Chế Lan Viên đã nghĩ gì khi viết "Điêu Tàn"
Cùng các thi hữu, Chế Lan Viên đã dựng nên Trường
thơ loạn với những biểu hiện đầy đủ nhất của một trường phái thơ ca. Chế Lan
Viên nói riêng và Trường thơ loạn nói chung thực sự là những ngọn tháp, những đền
đài tỏa bóng trên đồng bằng Thơ mới và thơ trữ tình hiện đại Việt Nam.
1. Ta nghĩ gì khi đứng trước Điêu tàn và Chế Lan
Viên? Khi cảm nhận một dòng sông Linh quằn quại, những tháp Chàm rêu phong,
viên gạch cổ im lìm rụng vào lòng tháp lãng quên một buổi chiều cô tịch, những
nghĩa địa lạnh lẽo, những ma Hời “sờ soạng dắt nhau đi” cùng bao nhiêu xương trắng,
sọ não, máu huyết,… tôi đã run lên vì kinh sợ bởi trí tưởng tượng của Chế Lan
Viên.
Đó là một thế giới kinh dị, thoát thai từ nỗi bi hận khởi
sinh trong đau thương hủy diệt. Chiêm quốc, sự hiện hữu và cát bụi hư vô, thành
Đồ Bàn và những kí ức hưng thịnh, đổ nát,… là nỗi ngậm ngùi uất ức, là hoài nhớ
trong tuyệt vọng. Tất cả đã tái sinh trong Điêu tàn - tập thơ kinh dị
“tột cùng” của Chế Lan Viên (xuất bản năm 1937).
Cái tên Phan Ngọc Hoan mới mẻ, thanh tân, thoáng đạt và dịu
nhẹ quá, không hợp với thế giới Điêu tàn. Chế Lan Viên - “vườn hoa lan của dòng
dõi đế vương”, dường như mới là sự lựa chọn đích đáng nhất. Chế Lan Viên tạo dựng
nên Điêu tàn từ “tưởng tượng, hư cấu, siêu hình” (Hồ Thế Hà) hay
chính thế giới ấy đã hoài thai nên Chế Lan Viên - “một cái tháp Chàm chắc chắn
và lẻ loi, bí mật” (Hoài Thanh - Hoài Chân).
Điêu tàn mở ra một thế giới chưa từng có, đã mất đi hay
hiện hình ở cõi khác nhưng quả là kinh dị và lạ lẫm với những gì chúng ta từng
trải nghiệm. Cũng từ thế giới ấy, Chế Lan Viên xuất hiện. Không mấy ai còn ý định
đi tìm xem Chế Lan Viên tên thật là gì, quê quán gốc gác ở đâu. Tất cả dường
như là một sự “mê tín” (R.Barthes).
Người ta biết Chế Lan Viên bởi vì có Điêu tàn cũng
như người ta thấy hiện hữu những điều kinh dị, quái đản nhất từ tác phẩm ấy. Điêu
tàn kiến tạo nên Chiêm quốc tiêu vong, đổ nát, nơi có những u hồn réo gào
khóc thương dĩ vãng, vất vưởng, quờ quạng đi trong bóng thành quách hoang vu, đầy
xương lạnh và máu huyết. Cũng chính từ Điêu tàn mà chúng ta có Chế
Lan Viên.
Quảng Trị, một vùng đất nghèo cằn cỗi, chỉ giàu nắng gió và
cát bỏng lại có một huyện mang cái tên thật dịu ngọt: Cam Lộ. Phải chăng con
người nơi đây đã gửi gắm tất cả ước mơ về cuộc sống đỡ cơ cực hơn qua tên đất,
tên làng của mình? Phan Ngọc Hoan - Chế Lan Viên sinh ra tại mảnh đất ấy, năm
1920.
Suối nguồn của niềm mong ước ngọt lành đã len thấm vào tâm hồn
Phan Ngọc Hoan, tưới tẩm cho hạt giống mộng mơ để một mai nảy nở trên điêu tàn.
Rời Cam Lộ theo cha (cụ Phan Ngọc Trân) vào Bình Định sinh sống, thể xác và
linh hồn Phan Ngọc Hoan tiếp tục được nuôi dưỡng bằng tất cả tiềm năng/ dị năng
của xứ sở, hoài sinh nên một cốt cách thi ca “phi thường”, xứng đáng là một
trong tứ trụ của Trường thơ loạn, được xếp vào “Bàn Thành tứ hữu” của thi ca
Bình Định.
Nổi tiếng thông minh từ bé, trải qua trường Tiểu học Pháp Việt
Bình Định, trường Trung học phổ thông Quy Nhơn, Cao đẳng Tiểu học, khi cộng tác
cùng các báo Tin văn, Tiểu thuyết thứ bảy, Trong khuê phòng, Ngày nay, Người mới,…
Chế Lan Viên càng tỏ rõ tinh anh của mình. Tất cả dồn tụ lại và biểu hiện trong
thi ca ngay từ những năm tháng còn rất trẻ.
Sự kiện đáng chú ý nhất không chỉ đối với Chế Lan Viên mà với
cả nền Thơ mới Việt Nam là sự ra đời như “một niềm kinh dị” của tập Điêu
tàn năm 1937. Người ta bắt đầu biết đến chàng thi sĩ trẻ tuổi của thành Đồ
Bàn, tên tuổi chàng bay thấu trong Nam ngoài Bắc. Cũng từ đấy, khi đã định hình
phong cách thơ kinh dị của mình, Chế Lan Viên cùng Hàn Mặc Tử đã lập nên Trường
thơ loạn mà khí hậu bao trùm là điên - loạn (sau đó kéo thêm Bích Khê, Hoàng Diệp,
Yến Lan, Quỳnh Dao).
Ở đó, Điêu tàn, hủy diệt là cội nguồn của loạn; Đau
thương là huyết mạch của Thơ điên (Hàn Mặc Tử); “vẻ đẹp khiêu dâm”, ái
tình là căn nguyên của cuồng (Bích Khê - Tinh huyết, Tinh hoa); sắc thái thê
lương thoi thóp là hình bóng của lụi tàn (Hoàng Diệp - Xác thu)…
Những nguồn thi cảm nảy sinh nơi đỉnh ngọn thương đau, khắc
khoải trên đổ nát tiêu vong định hình những cá tính thơ dị biệt, làm nên sắc
thái không nhòa lẫn trong đời sống thi ca Việt Nam thuở ấy. Hoài Thanh - Hoài
Chân đã thật tế nhị và kín đáo khi nhận xét về Chế Lan Viên rằng: “Giữa đồng bằng
văn học Việt Nam ở nửa thế kỉ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm chắc
chắn, lẻ loi và bí mật”.
Hẳn hai tác giả của Thi nhân Việt Nam đã dựa trên một đặc
trưng trong kiến trúc của các Kalan Chăm là xây dựng trên các ngọn đồi cao với
xu hướng vươn lên chiếm lĩnh không gian,… Một sự so sánh thật có ý nghĩa khi
nghĩ về Chế Lan Viên và sự nghiệp thi ca cũng như những đóng góp to lớn mà tác
giả đã để lại cho nền văn học dân tộc.
2. Chế Lan Viên đã nghĩ gì khi viết Điêu tàn? Hay nói
cách khác, Điêu tàn cho thấy tư tưởng thẩm mĩ, nghệ thuật của Chế Lan
Viên thuở ấy ra sao? Phải thấy một điều rằng, tầm vóc tư tưởng quyết định tầm
vóc nghệ thuật của nhà văn. Tư tưởng nghệ thuật hiểu một cách giản dị là sự biểu
hiện tập trung, sâu sắc, thống nhất những kết tinh của tư duy và mỹ cảm, thái độ
và cảm xúc thông qua hệ thống ký hiệu thẩm mỹĩ.
Với Chế Lan Viên, những tuyên ngôn hết sức quyết liệt về thi
sĩ, thơ ca và công việc sáng tạo là một cách thể hiện quan niệm của ông về thế
giới, con người và hình thức của nghệ thuật. Khi Hàn Mặc Tử nói rằng thi sĩ là
loài thứ ba, “Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm sinh ra ở đời với
một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của
Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào hồn người ta
những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho rất tinh sạch”, thì Chế Lan Viên
cho rằng không thể so sánh thi nhân với người thường được: “Thi sĩ không phải
là người.
Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là
Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương
lai. Người ta không thể hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những
cái vô nghĩa hợp lý” (Tựa Điêu tàn).
Thi sĩ không phải là người thường, vì thế “làm thơ là làm sự
phi thường”, hướng tới những cái “tột cùng” có thể khác xa với cuộc đời mà người
thường thị kiến. Nhưng như chính thi sĩ đã lên tiếng, đó là những cái vô nghĩa
hợp lý bởi “cái gì nó nói đều có cả”.
Một điều cần phải nhận thức ở đây, đó là sự khác biệt của
tuyên ngôn nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật thuộc về ý
niệm (cái bên trong, diễn ra trong tư tưởng - “hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình
thức nghệ thuật”), tuyên ngôn là cái hiện hình thành lời, thành diễn ngôn về
nghệ thuật.
Tuyên ngôn nghệ thuật có thể được biểu đạt bằng nhiều hình thức,
nhưng rõ ràng nó chỉ được phát biểu khi đã thực sự chín về mặt quan niệm. Giữa
hai khái niệm này có nhiều điểm không thể rạch ròi và trong thực tế quan niệm
nghệ thuật là cốt lõi của tuyên ngôn nghệ thuật. Khi xem xét tuyên ngôn nghệ
thuật của Chế Lan Viên - như là một chỉ dấu của tư tưởng, chúng ta cần bao quát
quan niệm nghệ thuật rất khác thường của tác giả và những tuyên ngôn mang tính
chỉ dẫn, không nằm trong tác phẩm nghệ thuật.
Trước hết, tuyên ngôn nghệ thuật của Chế Lan Viên (trước Cách
mạng tháng Tám) biểu hiện trong lời tựa tập Điêu tàn như phần đầu đã
dẫn. Phần lớn tuyên ngôn mang quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên được biểu
hiện thông qua chú ý thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ, điểm nhìn nghệ thuật, sự tự biểu
hiện, hình tượng thế giới, các phương tiện, vật liệu kiến trúc nên thế giới nghệ
thuật, sự xử lý các phạm trù hiện thực và chiêm bao - mơ mộng, hiện tồn và siêu
hình, trạng thái hưng phế của nhân sinh - thế sự trong tập thơ Điêu tàn.
Ta thấy rằng chú ý thẩm mĩ của thi nhân hướng tới cái kỳ dị,
quái đản, cái ghê sợ khác thường. Đó là mĩ cảm của kẻ trót thác mình làm xác thịt,
xương tủy và máu huyết, làm ma Hời trên vùng đổ nát của Chiêm quốc. Như Hàn Mặc
Tử nhạy cảm với Đau thương, Bích Khê cuồng loạn vì Đẹp và Dâm, Chế
Lan Viên thấy mình bị chinh phục bởi sự kinh rợn của thế giới âm ty, địa ngục.
Những đầu lâu máu chảy, những xương óc rên rỉ, những đáy mồ
hoang lạnh, những đền đài lở lói,… đã lay động tinh thần thi nhân, thu hút cái
nhìn và tạo thành tình cảm thẩm mĩ, ý thức thẩm mỹ. Sự sáng tạo được phát sinh
trên nền tảng của ý thức thẩm mĩ ấy.
Như đã nói, với các nhà thơ thuộc Trường thơ loạn, tâm điểm của
địa hạt thẩm mỹ là đau thương, điêu tàn, cái chết, sự hủy diệt. Nhưng, ám ảnh hủy
diệt càng lớn, sự khát khao hồi sinh, tái tạo cũng càng lớn. Làm sống dậy một
thế giới đã tiêu trầm, hoang phế là một khát khao của thi nhân có thể đã được
nhen nhóm từ giọt Cam Lộ thuở nào. Dường như cấu trúc “tam vị nhất thể” của thần
Silva đã ánh hiện trong thi giới của Chế Lan Viên, kêu gọi một sự hồi sinh từ
trong hủy diệt.
Ta chợt nhận ra lẽ hóa sinh nơi “tột cùng” sự sinh diệt ấy:
cùng tắc biến, hợp rồi tan, tồn vong và hưng phế, cái nhất thời và cái vĩnh hằng
bất biến,… Nhưng dẫu sao, đằng sau mọi điêu tàn đổ nát, cái đẹp bị tiêu vong vẫn
là nỗi ngậm ngùi của kẻ mang niềm hoài cựu.
Chế Lan Viên có lẽ ảnh hưởng nhiều C. Baudelaire và E. Poe ở
khía cạnh mĩ học của cái xấu, cái ác, cái ghê rợn. Dẫu không bị nguyền rủa như
những tác giả Âu - Mỹ nhưng Chế Lan Viên đã đem đến làng thơ Việt Nam một sự
kinh hãi “tột cùng”. “Phi thường”, “tột cùng”, “phi lý đầy ý nghĩa”, và “cái gì
nó nói cũng đều có” chính là toàn bộ sự biện luận của thi sĩ về thế giới Điêu
tàn. Làm sống dậy thế giới âm ma ấy trong tư tưởng, thần trí của thi nhân khiến
mực là máu huyết tuôn chảy, ngọn bút đưa như một ánh gươm và trang thơ là một
không gian đầy hoang phế:
"Nền giấy trắng như xương trong
bãi chém
Bỗng run lên kinh hãi dưới tay điên
Tiếng bút đưa rợn mình như
tiếng kiếm
Nạo những thành sọ trắng của
ma thiêng"
(Tiết trinh)
Cái tôi mang tâm trạng loạn mê, cuồng hãi, “trửng giỡn”, tra
vấn, réo gào với yêu ma, xương vỡ, máu trào, là một nhân cách có tính đại diện,
là hiện thân của một quan niệm dị biệt về chất thơ, về thẩm mĩ mà Chế Lan Viên
tìm đến. Như một sự phản ứng với thơ ca lãng mạn có thể đã nhạt dần sức hấp dẫn,
thi sĩ lần tìm vào cõi giới của sự hủy diệt, khai thác chiều sâu của u linh và
nỗi sợ hãi, hú gào, kêu khóc, rên rỉ cùng cái chết, ôm ấp những bộ xương khô,
thủ thỉ cùng ma Hời vất vưởng.
Có lẽ, câu chuyện thi nhân nằm sâu dưới lòng đất để hấp thu
linh khí xứ Chàm đặng viết Điêu tàn chỉ là giai thoại, nhưng quả thật,
toàn bộ cõi giới ấy dường như được phục dựng từ lòng hoang mộ, từ nghĩa địa lạnh
giá, từ những cổ tháp âm u trầm mặc,…
Thi nhân nếu không phải là một người điên, người say, người
mơ, không phải là yêu, là tinh, là ma sao có thể cất chung tiếng nói cùng cõi
giới ấy. Điều đó ngỡ như giản đơn mà thật quan trọng trong trường hợp này.
Có lẽ, câu chuyện thi nhân nằm sâu dưới lòng đất để hấp thu linh khí xứ Chàm đặng viết Điêu tàn chỉ là giai thoại, nhưng quả thật, toàn bộ cõi giới ấy dường như được phục dựng từ lòng hoang mộ, từ nghĩa địa lạnh giá, từ những cổ tháp âm u trầm mặc,… |
Quyền lực của diễn ngôn này rõ ràng mang tính “áp chế” nhưng ngay đầu tác phẩm Chế Lan Viên đã nói “cái gì nó nói cũng có cả”. Vậy thì, biết phải làm sao? Đành mơ tiếp cơn mơ từ đáy huyệt, cho tủy xương thức dậy dưới bóng đền đài hoang loạn.
Thơ trữ tình Việt Nam đến những sáng tác của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… đã bước sang địa hạt của thơ tượng trưng và siêu thực. Cùng các thi hữu, Chế Lan Viên đã dựng nên Trường thơ loạn với những biểu hiện đầy đủ nhất của một trường phái thơ ca: lời tựa của Điêu tàn là tuyên ngôn thứ nhất; Điêu tàn, Đau thương, Tinh huyết, Tinh hoa, Xác thu là những thực hành nghệ thuật tiêu biểu; Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan, Hoàng Diệp là những yếu nhân của trường thơ đó. Chế Lan Viên nói riêng và Trường thơ loạn nói chung thực sự là những ngọn tháp, những đền đài tỏa bóng trên đồng bằng Thơ mới và thơ trữ tình hiện đại Việt Nam.
Tháp Nhạn - Tuy Hòa, Phú Yên,
tháng 5/2020
Nguyễn Thanh Tâm
NGUỒN:VNQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét