Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Để hiểu đúng câu Kiều về chữ "Tâm" của Nguyễn Du

Để hiểu đúng câu Kiều 

về chữ "Tâm" của Nguyễn Du

Có một câu Kiều không dùng đến điển tích, không cần phải chú giải mà ai cũng dễ dàng hiểu được, đó là câu: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhưng không phải câu Kiều tưởng dễ dàng hiểu được này hoàn toàn được hiểu đúng thần thái thâm hậu của nó trong bất kỳ mọi nơi, mọi lúc, trong những dịp “lẩy Kiều”. Những người có chữ “tâm” đích thực trong đời này không phải là ít và hết thảy họ đều yêu mến, nâng niu câu Kiều nhân nghĩa lung linh này.
Nhưng những người nhân danh chữ “tâm” lại cũng không phải là ít và đôi khi chữ “tâm” nhân danh này bị đem đối lập với chữ tài. Và như thế chữ tài lại bị dè bỉu, bị đố kỵ. Và như thế hai chữ “tâm, tài” tương đố. Ngày xưa, khi viết “Truyện Kiều” để chứng minh cho thuyết “tài mệnh tương đố” (“Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”), Nguyễn Du đã không ngờ đến cái tình cảnh “tâm, tài tương đố” này.
Thực ra, đại thi hào Nguyễn Du chỉ đem chữ tài đối lập với chữ mệnh chứ chưa hề đem chữ tài đối lập với chữ tâm bao giờ cả. Không đối lập hai chữ “tâm-tài” nhưng lại bảo: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “rắc rối” chữ nghĩa là ở chỗ đó. Chẳng lẽ Nguyễn Du viết đến 3254 câu thần bút để ca ngợi một trang tuyệt thế về Tài Tình Sắc như Thúy Kiều mà lại đi dè bỉu “chữ tài” chăng? Hoàn toàn không, chữ tài trong cách hiểu của Nguyễn Du cũng như của cổ nhân là đã bao hàm cả chữ tâm, chữ đức ở trong đó nữa. Chả thế mà cha ông ta đã từng quý trọng, nâng niu hai chữ “hiền tài” và chính người tài là bậc hiền nhân ở đời cho nên phải “chiêu hiền đãi sĩ” (trong câu thành ngữ này, chữ hiền chính là chữ tài, hai chữ từ chỗ gắn kết nhau đã trở nên đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa).
Thúy Kiều, nhân vật chính của “Truyện Kiều” mà Nguyễn Du đã thác ngụ trọn vẹn tư tưởng nghệ thuật tuyệt diệu của mình, Thúy Kiều, về nhiều mặt lại chính là một phiên bản đắt giá về “cái tôi” của Nguyễn Du, nhân vật ấy có đủ hai chữ tâm, tài gắn kết nhau (thực ra, hai chữ tâm, tài trong hình tượng nghệ thuật Thúy Kiều là không thể chia cắt nhau được, có chia cắt là chia cắt tương đối theo lô gích hình thức thôi chứ không chia cắt được trong lô gích nghệ thuật và trong “phép biện chứng” của Nguyễn Du). Bảo chứng cho phẩm hạnh Thúy Kiều quả không có gì đáng giá hơn lời khen, lời đánh giá của các vị cao tăng. Sư Giác Duyên khen:
Người sao hiếu nghĩa đủ đường
Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?
Sư Tam Hợp đạo cô khen cả hai chữ tài, chữ tình gắn kết nhau trong con người Thúy Kiều:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành
Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Hoặc:
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời
Không riêng gì các vị sư đạo cao đức dày mà ngay cả đến những kẻ thù của Thúy Kiều, những kẻ từng đày đọa, hành hạ Thúy Kiều đến độ vùi hoa, dập liễu không xót tay, những kẻ ấy không những không dè bỉu mà còn vô cùng nể trọng một Thúy Kiều tài tình quá đỗi. Hoạn Thư nhiều lần khen ngợi cái tài của Thúy Kiều giá đáng nghìn vàng:
Rằng: Tài nên trọng mà tình nên thương
Ví chăng có số giàu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!
Hay:
Tiếc thay lưu lạc giang hồ
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài!
Thúc ông (cha Thúc Sinh), người đã đem Thúy Kiều ra hành hạ, đánh đòn trước cửa công vì cái tội quyến rũ Thúc Sinh chơi bời hoa nguyệt, rút cuộc, chính Thúc ông cũng phải nể trọng cái tài nghiên bút “giá đáng Thịnh Đường” của Thúy Kiều:
Thương vì hạnh trọng vì tài
Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba
Đáng chú ý, dưới con mắt dù khắt khe của chính mình, Thúc ông đã hiểu rằng trong con người Thúy Kiều, cái tài và cái đức hạnh gắn kết đi đôi với nhau.
Thế thì tại vì sao những người có được “chữ tài” (cũng tức là đã có đủ các chữ tâm, chữ đức nói chung) lại phải tu tâm, theo cách của Nguyễn Du đề xướng, trong khi chính những kẻ bất tài lại làm điều ác nữa chẳng hề phải tu tâm và cũng chẳng ai buộc được họ phải tu tâm cả? Khi viết nên câu Kiều nổi tiếng: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, Nguyễn Du hoàn toàn không có ý cho rằng cái “tai” mà người tài phải gánh chịu do bởi họ sống mất nhân tâm hay thất đức mà rõ ràng, cái “tai” ấy chính là do kẻ xấu, kẻ ác, là do bầy Ưng Khuyển gây nên.
Để tránh đi hoặc vượt qua cái “tai”, các nhà hiền triết ngày xưa đã đưa ra những cách thức, những phép hóa giải mầu nhiệm khác nhau. Do nhận thấy rằng, cái “tài”, từ trong... bản thể của nó ẩn chứa nguyên nhân tai họa, vì người tài khó tránh khỏi bị đố kỵ, ghen ghét, Lão Tử đưa ra một cách xử thế sâu kín, thâm hậu để tránh tai họa: “Thông minh duệ trí thủ chi dĩ ngu, dũng lực chấn thế thủ chi dĩ khiếp”, nghĩa là người thông minh phải biết giữ mình bằng cách khiêm nhường, coi mình như người ngu, bậc anh hào có sức mạnh chấn động thế giới phải biết giữ mình bằng cách làm như người nhát sợ.
Cũng giống như Lão Tử, Nguyễn Du đã soi xét nguyên nhân gây nên tai họa cho người tài không chỉ nảy sinh từ phía xã hội, cụ thể là từ phía cái xấu, cái ác (“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”) mà còn soi xét nguyên nhân này từ trong chính bản thể của cái tài, thành thử “Có tài mà cậy chi tài” (anh bị “tai” vì anh có tài, cũng như người phụ nữ đa đoan vì quá nhan sắc, “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”). Từ đó, Nguyễn Du, cũng giống như Lão Tử đã nghĩ ra cách “chế định” khôn khéo cho người tài bảo trọng thân mình. Nhưng Nguyễn Du không đưa ra cách xử thế “giấu mình” để tránh tai họa như Lão Tử nêu mà chọn cách khác, cách “tu tâm”.
Cái cách “tu tâm” mà Nguyễn Du nêu ra (phê bình văn học trước đây thường cho rằng điều này thể hiện sự bất lực của Nguyễn Du trước thực tại xã hội cũ) vừa chịu ảnh hưởng rõ nét của tư tưởng Phật giáo, vừa mang sắc thái riêng của Nguyễn Du. Dĩ nhiên, người “tu tâm” ở đây không phải do thiếu tâm, hay do tội lỗi phải sám hối mà là vì những lẽ đời nhiệm màu khác. “Tu tâm” ở đây đồng nghĩa với việc dùng sức mạnh của “chữ tâm” để hóa giải oan khiên, lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan. Khi luận cho sư Giác Duyên nghe về cuộc đời chìm nổi của Kiều, sư Tam Hợp đạo cô đã nêu: “Có trời mà cũng tại ta, tu là cội phúc... ”. Người “tu tâm” sẽ làm chủ được nhân quả, làm chủ được họa phúc của đời mình. Trước hết là “trừ họa” từ quá khứ, công đức của Kiều ở kiếp này đã đủ để rửa sạch oan khiên từ kiếp trước, nói theo cách của nhà Phật:
Thửa công đức ấy ai bằng
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi
Khi nên trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau
Sau nữa là hưởng được quả phúc trong kiếp này: Kiều đã được sư Giác Duyên thuê người cứu sống sau khi nàng trầm mình trên sông Tiền Đường, giúp nàng dứt ra khỏi định mệnh Đạm Tiên, khiến cho Đạm Tiên đã phải “thông báo” là tên nàng Kiều từ nay được rút ra khỏi “sổ đoạn trường”:
Tâm thành đã thấu đến trời
Bán mình là hiếu cứu người là nhân
Một niềm vì nước vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Đoạn trường sổ rút tên ra
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau
Cái cách “tu tâm” trên đây còn là cách mà Nguyễn Du “hờn lẫy”, “hờn mát” với cuộc đời (“Có tài mà cậy chi tài”) và cũng là cách để chọi lại với cái ác, cái xấu. Lưu ý rằng với cách “tu tâm” mà Nguyễn Du xướng lên này, những người “đạt đạo” sẽ không chỉ tự tu dưỡng được đạo đức cho riêng mình mà còn góp phần cảnh tỉnh, nhắc nhở, hóa giải và “cứu chuộc tội lỗi” cả cho những ai đã thiếu tài lại thất đức, chẳng chịu tu tâm. Quả đúng như Tế Hanh viết:
“Một nhân vật như Thúy Kiều đã đi vào lịch sử
Chịu thay chúng ta bao áp bức trên đời”
Chính vì thiên chức “chịu thay” này của người hiền sĩ mà Nguyễn Du đặt chữ tâm bằng ba chữ tài. Hóa ra kẻ sĩ tu dưỡng chữ tâm không chỉ cho riêng mình mà cả cho đời. Và như thế hai chữ tâm, tài không hề đối lập mà đều cùng lấp lánh như nhau trên mỗi trang Kiều.
Nhiều người trong chúng ta đã đọc đi đọc lại những câu mở đầu và kết thúc  Truyện Kiều, nhưng không phải ai cũng  hiểu hết  những ý tình ẩn trong đó. Xin giới thiệu với các bạn bài TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA trong quyển Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều của tác giả Phạm Đan Quế - Nxb Giáo dục 2002,  Nxb Thanh niên tái bản năm 2004.
Truyện Kiều có đặc điểm là nhiều khi cứ đọc đi đọc lại mãi rồi ngẫm nghĩ mới thấy được hết cái hay. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trao đổi trước hết về kết cấu đoạn thơ và triết lý trong 20 câu Kiều quen thuộc: 6 câu đầu và 14 câu cuối tức 20/3.254 câu (0,61%) của tác phẩm bất hủ này.
A.Trước hết là 6 câu mở đầu tác phẩm. Đây là đoạn giới thiệu nguồn gốc đề tài, cốt truyện và cảm hứng chủ đạo của tác giả. Trong kết cấu tác phẩm, đoạn thơ mở đầu Truyện Kiều, thuộc thành phần ngoài cốt truyện. Từ câu thứ 7 trở đi (Cảo thơm lần giở trước đèn), chúng ta được tiếp xúc với gia đình của nhân vật chính và những sự kiện mở đầu cho câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều bạc mệnh.
Để nói được chủ đề của tác phẩm cùng triết lý trong truyện, Nguyễn Du mở đầu bằng 6 câu chia làm 3 đoạn:
0001. Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau.
Đây là thuyết Tài mệnh tương đố của các nhà Nho áp dụng cho mọi người (Nam cũng như nữ). Là con người thì có tài ắt mệnh kém và ngược lại. Quan niệm được nọ mất kia, hơn tài kém mệnh là tinh thần giáo điều dựa theo đề tài, cốt truyện trong các tác phẩm xưa thể hiện khuynh hướng cảm hứng chính thống trong nền văn học trung đại. Khuynh hướng ấy đã được các tác giả kinh điển của Nho gia phát ngôn như qua sách Luận ngữ trong câu “Thuật nhi bất tác” có nghĩa là: Noi theo, dựa theo (người xưa) mà không sáng tạo.
0003. Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Chủ ý của hai câu này là từ tư tưởng Phật giáo: Đời là bể khổ, ý chính là đoạn trường (đau đớn đến đứt ruột) cũng là để nêu nhan đề của tác phẩm: Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng mới đứt ruột).
Chữ mà ở đây dùng để nhấn mạnh một lời than của tác giả đau đớn vì thấy hết được cái đau đớn của nàng Kiều, bởi tác phẩm của ông là một tiếng kêu thương, tiếng kêu đứt ruột không chỉ cho một mà cho mọi số kiếp bị đọa đầy.
0005. Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Bỉ: cái kia, sắc: ít, tư: cái ấy, phong: nhiều - Bỉ sắc tư phong là điều kia kém thì điều này hơn, đã đẹp (má hồng) thì phải chịu khổ, trời xanh đã định vậy: thuyết Hồng nhan bạc mệnh. Đây là diễn ý của câu 1–2 cho mọi người, câu 5-6 dành riêng cho phận gái - Một nửa của nhân loại.
Còn câu 2 và 6 lại nói về mệnh trời (chữ MỆNHTRỜI xanh), đây là thuyết Thiên mệnh của Nho giáo.
Như vậy chỉ có 6 câu mở đầu mà tác giả đã trình bày được tới 4 triết thuyết: thuyết Tài mệnh tương đố của các nhà Nho, tư tưởng Phật giáo: Đời là bể khổ, thuyết Hồng nhan bạc mệnh, thuyết Thiên mệnh của Nho giáo. Chả thế mà Chỉ với hai câu mở đầu, nhà Nho Vũ Trinh ở thế kỷ 19 đã phê:  “Mạo đầu sổ ngữ cảm khái hệ chi. Khai quyển sổ cú tận chi “ (Ở mấy lời mở đầu quyển truyện niềm cảm khái đã vang theo. Mấy câu đầu đã nói trọn cốt truyện).
Trong ngôn ngữ truyền thống, người ta gọi đây là đoạn “phát đoan”. Các nhà nghiên cứu văn học hiện nay xếp đoạn thơ này thuộc thành phần ngoài cốt truyện mang nội dung biểu hiện ý kiến có tính chất triết lý, có giá trị tổng kết của tác giả. Thuật ngữ khoa học gọi đoạn thơ này là ngôn ngữ thuyết lý, là lời bình luận trữ tình hoặc cụ thể hơn, là lời bình luận trữ tình ngoại đề. Từ câu 7 là đoạn chuyển: Cảo thơm lần giở...
Câu 9 - Rằng: Năm Gia Tĩnh... là thời gian, thuộc thế kỷ 15, câu 10- Bốn phương... hai kinh... là không gian của câu chuyện sắp xảy ra để đi vào tác phẩm, bắt đầu bằng câu 11: Có nhà viên ngoại họ Vương..
Chỉ với 6 câu thơ mở đầu mà ta thấy ở đây một giá trị nghệ thuật đặc sắc ở tính chất khái quát hàm súc trong nội dung, ý nghĩa bộc lộ trực tiếp thế giới quan và nhân sinh quan của tác giả và cả một phong cách ngôn từ sinh động đưa triết học đến với thế giới văn chương và tạo cho gương mặt thi ca chiều sâu của tư duy triết học (Đặng Thanh Lê).
Cũng trong những câu mở đầu này, chúng ta cần chú ý đến mấy từ thuần Việt mà tác giả đã chuẩn bị công phu:
Khéo là ghét nhau: khéo ở đây là tiếng lấy làm ngạc nhiên, mỉa mai, châm chọc, tưởng khen mà lại là chê bai, dùng để chê trách như khéo thay, rõ khéo biểu thị sự lạ lùng, nực cười, khó hiểu cũng như khéo trong những cụm từ khéo chửa, khéo vẽ. Trong Cung oán ngâm khúc cũng có câu: 88. Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.
- Lạ gì: chẳng có gì là lạ, biểu thị một thái độ bực tức, chán ngán, dè bỉu, khinh thường, quen quá đi rồi còn lạ gì nữa trong các câu:
1161. Đà đao lập sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay.
1287. Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc ai giằng cho ra?
- Quen thói với giọng chì chiết, bêu riếu, khinh thị, xấc xược, căm ghét trong câu:
1303. Thúc sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
Trong 6 câu, tác giả ghi nhận một cách thản nhiên cái định luật oái oăm của ông Trời, của tạo hóa với những sắc thái biểu cảm sinh động biết bao. Về 6 câu này, trong bài Giọng điệu trong văn chương, Hoàng Ngọc Hiến viết:
Muốn hiểu Truyện Kiều phải bắt được cái giọng của tác giả trong 6 câu triết luận mở đầu. Điều quan trọng trong đoạn mở đầu này không chỉ ở luật oái oăm, ác hại của cõi người ta: Tài mệnh tương đố, bỉ sắc tư phong, hồng nhan bạc mệnh. Điều quan trọng hơn cả là cái giọng mỉa mai hờn mát đay đả của tác giả khi nói đến những luật này.
0001. Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau.
Tác giả không thản nhiên ghi nhận cái luật oái oăm này. Thái độ tác giả bao hàm nhiều sắc thái. Từ khéo là có bao nhiêu nghĩa thì cái giọng của tác giả biểu hiện ở đây có bấy nhiêu sắc thái: mỉa mai, hờn mát, rỡn cợt, châm chọc... Tài mệnh tương đố không phải là tư tưởng của Truyện Kiều. Triết lý của Truyện Kiều là ở cái giọng của tác giả khi nói về tư tưởng này, nói ở chữ khéo là vào câu tài mệnh tương đố.
Câu 5-6: Cũng như cách phân tích ở trên, bỉ sắc tư phong, hồng nhan bạc mệnh không phải là tư tưởng đích thực của Truyện Kiều. Ở đây cái giọng của tác giả rất rõ. Trước luật cõi đời và luật của trời, Nguyễn Du là một người đáo để với cái giọng đay đả, đay nghiến của ông: Lạ gì... Ở đây bộc lộ một thái độ dè bỉu, bực tức, chán ngán... Cái giọng văn của Nguyễn Du khi nói đến luật hồng nhan bạc mệnh bao hàm một thái độ đối với trời xanh, một cái giọng “xẵng” và thái độ “xấc”. Với cái giọng này và thái độ ấy, nhà thơ có chửi luôn cả Trời thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên...
B.Về 14 câu cuối cùng của tác phẩm. Nếu thuyết Thiên mệnh của Nho giáo được nêu ra ở câu 1-2 (chữ TÀI, chữ MỆNH) và 5-6 (trời xanh) thì trong 4 câu đầu của đoạn kết của tác phẩm lại được nhắc lại và mở rộng:
3241. Ngẫm hay muôn sự tại TRỜI
TRỜI kia đã bắt làm người có thân.
3243. Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao
Ngẫm hay: chỉ hai chữ này thôi cũng cho ta thấy tác giả đã nung nấu suy nghĩ rất nhiều để đi đến kết luận này dù còn rất bi quan: Ở đời người ta đều có số, do Trời định sẵn (Mệnh Trời). Tác giả đay nghiến ông Trời kia bằng cách lặp lại chữ TRỜI ngay ở đầu câu 3242 tiếp ngay chữ TRỜI ở cuối câu 3241. Ông còn dùng những chữ bắt-phải, cho-mới được, rồi chì chiết bằng cách lặp lại hai lần những chữ phong trần, thanh cao.
Tiếp theo là 4 câu về thuyết Tài mệnh tương đố tương ứng với câu 2 (Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau) được phô diễn cụ thể:
3245. Có đâu thiên vị người nào,
Chữ TÀI chữ MỆNH dồi dào cả hai,
3247. Có tài mà cậy chi tài,
Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần.
Tác giả lặp lại bốn lần: chữ TÀI, chữ MỆNH, chữ TÀI, chữ TAI dùng hai lần chữ TÀI và một lối chơi chữ rất thần tình Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần làm cho người đọc càng thấy xót xa, căm giận cho cái luật lệ trớ trêu này của tạo hóa.
Nếu câu 3-4 ở đầu truyện chỉ nhằm nói triết thuyết đời là bể khổ của đạo Phật (Trải qua một cuộc... Những điều trông thấy...) thì ở đây với những chữ của nhà Phật nghiệp, thân, thiện căn lại là 4 câu khuyên phải làm gì để thoát khỏi bể trầm luân, nỗi đau triền miên của nhân loại, là tư tưởng TU TÂM của Phật giáo:
3249. Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cùng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
3251. Thiện căn bởi tại lòng ta,
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.
Thế là đoạn mở đầu Truyện Kiều và đoạn kết thúc tác phẩm mang tầm độ, ý nghĩa khái quát, tổng kết về toàn bộ số phận và tính cách Thúy Kiều, về những vấn đề chủ yếu đã đặt ra trong tác phẩm. Cái lối trên hô dưới ứng như vậy mà chúng tôi đã trình bày trong chương III ở trên xưa gọi là phục bút. Nghiệp, thân, thiện căn, chữ TÂM là những từ của nhà Phật. Tác giả mở đầu Truyện Kiều bằng 3 đoạn, mỗi đoạn 2 câu nói về thuyết Thiên mệnh (Tài mệnh tương đố, Hồng nhan bạc mệnh) của Nho giáo và Đời là bể khổ của Phật giáo thì ở đoạn kết ta cũng thấy có 3 đoạn mỗi đoạn 4 câu nêu lại những vấn đề ấy và cũng là để khép lại chủ đề của truyện. Và chúng ta lại càng thấy thi hào Nguyễn Du viết chặt chẽ đến từng câu từng chữ: Lời lời châu ngọc, chữ chữ tổn tinh thần. Khi đọc đến 2 câu cuối cùng của cuốn sách trước khi gấp lại, ta thấy sao mà khiêm tốn vậy và quả là rất Nguyễn Du:
2353. Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Nhân mùa lễ Phật Đản, tôi xin có vài suy nghĩ về Mệnh Trời và Nghiệp Báo sau khi được nghe một bài pháp thoại.
Các cụ ta có câu: "Ngũ thập tri thiên mệnh" (Năm mươi tuổi biết được mệnh trời). Ở cái tuổi 50, chúng ta chưa thể được gọi là già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Với năm mươi năm ấy, chúng ta đã đi được một hành trình khá dài, ít ra cũng nửa đời người. Và trong thời gian đó, chúng ta đã gặt hái được một số kinh nghiệm sống đủ để hiểu được mệnh trời ra sao và đã ảnh hưởng đến đời sống chúng ta như thế nào. Tuổi càng cao, sự chứng nghiệm về mệnh trời càng rõ ràng hơn vì có nhiều điều xẩy ra trong đời sống, ta không thể dùng lý luận hoặc kiến thức khoa học mà giải thích hay chứng minh được.
Mệnh trời nôm na còn gọi là số trời hay số mệnh. Vậy mệnh trời, số trời hay số mệnh là gì?
Với cái nhìn của Nho giáo, mệnh trời được coi như một uy quyền đến tự trời và chúng được áp đặt vào đời sống của mỗi con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi. Con người được tạo sinh bởi trời, do đó con người là con cái và là công cụ của trời nên con người phải tuân thủ mọi ý muốn của "ông trời" sắp đặt không thể chống trả hay sửa đổi lại được, cũng như trong thời phong kiến vua bắt thần chết thì phải chết, không chết là bất trung vậy.
Theo Nho giáo, con người không có quyền tham dự vào việc quyết định số mệnh của mình mà phải hoàn toàn tuân thủ nơi số mệnh đã được đinh sẵn nên mỗi khi gặp nghịch cảnh người ta thường nẩy sinh tinh thần thụ động, yếm thế, ỷ lại, chịu đựng, phó mặc chứ không tìm cách cải đổi số mệnh của mình hầu mang lại đời sống tốt đẹp hơn. Mệnh trời khi đã định sẵn cho người nào rồi thì dù cho người ấy có tài giỏi khôn ngoan đến đâu cũng không thoát ra được.
Những ý tưởng thụ động về số mệnh nêu trên đã được thể hiện không ít trong dân gian qua những câu ca dao tục ngữ:
Số lao đao phải sao chịu vậy,
Tới số ăn mày bị gậy phải mang.
Số giàu tay trắng cũng giàu,
Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo.
Cây khô xuống nước cũng khô,
Phận nghèo đi tới chỗ mô cho giàu. 
Số giàu đem đến dửng dưng,
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.
Khó giàu muôn sự tại trời,
Nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi.
Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên
Thuốc chữa được bệnh, chẳng chữa được mệnh.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Với cái nhìn của Phật giáo: thiên mệnh hay số mệnh được hiểu là nghiệp báo. Nghiệp từ đâu đến? Nghiệp không đến từ trời như quan niệm của Nho giáo. Nghiệp đến từ hành động của con người qua luật Nhân Quả.
Ta gieo Nhân tốt thì gặt hái Quả tốt, ta gieo Nhân xấu thì ta gặt hái Quả xấu. Nghiệp báo có mặt trên thế gian này như định luật đền trả những điều mình làm trong quá khứ hay ngay trong hiện tại với "quả báo nhãn tiền". Nghiệp gặp hoàn cảnh, tức nhân duyên, sẽ khởi động và tác động trực tiếp vào đời sống con người.
Nghiệp là động cơ chính đưa con người vào vòng luân hồi sinh tử. Muốn thoát được vòng sinh tử, con đường duy nhất là ta phải tự mình giải được nghiệp của mình.
Như thế, dựa vào thuyết nghiệp báo của nhà Phật, con người được chủ động định đoạt số mệnh của mình, không ai có quyền ban bố sự an vui cũng như không có ai có thể áp đặt sự đau khổ cho mình mà chỉ có chính mình mới có quyền quyết định sự chọn lựa cuộc sống cho chính mình trong tương lai mà thôi. Chính vì thế nghiệp báo trong đạo Phật có tính chất chủ động, tích cực, đầy sáng tạo và tôn trọng con người trong tinh thần dân chủ chứ không quan niệm số mệnh đầy tính chất áp đặt, phong kiến như của Nho giáo. Khi gặp nghịch cảnh, ta cố gắng chuyển hóa hay giải nghiệp để cải thiện hoàn cảnh hay tiến tới đời sống tốt đẹp hơn theo đúng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của Phật.
Tin ở sự công bình của luật Nhân Quả và cũng như tin ở khả năng chuyển đổi nghiệp lực của mình, ý tưởng về Nghiệp cũng được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ truyền tụng trong dân gian dưới đây:
Những người mặt mũi nhọ nhem,
Bởi chưng kiếp trước đĩa đèn không lau.
Những người mặt trắng phau phau,
Bởi chưng kiếp trước hay lau đĩa đèn
Thiên đạo chí công
Đức năng thắng số.
Nhân định thắng thiên. Nghiệp được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau tùy theo nặng nhẹ.
Nghiệp có thể tác động lên một người, một nhóm người hay cả một nước mà ta gọi là mệnh nước hay vận nước vậy. Nghiệp được thể hiện dưới nhiều hình thức mà ta dễ nhận biết nhất đó là nghiệp thể hiện trong tính nết con người. Có người được sinh ra với tính nết hiền hòa nhân hậu, có người sinh ra với tính nết dữ dằn độc ác dù là có khi không do chịu ảnh hưởng của xã hội, gia đình hay tập quán chung quanh, mà do bẩm sinh mà có. Người có tính dễ dãi thì mọi chuyện dù dữ cũng thành lành để được an vui, nó được coi như những sự ân thưởng của luật Nhân Quả. Người có tính hay khúc mắc thì dù chuyện lành cũng thành dữ để đau khổ và nó được coi như những sự trừng phạt của luật Nhân Quả, mình tự đập mình tan nát trong tâm.
Nếu ta thấy được cái nghiệp của ta phần lớn nằm trong tính nết thì khi ta muốn chuyển đổi một phần nghiệp dữ thành nghiệp lành thì ít ra ta cần phải thay đổi tính nết của ta. Tu là sửa đổi, mà sửa đổi tính nết là một phần khá quan trọng trong việc mở đường cho những bước thăng tiến cao hơn trên con đường giải nghiệp, diệt khổ. Thí dụ tính hay hờn giận, ghét người, tạo nên khổ, vậy hãy yêu người cho bớt hay hết khổ đi, "Yêu người là yêu mình" là nghĩa như thế. Ta cứ ngồi rà soát lại tính nết của ta thì ta mới thấy con người trầm luân bể khổ là phần lớn do tác động của nghiệp ẩn tàng qua tính nết của ta vậy.
Kinh Nhân Quả nói "Muốn biết Nhân đời trước, chỉ xem Quả hiện tại mà ta đang thọ; muốn biết Quả đời sau, chỉ xem Nhân gây tạo trong đời này". Cứ theo như thế, chúng ta chẳng cần phải có "thiên lý nhãn" ta cũng có thể nhìn thấu 3 kiếp của ta, kiếp hiện tại, kiếp đã qua, và kiếp sắp tới. Đối với các bậc đại sư hay thiền sư họ nhìn cuộc đời đau khổ chỉ vì vô minh. Khi ta hết vô minh thì Địa ngục và Thiên đường chỉ là một, nên nhà Phật có những câu như:
- Sắc tức là không, không tức là sắc
- Phiền não tức bồ đề
- Sanh tử tức Niết bàn.
Tất cả những điều ấy tưởng như đối nghịch, nhưng thật ra chỉ là hai mặt của một bản thể trong triết lý "bất nhị" của nhà Phật mà thôi. Xin đưa ra đây một vài đoạn văn thơ tiêu biểu trong văn học Việt nam đã chịu ảnh hưởng triết lý của nghiệp và số trời như:
- Trong hai câu mở đầu của tác phẩm "Bích Câu Kỳ Ngộ", tác giả Vô Danh viết:
Mấy trăm năm một chữ tình
Dưới trời ai kẻ lọt vành hóa nhi.
(Hóa nhi: Tạo hóa = trời, nhi = trẻ con. Ý nói trời oái oăm như trẻ con.) - Trong "Cung Oán Ngâm Khúc", Ôn Như Hầu tả cảnh cung phi oán hận vì đơn chiếc trong cung:
Tay tạo hóa cớ sao mà độc,
Buộc người vào kim ốc mà chơi.
(kim ốc = nhà vàng, ý ám chỉ cung vua).
- Đoạn kết của Đoạn Trường Tân Thanh (Kiều), Nguyễn Du viết:
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao...
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Trong đoạn này, Nguyễn Du đã nhắc lại hai triết lý Số trời của Nho giáo và Nghiệp báo của Phật giáo. Cụ đã dùng hai triết lý này làm nền tảng để chứng minh cho thuyết "tài mệnh tương đố" của truyện Kiều mà ta nhận ngay ra được với hai câu mở đầu:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là nghét nhau.
Dựa vào những câu thơ tiêu biểu của các tác giả nêu trên, ta thấy được tinh thần hòa đồng tam giáo gồm Phật giáo, Khổng giáo, và Lão giáo, đã ảnh hưởng đến triết lý sống của dân ta một cách sâu sắc như thế nào.
Để đón mừng ngày Đản sinh tôi xin chép ra đây lời nói của Thiền sư Thần Hội, đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng, để chúng ta cùng suy ngẫm.
Tâm là Phật. Vô tâm là Đạo.
6/5/2011
Nguyễn Hoàn
Theo http://caohocvan16qnu.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh 11 Tháng Mười, 2022 Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chấ...