vẫn mãi mãi là vĩnh cửu. Mỗi thời người ta nghiên cứu, giảng dạy, học tập về “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Nguyễn Khuyến khác nhau ít nhiều, nhưng “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Nguyễn Khuyến vẫn mãi mãi là vĩnh cửu. Mỗi phương pháp luận đều có thế mạnh của nó... Phải hiểu điều đó, nếu không, chẳng lẽ ở Miền Nam sẽ không có ai là nhà nghiên cứu, phê bình văn chương, không có ai là nhà giáo văn chương, cũng không có ai là nhà cầm bút sáng tác văn chương?
Ngàn bật cười:
- Tôi nhớ ông đã có lần cho tôi mượn tờ báo Văn nghệ đăng bài của Hoàng Ngọc Hiến với nội dung phê phán “văn học ‘phải đạo’” mà!
Huyên cũng bật cười:
- ... Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến trong văn chương cũng như Kim Ngọc, Võ Chí Công trong kinh tế! Nhưng đó chỉ mới là tín hiệu đổi mới. Bài báo đó của Hoàng Ngọc Hiến đã bị “đập” tơi tả... – Giọng Huyên trở nên chua chát –. ... Dẫu sao thì cũng phải đi trên con đường văn chương mình đã đam mê, đã chọn lựa. Cứ học đi, với ý thức như vậy về thực trạng văn chương... Văn chương cũng phải vận động, phát triển theo quy luật của chính nó, theo lẽ phải, không thể suy đồi, truỵ lạc, không thể vong bản, nô bộc, không thể máy móc, chính trị hoá, tuyên huấn hoá, cổ động hóa...
Nhấp ngụm cà phê đen quánh cuối cùng trong tách sứ trắng, Huyên nhìn ra mặt hồ nước, phía nhà Thuỷ Tạ và ngẫm nghĩ xem thử còn điều gì để nói với Hồng Vàng nữa không.
- Hồng Vàng à, tôi nói thế, để rồi em tự quyết định lấy đó nghe. – Huyên nhìn vào đôi mắt của cô học trò –. Tôi muốn nhấn mạnh là em cần nhận thức rõ thực trạng văn chương hiện nay là như vậy, với những phía rộng mở, những phía giới hạn, phải tránh né của nó, kể cả những gì cực đoan, “quá tả”, trói buộc. Và có lẽ cũng nên biết thêm là em có quyền tự do chọn lựa đề tài khi làm khoá luận tốt nghiệp ở năm thứ tư đại học. Sau đó, nếu em muốn và được học thêm chương trình sau đại học, em cũng có quyền chọn phân ngành chuyên sâu mà em yêu thích, về ngôn ngữ hay về văn chương. Về ngôn ngữ thì có các phân ngành như ngữ pháp, ngữ âm, tu từ... hay Hán – Nôm. Về văn chương lại có các phân ngành như văn học dân gian, văn học viết trung đại, hay cận đại, cũng có thể hiện đại (... giai đoạn 1930-1945 hay văn học cách mạng sau 1945)... hoặc lí luận văn học hay văn chương nước ngoài... Nghĩa là càng học lên cao, càng có điều kiện tự do chọn lựa.
Gương mặt Hồng Vàng đã giảm bớt nét ưu tư, phân vân, trở nên tươi vui hơn:
- Dạ, thưa thầy, em yêu thích văn chương, nhưng vẫn băn khoăn chọn lựa, tự nghĩ có nên dấn thân cả cuộc đời trên con đường đó hay không, là bởi quanh em, trong lớp, trong trường và ở xã hội hiện nay, có rất nhiều phản ứng khác nhau trước thực trạng văn chương.
Huyên mỉm cười thông cảm:
- Tôi nói là nói cho hết lẽ thế thôi, chứ em đã yêu thích hai bài giảng văn gần đây, chính tôi dạy tại lớp 12 của em và tại một lớp 10 khác cũng ở trường em, bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên và bài “Mẹ Tơm” của Tố Hữu, thì tôi nghĩ em không có gì phải trăn trở nhiều lắm đâu, phải không?
- Dạ, em bị chi phối bởi những ý kiến chê bai, chỉ trích văn chương hiện nay bên ngoài xã hội...
- Em cứ đi trên con đường em yêu thích, chọn lựa và hãy đồng hành cùng thời đại với ý thức góp phần điều chỉnh cho văn chương phát triển đúng quy luật của nó, cởi bỏ dần những trói buộc, những gì gọi là “thiết quân luật”, “giờ cấm, nơi cấm” trong văn chương thời chiến tranh. Và dĩ nhiên, cho dù cởi mở đến đâu, cho dù văn chương không thể máy móc, chính trị hoá, tuyên huấn hoá, cổ động hoá... thì văn chương cũng không thể suy đồi, truỵ lạc... cũng không thể vong bản, nô bộc...
Hai ông giáo già cũng cùng dạy bộ môn ngữ văn như Huyên đang rời bàn, bước ngang qua, chào Huyên, Ngàn và hai cô học trò Đà Lạt rồi bước ra khỏi quán.
Thầy giáo Ngàn cũng góp ý một cách giản dị nhưng thiết thực:
- Ngành nghề nào cũng có những việc, những phần mình yêu thích nhất, bên cạnh những việc, những phần mình ít yêu thích hay đành phải chấp nhận cho “phải đạo”.
- Nhưng cho dù giá trị văn chương thấp hay cao thì giá trị tư tưởng yêu nước, chống ngoại xâm vẫn là vĩnh cửu... Những gì là cực đoan, “quá tả”, ngộ nhận, trói buộc hay phải tránh né, rồi sẽ được thay bằng những gì là nhân nghĩa, nhân văn, tôn trọng tính toàn thể của sự thật... – Huyên lặp lại ý kiến của mình như muốn khắc sâu điều đó –.
- Dạ, em cảm ơn thầy và anh Ngàn rất nhiều ạ. – Hồng Vàng nói –.
Huyên mỉm cười, rồi nhìn theo hai giáo viên ngữ văn già vừa bước lên con đường dẫn về khu công viên trước chợ Đà Lạt và cũng trước bến xe liên tỉnh. Huyên nói:
- Nhờ được đề cử tham dự cuộc thi giáo viên dạy giỏi của tỉnh Lâm Đồng mình, với hai bài thơ tự tôi chọn là “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên, “Mẹ Tơm” của Tố Hữu mà tôi với Hồng Vàng quen nhau, và từ đó quen cả hai chị em, vì Hồng Vàng thích hai bài thơ ấy, nhưng thầy Ngàn và hai em biết không, ông giáo Vui mới từ quán này ra đó, ông ấy lại rất không thích hai bài thơ kia, đã đề xuất ý kiến trong ban giám khảo, hạ bậc kết quả của tôi từ A xuống B.
- Thật thế hở thầy? – Hồng Vàng buột miệng –.
Huyên lại cười:
- Nhắc đến việc đó như vậy để Hồng Vàng hiểu rằng, cuộc sống từ bao giờ đến bao giờ cũng rất phức tạp, không bao giờ là một khối đồng nhất... Tuy nhiên, biết thế, để chúng ta không nản lòng, và biết thế, để mình tự cố gắng khắc phục những hạn chế chung, cố gắng nhẫn nại, nhất là trong giai đoạn giao thời lịch sử này.
Ngàn giật mình khi sực nhớ, thời điểm này đang giữa tháng ba của năm 1981. Anh cũng buột miệng:
- Còn khoảng một tháng rưỡi nữa là kỉ niệm lần thứ sáu Ngày Thống nhất!
Trong khi đó, Cúc Trắng vẫn lặng lẽ tráng bằng nước trà cho bốn chiếc tách, lại rót trà vào mỗi chiếc. Cô bé đứng dậy, bưng từng chiếc tách đặt vào từng chiếc dĩa đặt trước mỗi người.
Huyên khẽ nói cảm ơn Cúc Trắng. Anh nhấp một ngụm trà, nhìn cô học trò lớp 12 tên Hồng Vàng và mỉm cười. Hồng Vàng cũng nhấp trà, bắt gặp nụ cười của thầy giáo Huyên, cô hơi ửng hồng thêm đôi má trong một thoáng bẽn lẽn.
Hồng Vàng đứng dậy:
- Thưa thầy và anh Ngàn, hai chị em chúng em xin cảm ơn rất nhiều. Bây giờ chúng em xin phép về nhà.
- Chúng tôi cũng chuẩn bị về lại trường trung học Đạ Nông trong chiều nay. Đây với nơi đó cách nhau một con đèo Prenn, cũng gần thôi...
Tiễn chân hai cô học trò ra khỏi quán Thanh Thuỷ, hai thầy giáo trẻ quay lại bàn nước. Họ ngồi lặng lẽ, không nói gì, nhìn mông lung ra hồ Xuân Hương sáng nắng. Huyên thầm nghĩ, khi góp ý, anh không nói với giọng điệu bài bản cứng nhắc, mà với một sự linh hoạt để phù hợp với thực tế, với tâm thế riêng của Hồng Vàng, vì ngay như việc cung cấp thuốc bổ nhằm nâng cao thể trạng của một cơ thể vô bệnh, cũng không thể máy móc cung cấp bừa!
2. Sau tiết dạy thứ ba, trở lại phòng hội đồng giáo viên, liền kề với văn phòng nhà trường, Huyên nhận được một lá thư từ Đà Lạt gửi về. Phong thư đó đã được người bưu tá mang đến trong khi Huyên đang giảng bài ở lớp. Tay còn bụi phấn trắng, Huyên vẫn xé thật khéo một cạnh phong bì trong khi bước về nhà tập thể phía sau. Anh biết đó là thư của Hồng Vàng, cho dù tên họ người gửi được viết tắt. Đây cũng là lần đầu tiên Huyên biết được địa chỉ nhà của cô học trò Đà Lạt này.
Vừa đi, Huyên vừa đọc:
“Đà Lạt, ngày 19 tháng ba năm 1981
Kính gửi: Thầy Nguyễn Phan Huyên,
Thưa thầy,
Hôm kia, em và Cúc Trắng may mắn được gặp thầy và thầy Ngàn trên đường ven bờ hồ Xuân Hương, được hai thầy cho uống cà phê tại Thanh Thủy, và đặc biệt là được thầy nhiệt tình, tận tâm góp ý, bảo ban em về việc em dự định chọn chuyên ngành ngữ văn Việt trong đợt thi vào đại học năm nay. Hôm đó, em muốn nói nhiều điều lắm, nhưng không hiểu sao em quá chừng bối rối, chỉ thưa gửi ít câu rồi ngồi im lặng khiến thầy phải nói nhiều để lấp đầy những giây phút trống.
Em có hồi ức, tái hiện lại nhưng gì thầy trò chúng ta đã nói trong buổi sáng hôm đó, và ngẫm nghĩ lại, thấy cũng đáng mừng vì em đã nói được điều này: “Em yêu thích văn chương, nhưng vẫn băn khoăn chọn lựa, tự nghĩ có nên dấn thân cả cuộc đời trên con đường đó hay không, là bởi quanh em, trong lớp, trong trường và ở xã hội hiện nay, có rất nhiều phản ứng khác nhau trước thực trạng văn chương”.
Tuy vậy, em vẫn viết thư này để một lần nữa cảm ơn thầy và cảm ơn cả thầy Ngàn nữa, đồng thời cũng để khẳng định thêm sự quyết tâm chọn lựa của em. Em cũng qua thư này, mong rằng thầy sẽ giúp thêm ý kiến cho em, qua thư từ, vì thầy dạy ở Đạ Nông, trong khi em đang học ở Đà Lạt, không thể gặp thường xuyên được. Em cũng mong rằng, nếu em đỗ tốt nghiệp rồi, lại may mắn đỗ vào đại học tại TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành ngữ văn Việt, em sẽ còn được tiếp tục nhận sự góp ý, bảo ban của thầy qua thư từ. Nói thế, nhưng em vẫn tin, vẫn mong thầy và em sẽ có nhiều dịp cùng ngồi chuyện trò tại những nơi dễ thương như quán Thanh Thủy, ở Đà Lạt và ở cả Sài Gòn.
Em không những muốn được đọc thư thầy viết mà còn muốn được ngồi chuyện trò với thầy nữa kia đó! Em càng rất mong được đọc thơ do thầy sáng tác.
Em,
L.T.H.V.”
Thầy giáo Huyên mỉm cười, cảm thấy niềm vui tràn ngập lòng mình.
Chiều hôm sau, không phải như những lần khác, Huyên thường nhờ học sinh tiện đường, ghé vào bưu điện gửi thư hộ, lần này, chính Huyên đạp xe qua vài ba con dốc để trực tiếp bỏ vào thùng thư chính tại bưu điện huyện Đạ Nông.
“Đạ Nông, ngày 22-3-1981
Hồng Vàng quý mến,
Tôi rất vui khi lần đầu tiên nhận được thư của em.
Tôi không những đồng ý một mà đồng ý cả ba: sẽ có nhiều dịp cùng ngồi chuyện trò với em ở những nơi dễ thương như quán cà phê Thanh Thuỷ và sẽ nhiều lần viết thư cho em, gửi cả thơ phản ánh hiện thực do tôi sáng tác nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ cả ba điều đó chỉ có thể diễn ra sau khi Hồng Vàng đã thi đỗ vào đại học, chuyên ngành ngữ văn Việt, ở Đại học Tổng hợp hay Đại học Sư phạm, tại TP.HCM..
Thời điểm này, Hồng Vàng phải dồn hết thì giờ cho việc ôn thi, luyện thi, để vượt qua tuổi phổ thông trung học, bước vào tuổi đại học một cách thật vinh dự.
Cho tôi gửi lời thăm cô bé Cúc Trắng.
Một lần nữa, chúc em thành công.
Thân quý,
Nguyễn Phan Huyên”.
Chương III
1. Nắng buổi sáng đã phủ tràn hai vuông đất trồng khoai sắn đã dỡ củ và lối đi ở giữa. Nắng phủ tràn cả hai cây phượng đối xứng, sát bên hiên, đã cao vượt lên quá tầm tay với. Nắng vàng rực khắp hành lang nhà ở tập thể giáo viên, nơi thầy giáo Huyên đang đứng với cuốn vở giáo án, sách giáo khoa trong tay.
Trước mặt anh là văn phòng nhà trường, gần kề dãy phòng học cũ, chắc hẳn được xây từ mươi năm trước, trông cũ kĩ hơn dãy nhà tập thể mới tất công này. Cũng trước mặt anh, ngay phía sau văn phòng, dãy phòng học kia và ở hai bên hai vuông sân của nhà ở tập thể, vốn đã được tận dụng để trồng trọt khoai sắn tăng gia, là nhà ăn tập thể còn tạm bợ và ngôi nhà mái tôn vách gỗ, nơi ở của gia đình một nhân viên...
Huyên để tầm mắt vượt lên nóc dãy phòng học, nhìn ngọn cây thông cao vút duy nhất trên sân trường, nếu không kể những cây thông non mới trồng. Nắng đã lấp loá ở những cành thông xanh lá trên cao.
Chỉ vài phút thôi, đứng ở hành lang trước phòng của mình và một đồng nghiệp, Huyên đã cảm nhận được hơi ấm của nắng trong tiết trời se lạnh của cao nguyên tháng mười. Khung cảnh này đã trở nên thân thuộc đối với thầy giáo Huyên trong gần hai tháng nay, kể từ đầu tháng chín 1980, khi anh rời phân hiệu trung học ở Đạ Huoai, rời trường chính ở Đạ Công để lên Đạ Nông này giảng dạy. Nhưng chính những lần đứng sưởi nắng buổi sáng trong khoảng mấy phút như đang lúc này đây, Huyên lại nhớ nhiều hơn đến Bảo Nghĩa, một ngôi trường cấp cơ sở, nơi anh trải qua đó năm dạy học đầu tiên, trước khi dạy ở Đạ Huoai năm học vừa rồi, vì dẫu sao Bảo Nghĩa ở cao độ cỡ 800, cũng cùng khí hậu cao nguyên như Đạ Nông, ở cao độ khoảng dưới 1000.
Bất chợt, anh Nguyễn La Sắc, hiệu phó phụ trách lao động nhưng vẫn đảm trách thêm việc giảng dạy ngữ văn cho hai lớp thuộc hai khối mười một và mười hai, đi từ cửa phòng phía sau dãy nhà ở tập thể, vòng ra phía trước. Khi thấy Huyên đang đứng ở hành lang, anh cười, vừa đi vừa nói:
- Huyên có tiết dạy sáng nay à? – Anh Sắc nhìn đồng hồ đeo tay –. Còn khoảng hai mươi phút nữa mới đổi tiết, xuống phòng hội đồng ngồi chơi với mình một chút. Mình sẽ bàn với Huyên việc này.
Bước xuống khỏi bậc thềm, Huyên nói vâng và cùng đi với anh Sắc trên lối đi sẫm màu đất nâu đen.
- Huyên này, mình định nhờ Huyên cộng tác với mình để làm một buổi ngoại khoá cho khối mười một. Đề tài thú vị lắm, mình tâm đắc lắm.
- Đề tài cụ thể là gì anh? Liệu em có đóng góp được không?
- Về Nguyễn Du.
- Vậy thì tuyệt vời quá.
Hai người bước vào phòng hội đồng giáo viên qua khung cửa mở phía sau. Đó là nơi có những khung lịch công tác, giảng dạy cá nhân của các giáo viên, bảng thời khoá biểu học tập, đứng lớp của toàn trường và những bộ bàn ghế học trò xếp quanh theo bốn bức vách, chứ chưa có chiếc bàn lớn với những chiếc ghế tựa chung quanh như các trường phổ thông trung học lớn khác, mặc dù đây là trường phổ thông trung học trọng điểm duy nhất của cả tỉnh. Thấy phòng hội đồng lạnh lẽo quá, anh Sắc bảo Huyên:
- Anh em mình qua phòng văn thư uống nước luôn.
Phòng văn thư cùng chung vách với phòng hội đồng và có cửa thông. Thật ra, phòng văn thư cũng chỉ có một bàn giấy của một cô nhân viên kế toán kiêm thư kí văn phòng, diện tích còn lại dành để đặt bàn ghế tiếp khách, cũng là bàn nước, ghế ngồi giải lao hay chờ đến tiết dạy của giáo viên. Cô văn thư đang lục tìm giấy tờ gì đó ở những chiếc tủ bên phòng hiệu trưởng.
Lúc này, chẳng có giáo viên nào ở đây ngoài anh Sắc và Huyên, nước uống cũng chưa có.
- Mình định nhờ Huyên làm giúp mình một phần, trong buổi ngoại khoá đó. – Anh Sắc nói, khi đã đối diện với Huyên, hai người ngồi hai bên chiếc bàn nước –. Nói cụ thể là Huyên đảm trách giúp phần tiểu sử của Nguyễn Du, khai thác và nhấn mạnh rõ những nét cần thiết để làm cơ sở cho phần chính là bài khảo luận thuyết trình của mình.
Huyên hỏi:
- Nhưng chủ đề là gì anh?
- Mình đặt nhan đề là “Nguyễn Du chọn lựa và hối hận vì sự chọn lựa của mình”. Đó cũng chính là chủ đề. – Anh Sắc nói với nét mặt tỏ ra rất tâm đắc –.
Huyên hơi giật mình:
- Hay! Em thấy rất hay đấy. – Huyên cười chia sẻ –. Mặc dù đã kỉ niệm 160 năm ngày mất của Nguyễn Du, cách đây khoảng một tháng, nhưng Nguyễn Du vẫn rất thời sự, trong thời đoạn giao thời này.
Có lẽ anh Sắc cần giấu đi tính thời sự hay sao đó, nên anh nói:
- Thời sự hay không là tuỳ người nghe báo cáo chuyên đề, chứ mình chỉ làm đúng tinh thần khoa học mà thôi. Cuộc đời và tâm trạng Nguyễn Du qua thơ chữ Hán và cả Truyện Kiều của ông như thế nào, mình trình bày lại như thế, chỉ nhằm cung cấp thêm kiến thức cho học sinh khối mười một... Đó cũng là dịp sinh hoạt ngoại khoá của tổ xã hội anh em mình.
Huyên cười:
- Em nhất trí sẽ lo phần tiểu sử Nguyễn Du cho phù hợp với bài báo cáo chuyên đề của anh. Anh “chọn lựa” em cộng tác, anh không phải “hối hận vì sự chọn lựa” của anh đâu!
Cả hai thầy giáo, cách nhau khoảng mười mấy tuổi, cùng thú vị cười thành tiếng.
Bác cai trường, tên Uy, bước vào với chiếc bình nước và khay li tách trên tay:
- Xin lỗi hai thầy, tôi thấy chưa đến giờ ra chơi nên giờ mới có nước trà. Nước trà còn nóng, hai thầy dùng nước nhé. – Bác cai vừa nói vừa rót nước vào hai chiếc li nhỏ, và nhận gần cùng lúc tiếng cảm ơn của hai thầy giáo –.
Sau tiếng chuông ra chơi, nhiều giáo viên đã có mặt ở phòng văn thư cũng là phòng tiếp khách và giải lao ấy. Câu chuyện của anh Sắc và Huyên tạm ngừng lại.
Lúc cùng anh Sắc trên đường đến hai lớp mà mỗi người có tiết dạy, Huyên nói thêm với anh ấy:
- Em sẽ khẳng định một chút về thời đoạn của Nguyễn Du, để ngầm nhấn mạnh giao thời thuở đó khác với giao thời thuở này, kẻo phiền hà anh à.
Nói xong, Huyên đi nhanh đến lớp mình dạy.
2. Sau đó khoảng một tuần, phần chương trình học sinh khối mười một phải học về Nguyễn Du với dạng bài tác giả - tác phẩm sắp hoàn tất để chuẩn bị bước vào phần tác giả - tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, buổi ngoại khoá đã được tiến hành, tại hội trường của nhà trường. Dĩ nhiên phải tổ chức vào buổi chiều. 
Hội trường toạ lạc ở vị trí góc vuông của hai dãy phòng học, gồm một dãy song song với nhà tập thể giáo viên và một dãy đối diện với dãy phòng thư viện, phòng thực nghiệm, phòng giáo cụ, phòng truyền thống... Ba dãy phòng học tập nói chung ấy như ba cạnh của một hình vuông mà ở giữa là sân trường, có cột cờ trước một cây thông cao vút, và đoạn quốc lộ 20 ngang qua trường là cạnh còn lại. Dãy nhà tập thể giáo viên là đường gạch dưới của hình vuông đó.
Chiều hôm ấy, các phòng học đều vắng lặng như mọi buổi chiều. Học sinh thuộc bốn lớp khối mười một đã có mặt tại hội trường. Ngoài ra, còn có thêm một số học sinh giỏi ngữ văn của hai khối lớp kia. Ban giám hiệu, ngoài anh Sắc, còn hai vị nữa – anh San và cô Phú Sơn –, cũng như anh Ích, thư kí công đoàn, cô Nguyên, bí thư đoàn trường, đều đến tham dự. Cũng đến tham dự còn có một số giáo viên tổ tự nhiên.
Sau lời phát biểu rất ngắn của hiệu trưởng, lời giới thiệu cũng rất gọn của tổ trưởng xã hội Lý Phú Lộc, thầy giáo Huyên bắt đầu phần tiểu sử – niên biểu của Nguyễn Du (1765-1820) (1).
Học sinh khối mười một mặc dù đã học tiểu sử Nguyễn Du ở giờ học chính khoá, nhưng đến lúc này, mới thật sự thấy rõ “lí lịch” của bậc thi hào là rất “phức tạp”.
Trước hết, Nguyễn Du được sinh ra, lớn lên và làm quan, làm thơ vào một trong những giai đoạn phức tạp nhất của lịch sử nước ta. Chính tính phức tạp ấy đã góp phần hình thành cho dân tộc ta một thi hào.
Tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh lịch sử: Đó là thời điểm dòng sông Gianh chia cắt đất nước khoảng hai trăm năm thành hai Đàng, Đàng Ngoài và Đàng Trong, trở thành dòng sông thống nhất, nối liền non sông thành một dải, quy về một mối, nhờ vó ngựa, thanh gươm của thiên tài quân sự Tây Sơn Nguyễn Huệ và binh tướng của ông. Nhận định chung là thế, nhưng diễn biến không đơn giản, kết thúc cũng ngoài nhận định đó... Chúa Nguyễn Đàng Trong, trước đó, do sự tấn công của quân Lê – Trịnh, phải rời bỏ Phú Xuân (Huế) để tìm đường bôn tẩu. Sau khi Tây Sơn trở nên hùng mạnh, triều đình vua Lê – chúa Trịnh Đàng Ngoài cũng sụp đổ, lưu vong. Phía Nam, quân ngoại viện Xiêm La tràn qua Nam Kỳ nước ta, liền bị Nguyễn Huệ đánh tan. Phía Bắc, quân Thanh của Trung Hoa vin vào cớ cứu giúp Nhà Lê nhằm thực hiện mưu đồ xâm lược, thống trị cũng bị quét sạch bởi hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Nhưng không bao lâu, triều đại Tây Sơn cũng sụp đổ trước sức phản công của chúa Nguyễn với sự giúp sức của cố đạo Pháp (cha Cả  Pigneau de Béhaine) và một số lính đánh thuê người Pháp (do cố đạo tuyển mộ, không thuộc triều đình nước Pháp). Triều đại Nhà Nguyễn khởi đầu, bằng sự phục hồi vương quyền chúa Nguyễn, bởi Gia Long Nguyễn Ánh, người đã đánh đổ Tây Sơn để thừa hưởng và kế tục sự nghiệp thống nhất đất nước tuy vẫn còn dở dang, chưa trọn vẹn của chính Tây Sơn. Nói khái quát, ngắn gọn hơn: thời đại Nguyễn Du là thời đất nước ta diễn ra cuộc nội chiến giữa ba tập đoàn phong kiến (một, vua Lê – chúa Trịnh; hai, chúa Nguyễn; và ba, Tây Sơn) dẫn đến hai cuộc chiến tranh chống hai lực lượng ngoại bang là quân Tàu Nhà Thanh và quân Xiêm La, đồng thời diễn ra công cuộc thống nhất trọn vẹn bởi sự chiến thắng cuối cùng của một Đàng (chúa Nguyễn Đàng Trong), chứ không phải của lực lượng phong kiến thứ ba (Tây Sơn).
Tìm hiểu sâu hơn về thân nhân ruột thịt của Nguyễn Du: Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, làm đến chức tể tướng (thủ tướng) triều vua Lê chúa Trịnh, là người đã cùng Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy quân lính Đàng Ngoài đi đánh chúa Nguyễn Đàng Trong, chiếm kinh đô Phú Xuân và ruổi quân, truy kích chúa Nguyễn cùng quan binh đến tận Quảng Nam. Đó là trận đánh cuối cùng của Nguyễn Nghiễm, vì ông đã cảm bệnh tại Nam Ô (Quảng Nam), phải quay trở về quê rồi chết, chết trong vị thế là một kẻ thù trực tiếp của chúa Nguyễn. Anh ruột khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Khản, cũng là tham tụng (tể tướng) tại phủ chúa Trịnh. Nguyễn Điều, cũng là anh cùng cha khác mẹ, làm quan cho Lê – Trịnh đến chức đứng đầu một xứ Sơn Tây. Nguyễn Nễ (Nguyễn Đề), anh cùng cha cùng mẹ, cũng làm quan trong phủ chúa Trịnh Đàng Ngoài, nhưng sau đó, chính Nguyễn Nễ, như anh vợ Nguyễn Du là Đoàn Nguyễn Tuấn, kẻ sĩ Bắc Hà, lại làm quan cho Tây Sơn, sau khi vua Lê chúa Trịnh bại vong. Ngược lại, một người anh cùng cha khác mẹ khác của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh, lại theo phong trào “phục quốc” chống Tây Sơn, bị Tây Sơn bắt được, giết chết, và đốt sạch, phá sạch cơ ngơi họ Nguyễn tại Nghi Xuân, Tiên Điền, Hà Tĩnh. Xin lưu ý là Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn vì vua Lê chúa Trịnh, chứ không phải vì chúa Nguyễn. Trong những người anh đó, Nguyễn Nễ là đặc biệt quái lạ, có thể nói là cơ hội chủ nghĩa bậc nhất, vì ông là kẻ đã từng làm quan cho chúa Trịnh, lại làm quan cho Tây Sơn rồi cuối cùng lại làm quan cho Gia Long. Cũng xin lưu ý: Nguyễn Nễ là quan lớn của Tây Sơn, với chức vụ quân đội là hiệp tán nhung vụ, trong khi Tây Sơn vốn là kẻ thù của chúa Nguyễn, và biết đâu đã có lúc Nguyễn Nễ trực tiếp chỉ huy quân đánh quan binh chúa Nguyễn. Nhìn chung về thân nhân Nguyễn Du: hầu hết là quan lớn, lớn nhất hay khá quan trọng, của hai lực lượng thù địch với chúa Nguyễn, trong đó, cha là kẻ thù số một của chúa Nguyễn vì trực tiếp đánh chiếm Phú Xuân (Huế) và truy kích chúa Nguyễn đến tận Quảng Nam.
Tìm hiểu sâu hơn về bản thân Nguyễn Du: Nguyễn Du vốn là một viên quan võ cấp thấp dưới triều vua Lê chúa Trịnh. Khi Tây Sơn chinh phạt vua Lê chúa Trịnh và đánh đuổi quân Nhà Thanh Trung Hoa, Nguyễn Du phải sống ẩn dật suốt mười năm ở quê vợ, tại xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, từ 1787 đến 1796. Khi Nguyễn Du vào lại quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh, “mười năm gió bụi” xem như kết thúc, để mở đầu giai đoạn “ở ẩn dưới chân núi Hồng Lĩnh”. Trong thời đoạn “gió bụi”, ông đã có ý định tham gia phong trào “phục quốc”, cầm gươm chống Tây Sơn, nhưng ý định đó chỉ biểu lộ lấp loé trong thơ, chứ chưa thể hiện thành hành động. Lúc về Tiên Điền, ông cũng từng mưu toan vào Gia Định (Nam Kỳ, Đàng Trong) để phò giúp chúa Nguyễn, chống lại Tây Sơn. Việc bị tiết lộ, nên Nguyễn Du bị quan Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt giam hơn ba tháng. Sau đó, ông được phóng thích, nhờ anh ruột là Nguyễn Nễ, người đã làm quan cho Tây Sơn và cũng thân thiết với Nguyễn Thận, xin Nguyễn Thận tha cho. Sáu năm sau, khi Nguyễn Ánh đã lên ngôi hoàng đế trên đất nước đã thống nhất hai Đàng (hai Miền), ba Phe (ba lực lượng), thành một mối, Nguyễn Du thấy khó lòng từ chối, đã ra làm quan cho triều đại mới của Gia Long, kết thúc giai đoạn “ở ẩn dưới chân núi Hồng Lĩnh”. Từ 1802, khi Nguyễn Du đã 37 tuổi, cho đến, 1820, 55 tuổi, lúc ông qua đời tại Huế do bệnh dịch, Nguyễn Du làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, một thế lực mà trong thời chiến tranh, vốn xem cha ông là kẻ thù trực tiếp, số một. Ông tiến dần từ chức tri huyện cho đến quan hàm cao nhất là Cần chánh điện đại học sĩ, quan chức là hữu tham tri Bộ Lễ (thứ trưởng) và được ban tước hiệu Du Đức hầu. Ông còn được giao phó nhiều trọng trách, như làm chánh sứ, thay mặt triều đình Nhà Nguyễn, sang Trung Hoa. Tuy nhiên, Nguyễn Du làm quan cho triều Nguyễn cũng với nhiều “tâm sự”, “nỗi niềm”, nhiều lần xin cáo quan về quê nghỉ dưỡng bệnh, đến khi mắc bệnh nguy kịch tại kinh đô cũng không muốn uống thuốc điều trị... Nguyên nhân có lẽ một phần xuất phát từ chính tâm lí của ông, còn một phần khác, chủ yếu và trực tiếp hơn, là do lòng ghen tị của quan chức cùng thời, nhất là quan chức Đàng Trong vốn gắn bó với triều Nguyễn từ trước, đặc biệt là trong thời Nguyễn Ánh còn bôn tẩu, chinh chiến. Phải chăng chính cái chết uất của Nguyễn Nễ do sự truy bức của tri phủ Nguyễn Văn Chiêu đã khiến Nguyễn Du luôn lo sợ về những viên quan như Nguyễn Văn Chiêu quanh mình? Có thể không thực sự thấu hiểu lắm, nhưng vua Gia Long cũng đã trực tiếp vừa an ủi vừa trách nhẹ ông: “Nhà nước dùng người, ai giỏi thì cất lên, không hề phân biệt người Bắc, kẻ Nam. Khanh với Ngô Vị đã được vua biết tài mà bổ dụng, làm quan đến chức á khanh (tham tri), biết điều gì cứ nói để làm cho hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè, sợ sệt, chỉ dạ dạ vâng vâng thế thôi” (2).
Nếu gọi đó là “lí lịch” như danh từ hiện tại chúng ta đang sử dụng, thì đúng là “lí lịch” ấy quá phức tạp. Và sự thể quan cũ kể công, moi tội quan mới vừa kịp quy thuận, theo về, xuất phát từ tâm địa so bì, đố kị, thời nào cũng có...
Cuối phần do mình đảm trách, vẫn trước máy vi âm (micro), thầy giáo Huyên nói:
- Qua thân thế - tiểu sử và hành trạng Nguyễn Du, người đương thời và hậu thế nhận thấy triều Nguyễn, cụ thể là Gia Long, Minh Mạng, không xem lí lịch là quan trọng, và tin vào sự tự cải tạo, biến đổi của bản thân từng người. Nhà Nguyễn vẫn sử dụng, cất nhắc lên vị trí quan chức rất cao, không những quan lại, con cháu của những ai đã phục vụ cho triều đại của vua Lê chúa Trịnh cựu thù mà cả những đối tượng như thế thuộc triều đại Tây Sơn vốn cũng là cựu thù của Nhà Nguyễn, và chỉ trừng phạt họ, khi họ chống lại Nhà Nguyễn. Chính điều này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định xã hội Việt Nam – Đại Nam dưới triều Nguyễn, và triều Nguyễn để lại tiếng thơm muôn đời, ít ra là ở chính sách dùng người, sử dụng nhân tài, nguyên khí của nước nhà, của non sông Tổ quốc. – Thầy giáo Huyên nói tiếp –. Hiện nay, về mặt xác định đối tượng phục vụ trong các lĩnh vực công tác, Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ, đó là nhân dân, đất nước, với lòng trung hiếu là “trung với nước, hiếu với dân”, với ý thức “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; và đặc biệt trong lĩnh vực văn chương, với chủ nghĩa biện chứng và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, người học tập, nghiên cứu và sáng tác đã xác định phải hướng ngọn bút của mình vào đất nước, vào nhân dân, chứ không phải dùng văn chương để thể hiện sự gặm nhấm nỗi lòng, uẩn khúc trong tâm tư cá nhân. Chúng ta có tài, có hồn, thì hãy học thay, hãy viết thay cho nhân dân, cụ thể là công nhân, nông dân, học và viết về đất nước, vì đất nước, về nhân loại, vì nhân loại, chứ không phải viết cho cá nhân mình, và dẫu có viết về cá nhân mình thì cũng vì nhân dân, đất nước, vì nhân loại. Vì thế, chủ nghĩa lí lịch trong văn chương hiện nay là vô nghĩa. Nhưng chúng ta cũng nghiên cứu mảng thơ tâm sự cá nhân của Nguyễn Du, để hiểu một nhà thơ lớn thời phong kiến, mang ý thức hệ phong kiến, cuối giai đoạn trung đại trong văn học sử nước ta.
Phần thân thế - tiểu sử của Nguyễn Du, thầy giáo Huyên chỉ trình bày trong khoảng hai mươi phút. Sau đó, buổi ngoại khoá mới đi vào phần chính của đề tài với gần chín mươi phút. Đó là bài báo cáo chuyên đề của thầy giáo Nguyễn La Sắc: “Nguyễn Du đã chọn lựa và hối hận vì sự chọn lựa của mình – tâm sự thi hào qua thơ chữ Hán và Truyện Kiều” (3).
Có một điều đặc biệt là thầy giáo Sắc đã dùng ý tưởng về Từ Hải của một nhà nghiên cứu nổi tiếng, để phân tích hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều, nhằm chứng minh trong cả quãng đời làm quan cho triều Nguyễn, từ Gia Long cho đến đầu đời Minh Mạng, Nguyễn Du vẫn luôn hoài vọng, nuối tiếc Quang Trung Nguyễn Huệ – Nhà Tây Sơn –, chứ không phải hoài vọng, nuối tiếc triều đại vua Lê chúa Trịnh. Anh khái quát: một là, Nguyễn Du chọn lựa việc chống Tây Sơn, nhưng chỉ mới có ý định; hai là, Nguyễn Du chọn lựa việc mưu tính chạy vào Gia Định để phò tá Nguyễn Ánh, bất chấp cha ruột mình là kẻ thù số một, trực tiếp của Nguyễn Ánh, nhưng chưa thực hiện thì đã bị quan Tây Sơn bắt giam; ba là, Nguyễn Du dù muốn dù không cũng đã chọn lựa làm quan trong triều Nguyễn nhất thống, nhưng ông lại hoài vọng, tiếc nuối Tây Sơn, một lực lượng ông từng có ý định chống lại nhằm “phục quốc” cho vua Lê chúa Trịnh hay chúa Nguyễn, vì Tây Sơn là lực lượng hào hùng, oanh liệt nhất. Tâm sự Nguyễn Du là cả một khối mâu thuẫn, luẩn quẩn, luôn chọn lựa và cũng luôn hối hận vì sự chọn lựa của chính ông.
Buổi sinh hoạt ngoại khoá, báo cáo chuyên đề chủ yếu cho học sinh khối mười một hôm ấy, khoảng vào tháng mười 1980, giữa học kì một năm học 1980-1981, được Ban Giám hiệu đánh giá rất cao và học sinh, giáo viên có mặt rất bằng lòng.
Tuy vậy, khi thầy giáo Huyên bước ra khỏi hội trường, dăm học sinh giỏi thuộc cả ba khối lớp mười, mười một, mười hai đi theo, trong đó, có một em khẽ nói:
- Nói như thầy và thầy Sắc, thì vấn đề “chủ nghĩa lí lịch” không quan trọng trên bước đường học hành và làm quan dưới chế độ phong kiến; và dưới chế độ mới hiện nay, “chủ nghĩa lí lịch” trong lĩnh vực học tập, công tác, và cả sáng tác, cũng không còn là vấn đề. Có điều, thưa thầy, trong thực tế, em thấy chính anh ruột của em, năm vừa rồi làm bài rất tốt, nhưng chính quyền địa phương vẫn phê lí lịch rất nặng nề nên không đi học đại học được.
Huyên phải bước về phía dãy phòng học vắng người, rồi ngoắt các em học sinh ấy đến bên cạnh, và anh nói, cũng khẽ thôi:
- Tôi biết trong thực tế xã hội dưới chính quyền mới vẫn còn thực trạng đáng buồn như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn nói trên cơ sở tư liệu sách vở, văn bản nghị quyết, chỉ thị của Đảng (4) và Nhà nước, tôi tiếp thu được, và chủ yếu là bằng suy nghĩ của chính tôi, với hi vọng sẽ góp phần chuyển biến trong xã hội càng sớm càng tốt, ít ra là có sự chuyển biến trong các em, những người sẽ là những cán bộ chính quyền địa phương và cấp cao hơn ở tương lai, chẳng hạn.
 Huyên cười thông cảm với nhóm học sinh ấy, trong khi các em cũng hé miệng cười, nhưng là những nụ cười không trọn vẹn, phân vân, nghi hoặc, không tin lắm vào những lời nói của thầy giáo Huyên về vấn đề lí lịch sẽ được hoá giải hiện nay. Nụ cười của Huyên bỗng tắt ngấm khi anh thoáng thấy một học sinh lớp mười cau mày, tỏ vẻ không đồng ý với anh, chừng như vẫn còn muốn duy trì sự cố chấp về lý lịch.
3. Trong buổi sáng ở Đà Lạt, giữa học kỳ hai năm học 1980-1981, Huyên cùng với Ngàn, giáo viên thể dục, tình cờ gặp hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng giữa đường ven hồ Xuân Hương, rồi cả bốn thầy trò, anh em cùng đến tiệm cà phê Thanh Thuỷ chuyện trò, góp ý. Chính lúc đó, Huyên đã nhớ lại buổi sinh hoạt ngoại khoá ấy giữa học kì một, cách đó chừng sáu tháng thôi, nhưng Huyên thấy không nên nhắc lại làm gì. Ngay cả khi viết thư trả lời lần đầu tiên cho cô học trò Hồng Vàng, thầy giáo Huyên cũng phân vân rồi quyết định không đề cập đến. Huyên cảm nhận ở Hồng Vàng, nỗi khúc mắc, vướng víu, phân vân về việc chọn lựa ngành nghề chuyên môn ngữ văn Việt trong đợt thi vào đại học, hoàn toàn không phải là nỗi băn khoăn, mâu thuẫn, luẩn quẩn của Nguyễn Du. Nguyễn Du chọn lựa triều đại trong “sự rạn vỡ ý thức trung quân Nho giáo”, giữa những trận bão táp máu xương từ ba hướng của thời đại ông, nên Nguyễn Du “chọn lựa rồi hối hận vì sự chọn lựa của mình”. Còn Hồng Vàng, sự chọn lựa của cô học trò lớp mười hai này lại hoàn toàn không phải là sự lựa chọn chế độ chính trị, mà chính là sự lựa chọn có nên hay không nên dấn thân trên con đường học tập, nghiên cứu văn chương hiện hành, và có thể cả sáng tác văn chương nữa. Con đường đó hiện tại vẫn còn nhiều áp đặt, trói buộc, thực dụng chủ nghĩa trong cách giáo dục công dân qua bộ môn ngữ văn chăng? Và liệu có chăng những trận bão táp từ ba khuynh hướng văn chương, lãng mạn, hiện thực phê phán và yêu nước – cách mạng, trong tâm tư Hồng Vàng?... Chính nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà nghiên cứu, phê bình Hoàng Ngọc Hiến, và bao người cầm bút khác nữa, kể cả bản thân Huyên, cũng thao thức, về hiện thực hiện có bị chính họ “tô hồng” bằng hiện thực nên có trong văn chương, về đặc điểm chung nhất của văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta là “hiện thực ‘phải đạo’”. Không ai nghĩ rằng hai tác giả ấy qua đó thể hiện sự chọn lựa chế độ chính trị. Các tác giả khác cũng thế, Huyên cũng thế. Thậm chí, không một ai phủ nhận tác phẩm trước đó của mình, cho dù họ ít nhiều có cảm giác thiếu trung thực vì “phải đạo” trong quá khứ. Chẳng hạn, lẽ nào hình tượng con người mới là hình nhân không băn khoăn, trăn trở, không biết tự vấn, mà thẳng tuột, luôn luôn lạc quan, xốc tới... Giới cầm bút chỉ muốn một sự cải cách, đổi mới, để văn chương phát triển, vận động đúng với quy luật nội tại của chính nó, và họ được trung thực hơn mà thôi. Còn ở Hồng Vàng, có thể giản dị, cụ thể là học làm gì, dấn thân theo con đường văn chương làm gì, khi văn chương bị chế giễu, chê bai đến thế!... Và điều thầy giáo Huyên đã góp ý cho cô học trò Hồng Vàng cũng đơn giản chỉ là, cứ dấn thân trên con đường văn chương theo sở thích, năng khiếu của mình, vì con người đi vào đời, tạo lập sự nghiệp bản thân, phục vụ xã hội, mà sai lạc với thiên tư, tư chất bẩm sinh của bản thân là con người hỏng, không phát huy đúng tài sức bản chất của mình. Đồng thời, anh muốn động viên Hồng Vàng, hãy cố gắng, kiên quyết không thụ động học tập, không thụ động nghiên cứu, và cũng không thụ động cả trong sáng tác nữa nếu Hồng Vàng có dự định sáng tác, mà với ý thức góp phần tích cực tác động vào tiến trình, để văn chương đích thực là văn chương, tự do sáng tác phải thật sự tự do, và tự do đó phải gắn liền với chân thiện mĩ (thật - tốt - đẹp)...
Nhưng thầy giáo Huyên không muốn làm rối trí Hồng Vàng, vì thời gian ôn thi, luyện thi chỉ còn hơn hai tháng nữa... Dẫu sao vào cuối tháng ba năm 1981 ấy, buổi ngoại khoá cách đó khoảng sáu tháng về Nguyễn Du do đồng nghiệp lớn tuổi hơn – anh Nguyễn La Sắc – tổ chức và trực tiếp báo cáo chuyên đề, Huyên chỉ đóng góp phần nhỏ, đã được đánh thức, khơi dậy lại, trong tâm trí Huyên... Và cũng từ sự góp ý cho cô học trò Đà Lạt tên Hồng Vàng, thầy giáo Huyên cũng đang nhớ lại một “sự cố” khác trên con đường giảng dạy, nghiên cứu văn chương, trong năm học này, tại Đạ Nông...
Chú thích:
(1) Trần Xuân An (1980), tham khảo từ nhiều tư liệu, như: Nguyễn Du, “Truyện Kiều”, Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, Trương Chính biên soạn phần niên phổ, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp tái bản, 1976, tr. 495-509.
(2) Đã đối chiếu: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện”, tập 2, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 335-336.
(3) Bài nghiên cứu của nhà giáo Nguyễn Diệp, tháng 10-1980.
(4) Chỉ thị của Ban Bí thư, số 66 - CT/TW., ngày 26-02-1979: “Về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ ở Miền Nam”, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005

Trần Xuân An 
Theo http://www.tranxuanan-writer.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh 11 Tháng Mười, 2022 Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chấ...