Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất
rõ.
Mai Văn Phấn
(Rút từ tập thơ “Bầu trời không mái che”
của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn, 2010)
Lời bình của Tuệ Mỹ:
Có thể nói, Mai Văn Phấn là nhà thơ có
duyên với thiên nhiên, hòa đồng, đằm sâu trong thiên nhiên. Ông còn được đồng
nghiệp coi là nhà thơ của sinh thái, giàu sắc màu vũ trụ. Bài thơ “Con chào
mào” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Mai Văn Phấn thể hiện đầy đủ
tinh thần này. Đây không chỉ là tác phẩm có bút pháp độc đáo, lạ, pha trộn hài
hòa giữa hiện thực và huyền ảo, mà nó mở lối dẫn bạn đọc vào/ về với thiên
nhiên bất tận; đồng thời, cho họ thấy được vẻ đẹp nguyên khởi, cảm nhận trọn
vẹn mạch nguồn cảm xúc của ông.
Hình tượng trung tâm của thi phẩm này là
con chào mào, được tác giả thể hiện ngay trong tiêu đề bài thơ. Với lối đặc tả
gần, khá kỹ, nhà thơ khắc họa hình tướng “Con chào mào” ngay từ câu thơ mở đầu
“Con chào mào đốm trắng mũ đỏ”. Ông cũng đồng thời đặt định vị trí “Hót
trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Hai câu thơ đã mở ra một khung cảnh
thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh
tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên
thanh sạch, mướt xanh. Đến câu thơ thứ ba của khổ thơ này là một bản ký xướng
âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”.
Nhân đây xin bàn rộng về cách “ký xướng
âm” trong thơ của Mai Văn Phấn. Ông là tác giả ít khi đưa trực tiếp những âm
thanh của đời sống vào trong tác phẩm. Qua khảo sát nhiều tập thơ của Mai Văn
Phấn cho thấy, hiếm khi ông sử dụng những tiếng động tự nhiên ở dạng nguyên sơ,
như tiếng meo meo (mèo kêu), gâu gâu (chó sủa), tắc tắc (thạch sùng), cạc cạc
(tiếng ngan), ò ó o (tiếng gà), leng keng (tiếng kẻng), bính boong (tiếng
chuông) v.v… Những âm thanh này thường được nhà thơ cho khúc xạ, hoặc tái hiện
bằng những hình ảnh phổ quát, biến dị. Ví dụ “Ta đem tiếng hót xuyên ngày
vào đêm” (Thay lời chim làm tổ); hay, “Ngày tràn đêm vỗ lên
bông” (Trương Chi)… Có thể nói, những âm thanh trong thơ Mai Văn Phấn là
những bông hoa “giấu mặt”, một kiểu buông “thả” theo cách của riêng ông.
Nhưng ở bài thơ “Con chào mào”, bạn
đọc như nghe được trực tiếp chuỗi tiếng hót của con chim. Ở đây, tác giả đã ghi
lại từng nốt nhạc để sắp đặt trọn vẹn một câu thơ mang giọng chim. Mỗi “nốt
nhạc” đều tạo nên giai điệu có độ rung vang khác thường: “triu… uýt… huýt… tu
hìu…”. Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào,
mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kỳ vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng
của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây
cao chót vót” ở trên. Tác giả đã sử dụng lối tả chân, kiệm lời, tạo một bức
tranh tối giản tràn đầy âm thanh, ánh sáng. Khổ thơ đầu đã mở ra và cũng khép
lại bằng bút pháp tả thực, và, nó có quyền đứng độc lập như một bài thơ ba câu
mà Mai Văn Phấn hay viết.
Đến khổ thơ tiếp theo, tác giả đã đặt
bày một không gian khác với nhiều tầng bậc, lối viết rất gần với thủ pháp tượng
trưng. Đây là không gian trong tâm tưởng, hình dung mà có: “Tôi vội vẽ chiếc
lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc
lồng cho con chào mào. Vậy “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng
với mục đích kìm giữ, nhốt “con chào mào” kia chăng? Dĩ nhiên không! Chiếc lồng
của Mai Văn Phấn biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng ông.
Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến/ vuột mất. Đây
là một câu thơ kỳ lạ. Ta thấy từ vựng trong câu thơ đều mang ý nghĩa ràng buộc,
giữ lại, bắt, bó hẹp… nhưng nội hàm câu thơ lại mở ra, trải rộng, bay bổng… Câu
thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không
gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con
chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.
“Vừa vẽ xong nó cất cánh”. Đây chính là
thời khắc nhà thơ và con chào mào hóa thân vào nhau. Xin lưu ý hai hành động
diễn ra gối nhau liên tiếp, nhà thơ “Vừa vẽ xong” chiếc lồng, và con chim bắt
đầu “cất cánh”. Bạn đọc có quyền đưa ra một giả thuyết khác rằng, con chim cất
cánh trước hoặc đồng thời với thời điểm nhà thơ vẽ chiếc lồng, dĩ nhiên điều ấy
sẽ làm cho không gian của nhà thơ và con chim tách rời nhau, đơn điệu, và vẻ
đẹp huyền ảo của thơ ca sẽ sớm trở về hiện thực khô cứng, trần trụi. Mục đích
thẩm mỹ của tác giả, cũng như đích đến của khổ thơ đã không như giả thuyết.
“Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây
xanh hối hả đuổi theo”. Từ đây, tác giả và “nhân vật chính” của câu chuyện bắt
đầu liên tiếp những dịch chuyển, mặc dù bài thơ đã thay đổi không gian từ khi
“vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ”. Đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp
của con chim và tâm thế của tác giả. Cái “khung nắng, khung gió” và
cả “nhành cây xanh” kia chính là chiếc lồng mà nhà thơ đã vẽ ra trong
ý nghĩ ở khổ thơ thứ hai. Hành động “đuổi theo” con chim lúc này cho thấy vẻ
đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa.
“Trong vô tăm tích tôi nghĩ/ Lát nữa
chào mào sẽ mổ những con sâu/ Trái cây chín đỏ/ Từng giọt nước/ Thanh sạch của
tôi”. Khổ thơ này khắc họa khá đầy đủ đời sống sinh động của con chào mào.
Nó thường ăn những con sâu, trái cây chín, uống nước... Nhưng nếu tác giả chỉ
miêu tả đơn giản như vậy thì dĩ nhiên bạn đọc không còn gì để cảm nhận và bàn
luận. Một đời sống thực tế/ dụng trong trường hợp này chính là con đường cụt
của quá trình sáng tạo. Sự thần diệu của đoạn thơ này nằm trong hai cụm từ “trong
vô tăm tích” và “của tôi”. Nội hàm của vô tăm tích ở đây chính là sự vô thủy vô
chung của thiên nhiên, vũ trụ. Có điều lạ là nhà thơ lại “nghĩ”, thực ra là ông
đã nhìn, quan sát kỹ, sống cùng, cảm nhận, nương theo cái “vô tăm tích” bằng vũ
trụ quan của ông. Ở đây lại thêm một lần nữa nhà thơ cho bạn đọc nhìn thấy sự
hòa trộn giữa ông và thiên nhiên được hiển hiện trong đời sống muôn vẻ của con
chào mào. Tất cả những dịch chuyển sống động và bất tận ấy được nhà thơ khảng
định trong câu thơ “Thanh sạch của tôi”. Khái niệm “của tôi” trong
trường hợp này cho thấy hồn vía kẻ sáng tạo đã được chiết ra, gạn lọc lấy những
gì tinh túy nhất, đẹp nhất để “nuôi” chú chim bé nhỏ của ông.
“triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Tác giả đã
cho những thanh âm của thiên nhiên điệp khúc, vang lên lần nữa ở cuối bài thơ.
Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc
lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập,
từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.
“Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy
giờ tôi nghe rất rõ”. Hai câu thơ kết cho thấy “con chào mào” đã bay đi
xa, trở về với thiên nhiên rộng lớn, với thế giới tự do và hồn nhiên của nó.
Tác giả viết rằng “chẳng cần chim lại bay về” bởi ông đã cảm thấy đủ, thấy trọn
vẹn một thiên nhiên tuyệt đẹp trong cõi hồn mình. Câu thơ đa nghĩa cho thấy,
nhà thơ đang tràn đầy hạnh phúc, mong cho con chào mào bay xa, bay cao hơn,
nhưng cũng gợn một chút tiếc nuối dù rất nhỏ. Người viết bài này lại nghiêng
nhiều về sự tiếc nuối, bị ám ảnh bởi tiếng hót con chim mà tôi cũng đã “nghe
rất rõ”.
Bình Định, 7-8-2020
Tuệ Mỹ
Theo http://maivanphan.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét