Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Hồ Thế Hà và hành trình khám phá bản thể thơ ca, giải mã chân dung thi sĩ

Hồ Thế Hà và hành trình khám phá bản thể 

thơ ca, giải mã chân dung thi sĩ     

    (Đọc Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và 
Chân dung của Hồ Thế Hà)
Hồ Thế Hà được biết đến như một tác giả đa-di-năng/ đa dạng, và ở bất kì vai trò nào ông cũng tạo cho mình một dấu ấn riêng: một nhà giáo tâm huyết, nhiều cống hiến; một nhà thơ tài hoa, giàu sáng tạo; một nhà khoa học uy tín, nhiều thành tựu. Bằng tinh thần làm việc say mê, nghiêm túc; thái độ cầu thị, trách nhiệm; tâm thế khai phóng, sáng tạo; ngay từ những trang viết đầu tiên, ông đã buộc người khác phải ứng xử với mình như một cái tôi văn hóa, một nhân cách khoa học bản lĩnh, một nghệ sĩ nhiệt tâm. Có thể nói, một trong những mảnh ghép quan trọng nhất kết nối cái đa dạng trong chỉnh thể thống nhất, làm nên “căn cước”, “bản mệnh” Hồ Thế Hà, đó là thơ ca. Bên cạnh sáng tác (1), ông được biết đến như một chuyên gia về thơ với nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu thơ ca. Tính từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi tập tiểu luận - phê bình đầu tiên được trình làng (Sức bền của thơ, 1993) đến nay, ông đã in riêng 9 tập chuyên luận, tiểu luận - phê bình văn học (2), in chung và chủ biên hơn 20 tập chuyên luận, tiểu luận - phê bình văn học. Trong đó, có không ít những công trình được các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình, đông đảo công chúng độc giả đánh giá cao, và được vinh danh tại các giải thưởng về văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương.
Điều dễ dàng nhận thấy trong gần 30 năm cầm bút của Hồ Thế Hà là sự chuyên nghiệp và tính hệ thống trong chuỗi các công trình đã và sẽ công bố. Với ba chiều cạnh trung tâm được xác lập xoay quanh những vấn đề về thơ ca là ý hướng tính khoa học và trực giác nghệ thuật; lý thuyết và phương pháp tiếp cận; diễn ngôn nghiên cứu, phê bình, ông đã tạo nên phong cách, bản sắc không lẫn với bất kỳ nhà nghiên cứu, phê bình trước và cùng thời với ông. Muốn hiểu Hồ Thế Hà, không còn cách nào khác, người ta cần phải tôn trọng và đọc vào hệ thống của ông (mặc dù ông quan niệm đó là một hệ thống động và mở). Và một lần nữa, tính đa dạng và nhất quán từ quan niệm đến thực hành nghiên cứu, phê bình được thi triển sinh động, sắc nét trong chuyên luận mới nhất: Thơ Việt Nam hiện đại - thi luận và chân dung (Nxb. Hội Nhà văn, 2018). Như một cách đọc âm bản công trình này, chúng tôi khước từ cách đọc tuyến tính, riêng rẽ, để lặn sâu vào cấu trúc bên trong, nhận diện ý hướng tính chủ đạo, hệ thống phương pháp xuyên suốt, lối trình bày nhất quán, và cái mục đích cốt tủy mà cuốn sách hướng đến.
1. Sự hài hòa, thuần thục ý hướng tính khoa học và trực giác nghệ thuật
Với một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, việc xác định ý hướng tính khoa học là điều tối quan trọng. Bởi lẽ dù anh ta có lựa chọn đối tượng đa dạng như thế nào, phương pháp tiếp cận phong phú đến đâu, hay lối diễn giải biến ảo ra sao, thì ý hướng khoa học cần phải được tỏ lộ và biểu hiện nhất quán, xuyên suốt. Có như vậy, những bài viết của anh ta, dù dưới dạng bình/điểm, tiểu luận - phê bình, hay chuyên luận mới có cơ may tạo thành một chỉnh thể thống nhất, góp phần giải quyết những vấn đề một cách toàn diện, nhiều chiều. Không chỉ có ý hướng tính khoa học, trực giác của người nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng cần thiết không kém. Đó là giây phút đắm chìm trong suy tư, trượt ra ngoài tư duy logic, thu trọn trong “giác quan thứ sáu”, giúp họ có thể đón bắt những khoảnh khắc bất chợt, dù chưa thành hình, song có thể là khởi đầu cho một ý tưởng khoa học độc đáo.
Theo dõi các công trình của Hồ Thế Hà từ những năm đầu thập niên 90, người đọc có thể dễ dàng nhận ra sự hài hòa giữa ý hướng tính khoa học sâu sắc và trực giác nghệ thuật nhạy bén. Đó thực sự là một hành trình dài lâu với nhiều thức nhận, trầm tư, khai phóng nhằm tiệm cận, luận giải các vấn đề thơ từ hiện tượng, chân dung, phong trào, đến lý thuyết, bản chất, tiến trình thơ. Từ chung đến riêng, từ khái quát đến cụ thể (và ngược lại), các công trình của Hồ Thế Hà đã mở ra những góc nhìn mới, đồng thời là những kiến giải, phát hiện mới về thực thể thơ, một trong những lĩnh vực phong phú, phức tạp bậc nhất của đời sống văn học Việt Nam.
Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung, theo tôi, là một bước ngoặt đáng kể trong chặng đường nghiên cứu của Hồ Thế Hà. Bởi lẽ trong công trình này, ông dành phân nửa để luận về thơ, bao quát, hệ thống tiến trình gần 90 năm vận động, đổi mới, phát triển của thơ Việt Nam hiện đại kể từ thời điểm phong trào Thơ mới xuất hiện (1932). Một chặng đường dài, phức tạp, nhiều khúc quanh, không dễ để nhận diện, khái quát nếu người viết không đủ tài năng, bản lĩnh, và cả sự mạo hiểm, dấn thân. Lựa chọn thời điểm này để công bố (mặc dù một số bài viết đã được giới thiệu trong nhiều năm trước đó) cho thấy sự thận trọng cần thiết của Hồ Thế Hà. Sau hơn ba mươi năm giảng dạy, sáng tác, nghiên cứu, sống trải trong từng thời khắc trọng đại của đất nước; với tài năng, đam mê, kinh nghiệm, cùng độ lùi thời gian cần thiết để nhìn lại, đủ để ông tiếp cận, làm chủ, diễn giải vấn đề một cách thấu đáo, đáng tin cậy. Dĩ nhiên, đây không đơn thuần là sự đột khởi mà tất cả đã nằm trong “dự đồ văn chương” của Hồ Thế Hà từ những bài viết đầu tiên, có thể xa hơn, như một bản mệnh được xác quyết ngay từ khi ông sinh ra trên mảnh đất Bình Định, nơi tụ hội những vì sao sáng của thơ ca Việt hiện đại.
Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung chính là sự tiếp nối những trầm tư, suy tưởng của ông về bản thể thơ ca sau nhiều chuyên luận, tiểu luận - phê bình văn học đã được công bố. Trước và cùng thời với ông đã xuất hiện không ít nhà nghiên cứu, phê bình tài danh đạt được những dấu ấn quan trọng trong nghiên cứu thơ ca trên nhiều bình diện. Hồ Thế Hà tự nhận mình là “người đến sau” với tâm thế tôn trọng, kế thừa, và cả sự cố gắng, đối thoại đa chiều. Với tài năng và bản lĩnh, ông tìm kiếm cho mình một nẻo đường riêng, dù ông biết đó là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí có phần rủi ro. Hai mươi tám tiểu luận chia đều trong hai phần Thi luận và Chân dung, là minh chứng sinh động nhất khẳng định ý hướng tính khoa học của ông.
Khởi đầu cuộc hành trình, Hồ Thế Hà đã đặt ra câu hỏi mang tính bản thể luận: “Thơ là gì?” Với câu hỏi tưởng dễ mà khó này, ông đã đi từ đặc trưng loại thể/thể loại trong sự đối sánh với các loại hình nghệ thuật/các thể loại khác, kết nối lịch sử quan niệm về thơ từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây, để có cái nhìn thấu đáo, nhiều chiều về những cạnh khía khác nhau trong quan niệm về thơ. Trên tinh thần kế thừa và đối thoại, ông xác lập cho mình một quan niệm nhất quán về thơ: “Thơ là một thông điệp thẩm mỹ nhân văn đặc biệt được tổ chức và tư duy bởi hệ thi pháp của một ngôn ngữ cụ thể để tạo nên chỉnh thể nghệ thuật độc đáo nhằm đem lại cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ bất ngờ” [tr.18] (3). Kể từ đây, lý thuyết về thơ của ông được diễn giải trong một hệ thống chặt chẽ, khoa học từ hình tượng cái tôi trong thơ trữ tình, chất liệu sáng tạo - ngôn ngữ, cái hàm ẩn, súc tích và những khoảng lặng trong ngôn từ, tính triết lý và giá trị nhân văn trong thơ, vai trò đồng sáng tạo của người đọc… Hệ thống này không chỉ dừng lại trong phạm vi lý thuyết thuần túy mà được chính ông thực hành trong tư cách chủ thể sáng tạo (nhà thơ) và chủ thể tiếp nhận (nhà nghiên cứu, phê bình). Hồ Thế Hà đã vượt thoát cái nhìn tản mạn, chi tiết, để trình hiện những trầm tư khái quát, tổng thể về các vấn đề của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Về tiến trình thơ, ông không chỉ tìm hiểu theo tiến trình thời gian mà bao quát cả những không gian văn học khác nhau. Trong từng không gian đa dạng ấy, ông phát hiện, lý giải tấm mạng lịch sử, xã hội, thiết chế văn hóa, khung tri thức thời đại đan dệt nên ngôi nhà hữu thể - ngôn ngữ cùng hệ giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng triết - mỹ phổ quát, hệ thi pháp độc đáo, riêng khác. Thơ Việt Nam hiện đại được ông bao quát trong nhiều chặng đường; trên hành trình ấy, ông phác họa chân dung, phong cách của những nhà thơ có nhiều thể nghiệm và cách tân, với nhiều hệ hình khác nhau.
Để nhận diện tiến trình thơ Việt, nếu Đỗ Lai Thúy xác lập và dựa vào lý thuyết hệ hình (4), Nguyễn Đăng Điệp quan tâm đến những dấu hiệu chuyển đổi hệ hình tư duy (5), thì Hồ Thế Hà lại khám phá hệ giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng triết - mỹ, hệ thi pháp đặc trưng làm cơ sở cho lối nhìn về lịch sử thơ Việt Nam hiện đại. Cách làm này vừa khước từ phương pháp tiếp cận và lối viết lịch sử văn học truyền thống đi từ bối cảnh lịch sử, xã hội, lực lượng sáng tác, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, vừa tạo điểm nhấn khác biệt so với lý thuyết hệ hình và chuyển đổi hệ hình của Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Đăng Điệp. Không những vậy, nếu nhìn xuyên suốt trong hệ thống công trình của Hồ Thế Hà, đây là tư duy nhất quán. Một mặt, ông vẫn khởi đi từ không gian văn hóa, xã hội, lịch sử, thời đại, điểm xuyết những gương mặt tiêu biểu cho mỗi giai đoạn, nhưng mặt khác, quan trọng hơn, ông dựa vào hệ tiêu chí về văn hóa, tư tưởng, thi pháp để dựng khung tiến trình văn học, phác thảo phong trào, hiện tượng thơ, chân dung thơ. Với cách làm này, ông đã tạo tác bức tranh thơ ca trong mỗi giai đoạn, từng phong trào bằng những nét chính từ cảm quan về hiện thực và con người, hệ đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo, khuynh hướng, thể loại, hệ hình thơ, đến không gian, thời gian, ngôn từ nghệ thuật... Có thể nói, Hồ Thế Hà đã có một lối nhìn khác, và quan trọng hơn, một lối viết khác về tiến trình thơ Việt Nam hiện đại.
Ông kiến giải những bước chuyển của thơ ca Việt Nam hiện đại như là kết quả của sự kế thừa, cách tân, chuyển dịch hệ giá trị, hệ tư tưởng và hệ thi pháp từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Điều này giúp ông có những luận điểm xác đáng, khách quan trong việc khẳng định vị thế của các phong trào, hiện tượng thơ trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại, đồng thời đưa ra những phân tích thuyết phục, thấu đáo nhằm trả lời cho câu hỏi tại sao chưa có phong trào thơ Hậu hiện đại ở Việt Nam. Một mặt, ông ghi nhận sự tồn tại của xu hướng sáng tác theo lối thơ Tân hình thức và thơ Hậu hiện đại trong đời sống văn học Việt Nam đương đại; mặt khác, ông khẳng định, đó chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, chưa tạo được phong trào với hệ thi pháp vững chắc, vừa ổn định vừa vận động như Thơ mới (1932-1945) hay thơ ca Cách mạng (1945-1975). Bởi lẽ, những hiện tượng này về mặt sáng tạo, chưa tạo nên hệ giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng triết - mỹ để hóa thân trong hệ thi pháp thống nhất trong sự đa dạng: thi pháp tác giả, thi pháp phong trào, thi pháp thời đại; về mặt tiếp nhận, các tác phẩm chưa dành được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Từ đây, ông đề xuất những chuẩn mực của thơ và nhà thơ cần đạt để có thể định vị trên bản đồ thi ca Việt. Rõ ràng, Hồ Thế Hà đã trình hiện một cái nhìn điềm tĩnh, giàu suy tư về các vấn đề của thơ ca Việt Nam hiện đại. Một ngòi bút già dặn, từng trải, hòa trộn trong một tinh thần đối thoại, tranh luận thiện chí, khách quan, cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm của một nhà nghiên cứu thực thụ và sự xông xáo, quyết liệt của một nhà phê bình tài hoa, có cá tính.
Hệ thống lý thuyết về thơ được xác lập ngay từ đầu chính là tiêu chí để ông lựa chọn những chân dung thơ Việt Nam hiện đại trong Phần thứ hai: Chân dung. Mười bốn chân dung không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, tùy hứng, mà tất cả phải thích ứng với hệ thống nhất quán, xuyên suốt về thơ ca. Có thể chưa hoàn toàn bao quát đầy đủ, song các nhà thơ được lựa chọn là những gương mặt tiêu biểu cho hệ giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng triết - mỹ, hệ thi pháp trong không gian văn hóa, lịch sử của thời đại, trong một phong trào, khuynh hướng, hiện tượng mà họ thuộc về. Lẽ cố nhiên, những tài năng thơ họ vừa “con đẻ” của thời đại họ vừa vượt thoát vươn đến thời đại khác, đó còn chưa kể không ít tác giả đường thơ vắt ngang qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ, nhiều phong cách.
Nhờ ý hướng khoa học nhất quán và trực giác nghệ thuật nhạy bén, Hồ Thế Hà đã kiến giải thi pháp, phong cách độc sáng của Hàn Mặc Tử qua tư duy nghệ thuật thơ hiện đại và tư duy tôn giáo; nhận ra người lạ mặt Chế Lan Viên giữa thế giới điêu tàn với kiểu tư duy triết lý, suy tưởng về “niềm kinh dị”; thức nhận sự đa dạng, biến ảo trong tính hệ thống, chỉnh thể với cảm hứng triết mỹ - nghệ thuật lục bát Huy Cận; đồng cảm với bản mệnh đời - bản mệnh thơ gắn với tinh thần, tư tưởng, triết mỹ, tôn giáo của Bùi Giáng; ngỡ ngàng với Hữu Thỉnh trong khả năng nắm bắt và cảm nhận đời sống ở dạng uyên nguyên, minh triết; chia sẻ thiên tính nữ bao la, uyên nguyên và nhân văn trong thi giới Xuân Quỳnh; thấu hiểu cảm thức hiện sinh trong cái tôi cô đơn và lưu vong của Hoàng Vũ Thuật; đồng hành cùng Lâm Thị Mỹ Dạ trong hành trình thơ đầy khắc khoải từ thời chiến sang hậu chiến; giải mã những mẫu gốc trong vô thức và hữu thức sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều; thích thú với khả năng tạo sinh nghĩa biến ảo, kỳ thú trong thơ Mai Văn Phấn; góp nhặt những mảnh vỡ tiềm thức, gọi về những suy tư lớn về đất nước, nhân dân, con người trong thơ Nguyễn Hoa; trăn trở cùng Trịnh Công Lộc trong những vần thơ giàu suy tư, đậm triết lý về nhân dân, đất nước, con người và môi trường sinh thái; và đồng cảm cùng Lê Khánh Mai về duyên mệnh thơ ca và sứ mệnh thi sĩ trong cái nhìn khắc khoải, đắm say về cuộc đời và con người.
Ở bất kỳ trang viết nào, người đọc cũng nhận ra những nhận định có chủ kiến cùng một cái nhìn phức hợp, đa chiều của Hồ Thế Hà. Những nhận định ấy rõ ràng một phần nào đó đã được thử thách và kiểm nghiệm từ chính kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ, hành trình sáng tạo và thành tựu nghiên cứu trải dài trong suốt hơn 30 năm của Hồ Thế Hà. Với những gì đã làm được trong chuyên luận mới này, ông đã có đóng góp không nhỏ vào việc tạo dựng lý thuyết thơ, xác lập tiến trình thơ, định vị phong trào thơ, giải mã hiện tượng thơ và khám phá chân dung thơ.
2. Sự đa dạng, hiện đại của lý thuyết và phương pháp tiếp cận
Hồ Thế Hà từ khi bén duyên với thơ ca trên hai tư cách chủ yếu: chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận đã không ngừng trầm tư về các vấn đề thuộc bản thể thi ca, bản mệnh thi sĩ và bản sắc con chữ. Ông đã âm thầm kiến tạo cho mình một nẻo đường riêng, dài lâu và chuyên sâu về chủ đề mà mình nghiên cứu. Một phong cách làm việc chuyên nghiệp được thể hiện rõ nét trong các phương pháp và lí thuyết tiếp cận. Dù chỉ là một bài bình thơ ngắn, một tiểu luận dài hơi, hay một công trình công phu, ông luôn lựa chọn cho mình một điểm tựa từ hệ giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng triết - mỹ và hệ thi pháp, phong cách.
Những nhà thơ được Hồ Thế Hà lựa chọn nằm trong hệ thống mà ông đã xác lập, đặc biệt, các tác phẩm của họ luôn được cộng đồng độc giả đón nhận nồng nhiệt. Những gương mặt thơ ấy phần nào đã định hình trong hiểu biết và kinh nghiệm cộng đồng diễn giải, đồng thời thành tựu nghiên cứu, phê bình của những người đi trước đã có một độ dày đáng kể; buộc ông phải kiếm tìm cho mình một nẻo đi riêng để tránh dẫm lên hành trình của nhà nghiên cứu, phê bình trước đó.
Với ý hướng nghiên cứu “đi từ gốc”, mỗi vấn đề và hiện tượng thơ ca luôn được Hồ Thế Hà soi rọi dưới ánh sáng của hệ tư tưởng triết - mỹ: triết học văn hóa/ liên văn hóa, triết học lịch sử, triết học ngôn ngữ, triết học hiện sinh, triết học nhân bản, mỹ học phương Tây, mỹ học phương Đông, mỹ học tiếp nhận hiện đại. Nhờ vậy, công trình của ông thoát khỏi kiểu cảm nhận thuần túy cảm xúc, để vươn tới tầm tư tưởng, triết - mỹ trong một chỉnh thể khái quát, thống nhất. Trên nền tảng ấy, những tiểu luận của Hồ Thế Hà vận dụng sáng tạo nhiều thủ pháp trên nền chính của lý thuyết, phê bình văn học hiện đại. Từ lý thuyết thi pháp học, ông giải mã phong cách “Chế Lan Viên - người lạ mặt giữa thế giới điêu tàn”; nhận diện “Các dạng thái của cái tôi trữ tình trong thơ Bích Khê”; khảo nghiệm tính “Triết mỹ lục bát của Huy Cận trong Lửa thiêng”; diễn giải “Bản mệnh thơ Bùi Giáng” gắn với cảm thức hiện sinh; bước vào “Thế giới tương hợp trong thơ Hoàng Vũ Thuật”. Từ tư duy tôn giáo và triết học liên văn hóa, ông khám phá “Thế giới biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử - từ đạo nguồn đến nghệ thuật”. Với điểm tựa phê bình phân tâm học và cổ mẫu, ông phân tích sự “tương hợp và đa thanh” trong thơ Hữu Thỉnh; tìm về những mẫu gốc ám ảnh tuổi thơ trong thơ Nguyễn Quang Thiều; phát hiện “Những mảnh vỡ tiềm thức trong thơ Nguyễn Hoa”. Qua lý thuyết giới và âm hưởng nữ quyền, ông kiến giải “Thiên tính nữ trong thi giới Xuân Quỳnh”, phác thảo hành trình thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, soi tỏ duyên mệnh thi ca Lê Khánh Mai. Từ phê bình hiện tượng luận và tâm thức hậu hiện đại, ông phân tích “Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn”. Dưới góc nhìn phê bình sinh thái, ông luận giải “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ Trịnh Công Lộc”. Mười bốn tiểu luận - phê bình về chân dung, phong cách các nhà thơ đều rất công phu, với trữ lượng khoa học cao trong một dung lượng lớn, trình hiện một cách đọc khác, một lối trình bày riêng của Hồ Thế Hà. Ở đây, chúng tôi xin dừng lại điểm qua một số chân dung được ông khám phá, giải mã, cho thấy sự đa dạng, hiện đại trong lý thuyết tiếp cận, qua đó là những phát hiện, kiến giải mới về những hiện tượng tưởng chừng như đã cạn kiệt cách đọc.
Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Huy Cận là những ngôi sao sáng trong phong trào Thơ mới (1932-1945). Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, phê bình về họ với những phương pháp tiếp cận đa dạng như phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa - lịch sử, phê bình phân tâm học, phê bình từ lý thuyết thi pháp học… Tuy nhiên, với những nhà thơ lớn, phức tạp, thơ ca của họ như những sinh thể nghệ thuật luôn vẫy gọi sự tìm tòi, thể nghiệm bằng những lối vào khác nhau. Trong số những nhà thơ ấy, Hồ Thế Hà có hẳn một chuyên luận riêng dành cho Chế Lan Viên - Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2006). Đây được xem là một trong những công trình công phu và hay nhất cho đến nay nghiên cứu về thơ Chế Lan Viên. Tiểu luận “Chế Lan Viên - người lạ mặt giữa thế giới điêu tàn” in trong phần Chân dung như là một sự bổ sung, phát hiện mới của Hồ Thế Hà. Ông phân tích tư duy hỗn hợp biểu hiện trong khách thể thẩm mỹ mang tính tưởng tượng, hư cấu, siêu hình và chủ thể sáng tạo mang tính cực đoan, thần bí, quái đản, để khái quát nên kiểu tư duy triết lý, suy tưởng đặc trưng phong cách thơ Chế Lan Viên (điều đã được ông xác quyết từ chuyên luận trước đó). Trên cơ sở triết học phương Đông khúc xạ, hóa thân trong thi pháp thể loại, thi pháp hình thức, Hồ Thế Hà đã khám phá chất triết mỹ trong thơ lục bát Huy Cận. Ông nhận diện chất thơ, hồn thơ đa sắc; sự chuyển dịch của không gian - thời gian theo trục hiện sinh trần thế; sự đa dạng, biến ảo của hình thức thể loại; sự minh triết, điêu luyện của ngôn từ; tất cả hòa quyện làm nên phong cách độc sáng của thể loại lục bát mang bản sắc Huy Cận: triết mỹ - nghệ thuật - tư tưởng.
Với Hàn Mặc Tử, Hồ Thế Hà có một tiểu luận nghiên cứu công phu, xuất sắc. Hành trình nghiên cứu, phê bình về Hàn Mặc Tử ghi nhận dấu ấn phê bình ấn tượng của Hoài Thanh, Hoài Chân, phê bình tiểu sử của Trần Thanh Mại, phê bình thi pháp phong cách của Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Lý Hoài Thu, Chu Văn Sơn... Với tiểu luận “Thế giới biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử - từ Đạo nguồn đến Nghệ thuật”, Hồ Thế Hà đã mở ra cho mình một hướng tiếp cận riêng, độc đáo, với nhiều phát hiện, kiến giải thú vị. Từ tư duy tôn giáo trên nền tảng triết học liên văn hóa, ông khám phá ngọn nguồn của những biểu tượng đặc sắc trong thơ Hàn Mặc Tử như Trăng - Hồn - Máu được khởi sinh từ Đức Chúa trời và những điển tích trong Kinh Thánh, góp phần làm nên thi pháp và phong cách độc sáng của “ngôi sao chổi” trên bầu trời thi ca Việt.
Từ phê bình cổ mẫu - phân tâm học chất liệu của Gaston Bachelard, Hồ Thế Hà đã dẫn dụ người đọc vào thế giới hình tượng và ngôn từ nghệ thuật của Hữu Thỉnh. Sự xuất hiện thường xuyên của các hình ảnh mang tính biểu tượng như khu vườn, cánh đồng, con đường, dòng sông, bầu trời, mặt đất, mẹ, em, cỏ hoa, hương thơm… trong thơ Hữu Thỉnh, theo nhà nghiên cứu đều có sự liên hệ máu thịt, tương tác nhau được tái sinh từ bốn nguyên tố mẫu gốc của nhân loại: nước, lửa, đất và không khí. Qua việc phân tích những biểu hiện sinh động của các mẫu gốc (nguyên sinh và phái sinh), tác giả đã cho thấy sự đa dạng và đa nghĩa trong thơ Hữu Thỉnh. Kết nối các biểu tượng với tâm lý học sáng tạo và vô thức sáng tạo, Hồ Thế Hà giải mã sự đa thanh trong ngôn từ thơ Hữu Thỉnh như là biểu hiện thi pháp, làm thành phong cách cá nhân nhà thơ. Cũng dẫn lối vào từ những cổ mẫu, nhưng khác với thế giới tương hợp và đa thanh của Hữu Thỉnh, Hồ Thế Hà phát hiện những ám ảnh, mặc cảm ấu thơ đã hóa thân thành máu thịt, “làm thành vết sẹo trong tâm hồn”, “bỗng một ngày bừng thức, cựa quậy trong suy nghĩ, trong những thao thức đêm”, “tạo thành chấn tích thi ca về một khách thể thẩm mỹ riêng, có sức lay động và day dứt” trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Hình tượng làng Chùa (Đất), ngọn đèn dầu (Lửa), dòng sông Đáy (Nước), cùng những hình tượng tái sinh từ mẫu gốc như người bà bất hạnh, người cha hư vô, những người đàn bà mang thiên tính nữ cao đẹp; hay sự cải biên mẫu gốc trong quá trình tiếp xúc với thế giới hiện đại phương Tây… tất cả đã kết tinh thành những trầm tích văn hóa trong tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều.
Không chỉ khám phá cấu trúc nội tại của văn bản ngôn từ, những nghiên cứu, phê bình của Hồ Thế Hà còn mở rộng, nối kết những thực thể văn chương trong sự tương tác với những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, thời đại. Ông quan niệm, tác phẩm không chỉ là văn bản, mà là văn bản và sự đọc, tức là không chỉ có nghĩa chủ ý mà còn có nghĩa kiến tạo. Ông sắm vai người đọc để phát hiện, kiến giải những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của tác phẩm, và quan trọng hơn, nhằm tạo sinh nghĩa, làm dôi nghĩa của văn bản. Nghiên cứu, phê bình với Hồ Thế Hà là hành vi đồng sáng tạo với tác giả.
Trong những năm gần đây, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình thông diễn học lấy người đọc làm trung tâm, nổi lên như các hướng nghiên cứu mở, giàu tiềm năng. Hồ Thế Hà đã vận dụng nhuần nhuyễn những thành tựu lý thuyết mới mẻ đó để giải mã những hiện tượng thơ Xuân Quỳnh, Trịnh Công Lộc, Mai Văn Phấn, Lâm Thị Mỹ Dạ và Lê Khánh Mai. Ông đã nối kết văn bản ngôn từ thơ ca với những vấn đề giới/ nữ quyền, vấn đề sinh thái, hay sự hỗn độn, vô nghĩa lý trong tâm thức xã hội hiện đại/ hậu hiện đại… Khi nhân loại đang phải đối mặt với trình trạng mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, hậu quả tất yếu của quá trình đô thị hóa và sản xuất công nghiệp. Với tư cách người nghệ sĩ có lương tri và trách nhiệm, Trịnh Công Lộc đã thể hiện sự trăn trở, khắc khoải về các vấn đề mang tầm phổ quát của nhân loại, nhân sinh, nhân tính. Từ góc nhìn phê bình sinh thái nhân văn, Hồ Thế Hà đã phát hiện ra những tiêu điểm thẩm mỹ đặc sắc trong thơ Trịnh Công Lộc. Thế giới nghệ thuật thơ Trịnh Công Lộc trong sự diễn giải của ông đầy những biểu tượng ám dụ từ hình tượng đến ngôn từ. Ông đã khái quát lên thi pháp đối cực, đối trọng, thi pháp phản biện, đối thoại nhằm thể hiện những vấn đề trường cửu về thế giới và con người trong thơ Trịnh Công Lộc.
Phải thuần thục, am tường lý thuyết, phải thẩm thấu, sành sõi văn chương, phải tài hoa, lịch lãm đến chừng nào đó mới có thể giúp Hồ Thế Hà viết được những trang nghiên cứu, phê bình vừa đậm chất lý luận giàu mỹ cảm, vừa khoa học vừa tinh tế đến vậy. Rõ ràng, những nhận định, kiến giải của Hồ Thế Hà được xây dựng trên một cơ sở khoa học vững chắc và một trực giác nghệ thuật tinh tế, chứ không phải từ tình cảm yêu ghét thuần túy, lại càng không phải phát xuất từ những quan điểm phi khoa học. Điều này một lần nữa khẳng định phẩm chất, tài năng và bản sắc khoa học của ông trên hành trình khám phá, giải mã những thực thể thơ Việt hiện đại.
3. Sự tinh tế, sáng tạo trong diễn ngôn nghiên cứu và phê bình văn học
Trong chuyên luận của mình, Hồ Thế Hà đã cho thấy sự hài hòa, thống nhất tư duy của một nhà lí luận, nhà phê bình, một nhà văn học sử, một chủ thể sáng tạo và một chủ thể tiếp nhận. Sự tương hợp, cộng hưởng của hệ thống này thể hiện rõ nét trong diễn ngôn nghiên cứu, phê bình của ông. Ở đó, chúng ta nhận rõ sự hàn lâm, uyên bác của tư duy lý luận, triết - mỹ; sự tinh tế, biến ảo của tư duy phê bình; sự biện chứng, khái quát của tư duy văn học sử; sự mềm mại, tinh tế của tư duy sáng tạo. Hồ Thế Hà đã thể hiện rõ bản sắc khoa học, cái tôi cá nhân của mình từ những nhận định có tầm khái quát, sâu rộng đến những kiến giải cụ thể, riêng lẻ.
Với kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ với tư cách là chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận, ông đã đồng cảm, đồng hành với mỗi nhà thơ trong từng quan niệm về thơ, về sứ mệnh nhà thơ. Trong tâm thế người sáng tạo, ông hiểu hơn ai hết quy chế vận hành tâm lý và hành vi sáng tạo; với tư cách người nghiên cứu, ông luôn hướng tới sự khái quát, đối thoại trong từng nhận định, luận giải về các chiều kích đa dạng của thơ ca. Chúng ta có thể nhận diện diễn ngôn khái quát, luận giải, đối thoại xuất hiện đều đặn trong mỗi tiểu luận, xoay quanh trục chính là mối quan hệ giữa thơ ca - nhà thơ - độc giả. Bàn về thơ, ông cho rằng: “Ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là một thứ ngôn ngữ có độ mở cao nhất và đánh thức được nhiều trường cảm xúc nhất, làm cho quá trình đồng sáng tạo giữa tác giả và độc giả ngày càng phong phú” [tr.43]. Ông luôn xác quyết về ý nghĩa tồn tại của thơ dù ở bất kì thời đại nào: “Thơ vẫn đi bên cạnh cuộc đời, thơ vẫn vĩnh hằng trong từng cảm giác bé nhỏ của mỗi chúng ta” [tr.123]. Tâm thế đối thoại, luận giải luôn thường trực trong tư duy và diễn ngôn nghiên cứu, phê bình của Hồ Thế Hà. Ông đối thoại với thành tựu của người đi trước trong những quan niệm về thơ, đối thoại với công chúng về hiện tượng “có phải thơ đang chết?”, hay đối thoại với cái gọi là “phong trào thơ Hậu hiện đại” trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Không chỉ dừng lại ở sự đối thoại giữa hai chủ thể, diễn ngôn nghiên cứu và phê bình của Hồ Thế Hà còn hướng đến sự đối thoại với độc giả, truyền thống và ngữ cảnh văn hóa, nhằm xác lập một cái nhìn sâu sắc về thơ, một tâm thế thụ hưởng đúng đắn của cộng đồng diễn giải.
Diễn giải về tâm lý và hành vi sáng tạo của nhà thơ, ông xác quyết “Sau một chặng đường thăng hoa của ý tưởng và trí tuệ, họ đã đi bên cạnh cuộc đời với niềm vui chấp nhận sự đơn độc. Họ thao thức và không ngừng khám phá, thăm dò hiện thực để yêu thương và mơ mộng vào những gì tốt đẹp cho con người và chính mình bằng tác phẩm” [tr.57]. Từ đó, ông chia sẻ quá trình lao động chữ nghĩa miệt mài, khó nhọc trên cánh đồng chữ của mỗi chủ thể sáng tạo, mà chính ông, trong tư cách nhà thơ cũng đang dự phần; đồng thời đòi hỏi mỗi nhà thơ ý thức trách nhiệm và tinh thần làm việc không mệt mỏi để tạo sinh những sinh thể nghệ thuật mới lạ, giàu sức sống.
Tính khái quát không chỉ thể hiện trong các diễn ngôn chung về lý thuyết thơ, mà còn ở nhận định về phong cách thơ. Chúng ta đã từng bắt gặp những khái quát đầy ấn tượng về cá tính, phong cách nhà thơ trước 1945 trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân, Mắt thơ của Đỗ Lai Thúy, và nay, trong Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung, Hồ Thế Hà tiếp tục mở rộng với những khái quát về phong cách, thi pháp của thế hệ nhà thơ sau 1975. Bằng lối giảm trừ hiện tượng luận, cô đọng, hàm súc, Hồ Thế Hà đã vẽ nên chân dung các nhà thơ vô cùng sắc nét, sinh động: “Ta có một Chế Lan Viên sau 1975 rất triết lý và trí tuệ; có một Bùi Giáng từ thơ trang nghiêm đến trò chơi ngôn ngữ; có một Hoàng Hưng đổi mới và vụt hiện ngôn từ; có một Hữu Thỉnh văn hóa dân gian mà hiện đại và dân tộc một cách nghệ thuật; có một Xuân Quỳnh đa cảm, tự hát giàu thiên tính nữ; có một Nguyễn Duy bụi bã và hoài vãng đến day dứt; có một Thanh Thảo luôn mới và quay tròn bứt phá như những ru-bich thơ; có một Hoàng Cầm tuổi càng cao càng trẻ lại trong âm tính và dục tính; có một Lê Đạt phu chữ tạo ra nhiều “bóng chữ”; có một Trần Dần “đơn giản đồng nhất thơ vào chữ”, đưa con âm thành âm thanh, ý nghĩa và thị giác; có một Đặng Đình Hưng văn xuôi hóa thi ca thành âm nhạc tuôn chảy tràn dòng thơ; có một Dương Tường với thơ âm bồi và con âm và cuối cùng là thơ không lời/ thơ hình vẽ, thơ trình diễn, sắp đặt; có một Đoàn Thị Lam Luyến khát yêu và khát sống trong tình yêu ly tan; có một Dư Thị Hoàn tan vỡ tình trong văn hóa và bao dung; có một Bùi Chí Vinh bụi bặm mà tự nhiên như phố thị; một Nguyễn Khắc Thạch thiền lý và Phật lý; một Nguyễn Quang Thiều kết tinh thơ thành cổ mẫu; có một Mai Văn Phấn liên tục hiện hữu thơ không cần mái che ngôn từ để tạo sinh nghĩa mới; có một Đồng Đức Bốn thi hóa ca dao thành đồng dao hiện đại….”. [tr.175]. Có thể nói, Hồ Thế Hà đã tiếp nối những bậc tiền bối, đồng hành cùng những nhà nghiên cứu cùng thời để hoàn chỉnh bức chân dung đa sắc về phong cách, thi pháp của các nhà thơ Việt Nam trải dài từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay. Đó là kết quả của một quá trình tìm hiểu lâu dài, chuyên nghiệp, một tư duy khoa học thuần thục, sắc bén, một “con mắt xanh” mẫn cảm, tinh tế, trong một lối diễn đạt tinh giản tối đa, song lại có sức khái quát cao.
Với bản tính nghệ sĩ sẵn có, Hồ Thế Hà hiểu hơn ai hết sức mạnh năng sản của mỗi con chữ. Không chỉ đọc sâu, đọc kỹ, ông còn có khả năng khiến từng con chữ bật dậy, tạo sinh nghĩa, hiện hữu trong ngôi nhà của chính mình. Ông cần mẫn, kĩ lưỡng trên cánh đồng chữ để đánh thức tiềm năng, khơi dậy ý nghĩa, nhờ vậy, những bài thơ, dòng thơ như được tái sinh dưới ngòi bút tài hoa của mình. Chính điều này đã tạo dựng phẩm tính nghệ thuật, giá trị biểu cảm, chất thơ bàng bạc trong diễn ngôn nghiên cứu, phê bình của Hồ Thế Hà, khiến người đọc không khỏi bất ngờ, thích thú, ngạc nhiên.
Để có được điều đó, Hồ Thế Hà luôn tìm cách làm mới, “lạ hóa” trong những lối diễn giải về thơ. Nhằm tránh sự lặp lại, xơ cứng, khuôn mẫu khi bàn về thơ và phong cách, chân dung nhà thơ; ông sáng tạo nhiều liên tưởng thú vị: “Kiếp đời và nghiệp thơ Hàn Mặc Tử là nhân quả định mệnh của nhau để còn đây những trang thơ châu ngọc sinh thành từ huyết lệ của sự hủy hoại thể xác và tinh thần, của cái chết mòn trong tâm tưởng và tư tưởng” [tr.208]; “Thơ lục bát Huy Cận thường vực dậy vầng trăng trên bầu trời cao rộng để thượng giới và hạ giới được chan hòa trong màu bạc lân tinh của mùa động thiên nhiên và mùa ái ân của con người đang thức” [tr.258]. Ông “lạ hóa” ngôn từ khi khái quát về thơ Xuân Quỳnh: “Xuân Quỳnh là nhà thơ của tình yêu và cái đẹp bị lâm nguy nhưng nữ tính vĩnh hằng đã giải lâm nguy để tiếp tục hồi sinh bằng cái đẹp khác có tên gọi là tình yêu và sự sống bất tử” [tr.326]; hay nhận định về thơ Hoàng Vũ Thuật: “Trong thơ Hoàng Vũ Thuật, câu chữ thường lưu vong trong thế giới siêu thực để hư vô hóa những hệ lụy và bất ổn của cuộc sống hiện tại (NVH nhấn mạnh)” [tr.343]. Hồ Thế Hà thường hay sử dụng nhiều tính từ có sức gợi, độ sâu lắng và ngân vang, cùng thủ pháp so sánh, ứng chiếu độc đáo: “Trong cái bông đùa, cà rỡn có sự thăng hoa của đau xót miên trường; trong cái hồn nhiên có sự uyên uẩn, nhức nhối của trí tuệ; trong điên loạn, cuồng say có sự mộng mơ và mê đắm của cõi tình. Tất cả những nghịch lí trên chính là tâm thức hiện sinh của Bùi Giáng trên từng chặng hành trình sống và hành trình thơ” [tr.266].
Diễn ngôn nghiên cứu, phê bình của Hồ Thế Hà vừa đa dạng do sự tích hợp nhiều tri thức, tư tưởng, vừa độc đáo bởi sự sáng tạo, liên tưởng thú vị. Với ông, nghiên cứu, phê bình không chỉ một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Ở đó không đơn thuần là những thao tác, phương pháp có tính khách quan, khoa học, mà còn là hành vi đồng sáng tạo, tạo sinh/làm dôi nghĩa cho văn bản. Có thể nói, diễn ngôn nghiên cứu, phê bình của Hồ Thế Hà không phải là thứ diễn ngôn dễ dãi, bất chợt, mà nó đã được chắt lọc, nghiền ngẫm, suy tư từ chính sự sống trải với đời, với nghề và với thơ của ông. Dù có đa dạng đến đâu, nhưng diễn ngôn nghiên cứu, phê bình của ông luôn hài hòa, thống nhất giữa tư tưởng - triết luận - thẩm mỹ.
4. Kết luận
Xuyên suốt 28 tiểu luận nghiên cứu, phê bình trong Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung là sự nhất quán về hệ giá trị tinh thần, văn hóa, hệ tư tưởng triết - mỹ, hệ thi pháp, phong cách, làm điểm tựa quy chiếu trong những luận bàn về thơ ca, diễn giải về chân dung. Một nhà nghiên cứu, phê bình có bản sắc đã khó, một nhà nghiên cứu, phê bình có tư tưởng lại càng khó hơn gấp bội. Có thể nói, với những thành tựu đã đạt được, Hồ Thế Hà đã xác quyết bản sắc và tư tưởng của chính mình. Có muôn ngàn nẻo đường, lối đi để người nghiên cứu tiếp cận và diễn giải về thơ ca, và không ai có quyền tuyên bố con đường mình đi là chân lý, cũng như mình đang nắm trong tay chiếc chìa khóa duy nhất đúng. Bằng lối nhìn và cách đọc riêng/ khác, với tài năng, chuyên nghiệp, niềm đam mê, cùng trách nhiệm, sự nghiêm túc, công chúng yêu văn học có quyền hy vọng và tin tưởng vào những công trình công phu, xuất sắc tiếp theo của Hồ Thế Hà.
Chú thích:
(1) Cho đến nay, đường thơ của Hồ Thế Hà khá dài, với 6 tập thơ đã được in và được cộng đồng  độc giả đánh giá cao bởi những tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật đặc sắc: Khoảnh khắc (tập thơ, 1990),  Nghìn trùng (tập thơ, 1991), Xác thu (tập thơ, 1996), Thuyền trăng (tập thơ, 2013), Tơ sương (tập thơ,  2015), Xem mơ (tập thơ, 2018).
(2) Kể từ những năm 90 của thế kỷ XX, Hồ Thế Hà đã đều đặn xuất bản 9 chuyên luận, tiểu luận  - phê bình văn học, nhận được sự đánh giá tích cực từ phía các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình và  công chúng bạn đọc: Sức bền của thơ (tiểu luận - phê bình, 1993), Thức cùng trang văn (tiểu luận -  phê bình, 1993), Tìm trong trang viết (tiểu luận - phê bình, 1997), Thao thức thơ (bình thơ, 2004), Thế  giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (chuyên luận, 2006), Những khoảnh khắc đồng hiện (tiểu luận - phê  bình, 2007), Tiếp nhận cấu trúc văn chương (tiểu luận - phê bình, 2014), Khoảng lặng thơ (bình thơ,  2018), Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung (chuyên luận, 2018).
(3) Kể từ đây, những trích dẫn chỉ ghi số trang được dẫn từ công trình của Hồ Thế Hà: Thơ Việt  Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.
(4) Trong công trình Thơ như là mỹ học của cái Khác (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), Đỗ Lai Thúy đã  đề xuất lý thuyết hệ hình để xác lập tiến trình thơ Việt Nam. Theo ông có ba mô hình thơ ứng với ba  hệ hình: Nghĩa # Chữ (hệ hình tiền hiện đại), Chữ # Nghĩa (hệ hình hiện đại), Chữ # Nghĩa (hệ hình  hậu hiện đại).
(5) Trong công trình Thơ Việt Nam hiện đại - tiến trình và hiện tượng (Nxb. Văn học, 2014),  Nguyễn Đăng Điệp đã chỉ ra những dấu hiệu chuyển đổi hệ hình tư duy thơ trên nhiều phương diện  gắn liền với sự chuyển dịch của các không gian văn hóa từ hiện đại đến hậu hiện đại và các thiết chế văn hóa, xã hội, người đọc tương ứng, nhằm nhận diện tiến trình vận động, đổi mới của thơ Việt  Nam từ đầu thế kỷ XX.
9/8/2019
Nguyễn Văn Hùng
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...