Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Về vai trò của người nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng

Về vai trò của người nhạc trưởng 
trong dàn nhạc giao hưởng
Nếu tay trái nhạc trưởng chuyển động như đang vuốt ve một con mèo, đấy là lúc nhạc công được yêu cầu chơi đều ở một nhịp độ nhất định. Nếu tay trái đưa giật giật như thái dưa chuột, họ không được phép chơi “bình bình” nữa.

Những tháng mùa hè là thời điểm cao điểm của vô số buổi diễn âm nhạc. Khi thưởng thức buổi diễn của một dàn nhạc, có bao giờ bạn băn khoăn về vai trò của nhạc trưởng (conductor) và cây đũa (baton) của ông ta?
Christopher Seaman, nhạc trưởng của dàn nhạc Rochester Philharmonic và cựu chỉ huy trưởng của Dàn nhạc giao hưởng BBC Scotland mới đây vừa ra mắt cuốn sách về vai trò và ảnh hưởng thực sự của người nhạc trưởng, mang tựa “Inside Conducting”.
Người ta nói, Beethoven đã nhiều lần làm hỏng các giao hưởng của mình vì muốn tự chỉ huy, thậm chí khi ông đã điếc hẳn. Nhạc công vì vậy đã thỏa thuận đánh theo bè trưởng violon I, không nhìn theo đũa chỉ huy của Beethoven. Từ đây có thể hiểu, người chỉ huy phải nhìn và nghe được, phải có phản xạ nhanh và có tố chất truyền tải cảm xúc của mình đến các nhạc công. Nếu không có khả năng này anh ta sẽ không thể điều khiển và dẫn dắt dàn nhạc, chỉ đơn thuần là người đánh nhịp thay máy.
Theo Christopher Seaman, từ kinh nghiệm của một người gắn bó lâu năm với vai trò nhạc trưởng, là “sếp” của cả dàn nhạc thực sự là điều huyền bí, thậm chí đối với cả các nhạc sĩ. Nghệ sĩ dương cầm danh tiếng André Tchaikowsky từng nói ông chưa một lần nhìn vào các nhạc trưởng vì chẳng thể hiểu nổi họ đang làm gì.
Đa phần công việc của một nhạc trưởng được hoàn thiện trong hậu trường – ghi nhớ và tiếp nhận từng bản nhạc, tham dự nhiều buổi trình diễn và đạo diễn mọi buổi tổng duyệt. Nhưng mọi thứ bày ra trước mắt khán giả trên sân khấu lại thay đổi qua từng thời kỳ.
Vào thế kỷ 17 và 18, trong lĩnh vực thanh nhạc, các tác phẩm có nội dung tôn giáo được biểu diễn thường xuyên tại triều đình cũng như trong các buổi hòa nhạc. “Nhạc trưởng” không những dùng đôi tay mà thậm chí còn dùng một cuộn giấy tròn để chỉ huy. Trong lĩnh vực nhạc kịch, thỉnh thoảng người ta sẽ cần đến 2 nhạc trưởng – để chỉ đạo phần hát của ca sĩ, hợp xướng và chỉ đạo phần dàn nhạc.
Vào thế kỷ 19, chức năng của một nhạc trưởng đã dần được định hình. Đây là thời kỳ chiếc đũa chỉ huy đã chính thức được sử dụng. Cho tới thế kỷ 20, dù cho một nhạc trưởng kỳ cựu có khả năng tập trung sự chú ý của cả dàn nhạc, những chuyển động vật lý từ cơ thể nhạc trưởng vẫn bị xem là khiến phân tán bản nhạc.
Khoảng năm 1950, trước ảnh hưởng của điện ảnh và truyền hình, công chúng bắt đầu đòi hỏi nhạc trưởng và nhạc công xuất hiện “đẹp tai, đẹp cả mắt”. Các nhạc trưởng và nhạc công thời nay còn hơn thế, họ di chuyển và cũng thể hiện cảm xúc nhiều hơn. Nhưng với mỗi ai là trưởng, họ đều nằm lòng một điều: Nếu anh vung vẩy quá tay, anh sẽ khích lệ toàn bộ dàn nhạc chơi nhiệt hơn, khi đó người ta chỉ còn nghe thấy tiếng trống và âm thanh của bộ gõ.
Với nhạc trưởng, đôi tay được xem là nhạc cụ quyền năng. Tay phải của nhạc trưởng thường nắm giữa chiếc đũa chỉ huy baton và giữ cho nhạc “sống”. Song, các nhạc trưởng không bắt buộc cứ phải bám dính đến chiếc baton. Tùy thuộc vào số chỉ nhịp của bản nhạc mà nhạc trưởng sẽ thể hiện các hình nhịp khác nhau. Các hình nhịp này thể hiện một ô nhịp trong bản nhạc và cứ thế nhạc trưởng lặp lại động tác đó cho các ô nhịp sau. Đặc điểm chung các hình nhịp này là khi nhạc trưởng đánh phách đầu tiên thì vung tay xuống (Downbeat) còn phách cuối cùng thì vung tay lên (upbeat). Hai chuyển động ngược chiều này cực kỳ quan trọng vì nếu làm không đúng, nhạc công sẽ khó nắm bắt được nhịp điệu của bản nhạc.
Khi nhạc trưởng muốn bắt đầu chơi một đoạn nào đó, chiếc baton được hạ xuống, kết hợp với chuyển động nhẹ nhàng, chậm rãi của tay. Những nhân vật nổi tiếng với nghề chỉ huy nhạc như Pierre Boulez, Kurt Masur và Valery Gergiev thường không sử dụng chiếc baton. Tuy vậy, chiếc baton trên thực tế sẽ mang đến sự rõ ràng, chính xác hơn trong từng đoạn nhạc và giúp nhạc công tự tin nắm bắt và chơi được nhịp điệu của bản nhạc.
Một chiếc baton tốt là một trong vài mấu chốt tạo nên sự khác biệt. Một số chiếc baton quá nhỏ sẽ khiến việc cầm nắm được nó là cả một vấn đề. Mồ hôi ra trơn tay cũng là một bất lợi. Mọi chấn thương hay việc chuyển động khó khăn ở tay cũng sẽ khiến toàn bộ dàn nhạc “hứng đủ” khi chơi.
Tay trái của nhạc trưởng ngoài chức năng điều khiển về nhịp như tay phải, nó còn có vai trò chính là biểu lộ “nhạc cảm” của người chỉ huy. Ví dụ tay trái sẽ thể hiện âm sắc, cường độ của bản nhạc, cũng như chỉ huy một câu nhạc. Nếu tay trái chuyển động như đang vuốt ve một con mèo, đấy là lúc nhạc công được yêu cầu chơi đều đều ở 1 nhịp độ nhất định; nếu tay trái đưa giật giật như kiểu thái dưa chuột, họ không được phép chơi “bình bình” nữa.
Để tăng sự hiệu quả, nhạc trưởng phải dùng mắt ra tín hiệu “khi nào chơi” và “chơi như thế nào” cho các nhóm nhạc công hay các người chơi solo. Trong mỗi buổi tổng duyệt, các tín hiệu từ mắt nhạc trưởng là thứ chủ đạo để kết nối mỗi nhạc công. Những nhạc công ngồi ở phía xa nhạc trưởng thường “mong chờ” những ánh mắt “hiếm có” của các nhạc trưởng.
Những nhạc trưởng vĩ đại làm việc chăm chỉ, kết hợp năng khiếu, sự khổ luyện và cả lòng đam mê. Có những thứ trên sàn diễn âm nhạc không bắt buộc cứ phải qua đào tạo mới có được.

Nhạc trưởng người Áo Herbert Von Karajan, từng là giám đốc nghệ thuật và chỉ huy chính của dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmoniker – ngôi vị cao nhất của làng chỉ huy thế giới. Ông luôn chỉ huy thuộc lòng tất cả các tác phẩm. Có lần ông tổng duyệt 3 tập opera “Nhẫn Nibelung” (kéo dài 3 ngày) của R.Wagner, một nữ vai chính giọng soprano đang hát aria, ông đã dừng lại và sửa: “xin lỗi, bà đã ngân không đủ dài nốt rê bemol đen chấm dôi”.
Người nhạc trưởng thường được gọi là Conductor, khác với Music director, người không chỉ đóng vai trò chỉ huy các buổi hòa nhạc, mà còn lãnh đạo và quản lý, thuê-sa thải nhạc công hay tìm tài trợ cho dàn nhạc. Có một danh xưng đặc biệt để bày tỏ lòng tôn kính cũng như sự ngưỡng mộ tài năng của một nhạc trưởng. Họ được xưng là Maestro. Maestro Carlo Maria Giulini từng nói với nhạc trưởng Seaman “Nghề chỉ huy… là thứ nghệ thuật thần bí. Tôi không biết mình làm gì ở trên sân khấu nữa”.

Tại Nhạc viện Tchaikovsky và các nhạc viện trên thế giới, những thí sinh thi vào học chỉ huy thường đã tốt nghiệp một chuyên ngành như piano, violon, chỉ huy hợp xướng, sáng tác hay kèn hoặc các nhạc công đã chơi trong dàn nhạc lâu năm. Nhạc viện Tchaikovsky mỗi năm chỉ tuyển 2 hoặc tối đa là 3 sinh viên chỉ huy vì dàn nhạc ở Nga cũng không nhiều. Các sinh viên mỗi năm được làm việc với dàn nhạc 1 tuần, ngoài ra họ có thể tham dự và theo dõi các buổi tập của các chỉ huy nổi tiếng.


22/4/2019
GAFIN,WSJ/DVO
Theo https://redsvn.net/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...