Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Những âm thanh đồng vọng

Những âm thanh đồng vọng

Tôi có lẽ là lứa học trò Sơn Tây cuối cùng đến gặp thầy Ý (họ tên đầy đủ của thầy là Hứa Như Ý, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp III Sơn Tây những năm sáu mươi của thế kỷ XX). Khi tôi bước chân vào trường cấp III, ngay cả thầy hiệu trưởng đương nhiệm cũng không biết gì ngoài tên tuổi của thầy Ý trong kỷ yếu nhà trường. Duyên cớ tôi đến gặp thầy Ý là do hồ sơ thi tuyển vào trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội của tôi có trục trặc...
Tôi cầm lá thư viết tay của nhà văn Đỗ Doãn Quát, đi cũng với người cháu của ông Quát là nhà thơ Đỗ Doãn Dương. Chúng tôi đến địa chỉ thầy vừa chuyển về là Khu tập thể Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, nhà Z8, phòng số 5. Căn nhà này nằm ngay sau Bộ Giáo dục và Đào tạo bây giờ. Sau thời gian công tác ở Sơn Tây, thầy Ý được “Bộ” rút về “Vụ đào tạo” (Bộ đại học và Trung học Chuyên nghiệp lúc bấy giờ ở số 9 Phố Hai Bà Trưng). Đọc qua lá thư, thầy Ý bảo: Cháu là học trò Sơn Tây à… Rồi thầy để tôi ngồi lại một mình trong phòng khách.
Ngồi trên ghế mà lòng tôi bồn chồn không yên. Tôi nóng ruột vì thầy Ý chẳng hỏi han gì tôi thêm cả. Mùa tuyển sinh đã bắt đầu. Số phận tôi sẽ ra sao nếu tôi không được đi học… Nhà văn Đỗ Doãn Quát là học trò cũ của thầy Ý ở Sơn Tây. Đất Sơn Tây được thầy Ý ấn tượng là vì bản thân thầy vốn là học viên sỹ quan của trường Lục Quân (đóng trên đất Sơn Tây). Sau “hành trình Tây tiến”, năm 1954, thầy Ý ra quân, học Đại học Sư Phạm rồi được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường Cấp III. Sơn Tây khi ấy là một vùng “tề” điển hình. Sau hoà bình lập lại, chính nguyên nhân này dẫn đến việc xét tuyển lý lịch học sinh vào đại học rất ngặt nghèo. Rất may lại là thời điểm thầy Hứa Như Ý làm hiệu trưởng. Cho đến hôm nay, rất nhiều thế hệ học trò trong những năm tháng ấy đều được thầy Ý bênh vực, đặc biệt là nhưng học sinh giỏi nhưng “lý lịch gia đình có vấn đề”, nhiều người sau này trưởng thành, là trụ cột của rất nhiều bộ môn trong các trường đại học vẫn mang ơn thầy. Thầy Ý được mệnh danh là “Mạnh Thường Quân của kẻ sỹ”.
Hôm tôi nhập trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, thầy Ý bảo: Bác rất thích học văn mà nhà trường lại xếp bác vào Khoa Sử. Theo bác, cháu nên học Khoa Triết. Văn học nước mình hầu như “không có triết học”! Sau năm năm đèn sách ra trường rồi cũng chẳng để làm gì. Nhiều đêm nhớ đến thầy Ý, lại buồn. Tôi đã được thầy nâng đỡ và kỳ vọng nhưng kết cục lại chẳng ra sao cả. Tôi học được ở thầy rất nhiều đó là thời gian học Đại học ở Hà Nội mà gia đình thầy, bản thân thầy là chỗ tựa cho tôi trong suốt những năm tháng gian khó nhất cuộc đời. Và cho đến tận bây giờ, khi thầy đã qua đời gần hai mươi năm, cách sống của thầy để lại trong tôi và rất nhiều thế hệ học trò Sơn Tây những ấn tượng tốt đẹp. 
Lần đầu tiên tôi có ý thức về sách vở là do một tập truyện bố tôi mua về, năm ấy tôi chưa biết đọc. Tập chuyện có tiêu đề “Bố Cái đại vương” hình như tác giả là Hà Ân thì phải (nhiều năm sau tôi để ý nhưng không thấy tái bản). Tôi nhờ anh tôi đọc và được biết quê hương mình có một anh hùng như thế. Chín, mười tuổi phải đi kiếm củi giúp mẹ, lang thang trên những quả đồi, những cái tên Viễn Sơn, Nghẽn Sơn, Đồi Cấm, Vũng Hùm… đã in vào tuổi thơ tôi hình ảnh người anh hùng đánh cọp rồi dựng cờ khởi nghĩa chống xâm lược phương Bắc. Nếu không có văn chương có lẽ nhiều năm sau tôi mới ý thức được vùng đất dưới chân mình.
Mười ba, mười bốn tuổi tôi phải chứng kiến chiến tranh bằng B52 của Đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội. Sơ tán về làng tôi là “Cơ quan văn nghệ”. Cả làng tôi xẻ cửa xẻ nhà cho đồng bào sơ tán. Ở ngay trong nhà tôi là nhạc sỹ Hoàng Hiệp và nhà văn Khương Minh Ngọc. Đối với nhạc sỹ Hoàng Hiệp tôi có một kỷ niệm mà bây giờ nghĩ lại thấy vui vui. Hôm ấy anh tôi mượn ở đâu được cây đàn ghi-ta. Anh tôi đi vắng tôi mang đàn ra chơi. Thấy tôi ôm cây đàn bật dây lung tung. Nhạc sỹ Hoàng Hiệp đến bảo: Cho chú xem nào, đàn của cháu “sai dây” rồi! Nhạc sỹ lên lại dây rồi đưa cho tôi. Sau khi bật dây, tôi khăng khăng: Chú lên dây cho cháu sai hết cả rồi! Ai lên dây đàn cho cháu? Chú cháu ạ. Chú cháu làm gì? Chú cháu đang đi học cấp III ngoài thị xã. Nhạc sỹ ôn tồn bảo tôi: Có thể chú lên dây sai nhưng cháu có biết nốt nhạc nào đâu mà biết chú cháu lên đúng! Tôi ngớ người, quả là tôi có biết nốt nhạc nào đâu và, tôi không biết ngồi trước tôi là một nhạc sỹ tài danh mà lúc bấy giờ ông đã có những ca khúc “Sống mãi với thời gian”.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không thấy xấu hổ bởi sự ngộ nghĩnh đáng yêu của một đứa trẻ nhà quê như tôi. Khoảng những năm hai nghìn tôi gặp lại con trai nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Anh đang đi làm truyền hình cho một hãng nào đó. Tôi đã kể cho anh nghe câu chuyện này coi như là một lời tạ lỗi với nhạc sĩ.
Khác với Hoàng Hiệp, ông Khương Minh Ngọc hay ngồi “xếp bằng tròn” trên phản nhà tôi im lặng hàng giờ đồng hồ nhìn ra ngoài sân nhưng chẳng biết ông đang nhìn cái gì cụ thể. Ngồi chán lại hý hoáy viết. Một hôm nhân lúc nhà văn đi ra ngoài tôi lẻn vào xem ông viết cái gì. Trên mặt “giấy giang” (giấy rất xấu ta sản xuất trong thời chiến) những dòng chữ mực xanh “Cửu Long” đều đặn hiện lên. Tôi đọc được vài trang và đoán đó là câu chuyện ông viết về một vùng nào đó trong chế độ Nguỵ Sài Gòn… Tôi không bao giờ được gặp lại nhà văn Khương Minh Ngọc, ông mất năm 1994. Trong “Nhà văn Việt Nam hiện đại” cũng chỉ có vắn tắt mấy dòng, được biết có thời kỳ ông đã làm việc ở báo Văn nghệ… Song, những trang bản thảo của ông thì không bao giờ tôi có thể quên được. Chẳng hiểu sao ngay lúc bấy giờ, nâng trên tay những trang bản thảo ấy tôi đã có một cảm giác rất thiêng liêng. Những trang bản thảo đơn sơ nhưng nhọc nhằn của lao động nghệ thuật, những tác phẩm để lại cho đời bắt đầu chỉ giản dị và lặng lẽ như vậy.
Trong những năm tháng ấy làng tôi nhộn nhịp các nhà văn nghệ, ngay trong ngõ nhà tôi có hoạ sỹ Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến (cả xóm gọi là ông Hiến Tây), Nguyễn Đỗ Cung, trẻ con chúng tôi gọi ông là Bác Hồ (vì ông giống Bác Hồ). Ông xua tay: Ấy chết, không được gọi bác như thế! Xóm bên là nhà thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... Tôi đưa các ông đi chơi khắp làng. Kể bao nhiêu chuyện ma mạn đang ẩn náu trong các khu vườn rậm rạp… có điều lạ là các ông lắng nghe và nhiều lúc thích thú. Tôi là đứa trẻ nhà quê, còn nhỏ, sau này trong chương trình học, được học tác phẩm của các ông. Biết các ông là những người khai sinh ra nền văn học mới, thấy mình quá liều lĩnh vì dám kể chuyện cho các nhà văn nghe… Những lúc rảnh rỗi tôi thấy các ông uống rượu, uống rượu với ổi xanh, với thịt cóc, uống rượu với cả thịt ốc sên…
Hàng ngày tôi hay đi chơi với anh Lưu Trọng Nông (em của Lư Trọng Văn, anh của Lưu Trọng Ninh, các con trai ông Lưu Trọng Lư). Anh Nông suốt ngày vẽ, lúc thì bút chì, lúc thì màu nước. Thỉnh thoảng anh cho tôi tờ giấy và dạy tôi vẽ phong cảnh, đôi khi được khen… Sau này, anh Nông đi bộ đội rồi hy sinh tại chiến trường miền Nam. Vài năm gần đây, Lưu Trọng Ninh thành công trong điện ảnh, tôi lại tiếc cho Lưu Trọng Nông, nếu như không hy sinh biết đâu hôm nay chúng ta sẽ có một họa sĩ tài danh!
Nhà thơ Quang Dũng không trọ nhà ai, ông ở trong một ngôi điếm cổ. Tôi còn nhớ hình ảnh ông Quang Dũng cao to, lẫm liệt. Có một người mảnh mai, thư sinh hay đến chơi với ông, sau này tôi được biết đó là nhà thơ Ngô Quân Miện. Ông Dũng để râu nhưng tính tình hiền lành. Thỉnh thoảng tôi đến, ông kể cho tôi nghe chuyện Rô-bin-sơn Crut-xô. Có điều đặc biệt là mấy hôm sau đến, ông lại kể tiếp mà không bao giờ hỏi đã kể đến đoạn nào rồi nhỉ. Tôi mê ông Quang Dũng hay mê văn chương ông kể. Không biết nữa, đến bây giờ thì tôi bảo: tôi mê cả hai, nhà thơ Quang Dũng và Rô-bin-sơn Crut-xô! Tôi là đứa trẻ đến với văn chương bằng các tác phẩm “xuất bản mồm” như thế. Cho đên tận bây giờ, tôi chưa bao giờ kiên nhẫn để kể một chuyện dài cho đứa trẻ nào. Chẳng biết có phải không có đứa nào muốn nghe bởi tôi kể không hay, hay vì lý do nào khác. Tại sao Quang Dũng lại kể cho tôi nghe câu chuyện trong một tháng trời như thế... Tôi đã có một cơ may trong đời!
Sau đó tôi đâm ra mê sách. Trong làng, có một người thợ mộc. Cuộc đời làm thợ của ông vụng về không không có gì đáng nói, nhưng cho đến bây giờ dân làng vẫn không quên ông bởi ông là người duy nhất sở hữu bộ “Tam quốc diễn nghĩa” trọn bộ 13 tập, xuất bản năm 1962. Có thể nói đây là bản in đẹp nhất từ trước đến nay. Nghe nói sau khi mua sách, hai vợ chồng ông lục đục vì bỏ ra một khoản tiền quá lớn so với thu nhập gia đình ông. Và cả làng coi ông ta là… dở hơi! Ông mê “Tam quốc” nên quí bộ này lắm, Không ai có thể mượn trừ tôi. Ngày ấy đói lắm, cả làng đói, cả nước đói. Tôi đã nhịn phần khoai, sắn của mình mỗi sáng để đem đến cho anh con trai người thợ mộc. Ăn xong khoai, anh ta bảo: Cứ về đi, đợi tí nữa bố tớ đi làm tớ lấy cho mượn. Lát sau tôi đến, anh ta rầu rầu bảo: Bố tớ đem chìa khoá tủ đi rồi… Khoảng ba, bốn sáng như thế mới được một tập. Tôi đã đọc xong bộ “Tam quốc diễn nghĩa” 13 tập như thế. Sau này mỗi lần tái bản, tôi lại mua một bộ. Ba bốn bộ trên giá sách nhưng không bộ nào in đẹp như bộ “Tam quốc” đã đọc thủa đầu đời.
Không hiểu tại sao trong thời buổi “gạo sổ, cơm chia” mà gia đình thầy Ý lại chấp nhận được tôi trong suốt 5 năm học đại học. Hễ thứ bảy, chủ nhật không về nhà là tôi về thầy Ý để… ăn ghẹ bữa cơm. Ở trường tôi có 17 kg lương thực, thời gian này là “đáy” của chế độ bao cấp nên nhà bếp ăn hết cả khẩu phần lương thực của sinh viên. Thầy Ý thì hiểu điều đó, có lần lâu lâu không về, thầy đến tận ký túc xá Mễ Trì đón tôi về vì ngày mai trong nhà có… bữa tươi!
Tôi đã tự lắp mình như một thành viên trong gia đình thầy Ý. Tất cả những việc xây dựng tôi đều cáng đáng hết. Thợ xây vốn là nghề kiếm được miếng ăn đầu đời của tôi. Với nghề này sau khi tốt nghiệp đại học và thất nghiệp, tôi đã lang thang cùng với một tốp thợ dọc ngang khắp núi Tản Viên. Chính những hiểu biết về vùng đất này làm nền cho tôi viết những truyện ngắn sau này! Tôi xây từ chuồng lợn đến chuồng gà, vẩy thêm cái trái bếp, cơi nới cái buồng… Hôm hoàn thành chiếc bể đựng nước, thầy Ý vô cùng phấn khởi. Thầy bảo: Từ nay có thể chấm dứt cái cảnh chầu trực đến gần sáng để đợi cái vòi nước ro re chảy như cái b… trẻ lên ba!
Vài năm sau, bác Ngọc - vợ thầy Ý, một cô gái Hà Nội chính gốc nhà ở ngõ Thông Phong, phố Hàng Bột (nay là đường Tôn Đức Thắng). Bác là giáo viên, khi nghỉ hưu mở ra bán xôi sáng cho sinh viên Đại học Bách Khoa. Hôm nào đi bán xôi về thầy Ý cũng hỏi: Hôm nay em được lãi bao nhiêu, và lần nào thầy cũng cằn nhằn: Sinh viên nó có tiền đâu mà em bán đắt cho chúng nó thế! Lần nào cũng “lời qua tiếng lại” về vấn đề này. Tôi học Khoa Triết nhưng về nhà thầy bao giờ thầy cũng nói chuyện văn chương. Thầy Ý là người có kiến văn, sức đọc rất rộng. Tôi không ngờ thầy lại là người nồng nhiệt và cuồng nhiệt cổ vũ cho cái mới. Một hôm thầy nhắn tôi về, vừa bước chân vào cửa thầy hỏi ngay: Cháu đã đọc chưa? Đọc cái gì ạ! “Khách ở quê ra”, một truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu in trên báo Văn nghệ… Rồi sau đó là Nguyễn Huy Thiệp, Trần Huy Quang… Thầy Ý cuốn vào công cuộc đổi mới văn chương từ lúc nào không biết. Thầy trở thành cộng tác viên Văn nghệ trong mục “nghị luận chính trị, xã hội”.
Một hôm thầy dẫn tôi đến báo Văn nghệ, Lần đầu tiên tôi đặt chân đến cửa ngôi nhà số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội. Tôi không dám bước vào bởi trong ấy là những nhà văn, nhà thơ đang làm việc. Chẳng hiểu sao tôi “sợ”, nỗi “sợ” cho đến bây giờ vẫn chưa rõ căn nguyên. Cũng là lần đầu tiên tôi thấy “sợ” một mảnh đất mặc dù đã học ở Hà Nội mấy năm trời. Tiễn thầy Ý ra cửa là hai nhà thơ, thầy Ý bảo tôi, đó là vợ chồng Bế Kiến Quốc, Đỗ Bạch Mai, tôi không biết họ chỉ đọc họ đâu đó… Cho đến những năm sau này, căn nhà cũ của báo Văn nghệ đã được nâng cấp nhưng cái mái nhà cấp bốn, lợp ngói Tây rêu phong vẫn đọng lại trong lòng tôi như một kỷ niệm đẹp đẽ một thời. Rồi một buổi tối, thầy Ý đưa tôi lên phố Bà Triệu. Hôm đó thầy có hẹn với nhà văn Trần Huy Quang. Anh Quang đang giúp vợ bán cà-phê trên hè. Nhà văn tiếp thầy Ý ở một cái bàn khuất dưới tán cây. Tôi ngồi im ngắm nhà văn. Ông này đã có những truyện ngắn và bút ký đi vào lòng người, đi vào lịch sử sáng tác văn học. Tôi không tìm ra được nét nào là của nhà văn, nét nào là người đàn ông như trăm nghìn người đàn ông khác trong thành phố này vào những năm tháng ấy. Và tôi hiểu đời sống đã tạo nên nhà văn, nhà văn và đời sống đang khát khao một luồng gió mới!
Một buổi chiều mùa thu tôi về nhà thầy Ý. Trong nhà bận rộn như sắp có một bữa tiệc. Sau đó tôi được biết. Thầy Ý về Thanh Hoá “kiếm được một con cầy”… Thế là tối đó Bế Kiến Quốc, Trần Huy Quang, Trúc Thông… tề tựu đến tận khuya. Căn nhà Z8, phòng 5 không phải chỉ là chỗ cho văn nghệ sỹ trò chuyện, mà còn là địa chỉ cho rất nhiều người, đặc biệt là người Xứ Thanh. Quê thầy Ý ở huyện Thiệu Sơn, nhớ mãi lần cháu thầy ra chơi. Người đàn ông này ngồi chật một cái ghế sa-lông cải tiến, mỗi lần anh cựa quậy tôi chỉ lo ngộ nhỡ cái ghế nó... gẫy, anh nói chuyện, tiếng anh ồm ồm vang cả nhà. Tôi nghe thầy Ý xuống bếp bảo: Em nấu cơm nhiều nhiều vào, cháu nó ở trong quê ra chơi. Bác Ngọc đon đả lên nhà đón cháu rồi mở cửa đi chợ. Tôi nhìn thấy bác Ngọc sửng sốt đứng lặng người nhìn đôi dép. Thanh Hoá vốn nổi tiếng về nghề cắt lốp ô-tô làm dép từ thời kháng chiến chống Pháp nhưng có lẽ chưa có đôi nào như đôi dép này. Nhìn đôi dép, tôi nghĩ nó phải được cắt ra từ lốp máy kéo hay xe tăng… để dành cho những đôi bàn chân ông “bồ tượng”! Lúc ngồi ăn mới thấy thầy Ý có lý, cháu thầy chỉ vài miếng và là hết một bát cơm. Sau khi làm năm bảy bát xoa bụng đứng dậy ra rít thuốc lào kêu xé lòng điếu. Thầy Ý bảo: Chỉ có những người như nó mới vật được trâu! Số là thế này, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, ở quê thầy Ý, nông dân đều cắt dây mũi trâu thả lên rừng để bảo vệ trâu không bị bom Mỹ. Nào ngờ bom đạn liên miên, đến khi bắt trâu về cày thì trâu nhà đã biến thành… trâu rừng. Nhìn những con trâu hoang dã, mắt long lên song sọc khi có người đến gần ai cũng hoảng. Chính cháu thầy Ý đã lên núi bắt lại toàn bộ đàn trâu về để cày cấy… Ở một khía cạnh nào đó tôi thêm hiểu thầy Ý, những con người có đủ sức khoẻ và nghị lực làm nên một thời “Tây tiến”!
Thầy Ý xa quê đã lâu, trong “Lịch sử Đảng Thanh Hoá” có ghi thầy là một trong những người tham gia Cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa (1945). Thầy kể với tôi ngày ra đi thầy là một thanh niên mới lớn, mặc quần đùi, tay cầm cái liềm… Sống ở nhiều nơi, riêng ở Hà Nội mấy chục năm trời nhưng trong lòng thầy vẫn đau đáu một miền quê. Theo dõi từ những sự việc nhỏ nhất, vui buồn với Xứ Thanh như chính người trong cuộc. Khoảng những năm tám mươi của thế kỷ trước. Trong một lần vô tình tôi thức dậy giữa đêm khuya, có lẽ khoảng một, hai giờ sáng. Tôi thấy tiếng bàn luận sôi nổi trong phòng. Hôm sau hỏi được thầy cho biết, hôm đó thầy đã tranh luận với ông Hà Trọng Hoà, nguyên Trung ương Uỷ viên, Bí thư tỉnh Đảng bộ Thanh Hoá, tìm một giải pháp đổi mới cho Thanh Hoá. Sau này trong những lần về Thanh, được biết dân của những huyện trồng mía trù phú ven sông Chu, sông Bưởi hôm nay… ngày ấy đã phải quét hạt vầu (một loại cây họ tre, nứa) để ăn chống đói. Cho đến bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên việc một cán bộ lảnh đạo cao cấp nhất tỉnh, rời Nhà khách chính phủ đến ngủ đêm và luận bàn “đại sự” trong ngôi nhà ở một khu tập thể như bao khu tập thể trong thành phố này.
Những năm sau cái hoạ “Đêm ấy đêm gì”, Phùng Gia Lộc đựoc vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc cưu mang. Phùng Gia Lộc về Thanh nhưng sống không yên bởi tai hoạ vẫn lơ lửng trên đầu. Phùng Gia Lộc lại ra Hà Nội, đến tá túc ở nhà thầy Hứa Như Ý. Thầy Ý lại về Thanh dàn xếp mãi để những người tiên phong “đổi mới” có thể sống yên ổn với cộng đồng.

Khoảng những năm chín mươi (TK XX) thầy Ý về nghĩ hưu, tôi về quê lam lũ với miếng cơm manh áo. Mỗi lần chợt nhớ tới thầy là nhớ đến thời kỳ sôi động của văn chương. Một lần về thăm thầy, được biết bác Ngọc bị “tai biến” nhẹ, không bán xôi sáng cho sinh viên nữa, hai ông bà chăm chút nhau. Trong một lần như thế bác Ngọc đợi mãi không thấy chồng mang mỳ lên. Bác bò xuống bếp thấy chồng ngồi ôm cây cột… Thầy Ý được đưa vào cấp cứu trong bệnh viện “Một Chín Tám”, chị Hà con gái thầy đang làm việc ở đây. Ngày nào bác Ngọc ở nhà cũng hỏi thăm tin tức. Cả nhà đều nói bác đã khoẻ, một vài ngày nữa xuất viện… Một hôm nóng ruột quá, bác Ngọc bò ra cửa gọi Xích-lô vào viện. Vào đến nơi, thầy Ý trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người vợ mà thầy hết mực yêu thương. Nghe kể lại, tôi chợt liên tưởng đến câu thơ của Quang Dũng: “… Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”… Tôi cúi đầu vĩnh biệt một con người hào hoa, phong nhã. Trong đám tang thầy có rất nhiều văn nghệ sỹ đến viếng… Nhiều lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, chính họ, những con người như thầy Ý một thời đã làm ra “Tây tiến” của Quang Dũng. Và lần đầu tiên tôi nghĩ mình đã có một tư duy triết học!
Làng Đường Lâm quê tôi có biết bao nhiêu chính khách đã đến, tôi không nhớ được ai cả. Song, có bao nhiêu văn nghệ sỹ đến thì tôi đều nhớ bởi tôi mê văn chương, âu đó cũng là cái lẽ tự nhiên ở đời. Mỗi nhà văn một tính cách, “lắm tài, nhiều tật” nhưng họ đều giống nhau ở chỗ cháy hết mình cho một khát vọng đã chọn. Cho đến hôm nay ai còn ai mất, ai đã để lại trong văn chương cho cuộc đời này như một giá trị cống hiến. Thật nghiệt ngã! Chúng ta đang dấn thân vào một cái “nghiệp dĩ”, đang đi trên một con đường nhưng không phải ai cũng đến đích. Công việc của mỗi nhà văn như đục vào đá làm bậc, thành con đường riêng mà đi lên. Ấy vậy mà cả người sáng tác và người yêu văn chương đều say mê nồng nhiệt. Họ là những người dự báo sự bất ổn của đời sống, tạo nên một làn sóng xã hội dẫn đến công cuộc canh tân đất nước.
21/2/2019
Hà Nguyên Huyến
Theo https://sontay.hanoi.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...