Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Từ một buổi chiều

Từ một buổi chiều

Chương 1
Uyên ngồi thu gọn trên giường, cằm chống lên cánh tay tì trên cửa sổ, nhìn trời đang mưa. Trận mưa dai dẳng kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ vẫn chưa chịu dứt hẳn! Ý định ra phố của Uyên đành hoãn lại vì cho dù trời có quang tạnh, Uyên cũng rất ngại ngùng khi phải đặt chân xuống những vũng nước trống chẳng có thẩm mỹ tí nào.
Trận mưa đầu mùa đối với Uyên thật dễ thương vì dù sao nó cũng xa vắng Uyên bẵng đi hàng mấy tháng trời. Những buổi chiều thanh thản như hôm nay, Uyên thích ngồi thu mình ở một góc giường nhìn những giọt nước mưa trắng xóa rớt đều trên mặt đường tạo thành một âm thanh nghe ray rứt, nhức buốt tim gan.
Mặt đường bóng loáng như vừa được tắm gội sạch sẽ. Chỉ có từ đầu con hẻm vào đây - đoạn đường khoảng mười lăm thước - là trông bẩn thỉu, lụt lội một cách thảm hại. Người dễ tính đến đâu đi chăng nữa cũng phải bực mình. Cũng may nhà Uyên chỉ cách mặt đường có mười lăm thước. Giá mà ở tít trong cùng hẻm thì thật không còn gì khổ bằng.
Tiếng lội nước bì bõm của vài người trong hẻm đi ra khiến Uyên liên tưởng đến âm thanh quái đản của một cuốn phim kinh dị mà đã có một lần Uyên được xem.
Trẻ con trong xóm bắt đầu túa ra nghịch ngợm trên vũng nước đục ngầu bẩn thỉu mà Uyên vẫn thường gọi đùa la "piscine công cộng".  Thế giới hồn nhiên của tuổi ấu thơ! Chúng chưa có đủ trí khôn để ý thức được rằng thế nào là vệ sinh.
Mùi cống rãnh xông lên làm Uyên khó chịu. Uyên đưa tay hất nhẹ những sợi tóc phủ xòa trước mặt ra đằng sau; thật vô tình, Uyên nhìn thấy vẻ đẹp của mình trong gương chiếc tủ dựng sát tường, ngay đầu giường Uyên.
Uyên nổi tiếng là đẹp nhất trường.  Chức "hoa khôi" mà bạn bè đặt cho Uyên quả không ngoa chút nào.  Uyên sung sướng và thầm hãnh diện mỗi khi được ai ca tụng vẻ đẹp của mình.  Mái tóc cắt ngắn hợp với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu tròn đen láy, sống mũi cao, đôi môi xinh xắn, đỏ mịn, tất cả hợp lại tạo cho Uyên một nét đẹp tự nhiên, lộng lẫy.
Có thể nói rằng Uyên là một đứa con gái sung sướng nhất, hạnh phúc nhất trên đời.  Vừa đẹp, vừa học giỏi lại được sinh ra trong một gia đình khá giả.  Duy chỉ có một điều khiến Uyên buồn và cảm thấy mình chưa hoàn toàn hạnh phúc đó là Uyên không có anh chị em chi cả.
Bố mẹ chỉ có độc nhất một mình Uyên vì thế Uyên được chiều chuộng hết mực, muốn gì được nấy.  Nhưng tất cả đối với Uyên đều trở nên vô nghĩa.  Uyên không ham thích bất cứ một thứ gì ngoài một ước muốn duy nhất: Uyên cũng có đông em như tất cả những đứa bạn cùng lớp.  Ước muốn thật tầm thường nhưng đối với gia đình Uyên đó là cả một vấn đề.
Bố mẹ Uyên khổ tâm không ít mỗi khi Uyên nhắc đến chuyện này.  Nhưng biết làm sao hơn khi số trời đã định cho gia đình Uyên như vậy.
Căn nhà không lấy gì làm to tát nhưng Uyên có cảm tưởng nó rộng lớn vô cùng.  Nhất là những buổi như hôm nay.  Bố Uyên thì ngày nào cũng như ngày nấy, đi làm từ sáng sớm và mãi đến chiều tối mới về.  Hàng ngày chỉ có hai mẹ con ở nhà, nếu buồn, Uyên lân la đến gần mẹ, gợi hết chuyện này sang chuyện khác để căn nhà bớt lặng lẽ hơn.
Thỉnh thoảng có một hôm mẹ đi vắng - như hôm nay chẳng hạn - Uyên không biết làm gì hơn là ngồi ủ rũ, nghe cô đơn về vây hãm.
Mẹ Uyên có việc phải về nhà bác Uyên ở Bảo lộc từ sáng sớm.  Hình như hôm nay là ngày giỗ bà ngoại Uyên thì phải.  Còn lại một mình ở nhà, Uyên cảm thấy buồn và lo sợ phập phồng bởi cái không khí vắng vẻ trong nhà.
Uyên định khoác áo thả bộ ra phố, đi chơi cho khuây khỏa, định bụng đến giờ tan sở Uyên mới trở về.  Nhưng chưa kịp thực hành ý định thì trời đổ mưa như trút nước, Uyên đành ngồi bó gối trên giường nhìn trời vu vơ.
Trời tạnh hẳn sau một trận mưa dài gần ba tiếng.  Uyên nhìn đồng hồ:  đã bốn giờ hơn.  Thế là sắp hết một buổi chiều.  Uyên uể oải đứng dậy, quơ chân tìm đôi dép dưới gầm giường, bước xuống nhà.
Uyên đứng ở chân thang gác, phân vân không biết phải làm gì để giết nốt thì giờ còn lại.  Cuối cùng Uyên bước trở ra phòng khách, ôm cây đàn guitar vào lòng, vừa đàn vừa hát những bản nhạc sinh hoạt của phong trào du ca.  "Hy vọng đã vươn lên.trong màn đêm." Tiếng hát của Uyên hòa nhịp với tiếng đàn thật hùng hồn, lôi cuốn như đang thúc bách mọi người cùng vùng dậy khai phá, xây dựng lại quê hương đổ nát, điêu tàn.
Uyên hát thật hăng say như chính Uyên đang châm những ngọn lửa soi đường trong lòng dân chúng.  Uyên hát quên mệt như chính Uyên đang tham dự công tác của đoàn thanh niên sinh viên học sinh Nguồn sống.
Trẻ con trong xóm nghe Uyên hát, ngưng đùa nghịch, bu quanh cửa sổ cất tiếng hát theo.  Uyên vui lây với cái không khí nhộn nhịp bất ngờ đó.
Tiếng đàn vừa dứt cùng lúc có tiếng gõ cửa, Uyên hỏi vọng ra:
- Ai đó?
- Ngy đây!
Nghe tiếng đáp, Uyên mừng quýnh, quăng vội cây đàn trên lòng salon, chạy ra mở cửa cho Ngy.
- Hèn gì trời mưa to!
Ngy ngạc nhiên:
- Hử?
Uyên cười:
- Hôm nay mày đến nhà tao thành thử trời mưa to quá.
Ngy đập vào vai bạn:
- Con quỉ!  Làm gì mà nhộn thế?
- Buồn quá lôi đàn ra gãy chơi!...Vào nhà đã nào.
Ngy theo Uyên bước vào:
- Tao tưởng mày đang sinh hoạt chứ!
Uyên thu dọn báo chí trên bàn:
- Ừ mà cũng đang sinh hoạt thật.
- Sinh hoạt với ai?
- Lũ trẻ con trong xóm.
Ngy mỉm cười, ngó dáo dác:
- Bác gái đâu rồi?
- Mẹ tao có việc về Bảo lộc từ sáng sớm.
- Hèn gì mà nhà cửa vắng quá.
- Tao "hãi" nhất cái không khí này.  Định đi chơi thì trời mưa.
- Cũng may!
- May cái gì?
- Nhờ trời mưa to tao mới gặp mày!
Cả hai cùng cười.  Ngy là bạn cùng lớp thân nhất của Uyên.  Bạn bè gọi Ngy là "cây gạo" vì Ngy rất siêng học, ít đi chơi; khi nào có việc gì cần lắm mới thấy Ngy xách xe ra đường.
Trong lớp Ngy, Uyên và Diễm Hương là ba đứa học trò giỏi nhất nên được thầy cô cưng không thể tưởng.
Chỉ còn không đầy một tháng nữa là đến hè.  Năm nay không phải là năm thi nên trông các cô có vẻ thảnh thơi chứ không bận rộn, hồi hộp như các đàn chị.  Sang năm Ngy và Uyên thi Tú Tài I nên cả hai đang dự định xin phép gia đình cho đi chơi một chuyến thật xa trong dịp hè này cho thỏa chí.  Mùa hè này là cơ hội đi chơi lần cuối đối với Uyên vì kể từ năm tới, cả hai sẽ thi cử liên miên, không có năm nào là năm không phải thi cả.
Uyên đang dự định rủ Ngy lên Đà lạt vì thành phố này vẫn có tiếng là đẹp, mộng mơ và là nơi dừng chân lý tưởng nhất của du khách.  Thành phố Đà lạt không có gì xa lạ đối với Uyên nhưng Uyên vẫn thích đặt chân đến vì Uyên yêu nó kinh khủng và hình như nó có một sức lôi cuốn Uyên mà Uyên không thể cưỡng lại được.
- Nghĩ gì đấy Uyên?
- Tao đang nghĩ đến thành phố Đà lạt.
- Mày sốt ruột lắm hả?
- Ừ!  Ba tuần nữa đâu có là bao mày nhỉ!
- Thoáng cái đến ngay.
- Mày xin phép hai bác chưa?
- Rồi!...Mày định bao giờ đỉ
- Khoảng đầu tháng bảy.
- Lãnh thưởng xong chuẩn bị đi liền?
- Ừ!  À mà Ngy này!  Mày nhắc tao mới nhớ.  Hôm nào phát thưởng?
- Mười tám tháng sáu.
- Chắc chắn không?
- Chắc!
- Ai bảo mày thế?
- Cô Nguyệt.
- Mày đến nhà cô Nguyệt?
- Ừ!
- Có xem điểm cho tao không?
- Khỏi nói.  Tao đến cộng điểm dùm cô mà!
Uyên nôn nóng:
- Toàn niên tao hạng mấy?
Ngy trêu Uyên:
- Từ từ!  Đi đâu mà gấp vậy?
Uyên nhăn nhó:
- Con quỉ!  Nói mau đi.  Tao đang hồi hộp gần chết đây này.
Ngy hắng giọng:
- Khoan!  Tao chưa nói vì mày chưa làm tròn bổn phận.
Uyên cáu sườn hỏi gắt:
- Bổn phận gì?
- Bổn phận tiếp khách.
Uyên suy nghĩ khoảng nửa phút:
- À, ừ quên mất!  Xin lỗi nghe!
Nói xong Uyên chạy vào nhà pha nước, một lát sau Uyên trở ra với hai ly sirop cam trên tay.  Uyên hỏi:
- Mãi nói chuyện tao quên mất.  Mày đến tao có việc gì không?
Ngy cầm thìa khoắng ly nước:
- Thiện chí!
Uyên chăm chú:
- Nói đi!
- Ở nhà cô Nguyệt về, ghé qua mày báo tin vui.
- Tin gì?
- Năm nay tao với mày lại đồng hạng.
Uyên mừng quá, vỗ tay đôm đốp:
- Hạng nhất hả?
- Ừ!
Uyên nhìn Ngy, ánh mắt thật vui:
- Tao vui quá Ngy ơi!
Ngy đáp:
- Tao cũng vậy!
Điều mà Uyên vẫn hằng trông đợi đã đến như ý muốn của Uyên.  Nếu kết quả không đúng như lời Ngy nói thì không còn gì để mà buồn hơn.  Chẳng những một mình Uyên buồn mà cả bố mẹ cũng buồn không ít, vì từ lâu bố mẹ vẫn hằng mong muốn Uyên phải là một đứa học trò giỏi nhất lớp, không thua một ai cả.
Có những tháng Uyên đứng thứ hai - sau Ngy - đem phiếu điểm về trình bố mẹ ký, Uyên buồn và lo kinh khủng!  Nhưng bố không mắng Uyên và cũng chẳng tỏ vẻ buồn phiền gì mà bố chỉ khuyến khích Uyên tháng sau nên cố gắng hơn tí nữa thôi.
Những lần như vậy Uyên buồn lắm nhưng biết sao hơn khi sức học của Uyên chỉ đến ngần ấy trong khi Ngy cũng là một học trò xuất sắc, thông minh không kém gì Uyên.
Tuy vậy, chưa bao giờ Uyên và Ngy tỏ vẻ ganh ghét lẫn nhau.  Những tháng Uyên đứng nhất, Ngy cũng buồn vô cùng nhưng không phải vì thế mà tình bạn hai đứa sứt mẻ.  Uyên có cảm tưởng hình như có đôi lúc Uyên đã nhường Ngy và ngược lại Ngy cũng vậy.
Trong lớp, ai cũng nghĩ rằng Uyên và Ngy chỉ đối với nhau bằng một tình bạn giả tạo ngoài mặt chứ thật ra trong lòng cả hai đang ganh ghét lẫn nhau.  Uyên cũng không buồn lên tiếng cãi chính bởi vì có nói chắc cũng chẳng ai tin, cứ im lặng là hơn hết.  Chính Ngy cũng đã có lần nói cho Uyên nghe như vậy và cả hai tự nhủ "ai muốn nói gì thì nói, miễn mình đối xử với nhau thành thật và thương mến nhau thật lòng thì thôi".
Chuông đồng hồ điểm sáu tiếng.  Ngy uống cạn ly nước, đứng dậy:
- Thôi!  Tao về.
Uyên giữ bạn:
- Ở chơi tí nữa đã.
- Không được!  Tao xin phép mẹ tao đi đến 6:15 thôi.
- Bây giờ mới có 6:00 giờ.
- Ừ!  Mới có 6 giờ!  Mười lăm phút từ đây về nhà là vừa đúng.
- Con khỉ!
Uyên tiễn bạn ra cửa.  Ngy đùa:
- Trời mưa đến nhà mày tao có cảm tưởng như là đi vào con đường lên "thiên thai".
Uyên cười:
- Ừ!  Chỉ có mỗi con hẻm là kém thẩm mỹ.
Ngy tiếp:
- Người đẹp thường hay ngự trị ở những xóm bùn lầy nước đọng như thế này.
Uyên bẽn lẽn:
- Tao mà đẹp khỉ gì?
Ngy nguýt:
- Thôi đi cô.
Ngy đạp máy xe, trước khi đi còn quay lại nói một câu:
- Mai nhớ cài thêm cái nơ trên đầu cho nó nổi nghe.
- Để làm gì vậy?
- Lãnh bảng danh dự mà!
Uyên cười, nhìn theo bóng bạn cho đến khi chiếc xe mất hút ngoài đường cái.
Sau khi khóa cửa cẩn thận, Uyên quay vào thu dọn ly tách và xuống bếp lo cơm nước buổi chiều.
Hôm nay chỉ có hai bố con ở nhà, bố đề nghị dắt Uyên vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu nhưng Uyên từ chối vì Uyên muốn chính tay Uyên nấu cho bố ăn.
Uyên để ý thấy bố thích ăn món canh chua cá lóc; vì thế hôm nay Uyên nhất định trổ tài nấu món này thật ngon để bố khen Uyên rối rít mới được.
Lúi húi dưới bếp đến gần nửa tiếng, Uyên mới làm xong món cá, sau khi đặt nồi canh lên bếp, Uyên rửa tay sạch sẽ và bước trở lên nhà.
Nhìn đồng hồ, Uyên giật mình thầm hỏi:  "Sao hôm nay bố lại về trễ vậy kìa?"  Thường thì mọi hôm bố về khoảng 6:20, hôm nào trễ lắm là 6:25.  Bây giờ gần 7 giờ rồi mà vẫn chưa thấy bố về!  "Hay là có chuyện gì?"  Uyên vội vàng xua đuổi những ý nghĩ không hay ra khỏi đầu và mở TV xem để quên đi những nỗi lo sợ đang ám ảnh Uyên.
Thời gian vẫn nặng nề trôi.  Kim đồng hồ càng di chuyển thì nỗi lo sợ càng đến với Uyên thật dồn dập.  Nóng lòng không chịu được, Uyên tắt TV ra đứng tựa cửa ngóng bố.
Uyên sống trong sự hồi hộp đó đến hai mươi phút mới thấy bóng bố xuất hiện ở đầu hẻm.  Uyên mừng muốn khóc nhưng niềm vui chợt tắt khi Uyên thấy khuôn mặt bố buồn thật buồn và Uyên linh cảm hình như có chuyện gì không may đến với bố.
Trống ngực Uyên đập thình thịch, bố nhìn Uyên, Uyên nhìn bố.  Tự dưng Uyên câm nín, không thể nói hoặc hỏi bố được một lời.
Bố dìu Uyên vào nhà, đặt Uyên ngồi trong lòng salon rồi bố ngồi xuống cạnh Uyên.  Bố vẫn lặng thinh, ôm đầu Uyên áp vào ngực bố; nước mắt Uyên ứa ra, không hiểu Uyên khóc vì lo sợ hay khóc vì sung sướng khi được bố vuốt ve, thương yêu!?
Mãi đến mấy phút sau, Uyên mới mở miệng hỏi bố được một câu:
- Có chuyện gì vậy bố?
Bố không trả lời câu hỏi của Uyên mà bố chỉ kêu lên:
- Con!
Uyên giật mình, đôi mắt mở tròn nhìn bố:
- Bố!  Chuyện gì vậy bố?  Sao bố buồn vậy bố?
Uyên nhìn thấy đôi mắt bố đỏ ngầu như sắp khóc.  Phải nuốt nước bọt đến đôi ba lần, bố mới nói lên tiếng, giọng nghẹn ngào:
- Mẹ con, chết rồi!
- Mẹ!?
Uyên chỉ kịp hét lên một tiếng ngắn ngủi rồi ngất đi trong lòng bố.
Chương 2
Thế là hết! Mẹ Uyên đã chết thật bất ngờ, chết không một lời trăn trối.  Uyên không ngờ tai họa lại có thể đến với gia đình Uyên một cách đau đớn như vậy.
Hôm đi, mẹ còn hứa sẽ lên thẳng Đà lạt mua mận về cho Uyên, thế mà mẹ đi luôn rồi, không bao giờ mẹ trở về nữa và chẳng bao giờ Uyên có món quà mẹ cho.
Ba ngày nay, Uyên không có một hạt cơm trong bụng.  Uyên chẳng còn thiết cơm nước gì nữa cả. Cứ nghĩ đến mẹ là Uyên lại khóc tức tửi, chỉ muốn đập đầu vào tường chết theo mẹ cho yên thân chứ sống mà thiếu mẹ thì không làm sao Uyên chịu nổi.
Thân hình Uyên bây giờ trông thật tội nghiệp.  Khuôn mặt bơ phờ, hốc hác, đôi mắt sưng húp mất thần.  Uyên như người mất hồn, miệng lúc nào cũng gọi mẹ và nói lảm nhảm một mình, ai hỏi gì cũng lắc đầu không biết.
Uyên ngồi đó, bên cạnh quan tài của mẹ, thỉnh thoảng lại thấy Uyên gục đầu trên nắp quan tài khóc nức nở.  Bác Uyên lúc nào cũng ở bên cạnh vỗ về, an ủi nhưng Uyên chẳng còn nghe thấy gì ngoài những tiếng lùng bùng trong tai và một màn tối đen trước mắt.
Bố Uyên thần sắc cũng sút kém thấy rõ.  Phần lo cúng bái, phần lo tiếp khách, không khi nào thấy bố ngồi yên độ khoảng năm phút.  Uyên thương bố quá nhưng chẳng biết nói gì hơn bởi vì chính Uyên, Uyên cũng đau khổ vô cùng.
Bố tiến lại gần Uyên vỗ về:
- Đừng khóc nữa con.  Đằng nào thì mẹ con cũng đã chết rồi.  Thấy con khóc bố đau lòng không chịu được.
- Bố ơi!...
Uyên lại òa khóc to hơn.  Chỉ có nước mắt mới giúp Uyên quên đi phần nào đau đớn.
Uyên mơ màng tưởng tượng đến cái chết của mẹ Uyên:  "khuôn mặt mẹ thật hiền, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi mẹ Uyên đó! ...Mẹ đang ngồi trên chiếc xe đò từ Saigon đi Bảo lộc. Xe vừa qua Di linh khoảng một cây số, một tiếng nổ vang lên!  Xác mẹ văng lên thật cao rồi rơi xuống bất động."
Người ta đã đặt mìn để giết mẹ.  Người ta đã giải phóng mẹ về bên kia thế giới.  Mẹ ơi!  Mẹ có tội tình gì?  Nước mắt lại ứa ra, Uyên căm hờn lũ người tàn bạo, khát máu, giết người không gớm tay, quên cả giống nòi, dân tộc.  Mẹ Uyên đã chết thật đau đớn, chết mà trên khuôn mặt mẹ còn hiện rõ nét kinh hoàng.
Chỉ còn không đầy năm tiếng đồng hồ nữa, người ta sẽ đem mẹ Uyên vùi sâu dưới lòng đất.  Lúc đó mẹ đã vĩnh viễn xa Uyên, không bao giờ Uyên còn thấy mẹ hiện diện trong căn nhà này.
Bây giờ mẹ thật gần nhưng cũng thật xa.  Mẹ ở cạnh Uyên đó nhưng không bao giờ Uyên được ôm hình hài mẹ, thân xác mẹ.  Không bao giờ Uyên thấy được khuôn mặt yêu dấu dịu hiền của mẹ.  Uyên muốn phá tan chiếc hòm oan nghiệt này để được thấy mẹ sống lại, mẹ cười với Uyên, mẹ đến gần Uyên vuốt ve, dỗ dành Uyên và mãi mãi ở bên Uyên.  Nhưng.
- Không!  Không!  Mẹ ơi!...
Uyên hét lên thật to rồi gục mặt trong lòng bàn tay khóc nức nở.  Tiếng khóc của Uyên nghe thật não nùng.
Bác Uyên lắc đầu lẩm bẩm:
- Tội nghiệp!
Tiếng trống kèn nghe ai oán làm sao!  Uyên bịt tai khóc to hơn nhưng tiếng khóc của Uyên chìm lắng trong tiếng kèn buồn thê lương, ảo não.
Cô Nguyệt, Ngy và Diễm Hương xuất hiện ngoài cửa.  Uyên đưa mắt nhìn, đôi mắt dại hẳn đi, Uyên chẳng thấy gì ngoài hình ảnh mẹ.  Ngy, Diễm Hương không ngăn được xúc động, nhào lại ôm cứng Uyên.  Tiếng Ngy và Diễm Hương nghèn nghẹn trong tiếng khóc:
- Tao thương mày quá Uyên ơi!
- Tội nghiệp Uyên quá Uyên ơi!
Mọi người nhìn thấy cảnh tượng trên đều lắc đầu thương xót.  Ngy hỏi:
- Nhận ra tao không Uyên?
Uyên lặng lẽ gật đầu:
- Tao khổ quá Ngy, Hương ơi!
Diễm Hương nhìn bạn thương xót:
- Nín đi Uyên!  Đừng khóc nữa!  Mắt mày sưng húp lên rồi.
Uyên ngẩng mặt lên:
- Cô Nguyệt đâu?
Ngy lau nước mắt cho bạn:
- Cô đang chia buồn với ba mày.
Sau khi chia buồn với bố Uyên, cô Nguyệt tiến đến trước mặt Uyên:
- Thành thật chia buồn với Uyên.
Uyên đáp trong màn lệ:
- Con cám ơn cô.
Cô Nguyệt lắc đầu:
- Uyên đừng buồn nữa!  Mỗi người có một số phần, Uyên khóc nhiều chỉ hại cho sức khỏe thôi chứ có cứu vớt được gì đâu?
Uyên nhìn xa xôi, hỏi như người mất trí:
- Mẹ con chết rồi phải không cô?
Cô nghẹn ngào gật đầu.  Uyên nhìn từng khuôn mặt quen thuộc: cô Nguyệt, Ngy, Diễm Hương!... Mắt Uyên mờ dần, chỉ thấy Uyên kêu lên một tiếng mẹ ngắn ngủi rồi lại ngất xỉu.
Ngy, Diễm Hương vội vàng xốc nách Uyên dìu vào phòng trong.  Khuôn mặt Uyên nhợt nhạt như người sắp chết.  Bố Uyên nói như khóc:
- Khổ thân con tôi!
Ngy nhìn bố Uyên:
- Bác cứ để mặc tụi cháu lo cho Uyên.
Bố Uyên uể oải bước trở ra phòng khách, bước chân ông run rẩy như sắp ngã.
Mặt trời đã đứng trên đỉnh đầu, chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa, đám tang sẽ cử hành.  Không khí căn phòng trở nên nặng nề, khó thở.  Người ta có thể nghe rõ tiếng cháy lèo xèo của hai ngọn bạch lạp cắm ở đầu quan tài.
Không biết thiếp đi như vậy được bao lâu, cho đến khi mở mắt ra, Uyên thấy mình hoàn toàn tỉnh táo.  Khuôn mặt của Ngy và Diễm Hương đập vào đôi mắt Uyên trước tiên.  Thấy bạn đã tỉnh, Ngy cúi xuống gần Uyên hỏi:
- Khoẻ chưa Uyên?
Uyên gật đầu.  Suốt hai ngày khóc tấm tức, cho đến bây giờ có lẽ nước mắt Uyên đã cạn.  Uyên trở nên bình tĩnh hơn bao giờ hết.  Đôi mắt đã sống lại hoàn toàn chứ không còn là đôi mắt chết cách đây hai tiếng đồng hồ.
Diễm Hương đứng dậy tìm khăn ướt lau mặt cho Uyên.  Uyên nhìn bạn bằng đôi mắt trìu mến biết ơn.  Uyên hỏi:
- Mấy giờ rồi Ngy?
- Mười hai giờ hơn rồi.
- Tụi mày không về nhà sao?
- Không!  Tụi tao ở cạnh mày cho đến chiều.
- Bố tao đâu rồi?
- Bác đang dùng cơm.  Mày ăn cháo nghe.
Uyên lắc đầu:
- Tao không thiết gì cả!
Diễm Hương vuốt má bạn:
- Không được!  Mày phải ăn một chút cho lại sức chứ.
Uyên lặng thinh.  Diễm Hương đi lấy cháo đút cho bạn.  Ngy đỡ Uyên ngồi dậy, dựa vào thành giường.  Uyên ăn từng thìa cháo uể oải, không còn biết hương vị của cháo ngon hay dở.
Ăn được chừng nửa chén, Uyên thôi không ăn nữa.  Diễm Hương ép cách mấy Uyên cũng lắc đầu nguầy nguậy.
Uyên nói sau một tiếng thở dài:
- Bắt đầu từ ngày mai tao làm sao chịu nổi với cái không khí vắng vẻ này?
Ngy và Diễm Hương ngồi im.  Uyên tiếp:
- Chắc tao chết mất!
Ngy nói:
- Đừng nói nhảm.Bố mày chỉ còn mỗi mình mày, mày phải làm sao cho bố mày vui, mẹ mày mỉm cười dưới suối vàng chứ!
- Mẹ tao không thương tao!
- Lại nói nhảm!  Sao lại không?  Mẹ mày không thương mày thì thương ai?
- Nếu thương tao sao mẹ tao bỏ tao?
Ngy bí, không biết trả lời sao cho phải!  Cả ba ngồi yên, mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ riêng tư.  Bao nhiêu câu hỏi âm thầm được đặt ra trong óc Uyên:  "Mẹ ơi!  Sao mẹ bỏ con hả mẹ?  Mẹ không thương con sao?  Mẹ có nghe con hỏi không?  Sao mẹ không trả lời?  Mẹ cười với con đi!...
Ngày mai sẽ ra sao?  Con làm sao sống được khi căn nhà này thiếu bóng mẹ?  Thiếu nụ cười, ánh mắt, bàn tay vuốt ve trìu mến và những lời ngọt ngào yêu thương của mẹ!  Rồi những buổi chiều trời thật đẹp ai đưa con đi dạo phố?  Rồi những buổi tối quây quần trong căn phòng ấm cúng này ai kể chuyện ngày xưa cho con nghe?  Những câu chuyện hoang đường mà mỗi lần mẹ kể, mẹ đều bắt đầu bằng hai tiếng "ngày xưa".  Con say mê theo dõi, đôi mắt con không rời đôi môi mẹ, mẹ kể chuyện thật hay, giọng mẹ thật nhẹ nhàng, êm dịu như rót vào tai con.
Những hình ảnh đó làm sao con quên được!?  Kể từ hôm nay, căn nhà này thiếu tiếng nói của mẹ, thiếu nụ cười của mẹ, đó là nguồn sinh lực của con.  Bây giờ mẹ đem đi hết rồi, con làm sao sống trong niềm khắc khoải, cô đơn trống vắng!?
Đời con bất hạnh quá phải không mẹ?  Mới mười lăm tuổi đầu con đã trở thành một đứa trẻ mồ côi.  Con bắt đầu bước vào khúc quanh của cuộc đời, không ai dìu dắt.
Có ngờ đâu đời con bắt đầu thay đổi từ một trận mưa đầu mùa của một buổi chiều?  Buổi chiều!  Buổi chiều kinh hoàng!  Buổi chiều mà con nghe tin sét đánh bên tai.  Buổi chiều mà mẹ đã ra đi vĩnh viễn, để rồi trong suốt quãng đời còn lại, con sẽ sống với những buổi chiều mà không bao giờ con vui mẹ nhỉ!
Con yếu đuối, con sợ sệt và con linh cảm rằng con không đủ sức chịu đựng với sự cô đơn trống vắng đó.  Con không đủ sức để chống chọi với đời mẹ ơi.
Mẹ ơi!  Mẹ có thương con không?  Mẹ hãy phù hộ cho con nghe mẹ.  Mẹ hãy ở bên con.  Mẹ cho con theo mẹ với.
Mẹ ơi!  Tất cả những gì trời ban cho con, từ một đứa con gái mặn mà, từ một nếp sống giàu sang nhung lụa con không cần, con không thiết, con xin trả lại tất cả để đổi lấy mẹ.  Xấu cũng được, nghèo cũng chẳng sao.  Miễn là con còn mẹ, mãi mãi còn mẹ!
Mẹ biết không?  Đã có lần con được đọc quyển "Bông hồng cài áo", đọc xong con thấy mình thật là sung sướng bởi vì con còn mẹ, con yêu mẹ nhiều thật nhiều.
Con mường tượng được cuộc sống đau khổ của những người thiếu may mắn không còn mẹ.  Con thương mẹ vô cùng và con sợ lắm.  Con sợ lắm nên con vẫn hằng cầu xin cho mẹ được bình an và sống mãi mãi bên con.
Nhưng con làm gì nên tội?  Thượng Đế không nghe lời khẩn khoản cầu xin của con sao?  Thế là từ nay con không còn được cái may mắn cài đóa hoa hồng trên áo.  Con đã mất mẹ thật rồi!  Khi mẹ nằm đó, đôi mắt nhắm nghiền và lát nữa đây mẹ mới thật sự bỏ con khi mẹ nằm sâu dưới lòng đất.  Một tiếng nổ chát chúa, những người vô tội nằm xuống, trong đó có mẹ yêu dấu của con!...
- Ngy, Hương ơi!
- Gì Uyên?
- Tụi mày đọc "Bông hồng cài áo" chưa?
- Rồi!
- Có mẹ sung sướng quá phải không Ngy?
- Ừ!
- Tao không cần gì cả Ngy, Hương ơi!  Tao chỉ cần mẹ thôi.  Bây giờ mẹ tao chết rồi.  Tao không muốn sống làm gì nữa.
Diễm Hương bịt mồm Uyên lại:
-  Đừng nói nhảm!  Sao mày hay nói nhảm quá!
- Nhảm!?  Không!  Nếu mày ở vào trường hợp tao mày sẽ thấy!
Nhưng giây phút cuối cùng mà Uyên hằng chờ đợi đã đến!  Ngy, Hương dìu Uyên ra đứng cạnh quan tài.  Uyên cũng không hiểu tại sao Uyên lại có thể tỉnh táo một cách lạ thường như vậy.
Uyên gục đầu trên quan tài, tưởng tượng đang nằm trong vòng tay mẹ Uyên nghe rõ từng hơi thở và mùi thơm quen thuộc của mẹ.  Uyên gọi khẽ:
- Mẹ ơi!
Uyên nghe tiếng mẹ hỏi:
- Uyên đấy hả con?
- Vâng.  Con đây mẹ.
- Sao con lại khóc?
- Mẹ đừng bỏ con nghe mẹ!
- Ừ.  Mẹ không bỏ con đâu!
- Thế sao mẹ không sống lại?
- Nhưng mẹ vẫn ở bên con mà!
- Con không chịu đâu!
- Rồi con sẽ thấy mẹ trong bữa ăn, trong giấc ngủ...bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.
- Con thấy mẹ rồi!
- Ừ.  Vậy thì con phải ngoan nghe.
- Vâng.
- Uyên, sửa soạn lạy mẹ đi.
Uyên ngẩng lên khi nghe tiếng Ngy gọi.  Chiếc quan tài vừa được nâng lên, Uyên gào khóc nức nở.  Uyên chỉ chực nhào vào ôm cứng lấy quan tài, không cho ai khiêng đi đâu cả.  Nhưng Ngy và Diễm Hương đã giữ chặt hai cánh tay, Uyên lăn lộn, vùng vẫy trong điên cuồng.
Tiếng trống kèn trổi lên ai oán hơn, thê lương hơn.  Uyên rũ người xuống như đã tàn sinh lực.  Phải khó nhọc lắm, Diễm Hương và Ngy mới dìu được Uyên đi từng bước một.
Chiếc xe tang từ từ lăn bánh.  Có đôi lúc Uyên có cảm tưởng như Uyên đang ra sức níu chiếc xe lại.  Nhưng chiếc xe vẫn kéo lê Uyên từng bước một, trên mặt con đường buồn trơ trẽn.
Câu chuyện lại bắt đầu từ một buổi chiều.  Một buổi chiều mẹ nằm xuống và một buổi chiều tiễn mẹ đi vào lòng đất lạnh.
Uyên cố gắng mở thật to đôi mắt, nhìn thật sâu vào bức ảnh bán thân của mẹ nhưng Uyên chẳng thấy gì ngoài hình ảnh một buổi chiều đầy mây xám giăng ngang!...
Chương 3
Ba ngày, sau khi chôn cất mẹ xong xuôi, Uyên mới tỉnh trí phần nào và hôm nay Uyên cắp sách trở lại trường. Con đường từ nhà đến trường, bây giờ đối với Uyên là cả một đổi thay to lớn. Nó không còn mang bộ mặt tươi vui mọi ngày nữa mà đã được khoác vào một khung cảnh buồn thê lương, ảm đạm.
"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?"  Phố xá nhộn nhịp, dập dìu xe cộ, hoa phượng nở đỏ ối hai bên đường.  Đúng lý ra nó vui lắm mới phải.  Nhưng Uyên buồn thành thử mọi việc trước mắt Uyên cũng buồn như khuôn mặt của Uyên từ ngày mẹ mất.
Mới có ba ngày - thời gian thật ngắn ngủi - sống một mình trong căn nhà trống vắng mà Uyên cứ tưởng mình vừa trải qua một thế kỷ dài đăng đẳng.  Không biết rồi Uyên có quen đi như lời bố nói hay mãi mãi suốt đời Uyên không thể quên được ngày đau đớn và những nỗi cô đơn dập dồn vây hãm!?
Có nhiều lúc Uyên ngồi trước bàn thờ mẹ hằng nửa buổi.  Uyên nhìn thật lâu vào đôi mắt mẹ trên khung ảnh bán thân, Uyên thấy mẹ cười với Uyên và mẹ bảo rằng "mẹ vẫn ở bên Uyên, đừng lo sợ gì cả!"
Uyên tin lắm, Uyên tin rằng lúc nào mẹ cũng ở bên Uyên, lo cho Uyên từ miếng ăn đến giấc ngủ, từ manh quần, tấm áo. Mẹ vẫn là nơi mà Uyên cần phải nương tựa và bấu víu suốt đời.
Nhờ những ý nghĩ đó mà có đôi lúc Uyên đã quên đi phần nào nỗi đau đớn hiện tại. Uyên đã tập được thói quen để Uyên quên rằng mẹ đã mất.  Trước khi ăn cơm, Uyên vẫn mời mẹ, trước khi đi học Uyên cũng ra trước bàn thờ chào mẹ. Và sau những lần làm như vậy Uyên thấy tâm hồn mình vơi  đi phần nào nỗi u buồn nặng trĩu.
Uyên bước vào cổng trường trước những con mắt nhìn soi mói.  Có lẽ họ để ý đến khuôn mặt và chiếc khăn tang chít trên đầu Uyên.  Uyên bước nhanh như trốn chạy những con mắt vô tình khơi lại nỗi đau đớn, buồn tủi trong Uyên.
Vừa đặt chân đến cửa lớp, Ngy đã chạy ra ôm chầm lấy Uyên:
- Tội nghiệp Uyên!
Uyên cảm động:….
 (chỗ này bị rách nên mất hết mấy dòng- xin lỗi bạn đọc)
… em chi cả. Suốt ngày chỉ thui thủi một mình thế thì làm sao mà trách Uyên không buồn chán được?
Phải chi Uyên có mấy đứa em chắc không đến nỗi nào.  Dù sao đó cũng là những nguồn an ủi vô biên còn sót lại khi tình thương bao la và bóng dáng của mẹ hiền mất hẳn.  Đặt vào trường hợp Ngy có lẽ Ngy cũng sẽ buồn đến phát điên lên được.
Ngy liếc nhìn Uyên, vẻ mặt của Uyên lúc buồn trông đẹp hơn lúc vui.  Ngy nghĩ, giá Uyên mồ côi cả cha lẫn mẹ, có lẽ Ngy sẽ xin bố mẹ cho Uyên về ở với Ngy.
Mặc dù chỉ là đôi bạn thân nhưng Ngy thương Uyên vô cùng.  Tình thương của Ngy dành cho Uyên có thể đem so sánh với tình thương mà Ngy dành cho các em.  Rất tiếc!  Uyên còn bố!  Mặc dù buồn thật đấy nhưng bắt Uyên phải xa bố, chắc chẳng đời nào Uyên chịu.
Bên cạnh, Uyên cũng đang theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình.  Biến cố đã thay đổi con người Uyên thật rồi.  Còn đâu một Uyên duyên dáng nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi?  Còn đâu một Uyên nhí nhảnh vui đùa với bạn?
Biến cố xảy ra như một giấc mơ!  Cho đến bây giờ Uyên cũng chưa tin hẳn mẹ Uyên đã chết thật bất ngờ như vậy.  Buổi sáng trước khi đi - hôm xảy ra tai nạn - mẹ còn cười nói với Uyên thật nhiều.  Nào là "con ở nhà ngoan nghe!  Mẹ đem quà về cho.  Chiều mai mẹ về, nhớ đón mẹ nghe con gái cưng!  Hôm nay chỉ có hai bố con ở nhà, ra tiệm ăn cơm cho tiện."
Mẹ còn dặn nhiều lắm và chiều hôm sau mẹ đã trở về thật.  Nhưng mẹ không trở về trong những tiếng reo vui rộn ràng.  Mẹ không trở về bằng nụ cười và những câu chuyện ròn như bắp rang. Mà mẹ trở về chỉ là một cái thây lạnh giá được đậy kín sau lớp gỗ của một chiếc quan tài oan nghiệt.
Con không được nhìn mặt mẹ lần cuối!  Con không được nghe mẹ nói dù chỉ một lời ngắn ngủi.  Mẹ đó sao?  Mẹ của Uyên đó sao?  Trời ơi!  Có thể nào như thế được?
Dù không tin nhưng nó vẫn là sự thật!  Một sự thật hẳn hoi chứ không phải là một giấc mơ như Uyên nghĩ!  Có nghĩa là mẹ đã vĩnh viễn xa Uyên.  Không bao giờ Uyên nhìn thấy mẹ bằng xương bằng thịt hiện diện trong căn nhà ấm cúng này nữa.
Mẹ đã chết!  Người ta đã vùi sâu mẹ dưới lòng đất và Uyên, Uyên chỉ thấy mẹ trong trí nhớ nhỏ nhoi trong giấc mơ mà không bao giờ Uyên được mẹ ôm gọn trong lòng như ngày mẹ còn sống.
Uyên biết, bố cũng thương Uyên nhiều lắm chứ!  Nhưng tình thương của bố không ngọt ngào bằng tình thương của mẹ ban cho Uyên.  Không hiểu tại sao Uyên lại có ý nghĩ như vậy!?
Hình như trong gia đình, người mẹ gần gũi với con cái hơn là người cha.  Bố phải đi làm quần quật suốt ngày để nuôi sống gia đình, còn đâu thì giờ để mà chăm sóc, vuốt ve Uyên!
Bố thương Uyên nhưng không bao giờ bố bộc lộ bằng cử chỉ như mẹ.  Tình thương của bố ẩn kín sâu xa ghê lắm mà Uyên không thể nhìn thấy được!
- Uyên ơi!
Uyên giật mình ngoảnh lại.  Ngy nói:
- Hôm nọ phát bảng danh dự, tao lãnh hộ mày.
Uyên mỉm cười chua chát:
- Bây giờ có lãnh đến mười cái tao cũng không ham!
- Bậy!  Phần thưởng tinh thần này dù sao cũng khiến bố mày vui và mẹ mày mỉm cười nơi chín suối.
Một thoáng suy nghĩ, Uyên đáp nhẹ:
- Đành vậy!  Nhưng tao muốn phần thưởng "còn mẹ".
Ngy bật cười:
- Nói như mày, ai chả muốn vậy!
Uyên hỏi tiếp:
- Hôm phát bảng danh dự giờ của giáo sư nào?
Ngy đáp:
- Cô Nguyệt.
- Cô có hỏi gì tao không?
- Có.  Lúc cầm bảng danh dự của mày, cô yêu cầu lớp học thay vì vỗ tay, hãy im lặng một phút để nghĩ đến mày và nguyện cầu cho mày được may mắn, đầy đủ nghị lực để sống nốt quãng đời còn lại.
Uyên xúc động:
- Cô thương tao quá.
Ngy bùi ngùi:
- Ừ.  Cô bảo trong lớp cô thương mày nhất.  Cô nói ra mà không sợ ai ganh tỵ bởi vì mày rất xứng đáng là một đứa học trò để thầy cô yêu.  Cô còn thương mày nhiều hơn nữa kể từ ngày hôm nay. 
Mắt Uyên long lanh ngấn lệ, Uyên nói thầm thì:
- Con cám ơn cô.  Con cám ơn cô.
Ngy cố đùa để bạn quên buồn:
- Sao mày không cám ơn tao?
Uyên nhìn Ngy.  Ngy tiếp:
- Cô Nguyệt thương mày đâu bằng tao thương mày!  Phải cám ơn tao nữa chứ!
Uyên cười, nụ cười tươi đầu tiên mà Ngy bắt gặp kể từ ngày Uyên được đổi danh là "Uyên buồn".  Uyên nói:
- Ừ!  Tao quên!  Cám ơn mày.  Tao thương mày.  Tao thương mày lắm Ngy ơi!
Ngy sung sướng.  Không hẹn, cả hai ôm chầm lấy nhau nghe tình thương tràn ngập trong lòng.  Diễm Hương từ trong lớp đi ra tình cờ thấy cảnh đó, chịu không được, ghen tỵ:
- Ê!  Còn tao nữa chứ!
Uyên ngoảnh lại:
- Ừ!
Lại đến lượt Uyên và Diễm Hương ôm nhau.  Uyên sung sướng và vui lây với cái không khí đùm bọc thương yêu của hai người bạn thân.
Chợt Diễm Hương nói:
- Thế mà từ hồi nào đến giờ chúng nó cứ bảo mình đối với nhau "bạc như vôi", chỉ có bề ngoài.
Ngy nói:
- Chúng nó tưởng mình học giỏi ngang nhau thì phải ganh ghét nhau.
Uyên nhìn Ngy, Diễm Hương cả ba cùng mỉm cười vui sướng.  Cùng lúc tiếng chuông vào học reo vang, bạn bè bu quanh Uyên, cảnh tượng lôi kéo, giằng co, dành Uyên trông thật buồn cười.
Sau khi cho học sinh ngồi xuống, thầy Quyến ngỏ lời chia buồn cùng Uyên:
- Được tin thân mẫu của Uyên từ trần, thầy không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn với Uyên và nguyện cầu hương hồn người quá vãng sớm siêu thoát.
Uyên đứng dậy, giọng run run:
- Con xin cám ơn thầy.
Nói xong Uyên ngồi xuống, gục đầu trên cánh tay để mặc lệ tuôn rơi.
Thầy Quyến tiếp:
- Không khí lớp học hôm nay thật buồn.  Thầy và các bạn cùng chia sớt nỗi buồn của Uyên.  Uyên hãy cố gắng quên đi và bây giờ chúng ta bắt đầu học.
Thầy mở sổ điểm và gọi tên học sinh lên đọc bài như thường lệ.  Uyên không còn tinh thần để mà theo dõi những sự việc xảy ra trước mắt và chung quanh.
Uyên vẫn triền miên trong một giấc ngủ tuyệt vời có "mẹ là dòng suối ngọt ngào, có mẹ là bài hát thần tiên.  Những ai đang còn mẹ, hãy cười lên vui sướng đi!..." Vâng!  Các bạn hãy cười lên và vui sướng đi bởi vì các bạn còn mẹ, còn có tình thương bao la ấp ủ, còn có những giấc ngu?  Êm đềm bên cạnh mẹ, còn có bàn tay mẹ chăm sóc thương yêu, còn có mẹ thức suốt bên giường bệnh. Bàn tay mẹ là một thành trì kiên cố, là một căn nhà vững chắc che chở bạn, để bạn nương tựa.
Uyên mất rồi!  Uyên mất tất cả rồi!  Kể từ ngày "đoá hoa hồng cài trên áo rụng", Uyên bơ vơ, lạc lõng, yếu đuối, thiếu thốn đủ mọi bề.  Uyên không còn mẹ để được nương tựa, không còn mẹ để được thương yêu, chăm sóc!...
Mẹ!  Con cần có mẹ trong cuộc sống này!  "Lòng mẹ bao la như biển Thái bình rạt rào."  Mẹ ơi!  Con đã hiểu.  Con đã hiểu thế nào là tình mẹ thương con, con đã hiểu lòng mẹ bao la như thế nào?  Con đã biết hương vị của một cuộc sống dư thừa nếu không có mẹ.  Con đã biết nỗi đớn đau của một kẻ mất mẹ.  Mẹ ơi!
"Thương con thao thức bao đêm trường.  Con đã yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao.  Thương con khuya sớm bao tháng ngày.  Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn!"  Con vừa lớn khôn thì mẹ cũng vừa lìa bỏ kiếp sống.  Con chưa đền đáp được công lao của mẹ.  Con chưa ý thức được tình mẹ thương con nếu không có ngày hôm nay...ngày mà mẹ đã lìa xa con vĩnh viễn.
Ngy ơi!  Diễm Hương ơi!  Hãy cười lên vui sướng đi bởi vì chúng mày còn mẹ!  Chúng mày đang sống trong sự đùm bọc và tình thương bao la của mẹ nên chúng mày chưa ý thức được tình mẹ thương con cao cả như thế nào đâu Ngy, Hương ơi!
Chúng mày hãy tưởng tượng đi và hãy nhìn tao đây này.  Mẹ mất rồi, ai lo cho từ giấc ngủ, miếng ăn, manh quần, tấm áo?  Ai an ủi, vỗ về?  Ai chăm sóc?  Chúng mày thấy chưa?  Khổ lắm Ngy, Hương ơi!  Thiếu mẹ, đời ta thiếu tất cả!  Mất mẹ, đời không còn đáng sống nữa Ngy, Hương ạ!
Chúng mày không ở trong trường hợp của tao nên chúng mày chỉ có thể tưởng tượng được phần nào nỗi đau khổ của một kẻ mất mẹ.  Nỗi đau khổ đó không giản dị và tầm thường như chúng mày nghĩ đâu.  Tao đã mất đi hai phần ba lẽ sống của cuộc đời rồi chúng mày có biết không hả Ngy, Hương?
Mẹ!  Ôi tiếng gọi thân yêu từ ngày tập nói.  Tiếng gọi thân yêu không bao giờ mất trên đầu môi.  Một ngày con gọi mẹ hằng trăm tiếng không biết mỏi.  Bây giờ mẹ mất rồi, con gọi mẹ hàng vạn, hàng triệu tiếng không biết mệt. Mẹ có nghe không?
Đoá hoa hồng cài trên áo rụng.  Uyên cúi xuống nhặt lên, dù chỉ là một đoá hoa tàn, Uyên cũng ôm ghì thật chặt trong vòng tay.
Bây giờ chỉ còn lại hình ảnh mẹ thật huy hoàng, thật sáng ngời trong ý nghĩ trẻ thơ.  Mẹ vẫn là một bức tranh tuyệt vời để Uyên ngắm.  Bàn tay mẹ vẫn rộng mở để Uyên nương tựa.
Đôi mắt mẹ vẫn nhìn Uyên trìu mến như đang khuyên răn Uyên, che chở Uyên và dìu dắt Uyên trên suốt quãng đường đầy chông gai và bão tố.
Thân xác mẹ sẽ mục rã theo thời gian nhưng hình ảnh mẹ vẫn còn mãi mãi trong con cho dù vũ trụ có đổi thay dồn dập.
Uyên nhắm mắt để tưởng tượng rằng mẹ đang vỗ về Uyên, mẹ đã nghe những lời Uyên nói và bàn tay mẹ hình như đang truyền cho Uyên nhiều nghị lực lắm thì phải.
- Uyên!
Uyên giật bắn người vì tiếng gọi của thầy Quyến.  Uyên run rẩy đứng dậy trước hàng trăm con mắt ái ngại của bạn bè đổ dồn về phía Uyên.
- Em lập lại những lời tôi vừa nói.
Uyên ngơ ngác.  Từ nãy đến giờ Uyên có nghe thầy giảng gì đâu.  Uyên còn bận nghĩ đến mẹ thì làm sao Uyên có thể nghe lọt tiếng nói của thầy được?  Uyên đứng cứng người trong khi thầy hằn học:
- Em không nghe tôi giảng gì cả, tại sao vậy?  Một học trò ngoan không thể vô lễ như vậy được.  Thầy nói bỏ ngoài tai đó có phải.
Bỗng thầy ngưng bặt, hai tai Uyên ù lên, nước mắt tuôn rơi xối xả và Uyên ngã gục trên bàn.
Tiếng ồn ào, lo lắng của bạn bè vang lên tứ phía.  Ngy vội vã lật ngửa mặt Uyên ra, giật lấy giật để tóc mai trong lúc Diễm Hương cuống quýt tìm dầu thoa hai bên thái dương Uyên.
Trong đám chỉ có Ngy và Diễm Hương thương Uyên nhiều nhất.  Cả hai đã khóc thật tình vì lo sợ cho bạn.  Trong một giây phút ngắn ngủi, thầy Quyến bỗng thấy ân hận và cảm phục tình bạn nồng thắm của Ngy và Diễm Hương dành cho Uyên.
Ngy nhìn thầy:
- Thay mặt Uyên, con xin lỗi thầy.  Vì Uyên nó chịu một cái tang lớn quá nên không thể nào nguôi ngoai ngay được!  Xin thầy tha lỗi cho Uyên.
Thầy Quyến đáp, giọng xúc động:
- Thầy hiểu!...Thầy hiểu!...Thầy ân hận quá.
Khoảng một phút sau, Uyên hồi tỉnh, Uyên nhìn thầy qua màn lệ:
- Thầy tha lỗi cho con!
Thầy Quyến vuốt đầu Uyên, tỏ một cử chỉ thương xót:
- Không!  Uyên không có lỗi gì cả.  Trong một phút nóng giận, thầy quên bẵng đi rằng Uyên đang đau khổ.  Thầy đã nặng lời với Uyên.  Thầy ân hận lắm...Thôi, Uyên ngồi xuống đi.
Uyên lí nhí trong họng ba tiếng "cám ơn thầy" rồi ngồi xuống.  Lần đầu tiên Uyên bị quở phạt kể từ ngày cắp sách đến trường. 
Buổi học vẫn nặng nề trôi. Bất giác Uyên bật khóc sau khi thốt lên tiếng "mẹ" thiết tha, trìu mến!...
Chương 4
Uyên để ý thấy mấy hôm nay cô Hà có vẻ năng lui tới nhà Uyên và biểu lộ cử chỉ gần như là thương yêu chăm sóc Uyên.  Cô Hà là bạn thân của bố mẹ Uyên vì thế đối với gia đình này, cô không xa lạ gì cả.  Chính vì chỗ thâm giao đó mà Uyên đã xem cô như một người cô ruột.
Nhưng từ hơn một tuần nay, Uyên bắt đầu thắc mắc và để ý đến cô Hà nhiều hơn bao giờ hết. Uyên lo sợ và linh cảm một ngày nào đó không xa lắm, hình ảnh của cô Hà sẽ thay thế hình bóng của mẹ trong tim bố.
Về phần bố, Uyên cũng đã thấy một vài triệu chứng thay đổi. Bố không còn buồn và tư lự như một tháng trước đây, nghĩa là bố đã vui vui, tìm lại được phần nào sự sống và cũng kể từ hôm đó, thái độ của Uyên đối với bố thay đổi hẳn.  Uyên thật lạnh lùng, không còn cười nói như trước kia.
Nỗi lo sợ càng ngày càng ám ảnh Uyên dữ tợn hơn. Tự dưng Uyên thấy tủi thân và thương mẹ vô cùng. Hình như cô Hà đã khó chịu không ít mỗi khi cô thấy Uyên ngồi trước bàn thờ mẹ lâm râm khấn vái cả tiếng đồng hồ. Uyên cầu xin vong hồn mẹ có linh thiêng về phù hộ, che chở cho Uyên và ngăn cản những ai có ý định đặt chân vào căn nhà này thay thế hình bóng mẹ.
Sau những lần khấn vái như vậy, Uyên tin tưởng mẹ đã nghe thấy lời cầu xin của Uyên, mẹ đang che chở cho Uyên.
Uyên thầm nghĩ "mẹ mới mất được vài tháng mà đã có người lăm le thay thế mẹ. Trời ơi!" Uyên bật khóc, vừa xót thương cho vong linh mẹ, vừa oán ghét người định xen vào gia đình Uyên.
Uyên nằm úp mặt trên gối để mặc lệ tuôn rơi.  Giây phút này Uyên chỉ nghĩ đến mẹ, nhớ đến mẹ mà thôi.
Chiếc áo dài trắng mà Uyên định đem ra ủi để mặc trong buổi lễ phát thưởng ngày mai vẫn nằm trơ trọi trên mặt bàn.  Uyên không buồn đứng dậy hay nói đúng hơn Uyên không muốn làm bất cứ một công việc gì trong lúc này.
Đáng lẽ hôm nay Uyên vui lắm mới phải.  Như năm ngoái, năm kia  chẳng hạn, giờ này Uyên đã lo cuống quýt cả lên, phần thì nhờ mẹ ủi chiếc áo này và Uyên thì lo đánh bóng đôi giày kia...Tất cả như một cuốn phim dĩ vãng được quay lại trong ký ức Uyên.
Nhiều khi Uyên có ý định nằm lỳ ở nhà không đi lãnh thưởng.  Nhưng chợt nghĩ đến mẹ, đến cô Nguyệt, đến nét mặt buồn buồn của Ngy, Hương, Uyên lại thôi dẹp bỏ ý định đó.  Không khí vui nhộn của buổi lễ phát thưởng, của một ngày cuối niên học, chắc chắn không bao giờ hợp với tâm trạng và khuôn mặt của Uyên.  Vì thế Uyên không muốn, không bao giờ muốn đặt chân đến những chỗ có thể khiến Uyên buồn hơn như thế được.  Mọi năm còn có mẹ đưa Uyên đi lãnh thưởng.  Năm nay ai đưa Uyên đi nhỉ?
Chuông đồng hồ gióng lên bốn tiếng.  Cơn nắng gắt buổi chiều đã nhường chỗ cho đám mây đen khổng lồ về ngự trị.  Trời sắp đổ mưa, Uyên uể oải đứng dậy, bước ra ban công rút quần áo đang phơi ngoài dây vào.
Đứng trên ban công, Uyên có thể nhìn thấy sinh hoạt của mọi người và xe cộ trên dãy phố con đường trước mặt.  Những ngọn gió chuyển mưa thật mạnh thổi tóc Uyên tung bay vần vũ, Uyên có cảm tưởng mình đang đứng trên một ngọn núi giữa vùng hoang vắng, tịch liêu.
Tại sao gió không thổi mạnh thêm chút nữa để cuốn Uyên bay bổng lên trời, đưa Uyên về với mẹ?  Uyên chỉ muốn về với mẹ cho dù thế giới mà mẹ đang sống có âm u, cô quạnh đến đâu đi chăng nữa cũng được.  Miễn sao Uyên được ở gần mẹ, chỉ ngần ấy thôi cũng đủ sung sướng và hạnh phúc lắm rồi.
Uyên quay trở vào sau một tiếng thở dài não ruột, vừa lúc đó Uyên nghe có tiếng gõ cửa ở dưới nhà vọng lên.  Uyên quăng đống quần áo trên giường, lê từng bước nặng nhọc xuống nhà, bước ra mở cửa:
- Uyên!
Cô Hà gọi Uyên và nở một nụ cười thật hiền nhưng đối với Uyên, nụ cười đó không thể cảm tình được.
- Cô ạ!  Mời cô vào chơi.
Uyên lên tiếng chào và đứng tránh sang một bên nhường chỗ cho cô Hà bước vào.
- Sáng mai Uyên đi lãnh thưởng hả?
Uyên đáp lạnh lùng:
- Vâng!
- Cô đưa Uyên đi nghe!?
Uyên khước từ:
- Dạ thưa cô thôi.  Phiền cô quá.
Cô Hà xịu ngay nét mặt.  Uyên tiếp:
- Vả lại kỳ này cháu không lấy giấy mời phụ huynh.
Cô Hà lặng thinh, Uyên bỏ vào trong nhà pha nước tiếp khách.  Một lát sau Uyên trở ra:
- Mời cô xơi nước.
- Để mặc cô.  Uyên có bận gì không?
- Dạ thưa cô không.
- Ngồi nói chuyện với cô đi.
- Dạ!  Cô cho phép cháu.
Uyên ngồi xuống chiếc ghế đối diện với cô Hà.  Cô nhìn thẳng vào mặt Uyên:
- Uyên này!
Uyên hơi ngước lên:
- Dạ!
- Uyên còn buồn không?
- Suốt đời, mãi mãi cháu vẫn buồn.
- Rồi cũng phải quên đi chứ.
- Dạ thưa cô cháu nghĩ chuyện gì còn có thể quên được chứ mẹ mất thì không bao giờ quên được cô ạ.
Một giây yên lặng, cô tiếp:
- Uyên thương mẹ quá nhỉ?
Uyên thầm nghĩ "mẹ mình không thương, thương ai bây giờ?", Uyên đáp:
- Vâng!  Cháu thương mẹ cháu nhiều lắm.  Cả bố cháu nữa.
- Sao Uyên biết?
- Cháu biết vì từ ngày mẹ cháu mất, bố cháu buồn và chán nản, không thiết gì cả.
- Uyên có nhận xét lầm chăng?
- Thưa cô không!
Cô Hà mỉm cười, nụ cười có vẻ chế riễu.  Uyên tức đến đỏ mặt, nước mắt chỉ chực trào ra.  Không hiểu nghĩ sao Uyên đứng bật dậy, đến trước bàn thờ mẹ, lấy ba nén hương, châm lửa rồi quỳ xuống lâm râm khấn vái.
Cô Hà bực mình vì thái độ và cử chỉ của Uyên, ngoảnh mặt đi nơi khác.  Uyên vẫn gục đầu dưới đất, miệng khấn nhỏ:  "Lạy mẹ!  Xin mẹ có linh thiêng phù hộ cho con đầy đủ nghị lực chống chỏi với người đời.  Con khổ quá mẹ ơi.  Người ta có ý định thay thế mẹ trong căn nhà này mẹ có biết không!?  Con không chịu đâu mẹ ạ.  Không đời nào con chịu cả.  Con sẽ phấn đấu đến cùng.  Không ai có quyền làm lu mờ hình bóng mẹ trong tim bố cả.
Mẹ ơi!  Mẹ hãy về với bố mỗi đêm như mẹ vẫn về với con nghe mẹ.  Mẹ nói với bố rằng không bao giờ con chịu gọi một người nào khác bằng tiếng mẹ yêu dấu mà con vẫn dành để gọi mẹ nghe mẹ.  Con sợ quá mẹ ơi.  Con linh cảm hình như người ta đang cố tình chia sớt tình thương của bố dành cho mẹ và con đó mẹ.
Mẹ có nghe con nói không?  Con phải làm gì bây giờ hả mẹ?  Con yếu đuối và nhỏ bé quá mẹ ơi.  Mẹ có thương con không?  Tối nay mẹ về với con nữa nghe mẹ.  Mẹ dạy con những gì con phải nói nghe mẹ.  Mẹ chỉ con làm những gì con phải làm nghe mẹ!...Nếu con là kẻ thua cuộc, con sẽ trả lại căn nhà cho bố, mẹ con mình sẽ đi nơi khác nghe mẹ!..."
Có đến mười phút sau Uyên mới từ từ đứng dậy trở về chỗ cũ như người mất hồn.  Nét mặt cô Hà lộ vẻ tức giận thấy rõ.  Uyên không quan tâm lắm bởi vì nghĩ lại Uyên thấy mình không làm điều gì gọi là vô lễ cả.  Nhớ mẹ, thương mẹ, cúng bái vong linh mẹ đó là quyền của riêng Uyên, không ai có thể vô lý đến độ cấm Uyên làm như vậy được.
Trời đã đổ mưa tự bao giờ, tiếng mưa rơi đều trên mặt mái tôn căn nhà bên cạnh khiến Uyên buồn vô tận.  Uyên ngoái cổ nhìn ra ngoài trời qua khung cửa sổ.  Làn nước đục ngầu, trắng xóa như giải khăn tang vô tội Uyên đang chít trên đầu.  Nước mưa đổ xuống thật nhiều nhưng có nhiều bằng nước mắt Uyên đã khóc mẹ cả tháng trời nay không?
"Giờ này chắc mẹ lạnh kinh khủng.  Không biết hôm ấy người ta có đắp cho mẹ một chiếc khăn không mẹ nhỉ?  Căn nhà của mẹ đang xây dở, phải mãi đến một tuần nữa mới xong cơ.  Nhưng dù sao cũng còn cái mái bằng gỗ che đỡ cho mẹ, chắc không đến nỗi nào.  Sáng mai, lãnh phần thưởng xong con sẽ đem đến khoe mẹ và bảo người ta xây căn nhà của mẹ mau mau một chút để mẹ khỏi ướt.  Hồi còn sống, mẹ thích những cây tùng và những chậu ngọc lan thơm ngát.  Hôm nọ con mất cả nửa buổi, tìm mua cho bằng được bốn chậu tùng và bốn chậu ngọc lan để trang trí chung quanh nhà mới của mẹ đó.  Mẹ thích không mẹ?  Trước khi xây nhà mới của mẹ, con đi khắp một vòng nghĩa trang tìm kiểu nhà nào xinh nhất chỉ cho người ta xây.  Con tin chắc con chọn kiểu này mẹ sẽ bằng lòng ngay!  Nếu không mẹ đã bảo con xây lại kiểu khác rồi phải không mẹ?
Bố thương con lắm vì thế bố để cho con toàn quyền chọn kiểu và trang hoàng ngôi nhà mới của mẹ.  Bố bảo khi nào xây xong, con cho bố biết để bố dắt con lại ở với mẹ một ngày.  Bố nói thật hay nói đùa hả mẹ?
Nhà của mẹ ở chỗ mát ghê mẹ nhỉ?  Xung quanh toàn những cây sao to tướng thì làm gì có nắng lọt vào để mẹ phải nhức đầu và khó ngủ được?  Con quên mất.  Còn cái bảng tên của mẹ nữa.  Con đặt làm bằng đá cẩm thạch trắng, khắc chữ vàng, ở giữa gắn khung ảnh mẹ rọi trên đĩa, có lớp kính bao ở ngoài đàng hoàng, trông nổi và đẹp mắt lắm mẹ ơi.
Mẹ đẹp và trẻ lắm.  Người ta bảo thế mẹ ạ, mà con cũng thấy như vậy nữa.  Con yêu nhất đôi mắt mẹ vì mẹ vẫn bảo là mắt con giống mắt mẹ kinh khủng.  Đôi mắt mẹ buồn buồn làm sao ấy và hình như lúc nào mẹ cũng nhìn con, cười với con phải không mẹ?
Ngy thương con lắm mẹ ơi.  Ngy nó bảo tại đôi mắt mẹ lúc nào cũng buồn nên mẹ mới mất sớm.  Và nó bảo là từ ngày mẹ mất, đôi mắt con buồn giống y hệt đôi mắt mẹ, coi chừng con cũng chết yểu.  Con không sợ đâu mẹ ạ.  Con còn thích chết để được ở gần mẹ nữa cơ.  À mẹ ơi!  Cái bình hoa mẹ thích con đem đến cho mẹ rồi đó.  Để ngày mai con đem theo máy ảnh con bắt Ngy nó chụp cho con một tấm đứng cạnh ngôi nhà của mẹ.  Ảnh của mẹ con cất cẩn thận lắm.  Cả những tấm chụp hôm bố và con đưa mẹ về nhà mới nữa.  Con mua một cuốn album thật lớn để dán ảnh của mẹ.  Ngày nào con cũng mở ra ngắm mẹ và nói chuyện với mẹ, con nghe thấy mẹ nói chuyện với con nữa nè.  Phải thế không mẹ?
Mưa to quá mẹ ơi.  Mẹ có lạnh không mẹ?  Tội nghiệp mẹ quá!  Con cầu cho ngày qua mau để sáng mai con đến thăm mẹ.  Ngày mai con mua cho mẹ một bó hoa khác nghe mẹ.  Bó hoa hôm nọ chắc héo hết rồi.  Mẹ ngủ có ngon không?  Mấy bác thợ xây có làm phiền mẹ không?  Sáng mai con mua cho mẹ một gói xôi đậu xanh và một nải chuối nghe mẹ.  Mẹ thích ăn xôi đậu xanh lắm mà.  Con, Ngy và Hương sẽ cùng ăn với mẹ rồi con mở phần thưởng của con cho mẹ xem.  Xem xong mẹ nhớ thưởng cho con nghe.  Con không đòi gì cả mẹ ạ!  Con chỉ cần mẹ thưởng con một cái hôn trên trán như mọi lần thôi mẹ nhá!
Mẹ còn cần gì nữa không để con sắm cho mẹ.  À con quên mất.  Phải có cái cửa nữa mẹ ạ.  Ngày mai con phải đặt họ làm ngay một cái cửa bằng sắt mẹ nhỉ.  Con sẽ dặn họ sơn màu xanh lá cây cho mẹ, mẹ nhá!"
- Uyên!
Uyên giật mình, trở về thực tại.  Cô Hà nhìn thẳng vào mắt Uyên:
- Hình như Uyên không bằng lòng cô?
Thoáng bối rối, Uyên trả lời:
- Thưa cô cháu đâu dám!
Cô Hà tiếp:
- Thái độ vừa rồi của Uyên cho cô biết như vậy.
Uyên giả vờ ngạc nhiên:
- Thưa cô cháu có điều gì vô lễ?
- Không phải là vô lễ.  Đó chỉ là một cử chỉ phản đối ngầm.
- Thưa cô cháu có cử chỉ gì?
Cô Hà bực dọc:
-  Cử chỉ đang ngồi nói chuyện với cô Uyên đứng phắt dậy lại quỳ trước bàn thờ.
Uyên bất mãn:
- Cháu nghĩ cử chỉ trên của cháu là một hành động bày tỏ hiếu thảo đối với mẹ cha đáng được mọi người khen ngợi chứ đâu phải là một cử chỉ phản đối hay vô lễ ạ!
Đến lượt cô Hà bối rối.  Cô không ngờ Uyên lại có thể khôn ngoan đến vậy được.  Cô tiếp:
- Nhưng trước mặt Uyên cô là một người khách!
- Vâng!  Thưa cô cho dù là một người khách thì cũng chẳng có người khách nào nỡ bực mình khi thấy cháu cúng bái mẹ cháu!
Cô Hà lặng thinh.  Quả thật cô đã bí trước những lời nói cứng cỏi, khôn ngoan của Uyên.  Cô không ngờ một đứa bé mới có mười lăm tuổi mà lại có thể đối đáp với cô những lời nói hoàn toàn người lớn như vậy.  Một chút tự ái dâng lên trong cô nhưng cô không biết làm gì hơn là ngồi im bởi vì hiện tại cô không có tư cách gì để mà mắng mỏ Uyên được.
Uyên vẫn ngồi yên như pho tượng, nét mặt lầm lì của Uyên chứng tỏ cho cô thấy rằng cô không dễ gì thuyết phục được Uyên.
Cô Hà vén tay xem đồng hồ rồi đứng dậy ra về.  Một đứa trẻ trong xóm đến sát cửa sổ nhìn chằm chặp vào bàn thờ mẹ Uyên với đôi mắt ngơ ngác.  Uyên nhìn nó hỏi:
- Gì đó em?
Thằng bé hỏi lại Uyên:
- Mẹ chị đâu rồi chị Uyên?
- Mẹ chị ngủ rồi em!
Thằng bé cười, nụ cười thật hồn nhiên:
- Hèn gì em không thấy mẹ chị đâu hết á.
Uyên xoa đầu nó và thầm nghĩ "giá Uyên có em, chắc lũ em Uyên cũng như thằng bé này, không hiểu gì cả.  Chúng có biết thế nào là chết đâu?"
Cơn mưa ngoài trời đã dứt hẳn.  Uyên nhìn ra đầu đường...vẫn mặt đường bóng loáng, vẫn con hẻm lụt lội từ ngoài vào trong, vẫn lũ trẻ nô đùa nghịch ngợm dưới vũng nước "piscine công cộng", vẫn một vài tiếng lội bì bõm...tất cả là hình ảnh của buổi chiều mưa đầu mùa, bầu trời u ám và khung cảnh cũng buồn ảm đạm như buổi chiều nay.  Buổi chiều mà không bao giờ Uyên quên cả!  Buổi chiều mà mẹ ra đi đột ngột, hung tin như sét đánh ngang tai, để lại cho con trẻ nỗi đớn đau bất tận niềm thương nhớ vô biên.
Chương 5
Không khí bàn ăn tối nay có vẻ nặng nề hơn những hôm khác.  Uyên linh cảm như vậy vì suốt từ nãy đến giờ, bố không nói với Uyên một lời.  Uyên có điều gì lầm lỗi chăng?  Hay là tại bố buồn bực chuyện ở sở như những lần trước.
Uyên và từng miếng cơm nhạt nhẽo vào mồm, giá bố đã ăn xong hoặc chỉ có mình Uyên thì Uyên đã rời mâm cơm từ lâu rồi.
Thỉnh thoảng Uyên lại liếc nhìn bố, Uyên thấy khuôn mặt bố thật đăm chiêu như đang bận tâm về một vấn đề gì đó. Thời gian vẫn nặng nề trôi, mãi đến mười phút sau, Uyên mới nghe bố cất tiếng hỏi:
- Uyên này.
- Dạ.
Uyên nhìn thẳng vào đôi mắt bố, chờ đợi. Bố tiếp:
- Nhà mình vắng vẻ quá hả con?
Uyên đáp không suy nghĩ:
- Vâng!
- Con buồn không?
- Dạ…
- Buồn lắm phải không con?
- Vâng!
Bố xoa đầu Uyên:
- Tội nghiệp con!
Đây là lần thứ nhì kể từ ngày mẹ mất, bố tỏ cử chỉ thương yêu Uyên.  Uyên cảm thấy mình thật nhỏ bé dưới bàn tay bố, Uyên định gọi bố nhưng nghĩ sao lại thôi.  Uyên ngồi im chờ nghe bố nói tiếp.
- Bố có câu chuyện muốn nói với con.
Uyên mân mê vạt áo:
- Xin bố cứ dạy.
Bố tiếp:
- Mẹ con mất, bố buồn lắm...Bố thương con vô cùng nhưng biết làm sao hơn?...Câu chuyện mà bố muốn nói với con hôm nay là chuyện của bố, bố chỉ mới nghĩ đến thôi chứ bố chưa có quyết định gì cả...
Bố ngừng lại, theo dõi phản ứng trên khuôn mặt Uyên.  Uyên cúi gầm mặt xuống, hồi hộp chờ đợi câu nói tiếp của bố.
- ...Dù sao thì mẹ con cũng vừa mới mất...bố muốn biết ý kiến của con...Uyên này!
- Dạ.
- Bố hỏi thật...nhưng con cũng phải thành thật trả lời bố nghe.
- Vâng.
- Bố thấy con buồn và cô đơn quá.  Suốt ngày con chỉ thui thủi có một mình.  Lại nữa không ai chăm sóc, lo lắng cho con...Vì thế bố có ý định, sau khi mãn tang mẹ con, bố sẽ đón cô Hà về...dù sao cô Hà cũng là người tử tế, có thể thương yêu, an ủi con...
Cảnh vật trước mắt Uyên bỗng dưng tối sầm hẳn lại mặc dù ngọn đèn neon mắc giữa nhà vẫn rọi sáng căn phòng.  Điều mà Uyên hằng lo nghĩ, hồi hộp chờ đợi đã đến.
Đầu óc Uyên quay cuồng, Uyên muốn gào thét thật to cho vỡ toang lồng ngực nhưng lời nói dường như uất nghẹn ở cổ.  Nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt đau đớn của Uyên.
Mặc dù bố chưa quyết định - bố chỉ có ý định thôi và bố đang hỏi ý kiến Uyên -  nhưng Uyên nghĩ, từ ý định đi đến quyết định chẳng bao xa và chắc Uyên sẽ là kẻ thua cuộc.  Bây giờ chỉ còn chờ thời gian!...Thế là hết!  Uyên không còn một chút hy vọng để mà bấu víu.  Uyên muốn buông xuôi để khỏi phải nhìn thấy những buồn tủi, đớn đau đã, đang và sẽ dằn vặt Uyên trong suốt kiếp sống tàn tạ còn lại mà chắc chắn Uyên không đủ sức chịu đựng.
Ngày mẹ nằm xuống, Uyên đã linh cảm cuộc đời của Uyên sẽ buồn như bầu trời u ám của buổi chiều mưa.  Cho đến bây giờ Uyên không biết trông cậy vào đâu cả!...
Bố đặt tay lên vai Uyên:
- Con nghĩ sao?
Uyên vùng dậy, bỏ chạy lên lầu, vừa chạy vừa hét thật to:
- Không!  Không!  Bố ơi!  Con không biết bố ơi!
Tiếng khóc nức nở của Uyên nghe thật thảm não.  Bố gục đầu trên hai cánh tay run rẩy vì xúc động.  Ngoài trời cơn giông lại kéo đến.  Những tia chớp, sấm sét lại thỉnh thoảng nhoáng lên, như đang gầm gừ, hứa hẹn một trận mưa thật to sắp đổ...Uyên ngã vật trên giường, nước mắt tuôn xối xả như những giọt nước mưa trắng xóa bắt đầu rơi...
Còn lại một mình, bố Uyên cảm thấy căn nhà trở nên vắng vẻ hơn.  Ông uể oải đứng dậy, bước trở ra phòng khách, rơi mình trong lòng salon thật nặng nề.  Hai bàn tay cằn cõi, sạm nắng như đang vò nát mái tóc vô tội trên đầu ông.  Bất giác ông nhìn thẳng vào khung ảnh bán thân của vợ đặt giữa bàn thờ...đôi mắt ông long lanh, cử chỉ của ông gần như là những cử chỉ ân hận, xin được tha thứ.
Ông đưa tay lấy gói thuốc trên mặt bàn, rút một điếu, kẹp vào môi rồi châm lửa hút.  Ông có cảm tưởng nhựa thuốc đang đục sâu vào cuống họng khô chát của ông.  Ngụm khói đầu được nhả ra như chính ông đang trút bỏ tất cả những bực bội trong lòng.
Ông chống cằm trên cánh tay run rẩy vì còn xúc động.  Ông suy nghĩ miên man về hành động vừa rồi của ông.  "Thật là đáng trách!" - ông lẩm bẩm - "Uyên!  Con tha lỗi cho bố!  Bố không ngờ bố lại có thể hành động thiếu suy nghĩ như vậy.  Dù sao mẹ con cũng vừa mất, cái tang đau đớn chưa nguôi ngoai trong lòng con thì bố lại gây thêm chuyện buồn cho con.  Bố ân hận quá!  Bố thương con vô cùng và bố có thể hy sinh bất cứ cái gì để con vui, con biết không?
Con đừng vội trách bố!  Bố không vô tình và có thể bội bạc đến độ quên mẹ con nhanh chóng như vậy đâu Uyên ạ.  Chẳng qua chỉ vì con, chỉ vì con thôi Uyên ơi!  Nhìn thấy con buồn khổ, khắc khoải trong niềm cô đơn trống vắng, thiếu thốn đủ mọi bề, không ai chăm sóc cho con, bố cầm lòng không được.  Bố thương con lắm!  Bố không muốn thấy con buồn khổ, bố không muốn thấy con vất vả, cô đơn vì thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ.  Vì thế bố mới có ý định đón cô Hà về thay thế mẹ con, chăm sóc, lo lắng cho con.
Bố nghĩ, dù sao cô Hà cũng là người quen thuộc với bố, với con, chắc không đến nỗi nào.  Cô Hà có thể thương yêu con như chính mẹ của con vậy.  Bố thương con, bố không muốn thấy con khổ thêm với cảnh "mẹ ghẻ con chồng" nên bố mới chọn cô Hà.  Chỉ có cô Hà mới có thể tạo được niềm tin nơi bố, gây được tình thương nơi con.  Nhưng con nào hiểu!?  Có lẽ con nghĩ rằng bố hết thương con, thương mẹ con...Không!  Không bao giờ Uyên ạ.  Hình ảnh của mẹ con, tình thương của bố không bao giờ phai, không bao giờ mất trong lòng bố.
Bố có thể hy sinh tất cả cuộc đời bố cho mẹ con, cho con.  Con nào biết!?  Tại sao con không nhìn thấy tình thương của bố qua ánh mắt, dáng điệu của bố hả Uyên?  Bố làm thế nào để con hiểu bố hơn bây giờ Uyên nhỉ!
Bàn tay của bố không phải là bàn tay thu vén của đàn bà.  Bố chỉ có thể lo cho con những cái bao quát chứ bố không thể lo cho con từng cái nhỏ nhặt như mẹ con được.  Con còn ngây thơ quá.  Con chưa hiểu gì cả.  Con biết không?  Trong một gia đình mất người cha, người mẹ không giải quyết được những vấn đề trọng đại.  Ngược lại, mất người mẹ, người cha không thể giải quyết được những vấn đề nhỏ nhặt.  Những vấn đề nhỏ nhặt mà bố không lo cho con được đại khái như manh quần, tấm áo, bếp núc...Con thấy đó, phải có bàn tay của một người đàn bà nội trợ.  Bố đã nghĩ đến con.  Bố phải lo cho con.  Tất cả chỉ vì con chứ không phải vì một chút tình cảm riêng tư của bố đối với cô Hà.  Con nghe chưa?
Bố chỉ hỏi ý con thôi Uyên ạ!  Nếu con không bằng lòng...bố cũng vẫn sẵn sàng chiều theo ý con.  Tình thương của bố chỉ dồn lại cho mỗi mình con kể từ ngày mẹ con mất.  Con đâu hiểu nỗi khổ tâm, lo lắng của bố dành cho con mỗi khi bố bước chân ra khỏi nhà.  Uyên!  Bố thương con.  Bố thương con hơn bao giờ hết Uyên ạ!...
Điếu thuốc trên tay cháy gần hết, ông rút điếu khác châm lửa hút tiếp.  Vẫn trong trạng thái suy tư, vẫn căn phòng trống vắng nặc nồng khói thuốc...bố Uyên ngồi đó, im lìm như một pho tượng buồn!...
"...Đúng ra bố không nên nói với con quá sớm như vậy Uyên nhỉ!  Tại sao bố lại có thể vội vàng như thế được?  Tại sao bố không đợi một, hai năm nữa hãy nói với con?  Dù sao bố cũng phải chờ ít nhất là một năm cho mãn tang mẹ con cơ mà.  Nếu không, bố cũng phải chờ cho con nguôi buồn đã chứ!?  Tại bố nghĩ đến cô Hà nhiều hơn chăng?  Không!  Không đâu Uyên ạ!  Cho đến bây giờ bố vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận thấy rằng tình thương mà bố dành cho con vẫn nhiều hơn cả.  Bố đã nghĩ đến con trước khi nghĩ đến cô Hà.  Và cũng vì con bố mới nghĩ đến cô Hà con biết không Uyên?
Mẹ con mất nhưng hình ảnh của mẹ con không bao giờ mất trong tim bố.  Bố làm sao quên được khi mẹ con đối với bố là một người vợ đảm đang, thật hoàn toàn.  Tại sao con không để ý đến những cử chỉ nhỏ nhặt bố dành cho mẹ con?  Có ngày nào là ngày mà bố không ngồi trước bàn thờ mẹ con để hồi tưởng những năm tháng hạnh phúc mà mẹ con đã dành cho bố đâu?  Con không thấy sao?  Mẹ con mất, cuộc đời của bố coi như mất một nửa, còn một nửa bố dành hết cho con, chỉ một mình con thôi Uyên ạ.
Bố hiểu con rất thương mẹ con như con đã thương bố.  Và chính vì tình thương đó mà con đâm ra ích kỷ.  Cái ích kỷ thật đáng yêu của con.  Nhưng con không nghĩ đến tương lai của con sao?  Sang năm con sẽ không còn thì giờ để đảm trách những công việc lỉnh kỉnh trong nhà.  Ít nhất phải có bàn tay của một người đàn bà khác thu vén thay con để con còn dồn hết tâm trí vào việc học, giựt cho được mảnh bằng Tú tài, làm vui lòng bố, vui lòng mẹ.
Bố muốn thấy con của bố vẫn hồn nhiên như ngày nào.  Chỉ việc học hành và rong chơi.  Ngoài ra, bố không muốn thấy con cực khổ hay phải nhúng tay vào bất cứ một công việc gì, ngay cả việc bếp núc.  Thương con, bố cũng ích kỷ như con vậy.  Con thấy không Uyên?  Bố thương con lắm Uyên ạ!...
Chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường gióng lên mười một tiếng nghe thật chói tai giữa bầu không khí tĩnh mịch.  Tàn thuốc đầy ắp che kín cả miệng chiếc gạt.  Bố Uyên hơi ngả người ra đàng sau, rít một hơi thuốc cuối cùng, đốm lửa rực lên rồi tắt ngúm như nguồn hạnh phúc của ông vừa giãy chết.  Ông uể oải đứng dậy với tay tắt đèn.  Một tiếng "tách" khô khan, bóng tối phủ ngập người ông cùng những cơn buồn vây hãm.
Chương 6
Đặt chân vào cổng trường, Uyên thấy khuôn mặt nào cũng hớn hở, vui tươi. Người được lãnh thưởng cũng như kẻ thiếu may mắn, dường như chẳng ai quan tâm đến vấn đề phát thưởng. Tất cả còn mãi vui với niềm vui khởi đầu cho một mùa hè đầy hứa hẹn. Chỉ mỗi mình Uyên vẫn buồn thật buồn.
Sân trường nổi bật nhờ những dây giấy màu giăng khắp nơi.  Giữa sân kê một bục gỗ cao, đó là chỗ đứng nói chuyện của ông Hiệu trưởng. Bên cạnh, một chồng phần thưởng cao ngất được bao bằng giấy bóng kính màu đỏ, xếp thứ tự ngay ngắn trên mặt bàn.  Phía trước là những hàng ghế dành riêng cho quan khách và quý vị phụ huynh học sinh.
Mọi năm, vừa bước vào cổng trường, Uyên sung sướng hãnh diện đưa mẹ đến ngồi vào hàng ghế dành cho phụ huynh.  Năm nay, vẫn khung cảnh quen thuộc này, vẫn hàng ghế hiền hòa dễ thương chờ đón mẹ, nhưng không bao giờ mẹ đến nữa mặc dù con của mẹ vẫn lãnh phần thưởng hạng ưu trước muôn ngàn cặp mắt nể phục, trong tiếng vỗ tay vang dội cả một góc không gian.
Còn đâu một Uyên nhí nhảnh, vui tươi ngày xưa nữa?  Bạn bè đã gọi Uyên là "Uyên buồn" chứ không còn ai gọi Uyên là "Uyên hoa khôi" nữa cả!
Buổi lễ phát thưởng và cũng là buổi họp mặt cuối cùng này đúng ra Uyên phải vui như khuôn mặt của nó.  Nhưng còn lòng dạ nào để mà nghĩ đến những thú vui riêng?  Ngay cả thành phố Đà lạt mộng mơ cũng không còn hấp lực lôi cuốn Uyên như ngày nào.  Cả một đổi thay to lớn trong đời mà chính Uyên, Uyên cũng không ngờ nó đến với mình đột ngột như vậy.
Uyên đi dọc theo hành lang lớp học, đến cuối dãy, bước lên cầu thang.  Thỉnh thoảng Uyên quay lại cười gượng, đáp lễ tiếng gọi của bạn bè.
- Uyên buồn!
Uyên quay lại, Diễm Hương thật xinh xắn trong chiếc jupe màu hồng nhạt.  Uyên gượng vui:
- Diễm Hương xinh quá.
Hương nguýt dài:
- Làm sao bằng Uyên được!
Diễm Hương bước lên, đi ngang với Uyên:
- Sao mày mặc áo dài trắng?
Uyên nắm chặt tay bạn:
- Tang mẹ tao mà!
- À!  Ừ!  Quên mất!  Xin lỗi nghe!
- Lỗi phải gì.
- Vụ đi Đà lạt làm sao?
- Thôi!
- Sao vậy?
- Buồn!
- Buồn thì nên đi chơi cho khuây khoả Uyên ạ.
- Đi chơi buồn thêm.  Vả lại tao không muốn xa mẹ tao.
Một giây yên lặng, Diễm Hương hỏi tiếp:
- Hôm nay không ai đưa mày đi à?
- Không!
- Giá bác gái còn sống...
- Thôi đừng nhắc nữa Hương.  Tao khóc bây giờ!
- Ấy chết!  Lại quên.  Tao xin lỗi.
- Lại lỗi với phải.
Cả hai nhìn nhau cười.  Lại đến lượt Uyên hỏi Diễm Hương:
- Còn mày?  Hè này đến ở với tao không?
Hương cắn nhẹ vào tay Uyên:
- Chịu liền.  Mày rủ con Ngy chưa?
- Rồi.
- Vậy thì vui quá.
Uyên cảm động:
- Mày thương tao không Hương?
- Thương!
- Nhiều không?
- Nhiều thật nhiều!
- Thật không?
- Thật!
Bốn mắt nhìn nhau, tuy không nói nhưng ánh mắt của Uyên và Hương đã nói lên thật nhiều.
Hương và Uyên đứng tựa cửa lớp học nhìn xuống sân trường.  Rừng người và màu sắc rực rỡ không đủ để làm Uyên vui thêm chút nào cả, Uyên nhìn vào tấm "băng vải" căng trước mặt:  "Lễ phát thưởng cuối năm niên khóa 1971-1972".  Chỉ thay đổi số 0 số 1 và thiếu mất một người khách tham dự:  mẹ Uyên!  Bất giác Uyên thở dài.
"Đời như một giấc mơ!"  Năm nay Uyên mới mười lăm tuổi, cái tuổi quá bé nhỏ, chưa đủ sức chịu đựng và chưa đủ trí khôn để chống chỏi với đời.  Thế mà mẹ đã bỏ Uyên.  Trong suốt cuộc đời còn lại, không biết còn giấc mơ nào kinh hoàng và đau đớn như giấc mơ buổi chiều mẹ ra đi không nhỉ?  Hình ảnh một buổi chiều đã ăn sâu trong tiềm thức Uyên như vết dao nhọn hoắt đâm thủng tim Uyên rỉ máu, để lại một chứng tích muôn đời không tàn phai.
 "Nghị lực và can đảm".  Bố vẫn nói với Uyên như vậy.  Nhưng Uyên của bố yếu đuối lắm, bố biết không?  Uyên chỉ là một đứa con gái thì làm sao Uyên có đầy đủ nghị lực và can đảm như lời bố khuyên được.  Mới chỉ một thử thách đầu thôi mà Uyên đã cảm thấy mình sẽ thua cuộc rồi bố biết không?  Thử thách đó là hình bóng của cô Hà đang từ từ hiện diện trong căn nhà này.  Uyên lo sợ và Uyên linh cảm rằng cô Hà sẽ thắng mặc dù Uyên vẫn đang phấn đấu mãnh liệt.
- Nghĩ gì mà ngây người ra vậy?
Cái vỗ vai của Ngy làm Uyên giật mình.  Uyên véo yêu bạn:
- Con quỉ!  Làm tao hết hồn.
Ngy cười, xoay qua Hương:
- Cả con này nữa!
Diễm Hương hỏi:
- Tao làm sao?
Ngy tiếp:
- Định làm "Hương buồn" luôn hả?
Diễm Hương đùa:
- Ừ!  Uyên buồn thì Hương phải buồn và Ngy cũng buồn luôn.
Ngy nói theo:
- Và Ngy vui thì Uyên phải vui và Hương cũng vui luôn.
Ngy nổi bật với chiếc jupe màu xanh da trời và chiếc nơ xinh xắn cài lên tóc.  Uyên nhìn Ngy không chớp mắt.  Ngy hỏi:
- Ngắm gì đó hoa khôi?
Uyên đáp:
- Dung nhan mày.
- Xấu như ma.  Để tụi tao ngắm dung nhan mày mới phải.
Chợt Diễm Hương đề nghị:
- Tí nữa tụi mình đi chơi.
Uyên lên tiếng:
- Đến thăm nhà mới của mẹ tao.
Ngy vỗ tay:
- Thật nghe!
Uyên gật đầu:
- Thật!
Diễm Hương nói:
- Phải ghé chợ mua hoa quả cúng bác nữa.
Ngy đáp:
- Dĩ nhiên.
Uyên tiếp:
- Tí nữa thì quên.  Tao còn phải ghé tiệm sắt đặt làm một cánh cửa nữa!
Diễm Hương:
- Bác mà biết mày lo cho bác như vậy chắc bác cũng phải mỉm cười.  Mày thương mẹ mày quá!
Uyên cười buồn:
- Thương nhất trên đời!
Ngy nhanh nhẩu:
- Thứ nhì đến tao!
Diễm Hương giành:
- Tao!
- Tao!
- Tao!
Vừa lúc đó tiếng chuông vang báo hiệu đến giờ khai mạc buổi lễ.  Uyên, Ngy, Hương sánh vai nhau, lẫn vào rừng người bước xuống cầu thang tiến ra giữa sân trường.
Lớp của Uyên đứng ngang với hàng ghế thứ nhì của quan khách.  Mấy phút sau, tiếng nói chuyện ngưng hẳn khi ông Hiệu trưởng từ văn phòng bước ra, tiến đến giữa sân cờ.  Tiếng hô "nghiêm" vừa vang, mọi người đứng nghiêm chỉnh, mặt ngước lên, chào quốc kỳ.  Cả trường cất tiếng hát bản quốc ca, tiếng hát thật hùng dũng của hơn hai ngàn học sinh muốn phá tung bầu trời thanh vắng hôm nay.
Sau phần chào quốc kỳ, đến phần đọc diễn văn khai mạc của ông Hiệu trưởng và buổi lễ phát thưởng bắt đầu.
Khoảng mười phút sau mới đến phần thưởng của lớp Uyên.  Tiếng thầy thư ký văn phòng đọc lên:
- Sau đây là phần thưởng dành cho những học sinh xuất sắc của lớp 10A1.  Phần thưởng ưu hạng đồng hạng, học sinh Hoàng Ngọc Uyên và học sinh Vũ Kim Ngy.  Mời hai em lên lãnh thưởng.
Tiếng vỗ tay vang lên, Uyên và Ngy cùng sánh bước tiến đến trước mặt thầy Hiệu trưởng.
Ông Hiệu trưởng trao phần thưởng cho Uyên và cất tiếng hỏi:
- Con chịu tang ai thế?
Uyên đáp, giọng xúc động:
- Thưa thầy, mẹ con.
- Tội nghiệp!  Thầy chia buồn cùng con.
- Dạ!  Con cám ơn thầy.
Tiếng vỗ tay vang lên lần nữa, Uyên bước trở về chỗ với những bước chân run rẩy như muốn ngã.  Kế đó đến lượt Diễm Hương nêu tên với phần thưởng hạng nhì.
Buổi lễ kết thúc lúc chín giờ rưỡi.  Thay vì ở lại vui chơi với bạn bè, Uyên, Ngy, Hương ra khỏi trường với chủ đích đi thăm mộ mẹ Uyên.
Sau khi ghé tiệm sắt đặt làm cửa mộ và ghé chợ mua hoa quả, bánh trái cúng mẹ, Uyên đưa các bạn đến nghĩa trang.  Trên suốt đoạn đường từ nhà đến nghĩa trang, thiên hạ để ý nhìn bọn Uyên không ít vì trên tay cô nào cũng ôm một gói phần thưởng to tướng, bên cạnh lại còn có những bó hoa, nải chuối.
Thỉnh thoảng Ngy than mệt, cả bọn phải dừng lại dăm ba phút rồi mới tiếp tục bước.
Chẳng bao lâu, cổng nghĩa trang hiện ra trước mắt ba cô bé.  Uyên là kẻ nôn nóng nhất, nên bước chân của Uyên có phần nhanh hơn các bạn.  Ngy theo không kịp, gắt nhặng lên:
- Đi chết đâu mà vội vậy con khỉ?
Uyên quay lại, dù mệt cũng gắng gượng nở nụ cười trên môi:
- Đi thăm mẹ tao.
Đang nhăn nhó, Ngy cũng phải phì cười:
- Ai chả biết vậy.
Uyên tiếp:
- Biết mà còn hỏi.
 Ngy đuối lý im luôn.  Vừa đặt chân vào nghĩa trang, Uyên có cảm tưởng hình như mình đang bước vào một thế giới xa vời nào đó chứ không phải thế giới mà Uyên đang sống, mặc dù nó chỉ cách nhau có một bức tường.  Từng bước chân nhẹ nhàng đặt trên mặt đường buồn hiu, dưới hai hàng cây sao lặng lẽ khiến Uyên cảm thấy tâm hồn thanh thản hơn.
Ngy và Diễm Hương đi bên cạnh, đảo mắt nhìn sang hai bên, đọc tên từng người chết.  Những ngôi mộ được xếp thành hàng ngay ngắn, cắt đặt theo từng lô một, có ghi rõ cả số lô khiến Uyên liên tưởng đây là thành phố riêng biệt của những người chán kiếp sống.
Nghĩa trang buồn hiu.  Vào đến đây Uyên chỉ còn nghe tiếng ve kêu và tiếng côn trùng rỉ rả.  Mọi sinh hoạt ồn ào của một thành phố sống không còn trước mắt Uyên, trong ý nghĩ miên man của Uyên.  Nơi đây, quanh năm suốt tháng ôm ấp bầu không khí trầm buồn vắng vẻ; khung cảnh đặc biệt để những người sống tìm về, gặp gỡ và tâm sự với những người chết.  Nơi đây, chỉ có tình thương bao la của những linh hồn, tâm hồn siêu thoát.  Không hận thù, giả dối; không ưu tư, khắc khoải.
Diễm Hương lên tiếng, phá tan bầu không khí yên lặng:
- Cho tao ở trong này, tao ở liền.
Uyên tiếp:
- Tao cũng vậy.
Ngy nói:
- Ở đây khỏi phải bực mình và bận rộn về một việc gì cả chúng mày nhỉ.
Ba đứa rẽ sang đường số 4.  Diễm Hương vừa trông thấy mộ mẹ Uyên đã lên tiếng khen:
- Ối chào!  Nhà bác đẹp quá!
Một chút sung sướng và hãnh diện len nhẹ vào hồn, Uyên đặt gói phần thưởng trước ngôi mộ mẹ, xoay qua Diễm Hương nói:
- Còn đang xây dở, cũng sắp xong rồi.
Ngy gọi:
- Uyên!  Đỡ dùm tao mấy món này xuống coi.
Uyên đỡ từng món trên tay Ngy và Diễm Hương, bày thật ngay ngắn, gọn ghẽ trên khay hoa quả.  Xong xuôi, Uyên lấy bó hương trầm, châm lửa, cắm vào lư rồi quỳ lạy mẹ, miệng lâm râm khấn vái.
Ngy, Hương ngồi xuống cạnh bạn.  Uyên nhìn thiết tha vào khung ảnh mẹ, đôi mắt ươn ướt:  "Mẹ ơi!  Con đến thăm mẹ nè.  Có cả Ngy và Diễm Hương nữa mẹ ạ!  Đêm qua mẹ ngủ ngon không?  Mưa to ghê mẹ há.  Con sợ mẹ lạnh ghê vậy đó.  Mẹ có lạnh không hả mẹ?  Con thương mẹ nhiều lắm cơ, mẹ ơi!  Mẹ dậy đi.  Con mua xôi và chuối để mẹ xơi nè.  Ngy và Diễm Hương nó mời mẹ đó.  Mẹ có nghe không?  Hôm nay con lãnh phần thưởng mẹ ạ.  Nhưng con buồn lắm mẹ ơi!  Mẹ biết sao không?  Tại mẹ không về đưa con đi lãnh thưởng đó.  Với lại tối hôm qua nghe bố nói mãn tang mẹ bố sẽ đón cô Hà về, con buồn quá mẹ ơi!  Mẹ thấy phần thưởng của con không?  Nhiều ghê mẹ nhỉ!  Để con mở mẹ xem nghe mẹ..."
Ngy, Diễm Hương nghe Uyên thì thầm nói chuyện với người quá cố, không cầm được nước mắt.  Uyên đưa cao cánh tay chùi nước mắt, nói với Diễm Hương:
- Mở dùm tao gói phần thưởng ra Hương.
Hương mở gói phần thưởng trao cho Uyên. Uyên cầm lên, đọc tên từng món cho mẹ nghe rồi đặt trên thềm mộ.
Ngy, Diễm Hương ngồi lặng thinh hòa mình với bầu không khí tĩnh mịch. Chỉ có Uyên là đang nói chuyện với mẹ thật nhiều. Những lời nói thiết tha, âm thầm luân lưu của một đứa con gái ngây thơ đang cần bàn tay che chở của mẹ hiền yêu dấu. Tiếng lá thì thầm đong đưa nghe như muôn ngàn lời than thở của kẻ sống. Thời gian và không gian trở gót...
Chương 7
Theo như lời hẹn của Ngy và Hương thì hôm nay là ngày tốt để hai đứa đến ở chơi với Uyên một thời gian để Uyên quên bớt nỗi buồn và cô đơn trong suốt mấy tháng hè dài đăng đẳng. Từ sáng đến giờ Uyên chỉ nôn nóng, đi ra đi vào và thỉnh thoảng nhìn ra đường với hy vọng tìm gặp bóng dáng quen thuộc của Ngy và Hương.
Căn nhà này, ít nhất kể từ nay cũng đã được khoác một bộ mặt sống của nó. Từ ngày mẹ mất, vốn đã trống vắng, căn nhà lại càng tẻ lạnh hơn. Uyên đã sống khắc khoải trong bầu không khí đó từng ngày một mà Uyên có cảm tưởng như mình là một con bệnh nằm chờ chết từng giây, từng phút.
Uyên bây giờ không còn một tình thương gần gũi nào khác hơn là tình thương của Ngy và Hương. Bố thì đi làm suốt ngày, mỗi tối chỉ gặp Uyên đôi ba tiếng rồi thôi. Vả lại không bao giờ bố biểu lộ tình thương bằng cử chỉ vì thế Uyên vẫn thấy mình bơ vơ, lạc lõng và thiếu thốn một cái gì cao quí lắm. Uyên không dám nói ra điều này vì Uyên sợ làm buồn lòng bố. Hơn nữa, Uyên biết bố cũng thương Uyên rất nhiều chứ nào có phải bố ghét bỏ gì Uyên đâu.
Ngy và Diễm Hương là bạn thân thiết của Uyên nên Uyên hiểu các bạn nhiều. Tình thương chân thật mà Ngy và Hương dành cho Uyên là một thứ tình cao quí hiếm có trên cõi đời này. Tất cả đã đến với nhau từ xa lạ, không ruột thịt, từ niềm cảm mến nuôi dưỡng theo thời gian cho đến bây giờ là một tình thương được đúc kết bền chặt.
Uyên thương yêu các bạn như chính bản thân mình, gia đình mình.  Ít ra trong suốt cuộc đời vất vưởng còn lại, Uyên cũng đã tìm được một tình thương chân thật, không vụ lợi, không tính toán của Ngy và Hương.
Uyên cũng không hiểu tại sao giữa bố và Uyên lại có một sự ngăn cách kỳ lạ như vậy? Có lẽ tại khuôn mặt trầm tĩnh ít cười nói của bố khiến Uyên sợ sệt, không dám lại gần bố hoặc thỏ thẻ tâm sự với bố chăng? Khi nào vui lắm thì bố chỉ đùa với Uyên trong giây lát rồi thôi.  Chưa bao giờ bố nói nặng với Uyên một câu chứ đừng nói đến chuyện đánh đập. Vì thế Uyên quả quyết rằng bố rất thương Uyên, chiều chuộng Uyên nhưng không hiểu sao bố lại có vẻ xa lạ với Uyên quá.  Từ ngày bố hỏi Uyên về chuyện cô Hà đến giờ, Uyên thấy bố vẫn thế, không có gì thay đổi mặc dù thái độ của Uyên đã cho bố biết là Uyên không bằng lòng.
Điều này làm Uyên khổ tâm không ít. Hồi mẹ còn sống, thỉnh thoảng mẹ bảo Uyên lại đùa với bố đi.  Uyên lại gần bố thì bố chỉ vuốt ve Uyên mấy cái, hỏi qua loa vài câu rồi bố bảo Uyên ra chơi với mẹ cho bố nghỉ. Thế là làm sao? Chưa bao giờ Uyên thấy bố nói chuyện lâu hoặc bày tỏ nhiều cử chỉ thương yêu đối với Uyên. Chính vì điểm đó mà Uyên có cái mặc cảm xa lạ với bố từ ngày chập chững lớn khôn.
Hình như mẹ cũng biết điều này và mẹ buồn ghê lắm.  Mẹ nói rằng "tính bố con trầm lặng, hay suy nghĩ, không thích ai quấy rối mình vì thế con để bố yên, đừng quấy bố nghe".  Và Uyên ngây thơ, nũng nịu nói với mẹ "bố không thương con phải không mẹ?"  Mẹ cốc yêu vào đầu Uyên rồi bảo "Nói bậy!  Bố thương con lắm.  Bố thương con nhiều như mẹ thương con vậy đó."  Uyên tin lời mẹ lắm vì thế Uyên cũng yêu bố như Uyên đã yêu mẹ vậy.
Cho đến bây giờ Uyên đã thật sự lớn khôn, Uyên công nhận rằng lời mẹ nói đúng.  Bố thương Uyên nhiều lắm, chỉ cần nhìn ánh mắt của bố Uyên cũng đủ thấy rằng tình thương của bố bao la không thua gì tình thương của mẹ dành cho Uyên.  Chỉ có điều bố khác mẹ ở chỗ là mẹ thì bộc lộ bằng cử chỉ, lời nói; còn bố thì âm thầm, kín đáo, không bao giờ nói ra hoặc biểu lộ bằng một cử chỉ nào cả.
Linh tính báo cho Uyên biết Ngy hoặc Diễm Hương đã đến bởi tiếng xe xích lô máy đậu trước cửa nhà.  Uyên chạy như bay ra cửa cùng lúc Ngy xuất hiện trên thềm nhà.  Vừa trông thấy Uyên, Ngy nói ngay:
- Phụ chị đem mấy món này vào em.
Uyên chống nạnh, cử chỉ thật dễ thương:
- Chị hả?  Mày lớn hơn tao hay tao lớn hơn?
Ngy hất nhẹ mái tóc ra đàng sau:
- Tao lớn hơn.
Uyên phản đối:
- Còn lâu!
Ngy hỏi:
- Mày sinh tháng mấy?
Uyên đáp:
- Tháng hai.
Ngy cười:
- Thế thì bằng.
Uyên không chịu:
- Bằng sao được.  Mày tháng mấy?
Ngy khôn lanh:
- Tháng tư!  Nhưng cùng năm thành ra tao với mày bằng.
Nói xong Ngy lại cười, Uyên véo yêu bạn:
- Con chó!
Uyên đưa Ngy lên phòng của mình.  Nhà chỉ có ba người, bố mẹ dành cho Uyên cả một tầng lầu trên.  Từ ngày mẹ mất, bố nhà dưới, Uyên nhà trên, không hiểu còn căn nhà nào trống vắng hơn căn nhà mà Uyên đang ở nữa không?
Vừa đặt chân vào phòng Uyên, Ngy khen lấy khen để:
- Đẹp quá!  Người đẹp có khác!
Uyên hỏi:
- Mày thấy sao?
Ngy đáp:
- Rất lý tưởng!  Chỉ tiếc một điều...hoang vắng quá!  Trường hợp tao, tao cũng không chịu được.
- Mày thấy chưa!  Vậy mà mày cứ bảo rồi sẽ quen đi.  Quen thế nào được, khi mà quanh ra quẩn vào vẫn chỉ có một mình tao.
Ngy nhìn xung quanh:
- Sao mày treo hình bác gái nhiều vậy?
Uyên nhìn vào bức ảnh to nhất của mẹ treo ở đầu giường:
- Để tao nghĩ rằng mẹ tao vẫn còn sống và đang ở cạnh tao.
Ngy gật gù:
- Có lý!  Tao cũng có cảm tưởng bác gái còn đây.
- Mày nghĩ xem...trống trải quá chịu gì được?  Với lại tao muốn lúc nào tao cũng thấy mẹ tao, chỗ nào cũng có mẹ tao!
- Tủ quần áo đâu?
- Quên mất!  Đem vali lại đây cưng.
Ngy xách vali bước theo Uyên lại gần tủ, bất chợt Uyên quay lại ôm cứng Ngy, hôn một cái thật kêu lên má Ngy.  Ngy ngơ ngác:
- Điên à?
- Ừ điên!  Điên vì tao thương mày quá!
Uyên mở toang cánh tủ, chỉ cho Ngy:
- Xếp quần áo vào đây.
Ngy đùa:
- Vâng!  Để em làm.
Cả hai cùng cười, vừa lúc đó tiếng Diễm Hương oang oang ở nhà dưới:
- Con Uyên đâu?
Ngy quăng chiếc vali trên giường, ù chạy theo Uyên xuống nhà.  Uyên mở cửa, lôi tuột Hương vào trong, hôn lấy hôn để lên mặt con bé.
Diễm Hương đẩy Uyên ra:
- Con quỷ sứ!
Uyên hỏi:
- Gói gì thế này?
Diễm Hương đáp:
- Một chục cam, tao mua cúng bác.
Ngy nói:
- Có hiếu quá!...Ấy chết!  Vô ý thật!  Chưa chào bác mà đã xồng xộc lên gác rồi.
Nói xong Ngy quay lại, tiến đến trước bàn thờ mẹ Uyên, khoanh tay cúi đầu chào:
- Lạy bác ạ.
Diễm Hương bắt chước:
- Lạy bác ạ.  Bác cho tụi con đến ở với Uyên nghe bác.
Uyên nói:
- Mẹ tao cười đó.  Chúng mày thấy không?
Ngy nhanh nhẩu:
- Đưa cam đây để tao bày rồi còn thắp hương nữa chứ.
Uyên giằng lại:
- Để rửa đã con quỷ!
Ngy chưng hửng:
- Ờ há!
Uyên gài cửa cẩn thận, đem chục cam xuống nhà rửa sạch sẽ rồi bày trên mâm quả.  Thắp hương vái mẹ xong, Uyên lôi Ngy và Hương lên gác.
Giọng Hương thật vui:
- Rủ thêm ít đứa nữa cũng còn rộng chán.
Uyên nói:
- Nhưng tình bạn đối với những đứa khác không phải là thứ tình bạn của tụi mình.
Ngy phụ họa:
- Ba đứa mình đặc biệt, như chị em ruột rồi còn gì nữa.
Diễm Hương nói:
- Tao là chị cả.
Ngy lườm Hương:
- Oắt con nhất trong bọn mà đòi làm chị cả.
Uyên đẩy Ngy và Diễm Hương lại chiếc tủ:
- Xếp quần áo vào đi.
Ngy hỏi:
- Ngăn nào của tao?
Uyên đáp:
- Ngăn nào cũng được, mỗi đứa một ngăn.
Uyên ngồi nhìn các bạn vui vẻ xếp quần áo mà lòng cũng rộn lên một niềm vui không thể tả.  Ít ra Uyên cũng đã quên đi phần nào nỗi buồn trong lúc này, giây phút có Ngy và Hương ở bên cạnh.
Những trái tim nhỏ bé, những tâm hồn ngây thơ chất phác, những tấm lòng rộng mở, những ánh mắt thiết tha, những tình thương chân thật, buồn cùng buồn, vui cùng vui, lo trong cái lo của nhau, hạnh phúc trong hạnh phúc của nhau, cùng nhau chia sớt, san xẻ, không tính toán, không đắn đo...tất cả đã có ở đây thật hiển nhiên chứ không phải là những ý nghĩ hão huyền.
Trong cuộc sống này, đếm được bao nhiêu những tâm hồn nhỏ bé nhưng chất chứa bên trong cả một kho tàng thương yêu, cả một tấm lòng quảng đại như Uyên, Ngy và Hương?  Vì thế Uyên đang hãnh diện, hãnh diện vì ít ra bọn Uyên cũng đã làm được một cái gì mà ít người nghĩ tới...
Có thể nói rằng Ngy và Hương đã đem lại phần nào cho Uyên sự sống.  Trước một cái tang quá đau đớn, quá bất ngờ, Uyên như kẻ mất hồn, ngơ ngơ ngác ngác, Uyên bơ vơ, lạc lõng trong cuộc đời.  Còn mẹ, Uyên còn niềm tin, còn nơi nương tựa, bàn tay to lớn của mẹ che chở, chống đỡ cho suốt cuộc đời Uyên.  Mất mẹ, Uyên mất cả niềm tin, mất chỗ nương tựa và sợ hãi như một chú bé con đi lạc trong rừng thẳm.
Tình thương của Ngy và Hương mặc dù không bằng tình thương của mẹ dành cho Uyên nhưng ít ra Ngy và Hương cũng đã thương Uyên thật nhiều và còn sát cánh để che chở, đùm bọc cho Uyên.  Uyên đã tìm được tình thương và niềm tin le lói ở bạn bè sau ngày mẹ mất.
Ngy và Hương đã xếp xong quần áo vào tủ.  Ngy nhìn Uyên hỏi:
- Mấy giờ rồi Uyên?
Uyên nhìn chiếc đồng hồ để trên mặt bàn trả lời:
- Chín giờ mười lăm.
Ngy hỏi tiếp:
- Mày đi chợ chưa?
Uyên lắc đầu:
- Chưa.
- Bao giờ đi?
- Bây giờ.
- Cả ba đứa?
- Cũng được.
Diễm Hương thở ra:
- Mệt quá!  Nghỉ cái đã.
Sực nhớ ra chiếc áo dài còn dính trên người bạn, Uyên nói:
- Còn tiếc gì mà chưa thay áo mấy con khỉ?
Diễm Hương ngồi bật dậy:
- Ừ nhỉ!
Ngy tiếp:
- Mày không nhắc tao cũng quên bẵng đi.
Uyên chỉ cho các bạn qua buồng bên cạnh thay áo.  Một lát sau Diễm Hương trở ra:
- Trên này có mấy phòng?
Uyên đáp:
- Hai.
- Phòng nữa đâu?
- Bên kia!
- Để làm gì?
- Học, đọc sách, nghe nhạc, giải trí.
Diễm Hương phê bình:
- Y như tiểu thư đài các.  Sướng thế còn muốn gì nữa.
Uyên cười nhẹ:
- Tao đâu cần mấy thứ tiện nghi này!
Diễm Hương gật gù:
- Tao hiểu!  Tao hiểu!
Chợt Diễm Hương nói như hét:
- Con kia đâu?  Ngủ trong đó hả?
Ngy lên tiếng:
- Xong rồi.  Làm gì mà cuống lên vậy?
Ngy trở ra, mắc chiếc áo dài mới thay trong tủ.
Uyên nói:
- Hôm nay thì đi chợ cả ba đứa.  Bắt đầu từ ngày mai chia phiên.
Ngy hỏi:
- Sao vậy?
- Đi đông vướng chân chứ được cái tích sự gì?  Vả lại phải có đứa trông nhà.
Cả ba ùn ùn kéo xuống nhà dưới, Ngy rửa mặt, Diễm Hương chải đầu, Uyên lấy giỏ đi chợ.  Đợi cho các bạn sửa soạn xong, Uyên lùa hết ra khỏi nhà khoá cửa cẩn thận rồi cùng sánh bước ra đường.
Từ nhà Uyên đến chợ, đi bộ chỉ mất khoảng mười phút.  Hôm nay Uyên mới có dịp ngắm lại khu phố mà Uyên đã bỏ quên nó hơn tháng trời nay!
Mặt trời vừa lên những tia nắng yếu ớt xuyên qua ngọn cây nhảy múa rộn ràng trước mắt Uyên.  Khung cảnh hôm nay mang một sắc thái tươi vui nhộn nhịp như chính Uyên vừa tìm được nguồn vui nho nhỏ sau hơn một tháng buồn ảm đạm!...
Chương 8
 - Tuần này tuần thứ mấy rồi nhỉ?
- Dạ thưa cô tuần thứ bảy, thất tuần của mẹ cháu.
- Bố không nghỉ à?
- Dạ không. Cúng buổi chiều thành thử bố cháu vẫn đi làm như thường.
- Có cần gì không để cô phụ cho?
- Cám ơn cô. Có mấy đứa bạn của cháu ạ.
- À!  Cô có nghe bố nói Uyên rủ mấy cô bạn về ở chung cho vui...Bạn cùng lớp với Uyên hả?
- Vâng.
Hình như cô Hà có điều gì muốn nói với Uyên mà cô còn ngại thì phải.  Uyên nghĩ như vậy vì Uyên thấy câu chuyện mà cô đang nói với Uyên chẳng ra đầu đuôi gì cả và thỉnh thoảng cô lại ngồi yên như đang suy nghĩ về một vấn đề gì đó.
Đến hôm nay thì Uyên thấy chuyện giữa cô Hà và bố càng ngày càng tiến xa hơn.  Đã nhiều lần Uyên bắt gặp bố đưa cô đi ăn uống và đi chơi.  Thậm chí cả Ngy và Hương cũng thấy như vậy.  Trước mặt Uyên cô Hà bây giờ là một đối thủ lợi hại của Uyên.  Uyên đang cố gắng phấn đấu từng ngày một để loại cô ra khỏi vùng ảnh hưởng đối với căn nhà này.  Mặc dù Uyên chưa nói gì với bố nhưng Uyên tin chắc rằng bố cũng hiểu không khi nào, không bao giờ Uyên bằng lòng việc bố làm lại cuộc đời với cô Hà hay bất cứ một người nào khác.
- Uyên này!
- Dạ.
- Cô có câu chuyện muốn nói với Uyên.
- Xin cô cứ dạy.
Cô Hà sửa dáng ngồi, Uyên đang chờ nghe những lời nói của cô mà Uyên đoán được phần nào.  Cô Hà tiếp:
- Uyên thấy bố còn trẻ chứ?
Uyên gật đầu:
- Vâng.  Bố cháu rất trẻ.
- Thế có bao giờ Uyên nghĩ rằng bố sẽ làm lại cuộc đời không?
- Có chứ ạ.
Cô Hà ngạc nhiên về câu trả lời của Uyên:
- Nghĩa là Uyên đã nghĩ rằng sẽ có một người thay thế mẹ Uyên?
Uyên bình thản:
- Vâng.
- Uyên không có ý kiến gì sao?
- Có chứ ạ.
- Uyên có thể nói cho cô nghe qua ý kiến của Uyên được không?
Uyên nói rõ từng tiếng:
- Ý kiến của cháu, thưa cô, không bao giờ cháu chịu một người nào thay thế mẹ cháu.
Cô Hà hỏi tới:
- Uyên sợ cảnh "mẹ ghẻ con chồng"?
- Thưa cô không.  Cháu đồng ý với cô hình ảnh người mẹ ghẻ đánh đập, ghét bỏ đứa con chồng không thiếu gì trong xã hội này.  Nhưng cháu nghĩ không phải ai cũng như vậy.  Ít ra trong số mười người cũng còn được hai người có lòng nhân, thương con chồng như con mình.
- Uyên lạc quan thế?
- Cháu không lạc quan nhưng cháu nghĩ những kẻ xa lạ không liên hệ máu mủ còn có thể thương yêu nhau như ruột thịt nữa là huống chi giữa mẹ ghẻ với con chồng đã có một chút liên hệ qua tiếng dì, tiếng mẹ.
- Thế tại sao Uyên không muốn bố làm lại cuộc đời?
- Thưa cô, cháu thương mẹ cháu vì thế cháu không muốn bố cháu san xẻ tình thương cho một người đàn bà nào khác!
Cô Hà gật gù:
- Nếu bố cháu vẫn cứ bước thêm bước nữa?
- Đó là quyền của bố cháu.
- Nghĩa là cháu chịu thua.  Như vậy sự chống đối có ích gì?
- Cháu thua nhưng ít ra cháu cũng đã làm được cái gì để khỏi tủi vong linh mẹ cháu.
Cô Hà yên lặng, Uyên tiếp:
- Đến lúc đó nghĩa là bố cháu hết thương mẹ cháu và cháu.  Nhưng cháu tin rằng bố cháu không bỏ mẹ cháu và cháu.
- Dựa vào đâu Uyên tin chắc như vậy?
- Cháu dựa vào tình thương của bố cháu dành cho cháu.
Uyên đáp thật cứng cỏi nhưng chính Uyên, Uyên đang lo sợ mình là kẻ thua cuộc.  Tình cảm của người lớn khó hiểu vô cùng vì thế Uyên không biết bố sẽ ngã về bên nào.  Còn hy vọng, Uyên còn phấn đấu.  Uyên cầu xin mẹ phù hộ cho Uyên có đầy đủ nghị lực, trí khôn để phấn đấu đến cùng.
Nếu quả thật Uyên là kẻ thua cuộc, Uyên sẽ chọn một con đường duy nhất:  từ bỏ căn nhà này để bố vui trọn vẹn với nguồn hạnh phúc mới!  Riêng Uyên, Uyên sẽ đem mẹ đi nơi khác, có thể là nhà Ngy, cũng có thể Uyên sẽ đi thật xa như đến nhà bác Lâm ở Bảo Lộc chẳng hạn.
Nơi đó, xa lạ thật đấy, nhưng Uyên có đầy đủ tình thương, Uyên vẫn ở bên mẹ mà không ai rầy, ghen ghét chi cả.  Tương lai sẽ bi thảm vô cùng nhưng thà như vậy để khỏi tủi vong linh mẹ và không ai xúc phạm đến mẹ yêu dấu của Uyên được.
Nén hương vòng trên bàn thờ mẹ đã cháy hết.  Uyên đứng dậy, thắp cho mẹ một nén hương khác, thói quen Uyên đứng thật lâu trước bàn thờ mẹ.
"Mẹ ơi!  Thế là mẹ đã xa con 49 ngày rồi mẹ nhỉ?  Mới có 49 ngày  mà con tưởng chừng như 49 năm đó mẹ ạ.  Mới ngày nào mẹ còn ở bên con, trong căn nhà này, con thật yên tâm, chỉ việc ăn, ngủ rồi học, không phải lo gì cả.  Đã có mẹ yêu lo lắng, che chở cho con từng li từng tí, nhất nhất chuyện gì con cũng kêu đến mẹ, con cũng cần đến mẹ.  Thế mà bây giờ mẹ xa con vĩnh viễn.  Con mất tất cả!  Con đang lo sợ trước sự hiếp đáp của mọi người mẹ có biết không?  Con linh cảm một ngày nào đó, không xa lắm, con là kẻ thua cuộc, con sẽ phải từ bỏ căn nhà thân yêu này, đem theo cả mẹ đi nữa đến một phương trời vô định.  Đời con sẽ ra sao?  Con khổ lắm mẹ ơi!  Tương lai là cả một bầu trời u ám đang chờ đón con.  Con yếu đuối, cô đơn như một kẻ lữ hành đơn độc giữa vùng sa mạc mênh mông, đôi mắt mỏi mòn trắng dã tuyệt vọng!  Đến một đoạn đường nào đó con không còn đủ sức chịu đựng, con sẽ ngã xuống, hình ảnh mẹ vẫn ngự trị trong tim con, vẫn nằm gọn trong vòng tay con.  Nước mắt con sẽ tuôn rơi xối xả, chảy thành sông, thấm xuống lòng đất tìm về bên mẹ.  Xác thân con mục rã, tan dần theo thời gian nhưng linh hồn con sẽ mãi mãi ở bên mẹ ở bên kia thế giới.  Mẹ ơi!  Thế giới mà mẹ đang sống hẳn thanh thản vô cùng mẹ nhỉ?  Con ước ao một ngày nào đó con sẽ được về thăm mẹ để con lại nằm trong vòng tay ấm cúng của mẹ, để con ngủ vùi trong tình thương bao la vô bờ bến của mẹ.  Nơi đó, con cũng sẽ được sống thanh thản, không phải bận tâm về bất cứ một điều gì!  Không phải sợ sệt, ghê tởm trước bất cứ một ai.  Chỉ có con, có mẹ với nguồn hạnh phúc trong suốt mười lăm năm trời mẹ đã cho con.  Nguồn hạnh phúc đó mẹ đã đem theo mất rồi mẹ ơi..."
- Uyên ơi!
Tiếng Ngy gọi ở nhà dưới, Uyên giật mình, Uyên rời bàn thờ, quay lại nói với cô Hà:
- Xin phép cô cháu xuống bếp.
Cô Hà đứng dậy:
- Thôi, cô cũng về đây.
- Cô có cần nhắn lại gì cho bố cháu không ạ?
- Cũng chẳng có chuyện gì cần cả.  Cô đến thăm Uyên vậy thôi.
- Cám ơn cô.
Cô Hà nhìn thẳng vào mặt Uyên:
- Uyên có giận cô không?
Uyên đáp:
- Dạ thưa cô cháu đâu dám.  Với lại cô có làm gì đâu mà cháu giận?
- Cô sợ...nhưng thôi!  Cô mong rằng sẽ có dịp cô cháu mình tâm sự nhiều để Uyên hiểu cô hơn.
Uyên định nói "cháu hiểu cô nhiều" nhưng suy nghĩ sao lại thôi.  Cô hỏi tiếp:
- Uyên nghĩ sao?
- Vâng.  Thưa cô thật là hân hạnh cho cháu.
Cô Hà để tay lên vai Uyên, tỏ một cử chỉ thân mật:
- Uyên ngoan lắm.
Uyên cười:
- Cô quá khen.
- Cô nói thật đấy.  Cô thương Uyên lắm.
- Cháu cám ơn cô.
Cô Hà bước đi, Uyên theo ra tận cửa.
- Cô về nghe.
- Vâng.  Cô về.
Uyên quay vào, gài cửa cẩn thận rồi xuống bếp với các bạn.  Vừa trông thấy Uyên, Diễm Hương hỏi:
- "Dì" về chưa?
Uyên đáp:
- Rồi!...Mày gọi tao hả Ngy?
Ngy vẫn cặm cụi làm con gà:
- Ừ.
- Chuyện gì vậy?
- Gọi mày xuống để hỏi luộc hay là làm sao?
- Luộc.
Uyên ngồi xuống cạnh Hương, lấy rổ đậu ra đãi.  Mỗi người một việc, bọn Uyên phải cố gắng làm cho mau để kịp giờ cúng mẹ.  Thấy vẻ mặt Uyên không được vui, Ngy hỏi:
- "Dì" nói chuyện gì vậy?
Uyên cười buồn:
- Chuyện lung tung.
- Có liên quan gì đến bố mày không?
- Có.
Diễm Hương xen vào:
- Kể nghe coi.
Uyên nói:
- Bà ấy hỏi tao có nghĩ rằng bố tao còn trẻ không?
Ngy cướp lời:
- Mày trả lời sao?
Uyên tiếp:
- Tao nói bố tao còn trẻ lắm!...Rồi bà ấy hỏi tiếp có bao giờ tao nghĩ rằng bố tao sẽ làm lại cuộc đời không?  Tao trả lời có!
Uyên ngừng lại một chút, Hương giục:
- Tiếp.
- Nhưng không bao giờ tao bằng lòng một người đàn bà nào khác lọt vào căn nhà này thay thế mẹ tao.
Ngy ra vẻ người lớn:
- Được.  Rồi sao?
- Bà ấy hỏi tiếp nhưng nếu bố tao nhất định bước thêm bước nữa?  Tao trả lời đó là quyền của bố tao.  Đến lúc đó tức là tao đã chịu thua và bố tao đã hết thương tao, thương mẹ tao.
Kể đến đây, Uyên buồn chỉ muốn khóc, không muốn nói thêm một lời nào nữa.  Ngy và Hương cũng lặng thinh trước trường hợp đau buồn thứ hai có thể đến với Uyên.
Ngy nghĩ có thể mà chắc chắn đúng hơn, bố Uyên sẽ bước thêm bước nữa.  Lúc đó, đời Uyên sẽ ra sao?  Chắc chắn Uyên không thể sống chung với người mẹ kế trong căn nhà này được bởi vì Uyên không muốn làm tủi vong linh mẹ dưới suối vàng.  Uyên sẽ ra đi như Uyên vẫn hằng nói.  Uyên đem cả mẹ ra khỏi căn nhà này để không ai xúc phạm đến mẹ Uyên được.  Nhưng Uyên chỉ nói ra đi mà chưa nói đi đâu?  Đến phương trời nào?  Sống ra làm sao?  Trong khi Uyên chỉ là một đứa con gái nhỏ bé, yếu đuối trước cuộc đời cạm bẫy, chông gai.  Rồi tủi cực và cuộc đời bi đát sẽ khiến Uyên có thể đi đến một hành động điên cuồng thiếu suy xét như lìa bỏ cõi đời chẳng hạn.  Tội nghiệp Uyên quá!  Mới mười lăm tuổi đầu Uyên đã gặp toàn những chuyện đau buồn như thế này thì làm sao mà sống nổi!
Hôm nọ Ngy đã dọ hỏi ý kiến của bố mẹ về việc bố mẹ nhận Uyên làm con nuôi và cho Uyên về sống chung với Ngy nếu việc xảy ra như dự đoán.  Bố mẹ Ngy rất vui vẻ bằng lòng.  Bố mẹ Ngy nói Uyên là một đứa con hiếu thảo, ngoan, một đứa con gái lễ phép, đáng thương đối với tất cả mọi người.  Bố còn nói bố rất hãnh diện và vui lòng khi thấy Ngy đã chọn được một người bạn đầy đủ những đức tính tốt như Uyên.
Nghe bố nói, Ngy mừng đến phát khóc và định bụng hôm nào sẽ kể cho Uyên nghe để dọ ý Uyên luôn thể.  Có lẽ dịp may đã đến nên Ngy buông dao nhìn thẳng vào mặt Uyên nói:
- Uyên này!
Uyên ngẩng lên nhìn bạn:
- Gì Ngy?
Ngy tiếp trong lúc Hương cũng ngưng làm, lắng tai nghe.
- Mày cũng như tao, tao cũng như mày vì thế trong câu chuyện này tụi tao phải lo lắng chung với mày.
Uyên cảm động:
- Tao biết!
- Nhưng rất tiếc tụi tao không có thẩm quyền gì mà ngăn cản bố mày, ngoài mày ra. Thành thử tụi tao chỉ có thể góp ý với mày. Uyên ạ, mày phải phấn đấu đến cùng bằng đủ mọi cách. Đừng nản chí. Bên cạnh mày còn có tao với con Hương...trường hợp cùng lắm...mày buông xuôi, tao sẽ có cách.
Uyên ngồi lặng thinh, Diễm Hương hỏi:
- Cách gì?
Ngy đáp thật chậm rãi:
- Chỉ còn một cách duy nhất:  mày đến ở với tao...Tao đã nói chuyện này với bố mẹ tao rồi.  Bố mẹ tao rất vui vẻ nhận mày làm con nuôi.  Bố mẹ tao bảo hoàn cảnh của mày rất đáng thương vì thế trong lúc mày đau khổ, tao phải giúp đỡ, an ủi mày hơn bao giờ hết.  Có như thế mới là bạn.
Ngy nói một hơi, Uyên xúc động đến nghẹn lời, hai hàng lệ tuôn dài trên gò má. Diễm Hương cũng xúc động không kém, chỉ muốn ôm chặt Uyên cắn một cái thật đau để bày tỏ tình thương của mình dành cho bạn. Ngy cũng chỉ nói được có ngần ấy rồi im như pho tượng.
Mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ, những ý nghĩ yêu thương chân thành quấn quít chung quanh ba tâm hồn ngây thơ bé bỏng. 
Không hẹn, cả ba cùng đứng dậy, ôm chặt lấy nhau, không nói một lời!  Phải mãi đến mấy phút sau mới nghe Diễm Hương nói:
- Về ở với tao!
Ngy ôm chặt Uyên hơn:
- Tao!
Diễm Hương ghì Uyên lại:
- Tao!
Uyên mấp máy đôi môi, nói trong màn lệ:
- Cám ơn Ngy, cám ơn Hương! Tao yêu cả hai đứa. Tao thương cả hai đứa. Mẹ ơi! Mẹ đã phù hộ cho con!...
Ngoài kia nắng đã lên. Những tia nắng chói lòa như nguồn hạnh phúc của Uyên, Ngy, Hương.  Uyên gục đầu trên vai Ngy, đôi mắt nhìn xa xăm...Uyên chẳng thấy gì ngoài hình ảnh thân yêu của mẹ...trận mưa đầu mùa...khung trời u ám như cuộc đời đau buồn của Uyên...Buổi chiều! Buổi chiều kinh hoàng!...
Chương 9
Uyên ngồi trên thành ghế, vòng tay ôm cổ bố hỏi:
- Bố!
- Gì con?
- Bố giận con hả bố?
- Nhảm!
- Thế sao bố buồn vậy?
Bố Uyên ngập ngừng:
- À... Tại bố vậy đó mà.  Bố không buồn đâu.
Uyên nũng nịu:
- Bố nói dối. Con biết rồi.  Bố buồn lắm mà.
Bố Uyên đánh trống lảng:
- Con thương bố không?
Uyên hôn trán bố:
- Con thương bố nhiều nhất.
- Còn mẹ?
- Con cũng thương nhiều nhất.  Bằng bố.
- Ừ.  Ngoan.
Uyên nghiêng đầu, nhìn thẳng vào mắt bố:
- Bố thương con không?
Bố Uyên cũng biểu lộ tình thương của ông dành cho Uyên bằng một cái hôn thật kêu lên trán:
- Bố thương con lắm.
- Thật nhá bố?
- Thật chứ!  Chẳng nhẽ bố lại nói dối con sao?
Bố Uyên chỉ trả lời cho qua chứ thật ra ông đang bận suy nghĩ không biết có nên cho Uyên biết những cái lợi về tương lai của Uyên nếu Uyên có một người mẹ không.  Có nhiều lúc ông định buột miệng nói nhưng ông sơ. Uyên hiểu lầm ý nghĩ của ông nên lại thôi.
Ông không muốn thấy con buồn - nhất là trong lúc này - những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi của hai cha con sau mỗi tuần gần như xa vắng.
Thấm thoát sắp sửa đến ngày tựu trường, năm nay lại là năm thi của Uyên.  Biết nói sao bây giờ?  Uyên còn trẻ dại, non nớt, chưa biết suy nghĩ xa xôi. Mà cũng không thể trách Uyên được vì con ông có lý riêng của nó. Phải chi nó còn bé thì đã không nên chuyện. Đàng này, dù sao Uyên cũng đã có đủ một khối óc để suy nghĩ, để ý thức được tình thương của mẹ dành cho Uyên và tình thương của Uyên dành cho mẹ. Biết diễn tả thế nào để con hiểu bây giờ? Không nói thì ông luôn bận tâm một cách khổ sở. Nói ra thì chưa chắc con ông đã chịu nghe hết những lời ông dẫn giải. Thật là khó xử vô cùng. Ông buông tiếng thở dài...
Uyên lay nhẹ vai bố:
- Đấy!  Bố lại buồn!
Ông vòng tay ra phía sau lưng Uyên:
- Không! Con đừng để ý. Uyên này...
- Dạ.
- Con sắp đi học rồi nhỉ?
- Vâng.
- Mà năm nay là năm thi của con phải không?
- Vâng.
- Con phải cố gắng thi đỗ để bố vui, mẹ mỉm cười dưới suối vàng nghe con.
Uyên xúc động:
- Vâng.  Con xin hứa.
- Uyên.
- Dạ.
- Bố thương con lắm.  Bố có thể hy sinh cả cuộc đời bố cho con.  Từ ngày mẹ con mất, tình thương của bố dồn tất cả cho con, chỉ một mình con thôi.  Con biết không?
- Vâng.  Con biết.
- Bố không muốn thấy con khổ.  Bố không muốn thấy con thiếu thốn đủ mọi bề.  Bố không muốn thấy con vất vả, cô đơn, không ai chăm sóc cho con...
- Bố!
Bố nắm tay Uyên:
- Con đừng ngắt lời bố.  Con đừng nghĩ rằng bố vô tình và bội bạc đến độ quên mẹ con nhanh chóng như vậy.  Không.  Không bao giờ cả Uyên ạ!  Hình ảnh mẹ con, tình thương của bố dành cho con không bao giờ phai, không bao giờ mất trong lòng bố... Con nghe không Uyên?
Uyê n đáp trong màn lệ:
- Vâng!  Con đang nghe bố.
Ông tiếp:
- Tất cả chỉ vì thương con.  Bố đã nghĩ đến con trước khi nghĩ đến cô Hà, và cũng vì con bố mới nghĩ đến cô Hà.  Bàn tay của bố không phải là bàn tay thu vén đảm đang của một người đàn bà để chăm sóc cho con.  Bố không thể lo cho con từng li từng tí như mẹ con được.  Con cần có một người mẹ...Vì thế bố mới nghĩ đến cô Hà.  Bố tin tưởng cô Hà sẽ thương yêu con như con ruột.  Bố phải lo cho con, tất cả chỉ vì con chứ không phải vì một chút tình cảm riêng tư của bố đối với cô Hà con nghe chưa?
- Bố...
- Con!  Con phải nghĩ đến tương lai của con.  Bố muốn thấy con của bố thật thảnh thơi, không phải bận tâm về một công việc gì để con dồn hết tâm trí vào việc học.  Con nghe không Uyên?
Uyên ôm chặt bố hơn:
- Bố cho con nói.
Bố Uyên phác một cử chỉ cản Uyên:
- Khỏi.  Con khỏi phải nói bố cũng hiểu con muốn nói gì rồi.  Bố biết con thương mẹ con hơn ai cả.  Và chính vì tình thương nồng nàn đó mà con đâm ra ích kỷ.  Không phải bố trách con.  Bố không thể trách con được vì cái ích kỷ của con thật đáng yêu!  Thương con, bố cũng ích kỷ như con vậy.  Bố muốn con sung sướng, để một người khác làm lụng, chăm sóc cho con tức là bố đã ích kỷ rồi đó.  Con không thấy sao?  Con không để ý đến những cử chỉ nhỏ nhặt của bố nên con không thấy được tình thương của bố dành cho con.  Mẹ con mất, coi như bố đã mất đi một nửa cuộc đời!  Còn một nửa bố dồn hết cho con, chỉ một mình con thôi Uyên ạ!...
Bố Uyên nói thật nhanh như ông sợ để lâu, ông sẽ không còn can đảm để mà nói.  Xúc động vẫn còn dâng lên ngùn ngụt trong Uyên.  Bố thương Uyên quá.  Uyên hối hận vì đã nghĩ sai về bố.
Uyên thầm hỏi:  "Tại sao bố không nói với con từ trước hả bố?  Bố thương con, bố lo cho con mà bố không nói ra!  Con làm sao hiểu được?  Con vẫn nghi ngờ bố, con vẫn nghĩ sai lệch về bố!  Nếu không có hôm nay thì mãi mãi Uyên của bố là một đứa con bất hiếu rồi bố biết không?  Con thương bố, thương mẹ nên con ích kỷ.  Bố hiểu con nhiều quá.  Bố biết rõ cả những ý nghĩ thầm kín trong đầu con.  Bố sợ con buồn, bố không nói ra.  Trời ơi!  Con có tội với bố nhiều ghê bố nhỉ?
Bố!  Con muốn thưa với bố rằng con không ghét cô Hà đâu.  Con vẫn kính mến cô và con chỉ hơi bực mình vì cô thôi bố ạ.  Con hiểu lắm chứ bố.  Con hiểu cô Hà thương yêu con thật lòng nhưng con không thể nghe lời bố mỗi khi con nghĩ đến mẹ.  Tất cả chỉ vì mẹ, chỉ vì bố.  Con thương mẹ, thương bố vì thế con muốn bố chỉ thương mẹ và thương con thôi.  Điều này bố cũng đã hiểu.
Bố!  Con không dám làm phật lòng bố vì thế con chỉ chống đối âm thầm và bố biết không, con của bố đã thật dại dột khi có ý định rời xa bố, rời xa căn nhà ấm cúng này nếu cô Hà thay thế mẹ!  Bên cạnh con, tình thương của Ngy, Hương là một nguồn an ủi vô biên đối với con.  Nhưng con thấy rồi bố ạ.  Sau nhiều đêm suy nghĩ con thấy rằng tình thương của bố vẫn cao cả và bao la hơn tình thương của bạn con nhiều!  Bố vẫn là nơi con phải nương tựa suốt đời.  Chỉ có bố mới có thể lo lắng cho con từ những việc nhỏ nhặt đến những việc to tát.  Con không thể xa bố, không bao giờ con chịu xa bố!
Con đã tính toán sai lầm.  Cả Ngy và Hương cũng vậy.  Bố tha tội cho con.  Dù sao con cũng chỉ là một đứa con gái còn ngây dại đáng thương phải không bố?  Bây giờ con đã thật sự đo được tình thương của bố dành cho con.  Con đã hiểu được nỗi lo âu và niềm ưu tư sâu đậm của bố.  Con muốn bố vui nhưng bố ơi con lại không muốn mẹ buồn!  Bố có biết rằng con của bố cũng đang phân vân, đắn đo như bố không?  Thấy bố buồn khổ con không cầm được nước mắt.  Con cũng có thể làm bất cứ cái gì để làm vui lòng bố.  Ngay cả chuyện hy sinh chính bản thân con, miễn sao bố vui là con mãn nguyện lắm rồi.
Nghĩ đến mẹ, con cũng không cầm được nước mắt.  Con phải làm gì bây giờ hả bố?  Con rối trí quá bố ơi!  Con nhỏ bé quá nên con chưa thể quyết định được việc gì cả bố ạ..."
Bố lên tiếng, cắt đứt tư tưởng Uyên:
- Uyên!
Uyên cúi đầu vào ngực bố:
- Dạ!
Bố tiếp:
- Đã đến lúc con phải thành thật với bố như bố đã thành thật với con.
- Vâng!  Con không dám dối bố.
- Bố hỏi thật...Con có bằng lòng đề nghị của bố không?
- !?!...
- Con đừng ngại.  Không phải bố ép buộc con.  Đấy chỉ là đề nghị của bố và nếu con không bằng lòng, bố vẫn chìu theo ý con như thường.  Vì như bố đã nói...bố  có thể hy sinh tất cả cho con...chỉ vì con.  Cá nhân bố, không thành vấn đề.
- Bố!
- Con nói đi.
Uyên nói thật nhẹ, giọng Uyên trong hơn bao giờ hết:
- Con thương bố lắm.  Cả mẹ con nữa.  Việc này...con khó nghĩ quá bố ạ.  Bố đừng hiểu lầm con.  Thương bố, con muốn làm vui lòng bố.  Nhưng nghĩ đến mẹ...con lại...
Bố ngắt lời Uyên:
- Bố biết.  Con sợ có cô Hà, tình thương của bố dành cho mẹ, cho con sẽ giảm?  Ồ, không đâu con ạ.  Bố đã bảo là bố chỉ nghĩ đến con và chỉ vì con bố mới nghĩ đến cô Hà thôi mà!  Con không nhớ sao?
- Bố!
Bố vuốt tóc Uyên:
- Bố nghe đây.
- Con không thể sống xa bố!
- Điều đó dĩ nhiên!  Cũng như bố không thể sống xa con!
Uyên cảm động:
- Bố thương con quá!
Bố cười:
- Nhiều hơn là con nghĩ nữa kìa.
Uyên ôm chầm lấy bố:
- Bố! Bố để cho con suy nghĩ một thời gian nghe bố.
- Ừ! Con muốn suy nghĩ đến bao giờ cũng được. Vì bố đã bảo... chỉ vì con.
Uyên tin rằng bố nói thật vì khi nói câu này, khuôn mặt bố thật thản nhiên, không buồn mà cũng chẳng vui. Ngần ấy đủ chứng tỏ cho Uyên biết rằng tất cả chỉ vì Uyên.
Ý nghĩ làm vui lòng bố chợt lóe lên trong đầu. Tại sao Uyên lại không thể làm vui lòng bố trong khi bố thật có lý nhỉ? Uyên vô lý quá! Uyên không muốn bố buồn và phải bận tâm về Uyên nhiều hơn nữa. 
Uyên thầm hỏi: mẹ có đồng ý không hả mẹ? Bố thương mẹ con mình ghê mẹ nhỉ. Bố bảo hình ảnh của mẹ và tình thương của bố dành cho con không bao giờ hết trong lòng bố. Bố sẵng sàng hy sinh tất cả cho con. Bố chỉ cần mỗi mình con thôi mẹ ạ! Ngoài ra bố không cần gì cả, ngay cả bản thân bố. Con thương bố quá mẹ ơi. Mẹ có thương bố không? Mẹ phù hộ cho bố với con nghe mẹ. Tội nghiệp bố lắm mẹ ơi..."
Bất giác Uyên ôm chặt bố hơn. Vòng tay nhỏ bé đang ôm ghì tình thương và hạnh phúc bao la của bố. Bầu trời hình như vừa rực sáng bất ngờ. Những tia nắng chói chang đang nhảy múa rộn ràng như niềm vui chợt đến trong Uyên!...
 Phú Nhuận 19-5-1972
Nguyễn Sỹ Nguyên
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...