Âm nhạc của Trịnh Công Sơn
Một nét tài hoa trong sáng tạo nghệ thuật biểu hiện ở chỗ người
nghệ sĩ biết vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực vào tác phẩm. Trịnh Công Sơn
là một nghệ sĩ tài hoa, công chúng đã thừa nhận điều đó.
Chúng ta thử nhặt một cánh hoa trong gia tài hoa của anh và
xem Trịnh đã thấu hiểu vật lý đến mức nào.
1. Ba định luật cơ học cổ điển
Nhà vật lý người Anh Isaac Newton đã đặt nền móng cho cơ học
cổ điển bằng ba định luật gắn liền với tên tuổi của ông. Hãy lướt đi trên những
ca từ của Trịnh để thưởng ngoạn cuộc gặp gỡ thân thiện giữa Trịnh Công Sơn và
Newton.
Định Luật I Newton phát biểu rằng: Một vật đứng yên hoặc
chuyển động thẳng đều sẽ giữ nguyên trạng thái đó nếu không có ngoại lực tác dụng
lên vật.
Con người đặt giữa cuộc sống nhân loại sẽ rất nhỏ bé, hệt một
chất điểm, và ta coi con người là một vật trong tổng thể cấu tạo vũ trụ. Vận dụng
định luật trên cho một vật hữu cơ (con người), nếu môi trường sống yên bình đến
tuyệt đối, ta sẽ tồn tại (đứng yên) hoặc đi qua cõi đời (chuyển động thẳng đều)
một cách rất bình lặng mà không hề vấn vương gì.
Ta bắt gặp ý niệm ấy trong câu hát “Đường thật lặng yên
lòng không gì nhớ” (Bên đời hiu quạnh). Trịnh Công Sơn đã ghé tai thì thầm
với ta rằng, nếu có một cuộc sống quá thanh bình cũng chưa phải là hay, vì khi
đó ta không thể biết đến cái “đau” vốn có của đời sống, và như thế là ta không
thể chia sẻ được với đồng loại.
Bởi vậy nên hãy hòa mình sống ở đời mà đừng tìm cách lánh, đừng
làm lơ với cuộc sống đang hiện hữu quanh bạn. Khi thức tỉnh được điều đó ta mới “giật
mình nhìn quanh, ồ phố xa lạ”.
Hóa ra là thế, hóa ra là bao lâu nay ta đã ngủ mê trên cái êm
đềm nên mụ mị đi. Nay ta tác dụng một lực để tự giật mình, mới hay mình đã tới
một nơi khác rất mới mẻ, lạ lẫm. Đấy cũng là một cách khám phá cuộc sống. Phải
chăng vì Trịnh Công Sơn đã thấu đạt điều đó nên anh hòa mình lặng lẽ giữa đời,
đau cùng thân phận con người, khát khao cùng ước nguyện đôi lứa… tất cả những
thứ ấy chính là lực tác dụng để đưa cảm xúc của anh đến những miền đất lạ mà lấy
nhạc về cho đời.
Ta càng sống, càng trải nghiệm bao nhiêu thì càng nhanh già bấy
nhiêu. Đó là tín hiệu lão hóa sinh học, cũng là một cách hiểu khác của định luật
II Newton: Biến thiên động lượng của vật tỷ lệ thuận với độ lớn lực ngoài
tác dụng. Và Trịnh Công Sơn, cái anh chàng tài hoa ấy đã quét trí tuệ qua sinh
học, qua vật lý rồi viết: “tóc úa là nhờ những tháng âu lo” (Bay đi
thầm lặng).
Chính những tháng ngày ngồi âu lo, Trịnh đã thấu tận nỗi sầu
thế nhân và thốt lên như một triết gia của tự nhiên: “Biển đánh bờ xôn xao
bờ đánh biển” (Biển nghìn thu ở lại). Đứng trước biển, dẫu là nhà thơ hay
người thường cũng đều nôn nao cảm xúc tựa như sóng không vỗ vào bờ mà đang vỗ
vào lòng ta.
Thế nhưng mấy ai hiểu tới được cái thế chí tương quan giữa biển
và bờ? Nếu như Fritjof Capra ngồi trước biển và nhận ra những con sóng cùng bờ
cát đang tham gia vào một điệu múa Shiva trong Ấn Độ giáo để rồi viết cuốn
sách Đạo của Vật lý, thì Trịnh Công Sơn lại quan sát tương quan hai chiều: “biển
đánh bờ” tất dĩ sẽ có “bờ đánh biển” để viết nhạc.
Tương quan hai chiều này toán học gọi là “song ánh”, và vật
lý học xếp nó vào Định Luật III Newton: Nếu A tác dụng vào B một lực thì
ngay lập tức B cũng trở lại tác dụng A một lực tương ứng. Trịnh Công Sơn đã biến
một nguyên tắc vật lý khô cứng thành một câu hát mềm như sóng biển!
Tuy nhiên, một người nghệ sĩ khi thấu đạt lẽ tự nhiên rồi thì
họ không dừng lại ở việc mô tả nó, mà còn phải đưa ra suy nghĩ riêng của mình.
Cũng như thế, Trịnh sau khi nhận ra cái luật “có đi tất có lại” thì chàng van
lơn: “Đừng đánh nhau ơi biển sẽ tàn phai”. Một câu hát đong đầy giá trị
nhân văn.
Trịnh đã lấy lòng từ bi của một người Phật tử và phóng chiếu
qua cổ tích (nơi mà mọi thứ đều có linh hồn), để rồi chàng thương cả những vật
vô tri như sóng hay cát. Gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn có một phần lớn nhạc
phản chiến, câu hát trên là một tinh thần phản chiến của Trịnh. Nhạc sĩ khuyên
người ta đừng có đánh nhau nữa. Nhà Phật nói đời là biển khổ. Thế đấy, biển vốn
đã mênh mang nỗi khổ rồi sao còn cứ đánh nhau làm gì cho thêm tàn phai?
2. Điểm chung nguyên tử
Sách Sáng Thế Ký nói chuyện Chúa nặn ra vạn vật, nhà Phật lại
cho rằng muôn loài được tạo ra bởi sự kết hợp các duyên (giả hợp), còn Vật lí học
thì xác định mọi thứ đều cấu thành từ nguyên tử. Trịnh Công Sơn đã bay giữa thần
học, triết học, khoa học để nhận ra rằng tất cả đều có một điểm chung, bạn cũng
là ta, người tình cũng là ta mà thôi: “Tôi là em và em cũng là tôi” (Tôi
ơi đừng tuyệt vọng).
Ở lĩnh vực thi ca, nhà thơ Mỹ Walt Whitman trong tập thơ Lá Cỏ
đã từng viết: “Tôi ca tụng mình, tôi hát về mình/ Và cái tôi nhận về thì
các bạn cũng nhận về/ Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi, cũng thuộc về các bạn đấy
thôi” (Hát về chính mình). Người ta nói những tư tưởng lớn thường gặp
nhau, quả không sai! Và, cũng như Walt Whitman, Trịnh Công Sơn đã hướng sáng
tác của mình đến việc xây dựng một thế giới đại đồng, muôn loài muôn vật đều
chung một chủng tử (là nguyên tử), vì vậy mà “hãy yêu nhau đi”.
Tình yêu trong nhiều ca khúc của Trịnh là tình thương rộng lớn
giữa người với người, giữa người với vật: “Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin
vui”. Nếu không nhận ra được điểm chung giữa con người và đất đá, làm sao có thể
viết được một câu hát bao dung đến thế?!
Luận điểm C. Mac cho rằng, con người là tổng hòa các mối quan
hệ xã hội. Hơn thế, con người buộc phải gắn liền với lịch sử dân tộc, với cội
nguồn văn hóa, và với xuất phát điểm nhân loại – chính là nguyên tử. Bởi vậy
nên ta hiểu được Trịnh luôn nhìn thấy thấp thoáng bóng người quen ở giữa những
đám người lạ: “Có những nghìn năm xưa, hóa thân em bây giờ. Nên tôi vẫn
nhìn thấy em, giữa đám đông xa lạ. Vì em như chim trắng, giữa trống đồng bước
ra” (Em đến từ nghìn xưa).
Triết gia Đức Nietzsche đề xuất khái niệm “siêu nhân” để động
viên con người hãy vượt qua con người, còn Trịnh Công Sơn trong ca khúc đã
thể hiện ý niệm “cố nhân” nhằm mong muốn con người tìm lại con người trong
nhau: “Tìm em tôi tìm… bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn” (Đóa hoa
vô thường). Và chắc chắn Trịnh có lý, bởi vì tất cả chúng ta đều hình thành từ
đơn vị cấu trúc cơ bản là nguyên tử.
Từ cái điểm chung ấy, đối với Trịnh thì mọi người, mọi vật ta
đã gặp sẽ mãi mãi luôn bên ta chứ không thể mất đi, vậy nên “vẫn thấy bên
đời còn có em” hay “vẫn thấy em cười đùa đó đây” (Vẫn có em bên
đời).
Quả đúng là không có gì tự nhiên sinh ra, cũng không có gì tự
nhiên mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Trịnh biết
thế nên dù cho em đã ra đi nhưng hình ảnh em vẫn còn ở lại và hóa vào thiên
nhiên gần gũi, “tấm lòng em như lá kia còn xanh”. Bài hát như một lời động
viên, gửi gắm niềm lạc quan cho những ai đang mất niềm tin vào tình yêu, cuộc sống.
Trịnh Công Sơn là hoàng tử sầu muộn đã gập lưng cõng thập tự giá để cho đức tin
không tàn úa.
3. Hiệu ứng ánh sáng trắng
Thuyết ánh sáng cho rằng ánh nắng mặt trời là ánh sáng trắng.
Nghĩa là nắng, về bản chất tự nhiên, có màu trắng. Điều đó được Trịnh vận dụng
và viết nên ca khúc Hạ Trắng. Mùa hạ là mùa đượm nắng nhất trong năm. Và cái buổi
chiều mùa hạ mà Trịnh đang ngồi ngắm ấy chính là lúc con nắng khôi nguyên nhất,
chưa bị phân hóa, nắng phủ màu trắng lên muôn loài, trong cơn mê màu nắng cũng
bội kết thành những đóa hoa trắng: “Gọi nắng, cho cơn mê chiều nhiều hoa
trắng bay”.
Màu trắng còn để biểu trưng cho lòng thủy chung gắn kết, đấy
chính là tình yêu vĩnh cửu giữa hai ông bà già mà Trịnh Công Sơn đã lấy làm cảm
hứng cho ca khúc này.
Ánh sáng trắng khi bị tán xạ qua lăng kính sẽ cho ra bảy màu:
đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Trịnh đã lấy cuộc đời làm phòng thí nghiệm,
mượn đôi mắt – cửa sổ tâm hồn – làm lăng kính để chiết ra những sắc màu lung
linh. Đó là màu màu hồng trong bài Như cánh vạc bay: “Nắng có hồng bằng
đôi môi em”. Màu vàng từ thiện: “Nắng vàng ủng hộ cho Bống căn nhà” (Bống
không là Bống). Màu lục trong sắc xanh thực vật được nắng khơi dậy: “Cỏ
cây chợt lên màu nắng” (Nắng thủy tinh). Màu tím vội vàng: “Có khi nắng
khuya chưa lên, mà một loài hoa chợt tím” (Chiều một mình qua phố)…
Sự anh minh trí tuệ kết hợp với độ nhạy bén tâm hồn đã giúp
Trịnh Công Sơn không chỉ nhìn mà còn nghe được cả ánh sáng. Xưa nay ánh sáng chỉ
tác động vào mắt chứ làm sao tác động vào tai mà nghe được? Thế mà Trịnh bảo nắng
có âm thanh khiến ta nghe được cơ đấy! Này nhé: “Em nghe sầu lên trong nắng” (Nhìn
những mùa thu đi). Âm thanh của nắng là siêu thanh, đến nỗi vật vô tri cũng thấu
được: “có con đường nằm nghe nắng mưa”; rồi thì nắng chui được vào âm
thanh: “có chút nắng trong tiếng gà trưa” (Em còn nhớ hay em đã
quên).
Phải chăng vì nắng mang những hiệu ứng âm thanh, cả phát lẫn
thu, nên Trịnh mới cất lời “gọi nắng”? Thật ra, Trịnh Công Sơn đã đặt điểm nhìn
trên hai trục chiếu: quang học vật lý và triết thuyết Phật giáo. Trong quan điểm
của nhà Phật thì ánh sáng và âm thanh là một, “quang hữu âm, âm hữu quang, vi
diệu pháp”.
Trịnh Công Sơn – phù thủy ngôn ngữ – đã làm phép cho nắng bật
lên bảy sắc, bảy sắc ấy quay trở lại dâng tặng cho anh bảy nốt nhạc. Và thế là
Trịnh đã có những bản nhạc quy rọi hiệu ứng ánh sáng với đầy đủ sắc lẫn âm.
4. Tính tương đối về hệ không gian
Trong không gian, chuyển động của vật được quan sát thông qua
một hệ quy chiếu. Nguyên tắc vật lý ấy được ví von dễ hiểu như sau: chẳng hạn
khi ta đi tàu, nhìn qua cửa sổ, ta sẽ có cảm giác tàu đứng yên còn cảnh vật
xung quanh thì đang chuyển động. Hay khi đứng bên bờ sông trong một đêm rằm, ta
nhìn thấy dòng sông chảy trôi, bóng trăng đứng yên trong nước.
Nhưng nếu ta ngồi trên đò xuôi dòng thì sẽ thấy con sông đứng
yên, còn trăng thì đang chạy. Trịnh Công Sơn đã vận dụng nguyên tắc tương đối
này vào câu hát: “con sông là quán trọ, và trăng – tên lãng du” (Biết đâu
nguồn cội). Mới nghe qua câu hát, cứ ngỡ Trịnh… viết sai!
Ơ hay, dòng sông thì phải trôi chứ sao lại chồn chân một chỗ
như quán trọ? Con trăng cũng cố định chứ sao lại chạy lung tung được? Trịnh
quên điều ấy chăng? Không, Trịnh Công Sơn là nhà bác học không đãng trí (dù anh
có bài hát Tình ca người mất trí), cái ngây ngô ấy thực chất là nét hồn
nhiên của sự thông minh vừa chín tới. Nếu có một lần “em đi qua chuyến đò” thì
em sẽ hiểu được câu hát của Trịnh hoàn toàn có cơ sở vật lý.
Hạnh phúc có thể coi như một loại vật chất đặc biệt, và cũng
mang tính chất tương đối của trạng thái gắn liền với không gian. Hạnh phúc vốn ở
trong tay ta chứ có đâu xa mà luẩn quẩn đi tìm. Ai cũng biết thế nhưng không mấy
ai chịu ngồi yên cầm nắm hạnh phúc đâu.
Tất cả mọi vật đều được Tạo hóa nặn ra, riêng con người thì tự
làm ra mình bằng cách tiến hóa từ vượn, vậy nên con người luôn có ý thức đi tìm
một điều gì đó để hoàn thiện hơn chứ không dễ dàng chấp nhận. Hạnh phúc cũng thế,
con người không chơi bài “ăn xổi” với nó, thế mới có chuyện vợ chồng mà không
cãi nhau thì không hạnh phúc (!)
Con người lại hay chọn cái dễ làm trước, hạnh phúc dễ tìm thấy
nhất là trong tình yêu, tức hạnh phúc lứa đôi – gọi là tình. Cái tình hạnh phúc
ấy nó cũng tồn tại tương đối, nghĩa là khó xác định nó ở đâu: “Tình không
xa nhưng không thật gần” (Như một lời chia tay). Một câu nhạc tưởng chừng
như… vô duyên, mông lung lại rất hữu cớ, hiện thực.
Thông qua đó, Trịnh Công Sơn khuyên người ta đừng có chạy đuổi
theo cái tình xa tình gần chi nữa, đừng có “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”,
hãy biết nắm bắt cái đang diễn ra ở ngay đây, như anh từng nói: Hãy sống hết
mình trong mỗi sát na hiện tại!
5. Mức vững vàng
Vật lý phát biểu rằng: Mức vững vàng của một vật phụ thuộc
vào vị trí trọng tâm (độ cao) và diện tích mặt chân đế. Muốn tăng mức vững vàng
của vật thì hãy hạ thấp trọng tâm xuống. Nguyên tắc này được áp dụng cho thế Trung
bình tấn trong võ thuật, tức là nếu ta rùn chân xuống thấp thì mức vững
vàng cao hơn khi đứng thẳng người.
Trọng tâm, hiểu theo nghĩa thoáng, nó chính là cái “tôi” của
mỗi người. Trịnh Công Sơn đã thông qua nguyên tắc vật lý ấy để chiêm nghiệm lẽ
đời về cái tôi: “Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp” (Con mắt còn lại).
Trịnh biết rằng khi mình được người đời xưng tụng quá, nâng
lên cao quá thì cũng chưa phải hay, bởi cái sự thăng vị ấy nó mong manh lắm!
Càng lên cao mức vững vàng càng giảm. Anh lại nhận ra cuộc đời cứ nghiêng như
núi đang chờ đón bước chân ta, “đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ” (Biển
nhớ). Nên chi anh tự nhủ hãy cẩn thận trong mỗi bước lần chân: “Đường lên
cao bước chân nhè nhẹ” (Có nghe đời nghiêng).
Dường như Trịnh Công Sơn đã lường trước được sự nổi tiếng của
mình, và anh chấp nhận vầng hào quang mà đời khoác lên vai, anh nhận thứ ánh
sáng ấy để sống tỉnh thức chứ không phải để kiêu hãnh. Trịnh Công Sơn đã đi qua
cuộc đời với sự cẩn trọng, nhờ biết hạ thấp cái tôi nên anh có một vị thế vững
vàng giữa muôn vàn tấm lòng người yêu mến.
Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận xét: “Trịnh Công Sơn là người
chăm chú cúi xuống hiện hữu”. Đúng thế, Trịnh đã quan sát sự vật, ngắm nhìn cuộc
sống như một nhà vật lý đầy mỹ cảm. Hay nói cách khác, Trịnh Công Sơn là nhạc
sĩ có thiên căn khoa học.
25/11/2019
Nguồn: HOANGPHAP.INFO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét