Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Hậu chiến không riêng ai 2

  Hậu chiến không riêng ai 2

Chương IV
1. Dãy nhà tập thể giáo viên gồm năm phòng có hành lang và hai phòng lồi ở hai đầu. Năm phòng giữa ấy, mỗi phòng lại được ngăn ra bằng thưng gỗ, thành một phòng phía trước vừa đủ cho hai người ở và một phòng đơn, cửa mở ra phía sau. Phòng lồi phía tay phải được ngăn đôi, dành cho anh Ích, thư kí công đoàn, và anh Sắc, hiệu phó. Phòng lồi phía tay trái lại ngăn thành bốn, dành cho bốn giáo viên nữ.
Trong dãy nhà ấy, có một đặc điểm duy nhất là chỉ có hai khung cửa lớn của hai căn phòng kề nhau, lại vuông góc với nhau. Đó là phòng Huyên ở chung với một đồng nghiệp nam, tên Tinh, dạy sử và phòng lồi của hai cô giáo. Vì đặc điểm ấy, nên đã nhiều lần Huyên hoặc Tinh, Nguyện Hứa hoặc Hậu, suýt đụng đầu, vì tình cờ cùng mở cửa, bước ra cùng lúc.
Chính nhờ những lần suýt đụng đầu ấy, nên Huyên mới thấy được nụ cười hơi hé mở của Nguyện Hứa, một cô giáo cùng nhóm ngữ văn Việt, từ vài năm trước được đặt thêm biệt danh là “Tủ lạnh”. Thật ra, Nguyện Hứa bị oan bởi chữ “tủ”, vì cô không thô và thấp như những chiếc tủ lạnh thông thường, nhưng “lạnh” thì hẳn không sai. Nguyện Hứa ít nói, khi nói lại nhỏ nhẹ, lại ít cười, lúc cười, chỉ nhếch môi, và dáng dấp, cử chỉ rất nghiêm trang.
Một hôm, cũng tình cờ hai cửa phòng được mở cùng một lần, nhưng hai người chưa vấp vào nhau, nên Huyên nói đùa với Nguyện Hứa:
- May là chưa có “cuộc đụng đầu, chạm trán lịch sử” nào xảy ra!
Cô giáo trẻ khẽ cười, vì cách chơi chữ cường điệu của Huyên, và cũng im lặng, khẽ gật đầu chào, rồi bước xuống thềm.
Huyên chỉ biết đứng trước cửa phòng mình, nhìn theo một dáng người nữ trạc cùng tuổi, tóc buông dài trên lưng áo len màu đen, hai tà áo dài trắng hơi phơ phất theo bước đi chậm rãi, từ tốn.
2. Một ngẫu nhiên khác, hai lớp mười một B và A, năm ấy chưa xoá phân ban, Huyên và Nguyện Hứa đảm trách dạy môn ngữ văn Việt, lại kề nhau. Có thêm một nguyên nhân khác nữa. Nguyện Hứa còn là giáo viên chủ nhiệm của lớp mười một A, phải có mặt tại lớp mình phụ trách trong mười phút ổn định đầu mỗi buổi học – goi chung là mười phút ổn định lớp, nhưng thực ra là bao gồm việc điểm danh cùng nhiều thứ việc khác giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong lớp. Vì vậy, nên hình như mỗi lần Huyên có tiết nhất dạy tại lớp mười một B, đều thấy bóng dáng của cô giáo Nguyện Hứa ở lớp mười một A chung vách.
Một buổi sáng, ở tiết đầu, khi Huyên bước lên thềm, sắp vào lớp mười một B, rất bất ngờ, thấy Nguyện Hứa đi tới, đứng lại ở cửa, khẽ chào và nói:
- Tôi dự tiết “Sở kiến hành” của anh nhé!
Huyên mỉm cười:
- Vâng, xin mời cô.
Huyên nhường bước cho cô giáo Nguyện Hứa vào trước. Học sinh đứng dậy chào. Chỗ ngồi của giáo viên dự giờ luôn luôn là ở cuối lớp. Một học sinh đã nhường chỗ cho cô giáo. Huyên giới thiệu cô giáo với học sinh, mặc dù cô trò không xa lạ gì nhau, để cả lớp vỗ tay đón mừng như một thủ tục.
Đó là một tiết dạy rất tâm đắc của Huyên, vì bài thơ chữ Hán ấy của Nguyễn Du (với bản dịch ra tiếng Việt), khắc hoạ cảnh cùng khổ của bốn mẹ con trên đường đi, đối lập với cảnh giàu sang, thừa mứa của những kẻ quyền thế xa hoa, làm bật lên tứ thơ phê phán, tố cáo mạnh mẽ, và thắt lại ở hai câu kết khá táo bạo, thể hiện khát vọng dân chủ dưới chế độ phong kiến:
“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ”
Học sinh cũng tham dự vào việc phân tích, cảm thụ thơ, bằng những phát biểu khá sinh động.
Chuông reo, báo hết tiết. Huyên cảm ơn cô giáo cùng trong nhóm chuyên môn với anh đã dự giờ. Học sinh đứng dậy tiễn chân. Huyên cũng rời bục giảng, bước theo cô giáo Nguyện Hứa.
- Cảm ơn anh. Xúc động lắm. – Nguyện Hứa mỉm cười, ngoảnh lại, nói với Huyên –.
Lần đầu tiên, Huyên thấy đôi mắt Nguyện Hứa rưng rưng.
- Vâng, cảm ơn cô Nguyện Hứa. Tôi có tiết dạy tiếp. Cô có bận dạy lớp nào nữa không? Hẹn chiều nay, để nghe cô góp ý cho tiết dạy vừa rồi. – Huyên nói, và bước đi, đến lớp học khác đang chờ anh –.
- Không... – Nguyện Hứa không nói đủ câu vì thấy Huyên đã bước đi cho kịp tiết dạy –.
Huyên quay lại, thấy Nguyện Hứa bước ngang qua phía trước hội trường và rẽ vào lối phía sau dãy phòng học cũ, nơi học sinh để xe đạp. Cô từ tốn đi về nhà tập thể giáo viên.
Sau đó vài ngày, Huyên đã thực hiện tiết thao giảng trước cả tổ xã hội, bài “Chạy Tây”, thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Tất nhiên thư kí hội đồng cũng là chuyên viên về thời khoá biểu của trường đã sắp xếp việc đổi tiết để toàn tổ đều dự được, nên cô giáo Nguyện Hứa cũng có mặt. Nguyện Hứa tỏ ra rất đồng cảm với thầy giáo Huyên. Và có một tiết khác, gần với tiết ấy, Nguyện Hứa lại cùng cả nhóm ngữ văn dự giờ Huyên dạy, bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, cũng của Nguyễn Đình Chiểu.
Đó là những bài giảng văn theo đúng bảng phân phối chương trình, cô giáo Nguyện Hứa và những giáo viên ngữ văn khác đều dạy.
Huyên là một người vốn rất tự tin về chuyên môn, nên qua những tiết thao giảng, tiết thường có đồng nghiệp dự giờ ấy, anh lại càng tự tin vào năng lực của mình. Và dần dần, anh trở nên thân quen với Nguyện Hứa hơn.
3. Tết Dương lịch đã trôi qua.
Ngàn cùng Huyên tha thẩn dạo quanh sân trường sau bữa cơm chiều, vừa thong thả bước vừa chuyện trò bâng quơ. Bỗng nhiên, giọng của Ngàn buồn hẳn:
- Anh Huyên này, không hiểu sao cô Nguyện Hứa lại xin nghỉ dạy luôn, anh à! 
Huyên giật mình, nhưng cố tự trấn tĩnh:
- Ngàn nói như thật! Cô ấy nghỉ Tết Dương lịch, về với gia đình ba má ở Đà Lạt, chắc bị cảm bệnh gì đó, nên chưa kịp về lại Đạ Nông này, vậy thôi, chứ đâu phải xin thôi dạy luôn!
- Thật đó! Anh không tin à? – Ngàn lại bông đùa –. Có điều, không biết có phải do thầy giáo Huyên tệ tình với cô ấy thế nào đó, khiến cô ấy nghỉ dạy luôn hay không? – Và Ngàn lại cười tếu –.
Huyên cũng phải cười theo:
- Mình với cô Nguyện Hứa có tình ý gì mà phải "tệ tình" với nhau?
- Chẳng hạn như anh không chịu hiểu cô ấy, một khi cô ấy đã “bắn tín hiệu” cho anh!
- Chỉ vậy mà cô Nguyện Hứa nghỉ dạy à? Giáo viên chúng mình đâu còn là trẻ con!
Ngàn không nói gì nữa, nên Huyên cũng im lặng. Dạo bước thêm một vòng sân trường, rồi cả hai bước vào lối đi dẫn lui phía nhà ở tập thể.
Chiều hôm ở cao nguyên se lạnh.
Trước khi về phòng mình, Huyên nói với Ngàn:
- Để Ngàn xem, ngày mai hay chậm nhất là ngày mốt, cô ấy sẽ về dạy lại.
Ngàn cũng không nói gì, cúi đầu ngẫm nghĩ bước vòng lui phía sau, nơi những phòng đơn có cửa riêng của mỗi phòng.
Mãi đến tuần sau đó, Huyên mới tin cô giáo Nguyện Hứa đã nghỉ dạy học thật rồi, khi anh Đặng Đắc San, hiệu trưởng, gọi Huyên vào phòng giám hiệu, thông báo là Huyên phải “gánh” thêm hai lớp ở hai khối mười và mười một, cô Nguyện Hứa bỏ lại. Huyên cảm thấy băn khoăn, mặc dù tự đoán chắc cô giáo Nguyện Hứa chỉ xin thôi dạy vì lí do riêng hay việc gia đình ba má gì đó mà thôi.
4. Phía trước Trường Phổ thông trung học Đạ Nông là quốc lộ 20. Bên kia quốc lộ, một cách ngẫu nhiên, hai quán cà phê đối diện và đối xứng với trường. Một quán, cà phê chỉ là loại nấu và lọc sẵn, dùng nhanh, nên được gọi thành tên là quán “Bít tất”. Quán này còn có thêm thức ăn điểm tâm buổi sáng và mì bún gì đó suốt cả ngày. Một quán khác, mới khai trương vài tuần, số nhà là tên quán: 99.
Quán 99 mới đích thực là quán cà phê. Đó là một ngôi nhà sàn, nhưng sàn cách mặt đất cũng chỉ chừng dưới một mét, được làm hoàn toàn bằng gỗ, trừ mái lợp bằng tôn. Ngôi nhà ấy đứng giữa một khu vườn khá rộng, với nhiều loại hoa cỏ, cây trái làm kiểng. Bên trong là những bộ sa lông cũng bằng gỗ, được đánh vẹc ni vàng óng như lớp gỗ trần và gỗ ốp vách nội thất. Quầy cũng bằng gỗ vàng óng như vậy. Trên quầy luôn có một lọ hoa tươi. Sau quầy là cô con gái chủ nhà ăn vận lịch sự. Tiếp viên bưng nước đến cho các bàn cũng là con gái của chủ nhà, ăn vận cũng lịch sự không kém. Bên ngoài nhà sàn là những khúc cây được cưa ngang, lớn làm bàn, nhỏ làm ghế. Có khoảng dăm bộ bàn ghế như vậy đặt hẳn dưới bóng cây, giữa mưa nắng, cùng với một chiếc xích đu.
Quán 99 là nơi có cà phê phin tuyệt ngon cùng những thức uống nhâm nhi khác, như chanh rum chẳng hạn. Đặc biệt, có dàn máy và loa với nhiều cuộn băng nhạc hoà tấu, không lời cùng dăm cuộn có giọng hát ca sĩ được chọn lọc, khá hay. Âm nhạc thường ở độ vừa đủ nghe.
Đây là nơi thật sự yên tĩnh để nghe nhạc, suy tư. Khách đến không phải là những ai thích đám đông, sôi nổi, ồn ào.
Huyên với giáo viên đồng nghiệp thường vào quán 99 này.
Chiều nay, ngồi ở quán, không những Ngàn, còn có ba thầy giáo trẻ cùng tuổi khác: Nho, dạy sinh vật, vốn học cùng trường với Huyên không những ở bậc trung học tại Quảng Nam mà cả ở bậc đại học tại Huế. Chu, cũng chung trường thuở sinh viên, nhưng Chu học vật lí, và nay Huyên đã chuyển sang ở chung phòng với Chu. Thuỷ, học cùng lớp, cùng khoa với Huyên, năm học 1980-1981 này lại cùng nhóm ngữ văn Việt tại Trường Phổ thông trung học Đạ Nông.
Không khí từ những phút mới vào quán đã đượm buồn, nên không ai nói gì nhiều, chỉ ngồi nghe nhạc, nhấp môi cà phê và nhả khói thuốc lá.
Thật ra, từ khi được Ban giám hiệu thông báo chính thức về việc cô giáo Nguyện Hứa đã làm đơn xin thôi dạy học, với lí do trên văn bản là để ở nhà lo việc nhà giúp ba má và các em, trong hội đồng giáo viên ai cũng buồn. Lớp mười một A do chính Nguyện Hứa làm chủ nhiệm, học sinh ngơ ngác rồi buồn tiếc, khiến lớp ấy vốn trầm lại càng trầm hơn.
Bỗng dưng Ngàn lại khơi chuyện về cô giáo Nguyện Hứa, với giọng bông đùa cho không khí đỡ nặng nề:
- Anh Huyên, anh là trưởng nhóm ngữ văn Việt, sao anh không cất công lên Đà Lạt một chuyến để động viên tinh thần cô Nguyện Hứa?
- Ngàn đùa đó hả? – Huyên cười –. Đó là công việc của công đoàn trường, chứ đâu phải của nhóm chuyên môn.
- Tôi lại nghĩ cô ấy vì không phù hợp với môn ngữ văn Việt hiện nay, – Ngàn nói –, mặc dù cô ấy giảng dạy cũng đã hai năm rồi, và cả học kì này nữa...
Nho cũng cười:
- Ngàn làm gì mà rành rẽ về người khác lắm vậy? Đừng đoán mò nghe!
Ngàn thẳng lưng lên, vẻ mặt thật sự nghiêm túc:
- Các anh không biết đó thôi! Tôi là dân gốc Đà Lạt mà! Ở Đà Lạt, cũng như Ban Mê Thuột của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn vậy, đó là “một nơi ai cũng quen nhau”. – Rồi Ngàn nói chậm từng tiếng –. Cô Nguyện Hứa chuẩn bị đi tu, các anh có tin không?
Huyên giật mình, hỏi nhanh:
- Đi tu? Phật giáo hay Thiên Chúa giáo?
- Trời! – Ngàn nhếch môi, ngạc nhiên –. Chúng ta sẽ gọi cô ấy là “Ma soeur”!
- Mình cũng cảm thấy dáng vẻ cô Nguyện Hứa toát ra hơi hướm nữ tu thật –. Chu nói, trong khi Thuỷ gật gù –.
Huyên lặng người, ngồi im lặng nhớ lại những hình ảnh về Nguyện Hứa mà anh ghi nhận được vào kí ức mình. Và Huyên lại một lần nữa giật mình khi nhớ tiết dạy có Nguyện Hứa dự giờ cùng với các giáo viên khác trong nhóm ngữ văn Việt: bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu. Cố nhớ kĩ hơn, Huyên cũng không thấy ở Nguyện Hứa có nét biểu lộ gì có thể gọi là bất bình chẳng hạn, khi anh đang giảng bài văn ấy cả.
“... Tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa;
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ...
... Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó...
... Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ...
... Sống làm chi theo quân tả đạo, quẳng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu ngọt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ...”
Những dòng văn tế được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết bằng tất cả rung cảm thành khẩn, thương đau và phẫn nộ (phẫn nộ đến mức gọi Thiên chúa giáo là “tả đạo”, giáo dân là “cừu tanh”, Tây Pháp là “mọi rợ”...), từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XIX, lại vang vọng về trong lòng Huyên.
- Mình thấy Ngàn nói có lí đó. Có lẽ môn ngữ văn Việt cũng như môn sử không phù hợp với cô Nguyện Hứa... – Chu lại nói –. Nhưng mình nghĩ cô ấy không nên xin nghỉ, mà nên xin chuyển sang phụ trách thư viện trường chẳng hạn.
- Chẳng lẽ cô Nguyện Hứa lại không nghĩ ra điều đó! – Nho nói –.
Huyên cũng muốn im lặng để nghe các bạn đồng nghiệp bàn luận, nhưng thấy không thể không nhắc lại câu nói mà có lần khi đi dọc hành lang đến lớp có tiết dạy, Nguyện Hứa đã nói với Huyên: “Lịch sử là lịch sử. Nếu văn chương phản ánh chân thực sự thật lịch sử một cách toàn diện và công bằng (không xuyên tạc, bóp méo, thiên lệch), được đưa vào sách giáo khoa, thì hậu thế chúng ta phải chấp nhận thôi. Nếu không, giáo viên chúng ta lại mắc lỗi đối với lịch sử, bằng sự đồng loã cắt xén, bưng bít văn-chương-sử-kí nữa!”. Điều đó đúng, nhưng lúc ấy Huyên chỉ cảm nhận được một phần, vì Huyên không ngờ Nguyện Hứa là giáo dân, và hơn thế nữa, là giáo dân vẫn còn đức tin Thiên Chúa giáo đến mức quyết chí vào tu viện... Ờ mà thôi, tuỳ mỗi người... Huyên thầm nghĩ. Vả lại, Nguyễn Đình Chiểu đã tố cáo bọn thực dân mượn chiêu bài tôn giáo để cướp nước, và phá hoại, tiêu diệt văn hoá dân tộc để nô dịch, theo cách hô lên “chém rắn” nhưng thực chất là “đuổi hươu”, như treo thịt dê rao hàng nhưng thực chất là để bán thịt chó, chứ Nguyễn Đình Chiểu cũng chưa phê phán vào bản chất của các tín điều Thiên Chúa giáo... Huyên thầm hiểu, chính vì thế, Nguyện Hứa vẫn giữ trọn vẹn đức tin Thiên Chúa giáo ở trong tâm trí mình, mặc dù cô thừa hiểu Thiên Chúa giáo đã bị thực dân Pháp và Tây Ban Nha lợi dụng như thế nào, Tổ quốc Việt Nam và đồng bào đã đau khổ dưới ách thống trị của chúng như thế nào, và máu xương người Việt đã đổ ra đến mức nào cho độc lập, tự do... Đó là chưa nói Thiên Chúa giáo chiếm đoạt chính quyền ở Miền Nam sau 1954 ra sao...
- Cô Nguyện Hứa vẫn tách bạch sử kí, văn chương phản ánh chân thực lịch sử ra khỏi đức tin Thiên Chúa giáo. – Huyên nhấn mạnh từ chân thực –. Đức tin là đức tin, sự thật lịch sử là sự thật lịch sử. Đức tin thuộc về tín đồ với Thiên Chúa, còn lịch sử, kể cả lịch sử Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã lại thuộc về con người, loài người. Mình đoán là cô Nguyện Hứa nghĩ rằng, mặc dù sự thật là Toà Thánh Vatican có giai đoạn chủ trương cho phép các đế quốc xua quân đi xâm lược, tiền thân Giáo hội Việt Nam là con đẻ của thực dân lợi dụng tôn giáo, ngay từ thế kỉ XV, XVI (sự xâm lược, lợi dụng đó được hỗ trợ bởi thánh chỉ của giáo hoàng thuở bấy giờ, hiện còn lưu trữ ở Vatican), và Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã nói chung có thể sai lầm, bậy bạ nhiều thứ khác, nhưng đức tin của tín đồ đối với Thiên Chúa thì bao giờ cũng thiêng liêng và không thể sai lầm, kể cả khi Nietzsche tuyên bố “Thượng đế đã chết”! – Huyên nói –. Chỉ khi nào chứng minh được Thiên Chúa hay Thượng Đế là ảo tưởng của tín đồ, của loài người, thì đức tin Thiên Chúa giáo mới chấm dứt sự tồn tại. – Huyên mỉm cười –. Nhưng thôi, đó là chuyện khác. Chuyện của cô Nguyện Hứa là cô ấy vẫn yêu thích môn ngữ văn Việt hiện nay, đồng thời vẫn muốn đi tu để thành “ma soeur”! Hai điều đó không loại trừ nhau.
- Rắc rối! Rắc rối! – Ngàn lại nói, và cười thành tiếng –. Anh Huyên muốn làm tốt công tác tư tưởng của nhóm trưởng chuyên môn thì thứ bảy sắp đến, đi với tôi lên Đà Lạt. Tối đó và sáng chủ nhật cho anh tha hồ làm công tác tư tưởng với cô Nguyện Hứa, rồi chiều chủ nhật ra xe về lại Đạ Nông! – Vẫn với giọng nghiêm trọng một cách bông đùa, Ngàn nói –.
Cả nhóm bạn giáo viên đều cười vui, xua tan không khí trầm lắng, buồn bã vừa rồi. Huyên không từ chối, cũng không quả quyết là sẽ đi Đà Lạt.
Nắng trong khu vườn cao nguyên lành lạnh đã nhạt dần. Khoảng thời gian chiều hôm đang đến. Dẫu bữa cơm chiều ở nhà ăn tập thể, chủ yếu là bắp xay vụn được nấu thay cơm, cùng với vài miếng cá khô kho mặn và tô canh lỏng bỏng rau trong nước muối mêm chút bột ngọt, đang chờ họ, cả nhóm bạn vẫn cảm thấy cuộc sống không  đáng buồn lắm.
5. Khoảng một giờ trưa, Huyên và Ngàn đã có mặt tại bến xe huyện Đạ Nông. Ngàn luôn luôn là người lanh lợi, và chừng như anh mặc nhiên tự xem mình là đứa em út của tập thể giáo viên, vì anh vốn trẻ tuổi nhất – thậm chí, so với học sinh lớp mười hai, thầy giáo Ngàn chỉ nhỉnh hơn khoảng bốn tuổi. Ngàn cũng sống rất hồn nhiên, chan hoà, có lẽ thường nghĩ mình là vận động viên hơn là nhà giáo, nên anh không như những giáo viên khác thường bị hai chữ mô phạm hay “bộ lễ” ràng buộc một cách vô thức. Nhờ vậy, nên hai thầy giáo trẻ đã có hai chiếc vé xe trên tay.
Chiếc xe cũng không hẳn là loại xe gì, vì hình như thùng xe đã được tu tạo, chế hóa lại từ xe du lịch, được sơn màu lam đậm, khoảng bảy chỗ ngồi, khá nhồi nhét.
Khung cảnh đèo Prenn rực rỡ nắng. Huyên những muốn mở cửa kính để có thể hưởng được ánh nắng vàng tươi nhưng se lạnh ấy.
Đến Đà Lạt, Ngàn càng trở nên vui vẻ hơn hẳn, trong tâm trạng của một người Đà Lạt gốc trở về thành phố quê nhà.
Huyên đi bên Ngàn để về nhà Ngàn, trước khi tìm đến nhà cô giáo đồng nghiệp Nguyện Hứa.
- Mình đi thăm cô Nguyện Hứa chỉ với tư cách cá nhân, bạn dạy cùng trường, chứ không phải vì là trưởng nhóm chuyên môn ngữ văn Việt đâu, nghe Ngàn! – Huyên phân trần lần thứ hai –.
- Anh cứ băn khoăn về những chi tiết ấy làm chi!
- Làm việc gì mà không đúng chức năng, thấy kì lắm! Hơn nữa, hôm trước, Ngàn có bảo đùa là mình có làm điều chi tệ tình khiến cô ấy mích lòng, nên mình cứ áy náy mãi, dù biết là Ngàn chỉ nói đùa.
- Tính tôi hay đùa cho vui mà! – Ngàn cười vang –.
Tối hôm đó, sau bữa cơm đúng nghĩa của của từ cơm, hai anh em đến nhà cô giáo Nguyện Hứa như dự định.
Đêm Đà Lạt thật đẹp, nhất là dịp đầu năm dương lịch, cũng là tháng chạp ta, sắp Tết Nguyên đán. Bước trên những con đường lát đá, dốc lên, dốc xuống, nhưng nhờ trời khá lạnh, nên Huyên không cảm thấy mệt mỏi chút nào. Vừa đi, Huyên vừa nghĩ, không biết anh sẽ nói chuyện với Nguyện Hứa thế nào đây cho thật tế nhị.
Chừng như Ngàn đoán được ý nghĩ của Huyên, nên Ngàn hỏi:
- Anh chuyện trò với chị Nguyện Hứa thế nào đó, để chị ấy qua Sở Giáo dục rút đơn xin nghỉ dạy, lại tiếp tục dạy học ở trường mình cho vui nghe!
- Mình chỉ nói như hôm mấy anh em giáo viên chúng mình ngồi ở quán 99: Tín đồ có thể công khai phê phán giáo hội La Mã, giáo hội Việt Nam về phương diện lịch sử xâm lược, bị thực dân lợi dụng, nhưng vẫn giữ trọn đức tin về Thiên Chúa. Chân lí Thiên Chúa giáo, tạm gọi như vậy, luôn luôn đúng, mặc dù giáo hội Thiên Chúa giáo hay tổ chức quyền lực Thiên Chúa giáo nào đó thực hiện chân lí ấy có thể sai lầm, tàn ác... Sự thể đó cũng như các triều đình Nho giáo Trung Hoa bao lần xâm lược nước ta, nhưng đối với các nho sĩ người Việt mình, cụ Khổng Tử vẫn là hiện thân của chân lí. Tạm đánh đồng như thế. Vậy thì, cô giáo Nguyện Hứa vẫn sáng suốt, đầy xúc cảm khi phân tích, bình giảng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, tác phẩm đỉnh cao, cao nhất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, cũng như giáo viên nào đó có gốc Nho giáo dạy “Bình Ngô đại cáo” vậy mà! – Huyên nói tiếp –. Tất nhiên là với nội dung đó, nhưng chuyện trò một cách nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị... Tuy vậy, Ngàn à, chính bản thân cô Nguyện Hứa đã thừa thấu hiểu điều đó, không cần chi mình phải nói cả. Thăm cô ấy, với tình cảm đồng nghiệp là chính!
- “Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời! Làm một bản tình ca của đôi lứa ta, dâng hết bao người” – Ngàn vừa cười vừa hát một bản nhạc, có thể là tôn giáo vận, của nhạc sĩ cách mạng Hoàng Việt –.
Huyên cũng mỉm cười. Anh vừa bước song song với Ngàn, vừa nghe Ngàn khẽ hát trọn vẹn bài hát đó. Ban đầu hơi bông đùa, nhưng càng hát, giọng Ngàn càng trở nên xúc động thật sự.
Rồi cũng tìm đến tận ngõ nhà của cô giáo đồng nghiệp Nguyện Hứa.
- Anh đứng đây, tôi vào nhà hỏi chị Nguyện Hứa trước.
Lát sau, có bóng Nguyện Hứa thoáng xuất hiện rồi biến mất sau mấy hàng cây kiểng. Cơ chừng Nguyện Hứa ra núp xem thử có phải là Huyên từ Đạ Nông lên tìm thăm cô như lời Ngàn vừa nói với cô hay không. Thế là Nguyện Hứa biết đích xác là Huyên, dưới ánh đèn đường hiu hắt, đang đứng trước ngõ nhà thật rồi. Nhưng Huyên chờ đến mươi phút sau, vẫn chưa thấy Nguyện Hứa và Ngàn ra mời anh vào nhà. Huyên cảm thấy có gì đó không ổn.
Quả thật, không ổn rồi, vì Ngàn đi ra một mình, dáng vẻ buồn bã, và nói, khi đã đứng trước mặt Huyên:
- Chị Nguyện Hứa không muốn tiếp ai ở dưới trường mình lên thăm hết!
Và Ngàn kéo tay Huyên để cùng bước về.
Huyên cảm thấy hơi phũ phàng, nhưng vẫn cảm thông được tâm trạng của Nguyện Hứa. Tuy thế, anh vẫn hỏi Ngàn:
- Sao vậy? Chắc cô ấy không muốn bị tình cảm đồng nghiệp làm mềm lòng, khiến cô không thể dứt khoát ý định đi tu?
- Cô ấy rất sợ gặp lại đồng nghiệp ở Đạ Nông, vì vậy đó. Tôi nói mãi, thuyết phục mãi, thậm chí cả năn nỉ nữa, nhưng cô ấy vẫn không muốn gặp lại anh. Mấy hôm trước, cũng có vài giáo viên nữ ở Đạ Nông, gia đình ở Đà Lạt này, tìm thăm cô Nguyện Hứa, cô ấy cũng không tiếp. – Ngàn nói thật khẽ với giọng buồn buồn, và dùng đại từ cô như Huyên –.
- Tại sao cô ấy lại tiếp Ngàn?
- Tại vì tôi đột ngột vào nhà, cô ấy không kịp chạy trốn. – Ngàn như nghẹn lại –. Thật ra, tôi đã chặn bước cô ấy, không để cô ấy trốn, để an ủi, hỏi han cho rõ lẽ. Và sự thể là vậy đó, anh Huyên à!
Huyên và Ngàn bước ra phố, theo dự định, nhưng không có cô giáo Nguyện Hứa cùng đi như họ tưởng. Phố trung tâm Đà Lạt về đêm, ánh đèn điện thưa thớt, như một mảng sao trôi giữa bầu trời đen.
Đêm hôm đó, trong lòng Huyên, vừa có chút gì nhẹ nhõm vì anh không đến nỗi tệ tình với đồng nghiệp Nguyện Hứa, vừa có chút gì trĩu nặng, không thể không gọi là buồn tiếc, vì mãi mãi Nguyện Hứa không bao giờ còn trở lại với bục giảng ở Đạ Nông. Anh biết sáng chủ nhật ngày mai sẽ là một buổi sáng rỗng, bởi anh không thể gặp Nguyện Hứa, và cũng vì buồn bã, anh không thể đến thăm gia đình các đồng nghiệp Đạ Nông, hiện họ có mặt ở gia đình ba má hay gia đình riêng của họ tại thành phố này.
6. Hơn ba tháng sau...
Sau lần gặp gỡ và góp ý cho Hồng Vàng, cô học trò lớp mười hai tại Đà Lạt, Huyên lại nhớ về kỉ niệm “sự cố” ấy. Anh nhớ lại là nhớ vậy thôi, chứ tự thấy không cần thiết phải góp ý cho Hồng Vàng làm gì cho thêm rối trí cô học trò đang mùa ôn thi, luyện thi. Huyên thầm bảo: “Hồng Vàng thân mến, hãy cố gắng vượt qua tuổi phổ thông trung học để bước vào tuổi đại học một cách vinh dự!”...
Chương V
1. Năm học 1980-1981 đã kết thúc. Kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học đang bắt đầu. Huyên cùng một số đồng nghiệp khác có tên trong danh sách giám khảo, nên đã có mặt tại Đà Lạt ngay sau khi học sinh đã thi xong tại bảy trung tâm thi, bốn ở bốn huyện (Đạ Huoai chưa có lớp mười hai) và ba ở thành phố tỉnh lị của Lâm Đồng.
Đáp án đã được đánh máy thành nhiều bản, mỗi giám khảo đã nhận một bản. Trưởng phòng phổ thông, anh Nguyễn Công, kiêm cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn, hướng dẫn tổ giám khảo thảo luận để nắm chắc thang điểm. Được phân công làm tổ trưởng giảm khảo bộ môn ngữ văn, Huyên cũng phải chấm bài của thí sinh như mọi giám khảo khác, chỉ cộng thêm một công việc là kí nhận bài thi đã được rọc phách và giao nộp sau mỗi buổi chấm. Dĩ nhiên là phải chấm chéo, giám khảo vốn là giáo viên trường này phải chấm xấp bài của thí sinh trường kia. Tên trường cũng đã được mã hoá để tránh trường hợp giao trùng, chấm trùng.
Sau ba ngày, đã hoàn tất công đoạn chấm. Việc vào phách và lên bảng điểm đã có ban chỉ đạo hội đồng chấm thi cùng một nhóm giáo viên được điều động phụ trách. Nhưng cũng nhờ là tổ trưởng, nên khi kí tên giao nhận, nhìn thấy bảng điểm bộ môn có đầy đủ tên họ, trường thi của thí sinh, Huyên biết được điểm thi ngữ văn Hồng Vàng đã đạt được. Con số 7 không phải là cao so với điểm tối đa là 10, nhưng Huyên thấy chỉ có hai thí sinh đạt được điểm ấy trên toàn tỉnh. Hai bài thi của hai thí sinh đó, Hồng Vàng và một học sinh ở Đạ Nông, trường Huyên giảng dạy, được tổ giám khảo đặc biệt lưu ý, cán bộ chỉ đạo bộ môn cũng xem kĩ. Ngoài ra, Huyên không biết những môn còn lại, Hồng Vàng và học sinh Đạ Nông ấy đạt được bao nhiêu điểm.
Đó là niềm vui của Huyên, nhưng thật ra, chỉ là niềm vui ít ỏi trên nỗi buồn to lớn: đa số bài thi còn lại chỉ ở mức điểm trung bình và dưới trung bình. Tình trạng của bộ môn ngữ văn Việt trầm trệ như thế, không phải riêng ở Lâm Đồng mà trên cả nước! Một phần, do cách lập đáp án và cách chấm điểm. Nhưng phần lớn là do học sinh không thích học ngữ văn. Học sinh không thích học ngữ văn lại chính do bảng phân phối chương trình, quy định nội dung phân môn giảng văn có quá nhiều tác phẩm phục vụ tuyên truyền trong thời chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, trong khi đất nước đã thống nhất được sáu năm, Nam và Bắc đã thấy rõ nhau, hiểu rõ nhau... Trường hợp đạt được điểm 7 cũng đã là quý hiếm!
Sau buổi họp tổng kết đợt chấm thi và bữa ăn liên hoan, cùng với đồng nghiệp về lại khách sạn, thực ra chất lượng chỉ như phòng trọ, phòng nghỉ, do Sở Giáo dục lo liệu, bố trí, Huyên biết mình còn có một buổi chiều rỗng. Ngày mai, Huyên đã phải lên xe vào Thành phố Hồ Chí Minh để mua vé tàu lửa về nghỉ phép hè tại quê nhà Quảng Trị, vì đèo Ngoạn Mục trên đường xuống Phan Rang trước khi ra ga lớn Nha Trang, là một con đèo rất đẹp mắt nhưng khá nguy hiểm, nhất là ở thời điểm gần đây, đường đèo ấy có nhiều đoạn đã sạt lở và xe khách cũng thiếu phụ tùng để thay thế, tu sửa. Vé xe về TP.HCM. cũng đã được Sở Giáo dục đăng kí mua giúp rồi. Buổi chiều trống rỗng càng trống rỗng hơn, khi một vài đồng nghiệp đi thăm nơi này, chỗ khác. Huyên cùng một vài người bạn còn lại rủ nhau đi đến một quán cà phê nào đó để nhâm nhi, ngắm đường phố trung tâm Đà Lạt và hồ Xuân Hương.
Khi ngồi trong quán cà phê, Huyên hồi ức lại buổi sáng anh cùng Ngàn đã gặp hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng trên đường ven hồ Xuân Hương kia, và đã cùng nhau đến quán Thanh Thuỷ. Mới đó, cũng đã hơn ba tháng trôi qua!
Thấy Huyên ngồi trâm ngâm, Chu nói:
- Năm học này, trường mình chỉ có anh Dương Sĩ Cảm và Huyên được viết báo cáo thành tích! Mình thấy anh hiệu trưởng Đặng Đắc San đi tìm hai ông để thúc nộp gấp mà! Phải vậy không?
Huyên gật đầu:
- Cho vui vậy thôi. – Huyên khiêm tốn, nói lảng đi –. Nghe đâu môn vật lý của Chu, trong kỳ thi này, học sinh đạt điểm cao cũng nhiều?
- Ừ, đề cũng không hóc lắm. – Có lẽ Chu đã biết tình trạng điểm môn ngữ văn, nên nói thêm –. Môn xã hội các ông bì sao được với những môn tự nhiên!
Huyên đành cười trừ:
- Đúng là học sinh thích học các môn tự nhiên hơn... Và cũng vì các môn xã hội có nhiều vấn đề phức tạp quá, kể cả đáp án, thang điểm, cách chấm... – Huyên nói, nét mặt và giọng điệu không hào hứng lắm –. ... Nhất là ở môn ngữ văn của bọn mình, phần lớn học sinh phạm lỗi diễn đạt, đặc biệt là ngữ pháp và chính tả... Không thể có học sinh đạt được điểm tuyệt đối như các môn tự nhiên của các ông được...
Uống cạn những giọt cà phê cuối cùng, Chu nhấp một ngụm trà rồi đứng dậy, bắt tay Huyên và bạn bè. Huyên biết Chu sẽ đến thăm nhà cô giáo Hậu cùng nhóm vật lí. Ngồi thêm một lúc, Huyên có ý định sẽ đến thăm một nhà thơ quen biết với Huyên. Anh ấy đã thu thập đủ thơ của những tác giả ở Lâm Đồng này, trong đó có Huyên, và đang xin giấy phép, kinh phí để ấn hành một tuyển thơ chung: “Như anh em một nhà”. Năm ngoái, cũng đã xuất bản được một tập thơ nhiều tác giả như vậy. Nhan đề của bài thơ Huyên viết đã được chọn làm nhan đề chung cho cả tập: “Đất gọi thầm” (*). Huyên chào các bạn, nói Huyên đi thăm một người quen, rồi lững thững bước ra đường một mình, trong khi các đồng nghiệp còn muốn ngồi nán lại để nghe nhạc và ngắm phố phường, phong cảnh hồ Xuân Hương thơ mộng.
Tuy thế, không hiểu thế nào Huyên lại có ý định sẽ đến nhà Hồng Vàng trước khi đến nơi ở của nhà thơ quen biết ấy. Huyên thầm nghĩ, đúng rồi, nếu đến nhà Hồng Vàng theo địa chỉ Huyên còn nhớ được, ở lá thư hồi tháng ba vừa rồi Hồng Vàng gửi cho anh, Huyên phải đi trước khi chiều xuống. Đó là một nơi Huyên chưa đặt chân tới bao giờ.
Huyên hỏi đường qua một người tình cờ gặp, và lại chậm rãi bước tiếp. Đường phố Đà Lạt là những con dốc, vươn dài giữa những khu nhà xây cất trên những triền đất nghiêng nghiêng, duỗi mình giữa những đồi thông xanh tươi suốt bốn mùa. Huyên bước, nhưng vẫn cảm thấy có gì đó thật vướng víu trong lòng. Dẫu sao Hồng Vàng vẫn còn là học sinh phổ thông trung học, mặc dù đã qua kì thi tốt nghiệp, đã mười tám tuổi rưỡi. Dẫu sao Huyên cũng là thầy giáo, mặc dù mới bước vào tuổi hai mươi lăm. Huyên bước, nhưng cảm thấy mình nên quay gót, rồi vẫn cứ bước tới.
Cuối cùng Huyên cũng đi đến đúng số nhà và tên đường. Ngôi nhà của Hồng Vàng đã ở trước mặt anh. Để vờ như ngẫu nhiên, vô tình, Huyên chỉ thoáng nhìn trong khi đang bước. Qua cổng nhà, lẽ ra Huyên đứng lại, tìm nút bấm chuông hay gọi khẽ tên Hồng Vàng, nhưng Huyên lại bước thẳng.
Đến lúc đi hơi xa một quãng, Huyên mới nhận thấy ánh nắng chiều đã ngã bóng, trời se lạnh hơn nhiều. Anh mặc lại chiếc áo khoác va lua đang vắt trên vai. Huyên lại phải hỏi đường để đến nhà người bạn thơ, lớn hơn Huyên khoảng mươi lăm tuổi.
Huyên mỉm cười một mình, thấy mình ngớ ngẩn với tâm trạng chẳng khác nào một cậu học trò cuối bậc trung học! Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy, chút vướng víu chính, Huyên tự hỏi, phải chăng vì anh đã là thầy giáo, Hồng Vàng vẫn còn là học trò phổ thông!
2. Huyên đã từ Quảng Trị quê nhà vào lại Đạ Nông, sau hai tháng nghỉ phép hè.
Chiếc xe khách TP.HCM. – Đà Lạt, khoảng hai mươi bốn chỗ ngồi, có lẽ là một trong ít chiếc xe tốt nhất còn sót lại, đã đỗ ở lề đường, sát quán “Bít tất”, phía đối diện với cột cây số 270. Huyên xuống xe với chiếc xách cầm tay.
Khi xe chạy vụt đi, Huyên thấy khung cảnh quanh Trường Phổ thông trung học Đạ Nông trước mặt anh khác với chính nó cách đây hai tháng. Lúc Huyên rời trường, ngô mới gieo hạt, cao mới nửa bắp chân. Bây giờ đang là mùa mưa, những khoảnh đất trồng ngô hai bên và sau nhà ở tập thể của trường lại đang xanh ngắt, cao ngang ngực, lộ rõ dấu vết đã được thu hoạch trái đợt đầu.
Huyên bước chéo qua đường để vào cổng trường. Sân trường buổi chiều vốn đã vắng lặng, nay đã lưa thưa mọc lên những vạt cỏ dại vì thiếu bóng dáng học sinh trong dịp nghỉ hè, trông càng hoang vu hơn. Nhưng Huyên vẫn tin chắc ở dãy nhà tập thể giáo viên ít ra cũng đã có mặt dăm người. Anh bước vào lối đi nhỏ giữa văn phòng và dãy phòng học cũ.
Huyên rất vui mừng khi thấy ở trước ngôi nhà nhân viên, chị Ninh đang bồng con đứng bên chồng, cười chào:
- A! Thầy Huyên mới vào! Thầy có một lá thư bưu điện mới đưa tới đây!
Huyên đến gần:
- Chào anh chị! – Và Huyên rút từ xách tay chút quà nhỏ, dúi vào tay cháu bé –.
Chị Ninh vào nhà, quay ra ngay với phong thư.
- Cảm ơn chị Ninh nghe!
Huyên nhận ra ngay nhờ bốn chữ viết tắt: L.T.H.V.. Thư Hồng Vàng! Nhận thư xong, Huyên nói:
- Xin chào anh chị.
Huyên bước về phía nhà tập thể. Phòng của Huyên và Chu là phòng giữa của dãy nhà. Chu vẫn chưa có mặt. Huyên tìm chìa khoá trong xách tay và mở cửa phòng, bật đèn. Phòng ở vẫn như hai tháng trước đây.
Việc đầu tiên là Huyên mở thư để đọc.
“Đà Lạt, ngày 10 tháng 8 năm 1981
Kính gửi: Thầy giáo Nguyễn Phan Huyên
Thưa thầy,
Em chỉ dám viết ngắn gọn để thưa với thầy về hai kì thi của em.
Em đã đỗ kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa rồi với số điểm là 32 (bốn môn thi). Và em cũng đã đi TP.HCM. để dự thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm ở đó. Mức làm bài, em tự đánh giá là có khả năng đỗ.
Dẫu đỗ vào đại học hay không, em cũng đã thấy mình đang bước vào năm thứ nhất lứa tuổi trưởng thành, chứ không thể cứ mãi là bé bỏng.
Nói thế, nhưng xin thầy cứ hi vọng là em sẽ đỗ như em đang hi vọng. Và cũng không còn cảm thấy nữa, mà chắc chắn là em đã bước qua rồi tuổi học trò trung học.
Em rất mong được gặp lại thầy.
Kính chúc thầy luôn vui khỏe.
Em,
L.T.H.V.”
Đây là lá thư thứ hai Huyên nhận được từ cô học trò Hồng Vàng. Cũng như lần trước, niềm vui tràn ngập lòng anh. Trong niềm vui đó, Huyên thử tính nhẩm, và thấy điểm 7 môn ngữ văn lại là điểm thấp nhất trong bốn môn, nhưng Hồng Vàng vẫn yêu thích môn ngữ văn nhất. Anh biết, điểm ngữ văn phải cộng thêm từ 1 đến 2 điểm dung sai, hay có thể gọi là điểm đặc thù bộ môn, nếu cần thiết phải so sánh điểm với các môn khác: số 7 đó có thể bằng 8 hay 9. Và dù sao, điểm 7 Hồng Vàng và một học sinh Đạ Nông đạt được cũng đã vượt xa các điểm trung bình và dưới trung bình của tất thảy các thí sinh khác trong kì thi. 
Huyên kéo ghế, ngồi vào bàn viết, và viết ngay ý tưởng đó để kịp gửi thư ngay cho Hồng Vàng trong chiều nay, những mong Hồng Vàng sẽ được chút nào khích lệ, động viên. Sau đó, anh đi quanh nhà tập thể giáo viên để xem thử những ai đã có mặt. Huyên rất vui khi thấy anh Văn, giáo viên địa lí, ở một trong năm phòng đơn phía sau. Một cái bắt tay chào nhau thật chặt.
- Tôi đi ngay lên bưu điện huyện, lát nữa về. Sau đó anh em mình ra quán 99 nghe!
- Làm gì phải đi bưu điện gấp vậy?
Huyên cười, nói có việc cần. Và Huyên ra nhà chị Ninh để mượn xe đạp.
Huyên phải vượt vài ba con dốc mới đến nơi. Mơ hồ tiếng thác Liên Khương theo gió chiều vọng đến, khi anh bỏ phong thư vào thùng thư chính.
3. Anh Văn buông cây đàn ghi ta khi thấy Huyên xuất hiện ở cửa sổ, với tay lấy chiếc áo len màu xanh đậm, cầm ở tay, và bước ra.
Hai người bạn đồng nghiệp cùng đi đến quán 99 như đã hẹn.
Dưới tán cây xoài thấp nhưng xum xuê lá, tiếng nhạc hoà tấu êm nhẹ từ dàn loa trong nhà sàn vọng ra, hương cà phê phin thơm ngát.
Khoảng thời gian cuối năm học vừa rồi, những giáo viên hay ra ngồi ở quán 99 này thường yêu cầu chủ quán cho nghe đi nghe lại bài “Quán bên đường”, một bài thơ được ghi là khuyết danh tác giả do Phạm Duy phổ thành nhạc. Lần này, anh Văn đề nghị Huyên vào quầy để nhờ cô con gái của chủ quán cho nghe lại bài ấy.
“... Rồi em hỏi anh làm chi?
- Cầm bút, để viết ngày đêm...
- Viết gì?
- Đời thối, phải nói là thơm. Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm...
... Em hỏi nghệ thuật là chi?
- Là đui, là điếc, là câm, mà đi...”.
Huyên lại châm một điếu thuốc lá, ngồi im lặng lắng nghe. Từ những năm trung học, anh đã nghe bài hát này. Bẵng đi một quãng thời gian dăm bảy năm, sống trong tâm nguyện làm thơ vì đất nước, với nhãn quan mới, Huyên hầu như quên mất. Gần đây, Huyên mới thấy bài thơ đã trở thành ca khúc ấy có phần gần gũi với bài báo “Viết về chiến tranh” của Nguyễn Minh Châu, bài tiểu luận về “chủ nghĩa ‘phải đạo’” của Hoàng Ngọc Hiến, tác giả đã xem “phải đạo” chính là đặc điểm của văn học vài thập niên qua ở Miền Bắc và hiện nay trên cả nước. Tất nhiên là “Quán bên đường” đau hơn rất nhiều, vì hình ảnh, câu chữ cụ thể và trực tiếp hơn, nên xoáy sâu hơn vào trái tim người nghe. Nhưng nó là tiếng kêu đòi ở Miền Nam, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đã bị lật đổ từ 1963, được phổ biến rộng rãi sau năm 1963 ấy, nên không nổ vang, chấn động mạnh như hai bài của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, trong hai năm 1978 và 1979, chưa xa lắm với năm 1981 này. Tất nhiên hai bài ấy vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm, không chứa đựng mục đích chính trị phản động bên ngoài văn học.
Bất chợt, xuất hiện ngoài cổng quán bóng dáng của Nho. Nho cười thật tươi, bước vào, ngồi trên khúc cây dựng làm ghế bên cạnh Huyên:
- Mình xuống Tùng Nghĩa, vừa lên lại trường, nghe anh em nói Huyên mới vào, đã cùng anh Văn ra đây!
- Rất vui khi lại gặp nhau!
Cô gái tiếp viên từ nhà sau bước ra, hỏi thầy giáo Nho dùng thức uống gì.
- Vẫn “Quán bên đường”! – Nho phớt tỉnh –.
- Không. Em hỏi thầy uống gì?
- Vẫn “Quán bên đường”! – Nho lại vờ phớt tỉnh –.
Cô gái bật cười, đứng chờ câu trả lời của Nho. Huyên phải “phiên dịch”:
- Ông thầy này nói cho một cà phê phin và nghe lại hai lần bản “Quán bên đường”.
Nho bị bắt buộc phải đính chính:
- Không, một chanh rum và hai lần “Quán bên đường”.
Huyên nói:
- Đúng ra phải là cà phê mới “Đắng và ngọt” như tên nguyên tác của nhà thơ tác giả chứ! Nhưng ông muốn chanh rum: chua, cay và ngọt! Cà phê tỉnh người, còn chanh rum say người.
- Nóng người chứ! – Nho nói với tiếng cười dài –.
- Nhưng có chanh, nên dã rượu ngay, và nước đá, làm hạ nhiệt tức thì. ... Nhè nhẹ thôi mà... Có điều, thôi, đừng diễn dịch mà mang hoạ vào thân. – Huyên nói, cũng cười với hai người bạn –.
Nói thế, nhưng thật ra Huyên biết, anh Văn dạy địa lí và Nho dạy sinh vật, dù yêu văn chương nghệ thuật nhưng cũng không đau bằng những ai đang giảng dạy văn chương như Huyên. Huyên lại là người làm thơ nữa, nên nỗi đau nhân lên gấp nhiều lần.
- Nếu Nho thích, tối nay, qua phòng mình, mình sẽ hát hầu Nho bài hát đó và cho Nho chép lại cả nhạc lẫn lời. – Anh Văn nói –. Nhưng chỉ đề tên tác giả thơ là Minh Phẩm (Trang Thế Hy) mà thôi. Trang Thế Hy là nhà thơ mà ở chế độ cũ bị ghi là khuyết danh...
- Biết rồi! Trang Thế Hy là nhà thơ cách mạng thì lo gì. – Nho nói –.
- Nên cứ hát và cứ chép... – Anh Văn cười thành tiếng –. Nhạc sĩ bây giờ lại bị khuyết danh!
Huyên mỉm cười, khi thầm nghĩ tiếp, có thể kể thêm, sau Trang Thế Hy lại có Trần Quang Long, cũng đều thuộc giới cầm bút cách mạng Miền Nam. Nhưng ở Miền Bắc, giữa những năm 50 đã có Phùng Quán... Lại cũng từ Miền Bắc, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến mới cách đây chỉ hai năm và ba năm, nên chấn động, âm vang vẫn đang lan toả...
Trong khi hai người bạn vẫn tiếp tục nghe đến lần thứ ba bài “Quán bên đường”, Huyên lại nhớ đến Hồng Vàng với ước vọng và trăn trở khi đang chờ kết quả để dấn bước trên con đường văn chương đầy chông gai, thác ghềnh, sóng gió, với ý thức góp phần nhỏ tâm sức của mình để văn chương đích thực là văn chương. Thật chân. Thật thiện. Thật mĩ. Không phải là quá nhấn mạnh đến chức năng giáo dục chính trị nhưng lại đặt trên cơ sở có phần nào che đậy sự thật, thiếu trung thực về chức năng phản ánh, và vì thế, thô sơ, công thức, xơ cứng, không thể nâng cao được chức năng thẩm mĩ.
Hồng Vàng bỗng hiện ra trong trí tưởng Huyên thật dịu dàng, cương nghị, bản lĩnh.
Và Huyên cảm thấy đau lòng, xót tiếc khi nghĩ đến thí sinh thứ hai đạt điểm 7 môn ngữ văn, ở Trường Phổ thông trung học Đạ Nông này, trong kì thi tốt nghiệp vừa rồi, nhưng trước đó học sinh ấy đã vội buông xuôi, đành chấp nhận nộp hồ sơ dự thi vào đại học theo một chuyên ngành thuộc khoa học tự nhiên, chứ không phải văn chương!
4. Cũng như kì thi tốt nghiệp, đợt tuyển sinh vào lớp mười năm học mới, 1981-1982, điểm bộ môn ngữ văn, một trong hai môn thi không thể thiếu, vẫn thế. Rền rặt vẫn là điểm 4 và 5. Rất hiếm hoi ở mức điểm cao hơn. Riêng môn toán, điểm khá hơn nhiều, có nhiều học sinh đạt 9, 10. Anh trưởng phòng phổ thông cũng là cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn buồn bã than phiền: “Không những ở Miền Nam, mà cả Miền Bắc hiện nay học sinh cũng rất chán học ngữ văn!”.
Hoàn tất công tác chấm thi, Huyên lại có một buổi trống rỗng. Anh lại thả bộ tìm đến con đường và số nhà Hồng Vàng, nhưng rồi như cách đây hơn hai tháng, anh vờ như ngẫu nhiên, vô tình đi ngang qua. Thật lòng, nỗi vướng víu “thầy giáo – học trò trung học” vẫn không thể vơi bớt trong lòng Huyên.
Và cũng vậy, Huyên lại một mình đi đến nhà anh Nguyễn Huynh, một phóng viên đồng thời là một nhà thơ ít nhiều đã thân quen đối với Huyên.
Anh Huynh vốn rất nhiệt tình với bạn thơ. Anh nhất định mời Huyên phải ở lại dùng cơm tối với gia đình.
Khi vợ con và vài người thân trong gia đình anh đã dùng xong bữa, anh Huynh lại kéo Huyên lên căn gác gỗ nhà anh, với chai rượu trắng đang uống dở chừng, hai chiếc li nhỏ trong tay. Như thế là cuộc rượu vẫn lại tiếp tục.
Là một nhà thơ theo cha tập kết ra Bắc từ nhỏ, học tập, bắt đầu làm thơ ngoài đó rồi vào Miền Nam chiến đấu, hăng say sáng tác, nhưng hiện nay, thơ của anh Nguyễn Huynh lại đậm chất đau đời. Trong tâm trạng chung, nảy sinh trước cả khi hai bài chấn động của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến xuất hiện công khai trên báo chí, anh Nguyễn Huynh có những bài thơ mà anh chỉ đọc theo cách “xuất bản bằng miệng”, hay mở bản thảo cho xem, khi gặp những người làm thơ thật sự tâm huyết với văn chương, con người, cuộc đời, đất nước. Trong khi đó, cho đến lúc ấy, Huyên vẫn đang thành khẩn trút hết tâm sức của mình để viết theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, với ý thức nâng cao tính nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng đến mức có thể, chứ chưa dám quay lui, nghiêng lại hiện thực phê phán như anh Nguyễn Huynh. Nhưng Huyên không thể viết đều như trước đây. Rõ ràng Huyên đang rơi dần vào bế tắc.
Có lẽ không có gì đau khổ hơn đối với người trút hết tâm huyết của mình vào thơ nhưng lại bế tắc. Hiện thực với bao điều trông thấy xám xịt, thì văn chương tươi hồng, làm sao viết nổi!
Anh Nguyễn Huynh không phải không sợ, nhưng nghĩ không ai có thể “chụp mũ” được anh. Còn Huyên, Huyên có một phần nỗi sợ sệt, rụt rè của Nguyễn Du trong người, mặc dù về bản chất nỗi sợ Nguyễn Du khác hẳn nỗi sợ của Huyên. Sống dưới chế độ cũ, Huyên đã mạnh dạn, thậm chí liều lĩnh công khai phê phán chế độ cũ bằng thơ ca, ấn hành tập san, lên diễn đàn đấu khẩu trước máy vi âm, để rồi đến Ngày Thống nhất, vui mừng hoà nhập vào chế độ mới, những tưởng tìm ra lối thoát. Thế nhưng, đến lúc này, Phan lại rơi vào bế tắc trong sự bế tắc hiện thời của cả giới cầm bút, trẻ tuổi cũng như lão thành. Nỗi sợ của Huyên là nỗi sợ trước một lệnh ngầm trừng phạt, mãi mãi bị treo bút. Chế độ cũ muốn cấm cũng không thể cấm viết, cấm lưu giữ bản thảo, cấm in. Nhưng chế độ mới hoàn toàn có thể cấm được. Vấn đề trớ trêu là ở đó. Không phải chỉ riêng đối với Huyên.
Có điều, ở anh Nguyễn Huynh, hầu như không hề thấy nỗi đau như Nguyễn Minh Châu, khi ngẫm lại những tác phẩm “viết về chiến tranh”. Nỗi đau, vì viết chưa toàn diện, mà còn phiến diện, “nên có” một cách “phải đạo”, trong thời chiến, về chiến tranh, không có ở anh Nguyễn Huynh. Thơ Nguyễn Huynh chủ yếu là phê phán sự ngự trị hiện tại của những gì đã già cỗi, như nếp hằn tư duy, cảm xúc cũ mèm chẳng hạn, không còn phù hợp với bước tiến của xã hội không đứng yên, mỗi phút, mỗi ngày.
Huyên vừa nhấp môi những li rượu nhỏ anh Huynh rót, vừa nghĩ ngợi, và nhận ra, rõ rệt hơn, phải chăng chính cái ẩn chứa đằng sau hai bài viết của Nguyễn Minh Châu (1978) và Hoàng Ngọc Hiến (1979) mới thực sự lóe ra phương hướng hoà giải dân tộc sau bao nhiêu năm chiến tranh. Riêng trong nội bộ dân tộc: tuyên huấn chính trị, đã có bộ môn chính trị; sự thật lịch sử, đã có bộ môn sử; hãy để văn chương thật sự là văn chương của cả hai miền Nam – Bắc. Sách giáo khoa phải gồm những tác phẩm văn học hiện đại – cách mạng mang tinh thần đó, để học sinh hiểu rằng văn chương không phải là thứ chữ nghĩa “một chiều”, “hiện thực xấu nên có” và “hiện thực tốt nên có” cũng tuỳ theo lập trường - chiến tuyến, chứ không phải lập trường dân tộc - đoàn kết. Báo chí, đài phát thanh cũng cần đến loại văn chương đích thực như thế, trong thời hậu chiến này, để tấm lòng công chúng mở ra, mát gió cảm thông, hoà hợp, chứ không phải đóng chặt lại, sợ gió lạnh buốt như dao nhọn hay gió ma trơi ảo ảnh xô gục mình xuống.
Huyên ngẫm nghĩ và đã bày tỏ điều đó với anh Nguyễn Huynh, và lại một lần nữa nhấn mạnh, để anh Huynh khỏi hiểu lầm: Văn chương hậu chiến vẫn phê phán thẳng tay bộ phận “tả đạo” ngoại xâm, thực dân, phát xít, đế quốc, bành trướng, nhưng đặc biệt, riêng trong nội bộ dân tộc, “chiến tranh ý thức hệ”, “nội chiến” (từ ngữ ở Miền Nam), cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh “ít nhiều có tính chất nội chiến” gần đây, không thể không hoà giải như thế. Anh Huynh có lẽ hơi chạnh lòng. Suy nghĩ hồi lâu, anh nói:
- Cả Nguyễn Minh Châu lẫn Hoàng Ngọc Hiến bị “đánh” tả tơi, thì lấy đâu ra những tác phẩm “hiện thực hiện có” đúng nghĩa, và không phải “hiện thực ‘phải đạo’”, để đưa vào sách giáo khoa ngay lúc này, nhằm mục đích hoà giải, hoà hợp... Mà dẫu có trong ngăn kéo cá nhân, bí mật, thì ai cho phép xuất bản, ai cho phép đưa vào sách giáo khoa!
- Em cũng nghĩ hai bài của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, phải chăng là do người ta sử dụng thủ thuật “dựng bóng, đập bóng” trên sân bóng chuyền. – Huyên nói –. Có phải thế không anh Huynh? Hay suy nghĩ của em đã lung tung lắm rồi?
Anh Huynh không trả lời, chỉ im lặng. Hồi lâu, anh mới bảo:
- Vì học sinh, với văn học trong nhà trường, và vì sáng tác văn chương ở giữa cuộc sống xã hội, nên cậu nghĩ như thế, là rất thực tế, có trách nhiệm... Rõ ràng là các cụ lão thành cấp trên chậm chuyển biến trước tình hình mới, bởi vì những ai có chức năng báo cáo lên trên thì đều báo cáo láo cả... Còn “nhà văn nói láo, nhà báo nói gian, dối trá tràn lan là do nhà giáo”!
- Như vậy chỉ còn biết tin vào biện chứng của cuộc sống, “cái khó sẽ mở ngõ cho trí khôn”. – Huyên cười buồn –. Dẫu sao cũng phải lạc quan, phải không anh Huynh?
Mấy phút trôi qua, anh Huynh lại nói thêm:
- Hoặc giả, nếu các cụ đã chuyển biến, nắm bắt được tình hình mới, thì cán bộ bên dưới vẫn còn nặng sức ì quán tính. Hai năm 1980, 1981 này, Quốc hội đã và đang phát động sáng tác quốc ca mới để thay thế quốc ca hiện hành, nhưng xem ra cũng chưa thay được!
Huyên cảm thấy đó là một vấn đề quan trọng: 
- Vấn đề quốc ca, em không dám bàn đến đâu! Em chỉ nói về văn chương và việc giảng dạy ngữ văn Việt thôi.
Hai người uống hết những giọt rượu cuối cùng trong chai. Khi Huyên muốn từ giã, về khách sạn, nơi các giáo viên làm giám khảo được bố trí trong thời gian chấm thi tuyển sinh, anh Huynh quyết giữ chân Huyên. Huyên đành ngủ lại tại nhà anh Huynh, trên căn gác gỗ đó.
Có lẽ do rượu, giấc ngủ kéo thẳng một mạch đến sáu giờ sáng, lúc chuông đồng hồ báo thức reo lên.
Khi bước trong sương sớm lạnh buốt để về lại khách sạn, Huyên chợt thấy một cụm bông hồng vàng trên sân nhà ai đó, khiến anh đứng sững trong mấy phút.
Chú thích:
(*) “Đất gọi thầm” và “Như anh em một nhà”, Ty (Sở) Văn hóa – Thông tin tỉnh Lâm Đồng xuất bản, 8-1980 và 10-1981. Mãi đến tháng 10-1986, mới ấn hành được tập “Đà Lạt thơ” (nhiều tác giả), cũng do Sở VH.-TT. Lâm Đồng ấn hành. Trong đó, thơ Trần Xuân An được tuyển chọn một bài ở tập thứ nhất, ba bài ở tập thứ hai, một bài ở tập thứ ba. 
Chương VI
1. Chuông reo, báo hết tiết thứ hai. Huyên bước xuống khỏi bục giảng lớp 12C với cuốn vở giáo án và sách giáo khoa. Học sinh đứng dậy chào tiễn. Ra khỏi lớp, đến phòng văn thư gần đó, Huyên định ghé vào xem báo trước khi về lại nhà tập thể phía sau. Nhân tiện, anh rửa vội mấy ngón tay còn dính bụi phấn bảng ở thau nước được bác Uy cai trường múc sẵn, đặt trên giá sắt nơi góc hiên, rồi lau khô bằng chiếc khăn cũng vắt trên giá ấy. Vào văn phòng, thấy có mấy phong thư bưu tá viên mới đem đến, đặt ở bàn giấy, kề chiếc máy đánh chữ, Huyên nhặt lên xem thử có thư mình không. Huyên mỉm cười khi thấy thư của Hồng Vàng, cũng vẫn bốn chữ viết tắt L.T.H.V. ở góc phải trên của phong thư, nhưng địa chỉ đã là TP.HCM., chứ không còn là Đà Lạt nữa. Huyên cầm luôn tờ báo Nhân dân, nói với cô thư kí văn phòng: Tôi mượn tờ báo này, lát nữa sẽ mang trả. Không kịp thấy cô ấy có gật đầu, ghi sổ gì đó hay không, Huyên bước nhanh, rời khỏi nơi đó, để đọc thư Hồng Vàng một cách trọn vẹn hơn.
Cửa phòng ở đóng, như vậy là Chu có tiết thứ ba. Huyên mở cửa ra vào và mở luôn cửa sổ, ngồi sau bàn viết. Huyên mỉm cười một lần nữa trong niềm vui lần thứ năm nhận được thư cô học trò trung học mới trở thành sinh viên năm thứ nhất này.
Thư Hồng Vàng thể hiện niềm vui khi đã trải qua được gần trọn một học kì tại Đại học Sư phạm TP.HCM., với niềm đam mê văn chương, ngôn ngữ Việt được nhân lên gấp bội.
Huyên tạm gác lại niềm vui cộng hưởng, đồng cảm trong anh để liếc xem mấy trang báo Nhân dân. Anh bắt gặp bài thơ của Tố Hữu, nhan đề khá lạ với phong cách nhà thơ này: “Đêm cuối năm”! Và cả bài thơ nữa, là một trời đáng kinh ngạc!
“Đêm cuối năm. Riêng một ngọn đèn
Dở hay, khôn dại, những chê khen
Làm, ăn, hai chữ, quen mà lạ
Thế cuộc, nhân tình, rõ trắng đen
Gỡ lối “bao” xưa, người mọc cánh
Được mùa “khoán” mới, đất lên men
Tự cường, mới biết ai gan góc
Luồn lọt, hay chi phận yếu hèn
Cách mạng, mừng thêm tay đóng góp
Hư danh, chừng bớt kẻ đua chen?
Dòng đời cứ chảy, tan bèo bọt
Thế trận lòng dân dậy tiếng kèn!
31-12-1981”.
Điều kinh ngạc là thơ trên báo Nhân dân lại có giọng điệu, nỗi niềm như Nguyễn Bỉnh Khiêm và chút ít tâm trạng Cao Bá Quát! Thơ của một tác giả nào đó trên đất nước Việt Nam mình hiện nay mà như vậy, đã đáng kinh ngạc rồi, nhất là khi nó được đăng trên tờ báo vốn là cơ quan trung ương của Đảng. Nhưng quái lạ thay, đó lại là thơ của Tố Hữu, một nhà thơ suốt mấy mươi năm kiên quyết nắm vững quyền lực chuyên chính văn chương nữa!
Chẳng lẽ Nguyễn Minh Châu (1978), Hoàng Ngọc Hiến (1979) lại tác động đến cả thi sĩ chuyên chính ấy (1982)!
Nhưng Huyên không thể giữ tờ báo ấy lâu, anh đành phải mang ra phòng văn thư để trả lại.
Đang tiết thứ ba, ở văn phòng vắng hoe, không có giáo viên nào, chỉ còn cô văn thư và anh Lê Thừa Ích, nay là hiệu trưởng, vừa mới thay thế anh Đặng Đắc San trong học kì một này.
Với niềm kinh ngạc vừa bùng lên trong tâm trí mình, lại gặp anh Ích, vốn là giáo viên ngữ văn Việt, Huyên chìa trang báo có bài thơ mới nhất của Tố Hữu:
- Anh Ích đã đọc bài thơ này của Tố Hữu chưa? Anh xem thử.
Anh Ích nheo mắt, vì không mang theo kiếng tuổi:
- Sao, có gì lạ à?
- Vâng, quá lạ. Không nói thơ trong ngăn kéo của phó thường dân, cán bộ hưu non nào đó. Chỉ nói thơ đăng báo. Dù đăng báo thường thôi, thì bài thơ này cũng đã lạ rồi, anh ạ. Huống nữa, là của Tố Hữu, lại báo Nhân dân! Anh xem thử.
Anh Ích cầm ngay tờ báo, đi nhanh qua phòng hiệu trưởng.
Huyên quay gót bước lui nhà tập thể.
Huyên vừa bước vừa nghĩ, sáng nay, anh nhận được thư Hồng Vàng nhưng không hiểu thế nào lại đọc được cả bài thơ thế thái nhân tình như thế của Tố Hữu, cũng gần như cùng một lúc!
2. Bài thơ “Đêm cuối năm” của Tố Hữu đăng trên báo Nhân dân, số đặc biệt khoảng đầu năm 1982, được tác giả ghi phía dưới: 31-12-1981, như bùng vỡ một trận mưa dữ dội bất thường trong tháng rét buốt nhất của mùa khô cao nguyên Liên Khàng - Đức Trọng này, đối với Huyên. Trận mưa chưa từng có ấy kéo dài từ trước Tết Nguyên đán năm Nhâm tuất (1982) cho đến sau Tết cả hai tháng, trong tâm trí Huyên.
Thơ Tố Hữu không còn như trước đó nữa.
Có chất Nguyễn Bỉnh Khiêm, có chất Cao Bá Quát, trong bài thơ ấy.
Từ bài thơ “Từ ấy” đến bài thơ “Đêm cuối năm” là quãng thời gian không thực? Không những Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, mà lần này, cả Tố Hữu!
Thêm một lần, Huyên tự khẳng định trong đầu mình như thế. Với Huyên, có một sự đổ vỡ của ảo vọng về phương thức sáng tác nào đó, mà “Đêm cuối năm” có thể chỉ là một nhát búa cuối cùng, khởi đầu trận mưa ầm ào cuồn cuộn lũ.
Trong cơn say từ cuộc rượu, hình như rượu nấu từ ngô, trắng đục, với một dĩa cải chua vàng úa được “kí sổ” từ bác Uy gái, những câu thơ từ chốn sâu thẳm nào đó của tâm hồn Huyên hiện dần ra trong đầu anh, trong khi anh Nguyễn Văn ôm đàn khẽ hát. Huyên biết đã đến lúc tâm trạng ướt đẫm trận mưa kéo dài gần vài tháng qua bắt đầu kết đọng thành tứ thơ với những câu chữ, âm điệu mơ hồ. Huyên đột ngột từ giã anh Văn. Anh Văn gật đầu nhưng vẫn không ngừng hát. Huyên đi vòng ra phía trước, trở về phòng mình, thấy Chu đang ngồi chuyện trò với cô Hậu trên bậc thềm, dưới ánh đèn điện hành lang vàng yếu. Huyên mở khoá cửa phòng, bước vào, bật đèn, ngồi vào ghế sau bàn viết.
Ngay trong đêm đó, Huyên viết trọn bài thơ mới nhất, buồn nhất, thảng thốt nhất, và hi vọng nhất, khác với mạch thơ và giọng thơ trước đó của mình. Nhưng cũng chỉ là phác thảo.
Đến tuần sau, vẫn lại là một phác thảo khác, mặc dù tứ thơ và phần lớn câu chữ, âm điệu vẫn thế. Lại chỉnh sửa, để biểu đạt tứ thơ sinh động hơn bằng những từ ngữ, hình ảnh, âm điệu đắt hơn. Rồi Huyên cũng hoàn tất bài thơ ấy với cảm giác tạm hài lòng. Huyên tạm hài lòng khi bài thơ đã hình thành trên những trang giấy của tập vở nháp, đồng thời Huyên cũng biết mình đã khác trước.
LẠI BẮT ĐẦU TỪ CHỮ CÁI THỨ NHẤT
sớm mai bên hồ Xuân Hương
thấp thoáng nắng trên mưa sương bất chợt
cô gái không quen ngước tròn đôi mắt
nắng loáng qua niềm vui không ngờ
khi chung quanh tiếng thông buồn như khóc
nước rêu xanh che rong nhờn và rác
trời cứ sương cứ nắng cứ mưa
huyền hoặc, mị lừa?
những gì là có thực?
niềm ray rứt dẫn lòng tôi đi lạc
hoang mang sương mù
thảng thốt, mỉm cười, bẻ bút
thề chẳng bao giờ dại dột làm thơ
phải chăng là có thực?
hai năm chẳng dại dột làm thơ
thơ-phi-thơ biến tôi thành gã lái buôn đau đớn nhất
mua nghìn giọt lệ bán trăm ngọc biếc
thu vào hờn oán đổi trả sương hoa
đóng thuế lương tâm cho bao việc nhiễm Mao
lãi vô vàn: rợn lạnh những hư vô!
phải chăng là có thực?
“Đêm cuối năm”. Tôi mềm trong tiếng thơ
rượu tàn cơn ngầy ngật
thấp thoáng nắng trong mưa sương lất phất
và đôi mắt, đôi mắt, triệu nghìn đôi mắt
từ đời thực hiện về
mưa chiêm bao sao ướt đầm khuôn mặt ai kia
rũ xuống bàn
sửng sốt
thảng thốt nhìn hai tay khánh kiệt
phải chăng là có thực?
những gì là có thực?
tôi ngọng nghịu hỏi mình như trẻ thơ
và tập đọc lần thứ nhất
chữ A
ngơ ngác
chữ A
môi run hạnh phúc.
26-2-1982
(Mùng 3 tháng 2 Nhâm Tuất)
Huyên muốn mình phải khởi đầu lại một lần nữa, khởi đầu một kiếp sống khác, như một đứa trẻ bắt đầu học bảng chữ cái, chữ thứ nhất là A.
Như mọi vùng trời cao nguyên khác, ven hồ Xuân Hương ở Đà Lạt thường có những cơn mưa sương bất chợt, xen lẫn những thoáng nắng cũng bất chợt như thế. Thoáng mưa sương, thoáng nắng vàng, rất hư ảo. Thoáng nắng ấy trên đôi mắt của một cô gái nào đó, như thể niềm vui hư ảo bất ngờ. Trong khi đó, quanh cô gái là khung cảnh của hồ Xuân Hương nước xanh màu rêu, rong rác nhớp nhúa. Đó là hiện thực. Niềm vui hư ảo kia là có thực hay hồ nước dơ bẩn vì bị bỏ bê, chưa được vét lọc kia là có thực? Niềm vui siêu vượt, thoát li thực tại đáng buồn? Lãng mạn có thực hay hiện thực tả chân có thực? Có thực chăng lãng mạn bất chấp bối cảnh hiện thực?
Huyên hoang mang và chệch hướng, như một kẻ đi lạc giữa thực tại cuộc đời. Anh bẻ bút, thề không làm thơ nữa. Nhưng có thực sự là Huyên đã tự ý chấm dứt đam mê sáng tác thơ, anh cũng không rõ. Huyên cũng không rõ có thực hay không, về thời gian hai năm nào đó. Có phải là hai năm trải qua hai vùng đất khai hoang lập ấp được gọi là “kinh tế mới”? Hai năm không xác định ấy, có phải anh đã thâm nhập vào thực tế xã hội để gom nhặt những giọt nước mắt khổ đau, đói khát, nỗi niềm hờn ghét, oán hận, để mong "mua bán, trao đổi" chất liệu đó, sau khi đã chuyển hoá thành hình tượng thơ ca? Trong khi cả nước đang phê phán, khắc phục di chứng maoist, có thực chăng những kẻ bảo thủ chủ nghĩa Mao đã thu thuế, lại là “thuế lương tâm” của “gã lái buôn” chất liệu đời bi hận, chế biến thành thơ ca lóng lánh? “Lời lãi” anh thu được chỉ là hư vô! Có thực chăng? Có thực hai năm nào đó anh đã thôi làm thơ? Nói không, nhưng thật ra, Huyên vẫn làm thơ tuyên truyền, đánh đồng “hiện thực hiện có” bằng “hiện thực nên có”. Làm thơ tuyên truyền theo nghĩa vụ khai hoang lập ấp cũng là làm thơ, và mặc dù đó là thơ có ích, có tác dụng thực tế, nhưng không phải là làm thơ đúng nghĩa, sáng tạo thơ ca đích thực chăng?
Để rồi, trong không gian hình thành từ dư âm của trận mưa dài thảng thốt, bất thường từ “Đêm cuối năm”, trong cơn say bởi men rượu, Huyên nhận ra niềm vui hư ảo, hư ảo như thoáng nắng trên mưa sương ven hồ Xuân Hương nhớp nhúa, hôi hám, lại trở về trong giấc chiêm bao đầy mưa. Niềm vui hư ảo không phải trên một đôi mắt mà cả nghìn, cả triệu đôi mắt. Một trời lãng mạn với bao thoáng chốc hân hoan hư ảo giữa đời thực, hiện về trong chiêm bao. Nhưng mưa chiêm bao ấy chảy ròng trên khuôn mặt chính anh hay khuôn mặt ai xa lạ, anh không rõ. Khuôn mặt ấy rũ ập xuống bàn như một tấm khăn sũng nước. Khuôn mặt ấy ngẩng lên, sửng sốt nhìn hai bàn tay mình, hai bàn tay trắng, đã khánh kiệt vốn liếng sự nghiệp. Thơ ca “hiện thực nên có”, “hiện thực ‘phải đạo’” đã phá sản, thì đã đành chăng? Thứ thơ ca lãng mạn sáng, bất chấp bối cảnh hiện thực đen, một cách duy ý chí, cũng đã thực sự phá sản chăng? Có thực chăng giấc mơ men say đầy thảng thốt ấy?
Huyên cảm thấy anh đã hoàn toàn phá sản, khánh kiệt, bởi vốn liếng thơ ca của anh hoá ra chỉ là vàng mã hư vô, sự nghiệp văn chương của anh chỉ là giấy rác vô giá trị. 
Nhưng Huyên không buông xuôi, vứt bỏ cuộc đời mình. Anh lại bắt đầu một kiếp sống mới, như một đứa trẻ bắt đầu con đường chữ nghĩa của nó bằng chữ thứ nhất trong bảng chữ cái. Huyên cảm thấy anh hạnh phúc trong sự thoát kiếp, đổi đời lần này, 1982.
Mặc dù viết với tâm trạng khủng hoảng về phương pháp sáng tác, gồm cả trong đó phương thức phản ánh hiện thực, và chỉ về phương pháp sáng tác mà thôi, ở một thời điểm không thật bình tĩnh, Huyên không ngờ trước được bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” (hay “Lại tập đánh vần”) là nguyên nhân chính dẫn đến tai hoạ trong cuộc đời một giáo viên, một người làm thơ là anh. Và cả điều này nữa, liệu có đúng là vậy không? Huyên cũng không rõ.
3. Dáng người của anh Nguyễn Huynh không thể lẫn với người nào khác. Quả là đúng rồi, chính anh Nguyễn Huynh. Anh ấy đang cỡi chiếc xe Honda nữ, được sản xuất từ những năm sáu mươi, chạy vượt qua cổng trường. Và chừng như thấy ở các phòng học không khí học tập, giảng dạy nghiêm túc quá, anh ngừng xe, tắt máy giữa sân trường, dắt xe đi bộ đến văn phòng. Đang ngồi bên bàn nước, Huyên vội bước ra ngay để đón anh:
- Anh vừa từ Đà Lạt về đây? Thật bất ngờ.
- Ừ, đi chiếc Honda này cũng tiện.
- Anh kiếm ra xăng trong giai đoạn này là tài lắm.
Anh Nguyễn Huynh cười.
Gần đây Huyên đã chuyển sang phòng lồi bên phải của nhà tập thể, nơi trước đây là phòng của anh Ích, để cùng ở chung với Bùi, một giáo viên vật lý mới về trường. Huyên dẫn anh Nguyễn Huynh về phòng của mình. Sau đó, hai anh em cùng xuống chợ Tùng Nghĩa để mua một ít thức ăn. Anh Nguyễn Huynh vốn là người tháo vát ngay cả trong việc chợ búa này, và cả trong nấu nướng nữa, khi đã mang thức ăn về đến bếp tập thể. Bếp tập thể dạo này bệ rạc hẳn, không còn nền nếp như năm học trước. Bác Uy gái cũng đã xin thôi việc để lo làm cải chua ra bán ở chợ chồm hổm chiều, gần quán “Bít tất”. Bếp vẫn còn đỏ lửa than nhưng cô nhân viên mới tuyển tên Nhi đã xong việc của mình. Anh Nguyễn Huynh và Huyên tiếp tục bắc soong lên bếp ấy, sau khi làm cá, rửa rau ở thềm giếng bên cạnh. Đó là chiếc giếng phải sử dụng tay quay, vì có độ sâu ít ra cũng ba mươi mét.
Xong xuôi, Huyên và anh Nguyễn Huynh về phòng ở.
Dĩ nhiên là bữa cơm trưa hơi sớm so với thường lệ này có cả rượu. Chừng như anh Huynh không thể thiếu rượu được, và thói xấu này cũng lây sang cả Huyên, mặc dù Huyên không thể nghiện được loại chất cay này!
Thật ra, đó là bữa rượu thì đúng hơn, để còn xem thơ của nhau nữa.
Huyên không thể không đưa bài thơ mới nhất của mình, “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”, cho anh Huynh đọc bằng mắt, vì phép lịch sự, không thể đọc to thành tiếng như ở nhà anh trên Đà Lạt. Vả lại, loại thơ này cũng khó để đọc lên bằng miệng, nghe bằng tai. Anh Huynh sửng sốt, đọc đi đọc lại mấy lần. Anh bảo đưa cho anh một bản chép tay, về lại Đà Lạt anh sẽ đánh máy chữ giúp cho.
Sau đó, cuộc rượu vẫn tiếp tục. Trên gương mặt anh Huynh, càng hiện rõ tâm trạng buồn bực, bức bối, đau đời vốn có ở anh.
Lúc tiễn anh Nguyễn Huynh lên lại Đà Lạt, có lẽ cũng đã ba giờ chiều. Nắng vẫn còn vàng ấm, chưa se lạnh.
- Huyên làm thơ như bài mới nhất vừa rồi, anh thấy sẽ phiền hà lắm đó. Không khéo Huyên sẽ về Huế chơi với Trần Vàng Sao! Huyên đừng tưởng là trong đám học sinh, trong cán bộ công nhân viên nhà trường, không có PA.25! – Anh Huynh cười, trấn an Huyên sau câu nói thật –. Nhưng đã sinh ra làm thằng làm thơ, viết văn thì phải chấp nhận tai hoạ. “Chữ tài liền với chữ tai một vần” mà!
Anh Huynh ngồi lên xe, nổ máy.
- Huyên nhớ Trần Vàng Sao không? Tay đó khổ một đời vì thơ! Anh cũng vậy, Huyên cũng vậy. Mỗi đứa khổ một cách.
- Vậy thì, anh đừng đánh máy chữ bài thơ đó nữa. Anh xem một mình thôi nghe!
Huyên cảm thấy hơi sợ trong lòng, mặc dù biết nội dung bài thơ chẳng có gì phải đáng sợ. Huyên những muốn lấy lại bài thơ Huyên đã chép tay đưa cho anh Huynh giữa cuộc rượu vừa rồi, vì với bản tính nghệ sĩ, biết đâu anh ấy vô tư, hứng chí cho người này, kẻ khác xem. Nhưng anh Huynh đã nói:
- Huyên yên tâm. Anh lên Đà Lạt lại đây!
Anh Huynh chìa tay. Huyên bắt tay anh. Hai bàn tay siết chặt, tin cậy. Ngay sau đó, anh Huynh rồ ga, vọt đi trên quốc lộ 20.
Khi quay bước vào sân trường, Huyên tự nghĩ, chẳng có gì đáng sợ cả, ở bài thơ ấy. Có lẽ nó không thể đăng trên báo, in vào sách được, trong bối cảnh hiện nay, nhưng hoàn toàn không có một chi tiết, từ ngữ nào có thể làm nhức mắt PA.25. Ờ, cũng có thể có, ở ít câu chữ cường điệu đen, tạo ấn tượng mạnh, nhưng Huyên không quả quyết đó là thực, để rồi kết thúc vẫn là khởi đầu một giai đoạn sáng tác với ý hướng sáng tạo mới: “... những gì là có thực? / tôi ngọng nghịu hỏi mình như trẻ thơ / và tập đọc lần thứ nhất / chữ A / ngơ ngác / chữ A / môi run hạnh phúc”.
Phải đặt mỗi chữ, mỗi hình ảnh thơ trong chỉnh thể bài thơ, không nên tách ra để suy diễn. Hỡi những kẻ có quyền lực, những kẻ có chức năng theo dõi, hãy hiểu giúp điều đó cho bao người làm văn chương! Huyên muốn nói như vậy. Nhưng Huyên lại chợt giật mình khi thấy nấm đất trồng hoa cỏ giữa sân trường, Nho cho học sinh đắp đắp và ươm tưới, để tạo cảnh quan như thể công viên, sao từa tựa nấm mộ Đạm Tiên!
4. Những ngày sau đó, Huyên nghĩ đến Hồng Vàng, và tự hỏi: liệu Hồng Vàng sẽ cảm nhận như thế nào nếu đọc được bài thơ ấy. Chẳng phải là Huyên và cả Hồng Vàng nữa, từng mơ ước là văn chương nước mình sẽ được vận động, phát triển đúng với quy luật hơn đó sao! Chẳng phải Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến và cả Tố Hữu, quan trọng nhất là Tố Hữu với bài thơ “Đêm cuối năm”, đã mở ra một trào lưu sáng tác mới mẻ, chân thực hơn trước đó sao! Đúng rồi, chân thực. “Đêm cuối năm” không hay, không mới về thi pháp, nhưng chân thực hơn vì đời thường hơn, con người hơn – con người có khi đối diện với cái tôi cô đơn của chính mình, chứ đâu phải cứ luôn luôn là con người của tập thể.
Ở nước ta, sự thể là thế. Mỗi người sáng tác không thể là một chủ thể sáng tạo độc lập có tính mở đường. Tất cả phải chờ ở “tiếng chim đầu đàn”! Nay “tiếng chim đầu đàn” đã phát tín hiệu đổi mới, cho phép mỗi cánh chim có những phút tách khỏi đội hình tập thể, sống với cõi riêng của nó! Không biết đó là sự đổi mới với ý thức tự giác, thấy cần phải đối diện với cái tôi riêng tư, hay là do sức ép từ bên dưới tác động ngược lên trên, thể hiện ở Tố Hữu từ “Đêm cuối năm”, 31-12-1981!
Ở nước mình, sự thể là thế! Bất kì sự sáng tạo đột phá nào cũng cần đến những người bảo trợ tinh thần, những người chịu làm tấm mộc che đỡ. Người ta cũng không muốn những kẻ không đáng tin tưởng lắm về lý lịch lại dám làm Phùng Quán, Hữu Loan, Boris Pasternak, Solzhenitsyn, thậm chí chỉ là người cầm bút phản biện với ý thức xây dựng! Thật ra, Huyên chỉ là người làm thơ bị khủng hoảng về phương pháp sáng tác mà thôi!
Huyên cũng muốn chép bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” để gửi Hồng Vàng, nhưng rồi anh ngại phiền hà, rối rắm cho cô sinh viên năm thứ nhất ấy.
Thầy giáo Huyên cũng có ý đợi anh Lê Thừa Ích, hiệu trưởng, nói cảm nghĩ của chính anh về bài thơ thế thái nhân tình của Tố Hữu, nhưng từ trước Tết Nguyên đán mãi đến sau Tết hơn hai tháng, anh Ích vẫn không nói gì. Anh ấy là một người kín kẽ!
Huyên cảm thấy không dám chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp, cho dù đã có những kỉ niệm phấn trắng bảng đen, những lần ngồi quán cà phê, dăm cuộc rượu nhỏ rất thâm tình với nhau:
"ĐÊM UỐNG RƯỢU Ở TRƯỜNG, DẶN NHAU" - 1982
một dĩa cải chua, vài con khô cá
chạy được chai rượu đầy, sẵn cái chén mẻ,
cũng hay!
ba thằng giáo chuyền tay vầng trăng nứt
nhớ nước mắt đừng rơi, xin ấm góc trời này!”
Huyên làm thơ về nhóm bạn giáo viên của mình với ước muốn xin giữ ấm góc trời dạy và học. Đó cũng chính là lý do để Huyên không chia sẻ với đồng nghiệp bài “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”, mà chỉ chia sẻ với bạn văn chương là anh Nguyễn Huynh.
Thậm chí, bài thơ này của Huyên, anh cũng cất giấu dưới đáy va ly, sợ Bùi ở cùng phòng, tình cờ đọc thấy. Huyên bắt đầu có cảm giác lo sợ của một người cầm bút cất giấu bản thảo... quốc cấm! Trạng thái tâm lý thường vượt trên mức của sự tự nhận thức, mức tình trạng thực tế một cách thái quá! Đầu óc tự biết là bài thơ ấy chẳng có gì đáng ngại, thế mà cũng lo sợ đến hoang mang, tự đốt đi rồi tự chép lại, sợ cả bạn cùng phòng! .

Trần Xuân An 
Theo http://www.tranxuanan-writer.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh 11 Tháng Mười, 2022 Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chấ...