Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc

Về hình tượng nghệ thuật 
trong tác phẩm âm nhạc
Đối với việc sáng tác của người nhạc sĩ, việc xây dựng hình tượng nghệ thuật không phải là một việc làm đơn giản. Nó được hình thành qua sự tư duy trừu tượng của nhạc sĩ và thông qua cảm xúc thẩm mỹ để đến với người nghe.
Như vậy, giữa nhạc sĩ và công chúng phải có một mối quan hệ khăng khít, theo cách gọi của các nhà chuyên môn là sự “Giao cảm nghệ thuật”. Thật vậy, nếu người nghe không nắm bắt được tư tưởng nghệ thuật của tác giả, tác phẩm thì khó lòng cảm thụ được giá trị chân chính trong tác phẩm âm nhạc đó.
Sự cảm nhận giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm âm nhạc, trước hết phải thông qua hình tượng nghệ thuật. Nếu ở văn học, hình tượng nghệ thuật được xây dựng bởi trực quan sinh động và điển hình thì trong âm nhạc, hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng cảm quan sinh động và trừu tượng.
Với đặc điểm đó, người nhạc sĩ phải nắm bắt được đặc trưng biểu hiện của âm nhạc. Trong đó, khả năng tưởng tượng của nhạc sĩ phải thật sự phong phú, cùng với sự so sánh tương đối giữa hiện thực khách quan với hình tượng mà nhạc sĩ muốn tạo dựng trong tác phẩm âm nhạc của mình.
Nhạc sĩ Beethoven đã dùng hiệu kèn đồng hùng tráng trên nền tiết tấu hành binh để xây dựng hình tượng người anh hùng, cùng với việc xây dựng chủ đề Promete để người nghe cảm nhận được tư tưởng của người anh hùng là đấu tranh cho công lý và bình đẳng bác ái (Giao hưởng số 3 Anh hùng)… Còn nhạc sĩ Văn Dung diễn đạt tình cảm của nhân dân với lãnh tụ đã thông qua việc tả cái sắc, cái hương, cái dịu dàng mát rượi của những bông hoa trong vườn Bác (Ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác). Như vậy, cùng với cảm quan sinh động và tư duy trừu tượng, hình tượng âm nhạc còn được xây dựng bằng tính tượng trưng không hoàn nhất (tương đối, ước lệ).
Sử dụng đặt thù giai điệu cũng là một cơ sở đảm bảo để nhạc sĩ xây dựng thành công hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc của mình. Nhạc sĩ Rímskicorxacop dùng giai điệu dân gian của Ả Rập, Ấn Độ để vẽ nên bức tranh sinh động về những miền đất phương Đông xa lạ và huyền bí (Tổ khúc Giao hưởng Xêhêradát). Bằng việc khai thác chất liệu bài Lý con Sáo – dân ca Nam Bộ, Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nêu bật được tình cảm sắt son, chung thủy của nhân dân hai bờ giới tuyến Bắc Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương)….
Có thể nói rằng, đặc thù giai điệu (nói rộng ra là tính dân gian và dân tộc của giai điệu) là điều kiện tiên quyết thuận lợi cho việc xây dựng hình tượng nghệ thuật của tác phẩm âm nhạc. Lịch sử âm nhạc thế giới đã từng ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của các nhạc sĩ tiền bối mà con đường sáng tác của họ luôn luôn gắn liền với dân ca, dân vũ và nền nghệ thuật âm nhạc dân gian.
Để hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc được nổi bật, có sức truyền cảm và thuyết phục mạnh mẽ, thì nghệ thuật phối khí cũng đóng một vai trò đáng kể. Chúng ta từng biết, khối âm thanh khổng lồ và âm sắc của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc, có khả năng tạo được những hiệu quả đa dạng, phong phú, ví như: một cuộc chiến dữ dội, một khung cảnh thiên nhiên sinh động, hoặc một nội tâm day dứt, một niềm vui sướng hân hoan… Và điều lớn lao hơn cả của nghệ thuật phối khí đối với việc xây dựng hình tương nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc, là cùng lúc nói lên được những nội dung mang tính tổng hợp, tính quân chúng sâu sắc, vĩ đại.
Nếu đặc thù giai điệu vẽ nên một hình tượng nghệ thuật nhất định, thì khối âm thanh khổng lồ của dàn nhạc thông qua nghệ thuật phối khí sẽ diễn đạt được một nhóm hình tượng nghệ thuật hoặc nhiều hình tượng nghệ thuật khác nhau. Bởi vậy, tác phẩm âm nhạc phối cho dàn nhạc có khả năng tạo nên một bức tranh toàn cảnh của hiện thực sinh động, đồng thời, nêu bật được những nội dung tư tưởng mang ý nghĩa thời đại.
Để hiểu được hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc, trước hết cần phải nhận thức rằng, bản thân nghệ thuật âm nhạc với tính trừu tượng và tính khái quát của nó không phải bao giờ cũng có thể xây dựng được một chân dung mang tính cụ thể, sống động. Đặc trưng cơ bản của nghệ thuật âm nhạc là đưa đến cho người nghe một cảm xúc chung nhất về không khí và bối cảnh của hiện thực .
Tuy nhiên, không phải vì thế mà nghệ thuật âm nhạc xa rời chức năng phản ánh hiện thực. Ngay cả nhạc không lời, người nghe cũng có thể cảm thụ được nội dung của tác phẩm. Lê Nin khi nghe bản Sô nát số 23 – Apasionata của nhạc sĩ Beethoven đã phải thốt lên rằng: “… Tôi luôn luôn tự hào có thể là ngây thơ mà nghĩ rằng, con người có thể làm được những điều kỳ diệu…”. Bởi trong tác phẩm này, Beethoven đã phản ánh được chân dung người anh hùng thời đại và không khí cuộc đấu tranh sục sôi của quần chúng nhân dân Châu Âu cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX.
Ngoài sự cảm thụ khái quát, người nghe còn có thể cảm nhận được các hình tượng nghệ thuật đặc tả, thông qua các thủ pháp khắc họa chân dung bằng âm nhạc của Nhạc sĩ. Nghe tiểu phẩm “Ngày Hội hóa trang” của nhạc sĩ R.Schumann, ta như nhìn thấy không khí tưng bừng ngày hội của các hội viên Đavítbun chống lại bọn bảo thủ nghệ thuật. Hoặc khi nghe tiểu phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” của nhạc sĩ Muxorxky, ta như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của nghệ thuật hội họa ấn tượng Pháp .
Loại âm nhạc có lời (thanh nhạc) lại có điều kiện thuận lợi hơn để người nghe cảm nhận được nội dung mà nhạc sĩ muốn phản ánh. Ở đây có sự kết hợp tinh tế giữa nhạc và lời, nhạc chắp cánh cho lời bay cao và lời thuyết minh cho ý nhạc thêm sáng tỏ. Có thể nói, trong tất cả thể loại âm nhạc, ca khúc tỏ ra có một lợi thế mà nhạc sĩ dùng để phản ánh trực tiếp và nhanh nhạy hiện thực sinh động của cuộc sống.
Nghệ thuật âm nhạc ngày một phát triển và sẽ tiến tới những đỉnh cao chói lọi. trong tác phẩm âm nhạc của mình, ngày nay các nhạc sĩ đã sáng tạo thêm nhiều phương pháp biểu biện mới mẻ. Việc xây dựng hình tượng nghệ thuật không chỉ dừng lại ở những cách thức vừa nêu, nó thật phức tạp và đa dạng. Tuy nhiên, dù âm nhạc phát triển đến mức độ nào đi nữa thì cái cốt lõi nhất của sự biểu hiện tác phẩm vẫn là hình tượng nghệ thuật. Không xây dựng được hình tượng nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc rơi vào tính giải trí đơn thuần, nhiều khi không mang lại chức năng giáo dục tình cảm và thẩm mỹ.
Cuối cùng, để đạt được thành công trong một tác phẩm âm nhạc, người nghệ sĩ (sáng tác và biểu diễn) cần có một thực tế phong phú, sinh động, một tâm hồn lành mạnh và cảm xúc dồi dào, một khả năng lao động nghệ thuật không mệt mỏi và có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình để phục vụ đông đảo công chúng.
6/8/2019
Thân Văn
Theo https://redsvn.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...